Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Trần Duy Nhiên
Bài Viết Của
Gs. Trần Duy Nhiên
Nguyễn Viết Chung và Tiếng Gọi của Chân Thiện Mỹ
CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO TẠI QUẢNG NAM NĂM 1623 VÀ VẤN ĐỀ NGÔN NGỮ - BỨC THƯ CỦA FRANCISCO DE PINA
BẢNG CHỮ CÁI
Slideshow => Vài suy tư nhân dịp Năm Mới 2009
Năm mới nói chuyện cũ: Tòa Thánh cổ võ cho một ngày lễ có mục đích thương mại?
Hiển Linh đối với giáo dân.
KHAI BÚT ĐẦU NĂM
CHÂN PHƯỚC ROSALIE RENDU, MỘT NỮ TỬ BÁC ÁI.
THƯ CHÚC MỪNG NGÀY NHẬN LÃNH TÁC VỤ LINH MỤC.
Nữ Tử Bác Ái: Chứng từ của sự im lặng Giáng Sinh.
Nữ Tử Bác Ái: Diễn tiến liên quan đến cơ sở 32 bis Nguyễn Thị Diệu
FATIMA VÀ NHỮNG LỜI CẢNH BÁO RÙNG RỢN.
LỜI XIN LỖI MUỘN MÀNG
CÔNG BÌNH XÃ HỘI THEO QUAN ĐIỂM CÔNG GIÁO.
Hai gương mặt mục tử.
CÔNG BÌNH XÃ HỘI TẠI VIỆT NAM
CÓ THỂ CHIẾN THẮNG SỰ GIAN DỐI.
MẸ VIỆT NAM ÔI, CÁM ƠN MẸ!
ĐỪNG SẬP BẪY SATAN!
HAI GƯƠNG MẶT MỤC TỬ.

Trần Duy Nhiên 

Hôm nay, tôi không nhai đi nhai lại chuyện nhà đất. Tôi chỉ muốn nhìn vào chủ chăn và sứ mệnh các ngài. Tôi nhớ lại bài giảng của cha Vũ Khởi Phụng tại Dòng Chúa Cứu Thế Saigon, đêm 28-8-2008, trong thánh lễ hiệp thông cầu nguyện cho Tòa Khâm Sứ và Linh Địa Thái Hà. Ngài nói: “Mảnh đất là một biểu tượng, mảnh đất là một cái cớ, mảnh đất là một cơ hội, để đi tìm một cái gì khác 

Có lẽ câu nói đó đã làm cho ngài trở thành một người đáng nghi ngờ, vì đây không còn là vấn đề tranh chấp về một thửa đất, mà là một vấn đề lớn hơn, một vấn đề ‘chính trị’. Thực ra, ngài đã nói thay cho những người thấp cổ bé miệng, những người dân oan nhưng không còn tiếng nói. Và cũng có lẽ vì thế mà đúng một tháng sau, đêm 28-09-2008, những người hung hăng đã đến ‘cướp’ linh địa và thét lên ‘Giết Vũ Khởi Phụng - Giết Ngô Quang Kiệt!’. 

Những biến cố này khiến tôi nhìn lại gương mặt của hai tổng giám mục tiêu biểu cho cùng một cách làm chứng. Dù hai vị khác nhau trên mọi phương diện - sống trong hai môi trường khác nhau, đối diện với các tình huống khác nhau, cách trả giá cũng khác nhau - thì hai vị đều có một mẫu số chung, ấy là làm chứng rằng: Thời đại này, Giáo Hội tiếp tục bị bách hại, không phải vì niềm tin của mình, mà vì Giáo hội bênh vực người nghèo khổ, người bị áp bức, chống lại những kẻ áp bức. Hai gương mặt ấy là TGM Ngô Quang Kiệt và TGM Oscar Romero. 

Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt 

 Ngày 29-06-1999, cha Giuse Ngô Quang Kiệt được phong giám mục để phục vụ tại một giáo phận nghèo và hẻo lánh của tuyến đầu đất nước : Lạng sơn. Nơi đây,  đồng bào là những người dân quê hiền lành mộc mạc, đời sống rất khó khăn vì hậu quả của chiến tranh. Nước Việt Nam vốn đã chịu nhiều cảnh nghèo: dân nghèo, địa phương nghèo thì Giáo Hội ở đó cũng nghèo theo.  

