.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Chương 2. Lịch sử Giáo Xứ Việt Nam Paris

Chương 3. Hiện tại ở Giáo Xứ Việt Nam Paris

Chương 4. Cách làm việc ở Giáo Xứ Việt Nam Paris

Chương 5. Công việc của Ban Giám Đốc giáo xứ

Chương 6. Sứ mệnh của Hội Đồng Mục Vụ

Chương 7. Những liên hệ của Giáo Xứ Việt Nam Paris

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Giáo Xứ Việt Nam Paris 60 Năm Hiện Hữu
Tác giả: Gs. Trần Văn Cảnh
CHƯƠNG 6. SỨ MỆNH CỦA HỘI ĐỒNG MỤC VỤ

 Từ khi được thành lập vào năm 1947 cho đến năm 1983, với những biến chuyển thăng trầm, Giáo xứ Việt nam Paris là một thực thể tôn giáo việt nam ở Paris. Trong suốt thời gian hiện hữu trên 40 năm ấy, Giáo xứ luôn luôn có một Ban Giám Đốc (BGÐ), đại diện giáo quyền để giúp đỡ giáo dân về mặt tinh thần và tôn giáo. Tất cả mọi hoạt động đều do khả năng và nhiệt tình của Ban Giám Đốc, với sự cộng tác riêng rẽ của một số giáo dân, hay của một vài hội đoàn, chứ chưa hề bao giờ được thống nhất và điều hợp theo một qui chế hoặc một tổ chức chung. Nhu cầu cần có một Hội Đồng Mục Vụ (HÐMV), do đó, là một điều cần thiết. Nhưng hoàn cảnh đặc biệt của Ba-lê, vì là trung tâm văn hóa, tôn giáo và chính trị quan trọng, vì có nhiều khuynh hướng đối chọi nhau, việc tạo lập một Hội Đồng Mục Vụ vẫn chỉ là một ước mơ. Đã có nhiều lần, những Ban Giám Đốc tiên nhiệm đã toan tính lập Hội Đồng Mục Vụ bao gồm linh mục và giáo dân, nhưng chưa lần nào, những toan tính tốt đẹp ấy đã được thể hiện kết quả, bởi có quánhiềukhó khăn.

Nhưng những khó khăn này, nhờ ơn Chúa và với sự chuẩn bị cũng như đóng góp một cách tích cực và có phương pháp của Ban Giám Đốc cũng như của Cộng Đoàn, Cộng Đoàn công giáo việt nam Paris đã khắc phục được, và kể từ ngày 30.10.1983, một Hội Đồng Mục Vụ, một Ban Thường Vụ (BTV) của Hội Đồng Mục Vụ và một Ban Cố Vấn (BCV) đã chính thức được các đại diện các đơn Vị Mục Vụ (ÐVMV) gồm đại diện của các Hội Đoàn Mục Vụ và đại diện của các Địa Điểm Mục Vụ thành lập. Rồi ngày 11/12/1983, giáo quyền địa phương, là Tòa Tổng Giám Mục Ba-Lê đã chính thức công nhận Hội Đồng Mục Vụ, Ban Thường Vụ và Ban Cố Vấn, qua sự hiện diện và chúc lành của Đức Cha Michel COLONI, phụ tá tổng giám mục Ba-lê, đặc trách Ngoại Kiều Vụ.

Sứ mệnh của Hội Đồng Mục Vụ được nội quy xác định một cách vắn tắt rằng : ‘Hội Đồng Mục Vụ là một cơ quan gồm những giáo dân được tuyển chọn để tích cực cộng tác với Ban Giám Đốc Giáo Xứ trong việc xây dựng cộng đoàn về các pham vi : tôn giáo, văn hoá, xã hội, tài chính’. 


Tổ chức được HĐMV là kết tinh của nhiều cố gắng và thiện chí. Những cố gắng ấy đã trải qua ba chặng đường, cũng là ba giai đoạn trong quá trình của HĐMV : giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn phôi thai và giai đoạn sinh hoạt chính thức đầu tiên.


11. GIAI ĐOAN CHUẨN BI

Việc chuẩn bị có thể là chuẩn bị xa, có thể là chuẩn bị gần. Chuẩn bị xa thì chắc chắn là HĐMV hôm nay đã được chuẩn bị từ ngày cộng đoàn Việt Nam được thành lập tại Ba lê, do những việc mà cộng đoàn và các Ban Giám Đốc (BGĐ) tiền nhiệm đã thực hiện. Chuẩn bị gần thì chắc chắn là từ ngày cha Mai Đức Vinh được bổ nhiệm làm gíám đốc giáo xứ năm 1980 và do những hoạt động của BGĐ vào lúc đó, trong đó, sinh hoạt của các nhóm công giáo tiến hành đóng một vai trò không nhỏ.

