Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Nhà văn Quyên Di
Bài Viết Của
Nhà văn Quyên Di
Yêu thương đời
Viên đá trong bàn tay
Tuyết xuống đêm qua
Tháo giầy
Tách cà phê buổi sáng
Soi gương, soi lòng
Rơm
Những tầm thường
Những ngày sầu thảm
Những giọt nước
Những ánh lửa
Người yêu màu trắng
Người ghét mùa Xuân
Mùa Xuân cuộc đời
Mơ một vì sao
Mệt mỏi chán chường
Gió mưa là bệnh của trời...
Giấc mơ Xuân
Đi trên đường đời
Dã thảo nhàn hoa
Đàng Thánh Giá trong ngôi nhà nguyện Mễ Tây Cơ
Con tắc kè trên ngọn cây dừa
Chim Sẻ đáng yêu
Cánh én trở về
Cam chua, chanh ngọt
Bức tường đá
Boomerang
Bên cầu biên giới
Bàn Chân
Giới thiệu tác phẩm Nhìn xuống cuộc đời
MỆT MỎI CHÁN CHƯỜNG

 

 

Hình như khuôn mặt tôi trông có vẻ khờ khờ, thành thật, không đến nỗi gian ác cho lắm, tôi lại có ''đức tính" chịu khó nghe người khác nói, nên hay được bạn bè, người quen chọn để tâm sự, để nói cho với đi những dằn vặt, bực tức, khó chịu trong lòng. Thường sau những giờ im lặng ngồi nghe như thế,tôi chỉ nói với bạn: ''Anh (Chị) có thể ân hận, bất mãn, bực tức, buồn bã, ngay cả giận dữ nữa. Nhưng Anh (Chị) cố đừng để mình rơi vào tình trạng mệt mỏi, chán chường. Khi đã mệt mỏi, chán chường rồi, người ta hết còn muốn thay đổi, muốn vươn lên nữa".

Vậy mà lúc này chính tôi đang cảm thấy hết sức mệt mỏi, chán chường. Trạng thái này khiến tôi rã rời, muốn buông xuôi tất cả, mặc cho cuộc đời cuốn trôi mình đến đâu cũng được.

Mọi khi, mỗi lần cảm thấy trong người không vui, lười lĩnh không muốn làm việc, hay là bực dọc, bất mãn điều gì tôi thường bỏ chỗ làm, tìm đến một công viên vắng người, trong đó có cây cối, chim chóc, có hồ nước và những thảm cỏ mênh mông. Tôi vào đó, có thể cả ngày, nằm nghe tiếng chuyện trò của cây cối, tiếng chim ca hót, tiếng gió rì rào, tiếng hồ nước thầm thì với chính lòng nước. Tôi cũng chơi với nắng. Nắng có khi núp trong bụi cây, kẽ lá, cũng có khi chan hòa khắp cánh đồng cỏ. Nắng choàng lên tôi như một tấm chăn nhẹ mà ấm; có khi qua những tàn cây, nắng thêu hoa trên thân thể tôi. Vài giờ hay một ngày êm đềm như thế trôi đi, cơn bực dọc, điều bất mãn của tôi tan biến, tôi trở về với mái ấm gia đình, với chỗ làm việc, vui tươi, yêu đời như một con người hoàn toàn mới. Lần này, tôi mệt mỏi chán chường đến độ không muốn cả chuyện tìm niềm vui trong sáng ngoài công viên như đã thường làm.

Có lẽ những cái tang gần đây trong gia đình, những công việc và trách nhiệm một lúc ùa đến bao vây, những hiểu lầm to lớn từ người khác về tôi bất ngờ xảy ra, những lo lắng về cuộc sống tương lai của gia đình... khiến tôi rơi vào trạng thái này. Khi người anh cả mà tôi rất quí mến qua đời, tôi đã đứng thinh lặng trước quan tài còn mở nắp, nhìn anh nằm bình yên thanh thản bên trong. Tâm trạng thực của tôi lúc đó là mong muốn cũng được nằm xuống, bình yên thanh thản như anh, mãi mãi, không còn phải ngồi dậy, không còn phải sống nữa. Chính giây phút đó tôi khám phá ra rằng mình đã rơi vào tình trạng mệt mỏi, chán chường.

Trong trạng thái này, tôi đâm ra buồn bực với người khác và với chính tôi. Tôi buồn bực người khác vì có cảm tưởng mọi người xem tôi như cái... thùng rác. Khi trong lòng họ có cái gì không vui, cái gì muốn tống khứ đi cho rộng chỗ, cái gì không đẹp muốn loại bỏ, họ kiếm tôi và vất cho tôi tất cả. Và họ ra về, vui vẻ, thoải mái vì đã trút bỏ được gánh nặng. Tôi không còn nghĩ được rằng khi bạn đến với mình, tâm sự với mình là bạn đã tin tưởng mình, đã tín cẩn trao tặng mình một phần đời của bạn, cái phần sâu kín bạn vốn cất giữ như một kho tàng riêng tư. Bạn chia cho tôi kho tàng ấy, là vì bạn nghĩ rằng, và tin rằng tôi xứng đáng để được trao tặng và cất giữ.

