Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Trần Minh Huy, pss
Bài Viết Của
Lm. Trần Minh Huy, pss
Tác phẩm: Thương cho đến cùng – Đời linh mục thừa tác
Bài Giảng LỄ KIM KHÁNH LINH MỤC Cha Stanislaô Nguyễn Đức Vệ
TRƯỚC ĐAU KHỔ VÀ THIỆT HẠI VÌ CÁC TỆ NẠN LẠM DỤNG, GIÁO HỘI VỮNG TIN VÀO CHÚA VÀ QUYẾT TÂM XÂY DỰNG TƯƠNG LAI TỐT ĐẸP HƠN
Bài giảng LỄ AN TÁNG CHA LOUIS NGUYỄN VĂN BÍNH (Huế - Ngày 30.08.2021)
TRƯỞNG THÀNH NHÂN BẢN TOÀN DIỆN & CÁC MỐI HIỆP THÔNG TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC HÔM NAY
BÀI GIẢNG LỄ KÉO NGƯỜI TA LẠI GẦN HAY ĐẨY NGƯỜI TA RA XA CHÚA VÀ GIÁO HỘI?
LỄ TẠ ƠN CỦA TÂN LINH MỤC MARTINÔ HỒ ĐÌNH HẢI - Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu - Ngày 8/6/2018 tại Gx. Hương Lâm
LỄ KIM KHÁNH KHẤN DÒNG NỮ TU AGATA VÕ THỊ TRÚC Tại Tu Viện Phủ Cam sáng 16/6/2018
Thuyết Trình: YÊU NHAU, MÃI CÒN YÊU và THÊM YÊU
ĐỜI SỐNG ĐỘC THÂN KHIẾT TỊNH TRONG BỐI CẢNH GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI HÔM NAY
CÁC BẠO VƯƠNG HERODE THỜI ĐẠI MỚI (LỄ CÁC THÁNH ANH HÀI, BỔN MẠNG CÁC CHÁU SƠN CA Ngày 28/12/2017)
HÃY CỨU LẤY VÀ BẢO VỆ GIA ĐÌNH CÙNG TRẺ THƠ
CHÚA GIÊSU ĐÃ THỰC SỰ SINH RA CHO CHÚNG TA CHƯA?
HÔN NHÂN VÀ SỰ SỐNG (Giới Trẻ Thanh Đức 20/9/2017)
 Hiệp Thông Trong Đời Sống và Sứ Vụ Linh Mục
VƯỢT LÊN KHỦNG HOẢNG HUYNH ĐỆ ĐỂ SỐNG HIỆP THÔNG LINH MỤC
GIẢNG LỄ TẠ ƠN 45 NĂM LINH MỤC
LỄ KIM KHÁNH HÔN PHỐI
GIẢNG LỄ THANH SINH CÔNG TẠI LAVANG (Ngày 21/6/2017)
TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA LINH MỤC NGÀY NAY - Thường Huấn Linh Mục Xuân Lộc 2-3/5/2017
BAN HUẤN LUYỆN ĐAMINH TAM HIỆP - Thường Huấn 4-7/5/2017
ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN - XÂY DỰNG NHÂN CÁCH TU SĨ
QUAN NIỆM ĐÚNG ĐẮN TRONG QUAN HỆ NAM NỮ
Xây dựng Cộng Đoàn Cầu Nguyện và Yêu Thương
NHÀ ĐÀO TẠO TÂM HUYẾT HÔM NAY
ĐÀO TẠO NGƯỜI ĐÀO TẠO - NHÂN BẢN KITÔ GIÁO và ĐỜI TU
MỤC VỤ LINH HƯỚNG - Phân Định và Sống Ơn Gọi
TRỞ NÊN LINH MỤC ĐÍCH THỰC NHƯ LÒNG MONG ƯỚC.
TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC NGÀY NAY
Đào Tạo Trưởng Thành Nhân Bản Kitô Giáo và Đời Tu
BÍ TÍCH GIẢI TỘI, PHƯƠNG THẾ TỐI ƯU ĐỂ SỐNG NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT
CẦU NGUYỆN CÁ NHÂN BÍ QUYẾT TÌNH YÊU VÀ VUI SỐNG
LINH MỤC SỐNG VÀ THỰC THI MỤC VỤ LÒNG THƯƠNG XÓT
Linh Mục Sống và Thực Thi Năm Thánh Lòng Thương Xót - Linh Mục Đoàn Ban Mê Thuột Thường Huấn 29/2 - 4/3/2016
GIỚI TRẺ HƯƠNG PHÚ SỐNG VÀ THỰC THI NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT - Lại Ân, ngày 4 Tết Bính Thân
XIN LỖI VÀ THA THỨ
NGHI THỨC SÁM HỐI CỘNG ĐỒNG (Sinh Viên Di Dân Thánh Tâm Tĩnh Tâm Mùa Vọng)
Đối mặt với các thách thức trong đời sống và sứ vụ Linh Mục của chúng ta hôm nay
SỐNG TRIỆT ĐỂ NĂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN (Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn Nho Quan - Tĩnh Tâm Năm 5-15/8/2015)
ĐTC MONG ĐỢI GÌ NƠI CHÚNG TA TRONG NĂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN ?
BÀI GIẢNG LỄ KÉO NGƯỜI TA LẠI GẦN HAY ĐẨY NGƯỜI TA RA XA CHÚA VÀ GIÁO HỘI?

