.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời Nói đầu

Chương I: Tình Yêu Là Kiên Nhẫn

Chương II: Tình Yêu là Phục Vụ

Chương III: Tình Yêu không ghen tương

Chương IV: Tình Yêu Không Khoe Khoang

Chương V: Tình Yêu không kiêu căng

Chương VI: Tình Yêu không khiếm nhã

Chương VII: Tình Yêu không tìm tư lợi

Chương VIII: Tình Yêu không nóng giận

Chương IX: Tình Yêu không nghĩ điều xấu

Chương X: Tình Yêu không vui mừng trước bất công

Chương XI: Tình Yêu hân hoan vì chân lý

Chương XII: Tình Yêu tha thứ tất cả và luôn tin tưởng

Chương XIII: Tình Yêu luôn hy vọng và chịu đựng tất cả

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Mười Ba Nét Mặt Tình Yêu
Tác giả: Lm. Trần Minh Huy, pss
Nguyên tác: Dominique AUZENET
CHƯƠNG IX: TÌNH YÊU KHÔNG NGHĨ ĐIỀU XẤU

1. Tình yêu là từ tâm :

Sự từ tâm mà thánh Phaolô liệt kê trong Gal 5,22 là một hoa quả tốt đẹp của Thánh Thần :

"Còn hoa quả của Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế" (Gal 5,22).

Tất cả chúng ta đều có lúc gặp được những con người mà tấm lòng thực sự là từ tâm, khoan dung. Họ luôn luôn tìm thấy nơi ông nầy bà nọ mà chúng ta thấy cách thiên lệch những đức tính tiềm ẩn vụt khỏi chúng ta. Họ nhìn thấy điều tốt ... và chỉ nổ lực để nhấn mạnh hơn rằng chúng ta đã muốn thấy điều xấu trước hết.

Tình yêu của Thiên Chúa là từ tâm. Ngay từ đầu thư gởi Tín hữu Êphêsô, thánh Phaolô đã :

"Chúc tụng Thiên Chúa là Thân phụ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Người đã thi ân giáng phúc cho chúng ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Chúa Thánh Thần... Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu : thiên ý nầy là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là qui tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô" (Ep 1,3.9-10).

Niềm vui của chúng ta là để mình bị tình yêu từ tâm nầy bắt lấy, đưa vào trong những kế hoạch khoan dung của Thiên Chúa và cộng tác vào đó với tất cả sự dấn thân tự do của chúng ta. Thánh Phaolô viết cho tín hữu Philipphê :

"Ấy vậy, là những người luôn vâng phục, khi tôi có mặt cũng như nay vắng mặt, anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ. Vì chính Thiên Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em do lòng yêu thương của Người. Anh em hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca hay phản kháng" (Phil 2,12-14).

Vậy chúng ta không ngạc nhiên thấy thánh Phaolô đặt sự từ tâm vào đúng chỗ những hoa trái của Thánh Thần mà các môn đệ Chúa Kitô phải biểu lộ ra. Chính vì thế Ngài viết cho Titô, người đại diện trung tín của Ngài :

"Anh hãy nhắc nhở cho ai nấy phải phục tùng và tuân lệnh các nhà chức trách, các người cầm quyền, phải sẵn sàng làm mọi việc tốt và đừng chửi bới ai, đừng hiếu chiến, nhưng phải hiền hòa, luôn luôn tỏ lòng nhân từ với mọi người. Thật vậy, cả chúng ta nữa, xưa kia chúng ta cũng ngu xuẩn, không vâng lời, lầm lạc, làm nô lệ cho đủ thứ đam mê và khoái lạc, sống trong gian ác và ghen tị, đáng ghét và ghen ghét lẫn nhau" (Tt 3,1-3).

"Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại" (Col 3,12).

