Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Ng Ngọc Thế, SJ.
Bài Viết Của
Lm. Ng Ngọc Thế, SJ.
Chúa là Mục Tử nhân lành hay thương xót
Quả thật, Ta bảo với anh: Hôm nay anh sẽ được ở với Ta trong thiên đàng (Lc 23,43).
Lạy Cha, xin tha cho họ, vì chúng không biết việc họ đang làm (Lc 23,34).
Tại sao lại gọi là Dòng Tên?
Mùa Chay, thời gian mở lòng ra cho Đấng là nguồn của lòng thương xót
Mùa Vọng, mùa hướng lòng về Trung Tâm Điểm của đời người
Thiên Chúa, Ngài cần phải đến
Hãy luôn vui mừng trong Chúa !
Chỉ mong chẳng là gì
MÙA CHAY, THỜI GIAN MỞ LÒNG RA CHO ĐẤNG LÀ NGUỒN CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

 

Lm. Nguyễn ngọc Thế SJ. 

« Mùa Chay », hai từ ngữ này đã nói lên được tinh thần sống của người công giáo trong thời gian chuẩn bị bước vào tuần thánh, tuần cử hành con đường thương khó của Đức Kitô, và cuối cùng là mừng vui sự Phục Sinh của Ngài. Nhớ lại những năm tháng tuổi ấu thơ, tôi cũng được cha mẹ dạy cho tôi biết tập sống tinh thần của mùa Chay. Một hình ảnh mà tôi vẫn nhớ, đó là vào mùa Chay, chúng tôi phải kiêng thịt, phải ăn uống đạm bạc hơn, chẳng hạn như có bữa chỉ có chút rau và chén muối mè trên mâm cơm.

Hình ảnh của chén muối mè trên mâm cơm ngày đó dẫn bước tôi hôm nay đi vào một câu chuyện của muối :

Khao khát duy nhất của hạt muối là được xem thấy biển. Bằng mọi giá, nó muốn khám phá thế nào là biển... Ngày kia, nó ra đi... Vừa đến bờ biển, nó khám phá ra một cái gì mênh mông, xanh ngắt và sống động. Nó thốt lên:

- Biển ơi, hãy nói đi, ngươi là ai?

Một đợt sóng trả lời:

- Hãy chạm đến ta, rồi ngươi sẽ hiểu.

Hạt muối trườn mình xuống nước. Ô kìa, nó cảm thấy ngây ngất, niềm vui tột cùng làm nó cảm thấy như không còn đứng vững được nữa. Nó cảm thấy như đang hòa lẫn từ từ trong nước. Niềm vui dâng trào. Nó lại hỏi một lần nữa:

- Biển ơi, hãy nói đi, ngươi là ai?

Một đợt sóng cuối cùng ôm ghì lấy nó và nó từ từ tan biến trong nước. Nó chợt reo vui lần cuối cùng:

- Bây giờ ta mới hiểu thế nào là biển: biển là một phần của chính ta.

 

“Biển là một phần của chính ta”. 

Câu chuyện hạt muối khát khao tìm biển diễn tả tâm tình của tâm hồn khao khát đi tìm Chúa một cách mãnh liệt. Như hạt muối chỉ có thể hiểu được thế nào là biển khi nó “mở lòng” và lên đường đi tìm gặp biển, thì chúng ta chỉ có thể hiểu được Thiên Chúa khi chúng ta mở lòng mình và lên đường đi tìm gặp Chúa.

Nhưng cuộc gặp gỡ Thiên Chúa của chúng ta không chỉ dừng bước nơi việc “hiểu”. Hạt muối không chỉ hỏi biển: “Biển ơi, hãy nói đi, ngươi là ai?”, mà còn sẵn sàng để biển ôm ấp vào lòng. Cái ôm ấp của sự hiệp nhất, cái ôm ấp của tình yêu khát khao trở nên một, cái ôm ấp làm cho mình hòa tan thật sự, làm cho mình chết đi thật sự. Nhưng cái chết và sự hòa tan  không làm cho “muối” biến mất khỏi sự sống này. Ngược lại, qua chính sự hòa tan đó, muối đã hiệp nhất với biển và muối nhận ra được chân lý cao quý và căn bản: “Bây giờ ta mới hiểu thế nào là biển: biển là một phần của chính ta”.

Đọc kỹ lại tâm tình của muối, sẽ khám phá được những điểm thú vị và đặc sắc. Đó là qua “cái hiểu”, muối đã khám phá được mối tương quan thân thương và gắn bó với biển, một tương quan thuộc về của tình yêu: “biển là một phần của chính ta”.

 

“Thiên Chúa thuộc về định nghĩa của con người”. 

Câu chuyện của muối nhắc nhớ tôi nhớ lại những suy tư rất căn bản của cha Alfred Delp, một linh mục dòng Tên bị giết bởi phát xít Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai. Khi bị giam hãm trong tù, Alfred đã viết những bài suy niệm rất tuyệt vời. Một trong những tâm tình cha Alfred để lại đó là: “Thiên Chúa thuộc về định nghĩa của con người”. Nghĩa là, nếu con người muốn đi tìm chính mình là ai, thì con người không thể “bỏ qua” Thiên Chúa được, hay nói đúng hơn, con người chỉ tìm được chính mình, con người chỉ là người thực sự, khi con người gặp gỡ được Thiên Chúa, khi con người “bước ra khỏi chính mình” và mở lòng mình ra để đi vào cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Nhưng cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa không là cuộc gặp gỡ “giữa đường” hỏi thăm cho đúng phép lịch sự, cũng không là cuộc gặp gỡ của “nhu cầu khi nào cần thì mới đến thăm Chúa”, mà cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa mang chiều kích thân tình, cuộc gặp gỡ thật cá nhân (personnel). Thật vậy, khi nào con người bước vào được cuộc gặp gỡ thân tình như thế với Thiên Chúa, thì con người mới có thể hiểu được Ngài, hiểu được mình. Và từ cái hiểu đó, chúng ta sẽ khám phá ra chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa giành cho chúng ta. Tình yêu đó nói với chúng ta rằng: “Con là một phần của chính Cha”.

 

“Con là một phần của chính Cha”. 

Câu chuyện kể về người Cha với người con hoang đàng chẳng lạ lẫm gì (Lc 15, 11-32). Đã bao lần chúng ta lắng nghe, đọc và tìm hiểu về câu chuyện đó.

Chuyện kể về người Cha có hai người con. Người con lớn chăm chỉ làm việc, và một lòng tùng phục cha mình. Còn người con thứ thì ở tuổi thanh xuân, chuẩn bị bước vào cuộc đời, nên anh ta ham chơi, thích phiêu lưu mạo hiểm. Vì thế, dù mới ở tuổi 16 chưa có quyền để đòi của thừa kế, chàng thanh niên vẫn đòi Cha cho mình phần của cải mình sẽ được hưởng. Vâng, cậu ấy muốn « biến » « cái món quà » của tương lai xa xôi kia trở nên giây phút hiện tại ngay lúc này. Tương lai cần phải được nắm trong tay ngay lúc này đây. Một kiểu tham lam không đáy của đời người, một cách cao ngạo và phung phí của con người trước những món quà cao quý. Nhưng Cha có cho không ? Bình thường chẳng có cha mẹ nào chấp nhận trao « món quà » cao quý của tương lai cho đứa con chưa đủ lớn, chưa đủ trưởng thành. Nhưng chẳng hiểu sao, người cha trong câu chuyện lại « gật đầu » trước lời xin xỏ quá đáng kia. Phải chăng, người cha không thể từ chối đứa con yêu dấu, đứa con là một phần của chính mình, bất cứ điều gì ?

Khi « kho tàng tương lai » đã được nắm trong tay của giây phút hiện tại, điều gì đã xảy ra sau đó ?  Bước ra khỏi mái nhà thân yêu, lên đường đi phương xa. Chẳng biết có chào tạm biệt cha không, chẳng biết có đi khỏi nhà một cách đàng hoàng hay không, hay lén lút và kín đáo ôm « món quà tương lai » lẻn bước qua cửa sau của nhà mình, để đi vào cửa chính của thế giới vui nhộn đang chờ cậu ta trước mặt ?

