.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời mở đường - "Kho nấu" cuộc đời

Chương một - Đối thoại là một tiến trình sáng tạo

Chương hai - Nắm vững mục đích, tối hậu của Đối thoại

Chương ba - Ưu tiên số một cần đặt lên hàng đầu khi đối thoại : Biết mình, biết người

Chương bốn - Lắng nghe và gọi ra ánh sáng

Chương năm - Xây dựng một quan hệ Tình Người bình đẳng và đồng hành

Chương sáu - Đối thoại là tương tức và tương sinh

Lời nói cuối - Một danh hiệu khác của đối thoại là thứ tha

Sách Tham Khảo

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Đối Thoại Một quê hương Tình Người
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
CHƯƠNG BỐN - LẮNG NGHE VÀ GỌI RA ÁNH SÁNG

Lắng nghe là yếu tố rất căn bản trong mọi quan hệ tiếp xúc, trao đổi, đối thoại.

Không lắng nghe người đối diện, làm sao chúng ta có thể sáng tạo, nghĩa là kiện toàn, bổ túc, sửa sai lối nhìn của mình, bằng cách tiếp thu, hội nhập kiến giải của những người đồng hành ?

Không lắng nghe, làm sao khám phá, phát hiện tấm bản đồ tâm lý của mình, và của người ? Từ đó chúng ta có thể đối chiếu, điều chỉnh bao nhiêu tin tức, dữ kiện bị bóp méo, sàng lọc hay tổng quát hoá ?

Không lắng nghe, làm sao nhận diện ai là Cha Mẹ đang cống hiến cho chúng ta những nguyên tắc hành động có mặt chính trong máu mủ, xương da và máu thịt của chúng ta ? Đồng thời, cũng nhờ lắng nghe, chúng ta phân biệt, xét lại, cập nhật những lối mòn "ngựa chạy đường cũ" đã gây ra bao chết chóc, hoang tàn, hận thù và chiến tranh.

Không lắng nghe, làm sao tôi có thể sống như một nhà vua đời họ Lý đã mở kho lẫm của triều đình, để mang hơi ấm và lương thực cho người dân thấp cổ bé miệng ở đằng sau những hoàng thành cao vòi vọi và rộng thênh thang?

Không lắng nghe, làm sao chính tôi có thể cảm nhận được bàn tay đẫm máu và hung ác của Trần Thủ Độ đang còn có mặt với tôi, trong tôi cũng như trong mỗi người anh chị em của tôi ?

Câu chuyện sau đây đánh thức trí tuệ của chúng ta về vai trò của lắng nghe, trong công cuộc xây dựng Quê hương, cũng như trong mỗi nổ lực thăng tiến con người. Bao lâu chưa được lắng nghe, con người chưa được đối xử như người đồng hành có những quyền lợi và giá trị giống tôi.

1- Câu chuyện về lời khuyên của Thượng hoàng

Hôm ấy trong một cơn hôn mê đột xuất - vì lý do độ đặc của máu tăng cao làm tắc nghẽn một vài động mạch ở trục não bộ - tôi nằm mơ thấy mình được đưa về Thiên đình.

Sau khi yết kiến Thượng hoàng, tôi được lệnh phải trở lui về hạ giới :

- Con làm chưa xong công việc của con. Hãy trở về làm cho xong !

Tôi đã sụp lạy và thưa lại :

- Thưa Ngài, cuộc đời của con đã quá khổ ở trần gian. Xin cho con ở lại, và ban cho con một công việc nhỏ nhặt như quét tước, lau dọn, canh gác những phòng vệ sinh ở Thiên đình. Con hết nghị lực để trở về. Con sợ trở về !

Thượng hoàng không muốn thoả mãn ý nguyện của tôi. Ngài chỉ mĩm cười an ủi :

- Con hãy can đảm trở về, để nói cho hạ giới biết những điều họ cần nghe.

- Thưa Ngài, còn có ai nghe con đâu mà nói. Nói chỉ gây thù, gây oán, mang họa vào mình.

