.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời Nói đầu

Chương I: Tình Yêu Là Kiên Nhẫn

Chương II: Tình Yêu là Phục Vụ

Chương III: Tình Yêu không ghen tương

Chương IV: Tình Yêu Không Khoe Khoang

Chương V: Tình Yêu không kiêu căng

Chương VI: Tình Yêu không khiếm nhã

Chương VII: Tình Yêu không tìm tư lợi

Chương VIII: Tình Yêu không nóng giận

Chương IX: Tình Yêu không nghĩ điều xấu

Chương X: Tình Yêu không vui mừng trước bất công

Chương XI: Tình Yêu hân hoan vì chân lý

Chương XII: Tình Yêu tha thứ tất cả và luôn tin tưởng

Chương XIII: Tình Yêu luôn hy vọng và chịu đựng tất cả

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Mười Ba Nét Mặt Tình Yêu
Tác giả: Lm. Trần Minh Huy, pss
Nguyên tác: Dominique AUZENET
CHƯƠNG V: TÌNH YÊU KHÔNG KIÊU CĂNG

1. Tình yêu không phồng lên (kiêu ngạo) :

Ngoại động từ phồng lên thánh Phaolô dùng ở đây làm chúng ta liên tưởng đến ngụ ngôn La Fontaine "Con nhái muốn phồng to bằng con bò", và để rõ hơn, người ta dịch thêm phồng to kiêu ngạo : "Sự hiểu biết đó phồng to (sinh) lòng kiêu ngạo, còn lòng bác ái thì xây dựng" (I Cor 8,1). Kiêu ngạo, khoe khoang, kênh kiệu là những biểu lộ của lòng mến mộ chính mình, chứ không phải là của đức ái, vốn là tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân.

"Kẻ nào yêu bản thân bằng một tình yêu vô trật tự thì chẳng có đức ái nơi mình, bởi vì nó không yêu mến Chúa... Lòng tự ái lột bỏ đức ái khỏi tâm hồn để mặc cho nó tính xấu kiêu ngạo. Và chính vì thế mà mọi tội lỗi đều bắt nguồn từ lòng tự ái"[1]

Lòng tự ái được nhận diện bởi sự thích nghĩ đến mình hơn là nghĩ đến Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài. Hay còn bởi ước muốn làm cho các quan điểm riêng của mình được vượt trổi trong vấn đề nầy hoặc vấn nạn kia... Thánh Phaolô không dịu dàng với những người Côlossê :

"... Họ chìm đắm trong những thị kiến của mình, vênh váo vì những suy nghĩ theo lối người phàm. Họ không gắn chặt với Đầu là Đức Kitô..." (Col 2,18-19).

Thánh nhân còn gọi cái đó là sự hỗn láo ngạo mạn trong một bản liệt kê mà Ngài gọi là mớ lộn xôn : "chia rẽ, ghen tương, oán ghét, cạnh tranh, vu khống, nói hành, kiêu căng, hỗn loạn" (II Co 12,20). Đọc những điều như thế, có lẽ chúng ta không khỏi nghĩ rằng cả đến các cộng đoàn, giáo xứ chúng ta cũng chẳng hơn gì cộng đoàn Corintô !

2. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan :

Đó là lời khuyên của thánh Phaolô vào cuối thư gởi tín hữu Rôma :

"Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan" (Rm 12,16).

Tito Colliander, một tín hữu Chính Thống có gia đình đã viết :

" Quả thật làm sao một người có thể nhận được những lời khuyên, sự đào tạo, giúp đỡ, nếu y nghĩ rằng mình biết hết mọi sự, có thể làm mọi thứ và chẳng cần lời khuyên bảo nào cả ? Không một tia sáng nào có thể xuyên qua được một bức tường tự mãn như thế : 'Khốn thay những kẻ coi mình là khôn ngoan, và cho mình là thông minh' (Is 5,21)...

