.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời Tựa

Dẫn Nhập

Lược Tóm

PHẦN I - Chương I: Xã Hội Việt Nam

Chương II: Giáo Hội Việt Nam với các Chủng Viện và Hàng Giáo Sĩ

Chương III: Việc đào tạo thiêng liêng hiện nay ở các chủng viện Việt Nam

PHẦN II - Chương IV: Giáo Huấn của Hội Thánh Hoàn Vũ về việc đào tạo Thiêng Liêng

Chương V: Giáo huấn của Hội Thánh Địa Phương về việc đào tạo Thiêng Liêng

Chương VI: Áp dụng giáo huấn của Hội Thánh vào việc đào tạo Thiêng Liêng cho các Chủng Sinh

PHẦN III - Chương VII: Bối cảnh hoá đào tạo Thiêng Liêng cho các Linh Mục Việt Nam tương lai

Chương VIII: Giai đoạn tiền chủng viện thăng tiến, thẩm tra và đón nhận

Chương IX: Giai đoạn chủng viện đào tạo và tự đào tạo thiêng liêng

Chương X: Giai đoạn hậu chủng viện

Kết Luận

Sách tham khảo

Phụ trương A

Phụ trương B

Phụ trương C

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Đào Tạo và Tự Đào Tạo Thiêng Liêng của các Linh Mục trong bối cảnh Việt Nam ngày nay
Tác giả: Lm. Trần Minh Huy, pss
CHƯƠNG X: GIAI ĐOẠN HẬU CHỦNG VIỆN

NĂM NĂM ĐẦU TIÊN TRONG SỨ VỤ LINH MỤC: NHỮNG MỐI TƯƠNG QUAN HÀI HOÀ, QUÂN BÌNH VÀ TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC.

Bằng việc giới thiệu ứng sinh lên chức linh mục, chủng viện đã hoàn tất giai đoạn đào tạo khởi đầu của mình, nhưng việc đào tạo linh mục không dừng lại ở đây. Việc đào tạo linh mục phải được tiếp tục, bằng việc đào tạo thường xuyên trong suốt cuộc đời của linh mục. Việc đào tạo chủng viện chỉ cho biết phải làm sao và sống thế nào. Nhưng bây giờ trong sứ vụ mục vụ, chính vị linh mục trẻ bắt đầu làm và sống đời linh mục và sứ vụ linh mục của mình. Càng sống đời linh mục càng trở nên linh mục tốt hơn và đích thực là linh mục.

Theo Pastores Dabo Vobis, bản chất và sứ vụ linh mục không thể được xác định, nếu không có những tương quan bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi, được kéo dài trong sự hiệp thông của Hội Thánh và của toàn thể nhân loại.396

Mục đích quan trọng nhất của việc đào tạo thiêng liêng thường xuyên trong suốt năm năm đầu tiên này là giúp vị tân linh mục chu toàn sứ vụ mình trong niềm vui và trung kiên hy vọng, ý thức, chấp nhận và vượt thắng những chiến đấu thiêng liêng, bằng việc thăng tiến các mối tương quan hài hòa, quân bình và trưởng thành với Chúa, với chính mình, với người khác và với thiên nhiên.

Những mối tương quan này đã được bắt đầu và nuôi dưỡng ngay từ tiến trình đào tạo khởi đầu ở trong chủng viện. Nếu ngày qua ngày, các tương quan này được điều chỉnh và phát triển tốt đẹp thì mọi sự sẽ “thuận buồm xuôi gió.” Nhìn thẳng vào những hoàn cảnh thực tế mà vị linh mục trẻ dấn thân vào như là đáp án thích hợp, người ta sẽ tin tưởng “canh tân và nuôi dưỡng chúng cách hữu hiệu hơn.”397 Vì lý do đó, Đức Gioan Phaolo II đã nói rằng việc đào tạo linh mục “đúng đắn và quân bình”398 là bảo đảm tốt nhất cho tương lai.

             

A.  Đối Mặt Thực Tế và Những Nhu Cầu Căn Bản

    1. Những Thực Tế Không Mong Đợi 

Đức Tổng Giám Mục Orlando B. Quevedo (Philippines) nhận thấy rằng ngay sau khi thụ phong, các linh mục trẻ đã bỏ cầu nguyện, Sách Nhật Tụng, Nguyện Gẫm riêng, xét mình hàng ngày và lần chuỗi Mân côi. Ngài buồn rầu kết luận: “linh mục trẻ bỏ cầu nguyện và những sùng kính đạo đức là những cái đã giúp ngài giữ được ơn gọi sống động trong chủng viện, và cũng chính những thứ đó sẽ còn giúp ngài bền đỗ trong chức vụ linh mục.”399

Đâu là lý do khiến đời sống thiêng liêng của các linh mục trẻ sa sút và đưa đến hậu quả không đáng mong đợi như vậy? Một cách nào đó, điều này chứng tỏ họ còn yếu kém và không trưởng thành đủ trong một đời sống thiêng liêng sâu xa. Chúng ta không thể không biết đến tình cảnh này của con người và của Hội Thánh… và cũng không thể khám phá thấy hết được những hình thức khác nhau của cơn “khủng hoảng” mà các linh mục ngày nay đang phải chịu đựng: thiếu vâng lời và khó nghèo, lơ là việc linh hướng và xưng tội (luôn luôn sẵn đó nhưng họ không dùng), không ưu tiên cho đời sống cầu nguyện, thiếu tương quan thân mật với Giám mục và linh mục đoàn, thiếu liên đới và hợp tác làm việc chung, nhưng chỉ thích thi hành sứ vụ cách cá nhân, thiếu tín nhiệm và tin tưởng lẫn nhau, quá tự tin, kiêu căng, lười biếng, có vấn đề về đức trong sạch, thiếu trách nhiệm bản thân trong việc tự đào tạo và phát triển đời sống thiêng liêng.400

Ngoài ra, Bộ Giáo Sĩ cũng mô tả những yếu tố nản lòng này: “thói quen đơn điệu, căng thẳng thể xác vì quá nhiều việc, mệt mỏi tâm lý gây nên do đấu tranh chống lại hiểu lầm và định kiến.”401 Và Bộ đề nghị một giải pháp: “cần phải đưa ra vài lời khuyên cho một chương trình đào tạo thường xuyên thích hợp có thể giúp các linh mục sống ơn gọi của mình cách vui tươi và trách nhiệm.”402

       2. Những Nhu Cầu Cơ Bản Và Thường Xuyên Của Hội Thánh 

Đáp lại các vấn đề đó, các thẩm quyền Giáo Hội nhấn mạnh việc đào tạo thường xuyên. Thật vậy, Sứ Vụ và Đời Đống Linh Mục dành trọn chương III (các số từ 69-92) để nói về việc đào tạo thường xuyên này, như “một bổn phận và quyền lợi chính đáng của linh mục…. và của Hội Thánh”, phù hợp với “mục đích cơ bản của sự trưởng thành trong đời sống thiêng liêng,”403 mà “không ai có thể thay thế được linh mục trong việc canh chừng chính mình” (x. 1 Tm 4, 16).404 

Trong khi đó Tông Huấn Pastores Dabo Vobis  cũng dành trọn chương VI (các số 70-82) để nói về việc đào tạo thường xuyên này của linh mục, như “sự tiếp tục tự nhiên và tuyệt đối cần thiết của tiến trình xây dựng nhân cách của linh mục, vốn đã được khởi sự và phát triển từ trong chủng viện.”405

Còn Optatam Totius khuyến cáo rằng “việc đào tạo linh mục, nhất là trong bối cảnh của xã hội hiện đại, cần phải được tiếp tục và hoàn thiện hoá sau khi đã hoàn tất chương trình đào tạo trong chủng viện.”406

Ngoài ra, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis (chương XVII, số 100-101) mô  tả việc đào tạo hậu chủng viện: “cách riêng trong những năm đầu tiên sau khi chịu chức …. để các linh mục mới ra trường có thể được trang bị tốt hơn, ngõ hầu họ có thể gánh vác và hoàn thiện các bổn phận của người tông đồ.407

