.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời Nói đầu

Chương I: Tình Yêu Là Kiên Nhẫn

Chương II: Tình Yêu là Phục Vụ

Chương III: Tình Yêu không ghen tương

Chương IV: Tình Yêu Không Khoe Khoang

Chương V: Tình Yêu không kiêu căng

Chương VI: Tình Yêu không khiếm nhã

Chương VII: Tình Yêu không tìm tư lợi

Chương VIII: Tình Yêu không nóng giận

Chương IX: Tình Yêu không nghĩ điều xấu

Chương X: Tình Yêu không vui mừng trước bất công

Chương XI: Tình Yêu hân hoan vì chân lý

Chương XII: Tình Yêu tha thứ tất cả và luôn tin tưởng

Chương XIII: Tình Yêu luôn hy vọng và chịu đựng tất cả

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Mười Ba Nét Mặt Tình Yêu
Tác giả: Lm. Trần Minh Huy, pss
Nguyên tác: Dominique AUZENET
CHƯƠNG XI: TÌNH YÊU HÂN HOAN VÌ CHÂN LÝ

1. Tình yêu vui mừng vì điều thiện :

Bài ca đức ái đặt đối nghịch bất công (sự dữ) với chân lý. Tình yêu không thể vui mừng vì sự dữ mà không phủ nhận chính mình. Trái lại, chính bản chất tự nhiên của tình yêu là vui mừng vì chân lý và chia sẻ niềm vui ấy. Theo nghĩa Kinh Thánh, chân lý chính là sự trung tín của Thiên Chúa với những gì Ngài đã hứa. Nhưng ở đây, khi được đặt đối nghịch với bất công, từ ngữ nầy có lẽ có nghĩa là một sự thật luân lý, là sự ngay thẳng trong cuộc sống.

Tình yêu vui mừng về tất cả những gì nó tìm thấy là ngay thẳng, là đẹp đẻ, là tốt lành chung quanh nó. Chúng ta có thể nói rằng vấn đề quan trọng là có một cái nhìn tích cực về tất cả những gì ở quanh chúng ta.

Thực ra còn hơn thế nữa : Đó chính là được nuôi dưỡng cách sâu xa bởi tất cả những hạt giống của Thánh Thần mà chúng ta có thể nhận lãnh không ngừng trên suốt những ngày sống của chúng ta. Đó là điều mà Thánh Phaolô đã nói :

"Thưa anh em, những gì là chân thật cao quí, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh đáng khen, thì xin anh em hãy để ý" (Ph 4, 8).

Chung quanh chúng ta diễn ra lẫn lộn sự dữ và sự lành, bất công và chân lý. Tình yêu ở với chúng ta canh tân chúng ta từ bên trong. Tình yêu ấy lôi kéo chúng ta đến điều thiện, đến công bằng hầu làm cho chúng ta tìm được niềm vui.

"Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối. Anh em phải để Thánh Thần đổi mới anh em và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, để thật sự sống công chính và thánh thiện" (Ep 4, 22-24).

"Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng, mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật" (Ep 5, 8-9).

"Vậy hãy đứng vững : lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an" (Ep 6, 14-15).

Chúng ta có ít nhất một điểm qui chiếu, đó là cách mà các phương tiện truyền thông, báo chí, truyền thanh, truyền hình quan tâm trước hết đến những gì không xuôi, đến cái xấu hiện tại trong thế giới... Mỗi người có thể hơi hơi giống như thế : bi quan về những cái bên lề, và vạch lá tìm sâu... Thực ra, thái độ của người tín hữu được Chúa Thánh Thần canh tân là hoàn toàn ngược lại : một đàng khám phá ra và làm nổi bật giá trị của những gì là thiện, là mỹ trong những cái ở chung quanh chúng ta, vui mừng thấy Thiên Chúa đang hành động, ngay cả ở nơi chúng ta không chờ đợi... và đàng khác lại gieo rắc điều thiện :

"Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng. Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin" (Gal 6, 9-10).

