.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Phần I : Tính tình, tự do và định mệnh

Phần II : Những đường hướng khám phá tính tình

Phần III : Bản trắc nghiệm tính tình của G. Berger và phương thức bình giải

Sách tham khảo

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Bản câu hỏi về tính tình
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
Phỏng theo L. Millet Đại học Grenoble, Pháp
PHẦN I : TÍNH TÌNH, TỰ DO VÀ ĐỊNH MỆNH

   Tập sách nhỏ này sẽ lần lượt khảo sát mục: 

Phần I -    Tính tình, tự do và định mệnh.

Phần II -   Những đường hướng khám phá tính tình.

Phần III - Bản trắc nghiệm tính tình của G. Berger và phương thức bình giải.

 

I. TÍNH TÌNH, TỰ DO VÀ ĐỊNH MỆNH

 

Đề cập đến tính tình là một cái gì khó khăn nhưng rất hấp dẫn. Đa số trong chúng ta ước ao tìm hiểu tính tình của mình, cho dù họ là người dân quê hay là một bậc thức giả, một em bé hay một cụ lão già.

Thêm vào đó, tìm hiểu tính tình ngày càng trở nên một nhu cầu khẩn thiết trong thế giới hiện nay, và trong tất cả mọi lãnh vực: gia đình, học đường và các công ty xí nghiệp. Chúng ta thử lấy một ví dụ: chàng trai kia và một cô gái nọ đang thời buổi gặp gỡ và để ý đến nhau lần đầu tiên. Trong thế giới hiện sống của họ, tình yêu là tất cả. Những điều kiện còn lại, như lương tiền, cha mẹ, học vấn... tất cả không mang một ý nghĩa quan hệ nào. Có khi còn bị quên lãng một cách phi lý hoặc mù quáng. Khi yêu bể dương tát cũng cạn. Nhưng rồi đây sau ngày thành hôn, khi 2 bên đã phơi bày cho nhau tất cả những vết sẹo của thể lý và tâm linh... liệu họ còn mãi mãi yêu nhau cách thành tâm và can đảm? Mặc cho tính tình xung khắc một đôi điểm. Mặc cho ý kiến va chạm nhau một vài lần... Vì hạnh phúc gia đình, những người yêu nhau hãy tìm hiểu mình và biết người để đề phòng những tệ hại có thể xảy ra trong cuộc đời đôi lứa.[1]

Trong địa hạt giáo dục, hiểu biết tình hình của con em là một đòi hỏi đứng vào hàng đầu. Hiểu tính tình của con em, như A. Le Gall đã bảo, là giúp con em triển khai những tinh hoa của cuộc đời mình và đề phòng những gì lệch lạc, méo mó, trái ngược với nhân phẩm của con người. Biết là bắt đầu hành động như người ta thường nói hôm nay.

Trước khi quyết định lựa chọn nghề nghiệp, cho đúng sở trường và ý nguyện thâm sâu của mình, con người cũng phải am tường những cao thấp, dài vắn của đời mình. Với tính tình này, tôi sẽ thành công trong nơi này, nhưng phải thất bại trong công việc kia. Với người này, tôi sẽ dễ dàng tâm đồng ý hợp. Nhưng với người khác, sự có mặt của tôi chỉ là thêm dầu vào lửa, để đốt cháy tất cả những hoà hợp và đoàn kết giữa anh em. Triết thuyết rất thời trang là cơ cấu luận còn thêm rằng: không có giá trị hoàn toàn tự tại, nơi một con người hay nơi một sự vật riêng rẻ. Giá trị bao giờ cũng là tương đối và tương quan. Giá trị bao giờ cũng phải đặt để giữa một mạng lưới liên hệ tương giao. Một con tốt trong một ván cờ tướng, ở một thế tiến quân, có thế có giá trị quan trọng hơn con xe hoặc con pháo. Trong một thế cờ khác, con mã lại đóng một vai trò yếu quyết hơn... Cứ như thế giá trị của mỗi con cờ còn tuỳ thuộc bao nhiêu điều kiện từ ngoài: một biến cố xảy ra trên ván cờ, chỗ đứng của con cờ này là ở giai đoạn cuối... tất cả trở thành những yếu tố mang lại giá trị và ý nghĩa cho một thế quân, trong toàn thế ván cờ.