 

Hội Ngộ Cựu Sinh Viên Xuân Bích - Trung Tâm Mục Vụ Đà Lạt 16-18/7/2018

 

1. Dẫn Nhập: Khi chịu chức Phó Tế, Giám Mục chủ phong trao Phúc Âm và căn dặn chúng ta: “Con hãy nhận lấy Phúc Âm Đức Kitô mà con đã trở thành người rao giảng, và con hãy biết là con phải tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy. Từ đó có lời nói này: Lời chỉ trích nặng nề nhất chống lại chúng ta là chúng ta không sống điều chúng ta dạy cho người khác. Vì thế, ông George Banner viết cho cha xứ: “Tôi muốn thấy một bài giảng, hơn là nghe một bài giảng… Tôi muốn học tập đương lúc xem cha thực hành, vì tôi có thể hiểu sai lời giảng của cha, nhưng tôi không bao giờ hiểu sai cách làm việc và cách cư xử của cha”.

Trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, từ số 135-159, ĐTC Phanxicô tập trung tỉ mỉ vào bài giảng lễ. Theo Ngài, bài giảng lễ “cần phải ngắn gọn, truyền thông giữa hai tâm hồn”, tránh “thuần túy về luân lý hay giáo điều”; luôn tích cực để “đem lại hy vọng”, “không bị mắc kẹt trong sự tiêu cực”. Muốn thế thì cần phải có sự chuẩn bị: “giảng mà không chuẩn bị là không có đời sống tâm linh, là bất lương và vô trách nhiệm”. Phương pháp loan báo Tin Mừng cần phải có đặc điểm tích cực: “có thể đến gần được, sẵn sàng đối thoại, kiên nhẫn, ấm áp và chào đón mà không xét đoán”.

2. Tính Cách một Bài Giảng Tốt: Bài giảng là viên đá thử để đánh giá sự gần gũi và khả năng truyền thông của người mục tử với dân chúng. Bài giảng thực ra có thể là một trải nghiệm sâu đậm và vui sướng về Thần Khí, một cuộc gặp gỡ đầy an ủi với lời Chúa, một nguồn mạch canh tân và tăng trưởng thường xuyên. Chính Chúa tìm cách đến với người khác thông qua người giảng, và Ngài bày tỏ quyền năng của Ngài qua ngôn ngữ nhân loại. Lời Chúa đến được với người khác thông qua lời của người rao giảng (x. Rm 10,14-17).

Chúa Giêsu đã chinh phục trái tim của dân chúng: từ khắp nơi họ tuôn đến nghe Ngài (x. Mc 1,45), kinh ngạc về những lời Ngài giảng (x. Mc 6,2), cảm thấy Ngài nói với họ như một người có uy quyền (x. Mc 1,27). Lời giảng của các tông đồ cũng đem mọi dân tộc vào Hội Thánh (x. Mt 16,15-20). Vậy lời giảng của chúng ta hôm nay thế nào: Kéo người ta lại gần Chúa và Giáo Hội hay đẩy họ ra xa?

