.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời mở đường - "Kho nấu" cuộc đời

Chương một - Đối thoại là một tiến trình sáng tạo

Chương hai - Nắm vững mục đích, tối hậu của Đối thoại

Chương ba - Ưu tiên số một cần đặt lên hàng đầu khi đối thoại : Biết mình, biết người

Chương bốn - Lắng nghe và gọi ra ánh sáng

Chương năm - Xây dựng một quan hệ Tình Người bình đẳng và đồng hành

Chương sáu - Đối thoại là tương tức và tương sinh

Lời nói cuối - Một danh hiệu khác của đối thoại là thứ tha

Sách Tham Khảo

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Đối Thoại Một quê hương Tình Người
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
CHƯƠNG SÁU - ĐỐI THOẠI LÀ TƯƠNG TỨC VÀ TƯƠNG SINH

          Bước thứ sáu của đối thoại là tương tức và tương sinh.

Vào những năm 1970, nghĩa là cách đây chừng hai mươi năm, văn hào Nguyễn Mạnh Côn đã hiểu được thế nào là tương tức và tương sinh, khi hai người trao cho nhau một tình yêu "tan đá, chảy vàng". Trong hai tác phẩm mang tên "Yêu anh vượt chết""Giấc mơ của Đá", tác giả đã mô tả tình yêu như một "năng lực siêu việt, huyền nhiệm" vượt thắng mọi trở ngại lớn lao trong cuộc đời. Thậm chí thần chết hay là Vua đá cũng bị tiêu vong, hoại diệt trước vòng tay ôm ghì chặt của hai người đang trở thành một.

Chắc hẳn, Nguyễn Mạnh Côn sẽ dễ dàng tương đắc với Gabriel Marcel.

Nhà văn hào người Pháp nầy đã khẳng định :

"Yêu ai là nói với người ấy : Em không bao giờ chết. Em bất diệt, em trường cửu!"

Trước ngưỡng cửa của năm 2.000, là chứng nhân của bao nhiêu vấn đề phức tạp, phiền toái của con người trong thế giới ngày hôm nay, tôi muốn điều chỉnh lại những câu nói của các tác giả trên đây :

"Tình yêu chỉ làm cho con người trở thành bất diệt, khi tình yêu ấy là một kỳ công đối thoại giữa hai người".

Nói như vậy  tôi muốn nhấn mạnh và khẳng quyết hai điều :

1- Chỉ có tình yêu thực sự, khi tình yêu ấy biết đối thoại trong mọi hoàn cảnh, với bất kỳ trở ngại nào.

2- Chỉ có đối thoại thực sự, khi đối thoại tạo điều kiện cho con người biết yêu thương nhau như anh em và cùng nhau ngồi lại giải quyết những vấn đề do cuộc sống đặt ra.

Trong tinh thần và ý thức ấy, đối thoại phải kết thúc bằng việc làm cụ thể : xây dựng với nhau một thế giới, một quê hương, trong đó mỗi người không trừ sót ai, bất kể vì lý do gì, đều có quyền thương và được thương. Ai ai cũng bắt tay vào việc, với tất cả năng lực và điều kiện hiện thực của mình. Không ai ngồi chờ. Mỗi người là một con én làm nên mùa xuân trên từng tấc đất của Quê hương.

Câu chuyện sau đây minh họa một cách ý vị thế nào là làm nên mùa xuân bằng đối thoại. 

1- Câu chuyện về Trạng và  công cuộc cải tổ triều đình

Tôi không biết Trạng được nói tới trong câu chuyện nầy là ai, ở xứ nào. Có thể đó là một đạo sĩ, một thiền sư hay là một nhà hiền triết, một bậc thánh nhân. Trong câu chuyện, Trạng là người thấu suốt sự đời. Trạng đi lang thang, khắp đó đây, gõ cửa mọi nhà đem tình thương và hơi ấm cho nhiều người thiếu phương tiện. Bất kể phương tiện nào, vật chất hay tinh thần, của cải hay tiền bạc. Chỗ nào Trạng đi qua, theo như lời truyền tụng, vợ chồng yêu nhau hơn. Con cái nghe lời cha mẹ. Cha mẹ biết chuyện trò với con cái. Khi có một vấn đề hơi phiền hà và phức tạp xảy đến, Trạng đến Trạng mĩm cười. Ăn trầu với người nầy, hút thuốc với người kia. Chơi đùa chạy nhảy với các em bé trong làng...Thế rồi bao nhiêu vấn đề cũng từ từ biến tan. Không ai hiểu được vì lý do gì. Họ hỏi Trạng, muốn theo học với Trạng, Trạng chỉ mĩm cười trả lời :