Cũng vậy tính tình con người tự riêng nó, không hẵn là điều may hay điều rủi, điềm dữ hoặc điềm lành. Lành hay dữ. Lợi hay hại tuỳ thuộc chúng ta và hoàn cảnh cũng như những điều kiện sinh sống trong môi trường, mang lại cho nó mộït ý nghĩa và một nội dung tốt hay là xấu, phong phú hoặc nghèo nàn. Trong lăng kính ấy, tính tình của mỗi người trong chúng ta có thể được so sánh như một khúc sông đang chảy về một phương hướng nhất định. Trừ khi một vài trường hợp quá đặc biệt như động đất, núi lửa... phương hướng của dòng nước không bao giờ biến chuyển. Lẽ đương nhiên, mỗi hướng sông bao gồm những lợi hại riêng biệt của nó. Nhưng cái chính yếu không phải là phương hướng của dòng sông. Trái lại, đó là cách thế con sông ấy được khai phá thế nào trong môi trường kinh tế hoặc chính trị của xứ sở. Con sông này với địa thế của nó, có thể tụ hội khách du lịch từ bốn phương. Con sông kia với lưu lượng mạnh mẽ và chiều sâu khá quan trọng, là nơi lui tới của tàu bè, để bán buôn chuyên chở các hàng hoá. Cái quan hệ cho một dòng sông là nó được sử dụng đúng với nguồn lợi thiên nhiên sẵn có của mình và hợp với nhu cầu và đòi hỏi của các vùng dân cư lân cận.

Trong đời sống con người cũng vậy, cái quan trọng không phải là tính tình thế nào. Nhưng là: tính tình tôi được khai phá và vận dụng như thế nào ? Có hợp lý và hợp cảnh không?

- Cách vận dụng phải hợp lý nghĩa là thích ứng với thực tại. Bởi vì tính tình chỉ cung cấp cho tôi một số lượng khả năng hạn định. Để hoạt động hữu hiệu và khai triển bản thân mỗi ngày, tôi chỉ có chừng ấy nguyên lực và vật liệu.

- Đàng khác cách khai phá tính tình phải hợp với cảnh bên ngoài. Cho đúng "thiên thời, địa lợi và nhân hoà", như các bậc nho giả thường khuyên dạy chúng ta. Nói cách khác, mỗi loại tính tình gồm có hai bộ mặt. Phải triển khai các tinh anh, cái cao đẹp trong tính tình và phát huy nhân bản của mình nhờ những giá trị tích cực và quí hoá ấy. Trái lại, tính tình còn mang đến cho con người những cản trở, những khó khăn, những đấu tranh và những nỗ lực... Nhưng trong ý nguyện làm người và trong thái độ sáng suốt, chúng ta hãy chấp nhận và đảm nhiệm trọn vẹn con người của chúng ta. Đảm nhiệm là không thoái thác, buông xuôi và trở nên nạn nhân của tính tình và định mệnh. Đảm nhiệm tính tình là làm chủ tính tình, tìm hiểu những đường đi nẻo về của nó, để hướng dẫn, canh phòng, tĩnh thức và khai phá.

Mục đích cuối cùng của nỗ lực hiểu biết ấy là giúp con người sống và chết cho thành người. Nghĩa là thực hiện nhân cách đúng với ơn gọi làm người. Sống hoà âm với anh chị em. Và chấp nhận để phát huy cuộc sống hiện tại trong trần thế này. Tìm hiểu tính tình để thực hiện mình trong tất cả những chiêu kích phong phú và cao đẹp. Để "tận - kỳ - tính" nghĩa là sống cho tận cùng, cho tràn đầy những đường hướng và ý nghĩa làm người, đã sơ phác trong bản thân tôi.