Và Tông Huấn Ecclesia in Asia mở ra một hướng rộng lớn: “Để phục vụ Hội Thánh như ý Đức Kitô, các Giám mục và linh mục cần một đào tạo chắc chắn và thường xuyên, có thể cung ứng những cơ hội khả thể cho một cuộc canh tân thiêng liêng và mục vu.”408

Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã thực hiện lời khuyên này sớm nhất, qua cuộc hội thảo số 5 mang tựa đề “đào tạo tiếp tục cho các linh mục Á Châu.”409

Cuốn Gathered Around Jesus quan niệm rằng đó là một cuộc khủng hoảng về đời sống thiêng liêng và đưa ra một phương dược chữa trị, với ơn Chúa:

      a. Ở Cấp Độ Cá Nhân

Kỷ luật tự giác và nỗ lực cá nhân, vào sâu trung tâm nhân cách con người, dành thời gian để xét mình, coi trọng đời sống cầu nguyện và dành giờ để chiêm ngắm, phân định rõ ràng căn tính của mình, ngay thẳng với chính mình, thành thật trong ơn gọi, giản dị trong cuộc sống, cầu nguyện và làm việc không ngừng.        

       b. Ở Cấp Độ Giáo Hội

Nhìn lại nơi chúng ta đã xuất phát, chọn những con người có tinh thần siêu nhiên làm ứng viên linh mục, tìm thứ linh đạo phù hợp với cá tính của mỗi người, linh đạo này nên thúc đẩy và mở ra với thế giới, tiếp tục đào tạo thiêng liêng và lớn lên nhờ một cuộc đào luyện thiêng liêng quân bình, các khía cạnh nhân bản và đào tạo thiêng liêng phải là một, thần học về đời sống độc thân, sự hiện diện của vai trò gương mẫu, linh đạo về hiệp thông, dấn thân vào cộng đoàn giáo xứ cầu nguyện, phân định cộng đoàn và chấp nhận, ý thức về hoàn cảnh và khả năng trực diện với chúng, hệ thống hổ trợ và tình huynh đệ bí tích, Giám mục phải thiết lập tương quan cá nhân với các linh mục của mình.410

     3. Trách Nhiệm và Đóng Góp của Chủng Viện

Chủng viện không muốn bị kêu trách là “đem con bỏ chợ.” Chủng viện nên đồng hành với những người mới ra trường ít nhất là trong năm năm đầu tiên làm linh mục, với tiến trình này: “Dạy cho người ta làm, giúp người ta làm, để cho người ta làm, cuối cùng rút lui, nhiệm vụ đã hoàn tất.” Nhưng các nhà đào tạo của chủng viện phải cộng tác với Giám Mục và linh mục đoàn của ngài trong việc đào tạo thường xuyên, nhằm định hướng lại lối sống của hàng giáo sĩ, với một quân bình thiêng liêng và tâm lý vững chắc.411

Mặc dù việc đào tạo thường xuyên là sự nối tiếp việc đào tạo trong chủng viện, nhưng nó không phải là lặp lại những kiến thức đã học, mà nó mang một nội dung mới và phương pháp mới, vì đây được coi là một tiến trình áp dụng và cập nhật hoá và thay đổi.412 Trong khía cạnh thực hành, việc thực tập này nhằm mục đích giúp linh mục trẻ biết thực hành và suy nghĩ về kinh nghiệm của mình như là thừa tác viên bí tích, giảng dạy, khuyên răn và thăm viếng; ôn lại giáo lý với cách thức đặc biệt, nhấn mạnh các vấn đề luân lý và các trường hợp thuộc toà giải tội; nhìn thẳng vào và suy nghĩ về các kinh nghiệm mục vụ, sức khỏe và đời sống tình cảm, về giới tính và tâm lý: “Mọi yếu tố đều phải phù hợp với mục đích căn bản của sự trưởng thành trong đời sống thiêng liêng.”413

Thật vậy, khi còn là chủng sinh, họ học và biết rất rõ phải cử hành bí tích như thế nào, nhưng đó mới chỉ là lý thuyết; bây giờ là linh mục, họ cử hành chính những bí tích ấy với nội lực và kinh nghiệm của mình. Thật rất  khác nhau, nên họ cần sự đồng hành của các nhà đào tạo giúp họ hội nhập và sống đời sống bí tích của họ, với đường lối cá nhân, tự do và ý thức, trong đời sống hiệp thông, yêu thương, cảm nhận và thái độ của Đức Kitô,414 theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Linh mục càng sống đời linh mục của mình thì càng trở nên linh mục đích thực.

Mới đây, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, Đức Hồng Y Castrillon Hoyos mở một khoá tranh luận Thần Học Truyền Thông bàn về “Đào tạo thường xuyên cho giáo sĩ” và coi đây như một bổn phận và quyền lợi của Hội Thánh hoàn vũ, cũng như của mỗi linh mục. Đào tạo thường xuyên của linh mục là một lời mời gọi tiếp tục hoán cải và thánh hoá, một cuộc tái khám phá hàng ngày cái nhu cầu tuyệt đối của sự thánh thiện cá nhân của linh mục, cũng như nhu cầu thiết yếu của đời sống và sự trưởng thành của Dân Chúa, vì họ có quyền nhìn thấy và gặp được chính Đức Kitô nơi linh mục.415

 

B. Những Tương Quan và Trợ Giúp

     1. Tương Quan Với Chính Mình 

Trước hết, các linh mục mới phải luôn ý thức về căn tính của mình (tôi là ai?) trong mọi chiều kích của một đời sống quân bình và trưởng thành (nhân bản, thiêng liêng, giới tính và tâm lý). Họ phải cố gắng để luôn trung thành với lời cam kết và sứ vụ của mình, bởi vì “các linh mục sẽ đạt tới sự thánh thiện trong con đường riêng biệt của mình bằng cách thi thành sứ vụ của mình cách chân thành và không mệt mỏi trong Thần Khí của Đức Kitô,”416 đặc biệt là trong đời sống cầu nguyện: cầu nguyện thế nào thì sống thế ấy, và sống thế nào thì cầu nguyện như vậy. Hầu hết các linh mục rời bỏ chức linh mục đều là những vị đã bỏ đời sống cầu nguyện. Vì thế, Chúa Giêsu đã nhắc nhở “hãy tỉnh thức và cầu nguyện … tinh thần thì hăng hái nhưng bản tính nhân loại thì yếu đuối” (x. Mc 14, 38; Mt 26,41).

Họ có thể cảm thấy an ủi và chán nản trong cầu nguyện. Vì thế, họ phải ý thức rằng họ cầu nguyện không phải để thoả mãn những gì họ sẽ nhận được, nhưng để tìm gặp Chúa, mà Chúa thì đôi khi được thấy trong sự trần trụi và không ích kỷ. Không ai biết được lúc nào Chúa đến. Thái độ chờ đợi trong cầu nguyện phải là thái độ ý thức và tỉnh táo. Vì thế, Tân Ước đã nhiều lần nhắc nhở kiên trì trong cầu nguyện. Họ phải trung thành với thời gian mà chính họ đã ấn định cho việc cầu nguyện: luôn trung thành với lời cầu nguyện hằng ngày và kiên trì trong suốt thời gian cầu nguyện. Điều này dẫn đến một lời cầu nguyện sâu xa. Họ cũng nên kiên trì tìm gặp gỡ với Chúa ở bất cứ nơi nào và vào bất cứ lúc nào. Vị linh hướng vốn hiểu họ có thể giúp họ và trấn an họ những lúc khó khăn và hoang mang trong tương quan của họ với Chúa.417

    2. Tương Quan Với Người Khác

         a. Tương Quan với Giám Mục Bản Quyền

Trong vương quốc này của Thiên Chúa, người ta kể đến trước hết mối tương quan của linh mục với Giám Mục của mình.418 “Một cách bí tích, linh mục đi vào hiệp thông với Giám mục và các linh mục khác để phục vụ Dân Chúa.”419 Đức Gioan Phaolô II đã khuyên các Giám Mục Việt Nam hãy luôn gần gũi hơn với các linh mục, quan tâm tới đời sống hàng ngày của họ để nâng đỡ họ và đồng hành cùng họ, nhất là khi họ gặp thử thách vì thi hành sứ vụ; cung cấp cho họ một sự đào tạo thiêng liêng thích nghi với những thách đố trong việc truyền giáo mà họ phải đối diện.420 Chương trình đào tạo linh mục của Giáo Hội Philippines năm 1972 đưa ra đề nghị rằng các Giám mục nên đi bước trước trong cuộc đối thoại thân hữu và thường xuyên với các linh mục trẻ, để họ có thể cởi mở và chân thành bàn cải cách riêng tư, với sự hướng dẫn từ phụ của Giám Mục, về công việc, thành công và thất bại, kế hoạch và vấn đề, và về đời sống thiêng liêng của họ nữa.421