"Trạng biết gì đâu mà chỉ dạy ! Thôi đi tìm thầy ở chỗ khác mà học!".

Thế mà Triều đình Nhà Vua hay tin về Trạng; chính lúc Triều đình gặp nhiều khủng hoảng. Và không một ai có thể định ra bệnh : khủng hoảng xuất phát từ đâu ?

Trạng được triệu về hoàng cung. Lâp tức Trạng đưa ra điều kiện : mỗi lần được triệu về, Trạng xin Triều đình ứng trước 50 lượng vàng, bằng không Trạng không về, mặc dù bị chém đầu.

Khi hay tin như vậy, mọi người dân ngơ ngác, bỡ ngỡ, kinh hoàng :

"Có bao giờ Trạng lấy của ai một đồng xu nhỏ. Thế sao bây giờ Trạng đòi cao như thế?".

Chính nhà Vua cũng nổi giận lôi đình, sai quân đi chém đầu Trạng. Nhưng Triều đình sụp lạy can ngăn :

"Xin nhà Vua hãy thư thả. Hãy chịu điều kiện cho Trạng về. Nếu sau đó, Trạng không làm gì được, Nhà Vua hãy chém đầu. Làm sao Trạng có thể chạy Trời khỏi nắng ?".

 Lần đầu tiên, sau khi nhận lãnh 50 lượng vàng, Trạng đã về trình diện :

"Thưa Triều đình, tôi được triệu về giải quyết nhiều vấn đề. Triều đình đã họp nhau kê khai và viết thành văn những vấn đề ấy chưa ?".

 Triều đình ngơ ngác.

Lập tức Trạng đứng dậy ra về :

 "Trạng không thể giải quyết. Nếu Triều đình chưa họp lại kê khai những câu hỏi rõ ràng và chép thành văn bản".

 

Sau ba tháng, Triều đình đã làm xong bản báo cáo. Trạng được triệu về lần thứ hai, sau khi nhận lãnh thêm 50 lượng vàng.

Lần nầy Trạng đặt câu hỏi :

 "Triều đinh đã cùng nhau họp lại suy nghĩ, đề nghị nhiều cách giải quyết khác nhau cho mỗi vấn đề chưa ?"

Lại một lần nữa Triều đinh ngơ ngác. Trạng đứng dậy ra về.

Sau sáu tháng, Triều đình đã khảo sát xong. Trước mỗi vấn đề, Triều đình đã đề nghị sáu cách giải quyết khác nhau.

Lần nầy cũng như mấy lần trước, Trạng nhận lãnh 50 lượng vàng và được triệu về lần thứ ba :

 "Trong sáu cách giải đáp cho mỗi vấn đề, Triều đình đã ngồi lại thảo luận và chọn lựa cách nào nói được là hữu hiệu nhất chưa ?"

Lần sau cùng, khi Triều đình đã viết thành văn bản chọn lựa và quyết định của mình, Trạng được triệu về.

Lần nầy Trạng mang về trả lại cho Triều đình bốn lần 50 lượng vàng. Tổng cộng 200 lượng.

Trước mặt Vua quan, Trạng đã kết luận :

 "Từ nay, Triều đình đã có phương pháp làm việc".

 

Trước mỗi vấn đề, chúng ta phải trao đổi, trao đổi và trao đổi. Ít nhất ba lần trao đổi trước mỗi quyết định.

Mỗi cách giải quyết đều có tính tạm thời. Không có gì vĩnh cửu dưới trời đất nầy.

Những vấn đề sẽ trở lại nay mai...

Chúng ta cũng sẽ phải ngồi lại khảo sát, trao đổi và chọn lựa với nhau.