"Lòng từ tâm là một thứ khởi đầu thuận lợi trong tương quan với những ai chúng ta gặp gỡ, trong mọi hoàn cảnh chúng ta sống. Do đó chúng ta phải học biết "đón nhận những lời nói và hành động của tha nhân đúng  như chúng đang diễn ra, không tìm cắt nghĩa khác đi, nhưng với một thứ thông đạt ngây thơ loại bỏ nghi ngờ, song phục hồi được lòng tín nhiệm trong sáng"[1]

2. Tình yêu không đoán xét :

Chúa Giêsu đòi hỏi cách rõ ràng đừng xét đoán :

"Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong bằng đấu ấy cho anh em. Sao anh em thấy cái rác trong mắt của người anh em mà cái xà trong mắt mình thì lại không để ý tới ?... Hỡi kẻ đạo đức giả, hãy lấy cái xà khỏi mắt mình trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt của người anh em" (Mt 7,1-5).

Chính Chúa Giêsu đã không kết án ai cả (x. Jn 8, 2-12 nói về người đàn bà ngoại tình). Ngài báo trước cho chúng ta :

"Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng, đã dằn đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo anh em, vì anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh rm bằng đấu ấy" (Lc 6, 36-38).

Thánh Phaolô nhấn mạnh yêu sách nầy một cách cũng rất cương quyết :

"Dù bạn là ai đi nữa mà bạm xét đoán thì bạn cũng không thể tự bào chữa được. Vì khi bạn xét đoán người khác mà bạn cũng làm như họ thì bạn tự kết án chính mình" (Rm 2, 1).

Những lời nói xấu mà chúng ta có thể tung ra lẫn cho nhau đối với Chúa Giêsu cũng nghiêm trọng như là giết chết lẫn nhau vậy : thứ bạo lực nầy đòi hỏi phải được hòa giải trước khi tiến lại gần Chúa :

"Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng 'chớ giết người', ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : Ai giận anh em mình thì đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em là quân phản đạo thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt. Vậy nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình" (Mt 5, 21-24).

Thánh Giacôbê trong thư của ngài đã nói toạc ra về cái lưỡi đầy nọc độc chết người : "Anh em đừng nói xấu nhau. Ai nói xấu hoặc xét đoán anh em mình là nói xấu và xét đoán Lề Luật. Nếu anh xét đoán Lề Luật thì anh không còn là kẻ vâng giữ mà là kẻ xét đoán Lề Luật. Chỉ có một Đấng ra Lề Luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn anh là ai mà dám xét đoán người thân cận ?" (Jc 4,11-12).

Chúng ta thấy được con đường còn phải trải qua... Ngay từ cảm tưởng tức thời mà đã rút ra lời phán quyết chung cục là một lỗi nặng. Việc đó giam chặt tha nhân trong một thái độ không có gì là bền vững. Chúng ta cần phải từ chối "dán nhãn hiệu" cho người khác và phải luôn canh chừng để cho tương lai được luôn rộng mở... Không những tình yêu không giải thích về phía xấu, mà còn phải luôn luôn giải thích về phí tích cực nhất.

Chị Céline của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu thuật lại rằng :

"Têrêsa thường nói với tôi rằng chúng ta phải luôn luôn phán đoán tha nhân với lòng bác ái, bởi vì rất thường xảy ra là cái gì xem ra cẩu thả nơi mắt chúng ta thì lại là anh hùng nơi mắt Chúa. Một người đang mệt mỏi, bị nhức đầu hay phải khổ đau trong tâm hồn, chỉ hoàn thành được một nửa công việc lại làm nhiều hơn một người khác, đang được tráng kiện thể xác và tinh thần minh mẫn, làm trọn vẹn cả công việc. Vậy trong mọi trường hợp, xét đoán của chúng ta phải thuận lợi cho tha nhân. Phải luôn luôn nghĩ tới điều tốt, phải luôn luôn biện giải cho người" (CSG, 107).

3. Tình yêu tha thứ :

Bản dịch động từ thánh Phaolô dùng cho ta có hai hướng suy nghĩ :

·        Thứ nhất : Tình yêu không nghĩ đến điều xấu, không giải thích về phía xấu.

