.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Phần I: Phần dẫn nhập

Phần II : Nền Tảng Lý Thuyết

Phần III : Vai Trò của người chuyên viên Tâm Vận Động

Phần IV: Đường Hướng Tổ Chức

Phần V : Thể thức tổ chức - Các Nhóm Sinh Hoạt tùy theo lứa tuổi ( và cấp độ phát triển )

Phần VI : Những Điều Kiện Hoạt Động

Phần VII : Kết Luận

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Phương Pháp Tâm Vận Động
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
Nguyên tác: Bernard AUCOUTURIER
PHẦN III : VAI TRÒ CỦA NGƯỜI CHUYÊN VIÊN TÂM VẬN ĐỘNG

3.1.Thái độ

Để công việc phục vụ trẻ em mang lại nhiều thành quả mong muốn, người chuyên viên Tâm Vận Động vừa phải tuân hành những nguyên tắc được đề xuất, vừa phải nghiêm chỉnh thực hiện những mục tiêu được thiết lập, một cách rõ ràng. Trước khi trở thành một kỹ năng thuần thục và tinh nhuệ, Tâm Vận Động là một lối sống CHO trẻ em và VÌ trẻ em.

Trong tinh thần và ý hướng ấy, một đàng người chuyên viên Tâm Vận Động phải có những kiến thức vững vàng về tâm lý phát triển của trẻ em. Đàng khác, họ cần tôi luyện thường xuyên những kỹ năng nghề nghiệp sau đây :

-         Hiểu biết về ngôn ngữ do chính cơ thể của mình trình bày và diễn đạt,

-         Vận dụng một cách vui thích và thoải mái toàn diện cơ thể của mình,

-         Lắng nghe chính mình,

-         Đồng thời sẵn sàng lắng nghe và đón nhận ngôn ngữ, mà cơ thể của trẻ em đang diễn tả, dưới mọi hình thức khác nhau,

-         Ý thức về những cảm nghiệm vui thích hoặc khó chịu của trẻ em, khi tiếp xúc với những loại dụng cụ khác nhau, khi  sinh hoạt trong những không gian khác nhau, cũng như khi bộc lộ những hành vi khác nhau như lệ thuộc, tự lập, tê liệt, cô lập, phản ứng đối với tình huống xa rời, đối với những đụng chạm về mặt cơ thể, đối với tình huống thiếu trật tự, đối với tiếng động hay là đối với những qui luật cần tôn trọng.

Không nắm vững bao nhiêu kỹ năng ấy, trong suốt tiến trình được đào tạo, làm sao người chuyên viên Tâm Vận Động có thể đón nhận trẻ em, với một tinh thần đồng cảm, và giúp chúng nó phát triển và tiến bộ, nhờ những hoạt động nghề nghiệp của mình ?

Một cách đặc biệt, trong những quan hệ với trẻ em. người chuyên viên Tâm Vận Động cần cần có những thái độ chính yếu sau đây :

-         lắng nghe trẻ em,

-         tôn trọng trẻ em như một con người có  quyền sống khác biệt, sống tự lập, có quyền diễn tả, được bảo vệ và được xã hội hóa.

-         Chấp nhận mọi hình thức diễn tả của trẻ em, thậm chí  khi có những hành vi quá đáng. Chấp nhận, một cách trung thực, đến độ thái độ chấp nhận của chúng ta toát ra trong sinh hoạt xúc động và trương lực cơ của mình.

Trên bình diện nghề nghiệp, người chuyên viên Tâm Vận Động có những hành vi cụ thể như sau :  

1.- Cho phép trẻ em diễn tả những xúc cảm vui thích của mình :

-         nhận biết tên tuổi của từng em,

-         mỗi em có những vui thích riêng biệt,

-         tạo điều kiện dễ dàng cho mỗi em cảm nghiệm những vui thích của mình,

-         khuyến khích, nâng đỡ từng em,

-         giải tỏa những mặc cảm tội lỗi ( không tố cáo, trách móc, la mắng…).

