Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Bài Viết Của
Cái nhìn mới về tôn giáo của các nhà nghiên cứu ở việt nam hiện nay
Đạo Công giáo với vấn đề mê tín và tệ nạn xã hội
NHÀ THỜ XỐI THƯỢNG 100 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Đức Hồng y tiên khởi của Việt Nam: G.M Trịnh Như khuê
Nạn cờ bạc: nguyên nhân và hậu qủa của tệ nạn này
Mấy kỷ niệm về Đức Hồng y Phaolô- Giuse
Quan hệ giữa Nho giáo và Công giáo ở Việt Nam
Văn hoá Việt Nam với đạo Công giáo
QUAN HỆ GIỮA NHO GIÁO VÀ CÔNG GIÁO Ở VIỆT NAM

Nếu tính năm sinh của người sáng lập ra Nho giáo và Công giáo  thì Nho giáo có trước Công giáo cả 5 thế kỷ. Còn nếu tính thời gian các tôn giáo này có mặt ở Việt Nam thì Nho giáo đến trước những 14 thế kỷ. Trong mối quan hệ giữa hai đạo này, nhiều người chỉ biết đó là những tôn giáo đối chọi, loại trừ nhau mà chưa biết chúng cũng có những mối quan hệ gần gũi, thân thiết với nhau. Dưới đây, chúng tôi xin trình bày mối quan hệ của 2 tôn giáo này ở nước ta.

