Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Bài Viết Của
Cái nhìn mới về tôn giáo của các nhà nghiên cứu ở việt nam hiện nay
Đạo Công giáo với vấn đề mê tín và tệ nạn xã hội
NHÀ THỜ XỐI THƯỢNG 100 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Đức Hồng y tiên khởi của Việt Nam: G.M Trịnh Như khuê
Nạn cờ bạc: nguyên nhân và hậu qủa của tệ nạn này
Mấy kỷ niệm về Đức Hồng y Phaolô- Giuse
Quan hệ giữa Nho giáo và Công giáo ở Việt Nam
Văn hoá Việt Nam với đạo Công giáo
NHÀ THỜ XỐI THƯỢNG 100 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

GIÁO PHẬN BÙI CHU - GIÁO XỨ TƯƠNG NAM - GIÁO HỌ XỐI THƯỢNG 

Mở đầu

Từ thành phố Nam Định đi qua cầu Đò Quan, dọc theo đường số 21 đến thị trấn Cổ Lễ (khoảng 16km) nhìn về hướng tây, bên phải khoảng 1km sẽ thấy ngôi nhà thờ cổ kính với hai tháp chuông cao sừng sững giữa cánh đồng lúa mênh mông xanh thẳm - Đó là nhà thờ Họ Xối Thượng - Xứ Tương Nam được xây dựng cách đây 100 năm vào năm 1909, trên địa danh làng Xối Thượng - Tổng Liên tỉnh - Nam Trực (cũ).

Thánh Gioan tông đồ là Quan thầy giáo họ Xối Thượng. Ngài sinh khoảng năm thứ 6 SCN (kém Chúa Giêsu 6 tuổi), là em của Thánh Giacôbê, con của ông Giêbêđê. Ngài qua đời khoảng năm thứ 100 SCN tại Êphêsô vùng Tiểu Á. Ngài là môn đệ trẻ nhất trong số 12 tông đồ của Chúa, được Chúa yêu quý cách riêng. Ngài có một vị trí nổi bật trong số các tông đồ.

Thánh Gioan là tác giả của một số sách: Phúc âm, Thư tín và Khải huyền. Ngài và Thánh Phêrô đã được sai vào thành phố để thực hiện các việc chuẩn bị cho bữa ăn tối cuối cùng (Lc 228). Trong bữa ăn Ngài được ngồi bên cạnh và ngả đầu vào ngực Chúa Giêsu (Ga 13,23-25). Ngài cũng là môn đệ duy nhất đứng dưới chân Thánh giá trên đồi Calvariô cùng với Đức Mẹ Maria và các phụ nữ khác. Ngài cũng đã đón Đức Mẹ Maria về chăm sóc theo như lời trối của Chúa (Ga 19,25-27).

Thánh Gioan và Phêrô là 2 người chạy về hướng lăng mộ và chính Ngài là người đầu tiên tin rằng Chúa Giêsu thực sự đã sống lại (Ga 20,2-10).

Hàng ngày, sáng, trưa, chiều, tối cách xa hàng mấy cây số dân cư trong vùng nghe thấy tiếng chuông ngân vang, đổ hồi thay tiếng loa của Thánh Thiên thần kêu gọi mọi người đọc kinh thờ phượng Chúa trong đức tin, đức cậy, đức mến.

Tiếng chuông thánh thoát mang Tin mừng đến mọi nhà trong những ngày lễ mừng Chúa Giáng sinh, lễ Phục sinh, lễ kính Thánh Gioan quan thầy, lễ kính Đức Mẹ và các ngày lễ trong năm...

Tiếng chuông gần trăm năm nay thay đồng hồ nhắc nhở mọi người hăng say làm việc, lao động, nghỉ ngơi, trẻ con đến trường đi học...

Tiếng chuông cầu hồn từng tiếng nghẹn ngào thông báo tin buồn, xin giáo dân cầu nguyện cho linh hồn người mới qua đời.

Tiếng chuông đã đi vào kỷ niệm khó phai trong tâm hồn của bao người xa quê, ở khắp mọi miền đất nước và nước ngoài, luôn hướng về quê hương với nỗi niềm thao thức: vui, buồn và thương nhớ.

Hôm nay những thế hệ con cháu đang sống ở quê hương, mọi miền đất nước và nhiều nước trên thế giới hướng về ông bà, tổ tiên với lòng thành kính biết ơn, tri ân những người đã không tiếc công, tiếc của xây dựng, bảo tồn Nhà thờ họ Xối Thượng - một tài sản vô giá cho muôn đời. Xin Chúa, Đức Mẹ Maria và Thánh Gioan Quan thầy cầu bầu cho những người đang sống và đã qua đời ở khắp mọi miền đất nước và trên thế giới. Chúng ta hãy cùng nhau ôn lại những ngày ấy.

 

A - NHỮNG NGÀY ĐẦU SƠ KHAI

Xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định - mảnh đất có truyền thống lâu đời, ngàn năm văn hiến. Xưa kia nơi đây là biển, sông Hồng mang phù sa màu mỡ bồi đắp. Cha ông ta với bao công sức đắp đê lấn biển để xây dựng làng ấp. Vào đời Trần thế kỷ 13 vùng đất này có tên là Tây Chân thuộc Phủ Thiên Trường (Nam Định ngày nay). Sau đổi thành Nam Chân. Đến đời Minh Mạng thứ 14 vào năm 1833 tách Nam Chân thành hai huyện: Nam Chân và Chân Ninh. Đến năm 1890 đổi thành Nam Trực và Trực Ninh.

Theo các tư liệu lịch sử, Đạo Công giáo được truyền vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 17, do các thừa sai dòng Tên (Bồ Đào Nha). Lúc này Tòa thánh Vatican giao việc truyền giáo vào Việt Nam cho Hội truyền giáo nước ngoài Pari. Người có công rất lớn với dân tộc Việt Nam, góp phần tạo ra chữ Việt từ mẫu Latinh trở thành chữ Quốc ngữ ngày nay là Cha Alexanre de Rhodes còn gọi là Cha Bá Đa Lộc hay Cha Đắc Lộ. Cha là người Pháp đã sống ở Việt Nam gần 10 năm (khoảng từ tháng 12 năm 1624 đến 12-1645). Ngoài ra cha còn để lại nhiều tác phẩm có giá trị như Từ điển Việt - Bồ - La, hành trình truyền giáo, lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Phép giảng Tám ngày... Lịch sử đã ghi nhận Giáo phận Bùi Chu là một trong những nơi đạo Thiên Chúa được truyền vào từ cách đây hơn 470 năm (hiện nay có hơn 400.000 giáo dân) (theo báo Hà Nội mới - trang 7 ra ngày 6/9/2008). Điều này chứng tỏ họ giáo Xối Thượng cũng được hình thành rất sớm.

Trước khi xây nhà thờ khang trang như ngày nay, nơi đây đã tồn tại một nơi thờ phượng Chúa mà tương truyền đã có 2 ngôi nhà thờ nhỏ.

Việc tìm thấy hài cốt của 14 vị tử đạo ở cuối nhà thờ vào năm 2000 là một minh chứng hùng hồn về đức tin vĩnh hằng vào Thiên Chúa, về lịch sử đạo Công giáo đã gieo mầm, đâm chồi nảy lộc từ lâu ở xóm đạo này.

