.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Mở Đường: Nguyễn Trãi Và Lê Lợi

Chương một - Sách lược Tâm Công nhằm tập hợp lòng người

Chương hai - Tâm Công và chiến tranh chống xâm lược

Chương ba - Chuyển biến thù hận thành tình thương

Chương bốn - Con rắn trả thù ba đời

Chương bốn (tiếp)

Lời kết - Tấm lòng Vạn xuân và Đại Việt

Tham Khảo và Chú Thích

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Nguyễn Trãi, Vạn Xuân và Đại Việt
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
CHƯƠNG BỐN - CON RẮN TRẢ THÙ BA ĐỜI

Chỉ có một tấm lòng trọng đại mới có khả năng vượt lên trên mọi xung đột, hận thù, bạo động và chiến tranh. Phải chăng đó là ý nghĩa sâu xa của sách lược Tâm Công có mặt trong tất cả mọi công trình và cuộc sống của Nguyễn Trãi?

Phải chăng chỉ có một tấm lòng mênh mông cao cả như bầu trời và đại dương mới làm cho đất nước và quê hương trở thành Vạn Xuân, nghĩa là trường tồn, bất diệt, mang trong mình hạt mầm yêu thương và tha thứ ? Hẳn thực, từ ngày lập quốc và trải qua bao giai đoạn, bập bềnh, chìm nổi ... đất nước phải thường xuyên đối đầu với hai hiểm họa trầm trọng. Hiểm họa  thứ nhất là nạn xâm lăng và thực dân tràn đến từ mọi chân trời xa gần thuộc phương Bắc cũng như phương Tây. Trong lịch sử của Đất nước, từ trước cho tới nay, người dân Đại Việt đã tỏ ra bất khuất, không bao giờ chịu đồng hóa trước những lực lượng rất hùng hậu, nham hiểm và được vũ trang một cách tối tân về mọi mặt.

Với sách lược Tâm Công của Nguyễn Trãi, dân tộc Đại Việt đã bước thêm một bước khổng lồ: dùng nhu để bẽ gãy cương, lấy tình người để thắng cường bạo. Nhân đạo thay thế hận thù. Thay vì luồn cúi, đứng thẳng mình, khẳng định bản sắc làm người với tất cả tấm lòng ân thứ và bao dung.

Thế nhưng, với hiểm họa từ bên trong mang tên là chia rẽ hay là "nồi da xáo thịt", lịch sử đã ghi lại những vết thương nhức nhối rướm máu. Từ đời nầy qua đời nọ, vết thương ấy lại tiếp tục lở lói và tái diễn theo chu kỳ của vô minh và dục vọng. Phải chăng đó là nghiệp quả luân hồi thúc giục người Việt Nam tôi luyện lòng thứ tha? Hạt mầm giải thoát nẩy nở và lớn lên trong lòng đất khổ đau.

Kế hoạch Tâm Công đã mang lại nhiều thành quả to lớn trong lãnh vực chống xâm lăng. Nhưng Nguyễn Trãi đã tỏ ra bất lực hoàn toàn, trong địa hạt kiến dựng hòa bình và phát huy công lý. Rốt cuộc, vào tuổi 63 sau một đời cống hiến trọn vẹn cho nước cho dân, Nguyễn Trãi đã ngã quÿ trong vũng máu, bên cạnh người vợ thiếp của mình là Thị Lộ, với một án lệnh tận cùng ác độc là bị tận diệt ba đời "tru di tam tộc". Cả hai vợ chồng bị kết tội "sát hại nhà vua" tại vườn Lệ Chi.

Làm sao một "Thiền sư" có thể bị vướng vào một vụ án "đồng tình đồng lõa ám sát" một vị vua mà chính ông đã dạy dỗ ! Tôi muốn hỏi Võ Văn Ái như vậy.

Làm sao một "người tài đức trọn vẹn" lại làm nạn nhân cho những ghen tương nhỏ nhen, bần tiện ở triều đình! Tôi hỏi Trần Huy Liệu như vậy.

Làm sao "ánh sao Khuê" lại thiếu hơi ấm cho gia đình vợ con của mình ?  Tôi muốn hỏi Bùi Văn Nguyên như vậy.