2.- Cho phép trẻ em giải tỏa những nhu cầu vận động và phá hoại ,

3.- Cho phép trẻ em diễn tả những nỗi niềm vui thích của mình :

- Sẵn sàng lắng nghe, thậm chí khi trẻ em chưa diễn tả được niềm vui thích của mình một cách rõ ràng.

- Chỉ trình bày qui luật và giới hạn, sau khi lắng nghe và đón nhận lời yêu cầu của trẻ em.

 - Chúng ta chỉ đưa ra những qui luật và giới hạn, với mục đích giúp trẻ em trở nên tự lập và có tinh thần xã hội ( sống hài hòa với kẻ khác ).

4.-Giúp trẻ em từ từ hội nhập những giới hạn ( qui luật ) sau đây :

-         những giới hạn không gian : «  Cô thấy em muốn… vâng, em có thể…đằng kia kìa. »

-         những giới hạn thời gian : «  Em có thể…nhưng đợi thêm 5 phút. Em có thể… chỉ trong vòng 5 phút. Em có thể… lần sau ».

-         những giới hạn về mặt quan hệ : « Cô thấy em ước muốn… nhưng không ai có phép lục lọi trong đồ dùng của cô…  Không ai có phép đánh bạn bè. Không ai có phép đi theo cô, khi cô vào phòng vệ sinh… ».

Ngoài ra, người chuyên viên Tâm Vận Động còn phải học tập, để hiểu rõ ý nghĩa những sản phẩm của trò chơi. Nhờ đó, họ có thể đáp ứng nhu cầu của trẻ em, và hướng dẫn, khi cần thiết, những trò chơi của chúng nó.

Để tóm lược những điều vừa được trình bày, chúng tôi xin trích dẫn một câu nói của tác giả B. AUCOUTURIER : «  Cuộc sống là một tổng hợp bao gồm nhiều quà tặng và nhiều lệnh cấm nối đuôi nhau ».

3.2Những chức năng của người chuyên viên TVĐ

Dựa vào những quan hệ có chất lượng, đã được thiết lập một cách bền vững, thể theo những chỉ tiêu được trình bày trên đây, người chuyên viên TVĐ cần thực thi những trách vụ sau đây, với tất cả những khả năng chuyên môn của mình :

3.2.1          Mẫu mực ( khuôn khổ an toàn )

Khi người chuyên viên « có mặt thực sự và làm chủ tình hình », họ sẽ đề phòng mọi tình huống « bê bối, cẩu thả » có thể xảy ra. Nhờ đó, trẻ em cảm thấy được an tâm, tha hồ vui đùa, diễn tả. Chúng nó không có gì và có ai trong số bạn bè, để lo sợ, ái ngại, phân vân…

Nhằm tạo được một « khuôn khổ an toàn » như vậy, người chuyên viên cần có những thái độ thức tĩnh như sau :

n      Đưa mắt nhìn quanh, không một em nào trong nhóm sinh hoạt thoát khỏi tầm nhìn bao quát của mình. Ví dụ : Khi phải lắng nghe một em, chúng ta cần chọn thế đứng và nơi đứng, để những em khác vẫn luôn luôn ở trong vòng quan sát của chúng ta.

n      Dùng giọng nói rõ ràng, để mọi trẻ em sinh hoạt trong phòng có thể nghe và hiểu những qui luật, do chúng ta đưa ra. Đồng thời, cách nói của chúng ta phải tạo được an toàn và hứng khởi cho toàn nhóm. Không la lối, nạt nộ… một cách ỏm tỏi khó chịu.

n      Từ từ di chuyển từ vị trí nầy qua vị trí khác, để luôn luôn trực diện với toàn nhóm, nhằm tạo an toàn và không không gây lo ngại cho một ai.

