.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Chương I : Xác định Mức Độ Phát Triển hiện tại của trẻ em

Chương II : Nội Dung chi tiết của 174 tiết mục trong Bản Lượng Giá

Chương II : (Tiếp theo)

Chương II : (Tiếp theo)

Chương III : Thể thức tổ chức Công việc Lượng Giá

Chương III: (tiếp theo)

Chương IV: Thiết lập Dự Án Can Thiệp hay là Dạy Dỗ

Chương V: Những Hành Vi Rối Loạn

Chương VI: Định Lý của Douglas M. ARONE về Hội chúng Tự Kỷ

Sách Tham Khảo

Lời Nói Cuối : YÊU THƯƠNG là một Động Từ

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Nguy cơ Tự Kỷ (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
CHƯƠNG I : XÁC ĐỊNH MỨC ĐỘ PHÁT TRIỂN HIỆN TẠI CỦA TRẺ EM

Lượng giá mức độ phát triển hiện tại  của một trẻ em có nguy cơ tự kỷ là cách làm đầu tiên cần được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và khoa học, trước tất cả mọi toan tính và dự định can thiệp, giáo dục và dạy dỗ. Hẳn thực, không bắt đầu từ điểm xuất phát nầy, tất cả những dự án, mà chúng ta thiết lập « vì trẻ em và cho trẻ em », chỉ là « nước rơi đầu vịt », hay là « dã tràng xe cát bể đông ».

Can thiệp hay là giáo dục và dạy học, lúc bấy giờ, chỉ là áp đặt từ bên ngoài, từ trên rót xuống, sử dụng mọi phương tiện bạo động nhằm cưỡng chế trẻ em phải thay đổi, một cách máy móc và tự động.

Dạy cho trẻ em bài học làm người, trái lại, là « cùng làm người một cách thực sự và trọn vẹn với trẻ em », bằng cách giúp trẻ em từ từ sống tự lập, tùy theo lứa tuổi khôn lớn và mức độ phát triển tâm lý của mình. Làm người như vậy là biết chọn lựa và quyết định, cũng như ngày ngày thực thi một cách có ý thức, những giá trị khả dĩ thăng tiến bản thân và cuộc đời. 

1.- Ba Vùng Sinh Hoạt

Trong thực tế hành động, để thực thi công việc lượng giá như vậy, tác giả Eric SCHOPLER đã sở hữu hóa lối nhìn của L.S. VYGOTSKY, về phương thức xác định ba VÙNG SINH HOẠT của trẻ em.

-         Vùng thứ Nhất mang tên là vùng tự lập. Ở đây, trẻ em đã có khả năng sống một mình, làm một mình, chơi một mình, không cần có sự giúp đỡ hoặc khích lệ của một người lớn.

-         Vùng thứ Ba mang tên là vùng xa lạ. Ở đây, với những điều kiện tâm lý hiện tại, trẻ em không có khả năng làm chủ tình hình, hay là không thể nào thực hiện một điều gì, cho dù với sự giúp đỡ và khích lệ tối đa của một người lớn. Nếu bị ép buộc phải sinh hoạt, trong vùng xa lạ nầy, trẻ em sẽ tức khắc từ chối, bằng những hành vi chạy trốn, khóc la, nhắm mắt, bịt tai, ngoảnh mặt nhìn chỗ khác. Nếu người lớn không hiểu cách từ chối của trẻ em, vẫn tiếp tục thúc ép, đòi hỏi, áp đặt… trẻ em sẽ từ từ thoái hóa, sa vào tình trạng tê liệt, bị động, ù lì và trầm cảm nặng.

-         Vùng thứ Hai, nằm ở giữa hai vùng kia, mang tên là vùng học tập hay là vùng trung gian. Khi nhận thấy trẻ em đang sinh hoạt một cách tự lập và bộc lộ ra ngoài thái độ vui thích và hứng khởi, một người lớn có những hiểu biết tâm lý và khả năng sư phạm, sẽ nhẹ nhàng tiến lại gần, quan sát, đưa mắt nhìn, tạo quan hệ qua lại hai chiều. Từ đó, chúng ta có thể đề nghị thêm một điều nho nhỏ, vừa tầm đón nhận và tiếp cận của trẻ em. Với phương thức tác động nầy – nếu được tổ chức một cách có hệ thống, bao gồm những bước đi lên từ dễ đến khó   trẻ em sẽ càng ngày càng nới rộng ra vùng sinh hoạt tự lập và vui thích của mình. Đồng thời, vùng xa lạ sẽ lùi dần và nhường bước cho vùng học tập.

