.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Chương 1: Hội chứng tự bế

Chương 2: Phát hiện sớm

Chương 3: Can thiệp sớm, ý hướng cơ bản

Chương 4: Những hình thức tự bế trong các hội chứng khác

Chương 5: Mặt chìm của tảng băng sơn

Chương 6: Cách tổ chức của nội tâm

Chương 7: Nội tâm của trẻ em tự bế

Chương 8: HỘI CHỨNG TỰ BẾ trong lối nhìn của PHÂN TÂM HỌC

Chương 9: VAI TRÒ và VỊ TRÍ của XÚC ĐỘNG trong HỘI CHỨNG TỰ BẾ

Chương 10: Ba chứng nhân

Chương 11: Phương pháp TEACCH

Chương 12: Phương pháp ABA - Chuyển hoá hành vi tiêu cực

Kết luận : Bài học về tiếp xúc và trao đổi

Phụ trương : Những bài học cụ thể trong chương trình TEACCH

Bản đánh giá những cấp độ phát triển

Sách tham khảo

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Trẻ Em Tự Bế (Autistic Children) - Phương thức giáo dục và dạy dỗ
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
CHƯƠNG 1: HỘI CHỨNG TỰ BẾ

Những dấu hiệu khách quan, bên ngoài.

    Vào năm 1943, trong một bài báo với nhan đề « Autistic Disturbance of Affective Contact » (Rối loạn về Tiếp xúc và Trao đổi, trong đời sống tình cảm của trẻ tự bế), bác sĩ tâm thần Leo KANNER, người Mỹ gốc Áo, đã phát hiện và mô tả lần đầu tiên Hội Chứng Tự Bế, nơi một số trẻ em trong giai đoạn từ 2 đến 8 tuổi.

Hai đặc điểm đã được nêu lên, với những minh họa cụ thể như sau :

   Thứ nhất, trẻ em mang hội chứng này, không có khả năng thiết lập những quan hệ bình thường với kẻ khác, bắt đầu từ cha mẹ và những người thân trong gia đình.

   Thứ hai, từ những ngày đầu tiên trong cuộc đời, những trẻ em thuộc diện này, không có phản ứng bình thường và tự nhiên, trước những hoàn cảnh sinh sống hằng ngày, giống như bao nhiêu trẻ em khác cùng lứa tuổi.

    Lối nói « TỰ BẾ » được Leo KANNER sử dụng với trẻ em, đã có mặt trong tác phẩm của bác sĩ tâm thần Eugen BLEULER, người Thụy sĩ (1857-1939), mỗi lần mô tả bệnh nhân « tâm thần phân liệt » (schizo-phrenia). Triệu chứng nổi bật nhất của chứng bệnh tâm thần này nơi người lớn, là « nếp sống xa rời, không thích ứng và hòa hợp với thực tế thông thường hằng ngày ».

   Nhằm phân biệt trẻ em tự bế với những trẻ em chậm phát triển thuộc diện « rối loạn sắc thể số 21 » hay là « bại não » (còn được gọi là « chấn thương não bộ »), người giáo viên có thể khảo sát và phát hiện năm loại hành vi khách quan bên ngoài, hay là năm dấu hiệu cụ thể sau đây :

Dấu hiệu thứ nhất :

Sống bít kín, cô đơn, khó hay là không tiếp xúc với kẻ khác, người lớn cũng như trẻ em.

Khi sống và làm việc với những trẻ em này, chúng ta người lớn, nhất là vì thiếu kinh nghiệm và hiểu biết chuyên môn, thường có những cảm tưởng chủ quan sau đây : 

-          Các em tự bế có xu thế loại trừ tất cả những gì phát xuất từ bên ngoài.

-          Hình như các em không thấy hay là làm ngơ, không lưu tâm đối với những người và sự vật cùng có mặt hai bên cạnh.

