.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Phần I: Phần dẫn nhập

Phần II : Nền Tảng Lý Thuyết

Phần III : Vai Trò của người chuyên viên Tâm Vận Động

Phần IV: Đường Hướng Tổ Chức

Phần V : Thể thức tổ chức - Các Nhóm Sinh Hoạt tùy theo lứa tuổi ( và cấp độ phát triển )

Phần VI : Những Điều Kiện Hoạt Động

Phần VII : Kết Luận

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Phương Pháp Tâm Vận Động
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
Nguyên tác: Bernard AUCOUTURIER
PHẦN I: PHẦN DẪN NHẬP

Để sáng tạo Phương Pháp Tâm Vận động, tác giả Bernard AUCOUTURIER đã bắt đầu quan sát trẻ em. Khi gặp những em nào có vấn đề, không thành tựu trong việc thực hiện một số vận động, tác giả tự nêu ra cho mình thắc mắc : nếu hành trang vận động hoàn toàn bình thường, những thất bại kia phải chăng bắt nguồn từ lãnh vực xúc động và tình cảm ? Nhờ tìm kiếm, học hỏi, nghiên cứu, ông đã sáng tạo phương pháp Tâm Vận Động độc đáo, mang chính tên của ông : Phương Pháp Tâm Vận Động  AUCOUTURIER.

Phuơng pháp nầy được hình thành, phong phú hóa và kiện toàn, xuyên qua một tiến trình thực nghiệm lâu dài. Nhiều cọng sự viên, thuộc nhiều lãnh vực chuyên môn khác nhau, đã đóng góp vào công trình nghiên cứu ấy. Họ mang tới nhiều nguồn ánh sáng khả dĩ soi tỏ, khai vạch ý nghĩa cho nhiều sự kiện khác nhau cũng như giải đáp nhiều câu hỏi, do công việc tiếp xúc với trẻ em đặt ra.

Mục tiêu của tôi, khi thực hiện cuốn sách nầy, không phải là mô tả con đường nghiên cứu dài thăm thẳm ấy. Đối với tôi, điều đáng lưu tâm, như vị thầy của tôi đã thường nhấn mạnh, là quan sát trẻ em một cách tỉ mỉ, trong nhiều khía cạnh khác nhau : khía cạnh tổng thể toàn diện, cũng như khía cạnh cụ thể, chính lúc chúng nó đang sinh hoạt trong môi trường tự nhiên hằng ngày. Điểm này càng có ý nghĩa đặc biệt đối với tôi, khi tôi tìm cách ứng dụng phương pháp nầy, trong một xứ sở có nền văn hóa khác với nền văn hóa của Aâu Tây. Chúng tôi ước mong và cố quyết tôn trọng những thực tại có mặt trong mỗi nền văn hóa. Nhờ cách làm ấy, trẻ em có thể thoải mái diễn tả con người thực chất của mình, mà không cảm thấy bị hạn chế, cấm cản hoặc kiểm duyệt.

Tập tài liệu nầy được soạn thảo cho học viên vừa vào nghề, tại thành phố Dakar, thuộc xứ Sénégal, Phi Châu. Mục tiêu cụ thể là cung ứng cho họ, trong giai đoạn được đào tạo, có một bản tài liệu cơ bản, nhắc lại vài ba điểm chính yếu, như nền tảng lý thuyết của phương pháp, khuôn khổ sinh hoạt của công việc thực tập, hành nghề, cũng như nhiều nhận xét suy tư nảy sinh trong nhóm thảo luận, về kinh nghiệm đào tạo, thực tập và nhận thức riêng tư của mỗi người.

Tôi không có tham vọng trình bày một bản tài liệu về chương trình áp dụng Tâm Vận Động tại xứ Sénégal. Tôi chỉ hy vọng : bản tài liệu nầy, với một số tin tức lý thuyết cơ bản, sẽ tạo điều kiện dễ dàng, cho người cán bộ ở Sénégal có thể thử nghiệm Phương Pháp nầy, với nhiều trẻ em của xứù sở mình, tổ chức những cơ cấu sinh hoạt cần thiết cho công việc ứng dụng, nhằm thâu đạt mục tiêu cơ bản là : giúp đỡ trẻ em hoàn thành tiến trình phát triển tâm lý của mình, bằng cách sử dụng phương tiện thể lý, nghĩa là tác động trực tiếp trên cơ thể của chúng nó.

Bản tài liệu nầy phản ảnh tư tưởng của  B. Aucouturier, được trình bày trong nhiều sách báo, hay là được khảo sát và trao đổi trong nhiều cuộc hội kiến với chính tác giả hoặc với các vị thầy của tôi, trong nhiều khóa học khác nhau. Thêm vào đó, kinh nghiệm hành nghề của tôi ở Bỉ, trong hai lãnh vực giáo dục và trị liệu cũng đựợc đề cập trong tài liệu nầy.

Lúc đào tạo những học viên ở Dakar cũng như khi hành nghề ở Bỉ, tôi sử dụng Phương Pháp Tâm Vận Động Aucouturier. Tuy nhiên, tôi còn tham cứu những tác phẩm của các tác giả khác như : Winnicott, Piaget, Dolto, Montagu, Cirulnik, Brazelton, Anzieu, Berger, Erny và Rabain…

Tôi đã khởi công, từ một bản văn được soạn thảo chung với một người bạn đồng nghiệp là Gisèle VISELÉ. Chúng tôi đã viết ra cho các giáo viên thuộc Thành Phố Bruxelles, trong thời gian họ còn được đào tạo. Bản văn nầy được M. Boudart xem lại, bổ túc và kiện toàn. Michel Boudart là giáo sư cơ hữu, thuộc ban giảng huấn của Trường Aucouturier ở Bỉ. Bản văn ấy trở thành bản sườn cho cuốn sách nầy. Tôi chỉ thêm vào những dữ kiện bổ túc, mà tôi xét là quan trọng và cần thiết. Nói được, tài liệu cuối cùng nầy là một cố gắng nhằm tổng hợp nhiều nguồn sáng tác khác nhau. Chương cuối cùng chẳng hạn, được chính nhóm học viên soạn thảo. Công việc này nằm trong chương trình đào tạo dành cho họ. Hẳn thực, theo tôi nhận xét, sau những giờ học hỏi về lý thuyết, cũng như sau những buổi thực tập ứng dụng, nếu họ ghi chép lại những gì họ đánh giá là thiết yếu và tìm cách chuyển đạt lại với chính ngôn từ của mình, đó là điều rất hữu ích và phong phú về mặt sư phạm.