Các BGĐ tiền nhiệm chẳng những đã góp phần chuẩn bị thành lập, mà một số hiện còn cộng tác với BTV của HĐMV hiện nay. Tôi có ý nói đến cha Trần Thanh Giản, một trong những khuôn mặt của các cha cựu giám đốc. Trong những năm 80, ngài vẫn hàng tháng đi họp với BTV của HÐMV mới thành lập, với tính cách là cố vấn và vẫn thường xuyên tích cực góp sức vào nhiều hoạt động khác. Cha Toán cũng vậy. Còn nói đến việc chuẩn bị thì công lao của các BGĐ tiên nhiệm là việc không thể chối cãi. Không kể việc duy trì và phát triển Đoàn Sinh Viên Công Giáo, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Hội Đạo Binh Đức Mẹ,.. ., một vài vị giám đốc tiên nhiệm đã rõ rệt muốn lập HĐMV. Năm 1977, cha Trương Đình Hoè đã triệu tập một phiên họp Trí Thức Công Giáo để bàn về vấn đề này. Trước đó, cha Toán và sau đó, cha Hoàng cũng đã có những ý định tương tự.

Nhưng cha Vinh mới thực là người đã trực tiếp chuẩn bị thiết lập HĐMV. Nếu trí nhớ tôi có thể tin được thì vào những năm 1979, 1980, cha Vinh đã nói truyện với tôi về vấn đề này. Lúc vừa nhận trách nhiệm giám đốc, hai vấn đề mà cha Vinh đã thông cảm với tôi và chắc chắn với nhiều người khác nữa, là làm sao để cho cộng đoàn được có tổ chức hơn, nói khác đi, làm sao thiết lập được HĐMV và làm sao tạo cho cộng đoàn một cơ sở thích hợp hơn. Tôi nhớ, lúc đó chúng tôi đàm đạo nhiều về những căn bản thần học, pháp lý, pháp lý đời cũng như pháp lý đạo, của HĐMV. Có lẽ có hai lý do khiến chúng tôi đề cập nhiều về vấn đề này. Thứ nhất vì đó là một vấn đề rất được cha Vinh lưu ý. Một trong hai luận án tiến sĩ mà cha đã đệ trình tại Roma là luận án ‘Thần học mục vụ’. Luận án này đề cập đến ‘Ban hành giáo tại các họ đạo ở Việt Nam’. Lý do thứ hai vì đó là đề tài thời sự công giáo cho những năm 79, 80. Tôi nhớ lúc đó đã đọc một số tài liệu của Đức Thánh Cha về vấn đề HĐMV này.

Ngoài sự đóng góp của các ban giám đốc tiên nhiệm, sự góp phần của các Hội Đoàn Công Giáo Tiến Hành vào việc thành lập Hội Ðồng mục vụ cũng thật là quan trọng. Cái khéo của cha Vinh là ở chỗ đó. Ý thì đến từ cha, nhưng cha làm thế nào để ý đó được ý thức và được phát biểu nơi giáo dân. Sau nhiều xáo trộn và ồn ào, với những dư luận mà nhiều kẻ xấu miệng đã tung ra, không mấy hấp dẫn cho Giáo Xứ, nhiều địa điểm mục vụ lúc đó đã cảm thấy nhu cầu cần có một tổ chức để bảo tồn giáo xứ, để cộng tác với các cha. Sau một thời gian làm việc riêng rẽ, nhiều hội đoàn công giáo tiến hành đã cảm thấy nhu cầu cần có một cơ cấu để thống nhất các hoạt động. Những hội đoàn mà tôi đã từng tham dự, như nhóm Cầu Nguyện, nhóm Emmau, nhóm Ca đoàn, nhóm Thần Học Giáo Dân,...tất cả đều ý thức đến những nhu cầu mà tôi vừa nêu trên : nhu cầu sinh tồn, nhu cầu có tổ chức, nhu cầu thống nhất, nhu cầu cộng tác,..Một khi nhu cầu đã được ý thức, việc thực hiện trở thành dễ dàng.
 

12. GIAI ĐOAN PHÔI THAI

Sau thời gian chuẩn bị, một loạt các hoạt động phôi thai đã được thực hiện. Tôi muốn nói đến việc thành lập và phát triển các hội đoàn, việc lập bản nội quy và việc bầu Ban Thường Vụ. Tất cả những hoạt động này đều được thực hiện trong một giai đoạn mà tôi mạn phép đặt tên là giai đoạn phôi thai của HĐMV.

Có nhiều ý kiến về HĐMV, nhưng ý kiến hay hơn cả có lẽ là ý kiến, theo đó, HĐMV phải được tạo thành do các cán bộ công giáo tiến hành, và đặc biệt là các cán bộ đang tại chức, đang làm việc. Đơn vị mục vụ gồm các địa điểm mục vụ và các hội đoàn mục vụ. Thực ra thì trong thời gian này, từ khoảng 1981 đến 1983, Cộng Đoàn Công Giáo Balê đã không lập thêm được một địa điểm mục vụ nào mới, mà chỉ lập được một số hội đoàn mục vụ mới. Nhưng ngay cả với những đơn vị đã hiện hữu, làm thế nào để mỗi đơn vị đều có được một ban đại diện không phải là một việc dễ. Lập được một ban đại diện, nhưng chính thức hoá và làm sao cho ban đại diện ấy được công nhận cũng là một việc không dễ khác, cần phải được thực hiện.

