Trong một chuyến đi Chicago, tôi đã đặt chân vào ngôi nhà nguyện ấy.
Đó là ngôi nhà nguyện trong một cao ốc tối tăm vùng Nam Chicago, nơi được dùng làm trụ sở của tổ chức Catholic Charities. Mặt tiền của cao ốc này là con đường tấp nập xe cộ; cửa sau cao ốc thông ra một khu đậu xe, với con đường đất dẫn vào, gập ghềnh, lồi lõm, Ngay trên đầu lối xe vào là chiếc cầu xi măng, trên đó xe điện chạy rầm rập suốt ngày đêm.
Rõ ràng, đây không phải là một cao ốc khang trang, tráng lệ nó hợp với khung cảnh của vùng Nam Chicago, nơi có nhiều người da đen và người Mễ, những người nghèo, thuộc tầng lớp thấp kém trong xã hội. Tầng trệt của cao ốc này là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của những người Mễ Tây Cơ.
Có lẽ trong tầng trệt của cao ốc này, ngôi nhà nguyện là căn phòng đẹp nhất, với những bờ tường cẩn đá cuội to bên dưới, một bàn thờ làm bằng một phiến gỗ mộc, một nhà tạm bên góc trái với ngọn đèn dầu leo lét, và một giàn đèn màu hắt ánh sáng từ trên trần xuống.
Tôi quì trong nhà nguyện, tĩnh tâm một lúc rồi ngó lên bốn bức tường tìm kiếm một hình ảnh thân quen: mười bốn chặng đàng thánh giá. Trong bất cữ một thánh đường hay nguyện đường Công giáo lớn nhỏ nào, đều có hình ảnh của mười bốn chặng đàng thánh giá. Đó là những hình ảnh ghi lại những biến cố quan trọng trong đoạn đường khổ nạn của Chúa Kitô, bắt đầu từ sự kiện Ngài bị đưa đến dinh quan tổng trấn Philatô luận tội và kết thúc ở sự kiện xác Ngài được táng trong huyệt đá. Người giáo dân, khi muốn tưởng nhớ đến công ơn cứu chuộc của Chúa Ki tô thì đứng trước mỗi chặng đó, đọc kinh, suy niệm, gọi là ''đi đàng thánh giá".
Điều làm tôi kinh ngạc là ngôi nhà nguyện trang trí theo nghệ thuật Mễ Tây Cơ này không có mười bốn chặng đàng thánh giá. Tôi đã từng đến những ngôi nhà nguyện rất nhỏ hẹp, rất đơn sơ nghèo nàn, nghèo đến độ không có nổi hình ảnh của mười bốn chặng đàng thánh giá; nhưng thay vào đó, người ta đã cắt mười bốn hình thánh giá nhỏ bằng giấy, gắn lên tường, tượng trưng cho mười bốn chặng đàng thánh giá. Ở đây, hình ảnh không có, thánh giá bằng nhựa, bằng giấy cũng không có, tường vách trống trơn. Thay vào đấy, họa sĩ nào đó đã dùng màu, vẽ dày đặc trên bốn bức tường. hình ảnh những người đa đen, người Mễ, những cảnh gồng gánh, cảnh làm việc tại công trường... trông hết cả vẻ trang nghiêm của một nơi phượng tự. Tự nhiên tôi thấy giận giận trong lòng. Cái tật vẽ tùm lum tà la trên tường nhà, đường phố, cầu cống của người Mễ xâm nhập cả vào nơi cầu nguyện.
Tại sao lại có một sự vô ý thức đến như thế!
Vì công việc, tôi phải ở lại trung tâm sinh hoạt tôn giáo của người Mễ này vài ngày. Và cũng vì trách nhiệm, mỗi ngày tôi phải vào ngôi nhà nguyện đó nhiều lần. Lần nào cũng vậy, thay vì tìm thấy sự bình an trong tâm hồn thì tôi chỉ cảm thấy... mất bình an. Càng mất bình an bao nhiêu thì tôi càng có cảm tưởng những hình ảnh trên tường đó càng nhảy múa, trêu ghẹo tôi bấy nhiêu. Hóa ra, thay vì được ''tĩnh tâm" thì tôi lại bị ''động tâm''. Nguyên do cũng chỉ vì ngôi nhà nguyện không có mười bốn chặng đàng thánh giá, lại thêm nữa là tường vẽ đầy những hình ảnh kì quái làm mất vẻ trang nghiêm.
Cho đến buổi sáng kia, một vị hình mục đến dâng Thánh lễ trong ngôi nhà nguyện này. Trong phần giảng thuyết, ngài khai triển chủ đề ''Chúa ở trong tha nhân ''. Ngài nói: ''Chúng ta không nhìn thấy Chúa, nhưng nhìn thấy anh em chung quanh ta cũng chính là thấy Chúa, vì Chúa ở trong những người anh em đó. Chúng tạ cũng không trực tiếp phục vụ Chúa, nhưng khi chúng ta phục vụ những người anh em cũng là chúng ta phục vụ chính Chúa, vì Chúa ở trong những người anh em đó.