Vào thế kỷ 17, giáo đoàn Bùi Chu đã phát triển đông giáo dân. Nhà cầm quyền lúc đó không mấy khi để giáo dân được yên bề sống đạo. Lệnh truyền cấm đạo được ban hành vào năm thứ 7 đời Cảnh Tự ngày 16/5 (14/6/1669) (xem Kỷ yếu giáo phận Bùi Chu 1999 - trang 35) và được thực thi triệt để ở Bùi Chu vào năm 1675. Năm 1682 cha Gioan Desantaruz Thập, Ngài quản nhiệm truyền giáo ở 5 huyện: Giao Thủy (Xuân Trường), Nam Chân (Nam Trực), Chân Ninh (Trực Ninh), Thanh Quan (Thái Bình) và Vũ Tiên. Từ những năm 1710 cho mãi tới sau, liên tiếp với những lệnh truyền, sắc chỉ cấm đạo. Các hình thức xử phạt man rợ hơn như: đập đầu gối, thích chữ vào trán, gông cùm, tra tấn và xử tử. Nhất là chỉ dụ cấm đạo năm 1721 gây thiệt hại lớn cho giáo dân Bùi Chu. Lịch sử Công giáo còn ghi tiếp, cách đây 200 năm vào tháng 8/1798 từ Phú Xuân (Bình Định) vua Cảnh Thịnh thời Tây Sơn ra tiếp sắc chỉ cấm đạo, hạ lệnh bách hại gắt gao. Cơn bách hại đột ngột và dữ dội tại khắp các tỉnh phía Bắc. Đến đời vua Minh Mạng, một ông vua khét tiếng độc đoán, coi Công giáo như cái họa cần nhổ tận gốc. Ngày 6/1/1833 và ngày 25/1/1833 hai chiếu chỉ cấm đạo được ban hành, có đoạn viết: “Trẫm cấm không được mở cửa biển cho tàu bè của bọn man rợ vào nước. Chỉ trừ cửa Hàn. Hễ bắt được Tây dương đạo trưởng nào trên tàu khách vào nước, thì phải đem xử tử ngay... Xử tử tất cả những kẻ nào, giữ bọn đạo trưởng ấy trong nhà mình. Hễ bắt được đạo trưởng ẩn nấp trong địa hạt nào, thì quan địa hạt ấy cũng phải xử tử như vậy, vì lẽ đã không tìm cách bắt lấy” (xem Kỷ yếu giáo phận Bùi Chu 1999 - trang 86).

Sau đó việc cấm đạo lại diễn ra dưới thời vua Tự Đức, ông sinh vào ngày 22/9/1829, lên ngôi năm 19 tuổi ngày 10/11/1847 và mất ngày 19/7/1883. Vua Tự Đức thông minh, uyên thâm nho học, giỏi thi phú... nhưng độc đoán, nghi kỵ và thiếu kiên quyết. Với chính sách “bế quan tỏa cảng”, cấm đạo công giáo triệt để, ngoại giao lỗi thời và thiếu khôn khéo dẫn đến nước mất, nhà tan, dân tộc anh em giết hại, tàn sát lẫn nhau. Sử gia Trần Trọng Kim đã viết “Sức không đủ giữ nước mà lại làm những điều tàn ác, không cho người ngoại quốc vào buôn bán, lại còn đi làm tội những người giảng đạo. Bởi thế nước Pháp và nước Iphanho mới nhân cơ hội ấy mà đánh nước ta...” (xem Kỷ yếu giáo phận Bùi Chu 1999 - trang 106). Những cuộc tàn sát tập thể, phân sáp, tra tấn, tù tội, có những làng công giáo không còn dân số. Họ giáo Xối Thượng khi ấy cũng chung số phận với giáo phận mà thi thể các vị tử đạo tìm thấy trong khuôn viên nhà thờ chịu tử đạo dưới thời vua Tự Đức là số ít trong số hàng ngàn tử đạo thời bấy giờ.

Theo thẻ chì tìm thấy trong từng hài cốt, các ngài gồm:

1. Gioan Vỵ

2. Gioan Loan

3. Gioan Đẩu

4. Gioan Bửu

5. Gioan Huyền

6. Gioan Liên

7. Maria Tác

8. Maria Chất

9. Gioan Hậu

10. Gioan Quyến

11. Gioan Giám        

12. Gioan Tâm

13. Gioan Quang

14. Gioan Tứ

 

Tương truyền rằng thi hài của các Ngài đã được giáo dân cất giấu, mai táng di chuyển qua nhiều nhà thờ, nhiều vùng và cuối cùng được bí mật an táng tại nhà thờ Xối Thượng. Các ngài là những người trong 140.000 các tử đạo Việt Nam. Trong đó có 117 vị được Đức thánh cha Gioan Phaolô II phong Hiển thánh tại Rôma ngày 19/6/1988. Có 44 vị sinh quán và phục vụ tại giáo phận Bùi Chu.

Hai ngàn năm trước Chúa Giêsu “xuống thế làm người, Người chịu khổ hình, chịu đóng đinh để cứu nhân loại, Người chịu chết và táng trong mồ, đến ngày thứ 3 Người lại phục sinh...”. Hai ngàn năm qua trên thế giới biết bao Tông đồ, các mục tử, tu sỹ, các nhà khoa học, giáo dân nhiều nước trên thế giới đã tử vì đạo. Ở Việt Nam và địa phận Bùi Chu nói riêng trong gần 500 năm qua hàng trăm, hàng ngàn giám mục, linh mục, tu sỹ, giáo dân đã ngã xuống qua rất nhiều triều đại, trong đó có các vị tử đạo họ giáo Xối Thượng. Các ngài đã hy sinh cho niềm tin vào Thiên Chúa. Biết bao tài sản, mồ hôi, nước mắt, mạng sống bị tước đoạt, gia đình ly tán, xóm làng xơ xác. Chẳng có vinh quang nào mà không trải qua thử thách bằng máu và nước mắt. Chúa Giêsu đã báo cho con cái Người “Họ sẽ lôi chúng con ra trước công nghị, sẽ đánh đòn chúng con giữa hội đường, sẽ điệu chúng con ra trước vua chúa quan quyền vì danh ta... để làm chứng cho họ và dân ngoại” (Mt 10,17-18). Còn biết bao chiến sỹ tử đạo khác, họ vô danh. Vô danh với loài người. Còn trên Thiên giới, các ngài đang cầu bầu, theo dõi sự phát triển của chúng ta, những con cái Chúa, mà các Ngài đã nêu tấm gương sáng viết lên, bản anh hùng ca trên quê hương thân yêu, tiếp nhận cho con cháu muôn đời một sự sống, sự sống vĩnh cửu trong ánh sáng Chúa Kitô. Máu các anh hùng tử đạo đã nảy sinh ra các tín hữu. Noi gương các Ngài, giáo dân họ Xối Thượng chúng con nguyện sống xứng đáng với truyền thống anh hùng bất khuất của cha ông.

 

B - GIAI ĐOẠN I (1890 ĐẾN 1954)

Xây dựng nhà thờ:

Những đợt tàn sát điên cuồng, man rợ của triều đình nhà Nguyễn không tiêu diệt được niềm tin vào Thiên Chúa. Sau hiệp ước ngày 5/6/1862 (9/5/Nhâm Tuất) Tự Đức phải ký sắc lệnh tha đạo. Nhưng đến tháng 7/1863 việc cấm đạo mới được chấm dứt ở giáo phận Bùi Chu và tỉnh Nam Định. Được lệnh ân xá trở về quê hương nhưng các họ đạo tiêu điều xơ xác, nhiều làng công giáo không còn giáo dân. Số tín hữu còn lại (đa số là đàn bà, trẻ con) trở về làng cũ trong cảnh người chết, kẻ sống, nhà cửa tan nát, ruộng vườn hoang hóa, thiếu cơm ăn, áo mặc, nghèo khó và cơ cực. Nhưng hàng ngày họ cầu nguyện xin Chúa và Đức Mẹ rộng lòng thương phù hộ. Với niềm tin sắt đá giáo dân bắt đầu xây dựng lại từ đầu. Cơ cực nghèo khổ là vậy, nhưng mấy chục giáo dân họ Xối Thượng đã vượt lên tất cả, dỡ bỏ nhà thờ cũ, xây ngôi thánh đường mới như ngày nay, được khánh thành vào năm 1909.

Toàn bộ nhà thờ họ Xối Thượng được tọa lạc trong khu đất gồm những công trình đồ sộ:

1. Nhà thờ chính:

Nhà thờ chính nằm ở vị trí trung tâm, theo hướng truyền thống Nam - Bắc, kiến trúc theo phong cách Á Đông: Cột lim, kèo gỗ, mái vẩy, hiên hai bên, lợp ngói mũi... gồm tám gian, dài 32m, rộng 14m.

Tiền đường là cửa lớn chính nằm ở phía cuối nhà thờ, từ sân ta ngắm nhìn thấy phần cuối nhà thờ hình tam giác với 5 cửa vòm, những trụ thẳng đứng trên cùng là thánh giá nến cao, hoa văn được đắp hết sức tinh sảo với đường nét uốn lượn mềm mại, chim muông hoa lá ... Rêu phong phủ kín theo thời gian nhưng còn nguyên vẹn như thuở ban đầu. Vật liệu dùng chủ yếu là gạch đỏ, vôi, vữa nhào với rơm và giấy bản, trộn thêm muối và mật mía ... vậy mà 100 năm qua vẫn tồn tại trước mưa gió phũ phàng của thiên nhiên.