-          Hình như các em hoàn toàn vô cảm, đối với người thân như cha mẹ, anh chị em…

    Một cách cụ thể và khách quan, các em KHÔNG NHÌN THẲNG vào đôi mắt của người ở trước mặt mình. Các em tránh né liếc nhìn trực diện của kẻ khác. Các em sợ hay là từ chối những tiếp xúc, va chạm giữa hai làn da của mình và của người khác, như vuốt ve, xoa bóp, ôm ẵm… Trong một cuốn sách, với nhan đề bằng tiếng Anh « Nobody nowhere » (không là ai không một nơi nào), tác giả Donna WILLIAMS đã chia sẻ cho chúng ta những kinh nghiệm về hội chứng tự bế, mà bà đã kinh qua suốt cuộc đời, từ những ngày thơ ấu. Bản dịch bằng tiếng Pháp với tựa đề « Khi có ai đụng đến da thịt của tôi, tôi không còn hiện hữu » (Si on me touche, je n’existe plus), đã tóm lược một cách khéo léo, tất cả kinh nghiệm cốt lõi của một chứng nhân đã sống từ bên trong, thế nào là những khó khăn, khắc khoải, tiến thối lưỡng nan, trong địa hạt tiếp xúc, trao đổi và chia sẻ.

    Hẳn thực, Donna WILLIAMS đã nói đến những « va chạm, đụng độ, tiếp cận », trong địa hạt xúc giác. Tuy nhiên, dựa vào những kinh nghiệm làm việc và chung sống với những học sinh tự bế, trong vòng 20 năm, tôi muốn đề cập những vết thương luôn luôn rướm máu, cần được băng bó, nơi trẻ em, cũng như nơi các người lớn đang phục vụ các trẻ em này. Khi sống trong tình trạng khổ đau, vì bất cứ lý do gì, chúng ta sẽ dễ dàng đánh mất quân bình và an lạc nội tâm. Lúc bấy giờ chúng ta không còn là nơi nương tựa an toàn vững chắc cho trẻ em. Từ đó, chúng ta có thể có thái độ đàn áp, ức chế, trừng trị, đánh đập. Và trẻ em sẽ trở thành « nạn nhân » của chúng ta. Ở giữa tình huống bất lợi này, trẻ em tự bế đã có những vấn đề trong địa hạt quan hệ tiếp xúc, sẽ càng ngày càng không thể học bài học tiếp xúc với chúng ta.

    Để trẻ em có cơ may làm người, chúng ta hãy bắt đầu làm người, từ nơi bản thân của chính mình. Và rồi từ điểm xuất phát ấy, chúng ta cư xử, đãi ngộ các em, như những con người toàn phần, có giá trị như chúng ta.

Dấu hiệu thứ hai :

   Trẻ em tự bế có những hành vi bực bội, tức giận, loạn động, lo lắng, lăng xăng, khi trong môi trường và điều kiện sinh hoạt hằng ngày, có những biến đổi bất ngờ và khó hiểu đối với các em.

Ví dụ : Mỗi lấn cùng với mẹ lên xe ôtô, trẻ A vui mừng vì được đi chợ mua hàng như thường lệ. Hôm nọ, khi xe đến ngả ba, thay vì đi thẳng, mẹ của A lái xe về bên phải. Từ lúc ấy, trẻ A khóc la rùm beng, tức bực, đưa tay đánh mạnh vào đầu. mặc dù mẹ giải thích cho A biết hôm nay về thăm ngoại bị bệnh, A không hiểu và không còn vui tươi, bình tĩnh suốt ngày hôm đó.

    Vì nhu cầu sinh hoạt trong một môi trường luôn luôn ổn định và bất biến, trẻ tự bế có xu thế kiểm điểm lui tới nhiều lần, những đồ chơi và đồ dùng của mình. Và khi có những biến đổi, thất lạc hoặc hư hại, tuy dù rất nhỏ nhặt, các em có thể ghi nhận tức thì và có những rối loạn trong tác phong, vì lý do ấy.

    Trong cuộc sống hằng ngày, cũng như trong địa hạt học tập, trẻ tự bế có xu thế bám sát vào những nghi thức. Để có thể an toàn từng bước đi tới, trẻ em phải tuân theo một thứ tự ổn cố. Cái gì ở đâu, phải sắp xếp lại ở đó, đàng hoàng như trước đây, trong lần đầu tiên.

    Phương pháp TEACCH (Treatment and Education of Autistic Children and related Communication Handicapped), xuất phát từ Bang Bắc Carolina, Nước Mỹ, như sau này tôi sẽ trình bày, biết tận dụng điều kiện sinh hoạt này, như một lợi điểm có nhiều năng động, trong cách tổ chức lớp học và bài học dành cho trẻ em tự bế và trẻ em có vấn đề tương tự, trong địa hạt quan hệ tiếp xúc và trao đổi.