n      Vạch rõ những khung gian sinh hoạt, với những ranh giới cụ thể, bằng bàn ghế, giây thừng hay là nét phấn…Ví dụ :  trẻ em đang chơi trò Tác-dăng. Chúng ta lại gần, xác định những lằn ranh không được vượt qua. Những trẻ khác đang liệng banh, chúng ta yêu cầu liệng về hướng nào, liệng vào đâu…Những khung gian sinh hoạt, được qui định như vậy, vừa cho phép trẻ em phát huy trí tưởng tượng của mình, vừa tạo thêm điều kiện để chúng nó sáng tạo những cách thức giải quyết vấn đề…Cách làm ấy, theo lối nhìn của tác giả AUCOUTURIER ( lớp dào tạo 1984 ) là « thể thức tạo an toàn, bằng cách cho phép một tình huống vô trật tự xảy ra trong một khuôn khổ có trật tự ».

n      Thường xuyên thích nghi với những đòi hỏi của hiện tại, bằng những thể thức hành động sau đây :

-         chọn lựa một góc phòng, cho một loại sinh hoạt, mà không gây tổn hại cho những sinh hoạt của các em khác.

-         Đánh giá chiều kích rộng lớn của khung gian cho một loại sinh hoạt nhất định,

-         Đánh giá thời gian cần thiết, để cho mỗi sinh hoạt có khả năng diễn biến một cách tốt đẹp.

-         Chọn lựa những dụng cụ thích ứng với  từng hoàn cảnh.

Trong lăng kính nầy, không gian có thể đổi thay chiều kích, tùy theo từng sinh hoạt hoặc sản phẩm của trẻ em.

Trong những cách tổ chức và thích nghi như vậy, như chúng tôi đã nhấn mạnh nhiều lần trước đây, chúng ta nhắm mục tiêu chuyển đổi môi trường sinh hoạt và thể thức chọn lựa các dụng cụ… thay vì tìm cách tác động trực tiếp trên con người của trẻ em.

3.2.2          Bảo đảm tinh thần tôn trọng qui luật

Đối với chúng ta, điều tối quan trọng là bảo đảm cho trẻ em vấn đề an toàn tình cảm, mỗi lần nói đến qui luật. Cho nên, chúng ta cần nhắc lại thường xuyên cho toàn thể trẻ em, những qui luật cần thiết, trước mỗi buổi sinh hoạt. Ngoài ra, khi có một em vi phạm qui luật, chính khi ấy, chúng ta nhắc lại qui luật cho cá nhân em ấy mà thôi.

Tuy nhiên, mỗi lần cần can thiệp, để đòi hỏi một em phải tôn trọng qui luật, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu và nhận biết nhu cầu hiện tại của em ấy là gì, thay vì tức khắc qui lỗi, la mắng, sửa phạt. Cách can thiệp thích ứng và tốt đẹp nhất, là tức khắc tìm ra cho em ấy một hoàn cảnh có khả năng đề cao giá trị và tạo vui thích thực sự cho em ấy.

Đồng thời, chúng ta cũng phải tái lập tình trạng an toàn cho những em nào đã bị tấn công.

Hành vi vi phạm qui luật có thể phát xuất từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Thông thường, đó là một «  tiếng kêu cầu cứu ». Hay đó là một dấu hiệu cho thấy trẻ em đang ở trong một tình trạng khổ đau, cần được chúng ta lưu tâm, tìm hiểu. Chính vì vậy, em tấn công cũng như em bị tấn công, cả hai em  đều cần được chúng ta nâng đỡ và đón nhận một cách tích cực.