Phần giới thiệu trình bày những diễn biến lịch sử của Phương Pháp Tâm Vận Dộng không thuộc về chương cuối cùng . Phần nầy được thêm vào trong chương trình, cho những khóa đào tạo tiếp theo, mà các học viên ở Dakar chưa có cơ hội biết đến.

Khi đưa ra những tin tức, nhận xét ấy, tôi muốn nhấn mạnh một điều quan trọng : Phương Pháp nầy không ngừng chuyển biến, luôn luôn tìm cách thăng tiến, kiện toàn, theo dõi thường xuyên những đổi thay và đóng góp mới mẻ của các chuyên viên trong ngành tâm vận động. Thực tại di động nầy đôi khi tạo ra cho chính chúng tôi một bầu khí căng thẳng, khó chịu, bất ổn. Nó đòi hỏi chúng tôi phải thường xuyên đặt lại vấn đề. Phải cố gắng thích nghi, điều chỉnh, để theo kịp những trào lưu đang có mặt. Thế nhưng, đối với tôi, thực tại ấy cũng là dấu hiệu cho thấy năng động dồi dào của những nhà tiên phong, khả năng lắng nghe của họ đối với kinh nghiệm của từng mỗi người. Một phương pháp giáo dục biết di động như vậy, là một dụng cụ đầy sinh khí và có sức khỏe. Đó là một dụng cụ thường xuyên chuyển biến, nhưng vẫn duy trì điều thiết yếu. Một đàng duy trì chí hướng, duy trì nền tảng, duy trì mục tiêu. Đàng khác, tĩnh thức đề phòng tình trạng ứ đọng, khô cứng, tự mãn. Sở dĩ như vậy là vì thực tại của Phương Pháp ấy đang ở trên một tiến trình tăng trưởng, lớn mạnh.

Chính vì bao nhiêu lý do ấy, tập tài liệu nầy cần được bổ túc và kiện toàn luôn mãi, với những khám phá mới mẻ đang và sẽ còn xuất hiện sau này.

1.1. Những nhận định tổng quát

Tôi muốn trình bày, trong chương này, một vài nét đặc thù có liên hệ đến vấn đề phát triển của trẻ em. Những điều tôi nêu lên một cách vắn gọn, chỉ là những sơ đồ có tính hoàn toàn giản lược mà thôi.

Khi khảo sátù những năng khiếu khác nhau của con người, ảnh hưởng của môi trường, những điều kiện sinh ra và lớn lên cũng như những điều kiện bất trắc có thể xảy ra… chúng ta sẽ chấp nhận rằng : Mỗi người, mỗi trẻ em là một sinh vật độc đáo, độc bản, không ai giống ai. Những yếu tố khác biệt ấy xác định nét đặc trưng của từng người. Nhưng đồng thời những nét khác biệt ấy cũng tạo ra những thuận lợi hay là gây nên những trì hoãn, cho tiến trình phát triển của người ấy. Thêm vào đó, người ấy có thể thuộc vào bất cứ diện phát triển nào lúc sinh ra : khuyết tật hay không khuyết tật, chậm trí hay không chậm trí, rối lọan sắc thể hay không có rối loạn. Giữa trẻ em khuyết tật với nhau, có bao nhiêu nét khác biệt từ em nầy qua em khác, thì cũng có bấy nhiêu nét khác biệt như vậy, giữa trẻ em được gọi là bình thường.

Trong các động vật thuộc loài có vú, con người là con vật chưa thực sự hoàn tất, lúc vừa sinh ra. Cho nên thời gian thơ ấu của con người dài hơn tất cả mọi loài vật khác. Thế nhưng, não bộ phát triển rất nhanh. Trong sáu năm đầu tiên, kể từ lúc sinh ra, những chức năng của não bộ đã phát triển được 90 phần trăm tổng thể hoặc tổng lượng của mình. Do đó, tầm quan trọng của thiếu thời, không có gì có thể thay thế được. Những yếu tố can thiệp và tác động, trong những năm tháng nầy, có hiệu năng tối đa.

Con người phát triển, nhờ vào sự tác động qua lại mật thiết gữa ba thành tố khác nhau là : quả tim, cơ thể và trí tuệ. Vô thức có mặt và tác động rất sớm. Ở giữa mạng lưới và ảnh hưởng của vô thức tập thể và gia đình, vô thức cá nhân của đứa trẻ được kiến dựng và thành hình.

Hẳn thực, đứa trẻ sinh ra, mang sẵn trong mình một lịch sử : lịch sử của bào thai. Nó cũng sinh ra ở giữa một lịch sử : lịch sử của từng cá nhân cha hoặc mẹ, và lịch sử của cặp vợ chồng. Tất cả nằm trong một hệ thống gia đình nới rộng bao trùm nhiều thế hệ và cùng thuộc về một nền văn hóa. Và trong khuôn khổ của văn hóa, còn có thể nói tới thếá giới vô hình, theo quan điểm của một số người.

Không phải vì đứa trẻ đã sinh ra, về mặt thể lý, mà nó đương nhiên được kể là người. Nó cần được kẻ khác nhìn nhận là người (mới có thể lớn lên thành người ). Ở Sénégal, chẳng hạn, bảy ngày sau khi lọt lòng mẹ, đứa bé mới được kể là đã sinh ra. Trước đó, nó còn thuộc về một « cõi khác », một nơi khác.

Sự cố « sinh ra » làm gián đoạn một tình trạng thư thái, dễ chịu (của bào thai ). Từ giây phút ấy, con người không ngừng tìm kiếm một tình trạng thư thái mới, bằng cách thực hiện những nhịp cầu thỏa hiệp, nối kết thực tế và những sở thích hoặc ước vọng của mình.