Dấu hiệu thứ ba :

Hành vi « Nhai đi lặp lại » một cử chỉ, một điệu bộ, hay là một câu hỏi...

   Thuật ngữ thường được dùng trong tiếng Anh, để mô tả hành vi này, là STEREO-TYPE, có nghĩa là phát âm, lặp lại, đúc lại y nguyên, như sáo cưỡng. Chúng ta chỉ cần quan sát trẻ em, trong giờ giải trí hay là khi phải đợi chờ… chúng ta sẽ dễ dàng ghi nhận những quang cảnh sau đây :

-          Em B đu đưa thân mình từ trước ra sau.

-          Em C múa máy những ngón tay trước đôi mắt của mình.

-          Em D đưa hai tay lên xuống như chim vỗ cánh.

-          Em E quay tròn như chiếc vụ.

-          Em G lặp đi lặp lại những bài dự báo thời tiết, như một chiếc đài ra-đi-ô.

-          Một vài trẻ em có thể dập đầu vào tường hay là đưa tay cào cấu thân mình, đến độ tự làm tổn thương và tự hủy hoại thân xác.

    Xuyên qua những hành vi máy móc, tự động, như tôi vừa liệt kê trên đây, phải chăng trẻ tự bế đang tìm ra cho mình những loại kích thích mạnh, những phương tiện tự thỏa mãn, cơ hồ một đứa bé đang mút tay, trong lúc chờ đợi nấm vú của mẹ ? Cơ hồ một chàng thanh niên đang hủy hoại sức khỏe và cuộc đời, với những chất liệu xì ke, ma túy, rượu mạnh, vì cuộc đời hiện tại quá nhàm chán, không có ý nghĩa.

Dấu hiệu thứ tư :

Những rối loạn trong lãnh vực ngôn ngữ.

     Chức năng hay là phần vụ của ngôn ngữ là thông đạt, diễn tả, ngoại hiện nội tâm của mình. Đồng thời, đó cũng là phương tiện để tiếp xúc, trao đổi, chia sẻ với những người khác có mặt trong môi trường, bắt đầu từ bà mẹ đã sinh ra mình.

    Chung quanh 3 tháng, đứa bé đã bắt đầu biết mỉm cười với mẹ. Đó là nụ cười xã hội xuất phát từ một con người gửi đến một con người như mình, với mình.

   Vào lứa tuổi 8-9 tháng, đứa bé lo sợ, khóc la, khi có người lạ lại gần. Hiện tượng này cho phép chúng ta khẳng định rằng từ nay trẻ em đã có khả năng phân biệt mặt lạ và mặt quen.

Từ 16-18 tháng, trẻ em biết hình dung mẹ, khi mẹ vắng mặt,

    Vào lứa tuổi 2 năm 6 tháng trở lên. Đứa bé nhận biết rằng mình chỉ có một người mẹ duy nhất, mặc dù trong y phục, hành vi, cách trang sức và thái độ, người mẹ có thể thay đổi, từ lúc này qua lúc khác. Hôm nay, Mẹ có tóc dài, ngày mai mẹ mang một đầu tóc kiểu khác. Hôm nay, mẹ dễ thương, dịu dàng. Ngày mai, mẹ la rầy. Nhưng mẹ tốt hay mẹ xấu cũng là mẹ của mình.

    Cùng với những điểm mốc vừa được liệt kê, có khả năng đánh dấu những giai đoạn phát triển tốt đẹp và hài hòa của đứa bé, còn hai dấu hiệu khách quan khác cho phép chúng ta thấy rõ rằng trẻ em đã có khả năng tiếp xúc và trao đổi.

   Thứ nhất,  trẻ em đưa ngón tay chỉ cho mẹ biết đồ dùng mà mình mong muốn. Đồng thời, đứa bé biết đưa mắt nhìn theo hướng ngón tay của mẹ đang chỉ, thay vì nhìn vào mắt của mẹ.