Từ việc thành lập đại diện của các đơn vị mục vụ sang việc lập HĐMV, đó không phải là việc đương nhiên ! Vì còn hai trở ngại lớn, trở ngại tâm lý và trở ngại pháp lý. Trở ngại tâm lý, tôi có ý nói đến việc hiểu biết nhau, việc làm việc chung với nhau. Hội đồng là nơi mà các đại diện làm việc chung với nhau. Làm thế nào họ có thể làm việc chung, nếu họ không biết có những ai. Do đó, việc đầu tiên phải làm là tạo dịp để các đại diện gặp gỡ và thông cảm nhau, nếu không nói là nhận diện nhau. Dĩ nhiên, lễ chủ nhật là dịp để họ nhận diện nhau, một vài hoạt động đặc biệt, như hai ngày thân hữu, cũng là dịp khác để họ làm việc chung với nhau. Những việc này đã được lưu ý. Nhưng, tổ chức một vài buổi họp để họ ngồi chung lại với nhau, cũng là một việc khác phải làm. Đó là lý do đã có những buổi họp rộng lớn vào năm 1983, đặc biệt là buổi họp đầu tiên, sôi nổi, hào hứng, vào ngày 27/02/1983.

Khó khăn thứ hai là khó khăn pháp lý, hay đúng hơn, có tính cách pháp lý. Dùng từ pháp lý thì hơi to. Vì đơn giản, nó là một bản văn qui định mục tiêu, thành phần, tổ chức, sinh hoạt của HĐMV, mà chúng ta có thể gọi là nội quy đơn giản. Đây là việc căn bản của bất cứ một tổ chức nào, huống hồ là của một tổ chức to lớn và phức tạp như giáo xứ Việt Nam Paris. Hai buổi đại hội đã được triệu tập, dành riêng cho việc này, đặc biệt là đại hội ngày 10/04/1983.

Có thể nói được rằng bản nội quy hiện nay là cô đọng ý kiến của tất cả các đại diện của tất cả các đơn vị mục vụ. Tôi nhớ, hồi đó, cha Vinh và tôi đã làm việc nhiều cho bản nội quy này. Chúng tôi đã phải viết đi viết lại đến ba lần. Lần thứ nhất, xong vào ngày 27/02/1983, sau khi đã cân nhắc từng chữ, từng câu, từng khoản, và đã so sánh với các bản nội quy khác của các ban hành giáo ở Việt Nam. Đại hội ngày 27/03/1983 đã sửa một số điều. Chúng tôi đã ngồi lại với nhau hai ngày để viết một bản mới, sửa theo những tiêu chuẩn mà đại hội đã đề ra. Bản thứ hai này đã được đại hội ngày 10/04/1983 nghiên cứu rất kỹ lưỡng : một số câu và chữ đã được sửa lại nữa. Chúng tôi lại phải ngồi lại viết bản thứ ba, để đệ trình vào đại hội ngày 30/10/1983. Lần này, đại hội đã chấp nhận toàn thể bản nội quy. Đó là bản nội quy đang được áp dụng hiện nay, với một vài tu chính do các đại hội ngày 23/06/1985, 13/12/1992, 12/10/1997 và 09/12/2001.

Còn một cơ quan quan trọng của HĐMV chưa được thành lập, đó là Ban Thường Vụ của HĐMV. Các thành viên của HĐMV là các đại diện của các đơn vị mục vụ, đẵ có đó. Nhưng các đại diện đông đảo quá, và mỗi lần tổ chức một phiên họp, thật là khó. Vả nữa, ai sẽ là người giải quyết các vấn đề thường ngày ? Đó là vấn đề quan trọng phải được thực hiện. Qua một ngày đại hội rất sôi nổi, ngày 30/10/1983, một Ban Thường Vụ tiên khởi đã được bầu ra. Yếu tố cuối cùng, nhưng quan trọng nhất, đã được hoàn tất. Từ đây, cụ thể mà nói, ta có thể bảo HĐMV đã được thành lập.


13. GIAI ĐOAN SINH HOẠT CHÍNH THỨC ĐẦU TIÊN 1983-1985

Tổ chức của cộng đoàn Giáo Xứ Việt Nam Paris là một tổ chức công giáo, trong dó, yếu tố pháp lý dân cử là quan trọng, nhưng không phải là quyết định. Sự quyết định đòi phải có sự hiệp thông của giáo hội địa phương, mà giám mục là đại diện chính thức. Báo Dân Chúa, số tháng 12/1985 có đăng bài của cha Phan tấn Thành, nói rõ về điều này như sau : « Tiếng hiệp thông nhấn mạnh đến các yếu tố nội tại tạo nên Giáo Hội. Các phần tử giáo hội đã được gắn bó với nhau, không phải bằng các cơ chế luật lệ bề ngoài, nhưng bằng các sợi dây liên kết bên trong. Tất cả các phần tử gắn bó với nhau vì cùng chia sẻ một gia sản chung, một sức sống chung, một vận mạng chung,..Sự hiệp thông trong cộng đồng dịa phương đòi hỏi sự hiệp thông với giám mục ».