2. Thánh Thần giúp tìm ra con đường chân lý :

Có lẽ bạn nghĩ rằng điều vừa viết có thể là lý tưởng đấy, nhưng thực sự không phải là cái bạn thấy ! Bạn có lý, bởi vì chúng ta luôn ở bên nầy cái mà Chúa đang chờ đợi nơi chúng ta. Chính vì thế mà chúng ta cần phải phó mình cho Chúa Thánh Thần đang ngự trong chúng ta :

"Khi nào Thánh Thần Chân lý đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến" (Jn 6, 13).

Chúng ta phải không ngừng cầu xin Chúa Thánh Thần : Lạy Chúa Thánh Thần, xin soi sáng cho con, xin hướng dẫn con, xin làm cho con khám phá ra và yêu mến sự hiện diện của Chúa là Tình Yêu, Chúa là Đấng luôn hiện diện trong lòng thế giới nầy ...

"Chúng ta càng kêu xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta về Chân Lý, Ngài càng dẫn dắt chúng ta khám phá được cái bên kia của các biểu diện bên ngoài. Trí khôn được Chúa Thánh Thần Tình Yêu soi dẫn sẽ biện phân được sự thật ẩn chứa sâu xa trong các con người, các tình huống, các sự vật và sẽ được hân hoan vì nó. Trí khôn sẽ hưởng nếm sự khôn ngoan ẩn dấu của Thiên Chúa, vốn hằng tỏ mình ra. Trí khôn con người từ bỏ chính mình khi không tìm kiếm chân lý, cũng như nó từ bỏ chính mình khi tự mãn về ý ngay lành, sự chân thật của mình và khi không đón nhận những gì Chúa đã nói qua mạc khải, cũng như các con người và các biến cố"[1]

Chúa Giêsu đã giáo dục các môn đệ cái nhìn biết thấy xa hơn những biểu diện bên ngoài, dù xem ra tốt lành. Chỉ có cái nhìn nầy cho ta đón nhận được niềm vui chân thật vốn là một hoa quả của Chúa Thánh Thần. Chẳng hạn đoạn Tin Mừng nói về việc 72 môn đệ được sai đi truyền giáo từng hai người một, lúc trở về vui mừng khẳng định :

"Thưa Thầy, nghe đến Danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con. Chúa Giêsu bảo các ông : Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống. Đây, Thầy ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời" (Lc 10, 17-20).

Có lẽ các môn đệ hơi bị ngây ngất vì đã kinh nghiệm được quyền năng nhiệm mầu của Chúa Thánh Thần trong khi họ thi hành nhiệm vụ. Chúa Giêsu kéo họ về với những thực tại sâu xa hơn : người môn đệ không xác định mình bởi hành động phục vụ Thầy, dù hành động đó mạnh mẽ đến đâu, nhưng là bởi ân sủng được dự phần nhận lãnh vinh quang bên cạnh Chúa Cha... Đó mới thật là Chân lý, đó mới thật là niềm vui đích thực...

Và chính Chúa Giêsu cũng cảm kích trước vẻ đẹp của sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà kinh ngạc :

"Ngay giờ ấy, được Chúa Thánh Thần tác động, Chúa Giêsu vui mừng hớn hở nói : Lạy Cha là chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều nầy, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha" (Lc 10, 21).

Nếu chúng ta đặt lại lời cầu nguyện nầy trong lòng tình huống của Chúa Giêsu lúc bấy giờ, chúng ta thấy được rằng sứ điệp của Chúa Giêsu không được các thành phố quanh biển hồ Tibêria đón nhận, chỉ có những người nghèo hèn và bé nhỏ mở lòng ra với những phong phú mà Ngài đã lãnh nhận từ Chúa Cha để trao ban cho mọi người... Tuy nhiên, sự khôn ngoan của Tình Yêu Thiên Chúa được tỏ lộ ra trong lòng sự thất bại nầy : Tình Yêu bị đóng đinh của Chúa Cha và Chúa Con chỉ được đón nhận bởi một tâm hồn khiêm tốn và tước bỏ hết mọi tự phụ cao ngạo...

