.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Phần I: Cha Xứ Như Lòng Mong Ước

Phần II: Cha Phó Dễ THương

Phần III: Thầy Xứ Tuyệt Vời

Phần IV: Những Trông Đợi

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Lớp Thần Học bổ túc (2006-2007)
Tác giả: Lm. Trần Minh Huy, pss
PHẦN I: CHA XỨ NHƯ LÒNG MONG ƯỚC

1.         TƯƠNG QUAN VỚI GIÁM MỤC BẢN QUYỀN

a.      Những gì nên cư xử, nên nói và nên làm

·      Nhìn thấy nơi Giám Mục Bản Quyền một người cha thực sự. Kính trọng ngài vì là đại diện Chúa Kitô. Hy sinh ý riêng. Vâng lời trong cảm phục, yêu mến và hiếu thảo.

·      Cởi mở trong đối thoại và hiệp thông trong tình yêu thương chân thành, cùng linh mục đoàn hiệp nhất xung quanh ngài.

·      Báo cáo hiện tình giáo xứ. Trình bày những khó khăn của mình (cá nhân cũng như khi thi hành sứ vụ); trình bày chương trình, kế hoạch của giáo xứ.

·      Sẵn sàng hợp tác và thi hành nhiệm vụ được Đấng Bản Quyền trao; sẵn sàng rời bỏ nhiệm vụ và nhiệm sở khi ngài cần. Vâng lời trong trạng thái nội tâm và sẵn sàng làm theo ý ngài.

·      Thánh Phaolô đã nói về Chúa Giêsu “đã vâng lời đến chết và chết trên thập giá” (Pl 2, 8), vì thế cần vâng lời triệt để. Thánh nhân còn dạy: “Chúa Giêsu đã học biết thế nào là vâng lời nhờ các đau khổ của Người” (Dt 5, 8).

·      Tóm lại, sự vâng phục chẳng làm mất giá trị của linh mục, nhưng đề cao giá trị trách nhiệm Chúa trao cho; vâng lời với tất cả lòng kính trọng và vâng phục đến từ con tim chứ không phải bởi quyền lực và lý lẽ.

b.     Những gì không nên cư xử, nói và làm

·      Không xin được bổ nhiệm chức vụ; không tự ý xin nhiệm sở, hay đến một nơi nào; không từ chối đến nơi nào khi được yêu cầu.

·      Không bao giờ than phiền về ngài với anh em như  “đổ dầu vào lửa”; không nói hành, nói xấu; “lá mặt, lá trái”; “kính nhi viễn chi”. Không cầu vinh, “a dua, xu nịnh”

·      Không lạm dụng lòng khoan dung, nhân từ, rộng lượng, cởi mở của ngài.

·      Làm mọi việc theo ý Đấng đã sai mình, chứ không phải là làm theo ý kiến cá nhân của mình.

·      Không bao giờ làm gì ngoại lệ tại giáo xứ mình được trao phó mà không được phép của Đấng Bản Quyền.

·      Để giữ sự hòa hợp trong giáo xứ, không tùy tiện làm theo ý riêng hay ý của một người nào đó trong giáo xứ, mà phải làm theo qui định chung của Giáo Phận.

·      Không vào bè phái, phe nhóm, gây áp lực, khó dễ, hay nói với giáo dân và những người khác những điều không cần thiết về Giám mục của mình.

·      Tránh lối tùng phục “bằng mặt mà không bằng lòng” hay “quyền phục, lý phục mà tâm không phục”.


 
 

2.         TƯƠNG QUAN VỚI CÁC LINH MỤC ĐÀN ANH

a.      Những gì nên cư xử, nói và làm

·      Kính trọng các linh mục đàn anh vì họ là người đi trước, nhiều kinh nghiệm, nhiều hy sinh và nhiều cống hiến cho Giáo Hội. Yêu mến trong tình huynh đệ bí tích; hợp tác trong công việc; hiệp nhất trong linh mục đoàn.

·      Cảm thông với người lầm lỗi; trung dung trong các tranh cãi; khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm. Tìm dịp thuận tiện để thăm viếng, an ủi các đấng ốm đau, bệnh tật.

·      Tỏ lòng biết ơn và luôn giữ mối tương quan trong tình tương thân tương ái với các linh mục đàn anh, hiểu hoàn cảnh cụ thể của các ngài.

·      Cần học hỏi kinh nghiệm, đời sống thiêng liêng, và đời sống tông đồ của các ngài.

·      Năng lui tới và sống hiệp thông với các vị trong Hạt.   Luôn giữ mối liên lạc với các linh mục trong cùng một địa bàn hay cùng hạt mà mình phục vụ.

·      Đích thân và cổ vũ anh em năng đến thăm các vị đã nghỉ hưu. Có thể nhờ các ngài giải tội và linh hướng.

·      Kính trọng tuổi tác và kinh nghiệm của các vị ấy, bàn hỏi, học tập kinh nghiệm mục vụ, về cuộc sống, cộng tác với các ngài trong việc chăm sóc các linh hồn. Giúp đỡ và cảm thông khi gặp khó khăn.

 

b.     Những gì không nên cư xử, nói và làm

·      Không xem thường những vị già nua, tuổi tác; không tự cao, tự đại vì kiến thức mới mẻ, vì sức khoẻ hơn người.

·      Không tách mình ra xa, cục bộ; không bè phái, chia rẽ. Không nói hành, nói xấu; chỉ trích và công kích khi có bất đồng. Không bất hoà, cho dù có những bất đồng; không ham dành phần thắng và không so đo tính toán thiệt hơn.

·      Không tìm “khẳng định mình” mà vùi người lầm lỗi xuống hố.

·      Không phê bình hay đòi họ phải làm giống như thế hệ của mình. Không chê bỏ vị tiền nhiệm đã làm việc nơi giáo xứ mà nay mình đang phục vụ.

·      Không coi thường hay thiếu kính trọng, chê bai các ngài lạc hậu không cập nhật với thời đại, khó tính, không hiểu và thông cảm với linh mục trẻ.

 

3.         TƯƠNG QUAN VỚI CÁC LINH MỤC ĐÀN EM

a.      Những gì nên cư xử, nói và làm

·      Yêu thương huynh đệ, gần gũi, cởi mở chia sẻ; sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm và kiến thức. Ân cần, khiêm tốn, tận tình khi được yêu cầu góp ý, xây dựng.

·      Hợp tác trong công việc; hợp nhất, nâng đỡ, động viên người gặp khó khăn. Cảm thông với người lầm lỗi. Trung dung trong các tranh cãi; mau giải hoà những bất đồng.

·      Cần lo liệu cho các linh mục trẻ trong những năm đầu mới chịu chức có những điều kiện dễ dàng về đời sống và công việc mục vụ.

·      Luôn tìm cách giúp đỡ và cộng tác làm việc với các linh mục trẻ trong địa hạt của mình.

·      Thông cảm và tạo điều kiện cho linh mục đàn em làm việc mục vụ tốt hơn mình càng tốt.

·      Đón nhận họ như những người em, giúp đỡ họ trong những công tác đầu tiên của sứ vụ linh mục, hiểu tâm trạng, các dự tính của họ cách thiện chí. Tạo điều kiện để họ làm việc mục vụ cũng như phát triển nhân cách và nhân đức.

·      Quan tâm đời sống tinh thần, vật chất, chia sẻ kinh nghiệm mục vụ, cách ứng xử trong giao tiếp với các hội đoàn cũng như mọi thành phần trong xã hội.

·      Chia sẻ công việc và quyền điều hành, tiền bạc rõ ràng, công bằng, đối thoại cởi mở, sống vui tươi hiệp nhất, sửa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ. Giúp nhau trong đời sống thiêng liêng, trí thức, vật chất.