Ai cũng biết, Nho giáo do Khổng Tử  (551-479 tr.CN) sáng lập và vào Việt Nam từ thời quan thái thú Nhâm Diên và Tích Quang, khoảng năm 225. Rõ nhất là với sự xuất hiện của Sĩ Nhiếp, người đã mở trường dạy học ở Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) để truyền bá Nho học. Còn đạo Công giáo do Đức Giê su sáng lập những năm đầu của thế kỷ thứ I. Sử sách nước ta có ghi nhận là năm 1533 có giáo sĩ ngoại quốc đến giảng đạo tại Ninh Cường, Trà Lũ ( thuộc tỉnh Nam Định ngày nay). Nhưng trước khi vào việt Nam , 2 tôn giáo này đã có những va chạm , căng thẳng ở Trung Quốc. Lúc đó, ở Trung Quốc có giáo sĩ  dòng Tên, dòng Phan xicô và dòng Đa minh đến truyền giáo. Các giáo sĩ dòng Tên vốn thoáng hơn và cũng muốn để có nhiều người theo đạo công giáo nên không buộc người theo đạo công giáo phải từ bỏ những nghi lễ thờ cúng tổ tiên, thờ kính Khổng Tử. Vua quan triều đình Bắc Kinh  bấy giờ cũng rất kính nể các giáo sĩ dòng Tên vì họ rất am hiểu nhiều lĩnh vực khoa học và được vời vào triều giúp vua. Ngược lại các giáo sĩ dòng Đa minh, dòng Phan xi cô lại bảo thủ hơn nên cực lực phản đối việc làm của các giáo sĩ dòng Tên cho rằng làm như thế là rối đạo vì việc thờ cúng tổ tiên hay Khổng Tử là một hành vi tôn giáo. Họ cho người báo về Roma, Giáo hoàng Innocentê X  đã ký một sắc lệnh ngày 12-9-1645 cấm không cho người công giáo được tiến hành các nghi lễ thờ cúng tổ tiên và Khổng tử vì như vậy là ngược với giáo lý đạo công giáo. Ai bất tuân sẽ bị phạt vạ… Thấy thế, dòng Tên cũng cho người về Roma thuyết trình cho rằng các nghi lễ thờ cúng tổ tiên, thờ kính Khổng Tử hoàn toàn không mang tính tôn giáo mà chỉ bày tỏ tình hiếu thảo của con cháu với ông bà hoặc với các bậc danh nhân mà thôi. Vị Giáo hoàng mới là Alexandro VII đã xem xét lời đề nghị của dòng Tên nên lại ký một sắc lệnh ngược với tinh thần của sắc lệnh 12-9-1645 nhưng với điều kiện là “trình bày đúng sự thật”. Thế là một cuộc tranh cãi về “nghi lễ Trung Hoa” kéo dài hơn một thế kỷ, qua 10 đời Giáo hoàng và bi kịch đã xảy ra. Ngày 8-4- 1705 khi vị đặc sứ của Toà thánh là Giám mục (sau đó là Hồng y) M. de Tournon đén Trung Quốc và truyền hạ tấm biển có ghi chữ “ Kính Thiên” do chính vua Khang Hy thủ bút treo trên mặt tiền nhà thờ Bắc kinh và công bố Tông hiến Ex illa die của Toà thánh ký ngày 20-11-1704 mà nội dung là cấm dùng chữ Thiên hay thượng đế để chỉ Thiên chúa, cấm treo trong nhà thờ chữ Kính Thiên, cấm cúng tế ông Khổng Tử, ông bà cha mẹ, cấm đặt bài vị trong nhà riêng thì vua Khang Hy lập tức ra lệnh trục xuất các giáo sĩ, triệt phá nhà thờ và cấm dân theo đạo công giáo. Theo số liệu của giáo hội , lúc đó ở Trung Quốc đã có 30 vạn tín hữu công giáo  nhưng sau Tông hiến  Ex illa die thì 90% đã phải bỏ đạo.(1). Nhằm cứu vãn tình thế, Giám mục Bắc kinh lúc đó là A. Mezzabarba đã ra một bản Thông cáo nới rộng 8 điểm ngày 4-11-1721 cho phép cúng tế ông Khổng tử, cho bái lạy, đặt cỗ bàn, hoa trái trước xác người chết…nhưng bản Thông cáo này đã bị Giáo hoàng Clêmente bác bỏ. Đến đời Giáo hoàng Bêndicto XIV, lại thêm một Tông chiếu nữa bác bỏ nghi lễ Trung Hoa vì cho rằng nó hoàn toàn ngược với giáo lý đạo công giáo. Nhiều nhà nghiên cứu của Giáo hội công giáo cho rằng trong điều rủi có điều may. Chính sự cấm đoán đạo công giáo ở Trung Quốc và Nhật Bản lúc bấy giờ mà nhiều giáo sĩ đã phải chạy qua Việt Nam để truyền giáo. Tuy nhiên, lúc đó cũng là giai đoạn bành trướng của chủ nghĩa thực dân. Khẩu hiệu “ Hương liệu, hạt tiêu và các linh hồn’ đã nói lên sự gắn kết giữa chế độ thực dân và đạo công giáo . Cộng với sự khác biệt, đối lập về tín ngưỡng văn hoá, đạo công giáo cũng vấp phải sự chống đối ở Việt Nam. Trong một chiếu thư năm 1804, vua Gia Long viết:” Lại như đạo Gia tô mới xâm nhập vào nước ta, đặt ra thuyết thiên đường, hoả ngục khiến cho kẻ ngu phu, ngu phụ chạy vạy như điên, tiêm nhiễm thành quen mê mà không biết” (2). Còn phong trào Văn Thân mà nhất là cuộc khởi nghĩa năm Giáp Tuất 1874 do Trần Tấn, Đặng Như Mai, Trần Quang Cán lãnh đạo đã đưa ra khẩu hiệu “ Bình Tây, sát tả” và ra lời hịch kêu gọi như  sau:

“Than ôi, đạo dối Giê su đã xâm nhập vào nước ta, lời cầu nguyện của họ chỉ tin vào Chúa trời và Thánh thần

Giáo lý của họ dạy rằng trên trái đất này chẳng có vua, chẳng có cha mẹ.

Lập luận của họ vừa vô lý vừa ngược đời

Tư cách của họ đầy rẫy sự kiêu ngạo. Họ cướp đoạt đất đai phì nhiêu để xây dựng nhà thờ cho đạo dối.

Về mặt đạo lý họ tìm cách làm băng hoại nước ta để biến nước ta thành nước công giáo. Họ làm nhục đạo lý Khổng Mạnh “(3).

Nhà Nho và cũng là nhà thơ lớn của Việt Nam hồi thế kỷ XIX Nguyễn Đình Chiểu đã từng  thốt lên lời nguyền rất kiên quyết của Nho gia với đạo công giáo:  “Thà đui mà giữ đạo nhà, còn hơn có mắt ông cha không thờ”.

