.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời Tựa

Dẫn Nhập

Lược Tóm

PHẦN I - Chương I: Xã Hội Việt Nam

Chương II: Giáo Hội Việt Nam với các Chủng Viện và Hàng Giáo Sĩ

Chương III: Việc đào tạo thiêng liêng hiện nay ở các chủng viện Việt Nam

PHẦN II - Chương IV: Giáo Huấn của Hội Thánh Hoàn Vũ về việc đào tạo Thiêng Liêng

Chương V: Giáo huấn của Hội Thánh Địa Phương về việc đào tạo Thiêng Liêng

Chương VI: Áp dụng giáo huấn của Hội Thánh vào việc đào tạo Thiêng Liêng cho các Chủng Sinh

PHẦN III - Chương VII: Bối cảnh hoá đào tạo Thiêng Liêng cho các Linh Mục Việt Nam tương lai

Chương VIII: Giai đoạn tiền chủng viện thăng tiến, thẩm tra và đón nhận

Chương IX: Giai đoạn chủng viện đào tạo và tự đào tạo thiêng liêng

Chương X: Giai đoạn hậu chủng viện

Kết Luận

Sách tham khảo

Phụ trương A

Phụ trương B

Phụ trương C

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Đào Tạo và Tự Đào Tạo Thiêng Liêng của các Linh Mục trong bối cảnh Việt Nam ngày nay
Tác giả: Lm. Trần Minh Huy, pss
PHỤ TRƯƠNG C

C. TÂM LÝ HỌC VÀ VIỆC ĐÀO TẠO ĐỜI SỐNG ĐỘC THÂN CHO CHỦNG SINH

 

I. Hậu Quả Tai Hại của Lạm Dụng Tình Dục

Russel Shaw mô tả hậu quả tai hại của việc lạm dụng tình dục như sau:

“Lạm dụng tình dục được hiểu là bất cứ hành vi tính duc sai trái nào của người lớn đối với trẻ em hay với những người trẻ được trao cho họ chăm sóc. Sự lạm dụng này có thể để lại vết hằn sâu nơi tâm hồn người trẻ và là nỗi ám ảnh lớn khi trẻ bước vào tuổi trưởng thành. Sự lạm dụng này có thể làm suy yếu đi khả năng có được đời sống tình dục lành mạnh và hạnh phúc. Nó còn có thể là nguồn gốc của các căn bệnh tâm lý liên quan tới những sai quấy tình dục và tội ác.

Nhiều người lạm dụng tình dục là những người đã bị lạm dụng thời còn trẻ. Đây là một sự lạm dụng ghê gớm của người lớn có trách nhiệm và là một sự sai lầm nghiêm trọng về mặt luân lý. Sự vi phạm này càng thêm trầm trọng, nhất là khi bị gây nên bởi kẻ nắm giữ một địa vị đáng tin cậy, chẳng hạn, nhà tham vấn tâm lý, giáo sĩ, hay bác sĩ, mà vi phạm đến những người đã được giao phó cho họ.”484

 

II. Kiểm Tra Tâm Lý

1. Ý Nghĩa và Những Giới Hạn 485

Ngày nay, vì các lạm dụng tình dục tai hại và gương xấu, nhiều người đòi hỏi các ứng sinh lên chức linh mục phải trải qua những kỳ kiểm tra tâm lý. Việc này có thích hợp với tâm thức của người Việt nam vốn rất dè dặt, nhất là trong lãnh vực giới tính không?

Nguy cơ tai hại là làm cho người ta bị cám dỗ nói dối, và nếu đã nói dối một lần, họ sẽ có cớ mạnh để tiếp tục nói dối nữa. Vì thế, những trắc nghiệm tâm lý nên chỉ được sử dụng cho những mục đích giới hạn thôi, và chúng không phải là những dụng cụ thích hợp để điều tra lai lịch, moi móc những bí mật sâu kín, hầu đánh giá tính thích hợp toàn diện của ứng sinh cho việc nhận anh vào  chủng viện.