 

b.     Những gì không nên cư xử, nói và làm

·      Không nói hành, nói xấu. Không hống hách, trưởng giả, tự cao, tự đại. Không cục bộ; chỉ trích, công kích khi có bất đồng. Không bè phái, chia rẽ, đố kỵ. Không bất hoà cho dù có những bất đồng.

·      Không ham dành phần thắng, so đo tính toán thiệt hơn. Không tìm “khẳng định mình” bằng cách vùi người lầm lỗi xuống hố.

·      Không phê bình, nhưng tìm mọi cách nâng dỡ đàn em, vì những khó khăn và thử thách ban đầu của đời sống thực tế rất khác với những gì đã học trong Chủng Viện.

·      Không để linh mục trẻ nghĩ mình đã học đầy đủ hết, mà không tự đào tạo bản thân để trưởng thành hơn và thích nghi với môi trường phục vụ.

·      Không ghen tỵ, sợ linh mục trẻ giỏi hơn mình rồi tìm cách đè bẹp, chê trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm, đối xử như người giúp việc, có khi còn nói tiếng nặng, tiếng nhẹ, thậm chí còn đập bàn, đập ghế…

·      Không nên nói xấu, kể chuyện của họ với giáo dân và người khác…

 

4.         TƯƠNG QUAN VỚI CÁC CHỦNG SINH DỰ BỊ VÀ CÁC MẦM NON ƠN GỌI GIÁO SĨ

a.      Những gì nên cư xử, nói và làm

·      Yêu thương, khích lệ, nâng đỡ tinh thần và vật chất.

·      Khuyến khích lập Hội Cổ Võ Ơn Gọi, và tích cực tham gia. Luôn cổ võ ơn gọi trong cộng đoàn giáo xứ. Lập Gia Đình Ơn Gọi trong giáo xứ (gồm tất cả những người đang tu, đang tìm hiểu ơn gọi, và có ý hướng đi tu), sinh hoạt mỗi năm một lần vào dịp Tết (liên hoan, tặng quà).

·      Lập Nhóm Ơn Gọi trong giáo xứ (gồm những em có hướng đi tu), học mỗi tuần một buổi. Quan tâm, biết hoàn cảnh của từng người, để có thể giúp đỡ phù hợp.

·      Đón nhận tất cả các em muốn đi tu. Tạo điều kiện để các em có thể phục vụ Bàn Thánh (giúp lễ).

·      Lấy tình cha con chăm sóc các ơn gọi và chủng sinh nối tiếp mình; hướng dẫn cho họ sống ơn gọi của mình. Trao cho họ vài công việc vừa sức họ, để huấn luyện họ.

·      Kêu gọi mọi người cầu nguyện, khích lệ, động viên, nâng đỡ các ơn gọi. Lo cho giáo lý ơn gọi, huấn luyện các em giúp lễ, tiếp xúc với từng em để phát hiện những tài năng và ý Chúa nơi các em, giúp các em can đảm lựa chọn.

·      Sống trong sáng, vui tươi và nhiệt thành hợp tác với chủng viện trong việc đào tạo linh mục tương lai.

 

b.     Những gì không nên cư xử, nói và làm

·      Không dửng dưng, lạnh lùng. Không từ chối, nếu có ai muốn giúp đỡ. Không coi thường, nạt nộ, hống hách và sống xa cánh các em.

·      Không từ chối những ơn gọi đến với mình, vì sợ mất thời gian hoặc tốn kém tiền của.

·      Không trao cho họ công việc mà họ không thể làm được, ví dụ như giảng dạy.

·      Không tránh né, thờ ơ lãnh đạm với việc cầu nguyện, kêu gọi, khích lệ động viên, giáo dục, hướng dẫn, để cung cấp những ơn gọi cho Giáo hội.

·      Không sống ngược với điều mình dậy bảo, làm gương xấu cho mầm non ơn gọi.

 

5.         TƯƠNG QUAN VỚI CÁC TU SĨ NAM NỮ

a.      Những gì nên cư xử, nói và làm

·      Luôn yêu thương, quan tâm giúp đỡ tu sĩ nói chung, nhất là những người đang cộng tác với mình trong xứ.

·      Cởi mở đón nhận họ như anh chị em; cho họ biết đường hướng mục vụ giáo xứ; đồng hành với họ trong công việc mục vụ; bàn hỏi và trao đổi trước mỗi công việc và tin tưởng họ khi trao công việc.

·     Rút ưu khuyết điểm sau mỗi công việc lớn; khích lệ đời sống thiêng liêng và tông đồ; quảng đại, bác ái và làm gương sáng.

·      Luôn nhớ rằng mọi người đã được rửa tội đều phải cùng nhau làm việc cho Nước Chúa.

·      Lý tưởng chung giữa linh mục và tu sĩ nam nữ đều là dâng hiến trọn vẹn cho Chúa và Dân của Ngài. Phải luôn giữ mối liên hệ thánh thiện để thăng tiến và thánh hóa “tiếng gọi nhân loại” có thể có, ngõ hầu giúp nhau sống sứ vụ tốt hơn (x. Tv 132, 1).

·      Tôn trọng, yêu thương chân thành, vui vẻ, cộng tác và thăng tiến những đặc sủng của họ. Sống trong sự bổ túc, hài hoà và liên đới, quan tâm các cộng đoàn Tu sĩ, cung cấp cho họ giáo lý và tu đức, giúp đỡ và khích lệ họ sống trung thành với ơn gọi.

 

b.     Những gì không nên cư xử, nói và làm

·      Không làm gương mù gương xấu, bè phái và phân biệt giữa các Dòng. Không nói hành nói xấu, làm mất danh dự, tiếng tốt của họ. Không làm hay nói xấu khi vắng mặt. Không làm hay nói lời tiêu cực phá sự hiệp nhất. Không kết án hay xét đoán vội vàng.

·      Không tìm ảnh hưởng hay uy tín cho cá nhân mình. Không đi sâu vào đời sống cá nhân, nhất là đối với nữ tu. Không thấy cần phải nhìn nhận và thăng tiến, cộng tác và nâng đỡ khi họ cần giúp đỡ về tinh thần.

·      Không cục bộ và đánh mãnh: Việc mình mình làm, việc người người làm; nhất là khi có nhiều dòng tu cùng hoạt động; không cùng cộng tác với nhau để làm cho giáo xứ tốt hơn.

·      Không coi thường họ như những người giúp việc hay thuộc hạ, không nói xấu, chê bai, cho rằng họ không giúp được việc gì, chỉ gây rắc rối phiền toái. Không nên có tư tưởng và lời nói “có họ thì tốt, mà không có họ con tốt hơn.”

 

6.         TƯƠNG QUAN VỚI CÁC NỮ TU LỚN TUỔI  VÀ CÓ TRÁCH NHIỆM

a.      Những gì nên cư xử, nói và làm

·      Coi trọng họ như người chị, người mẹ. Giúp đỡ tinh thần và vật chất; làm tốt và nói tốt để yên ủi tuổi già.

·      Trao cho họ những công việc phù hợp. Đáp ứng các nhu cầu, khi có khả năng. Có những buổi chia sẻ để tránh sự cô đơn.

·      Nâng đỡ phần hồn phần xác những người đã có công xây dựng giáo xứ, giáo hội địa phương đến nay phải nghỉ ngơi.

·      Có trách nhiệm với những người cùng phục vụ giáo xứ: kính trọng và giúp đỡ họ.

 

b.     Những gì không nên cư xử, nói và làm

·      Không làm ra vẻ bề trên, nói lời khiển trách nặng. Không sửa sai vội, song tìm hiểu rõ nguyên nhân. Không hống hách và vội chấp nhất. Không khiển trách họ trước công chúng. Không nói tâng bốc, khen không đúng sự thực. Không nói hành tỏi, hay nói sai sự thật.