Làm sao một người lãnh đạo, một vị quan luôn luôn "lo cái lo của toàn dân", lại quyết định chết một cách thảm thương, tủi nhục, để chứng minh tấm lòng với người vợ thiếp ... đương khi việc nước đang còn rối ren như tơ vò ? Đang khi các đồ đệ, giới trẻ chưa tiêu hóa trọn vẹn bài học về Tâm Công, và tập hợp mọi cõi lòng ? Tôi muốn đặt lên câu hỏi ấy cho những ai đang lãnh đạo đất nước, ở mọi lãnh vực và giai tầng khác nhau .

Khi nhìn lại thảm trạng của Nguyễn Trãi, nhiều người muốn thêm dầu vào lửa, như vua Tự Đức, với những lời lẽ tố cáo. Chê thì quá dễ. Ai lại không có điều để chê. Thương mới là chân trời mời gọi mỗi người vươn lên!

"Trãi, nếu là người hiền, thì nên sớm liệu rút lui (...). Thế mà lại đi đón rước ngự giá, thả lỏng cho vợ làm việc hoang dâm, vô liêm sỉ" 46.

Nhiều người khác muốn "coi như không có" hay là "biến đen thành trắng", tẩy xóa hết mọi tiếng đồn xuôi ngược chung quanh Thị Lộ.

Có người ngoảnh mặt làm ngơ, cố tình xem vụ "Thị Lộ" như một chi tiết nhỏ nhặt, không làm khô héo một cây đại thụ. Cho nên Phạm Công Thiện đã lên tiếng đề kháng :

"Nếu không có Thị Lộ thì Nguyễn Trãi có ra là Nguyễn Trãi nữa không ? " 47.

Khác với những người đàn anh còn mang xu thế khen hoặc chê, nghĩa là muốn "thu hồi" Nguyễn Trãi về phe mình hay là xô đẩy Nguyễn Trãi về phía bên kia, tôi chỉ muốn làm nổi bật một vài điểm có liên hệ đến cuộc đời:

1.      Tâm Công thuộc tiến trình làm người. Khi dừng lại, cho là đủ, dù là ai, người ấy bắt đầu thoái hóa. Hơn tất cả, quyền lực, chức vị làm cho chúng ta dễ thoái trào, một cách nhanh chóng.

2.      NguyễnTrãi là một con người Việt Nam như anh, như em, như tôi. Chúng ta mang dòng máu vạn xuân. Tuy thế, chúng ta còn ở trên một tiến trình.Còn sống ngày nào, chúng ta còn phải học: loại trừ độc tố và hội nhập sức sống vươn lên. Với bao nhiêu hạn chế và tồn tại, nếu chúng ta biết dâng hiến một tấm lòng giống Nguyễn Trãi, chúng ta đã cống hiến một đóng góp rất lớn lao cho đất nước và anh chị em đồng bào. Nếu đòi hỏi nhiều hơn, chúng ta chỉ nuôi dưỡng "ý chí toàn năng".

3.      Theo lối tin tưởng bình dân được lưu truyền đó đây, khắp đất nước, Thị Lộ có dính líu với chuyện một con rắn trả thù ba đời.

Với lối thuyên giải của Phân tâm học, mọi điều sẽ trở nên trong sáng và đơn sơ : Phải chăng Thị Lộ là hình tượng, trong đó chúng ta sẽ thấy được chính mình. Nhìn vào Thị Lộ, người Việt Nam sẽ biết rõ : con đường nào "đầy hoa", và con đường nào "đầy ma quái, cạm bẫy".

