.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời Nói đầu

Chương I: Tình Yêu Là Kiên Nhẫn

Chương II: Tình Yêu là Phục Vụ

Chương III: Tình Yêu không ghen tương

Chương IV: Tình Yêu Không Khoe Khoang

Chương V: Tình Yêu không kiêu căng

Chương VI: Tình Yêu không khiếm nhã

Chương VII: Tình Yêu không tìm tư lợi

Chương VIII: Tình Yêu không nóng giận

Chương IX: Tình Yêu không nghĩ điều xấu

Chương X: Tình Yêu không vui mừng trước bất công

Chương XI: Tình Yêu hân hoan vì chân lý

Chương XII: Tình Yêu tha thứ tất cả và luôn tin tưởng

Chương XIII: Tình Yêu luôn hy vọng và chịu đựng tất cả

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Mười Ba Nét Mặt Tình Yêu
Tác giả: Lm. Trần Minh Huy, pss
Nguyên tác: Dominique AUZENET
CHƯƠNG IV: TÌNH YÊU KHÔNG KHOE KHOANG

1. Đừng có thổi kèn báo trước ngươi.

Chúa Giêsu đã chứng tỏ cho các môn đệ biết rằng tìm làm cho người ta chú ý là rất có hại biết bao cho những hành vi có ý tốt nhất :

"Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ trông thấy, bằng không anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh" (Mt 6,1-4).

"Tình yêu không phô trương". Tình yêu không làm cho mình nổi bật trước việc thiện mình làm, đó là điều mà ở đây Chúa Giêsu nói là "thổi kèn" và coi là giả hình. Tình yêu đích thực là vô vị lợi và không qui về chính mình. Người ta thường nói tình yêu không làm rộn ràng...

Tuy nhiên, điều đó giả thiết cả một cuộc thanh luyện tình yêu. Trải qua dòng thời gian, chúng ta học tập tự giải thoát khỏi lòng khao khát được người đời biết đến. Lòng khao khát nầy làm cho chúng ta không ngừng tìm kiếm lời tán dương của kẻ khác. Và như Chúa Giêsu đã nói, "chúng thực hành công chính trước mặt người đời để được họ lưu ý...".

"Điều có thể xảy ra là tôi đến với tha nhân là để bảo đảm về giá trị riêng của tôi. Lối ứng xử của những kẻ khoe khoang trên đời đều như thế cả. Không chắc chắn được về chính mình, họ cảm thấy nhu cầu khẩn thiết gặp được những dấu hiệu tán thưởng mới trên gương mặt tha nhân. Họ tìm kiếm cái gì ? Một bộ sưu tập những kẻ tâng bốc. Nói đúng ra, thái độ ứng xử ấy không thiếu sự hấp dẫn của nó. Khác với kẻ kiêu ngạo coi thường lời phẩm bình của người đồng loại, kẻ khoe khoang nhìn nhận nhu cầu được người chung quanh cảm phục và khen lao. Trong trường hợp như vậy, người ta chưa thương tha nhân vì tha nhân, mà chỉ tìm nơi tha nhân những lời tung hô làm dịu đi trong chốc lát cái cảm xúc hằng ám ảnh về sự yếu kém của mình"[1]

 

2. Hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết.

Chúa Giêsu đã giới thiệu vài phương thuốc hiệu nghiệm, cách riêng phương thuốc để tự hạ mình xuống và đặt mình vào chỗ rốt hết :

"Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi nên nói với họ dụ ngôn nầy : Khi anh được mời đi ăn cưới thì đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng 'xin ông nhường chỗ cho vị nầy'. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người mời anh phải đến nói 'xin mời ông bạn lên trên cho'. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên" (Lc 14,7-11).

Hay còn nữa : "Giữa anh em thì không được như vậy : ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người" (Mc 10,43-44).

Còn lâu chúng ta mới thỏa mãn đạt được địa vị ngôi sao mà chúng ta muốn trải rộng cái tôi của mình... Chúa Giêsu đã nói về Ngài và cuộc khổ nạn của Ngài. Cha Huvelin đã viết cho Charles de Foucauld : "Chúa Giêsu đã chọn chỗ tận cùng đến đỗi chẳng bao giờ có ai có thể cướp mất được chỗ đó của Ngài". Vậy đừng có ai trong chúng ta cảm thấy bàng hoàng khi phải hạ mình xuống ! "Đừng sợ, bạn càng khốn khó, Chúa Giêsu càng yêu bạn. Ngài sẽ đi xa, thật xa để tìm kiếm bạn..."[1]

