.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời Nói đầu

Chương I: Tình Yêu Là Kiên Nhẫn

Chương II: Tình Yêu là Phục Vụ

Chương III: Tình Yêu không ghen tương

Chương IV: Tình Yêu Không Khoe Khoang

Chương V: Tình Yêu không kiêu căng

Chương VI: Tình Yêu không khiếm nhã

Chương VII: Tình Yêu không tìm tư lợi

Chương VIII: Tình Yêu không nóng giận

Chương IX: Tình Yêu không nghĩ điều xấu

Chương X: Tình Yêu không vui mừng trước bất công

Chương XI: Tình Yêu hân hoan vì chân lý

Chương XII: Tình Yêu tha thứ tất cả và luôn tin tưởng

Chương XIII: Tình Yêu luôn hy vọng và chịu đựng tất cả

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Mười Ba Nét Mặt Tình Yêu
Tác giả: Lm. Trần Minh Huy, pss
Nguyên tác: Dominique AUZENET
CHƯƠNG VII: TÌNH YÊU KHÔNG TÌM TƯ LỢI

Người ta có thể tưởng rằng yêu thương là luôn luôn cho đi. Thường chúng ta tìm chính mình trong mối tương giao với tha nhân và với Chúa. Đó là một trong những khuyết điểm của tội lỗi : tính ích kỷ. Do đó Thánh Phaolô có lý để lôi kéo chúng ta lưu ý đến sự cần thiết của ân ban nhưng không, khi dạy chúng ta về tình yêu đích thực.

1. "Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất nó !"

"Ai yêu qúi mạng sống mình thì sẽ mất nó, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời nầy thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu thì kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó với Thầy. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quí trọng người ấy" (Jn 12,25-26).

Ngày nay, một khẳng định như thế khó mà "qua được"... Có lẽ người ta sẽ nói rằng Chúa Giêsu không làm việc ở trên mây ! Tuy nhiên, khía cạnh sắc bén trong đòi hỏi của Chúa Giêsu có đủ trọng lượng tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Và đáp trả của chúng ta cũng phải có trọng lượng tình yêu đối với Ngài...

Đây không phải là lúc mổ xẻ chi tiết thế nào là lòng yêu mình, nhưng chúng ta cũng phải cương quyết chống lại những thái độ tập trung triệt để vào lợi ích riêng của chúng ta :

·        Lòng quá tự say mê mình : Sự chú ý thái quá đến mình, đến độ làm cho nó trở thành một sự gắn chặt tình cảm... Tính ích kỷ có thể trở thành một thứ lấy mình làm trung tâm không thể chấp nhận được khi chúng ta để mặc cho nó triển nở.

·        Những tính toán, những cách thức để bảo vệ bằng mọi giá tính ích kỷ của mình bị đe dọa... đến độ tránh né cái mình cho là "có giá" trong cái phải cho... vấn đề không phải là tự hỏi xem mình có vừa ý nếu thích hay không thích, hơn một chút hoặc kém một chút... song là trèo lên cây thập giá đang được gởi đến...

·        Làm bật nổi ý riêng của mình trong mọi hoàn cảnh : Tôi làm cái tôi thích, cái tôi ưa, cái tôi yêu... ngay cả viện lý do phụng sự Thiên Chúa hay tha nhân... Và Thánh Phaolô đánh bật ra cho chúng ta : "Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác" (Ph 2,4).

"Đừng ai tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác" (I Co 10,24).

"Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi" (Jn 5,30).

"Bác ái không tìm tư lợi; bác ái không tìm lợi ích cho nó, nhưng cho Thiên Chúa. Cái mà bác ái yêu thích thì nó yêu thích trong Chúa và cho Chúa, và ngoài Chúa ra, thì bác ái không muốn có gì hết. Trong mọi hoàn cảnh bác ái gặp phải, nó tận dụng hết thời gian để thực hiện ý Chúa... Đây là lúc phải đành mất chính mình, không còn tìm mình cho chính mình nữa mà là cho Chúa, yêu thương tha nhân vì Chúa, và yêu mến Chúa vì Chúa, vì Chúa là Sự Tốt Lành vĩnh cửu và tối thượng, vì Chúa đáng được chúng ta yêu mến, phụng sự và khao khát"[1]

2. Yêu thương một cách nhưng không ?

Vào lúc mà mọi thứ đều được mua bán và trả giá thì thật khó mà quan niệm về tính nhưng không. Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn mời gọi chúng ta sống một tình yêu vô vị lợi, bởi vì một tình yêu không vô vị lợi sẽ tìm kiếm tha nhân là vì lợi ích mà người đó mang lại thôi... Có lẽ do đó mà có nhiều điều phải nói liên quan đến cách sống mối tương quan bạn bè hay phu thê.