      Qua cửa chính, trước mắt chúng ta là 4 hàng cột lim đồ sộ trên bệ đá. Hai bên hai hàng cửa, bao lơn tạo không gian vừa thoáng mát vừa ấm cúng. Trên những hàng cột cao 5-7m là hệ thống kèo, bẩy, rui mè bằng gỗ lim đen bóng như đồng đúc được chạm trổ hết sức tinh vi, kết nối với nhau mềm mại, thần kỳ và vững chắc mà ngày nay các nhà kiến trúc sư phải thán phục về độ bền chắc của mộng mẹo, không cần đinh sắt. Trên long cốt của nhà thờ còn ghi bằng chữ nho:

- Tây lịch, Thiên chúa giáng sinh, một ngàn chín trăm linh chín.

- Duy tân, nhị niên, thập nhị nguyệt, Trung tu tọa thượng lương - nghĩa là: Đặt nóc trùng tu nhà thờ vào năm 1909 (tháng 12 âm lịch 1908)

Đi tiếp một chút, trước mắt chúng ta hiện ra gian cung thánh với hệ thống tòa vàng (sơn son thiếp vàng) rực rỡ. Bước vào đây con người như lạc vào chốn thiên cung bồng lai trang nghiêm và thánh thiện. Ai đến đây kể cả khách nước ngoài hết sức ngạc nhiên trước vẻ đẹp nguyên sơ của nhà thờ và hệ thống tòa vàng - một trong những tòa vàng còn tồn tại trường tồn với thời gian trong giáo phận Bùi Chu. Với những đường nét tinh xảo chạm trổ cỏ cây, hoa lá, muôn thú, chim chóc, tòa mình thánh, tòa đặt tượng Chúa, Đức Mẹ và các thánh uy nghi trên bậc tam cấp. Những đường nét mềm mại tinh xảo tới mức du khách tưởng tượng được tạo ra bởi bàn tay các thợ kim hoàn chứ không phải thợ trạm khắc. Rất nhiều đoàn thợ, đoàn tham quan đã đến đây chụp ảnh, lấy mẫu với hy vọng làm sản phẩm tương tự nhưng đều bó tay, kính phục. Hơn một trăm năm trước kíp thợ nào, ở đâu, theo mẫu thiết kế nào mà tạo được tác phẩm nghệ thuật tuyệt tác như vậy? Ở đây còn lưu giữ tượng Đức Mẹ và Thánh Gioan Tông đồ - Quan thầy bằng ngà - Hiền từ, thánh thiện theo phong cách Á Đông, các tượng các thánh bằng gỗ là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. Trên các tòa vàng là vòm cong với bầu trời đầy sao tượng trưng cho thiên đường nơi Chúa ba ngôi ngự trị - lý tưởng của mọi người Kitô hữu. Trên các bàn thờ là hệ thống đèn nến trạm trổ tinh vi có một không hai trong hệ thống các nhà thờ cổ.

Chúng ta rất tiếc hiện không còn lưu giữ được tài liệu về quá trình xây dựng nhà thờ. Tương truyền rằng gạch xây được nung bằng rơm rạ, móng được đầm bằng cho trâu giẫm và đóng cọc tre, những cây gỗ lim dài hàng chục mét, các tảng đá được vận chuyển bằng sức người. Và như vậy chúng ta mới thấy được công lao to lớn của ông bà tổ tiên xứ đạo nghèo với vài chục gia đình.

Là họ lẻ thuộc xứ Tương Nam, nhà thờ là nơi tập trung cầu nguyện của họ giáo sáng, trưa, chiều, tối, nơi cử hành lễ trong các ngày theo lịch của cha xứ, ngày lễ kính Thánh Quan thầy...

Nơi đây còn là nơi trú ẩn của họ giáo trong những ngày mưa bão, lụt lội, do sông Hồng đe dọa xóm nghèo. Mỗi khi bão gió nổi lên, tiếng trống ngũ liên (năm tiếng) đổ dồn thôi thúc, giáo dân trẻ con, phụ nữ, người già dắt nhau đến nhà thờ nhờ Đức Mẹ ấp ủ, che chở. Và những ngày chiến tranh giặc giã tràn về, bom đạn đùng đùng trên bầu trời, giáo dân ôm nhau chạy vào nhà thờ tụ tập, an ủi, nương tựa vào nhau, cầu xin bình an trong tay Chúa và Đức Mẹ. Nhiều lần khi bị giặc vây ráp, du kích, bà con, làng xóm chạy vào ẩn nấp trong nhà thờ, được giáo dân giúp đỡ đùm bọc, cưu mang. Không một ai bị tố giác, bắt bớ, hành hạ, tù đầy khi chạy vào nhà thờ. Với những lời cầu khẩn của con chiên, một trăm năm qua với bao cuộc chiến tranh giặc giã, vây hãm, bắt bớ phụ nữ, với nhiều lần bom đạn, hỏa hoạn trút xuống xóm đạo nhưng Nhà thờ vẫn là nơi an toàn tuyệt đối, không một hòn tên, mũi đạn nào rơi vào khu nhà thờ. Hồng ân Chúa và Đức Mẹ ban.

Từ trong nhà thờ bước ra, du khách sẽ gặp hệ thống hàng hiên, bao lơn thoáng mát, dòng không khí trong lành ùa vào mang theo hương lúa, hương bưởi, hương chanh, hương hoa xoan mùa hạ. Mặt trời rực rỡ trên những hàng cây, đồng lúa xanh rờn, màu mỡ. Một bức tranh làng quê mộc mạc muôn màu sắc tạo cho mỗi người một cảm giác bình yên, lâng lâng và thánh thiện.

Những người đi xa quê hương mỗi lần về quê được tham dự thánh lễ tại Nhà thờ, cha vẫn cử hành thánh lễ theo nghi thức. Nhưng nhìn các cụ già gần trăm tuổi, các cháu nhi đồng mắt đen tròn, các bà, các chị áo dài muôn màu, các anh chị ca đoàn với thánh ca đơn sơ, mộc mạc... không ồn ào, đông đúc như những nhà thờ lớn ở Sài Gòn, Hà Nội… nhưng vẫn thấy trang nghiêm, ấm áp một cách lạ lùng.

2. Hai gác chuông:

Đứng xa từ phía cuối nhà chúng ta nhìn thấy hai gác chuông sừng sững cao mấy chục mét, soi bóng dưới mặt hồ trong xanh (kỷ lục về chiều cao thời bấy giờ). Hai gác chuông ở giữa là cuối nhà thờ tạo thành một quần thể - một điểm nhấn vững vàng như niềm tin sắt đá của giáo họ. Tương truyền rằng gác chuông được xây sau nhà thờ khoảng 10 năm, khánh thành năm 1920. Trên hai gác chuông treo hai quả chuông, mỗi quả nặng hàng mấy tạ, đươc cha Thập và Cụ cố trùm Trương Can đặt mua từ Tây Ban Nha vào đầu thế kỷ 20 (trong đó dòng họ Vũ cúng tiến một quả). Đây là một trong những đôi chuông to còn tồn tại trong giáo phận Bùi Chu. Khi chuông cất lên tiếng thanh, tiếng trầm ngân nga, thánh thót rộn ràng thôi thúc lòng người cầu nguyện. Một bản nhạc tuyệt vời vang rộng cả một vùng rao truyền tin mừng Thiên Chúa.

Cho tới ngày hôm nay một câu hỏi vẫn được đặt ra, chỉ với vật liệu gạch, vôi, vữa, gỗ, tre nứa thô sơ, ông bà tổ tiên xóm đạo nghèo với vài chục hộ dân làm thế nào đã xây dựng, vận chuyển, lắp đặt được 2 quả chuông to lên độ cao mấy chục mét. Lấy đâu đủ tiền bạc để nhập khẩu được đôi chuông ấy trong điều kiện vừa thoát khỏi cấm đạo? Không gì khác ngoài Hồng ân Thiên Chúa và nhân đức tin, cậy, mến.

Liền hai gác chuông là dãy nhà quán cư gồm 9 gian nhà gỗ lợp ngói (nay đã bị dỡ bỏ, không còn). Đây là kho cất giữ kiệu, đòn, kèn, trống và các dụng cụ nhà thờ phục vụ thờ phượng Chúa.