Tuy nhiên, các trắc nghiệm tâm lý có thể là hữu ích ở những giai đoạn khác nhau: khả năng và thái độ của ứng sinh có thể được kiểm tra và bất cứ khuyết điểm tâm lý hay yếu kém nào cũng có thể được chữa lành nhờ chữa trị hay tham vấn tâm lý. Nhưng nhà chuyên môn chỉ được phép tìm kiếm và tường trình về những gì mà chính ứng sinh không biết hay không thể diễn tả và giải thích được. Hơn thế nữa, theo Đức Gioan Phaolô II, chúng ta phải quan tâm tới việc đào tạo các chuyên gia tâm lý: ngoài trình độ khoa học cao, họ còn cần có sự hiểu biết đến nơi đến chốn quan điểm Kitô giáo về đời sống và ơn gọi linh mục nữa, hầu cung ứng sự trợ giúp hữu hiệu cho sự hội nhập cần thiết của các chiều kích nhân bản và siêu nhiên.486

Tiến sĩ Rick Fitzgibbons, một chuyên gia về tâm thần, đồng ý với quan điểm của Đức Thánh Cha: “Được trao cho công tác đặc biệt là đánh giá các ứng sinh chủng viện, chúng tôi đề nghị rằng các chuyên gia tâm lý và tâm thần dấn thân cho nhiệm vụ quan trọng này phải được đòi hỏi tham dự các chương trình đào tạo thường xuyên do những người trung thành với giáo huấn của Hội Thánh về luân lý tính dục.”487

2. Tiến Trình 488

Việc tham vấn cá nhân được cung ứng cho chủng sinh trong các buổi gặp gỡ thân tín với một chuyên gia tâm lý / tâm thần đã được chỉ định cho chủng viện. Cuộc đối thoại phải được giữ riêng tư và bí mật. Mỗi cá nhân được tự do gặp chuyên gia tâm lý/tâm thần khi nào tuỳ ý muốn. Việc tư vấn được duy trì suốt cả năm, không kể những ngày lễ hay kỳ nghỉ. Tùy theo thời khóa biểu, mỗi buổi gặp tư vấn kéo dài từ 30 đến 45 phút.

Khuôn khổ căn bản của việc tư vấn là một mô hình trị liệu ngắn, trong đó các kỹ thuật trị liệu tập trung vào các đề tài nổi cộm và những xung đột đã biết. Mục đích là làm cho người được tư vấn có khả năng gia tăng các phương tiện có sẵn của mình để hiểu rõ và giải quyết xung đột, đồng thời giúp anh, một cách nào đó, trở thành người trị liệu cho chính anh, nghĩa là để giúp đương sự hội nhập các phương diện của câu chuyện đời, nhân cách và tâm linh của anh. Thỉnh thoảng có những thiếu cân bằng hoá học khiến các cá nhân trải nghiệm sự chán nản và những chán nãn này cần được chẩn đoán và chữa trị. Cũng tương tự như thế với một số tình trạng băn khoăn lo lắng.

Chủng viện hiểu vai trò chuyên gia tâm lý/tâm thần như trợ giúp chủng sinh trưởng thành phát triển sự hiểu biết toàn diện hơn về nhân cách của mình (hơn là hiểu rằng đó là thành tố cần thiết và chính yếu cho sự trưởng thành và đào tạo). Do đó, chủng sinh hoàn toàn tín nhiệm khi chọn tư vấn với chuyên gia tâm lý/tâm thần của chủng viện. Sự tín nhiệm này vẫn còn nguyên vẹn, ngay cả trong trạng huống vị cố vấn của chủng sinh có thể đề nghị một tư vấn như thế nhằm biết sâu hơn mức độ trưởng thành của anh. Trong những trường hợp như thế, vị cố vấn không nên tham khảo nhà trị liệu, sau khi chủng sinh đã bắt đầu các buổi trị liệu.

Nhưng, nếu việc chủng sinh tham khảo ý kiến nhà trị liệu là do yêu cầu trực tiếp của Uỷ Ban Tuyển sinh hay Hội Đồng Chủng viện, hoặc nếu việc tham khảo này trở thành một phần bình thường của việc đào tạo chủng sinh, thì sự việc này sẽ được thông báo cho Hội Đồng Chủng viện và Giám Mục của chủng sinh ấy.