Với sự hiểu biết đầy yêu thương và sự trợ giúp từ phụ của Giám mục, linh mục sẽ đứng vững trong mọi hoàn cảnh, bởi vì mọi cuộc khủng hoảng đều đến từ cuộc khủng hoảng quyền bính. Thái độ của các linh mục đối với Giám Mục phải là hợp tác, vâng lời, tình bạn, và nhìn thấy nơi ngài một người cha thực sự và vâng phục ngài với tất cả kính trọng. Sự vâng lời càng đến từ con tim (không phải bởi quyền lực hay lý lẽ), thì mối tương quan giữa Giám mục và linh mục càng trở nên gần gũi và rồi mọi sự đều tốt đẹp.422

     b. Tương Quan Giữa Linh Mục Với Nhau

Mối tương quan và đối thoại của một “tình huynh đệ bí tích”423 giữa các linh mục già và linh mục trẻ có thể đưa tới hiểu biết lẫn nhau và cùng nhau giải quyết các vấn đề và khó khăn trong sứ vụ linh mục của họ.424 Sắc lệnh về Sứ vụ và Đời sống linh mục đã mô  tả rõ ràng: Các linh mục nhiều tuổi hãy đón nhận những linh mục trẻ như  những người em thực sự và giúp đỡ họ trong những công tác và gánh nặng đầu tiên của sứ vụ linh mục; gắng hiểu tâm trạng của họ và theo dõi các dự tính của họ với thiện chí. Và các linh mục trẻ phải biết kính trọng tuổi tác và kinh nghiệm của các vị lớn tuổi; bàn hỏi với các ngài và sẵn lòng cộng tác với các ngài trong việc chăm sóc các linh hồn.425

Tình huynh đệ bí tích này còn “hơn cả tình yêu của phụ nữ” (hãy xem tình bạn của David và Gionathan trong 2 Sm 1,26) và tình huynh đệ ấy trở thành bảo đảm cho đời độc thân của mọi linh mục trong tất cả cuộc sống và sứ vụ của họ. “Ngọt ngào tốt đẹp biết bao, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 132, 1). Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1971 ước mong rằng các hiệp hội linh mục phải được cổ vũ và phát triển để cung ứng cho họ sự trợ giúp huynh đệ.426

      c. Tương Quan Với Giáo Dân Nam Cũng Như Nữ 

Theo sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống linh mục, các linh mục phải nhớ rằng mọi người đã được rửa tội đều phải cùng nhau làm việc cho Nước Chúa, vì tất cả là thành viên của cùng một thân thể Đức Kitô. Các ngài phải nhìn nhận và thăng tiến phẩm giá và sứ vụ của giáo dân, sẵn lòng lắng nghe họ, coi trọng những ước mong của họ, nhìn nhận kinh nghiệm và chuyên môn của họ trong các lãnh vực khác nhau của hoạt động nhân loại, tin tưởng vào phận vụ của họ trong việc phục vụ Giáo Hội, để họ có đủ tự do và lãnh vực hoạt động, và cho họ cơ hội thích hợp gánh vác công việc theo sáng kiến của họ. Các linh mục cũng phải dẫn dắt giáo dân đi đến hiệp nhất, sự thật và công ích, hoà giải những khác biệt về tâm thức để không ai cảm thấy mình xa lạ ở  trong cộng đoàn tín hữu.

Còn về phía mình, giáo dân phải nhận biết bổn phận đối với các linh mục của mình, và bằng chia sẽ ân cần, họ giúp các ngài bằng lời cầu nguyện và công việc, ngõ hầu các ngài có thể sẵn sàng vượt qua những khó khăn mà chu toàn sứ vụ cách hiệu quả hơn.427

       d. Tương Quan Với Phụ Nữ: Trợ Lực Hay Là Vấn Đề Cho Cuộc Sống Và Sứ Vụ Của Linh Mục?

Theo sách Sáng Thế (St 2, 18-24) và theo quan niệm Á Đông về Âm-Dương,428 người nam và người nữ rất gắn bó nhau, hấp dẫn nhau và bổ túc cho nhau. Người nam không thể là một con người nếu không có người nữ và ngược lại. Điều này đã khởi sự ở trong gia đình và ngay từ thời niên thiếu: người nam và người nữ bổ túc cho nhau và sự sống, cả nhân bản và thiêng liêng, vẫn  tiếp tục trải ra và phát triển.

Sự việc cũng như thế với các linh mục và phụ nữ, nữ tu hay nữ giáo dân. Trong những mối tương quan này, có nhiều phương diện của cuộc sống thật ý nghĩa và đẹp đẽ và có nhiều công việc thật tuyệt vời. Tuy nhiên, họ không luôn luôn là trợ lực, nhưng lắm khi cũng là vấn đề và sa lầy không lối thoát,429 cho một số linh mục.

Mọi thân xác đều mang giới tính. Quà tặng độc thân của linh mục có thể bị nguy hiểm, nhất là khi một người nam đơn độc ở với một người nữ đơn độc lâu giờ trong một nơi cửa khóa chặt, mà không có bất cứ khoảng cách nào, cùng với những biên giới cần thiết về thể lý, tâm lý và thiêng liêng. Và, vì một người đàn bà, một số linh mục đã từ bỏ thừa tác vụ, nhất là trong bối cảnh hiện nay của nền văn minh lấy cái tôi làm trọng tâm, vật chất, hưởng thụ, khoái lạc, phim con heo và nhục dục.

Vì thế, đời sống độc thân linh mục cần được bảo vệ cách ý thức bằng việc đặc biệt giữ cảnh giác cảm xúc và toàn bộ cách cư xử của mình, với ý thức rằng “chúng ta gìn giữ kho tàng ấy trong những chiếc bình sành” dễ vở (2 Cr 4,7). “Cách thực tế, một lối sống phù hợp với chức linh mục không thể được phát triển, nếu chủng sinh dấn thân vào một mối quan hệ độc hữu với một phụ nữ.”430

Đối diện với những vấn đề này, người ta được thúc đẩy thiết lập một mối tương quan trưởng thành, lành mạnh, hài hoà và quân bình giữa cả hai phái. Các chủng sinh tốt nghiệp có thể tự hỏi về quan niệm của mình đối với người khác phái, về cách quan hệ với phụ nữ và về những ảnh hưởng hổ tương của họ thế nào? Họ có mối quan hệ riêng biệt nào với một số phụ nữ hay với một số phụ nữ sống đời thánh hiến không? Đâu là nguyên nhân của mối quan hệ này? Có cảm nhận gì hay triệu chứng nào đáng nghi không ?

     e. Tương Quan Với Các Nữ Tu: Phải Khôn Ngoan Và Tỉnh Thức

Đối với các nữ tu, kể cả các nữ giáo dân tình nguyện và tông đồ, linh mục phải giữ trong trí óc và tâm hồn sự lệ thuộc của họ và chính sự lệ thuộc của mình đối với Chúa, và “trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa” (x. Mc 12,17). Linh mục cũng phải tôn trọng các nữ tu vì họ là “những cộng tác viên - chứ không phải những thuộc hạ hay người giúp việc - luôn sống trong sự bổ túc, hài hoà và liên đới.”431

Nhưng, vì với lý tưởng chung là dâng hiến trọn vẹn đời sống cho Chúa và Dân Chúa như là những cộng tác viên, người ta có thể có mối tương quan thân mật, bằng sự cởi mở tâm sự cho nhau, bằng sự hiểu nhau và chia sẻ sứ vụ, những thành công cũng như những khó khăn, tin tưởng nhau, cảm thông với nhau, dịu dàng và ân cần chăm sóc. Chính từ sự thân mật này, một cảm nhận “yêu thương” có thể dễ dàng phát sinh và phát triển, rồi tình trạng có thể trở nên nguy hiểm hơn, với những hình thức được bộc lộ ra như muốn chiếm hữu, ghen tuông, và muốn độc quyền. Linh mục đừng quên lời khuyên của Chúa Giêsu (x. Mt 26,41; Mc 14,38): là những con người thánh hiến, nhưng họ vẫn không thôi là những con người với những yếu đuối nhân loại.