Vậy chúng ta hãy lột bỏ sự tín nhiệm thái quá mà chúng ta có cho chính mình. Nó thường cắm rễ sâu trong mình mà chúng ta chẳng nhận thấy, ngay cả sự chế ngự mà nó thi thố trên tâm hồn chúng ta. Rõ ràng chính sự ích kỷ, sự quá lo lắng cho bản thân và lòng tự ái của chúng ta là nguyên nhân các khó khăn, sự thiếu tự do nội tâm trong cơn thử thách, những phật ý, những nỗi bứt rứt tâm hồn và thể xác của chúng ta.

Bạn hãy nhìn vào chính bạn, và bạn sẽ thấy bạn bị ràng buộc đến độ nào bởi ước muốn làm thỏa mãn "cái tôi" của bạn, và chỉ một mình nó thôi. Tự do của bạn đã bị trói buộc bởi những mối giây chật hẹp của lòng yêu bạn, và như thế vô tình bạn bị đu đưa như cái xác không ý thức từ sáng sớm đến chiều tối : 'Bây giờ tôi muốn uống, bây giờ tôi muốn đi ra ngoài, bây giờ tôi muốn đọc báo...' Trong mỗi khoảnh khắc, các ước muốn riêng của bạn xỏ mũi lôi kéo bạn như thế, và nếu có gì gây trở ngại là bạn nổi tam bành lên tức thì, vì phật ý, thiếu nhẫn nại hay tức giận.

Nếu bạn thăm dò trong sâu thẳm lương tâm mình, bạn sẽ khám phá ra những điều tương tự. Cảm giác khó chịu mà bạn cảm nhận khi có ai đó nói nghịch lại với bạn cho phép bạn dễ dàng thấy rõ điều đó. Chúng ta sống như vậy như những tên nô lệ. Nhưng 'ở đâu có Thánh Thần là ở đó có tự do' (2 Cor 3,17)"[1]

3. Anh em đừng đánh giá mình cao quá :

"Sự tự do mà Thánh Thần ban cho chúng ta đi qua một tình yêu đúng đắn đối với bản thân, nó dựa trên một sự hiểu biết đích thực về mình. 'Nếu con muốn đạt được sự hiểu biết hoàn hảo, nếu con muốn thưởng thức Chân lý vĩnh cửu là chính Chúa, thì đây là con đường : con đừng bao giờ ra khỏi sự hiểu biết chính con và luôn hạ mình trong thung lũng khiêm nhường. Con sẽ nhận ra chính Chúa ở trong con, và từ sự hiểu biết nầy con kéo ra được mọi thứ cần thiết. Không một nhân đức nào có thể có sự sống trong chính mình, ngoại trừ bởi đức ái và bởi đức khiêm nhường, vốn là mẹ nuôi của đức ái. Sự hiểu biết về chính con sẽ gợi lên cho con đức khiêm nhường, khi con khám phá ra được rằng con chẳng hiện hữu, và hữu thể mà con cũng như những người khác đã lãnh nhận từ nơi Chúa là Đấng yêu thương các con, trước khi các con có mặt trên đời"[1]

Nhân những ân ban thiêng liêng được trao cho cộng đoàn xuyên qua mỗi người chúng ta (việc nầy khêu lên các cám dỗ về kiêu ngạo), thánh Phaolô khuyến cáo sự đánh giá đúng đắn dựa trên một hiểu biết chân thật về chính mình nhu sau :

"Anh em đừng quá mức khi đánh giá chính mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức, mỗi người tùy theo lượng đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho" (Rm 12,3).

Lời kêu gọi đến đức khiêm tốn nầy là cần thiết cho chúng ta : chúng ta sẽ không bao giờ nhỡ phô trương sự hơn người của chúng ta, trong thái độ hay trong lời nói... Trong thư gởi tín hữu thành Philiphê, thánh Phaolô còn đi xa hơn :

"Đừng làm chi vì óc bè phái, vì hư danh, nhưng mỗi người hãy khiêm nhường đánh giá người khác trổi vượt hơn mình" (Phil 2,3).