3. Nhà phòng:

Nằm riêng biệt ở phía đầu nhà thờ. Nhà phòng được xây dựng sau nhà thờ và hai gác chuông, kiến trúc mang dáng dấp nhà biệt thự kiểu Pháp, sang trọng, có vườn cây với hai cây nhãn lồng cổ thụ (nay không còn). Đây là nơi ăn nghỉ của các cha khi có dịp về nhà thờ ban thánh lễ, là nơi hội họp của họ giáo. Nơi chứng kiến bao thăng trầm, vui buồn của họ đạo qua các thời kỳ.

4. Khu vực quanh nhà thờ:

Bao gồm hệ thống sân gạch, bao lơn, tường bao quanh nhà thờ, hồ nước, vườn hoa, cây cảnh... tất cả tạo thành một không gian thoáng mát, thơ mộng, thanh bình và thành kính nơi thờ phượng Chúa.

5. Các kiệu:

Hiện nhà thờ còn lưu giữ được 3 bộ kiệu sơn son thiếp vàng: kiệu bành, kiệu gọng vó, kiệu hoa. Đây là một trong những bộ kiệu còn giữ nguyên vẹn thuộc địa phận Bùi Chu, là những tác phẩm tuyệt vời trong ngành trạm trổ. Hàng năm vào những ngày lễ kính thánh Quan thầy, ngày lễ trọng, những buổi rước kiệu được tổ chức uy nghi, trang nghiêm theo nghi thức tôn giáo cổ truyền. Đây là ngày hội lớn của giáo dân giáo họ.

Đi trước và sau kiệu là những bộ chiêng trống, cờ ảnh cổ giữa hội đoàn công giáo với những trang phục thướt tha, lộng lẫy đủ màu. Những thanh niên trai tráng khiêng kiệu trong lễ phục thêu ren cổ, theo kiểu lễ phục cung đình, nhịp nhàng theo điệu nhạc kèn trống trong tiếng hát câu kinh rộn ràng, thành kính.

Những bài ca, tiếng hát là những lời cầu khẩn xin bình an dâng lên Chúa và Đức Mẹ.

6. Hai cột cờ:

Nhà thờ còn lưu giữ được 2 cây cột cờ, mỗi cây cao vài chục mét bằng gỗ quý. Trong giáo phận Bùi Chu đây là 2 cột cờ duy nhất còn tồn tại nguyên vẹn. Hàng năm vào dịp lễ Giáng sinh, kính thánh Gioan Quan thầy ngày dựng cờ là ngày hội của giáo dân: tất cả thanh niên nam nữ, thiếu nhi, các cụ già... theo tiếng chuông, tiếng trống thúc giục cùng nhau hò reo kẻ kéo, người khiêng ... dựng cờ. Khi cây cờ thẳng đứng, lá cờ đại rộng 36m2 được kéo lên, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm, nụ cười rạng rỡ trên môi. Mừng sự thành công, vui mừng trong ngày lễ thánh. Cây cờ sừng sững như tuyên xưng đức tin. Niềm tự hào của giáo dân họ Xối Thượng.

Tất cả các công trình trên được xây dựng trong những điều kiện vô cùng khó khăn, vừa thoát khỏi sắc cấm đạo, vừa nghèo khó thiếu thốn đủ bề. Hôm nay nhìn lại chúng ta thấy chỉ có đức tin vững vàng, ơn Chúa, Đức Mẹ và Thánh Gioan Quan thầy, các Cha xứ, các bề trên, chỉ dẫn, ông bà tổ tiên chúng ta đã làm nên kỳ tích. Để lại công trình cho con cháu muôn đời.

Chúng ta tri ân cộng đồng dân chúa họ giáo Xối Thượng, giáo xứ Tương Nam đã không tiếc thân xác, cả máu, công của bao thế hệ đã hy sinh để xây dựng Nhà thờ. Tri ân những cụ cựu trùm, những người đã gánh vác phục vụ giáo họ, đặc biệt là cụ cố trùm Gioan Vũ Ngọc Can - Trương Can người đầu tiên đặt nền móng xây dựng nhà thờ, dòng họ Vũ đã luôn tâm huyết, ủng hộ tài chính, tài trợ giúp đỡ xây dựng nhà thờ trong 100 năm qua.

Các cụ cố trùm thời kỳ đầu xây dựng nhà thờ gồm:

1. Cụ cố trùm Gioan Vũ Can (Cụ Trương Can);

2. Cụ cố trùm Gioan Phạm Đình Hán (Cụ Trùm Hán);

3. Cụ cố trùm Gioan Phạm Văn Biểu (Cụ Trùm Biểu);

4. Cụ cố trùm Gioan Nguyễn Văn Tựu (Cụ Trùm Tựu);

5. Cụ cố trùm Gioan Vũ Ngọc Cuông (Cụ Cửu Cuông);

6. Cụ cố trùm Gioan Phan Văn Hợp (Cụ Trùm Hợp);

7. Cụ cố trùm Gioan Vũ Rong (Cụ Trùm Rong);

8. Cụ cố trùm Gioan Nguyễn Văn Tứ (Cụ Trùm Tứ);

9. Cụ cố trùm Gioan Nguyễn Văn Phán (Cụ Trùm Phán);

10. Cụ cố trùm Gioan Phạm Văn Tùy (Cụ Trùm Tùy);

11. Cụ cố trùm Gioan Phạm Ngọc Mây (Cụ Trùm Mây);

12. Cụ cố trùm Gioan Phạm Văn Hóa (Cụ Trùm Hóa);

13. Cụ cố trùm Gioan Phạm Thế Vân (Cụ Trùm Vân).

Ngay từ thời kỳ đầu trong giáo họ có bà Maria Vũ Thị Mùi (Bà Tư Khiết sinh năm 1878 mất 1964) con gái cụ cựu trùm Trương Can là quản hội Nghĩa bình thánh thể là thành viên Hội truyền giáo địa phận Bùi Chu mà ngôi nhà còn lại duy nhất của Bà nằm cạnh nhà thờ trên cổng đề 1931. Nhờ hồng ân Thiên Chúa, chăm lo cầu nguyện, nuôi dạy nghĩa binh, phục vụ giáo hội bà được Tòa thánh Vaticăng do Đức giáo hoàng ban tặng Sắc vàng của Tòa thánh - Đây là niềm vinh dự của gia đình, dòng họ Vũ, giáo họ nói riêng và giáo xứ nói chung.

Ông bà tổ tiên ta sau khi phải chạy trốn, bị bức hại do sắc cấm đạo trở về đã quy hoạch, xây dựng xóm đạo quy mô, trù phú và giầu có thời bấy giờ. Mô hình xây dựng được chọn là: Quy hoạch theo từng khu của từng dòng họ. Một quy hoạch tiên tiến dưới thời vua chúa của Việt Nam bấy giờ.

Điển hình là quần thể dòng họ Vũ được quy hoạch ở phía Bắc nhà thờ rộng hàng mấy hecta. Kiến trúc bao gồm nhà, cột gỗ lim, mái cong, hệ thống nhà, tường xây, kèo gỗ, lợp ngói mũi và có cả nhà hai tầng (nhà cụ cố trùm Chánh Sự, Cửu Cuông) hiện đại. Nhiều dãy nhà quây quần được nằm trong tường rào, muốn vào phải qua ba bốn lần cổng, giữa một hệ thống ao hồ rộng mêng mông với cầu ao, bến đá, vườn cây cổ thụ, cây ăn trái xum xuê, chim muông rủ nhau về làm tổ, hót véo von khi hè về thu sang. Một không gian thơ mộng của người giàu có thời bấy giờ. Trong nhà là sập gụ, tủ chè, án thư, câu đối... đầy đủ tiện nghi theo kiểu vua quan truyền thống của Việt Nam.

Phía tây nhà thờ là khu nhà ngói khép kín hình chữ môn của dòng họ Phạm, kín cổng cao tường, ngăn ngừa nạn cướp phá. Trong quần thể cũng xuất hiện ngôi nhà hai tầng, kiến trúc theo kiểu thành phố, kiểu Pháp với dáng dấp hiện đại (nhà cụ cố trùm Vân) chứng tỏ chủ nhân của ngôi nhà đã tiếp thu, giao tiếp rộng rãi.

