.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Phần I : Tính tình, tự do và định mệnh

Phần II : Những đường hướng khám phá tính tình

Phần III : Bản trắc nghiệm tính tình của G. Berger và phương thức bình giải

Sách tham khảo

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Bản câu hỏi về tính tình
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
Phỏng theo L. Millet Đại học Grenoble, Pháp
PHẦN III : BẢN TRẮC NGHIỆM TÍNH TÌNH CỦA G. BERGER VÀ PHƯƠNG THỨC BÌNH GIẢI

 Khám phá để khai phá, đó là mục tiêu của khoa học về tính tình. Vì thế ngày nay nó đi vào trong tất cả mọi địa hạt của cuộc sống con người, đặc biệt trong lãnh vực giáo dục và sư phạm. Đào tạo con em, như A. Le Gall đã bảo, là khai thác đến mức độ tốt hảo, những vốn liếng sẵn có của con người.

Vì vốn liếng tự nhiên ấy, chúng ta mang trong mình những tính tình giàu hoặc nghèo, mạnh hoặc yếu. Nhưng để làm người, ai ai cũng có bổn phận khai phá nguồn lực của mình. Có ít chúng ta sẽ kiến dựng một cách từ tốn, với những phương tiện đơn sơ, ngôi nhà bản thân của ta. Có nhiều, chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn; không những để làm giàu cho chính chúng ta mà thôi. Nhưng sứ mệnh của chúng ta lúc bấy giờ là chia sẻ và phục vụ kẻ khác.

Chính vì lý do ấy, trong ngôn ngữ tâm lý, chúng ta nói đến tính tình giàu hoặc nghèo, mạnh hoặc yếu... Nhưng không bao giờ đưa ra những phê phán giá trị có tính cách luân lý và đạo đức. Biết đâu trong nghèo nàn, còn có lắm thanh cao? Biết đâu trong sung túc, đầy dẫy những đoạ lạc và trác táng.

Tinh thần khai phá ấy đem lại nguồn hy vọng cho con người. Biết đâu giữa biển đời mông lung, như Nguyễn Thị Hoàng đã nói, còn có một hòn đảo nhỏ, dù chơ vơ, dù xa lạ vô cùng... Có lẽ từ hòn đảo nhỏ ấy, chúng ta có thể vun trồng, gầy dựng và sống một cuộc đời hạnh phúc và vui sướng!

Với tiêu hướng ấy, khoa học về tính tình sẽ giúp chúng ta khám phá con người đích thực của chúng ta. Xấu thì cố gắng sửa sai, tốt thì tiếp tục kiện toàn. Yếu, chúng ta sẽ từ tốn trông nhờ sự giúp đỡ ở nơi khác, nơi người khác. Giàu, chúng ta sẽ sống làm sao, để trở thành nơi nương tựa cho người nghèo. Nếu chúng ta mạnh, chúng ta hãy xem chừng, nguyên tắc vô nhân đạo "mạnh được yếu thua" sẽ xâm nhập thấm nhuần tâm tư và cuộc sống! Nếu chúng ta nghèo, ích lợi gì, một thái độ chua cay, hằn hộc, ghen ghét và phản loạn? Với khoa học về tính tình, cái nhìn chúng ta sẽ thoát xác trong chiều hướng chấp nhận và làm chủ con người cũng như cuộc đời hiện thực của chúng ta.

Chấp nhận cái bất định, cái hời hợt, nếu phương thức tính tình của chúng ta là XĐ+âh+hđ, còn gọi là thần kinh. Nhưng chấp nhận như vậy đâu phải để mãi mãi kéo lê cuộc đời trong ươn hèn, hay là đuổi theo những cảm xúc của hiện tại. Có lẽ, với cái nhận thức mới này, chúng ta bắt đầu đưa vào tính tình, một điểm hỏi, một kẻ hở, một đường hướng và ý nghĩa đẹp đẽ hơn. Tôi bất định, nhưng hôm nay tôi biết cái bất định ấy đưa tôi về đâu. Thà rằng tôi biết dừng lại và bắt đầu làm một cái gì... để cuộc đời tôi có một định hướng.