Cùng hồi tưởng lại lời chia sẻ của ngài trong lời mở đầu của bài hội thảo tại Đại Hội Giáo Lý do Tổng Giáo Phận Los Angeles tổ chức và tân Tổng Giám Mục Hà Nội là diễn giả: ‘Tháng 10 năm 2000, tôi được hân hạnh tham dự đoàn hành hương Năm Thánh của một số Giám mục Việt nam. Trong dịp vào chầu Đức Thánh Cha, Đức Tổng Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, bây giờ là Hồng Y đã giới thiệu tôi là một giám mục 3 không: không có toà giám mục, không có nhà thờ chính toà, không có linh mục tu sĩ. Và Đức Thánh Cha đã gọi tôi là ‘homeless bishop.’...  ‘Chỉ có một mình, nên tôi miệt mài rong ruổi. Hết xứ nọ sang xứ kia. Hết làng này sang làng khác. Ở trên xe nhiều hơn ở trong phòng. Ở trên đường nhiều hơn ở trong nhà. Trời đất là quê hương. Núi rừng là giáo phận. Đường là nhà. Xe là phòng. Cứ đi không ngừng…’ 

Vâng, vị Tông Đồ mục tử ấy, Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, quê quán ở chính nơi được gọi về phục vụ như là vị mục tử ngày nào ‘không nhà’ ở Lạng Sơn. Ngài sinh ngày 4 tháng 9 năm 1952 tại Mỹ Sơn, Lạng Sơn. Được đào tạo tại Tiểu Chủng viện Têrêsa, thuộc giáo phận Long Xuyên rồi theo học tại Đại Chủng Viện Tôma, trong cùng giáo phận. Hoàn cảnh đất nước đổi thay, nhiều khó khăn cho các ơn gọi và tâm hồn ước ao tận hiến; nhưng với riêng ngài, tuân phục ơn Chúa dẫn đưa và lòng kiên trì theo đuổi, mùa hè năm 1991 ngài được chọn bước lên bàn thánh cử hành sứ vụ linh mục. Sau thời gian phục vụ tại Nhà Thờ Chính Toà Long Xuyên, ngài được theo học tại Institut Catholique de Paris, Pháp.  

Khi về nước, cũng tiếp tục phục vụ tại giáo phận nhà cho đến khi trở thành Giám mục coi sóc giáo phận quê quán mình. Tại đó, ngài đã chia sẻ với những giáo dân nghèo và lam lũ trong thân phận hẩm hiu với họ. Một giám mục phục vụ dân nghèo thì làm gì có mũ gậy quyền bính, nhưng là một ông từ quét dọn nhà thờ nghèo xơ xác, vừa làm ca trưởng và cũng vừa là giáo lý viên, và là linh mục cử hành các bí tích, mục vụ cho những người dân bản làng. Ấy thế mà ngài vẫn dành thì giờ để viết những loạt bài chia sẻ Tin Mừng hàng tuần, và cùng với một số linh mục anh em biên soạn sách vở, dịch thuật để giúp cho dân Chúa thêm lương thực cho đời sống đức tin.  

 Chạnh Lòng Thương - khẩu hiệu của Đức cha Giuse khi được gọi làm Giám Mục đã được ngài sống hết mình qua những thể hiện của những hy sinh chính bản thân mình. Bất kể thì giờ, mưa nắng, trong những năm tháng qua, ngài đã cùng với dân làng ở Lạng Sơn tìm kiếm lại khuôn mặt Đấng đã Chết và Sống Lại cho họ bấy lâu đã nhạt nhoà. Mà ở đó, theo ngài ‘…Biết bao tâm hồn thiện chí đang khao khát chờ đợi ta. Biết bao niềm tin câm lặng đang chờ dịp tỏ lộ. Biết bao nỗi mất mát đau thương chờ được thông cảm. Biết bao cảnh lầm than cơ cực chờ được nâng đỡ. Những tiếng mời gọi tha thiết nhưng rất âm thầm. Phải mở lòng ra mới nghe thấy. Phải mở trái tim ra mới hiểu được. Hôm nay tiếng Chúa vẫn vang lên qua những lời giáo huấn của Hội thánh. Tiếng Chúa vẫn mãnh liệt trong tâm hồn mỗi vị mục tử. Tiếng Chúa bàng bạc, âm thầm nhẹ nhàng nhưng sâu thẳm tha thiết ‘Hãy ra khơi ...’ (Hội Thảo 20/2/2005, ĐHGL Los Angeles). 

Tháng 5 năm 2003, bận rộn hơn vì nhiệm vụ mới, rong ruổi hơn khi ngài được gọi về phục vụ trong nhiệm vụ Giám Quản Tông Toà Hà Nội vì Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng đến tuổi về hưu. Rày đây - Lạng Sơn, mai đó - Hà Nội, bận rộn như con thoi chạy đi chạy về vì việc nhà Chúa và bổn phận. Hai năm sau, ngày Thứ Bảy 19-03-2005, đúng vào ngày lễ Quan Thầy Giuse, ngài được chính thức tấn phong Tổng Giám Mục Giáo Phận Hà Nội.  