- Thế thì lần nầy khi trở về, con hãy lắng nghe. Nghe họ nói gì, thì hãy nói lại cho họ nghe những điều chính họ nói. Con chỉ làm một tiếng vọng của tình thương.

Nghe họ.

Và nói lại cho họ biết những điều chính họ nói ra.

 

 2- Làm tiếng vọng của tình thương

 Sau nhiều năm nghiên cứu, học hỏi, tôi mới thấm nhuần được phần nào bài học mà tôi đã tiếp nhận trong giấc mơ. Hẳn thực, Chỉ biết Đối thoại thực sự và trọn vẹn những ai có khả năng lắng nghe và khám phá nhu cầu ThươngĐược Thương của người đối diện, ở bên dưới mọi tác phong và lời nói của họ. 

 

Nhu cầu thương và được thương ở bên dưới mọi tác phong và ngôn ngữ của người đối diện

 

 Nhu cầu ấy vẫn có mặt ở một địa điểm ngóc ngách nào đó trong tâm hồn của người đối diện thậm chí chính khi họ đang có những tác phong bạo động, hận thù. Hay là khi họ đang kêu gào, la hét với những ngôn ngữ đe dọa, trừng phạt, đòi nợ máu. Không có kiến giải nầy  làm cơ sở, bàn đạp hay là viên đá tảng, mọi công việc đối thoại, cho dù ở trong địa hạt nào, chỉ là "xây nhà trên cát" hay là "nước đổ đầu vịt".

Vì thiếu nền tảng nầy, bao nhiêu cuộc nói chuyện, hoà đàm, hội thoại... trên mọi diễn đàn quốc tế, đang cung ứng cho ta cảm tưởng chứng kiến một cuộc cãi lộn hoa tay múa cánh giữa hai vợ chồng. Người  trong cuộc chỉ nói, nói hết, nói "toạc móng heo". Nhưng nàng không nghe chàng. Chàng cũng chẳng thèm biết nàng muốn nói gì. Chỉ có khách bàng quang, người hàng xóm mới nghe "lóm" được tất cả đầu đuôi của câu chuyện. Mọi điều cần phải nói đều được nói ra. Nhưng không có lỗ tai lắng nghe, với một thái độ thương yêu, hiểu biết, tôn trọng. Cho nên, ngày qua ngày vấn đề vẫn nằm ù lì tại chỗ, không được ai giải quyết !  Nhiều người "muốn nói cho thoả thuê, hả giận". Nhưng thực ra, càng nói, họ càng đổ dầu vào lửa cho cơn giận bùng cháy thêm! Nhiều người khác sừng sộ "Tao chưởi cho biết mặt !". Nhưng khi họ chưởi bao nhiêu tham hận sân si xuất hiện trên mặt họ. Cho nên, trong lăng kính ấy, khi tôi phê phán ai, chính tôi bộc lộ ra bên ngoài tất cả những bùn lầy tanh hôi đang tràn đầy, nhầy nhụa trong tâm hồn tôi. 

 Khi phê phán ai, chúng ta bộc lộ những bùn lầy tanh hôi đang có mặt tràn đầy trong tâm hồn của mình.

 

 Trái lại, khi đối thoại, điều căn bản tôi phải thực thi đầu tiên là lắng nghe. Lắng nghe bao gồm nhiều ý nghĩa :

Thứ nhất, khi tôi lắng nghe ai một cách thực sự và trọn vẹn, tôi hiến tặng cho người ấy thì giờ của tôi. Tôi hiện diện với họ. Tôi chia sẻ thân phận làm người.

Thứ hai, khi tôi lắng nghe ai, tôi đón nhận và chấp nhận họ một cách vô điều kiện. Tôi cưu mang họ trong tâm tưởng của tôi. Tôi trân quý họ và tất cả những gì tạo nên nét đặc trưng, độc đáo của họ.

Thứ ba, tôi vọng lại cho người được lắng nghe, những điều họ đang nói về chính mình, ở nhiều tầng lớp khác nhau. Tôi làm "tiếng vọng", để người đối diện có thể ý thức về mình, biết mình : Bản chất, chân tướng hay là căn cước đích thực của họ là Tình thương.