3. Bối Cảnh Phụng Vụ của Bài Giảng: Giảng lời Chúa trong phụng vụ Thánh Lễ không phải là suy niệm hay huấn giáo, mà là tiếp nối cuộc đối thoại Chúa đã thiết lập với dân Người, có đỉnh cao trong việc hiệp thông bí tích Thánh Thể.

Bài giảng phải ban sức sống và ý nghĩa cho cuộc cử hành, thế nên bài giảng phải ngắn và tránh mang dáng dấp của một bài diễn văn hay thuyết trình. Bài giảng quá dài sẽ ảnh hưởng tới hai yếu tố đặc trưng của cử hành phụng vụ là sự cân bằng và nhịp độ (có người làm đến ba bài giảng trong một thánh lễ: đầu lễ, giảng lễ và cuối lễ!).

Bài giảng lễ là một phần của lễ hiến dâng lên Cha và là một trung gian cho ân sủng mà Đức Kitô đã tuôn đổ trong cuộc cử hành. Bài giảng lễ phải hướng dẫn cộng đoàn và chínhgiảng viên tới hiệp thông với Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể, để giúp thay đổi cuộc sống, nhờ chú ý tới Chúa, chứ không phải thừa tác viên của Chúa.

Cuộc đối thoại giữa Chúa và dân của Người phải được khuyến khích bởi sự gần gũi của giảng viên, sự ấm áp của âm giọng, sự đơn sơ không phô trương trong cách nói, và sự vui vẻ trong các điệu bộ của giảng viên.

 4.  Những Điều Kiện Người Giảng Phải Có

Người giảng phải biết lòng cộng đoàn của mình. Hội Thánh giảng giống như cách một người mẹ nói chuyện với con, làm gì nói gì cũng vì lợi ích của nó. Một người mẹ tốt nhận ra mọi sự Chúa đang làm nơi các con bà, nên bà lắng nghe các mối quan tâm của chúng và học hỏi từ chúng; mẹ và con cùng dạy và cùng học, cùng trải nghiệm sự sửa sai và tăng trưởng. Dù bài giảng đôi khi có thể có phần khô khan hay tẻ nhạt, nhưng nếu có tinh thần từ mẫu và Hội thánh, nó sẽ luôn luôn hiệu quả.

Thần Khí gợi hứng cho các sách Tin Mừng và hành động trong Hội Thánh cũng soi sáng cho giảng viên để nghe đức tin của dân Chúa và tìm cách thích hợp để giảng, để biết phải nói gì và nói thế nào. Nhiều người có thói quen xin ơn Chúa Thánh Thần mỗi khi giảng hay dạy giáo lý và khuyên bảo: Xin Chúa Thánh Thần tác động, biến đổi và thánh hóa tâm hồn con cùng tâm hồn những người sẽ nghe con, xin Chúa dùng môi miệng con mà nói điều Chúa muốn nói.

Bí quyết Chúa Giêsu lôi cuốn người dân đến vớicác giáo huấn và các đòi hỏi cao siêu của Ngài nằm ở cách Ngài nhìn dân chúng, thấy được bên kia những yếu đuối lỗi lầm của họ: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em” (Lc 12,32). Chúa Giêsu vui mừng ngợi khen Cha vì đã giấu kín đối với cácbậc khôn ngoan thông thái nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Lc 10,21), và Ngài thực sự vui thích nói chuyện với dân của Ngài. Người giảng cũng phải cố gắng thông truyền cùng một niềm vui thích ấy cho các thính giả của mình.

 5.  Nội Dung của Bài Giảng

Thánh Phaolô khẳng định: “chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Ðức Kitô Giêsu là Chúa” (x. 2 Cr 4,5). Người giảng phải trung thực và tôn trọng sự thật của bản văn Kinh Thánh, vì nó là cơ sở cho bài giảng của mình. Lời Chúa luôn luôn vượt quá chúng ta, chúng ta không phải là chủ sở hữu, nhưng là người giữ gìn, loan báo và phục vụ Lời nên không được xuyên tạc Lời và nói lời của chúng ta.