Trong tình hình lúc đó, dĩ nhiên các giáo sĩ đến nước ta truyền đạo cũng không thể đi xa hơn lập trường của giáo hội công giáo bấy giờ. Họ cũng lên án Nho giáo cho đó là tà đạo. Alexandre de Rhodes tên Việt thường gọi là Đắc Lộ ( 1593-1660), một người rất có tư tưởng tiến bộ trong hàng giáo sĩ ngoại quốc có mặt tại Việt Nam bấy giờ. Ông có nhiều công lao trong việc xây dựng lên chữ quốc ngữ. Mặc dù đến từ ngoại quốc nhưng ông không kỳ thị nước lạc hậu mà lại luôn khen ngợi đất nước, con người Việt Nam. Ông viết :” Có một điều rất thông dụng đó là sự trân trọng Hán học. Không có người nào dù cao trí hay thấp kém mà không cho con cái theo học bí mật của chữ từ khi nhỏ tuổi. Vì thế trong nước này, người nào cũng biết vọc vạch một vài chữ và không ai là hoàn toàn mù chữ”(4). Một giáo sĩ khác là F.Buzomi , người Italia, đặt chân lên xứ Đàng Trong rất sớm, ngày 18-1-1615 cũng có những nhận xét tốt về đất nước này, ônng viết:” Nhờ Khổng giáo, xã hội và gia đình Việt Nam đã có một tổ chức rất cao, người dân Việt Nam có những đức tính, phong tục rất đáng khâm phục, nó đã giúp rất nhiều vào công cuộc truyền giáo”. F.Buzomi viết tiếp:” Người Việt không nghiêng về văn chương, tính tình không thâm hiểm như người Tàu. Họ không quá nghiêng về quân bị , tính tình không độc ác như người Nhật, dễ nghe, dễ tin và nhiều mê tín nhưng người dân Việt dễ nhận ra lẽ phải, không kiêu căng hay tự  tin như người Tàu “(5). Có những người đã đặt ra những câu hỏi rất tiến bộ là :” Tôi biết bởi đâu, đất nước này rất đẹp lại không được biết tới. Bởi đâu các nhà địa lý châu Âu không biết đến tên gọi và gần như không ghi trong bản đồ nào cả, tuy họ chép đầy đủ tên các nước trên thế giới” (6).

Trở lại quan niệm của đạo công giáo với Nho giáo ở Việt Nam, mặc dù có những tư tưởng tiến bộ như trên, nhưng do đứng trên lập trường của Giáo hội bấy giờ, nên các giáo sĩ cũng đều cho Nho giáo cũng như các tôn giáo khác ở Việt Nam lúc đó như Phật giáo, Lão giáo là đạo dối, là tà đạo cả. Trong một cuốn sách viết bằng chữ quốc ngữ sớm nhất “Phép giảng tám ngày”, in ở Roma năm 1651, A. Rhodes viết:” Song le Đại minh vốn có thể phân ra ba đàng cả… Đàng thứ nhất là đàng về kẻ hay chữ gọi là đạo Nho. Đàng thứ hai là đàng kẻ thờ quỷ mà làm việc dối , gọi là Đạo. Đàng thứ ba là đàng kẻ thờ Bụt gọi là đạo Bụt. Sự đàng sau bởi nước India mà ra”(7). Các giáo sĩ cho rằng Khổng Tử là một triết gia đáng kính nhưng có tôn kính thì cũng như tôn kính thày giáo mà thôi cho nên có thẻ bỏ mũ nón, cúi đầu bái chào chứ không được thờ lạy vì Khổng Tử không phải là một thánh nhân , theo logic của các giáo sĩ thì nếu là thánh nhân đương nhiên phải biết Đức chúa trời dựng lên trời đất muôn vật. A. Rhodes viết:” Người Đàng Ngoài gọi ông là thánh nhân, nhưng vô lý và trái lẽ vì như chúng tôi đã thuyết phục họ. Bởi vì theo tôi, nếu người được gọi là thánh nhân thì Ngài phải biết Đức chúa trời dựng lên trời đất” (8).