3. Lạy Chúa, xin canh phòng miệng lưỡi con.

"Tình yêu không khoe khoang"... dĩ nhiên cũng liên quan đến lời nói của chúng ta. Người ta sẽ có thể giải thích : Tình yêu cân nhắc những lời nói của mình. Quả thực, chúng ta biết rõ là thói khoe khoang được diễn tả ra bằng lời nói nhằm làm cho người ta được nổi bật. Người ta có thể không bao giờ nói bậy, không bao giờ nói xấu kẻ khác. Nhưng trong mức độ mà người ta không ngớt kể lể với kẻ khác về mình, thì cuộc trao đổi không nhất thiết vẫn ở bình diện lời nói. Chúng ta hãy lấy Mẹ Maria làm gương mẫu : sự thinh lặng nội tâm của Mẹ làm cho mỗi lời nói của Mẹ trở nên một viên ngọc quí. Chớ gì khi chúng ta nói, lời nói của chúng ta phải là hoa trái của sự thinh lặng của chúng ta.

"Lạy Chúa, xin canh giữ miệng con và trông chừng lưỡi con" (Tv 141,3). Câu thánh vinh nầy là một lời cầu nguyện rất cần thiết cho nhiều người trong chúng ta. Những thái quá trong lời nói được diễn tả trong cuộc tán gẫu kéo dài, trong nhu cầu không thể nén để kể lể về mình, trong sự không thể giữ một điều bí mật, trong ước muốn thỏa mãn tính hiếu kỳ của chúng ta về cuộc đời kẻ khác... và trong nhiều cách thế khác ít lộ liểu hơn. Tính huênh hoang trong lời nói cũng dẫn chúng ta đến chỗ khoe khoang những sự hư vô thế gian, và như thế duy trì một bầu khí hời hợt bề ngoài ngăn cản việc lắng nghe Lời Chúa tự trong sâu thẳm của lòng mình : "Chúng huênh hoang vì những vật hư vô nầy..." (Tv 97,7).

Phải, chúng ta hãy đắn đo và chế ngự lời nói của chúng ta. Hãy cầu xin ơn ấy với Chúa Thánh Thần đang ngự trong chúng ta :

"Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được, nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nộc độc giết người. Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa. Từ cùng một cái miệng phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa. Thưa anh em, như vậy thì không được. Chẳng lẽ một mạch nước lại có thể phun ra từ một nguồn cả nước ngọt lẫn nước chua sao ? Thưa anh em, làm sao cây vả lại có thể sinh ra trái ô-liu, hoặc cây nho sinh trái vả ? Nước mặn cũng không thể sinh ra nước ngọt. Trong anh em, ai là người khôn ngoan hiểu biết ? Người ấy hãy dùng lối sống tốt đẹp mà chứng tỏ rằng những hành động của họ phát xuất từ lòng hiền hậu và đức khôn ngoan. Nhưng nếu trong lòng anh em có sự ghen tương, chua chát và tranh chấp, thì anh em đừng có tự cao tự đại mà nói dối trái với sự thật" (Jc 3, 8-14).

Trong nhiều trường hợp, khoe khoang chính là nói dối trái với sự thật... Tốt hơn là hãy làm thinh, dè dặt kín đáo.

 4. Tình yêu là dè dặt kín đáo .

Đây là hai bản văn của thánh nữ Catarina đệ Siêna giúp chúng ta xác định rõ và thăm dò tầm quan trọng của sự dè dặt kín đáo :

"Sự dè dặt kín đáo kéo thân xác ra khỏi những vui thú và những tế nhị của thế gian. Nó làm cho thân xác tránh xa xã hội của người trần gian và đưa nó vào xã hội của các tôi tớ Thiên Chúa. Sự dè dặt kín đáo khiến con người trốn khỏi những nơi tội lỗi và dẫn đưa nó vào những chỗ thúc đẩy lòng đạo hạnh. Nó điều tiết mọi phần thân thể để chúng trở nên giản dị và được giữ gìn ý tứ : Con mắt không nhìn những gì bị cấm đoán và chỉ nhìn thấy trước mặt trời và đất; miệng lưỡi tránh mọi lời nói vô ích và phù phiếm, nhưng sẵn sàng loan báo Lời Chúa vì phần rỗi của tha nhân và xưng thú tội lỗi mình; lỗ tai xua đuổi các diễn từ bởn cợt, nịnh hót, phóng đãng, và nói xấu kẻ khác, nhưng chăm chú lắng nghe Lời Chúa và những kêu than của tha nhân hầu cảm thông với nhu cầu của họ... Sự dè dặt kín đáo cũng điều tiết đôi tay trong những gì chúng đụng chạm và thực hiện, hướng dẫn đôi chân trên những nẽo đường của chúng, hầu luật lệ xấu xa của xác thịt hằng chống lại tinh thần không làm ô nhiễm các khí cụ nầy"[1]