Tôi vừa dùng chữ ‘cụ thể mà nóĩ’, chứ không dám dùng chữ ‘chính thức mà nóĩ‘, vì BTV cũng như HĐMV chưa chính thức được giáo quyền địa phương công nhận. Phải đợi tới ngày 11/12/1983, khi đức cha Michel COLONI, giám mục phụ tá Paris, thay mặt đức hồng y J.M. LUSTIGER, đến giáo xứ, chủ lễ ra mắt của BTV, cũng như của HĐMV, ngày đó HĐMV mới chính thức được thành lập. Và từ đó, ta có thể nói rằng HĐMV đã bước vào giai đoạn thứ ba, giai đoạn sinh hoạt chính thức đàu tiên.

Từ ngày chính thức được công nhận, HĐMV tiên khởi đã làm được gì trong hai năm 1983-1985 ?

Trong bản phúc trình cho đại hội ngày 23/06/1985, đăng trong báo Giáo Xứ số 16, ông chủ tịch BTV-HĐMV đã trả lời vấn đề này. Phần tôi, tôi gợi lại vài yếu tố góp phần trả lời, cũng đã được đăng trong Báo Giáo Xứ số 11, ngày 01/12/1985, và sửa lại đôi chút như sau :

Sau hai năm sinh hoạt, HĐMV đã làm được gì ? Để trả lời câu hỏi này, người hời hợt và phiến diện sẽ nông nổi nói ngay rằng ‘Chưa được gì cả, chưa xây được nhà thờ, chưa gây được quỹ ‘. Trả lời như vậy tức là chối bỏ cái quỹ xây nhà thờ là to lớn, cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, cần có kế hoạch, cần hiểu biết về pháp luật và giáo luật đến chi tiết, cần quản trị nghiêm chỉnh. Một gia đình, nhất là một gia đình trẻ, tay trắng, muốn mua một căn nhà, và mua chịu, cũng còn cần phải làm một kế hoạch tiết kiệm năm năm. Huống hồ việc gây quỹ cho một cộng đoàn, một quỹ to, đủ để xây một nhà thờ, có phải một sớm một chiều, một năm một tháng mà làm được đâu.

Người khác lại trả lời rằng : ‘Được nhiều việc lắm : ra được báo, xây được sân xi-măng, giúp các cha tổ chức được hai ngày thân hữu, giúp các cha tổ chức được những lễ lạc lớn,...’ Câu trả lời này cũng hời hợt và nhất diện không kém gì câu trả lời trên. Như chúng ta vừa thấy ở trên, HĐMV này là HĐMV tiên khởi của cộng đoàn Giáo Xứ Việt Nam Paris, một cộng đoàn có nhiều vấn đề đa tạp cần giải quyết, và sự hiện diện ở đây có lẽ còn kéo dài thế hệ này qua thế hệ nọ.

Bởi vậy, tiêu chuẩn đàu tiên cần đặt ra là hỏi xem HĐMV có ý thức được sứ mệnh của mình và những vấn đề phải được giải quyết không. Không dám nói rằng HĐMV đã ý thức hoàn toàn được những vấn đề của cộng đoàn, nhưng có những dấu chỉ để bảo rằng HĐMV đã có thiện chí muốn nhận định những vấn đề ấy. Năm đề tài được đưa ra để thảo luận trong đại hội mục vụ ngày 17/06/1984, liên hệ đến năm việc quan trọng của cộng đoàn : 1. sự sinh tồn của cộng đoàn, 2. điều kiện phát triển cộng đoàn, 3. sứ mệnh tôn giáo và văn hoá của cộng đoàn, 4. tạo dựng cơ sở cho cộng đoàn, 5. những phương pháp gây quỹ cho cộng đoàn, là một biểu lộ của thiện chí ấy.

Tiêu chuẩn thứ hai cần đưa ra là hỏi xem « cách làm việc của HĐMV có phương pháp không ? »  Để trả lời câu hỏi này, cần phải nhìn xem BTV và HĐMV làm việc thế nào. Ở điểm này, tôi xin mô tả cách làm việc của HĐMV như sau : BTV đã tạo được một sinh hoạt đều đặn là buổi họp hàng tháng. Kể từ ngày được thành lập đến nay, tháng nào Ban Thường Vụ và Ban Cố Vấn cũng giữ được phiên họp hàng tháng này, và đa số các phiên họp đã đều được sự tham dự đày đủ của BTV và sự tham dự đông đảo của BCV. Do đó, sự trao đổi trong các phiên họp tương đói hào hứng và đa số tích cực. Riêng Đại Hội Mục Vụ thì nhiệm kỳ vừa qua chỉ tổ chức được hai lần. Đó cũng là lý do khiến việc tiếp sức với các đơn vị mục vụ chưa được dồi dào cho lắm.