Tận kỳ tính là không thụ động và trách than số phận của mình. Trái lại tất cả những gì cao đẹp hay trầm luân trong đời người là do chính con người tự tạo cho mình.

Tận kỳ tính là không ảo vọng hảo huyền. Nhưng tôi phải bắt đầu với vật liệu sẵn có trong cuộc đời tôi. Tôi phải khai thác làm lợi đồng tiền tôi đã nhận hưởng. Để rồi từ đó, tôi có thể tiến tới xa hơn. Trước khi nhen lên một rừng lửa, tôi phải bắt đầu đốt lên một ngọn đèn. Trước khi xây cất một toà nhà, tôi phải khởi công từ một viên gạch.

Với tinh thần thiết thực ấy, không ai tự cho mình là "xấu số", bởi vì mỗi người là kiến trúc sư của đời mình. Thành công hay thất bại nằm trọn trong lòng bàn tay cuộc sống, miễn là chúng ta phải mở mắt để ý thức trách nhiệm ấy, một cách sáng suốt và can đảm.

Khoa học về tính tình sẽ giúp chúng ta ý thức đến trọng trách ấy. Nhưng cái biết ở đây phải đưa đến thực hành: chúng ta phải đảm nhiệm cuộc đời và bản thân. Đảm nhiệm trong phấn đấu và can trường. Đảm nhiệm những khó khăn cũng như những dễ dàng. Đảm nhiệm những cao đẹp cũng như chấp nhận cái xấu xí. Bởi vì, cái bất toàn, cái hổn tạp là điều kiện sống của con người hôm nay. Nhờ vậy, như G. Marcel đã nói, con người phải mang trong mình thân phận khách hành hương, người đi đường. Đi là điều quan trọng. Đi mặc dù bao khó khăn. Đi mặc dù con đường đi nhiều khi bị mây mù che phủ.

Đảm nhiệm như vậy là cố quyết thực hiện mình. Và không ai có thể thay thế tôi, trong công việc này. Thực hiện từ cái nhỏ đến cái lớn. Từ cái dễ đến cái khó. Từ cái tầm thường đến cái trọng đại.

Với nỗ lực kiến dựng bản thân như vậy, đời sống tôi trở thành một mùa màng phong phú. Cho tôi đã đành rồi. Nhưng còn cho nhiều người khác hai bên cạnh tôi. Nói được tôi làm giàu thêm cho nòi giống và nhân loại.

Qua những nhận xét trên đây, một phần nào chúng ta đã giải quyết những mâu thuẫn do vấn đề tính tình nêu ra. Ở đây chúng ta cần tổng hợp và minh định thêm một vài chi tiết quan trọng:

 

Mâu thuẫn I: Tính tình là bẩm sinh hay là kết quả của tập luyện và kinh nghiệm? R. Le Senne đã không ngần ngại trả lời: "Tính tình là toàn thể những năng lực căn bản và bẩm sinh đóng vai trò điều hướng đời sống và hoạt động con người".

Qua định nghĩa ấy, chúng ta nhận thấy:

Tính tình có ba đặc điểm

1. Bẩm sinh: Con người sinh ra đã mang sẵn một số đường nét tính tình căn bản.

2. Bất di bất dịch: Với thời gian và cuộc sống tâm tình con người vẫn giữ nguyên tình trạng lúc ban đầu.

3. Tính tình thuộc về đời sống tâm lý của con người. Nó điều hợp tất cả những phản ứng tâm sinh lý của con người ở đây và bây giờ. Nhờ cách thế chọn lựa ấy, chúng ta có thể phân biệt người này với người kia, loại tính tình này với loại tính tình khác.