Để được vậy, chúng ta cần nhẫn nại gạt sang một bên mọi quan tâm khác và dành cho bản văn thời giờ đọc trước, sự quan tâm, cầm lòng cầm trí, và tạo ra một môi trường thanh thản để tập trung chú ý, hầu chắc chắn hiểu đúng ý nghĩa của những lời chúng ta đọcvà tác giả sách thánh muốn nói. Mục đích quan trọng nhất của chúng ta là khám phá ra sứ điệp chính tạo nên cấu trúc và sự thống nhất của bản văn hầu tạo cảm hứng cho người nghe đạt được hiệu quả mà tác giả muốn tạo ra.

Và để chắc chắn hiểu đúng ý nghĩa sứ điệp trọng tâm của một bản văn, chúng ta cần liên kết nó với giáo huấn của toàn bộ Kinh Thánh mà Hội Thánh truyền lại. Nguyên tắc này ngăn ngừa những cách giải thích sai lạc hay cục bộ có thể mâu thuẫn với các giáo huấn khác. Tuy nhiên, chúng ta không được giảm nhẹ sự nhấn mạnh điểm đặc trưng và cụ thể của bản văn phải giảng, nếu muốn bài giảng khỏi tẻ nhạt và kém hiệu quả vì không thông truyền được sức mạnh nội tại của bản văn đã được công bố.

6. Những Lời Nói Làm Trái Tim Bừng Cháy

Bài giảng phải biểu lộ được tình yêu qua lời nói chia sẻ với nhau trong đối thoại. Bài giảng phải là sự thông truyền đích thực từ trái tim đến trái tim và mang tính chất gần như bí tích: “Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà giảng là công bố lời Ðức Kitô” (Rm 10,17).

Bài giảng phải truyền đạt vẻ đẹp của các hình ảnh Chúa dùng để khuyến khích người ta hành thiện. Như ký ức của Đức Maria đầy ắp những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện và nói lên để tán dương Ngài (Kinh Magnificat), tâm hồn các tín hữu được lớn lên trong niềm hi vọng từ tình yêu đã nhận được sẽ cảm nhận ra từng lời của Kinh Thánh là một quà tặng.

Người giảng có nhiệm vụ tuyệt vời nhưng khó khăn là kết nối những trái tim yêu thương của Chúa và của dân Người, làm kiện cường giao ước và củng cố tình bác ái giữa họ với nhau và với Chúa.

Trong khi cầu nguyện,Chúa và dân Người trực tiếp nói chuyện với nhau bằng vô vàn cách thức mà không cần đến trung gian. Nhưng trong bài giảng, cần có người làm trung gian sao cho sau bài giảng, mỗi người có thể quyết định sẽ tiếp nối cuộc đối thoại với Chúa, dốc lòng sám hối và canh tân đời sống theo cách của mình.

Việc nói từ trái tim đến trái tim làm cho người tín hữu cảm nhận được vòng tay Chúa ôm ấp khi lãnh nhận bí tích rửa tội, và ao ước nhận được vòng tay của Cha nhân từ đang đợi mình trong vinh quang Nước Trời sau này. Giúp dân chúng cảm nhận rằng họ đang sống giữa hai vòng tay này là một nhiệm vụ khó khăn nhưng đẹp đẽ của người rao giảng Tin Mừng.

7. Chuẩn Bị Bài Giảng

a. Dành Một Thời Gian Chất Lượng: Muốn được như thế, chúng ta phải chuẩn bị bài giảng. Đó là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đòi hỏi chúng ta phải dành một lượng thời gian đáng kể cho việc học hỏi, cầu nguyện, suy tư và sáng tạo mục vụ, nghĩa là phải dành thời gian chất lượng cho thừa tác vụ này, dù có phải bớt xén thời gian của các công việc quan trọng khác (và thường phải viết ra).

Một người giảng không chuẩn bị là người không “có thần khí”, là người bất lương, vô trách nhiệm đối với các ân huệ đã nhận lãnh. Vì thế, chúng ta phải chủ động hiến mình và mọi khả năng làm công cụ cho Chúa Thánh Thần sử dụng (x. Rm 12,1). Chính Ngài soi sáng cho chúng ta biết phải nói gì và nói thế nào, có khi Ngài còn nói thay cho chúng ta nữa.