***

Trên đây, nhân dịp bàn đến nghệ thuật và  kỹ thuật tạo hình hay là cách kết cấu tiểu thuyết của nử văn sĩ Ỵ Feray, tôi đã nêu rõ : Tiểu thuyết Vạn Xuân kết hợp một cách hài hòa khéo léo những sự kiện lịch sử được sưu tầm rất công phu và khoa học. Đồng thời Vạn Xuân cũng có khả năng thuyên giải những khoảng trống, những dấu hỏi trong cuộc đời của Nguyễn Trãi. Ỵ Feray vận dụng kinh nghiệm làm người, làm phụ nữ, làm mẹ, làm người tình, làm một đồ đệ, làm nhà trinh thám, làm bác sĩ chuyên môn theo đường hướng phân tâm học của Freud ... Hơn tất cả, Ỵ Feray đi vào lòng văn hóa của đất nước Đại Việt với một tấm lòng, để vừa khám phá những độc tố đang làm tê liệt hay là bẽ gãy những mầm sống vươn lên. Đồng thời, người phụ nữ nầy cũng biết trân trọng những hạt ngọc quí giá cao thượng có khả năng tô điểm, làm mới, đánh sáng đất nước Đại Việt. Hơn thế nữa, với tuyệt tác Vạn Xuân, Nguyễn Trãi được nhìn nhận là một gia bảo của toàn thể Nhân loại.

Nhờ tuyệt tác Vạn Xuân, nhân loại từ từ nhận ra Nguyễn Trãi cũng là một tuyệt tác. Tuyệt tác không có nghĩa là toàn vẹn, hoàn hảo. Nguyễn Trãi là một sứ điệp, một giá trị trên bình diện làm người, tôn trọng sự sống và gieo vãi tình thương. Cho nên Nguyễn Trãi cần được lắng nghe.

Chính lúc Nguyễn Trãi ngã quÿ trên vũng máu, lan tràn, lai láng khắp Đại Việt, hình ảnh Nguyễn Trãi lại sáng rực lên như Ánh sao Khuê : gọi mời hận thù "dừng lại":

"Nhiễu điều phủ lấy giá gương !"

Máu  Nguyễn Trãi làm cho chính mình chúng ta trở thành tuyệt tác, nếu chính chúng ta ngăn chận được những lưỡi gươm hận thù, bạo động đang còn xẩn vẩn trong cõi lòng thâm sâu của từng người dân Việt. Của chính chúng ta!

Trở thành tuyệt tác trong tinh thần và ý nghĩa của Tâm Công do Nguyễn Trãi đề xướng, là trở thành người. Điều nầy không phát sinh một cách bộc phát tự nhiên. Đó là một bài học cần được thu hóa. Nguyễn Trãi đã học, suốt cuộc đời. Đến lượt chúng ta, chúng ta tiếp tục học, cho đến ngày nào chúng ta trở thành một tấm lòng thấm nhuần và nhuần nhuyễn tình thương, tình người theo như lối nhìn của Nguyễn Trãi.

Để quãng diễn ý hướng cơ bản nầy

•         trong phần một, tôi nêu lên những "trắc trở" sau ngày Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế, đúng như tầm nhìn viễn thấu của nhân vật Vô Kỹ.

•         trong phần hai, tôi nhấn mạnh rằng : Trong vụ án vườn Lê Chi, Nguyễn Trãi đã chết "Cho" Thị Lộ và trối lại cho các thế hệ tương lai một tấm lòng vạn xuân. Một Sứ Điệp làm người.

Nói khác đi, trong giai đoạn kháng chiến chống xâm lăng, vô số người dân Đại Việt đã can trường chịu đổ máu, trên mỗi nẽo đường của quê hương. Chính Nguyễn Trãi, cũng ít nhất ba lần suýt chết dưới lưỡi gươm "cứu nước" của Lê Lợi. Nhờ máu của dân lành đổ ra, trong đó có máu của Tiểu Mai và Hương Thầm ... hòa bình đã trở lại. Đại Việt đã sạch bóng quân thù thực dân và xâm lược.

Trong giai đoạn xây dựng, để chuyển biến đất nước thành bất diệt - Vạn xuân và cao cả - Đại Việt, phải chăng chúng ta cũng còn cần đổ máu, tàn sát anh chị em đồng bào, do con rắn muốn báo thù ba đời, đòi lại "nợ máu" ? Nếu thực sự hiện hữu, con rắn ấy đang ở trong quả tim của mỗi người Đại Việt.