·      Tỏ ra không tôn trọng các nữ tu lớn tuổi và bênh vực họ khi họ gặp khó khăn trong công việc cũng như trong cuộc sống.

·      Không nên làm mất mặt những nữ tu lớn tuổi trước công chúng.

·      Tránh nói năng, cư xử thiếu lịch sự, tế nhị, tỏ thái độ khinh thường, không tôn trọng, nói xấu, nói hành làm thiệt hại cho họ.

 

7.         TƯƠNG QUAN VỚI CÁC NỮ TU BẰNG TUỔI   VÀ CÓ TRÁCH NHIỆM

a.      Những gì nên cư xử, nói và làm

·      Khôn ngoan và tỉnh thức cầu nguyện.

·      Dùng đúng người đúng việc, nói rõ mục đích, hướng tới. Có kế hoạch, chương trình làm việc cụ thể.

·      Tin tưởng trao công việc. Tôn trọng người cộng tác. Khích lệ đời sống thiêng liêng tông đồ. Cổ vũ, khen thưởng khi cần.

·      Làm và nói tốt cho nhau, đúng sự thật. Quảng đại và không chấp vặt việc nhỏ. Không keo kiệt, cần cởi mở, vui vẻ.

·      Phải biết tôn trọng các nữ tu vì họ là những cộng tác viên, chứ không phải là thuộc hạ hay người giúp việc; luôn sống trong sự bổ túc hài hòa và liên đới.

·      Phải luôn nhớ nhu cầu cầu nguyện và khổ chế. Thánh Phaolô dạy: “Chúng ta gìn giữ kho tàng ấy trong những chiếc bình sành dễ vỡ” (2 Cor 4, 7), bởi vì mọi người đều mang bản tính nhân loại và có phái tính.

·      Chia sẻ kinh nghiệm, đối thoại, hiểu biết, cảm thông, giúp đỡ họ khi có những khó khăn trong cộng đoàn.

·      Giúp nhau sống và chu toàn những điều đã cam kết trong ơn gọi và sứ vụ của mỗi người, vì ơn gọi chung là dâng hiến trọn đời cho Chúa.

b.     Những gì không nên cư xử, nói và làm

·      Không can thiệp sâu vào đời sống cá nhân của họ, và cũng không cho họ can thiệp sâu vào công việc của mình và việc của giáo xứ.

·      Tránh những lời lấy lòng. Không gần gũi quá, giữ khoảng cách; tránh sự sàm sỡ, đùa dỡn quá mức. Tránh sự dèm pha, so sánh nữ tu này với nữ tu kia. Không khinh dể và nói hành kẻ vắng mặt.

·     Không khen người này trách người kia trước mặt ai, nhất là giáo dân. Không bạ đâu nói đấy, kể cả trong việc giao công tác. Không làm và nói khi chưa cần, nhất là khi khiển trách một việc gì.

·      Không coi thường đức khôn ngoan và cảnh tỉnh khi tiếp xúc với họ. Thánh Augustinô dạy “chỉ đến dòng nữ khi cần và đem người đi theo, để giữ gìn danh tiếng của mình và để cho các tâm hồn đã tự hiến cho một mình Chúa chỉ yêu một mình Chúa”.

·      Không được đối xử thiếu tế nhị với họ hoặc không để ý nâng đỡ các nhu cầu về tinh thần cũng như vật chất của họ khi họ cùng làm việc với mình.

·      Không lợi dụng họ, chiếm hữu hay muốn độc quyền, vượt quá giới hạn cho phép.

·      Không can thiệp vào vấn đề kỷ luật và tổ chức nội bộ của họ.

 

8.         TƯƠNG QUAN VỚI CÁC NỮ TU TRẺ

a.      Những gì nên cư xử, nói và làm

·      Đứng đắn, nghiêm túc khi giao tiếp. Cho họ biết nguyên tắc làm việc. Mời cộng tác làm việc trong giáo xứ, trao công việc cụ thể.

·      Cần có những buổi học thêm kỹ năng làm việc; bồi dưỡng thêm đạo đức, kiến thức và nhân bản.

·      Làm gương sáng trong đời sống cầu nguyện và việc tông đồ. Sống vui vẻ cởi mở và quảng đại; nhiệt tình và sáng tạo.

·      Tôn trọng họ là những cộng tác viên, không phải là thuộc hạ hay người giúp việc, sống hài hòa và liên đới. Sống hòa thuận để làm gương cho giáo dân.

·      Giúp đỡ họ về tinh thần cũng như vật chất cần thiết cho công việc tông đồ. Mời họ cộng tác trong việc từ thiện bác ái, dạy giáo lý.

·      Cần giữ trong đầu và tâm hồn sự lệ thuộc của họ và của mình đối với Chúa. Cầu nguyện cho họ và cho chính mình.

·      Tương quan cởi mở, hiểu nhau, chia sẻ sứ vụ, khó khăn, tin tưởng, cảm thông, chăm sóc, giúp đỡ nhau chu toàn sứ vụ và cam kết ơn gọi của mỗi người.

 

b.     Những gì không nên cư xử, nói và làm

·      Không đùa dỡn họ trước công chúng. Không chiều chuộng quá mức cần thiết.

·      Không ép buộc họ phải làm công việc ngoài khả năng. Tránh trao nhiều công việc một lúc, hay trao rồi lại rút lại, thay đổi như chong chóng.

·      Không nên trao đổi hay bồi dưỡng riêng, tránh sự hiểu lầm. Tránh gặp gỡ lâu giờ, nói chuyện to nhỏ. Không tiết lộ chuyện riêng tư, của mình cũng như của người khác. Không nói cho họ biết những gì họ không có trách nhiệm.

·      Không thân mật quá mức, bộc lộ khuynh hướng muốn chiếm hữu, ghen tuông, muốn độc quyền, vì dễ sa ngã. Phải có những giới hạn và nhất là tránh những lời nói thiếu tế nhị, thô tục.

·      Không can thiệp vào chuyện riêng tư của nhà Dòng trong việc họ đổi đi hay ở lại xứ. Không nên coi thường hay gây khó khăn. Không nên nói xấu họ trước mặt người khác.

 

9.         TƯƠNG QUAN VỚI CÁC MẦM NON ƠN GỌI TU SĨ

a.      Những gì nên cư xử, nói và làm

·      Tổ chức các lớp tìm hiểu ơn gọi tu sĩ trong giáo xứ.   Tìm cách tạo điều kiện tốt nhất cho các em được học tập, bổ túc giáo lý, tri thức, tâm lý và tình cảm. Đào tạo nhân bản và giúp các em tập làm việc, nhất là việc thiện, việc bác ái.

·      Cổ vũ, khen thưởng khi có một kết quả tốt trong học tập hay trong công việc. Cổ vũ ơn gọi trong cộng đoàn giáo xứ; đồng thời động viên các em về tinh thần cũng như vật chất.

·      Tổ chức lớp đào tạo ơn gọi cho các em như dạy giáo lý, tu đức cơ bản, nhân bản.

·      Giới thiệu cho các em về ơn gọi Tu Triều và Tu Dòng, cũng như đặc sủng của mỗi Dòng. Nên tổ chức những bữa cơm thân thiện để các em hiểu về ơn gọi và cũng cố tình liên đới giữa các em trong giáo xứ.

·      Cần cổ võ và quan tâm một cách đặc biệt, vì tương lai của Giáo Hội và Xã hội tùy thuộc vào họ. Cần hướng dẫn, động viên, giúp đỡ tinh thần và vật chất, cầu nguyện, sống hài hòa và liên đới. Sống cởi mở, vui tươi, làm gương sáng.