Thêm vào đó, tôi còn biết: ông A ở sát cạnh nhà cũng XĐ+âh+hđ, nên tội nghiệp cho vợ con và cha mẹ. Nhiều người đã đau khổ phiền muộn và chán ngán vì nếp sống tiêu xài và bốc lửa của ông ta. Cô B trái lại cũng XĐ+âh+hđ... nhưng tính tình lại vui tươi. Cô ít khi có nhà, vì ngày ngày bán buôn ở cửa hàng ghi băng âm nhạc. Nhưng lúc về nhà, cô đem theo mặt trời và ánh sáng. Thì ra lắm người cũng như tôi... Nhưng mỗi người có một cách thế sử dụng tính tình của mình. Mỗi người có thể mang lại cho đời mình một ý hướng. Cũng loại vải ấy, chiếc áo người này tạo thêm duyên dáng. Chiếc áo kẻ kia là một dị kỳ không thể tưởng.

Đó là khả năng làm chủ mình. Và đó cũng là bí quyết mang lại hạnh phúc và giải thoát cho con người.

Như chúng ta sẽ thấy sau này, giáo dục lành mạnh và cởi mở là căn cứ trên tính tình để giúp con em làm chủ những kho tàng và nguồn lực tự nhiên của mình.

Nói cách khác, giáo dục không phải là đổ vào những gì chưa có. Nhưng là tạo nên điều kiện và cung ứng môi trường, để con em có thể phát huy và triển khai những đường nét tinh anh của mình.

Không ai hèn yếu, mà không có một sức mạnh đầy đủ để làm người, ngay những kẻ nghèo, yếu nhất trong lãnh vực tính tình là loại người thiểu lực: xđ+âh+hđ.

Không ai là mãnh dũng như hạng người đam mê: XĐ+ÂH+HĐ, mà không thể có những hèn yếu, khuyết điểm trong bản thân mình.

Không ai nghèo mà không có trong chiều sâu của lòng mình, một kho tàng khả dĩ tạo ra đời mình và đời người một mùa màng tốt tươi và phong phú.

Không ai giàu mà có thể khoanh tay và tự hào: Tôi không cần làm một cái gì vì tôi có tất cả.

Tắt một lời, tìm hiểu tính tình là để khiêm cung chấp nhận thực chất của mình. Và đồng thời là để khai phá những nguồn lợi đang còn tiềm ẩn dưới lòng đất của cuộc sống. Chừng nào chúng ta thực hiện được hai công việc ấy, hạnh phúc và thành công đang nằm trọn trong lòng bàn tay của chúng ta.

 

*****

R. Mucchielli và A. Le Gall cũng như các nhà tâm lý giáo dục ngày nay đều dấn thân vào con đường ấy: Tạo cho con em môi trường để thực hiện mình hay là giáo dục với tính tình, cho tính tình và nhờ tính tình. Trong tinh thần này, chúng ta sẽ trở lại khảo sát tám loại tính tình căn bản. Và trong mỗi loại chúng ta sẽ tìm kiếm những đường nét để phát huy và những trở ngại đề đề phòng.

1. Con người đam mê: XĐ-ÂH-HD

Như chúng ta đã thấy, xúc động là khả năng hoà nhịp và giao sinh với tha nhân và vũ trụ bên ngoài. Khả năng ấy đạt cấp độ tối đa, trong loại tính tình này. Một đàng nhờ yếu tố XĐ, con người đam mê rất nhạy cảm. Đàng khác, vì nhạy cảm, nên họ có khuynh hướng phóng đại thực tại.

Do đó, trong thế giới trí năng, con người đam mê có những đặc điểm sau đây:

1) Lý luận nhanh chóng

2) Cái nhìn rộng rãi và bao quát

3) Trí khôn thực tiển

4) Khả năng quan sát

5) Kho tàng hoài niệm rất phong phú và mênh mông.