Tiến trình phát triển của con người bao gồm nhiều giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn, con người học hỏi, tiếp thu và đón nhận nhiều điều mới lạ. Nhưng đồng thời, con người cũng phải đánh mất đi một số điểm đã đắc thủ và từ bỏ những gì mình thân quen. Trong lối nhìn của  tôi, những giai đoạn kinh qua nầy  được coi như những « cơn khủng hoảng ». Theo ý nghĩa của thuyết cấu trúc, đó là những thời điểm mất quân bình, khi chúng ta từ bỏ một giai đoạn quân bình cũ, để bước qua một giai đoạn quân bình mới. Những cơn khủng hoảng nầy vừa xẩy đến cho trẻ em, vừa gây ra nhiều xáo trộn cho môi trường thân nhân. Hẳn thực, ở mỗi giai đoạn như vậy, người lớn trong gia đình, như cha mẹ… cũng phải thay đổi lối nhìn, cách nhìn của mình đối với trẻ em.

Sự cố sinh ra là một cơn khủng hoảng đầu tiên. Tôi từ biệt cung lòng ấm cúng của mẹ. Tôi đánh mất tình trạng được mẹ che chở tối đa. Nhưng cũng nhờ vậy, tôi được diễm phúc có mặt trong trời đất nầy. Vào lúc bỏ bú, tôi từ biệt nấm vú của mẹ. Nhưng cũng nhờ đó, tôi khám phá những loại của ăn đặc và cứng. Đồng thời, tôi cũng biết ngồi vào bàn, như mọi người, cầm chén để ăn như mọi người. Ngày tôi biết đi, tôi đánh mất hơi ấm được gần gũi, được bồng ẵm. Nhưng cũng nhờ đó, tôi được tự lập. Khi tôi biết nói, người khác không còn phải dò dẫm phỏng đoán. Từ nay, tôi hân hạnh được kẻ khác hiểu một cách dễ dàng hơn trước đây. Ngày tôi ý thức về phái tính trai hoặc gái của mình, tôi nhận ra cùng một lúc, tôi có nhiều đặc ân, đặc lợi. Nhưng đồng thời, tôi cũng phải có những bổn phận riêng, dành cho hoàn cảnh ấy, đôi khi khá nặng nề. Ngày tôi cắp sách đi học, tôi học đọc, học viết. Nhưng để được như vậy, tôi đành mất nhiều thời gian vui đùa, chạy nhảy. Khi đến tuổi dậy thì, tôi bắt đầu làm người lớn – hoặc anh hoặc chị, hoặc ông hoặc bà -.Nhưng tôi phải đảm nhận nhiều trách nhiệm. Người khác không còn dễ dàng bỏ qua, tha thứ những lỗi lầm, dại dột của tôi. Ngày tôi rời bỏ mái ấm gia đình, thuê phòng ở riêng, tôi được tự do. Nhưng tôi phải tay làm, hàm nhai. Những lúc chuyển tiếp như vậy là những thời gian tạo nên khó khăn, khủng hoảng cho mọi người, phía trẻ em cũng như phía người lớn. Có người rút ra được nhiều lợi ích. Có người không lợi dụng được gì. Nhưng hầu như mọi người đều trải qua những tình trạng căng thẳng tạm thời, cũng như những cuộc gây gổ, bất hòa.

Khi kinh qua những giai đoạn chuyển tiếp như vậy…

-Trẻ em nào có khả năng xây dựng những quan hệ vững bền, đầy tin tưởng..

-Trẻ em nào biết CẢM, trước khi hiểu…

-Trẻ em nào có khả năng hiểu, trước khi nói…

-Trẻ em nào biết vui đùa, biết chơi…

Những trẻ em như vậy đang lớn lên và phát triển.

Khổ đau, trái lại, khi quá lớn, sẽ xuất hiện ra ngoài, trước tiên bằng những dấu hiệu thể lý như : rối loạn tâm-thân (psycho-somatique), khó ngủ, khó ăn, khó tiêu hóa… Tiếp theo đó, thể thức bộc lộ ra ngoài là hành vi, tác phong như : rụt rè, dao động, lăng xăng hay là gây gổ, đánh đập, tấn công kẻ khác. Sau cùng, phương tiện diễn tả chính mình là lời nói, ngôn ngữ.

Đằng khác, khi đứng trước khổ đau của người khác, trẻ em sẽ không lạnh lùng, lãnh đạm. Trái lại, chúng nó sẽ từ từ biết cảm, biết đoán, biết thuyên giải – có nghĩa là tìm ra ý nghĩa - theo cách chủ quan, riêng biệt của mình. Trong lãnh vực nầy, nếu người lớn thuộc môi trường gia đình và giáo dục, có tập quán nín thinh, giữ im lặng, không biết tìm cách cung cấp cho trẻ em những tin tức cần thiết, đểâ chúng nó từ từ học « đồng cảm » với kẻ khác… cách làm ấy có thể gây ra nhiều tổn hại, cho sự phát triển hài hòa, tốt đẹp của trẻ em. Trẻ em nào có những quan hệ sâu đậm, trung thực, dễ dàng với những người đang có vai trò giáo dục – như cha mẹ, thầy cô…- những trẻ em ấy sẽ phát huy những tình cảm trung tín, nhất là với hai cha mẹ sinh ra mình, từ những ngày thơ ấu.

Sau hết, đặc biệt vào lúc ban đầu, cha mẹ nào cũng có trong đầu óc, tâm tưởng của mình, một đứa con lý tưởng, mộng mơ. Cũng vậy, đứa con nào cũng mang trong quả tim mình một hình ảnh cha mẹ tuyệt vời về mọi mặt.Tuy nhiên, cả hai bên – cha mẹ cũng như con cái – phải từ từ đối diện với thực tế có khi rất phũ phàng. Trong tiến trình chuyển biến nầy, cơ hồ trong một trò chơi, đứa con đóng một phần vai trò của cha mẹ. Và cha mẹ cũng vậy, đóng một phần vai trò của đứa con. Cuộc sống sẽ dần dần lấp đầy những gì còn lại, bằng cách vận dụng tài nguyên, năng khiếu của cả cha mẹ lẫn con cái.

