Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Nguyễn Thành Long
Bài Viết Của
Lm. Nguyễn Thành Long
ĐỐ VUI NĂM MẬU TUẤT – 2018
ĐƯỜNG GIÊSU – ĐƯỜNG VỀ NHÀ CHA
MẸ FATIMA - MẸ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
Một Đức Kitô “rất Chúa” và cũng “rất người”
Thánh sử Mathêu - 21.9 - BỨC TRANH ĐỔI ĐỜI TUYỆT ĐẸP
Lễ thánh Monica: BÀ MẸ CÔNG GIÁO ANH HÙNG
TIỆC LY - BỮA TIỆC CỨU ĐỘ (Thứ Năm Tuần Thánh)
TRI ÂN NGƯỜI CỨU MẠNG
MÙNG 2 TẾT - MẮC NỢ MẸ CHA
MỒNG MỘT TẾT - XUÂN TẠ ƠN VÀ CẦU BÌNH AN
Đấu nào ta đang đong cho Chúa và cho tha nhân?
Tôi đang làm chứng hay phản chứng về đạo?
Lần Chuỗi Mân Côi – một việc đạo đức đang bị giới trẻ “xếp xó”
Nước Thiên Chúa – Nước vĩnh hằng
‘MÃN TANG’ HỒNG ÂN LINH MỤC (Bài chia sẻ dịp Tạ Ơn 3 năm Linh Mục - Khóa 9, Gp. Phan Thiết)
Thứ Sáu Tuần Thánh - Suy tôn Thánh Giá và hôn chân Chúa
Lễ kính Thánh Giuse “THÁNH GIUSE GỒM NO MỌI NHÂN ĐỨC”
LÀM MỚI ĐỀN THỜ TÂM HỒN
LỜI CẦU XIN ĐẸP LÒNG CHÚA
LO LẮNG THÁI QÚA LÀ THIẾU LÒNG TIN
ĐỨC KITÔ - VỊ LƯƠNG Y THỨ THIỆT
Ý nghĩa của biến cố Chúa chịu Phép Rửa
Đến với Chúa nhờ Ánh Sáng Trời Cao soi dẫn
Virus hủy hoại Gia Đình - Tế Bào của Xã Hội
CỦA LỄ DÂNG CHÚA HÀI NHI
XIN ĐƯỢC PHỤNG SỰ VUA GIÊSU
CÁC LINH HỒN NƠI LUYỆN NGỤC ĐANG CẦN NHỮNG THỨ GÌ?
DU LỊCH TƯỞNG NHỚ
Liệu ta có bị ai thế chỗ trong Nước Trời?
NICKNAME CỦA CHÚA GIÊSU
BÀI HỌC THIẾT THỰC TỪ THẦY GIÊSU
QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA Ở TRÊN TRỜI
LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA ĐỨC KITÔ PHỤC SINH
PHỤC SINH – BIẾN CỐ VÔ TIỀN KHOÁNG HẬU
Hành trình Thương khó của Chúa Giêsu
Nối kết với Chúa Giêsu là Nguồn ban Sự Sống
Yêu thương thù địch - điều không dễ chút nào
CUỘC CÁCH MẠNG VỀ LỀ LUẬT
50 CÂU ĐỐ VUI NĂM CON NGỰA (GIÁP NGỌ)
Ý nghĩa của biến cố Chúa chịu Phép Rửa
LO LẮNG THÁI QÚA LÀ THIẾU LÒNG TIN

 

Mùng Một Tết 2015

 

I.  TIN MỪNG (Mt 6, 25-34)

"Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.

Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.

II. CHIA SẺ

TẾT, TẾT, TẾT, TẾT ĐẾN RỒI.... Đó là câu đầu của một bài hát về Tết mà người Việt Nam nào cũng biết! Tết là ngày vui của mọi người, mọi nhà. Vui như Tết! Người ta vẫn thường nói thế!

Nói đến Tết thì giới háo hức nhất và vui nhất là thiếu nhi. Vui và háo hức vì: thứ nhất là được nghỉ học, thứ hai là được ăn bánh kẹo thoả thích, thứ ba là được có thêm đồ mới, thứ tư là được đi chơi với gia đình, và thứ năm là được lì xì 

Còn người lớn thì sao? Đại đa số người lớn là vui ít, lo nhiều. Lo nhất là những ngày cuối năm.

Những người nghèo đi làm ăn xa gia đình thì lo lắng không đủ tiền để về quê, hoặc có tiền rồi thì lo không biết có mua được vé xe, vé tàu về quê ăn Tết hay không; lo vật giá leo thang, lo an toàn vệ sinh thực phẩm, lo trộm cướp hoành hành trong những ngày giáp Tết…

Có người thì lo nhất là lo người ta đến đòi nợ, vì năm hết Tết đến. Lo kiếm đâu ra tiền để sắm sửa dịp Tết (bông hoa, áo quần, giày dép, bánh trái), lo quà đi tết ông bà cha mẹ, tết người này người kia, rồi còn lo để dành tiền lì xì.