2.- Nụ cười xã hội : một minh họa cụ thể

Nhằm minh họa cách làm nầy, tôi xin đan cử một ví dụ cụ thể. Sau một vài ngày hay là hai ba tuần lễ, từ khi sinh ra, một trẻ thơ đã có nụ cười sinh lý, khi nằm một mình trong nôi hay là trong giấc ngủ. Nụ cười sinh lý nầy chỉ là một phản ứng tự nhiên, bột phát, khi trẻ em cảm thấy mình được ấm no, thoải mái, dễ chịu, trên bình diện cơ thể.

Nếu người mẹ chớp thời cơ, đón nhận nụ cười của đứa con, với một tâm hồn sung sướng và hạnh phúc, bà sẽ tìm lời khen con, trao đổi với con, đồng thời nở nụ cười đáp lại với con, cho con.

Với cách làm nầy của người mẹ, được ngày ngày diễn đi diễn lại, nhằm nối dài và phản ảnh một phản ứng tự nhiên của đứa con… sau chừng hai tháng, nụ cười sinh lý của đứa con sẽ chuyển biến thành nụ cười xã hội. Từ đây, hai mẹ con trao đổi nụ cười qua lại với nhau, hạnh phúc với nhau, làm người với nhau. Cuộc đời trở thành một ý nghĩa lung linh và diệu vợi cho cả hai mẹ con.

3.- Mục đích của Bản Lượng Giá 

Chương nầy cũng như những chương kế tiếp, trình bày Bản Lượng Giá Mức Độ Phát Triển của Trẻ em, với đầy đủ mọi tin tức cần thiết. Đây là một phương tiện giáo dục và sư phạm, cần có mặt trong tầm tay và khả năng của các bậc cha mẹ, giáo viên và tất cả những ai  muốn phục vụ trẻ em có nguy cơ tự kỷ. Nhờ vai trò trung gian của « chiếc cầu » nầy, mọi người có cơ hội đến với nhau, trao đổi qua lại hai chiều. Một cách chân tình và trực tiếp, họ chia sẽ và đồng hành. Chung quanh bản Lượng Giá, họ « biết ngồi lại với nhau, cùng nhau nhìn về một hướng ». Hướng đó là Trẻ Em có nguy cơ Tự kỷ.

Trước tất cả và hơn tất cả, với bản Lượng Giá nầy, cha mẹ, giáo viên, bác sĩ và các nhà chuyên viên… cùng HỌC với nhau, để DẠY bài học làm người cho con em của chúng ta. Phải chăng trong cái HỌA lớn lao – là nguy cơ Tự kỷ – cái PHƯỚC vẫn có mặt tràn trề lai láng, cho những ai biết NHÌN và đón nhận ? Trong điều kiện và thân phận làm người ngày hôm nay, không có cái XẤU tuyệt đối, cũng như không có cái TỐT hoàn toàn, viên mãn. Nguy cơ Tự kỷ đang đe dọa con em của chúng ta. Tuy nhiên, phải chăng đó cũng là một THÁCH ĐỐ kỳ hùng, một CƠ MAY diệu vợi, để mỗi người trong chúng ta đánh thức chính mình : đổi mới lối nhìn, tư duy, cách làm, lề lối giáo dục và toàn diện con người của chúng ta, trong mọi quan hệ giữa người với người ?

4.- Nội dung của bản Lượng Giá

Như tôi đã trình bày trong ví dụ minh họa trên đây, khi một trẻ em sơ sinh vừa có tuổi đời dưới 2 tháng, nụ cười sinh lý là một sinh hoạt tự lập. Không cần ai dạy, trẻ em tự nhiên có nụ cười ấy, như một hạt mầm có sẵn trong mảnh đất bản thân và cuộc đời làm người của mình. Nhờ bà mẹ cũng như những người trong gia đình trông nom, vun trồng và tưới tẩm, khích lệ, khen thưởng và củng cố, trong suốt thời gian độ 2-3 tháng, nụ cười sinh lý ấy sẽ từ từ trở thành một phương tiện hay là một khả năng, trong lãnh vực tiếp xúc và trao đổi xã hội.

Ngoài nụ cười sinh lý ấy, trong giai đọan và lứa tuổi từ 0 đến 7 tuổi (84 tháng), một trẻ em – cho dù có nguy cơ tự kỷ – còn có bao nhiêu khả năng tự nhiên và tự lập nào, có vai trò và giá trị tương đương, giống như vậy không?

Để trả lời cho câu hỏi nầy, một cách khoa học, nghĩa là chính xác, khách quan và cụ thể, tác giả Eric SCHOPLER cùng với các bạn đồng nghiệp, vào những năm từ 1979 đến 1988, trong hai đợt làm việc với 420 trẻ em, đã sáng tạo và kiện toàn một Bản Lượng Giá, bao gồm 174 tiết mục. 