 

1.2 Phương Pháp Tâm Vận Động : Tinh thần và Ý hướng

Tâm Vận Động là một phương pháp  can thiệp thuộc lãnh vực tâm lý và giáo dục, nhằm giúp trẻ em phát triển một cách đồng bộ, trong mọi địa hạt thuộc đời sống của con người. Phương pháp nầy lưu tâm một cách đặc biệt đến hai trọng điểm sau đây :

Trọng điểm thứ nhất là nhấn mạnh vai trò của những hành vi hoặc tác phong vận động. Vận động được khảo sát ở đây có liên hệ chặt chẽ với địa hạt tâm lý.

Trọng điểm thứ hai là ý hướng hội nhập một cách hài hòa hai loại chức năng vận động và tâm thần, bằng cách vận dụng vai trò và ảnh hưởng của hệ thần kinh, trong giai đoạn còn đang phát triển và tăng trưởng, nhất là từ 0 đến 7 tuổi.

Ngoài cách định nghĩa trên đây, được rút ra từ cuốn Tự Điển Larousse 1994, tôi còn muốn trích dẫn thêm chính lời nói của tác giả Bernard Aucouturier :

Mục đích của Tâm Vận Động, theo lối nhìn của tác giả nầy, là « nâng đỡ, xúc tác tiến trình phát triển của trẻ em, trong đời sống tâm lý và tình cảm, bằng cách dựa vào những sinh hoạt thể lý để tác động, hay là sử dụng những thành tố cơ thể làm địa bàn để can thiệp ».

Nói khác đi, mục tiêu của phương pháp Tâm Vận Động là phát huy, kiện toàn quan hệ giữa con người và cơ thể của mình, xuyên qua con đường sinh hoạt cụ thể thuộc lãnh vực vận động, thay vì khai thác và sử dụng phương tiện ngôn ngữ. Hẳn thực, lời nói vẫn được đón nhận, trân trọng…Tuy nhiên, đó không phải là một dụng cụ ưu tiên của nhà chuyên viên Tâm Vận Động, khi sinh hoạt và tiếp xúc với trẻ em.

Nền tảng thiết yếu của Phương Pháp Tâm Vận Động được thu tóm trong một số định đề sau đây. Định đề ( postulat ), theo cách định nghĩa thông thường,  là những mệnh đề được chấp nhận như là hiển nhiên, không cần chứng minh.

 

Định đề thứ nhất :

Nhằm thiết lập quan hệ tiếp xúc và trao đổi với người khác, trẻ em bắt đầu sử dụng cơ thể hay là xác thân của mình. Trẻ em cảm nghiệm, trước khi có khả năng vận dụng một cách có ý thức những khả năng và sinh hoạt khác.

Nói khác đi, trẻ em lớn lên, phát triển, xuyên qua mọi phương tiện và hình thức sinh hoạt của xác thân. Nhờ những kinh nghiệm cụ thể thuộc địa hạt thể lý nầy, trẻ em từ từ có khả năng phát triển trí tuệ, ngôn ngữ và toàn diện nhân cách của mình.

Tác giả CARELS đã khẳng định :

«  Trẻ em cử động, vùng vẫy, chạy nhảy, để có cảm giác là mình đang sống thực sự, và đồng thời cảm nhận trong xác thân của mình những nỗi niềm vui thích, hứng thú, hăng say và hồ hởi ».

Hẳn thực, nếu không đi qua giai đoạn vận động, không tìm cách thay đổi những tư thế của xác thân, hay là không thực thi nhiều cử chỉ khác biệt nhau, làm sao một trẻ em có thể cảm nghiệm, thừa hưởng hay là làm phát sinh trong con người của mình những cảm xúc sung sướng, hạnh phúc và hân hoan ?

Nhà tâm lý người Pháp, Henri WALLON ( 1968 ) cũng đã trình bày một quan điểm tương tự :

« Bằng phương tiện vận động, trẻ em bộc lộ ra bên ngoài chính cuộc sống tâm linh của mình, cho đến khi ngôn ngữ xuất hiện, để đảm nhận công việc diễn tả những nhu cầu và ý thích có mặt trong nội tâm ».

Trong tinh thần và đường hướng ấy, nếu chúng ta tác động trên địa hạt cơ thể và nhờ những phương tiện thể lý, chúng ta có thể tạo nên những điều kiện thuận lợi, để ngôn ngữ, tư duy và toàn diện con người của trẻ em có cơ may xuất hiện và triển nở một cách dễ dàng. Đồng thời chính đời sống xúc động và tình cảm của các em cũng được khai phóng, một cách hài hòa, thư thái, cởi mở và trung thực.

Qua lăng kính vừa được trình bày như vậy, giữa bốn thành tố khác nhau của sinh hoạt tâm lý là : trí tuệ, quan hệ tiếp xúc, tình cảm và vận động, có những liên hệ chặt chẽ, tác động qua lại hai chiều, tạo ảnh hưởng giao thoa, chằng chịt và chồng chéo lên nhau. Khi một yếu tố đang vươn lên và tăng trưởng, tự khắc nó kéo theo ba yếu tố khác cũng đồng thời phát huy và tiến bộ.

Những nhận định sau đây minh họa một cách cụ thể những điểm vừa được đề xuất :

---Trước hết, nhờ có những quan hệ tiếp xúc và trao đổi với người khác, trẻ em sẽ mở rộng cửa lòng để đón nhận và tiếp thu những chiều kích mới lạ của thế giới bên ngoài. Câu nói « Mẹ chăm lo cho tôi » trình bày và diễn tả quan hệ ấy.

---Chính khi trẻ em tiếp xúc và trao đổi, ý thích tác động và nhu cầu tạo nên ảnh hưởng sẽ xuất hiện và nảy sinh. Ví dụ : tôi cần Mẹ, cho nên tôi thét la lên, để gọi Mẹ đến với tôi.