Phía Nam là quần thể dòng họ Phan với những nhà gỗ lim, lợp lá gồi, xen lẫn những dãy nhà xây hiện đại. Xa một chút là quần thể dòng họ Nguyễn với những khu nhà được xây dựng riêng biệt liền kề: Ông bà, bố mẹ ở khu trung tâm, các con được phân thành thửa đất riêng biệt (mỗi thửa khoảng 1 đến 2 sào Bắc Bộ) nằm liền kề thành một quần thể dòng họ tập trung. Ngoài nhà gỗ lim, lợp lá, ở đây đã xuất hiện kiều nhà tường xây cao, thoáng mát, rộng rãi, kèo tre hoặc gỗ, lợp lá, cửa sổ rộng, cửa đi lớn. Sân gạch, bể chứa nước mưa, ao thả cá... Tiếp theo là quần thể dòng họ Trần, họ Bùi và các họ khác.

Ruộng đất phì nhiêu, hầu hết tập trung vào nhà giàu. Nhiều gia đình phải làm thuê, cấy rẽ. Nếu chỉ sống bằng nghề nông chắc xóm đạo không thể phát triển nhanh và trù phú như vậy. Các cụ đã chọn cho mình một con đường làm giàu riêng: Thương nghiệp (buôn bán) cụ thể là buôn bán hàng làm thổ sản: tre, gỗ, nứa, chè ... và nhiều sản phẩm của rừng được thu mua tận gốc từ Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang... được đóng bè, thả trôi theo sông Hồng cập bến tại Cổ Lễ bán buôn, bán lẻ cho các thương gia khắp vùng. Đôi khi các cụ còn sang tận Trung Quốc buôn bán, giao lưu. Chính nhờ những cuộc giao lưu tiếp xúc rộng rãi với nền văn minh của Pháp, Trung Quốc, tiếp xúc với Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố khác nên học được cách làm giàu và tiếp thu nền văn minh. Kinh tế phát triển nhanh ở xóm đạo này, có gỗ lớn xây dựng nhà thờ, nhà ở, thuê được những thợ lành nghề tài ba, xây dựng quê hương.

Ngoài làm ruộng, buôn bán xóm đạo còn phát triển nghề dệt vải, thêu ren, kéo sợi... Nghề dệt vải vẫn tồn tại đến ngày hôm nay, hình ảnh những cô thôn nữ thắt đáy lưng ong ngồi bên khung cửi, khuôn mặt thánh thiện của người Kitô hữu với những tà áo dài thướt tha tô đậm thêm vẻ đẹp cho xóm đạo.

Kinh tế các dòng họ ổn định, khá giả vì vậy nạn đói năm 1945 (Ất Dậu) cả nước có hơn 2 triệu người chết đói, ở xóm đạo này không có gia đình, người nào chết đói mà nhà thờ còn là nơi tế bần cứu đói cho nhiều người từ vùng khác đến. Đấy là nhờ Hồng ân Thiên Chúa.

Nhờ sớm tiếp thu với văn hóa mới, nhờ kinh tế phát triển ổn định, xóm đạo đầu tư cho con cháu học hành chữ Nho, tiếng Pháp, chữ quốc ngữ. Nhiều người đỗ đạt cao thời bấy giờ trở thành công chức, quan lại thời Pháp thuộc, nhiều thanh niên giác ngộ tình nguyện tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc trở thành những sỹ quan, cán bộ các cấp.

Cuộc sống văn hóa tinh thần sớm hình thành thú chơi cây cảnh, nuôi chim, cá cảnh, thả diều, ca hát... sớm phát triển ngay từ đầu thế kỷ 20. Tất cả tạo thành một không gian lãng mạng, thanh bình. Rất tiếc sự khắc nghiệt của thời gian, toàn bộ những dấu tích trên đã bị xóa nhòa, phôi pha hết.

Nhìn lại lịch sử 100 năm qua có lẽ đây là thời kỳ sơ khai, nhiều biến động khó khăn nhất. Chính niềm tin vào Thiên Chúa, cha ông ta đã làm nên kỳ tích: xây dựng xóm đạo trở thành hưng thịnh và giàu có trong vùng.

 

C - THỜI KỲ KHÓ KHĂN

 (1955 - 1987)

Xóm đạo đang sống trong bình yên, êm ả. Cuộc kháng chiến chống Pháp đã lan tỏa vào xóm đạo với việc xây đồn lính Pháp tại thị trấn Cổ Lễ. Rồi những trận càn, xe tăng, xe lội nước, súng đại bác đã làm rung chuyển lũy tre làng, nỗi ám ảnh sợ hãi trong từng khóe mắt trẻ thơ, trong từng gia đình.

Ác liệt nhất vào năm 1953: giặc Pháp kéo đến tàn phá đốt hết cả làng. Đàn ông, con gái phải chạy xa làng tránh bị hãm hại, bị bắt làm tù binh. Buổi sáng bỗng dưng súng nổ đùng đùng, khói lửa ngút trời bốc cao, tiếng đàn bà, trẻ con gào thét, cố chạy khỏi làng, tránh khỏi ngọn lửa thiêu trụi. Chạy ra cánh đồng đầu làng, lòng đau như cắt nhìn về làng khói lửa mịt mùng đang thiêu đốt nhà cửa, thóc gạo, tài sản, hoa màu, vật nuôi... thành tro bụi. Đến chiều tối khi ngọn lửa đã tàn, giáo dân trở về làng, tất cả kinh hoàng, những cột gỗ lim trơ trụi, tiếng gào thét, nước mắt, sức cạn kiệt trước cảnh hoang tàn. Tất cả các nhà cửa làng biến thành tro bụi, chỉ còn mấy ngôi nhà ngói. Tương lai mù mịt trong làn khói, không nhà, không lương thực, thực phẩm, không quần áo, sống bằng gì?

Những đêm đầu tiên, nhà thờ, nhà phòng, quán cư là nơi tá túc của hàng chục gia đình giữa mùa đông. Theo điều răn yêu người của Chúa, các nhà ngói còn lại mở cửa cho họ đạo vào tá túc, rạ rơm thay cho chăn màn, trẻ con rúc ngủ trong đống rơm rạ. Thức ăn của những ngày đầu là lợn, gà bị chết, cháy rụi... Cơ cực trăm phần, giáo dân lại lá lành đùm lá rách giúp nhau nhặt cây que còn sót lại dựng tạm những túp lều cạnh những bức tường trơ trụi cháy còn sót lại. Ơn Chúa và Đức Mẹ, cầu bầu của Thánh Quan thầy xóm đạo dần dần hồi sinh. Cơm cháo độn ngô, khoai, sắn qua ngày nhưng vẫn sốt sắng cầu nguyện Chúa.

Chưa kịp hoàn hồn đại họa cháy nhà, một năm sau 1954 một cuộc di cư vào Nam khiến xóm đạo tiêu điều, chia ly. Người ra đi chui lủi, bí mật, lặng lẽ. Người ở lại hoang mang dao động. Gia đình dòng họ phân ly, vợ xa chồng, con cái lìa cha mẹ. Khoảng 50% gia đình, giáo dân rời bỏ quê hương ruộng vườn, nhà cửa thân yêu vào miền Nam xây dựng cuộc sống mới. Xóm làng tiêu điều, lạnh lẽo, hoang vắng, nhiều nhà bỏ không, dột nát, cỏ mọc ùm tùm.

Hòa bình vui vì không khí tưng bừng không còn tiếng bom đạn, tiếng súng. Nhưng nỗi buồn chia ly, cuộc sống thiếu thốn đã đè nặng trong mỗi gia đình. Giao lưu buôn bán, nghề phụ - nguồn làm giàu chính của xóm làng không còn nữa. Với số ruộng ít ỏi, năng suất thấp không đủ ăn, giáo dân chụm đầu cầu nguyền và cơm cháo qua ngày.

Năm 1956 cải cách ruộng đất ở miền Bắc. Với chính sách của Nhà nước lấy ruộng đất, nhà cửa, tài sản của người giầu (địa chủ) chia cho người nghèo (bần cố nông). Người nghèo phấn khởi có ruộng đất, trâu cày, người giàu phải lao động vất vả làm lại cuộc sống từ đầu.

Mô hình kiến trúc quần thể theo dòng họ bị phá vỡ thay vào mô hình nông thôn mới như ngày nay. Những ngôi nhà giữa vườn cây um tùm, sân đình, cầu ao giếng nước, chim muông, cây cảnh, vườn hoa... chỉ còn trong hoài niệm của những người yêu quê hương.