Chúng ta lưu ý ngay rằng "thuyết vị lợi" không hẳn vắng bóng khỏi mối quan hệ với những người gần, cũng như với các kẻ xa hơn của chúng ta đâu. Người ta thường nói "không ai cho không cái gì bao giờ !" Có thể xảy ra là tôi giúp người khác với hy vọng một ngày nào đó họ sẽ trả lại cho tôi tiền. Tạo cho mình những mối quan hệ luôn luôn là tốt !

Chúa Giêsu cảnh giác chống lại thứ động lực đó :

"Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như  thế ông mới thật có phúc, vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại" (Lc 14,12-14).

Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta tính nhưng không bằng cách giải thoát chúng ta khỏi luật "cho để được cho lại", "ăn miếng trả miếng", "hòn đất ném đi hòn chì ném lại", "có qua có lại mới toại lòng nhau" : Ngài muốn chúng ta hành động mà không chờ đợi được trả lại gì hết.

"Anh em muốn người ta làm gì cho mình thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì có gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được thì còn gì là ân với nghĩa ? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác" (Lc 6,31-35.

3. "Cho thì hạnh phúc hơn là nhận" :

Thánh Luca mang lại lời nầy của Chúa Giêsu[1] qua miệng thánh Phaolô : "Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy : Cho thì có phúc hơn là nhận" (Ac 20,35). Trong việc chúng ta không ngừng tìm kiếm hạnh phúc, lời nầy mời gọi chúng ta đi bước đầu tiên hơn là chờ đợi người ta đến phục vụ mình.

Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta : "Thầy ở giữa anh em như người phục vụ" (Lc 22,27). Chính vì vậy đôi khi Ngài không ngần ngại truyền lệnh cho chúng ta, chẳng hạn trong Lc 6, 27-38 : "Hãy yêu thương - Hãy làm việc thiện - Hãy chúc lành - Đừng xét đoán - Đừng kết án - Hãy tha thứ - Hãy cho đi, vì anh em dùng đấu nào mà đong thì người ta sẽ đong trả lại cho anh em bằng đấu ấy".

Thay vì than khóc tội lỗi của mình, tốt hơn chúng ta nên chấp nhận một thái độ tích cực : làm việc lành, khuyến khích nhau làm việc thiện, cho đi và còn cho đi nữa. Và trả lại mọi sự cho ân sủng của Chúa. "Yêu thương, chính là cho đi tất cả và cho đi chính mình"[1]

Đó là những cử chỉ nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày phải được Phúc âm hóa và chúng chứng tỏ rằng chúng ta đang nổ lực đưa việc hoán cải vào hành động : không tự phục vụ đầu tiên, mĩm cười nhân hậu, nhường chỗ, ân cần lắng nghe, tiếp đón nồng hậu, kiềm chế sự mĩa mai, im lặng khi lời nói gây tổn thương, xin lỗi... ai có thể liệt kê hết cả một danh sách ? Trong tất cả những cái đó, chúng ta nên giao phó sự bất lực của chúng ta cho Chúa, và cầu xin Chúa Thánh Thần làm phát sinh công trình của Ngài nơi chúng ta.

"Công việc nhỏ bé nhất, ẩn khuất nhất, được thực hiện vì tình yêu thường có giá trị lớn hơn những công trình vĩ đại. Không phải giá trị hay vẻ thánh thiện bên ngoài của hành động là quan trọng đâu, nhưng chỉ tình yêu được đặt để ở đó mới thực sự quan trọng, và không ai có thể bảo rằng mình không thể cho Chúa những điều nhỏ mọn như thế, bởi vì chúng ở trong tầm tay của tất cả mọi người".[1]

4. Chúa Giêsu là gương mẫu tối hậu của mọi tình yêu đích thực của con người:

Trong bài giáo lý ngày thứ Tư 31/8/1998, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II trình bày Chúa Kitô cho chúng ta như gương mẫu tình yêu trọn hảo, và chú giải bài ca đức ái như sau :

"Một đặc tính khác được tán dương trong bài ca đức ái của thánh Phaolô là "tình yêu không tìm tư lợi". Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta mẫu gương trọn hảo về tình yêu vô vị lợi nầy. Thánh Phaolô đã nói lên điều đó cách rõ ràng ở một đoạn văn khác: "Mỗi người chúng ta hãy chiều theo sở thích của người khác, vì lợi ích của họ và để xây dựng. Thực vậy, Đức Kitô đã không chiều theo sở thích của mình, trái lại như có lời chép 'lời kẻ thóa mạ Ngài, nầy chính con hứng chịu'"(Rm 15,2-3). Chính trong tình yêu của Chúa Giêsu mà tính triệt để Phúc âm của Tám Mối Phúc Thật Ngài đã công bố được cụ thể hóa và đạt tới đỉnh cao của nó: sự anh hùng của Chúa Kitô sẽ luôn là gương mẫu cho các nhân đức anh hùng của các thánh.