Cũng ở trong phương pháp làm việc, đại để cách thức sau đây đã được BTV và BCV áp dụng để giải quyết các vấn đề. Truớc nhất, nhận định vấn đề. Nếu là vấn đề ngắn hạn cần được giải quyết ngay, thì nhận định xem có nên làm hay không, nên làm thế nào. Rồi phân công, rồi thực hiện. Nếu là vấn đề dài hạn, trường kỳ và phức tạp, thì mổ xẻ sự cần thiết, điều kiện pháp luặt, khả năng có thể và kế hoạch thực hiện. Nhiều khi, sau một chuỗi làm việc, ở giai đoạn kế hoạch, một vài khó khăn mới lại nảy ra, đôi khi lại là những khó khăn ngoài khả năng, việc thực hiện lại được xét lại. Đại để đó là hai điều chính yếu trong phương pháp làm việc hiện nay của BTV - HĐMV. Cái giá trị của phương pháp ấy ra sao, tôi xin nhường lời cho mọi người phê phán.

Tiêu chuẩn thứ ba cần đưa ra là hỏi xem « HĐMV có đã tìm ra được những giải đáp tương ứng với những vấn đề của cộng đoàn chưa ? ». Câu hỏi này tương đối tế nhị, vì sứ mệnh của HĐMV chỉ là cộng tác với ban Giám đốc Giáo Xứ, chứ không bao giờ được vượt quyền của ban này. Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là HĐMV chỉ thụ động vâng lời BGĐ, nhưng chỉ có ý xác định một nguyên tắc rằng trong các giải pháp được đưa ra, trong các quyết định được lựa chọn, tất cả đều phải được BGĐ, người trách nhiệm thực sự về tinh thần của cộng đoàn chấp nhận. Điều tế nhị thứ hai của tiêu chuẩn thứ ba này là tính cách liên tục và trường kỳ của nhiều vấn đề của cộng đoàn, đặc biệt là những vấn đề có tính cách tâm lý xã hội, như vấn đề đoàn kết, vấn đề tin tưởng, vấn đề tương trợ. Muốn đoàn kết các thành phần của cộng đoàn, đâu phải chỉ có một giải đáp chung, hữu hiệu cho hết mọi người, đâu phải chỉ cần làm một lúc. Nhưng phải linh động và thích ứng, tuỳ người và liên tục.

Như vậy là HĐMV đã đi được một chặng đường dài ? Quãng đường còn lại phải đi còn nhiều việc phải làm và còn nhiều khó khăn phải vượt qua ? Câu hỏi này gồm ba vấn đề. Vấn đề thứ nhất : HĐMV đã đi được một quãng đường dài ? Dài được bao nhiêu, tôi không dám xác định. Tôi chỉ dám nói rằng HĐMV đã đi được một quãng đường. Quãng đường còn lại chắc chắn là dài lắm. Vấn đề thứ hai liên hệ đến những việc sẽ phải làm. Về điểm này, xin mọi người tin tưởng vào BGĐ, HĐMV, BCV và BTV. Quí vị là những người sáng suốt, chắc chắn đã, đang và sẽ nhìn ra những việc phải làm. Không ở trong HĐMV, nhiều khi mình tưởng việc này phải làm gấp, có thể làm ngay. Nhưng ở trong HĐMV, hiểu biết cụ thể về khả năng của cộng đoàn, về nhu cầu của cộng đoàn, một cái nhìn khác lại nảy ra. Còn vấn đề thứ ba liên hệ đến các khó khăn, có lẽ khó khăn lớn nhất là phương tiện : phương tiện tài chánh, phương tiện thời giờ, phương tiện nhân sự. Xin Chúa dàn xếp, để thiện chí chúng ta được đền bù phần nào cho những khó khăn về phương tiện.