·        Thứ hai : Tình yêu không để ý đến điều xấu, không duy trì mối hiềm thù, không dừng lại ở điều xấu, không để ý đến điều xấu đã phải chịu đựng.

Thái độ độc đáo của tình yêu là thái độ đã trao ban ngay từ đầu bài ca bác ái: lòng hào hiệp. Tình yêu có con tim cao thượng : nó không hề tính đếm những xúc phạm người ta đã làm cho nó. Chúa Giêsu đã có lời dạy rất rõ ràng về đề tài nầy :

"Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh thì anh hãy khiển trách nó, nếu nó hối hận thì hãy tha cho nó. Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần nó trở lại nói với anh : 'Tôi hối hận' thì anh cũng phải tha cho nó" (Lc 17, 3-4).

Cũng chính yêu sách nầy đã được đặt ra cho Phêrô khi ông hỏi Chúa Giêsu :

"Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải đến bảy lần không ? Chúa Giêsu đáp : 'Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy'" (Mt 18,21-22).

Giữ mãi trong ký ức điều xấu đã phải gánh chịu, cảm nhận nó dù mình không muốn, không ngừng trách móc cùng những chuyện ấy bởi vài lời châm chọc cố ý... đó là một thái độ có thể xuất phát từ một vết thương nội tâm, nhưng cũng có thể do một sự thiếu tha thứ, hay nói một cách khác là bởi một mối hiềm khích dai dẳng, dù không muốn thú nhận ra như thế.

"Cộng đoàn là nơi của tha thứ. Bất chấp tất cả sự tín nhiệm người ta có thể có đối với nhau, vẫn luôn luôn có những lời nói gây thương tổn, những thái độ kẻ cả, những hoàn cảnh đáng ngờ vực. Chính vì thế, việc sống chung bao hàm một thứ thánh giá nào đó, một sự cố gắng liên lĩ và một sự chấp nhận tha thứ cho nhau mỗi ngày. Thánh Phaolô đã nói : 'Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người nầy có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau'" (Col 3, 12-13)[1].

"Một trong những tội lớn nhất trong một cộng đoàn có lẽ là một hình thức của buồn phiền và ủ ê. Người ta dễ dàng đóng khung trong mấy người bạn để chỉ trích kẻ khác, nói rằng 'chán ngấy rồi', 'mọi thứ đều tồi tệ', 'không còn như trước nữa'. Trạng thái tinh thần nầy là một thứ ung nhọt thực sự có thể lây lan ra toàn cơ thể"[1]

Chính vì thế, tất cả những khuyến cáo của thánh Phaolô đều hữu ích cho sự hoán cải các thái độ xã hội của chúng ta. Ngài nói với chúng ta như thế nầy :

"Anh em phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô" (Ep 4,32).

Có người sẽ bảo "tôi không nhận thấy mình có kẻ thù...". Nhưng rõ ràng khi Chúa Giêsu truyền lệnh yêu thương kẻ thù thì Ngài muốn nói đến những người chung quanh chúng ta mà chúng ta biến thành kẻ thù vì đã dửng dưng với họ...

"Anh em hãy yêu thương kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác" (Lc 6,35).

4. Tình yêu không báo thù :

"Trong khi liệt kê các công việc của xác thịt (x.Gal 5,19-21), thánh Phaolô làm sáng tỏ các yêu sách của đức ái, từ đó mà phát sinh các bổn phận cụ thể đối nghịch lại các khuynh hướng của 'con người cầm thú', nghĩa là nạn nhân của các dục vọng của mình. Đặc biệt là tránh ghen tương và ham muốn, muốn điều tốt cho tha nhân; tránh những hiềm khích, bất hòa, chia rẻ, chống đối, bằng cách thăng tiến tất cả những gì đưa tới hiệp nhất. Câu thơ của thánh Phaolô trong bài ca đức ái, theo đó đức ái "không nghĩ tới điều xấu" (I Cor 13, 5), ám chỉ đến điều đó. Thánh Thần gợi lên lòng quảng đại tha thứ đối với những xúc phạm đã nhận và những thiệt hại phải chịu, và làm cho các tín hữu có khả năng làm như vậy, và vì là Thánh Thần ánh sáng và tình yêu, Thánh Thần giúp các tín hữu khám phá ra những yêu sách không giới hạn của đức ái"[1]