Từ đó, họ trở nên chính mình họ : những sứ điệp và sứ giả của Tình thương.

Thứ tha là một tên tuổi khác của sứ điệp nầy. 

 

Ba ý nghĩa của lắng nghe :

1- Hiện diện, hiến tặng thì giờ,

2- Chấp nhận vô điều kiện nét khác biệt,

3- Phản ảnh, gây ý thức, giúp người đối diện "trở thành mình" : sứ điệp và sứ giả của tình thương.

 

  3- Những kỹ thuật vọng lại, gọi ra ánh sáng

 Chung quanh vấn đề lắng nghe, có rất nhiều huyền thoại được kết dệt và truyền đạt từ người nầy qua người nọ. Từ môi trường nầy đến môi trường kia. Ở đây tôi chỉ xin đề cử ba loại huyền thoại thông thường đang tác quái trong địa vực tâm tưởng của đại đa số quần chúng :

Thứ nhất, đối thoại là một tiến trình tự nhiên, tự động và bẩm sinh.

Thứ hai, tiến trình lắng nghe thuộc tầm tay  của mọi người, không đòi hỏi những thời gian học hỏi và tôi luyện lâu dài.

Thứ ba, khi cùng nhau lắng nghe, mọi người có mặt sẽ ghi nhận những điều hoàn toàn giống nhau.

Trong thực tế như ở chương hai tôi đã trình bày , mỗi người đều có xu thế tổng quát hoá, sàng lọc, xuyên tạc hay là bóp méo, tùy tâm trạng và điều kiện chủ quan của mình. Trước một dữ kiện, một trăm người nghe sẽ đưa ra một trăm cách ghi nhận khác nhau hay là một trăm lề lối giải thích đặc thù và chủ quan. 

 

Lắng nghe

-Không phải là một tiến trình bẩm sinh,

-Không thuộc tầm sử dụng của mọi người,

-Sẽ biến hoá tùy điều kiện chủ quan từng người.

 

 Cho nên, khi dấn bước vào con đường đối thoại, chúng ta đang chọn lựa cho mình những cung cách làm người như sau :

Thứ nhất, sáng suốt chấp nhận quyền khác biệt của mỗi người đối diện, đồng hành.

Thứ hai, đối thoại, lắng nghe, chia sẽ với một tinh thần tôn trọng kẻ khác là những bậc thang đi lên, vươn tới không bao giờ có nấc cuối cùng. Mỗi ngày chúng ta học tập, tôi luyện, can đảm đứng lên, bước tới đằng trước, sau khi vấp váp, té ngã. Không bắt đầu bằng những dò dẫm ấy, làm sao trẻ em có thể bước đi trên những nẽo đường xuôi ngược của cuộc đời.

Thứ ba, cái bước đầy gai gốc, cạm bẫy, trên con đường lắng nghe, đối thoại là gọi ra ánh sáng những gì mang tên là thành kiến, tin tưởng, thói quen đang nằm sâu trong vô thức. Chúng nó bám chặt vào "Ta" từ những ngày tháng xa xưa.

Bây giờ chúng ta tưởng đó là thực chất, căn cước của ta. Cho nên chúng ta không dám chuyển luân, thay đổi.

Để hữu hiệu hoá và chuẩn định công việc lắng nghe hoá giải ấy, tâm lý ngày nay đã sáng chế rất nhiều loại kỷ thuật khác nhau nhằm phản ảnh lời nói, sinh hoạt xúc động, hoàn cảnh khó khăn và kiến giải của người được lắng nghe.

Trong khuôn khổ của chương sách nầy, tôi xin trình bày và giới thiệu tư tưởng của một tác giả có tầm cỡ kiến thức và kinh nghiệm trong lãnh vực đối thoại. Đó là phương pháp "Trình bày mình và tìm hiểu người" của Chris Argyris 11 :

Khi đối thoại, chúng ta nói qua, nói lại. Chúng ta trình bày, giới thiệu lập trường, tư duy hay là lề lối suy luận của mình cho kẻ khác. Và kẻ khác cũng chia sẽ như vậy cho chúng ta.