---Nhờ có ý thích tác động và tạo ảnh hưởng như vậy, trẻ em sẽ vận dụng mọi khả năng vận động hiện hữu của mình. Ví dụ : tôi cử động, vùng vẫy, thực thi những điệu bộ hay là dùng cơ quan phát âm, để khóc la, làm nên những tiếng động, nhằm gây chú ý cho những người chung quanh.

---Sau khi thực thi những cử điệu hay là phát ra những âm thanh, trẻ em cảm thấy : việc làm của mình mang lại những thành quả cụ thể và rõ rệt. Ví dụ : sau khi tôi la lên, mẹ đã đến với tôi. Và những lúc tôi khóc, mẹ đã đến nhanh hơn.

---Nhờ vào những nhận xét, cân nhắc và so sánh như vậy, trẻ em dần dần phát huy khả năng suy luận. Mỗi ngày, trẻ em sẽ thâu đạt thêm những tiến bộ mới, khi biết chọn lựa những cách làm hữu hiệu và loại trừ những hành vi không còn thích ứng với hoàn cảnh.

Nói tóm lại, trong những giai đoạn đầu tiên, sau ngày sinh ra, trẻ em chỉ có những phản xạ – nghĩa là những hoạt động có tính máy móc và tự động. Nhờ ngày ngày lặp đi lặp lại một số động tác, trẻ em từ từ khám phá một số yếu tố thường hằng, bất di bất dịch, có tính qui luật, nối kết vào nhau một cách có thứ tự. Dựa vào đó, trẻ em bắt đầu biết suy luận, tìm ra những sơ đồ hoạt động càng ngày càng phức tạp hơn. Khi trẻ em khám phá được những quan hệ nối kết hai hay nhiều yếu tố lại với nhau như vậy, đó là dấu hiệu cho chúng ta thấy : trẻ em đang phát huy trí tuệ của mình. Trí tuệ, được nói tới ở đây, phải được hiểu theo lối định nghĩa của J. PIAGET : « Đó là khả năng giải quyết nhiều vấn đề và tìm cách thích ứng với những hoàn cảnh mới lạ xảy đến trong cuộc sống ».

Để trẻ em có thể thâu đạt những thành quả ấy, vai trò thiết yếu của cha mẹ và người lớn là kích thích, xúc tác, tạo mọi điều kiện thuận lợi, cho phép trẻ em trở nên chủ động, có ý thích tác động trên môi trường và những người đang có mặt với mình.

Ýùthích tác động nầy, như chúng ta vừa thấy trên đây, bắt nguồn từ gia tài phản xạ đã có sẵn, lúc trẻ em sinh ra. Hẳn thực, trong những ngày đầu tiên, trẻ em chỉ biết tác động trên môi trường thân nhân, với những phản xạ của mình.

Ý thích tác động nầy càng lúc càng phát triển, nhờ vào ảnh hưởng của nhiều yếu tố được phối hợp lại với nhau :

-         yếu tố thứ nhất là khả năng của hệ thần kinh vận động, nơi trẻ em,

-         yếu tố thứ hai là chất lượng trong cách đáp ứng của những người thân nhân có mặt với trẻ em, bắt đầu từ người mẹ trong gia đình,

-         yếu tố thứ ba là tính lặp đi lặp lại của những hoàn cảnh giống nhau,

-         yếu tố thứ bốn là quan hệ tiếp xúc và trao đổi với những người BIẾT nâng đỡ trẻ em, trong việc bày tỏ, ngoại hiện ý thích của mình.

Người lớn có mặt với trẻ em càng tin tưởng vào trẻ em và càng ước muốn trẻ em tiến bộ và phát triển, thì trẻ em càng biết NÓI và biết LÀM. Mỗi một tác động của trẻ em, trong bất cứ địa hạt nào, cần được khảo sát, với bốn chiều kích khác biệt nhau, nhưng đồng thời có mặt với nhau.

-         Chiều kích thứ nhất : « Tôi có khả năng », nghĩa là tôi có những hành trang và phương tiện thể lý.

-         Chiều kích thứ hai : « Tôi ước muốn », nghĩa là tôi có sở thích và ước vọng.

-         Chiều kích thứ ba : « Tôi biết cách làm », nghĩa là tôi hiểu phải hành xử như thế nào, tôi biết suy tư.

-         Chiều kích thứ bốn : « Tôi có phép », nghĩa là nền văn hóa của tôi cho phép tôi làm điều ấy.

Nhằm phát triển CON NGƯỜI TOÀN DIỆN, phương pháp Tâm Vận Động lưu tâm đến tất cả bốn chiều kích ấy, khi tiếp xúc với trẻ em.

  

Định đề Thứ hai :

Cơ thể sử dụng một loại ngôn ngữ riêng biệt.

Đây là loại ngôn ngữ KHÔNG LỜI, làm bằng nhiều yếu tố như :

-         những tư thế khác nhau : đứng, đi, nằm, ngồi…

-         hơi thở nhanh hay chậm, khó khăn hay dễ dàng, êm đềm hay là náo động…

-         trương lực cơ : các bắp cơ co cứng lại hay là buông giản ra…

-         những điệu bộ : hung hăng hay là hiền từ…

-         những cách đi đứng : khó nhọc, nhanh nhẹ, chậm chạp, vội vàng…

-         những nét mặt : thư giản, nhăn nhó, tức giận, hiền hòa…

-         khả năng di động của toàn thân : khó khăn, cứng cõi hay là duyên dáng, bay lượn…

Bao nhiêu dấu hiệu khách quan và bên ngoài ấy là những chứng liệu quan trọng có khả năng bộc lộ cho chúng ta một vài đường nét thuộc về lịch sử của chính đương sự. Tất cả những phương tiện, được liệt kê trên đây, vừa diễn tả ra ngoài cách thế ở đời của người ấy : họ đang cần gì, xúc động của họ là gì, họ có thái độ và quan hệ nào khi đối diện với người khác…Căn cứ vào những phương tiện cụ thể ấy, người khác – chúng ta hay bất cứ một nguời nào – có thể đưa ra những lối ứng xử, khi tiếp xúc và trao đổi với người ấy.