Đối với công việc họ tỏ ra rất cương nghị và kiến trì. Lắm lần để đạt đích, họ không ngần ngại sử dụng bạo lực, sức mạnh. Vì thế, người bình dân thường bảo họ "sức nô" hoặc "Trâu đánh".

Thế nhưng họ vẫn dễ thương và hoà đồng với kẻ khác. Họ dễ "mủi lòng" và thương mến những người khốn khổ. Đối với người cấp dưới, họ đại độ, thông cảm và sẵn sàng giúp đỡ, miễn là những người này biết nhìn nhận thân phận của họ.

Người đam mê không kiêu sa. Nhưng họ không chịu đựng, bao dung khi kẻ khác xúc phạm và mạ lị họ.

Nói tóm lại, đam mê là một sức mạnh tính tình, một kho tàng khá được trang bị về mặt lượng cũng như về mặt phẩm.

Như R. Le Senne và A. Le Gall đã nhận xét một cách khá rõ ràng và đầy đủ, sức mạnh đam mê sẽ rẽ vào trong hai chiều hướng quan trọng, tuỳ thuộc yếu tố XĐ được tăng cường hoặc hướng dẫn do yếu tố HĐ hoặc ÂH.

* XĐ và ÂH dẫn hàng đầu trong tính tình đam mê điềm đạm, suy nghĩ.

** XĐ + HĐ dẫn hàng đầu trong tính tình đam mê bốc đồng hiếu động và rộn rịp. Cứng đầu, bất chấp và kiêu hãnh là những trở ngại lớn lao, chúng ta có thể gặp với loại người này.

Tất cả những nỗ lực giáo dục của chúng ta đối với hạng người này là canh phòng yếu tố hậu tính hẹp hòi, cứng nhắc và thống trị. Lý do sâu xa, như chúng ta đã trình bày, đam mê là con người sống cho biến cố và môi trường chung quanh. Những dấu vết đã để lại, sẽ hằn sâu trong tâm tư và cuộc sống.

Làm sao để họ có một nếp sống xác tính, vững lập trường, nhưng không độc chiều, thiên kiến và hận thù.

Làm sao để họ đừng ỷ lại vào sức mạnh một cách quá khích. Cương của tính tình phải mặc chiếc áo nhu của quả tim.

Nói tóm lại, cởi mở, rộng rãi và từ ái sẽ mang lại thế quân bình cho một sức mạnh có khuynh hướng cực đoan.

Trong lãnh vực giáo dục, uy quyền thuần đơn không đem lại một kết quả khả quan nào. Trái lại uy quyền sắt đá gặp một sức mạnh kiên trì, chỉ phát hoả cách tai hại. Một hơi ấm của giọng nói và tấm lòng cũng như một bầu khí vui tươi, hiền hoà... nói cách chung khuôn mặt của người mẹ là phương tiện quí hoá và hữu hiệu nhất để đào tạo con người đam mê.

Cương gặp cương sẽ tạo nên một thế giới chai lì, lạnh lẽo hoặc hoả ngục.

Cương gặp nhu sẽ mang lại cho thế giới một vẽ đẹp oai hùng, một sức mạnh mềm dẻo và mỹ thuật: một thiên đàng ở trần thế này.

 

2. Con người phẩn nộ và nóng nảy: XĐ-HĐ-âh

Bớt đi một âm hưởng hậu tính, con người phẩn nộ thiếu hẵn một chiều sâu: suy tính chín muồi và bền gan trong công việc.

Do đó, nóng nảy nhưng nhiệt lực mau tiêu tan. Hoạt động hăng say nhưng bốc đồng và bỏ dở bao nhiêu dự định. Rộng rãi, đại lượng nhưng tiêu xài và phung phí. Hoàn toàn đắm mình trong hiện tại, họ không thể nào chuẩn bị cho tương lai, và đồng thời cũng không có khả năng lội ngược dòng để trở về quá khứ. Tắt một lời, họ có Hứng nhưng không có Hướng.