Các linh mục cũng phải ý thức rằng sự thân mật là nhu cầu của con người, nhưng sự thân mật trong đời sống độc thân không cần (và không được) được biểu lộ có tính cách phái tính và đồng hóa với hoạt động truyền sinh.

Sự thân mật độc thân có mức độ thích hợp của nó. Chính mức độ riêng biệt này cung ứng cho họ đủ tự do để yêu thương mọi người và không vượt qua các giới hạn của nó. Họ có thể khuôn đúc mối tương quan nam nữ của họ theo gương mẫu đời sống của Chúa Ba Ngôi và kêu xin Chúa ban can đảm để thăng tiến, vượt thắng và thánh hoá “tiếng gọi nhân loại” này, ngõ hầu giúp nhau sống và chu toàn những gì đã cam kết trong ơn gọi và sứ vụ của mỗi người.

Để dễ dàng thực hiện điều đó, họ phải biết tôn trọng nơi chốn, thời gian, khoảng cách và giới hạn cần thiết, về thể lý cũng như tâm lý, của các cuộc gặp gỡ. Họ phải rõ ràng và thành thật với chính mình, với người khác và với Thiên Chúa, bởi vì sự “hẹn hò” yêu thương thường được che giấu dưới những cớ hợp pháp và xứng đáng của các công tác và hoạt động mục vụ, nhưng “thực tế đó là những nghiêng chiều nguy hiểm của con tim.”432 Thật vậy, “bất cứ linh đạo đích thực nào cũng phải nghiêm khắc và mạnh mẻ, đòi hỏi thường xuyên cảnh giác và thức tỉnh.”433 Vì thế, mô hình đào tạo của ICLA với môi trường hổn hợp có thể là một chuyển tiếp tốt và thích hợp từ mô hình cũ tách biệt thế giới đàn ông và thế giới đàn bà, sang một nếp sống gần gủi, thân mật và tự nhiên như hiện nay.

Trong hoàn cảnh tế nhị này, sự hiện diện yêu thương và đời sống cộng đoàn sẽ mang lại sự trợ giúp cần thiết. Bởi tình bạn dâng hiến và nhiệt tình, mỗi người có thể là sự trợ giúp lớn lao cho người khác, trong việc soi sáng và khích lệ lẫn nhau, khi phải chịu đựng những hoàn cảnh nguy hại khác nhau, cũng như sự lây nhiễm một thứ tinh thần thế tục nào đó.434 Người ta cũng không được quên nhu cầu cầu nguyện, khổ chế, ăn chay và chiêm niệm: “Người ta không thể đi theo con đường khó nếu không có một thứ khổ chế đặc biệt.”435

Nhưng trên hết, mỗi người phải tin rằng tình yêu của Thiên Chúa lớn hơn tình yêu nhân loại (một tình yêu lớn hơn vượt thắng tình yêu nhỏ hơn và những hấp dẫn của nó); rằng chỉ có Thiên Chúa mới làm thoả mãn được con tim chúng ta và chúng ta thế nào thì Ngài yêu thương chúng ta thế ấy, và Ngài yêu thương chúng ta cho đến tận cùng; và rằng chúng ta đã “chọn phần tốt hơn.”436 Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta như là “người canh giữ”, như là “bóng mát” của cột mây ban ngày và cột lửa ban đêm để soi đường trong sa mạc, và như là “cánh tay uy quyền” của người bảo vệ.437

     f.   Tìm Những Con Đường Tương Quan Tốt

          1)  Linh Mục Trong Tương Quan Với Mẹ Và Chị Em Của Mình

Mối quan hệ đầu tiên và cơ bản nhất của linh mục với các phụ nữ phải kể cụ thể là mối quan hệ với chính mẹ và chị em của mình. Mẹ của ngài là người phụ nữ mà ngài đã nhận được sự sống, và nhờ mẹ mà ngài có được ơn kêu gọi. Sự dịu dàng và chăm sóc yêu thương của tình mẹ nâng đỡ và bảo vệ ngài, giúp ngài lớn lên trong đời sống nhân bản cũng như đời sống thiêng liêng. Mẹ và chị em luôn tiếp tục đồng hành với ngài, với tình yêu thương, cầu nguyện, với chăm sóc canh phòng nhưng đầy kính trọng. Một linh mục tốt luôn giữ mối liên hệ mật thiết với mẹ và các chị em mình, đặc biệt trong thời gian dao động tình cảm và bị cám dỗ.             

         2)  Hãy đối xử với các Cụ Bà như là mẹ mình, và với các thiếu nữ như chị em mình với tấm lòng trong sạch” (1 Tm 5,2):

Từ thời niên thiếu về sau, linh mục nào cũng đều đã gặp gỡ các thiếu nữ và đàn bà, trong hàng xóm láng giềng hay tại trường phổ thông, và đại học. Để  sống hồng ân quí giá là đời sống độc thân vì Nước Trời trong con đường trưởng thành và trong sáng, điều xem ra đặc biệt quan trọng là linh mục phải phát triển cách sâu xa trong chính mình, hình ảnh của các phụ nữ như mẹ và chị em mình, với cùng một lòng yêu thương và kính trọng như đối với mẹ và chị em mình.

Trong thời đại hôm nay, linh mục phải biết “khám phá ra phẩm giá và ơn gọi của phụ nữ trong Giáo Hội và trong thế giới.”438 Sự thăng tiến này làm cho người nam và người nữ cảm thấy bình đẳng và biết tôn trọng nhau trong mọi khía cạnh. Nhưng, Đức Phaolô VI cũng nhắc Dân Chúa trách nhiệm của họ là cầu nguyện và chân thành trợ giúp các linh mục vượt qua mọi nỗi khó khăn, tận tình yêu thương các ngài với tình con thảo và sẵn sàng cộng tác với các ngài, với kính trọng và tế nhị dè giữ, khích lệ và an ủi, vì các ngài là những người hoàn toàn tận hiến cho Chúa Kitô và Giáo Hội.439

         3)  Nhìn Vào Cách Ứng Xử Của Chúa Giêsu Và Mối Tương Quan Hài Hoà Của Ngài Với Phụ Nữ 

Phúc Âm cho chúng ta biết rằng thái độ ứng xử của Chúa Giêsu mang lại tự do và hòa điệu giữa Ngài và các phụ nữ. Chúng ta hãy xem vài khuôn mặt chính:

* Mẹ Maria, người mà Ngài đã tỏ lòng yêu thương của một người con và hết lòng kính trọng vâng phục; và Mẹ đã trở nên bản đối chiếu mật thiết của Ngài trong việc lắng nghe và thực thi ý Chúa;

* Mattha và Maria ở Bethania nơi mà Chúa thường ghé qua trong cuộc hành trình truyền giáo; và Ngài đã trở nên rất gần gũi với họ;

* Người phụ nữ xứ Samaria, được hoán cải và đổi mới, đã giới thiệu Chúa Giêsu cho dân chúng vốn không biết đến căn tính đích thực của Ngài;

* Maria Madalena, người được cứu sống và hoàn toàn biến đổi nhờ Chúa Giêsu; cô đã thấy Chúa Phục Sinh và nhận lãnh trực tiếp từ Ngài sứ vụ loan báo sự sống lại;

* Người phụ nữ vô danh mà Chúa đã dạy cho biết hạnh phúc lớn lao là lắng nghe và thực hành lời Chúa;

* Các con gái thành Giêrusalem đã theo Chúa trên con đường thánh giá.

Linh mục cần học từ Chúa Giêsu, là Thầy và Chủ của mình, cách thức quan hệ và ứng xử thế nào cho đúng mực với các phụ nữ.     