Một cách đặc biệt, những nhà chuyên viên vềâ ngành Tâm Vận Động được  huấn luyện, để có khả năng hiểu rõ ý nghĩa của loại ngôn ngữ không lời nầy. Nhờ đó, họ có thể dễ dàng đón nhận và từ từ chuyển hóa loại ngôn ngữ nầy thành một phương tiện trao đổi, dễ dàng uốn nắn và có khả năng thích nghi với những điều kiện của thực tế.

Để thành tựu công việc chuyển hóa và uốn nắn nầy, nhà Tâm Vân Động cần sự đồng ý và hợp tác của trẻ em. Kết quả nầy sẽ tư từ xuất hiện và được củng cố, nếu nhà chuyên viên Tâm Vận Động có khả năng thiết lập những quan hệ thực sự an toàn,  mỗi lần tiếp xúc với trẻ em.

Quan hệ sẽ tạo được cho trẻ em an toàn thực sự và vững bên, chừng nào người lớn hội tụ được những điều kiện cơ bản sau đây :

-         Thứ nhất là « đáng tin tưởng » trong lời nói cũng như việc làm. Không nói một đàng, làm một nẻo. Không ba hoa chích chòe.

-         Thứ hai là « đồng cảm », nghĩa là hiểu được trẻ em, như trẻ em hiểu chính mình.

-         Thứ ba là « kiên trì » : ngày ngày gieo vãi và vun tuới, không nôn nóng tìm cầu kết quả « có thể ăn liền ».

-         Thứ bốn là « sáng tạo » : không ngừng vận dụng trí óc và quả tim.

-         Thứ năm là « tôn trọng nhịp độ của trẻ em ».

Ngoài ra, nhà chuyên viên Tâm Vận Động còn phải « học lắng nghe Lời Nói của cơ thể », ngày ngày đánh sáng và làm mới lại khả năng tiếp xúc và trao đổi với trẻ em, thiết lập những quan hệ hài hòa, nhất là trong địa hạt trương lực cơ cũng như trong đời sống XÚC ĐỘNG và TÌNH CẢM.

 

Định đề thứ ba :

Cơ thể có một loại trí nhớ đặc thù.

Theo quan điểm của Reich, «  khi bắp cơ co cứng lại, nó đang chứa đựng trong mình lịch sử và ý nghĩa về nguồn gốc của nó ».

Trong lối nói của B. Aucouturier, cơ thể ghi khắc vào trong chiều sâu của mình những loại ký ức thô thiển, hay là những hoài niệm về những kinh nghiệm vui thích hay khó chịu đã có mặt trong cuộc đời. Những hoài niệm nầy không được chúng ta ý thức. Đó là trương lực cơ, những bắp cơ, những chức năng có mặt bên trong xác thân, cũng như toàn bộ những phản ứng của cơ thể.

Hẳn thực, cơ thể ghi nhớ tất cả những cảm giác vui thích hay khó chịu đã nảy sinh, trong những lần chúng ta tiếp xúc, trao đổi với người khác, từ những ngày tháng đầu tiên trong cuộc đời, thậm chí khi chúng ta còn là bào thai ở trong lòng mẹ.

-         Đó là những lần chúng ta được chăm sóc về mặt cơ thể : được bồng ẵm, được cho ăn, cũng như được ru ngủ…

-         Trí nhớ ghi lại những kinh nghiệm về cảm giác vận động, mỗi khi chúng ta được đu đưa qua lại, một cách êm ái, an toàn hay là trong những lần bị quấy rầy, vì cách đu đưa không thích hợp với tình trạng của chúng ta khi ấy.

-         Trí nhớ ghi lại những kinh nghiệm về thị giác, khi chúng ta trực diện với những khuôn mặt dịu hiền hay là có vẻ đáng lo ngại.

-         Trí nhớ ghi lại những kinh nghiệm về thính giác, mỗi lần chúng ta có dịp nghe  những âm thanh vỗ về, an ủi hay là nhưng tiếng động quấy rầy, tạo nên bực bội.

-         Trí nhớ ghi lại những kinh nghiệm về vị giác, mỗi lần chúng ta ngậm mút đôi vú của mẹ một cách ngon lành, hay là những khi chúng ta bị ép buộc phải nuốt trôi những món ăn mới lạ.

-         Trí nhớ ghi lại những kinh nghiệm về khứu giác, khi chúng ta nhận ra mùi hương thơm quen thuộc của mẹ hay là phải chịu đựng một mùi lạ của ai khác, bên cạnh những người thường trông nom cho mình.

-         Trí nhớ ghi nhận những kinh nghiệm về xúc giác, những khi chúng ta được mẹ vuốt ve và xoa bóp một cách dịu dàng, âu yếm hay là khi bị cô y tá khám nghiệm, lật qua lật lại một cách lạnh lùng, khô khan,  có kỹ thụật.

Tác giả SCHILDER cũng có một lối nhìn tương tự, khi đưa ra những nhận xét sau đây :

« Thái độ của chúng ta đối với các thành phần khác nhau của thân thể có liên hệ khắng khít với sở thích, mà người khác đã bộc lộ đối với những thành phần ấy. Chúng ta kiến tạo một hình ảnh về thân thể của mình, tùy vào những kinh nghiệm mà kẻ khác cung ứng cho chúng ta, khi họ hành động và tỏ ra thái độ đối với thân thể của chúng ta ».

Hẳn thực, những kinh nghiệm vui thích hay khó chịu, được lặp đi lặp lại trong những tháng ngày thơ ấu, đều được ghi lại trong trí nhớ của thân thể, ngoài ý muốn và ý thức của chúng ta. Những kinh nghiệm ấy để lại những dấu vết vô thức sẵn sàng tái hiện, một cách rất bất ngờ, trong những hoàn cảnh xem ra hoàn toàn mới lạ, không có liên hệ gì với những hoàn cảnh thuộc quá khứ.

-         Chẳng hạn, một tư thế trong một buổi chơi thể thao có thể gây nên cho thân thể một cơn đau nhức nhối.