Thánh Phaolô cũng nhấn mạnh tương tự trong thư gởi tín hữu Rôma, khi nói về sự đau khổ của ngài vì các anh em Dothái từ chối Đức Giêsu như là Đấng Thiên Sai :

"Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào ! Quyết định của Người ai dò cho thấu ! Đường lối của Người ai theo dõi được ! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa ? Ai đã làm cố vấn cho Người ? Ai đã cho Người trước để Người phải trả lại sau ? Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và qui hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời. Amen" (Rm 11, 33-36).

Như Chúa Giêsu và thánh Phaolô, chúng ta cũng có thể nhảy lên vui mừng khi để Chúa Thánh Thần cho chúng ta biện phân được sự có mặt của Chân Lý của Thiên Chúa... Với Mẹ Maria, Đấng mà tâm trí "nhảy mừng trong Thiên Chúa cứu độ" (Lc 1, 47), chúng ta sẽ sống lời cầu nguyện tạ ơn.

3. Tình yêu làm chứng niềm vui chân lý ban tặng :

"Tất cả mọi người đều lo tìm kiếm chân lý, nhất là trong những gì liên quan đến Thiên Chúa và Giáo Hội của Người. Và một khi đã nhận biết chân lý thì họ ôm chặt chân lý và luôn trung thành với chân lý. Bổn phận ấy xuất phát tự "chính bản chất của con người". Bổn phận nầy không nói nghịch lại "sự tôn trọng chân thành" đối với các tôn giáo khác nhau "thường mang lại một tia sáng chân lý chiếu soi cho mọi người", cũng chẳng nghịch lại yêu sách bác ái vốn thúc đẩy các kitô hữu "hành động với tình yêu thương, cẩn trọng, nhẫn nại đối với những ai đang ở trong lầm lạc hoặc trong sự vô tri đối với đức tin".[1]

"Chính vì thế mỗi người chúng ta, nhờ bí tích Rửa tội và Thêm sức, được thiết lập làm chứng nhân chân lý. Chúa Giêsu nói về Gioan Tẩy Giả : "Ông đã làm chứng cho Chân Lý" (Jn 5,33). Và Chúa Giêsu khẳng định về chính Người trước mặt Philatô : Tôi đã sinh ra và đến thế gian nhằm mục đích nầy là làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi" (Jn 18, 37). "Người tín hữu không được hổ thẹn làm chứng cho Chúa" (cf 2 Tim 1,8). Trong những tình huống đòi hỏi xác nhận đức tin, người tín hữu phải dứt khoát tuyên xưng đức tin chứ không lập lờ, theo gương thánh Phaolô trước các quan tòa. Người tín hữu phải giữ "một lương tâm không có gì khiển trách được trước mặt Thiên Chúa lẫn người đời"(Ac 24, 16)".[1]

Việc làm chứng cho Chúa Giêsu đã luôn khó khăn. Ngay từ những buỗi đầu Phúc Âm, các kitô hữu đã phải đương đầu với thực tại tử đạo, là hình thức cao nhất của việc làm chứng tá. Chúng ta cần nhớ lại điều đó khi chúng ta biểu lộ những do dự để tuyên bố thuộc về Chúa trong những tình huống cụ thể. Vì thế, chúng ta cần mở rộng lòng chúng ta ra với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, trong thời gian cầu nguyện hằng ngày, đều đặn và bền vững, để trở nên những chứng nhân bạo dạn cho Chân Lý.

"Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần trí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thánh Thần mang đến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ" (2 Tim 1, 7).