Có ruộng, có trâu cày bà con chăm chỉ làm ăn. Ít lâu sau năm 1958 Nhà nước có chủ trương xây dựng hợp tác xã nông nghiệp: toàn bộ ruộng vườn, trâu bò, tư liệu sản xuất tập trung vào hợp tác xã cùng làm, cùng hưởng. Bà con giáo dân phấn khởi gia nhập hợp tác xã với hy vọng đổi đời xây dựng cuộc sống tốt đẹp, sung sướng. Nhưng do phương thức canh tác lạc hậu, trình độ quản lý yếu kém, nóng vội nặng nề hình thức: sáng, trưa, tối đi làm theo tiếng kẻng của đội, ăn công, tính điểm... Kết quả công nhiều, thóc ít, chăn nuôi tập thể tốn kém và không hiệu quả.

Vừa thoát khỏi chiến tranh, Nhà nước đã chú ý đến công tác giáo dục. Nhưng cơ sở vật chất hầu như không có gì. Các lớp học được bố trí ở nhà thờ, đình chùa, nhà dân,... ngồi đất, đặt sách lên ghế. Cả xã Nam Ninh (tên gọi lúc đó) chỉ có một trường cấp I (lớp 1, 2, 3, 4) với tổng số 4 lớp. Cả huyện Nam Trực có một trường cấp 2 (lớp 5, 6, 7) với tổng số 10 lớp đặt tại chợ Chùa, đi học phải đi bộ xa tới 10km, cả tỉnh Nam Định có 2 trường cấp 3 (lớp 8, 9, 10): Lý Tự Trọng và Lê Hồng Phong đặt tại thành phố Nam Định. Vì vậy con em giáo dân đa phần chỉ học hết lớp 3, lớp 4. Thế hệ hiện nay còn sống khoảng 65 - 70 tuổi là những minh chứng sống cho thời kỳ này.

Niềm vui lớn nhất của dân tộc nói chung và họ giáo nói riêng là được sống và cầu nguyện trong hòa bình không có tiếng bom, tiếng súng. Bằng lao động cần cù, làm ruộng, dệt vải, buôn bán,... cuộc sống của nhân dân trong đó có giáo dân dần dần được cải thiện, vào năm 1961 nhà thơ Tố Hữu đã viết “... Chào 61 (1961) đỉnh cao muôn trượng...”. Trong làng, trong xã đã có nhiều con em cần cù chăm chỉ chịu khó đi bộ hàng chục km để học cấp II tại Nam Trực - Trực Ninh. Nhiều người đã trở thành công chức, công nhân của Nhà nước, đi học nghề, trung cấp, giáo viên tại các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Bắc,.... Bộ mặt nông thôn đã thay dổi bởi dáng dấp của văn minh đô thị, xây dựng trường học, bệnh xá, hợp tác xã thủ công (dệt vải), tiếng thoi đưa suốt ngày đêm vang dột xóm làng. Ngày chủ nhật, ngày lễ thánh quan thầy trẻ em đã có áo mới, chị em phụ nữ thướt tha trong tà áo dài. Cuộc sống mới đã nảy mầm, hồi sinh.

Khoảng một nửa giáo dân của xóm đạo đã bỏ lại ruộng vườn, nhà cửa, làng mạc, xóm giềng vào xây dựng quê hương mới: Miền Nam. Những ai đã xa quê mới thấy được những khó khăn, vất vả, nỗi nhọc nhằn cô đơn khi phải bắt đầu xây dựng làm quen với cuộc sống mới nơi xứ người xa lạ cách hàng ngàn km. Sau mấy năm ổn định cuộc sống, giáo dân Xối Thượng tại Miền Nam đã liên lạc, tụ tập thành lập Họ đồng hương Xối Thượng phía nam tại xóm mới; quận Gò Vấp. Hàng năm đến ngày lễ thánh Gioan Quan thầy, bà con tụ tập găp mặt cầu nguyện kính Thánh Gioan Quan thầy hướng về quê hương cầu nguyện bình an, hòa bình, thống nhất hai miền. Mong ngày đoàn tụ sum họp. Cộng đoàn giáo dân đã cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ, động viên nhau những lúc xa quê. Chính từ đây đã là đầu mối liên hệ thông thương giúp đỡ nhau giữa hai miền Nam Bắc.

Năm 1964, máy bay Mỹ bắt đầu ném bom tàn phá miền Bắc. Bắt đầu một cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử Việt Nam. Thanh niên công giáo lên đường đi bộ đội, thanh niên xung phong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ở hậu phương giáo dân vừa lao động vừa sẵn sàng chiến đấu. Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng. Hầm hố khắp nơi trong nhà, ngoài đường, cạnh lớp học, ngoài cánh đồng. Cuộc sống vô cùng khó khăn vất vả. Thời chiến tất cả theo chế độ tem phiếu.

Gian khổ là vậy nhưng Nhà thờ vẫn là nơi tập họp cầu nguyện của giáo dân sáng, trưa, chiều, tối. Giáo dân với niềm tin sắt đá vào Thiên Chúa, siêng năng cầu nguyện cho bình an, hòa bình và thống nhất.

Chiến tranh tàn khốc, ăn không đủ no, áo không đủ mặc nhưng phong trào học tập hăng say trong nhân dân nói chung và học sinh công giáo nói riêng. Hầu hết con em đã được cấp sách đến trường, học ngày học đêm dưới đèn dầu leo lét, máy bay Mỹ gầm rú trên đầu thì chạy vào hầm, máy bay đi xa lại học tập. Và từ đấy trình độ văn hóa của giáo dân được nâng lên, nhiều thanh niên đã rời quê hương làm việc, sinh sống tại các thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên,.... Cá biệt có những thanh niên công giáo đi học đại học của trường đại học lớn trong nước, học đại học ở nước ngoài (châu Âu). Tạo thành một thế hệ công giáo Họ Xối Thượng ở các tỉnh khác sau này. Sống và làm việc xa quê nhưng luôn hướng về quê hương với tấm lòng thành kính.

Trong những năm đầy khó khăn, sóng gió, chiến tranh tàn khốc này, giáo dân với lòng tin sắt đá vào Thiên chúa, cầu nguyện, giữ gìn bảo tồn ngôi thánh đường không bị hư hại, xâm phạm, không có điều kiện xây dựng thêm. May mắn không một quả bom, hòn tên mũi đạn nào xâm phạm nhà thờ, con cháu giáo dân họ Xối Thượng ở hai miền Nam - Bắc không một ai bị tử trận ở chiến trường như là một minh chứng của Hồng Ân Thiên Chúa, sự phù hộ của Đức Mẹ và Thánh Gioan Quan thầy. Chúng ta xin tạ ơn Chúa, Đức Mẹ, Thánh Quan thầy về Hồng ân vô cùng to lớn này. Trong thời kỳ gian khổ này, cùng với giáo họ, các cố trùm, cựu trùm đã kế tục, phục vụ lời Chúa bảo vệ, giữ gìn nhà thờ:

14. Cụ cố trùm Gioan Vũ Ngọc Tấn;

15. Cụ cố trùm Gioan Trần Văn Tận;

16. Cụ cựu trùm Gioan Vũ Văn Quế;

17. Cụ cựu trùm Gioan Hoàng Văn Định.

Bằng công lao phục vụ lời Chúa của mình, các cụ cố trùm Gioan Vũ Ngọc Tấn và Gioan Trần Văn Tận được Giáo phận Bùi Chu tằng bằng Ghi ân. Cụ Maria Hoàng Thị Nhật được nhận bằng Ghi ân của Giáo phận Bùi Chu.

Họ giáo đồng hương miền Nam cựu trùm Gioan Nguyễn Văn Phát là người bỏ nhiều công sức tập họp, phục vụ lời Chúa, giúp đỡ quê hương cùng giáo dân phía Nam suốt từ năm 1954 đến nay và các ông trùm trẻ hiện nay vẫn tiếp tục phát huy ủng hộ giáo họ theo tinh thần ấy.