-         Một mùi tanh bốc lên trong bữa ăn làm chúng ta nôn ọe.

-         Một phản ứng lo sợ từ chối, không cho phép phối nhân đụng chạm đến mình, trong một quan hệ gặp gỡ ái ân.

-         Những dị ứng khó chịu bộc phát, đối với một vài giọng nói.

Trong những hoàn cảnh tương tự như vậy, thân thể sẽ tìm cách đề phòng những cơn đau nhức nhối ngày xưa, bằng cách tự động chế tạo một chiếc vỏ tự vệ. Nỗi đau càng quan trọng bao nhiêu, chiếc vỏ càng dày và cứng bấy nhiêu. Chiếc vỏ ấy bao trùm toàn diện hay là chỉ một phần  thân thể mà thôi. Chiếc vỏ làm bằng một lớp da tương đối mềm và có nhiều lỗ chân lông, hay là chai lì, cứng rắn tựa hồ một chiếc áo binh giáp, tùy vào những tin tức về các vùng có những cấp độ nguy hiểm khác nhau, do chiếc bản đồ nội tâm cung cấp. Nhằm mục tiêu bảo vệ, chiếc vỏ ấy có phần vụ làm tê liệt toàn bộ hay là chỉ một phần những cảm giác có liên hệ đến các đề mục được liệt kê trước đây.

Trong nhiều tác phẩm, các tác giả như REICH, ANZIEU, MONTAGU, SOULÉ đã trình bày một số chi tiết quan trọng về vấn đề nầy.

Định đề thứ tư :

Hành vi vận động là kết quả tổng hợp xuất phát từ nhiều khả năng chủ động, sáng tạo ( làm chủ ), có mặt trong nhiều lãnh vực khác nhau :

-         Chủ động trong vấn đề sinh sống,

-         Chủ động trong vấn đềâ sử dụng không gian và thời gian,

-         Chủ động trong vấn đề chọn lựa đối tượng, để hành động theo đúng nhu cầu của mình,

-         Chủ động trong lãnh vực ý thức về sơ đồ thân thể,

-         Chủ động trong vấn đề biết tôn trọng thứ thự trước-sau, khi phải thực hiện nhiều động tác trong cùng một công việc,

-         Chủ động trong vấn đề phối hợp nhiều vận động trong cùng một thời gian.

Đàng khác mổi động tác có tính chủ động luôn luôn nhắm tới một mục đích : ví dụ tôi tiếp xúc trao đổi, để làm gì ? Tôi có ý hướng nào, khi tác động trên môi trường ?

Sau cùng, chúng ta cần phân biệt rõ ràng hai loại hành vi hoàn toàn khác nhau : hành vi phản xạ có tính tự động máy móc, thoát ra ngoài tầm kiểm soát của ý thức và lý trí. Động tác vận động, trái lại, luôn luôn có tính chủ động, nghĩa là thuộc quyền điều động và kiểm soát của tư duy và tình cảm.

Chính vì những lý do nầy, tất cả mọi kỹ thuật tạo thư giản đều vận dụng và khai thác năng lực  của tư duy.

 

Định đề thứ năm :

 Có những quan hệ giữa thân thể và vấn đềâ thông đạt có ý thức :

( chúng ta có thể vận dụng thân thể, trong những hình thức thông đạt bằng hình tượng ).

Hành vi vận động có thể được sử dụng, một cách có ý thức, trong các lãnh vực hình tượng, như :

-         kịch câm,

-         sân khấu hoặc kịch trường,

-         vũ khúc,

-         thủ ngữ trong các cộng đồng khiếm thính,

-         những ký hiệu trao đổi tin tức trong quân đội, cũng như trong ngành hàng không…

 Khi khảo sát những loại sinh hoạt  nầy, tác giả Desmon MORRIS ( 1978 ) đã trình bày nhiều minh họa phong phú, trong tác phẩm  « La clé des gestes » ( đi tìm một chìa khóa để mở ra cánh cửa điệu bộ ). Hẳn thực, chiều kích hình tượng  của điệu bộ có liên hệ mật thiết với khả năng vận dụng và điều động cơ thể, để tiếp xúc và thông đạt với người khác, trong cuộc sống làm người. Vào khoảng thời gian chung quanh 5-6 tuổi, một trẻ em đã bắt đầu có khả năng sử dụng hình tượng, trong những trò chơi giả bộ, bắt chước những thần tượng, đóng vai một ca sĩ, đi đứng như một nhân vật quan trọng. Theo quan điểm của PIAGET, đó là những dấu chứng, cho phép chúng ta khẳng định rằng : trẻ em không còn sống trong thế giới hoàn toàn chủ quan, không còn coi mình là « trung tâm của vũ trụ ». Khi không còn «  tự kỷ trung tâm » (égocentrisme), trẻ em mới có thể bắt đầu học những bài học về phân tích, so sánh, liên kết, tổng hợp…trong các lớp thuộc cấp vỡ lòng, tiểu học.

1.3. Phương Pháp Tâm Vận Động Aucouturier và những ứng dụng trong lãnh vực giáo dục

Phương pháp Tâm vận động nhằm mục tiêu phát triển con người toàn diện của trẻ em, ở vào giai đoạn và cấp độ tăng trưởng từ 10 tháng đến 6-7 tuổi. Nền tảng của Phương Pháp bao gồm những quan niệm cơ bản đã được khảo sát và trình bày trên đây. Thêm vào đó, còn có nhiều tin tức và dữ kiện khác sẽ được lần lượt trình bày, trong những chương  tiếp theo.

Để có thể sử dụng một cách đứng đắn Phương Pháp nầy, chúng ta cần có những hành trang vững chắc về bộ môn tâm lý phát triển của trẻ em. Chính vì lý do nầy, tôi có xu thế lặp đi lặp lại nhiều lần một số dữ kiện quan trọng. Tuy nhiên, cách làm ấy có một lợi điễm thiết thực là cung ứng cho chúng ta một lối nhìn toàn diện bao gồm những kiến thức ăn khớp  với nhau một cách mật thiết và năng động.