Và đây là điều Chúa Chúa Cứu Thế nói với Catarina : "Sự dè dặt kín đáo không là gì khác ngoài sự hiểu biết đích thực mà linh hồn có về mình và về Chúa. Chính trong sự nhận biết nầy mà sự dè dặt kín đáo đã cắm rễ vào. Nó là một ngành được ghép vào và kết hiệp với đức ái... Sự dè dặt kín đáo sẽ không là một nhân đức mang lại những hoa trái sự sống, nếu nó không được trồng cấy trong nhân đức khiêm nhường, bởi vì đức khiêm nhường phát xuất từ sự nhận biết mà linh hồn có được về mình. Và Thầy đã bảo con là căn rễ của sự dè dặt kín đáo là một hiểu biết chân thực về bản thân và về lòng nhân lành của Chúa, nó làm cho linh hồn trao ban cách tự nhiên cho mỗi người cái gì họ đáng phải được.

Và trước hết, nó qui về Chúa những gì là của Chúa, bằng cách trả lại cho Danh Chúa danh dự và vinh quang, các thánh sủng và ân ban mà nó biết là đã nhận lãnh từ nơi Chúa. Nó cũng trả lại cho chính mình cái mà nó ý thức được là mình đáng được, bằng cách nhận biết rằng nó không hiện hữu bởi chính nó và nó chỉ tồn tại nhờ ân ban của Chúa.

Đó là những kết quả của sự kín đáo dè dặt được xây dựng trên sự hiểu biết chính mình, vốn là đức khiêm nhường đích thực. Không có sự khiêm nhường nầy, linh hồn sẽ không kín đáo được. Và sự không kín đáo bắt nguồn từ lòng kiêu ngạo, cũng như sự kín đáo có nguồn ngọn trong lòng khiêm nhường. Như một tên ăn cắp, nó lấy cắp vinh dự thuộc về Thầy để qui hướng về nó và làm cho nó được vinh quang. Còn những gì thuộc về nó thì nó lại gán cho Thầy bằng cách lẩm bẩm ca thán những ý định nhiệm mầu Thầy đã kiện toàn trong nó và trong các tạo vật khác của Thầy. Nó công phẫn trong mọi sự chống lại Thầy cũng như tha nhân.

Hoàn toàn ngược lại cách ứng xử của những ai có nhân đức dè dặt kín đáo... Họ trả lại cho tha nhân những gì họ nợ tha nhân, nhất là hiến tặng cho tha nhân tình thương phát xuất từ đức ái, lời cầu nguyện khiêm tốn và liên lĩ mà mọi người phải duy trì cho nhau"[1]

 

Suy niệm để lần hạt Mân Côi

1. Tình yêu không khoe khoang. "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy, bằng không anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống như bọn đạo đức giả... cốt để người ta khen" (Mt 6,1-2). Tình yêu không làm cho người ta chú ý. Xin Chúa ban cho chúng con sự xóa bỏ về điều thiện không gây rộn ràng nầy.

2. Tình yêu không khoe khoang. "Khi anh được mời dự tiệc, anh hãy đi ngồi vào chỗ cuối, để khi người đã mời anh đến nói với anh 'xin mời bạn lên trên cho'. Bấy giờ anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên" (Lc 14,10-11). Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn có thể hạ mình xuống, bằng cách ngồi vào chỗ cuối trong trường hợp cụ thể nọ kia xảy ra.

3. Tình yêu không khoe khoang. "Lạy Chúa, xin canh giữ miệng con và trông chừng lưỡi con" (Tv 141,3). Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự thái quá trong lời nói lộ rõ trong việc tán gẫu kéo dài, trong nhu cầu kể lể về mình không kìm hãm được, trong sự không thể giữ bí mật, trong ước muốn thỏa mãn tính tò mò về cuộc đời kẻ khác...

4. Tình yêu không khoe khoang. Chúa Cứu Thế nói với thánh nữ Catarina đệ Siêna rằng "Sự dè dặt kín đáo không là gì khác ngoài sự hiểu biết đích thực mà linh hồn có về mình và về Chúa. Chính trong sự hiểu biết ấy mà sự dè dặt kín đáo đã ăn rễ sâu vào". Chúng ta hãy xin ơn khiêm nhường và nghèo khó tâm hồn. Tình yêu là dè dặt kín đáo.

5. Tình yêu không khoe khoang. "Còn Maria thì cẩn thận giữ gìn những điều ấy và suy niệm trong lòng" (Lc 2,19). Chúng ta hãy cầu xin ơn nội tâm, thinh lặng và cầu nguyện.


[1] Le Dialogue, I, Ed. Teùqui, p. 34

Tác giả Lm. Trần Minh Huy, pss (Nguyên tác: Dominique AUZENET)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!