Vì hiểu lầm lời thuyên giải của Thiền sư người Ấn Độ mang danh hiệu là Atangana, Ông Ngoại của Nguyễn Trãi đã xây một ngôi đền bằng gỗ đá, để cúng hương khói cho Thần Rắn. Chưa đầy 60 năm, ngôi đền ấy đã mục nát, sụp đổ tan tành.

Cái chết của Nguyễn Trãi mang đến cho chúng ta một chiều hướng thuyên giải hoàn toàn mới lạ : để đất nước có thể trở thành Vạn Xuân và Đại Việt, chúng ta - con cháu của Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ - đang cần một ngôi đền Tâm linh, một tấm lòng vạn xuân và đại việt. Hai chất liệu hoặc vật tư làm nên ngôi đền ấy là Tình Thương và lòng tha thứ. Kế hoạch Tâm Công lúc bấy giờ mới có cơ may hoàn thành viên mãn.

Nói một cách hình tượng, máu của con linh vật kỳ lân - Nguyễn Trãi có khả năng làm cho dân tộc Việt Nam trở nên trường sinh bất tử, nếu máu ấy được đón nhận với cả một tấm lòng "Vô Kỹ".

***

1.- Nhân Vật Vô Kỹ trong tác phẩm Vạn Xuân

Theo thiển ý của tôi, nghệ thuật sáng tạo của tác giả Vạn Xuân đạt cao điểm với nhân vật có tên gọi là Vô Kỹ.

Với hình thù và tác phong quê mùa - một cách vô tình hay hữu ý, không ai biết được - nhân vật nầy dễ gây ác cảm cho những người vừa tiếp xúc. Ông có tập quán khạc nhổ lung tung 48. Ông thèm và uống rượu như một con trâu cày khát nước, giữa trưa hè đứng ngọ. Ông đến đột xuất không biết từ đâu. Ông lại lặng lẽ biến mất khi nào không ai hay 49. Suốt thời gian 63 tuổi của Nguyễn Trãi, Vô Kỹ hiện hình nhiều lần, khi có một khúc quanh rất quan trọng trong đời Ông, đòi hỏi ở Ông một quyết định sống mái, vào thời kỳ trước cũng như sau khi gặp Lê Lợi.

Qua một vài ngày tiếp xúc, làm quen, chúng ta tự nhiên và từ từ khám phá nơi con người ngộ nghỉnh này rất nhiều khả năng đạt mức độ "tài tình tự nhiên" không gượng ép hoặc dò dẫm kiểu rủi may 50:

- "Chỉ chỏ Bác Phan cách làm vườn",

- "Đứng cạnh bếp lò kể câu chuyện cảm động về con voi của Trần Hưng Đạo",

- "Leo lên mái nhà để sửa lại các tấm ngói",

- "Dạy bà Hoàng cách sắp xếp các cụm hoa, một vài công thức để chăm lo chậu cảnh ..".

Và cái lạ lùng nhất là "mặc dù ông đạo sĩ là người mang đến những tin buồn, hoàng thân Trần Nguyên Hản vẫn giữ được một kỷ niệm đầy hứng thú, vì lão là biểu tượng cho một thời kỳ yên ổn " 51.

Còn đối với bà hoàng, "cái bề ngoài của một đạo sĩ chỉ là một trong vô số bộ mặt mà các thần linh khoác vào. Mà thần linh thì ở khắp nơi, thấy mọi sự, nghe mọi sự, đùa giởn với những người sống vẫn cả tin như hai ông bà mà thôi" 52.

Một đặc điểm khác của Vô Kỹ là ông thường trích dẫn vô số câu nói của Lão Tử, trong cuốn Đạo Đức Kinh. Chính cái tên Vô Kỹ của ông cũng nói lên cho chúng ta biết về bản sắc đích thực của con người ông. Qua những lần tiếp xúc với Nguyễn Trãi, nhất là khi ông nầy đang ở vào một giai đoạn chuyển tiếp, Vô Kỹ cứ nhắc lui nhắc tới những sứ điệp của Lão Tử:

Thứ nhất là "Tri Chỉ", biết dừng lại khi cần 53. Nhất cử nhất động, ai ấp ủ "Con đường" trong nội tâm, người ấy biết tự chủ, tự quyết. Thay vì phản ứng, lệ thuộc vào những sức ép, những động cơ vô hình, vô tướng đang trấn áp, lèo lái, điều khiển từ bóng tối, còn được gọi là Vô minh trong Phật giáo, hay là vô thức theo thuật ngữ của Phân tâm học.