Tất cả nỗ lực giáo dục và tự luyện là mang lại hay là tìm kiếm một chiều sâu: chiều sâu trong tư tưởng cũng như chiều sâu trong hành động và cảm tình. Làm sao để người phẩn nộ hiểu biết trong xương thịt của mình: cuộc sống không phải là một trận gió lốc. Xây dựng từ tầm thường và nhỏ bé; trước khi hái quả phải gieo trồng và vun tưới... đó là định luật của thế giới con người.

Thả lỏng, buông xuôi, khi đào tạo tính tình này, chỉ đúc khuôn một loại người phóng đảng.

Quá chèn ép và giam hãm trong bốn bức tường kỷ luật, chúng ta sẽ sản xuất một hạng người dồn nén, bệnh hoạn và tắt nghẽn.

Cái tốt hảo là kiểm soát và hướng dẫn, theo từng cấp độ tuần tự: kiểm soát ban đầu nhưng nới lỏng dần để con người phẩn nộ đừng trở nên lệ thuộc và ấu trĩ. 

Làm sao để họ hiểu: tự do không phải là phóng túng, nhưng là thực hiện mình trong những đường hướng vững vàng đã được chọn lựa trong sáng suốt và can đảm.

Macht und Milde, cương và nhu, tuỳ lúc, tuỳ cấp độ... đó là bí quyết giáo dục, đối với một ngọn lửa bốc cao nhưng rồi chóng tàn tạ.

 

3. Con người đa cảm: XĐ-hđ-ÂH

Như một thác lũ cuồn cuộn, nhưng bị câu thúc, dồn ép không thể lưu nhuận dễ dàng... đó là hình ảnh khá trung thực của con người đa cảm.

Họ nhạy cảm đến tuyệt độ nhưng nung nấu trong suy tư và chịu đựng. Thêm vào đó, họ thiếu phương tiện để phát biểu hoặc diễn tả mình. Cũng vì vậy họ là con người Phóng Đại hơn ai hết. Nhưng chỉ phóng đại cho mình, để một mình đau khổ, để một mình rung động. Đến một đôï nào, nước vỡ bờ, họ mất tất cả quyền năng làm chủ "Mót củi ba năm, thiêu trong một giờ" chính là thái độ của người đa cảm.

Yếu tố phát sinh tình trạng giằng co thường xuyên chiếm đoạt tâm tư của họ là sự mâu thuẫn giữa khuynh hướng qui nội do ÂH gây ra, và tính cách nhạy cảm trước những kích thích và biến chuyển bên ngoài. Khởi điểm là vũ trụ và tha nhân, tận điểm là cõi lòng đơn côi của họ. Đề tài để nghiền ngẫm và suy tư là do bên ngoài mang đến. Nhưng vì Âm hưởng quá lớn và thiếu khả năng hoạt động, con người đa cảm không tìm được một lối thoát dễ dàng cho những uất ức sôi trào và xâu xé.

Giáo dục ở đây trước tiên là hiểu biết thông cảm. Khai phá cho họ một bức thành quá kiên cố và nặng nhọc. Giúp họ bước một bước, để đi tới với tha nhân. Bầu khí tin tưởng, một cõi lòng ấm cúng sẽ giúp họ giải thoát chính mình, và hàn gắn vết thương lòng luôn luôn rướm máu. Giải thoát nói được là phương thức giáo dục tốt hảo nhất cho loại người đa cảm:

- Giải thoát vũ trụ riêng tư của họ, bằng cách mở ra những cánh cửa tin tưởng và đối thoại.

- Giải thoát tình trạng bất động và thiếu quyết định của họ. Làm sao cho họ có thể nói và có thể làm, để thực hiện mình trong chiều hướng cởi mở và hành động.

Tắt một lời, cởi mở trong tất cả ý nghĩa của ngôn ngữ, là phương thức giáo dục đầu tiên và cuối cùng cho những hạng người đa cảm. Bằng phương thức phản ảnh, hồi tố… giúp họ ý thức đến mình.