Trong một lá Thư chung nói về ác việc dối trá của Giám mục Pierre Marie Đông viết bằng chữ Nôm ở thế kỷ XVIII có ghi rõ: Những đối tượng không được thờ cúng là ma quỷ ,những đấng sáng lập ra đạo khác như Đức Khổng Tử, Đức Phật, ông bà ông vải ; cấm đến đền chùa, đình làng có thờ thần, không được bày cỗ cúng với xác tín rằng người chết về ăn của cúng; không được tin mồ mả đất cát, hướng nhà, bói toán may rủi…Bên công giáo cũng lưu truyền một cuốn sách có tên là “Hội đồng tứ giáo” viết bằng Hán Nôm nhưng được dịch ra chữ quốc ngữ và tái bản nhiều lần, 15 lần ở nhà in Tân Định trong khoảng những năm 1887-1915 và 12 lần in ở Thái Bình năm 1953. Nội dung nói về cuộc tranh luận của đại diện 4 tôn giáo lúc đó là Nho, Đạo. Phật và đạo Chúa tức Công giáo về ba vấn đề lớn là con người ở đâu ra? Sống phải làm gì? và chết đi về đâu? Đại diện Nho giáo dựa theo thuyết Thái cực cho rằng vạn vật do âm dương tán tụ mà thành, sống ở đời phải tu theo ngũ đức, nhân nghĩa lễ trí tín, phải giữ ngũ luân , quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu. Cò nếu sống là tụ thì chết sẽ là tán tức chết là hết không đi về đâu cả .Đại diện công giáo là hai linh mục trình bày vấn đề theo giáo lý của đạo cho rằng mọi vật trên trái đất kể cả con người đều do Chúa  dựng lên, người công giáo phải giữ Thập giới (10 điều răn), phải giữ Thất quy ( 7 phép Bí tích) và 4 điều sau hết là sự chết, sự phán xét, Thiên đàng và Địa ngục. Sau đó đại diện công giáo lại đưa ra lập luận sắc sảo theo lối tam đoạn luận để bác bỏ những giáo lý của các tôn giáo khác trong đó có Nho giáo về những vấn đề nêu ra. Chẳng hạn Nho giáo nói chết là hết vậy mà còn có câu “hồn khí quy vô thiên”? Hay Nho giáo quan niệm là phúc đức do chính bản thân tu luyện mà có vậy tại sao còn bảo “phúc phận tại thiên”?…Cuố cùng, chỉ có lý lẽ của đạo công giáo là thuyết phục và đáng tin. Dĩ nhiên, ngày nay ngay các nhà nghiên cứu công giáo cũng nghi ngờ tính chân thực của tác phẩm này và cho rằng đó là loại sách minh đạo có tính hư cấu và nhiều quan niệm rất sai lạc nhất là đối chiếu với tinh thần công đồng Vaticanô 2 . Nhưng dù sao nó cũng nói lên được mối quan hệ giữa công giáo và Nho giáo ngày ấy (9).

Như vậy có thể thấy thái độ bài xích, phủ nhận của công giáo đối với Nho giáo ở Việt Nam nhất là giai đoạn ban đầu mới du nhập . Đương nhiên Nho giáo cũng chẳng thể mặn mà gì với công giáo. Song nếu chỉ có thế thì chẳng có gì đáng nói. Giữa Nho giáo và Công giáo ở Việt Nam còn có một quan hệ gắn bó thân thiết nữa.

Trước hết là những nhận xét tích cực của các giáo sĩ công giáo về Nho giáo mà chúng ta đã trích dẫn ở phần trên. Sau nữa, nếu tìm hiểu kỹ, ngay một tên gọi của đạo công giáo rất hay dùng là Thiên chúa giáo cũng có liên quan đến Nho giáo. Tại trung Quốc khi dịch từ Deus  là tiếng Latinh chỉ Đấng tạo thành vũ trụ, người ta không biết dùng từ gì cho thích hợp nên gọi là Teou-se (không có nghĩa, giống như ở Việt Nam có lúc dịch là Chúa Dêu). Ba từ khác có nghĩa gần là Thiên Chủ, Thượng Đế và Thiên nhưng từ  thứ hai Thượng Đế thì Nho giáo đã dùng để chỉ Trời rồi còn chữ Thiên thì chỉ mang nghĩa bầu trời xanh thôi nên các giáo sĩ đã chọn từ Thiên Chủ. Từ này được du nhập vào Việt Nam. Hiện ở thư viện Vatican còn lưu một bức thư  viết năm 1630 do giáo dân viết gửi Toà thánh có ghi :” Tự Thiên chủ giáng sinh chí kim nhất thiên lục bát tam thập niên”(10). Năm 1584, khi giáo sĩ Ruggiori viết cuốn giáo lý có nhân đề “Thiên chúa thực lục chính văn” , rồi đến năm 1603, Ricci Mattheo cho phát hành cuốn “ Thiên chúa thực nghĩa” thì danh từ Thiên chúa được chính thức thừa nhận. Một số học giả giải thích rằng, chữ “chủ” mới bao hàm người đứng đầu, người cai quản, còn chữ “chúa”  có thêm cả nghĩa người được tôn thờ nữa ví dụ ngày chủ nhật là ngày đầu tuần, còn ngày chúa nhật là ngày của Chúa, ngày tôn thờ Chúa.