Các linh mục coi sóc các giáo xứ thì lo gì đây? Lo soạn bài giảng, lo tổ chức chương trình này chương trình kia; lo con chiên bổn đạo của mình ăn Tết có bình an may lành không, nhất là có sốt sắng đến với Chúa trong những ngày Tết không, hay chỉ lo ăn chơi không thôi. Quý xơ thì lo tập hát, tập múa, lo chưng bông chưng hoa, lo kinh nguyện, …

Ai cũng lo hết. Là con người, không ai không lo không lắng. Vì cuộc sống có nhiều lắng lo. Có người bảo: “Thưa cha trong đời con, ‘con chả lo gì - chỉ lo già’ thôi”. Ngay cả các em thiếu nhi mặc dù được tiếng là ít lo, đặc biệt trong những ngày này, nhưng khi vào học lại, cũng có nhiều cái lo. Lo học bài cho thuộc, lo làm bài cho được. Đến lớp thì lo bị thầy cô khảo bài. Vừa ngồi vừa run. Cuối năm lo bị điểm kém, phải ở lại lớp. Về nhà thì lo bị cha mẹ la rầy chuyện nầy chuyện nọ, v.v…

Có thể nói rằng trong tất cả mọi loài thọ tạo mà Thiên Chúa đã dựng nên, chỉ có con người là loài biết lo lắng. Loài vật không hề biết lo lắng. Chúng hoàn toàn sống theo bản năng. Vì thế chúng không hề biết ưu sầu là gì. Còn con người còn sống là còn lắng còn lo. Kinh tế càng suy thoái, người ta càng lo càng lắng. “Lo lắng” là căn bệnh thường đi đôi với phận người, lo từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, từ vật chất cho tới tinh thần; lo cả những chuyện không đâu: “Một mình lo bảy lo ba; lo cau trổ muộn, lo già hết duyên”. Quanh năm suốt tháng lắng lo đủ chuyện, chẳng mấy khi thấy được niềm vui và bình an thư thái trong cuộc đời.

Một người không hề biết lo lắng chắc hẳn sẽ bị cho là người không bình thường. Tuy nhiên nghịch lý thay, Tin Mừng ngày đầu năm Chúa lại dạy: “Anh em chớ lo lắng áy náy…  Anh em đừng lo lắng cho mạng sống, lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể, lấy gì mà mặc.” (Mt 6, 25).

Ở đây ta cần phân biệt giữa “lo lắng” và “lo liệu”. Chúa bảo ta đừng lo lắng chứ không phải đừng lo liệu. Lo lắng vì không tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng. Mọi lo lắng đều liên hệ đến tương lai, mà tương lai là điều chưa có thật. Trái lại, lo liệu là vẫn lo làm việc hôm nay, tiên liệu cho ngày mai, nhưng luôn tin cậy phó thác cho Chúa. Lo liệu là một ơn ban trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần, nên một khi có ơn lo liệu rồi thì người ta sẽ không còn lắng lo, lo lắng nữa.

Dĩ nhiên, Chúa không dạy ta: cứ tín thác vào Chúa, rồi sống hoàn toàn vô tư, khoanh tay ngồi chờ, không lo lắng gì, không hề biết tiên liệu gì, hoặc lãng lánh trách nhiệm của mình. Nhưng Chúa muốn dạy ta đừng lo lắng thái quá đến độ căng thẳng, xao xuyến, không còn bình tĩnh sáng suốt để tìm ra những giải pháp thích hợp cho hoàn cảnh cụ thể mình đang sống. Lo lắng đến độ phải ưu sầu, thậm chí lắm lúc mất ăn mất ngủ và sinh ra bệnh tật. Nhất là lo lắng sự đời đến độ mà xao lãng việc đạo nghĩa, là một sự lo lắng cần phải tránh xa.

Chuyện kể rằng anh kia có tật lo lắng thái quá. Ngày nọ cưới vợ, anh mừng, nhưng lo không biết vợ có thai được chăng? Năm sau vợ anh mang thai, anh lại lo hơn, không biết vợ có sinh được không. Lại một phen mất ăn mất ngủ. Rủi thay, vợ anh chuyển bụng lúc mới 8 tháng, đứa bé sinh non, cân nặng một ký chín. Anh lo lắng quá, sợ không nuôi được đứa bé. Gặp ai anh cũng hỏi: “Sinh thiếu tháng như thế, liệu có nuôi được không?” Và dù được nhiều người trấn an, nhưng anh chẳng bình yên chút nào. Tình cờ gặp người bạn cũ, anh đem chuyện ra hỏi. Người bạn cũ vừa an ủi vừa dẫn chứng: “Có gì đâu mà lo với lắng! Bà nội tôi sinh cha tôi, cũng sinh non. Mới hơn bảy tháng đã sinh rồi”.