       3.   Tương Quan Với Thiên Nhiên 

Trong thời đạo đức sinh học của chúng ta hôm nay,440 linh mục cần thiết lập một mối tương quan lành mạnh với toàn thể thế giới được tạo thành, nơi mà Chúa Thánh Thần hằng hoạt động. “Thiên Chúa ở trong tất cả” là lối hiểu nền tảng của mối tương quan giữa Thiên Chúa và thụ tạo:441 Thiên Chúa không ở ngoài thụ tạo và Ngài tiếp tục sáng tạo, canh tân tạo vật của Ngài cho đến kiện toàn viên mãn theo kế hoạch yêu thương của Ngài (2 Cr 5,19; 1 Cr 8,6; Eph 1,3-14; Cl 1,15-29; Ga 1,1-3; Kh 21,5), và cứu chuộc nó (Rm 8,19). Chúng ta được kêu gọi tham dự vào công trình sáng tạo này của Thiên Chúa (St 1, 28) như một trách nhiệm tôn giáo. Thật vậy, đời sống thiêng liêng là toàn thể cuộc sống được sống trong Thần Khí, nên khi chăm sóc thụ tạo, chúng ta cũng làm cho trách nhiệm này hoà nhập vào chính đời sống thiêng liêng của chúng ta.

Để chu toàn đời sống và sứ vụ linh mục của mình, linh mục phải nhìn vào đời sống và giáo huấn của Chúa Giêsu liên quan tới tạo vật: hạt giống, hoa cỏ, chim trời, cá biển, cây nho, vườn tược, cánh đồng, mùa gặt, sa mạc, núi non, v.v.… Chúa Giêsu được Thần Khí hướng dẫn và Ngài thường ra đi vào sáng sớm tinh sương hay muộn màng khi trời đã tối, ngay cả giữa đêm khuya thanh vắng, một mình, vào sa mạc hay lên núi, ở đó sứ mạng và sự hiệp thông thân mật của Ngài với Chúa Cha được thử thách, khẳng định và củng cố (x. Mc 6,31).

Linh mục nên tìm thư giãn trong các môi trường thiên nhiên, để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và gia tăng hiệp thông thân mật với Thiên Chúa, bằng cách để cho trí óc và con tim ngưỡng mộ và thưởng thức vẻ đẹp của tạo vật. Ngài có thể dành thời gian để suy ngắm và cầu nguyện ngay trên bờ biển lúc rạng đông lên hay khi hoàng hôn xuống, dưới ánh trăng sao dịu mát ban đêm giữa cánh đồng bao la bát ngát hay trong rừng sâu giữa mùa hè …. Ngài có thể lắng nghe tiếng sóng vỗ của đại dương, tiếng reo của suối, của cây cối, của chim chóc, của hoa cỏ …. như là nghe thấy Chúa Thánh Thần442 nói trong trí khôn, trong con tim và trong linh hồn vậy.

Ngài sẽ cảm nhận rõ sự hiện diện thân tình của Thiên Chúa nơi thiên nhiên, đồng thời ngài cảm nhận được sự cao cả của Chúa và sự thấp hèn của mình. Ngài sẽ học thực hành sống khiêm nhường trong tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và với tạo thành. Ngài cũng thực hành thư giãn thân thể nhờ nhịp độ của hơi thở: Khi hít vào, ngài tưởng tượng rằng năng lực của Chúa Thánh Thần đang chuyển vào trong mình ngài để chữa lành, thánh hoá và tăng thêm sức mạnh, và trong khi thở ra lại tưởng tượng rằng Chúa Thánh Thần đang đẩy những điều xấu ra khỏi cuộc sống mình. Một tinh thần lành mạnh trong một thân thể tráng kiện. Nếu chúng ta biết vun trồng và bảo vệ thiên nhiên, thì thiên nhiên sẽ bảo vệ và tăng sức lực cho chúng ta.443

 

C.  Tương Quan Với Thiên Chúa và Sự  Trợ Giúp

     1. Chúa Giêsu Nadarét, Đường Tới Chúa Cha

Nhiệm vụ cốt yếu của đời sống và sứ vụ linh mục là phải trở nên hoàn toàn đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, là con đường dẫn tới Chúa Cha, điểm đến cuối cùng và vĩnh cửu của cuộc lữ hành trần thế của mọi người: “Nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Với tinh thần đức tin, ta cảm thấy và nhận biết sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa ở khắp mọi nơi; đồng thời tiếp tục sống sự hiệp thông thân mật với Chúa Ba Ngôi, được mô tả là Sự Sống, Sự Thật và Tình Yêu trong cả hai tiến trình “hướng nội” và “hướng ngoại” (ad intra – ad extra), bởi vì Chúa muốn chia sẻ sự sung mãn của sự sống, chân lý và tình yêu của Ngài cho mọi người. Nếu linh mục đầy Chúa, ngài sẽ là tông đồ đích thực của việc Tân Phúc Âm hóa, bởi vì không ai có thể cho người khác cái mà mình không có. 444

Trong đời sống độc thân của mình, linh mục cảm nhận sự cô đơn và lắm khi cô đơn thực sự, và đôi khi sự cô đơn đè nặng trên con người của ngài. Sự nghi ngờ, đố kỵ, ghen ghét hay thiếu thông cảm từ phía anh em linh mục đồng nghiệp của ngài (kể cả từ Giám Mục) có thể làm gia trọng nỗi thất vọng và cô đơn.445

Trong trường hợp này, mối tương quan mật thiết với Chúa Giêsu Nagiaret sẽ là phương dược chữa lành tuyệt vời và vạn năng cho ngài: “Ta luôn ở cùng con.” Quả thật, Chúa Giêsu đi trước chúng ta đến cùng Chúa Cha và Ngài mời gọi chúng ta đi theo Ngài.”  Sự cô đơn của linh mục không phải là sự trống rỗng và ngài cũng không cô độc vì Đấng Cứu Thế luôn ở với ngài. Chúa Giêsu cũng vậy, trong những giờ phút bi thảm nhất của cuộc thương khó, Ngài đã cô đơn và bị bỏ rơi, vì Ngài luôn sống hiệp thông mật thiết với Chúa Cha và luôn tìm theo ý Chúa Cha.

Linh mục cũng phải ý thức chia sẻ kinh nghiệm bi thảm của Đức Kitô, Đấng đã mở ra cho ngài những điều bí ẩn thâm sâu nhất của nỗi buồn và niềm vui. Là người môn đệ, linh mục không thể lớn hơn Thầy mình, là Đấng đã tuyển chọn và sai ngài đi được. Trong tình thân mật và ân sủng của Chúa, linh mục sẽ tìm được sức mạnh cần thiết của Thần Khí để đẩy lui những ưu phiền và chiến thắng sự ngã lòng, tin tưởng Chúa Giêsu đang hiện diện: “Lạy Chúa, xin hãy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều” (Lc 24,29).

       2. Thánh Thể, Chúa Giêsu Lương Thực Hiện Diện

Bí Tích Thánh Thể là “Nguồn suối và tột đỉnh của đời sống và sứ vụ của Hội Thánh.”446 Vì thế, Thánh Thể phải là trung tâm điểm đời sống và sứ vụ của linh mục, bởi vì có một mối tương quan rất gẫn gũi giữa việc cử hành Thánh Thể và việc rao giảng Đức Kitô.447 Theo những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm (Lc 22, 14-20) trong bữa Tiệc Ly, khi Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể để linh mục tái hiện và cử hành nhân danh và bằng chính con người Chúa Kitô, đời sống thiêng liêng của linh mục có thể lớn lên dần dần và dẫn đưa ngài tới độ “trở nên và sống như một Kitô Khác trong mọi hoàn cảnh sống của mình.”448 Và “các sinh hoạt của đời sống hàng ngày của ngài sẽ thực sự mang ý nghĩa và chiều kích Thánh Thể.”449

Trước hết, một việc xét mình tốt450 (1 Cr 11,27-29) sẽ giúp linh mục ý thức rằng ngài bất xứng và phải cậy dựa vào sự trợ giúp của Thiên Chúa và cần được Giáo Hội bổ khuyết cho (“Ecclesia supplet”). Điều này giúp ngài sống đầy đủ chiều kích Hội Thánh, trong cộng tác và hiệp thông với mọi thành phần của Hội Thánh, là Thân Thể Đức Kitô.451 Thiên Chúa tỏ lộ mầu nhiệm ý định của Ngài trong phụng vụ Lời Chúa mà linh mục phải biết liên kết với các thực tại của cuộc sống, ngõ hầu được sống và biến đổi bởi chính Lời ấy. Ngài phải công bố Lời Chúa và Thánh Ý Chúa mà ngài đã tin và đang sống. Nhờ đó, tín hữu cũng được thúc đẩy suy gẫm và hành động cách thích đáng, đồng thời được biến đổi và hoán cải.