Chuẩn bị giảng đòi hỏi tình yêu, vì người ta luôn sẵn sàng dành thời giờ cho người mình yêu, mà ở đây chúng ta đang nói chuyện với Thiên Chúa mà chúng ta yêu, một Thiên Chúa muốn nói chuyện với chúng ta vì Ngài yêu chúng ta. Và vì tình yêu này, chúng ta dành đủ thời giờ cho Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe” (1 S 3,9).

b. Cá Nhân Hóa Lời Chúa: Để việc chuẩn bị giảng có hiệu quả, người giảng phải cá nhân hoá lời Chúa, nghĩa là phải phát triển một sự thân mật cá nhân sâu xa với Lời Chúa, đến với Lời Chúa bằng một con tim ngoan ngoãn và cầu nguyện, để lời Chúa thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm của mình, đồng thời tạo được một cái nhìn mới, một suy nghĩ và một tâm tình mới nơi bản thân.

Người giảng đừng quên việc canh tân lòng sốt sắng và xét mình để xem mình có lớn lên trong tình yêu đối vớiđiềumình giảng hay không. Đó là những điều rất có ích trước hết cho bản thân người giảng.

Người giảng cũng không được quên rằng sự thánh thiện của thừa tác viêncao hay thấp có một ảnh hưởng thực sự đối với việc rao giảng lời, như Thánh Phaolô nói: “chúng tôi rao giảng, không phải để làm vừa lòng người phàm, mà để làm đẹp lòng Thiên Chúa, Ðấng thử luyện tâm hồn chúng tôi” (1 Tx 2,4).

Người giảng phải nếm cảm được điều mình giảng: “lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Mt 12,34), nghĩa là lời Chúa phải trước tiên vang dội trong tim người giảng đã thì mớivang dội với tất cả sự rạng rỡ của nó trong tim tín hữu. Như vậy, ai muốn giảng thì trước tiên phải để cho lời Chúa lay động mình một cách sâu xa và thấm nhập vào đời sống hằng ngày của mình, rồi mới có thể “thông truyền cho người khác điều mình đã chiêm ngắm”, nghĩa là lời thâm nhập chúng ta cũng là lời sẽ thâm nhập người nghe, vì lời đó có khả năng “xuyên thấu và phân cách tâm với linh, cốt với tủy, phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12).

Người giảng phải sống điều mình giảng, vì ngày nay người ta thích nghe chứng nhân hơn thầy dạy, và nếu họ nghe thầy dạy thì bởi vì thầy dạy đó là chứng nhân. ChúaGiêsu bất bình với những hạng thầy dạy đòi hỏi nhiều ở người khác, mà không thực hành: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,4). Lời chỉ trích nặng nề nhất chống lại chúng ta là chúng ta không sống điều mình giảng cho người khác.

Người giảng có thể không hoàn hảo, nhưng người giảng phải không ngừng lớn lên và muốn lớn lên trên con đường Tin Mừng, vì tin chắc rằng Thiên Chúa yêu thương họ, cứu vớt họ và tình yêu của Ngài luôn luôn có tiếng nói cuối cùng.Và như thế, người giảng sẽ thường xuyên cảm nhận rằng đời sống họ chưa tôn vinh Thiên Chúa cho đủ, và họ sẽ thành tâm sám hối muốn đáp lại tình yêu khôn lường ấy một cách trọn vẹn hơn. Và bằng cách nhìn nhận sự nghèo hèn, bất lực của mình và muốn lớn lên trong sự dấn thân, họ sẽ luôn luôn có thể phó thác mình cho Đức Kitô, để sứ điệp của Ngài thực sự thâm nhập và chiếm hữu, không chỉ phần trí óc mà toàn thể hiện hữu của họ.

c. Lectio Divina: Một phương tiện chuẩn bị giảng hữu hiệu là Lectio Divina, tức là việc đọc lời Chúa trong cầu nguyện, để cho lời Chúa soi sáng và đổi mới chúng ta. Lectio Divina không tách biệt với việc học hỏi Thánh Kinh để nắm bắt sứ điệp trọng tâm của bản văn, nhưng phải bắt đầu với việc học hỏi ấy, rồi trong tinh thần cầu nguyện để tiếp tục phân định xem sứ điệp ấy nói thế nào với đời sống của chúng ta.