Kính thưa quí vị !

Bây giờ quê hương không chỉ có một Trạng. Bao nhiêu người dân là bấy nhiêu Trạng có khả năng giúp nhà Vua lãnh đạo đất nước.

  2- Những bài học do Trạng để lại

 Câu chuyện trên đây cho phép mỗi người trong chúng ta ghi nhận những bài học hay là những cách giải quyết "tan đá, chảy vàng" "vượt thắng sự chết".

Thứ nhất : Trạng được triệu về để giải quyết những vấn đề khủng hoảng trong nội bộ triều đình. Nhưng thực ra, Trạng không giải quyết gì hết. Nói đúng hơn, Trạng từ chối can thiệp từ ngoài. Trạng không hành xử như một vị cứu tinh đến từ ngoài, có mọi quyền năng và phù phép siêu việt, thần thánh. Trạng không đến với một "giải pháp có sẵn" trong túi áo của mình.

Thứ hai : Trạng không làm việc không công. Trạng đòi hỏi một số vàng lớn lao tượng trưng sự quyết tâm vững chãi của Triều đình muốn đổi mới nội bộ. Không có điều kiện tiên quyết nầy, Triều đình sẽ không bao giờ giải quyết vấn đề với tất cả thực chất, thực lực và thực tâm của mình. "Thực" ở đây có nghĩa là sự thực, thực tại, không giả dối. Tuy nhiên, thực còn có nghĩa là nồi cơm, ba bữa ăn hằng ngày. Cái gì đụng đến nồi cơm, cái ấy mới có khả năng đòi hỏi chúng ta dấn thân, nhập cuộc.

Nồi cơm cũng có nghĩa tương đương với sinh mạng. Cho nên Trạng là con người đầu tiên có khả năng khẳng định lòng quyết tâm của mình, bằng cách sẵn sàng đưa cổ cho Nhà Vua chém.

Thứ ba : Cuộc sống làm người bất kỳ với ai, ở đâu, thời nào...luôn luôn có vấn đề. Nhất là khi con người phải chung sống với nhau. Nói cho cùng, là người không ai có thể "sống một mình" mà không cưu mang người anh em đồng loại,

trong tâm tư và hoài bão. Thậm chí, đó là một thiền sư, một vị tu hành... đang lấy Trời làm nhà, lấy Đất làm chiếu và lấy rừng núi cô liêu làm bạn tri kỷ...

Và khi vấn đề nầy được giải quyết thì vấn đề khác lại xuất hiện. Không vấn đề nào giống vấn đề nào. Cho nên, không có một lối giải quyết "độc nhất vô nhị" làm chìa khoá mở được mọi cánh cửa.

Thứ bốn : Khi có một vấn đề xảy ra, bất kể ở địa hạt hay là mang thức dạng nào... mọi người trong cuộc lớn bé, già cả, địa vị cao thấp, thuộc phái nam hay phái nữ đều là những người có quyền, có bổn phận và trách nhiệm tham dự vào việc giải quyết. Cho nên, mọi người trong cuộc có quyền được lắng nghe, phát biểu, đóng góp ý kiến. Lãnh đạo không phải là một mình giải quyết một cách đơn phương mọi vấn đề của tập thể mà mình có trách nhiệm hướng dẫn. Trong một xã hội, không phải chỉ những thành viên có tiền tài, quyền lực và chức vị mới có tiếng nói. Phàm là người, ai ai cũng phải được cư xử như là một con người có tiếng nói. Trong một gia đình, không chỉ có cha mẹ mới có tiếng nói và con cái phải "dựa cột mà nghe". Nếu không được nói, không học tập để nói và để được nghe, không lạ gì con cái chúng ta trở thành cao bồi, du đảng, trác táng vào tuổi vị thành niên.

Thứ năm : Khi có một trăm người phát biểu thì sẽ có một trăm ý kiến hay là một trăm cách giải quyết khác nhau. Đó là lẽ thường tình trong cuộc sống. Có người mơ thấu trời. Có người lặn xuống biển. Có người bay tà tà ngang mặt đất. Mọi người có nhu cầu được lắng nghe  và được tham khảo. Và sau khi được lắng nghe, nghĩa là được coi trọng, có lẽ họ không còn cho ý kiến mình là số một. Thêm vào đó, ý kiến của mỗi người đã từ từ thay đổi biến dạng, bên cạnh những ý kiến khác khi được phát biểu. Một hạt nước với một hạt nước khác đã bắt đầu làm nên đại dương.