 

b.     Những gì không nên cư xử, nói và làm

·      Tránh những việc làm và lời nói tiêu cực, gây hiểu lầm cho các em. Không trình bày đời tu quá lí tưởng, quá xa thực tế; nhưng cũng không nên nói rõ hết sự bế tắc tiêu cực của đời tu, khiến các em nản lòng.

·      Không nên bỏ qua việc hướng dẫn và đào tạo cơ bản ơn gọi cho các em trong giáo xứ. Không nên chỉ nói về ơn gọi, mà lại chẳng hề đả động đến việc giúp đỡ các mầm non ơn gọi...

·      Tránh những thờ ơ, gây gương mù gương xấu, gây khó khăn. Tránh những việc làm và lời nói máy móc, sai sự thật, nhất là làm hay nói cho xong chuyện.

 

10.     TƯƠNG QUAN VỚI GIÁO DÂN NÓI CHUNG

a.      Những gì nên cư xử, nói và làm

·      Tôn trọng tự do của mỗi người. Vui vẻ, hòa nhã, niềm nở tiếp đón và lắng nghe. Làm sao sau khi tiếp xúc với linh mục, họ cảm thấy an lòng, thoải mái, dễ chịu, dễ mến, nể phục.

·      Đối xử công bằng với hết mọi người, nhất là người nghèo khó, già cả, bệnh tật. Sống tinh thần nghèo khó để thông cảm, gần gũi, chia sẻ. Sống dản dị, sạch sẽ gọn gàng, trong mọi sinh hoạt, và mọi phương tiện sống.

·      Hô hào cổ võ tình hiệp thông trong giáo xứ. Chỉ nói những gì mang tình đoàn kết, mang bình an, mang lại sự hài hòa.

·      Thăm hỏi đến từng gia đình, nhất là gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có bệnh nhân… Người nghèo, già cả, cô đơn là đối tượng Cha xứ năng quan tâm giúp đỡ.

·      Có tinh thần đến để phục vụ, cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ. Tổ chức các ban ngành: khuyến học, hòa giải, bác ái xã hội…

·      Cổ võ việc học hành thăng tiến cho con em, thi đua khen thưởng, tập cho họ biết chia sẻ đùm bọc, nâng đỡ lẫn nhau.

·      Tôn trọng, cổ võ truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương. Tiếp thu những gì mới mẻ hợp đức tin, định hướng cho giáo dân biết sống đức tin và hội nhập đức tin trong các nền văn hóa.

·      Xây dựng tổ chức các lớp giáo lý ở mọi lứa tuổi, kể cả giáo lý hậu hôn nhân, các giờ kinh, chia sẻ Lời Chúa cho các nhóm nhỏ…

·      Nên coi giáo dân như người thân của mình và chắc chắn người giáo dân không bao giờ quên linh mục là người thân của họ.

·      Khi tiếp giáo dân nên vui tươi, cởi mở, dù giàu hay nghèo. Nên chỉnh trang lại quần áo, đầu tóc khi gặp giáo dân để tỏ lòng kính trọng họ.

·      Bàn hỏi với những người giáo dân lớn tuổi và có uy tín trong giáo xứ trước khi làm một việc quan trọng.

·      Cần phải biết giao thiệp với mọi người, kính trọng và yêu thương.

·      Phải nhìn nhận và thăng tiến phẩm giá và sứ vụ giáo dân, sẵn sàng lắng nghe, coi trọng những ước muốn, nhìn nhận kinh nghiệm và chuyên môn của họ trong các hoạt động nhân loại.

·      Phải dẫn dắt giáo dân đi đến hiệp nhất trong sự thật và công ích, hòa giải những khác biệt về tâm thức.

·      Cần quảng đại giúp đỡ họ trong những lúc khó khăn trong đời sống đức tin, về tinh thần, vật chất, văn hóa.

 

b.     Những gì không nên cư xử, nói và làm

·      Không áp đặt, bắt họ phải làm theo ý mình.

·      Không quan liêu, kênh kiệu, đòi hỏi, hách dịch, khép kín; hay lôi thôi nhếch nhác, bừa bãi, hà tiện.

·      Không có tính cục bộ, phân biệt: Nói xấu người này, khích bác người kia, gây chia rẽ, bất đồng…

·      Không để giáo dân phải thất vọng vì thái độ tiếp đón, ra về trong tâm trạng bất phục, không muốn gặp lại.

·      Không trọng phú khinh bần; tỏ ra sang trọng quý phái, đòi hỏi người ta phục vụ quá đáng, hay quá khả năng của họ.

·      Không khép kín, xa cách con chiên bổn đạo, chỉ đến với những nhà giàu có. Tránh sự thiên vị. Không nên sống xa hoa khi giáo dân còn nghèo đói.

·      Không chỉ lo xây dựng vật chất mà quên tinh thần, quên nâng cao trình độ giáo dân, nhất là học sinh, cho rằng học cao sẽ bị nhiễm đời từ đó bỏ đạo.

·      Không đồng tình với các tập tục cổ hủ, nhất là những văn hóa ngược với đức tin, phi nhân bản. Không coi thường truyền thống văn hóa địa phương, hay coi mọi thứ văn hóa mới là xấu.

·      Không rao giảng những gì ngược với đức tin truyền thống của Hội Thánh, sống đạo hình thức. Không nên chửi giáo dân trong Thánh lễ. Tránh những chấp nhất, thù vặt.

·      Không hách dịch, quan liêu khi gặp giáo dân, vì làm như vậy ta chỉ mất người mà thôi.

·      Không nên độc tài, tự mình quyết định tất cả công việc của giáo xứ. Không nên lấy quyền để thống trị, nhưng hãy lấy tình yêu để phục vụ.

·      Cần tránh những hành vi thô tục, quan liêu, hống hách, ích kỷ, độc đoán, nóng nảy, tham lam. Không nên ăn nói cọc cằn, thô tục, thiếu tế nhị, nói xấu, lừa gạt.

 

11.     TƯƠNG QUAN VỚI BAN HÀNH GIÁO

a.      Những gì nên cư xử, nói và làm

·      Tôn trọng tự do khi bầu ban hành giáo. Vui vẻ chấp nhận ban hành giáo do giáo dân bầu, coi họ như cánh tay phải nối dài của mình trong công việc điều hành giáo xứ; hãy quan tâm đến họ, tôn trọng họ; đồng thời lắng nghe những lời góp ý.

·      Kêu mời họ cộng tác bằng những tài năng Chúa ban và những kinh nghiệp quý báu của họ.

·      Tôn trọng quyền của họ và trao quyền, cộng tác, chỉ dẫn chân thành. Tôn trọng những sáng kiến cá nhân cũng như tập thể đưa ra, và nghiên cứu áp dụng.

·      Thận trọng, khoan dung, nhậy cảm. Tạo bầu khí vui tươi, cởi mở, chan hòa, dễ tiếp xúc, coi họ như người nhà, cảm thông, tin tưởng, công bằng và bác ái.

·      Khen thưởng, khuyến khích, động viên, chẳng mất gì lời nói, nhưng làm hài lòng mọi người. Thăm hỏi, tỏ ra quan tâm đời sống tinh thần vật chất, hoàn cảnh của gia đình họ.

·      Tạo uy tín cho Ban Hành Giáo, để họ có uy tín mà làm việc. Họp rút ưu khuyết, thẳng thắn xây dựng, nhưng với tình thương mến. Sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu. Khoan dung, thông cảm, quảng đại, tha thứ cho những khiếm khuyết.