Một đoạn Phúc Âm minh họa tính ưa quyền lực và thống trị nầy có mặt bên trong ước muốn trả thù nầy. Các môn đệ Chúa Giêsu vào một làng Samaria, ở đó các ông muốn chuẫn bị trạm nghỉ đêm cho Chúa Giêsu đang đi sau :

"Nhưng dân làng không tiếp đón Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem. Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng : 'Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không ?' Nhưng Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông : "Các con không biết mình thuộc về tinh thần nào". Rồi Thầy trò đi sang làng khác" (Lc 9, 53-56).

Tình yêu Phúc Âm đòi hỏi phải giao lại cho Thiên Chúa những tình huống trong đó người ta muốn tự mình đem lại công bằng cho mình và uốn nắn lại những điều lỗi người khác làm cho mình. Sự bình an tâm hồn và chứng tá đều phải trả bằng cái giá ấy :

"Khi chúng ta không được hiểu và bị xét đoán một cách bất lợi, thì liệu có ích gì để tự bênh vực, để tự giải thích không ? Chúng ta hãy để những thứ đó rơi xuống đi, đừng nói gì hết. Thật là khỏe khoắn khi chẳng nói gì, khi để mặc cho người ta muốn phê phán gì thì phê phán !... Ôi sự thinh lặng diễm phúc đã mang lại bình an biết bao cho tâm hồn"[1]

 

Suy niệm để lần hạt Mân Côi

1. Tình yêu không nghĩ đến điều xấu. "Anh hãy nhắc nhở cho ai nấy phải phục tùng và tuân lệnh các nhà chức trách, các người cầm quyền, phải sẵn sàng làm mọi việc tốt, và đừng chửi bới ai, đừng hiếu chiến, nhưng phải hiền hòa, luôn luôn có lòng nhân từ với mọi người. Thật vậy, cả chúng ta nữa, xưa kia chúng ta cũng ngu xuẩn, không vâng lời, lầm lạc, làm nô lệ cho đủ thứ đam mê và khoái lạc, sống trong gian ác và ghen tị, đáng ghét và ghen ghét lẫn nhau" (Tt 3,1-3). Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một quả tim nhân hậu.

2. Tình yêu không nghĩ đến điều xấu. "Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người nầy có điều gì phiền trách người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau" (Col 3, 12-13). Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tinh thần nhân hậu, hằng tỏ ra thuận lợi cho tha nhân trong mọi hoàn cảnh.

3. Tình yêu không nghĩ đến điều xấu. "Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán...Hỡi kẻ đạo đức giả ! Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em" (Mt 5, 1. 5). "Anh em đừng nói xấu nhau. Ai nói xấu hoặc xét đoán anh em mình là nói xấu và xét đoán lề luật... Vậy anh là ai mà dám xét đoán người thân cận ?" (Jc 4, 11-12). Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi ý muốn quyền lực thường tỏ lộ ra qua tinh thần xét đoán nầy.

4. Tình yêu không nghĩ đến điều xấu. "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải đến bảy lần không ? Chúa Giêsu đáp : Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy" (Mt 18, 21-22). "Anh em phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô" (Ep 4, 32). Lạy Chúa Thánh Thần, xin gợi lên trong chúng con tinh thần tha thứ không ngừng.

5. Tình yêu không nghĩ đến điều xấu. "Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên nầy thì hãy giơ cả má bên kia nữa" (Lc 6, 27-29). Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tha thứ cho các lý hình, xin ban cho chúng con ơn tha thứ cho kẻ thù của chúng con và từ chối mọi thứ trả thù.


[1] Jean Vanier, La Communauteù lieu du pardon et de la feâte, Fleurus 1979, p.16-17

Tác giả Lm. Trần Minh Huy, pss (Nguyên tác: Dominique AUZENET)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!