 

4. Con người "thần kinh": XĐ+hđ+âh

"Trở trời" thường xuyên là lối nói bình dân, gói ghém trọn vẹn những tin tức cần thiết về con người thần kinh, còn được gọi là bất định, bất cố.

Nếp sống loại người này đầy dẫy nhiều mâu thuẫn:

- Mâu thuẫn trong cảm tình: cười đó, khóc đó. Vui đó, buồn đó. Nói được, họ "đóng kịch" một cách dễ dàng và thành thực.

- Mâu thuẫn trong lời nói: giữa tưởng tượng và thực tại bên ngoài, hình như họ không bao giờ thiết định ranh giới rõ ràng. Vì thế họ nói dối một cách rất thành thực và tự nhiên, hơn là vì hèn nhát và lường gạt.

Tắt một lời, xúc động theo những mời gọi của khoảnh khắc trở thành một đòi hỏi thúc bách trong đời sống. Thêm vào đó, không có một đối lực kháng chế lại những biến chuyển bất thường. Cuối cùng họ là chiếc lá vàng bay tung toé trong muôn phương, không bao giờ ở lâu trong một nghề nghiệp và dự định. Họ sẽ không bao giờ bén rễ ở một nơi nào, trên tất cả mọi bình diện.

Đối với hạng người này, công việc trước tiên phải làm là chấp nhận tính tình hay thay đổi. Tìm cho họ những nếp sống, những nghề nghiệp đòi hỏi nhiều di chuyển, nhiều tiếp xúc, nhưng ít suy nghĩ. Yêu sách của họ là mới lạ hằng ngày, là biến đổi không bao giờ dừng chân. Thường thường hạng người này rất xuất sắc trong các đoàn văn nghệ, trong các gánh cải lương, trong các ngành "chơi xiếc", khéo tay và nhanh chân.

Đối với con em, giáo dục chính là hiểu biết và thứ tha, nhất là không phê phán xấu tốt. Ở đây càng khắt khe, chúng ta càng gây tai hại hơn là giúp đỡ. Và càng la rầy bao nhiêu về một tính xấu, con em càng trầm luân trong tính xấu ấy, vì lý do "tự kỹ ám thị".

Đào tạo những con em loại này là tạo cho chúng nó biển rộng và trời cao. Trong khoảng không của cánh đồng bao la bát ngát, tâm hồn chúng nó sẽ thảnh thơi và triển nở. Đời sống thành thị, trái lại, với bao nhiều kích thích và khuôn thước chật hẹp, chỉ tạo thêm tình trạng bất cố của tính tình.

"Rộng rãi" trong mọi chiều kích, trên mọi bình diện, là môi trường giáo dục cần thiết cho loại người thần kinh. Trong tấm gương "rộng rãi" ấy, họ sẽ nhìn thấy hình ảnh và thực chất của mình, để rồi một bầu trời cao cả sẽ phản ảnh lại trong tâm tư và cuộc đời nhạy cảm của họ. Chừng ấy, một thành công lớn lao nhất sẽ là hoa quả chín muồi cho một mùa gieo vãi gian nan và khổ nhọc.

 

5. Con người điểm đạm: xđ+HĐ+ÂH

Từ xúc động XĐ đến thiểu cảm xđ, chúng ta đã từ giã một chân trời để đi qua một chân trời hoàn toàn khác lạ. Ở đây chúng ta sống trong cảnh vực thanh bình, ít sóng gió.

Lẽ tất nhiên, chúng ta sẽ mất đi một động lực cho cuộc sống. Nhưng đồng thời chúng ta cũng gặt hái bao nhiêu lợi điểm: lợi điểm lớn lao nhất là không còn tình trạng mù quáng, do đời sống tình cảm gây nên.