... Thánh Gioan viết trong thư của ngài : "Căn cứ vào điều nầy, chúng ta biết được tình yêu là gì, đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng thí mạng vì anh em" (I Jn 3,16). Tình yêu của Chúa Kitô, đã được bộc lộ cách dứt khoát trong hy tế thập giá, nghĩa là trong sự hiến dâng mạng sống vì anh em mình, là gương mẫu tối hậu của mọi tình yêu đích thực của con người".

5. "Những gì anh em làm cho một trong những    kẻ bé nhỏ nhất trong các anh em của Thầy đây là anh em đã làm cho chính Thầy vậy" (Mt 25,40) :

"Phần Thầy, Thầy đã yêu thương anh em, trước khi được anh em yêu thương, và từ đó, mọi tình yêu anh em có cho Thầy là một món nợ mà anh em phải trả, chứ không phải là một ân huệ mà anh em làm cho Thầy đâu, trong khi tình yêu mà Thầy có cho anh em là một hồng ân mà Thầy ban cho anh em, chứ Thầy không phải nợ anh em đâu. Vậy anh em không thể trả cho Thầy tình yêu mà Thầy đòi hỏi anh em. Nhưng Thầy đã đặt để anh em ở bên cạnh tha nhân, ngõ hầu anh em có thể làm cho tha nhân điều mà anh em không thể làm cho Thầy : yêu thương tha nhân bằng ân huệ và với lòng vô vị lợi, không chờ đợi từ họ một lợi lộc nào cả. Bấy giờ Thầy kể như là làm cho Thầy tất cả những gì anh em đã làm cho tha nhân".[1]

 

Suy niệm để lần hạt Mân Côi

1. Tình yêu không tìm tư lợi. "Ai yêu quí mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời nầy thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu thì kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quí trọng người đó" (Jn 12,25-26). Thường chúng ta tìm chính mình trong quan hệ với tha nhân và với Chúa. Chúng ta hãy xin ơn được giải thoát khỏi sự lấy mình làm trung tâm nầy và đi vào niềm vui ban tặng.

2. Tình yêu không tìm tư lợi. "Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác" (Ph 2,4). "Đừng ai tìm ích lợi cho riêng mình, nhưng hãy tìm ích lợi cho người khác" (I Co 10,24). Chúa Giêsu nói : "Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi" (Jn 5,30). Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết lưu tâm đến tất cả những người chung quanh chúng con, để yêu thương họ với tinh thần phục vụ.

3. Tình yêu không tìm tư lợi. "Anh em muốn người ta làm gì cho mình thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì có gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được thì còn gì là ân với nghĩa ? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác" (Lc 6,31-35). Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta về tính nhưng không bằng cách giải thoát chúng ta khỏi luật "cho để được cho lại" : Chớ gì chúng ta hành động mà không mong được trả lại.

4. Tình yêu không tìm tư lợi. "Cho thì hạnh phúc hơn là nhận" (Ac 20,35). Trong việc chúng ta không ngừng tìm kiếm hạnh phúc, lời nầy của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cất bước đầu tiên trong chiều hướng trao hiến, hơn là luôn luôn tìm cách lãnh nhận. Nhờ lời cầu bàu của Mẹ Maria, xin Chúa Thánh Thần - Tình yêu trao hiến, dẫn dắt chúng con theo bước Chúa Giêsu.

5. Tình yêu không tìm tư lợi. "Mỗi người chúng ta hãy chiều theo sở thích kẻ khác, vì lợi ích của họ và để xây dựng, vì Đức Kitô đã không chiều theo sở thích của mình..." (Rm,15,2-3). Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta gương mẫu hòan hảo nhất về tình yêu vô vị lợi nầy. Nhờ lời cầu bàu của Mẹ Maria, xin Chúa Thánh Thần - Tình yêu trao hiến, dẫn dắt chúng con theo bước Chúa Giêsu.

Tác giả Lm. Trần Minh Huy, pss (Nguyên tác: Dominique AUZENET)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!