    Thứ hai, khi nhìn vào đôi mắt và khuôn mặt của mẹ, đứa bé có khả năng nhận biết khi nào mẹ đồng ý, khi nào mẹ không bằng lòng, khi nào mẹ vui, khi nào mẹ có vấn đề buồn trong lòng. Dấu hiệu thứ nhất mang tên là « chú ý đồng qui » (joint attention). Dấu hiệu thứ hai được gọi là « đồng cảm »  (empathy), nghĩa là đọc được từ bên ngoài những tâm tình hay là những xúc động, đang xuất hiện trong nội tâm. Khi trẻ em có hai khả năng chú ý đồng qui và đồng cảm như vậy, tự khắc các em sẽ có khả năng tiếp xúc và trao đổi. Ngôn ngữ chính là phương tiện thể hiện hai khả năng cơ bản ấy.

Nơi trẻ em tự bế, trái lại, hai khả năng ấy không tự nhiên xuất hiện. Cho nên,hoặc giả trẻ em không có ngôn ngữ. Hoặc giả, ngôn ngữ xuất hiện, nhưng có những rối loạn như sau :

-          Dùng đại danh từ ngôi thứ hai hoặc ngôi thứ ba, để nói về chính mình, thay vì  ngôi thứ nhất như « tôi, con… ». Ví dụ : - « Mày muốn ăn kẹo », thay vì « con muốn ăn kẹo ». Một ví dụ thứ hai : Khi đứng gần ngọn đèn, trẻ em rút tay lui đằng sau và nói :  - « Mày sẽ bị đốt ».

-          Lặp lại lời người khác, nhất là những câu hỏi.

-          Không dùng « Dạ, Vâng ».

-          Sử dụng một loại ngôn ngữ riêng biệt, không ai có thể hiểu.

Dấu hiệu thứ năm :

    Về mặt cơ thể, trẻ tự bế không có những rối loạn hay là những dấu hiệu đặc thù. Tuy nhiên, chúng ta cần khảo sát và phát hiện hai loại sự kiện sau đây :

-          Độ 15-20 phần trăm trẻ em tự bế có thể có những cơn động kinh cỡ nhỏ và cỡ lớn. Trong cơn lớn, trẻ em té ngã, mất ý thức tiểu tiện trong quần, ngáy khò khè, hai hàm răng cắn chặt có thể cắt vào lưỡi, tạo nên vết thương chảy máu… Trong cơn nhỏ, trẻ em không còn chú ý, nhìn vào khoảng không, tâm trí trống rỗng, xa vắng.

-          Trên bình diện tâm vận động tinh và thô, có những hiện tượng như bước đi đầu những ngón chân, đứng bất động một chỗ, hay là quay tròn… như đã được mô tả trong dấu hiệu thứ ba trên đây.

    Ngoài ra, khi trẻ em có tâm trạng bất ổn, bất an, lo lắng, sợ hãi, bực bội… hành vi khách quan bên ngoài có thể trở nên loạn động, lăng xăng, chập chờn, đứng ngồi không yên nguôi. Lối nói thường được dùng để mô tả các em trong lúc ấy là hiếu động, vô tổ chức, vô trật tự, không có cấu trúc, không có kỹ luật. Trên bình diện học tập, trẻ em không có khả năng chú tâm, tập trung tư tưởng… không biết chờ đợi, không thể hình dung cái gì đến trước, cái gì đến sau. Nói một cách vắn gọn, trẻ hiếu động chỉ muốn được thỏa mãn : - ngay tức khắc, - trong tất cả mọi địa hạt, - với tất cả mọi người, - một cách vô điều kiện, vô giới hạn.

    Thuật ngữ của Phân Tâm Học dùng để mô tả thực trạng này là Ý CHÍ TOÀN NĂNG. Trẻ em chỉ thu hẹp mình vào điểm hiện tại là ý thích cần được thỏa mãn, toại nguyện. Trái lại, khi khả năng tư duy xuất hiện và triển nở, trẻ em sẽ có khả năng « bắc cầu », nối kết hiện tại và quá khứ, mình và người khác, điều này với điều kia, điều đang có mặt với điều vắng mặt. Nhờ tư duy, trẻ em có khả năng từ biệt giai đoạn « toàn năng », làm « Ông trời con », thét la, đòi hỏi, hống hách. Nhờ đó, trẻ em có thể dần dần bước vào con đường Đồng Hành, Chia Sẻ, Có người có ta. Nói khác đi, trẻ em rời bỏ giai đoạn « Tự Kỷ Trung Tâm », và bước vào một tiến trình « Xã Hội Hóa », để HỌC làm người trưởng thành. 

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!