Chính vì lý do ấy, con người điềm đạm luôn luôn suy nghĩ  chín muồi. Làm việc có phương pháp và kế hoạch nhất định. Yếu tố ÂH tạo cho họ một chiều sâu. Vì thế họ vững vàng chắc chắn, trong lập trường suy tư cũng như trong quyết định về đời sống tiếp xúc và công việc.

Họ có thể trở thành hẹp hòi, nguyên tắc và tự mãn. Bởi vì vũ trụ bên ngoài không làm họ băn khoăn và xao xuyến.

Sở dĩ  họ hành động, và do đó họ bị ép buộc phải đi ra tiếp xúc... là vì họ nhận thấy trong suy tư, đó là điều cần thiết và quan trọng cho đời sống.

Người xúc động XĐ, hoạt động vì những lý do bên ngoài thúc đẩy. Người điềm đạm trái lại, hoạt động vì đó là một quyết định sáng suốt, chín muồi.

Một ví dụ sẽ soi tỏ vấn đề: Người xúc động yêu thích thiên nhiên và cảnh vật, bởi vì đó là một kho tàng để rung cảm. Vì vậy, mỗi ngày họ đi ra, bách bộ, nhìn ngắm cảnh vật, để thưởng thức và sung sướng. Người điềm đạm trong chương trình hằng ngày dành một vài tiếng đồng hồ để dạo chơi hóng mát. Không phải để hưởng cảm hay là tìm nguồn hứng. Nhưng vì đi chân hai tiếng đồng hồ mỗi ngày là cần thiết cho sức khoẻ.

Tắt một lời, người điềm đạm có Hướng. Và hướng đó là do một quyết định và suy tư thiết lập. Họ không có Hứng và họ không cần Hứng, để sống và để hoạt động.

Cũng vì đó trong địa hạt tâm tình, họ lạnh lùng sắt đá. Thế giới họ là thế giới kim loại. Có thể họ rất đại lượng, nhưng không phải vì họ "mủi lòng". Trái lại, vì họ làm theo một nguyên tắc luân lý. Nói cách khác, họ là con người sống theo lý, hơn là nặng về tình.

Ba trở ngại lớn lao nhất chúng ta nên canh phòng trong lãnh vực giáo dục là thái độ cố chấp và thiển cận của con người điềm đạm, cũng như nếp sống vô tâm, vô tình của họ.

Đại độ và từ tâm là những gì chúng ta phải gieo vãi và vun trồng trong cuọc đời của con em loại này. Để thâu đạt kết quả ấy, những phương tiện mạnh, những lề lối đọc tài chỉ mang lại một phản ứng chống đối, chối từ hoặc khép kín. Trái lại, để thực hiện hoặc hun đúc một cái gì; chúng ta hãy kêu mời chúng nó cộng táctham gia với chúng ta. Những gì chúng ta làm cần được giải thích, để chúng nó hiểu rõ tầm mức của công việc cũng như của lời dạy bảo. Thêm vào đó, dùng khả năng hoạt động, làm điểm tựa quí hoá, chúng ta sẽ dần dần mở rộng cửa lòng của chúng nó; thúc giục chúng nó đi ra, hoà mình với kẻ khác và sống cho kẻ khác.

Tắt một lời, vì tính tình điềm đạm, những trẻ em loại này sẽ trưởng thành trước tuổi. Chúng ta sẽ dễ dàng thâu lượm nhiều kết quả, nếu chúng ta biết đối xử với chúng nó NHƯ NGƯỜI LỚN.

 

6. Con người đa huyết: xđ-HĐ-âh

Trong loại tính tình này, HĐ đứng hàng đầu. Thêm vào đó, họ là con người cấp tính và thức thời, hoàn toàn sống trong hiện tại và cho hiện tại. Vì thế người ta gọi hạng người này là xu thời. Thay vì danh từ đa huyết, như các tâm lý gia thường dùng, A. Le Gall đặt tên cho họ là "con người thực tế".