4. Thiên Chúa chống lại những kẻ kiêu ngạo :

Chúng ta biết rõ lời cầu nguyện của Trinh Nữ Maria trước sự hiện diện của bà chị họ Elizabeth : Kinh Magnificat, linh hồn tôi ngợi khen Chúa. Mẹ hát lên Chúa đã đoái nhìn sự nghèo khó của nữ tỳ Ngài thế nào. Xuyên qua ân sủng dạt dào của Mầu nhiệm Nhập Thể nầy, Mẹ cũng nhận thấy rằng Chúa đến phân tán những kẻ kiêu ngạo bởi chính những tính toán của lòng họ.

Cha Laurentin chú giải :

"Những người nghèo sống trong chân lý : họ biết yếu đuối của họ và sự cao cả của Thiên Chúa. Còn những kẻ kiêu ngạo phồng mình lên, tự cho mình những vẽ bề ngoài cao hơn những gì thực sự là họ.Hảnh diện về bản thân và sự độc lập hơn người của mình, họ tự phụ phong cho mình làm địch thủ với Thiên Chúa. Tình yêu ảo tưởng về bản thân của họ làm cho họ trở nên thù nghịch với chân lý, và thù địch với những người nghèo mà họ thống trị để vươn lên.

... Thiên Chúa làm thất bại những ý định xảo trá không để các mánh khóe của chúng thành tựu. Ngài bắt những kẻ khôn ngoan ngay trong các mánh khóe của họ : 'Mưu đồ của hạng tinh khôn, Người phá vỡ, khiến tay chúng chẳng làm nên công trạng gì. Người bắt kẻ khôn ngoan bằng chính những xảo kế của chúng, và đi trước mưu toan của phường quỷ quyệt' (Job 5,12-13). Châm ngôn nầy thường được kiểm chứng qua dòng lịch sử : Những kẻ kiêu ngạo mà tham vọng và ảo tưởng vượt quá phương tiện của mình đang chuẫn bị cho sự suy tàn của chính chúng"[1]

Ở đây, trong lời cầu nguyện của mình, Mẹ Maria nêu lại một sự hiển nhiên xuyên suốt cả Kinh Thánh. Chẳng hạn thánh Phêrô trong thư thứ nhất :

"Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại những kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho những người khiêm nhường" (I Pet 5,5).

"Nhưng ân sủng Người ban còn mạnh hơn, vì thế có lời Kinh Thánh nói : 'Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường' (Jc 4,6).

5. Mỗi người đều có sự kiêu ngạo của mình :

Dù hình thức thế nào đi nữa, sự kiêu ngạo của mỗi người đều có một điểm chung là sự đánh giá cao thái quá về bản thân mình. Nó được biểu lộ ra trong sự thỏa mãn hảo huyền về các tài năng hay ân ban của mình.

Người kiêu ngạo thích mình hơn kẻ khác và tự so sánh mình tốt hơn, được phú bẩm hơn kẻ khác. Người kiêu ngạo quên đi hay từ chối nhìn nhận những gì mình có, những gì mình là, đều bởi Thiên Chúa mà đến.

Sự kiêu ngạo mặc nhiều hình thức khác nhau :

·      Tính khoe khoang : một sự hảnh diện thái quá để đi tìm kiếm những danh dự, những sự cao trọng ; ưa xuất hiện, ưa thành công để thỏa mãn bản thân...

·      Sự thỏa mãn hảo huyền trong các tài năng và ân ban của mình,... tắt một lời là tự lấy làm thỏa mãn.

·      Ao ước biết hết mọi sự hay luôn luôn muốn biết nhiều hơn, nhiều hơn cả những gì Thiên Chúa đã muốn cho chúng ta biết (một số những tò mò nào đó là nguyên nhân của kiêu ngạo).

·      Tính tự phụ : chính là quá tự tín ở mình, có một ý kiến quá đề cao bản thân, hoặc còn hơn nữa là tìm kiếm một tình trạng cao hơn hiện trạng mà Thiên Chúa muốn cho chúng ta.