3. Vai Trò của Khoa Tâm Lý Ttrong Việc Tuyển Lựa và Đào Tạo Chủng Sinh

Theo bà Gladys A. Sweeney,489 có những ứng sinh xác tín rằng mình có ơn gọi, nhưng động lực ơn gọi ấy đôi khi đến từ một ước muốn vô thức muốn tránh đời sống vợ chồng hoặc muốn chạy trốn những mối tương quan liên nhân vị. Khoa tâm lý giúp làm sáng tỏ các trở ngại này, và như thế giúp ích rất lớn, không những cho Giáo Hội mà còn cho chính ứng sinh nữa. Việc sử dụng các phương tiện tâm lý và những cuộc phỏng vấn chẩn đoán làm cho người ta có thể thấy được chướng ngại mang bản chất tâm thần, tình cảm hay cơ chế thể lý đang ngăn cản ứng sinh  tự do quyết định về ơn gọi của anh, trong khi đó ơn gọi phải là một quyết định hoàn toàn tự do dựa trên tình yêu.

Việc đào tạo linh mục là một công cuộc lâu dài đòi hỏi một mức độ tự xem xét nội tâm và kiểm tra mạnh mẻ về chính bản thân. Trong thời kỳ đào tạo có thể xuất hiện các hiện tượng tâm lý kiểu như nỗi thống khổ, sự lo âu, những lúc căng thẳng…, và chúng sẽ được dọn dẹp sáng sủa nhờ việc linh hướng. Chúng có thể là kết quả của sự quá đề cao sự tự biết mình và có thể kêu gọi đến sự giúp đỡ của các khoa học tâm lý. Trong trường hợp này, việc tham khảo một chuyên gia tâm lý có thể cứu vãn được ơn gọi.

Một chuyên gia tâm lý có phẩm chất tốt là một nhà tâm lý học biết thấu đáo về những phát minh mới nhất của khoa học, và dĩ nhiên, đây là điều rất quan trọng. Nhưng ông phải hiểu rõ viển ảnh toàn tiện của chiều kích siêu nhiên của ơn gọi. Có thể rằng những thời kỳ lo âu hay chán nản không phải là phản ánh của tình trạng rối loạn chức năng tâm lý, nhưng đó là biểu hiện của giai đoạn nhất thời của đời sống thiêng liêng, như “đêm tối của linh hồn.” Trong trường hợp này, một khi giai đoạn ấy kết thúc, đương sự sẽ ở trong mức độ đời sống thiêng liêng cao hơn.

Nếu chủng sinh tham khảo một tâm lý gia không hiểu biết gì về những phương diện siêu nhiên của ơn gọi, mà chỉ thấy đó là những rối loạn chức năng tâm lý, thì ông ta đã làm điều xấu hơn điều tốt, vì đã cản trở sự phát triển đời sống thiêng liêng của đương sự. Trái lại, nếu đó là một vấn đề tâm lý, thì thật là sai lầm khi coi nó như một vấn đề thiêng liêng. Vì thế, các chuyên gia tâm lý được đào tạo kỹ lưỡng về trình độ tri thức và thiêng liêng có thể giúp ích rất nhiều cho chủng viện, không chỉ cho việc tuyển chọn ứng sinh mà còn cho việc đào tạo linh mục nữa.

Một cái nhìn toàn diện về con người là một cái nhìn bao gồm mọi khía cạnh: tâm lý, thiêng liêng và luân lý. Những ai có vấn đề về tâm lý thường có khuynh hướng quyết định một cách thiếu khôn ngoan, đi ngược với bản tính nhân loại, và đôi khi còn theo cách vô luân nữa. Trong trường hợp này, khoa tâm lý học phải can thiệp để giải thoát ý chí hầu đương sự có thể thấy được các trạng huống cách khách quan, phân biệt cách khôn ngoan việc phải làm và làm trong đường lối luân lý và nhân đức. Bấy giờ, khoa tâm lý phục vụ sự thật, và như Gioan Tẩy Giả, nó phải giúp “uốn cho ngay đường của Chúa.” Khoa tâm lý giải thoát con người để họ biết chọn điều thiện.490

 