Kỳ thực, với tuổi tác, thời gian và kinh nghiệm sống, tính tình của con người không thể nào giữ mãi tình trạng nguyên chất. Không phải là cái vỏ bên ngoài hay là chiếc máy quay vần trong khoảng không. Trái lại, con người và môi trường sống hợp thành một toàn thể, toàn khối, không thể nào phân ly và tách biệt thành hai thực tại biệt lập hoàn toàn.

Nếu tính tôi buồn, không phải tự nhiên tôi buồn. Trái lại nỗi buồn của tôi có một lý do. Tôi buồn để làm một cái gì, như thế trong cuộc đời của chúng ta, tính tình đã trở thành môït ý hướng của con người.

Chính vì vậy, F. Kunkel quan niệm tính tình như một hình thức khuôn định và điều hướng những phản ứng con người đối với môi trường sinh sống chung quanh.

Năng lượng sơ sinh giàu hay nghèo bắt gặp một môi trường khắc nghiệt hoặc dễ dàng... có thể thai sinh nhiều phản ứng khác nhau: thành công hay thất bại. Thụ động hoặc độc tài. Dịu dàng hay là chai đá lì lợm.  

Chính vì những lý do vừa nêu ra, Đại hội quốc tế về tính tình, tại Barcelone năm 1968 đã đề nghị một định nghĩa cởi mở và mềm dẻo hơn:

"Tính tình là một cơ cấu nhằm tổ chức cuộc sống và điều hướng lề lối giao tế với tha nhân. Cơ cấu này có liên hệ mật thiết và sống động với những điều kiện cụ thể của môi trường". Trong ngôn ngữ của triết thuyết hiện sinh, đó là cách thế ở đời của con người. Cách thế này một đàng tuỳ thuộc bản thân con người, đàng kia tuỳ thuộc những điều kiện sinh sống cụ thể của môi trường. Mất một trong hai, chúng ta không thể nào có một lối nhìn khá đầy đủ về bản chất và ý nghĩa của tính tình.

Bởi vì con người đơn độc, biệt lập khỏi thế giới không bao giờ có. Từ lúc sinh đến giờ chết, đối với con người, sống là luôn luôn sống trong vũ trụ, và sống với tha nhân. Tính tình chính là thái độ sống cụ thể và hằng ngày của con người.

 

*****

 

Mâu thuẫn II: Tình tình cố định vĩnh viễn hay là có thể thay đổi trong suốt đời người?

Trong những cách nhìn mới mẻ ngày nay, mâu thuẫn này không còn lý do tồn tại. Tính tình như trên đã nói, là một cơ cấu căn bản, là một mẫu khuôn hành động, hay là cách thế ở đời. Trong từ ngữ của Piaget, là môït lề lối thích nghi của con người đối với môi trường.

Nhưng thích nghi bao gồm hai sắc thái:

- Quá thích nghi bằng một nếp sống cố định và không thể chấp nhận một đời sống khác, trong những điều kiện khác. Đó là tính tình cứng nhắc, cằn cỗi và già nua. Cuộc sống trong những điều kiện ấy trở thành một cái máy tự động. Tính tình đã được giản lược thành tập quán. Thường thường đó là phản ứng của những người bệnh hoạn, đóng khung trong một tư thế tự vệ và qui hướng tất cả về mình.

- Thích nghi một cách mềm dẻo, tuỳ trường hợp và điều kiện sinh sống bên ngoài. Chúng ta thử lấy một ví dụ: Anh A thường đi ngủ lúc 9 giờ. Nhưng đôi khi vì công việc hay là lý do tiếp xúc với bạn bè, giờ đi ngủ có thể chậm trễ hơn. Nhưng anh A không tỏ thái độ bực mình, bất mãn và khó chịu, vì một điểm nhỏ trong chương trình hằng ngày bị quấy phá.

Mềm dẻo là không bao giờ quá khích hay là cực đoan. Đó là dấu hiệu của một tính tình lành mạnh và cởi mở, uyển chuyển và trẻ trung. Như một vũ điệu duyên dáng, như một bản nhạc nhịp nhàng, tính tình mềm dẻo uốn mình theo một đường hướng nhất định, tuân theo một qui luật rõ ràng, nhưng không phải là một nếp sống tự động và máy móc. Mềm dẻo chính là khả năng làm chủ mình và không trở thành nạn nhân của một sức mạnh, điều khiển từ bên ngoài hoặc bên trong.