"Điều người ta chờ đợi nơi mọi người rao giảng Phúc Âm là họ có lòng tôn kính chân lý, càng hơn thế vì chân lý mà họ đào sâu và truyền thông không là gì khác hơn là chân lý đã được mạc khải và do đó, hơn hết tất cả, mà chân lý đệ nhất là chính Thiên Chúa. Vậy người rao giảng Phúc Âm sẽ là người luôn luôn tìm kiếm chân lý mà mình phải chuyển đạt lại cho kẻ khác, dù có phải trả giá bằng sự từ bỏ bản thân và đau khổ. Người rao giảng Phúc Âm không bao giờ phản bội lại hay che giấu chân lý vì nỗi lo muốn làm vui lòng con người, sợ làm ngạc nhiên hay va chạm, mà cũng chẳng vì tính độc đáo hay ước muốn xuất hiện nổi hơn người. Người không từ chối chân lý. Người không làm chân lý mạc khải ra tối tăm, vì lười biếng tìm kiếm chân lý, vì tiện nghi, vì sợ sệt. Người không quên lãng việc học hỏi chân lý. Người quảng đại phục vụ chân lý, chứ không nô lệ hóa chân lý"[1]

"Nếu chúng ta sống niềm vui nội tâm làm cho cuộc đời  chúng ta phù hợp với chân lý, chúng ta cũng sẽ biết chuyển đạt niềm vui ấy cho kẻ khác."Chớ gì mọi người của thời đại chúng ta đang tìm kiếm, khi thì trong lo âu, lúc lại trong hy vọng, có thể lãnh nhận được Tin Mừng, không phải bởi những người rao giảng Phúc Âm buồn phiền và chán nãn, thiếu nhẫn nại và lo âu, nhưng là từ những thừa tác viên của Phúc Âm mà đời sống tỏa rạng lòng nhiệt thành, họ là những người đầu tiên nhận lãnh trong mình niềm vui của Chúa Kitô và chấp nhận cống hiến cuộc đời mình để Nước Trời được loan báo và Giáo Hội được bén rễ vào lòng thế giới"[1]

4. Tình yêu từ chối sự dối trá :

Trong bài suy niệm về cách thức mà Tình Yêu chia sẻ niềm vui của chân lý nầy, ta không thể nào được quên nói về sự dối trá. Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ tình yêu vô điều kiện đối với chân lý : "Lời các con phải có thì nói có, không thì nói không" (Mt 5, 37). Sách Giáo Lý Công Giáo dành cả một chương chú giải điều răn thứ tám nhấn mạnh tầm quan trọng của chân lý trong tương quan với tha nhân (số 2464-2513). Một đoạn liên quan đến nói dối và nêu lên các trích dẫn là điều tốt, bởi vì chúng ta cần nắm rõ tác động của việc nói dối trên cuộc sống xã hội của chúng ta[1] :

"Khi nói dối, người ta trực tiếp xúc phạm đến chân lý. Nói dối là nói hay hành động nghịch với chân lý để lừa gạt. Nói dối làm hại đến tương quan giữa con người với chân lý và con người với nhau, nên kẻ nói dối xúc phạm đến tương quan nguyên thủy giữa con người và lời nói của con người với Thiên Chúa" (Giáo Lý Công Giáo số 2483).

"Nói dối, (vì xúc phạm đến đức tính chân thật), thực sự là một hành vi thô bạo đối với kẻ khác, xâm phạm đến khả năng nhận thức là điều kiện để họ phán đoán và quyết định. Nói dối gây chia rẽ giữa người với người, và mọi tệ hại do chia rẽ mà ra. Nói dối là tai họa cho mọi xã hội, làm cho người ta không còn tin tưởng nhau, và phá hoại những mối tương giao trong xã hội" (số 2486).