 

D - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN

(1988-2009)

Năm 1975 nước nhà thống nhất. Hai miền Nam - Bắc thông thương. Giáo dân hai miền gặp nhau, mừng mừng, tủi tủi. Những giọt nước mặt, những nụ cười... sau bao năm xa cách. Gặp nhau ôn lại những kỷ niệm xưa, kẻ mất, người còn. Hơn hai mươi năm một thế hệ mới, con cháu đã trưởng thành, nhiều người định cư ở nước ngoài: Mỹ, Anh, Pháp, Úc... Họ Xối Thượng vươn cánh tay lớn rộng rãi và phong phú hơn. Các thế hệ con cháu họ giáo Xối Thượng đã sinh sống làm việc không chỉ ở quê hương mà còn ở hầu hết các thành phố cả nước: Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng, Biên Hòa, Nha Trang, Lâm Đồng, Vũng Tàu, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh... và nhiều nước trên thế giới: Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Nhật Bản, Châu Âu... Tất cả đều quy tụ hướng về quê hương. Bất kỳ ở đâu trong nước hay ngoài nước, không phân biệt già trẻ, gái trai, dâu rể... Một lòng một dạ thờ phượng Chúa, kính Thánh quan thầy, kẻ góp của, người góp công, tất cả đồng lòng chung sức xây dựng Thánh đường quê hương. Vì vậy một loạt công trình đã được tu bổ, xây dựng mới.

1. Dỡ nhà Quán cư, sửa nhà phòng: Được thực hiện vào năm 1988. Nhà Quán cư (nối giữa 2 gác chuông) do thời gian xuống cấp, mục nát, giáo dân đã quyết định dỡ bỏ lấy gỗ, gạch, ngói vật tư sửa lại Nhà phòng cũng bị xuống cấp, mục nát. Những người xa quê lâu trở về sẽ không nhìn thấy dấu vết nhà Quán cư trước đây nữa.

2. Lát lại gạch toàn bộ sân nhà thờ: Sân nhà thờ lâu ngày hỏng, lầy lội nay được sửa chữa lát mới (1988).

3. Tôn sân bông: Để tiện việc tham dự lễ của giáo dân, họ giáo quyết định tôn sân phần cuối nhà thờ lên cao 0,3 mét. Sau này làm xong do phá mất cảnh quang sân cuối nhà thờ nên lại quyết định dỡ bỏ. Điều này giúp cho việc tìm thấy hài cốt của các thánh tử vì đạo (1988).

4. Xây bờ hồ: Trước đây xung quanh hồ ở cuối nhà thờ, bờ đắp bằng đất. Giáo dân quyết định xây lại bờ hồ bằng gạch cho khang trang sạch đẹp. Mặt trời lên 2 gác chuông, nhà thờ lung linh soi bóng dưới mặt hồ thơ mộng và trang nghiêm (1988).

5. Mua máy nổ, đàn nhạc, hệ thống loa đài cho nhà thờ: Công trình được thực hiện vào năm 1990. Nhằm mục đích tăng thêm lòng thành kính, trang nghiêm, phong phú trong khi cầu nguyện, được sự hỗ trợ của họ đồng hương miền Nam, hệ thống điện, loa đài hoạt động đều chủ động. Ca đoàn của giáo họ được thành lập rất sớm. Đầu tiên do bà Hoàng Thị Đại - Trưởng ca đoàn. Bà Trần Thị Tận làm Phó ca đoàn. Các thế hệ trẻ của giáo họ luôn hăng say luyện tập, kế tiếp đứng đầu là ông Gioan Phan Văn Kính, Gioan Phạm Văn Sơn (1990).

6. Tạc mới tượng chịu nạn, đóng quan tài kính phục vụ tưởng niệm ngày Chúa Giêsu chịu nạn (1994).

7. Xây đài các Thánh tử vì đạo: Đài kính thánh mẫu Maria được xây trên phần ruộng cũ nằm về phía đông xa nhà thờ. Đây là công trình lớn được đầu tư xây dựng thời bấy giờ. Công trình được thực hiện vào năm 1995

8. Lát đá hoa gian cung thánh: Công trình được hoàn thành vào năm 1995. Hai gian cung thánh được tôn tạo lại, lát đá hoa khang trang tôn kính.

9. Xây cầu, làm đường vào nhà thờ, đường xóm: Công trình được hoàn thành vào năm 1996. Để phục vụ giáo dân đi lại cầu nguyện, rước kiệu các ngày lễ, hệ thống đường xá vào nhà thờ, đường, xóm được bê tông hóa, khang trang, sạch sẽ chấm dứt tình trạng lụt lội mấy chục năm.

10.Tìm thấy hài cốt của các đấng tử đạo: Từ bao đời nay giáo dân vẫn truyền miệng nhau ở khu vực quanh nhà thờ có thi hài của các thánh tử đạo. Nhưng ở dâu? Chôn khi nào? Bao nhiêu vị?... vẫn là một ẩn số và bao thế hệ trước vẫn cầu nguyện và ao ước tìm thấy các ngài. Nhờ Hồng ân Thiên Chúa đã tìm được 14 vị. Đã bảo quản, làm thủ tục đưa các vị về đài. Đây là một phép lạ, một Hồng ân vô cùng lớn lao của Thiên chúa với giáo họ. Đây là một dấu ấn chứng minh sự tồn tại của xóm đạo đã mấy trăm năm nay. Đây là dấu ấn của Đức tin mãnh liệt vào Thiên Chúa. Các vị đã chịu khổ hình đến chết để chứng minh cho Đức tin đó. Việc tìm thấy thi hài các ngài đã làm thỏa lòng mong ước của bao thế hệ đi trước, bao công lao xây dựng nhà thờ. Một dấu ấn vô giá để thế hệ muôn đời sau sống xứng đáng trong đức tin, đức cậy, đức mến - làm sáng danh Chúa (1999).

11. Lát đá hoa trong và hiên nhà thờ: Được sự sốt sắng tài trợ của dòng họ Vũ do ông Gioan Võ Quang Đôn đại diện, trong nhà thờ và hai hàng hiên đã được lát gạch hoa khang trang, sạch sẽ thay cho gạch cũ trước đây. Dòng họ Vũ còn tài trợ sơn son thiếp vàng lại 14 dòng thánh giá (2000).

12. Đại tu hai gác chuông: Do giãi dầu mưa nắng hàng trăm năm, hơn nữa trong điều kiện phương tiện thi công thủ công, vật tư, vật liệu, thiếu thốn nên hai gác chuông nhà thờ xuống cấp có nguy cơ sụp đổ, giáo họ đã quyết định thuê thợ lành nghề đại tu toàn bộ phần trong, phần ngoài, gác chuông đảm bảo vững chắc, an toàn (2004).

13. Đổ sân bê tông, vườn hoa cây cảnh khu tượng đài Đức Mẹ: Sau khi tìm được thi hài các thánh tử đạo, các Ngài được chuyển về yên nghỉ tại chân đài Đức Mẹ, giáo họ bỏ công sức sửa chữa tôn tạo đại Đức Mẹ trang nghiêm, sạch đẹp (2005).

14. Đóng ghế mới trong nhà thờ: Toàn bộ ghế trong nhà thờ được sửa chữa, đóng mới đủ chỗ để giáo dân ngồi khi tham dự thánh lễ (2005).

15. Khôi phục hoạt động của đội trống: Cho đến ngày hôm nay hoạt động tốt (2005).

16. Cổng họ Xối Thượng: Công trình được xây dựng năm 2007.

17. Tượng đài Thánh Visente: Công trình trang nghiêm được xây dựng năm 2008 thể hiện lòng thành kính của giới trẻ họ giáo cùng thực. Sự đóng góp của giáo dân Nam Bắc.

18. Xây tường hoa đài Đức Mẹ, tôn tạo vườn hoa cây cảnh: Tạo cảnh quan sạch đẹp trang nghiêm cả một vùng phục vụ khách tham quan thập phương, được thực hiện năm 2008.

19. Lát đá hoa lại gian Cung thánh và đóng mới bục gỗ (2009).

20. Họ giáo Xối Thượng đồng hương ở các tỉnh phía Nam:

Rời quê hương vào miền Nam, vượt qua những khó khăn gian khổ, nỗi đau thương mất mát xa quê. Họ giáo đồng hương miền Nam được hình thành rất sớm. Hàng năm vào ngày kính thánh Gioan quan thầy, giáo dân lại tập trung đọc kinh cầu nguyện xin Chúa ban bình an và ơn phúc lành cho giáo dân hai miền Nam - Bắc, đồng thời cùng nhau giúp đỡ ủng hộ xây dựng tôn tạo nhà thờ ở quê hương.