Ăn và chơi mà không làm, thì dù « món quà tương lai » có lớn kếch sù bao nhiêu, một ngày nào đó túi đầy tràn của ngày đầu tiên bước vào đời sẽ trở nên rỗng tuếch. Thê thảm thay phận người tham lam không đáy mà lại còn thích phung phí của trời! Rỗng tuếch sẽ hoàn rỗng tuếch. Cuối cùng, phận người đó đã rơi vào nơi mà anh ta chẳng bao giờ nghĩ tới, và cũng chẳng bao giờ muốn mơ tới. Nơi đó chẳng còn tiếng cười của bè bạn, nơi đó chẳng còn cốc rượu ngon của ngày nào, nơi đó chỉ còn bóng hình lam lũ cô đơn là chính anh đang ngồi bên cạnh những bóng hình không phải là người : một bầy heo. Con heo trong đôi mắt của người Do-thái là con vật dơ bẩn và gây nên biết bao ô uế. Vì thế, mọi người cần phải tránh xa con thú vật đó, nhưng phần anh ta, cũng là người Do-thái đấy, cũng là con cháu Áp-ra-ham đấy, lại phải sống chung với lũ heo kia. Vẫn biết rằng, anh ta là người chăn heo đấy, nhưng chưa chắc số phận của người chăn heo lại sướng hơn lũ heo đâu. Đọc kỹ, thì thấy đúng là vậy. Trong cơn đói khổ, anh ta ao ước lấy cám heo mà ăn nhưng chẳng ai cho. Nhìn lũ heo ăn xong lăn ra ngủ với cái bụng tròn căng, mà lòng anh quặn đau. May thay, cái đau kia cộng với cái đói đang làm cho bao tử của anh « kêu oan » và đã đánh động lòng anh, bắt đôi mắt anh đang thèm thuồng nhìn bầy heo no say, phải ngẩng đầu hướng nhìn về mái nhà thân yêu của mình, về hình ảnh của người Cha yêu dấu. Chẳng biết tại sao lúc này anh lại nghĩ về Cha, về nhà mình ? Phải chăng vì đói, vì ao ước có được bữa ăn no bụng của những người đầy tớ trong nhà anh, nên anh làm thế. Chắc chắn rồi ! Nhưng không chỉ thế. Điều sâu xa thúc đẩy anh hướng lòng về Cha, về ngôi nhà thân yêu của mình chính là tình yêu người Cha giành cho anh.

Thật vậy, anh chính là một phần của người Cha. Vì thế, khi cho anh của thừa kế, người cha cũng cho anh chính tình yêu của Cha. Tình yêu đó đồng hành với anh không chỉ trong mái nhà thân yêu của những ngày ấu thơ, mà còn theo anh lên đường đến những nơi anh đi tìm hoan lạc. Và tình yêu đó cũng sẵn sàng chia sẻ số phận lam lũ nghèo hèn của anh, ngay tại chuồng thú hôi hám và dơ bẩn kia. Một tình yêu cao quý và trong sạch của Cha luôn ở bên người con yêu dấu, dù người con đó bị biến dạng như thế nào đi nữa, đơn sơ vì người con là một phần của Cha mà.

Vì người con là một phần của Cha, nên khi người con về tới đầu làng, thì đã thấy bóng dáng của Cha đang đứng trước nhà như đang trông mong mình. Nhưng không chỉ là « như », mà là thật vậy. Tình yêu đã thúc đẩy Cha hàng ngày ra trước cửa nhà để trông ngóng « một phần » của mình trở về. Và vui sướng biết bao nhiêu, sau bao ngày mong ngóng, thì hôm nay đôi mắt cha thấy bóng dáng kia đang lủi thủi trở về. Nhưng làm sao ông có thể nhận ra hình dáng lam lũ kia, không còn mang chiếc áo sạch sẽ của ngày nào, với tấm thân gầy còm không mang hình hài của người con ngày xưa, đang lê bước với đôi chân trần nặng trĩu của ngày hôm nay? Phải chăng tình yêu đồng hành của Cha luôn trong sáng, đến nỗi không có vết bẩn nào của cuộc đời có thể cản trở làm cho cha không còn nhận ra con mình, dù đứa con đó có ra thế nào đi nữa. Một phần của chính Cha vẫn là một phần của chính Cha mà !

Vì thế, cha đã chạy lại ôm cổ con mình và hôn lấy hôn để. Một tình yêu không sợ ô uế bởi cái mùi phảng phất của lũ heo đang ám ảnh trên thân phận lam lũ kia. Một tình yêu dù chẳng mắc nợ gì, nhưng vẫn trả lại cho con những nụ hôn nồng nàn. Những nụ hôn nồng nàn và không ngừng đó như là tất cả những nụ hôn được cộng lại, tính từ ngày đứa con lên đường đi hoang cho đến ngày trở về hôm nay. Nhưng cái cộng lại đó không chỉ mang tính cách « số lượng », mà cao quý hơn còn mang tính cách « chất lượng ». Cái chất lượng của lòng, của tâm, của chiều sâu nhất trong Cha. Vâng, Cha đã ôm hôn con với tình yêu của lòng mình giành cho con. Tình yêu tỏa ngát hương thơm trên thân xác hôi hám của đứa con hoang đàng. Thật không có mùi nước hoa nào thơm bằng mùi nước hoa của tình yêu ! 

Chính lúc ở trong vòng tay của Cha, người con đã thành thật lên tiếng thưa với Cha lời mà anh đã chuẩn bị khi còn là người chăn heo. Anh ta nói gì ? « Thưa Cha, con thật đắc tội với Trời và với Cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa… ». Một lời ăn năn phát xuất từ tấm lòng sâu thẳm của anh. Chính giây phút anh thốt lên lời này, hai tâm hồn đã gặp lại nhau và ôm hôn nhau thật thắm thiết. Tâm hồn của Cha với tình yêu nhân hậu bao la, và tâm hồn thống hối ăn năn của người con một thời đi hoang đã tìm lại nhịp đập chung. Và âm thanh của nhịp đập chung đó như muốn nói rằng : « con là một phần của chính Cha và Cha là một phần của chính con ». Nhưng tại sao lời nói của anh chỉ có vậy ? Dấu ba chấm trong câu để lửng như mang một ý nghĩa gì đó. Đọc kỹ lại lời nói người con chuẩn bị trước đó, mới thấy rằng, phần cuối của câu đã bị cắt đứt. Phần đó diễn tả điều gì ? « Xin coi con như một người làm công cho Cha vậy ». Đây là lời cầu xin mà người con chuẩn bị để thưa với Cha. Nhưng vì bị Cha cắt lời giữa chừng, nên người con không nói hết câu được. Tại sao lại vậy ? Phải chăng người Cha thấu biết điều đứa con xin ? Chẳng biết nữa, nhưng dù sao một lời cầu xin dù thành tâm đấy, nhưng chưa chắc là hợp lý. Cái hợp lý (logic) của tình yêu khác với logic của cái đầu. Vâng, làm sao cha có thể chấp nhận lời cầu xin của đứa con, dù đã từng một thời bỏ cha, bỏ nhà đi hoang, giờ đây không còn muốn giữ phẩm giá cao quý là con, mà xin xuống làm hàng đầy tớ. Không, không thể chấp nhận được. Cái bỏ lửng với ba dấu chấm sao mà tuyệt vời đến vậy ! Ăn năn thống hối và trở về với lòng thành tâm sẽ hoàn lại tất cả những gì đã mất. Hay nói đúng hơn, tình yêu của Cha không thể mất dù người con có « quay lưng », có chối từ và bỏ đi. Mùi nước hoa tình yêu của Cha một lần đã xức lên thân xác và tâm hồn đứa con, thì mùi hương thơm đó sẽ tồn tại mãi mãi. Không có mùi nào khác trong cuộc đời, dù có hôi có nặng đến mấy, cũng không thể « chiếm chỗ » của hương thơm tình yêu. Cũng thế, hương thơm tỏa ra từ ngày được làm con vẫn thế. Con mãi mãi là con, chứ không có gì đổi thay. « Đầy tớ », hai chữ này không có chỗ trong tình yêu của Cha giành cho con.

Vì là con, và vì con là một phần của chính Cha nữa, nên giờ đây con phải được tỏ lộ vẻ đẹp cao quý của Cha nơi mình. Vâng, không chỉ là cái đẹp của lòng bên trong, mà mọi người cần phải nhìn thấy cả nét đẹp tỏ lộ ra bên ngoài. Cái đẹp của chiếc áo mới, mà lại là áo đẹp nhất nữa chứ. Vâng, áo đẹp nhất mới xứng hợp với hương thơm của nước hoa tình yêu đang tỏa ngát trên thân xác và con người cậu. « Cậu » chứ không phải là người xa lạ bên ngoài mới tới. Vì thế, các người làm công và đầy tớ cũng cần phải chú ý vẫn giữ một tấm lòng trân trọng đối với người con của cha, dù đã một thời lẫm lẫn đi hoang. Phải gọi người con đó là « Cậu », chứ không thể thay đổi gì cả. Cuộc đời có nhiều quá khứ, quá khứ với cái đẹp, quá khứ với cái xấu, quá khứ với an bình, quá khứ với khổ đau. Và dù xấu dù đẹp, dù an bình dù khổ đau, nhưng tình yêu vẫn là tình yêu. Như Bonhoeffer nói , mọi sự sẽ qua đi, nhưng tình yêu Chúa mãi mãi tồn tại. Tình yêu của Cha không bao giờ chỉ thuộc về quá khứ. Tình yêu của Cha không bao giờ bị giam hãm trong « chiếc tủ » quá khứ. Tình yêu của Cha làm mới tất cả. Tình yêu Cha có sức mạnh làm cho người con vượt trên xấu và trên đẹp, trên khổ đau và trên an bình, để con vẫn luôn là con, để con vẫn được phép đeo vào chiếc nhẫn cao quý trên tay mình.