Thông thường, trong một buổi sinh hoạt, khi qui luật bị vi phạm nhiều lần, trong nhiều trường hợp khác nhau, với nhiều trẻ em khác nhau, nguyên nhân chính là người chuyên viên Tâm Vận Động, hôm ấy, thiếu khả năng động viên trẻ em. Chứ không phải vì trẻ em thiếu kỷ luật. Cho nên, để chuyển đổi những tình hình tương tự, chúng ta cần lập tức xét lại thể thức chọn lựa và bố trí những dụng cụ, trong phòng sinh hoạt tâm vận động. Chúng ta có cho phép trẻ em giải tỏa những xung năng của mình hay không, với tất cả những gì trong tầm tay của chúng nó ? Chúng ta có nhìn nhận đúng tầm những sản phẩm, do trẻ em chế tạo ra, hay không ?

Nếu một em cứ lặp đi lặp lại thường xuyên những vi phạm của mình, chúng ta cần nghiêm chỉnh đánh giá và xét lại thái độ của chính chúng ta đối với em ấy, trước khi đề nghị thuyên chuyển em ấy qua một nhóm can thiệp khác.

3.2.3          Bảo đảm vấn đề an toàn thể lý  

Mỗi lần sinh hoạt với trẻ em, chúng ta cần có thái độ thận trọng tối đa, để tránh cho trẻ em  mọi tai nạn lớn hoặc nhỏ.

Chẳng hạn, trong một buổi sinh hoạt, nếu chúng ta nhận thấy có nhiều tai nạn đã xảy ra,, chúng ta cần nghiêm chỉnh xét lại những điểm quan trọng sau đây :

-         Cách tổ chức phòng sinh hoạt có thích ứng với nhu cầu của trẻ em hay không ?

-         Trẻ em có đầy đủ không gian, để sinh hoạt hay không ?

-         Trẻ em có nhiều phương tiện để giải tỏa ra ngoài những tình trạng căng thẳng nội tâm không ?

 Chúng ta hãy can đảm và thành thực đặt mình thành vấn đề, nhất là trong địa hạt tổ chức và bố trí phòng sinh hoạt, trước khi nêu lên, một cách quá đơn sơ và dễ dàng , lý do « rối loạn tác phong » của trẻ em.

3.2.4          Kích thích và động viên

Nhằm chuyển hóa tình trạng của trẻ em, trong chiều hướng tích cực và năng động, chúng ta cần lưu tâm đến những tình huống sau đây :

n      Hành vi  lặp đi lặp lại hay là bất động

-         ví dụ 1 : Trẻ em chạy lăng xăng lui tới. Chúng ta đặt ra những dụng cụ, bàn ghế khắp nơi… để trẻ em biết xem chừng, lúc di động. Chúng ta cũng có thể đặt trẻ em nằm xuống và xoa bóp  để tạo thư giản.

-         Ví dụ 2 : Trẻ em đứng nhìn bất động vào một khoảng trống, như cửa sổ… chúng ta gắn vào chỗ ấy một tấm hình, mà trẻ em thích nhìn, như cha, mẹ, em… của nó.

n      Muốn tiếp xúc nhưng còn vụng về

  -Trẻ em muốn tiếp xúc, nhưng còn vụng về trong hành vi của mình, cho nên có những hậu quả bên ngoài rất tai hại như tấn công, phá ủy, xô đẩy, va chạm…

  -Hiểu được điều ước muốn ấy, chúng ta có thể sáng tạo với trẻ em, mộât phương tiện khác thích hợp với cấp độ phát triển của chúng nó.

n      Tạo ra cho trẻ em những cách chọn lựa trái ngược nhau :

-         những cách chơi trống : nhẹ-mạnh, nhanh- chậm…

-         đưa tay tìm tấm vải thô-mịn, cứng-mềm…

-         phân biệt thời gian : chơi thổi kèn - dừng lại khi có hiệu lệnh.

n      Đón nhận mọi hình thức sáng tạo của trẻ em

Mỗi trẻ em lên đứng trước các trẻ em khác và tự do làm một cử điệu, nói lên một tiếng … những trẻ em khác bắt chước và hoan hô.

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành (Nguyên tác: Bernard AUCOUTURIER)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!