Không có điều kiện xây dựng nhà thờ riêng. Giáo dân đã thay nhau rước tượng thánh quan thầy về từng gia đình, từng năm, tạo nên địa điểm hội tụ, gặp gỡ, cầu nguyện hàng năm.

Từ sau ngày nước nhà thống nhất năm 1975 đến nay, giao lưu hai miền được mở rộng thường xuyên. Trong khi miền Bắc còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, giáo dân ở miền Nam, ở hải ngoại đã ủng hộ công đức rất nhiều góp phần rất lớn xây dựng các công trình trên. Đặc biệt hai công trình lớn: Đài các thánh tử vì đạo và Cổng họ Xối Thượng cùng nhiều công trình khác thông qua ông cựu trùm Gioan Nguyễn Văn Phát và ông Phan Văn Thiện. Đây là sự giúp đỡ vô cùng lớn lao và hiệu quả.

Riêng bà Maria Lê Thị Toản (Vợ ông Gioan Vũ Mạnh Xuân ở Tân Phú - Thành phố Hồ Chí Minh) người con dâu của giáo họ là một trong những người đóng góp ủng hộ Họ giáo, làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo ở địa phương và nhiều xứ khác.

Tất cả các công trình đồ sộ trên đây đánh dấu sự phát triển của họ giáo trong thời kỳ này (1988-2009)

Để hoàn thành 22 công trình trên, giáo dân họ giáo Xối Thượng ở hai miền Nam Bắc và Hải ngoại đã đóng góp rất nhiều công sức, ủng hộ vật chất, tiền bạc. Theo điều răn của Chúa và lời dạy của Đức Cha, Cha Chánh xứ, các ông cựu trùm, các ông trùm, Ban hành giáo đã phục vụ thay mặt giáo dân trong từng thời gian của thời ký phát triển này:

18. Ông cựu trùm Họ đồng hương Miền Nam Gioan Nguyễn Văn Phát;

19. Ông cựu trùm Gioan Phan Văn Tòng;

      Cựu trùm hai Gioan Hoàng Văn Tiền;

20. Ông cựu trùm Gioan Bùi Văn Thìn;

      Cố trùm hai Gioan Nguyễn Văn Hiên;

      Cựu trùm hai Gioan Hoàng Văn Thiệp;

21. Ông Cựu trùm Gioan Phạm Ngọc Lân;

      Cựu trùm hai Gioan Phan Văn Kính;

22. Ông trùm Gioan Nguyễn Văn Hiệp;

      Trùm hai Gioan Nguyễn Văn Lệ.

Sau lễ kỷ niệm 100 năm khánh thành Nhà thờ, các ông trùm tiếp theo phục vụ cùng giáo dân trong nước và Hải ngoại, các dòng họ ủng hộ hoàn thành tiếp một số công trình để Nhà thờ Xối Thượng ngày càng khang trang thịnh vượng. Đó là công trình xây dựng nhà lớn để trưng bày, bảo quản các bộ kiệu, chiêng trống, cờ, ảnh… của Nhà thờ, Nhà giáo lý, trùng tu đài các Thánh tử đạo, nhà phòng, hoàn thiện cầu, cổng tiền, cổng hậu Nhà thờ, cải tạo bờ hồ, làm các bia tưởng niệm…

Do lịch sử xa xưa hàng ngàn năm để lại, thôn Xối Thượng, xã Nam Thanh gồm giáo dân đạo Thiên Chúa và lương dân đạo Phật cùng chung sống trong tình thương yêu, đùm bọc, đoàn kết thực sự. Đây là mô hình nổi bật về đoàn kết lương giáo của quê hương. Hàng bao thế hệ, bao đời từ ông bà tổ tiên đến bây giờ, truyền thống đoàn kết luôn được giữ gìn, nâng niu. Chính quyền các cấp luôn tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ giáo dân, nhà thờ. Ngược lại giáo dân luôn cố gắng sống tốt đời, đẹp đạo trong ánh sáng Chúa Kitô. Cùng giúp nhau xây dựng quê hương giàu đẹp, thanh bình. Chúng ta cám ơn chính quyền, đoàn thể các cấp, đồng bào lương dân luôn đồng hành cùng chúng ta chèo chống qua những khó khăn, thăng trầm của cuộc sống, của lịch sử. Cầu xin và giữ gìn tình đoàn kết, nồng ấm quê hương làng xóm trường tồn muôn đời.

 

KẾT LUẬN

Hơn hai ngàn năm trước Chúa Giêsu xuống thế làm người, từ 12 Thánh tông đồ theo Ngài, trải qua bao thăng trầm, đến năm 2008, trên Trái đất đã có hơn 2 tỷ người theo Kitô giáo (Riêng Công giáo là 1,15 tỷ người), 1,3 tỷ người theo Hồi giáo và 0,9 tỷ người theo Phật giáo. Riêng ở Việt Nam có hơn 6 triệu người theo đạo Công giáo. Điều đó chứng tỏ đạo Công giáo phát triển rất nhanh ở khắp các Châu lục và sẽ tồn tại mãi mãi cùng xã hội loài người.

Nhìn lại một trăm năm qua những giáo dân của họ giáo Xối Thượng ở miền Bắc, Nam, Hải ngoại đều tự hào về quê hương mình, nhờ Hồng ân của Thiên Chúa, Đức Mẹ Maria và Thánh Gioan quan thầy, các Thánh tử vì đạo-Những người đã đặt nền móng, hy sinh vì đức tin, gieo mầm cho niềm tin sinh hoa kết trái như ngày hôm nay. Tự hào các Đấng, thay mặt Chúa, các Đức Cha thuộc Giáo phận Bùi Chu, các cha chánh xứ Tương Nam, các thầy, các dì, các tu sĩ qua bao thời đại thăng trầm đã vững tay chèo dẫn dắt đoàn chiên theo chân Chúa.

Chúng ta tri ân các ban hành giáo, các cố trùm, cựu trùm, trùm qua mọi thăng trầm, biến cố của thời đại đã không quản ngại khó khăn, hy sinh phục vụ Chúa, phục vụ họ giáo. Tri ân tấm lòng của giáo dân họ giáo gần xa miền Bắc, miền Nam, hải ngoại đã không tiếc của, tiếc công, bằng tấm lòng thành đóng góp xây dựng quê hương, thánh đường. Đặc biệt dòng họ Vũ - người đã đặt nền móng xây dựng nhà thờ là cố trùm Gioan Vũ Can tức cụ Trương Can sinh năm 1855 mất 15/5/1937 và các thế hệ sau đã công đức rất nhiều thông qua ông Gioan Vũ Quang Đôn làm đại diện để tôn tạo, xây dựng nhà thờ.

Dưới ánh sáng Chúa Kitô, Thánh Gioan quan thầy và các Thánh phù hộ, hy vọng hàng trăm, hàng ngàn năm sau các thế hệ tiếp theo sẽ viết tiếp những trang sử huy hoàng rực rỡ về giáo họ Xối Thượng.

Theo sự hướng dẫn của Cha quản hạt, Cha chánh xứ, sự giúp đỡ, góp ý của Ban hành giáo và cộng đồng dân Chúa hai miền Nam Bắc, Ban biên soạn đã cố gắng chỉnh sửa hoàn thành cuốn sách này. Nhưng do điều kiện và khả năng có hạn, chúng tôi không có ý định biên soạn lịch sử họ giáo Xối Thượng, mà chỉ thống kê một số sự kiện và các công trình xây dựng. Chắc còn nhiều thiếu sót, xin được lượng thứ và góp ý.

 

Xin trân trọng cám ơn và đa tạ!

 

 

 

MỌI THÔNG TIN XIN GỬI VỀ

1. Ban hành giáo họ Xối Thượng - xã Nam Thanh - huyện Nam Trực - Nam Định.

2. Ông Nguyễn Phi - Số 37A, ngõ 263, Nguyễn Trãi, Phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội.

ĐT: (043) 8582745 - 0903292960.

 

THAM GIA BIÊN SOẠN

1. Cha chánh xứ Tương Nam: Phaolô Vũ Minh Hòa - Cố vấn.

2. Cha cố Phêrô: Phạm Văn Cử - Cố vấn.

3. Ban hành giáo - Giáo họ Xối Thượng.

4. Ông Gioan Võ Quang Đôn.

5. Ông Gioan Nguyễn Phi - Chủ biên.

 

Tác giả:

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!