Phân tích cặn kẽ những lề lối suy luận như vậy, Chris Argyris đã phân biệt hai mẫu thức tư duy:

- Mẫu thức một là tư duy tranh biện thuyết phục.

- Mẫu thức hai là tư duy đối thoại, học hỏi.   

 

Hai mẫu thức tư duy :

- Tư duy tranh biện, thuyết phục,

- Tư duy đối thoại, cởi mở, đón nhận, học hỏi

 

 Khi sử dụng tư duy thuyết phục, vô tình hay hữu ý tôi đóng kín mình trong những vị thế hạn hẹp sau đây :

Một : Tôi tìm mọi cách để bênh vực quan điểm của tôi. Tôi đưa ra mọi lý chứng nhằm thuyết phục kẻ khác rằng chính tôi có lý. Lẽ phải thuộc về tôi.

Hai : Khi đặt câu hỏi, nêu vấn đề tôi đeo đuổi mục đích tiên quyết là làm cho kẻ khác đồng ý. Và đồng thời, tôi cản trở hạn chế kẻ khác trong việc trình bày quan điểm của mình.

Ba : Và khi bênh vực quan điểm của mình, tôi cố tìm mọi kẻ hở, để phê phán và loại trừ quan điểm của người khác. Nguyên lý nhị nguyên len lõi nằm vùng trong tâm tưởng của tôi.

Nói tóm lại, vì quá đeo đuổi ý đồ thuyết phục, tôi không tìm hiểu một cách rốt ráo quan điểm của người đối diện :

- Quan điểm nầy có những chiều kích phong phú và độc đáo ở chỗ nào ?

- Quan điểm của họ và của tôi có những nét tương đồng và dị biệt trong địa hạt nào ?

- Họ có thể bổ túc cho tôi ở đâu ?

Tìm hiểu kẻ khác như vậy là một hình thức học hỏi cần được trọng dụng và khai thác, để ngày ngày phát huy bản thân và cuộc đời. Không có lối nhìn của kẻ khác đóng góp để kiện toàn, bổ túc, làm sao tôi có thể vươn tới một lối nhìn toàn diện về một vấn đề. Thế giới ngày nay càng ngày càng trở nên đa phức, phiền toái, hỗn tạp. Làm sao một mình tôi, tôi có thể "đặt tên, gọi tên", mang lại cho đời một ý nghĩa, một hướng đi, một thứ tự ?  Nhờ đó tôi không còn là người xa lạ, vô danh, lang thang, phiêu bạt trong thế giới làm người nầy.

Thêm vào đó "nhân vô thập toàn", con người có thể sai lầm. Tôi có thể sai lầm. Ai sẽ có khả năng giúp tôi khám phá những khuyết điểm trong những suy luận của tôi ?

Hẳn thực từ những điều mắt thấy tai nghe, tay chân va chạm... tôi rút ra những kết luận. Nhưng những kết luận nầy chỉ là những giả thuyết mang nhiều quặng sản chủ quan. Thực tại khách quan không bao giờ có mặt trong những kết luận ấy. Lối nhìn và quan điểm của người đối diện tạo điều kiện cho tôi "khách thể hoá" những kết luận. Hay là "kiểm chứng" những giả thuyết, những giả định mà tôi đề xuất.

Sau cùng, điểm xuất phát của lý luận phải chăng là những sự kiện khách quan ? Bao nhiêu dữ kiện do chính tôi trình bày, đề xuất, ghi nhận... làm sao có thể gói ghém, đại diện thực tế hay là thực tại mênh mông bên ngoài? Kẻ khác có thể cung cấp cho tôi những dữ kiện mới mẻ và phong phú hơn !

*** 

Chính vì những kẻ hở của Tư duy thuyết phục vừa được trình bày, Chris Argyris đề nghị một mẫu thức thứ hai cho công cuộc đối thoại, học hỏi. Đó là tư duy cởi mở, đón nhận, lắng nghe, tôn trọng. Người và tôi, trong lề lối tư duy nầy, tuy dù khác nhau không khai trừ, loại thải nhau. Tính chất khác biệt của người khác  là yếu tố cần thiết và quan trọng, có khả năng bổ túc, kiện toàn, phong phú hoá tư duy của tôi. Người và tôi, đối lập, đứng ở hai bên bến bờ khác nhau.