·      Tính tự ái : một tình yêu thái quá cho mình được biểu lộ qua việc tìm kiếm thoải mái, và được diễn tả ra trong việc thỏa mãn trước lời khen tặng ; trái lại, không thể chịu đựng nổi lời phê bình và từ chối không nhìn nhận các lầm lỗi của mình...

·      Tính quá nhạy cảm : Phật ý về một chuyện chẳng ra chi, không chấp nhận lời khiển trách... lòng tự ái bị dày vò.

·      Tính ích kỷ : Tính ích kỷ quơ tất cả về cho mình, tìm mình trong mọi sự, gặp lại mình ở khắp mọi nơi. Tất cả chúng ta đều hơn kém có hình thức kiêu ngạo nầy len lỏi vào cả những ý hướng tốt nhất.

·      Kiêu sa : một thứ  bảo đảm ngạo mạn được biểu lộ ra trong dáng vẻ, kiểu cách ; một thứ kiêu hảnh gần như khinh bỉ...

"Ở đây không thể nêu hết mọi chi tiết các hoa trái của kiêu ngạo trong đời sống hằng ngày của chúng ta : nói dối, chán nãn, buồn bã, độc lập, ghen tương, rụt rè...Quả thật, kiêu ngạo "là một ngọn gió rất nhẹ nhàng, rất tinh tế, nó thấâm nhập vào trong hầu hết mọi hoạt động của chúng ta... và nó là sợi giây buộc chặt cả chuỗi các tật xấu"[1]

6. "Hãy học cùng Thầy, vì Thầy khiêm nhượng thật trong lòng"

Chúa Giêsu nhấn mạnh điều đó : Sự kiêu ngạo đến từ trong lòng :

"Chính là từ bên trong, từ lòng dạ con người mà xuất ra những ý định tà vạy... kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó đều từ bên trong xuất ra và làm cho con người ra ô uế" (Mc 21-23).

Và kiêu ngạo :

·        đóng lòng chúng ta với đức tin : "Làm sao anh em có thể tin được, khi anh em chỉ biết nhận lãnh vinh quang lẫn cho nhau ?" (Jn 5,44).

·        làm chúng ta ra mù quáng : "...người lên mặt kiêu căng không biết gì cả, nhưng mắc bệnh ham tranh luận và thích cãi chữ. Do đó sinh ra ganh tỵ, tranh chấp, lộng ngôn, nghĩ xấu" (I Tm 6,4). "... sẽ có những lúc gay go, người ta sẽ ra ích kỷ, ham tiền bạc, khóac lác, kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ơn bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, nói xấu, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trắc, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa" (II Tm 3,1-4).

·        làm cho chúng ta quay đầu lại : "... kẻo lên mặt kiêu căng mà bị kết án như ma quỷ" (I Tm 3,6)

·        làm cho chúng ta lầm lạc : "Lòng kiêu ngạo của ngươi đã đánh lừa ngươi" (Ovadia 3).

"Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên" (Lc 14,11 và 18,14). Vậy lòng chúng ta cần được thanh tẩy bởi ân huệ của Chúa Thánh Thần mà Chúa Cha đã hứa và Chúa Giêsu phái đến.

"Cha giới thiệu với các con một nhân đức rất thiết thân với lòng Chúa Cứu Thế. Ngài nói : 'Hãy học cùng Thầy vì Thầy dịu hiền và khiêm nhượng thật trong lòng' (Mt 11,29). Cha liều mình nói một điều dại dột, nhưng cha vẫn nói ra là Chúa quá yêu thương nhân loại đến đỗi đôi khi Ngài cho phép xảy ra những tội trọng. Tại sao ? Để những kẻ đã phạm các tội ấy vẫn ăn ở khiêm nhường, sau khi đã thống hối. Không ai muốn tự coi mình là thánh thiên khi ý thức được mình đã phạm những lỗi nặng. Chúa Cứu Thế đã khuyên nhũ nhiều về điều đó : "Hãy ăn ở khiêm nhường !" Ngay cả khi các con làm được những việc trọng đại, hãy nói : chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Thế nhưng tất cả chúng ta đều có khuynh hướng làm ngược lại và tìm cách làm cho mình nổi bật. Hãy trở nên bé nhỏ, đó là nhân đức kitô giáo có liên quan đến mỗi người chúng ta"[1]