Ngày nay người ta đã tìm thấy khá nhiều tài liệu qua các sách vở, thư từ của các giáo sĩ công giáo, dù đến từ phương Tây nhưng lại khá am tường về triết lý Khổng Mạnh. Đây là một điều rất đáng quan tâm. Chẳng hạn Giám mục Hermosile, năm 1858 đã gửi một Thư chung cho giáo dân địa phận Đông Đàng Ngoài, trong đó có viết:” Phép nhất phu nhất phụ trong ba giềng mối quan hệ hất trong thiên hạ quen gọi là tam cương là vua vuối kẻ bầy tôi, chồng vuối kẻ làm vợ, cha vuối kẻ làm con, hệ luỵ giềng mối tháo thứ thì thiên hạ loạn lạc, khổ sở cùng các giống tội lỗi khác, chẳng tệ nào bằng…” Rồi dựa vào nguyên tắc xử thế “tu thân , tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Nho giáo, lá thư viết tiếp:” Suy bấy nhiêu điều thì biết tỏ bậc phu phụ ca hệ là nhường nào, dù kẻ làm vua muốn trị một nước, thì trước nên sửa sang cửa nhà mà hệ vợ chồng sửa sang bậc mình cho phải phép, phải đạo vợ chồng thì gia đình được bằng yên, con cái sẽ học nết cha mẹ, trong nhà sẽ giữ việc hiếu, ra ngoài sẽ biết giữ điều hoà mục thì biết lợi ích thiên hạ là dường nào”(11). Nhiều bản kinh bên đạo công giáo cũng dùng bằng chữ Hán  như “Kinh cầu đức Bà” quen gọi là kinh “Phục dĩ chí tôn” là một áng Hán văn rất nổi tiếng được nhiều nhà Nho ca ngợi. Điều lý thú là mặc dù các giáo sĩ công giáo qua nhiều thế hệ đẫ cùng với một số người Việt Nam hoàn thiện quá trình latinh hoá chữ Việt thành chữ quốc ngữ được hiều nhà chí sĩ yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX hết sức cổ vũ, tán dương nhưng chính đạo công giáo cũng là nơi duy trì, bảo tồn chữ Hán, chữ Nôm chứ không phải triệt phá những chữ truyền thống này như có người nghĩ. Ngay cả khi Thống sứ Bắc Kỳ, năm 1910 ra quy định bắt buộc các đơn từ phải dùng chữ quốc ngữ, các kỳ thi cũng phải dùng chữ quốc ngữ thì Giám mục Pierre Munaggori (tên Việt là Trung) ở Bùi Chu  vẫn gửi một thư đề ngày 7-10-1910 kê những sách mà chủng sinh phải học gồm Ngũ thiên tự, Tam thiên tự , Nhất thiên tự, Nam sử lược,Từ hàn, Cửu chương và ghi thêm:” ấy là những sách Thày chỉ phải học, còn khi cậu nào đã học đủ các sách ấy rồi, có muốn học sách khác thì mặc ý. Cộng đến cuối kỳ thi khảo,  thì cứ những sách Thày ghi trên này mà ra bài thơ, phú, tuỳ bài văn sách, lại khi ấy cũng phải làm một bản từ hàn nữa tuỳ nghi (12). Giám mục P.M Gendreau (tên Việt là Đông) cũng đã cho xuất bản khoảng 40 tác phẩm bằng Hán Nôm và chỉ thị cho các xứ phải tìm những thày đồ dạy cho học sinh , còn các tiểu chủng viện phải học mỗi tuần một tiết chữ Hán. Bên công giáo cũng để lại một kho tàng Hán Nôm đồ sộ với đủ thể tài như Truyện, Thư từ, Từ điển, Câu đối, ca vè…Riêng linh mục Majorica đã soạn tới 42 tác phẩm “ Các Thánh truyện” với khoảng 1.200.000 chữ được viết trong khoảng 1632-1656 và hiện vẫn còn lưu giữ ở Thư viện quốc gia Paris (Bibliotheque Nationale de Paris). Viện nghiên cứu Tôn giáo vừa tổ chức cuộc hội thảo khoa học “Tư liệu Hán Nôm viết về công giáo “ hồi cuối tháng 5-2003 cũng đã khẳng định điều đó.