Thứ hai, khi làm hãy làm theo cách "Vi-Vô-Vi " 54.

Theo lời thuyên giải của Thu Giang Nguyễn Duy Cần, " Vi-Vô-Vi " của Lão Tử bao gồm ít nhất là ba ý nghĩa giao thoa chằng chịt và bổ túc lẫn nhau :

1.      Làm nhưng không xen vào việc kẻ khác, không dùng tư tâm, tư lợi mà can thiệp vào việc của người ngoài.

2.      Làm mà như không làm gì cả, làm một cách hết sức tự nhiên và kín đáo. Không cố cưỡng. Không dụng tâm. Làm mà như không có làm gì cả, như mặt Trời sáng soi muôn vật. Giúp muôn hoa cùng nhau đua nở. Nhưng mỗi loài hoa không hay biết mình nhờ ánh sáng mặt Trời mà lớn lên, nở hoa từ mùa nầy sang mùa khác.

3.      Làm mà không bận vướng, lệ thuộc vào cái làm của mình. Ngược lại, là cách làm cuồng tín, chấp nhất, chấp thủ bằng cách cho cái làm của mình là tốt nhất, đúng nhất, hữu hiệu nhất. Và luôn luôn có giá trị cho mọi người, ở mọi nơi!

V. Frankl gọi cái làm nhị nguyên nầy là "siêu ý chí, siêu ý định". Siêu ở đây có nghĩa là quá khích, quá độ, loại trừ mọi phương thức và ý kiến khác. Do đó, hậu quả có khi phản ngược lại với ý định ban đầu. Chẳng hạn, để chuẩn bị cho một công việc quan trọng ngày mai, tôi muốn ngủ thật ngon đêm nay. Và càng muốn ngủ, tôi càng trắn trọc, mất ngủ.

Theo Phân tâm học, cái làm vừa có tình vừa có lý đáp ứng ba tiêu chuẩn cùng một lúc 55:

Thứ nhất là yêu thích.

Từ Hy lạp là Eros. Yêu thích phải là nhân tố thúc đẩy cái làm. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể làm vì Bắt Buộc và Sợ. Nhưng hai yếu tố nầy không phát huy tâm trạng hạnh phúc và sung mãn của con người muốn sáng tạo mình và vũ trụ, bằng chính lao động của bàn tay và khối óc.

Thứ hai là từ bỏ Thanatos.

Khi làm cái nầy chúng ta sáng suốt quyết định từ bỏ những cái khác. Con người không toàn năng. Khi chọn lựa, chúng ta phải sắp xếp những ưu tiên và từng bước một đi lên, bắt đầu từ ưu tiên số một. Làm khác đi, chúng ta chỉ chập chờn như loài bướm bay lượn, bỏ cuộc nửa chừng, hay là hẹn rày, hẹn mai ...

Thứ ba là tất yếu Ananké.

Cây thọ nở hoa thọ. Đó là cái làm tất yếu nhằm phát huy bản sắc có sẵn ở thể hạt mầm trong chính con người và cuộc đời của mình. Nếu người Việt Nam không chấp nhận bản sắc Rồng Tiên của mình, như một tất yếu họ sát hại lẫn nhau như muông thú theo định luật "mạnh được yếu thua". Họ thoái hóa, phản bội chính mình. Họ khước từ dòng máu bao dung và thứ tha đang lưu nhuận trong quả tim của mình, từ nguyên thủy.