2. SỨ MỆNH VÀ VÀ HOẠT ÐỘNG CỦA HỘI ÐỒNG MỤC VỤ

Ðược thành lập vào năm 1983, đến  năm nay, 2007, Hội Ðồng Mục Vụ Giáo xứ Việt Nam Paris đã tròn 25 tuổi. Bản nội qui dầu tiên viết xong và được chấp nhận ngày 30.10.1983, đã được tu chính 4 lần vào ngày 20.06.1985, 13.12.1992, 12.10.1997 và 09.02.2001. Hội đồng mục vụ khoá X hiện nay, được bầu ngày 13.06.2004, đã được Dại Hội 17.12.2006 lưu nhiệm thêm một năm, sẽ chám dứt nhiệm kỳ vào tháng 6 năm 2008, gồm 79 thành viên. Hội Ðồng Mục Vụ, theo nội qui tu chính lần thứ tư vào ngày 09.12.2001, gồm 4 thành phần : Ðại biểu của 7 địa điểm mục vụ, Ðại biểu của 36 Hội đoàn mục vụ, Ban thường vụ với 12 nhân viên và Ban Cố vấn gồm 6 vị. Tất cả bốn thành phấn của Hội Ðồng Mục vụ đếu chung nhau giúp Ban Giám Ðốc thực hiện công việc mục vụ của giáo xứ cho tốt đẹp, trong ba sứ mệnh chính yếu sau đây : 1- Tư vấn BGÐ trong những quyết định mục vụ ; 2- Cộng tác với BGÐ trong việc soạn thảo chương trình và kế hoạch hoạt động mục vụ ; và 3- Cộng tác với BGÐ trong việc thực hiện công tác mục vụ qua khắp các phạm vi tôn giáo, văn hoá, xã hội và tài chánh.

 21. TƯ VẤN BAN GIÁM ÐỐC TRONG NHỮNG QUYÉT ÐỊNH MỤC VỤ

Tư vấn BGÐ trong những quyết định mục vụ, HÐMV không làm thay, cũng không lấn quyền của BGÐ. Giáo luật khoản 536 xác định rất rõ về điểm này "Nếu Giám Mục giáo phận xét là thuận lợi, sau khi đã tham khảo ý kiến của Hội đồng Linh mục, thì trong mỗi giáo xứ nên thành lập Hội đồng Mục vụ, do Cha Sở chủ tọa, và trong đó các tín hữu cùng với những người, chiếu theo chức vụ tham gia vào việc săn sóc mục vụ trong giáo xứ cùng đóng góp sự cộng tác của mình vào việc cổ võ sinh hoạt mục vụ. Hội đồng Mục vụ chỉ có quyền tư vấn, và được điều hành theo các quy tắc do Giám Mục giáo phận đã ấn định. Nguyên tắc chung được Giáo luật qui định đó là Hội đồng Mục vụ chỉ có quyền tư vấn mà thôi, nghĩa là Cha Sở không bị bó buộc vâng theo ý kiến của Hội đồng Mục vụ, nhưng tùy thẩm định khôn ngoan của ngài. Tuy nhiên, khi tất cả các thành viên trong Hội đồng đều nhất trí về một vấn đề, Cha Sở không nên đi ngược lại nếu không có một lý do thật quan trọng để làm như thế ». 

Tư vấn BGÐ là sứ mệnh chính yếu của mọi thành phần của HÐMV, nhưng Ban Cố Vấn có một trách nhìệm đặc biệt về sứ mệnh cố vấn này. Công việc cố vấn thực ra không đơn giản và không chỉ giới hạn vào việc cho ý kiến, như nhiều người lầm tưởng. Sau nhiều năm làm cố vấn cho các chủ xí nghiệp và tổ chức về quản lý chất lượng, tôi nhận ra những công việc chính yếu sau đây của một cố vấn, mà ở xí nghiệp họ gọi là tư vấn. Những công việc tư vấn này cũng đã được các vị trong Ban Cố Vấn thực hiện cho Ban Giám Ðốc, Ban Thường Vụ và cho Hội Ðồng Mục Vụ :

  1. chỉ lắng nghe, quyết định tự khắc nhìn ra ;

  2. lắng nghe và gợi ý phân tâm, quyết định tụ khắc tìm ra ;

  3. đặt vấn đề, cho thông tin, hoặc tạo dịp quan sát vấn đề và từ từ hướng đến một quyết định ;

  4. giúp thảo luận nhóm, để nhóm tự tìm lấy quyết định ;

  5. quyết định gần như đã lấy, nhưng còn nghi ngại, giúp nhìn ra vấn đề minh bạch, giúp lấy quyết định rõ rệt và tìm ra cách hành động hữu hiệu ;

  6. quyết định đã lấy, nhưng mục tiêu không xác định rõ rệt, chương trình không minh bạch, tiêu chuẩn không xác định, phương tiện, phương pháp và dụng cụ không đầy đủ, tóm lại không biết làm làm sao, chỉ bày cho làm, đào tạo người làm ;

  7. quyết định đã lấy, nhưng không biết làm, không có người làm và cũng không có giờ làm, xin làm giùm.

Ban Cố Vấn tiên khởi của Hội Ðồng Mục Vụ, trong thực tế đã được thành lập trước khi có Hội Ðồng Mục Vụ. Cha Trần Thanh Giản, Cha Tín, Sư Huynh Trần Văn Nghiêm, Bác Sĩ Hoàn, Bác Sĩ Phán, Giáo Sư Bảo, Bs Tạ Thanh Minh, Gs Tạ Thanh Minh Khánh, Giáo sư Cảnh, Bà Lan Bằng là những vị cố vấn đầu tiên đã giúp Ban Giám Ðốc Giáo xứ từ những năm 1980 lấy quyết định lập Hội Ðồng Mục Vụ và tham gia tích cực vào việc chuẩn bị, đào tạo, tổ chức và thành lập Hội Ðồng Mục Vụ vào năm 1983, cũng như theo dõi và giúp đỡ HÐMV trong những năm đầu tiên, nhất là 3 nhiệm kỳ đầu, từ 1983 đến 1989.