Một khía cạnh khác là có rất nhiều người công giáo kể cả linh mục, giám mục cũng đã xuất thân từ “cửa Khổng sân Trình”. Có thể kể ra những tên tuổi như Nguyễn Trường Tộ (1830-1871). Mặc dù phải sống trong hoàn cảnh rất phức tạp, triều đình nhà Nguyễn cấm đạo gắt gao nhưng ông vẫn gửi lên triều đình 58 bản điều trần tâm huyết những mong canh tân đất nước. Nhiều vấn đề ông nêu vẫn còn có tính thời sự đến hôm nay như vấn đề chống tham nhũng, buôn lậu. Cùng thời điểm này còn có các nhà cải cách như linh mục Đặng Đức Tuấn (1806-1874) cũng dâng lên triều đình bản “Minh đạo bình Tây sách”, rồi “ Hiến bình Tây sách”…Rồi sĩ phu Đinh Văn Điền ở Ninh Bình cũng hiến kế “ Đặt doanh điền, đóng tàu thuỷ, khai mỏ vàng,lập ra Ty bình chuẩn để lưu thông hàng hoá…” Một câu hỏi được đặt ra, phải chăng vì là người công giáo nên dù là nhà nho, những vị trên vẫn không bị ràng buộc bởi tư tưởng phong kiến bảo thủ của vua quan nhà Nguyễn bấy giờ? Lịch sử cũng ghi nhận nhiều tấm gương yêu nước của các linh mục, giáo dân nhưng vốn theo nho học. Linh mục Đậu Quang Lĩnh (1867- 1919) ở Hà Tĩnh vốn thạo Hán văn nên được Nhà chung giao cho việc dịch các tác phẩm của Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi để giáo hội tham khảo. Khi tham gia Duy tân hội của Phan Bội Châu, ông bị bắt và bị đày đi Côn Đảo 9 năm. Cai ngục hỏi ông: Sao đã là linh mục rồi mà còn đi làm giặc? Ông khẳng khái trả lời bằng một câu đối:

Vì người da trắng ư? Sống trên giảng đài, nơi pháp trường, khi ngọt, khi cay, khi sấm sét chỉ là phận công dân đều trách nhiệm.

Đều giống da vàng cả! Vô số bậc nhân thân chí sĩ, bị đày, bị tù, bị đổ máu, lẽ nào bọn chúng tôi không biểu đồng tâm.(13).

Điều rất đáng ghi nhận là dù là giáo sĩ cao cấp như Giám mục Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948) nhưng văn phong, lối sống của họ vẫn giữ được cốt cách của một nhà Nho. Vị Giám mục này đã từng ủng hộ cả dây chuyền vàng cho chính phủ kháng chiến, được Hồ Chí Minh mời ra làm cố vấn cho chính phủ. Giám mục Hồ Ngọc Cẩn đã viết cả trăm tác phẩm trong đó có cuốn “Triết nhân tri kỷ” thấm đẫm triết lý phương Đông. Tại đây có thể gặp rất nhiều câu quen thuộc “ sinh ký tử quy”, “ Vô nguyên nhân bất thành công hiệu”…