Dĩ nhiên, chức vụ tổng giám mục là do Đức Giáo Hoàng cắt đặt, nhưng chính quyền Hà Nội đã chấp nhận, nếu không nói là ‘chọn’ ngài; bởi vì trong hiện tình đất nước Việt Nam, không một giám mục nào có thể được cai quản giáo phận, nếu chính quyền sở tại không đồng ý. Có lẽ chính quyền Hà Nội cũng hy vọng ngài sẽ hợp tác để phục vụ ‘quyền lợi của nhân dân’ theo cách nghĩ và cách làm của những vị có chức có quyền tại đó. Một trong những lý do khiến họ an tâm, ấy là vì homeless bishop này chẳng màng gì đến toà nhà, đến đất đai, đến quyền lợi thế gian cả. Thế mà chỉ hai năm sau, ngài trở thành cây gai đâm vào cái ung của bộ máy chính quyền Hà-nội, và có nguy cơ làm vỡ tung một mụt nhọt từng làm cho người dân Hà Nội nói riêng, và nhân dân Việt Nam nói chung, nhức nhối trong một thời gian dài. Vâng! vị tổng giám mục ấy vẫn cứ đi không ngừng 

Con người ‘chạnh lòng thương’ ấy - một người khiêm nhường không bao giờ to tiếng với ai, một tổng giám mục mà mỗi lần nhấc điện thoại thì chỉ nói đơn sơ vỏn vẹn: ‘Kiệt đây!’ - người ấy đã khẳng khái trình bày lớn tiếng trước UBND thành phố Hà Nội một số câu mà mọi người hiểu như sau: Tôn giáo là quyền của chúng tôi! Chúng tôi không cần xin ai cả! Chúng tôi không tranh chấp đất đai với chính quyền, chúng tôi chỉ muốn lấy lại những gì thuộc về mình, mà bọn ‘ăn cướp’ đang tính bán đi để lấy tiền bỏ túi 

Dĩ nhiên, đó là một cú bất ngờ nhất đối với chính quyền Hà Nội! Và đó cũng là những lời đem về cho ngài bản án tử hình. Dĩ nhiên, vào thời buổi này, giết ngài bằng một viên đạn thì không thể làm được, vì tình hình đã đổi thay.  Nhưng họ giết ngài bằng những phương tiện ‘hợp pháp’ như bôi nhọ trên truyền thông, đặt lộ liễu khắp nơi những máy móc để  ‘quản chế’ ngài, viết trên văn bản gửi Hội Đồng Giám Mục yêu cầu‘ thuyên chuyển  ra khỏi Giáo Phận Hà Nội’, v.v…  

Thời thế đã đổi thay! Hẳn những người ‘có quyền bán đất’ nuối tiếc thời 25-30 năm về trước, thời mà ai cản trở quyền lợi cá nhân mình thì chỉ cần chụp cho cái mũ ‘cấu kết với bọn phản động’, rồi bắn bỏ mà chẳng ai có thể làm gì mình! Thời mà chính quyền ở El Salvador đã giết tổng giám mục Oscar Romero.   

Tổng Giám Mục Oscar Romero. 

Ngày 23-02-1977, Đức cha Oscar Arnulfo Romero được tấn phong tổng giám mục San Salvador. Những người trong chính quyền hoan nghênh quyết định này của Tòa thánh, nhưng các linh mục dấn thân lại e ngại vì ngài có tiếng là bảo thủ, và sợ rằng ngài sẽ ngăn chặn mọi sự dấn thân của họ để phục vụ cho quyền lợi của người nghèo. Thế nhưng, ngạc nhiên thay, không đầy một tháng sau, ngày 12 tháng 3, khi bạn của ngài là linh mục Rutilo Grande, một người đấu tranh cho người nghèo bị ám sát, ngài đã lên tiếng đòi buộc chính quyền của Arturo Armando Molina phải làm rõ vụ việc này, dù sau đó không ai đáp ứng lời kêu gọi của ngài. 

Với tư cách là tổng giám mục, ngài hiểu rằng Giáo Hội là một cái gì đó cao hơn các phẩm trật, cả Rôma, các nhà thần học hay các giáo sĩ – nghĩa là một cái gì vượt lên trên mọi cơ chế. Cho đến một ngày kia, ngài cảm nghiệm rằng chính người dân là Giáo Hội. Ngài nói: “Thiên Chúa cần đến người dân để cứu lấy thế gian… Thế giới của người nghèo dạy chúng ta rằng giờ giải thoát đến chỉ khi nào người nghèo không còn ngửa tay ăn xin chính quyền và giáo hội, nhưng họ trở thành người làm và người chủ động trong cuộc chiến để giải thoát chính mình.” 