Thứ sáu : Tuy dù bá nhân bá tánh, như tôi vừa mới trình bày, nhiều ý kiến sẽ từ từ hội tụ. Và có những ý kiến sẽ ly tán, tách rời khỏi trung tâm đầu tiên để lập thành một Trung tâm thứ hai. Rốt cuộc, sau một buổi trao đổi, chia sẽ, ba bốn trung tâm sẽ thành hình một cách rõ rệt.

Trong câu chuyện trên đây, Trạng đã chọn sáu trung tâm. Đó là một cách chọn lựa đại lượng, cởi mở và can đảm. Thông thường, trong những cuộc trao đổi, tập thể chỉ chọn lựa ba hoặc bốn là quá đủ.

Thứ bảy : Để lấy quyết định cuối cùng, Trạng đã sử dụng tiêu chuẩn "nồi cơm" có nghĩa là thực tế và sinh mạng. Nói cách khác, cái gì là quan trọng số một cho chúng ta ? Vì cái gì, tôi sẵn sàng mất nồi cơm hằng ngày ? Còn hơn thế nữa,

vì cái gì, tôi không sợ mất mạng ? Vì cái gì tôi cố quyết bắt chước Thượng đế, trở nên bất tử không sợ gì cả ?

Thứ tám : Mặc dù với phương pháp làm việc nghiêm chỉnh, đạt nền móng trên sự tôn trọng lẫn nhau, theo ý của Trạng, chúng ta vẫn có thể sai lầm. Nếu không thành công, sau một thời gian được tiên liệu, chúng ta hãy cùng nhau đánh giá và quyết định lại. Xét lại đâu là điều xấu hổ.

Mỗi ngày, chúng ta quyết định lại cuộc đời. Nếu công việc không thành tựu ở đây, chúng ta can đảm làm chuyện khác, cách khác, ở chỗ khác, với người khác ...

Tâm lý ngày nay dạy chúng ta :

"No failure. Only feed-back". 

 Tôi xin chuyển ý :

Không có thất bại. Đó chỉ là bài học dạy chúng ta rút kinh nghiệm, thay đổi. Thất bại không còn là thất bại nếu nó đút cơm, nuôi sống giá trị làm người của chúng ta.

 3- Đối thoại : Tương tức và tương sinh

 Ở thời Trạng, Trạng chưa dùng kiểu nói "đối thoại" như chúng ta ngày nay, nhất là từ những năm 1960 về sau.

Tuy nhiên, thực chất của đối thoại đã có mặt, khi Trạng yêu cầu Triều đình "trao đổi ít nhất ba lần" trước mỗi quyết định. Thực chất nầy bao gồm những yếu điểm sau đây :

1- Đối thoại là một quyết tâm sống quan hệ làm người với nhau. Tôi làm người và tôi tôn trọng quyền làm người của kẻ khác, bằng cách tạo cho họ những điều kiện làm người. Tôi chủ động vận dụng mọi khả lực của tôi, để thực thi công việc ấy.

2- Sống quan hệ mà thôi chưa đủ. Cùng với người khác, tôi tìm ra, tạo nên một ý nghĩa cho cuộc đời, nhất là khi có những vấn đề xảy đến trong khi tiếp xúc và trao đổi.

3- Cùng với người khác, tôi xây dựng một cuộc sống, trong đó ai ai cũng có tiếng nói. Ai ai cũng có chỗ đứng. Ai ai cũng có phần cơm hằng ngày. Mọi người làm chủ cuộc sống. Không ai làm nạn nhân. Cái gì đã quyết định không phải của một người. Nhưng là "của chúng ta".

Ca dao Việt Nam đã cô đọng những ý tưởng ấy trong câu nói gọn ghẽ :

"Một cây làm chẳng nên non,                      

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao".