Ngược lại , nhiều nhà Nho cũng đã có tìm hiểu về đạo công giáo và có nhiều nhận định khá xác đáng. Nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) khi đi sứ Trung Quốc năm 1760, ông đã có điều kiện tiếp xúc với những giáo sĩ công giáo ở đây và viết khá kỹ về họ trong “ Vân đài loại ngữ” với lòng khâm phục. Ông viết :” Năm Vạn Lịch thứ 30 (1602) đời vua Minh Thần Tông, có người nước đó tên là Lợi Mã Đậu cùng với đồng bọn…năm sáu người từ Quảng Đông vào đất Mân, lên Kim Lăng, tự xưng là người Âu La Ba, đường xa mười vạn dặm, vượt biển chín năm mới tới nơi. Họ đưa cho xem thiên lý kinh, đồng hồ báo thức, hồn thiên nghi, lượng thiên xích, câu cổ pháp, phép tính thời gian, phép đo độ số, phép xem bóng mặt trời, phép xem sao. Họ bàn về lý khí, lịch số rất tinh tường, được các quan lớn ở tính tôn trọng gọi là Tây nho, là Tây thổ thánh nhân. Do đó họ được tư giấy về Bắc Kinh để tiến cử lên vua” (14). Ông nói về giáo lý của đạo công giáo khá chính xác:” Nước Đại Tây dương về phía Tây Trung Quốc cách xa sáu vạn dặm. Tên đất gọi là âu Hải quốc… nhân dân đều thờ Thiên chúa, không ai biết ở Trung Quốc có đạo Hồi, đạo Thích, đạo Lão. Thiên chúa là chúa tể trước tiên, sỉnh ra người, sinh ra vật. Họ làm miếu để thờ chung” (15).

Một nhà Nho yêu nước nổi tiếng giai đoạn cận hiện đại là Phan Bội Châu (1867-1940) cũng có những quan niệm rất tiến bộ về công giáo so với những nhà nho đương thời nhất là nhóm Văn Thân.Ông viết :” Đồng bào công giáo đều là anh em ta cả… Mờy mươi năm nay , người Pháp nghiêm hình trọng phạt, có một thứ nào rộng rãi cho người Datô đâu! Tiền sưu, tiền thuế bao nhiêu không hề bớt  một đồng nào cho người theo đạo công giáo cả” (16). Chính vì vậy ông chủ trương kêu gọi lương giáo đoàn kết. Nhiều người công giáo đã gia nhập tổ chức Duy tân hội của ông như Mai Lão Bạng, Lê Khanh, các linh mục Nguyễn Tường, Đậu Quang Lĩnh, Nguyễn Thần Đồng…Ông cũng khẳng định: “ Giáo dân nào không chịu giúp người Pháp để làm hại nước Việt Nam mới là dân của  Chúa Cứu thế, mới là đồng bào của nước Việt Nam” (17). Khi chữ quốc ngữ ra đời, nhiều học giả vốn là Nho gia lại hết sức ủng hộ việc truyền bá thứ chữ này. Nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm đã nhận xét:” Các giáo sĩ người Âu đã đặt ra chữ quốc ngữ, chủ ý là có được một thứ chữ để viết tiếng ta cho tiện và dùng trong việc truyền giáo cho dễ. Không ngờ rằng, vị thế lịch sử xui khiến, chữ ấy nay đã thành thứ văn tự phổ thông của cả dân tộc Việt Nam. Đành rằng, cũng như các công trình do người ta sáng tạo ra, thứ chữ ấy cũng có vài khuyết điểm, nhưng ta nên nhận ngay rằng ở trên hoàn cầu này không có thứ chữ nào tiện lợi và dễ học bằng thứ chữ âý “ (18). Sự tiện lợi của chữ quốc ngữ đã được thực tế chứng minh. Muốn đọc thông viết thạo chỉ cần vài tháng học chữ. Còn nếu muốn học được tối thiểu 1200 chữ Hán để đọc được, viết được phải mất  một năm đèn sách. Chữ Nôm còn khó hơn nữa. Vì vậy trong chiến dịch chống giặc dốt từ năm 1946 đến 1954 đã có 10 triệu người được xoá nạn mù chữ. Cho nên dễ hiểu vì sao các chí sĩ của nhóm Đông kinh nghĩa thục đã coi việc dùng chữ quốc ngữ là một trong sáu kế sách để mở mang dân trí. Nhóm này kêu gọi :” Gần đây mục sư người Bồ Đào Nha chế ra chữ quốc ngữ, lấy 20 chữ cái châu Âu, phối hợp với 6 âm, 11 vần đánh theo lối hoà thanh mà đạt tiếng ta rất là giản dị nhanh chóng. Phàm người trong nước, đi học nên lấy chữ quốc ngữ để ghi việc đời xưa, chép việc đời nay và thư từ thì chuốt lời và đạt ý. Đó thật là bước đầu trong việc mở mang trí khôn vậy “ (19).