"Ai lỗi phạm đến công bình và chân lý đều phải đền bù, dù đã được thứ tha. Khi không thể đền bù cách công khai thì phải làm kín đáo ; nếu không thể đền bù cách trực tiếp cho người bị hại thì phải đền bù về tinh thần và đức ái. Ai lỗi phạm đến thanh danh kẻ khác cũng phải đền bù như thế. Phải đền bù tinh thần và đôi khi về mặt vật chất tương xứng với thiệt hại đã gây ra. Đây là nghĩa vụ lương tâm" (số 2487).

Phải kết thúc rồi chăng ? - Không, vì chủ đề nầy cần phải được khai triển thêm nhiều. Nhưng trong khi kết thúc bài suy niệm nầy, cùng với thánh Catarina đệ Siêna, chúng ta cầu mong Lời Chúa đánh thức chúng ta :

"Thiên Chúa không muốn và không tìm kiếm cái gì khác ngoài sự thánh hóa chúng ta. Chính vì điều đó mà Ngài đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh và nên giống Ngài, và Ngôi Lời dịu dàng đã muốn trao ban mạng sống Ngài với biết bao yêu thương, và như thế Ngài đã tỏ chân lý của Ngài cho chúng ta. Linh hồn nhìn ngắm chân lý cách rõ ràng thì không còn mê ngủ nữa, nhưng sẽ tỉnh dậy và hăm hở tìm kiếm cách thức, con đường và thời giờ để kiện toàn chân lý. Linh hồn không để việc ấy qua ngày mai, vì nó không chắc có được chân lý"[1]

 

Suy niệm để lần hạt Mân Côi

1. Tình yêu vui mừng vì sự thật. "Thưa anh em, những gì là chân thật, cao quí, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì anh em hãy để ý" (Phil 4,8). Người tín hữu được Chúa Thánh Thần đổi mới khám phá ra được và coi trọng tất cả những gì là thiện là mỹ ở chung quanh mình, người hân hoan nhận thấy Chúa làm việc ở cả những nơi mà người chẳng hề chờ đợi. Chúng ta hãy cầu xin ơn nầy cho chúng ta để gieo vải niềm vui trong gia đình chúng ta.

2. Tình yêu vui mừng vì sự thật. Trước mặt bà Isave, Mẹ Maria vui mừng cách sâu xa vì ơn đã làm cho Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa : "Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi" (Lc 1,46-47). Mẹ Maria đón nhận Chân lý sứ mệnh mình, và Mẹ đã không sợ tỏ lộ niềm vui vì nó một cách công khai. Chúng ta hãy xin ơn ca tụng trong khiêm tốn, vì khiêm nhường chính là chân lý.

3. Tình yêu vui mừng vì sự thật. Chúa Giêsu đã nói : "Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống" (Jn 14,6). Ngài cũng nói : "Ai thuộc về Chân Lý thì nghe tôi" (Jn 18,37). Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người nam cũng như nữ đang tìm kiếm Chân Lý. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần đánh động lòng họ nhờ ơn soi sáng của Ngài.

4. Tình yêu vui mừng vì sự thật. Trước mặt Philatô, Chúa Giêsu khẳng định : "Tôi sinh ra và đến trong thế gian nầy chỉ để làm chứng cho Chân Lý" (Jn 18,37). Chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta là những chứng nhân đích thực cho Chân Lý là Chúa Giêsu và đang được Giáo Hội truyền đạt.

5. Tình yêu vui mừng vì sự thật. Chúa Giêsu đã dạy tình yêu vô điều kiện đối với chân lý cho các môn đệ của Người : "Lời của các con phải có thì nói có, không thì nói không" (Mt 5,37). Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người chúng ta quen biết được tình yêu chân lý nầy, hầu nó làm cho họ biết từ chối dối trá. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện để trổi lên những ngôn sứ giữa những người có trách nhiệm chính trị hầu họ mang lại ánh sáng chân lý.

Tác giả Lm. Trần Minh Huy, pss (Nguyên tác: Dominique AUZENET)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!