Chúa Giêsu tự nguyện nộp mình và chấp nhận cái chết. Linh mục cũng nhớ rằng mình đã tự nguyện nhận lấy quà tặng quí giá là chức linh mục, trong niềm hăng say, hạnh phúc và biết ơn. Và hiện nay ngài sẵn sàng thưa “xin vâng” theo thánh ý Chúa, đôi khi chậm rãi, nhưng với ý thức và bình an.

Chúa Giêsu bẻ bánh và chúc phúc cho bánh. Linh mục phải nghĩ rằng Chúa Giêsu cũng cầm lấy ngài và chúc phúc cho ngài, khi Chúa kêu gọi và tuyển chọn ngài giữa nhiều người khác tốt hơn ngài. Linh mục phải tạ ơn Chúa và có lẽ phải hét lên vui mừng và hạnh phúc, vì tình yêu vô điều kiện Chúa dành cho ngài và vì may mắn của ngài. Ước gì linh mục không bao giờ sợ bị cầm lấy và chúc phúc, bởi Chúa và bởi đoàn chiên được trao phó cho ngài chăm sóc mục vụ, kể cả qua những gánh nặng, những khó khăn trong đời sống và sứ vụ linh mục của mình.452

Chúa Giêsu bẻ bánh trao cho các môn đệ ăn: Để luôn trung thành giữ lời cam kết với Chúa và với Hội Thánh, đôi khi linh mục cảm thấy đời sống và con tim bị bẻ ra vì hiểu lầm và đau khổ, vì sự cô đơn và những chiến đấu nội tâm chống lại những ước muốn nhân loại và các cơn cám dỗ: thân xác ngài trở nên một thân xác Thánh Thể (bị bẻ ra và trao cho người ta ăn) như thân xác Chúa Giêsu vậy. Nhưng ngài hiểu ý nghĩa của đời sống bị bẻ ra vì Thiên Chúa và vì tha nhân. Như tấm bánh bị bẻ ra, ngài phải được trao ban và bị ăn bởi Dân Chúa, đoàn chiên của ngài. Ý thức rằng ngài không dám tự nộp mình cho đến chết như Chúa Giêsu, ngài sẵn sàng hiến tặng thời giờ, sức khỏe, ước muốn, hạnh phúc, niềm vui, cả những đau đớn và buồn phiền …. Tất cả những thứ đó cũng là cuộc sống và là chính con người của ngài.

Máu Chúa Giêsu đổ ra vì mọi người. Máu các thánh tử đạo đổ ra vì Chúa và vì Nước Trời chỉ có một lần thôi. Máu của linh mục đổ ra cách này hay cách khác, mỗi ngày, từng giọt một, qua trách nhiệm và bổn phận của mình. Như Thánh Phaolô, mỗi ngày, ngài hoàn tất nơi thân xác mình cuộc khổ nạn của Đức Kitô vì phần rỗi nhân loại. Bánh và rượu dâng lên sẽ được sức mạnh của Chúa biến thành Mình và Máu Chúa Kitô. Nếu linh mục biết dâng chính mình, những cảm nghĩ và tình yêu, những vấn đề, những băn khoăn lo lắng và hạnh phúc …. thì sức mạnh của Chúa cũng sẽ biến đổi chúng thành những gì tốt đẹp hơn. Đặc biệt, nếu ngài dâng những khuyết điểm và tội lỗi, Chúa sẽ thứ tha và thánh hoá ngài, bởi vì chẳng có tội gì quá nặng đến đỗi Chúa không thể tha thứ được!

Trong việc cử hành này, linh mục cũng được mời gọi để sống và làm chứng cho sự hiệp nhất của Hội Thánh. Sự hiệp nhất này là nguồn mạch và bằng chứng hữu hiệu cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh.453

Cuối cùng, nhờ việc cử hành thánh lễ mỗi ngày, linh mục sẽ “hiểu hơn sức mạnh biến đổi của Bí tích Thánh Thể và tìm thấy nơi mầu nhiệm này sự can đảm và nguồn sức mạnh đi theo Chúa Giêsu và phục vụ Ngài nơi tha nhân.”454 Ngài sẽ kín múc dồi dào nguồn sức mạnh này từ Bí tích Thánh Thể, được cử hành trong thánh lễ mỗi ngày và được thờ phượng nơi Nhà Chầu mỗi khi đến viếng Thánh Thể,455 như chính Chúa Giêsu mời gọi “hãy đến với Ta, hỡi những ai đang vất vả và gánh nặng, Ta sẽ bổ sức cho các ngươi” (Mt 11,28).

Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ nạp lại năng lượng và tăng thêm nhiệt huyết tông đồ cho linh mục, bằng việc tiếp tục kích hoạt ngày sống và đổ đầy ngài với niềm hy vọng vững chắc.456 “Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ thường hằng của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu đỡ nâng hành trình của chúng ta tiến về hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha, qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần. Đây là thứ tình yêu vượt thắng trái tim con người.” Đó cũng là lý do tại sao Đức Gioan Phaolô II đã mở ra “Năm Thánh Thể” với ước mong rằng Hội Thánh “khởi đầu lại từ Chúa Kitô.”457 Ngài chia sẻ với cảm xúc sâu xa chứng tá đức tin của chính ngài nơi Bí Tích Thánh Thể như là phương tiện đồng hành và tăng sức mạnh cho chúng ta.458

      3.  Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ của Linh Mục459

Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ hướng dẫn chúng ta tới Chúa Giêsu, Đấng đưa chúng ta đến với Chúa Cha.460 Mẹ chỉ cho chúng ta con đường hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, bởi vì mẹ là người phụ nữ được Thiên Chúa tuyển chọn để thực hiện chương trình cứu độ của Ngài với tư cách là người đồng tham dự vào những biến cố tột đỉnh trong lịch sử cứu độ.

Mẹ cũng được kêu cầu như Mẹ của Hội Thánh và Mẹ của linh mục theo một đường lối đặc biệt, khi trên thập giá, vào lúc tột đỉnh của sứ mạng cứu độ nhân loại, Chúa Giêsu đã trao phó Mẹ mình cho Gioan và ký thác Gioan cho Mẹ (Ga 19, 26-27): “Chúng ta cũng hãy đón nhận Đức Maria như Mẹ vào trong nhà nội tâm của chức linh mục của chúng ta.”461 Được sự che chở và hướng dẫn từ mẫu của Mẹ nâng đỡ và tăng sức mạnh, linh mục có thể nhìn thấy mọi mối tương quan và các giai đoạn đời sống và sứ vụ linh mục của mình, bằng đôi mắt mới, bằng trái tim và trí não mới, và luôn bước đi trên con đường thánh thiện.462

Linh mục cần tăng cường lòng sùng kính Đức Mẹ. Sự hiện diện từ mẫu của Mẹ luôn là sự nâng đỡ cho ngài. Trái tim Đức Maria, vừa của người nữ trinh vừa của người mẹ, đã luôn theo sát Đức Giêsu Con Mẹ, bây giờ vẫn tiếp tục đồng hành cùng linh mục, một Kitô khác.

Ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ, Đức Gioan Phaolô II đã trao phó mỗi linh mục cho Đức Mẹ và mong muốn rằng mọi linh mục đều trao phó chính mình cho Đức Mẹ và hướng về Mẹ với một tình yêu và niềm hy vọng đặc biệt. Bằng kinh nghiệm của mình, Ngài đã viết lên điều ấy trong bức thư gửi các Linh mục Novo Incipiente Nostro.463 Ngài nguyện ước: “Nguyện xin Đức Maria, Đấng mà tôi mời gọi anh em hãy luôn nuôi dưỡng lòng sùng kính con thảo với Người, đồng hành với anh em và che chở anh em liên lĩ.”464 Đức Benedictô XVI mới đây thôi thúc chúng ta: “Tôi khuyên anh em hãy vào trường Đức Maria để học biết yêu thương và bước theo Đức Kitô trên hết mọi sự.”465

Thật vậy, trong trường của Đức Maria, chúng ta học để đặt Đức Kitô vào chỗ nhất trong đời sống chúng ta và học để hướng tư tưởng và hành động của chúng ta theo Ngài: “Người bảo gì thì anh em hãy làm theo.” Đúng vậy, nơi trường của Mẹ, chúng ta học biết thinh lặng, biết lắng nghe và phục vụ, đó là những điểm mấu chốt của đời sống người môn đệ. Đức Maria sẽ giúp chúng ta tiến sâu vào mối tương quan nhân vị và đích thực hơn với Chúa Giêsu để ta yêu mến Ngài và làm cho Ngài được yêu mến. Vâng, qua việc chiêm ngắm và lắng nghe Đức Maria, chúng ta sẽ hiểu hơn sức mạnh biến đổi của Bí tích Thánh Thể và tìm lại được niềm an ủi và nguồn sức mạnh để bước theo Chúa Kitô và phục vụ Ngài trong anh chị em.466

Liên quan đến sự độc thân linh mục đang “bị thế giới của thời đại chúng ta nghi ngờ giá trị và cho là không thể giữ được,”467 Đức Phaolô VI cậy dựa vào lòng sùng kính nồng nhiệt và tỏa sáng nơi Trinh Nữ Maria. Lòng đạo đức này của linh mục sẽ mang ngài “đến nguồn suối của đời sống thiêng liêng đích thực mà chỉ nó mới là nền tảng vững chắc cho  giữ luật độc thân.”468

Vâng, “sự chọn lựa độc thân linh mục của chúng ta cần được đặt nơi trái tim Mẹ. Chúng ta phải chạy đến cùng Mẹ, khi chúng ta gặp khó khăn trên con đường đã chọn.”469 Là trinh nữ và là mẹ, Đức Maria hiểu rất rõ linh mục cần gì nơi phụ nữ, giáo dân cũng như nữ tu, và Mẹ biết làm thế nào để giữ cho linh mục được trung thành với lời cam kết của mình. Linh mục sẽ tìm được ẩn náu an toàn nơi Đức Maria, người Mẹ trên trời của ngài. Mẹ sẽ giúp linh mục thăng hoa trái tim và con mắt, để nhìn thấy Mẹ ở trong và qua những người con gái của Thiên Chúa xung quanh ngài. Linh mục kêu xin Mẹ bảo vệ và biến đổi những ai thân thiết với ngài, như Thánh Phaolô đã khuyên nhủ (x. 1Tm 5,2).

“Linh mục sẽ không thiếu sự chở che, nâng đỡ của Đức Trinh Nữ, Mẹ của Chúa Giêsu.”470 Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, Chúa Thánh Thần sẽ gìn giữ sự độc thân trong trắng của linh mục như Ngài đã làm cho Đức Maria và Thánh Giuse.471 Vì thế, cuối bức Tông Thư của ngài, Đức Phaolô VI đã khuyên nhủ: “Anh em hãy hướng con mắt và trái tim, với niềm tín thác được đổi mới và lòng cậy trông con thảo, về Mẹ rất yêu dấu của Chúa Giêsu và Mẹ của Hội Thánh, và hãy kêu xin sự cầu bầu vạn năng và hiền mẫu của Mẹ cho chức linh mục Công giáo.”472

Có một việc thật đơn giản nhưng rất quan trọng của lòng sùng kính Đức Maria là lần chuỗi Mân côi,473 một bản Phúc Âm tóm tắt. Các linh mục trẻ của Việt Nam nên giữ sống động thói quen lần chuỗi Mân côi của các cha già và hãy khuyến khích giáo dân của mình, trẻ cũng như già, lần chuỗi một mình khi đi đường tới trường học, tới công sở, hoặc lần chuỗi chung với người khác, theo nhóm hay hội đoàn trong giáo xứ, đặc biệt là lần chuỗi tại nhà, trong gia đình, vì chuỗi mân côi sẽ đốt nóng và làm mạnh thêm mối giây ràng buộc giữa các thành viên trong gia đình. Lời cầu nguyện này sẽ giúp chúng ta được mạnh mẽ hơn trong đức tin, bền vững hơn trong đức ái, được niềm vui và kiên trì trong niềm hy vọng.474

Theo gương mẫu và theo kinh nghiệm của Đức Gioan Phaolô II, mỗi linh mục nên tận hiến bản thân cho Đức Maria với lòng tin tưởng yêu mến, tìm trú ẩn nơi sự che chở của Mẹ, biết rằng trong lúc khó khăn mình cũng không cô đơn, vì Mẹ sẽ nâng đỡ ủi an bằng sự dịu dàng từ mẫu của Mẹ. Chính Đức Gioan Phaolô II đã tận hiến cho Đức Maria “Totus Tuus - con là tất cả của Mẹ”475 và ngài chia sẻ: “Suốt cuộc đời tôi, tôi đã cảm nghiệm rõ sự hiện diện đầy yêu thương của Mẹ của Chúa chúng ta. Đức Maria đồng hành với tôi mọi ngày để giúp tôi chu toàn sứ vụ là người kế vị Thánh Phêrô.”476 Tác giả tập sách này đã mất mẹ sớm từ thời niên thiếu cũng kinh nghiệm được sự bảo vệ và hướng dẫn đầy yêu thương của Đức Mẹ Lavang477 cho đời linh mục của mình, và người ước mong rằng tất cả các bạn linh mục đều có được kinh nghiệm kết quả diễm phúc như vậy.

GHI CHÚ

396 John Paul II, Pastores Dabo Vobis … ibid., no. 12

397 Vatican II, Optatam Totius …, ibid., no. 22

398 “Balanced Formation Will Help Avoid Future Scandals” (Vatican, February 6, 2004), Zenit.org/english, truy cập ngày 2.5. 2005.

399 Orlando B. Quevedo, “Pastoral Priorities of the Church in the Philippines and their Implications to Seminary Formation”, in Gathered Around Jesus …. Ibid., p. 43

400 FABC Paper n. 92e, Consultation Meeting on Continuing Education of the Clergy : Seventh Plenary Assembly – Workshop Discussion Guide, (Nov. 30- Dec. 2, 1993), Ucanews.com/html/fabc-papers/fabc-O.htm, truy cập ngày 3.11. 2004.

401 Congregation for the Clergy, Directory on the Ministry and Life of Priests (January 31, 1994)  số 83.

402 Ibid., Introduction.

403 Ibid., nos. 72, 82

404 Ibid., no. 87

405 John Paul II, Pastores Dabo Vobis …., ibid., no. 71

406 Vatican II, Optatam Totius…., ibid., no. 22

407 CCE, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis…., ibid., no. 100

408 John Paul II, Ecclesia in Asia ..., ibid., no. 43

409 FABC Paper 92e, Consultation Meeting on Continuing Formation for Priesthood in Asia … ibid.

410 “Spiritual Formation”: Group Discussions, in Gathered Around Jesus …ibid., pp.198-200

411 Vicente Cajilig, “Continuing Formation for Priesthood in Asia”, Rogate Ergo Asia: The Catholic Magazine on Vocations 5 (July-September, 2004): 9-25.

412 John Paul II, Pastores Dabo Vobis …, ibid., no. 71

413 Congregation for the Clergy, Directory on the Ministry and Life of Priests … ibid., no. 82

414 Ibid., no.72

415 “Need for Ongoing Priestly Formation Underlined” Zenit.org/english (Vatican, July 5, 2005), truy cập ngày 23.7. 2005.

416 Vatican II, Presbyterorum Ordinis …, ibid., no. 13

417 Marcelino Fonts, “Lectures on Prayer in Asian Context” …., ibid.

418 Vatican II, Presbyterorum Ordinis …, ibid., no. 7

419 John Paul II, Pastores Dabo Vobis …, ibid., no. 12

420 “The Church is waiting for the Total Respect of its Autonomy”… ibid.

421 CBCP, The Philippine Program of Priestly Formation 1972 … ibid, p.99

422 Synod of Bishops 1971, The Ministerial Priesthood, part two, II: Priests in the communion of the Church: 1. Relations between priests and bishop.