Nhưng cả hai làm nên một dòng sông cho phép nước chảy ra biển cả.

Đối thoại, trong nguyên nghĩa của từ Hy-lạp, bao gồm hai yếu tố: Dia có nghĩa là qua lại. Logos có hai nghĩa : lời nói và sự khôn ngoan. Cách chuyển dịch bằng tiếng Việt rất hợp tình hợp lý. "Đối" có nghĩa là đối diện. Đứng từ hai vị trí khác nhau, người và tôi chấp nhận nhìn mặt nhau. Mặt giáp mặt, trong một quan hệ bình đẳng, "nhìn nhận" nhau. Đối còn có nghĩa là đối đãi nhau, không thể tách rời khỏi nhau như một cặp : có vợ có chồng, có cha có mẹ, có anh có em. Có người mới có ta. Có ta mới có người.

Trong tinh thần và ý nghĩa ấy, Đối thoại chỉ có thể thành hình, tiến triển, khi mỗi người có khả năng khẳng định vị trí, nhân cách và lập trường của mình. Chúng ta khác nhau, nhưng chúng ta chấp nhận có quan hệ qua lại hai chiều. Khi chúng ta nói chuyện với nhau, tự khắc ánh sáng khôn ngoan bừng phát lên như bình minh ló rạng. Con đường làm người, thành người với những chiều kích mênh mông, bao la và vĩ đại được khai mở ở giữa tôi và người đối diện. Cơ hồ hai bờ tả ngạn và hữu ngạn làm nên một dòng sông chảy về nuôi Biển cả... Người và tôi trở về với diện mục nguyên thủy, với bộ mặt làm người. Nói khác đi, đối thoại chính là con đường làm người đang được xây dựng khi hai người cùng nhau đồng hành và chia sẽ.

Đối thoại chính là con đường làm người

 

  Về mặt kỷ thuật hay là "cách làm", theo lối trình bày của Chris Argyris, Đối thoại đòi hỏi chúng ta hãy phát huy và mài sáng tám khả năng khác nhau sau đây :

Khả năng một : Trình bày một cách rõ ràng, khúc chiết kiến giải hay là tư duy của mình.

Khả năng hai : Tìm hiểu kiến giải, lập trường của người đối diện.

Khả năng ba : Gọi ra ánh sáng những yếu tố làm nên lề lối suy luận, khi chúng ta trình bày kiến giải :

- Tôi đã thu thập những dữ kiện nào, ở đâu, cách nào ?

- Tôi rút ra những kết luận nào ?

- Tôi chứng minh thế nào những kết luận ấy ? Nói cách khác, tôi đã kiểm chứng những giả thuyết của tôi chưa ? Thế nào ?

Khả năng bốn : Sau khi trình bày tôi mời gọi, khuyến khích, tạo mọi điều kiện cởi mở để đón nhận lời bình giải của kẻ khác. Nói cách khác, tôi mở lòng đón nhận ánh sáng của kẻ khác, thay vì gồng mình với những phản ứng tự vệ. Một cách nào đó, tôi đang "trở nên khác", nhờ kẻ khác.

Khả năng năm : Tôi lắng nghe, tìm hiểu một cách sâu sát kiến giải và lập trường của kẻ khác, khi họ trình bày. Lòng khao khát học hỏi là động lực thúc đẩy tôi trân trọng nét khác biệt của người phát biểu.

Khả năng sáu : Từ tốn, chân thành, tôi đưa ra những câu hỏi, để gọi ra ánh sáng những giả định, những cách suy diễn của người trình bày. Động lực thúc đẩy tôi chất vấn là tinh thần đóng góp xây dựng hơn là phê phán nhị nguyên.

Khả năng bảy : Gọi ra ánh sáng lập tức không chờ đợi, trì hoãn, những xúc động khó chịu, tê liệt bộc phát nơi mình và nơi người. Ghi nhận nhứng xúc động ấy là một cách coi trọng sự có mặt của chúng nó. Cho chúng nó một chỗ đứng chính thức trong lãnh vực tư duy.