III.  Những Vấn Đề Liên Quan Sự Độc Thân

Cần phải cẩn trọng và khôn ngoan giải thích cách đầy đủ cho ứng sinh biết chức linh mục và sự độc thân đích thực là gì, để khi vào chủng viện, anh hiểu được mục đích của việc đào tạo và cộng tác cách tốt hơn với Chúa Thánh Thần qua vị linh hướng của anh. Ngay trước khi thụ phong phó tế, ứng viên đã phải hiểu đầy đủ và phát triển cách thích hợp động lực tình cảm hướng tới chức linh mục, tình yêu trưởng thành và nồng nhiệt cho Đức Giêsu, hy vọng sống động vì Nước trời, và lòng nhiệt thành hăng hái giúp tha nhân vào Nước Trời. Anh phải tiết dục hoàn toàn và sống đức thanh khiết cách bình an, không bị dục vọng thiêu đốt, nhờ đó anh sẽ được chắc chắn về mặt luân lý trước lời hứa sống độc thân của mình. Với một đời sống thiêng liêng trưởng thành, anh sẽ thấy chức linh mục như một quà tặng thiêng liêng của Chúa vì phần rỗi của loài người và của thế giới hơn là một gánh nặng.

Theo những khám phá của nghiên cứu mới đây của John Jay College of Criminal Justice thì cơn khủng hoảng trong Giáo Hội không phải là lạm dụng tình dục trẻ em, nhưng là đồng tính luyến ái (phần lớn các nạn nhân không phải là trẻ em, nhưng là các thiếu niên nam, từ 80% đến 90 %). Tiến sĩ Fitzgibbons gợi ý rằng nhu cầu khẩn cấp nhất là chương trình đào tạo nhân bản và thiêng liêng cho chủng sinh về chủ đề chức vụ linh mục và giới tính.

Người ta có thể trình bày nỗi cô đơn và thiếu sự tự tín của người nam như nguyên nhân của sự hấp dẫn đồng giới, đồng thời đưa ra những đường lối mà các hấp dẫn này được giải quyết với sự trợ giúp của Chúa. Đức thanh khiết nên được trình bày như một đường lối lành mạnh của cuộc sống. Cứ hỏi ứng sinh cách đơn sơ xem họ thích người khác giới tính hay đồng giới tính, quan tâm tới thiếu niên hay hay trẻ em thôi thì chưa đủ. Ứng sinh phải nỗ lực đối mặt và giải quyết các xung đột tình cảm của anh, nhờ tâm lý trị liệu và linh hướng. Chủng sinh với những hấp dẫn đồng tính đòi phải trải qua vài thứ trị liệu và tư vấn tâm lý, và chỉ những ai đã hoàn toàn trị liệu thành công mới được phép gia nhập chủng viện. Anh sẽ không được chịu chức, cho đến khi các xung đột này được chữa lành và không còn bị coi là đồng tính luyến ái.

(Xin xem Huấn Thị của Bộ Giáo Dục Công Giáo về những tiêu chuẩn để biện phân ơn gọi đối với những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái và việc chấp nhận họ vào Chủng Viện và lên Chức Thánh. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã phê chuẩn Huấn Thị này ngày 31-08-2005 và ra lệnh phát hành tại Roma ngày 04-11-2005, Kính nhớ thánh Charles Bôrrômêô, Bổn Mạng các Chủng Viện).

“Trong lãnh vực này, các nhà đào tạo chủng viện có một chương trình rộng lớn và thách thức để phát triển, nhất là làm gương sáng. Gương sáng hiệu quả hơn các thuyết giảng của họ: Ở đâu sự độc thân được sống cách sung mãn và vui tươi, ở đó đời sống thiêng liêng sẽ được sống cách cao độ. Phải dạy các chủng sinh cách nào để họ hiểu được ý nghĩa đích thực của đời độc thân. Họ phải hiểu lý do tại sao Hội Thánh đòi hỏi các linh mục phải sống độc thân, và họ phải học tận dụng các phương tiện nhân bản và siêu nhiên để sống cam kết này cách vui tươi.”491

Về phương diện tư liệu, tiến sĩ Fitzgibbons đề nghị:

*    Văn kiện của Vatican “Sự Thật và Ý Nghĩa của Giới Tính Con Người;”

*    Tập sách mỏng bàn về “Đồng Tính Tuyến Ái và Niềm Hy Vọng” của Hội Y Học Công Giáo;

*    Các bài báo của Đức Gioan Phaolô II về thần học về thân xác;

*    Cuốn sách của Cha Gioan Harvey bàn về “Sự Thật về Đồng Tính Luyến Ái.”