Nói vậy để chúng ta hiểu rõ: Tính tình bao gồm hai phương diện: hình thức và nội dung, cơ cấu và ý nghĩa. Trên bình diện hình thức và cơ cấu, tính tình của con người dần dần trở thành cố định trong những đường nét chính yếu và căn bản. Nhưng trên bình diện nội dung, tính tình cởi mở và lành mạnh luôn luôn tìm kiếm và mang lại cho đời người những ý nghĩa luôn luôn mới lạ và phong phú.

Nói tóm lại tính tình vừa cố định trong những đường nét căn bản của cuộc sống. Đồng thời tính tình phải uyển chuyển trong ý hướng làm người.

 

*****

 

Mâu thuẫn III: Có hay không sự hoà hợp giữa tính tình và tự do?

Để giải quyết vấn đề này chúng ta nên nhận định cách sáng suốt rằng: con người không bao giờ có tự do hoàn toàn. Như E. Mounier đã nói: tự do của con người luôn luôn là thứ tự do điều kiện. Nói cách khác, để sống và hành động trong tinh thần tự do, con người phải lệ thuộc nhiều điều kiện tâm lý và xã hội. Hẵn rằng những điều kiện ấy, hạn định quyền năng của tự do. Nhưng đàng khác, nhờ các điều kiện ấy, con người mới có thể sống một cuộc đời tự do đích thực.

Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta hãy khảo sát một ví dụ về ngôn ngữ.

Muốn hiểu tha nhân và muốn tha nhân hiểu mình, chúng ta phải sử dụng phương tiện ngôn ngữ. Những ai có dịp tiếp xúc với người ngoại quốc, khi hành trang về ngôn ngữ còn nghèo nàn và không được chuẩn bị, đều cảm thấy rằng: khả năng hành động rất hạn hẹp. Như một người câm và điếc, chúng ta không thể nào thông cảm với người trước mặt chúng ta. Hay là giống như một trẻ em, chúng ta chỉ nương tựa vào những thông dịch viên, để họ giải thích và chỉ bảo chúng ta phải làm gì, phải nói về vấn đề nào.

Nếu chúng ta bắt đầu học ngôn ngữ của người ấy, chúng ta sẽ dần dần tự do và thoải mái hơn. Đến một trinh độ nào đó, chúng ta không cần đệ tam nhân. Hai người lúc bấy giờ sẽ trực tiếp hiểu biết và cảm thông trong tâm tình và tư tưởng của nhau.

Tuy thế, học hay là nói một ngoại ngữ là tuân phục những qui tắc văn phạm, những lề luật đặt câu, có khi rất khó khăn và phiền toái. Nhưng một phen đã am tường và nắm vững những điều kiện ấy, chúng ta sẽ dễ dàng trong tiếp xúc. Nhờ đó chúng ta có thể hành động một cách tự do, như lòng chúng ta ước vọng.

Với ý hướng ấy, tự do có nghĩa là được giải thoát khỏi những ràng buộc tự nhiên, khỏi những bất lực vì thiếu điều kiện. Những ràng buộc ấy vẫn còn đó, nhưng tự do là khả năng làm chủ và sử dụng những ràng buộc ấy trong những đường hướng và ý nghĩa mới.

Giữa tính tình và tự do cũng có những tương quan như vậy. Tính tình không huỷ diệt tự do. Cũng như tự do không hoán đổi tính tình. Trái lại tự do là khả năng làm chủ và sử dụng tính tình của mình đúng với con đường và ý nghĩa mà chúng ta đã chọn lựa.