Ban Cố Vấn đã cố vấn trong tất cả những mức độ quyết định, mà quan trọng và tổng quát nhất là những quyết định chiến lược (décisions stratégiques) để tạo những sinh hoạt mới, như tạo lập hội đồng mục vụ vào năm 1983 ; tạo lập việc gây quĩ tài chánh và tìm kiếm cơ sở từ năm 1983 ; tạo lập mục vụ văn hoá : thuyết trình vào năm 1981, báo chí vào năm 1984, tu thư vào năm 1997 ; tạo lập mục vụ giáo dục : giáo lý và tiếng việt từ năm 1983, gia đình vào năm 1995 ; tạo lập liên đới nghề nghiệp vào năm 2000,…Về những quyết định chức vụ (décisions fonctionnelles), BCV đã góp phần vào những quyết định liên hệ đến việc dùng phương tiện, hoặc tổ chức, như tổ chức lại cơ cấu của HÐMV : nâng vai trò của BTV lên quan trọng hơn BCV, tổ chức BTV theo mô hình một chính phủ với việc lập các ủy viên, giảm trách nhiệm cho tổng thư ký và tăng trách nhiệm cho chủ tịch,... Và sau cùng, về những quyết định hành sự (décisions opérationnelles), BCV đã tích cực tham gia vào những quyết định liên hệ đến công việc mục vụ hàng ngày, mà cụ thể và rõ rệt nhất là quí vị đích thân làm những việc mục vụ ấy.

Ban Cố Vấn hiện nay gồm 6 vị sau đây : Bs Nguyễn Văn Ái, cố vấn văn hoá ; Gs Trần Văn Cảnh, cố vấn giáo dục ; Bs Nguyễn Ngọc Ðỉnh, cố vấn ngoại vụ ; Ông Nguyễn Văn Hộ, cố vấn mục vụ cao niên ; Bs Tạ Thanh Minh, cố vấn y tế xã hội và Gs Tạ Thanh Minh Khánh, cố vấn gia đình và thanh niên. Mỗi vị cố vấn trên đây, ngoài công việc cố vấn, còn tham gia vào việc thực hiện các công việc mục vụ một cách tích cực, trong các đoàn thể, phong trào và ban nhóm khác nhau. Ða số các vị đều là giảng viên trong Ban Mục Vụ gia đình, và thành viên trong ban biên tập báo Giáo Xứ và ban tu thư Văn hoá.  

22. CỘNG TÁC VỚI BGÐ ÐỂ SOẠN THẢO CHƯƠNG TRÌNH VÀ KẾ HOẠCH HOẠT ÐỘNG MỤC VỤ 

Tất cả các linh mục và tu sĩ đều xuất thân từ giáo dân. Ðó là một sự thật hiển nhiên thứ nhất. Ða số các linh mục và tu sĩ việt nam đều gốc gác từ những gia đình giáo dân nghèo. Ðó là sự thật hiển nhiên thứ hai. Nhưng một số giáo sĩ và tu sĩ, khi trở thành giáo sĩ, được chọn vào hàng lãnh đạo của Giáo hội, đã quên hẳn xuất xứ và gốc gác của mình, tự cao tự đại, khinh khi giáo dân, xa tránh người nghèo hèn. May thay các linh mục, thầy sáu và nữ tu ở Giáo Xứ Việt Nam Paris không có cách cư xử khinh khi và xa tránh ấy. Ðường như Ban Giám đốc giáo xứ đã được nhiều hồng ân, đã cầu nguyện nhiều, có tinh thần làm việc theo đức ái chia sẻ, đức mến kính trọng, đức cậy tin tưởng và đức tin phó thác. Ban Giám Ðốc rõ rệt có cách cư xử chăm chỉ và khiêm tốn nhã nhặn. Họ lãnh đạo giáo xứ có tổ chức và phương pháp và họ không ngần ngại mời gọi các giáo dân cộng tác. Sự cộng tác mà BGÐ mới gọi giáo dân đóng góp không chỉ ở lãnh vực thực hiện, nhưng ở cả lãnh vực soạn thảo chương trình và kế hoạch. Trao trách nhiệm một cách tin tưởng, trong tâm tình kính trọng vào giáo dân đến nỗi tất cả các chức vụ trong Hội Ðồng Mục Vụ đều trao cho giáo dân, ngay cả chức chủ tích. Chỉ giữ cho mình trách nhiệm tuyên úy và đồng hành, là những trách nhiệm tối thiểu của các cha sở và cha phó đối với các đoàn thể của giáo xứ. Vai trò của giáo dân được nâng cao đến múc ấy thực là ít thấy, không chỉ ở những xứ đạo Việt Nam, mà ngay cả ở những xứ đạo Pháp !