Khi trở về lại với vị trí làm con, là người con nhận lại được « mảnh đất » cao quý và tràn đầy yêu thương trong nhà cha. Trên mảnh đất đó, người con cần được xỏ vào đôi dép của tình yêu. Đôi dép của lòng nhân hậu giúp cho con lại tiếp tục sống vui trong đời.

Mỗi niềm vui đến mà không được « ăn mừng », thì sẽ nhanh chóng bị quên đi, bị đẩy lui vào dĩ vãng, và tiếc hơn vì giá trị của niềm vui đó vẫn chưa được khám phá cho đủ.

Vì thế, cần phải mở tiệc ăn mừng. Làm sao không ăn mừng được. Đồng bạc đánh mất, và tìm thấy vẫn mở tiệc ăn mừng, con chiên lạc đàn, khi tìm lại, được ăn mừng lớn hơn. Còn người con « đã mất nay tìm thấy, đã chết mà nay sống lại », thì phải ăn mừng sao cho đủ đây ? Phải chuẩn bị bữa tiệc cho thật linh đình, nên cần phải đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng. Mà lạ thay tại sao lại là « con bê đã vỗ béo » ? Phải chăng, con bê này đã được chăm sóc, đã được « vỗ béo »  một cách cẩn thận, và chỉ để giành cho bữa tiệc đón « Cậu » trở về ? Một bữa tiệc của tình yêu, một bữa tiệc của lòng thương xót. Bữa tiệc mừng « một phần của chính Cha » đã tìm lại được. Bữa tiệc mừng sự hiệp nhất của tình yêu, bữa tiệc của sự trọn hảo trong tình Cha giành cho con mình.

« Biển là một phần của chính muối », câu chuyện của cuộc đời. « Con là một phần của chính Cha », câu chuyện của Đức Kitô. Nhưng không chỉ kể câu chuyện đó, mà chính Đức Kitô còn là một chứng từ rõ rệt cho chúng ta nhận ra được sâu sa hơn nữa tâm tình mà Thiên Chúa muốn nhắn nhủ chúng ta : « Con là một phần của chính Cha ».

 

« Trong đôi mắt Cha, con thật là quý giá ». 

Từ muôn thuở, nghĩa là từ ngày chúng ta được tạo thành, chúng ta đã là một phần của chính Cha. Làm sao không thể là một phần của chính Cha, khi chính Cha đã tạo nên chúng ta ? Làm sao không là một phần của chính Cha, khi chúng ta được tạo nên theo hình ảnh của Cha, của Thiên Chúa, của Đấng Tạo Dựng. Và vì là một phần của Cha, nên con người chúng ta mang một phẩm giá thật cao quý. Tiên tri I-sa-i-a giúp cho chúng ta khám phá phẩm giá cao quý này, khi ông chuyển lời của Thiên Chúa nhắn nhủ chúng ta : « Trong đôi mắt Cha, con thật là quý giá, vốn được Cha trân trọng và mến thương » (Is 43, 4a).

Thật vậy, vì tình yêu thương giành cho con người, là một phần quý giá của chính Thiên Chúa, nên Ngài đã không ngần ngại chuộc con người về, khi con người lạc bước ngoài xa mạc khô cằn, khi con người bị thế lực của sự dữ nhấn chìm vào trong vũng lầy đen tối. Trong chính đêm đen của khổ đau đó, Thiên Chúa nói với con người rằng : « Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi, ngươi là của riêng Ta ». (Is 43, 1b). Và tiếp đến Ngài nói thêm rằng : « Đừng sợ, có ta ở với ngươi » (Is 43, 5a). Một tình yêu hiện diện, một tình yêu cứu độ, một tình yêu biết tên và gọi tên của người mình yêu. Và tình yêu luôn mang tâm tình  rất gần gũi « ngươi là của riêng Ta ». Chính vì con người là của riêng của Thiên Chúa, nên Ngài đã lên đường để cứu chuộc chúng ta, những người thuộc về một phần của chính Chúa, và Ngài muốn chia sẻ cuộc sống với chúng ta, cái vui và cái buồn, cái đau yếu và cái mạnh khỏe, cái hạnh phúc và cái khổ đau.

 

« Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta ». 

Thiên Chúa đã yêu thương con người chúng ta đến nỗi Ngài đã chẳng tiếc, nhưng đã ban và phó mặc và trao nộp người con duy nhất của Ngài là Đức Kitô cho loài người chúng ta (Rm 5, 31-32 và Gn 3,16). Hành động tình yêu này của Thiên Chúa giành cho loài người nói lên được giá trị cao quý của mỗi con người chúng ta. Vâng, như ngày xưa Gia-vê Thiên Chúa đã tìm và chuộc lại dân của Ngài là dân Ít-a-en, hôm nay Thiên Chúa qua Đức Kitô muốn chuộc lại chúng ta. Đức Kitô đến như một mục tử nhân lành chăm sóc đoàn chiên của mình, và Ngài sẵn sàng lên đường để đi tìm kiếm những con chiên lạc đàn. Hơn nữa, Ngài cũng sẵn sàng xả thân để bảo vệ những con chiên của Ngài: « Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên ». (Ga 10, 14-15). Lời của Chúa Giê-su ở đây thật sâu sắc. Trước hết, « cái biết » mà Chúa Giê-su nhắc đến ở đây không phải là cái biết thông thường chỉ mang nét hiểu biết sơ sài, mà « cái biết » này là « cái biết » của tình yêu, « cái biết » không chỉ của cái đầu mà của cả con tim. Nhưng Đức Kitô biết và yêu thương ai ? « Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi ». Cái thể thuộc về không thể thiếu, khi nói tới tình yêu. Chúng ta được Đức Kitô yêu thương, và chúng ta thuộc về Ngài. Đó là nét thật đẹp của tình yêu. Và để hiểu rõ được tinh thần tình yêu cao quý này, chúng ta cần phải chiêm ngắm Đức Kitô đã tự hiến cho chúng ta thế nào.  

Lật lại một vài trang sách của Thánh Phao-lô, chúng ta thấy rằng : Chính vì yêu thương chúng ta là những người thuộc về Ngài, nên Đức Kitô đã tự hiến mình, cởi bỏ tất cả những vinh danh của một vì Thiên Chúa, để mặc lấy thân phận nô lệ tôi đòi của con người, để đón nhận tất cả những đau thương mà con người gây nên, để sẵn sàng đón nhận chén đắng của cuộc đời trao cho, và Ngài đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết. Cái chết của Ngài lại không phải là cái chết êm đềm và an bình, mà là cái chết tất tưởi trên thập giá (x. Ph 2, 6-7). Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, trong sứ điệp mùa chay năm 2010, đã nhắc cho chúng ta biết tinh thần tự hiến cao quý của Đức Kitô bằng cách ngài đã trích lời của Thánh Phao-lô : « Vì chúng ta chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép: Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ ». (Gal 3,13-14).

Trên thập giá, Ngài như người bị nguyền rủa đang giang tay để « mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta » (Mt 8,17). Nhưng tại sao Đức Kitô, một vì Thiên Chúa lại có thể chịu chết trong đau khổ như thế ? Chúng ta không thể hiểu được tại sao Thiên Chúa lại chọn một cách thức cứu rỗi lạ lùng như vậy. Dietrich Bonhoeffer, một thần học gia người Đức đã nói rằng : « Thiên Chúa bất lực và yếu đuối trong thế giới này. Và chỉ như vậy, Ngài mới ở với chúng ta và nâng đỡ chúng ta. Tâm tình trong phúc âm thánh Mát-thêu « Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta » nói rõ ràng rằng, Đức Kitô không nâng đỡ chúng ta bằng quyền năng vô biên của Ngài, mà bằng chính sự yếu đuối và bằng chính những đau khổ của Ngài. Đó chính là điểm khác biệt trọng yếu phân biệt với tất cả các tôn giáo khác ». (Bonhoeffer, Résistance et sousmission, 367).

Thêm vào đó, Bonhoeffer còn giúp chúng ta nhận ra thêm một điều sâu sa : « Chúa Giê-su chỉ sống cho những người khác. Ngài đã sống cho những người khác cho đến nỗi Ngài phải chịu chết, và trong cái chết đó, quyền năng vô biên của Ngài, sự hiện diện hoàn hảo của Ngài đã được biểu lộ ».(Bonhoeffer, Résistance et sousmission, 389).

Còn theo Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, thì tinh thần tự hiến cho đến tận cùng của Đức Kitô chính là một hồng ân của tình yêu Thiên Chúa giành cho chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi chúng ta đang mang. Vì thế, thật phúc thay, khi chúng ta ngắm nhìn Đức Kitô trên thánh giá.

 

Hướng mắt ngắm nhìn Thánh Giá. 