Hẵn thực, nhờ cưu mang hoài bão đối thoại, khi trồng cây tôi đã nhận ra Viễn ảnh to lớn và cao cả của Rừng. Khi nhìn Rừng tôi vẫn có khả năng trân trọng tính chất độc đáo của mỗi cây.

Cái nhìn, cái thấy làm nền tảng cho đối thoại như thế còn được gọi là Tương tức, Tương sinh. Tôi không phải chỉ là tôi nhỏ bé, thiễn cận, hẹp hòi, ích kỷ. Tôi chỉ thành tôi thực sự và trọn vẹn, khi tôi sống những ràng buộc mật thiết giữa tôi và Toàn thể Vũ trụ. Hẳn thực tôi chỉ là hạt nước bé mọn tầm thường, mong manh. Nhưng hạt nước ấy đã cưu mang Đại dương trong lòng mình, khi hoà nhập vào khe suối, dòng sông.

Thánh Âu-Cơ-Tinh, vào thời đại của mình khi ấy, không hiểu được làm sao có thể nhốt Đại dương vào một lỗ cát nho nhỏ trên bờ biển Địa Trung hải. Với những khám phá ngày nay về đối thoại, về "toàn đồ" (họa đồ toàn diện), Tôi Biết rằng nếu tôi không tiếp tục công trình vĩ đại của Thượng-đế là trông nom, quan phòng con người và vũ trụ, tôi tự tiêu huỷ chính mình. Nói một cách hình tượng, Vũ trụ và người trước mặt là một khu vườn. Nếu không vun trồng, chăm bón, tưới tẩm, thêm phân cho một gốc hồng ở đó, tôi sẽ chẳng bao giờ có hạnh phúc hưởng nhận trong tâm hồn tôi một bông hồng. Hưởng nhận thực sự và trọn vẹn, khi nào tôi đi vào bên trong, tham dự nỗi niềm hân hoan của người khác. Phải chăng đó là ý nghĩa sâu xa của từ "Enjoy" trong tiếng Anh ?

Để giải thích tương tức, tương sinh"gì"  hay là "làm gì", tác giả St. Covey đưa ra một bài tính cộng làm ví dụ : Khi có tương sinh, một cộng

với một không phải là hai nhưng là vô số, vô lượng, vô biên. Nói cách khác, khi hai người đối thoại với nhau một cách thực sự và trọn vẹn, trong một tương quan làm người và giúp nhau làm người, họ không còn là người. Họ trở thành Thượng-đế. Họ sáng tạo vũ trụ. Họ biến không thành có. Họ hoá bóng đêm thành mặt trời rạng tỏ. Họ chuyển luân rác nuôi sống những cánh đồng.

 4- Tương sinh : một thách đố 14

 Paolo Freire đã nhấn mạnh lui tới, trong các tác phẩm của mình, ý nghĩa và đường hướng "sáng tạo thế giới" trong công cuộc đối thoại.

Tư tưởng của tác giả nầy bao gồm những chủ điểm sau đây :

Thứ nhất : Đối thoại là một tiến trình liên tục nhằm không ngừng sáng tạo hay là tái tạo ý nghĩa cho cuộc đời làm người.

Thứ hai : Khi sáng tạo ý nghĩa cho cuộc sống, bằng con đường đối thoại, tiếp xúc trao đổi qua lại, trước mỗi thách đố làm người, chúng ta tự khắc thay đổi, đổi mới thế giới, quê hương của con người.

Thách đố được nói tới ở đây là một chướng ngại có tầm cỡ trong cuộc sống làm người. Vượt qua được, con người sẽ có khả năng làm người hơn ngày hôm trước. Ngã gục, tránh né, đầu hàng, con người không những mất một cơ hội làm người. Thêm vào đó, con người phải thoái hoá, suy vong. Vượt qua không có nghĩa là làm tan biến, nhưng là hoá giải, chuyển luân, thăng tiến, "sinh ra một lần thứ hai".

Thách đố, trong ý nghĩa ấy, cũng là một lời mời gọi, một tiếng thúc giục, một cơ hội thắp sáng lên ý thức làm người trong thâm sâu nội tâm của chúng ta. Tiếng nói ấy xuất phát tự đáy lòng của con người, thay vì gây áp lực từ bên ngoài, bên trên.