Vì lạc quan, thức thời và óc thực tế, họ có khả năng thích ứng mọi hoàn cảnh cho dù khó khăn và phiền toái đến độ nào. Do đó trong đời sống xã hội, họ là hạng người xã giao, lịch thiệp, sống hợp thời trang và mê thích được tán tụng. Sở dĩ họ đi ra và hướng ngoại như vậy, không phải vì họ khát khao hơi ấm và sắc màu như loại người thần kinh XĐ-hđ-âh. Hướng ngoại nơi con người thực tế là để lèo lái kẻ khác và trục lợi một cách lạnh lùng.

Trọng tâm của nỗ lực giáo dục đối với loại người này, là tiêm nhiễm vào đời sống họ, một chiều sâu và một ý hướng vị tha. Sống đích thực không phải là những hào nhoáng bên ngoài, những thành công nhất thời trong xã hội. Bên cạnh cái Mỹ còn có cái Thiện và cái Chân. Giá trị đích thực của con người không phải là ngôn từ, hình thức... nhưng là thực chất của tình thương... là cho, chứ không phải chỉ nhận. Là dâng hiến và phục vụ, chứ không phải tan loãng chập chờn như loài bướm ong, và sống một cuộc đời ấu trĩ và nông cạn.    

 

7. Con người lãnh đạm: xđ-hđ-ÂH

Thờ ơ với cuộc sống, tách biệt mình khỏi tha nhân và ôm ghì một số tập quán cằn khô, là ba đặc điểm nổi bật nhất của con người lãnh đạm.

Không nói, không làm, không bay nhảy chạy chơi, loại người này nép mình trong ươn hèn và bất động. Một cuộc sống yên phận và thanh bình là tất cả những gì họ kiếm tìm và khát khao với trọn con tim và đầu óc nhỏ bé của họ.

Nhưng đó đâu phải là nghèo nàn? Cái trầm tĩnh vô vị, cái nụ cười thanh thản phải chăng là niết bàn đã khởi sự, trong bể khổ trầm luân này?

 

8. Con người thiểu lực: xđ-hđ-âh

Cái khác biệt giữa loại người này và loại người lãnh đạm trên đây là khả năng đón nhận và hoà mình. Nói được họ có thể đi vào mọi khuôn khổ, họ có thể sống với mọi người. Ai ai cũng có thể ảnh hưởng và tác động trên họ.

Biếng nhác là đường nét nổi bật thứ hai trong tính tình thiểu lực. Giáo dục là làm thế nào để kéo họ ra khỏi tình trạng bất động. Muốn vậy, A. Le Gall khuyên bảo chúng ta hãy thực thi hai điều kiện:

1)    Tập cho trẻ em thiểu lực ý thức và phê bình chính bản thân của mình.

2)    Bắt đầu bằng những trò chơi và công tác tập thể.

Nhờ hai phương pháp ấy, dần dần với kiên nhẫn và thứ tha, chúng ta sẽ phát huy những động lực cần thiết. Vấn đề không phải là chế tạo ra một cái gì không có. Nhưng là đề cao, khai thác những gì đang có trong con người thiểu lực. Đó là khả năng đón nhận và hoà nhịp với bên ngoài, như chúng ta đã trình bày và nhấn mạnh.

 

*****

Qua tất cả những nhận xét trên đây, lẽ tất nhiên, tôi không thể nào trình bày tất cả. Trái lại tôi chỉ cố gắng đưa ra những đường nét khám phá và sơ phác. Ước nguyện thô thiển của tôi là với căn bản ấy, nhà giáo dục, bậc cha mẹ, những người có sự mệnh phục vụ con em hay là những ai muốn biết mình, có thể quan sát đời sống cụ thể và hằng ngày. Lúc bấy giờ hiểu biết của chúng ta không còn lý thuyết thuần đơn hay là sách vở khô cằn. Nhưng biết chính là sự sống sôi trào trong huyết mạch và quả tim. Mong mọi người thâu gặt những hoa quả ấy.

Viết vào năm 1971

Xem lại năm 2005

NGUYỄN VĂN THÀNH

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành (Phỏng theo L. Millet Đại học Grenoble, Pháp)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!