Giờ đây tập trung hướng nhìn Đức Kitô trên thánh giá. Chúng ta thấy gì và chúng ta cảm nghiệm điều gì ?  Chắc chắn mỗi người một cảm nhận riêng biệt. Nhưng hôm nay, đầu tiên chúng ta để thánh An-tôn thành Pa-do-va nhắn nhủ chúng ta : « Chúa Kitô là sự sống của bạn, bị treo trước mắt bạn để bạn nhìn vào thập giá như nhìn vào một tấm gương. Nơi đó bạn có thể nhận biết các vết thương của bạn có thể gây chết chóc như thế nào, các vết thương không có thuốc nào chữa được, nếu không phải là thuốc Máu của Con Thiên Chúa. Nếu bạn nhìn kỹ, bạn có thể ý thức được bản tính nhân loại của bạn và giá trị của nó lớn lao đến mức nào... Không ở nơi nào khác con người có thể ý thức được giá trị của mình cho bằng khi nhìn vào tấm gương của thập giá ». (Sermones Dominicales et Festivi III, tr.213-214).  

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã giải thích lời của thánh An-tôn trong ngày gặp gỡ một nhóm tín hữu hành hương vào ngày 10.02.2010 như sau : « Khi suy ngắm các lời này chúng ta có thể hiểu rõ ràng tầm quan trọng của hình ảnh của Thập Giá đối với nền văn hóa của chúng ta, đối với thuyết nhân bản của chúng ta nảy sinh từ đức tin Kitô. Chính khi ngắm nhìn Thánh Giá chúng ta thấy phẩm giá và giá trị của con người cao cả biết bao. Không có điểm nào khác có thể giúp hiểu con người giá trị dường nào, chính bởi vì Thiên Chúa khiến cho chúng ta trở nên quan trọng đến thế, Ngài coi chúng ta quan trọng đối với Ngài đến độ đáng cho Ngài phải đau khổ. Như thế phẩm gia con người xuất hiện nơi tấm gương của Thánh Giá và hướng nhìn về Thánh Giá luôn là suối nguồn việc thừa nhận phẩm giá con người ». (VietCatholic News, 10 Feb 2010). 

Ôi, thật tuyệt vời biết bao nhiêu, khi chúng ta khám phá phẩm giá cao quý của chúng ta trên chính Thập Giá của Đức Kitô. Một thập giá giương cao như muốn nói với chúng ta rằng : « Trong đôi mắt Cha, con thật là quý giá ». Và quý giá đến nỗi, Đức Kitô như vị mục tử nhân lành giờ đây hy sinh chính mạng sống mình cho chúng ta, những người của riêng Ngài, những người là một phần của chính Ngài. Thật không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người thí mạng sống cho người mình yêu. Ôi tình yêu cao quý ! Ôi tình yêu nở hoa trên thập giá ! Dừng bước nơi đây, chúng ta cùng nhau tri ân cảm tạ Chúa, Đấng là một phần của chính chúng ta, và chúng ta là một phần của chính Ngài.  

Ngắm nhìn Đức Kitô xong, chúng ta hãy trở về với chính mình. Như ngày xưa, có rất nhiều người đứng dưới chân thập giá của Đức Kitô. Có người tỏ lộ nét hận thù oán ghét, có người mang nét của hung hăng và nhạo báng, và cũng có cả những người dửng dưng bước qua thập giá của Đức Kitô, mà chẳng một ánh mắt cảm thông, nhưng cũng có những khuôn mặt tỏ lộ cảm thông và sẻ chia, đớn đau và xót thương. Đám đông đang ở dưới chân thập giá của ngày xưa, và cả chúng ta ngày hôm nay, như muốn đưa ra một lời nhắn nhủ: không trừ một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.

Giờ đây, chúng ta những người có mặt trong đám đông của ngày hôm nay đang đứng dưới chân thập giá, cần tự hỏi mình : « Tôi là ai trong đám đông kia ? Khuôn mặt của tôi biểu lộ sắc thái nào ? »

Chắc chắn mỗi đôi mắt và mỗi tâm hồn sẽ có những cảm nhận khác nhau, khi ngắm nhìn thập giá. Nhưng dù sao, một cách nào đó, chúng ta mỗi người đều tham dự vào việc Đức Kitô bị đóng đinh trên thập giá. Khi cầu nguyện với các bài tĩnh tâm về tội lỗi, Thánh I-Nhã thành Lô-giô-la luôn mời gọi : « Tưởng tượng đang ở trước mặt Ðức Kitô Chúa chúng ta nằm trên Thánh Giá, tâm sự cùng Ngài: vì đâu Chúa là Ðấng Tạo Hóa, Chúa đã xuống thế làm người, và vì đâu Chúa là Ðấng hằng sống, Chúa đã chịu chết và chết như thế này vì tội lỗi tôi ». (Linh Thao số 53a).  

Ngắm nhìn Chúa Giê-su trên thánh giá, chúng ta nhận ra được rằng, Ngài đã chết vì tội lỗi chúng ta. Thật vậy, Ngài đã chịu đóng đinh vì chúng ta, nghĩa là chính do tội lỗi của chúng ta mà Ngài đã phải bị treo trên thập giá. Tội lỗi của chúng ta ngày nay, cho dầu cách xa hai ngàn năm, vẫn là một chối bỏ, một tiếng reo hò, một sỉ vả hoặc chính một cái đóng đinh vào thân thể Ngài. Khi chúng ta chối bỏ người anh em, khi chúng ta đối xử tệ bạc với người anh em, khi chúng ta chối bỏ chính mình mà quên sự đau khổ của người xung quanh, đó chính là lúc chúng ta dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá.

Thật đau lòng biết bao nhiêu. Nhưng đau lòng không thôi chưa đủ. Cái đau của lòng cần hướng chúng ta đi tới một hành động cụ thể nào đó. Thánh I-Nhã mời gọi tiếp : « Cũng nhìn vào chính mình tôi mà tự hỏi: tôi đã làm gì cho Ðức Kitô? Tôi đang làm gì cho Ðức Kitô? Và tôi phải làm gì cho Ðức Kitô. Cuối cùng nhìn Chúa treo trên Thánh Giá như thế và cân nhắc theo những điều hiện đến trong trí tôi » (Linh Thao số 53b).

 

« Con có thể uống chén mà ta sắp uống không?" 

Tâm tình của thánh I-nhã nhắc nhớ tôi nhớ lại tâm tình của Đức Kitô đối với các môn đệ của Ngài. Chuyện kể rằng, Đức Kitô cùng các môn đệ lên đường đến thành Giê-ru-sa-lem, và Người lại dẫn đầu các ông nữa chứ (Mc 10, 32-34). Đúng là hình ảnh của một vị Thầy, một vị thủ lãnh thực sự. Đi sau Chúa Giê-su, chẳng hiểu sao các môn đệ và cả những người theo sau đều sợ hãi. Phải chăng cái sợ hãi của những con người không có đủ sức mạnh và lòng can đảm, của những con người thiếu niềm tin, những con người chưa hiểu thấu được tinh thần tự hiến và tinh thần tình yêu của Thầy mình. Và có lẽ nỗi hãi sợ đó tăng lên, khi các ông được Thầy kéo riêng ra một bên và nói cho các ông biết ý định của Thầy. Con đường lên Giê-ru-sa-lem lần này không phải là đường trẩy hội ăn mừng, con đường của vinh quang theo con mắt bình thường của đời người. Mà đó là con đường « bị trao nộp » của Thầy, con đường Thầy bị đưa ra vòng móng ngựa, dù Thầy chẳng có tội tình chi. Không tội tình, nhưng cuối cùng Thầy vẫn nhận một bản án tồi tệ nhất : xử tử. Không chỉ bị kết án tử, mà Thầy còn tiếp tục bị nộp, và lần này là bị nộp cho dân ngoại nữa chứ. Và rồi trước khi chết, Thầy sẽ phải đón nhận những hành động dã tâm của con người : cái nhạo báng vào Người, cái khạc nhổ vào mặt, và bao roi đòn không thương tiếc được bao bàn tay hung ác vung ra trên thân thể Thầy. Cuối cùng là cái chết thê lương và tồi tệ nhất chờ Thầy trên ngọn núi của cuộc đời này. Có ai thấu hiểu những điều Thầy vừa dãi bày từ tấm lòng sâu thẳm ? Những lời Thầy nói rót vào tai của những người thân là các môn đệ, nhưng chẳng biết có được mấy chữ trong lời đó được các ông đón nhận và giữ lại? Có tâm hồn nào trong nhóm các ông rung động và xót thương cho Thầy ? Chẳng biết nữa.  

Chuyện kể tiếp rằng, sau đó thì hai môn đệ, là hai anh em, Gio-an và Gia-cô-bê, lại xin được nói nhỏ với Thầy một điều gì đó (Mc 10, 34-40). Phải chăng đó là tâm tình cảm thông của hai ông, là lời an ủi hai ông muốn giành cho Thầy ?

« Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây ».

Ủa, tại sao lại là một lời xin xỏ ? Phải chăng từ trong sâu thẳm của lòng mình, hai ông không còn chỗ cho chữ « cảm thông » và « xót thương ». Phải chăng tấm lòng của hai ông đang đầy tràn « ước ao » của riêng mình, và đầy đến nỗi tất cả những gì Thầy vừa nói, dù có chân tình và thê lương đến mấy, cũng chẳng có « kí-lô » nào trên hai ông ? Phải chăng Thầy chưa thực sự là một phần của chính hai ông, nên con tim của hai ông chưa tìm được nhịp đập của con tim Thầy ?

« Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì ? »

Chẳng bực bội, chẳng buồn phiền, nhưng rất bình tâm Thầy đã hỏi lại như thế.

« Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”.

Ô la la, sao mà lời xin thật đến thế. Thật đến nỗi làm đau lòng người. Đau vì đang khi Thầy nói đến con đường đau khổ với roi đòn, với sỉ nhục, với chén đắng và với cái chết thê lương, thì hai ông lại nói đến « cái ghế », nhắc đến « vinh quang » mà các ông đang muốn được hưởng. Đúng là một lời xin rất thật nhưng lại rất mù quáng.

Hiểu thấu được sự mùng quáng này, và Đức Kitô cũng cảm thông được lòng nông cạn của hai ông, những người là một phần của chính Ngài, nên Ngài đã đáp lời :

« Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? ».

« Thưa được ».

Câu trả lời của hai ông sao mà oai đến thế ! Hai ông có biết chén đó là chén gì không ? Cái chén đó có tương hợp với « cái ghế » và « vinh quang » mà hai ông đang ao ước không ? Câu trả lời của hai ông có thực là dấu hiệu hai ông mở lòng mình ra cho Đấng của lòng thương xót, là Thầy của hai ông, là một phần của chính hai ông không ? Nhưng đừng quên rằng, để mở lòng thực sự cho Thầy, thì trước hết cần phải bước ra khỏi chính mình, từ bỏ tất cả những gì mình có, cả những cái ước ao có trong tương lai, như cái ghế và vinh quang, và cuối cùng là từ bỏ chính mình, thì mới có thể bước vào con đường gặp gỡ Thầy, mới có thể đi con đường của chén đắng và con đường của Thánh Giá với Thầy (x.Mc 8, 34-37).  

Chúng ta hãy để lời Thầy vang lại cách sống động trong đời sống thực tế  của chúng ta: « Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? » (Mc 10,39). Gẫm suy lời Thầy thật cẩn thận. Lời đó là một câu hỏi đang giằng xé chúng ta, bắt chúng ta phải trằn chọc suy nghĩ. Nhưng nghĩ không thì chưa đủ, tư tưởng cần phải hướng tới hành động. Vâng, đường Thầy đi là vậy, chén Thầy uống là thế, giờ đây có ai muốn cùng Thầy đi con đường đó, có ai muốn chia sẻ chén Thầy đã uống không ?

Henri Nouwen, một nhà thiêng liêng học người Hà-lan, người đã sẵn sàng bỏ ghế giáo sư đại học với vẻ vinh quang của cuộc đời, để bước vào cộng đoàn Arche, và chia sẻ cuộc sống với những người mà cuộc đời gọi là « kẻ điên – người mát ». Ông đã chia sẻ như sau : « Khi Đức Giêsu hỏi các bạn của người là Giacôbê và Gioan, con ông Zêbêđê, "Các con có thể uống chén mà ta sắp uống không?" là Người đặt câu hỏi đi thẳng vào tâm điểm chức thánh và cuộc đời của tôi. Trong nhiều năm, khi cầm chén thánh đẹp đẽ óng ánh trong tay, việc trả lời cho câu hỏi này hình như chẳng có gì là khó đối với tôi. Tôi, một linh mục vừa chịu chức, đầy ý tưởng và lý tưởng, cuộc đời hứa hẹn nhiều chuyện phong phú. Tôi háo hức uống chén này!

Ngày hôm nay, ngồi trước cái bàn thấp nhỏ, chung quanh tôi là các anh chị em bị khuyết tật, các trợ tá và người hướng dẫn họ, đưa cho họ rượu đựng trong chén bằng thủy tinh, câu hỏi đó trở thành một thách đố thiêng liêng. Tôi có thể, chúng ta có thể uống chén mà Đức Giêsu đã uống không? » 

Đức Giêsu hỏi hai môn đệ của người: "Các con có thể uống chén Ta sắp uống? " Họ trả lời : « Thưa có », nhưng họ không có một khái niệm gì về những gì họ đang nói. Chén của Đức Giêsu là chén đau khổ, không phải chén của riêng Người, mà của cả toàn thể nhân loại. Đó là chén đầy đau khổ thể xác, tinh thần và thiêng liêng. Đó là chén của thiếu thốn, của bức hại, của cô đơn, của loại trừ, của bỏ rơi, của lo lắng. Đó là chén đầy cay đắng. Ai muốn uống chén này? Tiên tri Isaia gọi đó là "chén phẫn nộ của Thiên Chúa ". « Từ tay Đức Chúa, ngươi đã nhận, đã uống chén lôi đình, ngươi đã cạn chén nồng choáng váng » (Is 51:17); đó là chén mà thiên thần thứ nhì trong sách Khải Huyền gọi là: "thứ rượu cuồng loạn " (Kh 14:8), thành Babylone đã cho mọi nước uống.

Khi đến lúc phải uống chén này, Đức Giêsu nói: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được " (Mt 26:38). Cơn hấp hối của Người quá cực độ đến nỗi mồ hôi người như những giọt máu rơi xuống đất " (Lc 22: 44). Các bạn Giacôbê và Gioan, hai người mà Người hỏi họ có uống được chén Người sắp uống, đi theo Người nhưng họ đã ngủ, họ không còn sức để thức với Người, chia sẻ nỗi buồn và lo lắng của Người. Vâng, họ vẫn chưa xác tín và yêu cho đủ để có thể nói : « Thầy là một phần của chính con ». Vì thế, Thầy đau, Thầy hấp hối là chuyện riêng của Thầy, điều ấy hình như vẫn chưa có « kí-lô » nào đối với hai ông.

Trong một lúc cô đơn cùng cực, Chúa Giê-su té xuống đất và thốt lên lời cầu xin: "Lạy Cha, nếu được xin Cha cất chén này! " Đức Giêsu không thể nào đối diện với chén đắng. Thật quá đau khổ và quá lo lắng. Người không nghĩ sẽ có thể uống được chén đau khổ này. 

Làm sao Chúa Giê-su có thể nói lời xin vâng? Phải trả lời gì bây giờ? Dù bị đau khổ vì bị ruồng bỏ và bỏ rơi, Đức Giêsu luôn luôn kết hiệp mật thiết với Đấng mà Người gọi là "Abba ". Và đừng quên rằng, tiếng Abba là tiếng "cha" trong nghĩa thân tình như tiếng "ba" của người Việt mình đấy. Lòng tin tưởng của Người vượt quá thái độ bất trung, lòng tuân thuận vào tình phụ tử vượt quá tuyệt vọng và tình yêu vượt quá hãi sợ. Chính nhờ tình mật thiết này, mà Đức Giêsu mới có thể xin Đấng đã gọi Người là "Con yêu dấu " cất chén đắng cho Người. Dù trong cơn lo lắng tột độ, mối dây liên hệ này không bị cắt đứt. Đó là mối dây không sờ và không nói lên bằng lời được, mối dây tuyệt vời và không hủy hoại được. Chính trong hiệp thông mật thiết với Cha mà Người chấp nhận uống chén đắng: « Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha » (Mt 26,39). 

Đức Giêsu không nhường bước trước tuyệt vọng và không đẩy lui chén đắng. Người cầm chén chắc nịch trong tay, muốn uống đến giọt cuối cùng. Đó không phải là một hành vi biểu lộ ý chí trước thử thách hay biểu lộ tính anh hùng, nhưng hành vi xuất phát từ sâu thẳm tâm hồn, đó là tiếng "vâng " với Abba, là « Ba » Ngài, và Đức Kitô cũng nói « vâng » với tất cả nhân loại, một lời nói vâng thiết tha vì tình yêu của một quả tim tan vỡ.

Ngoài ra, tiếng xin vâng không điều kiện của Đức Giêsu với Chúa Cha đã cho Người sức mạnh để uống chén, không phải trong thái độ thụ động cam chịu, nhưng tin chắc giờ chết sẽ là giờ vinh quang. Tiếng vâng tuân thuận là hành vi sáng tạo, một hành vi mang nhiều thành quả. Tiếng xin vâng cất bỏ được số mệnh phủ phàng: sứ mệnh của Người được tiếp tục. Thay vì một kết thúc không tránh được, thì cái chết của Người trở thành khởi đầu của một đời sống mới. Tiếng vâng là lời loan báo hạt giống gieo vào lòng đất sẽ cho một mùa gặt dồi dào. 

Lắng nghe trước tiếng xin vâng của Đức Kitô, chúng ta đáp lại thế nào đây ? Chúng ta có dám mở lòng để nói tiếng xin vâng với Chúa không ? Tiếng xin vâng thành tâm phát xuất từ tấm lòng yêu thương của chúng ta với Chúa, chứ không phải là tiếng « thưa có » đầy nông cạn, nông đến nỗi không cảm được cái đau của Chúa và chẳng thông hiệp được với Ngài chút nào trên con đường thương khó, cạn đến mức đôi mắt và tâm hồn chỉ dán chặt vào trong « cái ghế » và vinh quang. Vì thế, cần phải nói lời xin vâng với Chúa như thế nào đây ?