·      Xây dựng tình đoàn kết, cộng tác xây dựng Giáo xứ. Nếu có thể, nên động viên bằng vật chất, hoặc tổ chức vui chơi thư giãn, hay du lịch, picnic… Cùng họ hết lòng vì việc chung, chu toàn bổn phận, xây dựng giáo xứ.

·      Công việc lớn của giáo xứ, nên bàn bạc với Ban Hành Giáo. Những gì Ban Hành Giáo làm được, nên mời họ cộng tác và tin tưởng nơi họ. Nên tổ chức các cuộc họp định kỳ để rút ưu khuyết điểm.

·      Coi trọng họ là những cộng tác viên đắc lực, là bàn tay nối dài trong công tác phục vụ cộng đoàn, biết lắng nghe những ý kiến, những sáng tạo của họ. Nên động viên họ vào những dịp lễ tết.

·      Cần quan tâm đặc biệt trong công việc để kịp thời hướng dẫn động viên về tinh thần cũng như vật chất. 

b.     Những gì không nên cư xử, nói và làm

·      Không chỉ chọn người mình ưa thích; tránh áp đặt  theo ý mình.

·      Không coi thường, phớt lờ, hay bất cần, ôm đồm mà không phân trách nhiệm. Không nên làm hết mọi việc trong giáo xứ, nhất là những việc chuyên môn.

·      Không độc tài, độc đoán, cho mình là mô phạm, là đúng, là tài, là cái gì cũng hay cũng biết. Không theo dõi, nhè miếng … hay nịnh bợ, khen chê không đúng sự thật.

·      Không khó tính khó nết, lạnh lùng, keo kiệt với họ quá: Bảo phải ban, họ mới làm được việc mình giao.

·      Không chê bai, khiển trách công khai, với những lời lẽ thiếu tế nhị, thiếu văn hóa, chạm đến những nỗi đau hay tự ái của họ hay gia đình họ.

·      Không độc đoán, chuyên quyền: cứ từ trên phán xuống, coi họ như dụng cụ, như phương tiện của mình. Coi thường ý kiến đóng góp của họ. Keo kiệt, chỉ biết lợi dụng mà không nghĩ tới những vất vả của họ.

·      Không nên tự mình quyết định tất cả công việc của giáo xứ. Không nên giận dữ, nóng nảy, quát mắng, la rầy Ban Hành Giáo khi họ làm chưa tốt công việc.

·      Không được ủy thác hoàn toàn mọi công việc mà không có sự quan tâm, nâng đỡ về tinh thần và vật chất.

·      Tiền xin lễ không nên giao cho Ban Hành Giáo nhận và giữ vì dễ bị lạm dụng.

  

12.     TƯƠNG QUAN VỚI CÁC ĐOÀN THỂ

a.      Những gì nên cư xử, nói và làm

·      Yêu mến, gần gũi, cởi mở, cảm thông và đồng hành. Xây dựng tình đoàn kết, tương trợ, đối xử công bằng.

·      Nói lời vui vẻ, đôi khi có hài ước, tạo bầu khí nhẹ nhàng, thoải mái. Động viên khích lệ bằng những lời khen ngợi, tuyên dương.

·      Xây dựng, tổ chức, khuyến khích mọi người cùng tham gia, cổ vũ phong trào. Thăm hỏi khi đoàn hội sinh hoạt, quan tâm, săn sóc, dạy dỗ bảo ban, hướng dẫn. Cần vui vẻ tham gia góp ý xây dựng chân thành.

·      Chia phiên buổi sinh hoạt, lập thời biểu rõ ràng và tôn trọng thời khóa biểu. Nhiệt tình giảng dạy, hướng dẫn, mở các lớp học hỏi, khám phá và chia sẻ Lời Chúa.

·      Làm gương sáng trong lời nói cử chỉ, việc làm, nhất là các buổi phụng vụ hay cử hành Bí tích, phải tỏ ra trang nghiêm cung kính. Cổ võ các giờ kinh khu xóm, Liên gia, Gia đình. Tham gia các giờ kinh nguyện tại nhà thờ.

·      Đối với giới trẻ, tạo công ăn việc làm, nếu có thể, tránh tệ nạn xã hội.

·      Tổ chức các lớp giáo lý viên, kêu mời các bạn trẻ tham gia truyền giáo. Sẵn sàng lắng nghe sự góp ý, hay những bày tỏ ưu tư của cá nhân hay đoàn thể.

·      Giáo dục, cổ võ tinh thần bác ái, lá lành đùm lá rách, không những trong xứ họ, mà còn các vùng xa xôi bị thiên tai, bão lụt

·      Nên thành lập các đoàn thể như Dòng Ba, Hội Gia Trưởng, Hiền Mẫu, Thiếu Nhi Thánh Thể. Lo cho mỗi đoàn hội có thánh Quan Thầy và hướng dẫn họ noi gương bắt chước các nhân đức của thánh Quan Thầy.

·      Tôn trọng, quan tâm, khích lệ, đối xử công bằng. Động viên tinh thần và giúp đỡ vật chất. Tham gia góp ý xây dựng chân thành, vui vẻ…

 

b.     Những gì không nên cư xử, nói và làm

·      Không khép kín, bẳn tính, cằn nhằn khi không được ý. Khiển trách, phê bình chỉ trích không đúng nơi, đúng lúc; bảo thủ, hờ hững, lạnh nhạt.

·      Không nên coi đoàn hội này hơn đoàn hội kia, tạo óc cục bộ chỉ biết đoàn thể của mình.

·      Không được có thái độ “bỏ mặc” và thiếu quan tâm hoặc thái độ “cứ vứt nó xuống nước tự nó biết bơi vào”, hoặc ngẫu hứng, tùy tiện, thất thường. Chỉ lo cho mình, ích kỷ, hẹp hòi.

·      Không bác bỏ ý kiến, không muốn nghe trình bày các nhận định hoặc thắc mắc ưu tư của họ.

·      Không thiên vị trong đối xử mà khiển trách trước cộng đoàn; không nên nói hành giữa cộng đoàn.

·      Tránh gây gương xấu, gương mù, cẩu thả, bất kính khi cử hành phụng vụ; chỉ chú trọng hình thức mà thiếu tinh thần truyền giáo. Chỉ co cụm nơi giáo xứ mà không có tính hiệp thông phổ quát.

  

13.     TƯƠNG QUAN VỚI NHỮNG NGƯỜI GIÀ CẢ, BỆNH TẬT VÀ HẤP HỐI

a.      Những gì nên cư xử, nói và làm

·      Thăm hỏi động viên cả tinh thần lẫn vật chất. Kính trọng, yêu thương, vui vẻ, lắng nghe, tỏ ra đồng cảm, yêu mến và nhiệt tình, tận tụy chăm sóc, khi có thể.

·      Người già, bệnh tật thường hôi hám, nên xả thân, thông cảm và gần gũi ân cần khi thăm hỏi.

·      Nói lời lạc quan tin tưởng, cậy trông và phó thác. Động viên họ biết chịu đựng đau đớn để thông phần đau khổ với Chúa, sinh ơn cứu độ cho mình và người khác.

·      Giúp họ thấy Chúa yêu thương họ, chờ đợi họ trên thiên đàng, để họ sẵn sàng vâng theo Thánh Ý Chúa.

·      Quan tâm ban bí tích, nhất là đưa của ăn đàng. Khi cần thiết có bệnh nhân cần xức dầu, sẵn sàng bỏ mọi việc sinh hoạt khác, kể cả giờ kinh hay ăn uống. Luôn sẵn sàng lên đường ban bí tích Xức dầu cho bệnh nhân vào bất cứ giờ nào. Nếu có thể, cố gắng hiện diện trong giờ lâm tử của những người hấp hối.