Tôi buồn bực với chính tôi, vì nghĩ rằng mình đã dại dột để tự nguyện làm... thùng rác. Nào có ai buộc được tôi, bắt được tôi làm cái chuyện tự nguyện này, ngoài chính tôi thôi. Sao tôi khờ thế, và... ngu thế. Làm thùng rác thì được lợi ích gì cho mình, có chặng chỉ là sự nặng lòng và càng cảm thấy chua chát vì những cái xấu của cuộc đời! Tôi không còn nghĩ được rằng khi tự nguyện nghe người khác tâm sự là tôi tập sống quảng đại, đồng thời cũng đang học một tấm gương tin tường và phó thác; khi nghe người khác cởi mở cõi lòng của họ là tôi đang tập đón nhận trong yêu thương và kính trọng; khi nghe người khác giãi bày là tôi và người ấy đang thiết lập một mối liên hệ đầy tình người cao quí. Tôi không còn nghĩ được như thế, tôi quên hết, chỉ vì tôi đang trong trạng thái mệt mỏi, chán chường.

Ngoài kia buổi chiều đang xuống. Một chút nắng vàng lóng lánh còn sót lại trên ngọn thông cao vút. Đã có một thời, tôi rất thích cách lí luận của Xuân Diệu khi ông viết: ''chiều lên chứ chiều không xuống.'' Xuân Diệu lí luận rằng chiều mang theo bóng tối; chiều dâng bóng tối lên bao phủ mặt đất trước, rồi cữ dâng lên dần dần, cho tới khi dâng lên tới những ngọn cây cao nhất, đó là lúc ngọn cây chỉ còn một chút nắng. Thế rồi chiều dâng lên hoàn toàn, chút nắng cũng chẳng còn trên ngọn cây, bóng tối bao trùm toàn thể cảnh vật.

Trong lúc này tôi cũng chẳng thiết đến cái chuyện ''chiều xuống'' hay ''chiều lên'' và cái lí luận của Xuân Diệu trở thành vớ vẩn. Chiều nó lên hay nó xuống thì có khác gì đối với con người! Tôi đang chán mà ? Chút ánh nắng trên ngọn cây thông kia, mọi khi tôi thấy nó như chất vàng lá dát mỏng trang điểm ngọn thông, hôm nay tôi thấy nó vàng vọt, xấu xí, làm cho ngọn thông như bị cháy xém. Tôi nằm rã rời trên giường nhìn ra cửa sổ. Cái ánh sáng nhá nhem vào buổi hoàng hôn sao mà bệnh tật và buồn thảm quá đỗi. Có lẽ thà tối hẳn, cảnh vật sẽ đẹp hơn. Cõi lòng tôi cũng đang có cái thứ ánh sáng nhá nhem, lem luốc của buổi hoàng hôn ấy. Thế mà có anh chàng thi sĩ dám viết: ''Tôi đổi hai mai lấy một chiều", làm như buổi chiều đẹp lắm, quí lắm vậy !

Thả người trên giường trong trạng thái mệt mỏi chán chường như thế, tôi chợt nghĩ đến một bài văn ngắn của Vũ Trọng Phụng, có tựa đề ''Tâm sự cái giường hư''. Nhà văn họ Vũ đã cho cái giường kể chuyện đời nó. Khi nó còn mới, còn đẹp, người ta chăm sóc nó, lau chùi đánh bóng nó, đặt nó một cách cẩn thận và trang trọng trong phòng ngủ, mặc cho nó những thứ khăn thứ áo thơm tho. Cái giường đã đón nhận, nâng đỡ những tấm lưng mệt mỏi. Khi đặt lưng trên cái giường sau một ngày vất vả, người ta được nghỉ ngơi và thoải mái. Nhưng rồi năm này qua năm khác, cái giường cũ đi, xấu đi, mặt giường không còn êm, chân giường không còn vững, người ta không còn thích nằm lên nó nữa nên khiêng nó vất vào kho chứa đồ dùng phế thải. Ở trong ngục tối "khóc lóc nghiến răng'' ấy, cái giường than thở: "Khi mệt mỏi, người ta có cái giường để nằm nghỉ còn khi cái giường mệt mỏi, nó biết nằm lên đâu?"