Chúng ta phải tự hỏi: “Chúa ơi, đoạn sách này nói gì với con? Qua bản văn này, Chúa muốn thay đổi điều gì trong đời con? Bản văn có điều gì làm con bối rối? Tại sao con không quan tâm tới điều này? Hoặc  “Tôi thấy điều gì thú vị trong bản văn này? Cái gì đánh động tôi? Cái gì lôi cuốn tôi? Tại sao lôi cuốn tôi?

Nếu không làm được như vậy, chúng ta sẽ gán cho bản văn điều gì hợp với lối suy nghĩ của chúng ta thôi, và rốt cuộc chúng ta sử dụng một điều thánh thiêng vì lợi ích riêng của chúng ta rồi truyền lại sự lẫn lộn này sang cho dân Chúa, vì “ngay cả Satan cũng tự hoá trang thành một thiên thần ánh sáng” (2 Cr 11,14).

d. Lắng Nghe Dân Chúng: Một phương thế khác là lắng nghe dân chúng: Người giảng cần để tai nghe dân và tìm xem các tín hữu cần nghe những gì. Nhờ chú ý tới những con người cụ thể, sử dụng ngôn ngữ của họ, các ký hiệu và biểu tượng của họ mà người giảng học biết được những ước vọng, những nguồn lực và những giới hạn, những cách cầu nguyện, yêu thương, quan niệm về cuộc đời và thế giới của họ, để có thể trả lời các câu hỏi họ đặt ra.

Nếu chúng ta muốn thích nghi với ngôn ngữ của dân chúng để nói cho họ có thể hiểu được và đem lời Chúa đến được với họ, chúng ta cần chia sẻ đời sống của họ và có sự quan tâm trìu mến đối với họ. Nguy cơ lớn nhất đối với người giảng là quá quen với ngôn ngữ riêng của mình, khiến họ nghĩ mọi người khác tất nhiên cũng hiểu và sử dụng được nó. Rốt cuộc giảng rất uyên bác mà dân chúng chẳng hiểu gì cả!

Người giảng phải chú ý tính tích cực là một đặc trưng của một bài giảng tốt. Bài giảng tốt không quan tâm nhiều tới việc nói ra điều gì không được làm, nhưng gợi ý có thể làm điều gì tốt hơn. Nếu cần thiết phải chú ý tới một điều gì tiêu cực, thì cũng phải cố gắng vạch ra một giá trị tích cực và hấp dẫn, đừng để bị mắc kẹt giữa những lời phàn nàn, than vãn, phê bình và trách móc. Giảng tích cực luôn luôn cống hiến hi vọng và mở ra tương lai.

Chúng ta phải liên kết sứ điệp của bản văn Kinh Thánh với các tình huống nhân loại, để có được sự nhậy cảm thiêng liêng qua các biến cố hầu nhận ra Chúa muốn nói gì trong hoàn cảnh cụ thể này hay hoàn cảnh cụ thể kia.

Chúng ta cần phát triển một sự nhậy cảm sâu rộng đối với những gì tác động đến đời sống của người khác: một cuộc tụ họp vui vẻ, một lúc chán nản, nỗi sợ cô đơn, niềm cảm thông những đau khổ, sự hoang mang về tương lai, sự lo lắng cho một người thân… Cũng có thể mở đầu bằng một sự kiện hay một câu truyện để lời Chúa có thể vang dội mạnh mẽ trong tiếng gọi hoán cải, thờ phượng, dấn thân cho tình huynh đệ và phục vụ...

Như thế, quan tâm tới cách chúng ta giảng là một sự quan tâm thiêng liêng sâu xa. Nó bao gồm việc đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng cách đặt tất cả các năng khiếu và óc sáng tạo của mình vào việc phục vụ sứ mạng Ngài đã trao cho chúng ta.