Giữa Đạo học của Lão Tử và Phân tâm học của Freud, mấy nghìn năm tạo nên khoảng cách. Nhưng quan hệ huyền đồng - nghĩa là hòa hợp, kiện toàn bổ túc lẫn nhau - đang là nhịp cầu nối kết Đông và Tây, xưa và nay, tạo điều kiện cho con người vừa khác nhau nhưng vừa gặp nhau. Từ chối cái khác ấy, nhân loại sẽ nghèo nàn. Phủ nhận tính và tình người đang nối kết mọi người, chúng ta tự khắc biến con người thành một đoàn chó sói nuốt sống nhau. Mors tua vita mea, mày phải chết để cho tao sống. Trong các cung đình của vua chúa, vì miếng cơm manh áo, nhiều vị quan phải bị thiến hoạn. Từ đó do tự ti mặc cảm, họ phải cương phồng cái tôi bé nhỏ hẹp hòi của mình, để đàn áp, bôi nhọ, hạ bệ người nầy ...và nịnh hót, khen ngợi, ca tụng phe kia ... Sở dĩ như vậy, vì họ bị thiến hoạn cái tất yếu của mình. Họ không còn là con người "toàn vẹn", thậm chí trên bình diện tâm linh, làm người ...

***

Dựa vào những tiêu chuẩn hành động, do Vô Kỹ rút tỉa từ Đạo học, Nguyễn Trãi đã thành tựu mục tiêu của mình : Giúp Lê Lợi tổ chức kháng chiến nhằm khẳng quyết bản sắc văn hóa của Đại Việt và lập lại  nền hòa bình trên toàn lãnh thổ của đất nước.

Đỉnh cao của giai đoạn nầy, là toàn dân Đại Việt đã biết "Tri Chỉ", dừng lại, chọn lựa một cách sáng suốt con đường bất bạo động và hòa bình.

Phải chăng sau mười năm nằm gai, nếm mật trong chiến khu Chí Linh, Lê Lợi đã hoàn toàn thu hóa và hội nhập kế hoạch Tâm Công, nhờ ngày ngày tiếp xúc và chung sống với Nguyễn Trãi?

Hơn ai hết, Trần Nguyên Hản, Thống tướng phục vụ Lê Lợi và cũng là người anh em bà con của Nguyễn Trãi, đã rút ra những kết luận đánh giá như sau 56:

1.- Không có "Chiến lược Bình ngô" của Nguyễn Trãi, Lê Lợi có thể chỉ là thủ lĩnh của một băng nhóm nổi loạn vô danh mà thôi.

2.- Sở dĩ Lê Lợi đã thành công trong việc tiến hành công cuộc kháng chiến chống quân Minh, là vì nhờ Nguyễn Trãi đã làm cho ông hiểu rằng : sức mạnh thần kỳ nằm  ở nơi nhân dân. Hàng trăm ngàn nam nhân, phụ nữ đã trở thành đòn bẩy kỳ diệu làm lệch cán cân lực lượng. Họ là những chiến sĩ không mang đồng phục. Cuộc chiến thuộc về họ. Họ dốc toàn lực để chiến đấu, vì sự sống còn của họ.

Hơn ai hết, Nguyễn Trãi đã thấu hiểu nhân dân.

3.- Vì sứ mệnh phục vụ nhân dân, Nguyễn Trãi đã nhiều lần dám liều mạng mình, không sợ chết, khi phải cản ngăn, chống đối Lê Lợi.

4.- Nguyễn Trãi đã đem cả tấm lòng của mình để thuyết phục các tướng lãnh của quân Minh về sự vô ích của một cuộc chiến không tôn trọng tính người và tình người. Dù có "man rợ" vì thói ăn trầu, để răng đen, người Đại Việt trẻ già, nam nữ đều là "con người toàn diện, toàn phần", có quyền làm người, nhất là trên quê hương, xứ sở của mình, với tập tục của mình.

5.- Mối liên kết giữa Nguyễn Trãi và Lê Lợi có một phần nào miễn cưỡng, do sự thúc bách của tình thế kháng chiến. Tuy nhiên, sau khi hòa bình được vãn hồi, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, quan hệ giữa hai người sẽ ra thế nào?

***

Đứng trên bình diện đánh giá, tôi không so sánh người nầy với người kia. Trước đây và sau nầy, Lê Lợi vẫn là Lê Lợi. Chúng ta không thể đòi hỏi Lê Lợi thay đổi bản sắc của mình. Lão Tử đã nói : Cây hoa hồng không thể nở hoa mai hay là hoa bìm bìm ...