Đức khiêm nhường, vốn là một cái nhìn khách quan và chân thật về bản thân, sẽ thắng thế trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, khi nó làm phát sinh trong chúng ta những hoa trái của một sự trưởng thành thiêng liêng lớn lao hơn : giản dị khiêm tốn, nhu cầu huynh đệ giúp nhau, chấp nhận bản thân, sự dửng dưng liên quan đến danh tiếng của mình, việc không bao giờ ngã lòng, bình an và niềm vui nội tâm, tìm kiếm chân lý... Chúng ta hãy ao ước và cầu xin đức khiêm nhường trong kinh nguyện hằng ngày của chúng ta.

"Sự tiến bộ trong đời sống thiêng liêng được biểu lộ ra qua một hiểu biết luôn luôn được tích tụ thêm về chính sự bất xứng của mình, theo nghĩa đầy đủ và mặt chữ, ngay khi chúng ta tự cho mình giá trị nào đó, dù bằng cách nào đi nữa, thì điều đó chứng tỏ các việc không xuôi. Cái đó cũng nguy hiểm nữa, bởi vì Kẻ Thù sẽ tiến lại gần và bắt đầu làm chúng ta mất cảnh giác về cách nó đặt trở ngại trên đường chúng ta đi. Linh hồn có ý nghĩ quá cao về mình giống như con quạ trong chuyện ngụ ngôn, thích nghe những lời nịnh hót của con cáo, và để chứng tỏ giọng hát hay của mình, nó đã để rơi mất miếng phó mát. Xin Chúa giúp bạn thực hiện cách ý thức hơn cái bổn phận không được gán giá trị gì cho các công trình của bạn"[1]

 

Suy niệm để lần hạt Mân Côi

1. Tình yêu không kiêu căng. "Sự hiểu biết sinh lòng kiêu ngạo, còn lòng bác ái thì xây dựng" (I Cor 8,1). Chúng ta hãy cầu nguyện cho sự hiểu biết nơi mỗi người chúng ta được nên cơ hội chia sẻ, chứ không phải để phô trương lòng tự phụ là mình hiểu biết hơn người.

2. Tình yêu không kiêu căng. "Anh em hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những điều hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan" (Rm 12,16). Trong khi cùng Mẹ Maria chiêm ngắm Chúa Giêsu đã sống thế nào, chúng ta hãy xin ơn được lôi kéo bởi những gì là khiêm nhường.

3. Tình yêu không kiêu căng. "Đừng đi quá mức trong khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức, mỗi người tùy theo lượng đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho" (Rm 12,3). Lạy Chúa, xin ban cho chúng con biết đón nhận những cơ hội phải sống tầm thường và bé nhỏ như đến từ bàn tay Chúa.

4. Tình yêu không kiêu căng. "Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường" (I Pet 5,5 - Jc 4,6). Lạy Chúa, xin ban cho con biết nhìn nhận những sai trái của con khi làm tổn thương các người khác bởi tính ngạo nghễ của con, và mặc cho con đức khiêm nhường.

5. Tình yêu không kiêu căng. "Anh em hãy học cùng Thầy, vì Thầy dịu hiền và khiêm nhượng thật trong lòng" (Mt 11,29). Nhờ lời cầu bàu của Mẹ Maria, xin Chúa Thánh Thần nắn đúc trong chúng con sự dịu hiền và khiêm nhượng của Trái tim Chúa Giêsu.

Tác giả Lm. Trần Minh Huy, pss (Nguyên tác: Dominique AUZENET)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!