Thứ ba : Thách đố lớn lao ấy, trong cách diễn tả độc đáo của Paolo Freire, là "Đặt tên cho thế giới". Cơ hồ cha mẹ đặt tên cho đứa con mới ra đời. Cha mẹ gói ghém vào đó bao nhiêu hoài bão và kỳ vọng của mình. Đồng thời, cha mẹ còn hoạch định một chương trình, một hướng đi, một lối sống nhằm thực hiện hoài bão ấy. Ngày ngày chuyển biến kỳ vọng thành hiện thực. Đặt tên trong ý nghĩa ấy, là gieo vãi, tưới tẩm, chăm bón và vun trồng một mùa gặt. Tôi gieo làm sao, tôi sẽ gặt như vậy. Không gieo trong nước mắt, làm sao gặt được mùa màng hân hoan.

Trong tinh thần ấy, chúng ta "đặt tên cho thế giới", bằng cách góp sức, hợp lực với mọi người anh em hai bên cạnh. Cùng với họ, khai mở một hướng đi, một ý nghĩa, một niềm tin, một con đường hy vọng : một mẫu thức xử thế và đãi ngộ với nhau trong một quan hệ đồng hành, chia sẽ, liên đới. Chúng ta xây dựng quê hương có những kích thước vừa tầm con người. Chúng ta không mơ tưởng hão huyền một thế giới tuyệt vời, siêu việt, như A. Huxley đã mô tả. Để rồi con người phải bị chặt tay, chặt chân cho vừa khuôn khổ đồng dạng, đồng phục. Đó là một thế giới không nam, không nữ, "đồng tình luyến ái". Một quái thai, một ác mộng ! 

Thứ bốn : Đặt tên cho thế giới hay là xây dựng quê hương không phải là đặc ân của một giai cấp, một hàng giáo phẩm, một loại người thần đồng từ một hành tinh nào rơi xuống...

Đó là quyền lợi của mỗi người sinh ra trong trời đất nầy. Của đại quần chúng chân lấm tay bùn đang ngày ngày đi kiếm ăn trên những đống rác đầy ruồi nhặng. Bao lâu những người anh chị em ấy chưa được chúng ta cưu mang ấp ủ trong tâm tưởng ước mơ và kỳ vọng nghĩa là tạo cho họ điều kiện làm người...chúng ta còn là những người cha mẹ vô trách nhiệm : làm tình, sinh con và bỏ rơi con ở đầu đường xó chợ. Chúng ta đang còn là người anh chị em vô tâm, vô nhân và vô liêm sĩ. Chúng ta tiệc tùng, là lượt, phung phí đang khi có người còn thua con chó, con mèo đang đứng trước mặt chúng ta. Nhưng chúng ta giả vờ không thấy.

Không cảm nhận được những "xốn xang" như vậy, làm sao đặt tên cho thế giới ?

Thứ năm : Nếu mọi sự trong thế giới và trên quê hương, đã "đâu vào đấy" rồi, chúng ta đâu cần đối thoại với nhau, để "Đặt tên", và biết kêu tên của từng người.

Trái lại, bao lâu chúng ta còn "ú ớ", không biết người trước mặt mang tên gì : trâu, bò, chó, ngựa, hay là con người... chúng ta còn phải thao thức, trăn trở, tìm mọi cách để sáng tạo một bộ mặt thân thương, quen thuộc, thấm nhuần chất người. Và để gọi tên cho đúng, chúng ta không thể một mình, đơn phương đặt tên. Trái lại, chúng ta nói qua, nói lại. Nhìn thẳng mặt, không tránh né. Tiếp xúc, đụng chạm.

 Nói tóm lại, đối thoại trong tư tưởng của Paolo Freire, là không ngừng xây dựng quan hệ giữa người với người. Nhờ chúng ta, với chúng ta, quan hệ ấy càng ngày càng trở nên trung thực hơn. Quan hệ ấy càng ngày càng trở nên cởi mở hơn. Quan hệ ấy càng ngày càng đượm chất người hơn.

14 FREIRE P. - Pedagogy of the oppressed - Seabury P New York, 1970.

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!