Tôi đứng trên địa bàn khoa học, khi đánh giá, bằng cách so sánh Nguyễn Trãi trước và sau điểm mốc là năm 1428, năm hòa bình trở lại. Năm Lê Lợi trở thành hoàng đế Lê Thái Tổ.

Câu hỏi 1 : Nguyễn Trãi có biết "Tri Chỉ", dừng lại hay không?

Dừng lại, theo Lão Tử, không có nghĩa là chấm dứt, hay là " nửa chừng thoắt gãy cành thiên hương " ! Nhưng là nhìn lại mình. Nếu cần ra đi thì ra đi. Nếu ở lại, thay đổi mình vì điều kiện đã thay đổi. Đó là Thanatos.

Câu hỏi 2 :  Nguyễn Trãi vẫn còn kiên định trong chiều hướng "Vi Vô Vi", nữa hay không? Nói cách khác, rõ ràng hơn, Nguyễn Trãi có sẵn sàng nói những điều phải nói, và không sợ lưỡi gươm chém cổ mình. Nguyễn Trãi có đi con đường "tất yếu" Ananké không? Thấy mình bất diệt, bất tử, cho dù phải mất mạng, mất đặc ân, đặc huệ, mất nồi cơm hằng ngày! Vô trước hoàn toàn, không lệ thuộc, không bám víu ! Sáng suốt, hiên ngang ra đi, khi thấy mình bị " vắt chanh bỏ vỏ".

Câu hỏi 3 : Cái gì là "first things first" trong giai đoạn mới nầy? Điều nào cần được đưa lên hàng đầu?

Trước đây, ưu tiên một là việc nước. Vợ con, gia đình, nhà cửa đã bị bỏ bê, vì con đường tất yếu lúc ấy là "cứu nước". Và ai ai cũng đã sẵn sàng "từ bỏ" như vậy. Nhưng bây giờ con ai dạy, vợ ai thương, bàn thờ tổ tiên có ai hương đèn hôm sớm? Eros, tình thương chăn gối, vợ chồng ... có tiếng nói và vị trí trong cuộc đời hay là bị thiến hoạn?

***

Tại tháp Bồ Đề ở Đông Quan, Nguyễn Trãi là "Ánh sao Khuê" đạt đỉnh cao sáng chói của mình, sau khi khẳng quyết con đường bất bạo động cho đất nước và nhân dân Đại Việt. Chính lúc ấy, Vô Kỹ lại xuất hiện, đặt 3 câu hỏi trên đây cho Nguyễn Trãi, dưới hình thức một công án Thiền học 57:

" Này con ta, con đã đi xa đủ rồi, hãy trở về lại thôi. Đừng buồn vì số phận của một người bạn phải ra đi. Con người chỉ là khách lữ hành, người nầy nối tiếp người kia (...)

" Ta đến vào đầu năm Mậu Thân nầy để mang sứ điệp của đạo sĩ Atangana (một sứ điệp đã cách đây hơn cả 10 năm) :

" Giờ đây, con có toàn quyền tùy ý rời bỏ bể hoạn gian nguy đầy bão táp và theo lời khuyên của vị ẩn sĩ".

***

Để chuẩn bị ngày gặp Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã mất 10 năm, đã soạn thảo  " Bình Ngô Sách ", đã mất nhiều thời giờ quan sát hành vi, cử điệu, cách ăn nói của vị minh chủ.

Giờ đây, để chuẩn bị một giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng đất nước, Nguyễn Trãi đã không trãi qua 10 năm. Đã không soạn thảo một kế hoạch vững chắc với nhiều mồ hôi và nước mắt của lao động.

Chỉ trong khoảng mấy giây đồng hồ, Nguyễn Trãi đã quyết định :

- " Con rút lui khi nhiệm vụ tái thiết Đại Việt vẫn còn sờ ra đó à? (...)

Treo áo từ quan vào tuổi 47? (...)

Con không thể nào chịu nỗi sự từ bỏ công việc mà con đã chờ đợi từ bao năm trời nay".

Lời từ chối xuất phát từ lý hay tình? Từ Vô minh?