Đức Cha Romero thấy mình bất lực vì không thể ngăn cản được bạo lực. Trong vòng một năm sau khi ngài được tấn phong, khoảng chừng 200 giáo lý viên và nông dân sống trên giáo phận ngài đã bị giết. Sau này, hơn 7,500 người Salvador sẽ bị giết, một triệu người rời bỏ quê hương để trốn thoát, và một triệu người khác luôn di cư để tránh các cuộc đụng độ - trên một đất nước có 5,5 triệu dân. Điều duy nhất mà cha Romero có thể đem đến cho dân chúng là những bài giảng hùng hồn của ngài, được phát thanh khắp nơi trên đất nước. Ngài trấn an họ, bảo rằng những điều ghê tởm kia sẽ phải chấm dứt, nhưng Giáo Hội của người nghèo, của chính họ, sẽ tiếp tục sống mãi.  

Nếu một ngày nào họ tiêu diệt đài phát thanh của chúng ta… nếu họ không cho chúng ta lên tiếng, nếu họ giết hết mọi linh mục và giám mục, và anh chị em sẽ bơ vơ không còn có linh mục, thì mỗi anh chị em phải trở thành máy vi âm (microphone) của Thiên Chúa, mỗi một anh chị em phải trở thành ngôn sứ.” 

Năm 1980, giữa trận cuồng phong của bạo lực, đức cha Romero viết thư cho tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter, yêu cầu ông đừng gửi viện trợ cho quân đội, bởi vì, theo lời ngài, ‘viện trợ ấy được dùng để đàn áp người dân nước tôi.’ Trong vòng 12 năm liên tục, Hoa kỳ vẫn tiếp tục gửi viện trợ cho San Salvador. Lá thư này bị chìm trong quên lãng. Hai tháng sau ngài bị ám sát. 

Ngày 23-3-1980, đức cha Romero bước vào vùng lửa đạn. Ngài lớn tiếng gửi lời kêu gọi đến binh sĩ xuất thân từ thành phần nông dân, trong khi đó các tướng lãnh sợ hãi và căm ghét uy tín của ngài. Cuối bài giảng, được truyền thanh trên khắp nước, lời ngài vang lên: “Hỡi anh em, anh em xuất thân cùng tầng lớp với họ, anh em giết những nông dân bạn hữu mình… Không có một quân nhân nào buộc phải tuân hành một mệnh lệnh đi ngược lại với thánh ý của Thiên Chúa…”

Tiếng hoan hô vang lên như sấm nổ: ngài đã kêu gọi quân đội nổi dậy. Thế rồi ngài gào lên: “Nhân danh Thiên Chúa, nhân danh những người dân đau khổ, tôi yêu cầu anh em, tôi van nài anh em, tôi ra lệnh cho anh em nhân danh Thiên Chúa: hãy ngừng chiến dịch đàn áp này”. 

Lời kêu gọi này đồng nghĩa với lời kêu gọi của Chúa Kitô: hãy chọn lựa người nghèo và bị áp bức. Và lời kêu gọi ấy cũng là lời nói đem đến bản án tử hình: ngày hôm sau, 24-3-1980, ngài bị ám sát ngay trên tòa giảng. 

Trước ngày định mệnh đó không lâu, ngài đã nói với một ký giả: “Anh có thể nói với dân chúng rằng nếu họ (chính quyền) có giết được tôi, thì tôi tha thứ và chúc phúc cho những người giết tôi. May thay, họ sẽ ý thức rằng họ mất thì giờ vô ích. Một giám mục chết đi, nhưng Dân của Chúa, nghĩa là người dân đen, sẽ không bao giờ chết cả.” 

Hai mươi tám năm rồi, kể từ ngày viên đạn kia kết thúc cuộc đời trần thế của ngài đúng như ngài dự kiến, thì ngài vẫn còn sống trong lòng dân tộc của ngài.  Lời xác tín của ngài đã trở thành hiện thực: 

“Thế giới mà Giáo Hội phải phục vụ là thế giới của người nghèo. Giáo hội bị bách hại, ấy là hệ quả của việc bênh vực người nghèo. Mạng sống tôi đã bị đe dọa nhiều lần. Tôi cần phải tuyên xưng, với tư cách là Kitô hữu, rằng tôi không tin mình chết mà lại không phục sinh. Nếu họ giết tôi, tôi sẽ sống lại trong dân tộc Salvadore”

Tác giả: Gs. Trần Duy Nhiên

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!