 

Lời xin vâng từ tấm lòng yêu thương. 

Lời xin vâng chỉ hiện diện được trong cuộc đời, khi chúng ta đồng ý đón nhận sự sống trong cuộc đời. Vì thế, lời xin vâng đầu tiên chúng ta cần nói với Chúa là lời xin vâng về chính sự sống mà Chúa đã ban tặng cho chúng ta. Lời xin vâng về phẩm giá cao quý mà chúng ta là con người được Chúa ban tặng, những con người là một phần của chính Chúa.

« Trong đôi mắt Cha, con thật quý giá, vốn được Cha trân trọng và mến thương ». Chúng ta lắng nghe lời đó, chúng ta phản ứng thế nào ? Chúng ta có tin tưởng vào lời thân thương đó của Chúa và đón nhận lời đó với tất cả tấm lòng của chúng ta không ? Trong sứ điệp mùa Chay 2010, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói rằng, niềm tin không bao giờ tự nhiên mà có. Niềm tin cần có những tấm lòng khiêm nhường và đón nhận. Vâng, tôi cần ý thức rằng, tôi cần đến người khác. Tâm tình này giúp tôi thoát khỏi « cái tôi » ích kỷ, và giúp tôi biết mở lòng, bước ra khỏi chính mình và trao ban chính mình cho người khác. Như vậy, chúng ta mới có thể nói lời xin vâng với Thiên Chúa. 

Thực vậy, khi chúng ta nói lời xin vâng với sự sống là món quà Chúa ban tặng, lời xin vâng với phẩm giá cao quý được Chúa yêu thương ban tặng, là lúc chúng ta đang ý thức rằng chúng ta cần Thiên Chúa, và chúng ta đang nói lời xin vâng với Thiên Chúa. Vì thế, thật thú vị, khi Nguyễn tầm Thường đã lấy tựa đề cho một cuốn sách : « Con biết con cần Chúa ». 

Lạy Chúa, chúng con biết chúng con cần đến Chúa, Đấng yêu thương chúng con, ban cho chúng con một phẩm giá cao quý làm người, và luôn coi chúng con là một phần của chính Chúa. Tình yêu đó cao quý và lớn lao đến nỗi, Chúa sẵn sàng mặc lấy thân phận tôi đòi của con người chúng con. Không chỉ thế, Chúa còn sẵn sàng bị coi là kẻ nô lệ, coi là kẻ bị nguyền rủa khi bị treo trên cây gỗ, tất cả để cho chúng con. Vâng, nhìn ngắm Chúa trên thập giá, mới thấy đời chúng con quý giá biết bao nhiêu. Vì thế, là những người con quý giá của Chúa, nhưng cũng ý thức thân phận tội lỗi yếu đuối của mình, chúng con xin được xin vâng với chính sự sống Chúa ban, và xin vâng với Chúa là tình yêu. Và chúng con cũng xin vâng, đón nhận và cầm chén Chúa mời gọi.

 

Cầm chén. 

Xin vâng sự sống Chúa ban tặng, trân trọng phẩm giá làm người cao quý Chúa trao ban, chúng ta bước vào bàn tiệc của cuộc đời, bàn tiệc mà chính Chúa đã từng ngồi, đã từng cầm chén nâng lên và cạn chén.

Hôm nay, theo bước chân Thầy, chúng ta cùng cầm chén cuộc đời lên. Nhưng để có thể cầm chén cuộc đời, chúng ta cần phải xin Chúa thêm sức mạnh, thêm lòng can đảm, vì nếu không, có thể chúng ta sẽ hãi sợ khủng khiếp khi thấy những gì chúng ta thấy.

Trong chén cuộc đời chúng ta có quá nhiều những « hương vị » đắng, cay và chát, đến nỗi nếu không có đủ sức mạnh và lòng cản đảm, và cả niềm tin, thì chúng ta sẽ buông xuôi. Hay chúng ta sẽ nhắm mắt uống ực một hơi cho xong, mà không giành thời giờ để nhìn lại chén cuộc đời chúng ta. Nếu  chúng ta uống ực một hơi ly rượu, mà không dành thì giờ để nhìn lại ly rượu, không nâng ly lên để ngửi trước khi uống, thì chúng ta có thể say mà chưa nếm mùi rượu. Như thế thì uổng biết bao nhiêu. Như thế thì một cách nào đó chúng ta chưa đủ can đảm trước những hương vị đắng cay trước mặt. Đức Kitô, Ngài cũng lo sợ trước chén đắng, nhưng trong lo sợ đó Ngài đã ý thức những gì có trong chén đắng, Ngài đã nếm và đã bình tâm để rồi Ngài mới cạn chén. Đó mới là tình yêu đích thực, một tình yêu ý thức, một tình yêu sẵn sàng đón nhận và chia sẻ tất cả những khổ đau của người mình yêu. Một tình yêu của « thuộc về », của nên một và hòa tan.

 Cầm chén cuộc đời là một việc đòi hỏi đấy, chứ không đơn giản đâu. Chúng ta là những con người khát lâu ngày, chỉ thích cầm chén lên uống cái ực. Nhưng chúng ta cần phải kềm giữ mình. Hai tay cầm vành chén và tự hỏi: "Ai cho tôi chén này? Có gì trong chén của tôi? Có tốt cho tôi không? Sau khi uống xong tôi có khá hơn không?" 

Có vô số loại rượu cũng như có vô số loại cuộc đời. Không có hai cuộc đời giống nhau. Chúng ta thường so sánh đời mình với đời người khác, muốn biết xem đời mình khá hay tệ hơn, nhưng so sánh như thế chẳng giúp được gì. Chúng ta phải sống cuộc đời của mình chứ không sống cuộc đời của người khác. Chúng ta phải cầm chén riêng của mình, với những âu lo riêng của mình, với những khó khăn riêng của mình, và với cả những vết thương và vết sẹo riêng mà cuộc đời đã để lại, và còn biết bao nhiêu thứ khác trong chén của chúng ta. Đó là những chất và những mùi vị rất riêng trong ly rượu cuộc đời của chúng ta.

Chúng ta cần can đảm cầm chén cuộc đời của mình, và nói với chính mình: "Đây là đời tôi, cuộc đời được trao ban cho tôi, tôi phải sống tốt nhất có thể. Đời tôi là duy nhất. Tôi có đời riêng, gia đình riêng, thể xác riêng, cá tính riêng, bạn bè riêng, cách suy nghĩ, hành động, phản ứng riêng. Đúng, tôi có cuộc đời của riêng tôi để sống. Không một ai có cùng chung số phận. Rất nhiều người có thể giúp tôi, nhưng dứt khoát, chính tôi là người quyết định phải sống như thế nào". Ý thức như thế đã tốt rồi. Tuy nhiên, là người Kitô hữu, chúng ta đừng quên rằng, chúng ta có chén cuộc đời riêng đấy, cuộc sống là cuộc sống riêng của chúng ta đấy, nhưng chén cuộc đời của chúng ta đã được Đức Kitô chia sẻ. Ngài đã sẵn sàng đón nhận những vị đắng, những vị cay, những vị chát chảy ra từ cuộc đời của chúng ta. Và hơn thế nữa, tất cả những gì là « khó nuốt » nhất, đều tích tụ trong chén của Ngài. Vì thế, khi cầm chén cuộc đời, chúng ta cùng cầm với Chúa, Đấng là một phần của chính chúng ta, và chúng ta là một phần của chính Chúa. Đừng bao giờ cầm chén một mình, hãy luôn cầm chén với Đức Kitô. Cầm chén mà không nâng lên thì cuộc đời sẽ không thể trọn vẹn, vì thế, giờ đây cùng với Đức Kitô, chúng ta nâng chén cuộc đời chúng ta lên.

 

Nâng chén 

Nâng chén lên là lời mời nhấn mạnh và chúc mừng sự kiện được ngồi cùng bàn chung với nhau. Khi chúng ta nâng chén lên, nhìn vào mắt nhau, chúng ta muốn nói: "Đừng lo âu, mình đón tiếp nhau. Đừng sợ chạm trán với cuộc đời và hãy khuyến khích nhau mến chuộng những gì cuộc đời dành cho chúng ta".

Tất cả các ngôn ngữ đều có một công thức để cụng ly, để chúc sức khỏe, tiếng la tinh là "Prosit"; tiếng Đức là "Zum Wohl"; tiếng Anh là "Cheers", tiếng Pháp là "À votre santé", tiếng Ý là "Alla tua salute" Tiếng Do thái là: "L'chaim", và tiếng Việt chúng ta là : « Xin chúc mừng ». Nâng chén và cụng chén để chúc mừng cuộc đời ! Mừng cuộc đời của anh, của chị và của tôi.