Anh chàng lo lắng kia vội hỏi dồn một cách nghiêm trọng: “Thế à! Rồi có nuôi được đứa nhỏ không ? Đứa nhỏ có yếu lắm không? Có phát triển bình thường không? Trí thông minh có bị ảnh hưởng gì không? ...”.

Rõ ràng nhiều người lo lắng quá, làm cho đời sống trở thành một chuỗi ngày dài mất niềm vui. Thực chất sự lo lắng chẳng mang lại ích lợi gì. Theo một nghiên cứu mới đây cho thấy có đến qúa phân nửa những điều ta lo lắng đã không trở thành sự thật. Chính Chúa Giêsu cũng đã dạy rằng: “Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình được một gang không?” (Mt 6, 27). Sự lo lắng thái quá làm lu mờ lòng trông cậy, bởi vì nó khuyến khích ta chăm chú vào những rắc rối mà quên mất lời hứa của Chúa. Sự lo lắng còn làm suy giảm niềm tin, và lấy mất khỏi ta sự bình an thật sự. Trong sa mạc, dân Israel đã quên sự săn sóc của Chúa, quá lo lắng về thức ăn, nước uống… nên khổ đủ thứ ( x. Ds 11-14).

Như vậy, điều quan trọng mà Thiên Chúa mời gọi ta trong ngày đầu năm đó là biết tín thác vào vòng tay quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Tín thác vào vòng tay quan phòng yêu thương của Thiên Chúa vì bên trên con người còn có một Đấng an bài mọi sự, Đấng mà ta vẫn tuyên xưng là Thiên Chúa. Đấng đó vẫn mời gọi ta đừng nhìn xem trời đất mà đoán vận trời, để tránh, để né, nhưng hãy khiêm tốn nhìn nhận có một Vì Thiên Chúa là Đấng tác sinh muôn loài. Nhìn nhận Thiên Chúa để quy phục Ngài. Nhìn nhận Thiên Chúa để sống dưới cái nhìn của Ngài. Nhìn nhận Ngài để bớt ưu tư lo lắng; trái lại biết phó thác đời sống mình cho Ngài coi sóc. Thánh Phêrô cũng đã dạy các tín hữu của mình: “Mọi lo âu, anh em hãy trút bỏ cho Chúa, và Chúa sẽ chăm sóc anh em” (1Pr. 5,7).

Tuy nhiên thực tế, ta thấy rằng có thể chúng ta đọc thuộc lòng Kinh Tin Kính không sót một chữ, nhưng lại không có lòng tín thác sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa, lắm lúc còn trách móc Ngài nữa. Nếu chúng ta có đức tin kiên vững vào Thiên Chúa là Cha thương yêu vô cùng và quyền phép vô song, thì chắc hẳn ta sẽ không bao giờ bất an, xao xuyến, và thất vọng.

Tại sao ngày hôm nay nhiều người có đủ mọi thứ bảo hiểm cho thân xác mà vẫn cảm thấy bồn chồn lo âu, chưa có hạnh phúc? Thưa, vì người ta thiếu “bảo hiểm” cho tâm hồn. Khi mà chủ thể, cùng đích và lẽ sống của ta không phải là Chúa mà là những thứ khác, tức là những thứ đời tạm này. Mà những thứ thuộc về đời tạm này đâu có gì là bền vững; do đó người ta vẫn lo lắng một ngày nào đó nó sẽ mất đi, và một khi nó mất đi, người ta sẽ thất vọng ngã lòng, vì không còn gì để bám víu.

Để kết luận xin được mượn lời của ĐGM Matthêo Nguyễn Văn Khôi trong bài giảng ngày Mùng Một Tết 2013: “Trong ngày đầu năm mới này, ta được mời gọi hãy hướng về Thiên Chúa là nguồn mạch mọi ân sủng, là cùng đích của mọi loài, và trao phó cho Ngài toàn thể vận mạng của ta. Hãy phó thác cho Chúa cuộc đời và những dự định của ta, tất cả những gì ta đang thực hiện và muốn tiếp tục hoàn thành, tất cả những gì ta muốn làm nhưng chưa dám khởi công, cũng như tất cả những gì mới chỉ là những ước mơ, hoài bảo. Hãy phó thác cho Chúa tất cả những người thân yêu và tất cả bạn bè của ta. Xin Chúa làm cho những lời cầu chúc của ta dành cho nhau được trở thành hiện thực” Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

Tác giả: Lm. Nguyễn Thành Long

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!