Trong cuộc diện kiến giữa Nguyễn Trãi và Vô Kỹ lần nầy, có rất nhiều yếu tố đang có mặt một cách rất tế vi và đáng chúng ta lưu tâm.

- Vô Kỹ dùng tiếng " Con " để gợi lại cho Nguyễn Trãi, Ông đang đai diện tiếng nói của cha mẹ, Ông bà Ngoại Trần Nguyên Đán, những người rất thân thương.

- Vô Kỹ mang đến một sứ điệp của thiền sư Atangana, người bạn chí thân ngày xưa của Ông Ngoại, một vị A la hán. Một vị đã chứng ngộ ý nghĩa của cuộc đời trôi nổi.

- Vô Kỹ tự giới thiệu đã 800 năm tu luyện, đi theo Đạo Trời.

- Một cách nào đó Vô Kỹ là hiện thân, là biểu tượng của nền văn hóa Đại Việt, đã được từ từ thành hình, từ đời Lạc Long Quân, với bao nhiêu đóng góp của Lão Tử, Khổng Tử và Đức Bụt ...

- Vô Kỹ cũng là tiếng nói lương tri của Nguyễn Trãi. Không nghe Vô Kỹ, Nguyễn Trãi đã không nghe tiếng nói nghìn đời, thâm sâu của lòng mình. Tiếng nói ấy vọng lại lời thề nguyền giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ.

***

Khi nhận thấy không được lắng nghe, Vô Kỹ muốn vớt vát:

" Kẻ thông minh và kẻ thường quan sát sâu sắc người khác, thì rất dễ thiệt mạng, bởi vì kẻ ấy chỉ trích người ta một cách chính xác, đúng đắn. Kẻ nào minh mẫn, tinh nhuệ thì dễ mang họa cho bản thân mình, bởi vì kẻ ấy phơi bày khuyết điểm của kẻ khác ra " 58.

Bạn bè của Nguyễn Trãi như Mộng Tuân cũng có những nhận xét tương tự :

" Con người nho sĩ này thực là hết chịu nỗi " 59.

Đối với Trần Nguyên Hản, Nguyễn Trãi là " con người chuyên môn lên lớp thiên tài " 60.

Thực ra trong số các tướng lãnh của Lê Lợi, đa số khâm phục Nguyễn Trãi, nhưng không cảm thấy mến yêu 61. Chính Lê Lợi cũng thường xuyên cảm thấy một sự bức tức ngấm ngầm nào đó xâm chiếm mình. Ông ngẫm nghĩ: Cần phải tận dụng con người nầy tối đa, rồi ngày mai lại sẽ tính sau 62.

***

Và ngày ấy đã đến, sau khi Lê Lợi trở thành Lê Thái Tổ. Ngài đã sử dụng cách xử thế "Vắt chanh bỏ vỏ" đối với Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa, sau 1428 Nguyễn Trãi đã thất bại, vì Nguyễn Trãi đã không sống cái đạo " Vô công, Vô tư " của Lão Tử, để dừng lại, rút lui vào đúng thời điểm của mình.

" Làm mà không cậy công ;

" Thành công mà không ở lại

" Bởi vì không ở lại,

" Nên không bị bỏ đi " 63.

Thêm vào đó, vì quá "lên lớp", Nguyễn Trãi đã quá  "BÁC" mà không tôi luyện " TRí", cho nên số lượng kẻ thù trong triều đình, càng lúc càng gia tăng. Và khi kẻ thù càng nhiều, Nguyễn Trãi càng bị tê liệt, cô lập và cô đơn. Rốt cuộc đèo bòng vô số chuyện, nhưng không làm được chuyện gì .

"Người trí không học rộng,

Người học rộng không trí" 64 .

"Trí" ở đây có nghĩa là biết mình và biết người;  "Bác" là thấy nhiều điều, biết nhiều chuyện, nhất là chỉ những điều bê bối nơi kẻ khác. Con người "Trí" có khả năng nhìn với "con mắt thứ ba", từ vị trí thứ ba. Con người "Trí" sống và hiến dâng một tấm lòng. Sứ mệnh của họ là "luyện vàng", biến không thành có. Giúp đỡ từng người, bất kể xấu hay tốt, ngày ngày trở thành người.

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!