Ngoài những kiến thức lý thuyết ấy, điều kiện thiết yếu thứ hai, cần có mặt trong hành trang của người chuyên viên Tâm Vận Động, là một số thái độ cần được tôi luyện, đến độ thấm thấu và nhuần nhuyễn, mỗi khi chúng ta tiếp xúc và sinh hoạt với trẻ em.

Điều kiện thứ ba là thể thức tổ chức một khung gian sinh hoạt thích hợp và một số dụng cụ đặc biệt cần thiết bị.

Ngoài ra, người chuyên viên Tâm Vận Động cần tôn trọng, một cách nghiêm túc, một số nguyên tắc hành động. Thiếu điều kiện nầy, Phương Pháp Tâm Vận Động sẽ mất hết hiệu năng và ý nghĩa cơ bản.

Hẳn thực, nếu Phương Pháp nầy không giúp được trẻ em thực thi những bước tiến bộ rõ rệt, vì một vài nguyên nhân đang còn thoát khỏi tầm kiểm soát và nghiên cứu của chúng ta, ÍT NHẤT nó mang lại cho trẻ em những giờ phút giải trí, vui đùa và thư giản…Nó cũng không làm tổn hại cho những trẻ em có tư chất mong manh, tế nhị hay là « dễ vỡ ».

Nói tóm lại, Phương Pháp Tâm Vận Động Aucouturier nhắm mục đích là phát triển trẻ em, về mặt tâm lý, bằng cách tác động trên lãnh vực cơ thể, vận động. Chúng ta sử dụng phương pháp nầy, để tiếp cận trẻ em, và giúp trẻ em phát triển, trên nhiều bình diện khác nhau, thuộc đời sống làm người của mình như : sinh hoạt vận động, sinh hoạt tình cảm và sinh hoạt tư duy.

Thêm vào đó, không những chỉ tạo điều kiện thuận lợi nhằm phát huy đời sống tâm lý của trẻ em, bằng con đường vận động và thể lý, Phương Pháp nầy còn có hiệu năng giải tỏa, khai phóng  vấn đề tiếp xúc, trao đổi và thông đạt, cũng như vấn đề sáng tạo, kiến dựng bản thân. Nhờ vào hai khả năng nầy, là kết dệt những quan hệ và sáng tạo cuộc đời, trẻ em sẽ từ từ thoát ra khỏi chiếc vỏ «  tự kỷ », không còn coi mình là « trung tâm của vũ trụ ». Đồng thời, về mặt tích cực, trẻ em sẽ thực hiện những bước tiến bộ trong năm lãnh vực khác nhau sau đây : xúc động, tưởng tượng, hình tượng, tri thức và suy luận.

Chính vì bao nhiêu lý do vừa được quảng khai và nhấn mạnh, tác giả M. BOUVART ( 1995 ) đã khẳng định :

« Không có Phương Pháp Tâm Vận Động, nếu trẻ em không có khả năng diễn tả đời sống vận động, đời sống xúc động và đời sống vô thức của mình một cách dễ dàng và thanh thoát.

« Cũng vậy, sẽ không có Phương Pháp Tâm Vận Động, nếu trẻ em không có khả năng tổng hợp mọi phương diện rời rạc khác nhau trong con người của mình,  thành một thực thể đồng nhất và năng động ».

Trong thực tế tổ chức và sinh hoạt, Phương Pháp Tâm Vận Động Aucouturier được ứng dụng ở ba mức độ khác nhau :

-         Mức độ thứ nhất mang tên là giáo dục Tâm Vận Động được khảo sát và trình bày trong toàn bộ tác phẩm nầy.

-         Mức độ thứ hai mang tên là Can Thiệp Tâm Vận Động được tổ chức cho các nhóm hạn chế, gồm có từ 3 đến 4 em có vấn đề trong lãnh vực phát triển, với sự có mặt của hai chuyên đã kết thúc chu kỳ đào tạo của mình.

-         Mức độ thứ ba mang tên là Trị Liệu Tâm Vận Động dành cho mỗi trường hợp cá nhân. Thông thường, đây là những em đang có những rối loạn tiếp xúc trầm trọng, thuộc diện ô-ti-xơm, có nghĩa là có đời sống tự bế, bít kính mình.

Trong cả ba mức độ, nền tảng lý thuyết, dụng cụ chuyên môn và khung gian sinh hoạt đều giống nhau. Điểm khác biệt là thành phần trẻ em, ở mỗi mức độ. Tất cả đều là trẻ em đang gặp những khó khăn trong lãnh vực phát triển. Tuy nhiên, ở vào mức độ NHÓM CAN THIỆP, trẻ em không thể tiến phát nếu sĩ số vượt quá 5. Sinh hoạt hoàn toàn tập thể không mang lại lợi ích cần thiết cho loại trẻ em nầy.

Ở vào mức độ NHÓM TRỊ LIỆU CÁ NHÂN, trẻ em đang cần sự có mặt của người lớn, hoạt động như một phối nhân hình tượng trong các trò chơi, mới có thể dần dần tiến tới khả năng tiếp xúc, trao đổi với bạn bè cùng trang lứa, trong tương lai. Sở dĩ như vậy, vì loại trẻ em nầy, trong hiện tại, đang có những năng động, những ký hiệu, cũng như những hình thức diễn tả và nỗi niềm khổ đau quá riêng biệt, đặc thù. Chúng nó CHƯA có gì làm « mẫu số chung » với những trẻ em khác. Không có sự giúp đỡ của một chuyên viên có kinh nghiệm, chúng nó không thể nào hóa giải bao nhiêu vấn đề khó khăn trầm trọng của mình. Người chuyên viên Tâm Vận Động đặc trách loại trẻ em nầy, cần được đào tạo một cách kỹ càng, mới có thể đi vào thế giới xa lạ, âm u, bít kín của các trẻ em nầy. Trên cơ sở đó, họ sẽ cho phép các trẻ em nầy PHÓNG NGOẠI  - nghĩa là tống xuất ra ngoài, một cách tối đa -  lịch sử cá nhân của mình.

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành (Nguyên tác: Bernard AUCOUTURIER)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!