Tôi ngồi nghe, hơi thờ ơ. Những tư tưởng này tôi cũng đã được nghe nhiều lần, không có gì mới lạ. Nhưng tôi bắt đầu chú ý khi vị linh mục đề cập tới những bức tường trong ngôi nhà nguyện. Bằng một giọng đều đặn nhưng không thiếu sự rung cảm, ngài nói:
Anh em thử nhìn lên bốn bức tường trong nhà nguyện này. Anh em không thấy mười bốn chặng đàng thánh giá cũng không thấy Chúa đâu. Nhưng có Chúa đó, và cũng có cả mười bốn chặng đàng thánh giá đó.
Tôi kinh ngạc, chú ý nghe. Và vị linh mục nói tiếp:
Anh em hãy nhìn bức hình thứ nhất: một người da đen bị trói hai tay, đứng trước những người khác. Anh em không nhìn thấy Chúa đâu, nhưng có Chúa trong người da đen ấy. Chúa Ki tô đang bị đưa ra trước tòa quan tổng trần Philatô đó... Anh em hãy nhìn bức hình thứ hai, anh em không thấy Chúa đâu, chỉ thấy một người đang vác những vật rất nặng trên vai, lưng anh ta còng xuống. Chúa đó, Chúa Ki tô vác thánh giá trong người anh em đang mang nặng đó... Anh em hãy nhìn bức hình thứ ba, anh em không thấy Chúa đâu, chỉ thấy một người bị đè dưới một đống gạch. Chúa đó, Chúa Ki tô bị ngã xuống đất dưới sức nặng của cây thánh giá...Anh em hãy nhìn bức hình thứ tư, anh em không thấy Chúa đâu, chỉ thấy một phụ nữ đẹp sầu muộn đang nhìn một người đang bị đánh đập. Chúa Kitô đó, trên đường khổ giá, Ngài đã gặp Đức Mẹ sầu bi.
Lần lượt, vị linh mục giảng giải trọn vẹn mười bốn chặng đàng thánh giá vẽ trên tường. Tôi và những người ngồi trong nhà nguyện chăm chú lắng nghe. Nghe mà cảm thấy trong lòng sung sướng. Đây là lần đầu tiên, tôi cảm nghiệm bài học "Chúa ở trong tha nhân '' một cách thật mãnh liệt và sống động.
Buổi,chiều, tôi gặp vị linh mục yà tỏ ý cảm phục vì sự ngài nhìn ra ý nghĩa của những hình ảnh ''kì quái '? trên tường. Ngài cười nhẹ, đáp:
Tôi nghĩ đó là sự nhạy cảm văn hóa. Buổi sáng sớm nay, tôi vào nhà nguyện, ngồi suy niệm. Bất chợt, nhìn lên tường, ngắm những bức tranh ấy, tôi tìm ra được ý nghĩa của chúng.
Tôi không có được sự ''nhạy cảm văn hóa '' của vị linh mục kia. Nhưng qua sự giải nghĩa của ngài, tôi học được một bài học còn quan trọng hơn sự ''nhạy cảm văn hóa''. Chuyện xảy ra là, sau buổi sáng hôm ấy, mỗi lần vào nhà nguyện Mễ Tây Cơ đó, tôi không còn cái tâm trạng ''giận giận '' và ''mất bình an '' nữa; trái lại, lòng tôi thấy bình an thư thái và chan chứa yêu thương. Tôi thấy ngôi nhà nguyện đẹp và dễ thương, những giờ cầu nguyện trong ngôi nhà nguyện ấy thật là ý nghĩa.
Trước đây, tôi thấy ngôi nhà nguyện dễ ghét, vì tôi không hiểu được ý nghĩa những bức tranh vẽ trên tường. Bây giờ, ngôi nhà nguyện dễ thương, vì tôi đã hiểu được ý nghĩa những bức tranh ấy. Bài học tôi học được chính là ở chỗ đó: ngôi nhà nguyện cũng y như một con người và những bức tranh vẽ trên tường cũng giống như tâm hồn của người ấy. Có những người, khi mới thoạt gặp, tôi đã thấy ''mất cảm tình'' ngay, nơi họ có cái gì kì cục, khó ưa và tôi tìm cách xa tránh họ, không muốn tiếp xúc với họ.Tình cờ gặp họ, dù họ không làm gì đụng chạm đến tôi, tôi cũng thấy ghét, thấy bực mình. Thế nhưng, nếu có cơ hội nào, tôi đi được vào cõi lòng của người ấy, tôi biết được tâm trạng, sự suy nghĩ, niềm vui nỗi buồn, niềm đau và sự hạnh phúc của người ấy, tôi sẽ thấy người ấy có những điểm dễ thương và tâm hồn người ấy có nhiều điều đáng quí.
Hi vọng rằng từ nay, khi tiếp xúc với một người, tôi sẽ không vội ưa hay không ưa, mà cố gắng tìm hiểu tâm hồn họ. Và tôi tin rằng nơi tâm hồn bất cứ một ai cũng có những điểm đáng quí, dễ thương.
Nhà Văn Quyên Di