Đối với P. Ricoeur tính tình là hình thức hay là bộ mặt của tự do. Cơ hồ trong lãnh vực ngôn ngữ, cũng một giọng nói ấy, tôi có thể lừa gạt tha nhân hay là khuyên nhủ, an ủi họ. Với một lối đi ấy, tôi có thể tiến vào một thánh đường để cầu nguyện hay là tìm đến một nơi truỵ lạc và ăn chơi.

Tắt một lời, khả năng chọn lựa là tự do. Nhưng cách thế chọn lựa là tính tình. Người trưởng thành là những ai hiểu biết tính tình của mình và có khả năng sử dụng tính tình ấy để trở thành một con người có tự do và trách nhiệm. Đối với người ấu trĩ, trái lại tính tình trở nên một định mệnh hà khắc và nặng nề. Là một số kiếp con người phải cúi đầu chịu đựng suốt đời.

 

Mâu thuẫn IV: Tính tình là nếp sống riêng biệt của từng cá nhân hay là phổ quát cho một số người?

Nhiều lần chúng ta lầm tưởng: chỉ có độc một mình chúng ta phải chịu đựng tai hoạ ấy. Hay là chỉ mình tôi có đức tính này hay là giá trị kia.

Nhưng càng đi ra với tha nhân, chúng ta càng nhận thấy rõ ràng: Thế giới là thế giới chung thuộc cho mọi người. Vì thế tất cả những giá trị nơi con người tôi, đều là những giá trị chia sẻ. Không một cái gì ở nơi tôi mà không có thể có nơi người khác.

Tuy dù thế, chúng ta sẽ không sai lầm khi khẳng định rằng: không hai người trên thế giới này có thể giống nhau như hai hạt nước, nghĩa là trên tất cả mọi phương diện.

Trong vấn đề tính tình cũng vậy, một đàng tôi chia sẻ tính tình với bao nhiêu người khác. Nếu tôi là con người quá đam mê, tôi cũng biết có người như chị A, anh B, ông C cũng đam mê như tôi. Thế nhưng cách đam mê của tôi không phải là cách đam mê của người khác. Lãnh vực trong đó tôi sống trọn vẹn tính tình đam mê của tôi cũng không phải là lãnh vực nơi người khác. Rốt cục tôi có thể nói như P. Ricoeur: Tính tình tôi chính là tôi, chứ không ai khác.

Để giải quyết mâu thuẫn ấy, chúng ta cần phân biệt hai phương diện, trong mỗi loại tính tình.

- Phương diện I là khuôn thức:

Nếu được xem như một hình thức khuôn định và tiêu hướng nếp sống và hành động con người trong môi trường, tính tình có thể chung thuộc cho một số người, bất phân chủng tộc và màu da.

- Phương diện II là ý nghĩa và nội dung hay là lề lối sử dụng tính tình.

Mỗi người vì tự do và cá tính của mình, có một cách thế riêng biệt khi sử dụng và đảm nhiệm tính tình của mình. Mỗi người, như trên đã nói, có một lề lối khai phá riêng tư, hay là dùng tính tình để mang lại cho đời mình một ý nghĩa và một hướng đi đặc biệt.

Trong trắc nghiệm A. T. 9. Y. Durand đã cảm nghiệm mối tương quan giữa hai khía cạnh. Khuôn thức và ý nghĩa. Đối với tác giả này, tính tình được xem như một ngôn ngữ, đồng dạng và đồng nhất cho một loại người. Nhưng mỗi người có một phương cách sử dụng kho tàng ngôn ngữ ấy, để diễn tả những tâm tình và suy tưởng riêng tư của mình. Muốn vậy, như Y. Durand đã nhận thấy, con người phải có 3 điều kiện:

1) Có khả năng sử dụng và làm chủ tính tình.

2) Có ý muốn khai phá tính tình c?a mình.

3) Có hiểu biết để triển khai tính tình trong những đường hướng lành mạnh tích cực và cởi mở.

Mất một trong ba, con người trở nên ấu trĩ hay là bệnh hoạn.