Thực ra, Bản Lượng Giá chỉ bao gồm 131 câu hỏi, nhằm khảo sát và xác định mức độ phát triển tâm lý của trẻ em. Cộng vào đó, trong suốt tiến trình làm việc cũng như trong thời gian nghỉ ngơi giải lao ở giữa, kéo dài ước chừng trên dưới 5-10 phút, người cán bộ có trách nhiệm lượng giá, phải quan sát hành vi của trẻ em, để trả lời thêm 43 tiết mục có liên hệ đến các triệu chứng rối loạn thuộc hội chứng tự kỷ.

Xét về nội dung cụ thể, mức độ phát triển được khảo sát và phát hiện trong 7 địa hạt khác nhau sau đây :

 

1.- Bắt chước (Bc) : 16 câu hỏi hay tiết mục,

2.- Nhận Thức (Nt) : 13 câu hỏi,

3.- Vận động tinh (Vđt) : 16 câu hỏi,

4.- Vận động thô (Vđth) : 18 câu hỏi,

5.- Phối hợp mắt và tay (Ph) : 15 câu hỏi,

6.- Kỹ năng tư duy (Td) : 26 câu hỏi,

7.- Kỹ năng ngôn ngữ (Nn) : 27 câu hỏi.

Trên bình diện « Rối loạn Hành Vi », chúng ta sẽ chú ý vào 2 lãnh vực « Quan hệ và Xúc động », quyện sát và giao thoa vào nhau, cũng như tạo ảnh hưởng, tác động qua lại hai chiều.

Một cách cụ thể, chúng ta sẽ đo lường  mức độ rối loạn có liên hệ đến Hội Chứng Tứ Kỷ, trong 4 địa hạt sau đây :

- Địa hạt thứ nhất là khả năng tiếp xúc và tạo quan hệ, được thể hiện qua những hành vi cụ thể như lắng nghe, ghi nhận, tuân hành chỉ thị của người lớn. Rối loạn về quan hệ viết tắt là RlQh.

- Địa hạt thứ hai là khả năng và thể thức tiếp cận các loại dụng cụ, với 5 giác quan khác nhau, nhất là khi chơi đùa hay là thực hiện một công việc.  Rối loạn về giác quan viết tắt là RlGq.

- Địa hạt thứ ba là khả năng sử dụng ngôn ngữ, bắt đầu từ những sinh hoạt phát âm, lặp lại, diễn tả, thông đạt. Rối loạn về  ngôn ngữ viết tắt là RlNn.

- Địa hạt thứ bốn là  khả năng bộc lộ ra bên ngoài những ý thích, năng động và hứng khởi, xuất phát từ những động cơ thúc đẩy ở bên trong nội tâm, thay vì ù lì, bị động, chấp nhận tất cả những gì do kẻ khác áp đặt, lèo lái và điều khiển từ bên ngoài. Rối loạn về Ý thích, sáng kiến và năng động, viết tắt là RlYt.  

5.- Mô tả Bản Lượng Giá

Như tôi trình bày trên đây, Bản lượng giá gồm có 174 đề mục, trong đó có 131 câu hỏi với những dụng cụ sư phạm đi kèm theo nhằm phát hiện và khảo sát mức độ phát triển của trẻ em. Ngoài ra, có thêm 43 đề mục nhằm quan sát hành vi và đo lường mức độ rối loạn của trẻ em, trong bốn địa hạt thuộc sinh hoạt xúc động và quan hệ xã hội.

Những câu hỏi không được xếp đặt theo thứ tự từ dễ đến khó, tùy theo lứa tuổi khôn lớn và phát triển của trẻ em từ 0 tháng (0 tuổi) đến 84 tháng (7tuổi). Trái lại, tất cả 131 câu hỏi thuộc 7 địa hạt phát triển khác nhau, được hòa trộn lẫn lộn vào nhau, trong giai đoạn khảo sát trẻ em. Tiếp sau đó, vào giai đoạn tổng hợp kết quả bằng số lượng, chúng ta sẽ phân định và đối chiếu 7 địa hạt phát triển với nhau, nhằm phát hiện, trong sơ đồ biểu diển, đâu là điểm MẠNH và điểm YẾU hay là điểm CAO và điểm THẤP của trẻ em.

Một nhận xét cuối cùng về Bản Lượng Giá là sau mỗi đề mục, chúng ta sẽ CHẤM ĐIỂM, theo 3 thể thức khác nhau :

-         Thứ nhất là Điểm CỘNG (+) : Trẻ em thành tựu, biết trả lời đúng đắn, mặc dù một đôi khi cần sự hướng dẫn và khích lệ của người lón.