·      Tổ chức các buổi cầu nguyện mừng thọ, thượng thọ, đại thọ… có quà tặng để họ vui sống lạc quan hơn. Động viên con cháu họ quan tâm chăm sóc và chiều chuộng, tỏ ra hiếu thảo hơn với những người sinh thành dưỡng dục mình.

·      Những giờ rảnh rỗi nên đi thăm những người đau ốm bệnh tật nơi mình phụ trách, nhờ đó họ được an ủi.

·      Nên có một chút quà nhỏ khi đi thăm những người đau ốm bệnh tật. Giao tiếp cần cởi mở, hài hòa để qua đó họ nhận thấy tình thương, bình an của Chúa.

b.     Những gì không nên cư xử, nói và làm

·      Không coi thường, bất kính, lạnh lùng, quên lãng những người già cả, bệnh hoạn, hấp hối trong xứ. Không nói nhiều về hình phạt, những lời bi quan, rầu rĩ.

·      Không làm cho họ quá sợ hải sự công thẳng, mà không giúp họ thấy tình yêu thương vô bờ của Chúa, nhất là giờ hấp hối.

·      Không lười biếng để bỏ lỡ cơ hội ban bí tích sau cùng cho họ (sẽ phải vô cùng ân hận khi họ chết mà không được lãnh nhận các bí tích). Lười, sợ mà xa lánh. Không tỏ thái độ kinh tởm, xa tránh, bịt mũi cho người bệnh phải tủi thân.

·      Không hờ hững, thiếu quan tâm hay đồng tình với con cháu vì phục vụ vất vả mà có thái độ chán nản, thất vọng, ơ hờ với các cụ.

·      Không được chậm trễ hay từ chối ban các bí tích cho họ trong giờ hấp hối, giúp họ được an bình ra đi tiến về đời sau.

 

14.     TƯƠNG QUAN VỚI CÁC GÓA PHỤ,  NHẤT LÀ GÓA PHỤ TRẺ

a.      Những gì nên cư xử, nói và làm

·      Tôn trọng, thông cảm, vui tươi, nhưng mực thước, luôn biết tạo khoảng cách an toàn. Lời nói nghiêm chỉnh, đứng đắn.

·      Quan tâm, động viên, khích lệ. Cần quan tâm nâng đỡ, ủi an, tạo những mối tương quan tốt để làm vơi đi nỗi đau thương mất mát. Nên tạo cho họ tham gia các đoàn hội, để họ nhận thấy niềm vui mà đến gần với Chúa hơn. Định hướng cho họ về công ăn việc làm- kể cả giúp đỡ phần kinh tế nếu cần, vì họ là những người cần được nâng đỡ.

·      Giao tiếp hài hòa, cởi mở, động viên, khích lệ để họ có đủ can đảm sống đức tin của mình, để họ cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc đích thực.

 

b.     Những gì không nên cư xử, nói và làm

·      Không khinh thường xa lánh hay gần gũi quá. Không nói đùa dỡn, cợt nhả, bất nhã. Không nên nói những lời thô tục, thiếu tế nhị, một lời hai ý.

·      Không nên quá thân mật, gặp gỡ riêng tư lâu giờ ở những nơi kín đáo, vì có thể gây nguy hiểm cho họ và cho mình.

·      Không được có những tư tưởng hay hành động bao biện, muốn chiếm đoạt hay để họ quá cậy dựa và lệ thuộc vào mình.

 

15.     TƯƠNG QUAN VỚI GIỚI TRẺ

a.      Những gì nên cư xử, nói và làm

·      Đứng đắn trong lời nói việc làm; nên mẫu gương tốt lành để các em tín nhiệm noi theo, giúp các em bước vào cuộc sống.

·      Cần có Thánh Lễ, lớp giáo lý, những buổi gặp gỡ sinh hoạt lành mạnh cho giới trẻ, để tiếp tục giáo dục đời sống đức tin và nhân bản cho các em.

·      Động viên tất cả các bạn trẻ trong xứ tham gia, nhờ đó họ năng lãnh nhận các bí tích, tập tành nhân đức, sửa chữa sai phạm và hình thành cho mình một hướng đi tốt.

·      Nên sống thân tình, gần gũi bằng tư tưởng, lời nói cũng như trái tim. Nên giữ mối liên hệ đối với những bạn trẻ đi làm ở xa bằng thư từ, điện thoại…

·      Quan tâm tổ chức những buổi sinh hoạt, toạ đàm với giới trẻ về đức tin và cuộc sống.

·      Có thể tư vấn, tạo công ăn việc làm và hướng dẫn giới trẻ chọn nghề, chọn người bạn đời.

 

b.     Những gì không nên cư xử, nói và làm

·      Tránh những lời nói khiếm nhã hoặc nóng nảy gắt gỏng cũng như những việc làm thiếu đứng đắn làm mất uy tín người mục tử. Hòa đồng với giới trẻ, nhưng không thể tự đồng hóa.

·      Không có thái độ độc tài, phân biệt đối xử giữa các thành viên; không nên thân thiện quá, nhất là đối với các bạn nữ khiến người ta dễ hiểu lầm không hay.

·      Không nên dùng những lời thiếu lịch sự trong đối thoại. Linh Mục là khuôn mẫu cho các bạn trẻ trong giáo xứ.

·      Không nên đồng hoá với giới trẻ như uống rượu, hút thuốc…. Không nên có những lời nói, cách cư xử, ăn mặc như những thanh niên ngoài xã hội.

·      Không nên làm ngơ trước những nhu cầu cần thiết của người trẻ; phó mặc giới trẻ cho cha phó, thầy xứ, các dì … chịu trách nhiệm.

 

16.     TƯƠNG QUAN VỚI GIỚI THIẾU NHI

a.      Những gì nên cư xử, nói và làm

·      Vui vẻ nhưng nghiêm túc; lời nói cũng như việc làm phải đứng đắn để trẻ kính trọng.

·      Cần giáo dục về đức tin cũng như đời sống nhân bản cho các em.

·      Có những lớp giáo lý, những thánh lễ dành riêng cho thiếu nhi.

·      Nên coi các em như những người con để tận tình hướng dẫn, chỉ bảo…, hầu giúp các em sống mỗi ngày một tốt hơn.

·      Nên dùng những lời nói nhẹ nhàng. Trong giao tiếp nên dùng những cử chỉ gần gũi, thân thiện và tỏ ra hiểu nhu cầu của các em.

·      Hãy hết sức qua tâm, nâng đỡ, thúc dục các em chuyên chăm lo việc đạo đức.

·      Có chương trình cụ thể cho việc Xưng Tội Rước Lễ lần đầu, Thêm Sức trong năm.

·      Đây là những mầm non của Gíao Xứ và Giáo Hội. Vì thế, phải quan tâm dạy giáo lý cho thiếu nhi, phân các lớp giáo lý theo từng lứa tuổi, tổ chức những buổi sinh hoạt, hành hương cho thiếu nhi.

·      Đầu tư thời giờ, tiền bạc, sách vở cho việc giáo dục các em thiếu nhi về giáo lý và kiến thức xã hội.  Khuyến khích các em tham gia buổi học giáo lý với tất cả lòng nhiệt thành yêu mến.

·      Mỗi năm nên tổ chức cuộc thi đua, vui chơi cho thiếu nhi trong toàn xứ.

 

b.     Những gì không nên cư xử, nói và làm

·      Không quá dễ dãi hồ hởi với vác em, vì như vậy không thể giáo dục được cho các em.

·      Không nói những lời cũng như những việc làm thiếu lịch sự trước mặt các em. Vì chúng như tờ giấy trắng, cần in những lời nói việc làm tốt đẹp vào tâm hồn chúng.