Tựu trung, tính tình là một cơ cấu tổ chức đời sống hay là một khuôn thức giao tế với vũ trụ và tha nhân.

Một đàng cơ cấu và khuôn thức ấy chung thuộc cho mọi người. Đàng kia trong đời sống cụ thể, hằng ngày tính tình ấy trở nên xương thịt của tôi. Chính là tôi, không ai khác. Tính tình là phương tiện diễn tả và thể hiện toàn thể con người của tôi. Nhờ đó kẻ khác có thể nhận ra tôi và phân biệt con người tôi với những người khác.

 

*****

 

Mâu thuẫn V: Tìm hiểu tính tình là một khoa học hay chỉ là trực giác và nghệ thuật?

Lẽ đương nhiên cả hai đều cần thiết cho một đầu óc có tinh thần và ý nguyện khám phá. Nhiều khi những phương tiện khoa học nhằm kiểm chứng hơn là sáng tạo hoặc kiếm tìm. Nhờ trực giác và kinh nghiệm, chúng ta đã đưa ra một hay nhiều giả thuyết giải thích. Phương tiện khoa học sẽ giúp chúng ta nhận thức: trực giác ấy có đúng hay sai? Giữa hai hoặc nhiều cách thể giải thích, phải chọn lựa cách nào tốt hảo nhất.

Thực chất của vấn đề ở đây là: chúng ta có thể tìm hiểu tính tình một cách khoa học không?

Để giải quyết vấn nạn, chúng ta nên ghi nhận hai tiêu hướng:

- Những khám phá trong khoa học về con người đều mang tính cách tương đối. Con người vừa là Nhân có tự do và sáng kiến. Vừa là vật, nên phải phục tùng những định luật tự nhiên. Thêm vào đó, không khoa học nào có thể xác định minh thị ranh giới giữa vật và Nhân. Hơn nữa trong khi minh định những phản ứng do loại tính tình này hay loại tính tình kia gây ra... chúng ta chỉ quả quyết một cách tương đối với bao nhiêu % đúng với bao nhiêu % sai. Đó là bình diện lý thuyết. Trên thực hành, làm sao có thể phân định anh A, cô B thuộc về trường hợp trung bình hay là ngoại thường ngoại lệ?

Thế nhưng với tinh thần từ tốn và khiêm hạ cũng như với tâm trạng thao thức và mềm dẻo, chúng ta sẽ sử dụng bao nhiêu phương tiện khác. Và cùng với chúng, nhiều người khác sẽ côïng tác và bổ túc lối nhìn của chúng ta. Lúc bấy giờ cái biết của chúng ta sẽ xích lại gần hơn với chân lý.

- Một tiêu hướng thứ II là khoa học và trắc nghiệm chỉ nhằm minh định khía cạnh "khuôn thức và cơ cấu" của tính tình. Khoa học và tính tình hay là những bản trắc nghiệm chỉ trình bày cho chúng ta những đường nét căn bản, những cơ cấu đại loại. Còn ý hướng đích thực và giá trị bản chất của tính tình ấy không thể nào xuất hiện một cách rõ ràng trong bản điều tra hay là trên tờ trắc nghiệm. Nghệ thuật và kinh nghiệm cũng như trực giác nghề nghiệp sẽ bổ túc những thiếu sót ấy.

Với hai nhận xét quan trọng trên đây, chúng ta có thể khẳng định rằng: không những chúng ta có thể tìm hiểu tính tình. Hơn nữa đó là một nhiệm vụ cần thiết và quan trọng. Biết mình và biết người để phát triển bản thân và thăng tiến anh em đồng loại, nhất là trong sứ mệnh giáo dục và kiến dựng hoà bình.

 ***** 

 

 

[1] Nguyn Văn Thành - Tình yêu trong Văn phm ca Mai Tho và Nguyn Th Hoàng - T sách Tình Người s 2 và 3.

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành (Phỏng theo L. Millet Đại học Grenoble, Pháp)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!