Khả năng tám : Gọi ra ánh sáng một lối nhìn về mình, về người, khi chính tôi hay là kẻ khác phát biểu một ý kiến, một lập trường.

Để bổ túc thêm cho tư tưởng của Chris Argyris, phương pháp "Chương trinh sinh hoạt thần ngữ" của GrinderBandler đề nghị chúng ta hãy tạo nên những mãnh đất chung, những quan hệ hoà hợp tương đồng, khi đối thoại với kẻ khác.

Cách thứ nhất : Chúng ta lắng nghe ngôn ngữ không lời như điệu bộ, hơi thở, tư thế... và tìm cách phản ảnh, vọng lại một cách tế nhị và kín đáo.

Cách thư hai : Với những người thuộc loại thấy, chúng ta đặt trọng tâm vào hình ảnh để trao đổi. Với những người thuộc loại nghe, chúng ta chọn lựa những từ gợi lại âm thanh...Với người cảm xúc, chúng ta lưu ý đến xúc động và tình cảm.

Cách thứ ba : Từ bề mặt ngôn ngữ với những hiện tượng tổng quát hoá, sàng lọc, bóp méo chủ quan, chúng ta cùng với họ tái lập những tin tức bị đánh rơi, tìm lại chính kinh nghiệm chiều sâu. Nhờ đó chúng ta có chất liệu để chia sẻ và đồng hành một cách hài hoà, hồn nhiên.

Cách thứ bốn : Khám phá những khung sàng lọc còn được gọi là "tổng chương trình" lập nên một tấm bản đồ tâm lý trong nội tâm. Tấm bản đồ nầy điều hướng mọi đường đi nẻo về của họ. Trên căn bản của tấm bản đồ nầy, ta và người có thể bước đều cùng một nhịp điệu.

Sue Knight  liệt kê sáu khung sàng lọc căn bản sau đây 12 :

1- Tìm tương đồng hay là phát hiện nét dị biệt,

2- Nhìn rừng hay là ngắm cây,

3- Trở về quá khứ, hướng đến tương lai hay là bám trụ vào hiện tại.

4- Đối tượng thao thức : Người, vật, việc, chỗ hay là thời gian.

5- Hướng ngoại hay qui nội khi đánh giá.

6- Cơ sở xác tín khi thấy, khi nghe hay là khi cảm xúc.

Cách thứ năm : Khai thác những năng động, tài nguyên, vốn liếng, tư cách... để hoá giải những tê liệt, bị động, ù lì, sức nặng...

Cách thứ sáu : Trong quan hệ giữa người với người "không có những thất bại". "Chỉ có những bài học" để rút kinh nghiệm và thăng tiến bản thân.

Cách thứ bảy : Khi có những hành vi tê liệt, tiêu cực, hãy khám phá chức năng tích cực và xây dựng của hành vi ấy.

         Cách thứ tám : Không có chi là sự đã rồi, vĩnh viễn. Mọi sự kiện đang ở trên một tiến trình. Cho nên luôn luôn chúng ta có khả năng chuyển luân, hoá giải bằng cách trở lui hay là tiến tới. Nếu không thành đạt ở đây, thì làm cái khác, chỗ khác, khi khác, cách khác.

 ***

Để tóm lược, theo phương pháp "chương trình sinh hoạt thần ngữ", chúng ta chấp nhận chịu ảnh hưởng của người. Rồi từ đó, người sẽ dần dần chịu ảnh hưởng của chúng ta, để dấn bước trên con đường làm người. Rốt cuộc, trong tinh thần và ý nghĩa của đối thoại, không có kẻ thắng người thua. Ai ai cũng thắng trên bước đường Làm Người.

12 Knight S., NLP at work, NB London, 1995, tr. 26

11 ARGYRIS CHRIS - Overcoming Organizational Defenses - A & B, Boston 1992.

    Dixon N.M, Dialogue at work - L & C, London 1998.

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!