423 Vatican II, Presbyterorum Ordinis …, ibid., no. 8

424 CBCP, The Philippine Program of Priestly Formation 1972 … ibid, p.99

425 Vatican II, Presbyterorum Ordinis …, ibid., no. 8

426 Synod of Bishops 1971, The Ministerial Priesthood, part two, II.2 : Relations of priests with each other; Presbyterorum Ordinis …, ibid., no. 8

427 Presbyterorum Ordinis …, ibid., no. 9; Synod of Bishops 1971, The Ministerial Priesthood, part two, II.3 :  Relations between priests and laity

428 Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ. Biểu tượng Am-Dương chứa đựng tất cả triết lý về cuộc sống con người. Vòng tròn mô tả tính phổ quát của âm dương. Phần màu đen tượng trưng cho Am, còn phần màu trắng tượng trưng cho Dương.  Am Dương tách biệt nhau, không phải bằng một đường thẳng, song bởi một đường cong hòa điệu và mềm mại. Do đó, tất cả những gì tiến tới, hoạt động và sáng là dương, còn những gì lùi lại, tiếp nhận và tối là âm. Dương tượng trưng cho trời, ngày, mặt trời, đàn ông, lửa, hành động, sức mạnh, niềm vui. Ngược lại,Am tượng trưng cho đất, đêm, mặt trăng, đàn bà, nước, nghỉ ngơi, yếu đuối, đau khổ.

429 John Baptist Pham Minh Man, Tâm Lý Nữ Giới và Chức Năng Mục Tử của Linh Mục, Ho Chi Minh City (2003), trang 7.

430 CBCP, The Philippine Program of Priestly Formation 1972 … ibid, p.58

431 Domingo Moraleda, “Lectures on Theology of the Forms of Christian Life in the Church”

432 Paul VI, Sacerdotalis Caelibatus …. Ibid., no. 77

433 Amelia Vasquez, “Fidelity in Vowed Life : Religious Life” Religious Life Asia 5 (1-3, 2003): 53

434 Paul VI, Sacerdotalis Caelibatus …. Ibid., no. 97

435 CBCP, The Philippine Program of Priestly Formation 1972 … ibid, p.58

436 Paul VI, Sacerdotalis Caelibatus …. Ibid., no. 74

437 Benedict XVI, “God’s Loving Protection”: Commentary of Psalm 120 (Vatican City, May 4, 2005), Zenit.org/english, truy cập ngày 18.6.2005.

438 John Paul II, “Behold your Mother: Letter to Priests for Holy Thursday 1988” (March 25,  1988) no. 5; Mulieris Dignitatem on the Dignity and Vocation of Women (August 15, 1988).

439 Paul VI, Sacerdotalis Caelibatus …. Ibid., no. 96.

440 John Paul II, Ecclesia in Asia …., ibid., no. 41

441 Prisco Cajes, “Lectures on Mission Spirituality and Environment” 1st Semester 2004-2005, ICLA, Quezon City

442 John Paul II, Ecclesia in Asia …., ibid., no. 15

443 Ibid., no.41

444 John Paul II, “Jesus Must Always Be the Center of Your Life”.., ibid.

445 Paul VI, Sacerdotalis Caelibatus …. Ibid., no. 59

446 The Theme of the next Ordinary Assembly of Synod of Bishops at Vatican October 2-29,2005.

447 “Source and Summit of Our Being and Action” (Vatican City, June 10, 2004), Zenit.org/english, truy cập ngày 25.0.2005.

448 Congregation of the Clergy, The Priest and the Third Christian Millennium … ibid., Conclusion.

449 John Paul II, Ecclesia de Eucharistia, n. 31 in Celebrating the Eucharist with Mary : A Guidebook (Metro Manila, Philippines: Assisi Development Foundation, Inc., 2005), p. 70

450 Vatican II, Presbyterorum Ordinis … ibid., no. 18

451 Domingo Moraleda, “Lectures on Fundamental Ecclesiology: A Historical and Theological Reflection”

452 Một lời truyền khẩu của người Việt nam Công giáo nói rằng trong thời kỳ bắt đạo, Vua Tự Đức đã ra lệnh cho lính cai ngục nghiêm cấm các người Công giáo mang vào tù cho các đồng đạo của họ những miếng bánh trắng trắng, tròn tròn, nho nhỏ (đó là Mình Thánh Chúa), vì những miếng bánh đó làm cho họ không sợ tù đày, tra tấn, đau khổ, ngay cả cái chết, và luôn trung thành với đức tin  vào Thiên Chúa của họ. 

453 John Paul II, Ecclesia de Eucharistia, nos. 34-36  in Celebrating the Eucharist with Mary …. Ibid., pp.71-78

454 John Paul II, “Source and Summit of Our Being and Action”  Ibid.

455 Vatican II, Presbyterorum Ordinis …. Ibid., no.18

456 John Paul II, Ecclesia de Eucharistia, ibid, no. 1, p.52

457 John Paul II, “Church’s Program Is ti Start Afresh From Christ” (Vatican City, June 13, 2004), Zenit.org/english, truy cập ngày 25.01.2005

458 John Paul II, Ecclesia de Eucharistia, no. 59  in Celebrating the Eucharist with Mary …. Ibid., p.85

459 Vatican II, Optatam Totius … ibid., no.8; John Paul II, Pastores Dabo Vobis … ibid., no.82; Ecclesia in Asia …,ibid.,no.51; and CCE, Spiritual Formation in Seminaries … ibid., II.4

460 “Mary guides our steps to meet the Lord” (Vatican City, December 8, 2000), Zenit.org/english), truy cập ngày 7.10. 2004.

461 John Paul II, “Behold your Mother”: Letter to Priests (March 25,1988), no.6

462 John Paul II, Address at First General Audience of 2004 (Vatican City, January 7, 2004), Zenit.org/english), truy cập ngày 19.03. 2005

463 John Paul II, Novo Incipiente Nostro (Letter to Priests), (April 6, 1979), số 11.

464 John Paul II, “Jesus Must Always Be the Center of Your Life” …. Ibid.

465 Benedict XVI, “God’s Loving Protection”…. Ibid.

466 John Paul II, “Source and Summit of Our Being and Action”  Ibid.

467 Paul VI, Sacerdotalis Caelibatus … ibid., no. 1

468 Paul VI, Sacerdotalis Caelibatus, no. 75

469 John Paul II, “Behold your Mother”: Letter to Priests For Holy Thursday (1988) …,ibid., no.5

470 Paul VI, Sacerdotalis Caelibatus … ibid., no. 59

471 Jose Cristo Rey Paredes, “Lectures on Mariology : Mary in Mission and Spirituality”

472 Paul VI, Sacerdotalis Caelibatus … ibid., no. 98a473 Paul VI, Marialis Cultus: Devotion to the Blessed Virgin Mary (February 2, 1974), part three : “Observations on Two Exercises of Piety : The Angelus and the Rosarry”

474 John Paul II, “Behold, Your Mother : Message for 18 th World Youth Day” (Vatican City, March 19,2003), Zenit.org/english, truy cập ngày 21.10. 2004.

475  “Last Will and Testament of Pope John Paul II”, Zenit.org/english (Vatican City, April 7, 2005), truy cập ngày 26.7. 2005.

476 John Paul II, “Behold, Your Mother” … ibid.

477 Dưới thời Phong Trào Văn Thân, các người Việt Nam Công giáo phải chịu bách hại đẩm máu. Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra tại Lavang năm 1789 để giúp đỡ giáo dân vượt thắng cơn đau khổ vì Đạo, và rồi Ngài được tôn kính dưới danh hiệu “Đức Mẹ Lavang.” Trong Hội Nghị năm 1980 tại Hà Nội, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã công nhận Lavang như là Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc. Đức Mẹ Lavang được tôn kính và yêu mến, không phải chỉ bởi các người Việt Nam Công giáo, mà ngay cả những người không Công giáo và tín đồ của các tôn giáo khác (EA., n.15). Đức Gioan Phaolô II nhắc đến Mẹ Lavang nhiều lần và giao phó Giáo Hội Việt Nam cho lời bầu cử của Mẹ. Ở đâu có người Việt Nam Công giáo sinh sống, ở đó có Mẹ Lavang hiện diện: như người môn đệ yêu dấu, họ luôn mang Mẹ Lavang cùng đi với họ.

Tác giả Lm. Trần Minh Huy, pss

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!