Tôi đang mang tâm trạng cái giường hư của Vũ Trọng Phụng. Tôi đã tự nguyện, và đã được chọn làm cái giường cho nhiều người. Các bạn tôi, và cả những người trước đó tôi chưa quen biết, đã ngả lưng trên ''chiếc-giường-tôi'' và tìm ở đấy sự nghỉ ngơi, bình an, thoải mái. Sau đó họ đã đứng dậy, ra đi, tiếp tục lăn mình vào cuộc sống, gặt hái những thành công và thất bại, những hạnh phúc và đớn đau, những vinh quang và tủi nhục. Khi thành công, hạnh phúc, vinh quang, họ tiếp tục vui chân tiến tới. Khi thất bại, khổ đau, tủi nhục, họ tìm về ''chiếc-giường-tôi' ' hay một "chiếc giường'' nào khác để nghỉ ngơi, tự nhiên, thoải mái. Có lẽ họ không nghĩ rằng những ''chiếc giường'' kiểu ''chiếc-giường-tôi'' cũng có lúc rất mệt, rất chán, rất nản và cũng cần nằm nghỉ như họ cần nằm nghỉ. Như tôi lúc này đây, tôi đang cần, rất cần nằm nghỉ. Nhưng, giống như cái giường hư của Vũ Trang Phụng, tôi than thầm: ''Khi tôi mệt mỏi, tôi biết nằm lên đâu!

Trên mặt tường đối diện với tôi là Thánh giá với tượng Chúa chịu nạn. Vô tình ánh mắt tôi đậu trên Thánh giá ấy. Thân thể Chúa Ki tô, đấng cứu chuộc nhân loại nằm trên Thánh giá, tay chân Ngài duỗi thẳng. Tôi mường tượng ra cơn đau đớn kinh khủng của Chúa khi người ta căng tay; chân Ngài ra và dùng đinh nhọn đóng tay, chân ấy vào Thánh giá. Ngài đã vặn mình đi, đã kêu lớn tiếng... Nhưng sau đó, Ngài đã bình yên, thanh thản. Cái bình yên thanh thản của người sau khi đã thi hành trọn vẹn một sứ mệnh vô cùng cao cả, Sứ mệnh của Ngài là mang lấy tất cả sự đau thương, thống khổ của nhân loại, để nhân loại được cứu thoát và sống hạnh phúc. Ngắm nhìn Chúa Ki tô nằm trên Thánh giá, tôi cảm nhận được sự bình yên thánh thiện trong trạng thái nghỉ ngợi của Ngài.

Thế rồi tôi bỗng nghĩ đến những nữ tu Mến Thánh Giá, những người đã tự nguyện đem cả đời mình để yêu thương Thánh giá, những tâm hồn đã chủ trương ''qua Thánh giá đến vinh quang ''. Chưa nữ tu nào nói với tôi về ý tường ''nghỉ ngơi trên Thánh giá'', nhưng giờ đây tôi biết những nữ tu ấy đã chọn cách nghỉ ngơi đó . Họ đã chọn đúng, Thánh giá của người ta chính là nỗi đau khổ của chính mình và của những người khác. Bao lâu người ta chạy trốn đau khổ, bấy lâu người ta không được nghỉ ngơi, vì đau khổ có mặt ở khắp nơi, trong tất cả mọi người, đau khổ trở nên một thứ ''định mệnh' ' của nhân loại. Chỉ khi nào người ta biết chấp nhận đau khổ, mang lấy đau khổ của mình và của người, biết nằm lên đau khổ, chọn chính đau khổ làm tấm giường để đặt lưng lên nghỉ ngơi, như Chúa Ki tô đã làm, người ta mới có thể bình yên, thoải mái thực sự. Còn mọi thứ giường, giường thật hay giường theo nghĩa bóng kiểu ''chiếc-giường-tôi" cũng đều là những thứ giường tạm bợ, có nằm lên thì rồi cũng có lúc phải rời bỏ, và cuối cùng ta vẫn rơi vào trạng thái mệt mỏi, chán chường. Nhưng tôi biết, để có thể chọn nỗi đau khổ, chọn Thánh giá làm chiếc giường an nghỉ, tôi phải biết yêu, yêu nhiều. Có yêu như Chúa Ki tô yêu mới có thể sống như Chúa Ki tô sống.

Tôi thoát khỏi trạng thái mệt mỏi chán chường từ ý nghĩ ấy. Tôi ngồi lên, thấy hình như mình có hơi vui hơn một tí, hăng hái hơn một tí. Thế rồi tôi nghĩ, dù sao ngày mai tôi cũng phải tìm đến công viên, nơi có cây, có cỏ, có nước, có chim, có gió và nắng. Giường Thánh giá tuy êm đềm thật đấy, nhưng bên cạnh đó, tôi cũng muốn ngả lưng trên thảm cỏ nhung. Trong nắng tôi sẽ nghe chim hót, gió reo, lá cây xào xạc, hồ nước thì thầm. Đời tôi cũng có những người bạn hồn nhiên, trong sáng, êm đềm và dịu dàng như cây cỏ, gió nắng, chim bướm, nước hồ... Tìm đến với họ, tôi cũng có được niềm vui, sự bình yên thanh thản, gạt bỏ được trong chốc lát những mệt mỏi chán chường do cuộc sống đem đến, hay do chính tôi chuốc lấy.

Nhà Văn Quyên Di

Tác giả: Nhà văn Quyên Di

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!