Một người cũng học sách thánh hiền và trở thành người cộng sản , và là lãnh tụ của đảng cộng sản Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có hàng trăm bài viết về đạo công giáo. Ông thấy rõ giá trị nhân văn của đạo công giáo, đó là lòng bác ái cao cả và nguyện xin làm người “học trò nhỏ” của các vĩ nhân thế giới trong đó có Chúa Giê su. Ông cũng thấy được truyền thống yêu nước của người theo đạo, biết chăm lo đến nhu cầu của các tín đồ để tập hợp , đoàn kết họ lại trong lực lượng cách mạng. Người viết:” Tín đồ Phật giáo tin ở Phật; tín đồ Gia tô tin ở Đức Chúa trời; cũng như chúng ta tin ở đạo Khổng. Đó là những vị chí tôn chúng ta tin tưởng. Nhưng đối với dân, ta đừng có làm gì trái ý dân. Dân muốn làm gì ta phải làm nấy” (20).

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Nho giáo không còn là ý thức hệ của tầng lớp lãnh đạo nữa và Nhà nươc  cũng chủ trương bình đẳng giữa các tôn giáo. Về phía công giáo cũng có sự canh tân nhất là sau công đồng Vaticanô 2, giá trị các tôn giáo khác, các nền văn hoá khác đều được tôn trọng chứ không bị kết án loại trừ như trước đây. Đồng thời giáo hội luôn cổ vũ cho tiến trình đối thoại với các tôn giáo, các nền văn hoá. Đó là một quan điểm tiến bộ, phù hợp với xu thế của thời đại. Tuy nhiên, việc nghiên cứu quan hệ giữa Nho giáo và đạo công giáo ở Việt Nam cũng cho ta thêm một lý do để hiểu vì sao cùng bị ảnh hưởng của Nho giáo như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản mà tại Việt Nam, tôn giáo này vẫn bám được khá nhanh và phát triển mạnh trở thành nước có số tín đồ lớn ở Đông Nam châu á chỉ sau Philippin và Đông Timor.

Hà Nội, ngày 10-8-2008

T.S Phạm Huy Thông

Chú thích:

1-    Bùi Đức Sinh: Lịch sử Giáo hội, tập 2, NXB Chân Lý, SG.1972, tr.135

2-    Đại nam thực lục chính biên, Nxb Sử học H. 1963, tr.168

3-    Dẫn theo Đỗ Quang Hưng: Lịch sử đạo Thiên chúa ở VN, ĐHTH Hà Nội,1991, tr.56

4-    A.Rhodes : Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Tủ sách Đại kết 1994, tr.27

5-    Dẫn theo Nguyễn Hồng: Lịch sử truyền giáo ở VN, tập 1, Hiện tại, SG 1959, tr.57

6-    A.Rhodes : Hành trình truyền giáo , Tủ sách đại kết 1994, tr.62

7-    A.Rhodes: Phép giảng tám ngày, Tủ sách đại kết 1993, tr.104-105

8-    A. Rhodes : Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, sdd, tr.39

9-    Xem Nguyễn Hưng: Sơ thảo thư mục Hán Nôm công giáo VN, Lưu hành nội bộ năm 2000, tr.184

10-  Dẫn theo Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo số 6-2001, tr.30

11-  Những thư chọn trong các thư chung, Nhà in Kẻ Sặt 1903, tập 2

12-  Dẫn theo Nguyễn Hưng, sdd, tr.213

13-  Thi tù tùng thoại, Nxb Tiếng Dân, Huế 1939 (bản dịch của Huỳnh Thúc Kháng)

14,15- Theo Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo số 6-2001

16,17- Phan Bội Châu: Việt Nam quốc sử, Nxb Văn Sử Địa, H.1958, tr.80 và 83

18- Việt Nam văn học sử yếu, SG.1960, tr.180

19- Văn tuyển văn học Vn 1858-1930, Nxb Giáo dục 1980, tr.180

20- Hồ Chí Minh, toàn tập, tập IV, H.1985,tr.148.

Tác giả:

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!