·      Không nên khoán trắng thiếu nhi cho một ai đó phụ trách, để rồi chúng như thế nào cũng không biết.

·      Đừng bao giờ quở trách các em trong khi tham dự phụng vụ, nếu cần hãy chỉ bảo các em cách dịu dàng.

·      Không la mắng khi không cần thiết, sau khi la mắng hãy luôn làm hòa cách vui vẻ, trung thực.

·      Không bao giờ gọi trẻ vào phòng riêng, tránh chiều chuộng em này hơn em khác. Hãy thận trọng và đứng đắn đối với trẻ nữ.

·      Không nên phó mặc việc dạy giáo lý thiếu nhi cho thầy xứ, các dì, giáo lý viên, ông bà quản.

·      Đừng quá bủn xỉn trong việc đầu tư: tiền của, thời gian… cho việc giáo dục đức tin cho các em.

·      Không nên lăng mạ, ra hình phạt nặng nề cho em nào trước mặt cộng đoàn, trong nhà thờ.

·      Tyệt đối không đánh trẻ nhỏ, không khinh các em.

 

17.     TƯƠNG QUAN VỚI NHỮNG NGƯỜI PHỤC VỤ TRONG NHÀ XỨ, NHẤT LÀ CÔ BẾP

a.      Những gì nên cư xử, nói và làm

·      Tôn trọng họ đúng mức, đúng phẩm giá con người.

·      Áp dụng luật công bằng, cần trả lương cho họ, vì họ cũng cần phải được nâng đỡ để thi hành công việc.

·      Nên chọn những người lớn tuổi. Những người nữ giúp việc đừng có trẻ quá, đừng quá nhan sắc, đừng quá khoe khoang, đừng lắm lời, đừng quá tò mò chuyện người khác, cũng đừng có tiếng xấu.

·      Trong nhà xứ, quyền bính nên thực thi dưới hình thức quân chủ chứ không bàn hỏi với cô bếp.

·      Liệu cho người giúp việc biết niềm nở đón tiếp các Linh Mục, những người nghèo khổ, những người đến gặp Cha.

·      Tôn trọng giá trị phục vụ của họ và hãy trả tiền công cho họ cách xứng đáng và sòng phẳng. Còn nếu họ giúp không thì cũng phải tìm cách bù đắp cho họ một cách tương xứng.

·      Quan tâm, giúp đỡ đời sống của họ và bố mẹ họ để họ nhiệt tâm giúp việc.

 

b.     Những gì không nên cư xử, nói và làm

·      Không nên quá gần gũi. Phải có giới hạn và khoảng cách cần thiết.

·      Không được khinh dể và thiếu bác ái đối với họ, nhiều khi bác ái đối với người ngoài nhưng lại không bác ái với ngươì trong nhà.

·      Không nên hỏi ý kiến, hay tâm sự về nỗi đau buồn của mình: sự thông cảm, chia sẻ đó sẽ là một bẫy ngầm.

·      Không nên quá pha mình vào việc nội trợ, nên để cho người giúp việc một phần tự do trong nhiệm vụ của họ.

·      Đừng la lối người giúp việc, coi họ như người hầu của mình, khiến họ phải khóc: nước mắt phụ nữ là thuốc độc!

·      Không nên để cô bếp vào phòng riêng của mình quét dọn và nói chuyện lâu giờ. Không nên để cô bếp chăm sóc phục vụ, nhất là khi bị ốm đau.

·      Không để cô bếp ăn chung, nhất là khi có khách; khách sẽ rất khó chịu vì khó nói chuyện. Lại nữa, lúc ăn cơm, ta có thể tiếp và trao đổi với giáo dân. 

·      Không nên để họ can thiệp vào công việc mục vụ của mình.

 

18.     TƯƠNG QUAN VỚI CHÍNH QUYỀN

a.      Những gì nên cư xử, nói và làm

·      Đối thoại, tôn trọng, cộng tác trong vấn đề thực hiện công ích, những việc bác ái xã hội, như cứu trợ bão lụt v.v…

·      Cố gắng tỏ cử chỉ yêu thương thật lòng, cảm thông, lắng nghe, trao đổi, thảo luận và giúp họ chu toàn bổn phận lo cho dân giàu nước mạnh, cổ vũ và phát huy những sáng kiến mới.

·      Để tình liên đới được thân thiện và bền vững, mỗi năm đi lại thăm hỏi xã giao để tỏ lòng kính trọng chính quyền hay mời họ tới dự những dịp lễ lớn để thông cảm, chia sẻ, đối thoại qua bữa cơm đạm bạc và thân thiện.

·      Nên tiếp xúc đối thoại để thông cảm với nhau hơn về những vấn đề xã hội và cuộc sống của dân chúng, hầu cộng tác lo cho những người nghèo trong và ngoài lãnh địa mình phục vụ.

·      Nên vui vẻ đón tiếp họ khi có dịp. Sẵn sàng đối thoại, có thể cùng làm việc với họ trong các vấn đề xây dựng cuộc sống của người dân, đặc biệt trong đạo đức và luân lý.

·      Tôn trọng họ và coi họ như những người anh em của mình mà Chúa muốn cứu độ.

 

b.     Những gì không nên cư xử, nói và làm

·      Không cộng tác trong vấn đề chính trị, vì linh mục không được làm chính trị.

·      Tránh đối đầu hay chống đối, mà nên đối thoại với họ. Tránh độc thoại và giảng chửi chính quyền trong thánh lễ, không cản trở chính quyền trong việc bài trừ các tệ nạn, các tội phạm.

·      Không chống lại các chính sách hợp lý của Nhà Nước, không cản trở giáo dân trong những bổn phận dân sự họ phải đóng góp.

·      Không phê phán chính quyền trước mặt giáo dân, vì như thế sẽ làm cho họ gặp khó khăn trong việc lãnh đạo và công tác.

·      Không nên phản ứng nóng nảy trong mọi công việc, dễ dẫn tới nghi kỵ lẫn nhau. Đừng nên có thái độ tránh gặp mặt hay có gặp mặt là để tấn công với những lời chê trách chua chát.

·      Không nên bêu xấu trong các buổi họp mặt bằng cách nói xa nói gần, hay dùng những thủ đoạn để làm hại.

·      Không được cộng tác với họ trong các vấn đề gây tổn thương đức tin và luân lý. Không để họ điều khiển mình theo ý hướng và mục đích của họ.

 

19.     TƯƠNG QUAN VỚI CÁC TÔN GIÁO BẠN,  NHẤT LÀ CÁC VỊ LÃNH ĐẠO

a.      Những gì nên cư xử, nói và làm

·      Cần hiểu, cảm thông và tôn trọng những thao thức và tập tục tôn giáo của họ.

·      Không gây chia rẽ, không phân biệt đối xử: khuyến học, cứu tế không phân biệt lương giáo hay không tôn giáo, để qua tay, qua môi miệng linh mục, họ cảm nhận được bàn tay ấm áp của Giáo hội Chúa Kitô.

·      Luôn có tinh thần cởi mở, đối thoại trong tinh thần liên đới. Luôn có thái độ kính trọng, yêu thương.

·      Nên có những buổi gặp gỡ, trao đổi, bàn hỏi mà hai bên cùng quan tâm. Cùng tìm hiểu và đối thoại trong tinh thần hiểu biết lẫn nhau.

·      Cùng cộng tác với các vị lãnh đạo tôn giáo bạn trong các việc bác ái, từ thiện. Cố gắng hàn gắn những hiểu lầm và chia rẽ giữa các tôn giáo với nhau.