Để bài giảng của chúng ta phong phú và hấp dẫn hơn, chúng ta cần học cách sử dụng hình ảnh và khêu gợi hình ảnh. Một hình ảnh hấp dẫn có thể làm cho người nghe cảm nếm được sứ điệp, đánh thức ước muốn và đánh động ý chí hướng tới Tin Mừng. Có người nói: một bài giảng tốt phải có một ý tưởng, một tình cảm, một hình ảnh.

Ngoài ra, người giảng cần bảo đảm bài giảng có một chủ đề thống nhất, có trật tự rõ ràng và có sự mạch lạc để dân có thể dễ dàng nghe theo và nắm bắt được sứ điệp.Đức Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI nói rằng “các tín hữu... mong đợi nhiều từ bài giảng, và sẽ được rất nhiều lợi ích từ bài giảng, miễn là nó đơn sơ, rõ ràng, trực tiếp và thích hợp”.

Trong việc chuẩn bị giảng này, thật tốt biết bao khi các linh mục, phó tế và giáo dân định kỳ tụ họp lại chia sẻ với nhau để khám phá ra các nguồn hỗ trợ có thể giúp cho việc giảng thuyết hấp dẫn hơn!

8. Chỉ Nam Về Nghệ Thuật Giảng Lễ

Bộ Phụng Tự đã giới thiệu vào ngày 10/2/2015  tập chỉ nam về nghệ thuật giảng lễ dày hơn 100 trang nhắc lại bản chất đặc thù của bài giảng trong Phụng vụ và đề nghị những đường hướng để giúp đỡ các nhà giảng thuyết trong sứ mạng rao giảng Lời Chúa.

Nguồn gốc của tập chỉ nam này là Thượng Hội Đồng về Lời Chúa năm 2008 ước muốn cải thiện các bài giảng. Tông huấn Verbum Domini của Đức Bênêđíctô XVI thấy “cần thiết việc xuất bản một tài liệu giúp cho các nhà giảng thuyết tìm được một sự trợ giúp quý giá để chuẩn bị cho việc thực thi thừa tác vụ của mình”.

Tập chỉ nam này gồm hai phần:

Phần thứ nhất liên quan đến bản chất, chức năng và những đặc điểm của bài giảng. Bài giảng là một hành vi phụng vụ, khác biệt với tất cả các loại giảng thuyết khác. ĐHY Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự nêu rõ: bài giảng phát xuất trực tiếp từ Thánh Kinh và quy chiếu về Lời Chúa được công bố, dành cho thừa tác viên có chức thánh là giám mục, linh mục hay phó tế. Bài giảng phải phản ánh đời sống của người giảng và việc sống nhờ Lời Chúa.

Phần thứ hai đề cập chi tiết “nghệ thuật giảng thuyết” và đề nghị những dụng cụ để giúp đỡ vị chủ tế trong mùa thường niên hay vào những dịp lễ lớn của Phụng vụ, hay để cử hành hôn phối hay an táng. Tập chỉ nam này trích dẫn nhiều Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng của Đức Phanxicô. Bàigiảng “phải vắn gọn vàtránhgiống với một cuộc hội thảo hay khóa học”. Nó không được tán rộng đến những chủ đề xa lạ với cử hành phụng vụ và cũng khôngtrở thành một bài chú giảiThánh Kinh. Văn kiện nàynhìnnhận rằng không cần thiết phải hùng biện để trở thành một nhà giảng thuyết tốt, tuy nhiên cũng nóirõ rằng người giảng thuyết phải làm chủ nghệ thuật nóitrướccôngchúng.

 

Một khi đã gieo hạt giống xuống đất, đêm hay ngày, thức hay ngủ, người gieo chẳng biết, đất sẽ làm cho hạt giống mọc lên và sinh hoa kết quả. Một khi đã giảng xong, chớ gì người giảng biết thưa với Chúa Thánh Thần rằng phần việc mình đã xong, bây giờ là phần của Chúa và xin Chúa làm phần của Ngài nơi các tâm hồn. Nguyện xin Chúa Thánh Thần tiếp tục cho đến kiện toàn những gì Ngài đã thương khơi gợi cho chúng ta hôm nay. Amen.

 

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS

Trung Tâm Mục Vụ Đà Lạt 16-18/7/2018

Tác giả: Lm. Trần Minh Huy, pss

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!