Có thể đó là lời chúc hay nhất. Chúng ta cùng nâng chén cuộc đời, để khẳng định cùng sống với nhau, cùng mừng cuộc đời như quà tặng của Thiên Chúa. Khi chúng ta có thể cầm chắc chén của mình, chén đầy buồn phiền và niềm vui lẫn lộn, nhận biết đó là cuộc đời chúng ta và là cuộc đời duy nhất chúng ta có, lúc đó chúng ta có thể nâng chén lên cho những người khác cùng thấy, để họ có can đảm nâng chén của họ lên. Như thế, khi chúng ta cùng nâng chén lên, không e ngại, chúng ta nói sẽ nâng đỡ nhau trên con đường đi chung, thế là chúng ta đã tạo một cộng đồng.

Trong cộng đồng đó, có mặt chính Đức Kitô là trung tâm điểm, Đấng đang cầm chiếc chén đẹp nhất và đầy nhất, cái đẹp của một vì Thiên Chúa sẵn sàng kề vai vác tất cả những khó nhọc và bệnh hoạn của chúng ta, cái đầy của tình yêu vượt trên tất cả mọi mức đo của cuộc đời này.  

Chắc chắn, trong một cộng đồng, không phải chỉ có toàn những chuyện hòa hợp, cũng không phải lúc nào cũng dễ. Nhưng kết hợp giữa những người trong cộng đồng được, là do chúng ta tin rằng chúng ta không sống đơn độc, chúng ta chấp nhận đời sống là hỗn hợp của thành công thất bại, của những lúc thăng lúc trầm. Các vết thương cá nhân, gần như không thể chịu đựng, nếu chúng ta sống một mình, thì sẽ trở thành nguồn chữa lành, nếu chúng ta sống trong cộng đồng huynh đệ, thân tình, và cùng săn sóc lẫn nhau. Và tinh thần huynh đệ đó được chính Đức Kitô là trung tâm điểm, là mẫu gương tuyệt hảo nhất sống và chỉ bảo cho chúng ta. Đó chính là tình yêu không lơ đi trước những đau khổ của người Sa-ma-ri đang bị nạn ở giữa đường ; là sự cảm thông đầy nhân hậu của đối với người phụ nữ tội lỗi đến khóc lóc sướt mướt bên chân Ngài trong nhà một người biệt phái ; là đôi mắt đầy nhân từ nhìn thấy nỗi đau của người phụ nữ bị gù lưng từ bao nhiêu năm trời, cái gù lưng vì bị thần dữ chế ngự. Không thể cứ như thế được, và Ngài đã gọi bà ra khỏi hàng ghế trong hội đường, trước mặt mọi người, Ngài đã cho bà đứng thẳng lên, cái gù kia phải chia tay vĩnh viễn với cái lưng của người phụ nữ này, để giờ đây bà có thể ngẩng cao đầu nhìn trời, nhìn đời và nhìn biết bao nhiêu người thân thương khác. Thật vậy, Đức Kitô đã sống tinh thần huynh đệ, tinh thần tình yêu thật tuyệt vời. Ngài luôn là nơi để cho anh chị em của Ngài được chạy đến, nghỉ ngơi và được bồi dưỡng, Nơi Ngài, tất cả mọi ách, tất cả mọi gánh dù nặng và dù khó nhọc đến mấy, cũng đều trở nên êm ái và nhẹ nhàng (x. Mt 11, 28-30). 

Vì thế, chúng ta cùng với Đức Kitô, nâng chén lên, cụng ly để chia sẻ cho nhau tất tả những nỗi niềm của cuộc đời này, cái vui và nỗi buồn, cái khổ đau và niềm hạnh phúc. Chúng ta hãy trao cho nhau những « tổ ấm », để cùng nhau nghỉ ngơi và bồi dưỡng sức lực, trao cho nhau những gánh nhẹ nhàng và ách êm ái, chứ đừng « sản xuất » ra những gánh nặng và « ách chông gai », để bắt người khác vác, còn mình thì chẳng màng tới.  

Thật vậy, Chúng ta "nâng" đời sống chúng ta lên mỗi lần chúng ta nói và hành động cho nhau.

Một khi "cầm" được đời sống trong tay, chấp nhận trọn vẹn, đời sống của chúng ta trở thành đời sống cho người khác. Lúc đó, chúng ta không còn so sánh, không còn hỏi xem đời mình tốt hơn hay xấu hơn, bởi vì khi sống cho người khác, không những mình khẳng định cá thể của mình, mà chúng ta còn nhận thấy vai trò không thể thay thế được của mình trong bức khảm ghép của gia đình nhân loại. Bonhoeffer đã nói rằng, Đức Kitô luôn sống cho người khác, và khi chúng ta tin vào Chúa Giê-su, thì chúng ta cũng cần phải tham dự vào cuộc sống của Đức Kitô, là chúng ta cần phải sống cho người khác nữa. Vâng, sống cho người khác để cùng người sống và sống dồi dào hơn, như chính Đức Kitô đã sống cho chúng ta, để đời chúng ta ngày càng được phong phú và dồi dào hơn (x. Ga 10,10).

Vì thế, nâng chén lên có nghĩa là chia sẻ đời sống, để chúng ta có thể yêu mến các việc làm tốt của nhau, và cùng sẻ chia những đau khổ và khó khăn trong cuộc đời. Khi chúng ta tin chắc chúng ta được gọi để sống cho nhau, thì, với tất cả lòng tin, chúng ta sẽ tạo cơ hội để người khác biết chúng ta. Đó là cộng đồng xây dựng trên cởi mở và chia sẻ, để từ đó chúng ta có thể uống, và cạn chén của mình. Trong một cộng đồng như vậy, khi chúng ta nâng chén lên và nói: "Mừng cuộc đời!", chính là cuộc đời "thật" mà chúng ta muốn nói đến, chứ không phải chỉ những gì đau đớn và buồn phiền, nhưng còn là vui tươi và thích thú. Và như thế, những lời chúc khi cụng ly sẽ tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn của nó, và sẽ trọn vẹn hơn khi mỗi ly rượu, mỗi chén uống được chúc phúc.

 

Chén chúc phúc. 

Nâng chén lên là chúc phúc, là hiệp thông với ơn thánh. Chén buồn phiền và chén vui tươi trở thành chén chúc phúc khi được nâng lên vì hạnh phúc của người khác. Đức Kitô Ngài đã sống như vậy đấy. Trong bữa ăn cuối cùng, trước hôm chết, Ngài cầm chén chúc phúc, chứ không phải chén giận dữ. Đó là chén giao ước mới và vĩnh cửu, chén kết hợp chúng ta với Thiên Chúa và với nhau trong cộng đồng tình yêu. Thánh Phaolô viết cho tín hữu Côrintô: "Tôi nói với anh em như với người khôn ngoan hiểu biết, anh em hãy tự mình suy xét điều tôi nói: Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào máu Đức Kitô ư?" (1Cr 10:15-16). 

Đau khổ của nhân loại có thể được nhận thấy một cách rõ ràng là dấu hiệu giận dữ của Thiên Chúa, người ta thường hiểu như vậy và người ta còn tiếp tục hiểu như vậy. Giống như thánh vịnh gia viết: "Chỉ Thiên Chúa mới là thẩm phán, Chúa hạ bệ người này, cân nhắc kẻ kia " (Tv 75:8). Chính chúng ta cũng vậy, đứng trước những đau khổ xảy ra cho chính chúng ta, và đứng trước những việc kinh hoàng xảy ra trên thế giới, chúng ta đã chẳng nói: "Làm sao một Thiên Chúa yêu thương lại có thể chấp nhận những chuyện như vậy xảy ra? Chỉ có một Chúa hung ác và hận thù mới có thể làm như vậy ". 

Tuy nhiên, Đức Giêsu, ôm lấy tất cả đau khổ nhân loại làm của mình và dâng trên thập giá, không phải như lời chúc dữ mà là lời chúc lành. Đức Giêsu biến chén giận dữ thành chén chúc phúc. Đó là mầu nhiệm của phép Thánh Thể. Đức Giêsu chết để chúng ta được sống. Người đổ máu ra để chúng ta biết được có một đời sống mới. Người phó mình để chúng ta có thể sống với nhau trong cộng đồng. Người là thức ăn và của uống cho đời sống vĩnh cửu. Đó là những gì Đức Giêsu muốn nói khi người cầm lấy chén và đọc: "Chén này là giao ước mới, lập bằng máu của Thầy, máu đổ ra vì anh em " (Lc 22: 20). Phép Thánh Thể là mầu nhiệm thiêng liêng, biến thành phúc lành những gì mà chúng ta cho là bất lành. Đau khổ của chúng ta không còn là hình phạt của trời. Đức Giêsu đã làm đau khổ thành con đường tiến đến một đời sống mới. Máu của người, và cũng là của chúng ta, bây giờ có thể trở thành máu tử đạo, chứng nhân của một giao ước mới, một hiệp thông mới, một cộng đồng mới. 