 

b.     Những gì không nên cư xử, nói và làm

·      Không nên đố kỵ, phân biệt tôn giáo, nếu nơi giáo dân mình có sự đố kỵ thì phải ngăn chặn ngay và phân tích cho họ hiểu được rằng, trong cách an bài của Chúa, mặc dù họ không cùng tôn giáo nhưng họ cũng thuộc về dân Thiên Chúa.

·      Không nên đề cao tôn giáo mình và hạ giá tôn giáo bạn, biện minh cho Giáo hội công giáo là thật, còn tất cả là đạo giả, đạo rối, đạo tà thần v.v… để rồi từ đó sinh mâu thuẫn bất đồng.

·      Không nên có những lời xúc phạm, chê bai những người lãnh đạo trong các tôn giáo bạn.

·      Không nên coi thường, tỏ thái độ thiếu tôn trọng, có những lời khích bác những người anh em đó.

 

20.     TƯƠNG QUAN VỚI LƯƠNG DÂN

a.      Những gì nên cư xử, nói và làm

·      Với người không công giáo, không nên phân biệt hay khinh thường, trái lại thỉnh thoảng lui tới thăm nom, trao đổi và sẵn sàng giúp đỡ họ nếu cần. Nếu có thể, cũng nên khuyến khích họ tham gia vào các phong trào từ thiện, nhân đạo trong giáo xứ…

·      Khi có tang, cha xứ có thể lãnh đạo hội đoàn đến viếng thăn an ủi, để chia sẻ và cảm thông với họ. Cố gắng xây dựng tình liên đới giữa giáo dân của mình với những người không tôn giáo.

·      Nên thăm viếng những người không công giáo trong giáo xứ vào những dịp lễ tết hay những dịp thuận tiện và giúp đỡ vật chất, tinh thần khi cần thiết.

·      Mời họ tham dự những buổi lễ lớn và kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa giúp đỡ họ, không phân biệt niềm tin.

·        Luôn đối thoại cởi mở trong sự kính trọng và tin tưởng. Hãy tôn trọng, yêu thương, quan tâm và coi họ như những giáo dân mà mình có bổn phận phải chăm sóc.

·      Nên hiện diện và động viên khi họ gặp những thử thách lớn. Cố gắng thăm hỏi và giúp đỡ họ về vật chất cũng như tinh thần trong những dịp lễ tết, những dịp gia đình họ có chuyện vui buồn…

b.     Những gì không nên cư xử, nói và làm

·      Tránh gây chia rẽ giữa họ với con chiên của mình.   Tránh ngăn cấm con chiên mình đi tham dự cưới xin, ma chay nơi người lương, nếu như vậy sẽ làm cho họ bị cô lập mặc cảm và tạo nên hố sâu của hận thù.

·      Không nên phân biệt đối xử giữa những người công giáo và những người không công giáo. Không nên chỉ làm việc bác ái cho những người công giáo, nhưng cho mọi người.

·      Không nên đề cao những thành quả của người công giáo, và cho là chỉ những người công giáo mới làm được. Tránh nói năng khiếm nhã, châm chọc mỉa mai, xúc phạm đến họ.

·      Không nên coi họ như những người mà mình không có bổn phận gì hết, thờ ơ, lãnh đạm trước những đói khổ, bệnh tật… của những người anh chị em đó.

 

21.     TƯƠNG QUAN VỚI GIỚI GIÀU CÓ

a.      Những gì nên cư xử, nói và làm

·      Luôn có thái độ quân bình trong mọi mối tương quan giữa giàu nghèo, để tránh tiếng là cha chỉ chơi với người giàu có.

·      Tôn trọng và coi họ như mọi người giáo dân khác.   Hãy cổ võ và khơi dậy nơi người giàu lòng quảng đại và biết chia sẻ về vật chất cho những người anh chị em nghèo khổ.

·      Vẫn tiếp chuyện, đối thoại với người giàu có như mọi người. Tôn trọng họ và có thể mời họ cộng tác, tham gia vào các phong trào cứu trợ, hay công việc công giáo tiến hành trong giáo xứ.

·      Cũng có thể mời họ đỡ đầu cho các đoàn hội hay cá nhân ơn gọi. Nên giữ mối quan hệ thân thiện, nhưng không để bị tiền của lôi kéo và chi phối.

 

b.     Những gì không nên cư xử, nói và làm

·      Không quá tôn trọng, quá lệ thuộc, quá đề cao kẻo họ sinh ra tiếm quyền không coi ai ra gì.

·      Không nên biểu dương người giàu có quá mức, kẻo người nghèo cảm thấy tủi thân.

·      Không quá năng viếng thăm người giàu có, trong khi đó lại không bao giờ thăm những người nghèo bên cạnh, kẻo người nghèo nói rằng: “cha chỉ chơi với người giàu, cha tham tiền v.v…”

·      Không nên quá đề cao, ca tụng người giàu trong những buổi họp chỉ vì những đóng góp của họ.

·      Không quị lụy đối với những người giàu có. Không nên gần gũi quá với người giàu mà xa cách người nghèo. Không nên để người giàu ảnh hưởng tới việc mục vụ của mình.

 

22.     TƯƠNG QUAN VỚI GIỚI NGHÈO

a.      Những gì nên cư xử, nói và làm

·      Phải biết sẵn lòng lắng nghe người nghèo và những người bên lề xã hội, để thực sự linh mục là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đối với họ.

·      Phải biết lắng nghe tiếng nói của người nghèo, bênh vực người nghèo, biết cảm thông và chia sẻ, thực sự cởi mở khi đối thoại.

·      Để gần gũi với người nghèo, linh mục cần phải ăn mặc giản dị, sống giản dị để qua đó phản ánh một giá trị Tin Mừng.

·      Phải nhận ra hình ảnh Chúa Kitô, tiếng nói của Chúa Kitô qua những người nghèo, nơi người bệnh tật, nơi người tội lỗi và kể cả nơi người không tin.

·      Ân cần đón tiếp người nghèo khó, sẵn sàng lắng nghe nhu cầu của những người nghèo, những người bên lề xã hội. Nếu được, nên tổ chức các lớp dạy nghề trong giáo xứ.

·      Yêu thương những người già cả bệnh tật, người nghèo khó, các trẻ mồ côi, những người góa bụa bằng những việc cụ thể.

·      Nên thăm viếng những người nghèo trong xứ, vì đó là nguồn động viên lớn cho họ trong cuộc sống.

·      Nên dấn thân vào nhiều hình thức khác nhau trong công việc nâng đỡ người nghèo. Có thể thăm hỏi, động viên, giúp đỡ họ về vật chất, tinh thần, và công ăn việc làm.

·      Tôn trọng, yêu thương người nghèo, vì Giáo Hội là của người nghèo. Hãy đón tiếp và nói những lời thân thiện, vui tươi, cởi mở với họ.

 

b.     Những gì không nên cư xử, nói và làm

·      Không nên có những lời nói cộc cằn thô lỗ, so sánh, kẻo người nghèo cảm thấy tủi thân và mặc cảm.

·      Không chê của dâng của người nghèo khó, cho dù không thích hay chẳng đáng là bao, nhưng nó tượng trưng tất cả tấm lòng và sự lao công cực nhọc của họ.

·      Khi đối thoại vối người nghèo và người giàu, không nên có những cử chỉ thiên lệch về người giàu kẻo người nghèo thấy mặc cảm.

·      Đừng khinh rẻ những người đói rách. Họ sẽ cảm thấy bị rẻ rúng khi thấy linh mục thật vui vẻ với người giàu có nhưng lại nhăn nhó với người nghèo.

·      Không nên áp đặt mọi sinh hoạt, mọi đóng góp là phải giống nhau. Đừng nhìn người nghèo với con mắt coi thường; cư xử, nói năng những lời gây tổn thương cho người nghèo.

Tác giả Lm. Trần Minh Huy, pss

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!