-         Thứ hai là Điểm CỘNG và TRỪ (+­/-) : trẻ em có thiện chí và ý định trả lời, cũng như hợp tác và lắng nghe, tuy dù kết quả cuối cùng không đạt chỉ tiêu. Cách trả lời nầy, trong lối dùng từ của Eric SCHOPLER, mang tên là Sơ Phác, Chớm Nở, Hiện Hình. Lối nói trong tiếng Anh là Emergence có nghĩa là vùng đứng lên, nổi dậy, hé nở, khởi sắc.

-         Thứ ba là Điểm TRỪ (-) : Trẻ em không muốn, không biết và không tìm cách làm, mặc dù được người lớn hướng dẫn, nâng đỡ và khích lệ tối đa, bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, khích lệ như vậy không có nghĩa là ép buộc, cưỡng chế, áp đặt, sử dụng bạo động, trừng phạt, đe dọa.

6.- Sư Phạm « Xây Dựng »

Ba cách trả lời « Thành tựu, Thất bại và Chớm nở », có liên hệ đền 174 Tiết Mục,  thuộc 9 địa hạt phát triển khác nhau, sẽ giúp chúng ta phân định ba Vùng Sinh Hoạt Tự lập, Xa lạ và Học tập của trẻ em.

-         Dựa vào Vùng Tự lập (+), chúng ta khám phá và tạo ra những vui thích và năng động cho trẻ em. Mỗi lần trẻ em gặp vấn đề, khó khăn, trắc trở, chúng ta giúp trẻ em đi lui, quay trở về với các sinh hoạt trong Vùng Tự lập, để tìm lại lòng tự tin, hay là ý thức về khả năng hiện thực của mình.

-         Khi có những dấu hiệu cho thấy trẻ em đang bước vào Vùng Xa lạ (-), chúng ta hãy sáng suốt và can đảm sáng tạo những dụng cụ sư phạm, nhằm giúp trẻ em dừng lại, « Tri chỉ ». Ngoài ra, trong quan hệ tiếp xúc, chúng ta không « cố tình xô đẩy » trẻ em vào địa hạt Hành Vi Rối Lọan hay là Triệu Chứng, nghĩa là từ chối, chống đối, phản loạn, một cách vô thức, máy móc và tự động.

-         Sau cùng, chúng ta tìm cách khích lệ, khen thưởng và củng cố, khi trẻ em đang rụt rè bước vào Vùng Học tập (+/-). Làm như vậy là giúp trẻ em VÙNG ĐỨNG LÊN, thành người, làm chủ thể, chọn lựa cho mình những sinh hoạt vui thích, sáng tạo, hứng khởi, năng động, cho dù vào những lúc ban đầu, thời gian sinh hoạt học tập nầy chỉ kéo dài vài ba phút. 

« Cháo nóng húp quanh » hay là « Kiến tha lâu đầy tổ », phải chăng đó là phương thức Sư Phạm Xây Dựng, chúng ta tất cả cần tiếp thu, học tập và hội nhập ?  Trọng tâm ở đây là phát huy những năng động đã có mặt,  thay vì « gồng mình », tìm cách hạn chế những triệu chứng, những hành vi rối loạn và bị động.

Theo lời người xưa, điều chúng ta cố quyết làm cho con em có nguy cơ tự kỷ là « Minh minh Đức », có nghĩa là ngày ngày can đảm « Thắp sáng lên ngọn đèn đã sáng », nơi chính chúng ta và nơi trẻ em. Hẳn thực,  cơ hồ khi có những vết mực, trên bề mặt của một chiếc bong bóng tròn bằng cao su, thay vì tìm cách tẩy xóa, chúng ta thổi phòng chiếc bong bóng to lên. Lúc bấy giờ, những hình vẽ trang trí sẽ nỗi bật và lớn lên. Trái lại, những vết nhơ sẽ trở thành KHÁC, trong một KHUNG CẢNH KHÁC, được chấp nhận và đón nhận với một tâm trạng, thái độ và lối nhìn khác. 

Phải chăng đó là loại Sư Phạm « CHUYỂN HÓA »  cần được áp dụng cho các trẻ em có nguy cơ tư kỷ ? Hẳn thực, chúng ta « làm mà như không làm », làm theo tinh thần « Vi vô vi, Sự vô sự » của Lão Tử, cơ hồ Mặt Trời tỏa ra ánh sáng và hơi ấm, để tạo điều kiện thuận lợi cho « Cây nào thành cây ấy », không cưỡng chế, không áp đặt.

Hẳn thực, « chân vịt thì ngắn, muốn kéo ra cho dài, nó khổ. Chân ngổng thì dài, tìm cách chặt ngắn đi, nó chết ».

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!