Khi chúng ta nâng chén cuộc đời và cùng chia sẻ với những người chung quanh nỗi đau khổ, niềm vui của chúng ta, cùng chấp nhận nhau là những người mỏng giòn, thì giao ước mới thể hiện rõ giữa chúng ta. Nghĩa là chén cuộc đời của chúng ta đã được chúc phúc bởi Đấng lập ra giao ước mới đó, giao ước của tình yêu đến nỗi hy sinh chính mình vì hạnh phúc của người khác. Có như vậy niềm vui sẽ xuất hiện, và muôn nơi người người sẽ thấy những nụ cười rạng rỡ như đang chào đón nhau.

 

Niềm vui cạn chén. 

Trong đau khổ có an ủi, trong bóng tối có ánh sáng, trong tuyệt vọng có hy vọng, giữa thành Babylone có ánh sáng đến từ Giê-ru-sa-lem, giữa lực lượng của ma quỷ có thiên thần an ủi. Chén đắng chứa nỗi buồn phiền của chúng ta cũng là chén mang đến vui mừng.

Niềm vui và buồn phiền không bao giờ lìa nhau. Trong chén cuộc đời, hạnh phúc và bất hạnh, lạc thú và ưu phiền, vui sướng và tang tóc tròng tréo nhau. Nói cách khác, chén này thật khó uống. Chính vì thế mà chúng ta phải cầm chén một cách cẩn thận, tìm niềm vui che giấu trong buồn phiền, để sau đó chúng ta có thể cạn chén và niềm vui sẽ đến với chúng ta.

Tự bản thân, chúng ta có thể tìm thấy niềm vui đấy, nhưng đó chỉ là niềm vui chóng qua. Niềm vui vĩnh cửu và lớn lao nhất tự chúng ta không thể làm nên được. Niềm vui đó ở nơi Đấng tạo thành, Đấng là tình yêu được biểu lộ qua chính Đức Kitô.

Nhưng chúng ta có thể thấy Đức Giêsu là người của niềm vui không? Thân hình bị tra tấn, trần truồng, bị treo, hai tay đóng đinh vào thập giá không phải là một chuyện vui. Tuy nhiên, thập giá của Đức Giêsu thường là dấu hiệu tượng trưng cho ngai vinh quang. Trên ảnh thánh giá, thân hình Đức Giêsu không phải là thân hình của người bị đánh đập, bị cực hình nhưng là thân hình đẹp sáng rọi mà các vết thương là những vết thương thiêng liêng. 

Ảnh tượng ở San Damiano là một ví dụ, ảnh tượng mà thánh Phan Sinh hay gọi bằng tên và nói chuyện với người.  

Ảnh tượng cho thấy một Đức Giêsu bị đóng đinh nhưng chiến thắng. Bờ thập giá được bao bằng vàng lộng lẫy, thân hình của Đức Giêsu đẹp tuyệt hảo, không mang dấu vết của tra tấn, thanh ngang thập giá là hình tấm mộ được mở ra nơi Đức Giêsu sống lại, Mẹ Maria, thánh Gioan và những người ở chung quanh người bên cây thập giá đều hân hoan. Trên đỉnh cột thập giá là hình ảnh các thiên thần bao quanh Thiên Chúa, Đấng đang đưa tay vẫy gọi Đức Giêsu về trời... 

Thập giá này cũng là thập giá của Sống Lại, tượng trưng cho Đức Giêsu trong vinh quang. Các lời của Đức Giêsu: "Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi " (Ga 12:32) không những dựa vào việc đóng đinh mà còn dựa vào sự sống lại. Được giương cao, không phải chỉ muốn nói được giương cao lên trên thập giá, nhưng là còn giương cao lên bằng sự sống lại. Hơn nữa, chúng ta sẽ mắc một sai lầm rất lớn, nếu chúng ta đã nhắc đến việc Chúa Giê-su loan báo con đường thương khó của Ngài, mà không nhắc đến Phục Sinh. Cả ba lần loan báo, Đức Kitô đều nhắc đến Phục Sinh. Đó chính là vinh quang của Ngài. Qua Phục Sinh, Chúa Giê-su chiến thắng sự chết. Thật vậy, sự chết không phải là chữ cuối cùng của cuốn sách lịch sử nhân trần. Đức Kitô đã ghi vào cuốn sách lịch sử nhân loại chúng ta chữ cuối cùng, đó là chữ Phục Sinh. Vì thế, có niềm vui nào lớn hơn nữa khi chúng ta mừng đón niềm vui Phục Sinh. Bonhoeffer đã nói rằng, bước đi dưới thánh giá không phải là khổ đau, và cũng không phải là thất vọng, mà là ủi an, là bình an trong tâm hồn. Đó là niềm vui lớn lao nhất. Vâng, niềm vui lớn lao đó sẽ xuất hiện khi chúng ta cùng với Đức Kitô đi con đường thánh giá cho đến cùng. Tại đích đến, thập giá nở hoa Phục Sinh.  

Ngoài ra, Đức Giêsu cũng nói rất rõ: "Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì sẽ được sống muôn đời " (Ga 3:13-14). Những gì Môsê giương cao như cờ hiệu trong sa mạc, là con rắn bằng đồng có khả năng chữa các vết thương do rắn cắn nếu người bị thương nhìn vào đó (x. Đnl 21:8-9). Thập giá của Đức Giêsu là cờ hiệu có khả năng chữa lành cho chúng ta khỏi sự chết. Thiên Chúa "giương cao " kéo tất cả nhân loại về với Người trong đời sống vĩnh cửu. Đức Giêsu, Đấng đã kêu: "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? " (Mt 27:47) cũng là Đấng từ bỏ mình trong tin tưởng: "Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha " (Lc 23:46). Đức Giêsu muốn chúng ta thông dự hoàn toàn vào nỗi khổ của người, muốn chúng ta cùng cạn chén với Người, để nhờ đó với Người chúng ta tham dự trọn vẹn vào niềm vui của Người. Vâng, Đức Giêsu, Người của niềm vui, muốn chúng ta là dân của niềm vui. Chúng ta là một phần của chính Ngài, thì Ngài luôn mong muốn chúng ta được vui với Ngài. Như vậy, khi cùng uống cạn chén với Đức Kitô, niềm vui của chúng ta được trọn vẹn trong niềm vui của Ngài.

 

Thay lời kết. 

Lạy Chúa Giê-su, chúng con thật vui mừng khi nhận ra rằng, chúng con là những người quý giá trong đôi mắt của Chúa, và chúng con mang một phẩm giá cao quý vì chúng con được dựng nên theo hình ảnh của Chúa. Niềm vui này lớn hơn, khi chúng con khám phá ra một tâm tình : « chúng con là một phần của chính Chúa và Chúa là một phần của chính chúng con ».

Nhưng tiếc thay, tội lỗi đã len vào và như muốn đập vỡ những viên ngọc quý giá của Chúa, là chính chúng con ; tội lỗi như muốn cướp đi phẩm giá cao quý của chúng con, là những người con của Cha trong ngôi nhà yêu thương, và muốn biến chúng con thành những « thân phận » thật tệ bạc, tệ bạc hơn cả loài vật.  

Chính lúc chúng con đang rơi vào trong hố sâu đen đủi, tình yêu của Chúa, của người Cha nhân hậu đã đánh thức chúng con và vực chúng con dậy. Tình yêu đó đã ban thêm sức mạnh cho đôi chân của chúng con, để lên đường trở về với Cha.

Và tình yêu đó như muốn nói với chúng con rằng : « Con mãi mãi là con. Không có thế lực nào cướp đi được phẩm giá cao quý của con. « Đầy tớ » không có chỗ trong đời của con, con mãi mãi là một phần của chính Cha ».

Vì thế, Chúa đã cứu chúng con qua việc Chúa xuống thế làm người, đi con đường dương thế của chúng con, gánh vác tất cả những nỗi thống khổ của chúng con, và còn bị treo trên cây gỗ giành cho kẻ tội nhân. Trên cây gỗ đó Chúa đã bị nguyền rủa bởi chúng con và cho chúng con. Và trên cây gỗ đó Chúa muốn nói với chúng con rằng, dù thế nào đi nữa, chúng con vẫn quý giá trong đôi mắt của Chúa. 

Cuối cùng, cây gỗ mà sự dữ dùng để đóng đinh Chúa đã nở hoa Phục Sinh. Vâng, không có thế lực nào có thể thắng được tình yêu quyền năng của Chúa. Với sự Phục Sinh của Chúa, Chúa muốn trao cho chúng con niềm vui vĩnh cửu, niềm vui lớn lao nhất và không bao giờ phai tàn hay mất đi mà chúng con không thể tìm thấy trên giương gian này.Ôi niềm vui tuyệt hảo của lời xin vâng mà Chúa giành cho chúng con.

Lạy Chúa, xin ngàn vạn lần tri ân cảm tạ Chúa.

Ngàn vạn lần xin Chúa giúp chúng con biết mở lòng và ý thức nói lời xin vâng với Chúa, biết cùng với Chúa cầm chén, nâng chén và cạn chén trong niềm vui Phục Sinh.

Ngàn vạn lần xin Chúa trở nên không phải là một phần của chính con, mà là tất cả của con, để nhờ đó con là của Chúa suốt đời con. Amen.

Tác giả: Lm. Ng Ngọc Thế, SJ.

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!