Được phỏng vấn về những gì giáo dân có thể làm? Tiến sĩ Fitzgibbons đã trả lời: “Người giáo dân nên yêu cầu các linh mục giảng về đức thanh khiết và trọn vẹn sự thật của Hội Thánh về luân lý tính dục. Chúng ta cũng có thể bắt chước và truyền đạt cho con cái vẻ đẹp của chương trình Thiên Chúa đối với tình yêu và giới tính của con người.… Chúng ta nên cầu nguyện cho sự thánh hóa của Hội Thánh, hàng Giám Mục, linh mục và đời sống hôn nhân. Chúng ta có thể nâng đỡ, khích lệ và cầu nguyện cho các linh mục của chúng ta và tin cậy vào lời Chúa hứa trong ngôn sứ Giêrêmia: “Ta sẽ ban cho các ngươi những mục tử như lòng Ta mong muốn” (3, 15)492

Những mối tương quan lành mạnh với phụ nữ làm nên một phần quan trọng trong việc giáo dục và phân định liên quan đến đời sống độc thân. Các nhà đào tạo đóng vai trò chìa khóa trong việc đào tạo đời sống độc thân. Chính họ phải hội nhập tốt trong lãnh vực giới tính và đời sống độc thân. Đời sống độc thân gắn liền với các nhân đức Phúc âm khác là khó nghèo và vâng phục. Vì thế, đào tạo sống đời độc thân phải đi đôi với đào tạo hướng tới sự giản dị trong cuộc sống và vâng lời có trách nhiệm. Vun trồng tinh thần khó nghèo là bó buộc ở Việt Nam, bởi vì đa số dân chúng sống ở nông thôn và có mức thu nhập dưới trung bình. Các chủng sinh phải được trợ giúp trong việc phát triển giới tính con người của họ. Môi trường chủng viện thách đố ứng sinh để lớn lên trong đời sống độc thân, hầu trở nên những con người yêu thương và phục vụ hơn.

Cuối cùng, chúng ta có thể kết luận với Đức Gioan Phaolô II: “Bảo đảm tốt nhất của đời sống độc thân nằm ở việc đào tạo đúng đắn và quân bình cho các linh mục tương lai. Họ được mời gọi tha thiết nắm giữ, với vui mừng và quảng đại, một lối sống khiêm nhường, giản dị và thanh khiết, vốn là nền tảng thực hành của đời sống độc thân của Hội Thánh.”493

GHI CHÚ

484 Russel Shaw, Church Document : Our Sunday Visitor’s Encyclopedia of Catholic Doctrine.

485 Germain Grisez, Ph.D., “Submission to the Ad Hoc Committee on Sexual Abuse United States Conference of Catholic Bishops,” Zenit.org/english, truy cập ngày 25.12. 2004.

486 John Paul II, “On Psychology and Candidates for the Priesthood”: Speech to Session of Congregation for Catholic Education” (Vatican City, February 21, 2002), Zenit.org/english, truy cập ngày 3.11.2004)

487 Dr. Fitzgibbons shared his views with Zenit. (May 1,2004), Zenit.org/english, truy cập ngày 3.11. 2004.

488 St. Patrick’s Seminary, The Mentoring and Advising of Seminarians (Menlo Park, California : St. Patrick’s Seminary, 2001), pp.23-40

489 Gladys A. Sweeney là Khoa trưởng Học viện các Khoa học Tâm lý Arlington, Virginia, USA. Học viện này chú tâm vào sự phát triển tâm lý dựa trên quan điểm Công giáo về nhân vị con người.

490 “Role of Psychology in the Selection and Training of the Seminarians” (Rome, March 18,2002) Zenit.org/english, truy cập ngày 7.10. 2004.

491 Bruno Torpigliani, Forming our Future Priests, (Malina, Philippine : Porfirio D. Latorre Memorial Foundation, 1988), pp. 30-31.

492 Dr. Fitzgibbons shared his views with Zenith (May 1, 2004), Zenit.org/english, truy cập ngày 3.11.2004.

493 “On Psychology and Candidates for the Priesthood” … ibid. Xin xem thêm “Consultation on Human Formation for Priests – Challenges of Asian Context” của Office of Clergy of Federation of Asian Bishops’ Conferences và tài liệu của Hội Xuân Bich “En Vue du Royaume de Dieu: Elments de rflection sur la formation au clibat sacerdotal. Une contribution de la Compagnie de Saint-Sulpice.

Tác giả Lm. Trần Minh Huy, pss

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!