Nếu cöng việc tư vấn là công việc ưu tiên của Ban Cố Vấn, thì công việc soạn thảo chương trình và kế hoạch là lãnh vực chuyên biệt của Ban Thường Vụ. Họp với Cha Giám Ðốc mỗi tháng một lần, với BGÐ mỗi khi cần thiết, trách nhiệm căn bản của BTV là soạn thảo chương trình và kế hoạch chung, phối hợp và theo dõi, rồi tổng kết và cải thiện sự thực hiện các sinh hoạt ấy nơi các đơn vị mục vụ. Cụ thể mỗi năm hai lần, BTV có trách nhiệm tổ chức 2 đại hội mục vụ vào tháng sáu và tháng mười hai để xem xét sinh hoạt trong thời gian qua và đưa ra các định hướng mục vụ cho thời gian tương lai sắp tới.

Bên cạnh những công việc có tính chất điều hành trên, BTV còn có bổn phận làm nhiều việc mang tính cách đại diên, như đại diện cộng đoàn tham dự những sinh hoạt mục vụ ở Tổng Giáo Phận Paris, tham dự những sinh hoạt mục vụ công giáo việt nam ở cấp quốc gia pháp, lục địa âu châu hay toàn thế giới ; đại diện cộng đoàn đọc diễn văn, tiếp đón, chúc mừng các quan khách đạo đời pháp việt, đại diện cộng đoàn và HÐMV thăm viếng các đơn vị mục vụ, chúc mừng các linh mục, các giáo dân hoặc các đoàn thể vào những dịp đặc biệt, như tết nhất, thượng thọ, sinh nhật, tang chế,…Cũng trong lãnh vực đại diện này, mỗi vị trong BTV đều là đồng hành của một hoặc nhiều đơn vị mục vụ, nhóm, hội đoàn, phong trào,…Mỗi nhóm Liên Ðới nghề nghiệp đều có ít nhất một nhân viên của BGÐ và một nhân viên của BTV là đồng hành.

Song song với những công việc điều hành và đại diện trên, BTV còn đích thân dảm nhiệm nhiều công việc cụ thể, như hàng năm tổ chức tiệc tân niên cho cộng đoàn vào dịp tết nguyên đán, đảm nhiệm thực hiện hai ngày thân hữu giáo xứ vào tháng năm ; tổ chức những công việc  đặc biệt, như thi hang đá, huấn luyện và trình diễn thánh ca cho các ca đoàn, điều hành và quảng diễn những thánh lễ quan trọng, chỉnh trang cơ sở, triển lãm truyền giáo, truyền hình thánh lễ, chiếu phim truyền giáo,…Cũng trong lãnh vực những công việc cụ thể, mỗi vị trong BTV đều là thành viên của một hay nhiều đơn vị, hội đoàn, ban nhóm mục vụ.

Ban Thường Vụ hiện nay gồm 12 vị sau đây, được bầu vào Ðại hội Mục vụ ngày 13.06.2004 :

  1. Chủ tịch : Luật sư Lê Đình Thông

  2. Phó chủ tịch : Ông Bùi Trọng Khang

  3. Tổng thơ ký : Ông Trần Khắc Đạt

  4. Phó tổng thơ ký : Dược sĩ Trần Thị Kim Chi

  5. Uỷ viên Giáo lý : Chị Nguyễn Thị Mỹ Phước

  6. Ủy viên Phụng Vụ và thánh ca : Bà Huỳnh Thị Anh Thư

  7. Uỷ viên Tài chánh : Ông Ngô Triệu Hùng

  8. Ủy viên Văn hoá : Ông Nguyễn Ðức Minh

  9. Ủy viên Thiếu niên :  Anh Nguyễn Nha Ty

  10. Ủy viên Thanh niên : Kỹ sư Võ Thành Nhân

  11. Ủy viên Thông tin liên lạc : Ông Nguyễn Anh Hải

  12. Ủy viên Xây dựng : Ông Nguyễn Văn Thơm

23. CỘNG TÁC VỚI BGÐ ÐỂ THỰC HIỆN CÔNG TÁC MỤC VỤ TRONG KHẮP CÁC PHẠM VI TÔN GIÁO, VĂN HOÁ, XÃ HỘI VÀ TÀI CHÍNH 

Công tác mục vụ của BGÐ thật rất bao la, trải dài rộng trên 12072 cây số vuông, với 11491000 dân số của 8 tỉnh vùng Ile-de-France : Essonne, Hauts-de-Seine, Paris, Seine-Saint-Denis, Val-de-Marne, Val-d’Oise và Yvelynes, trong đó có từ 42 đến 47 ngàn người việt nam và từ 13 đến 16 ngàn người việt nam công giáo. Tính trung bình, mỗi một trong 9 vị BGÐ có trách nhiệm mục vụ trên 1341 km2,  có trách nhiệm lo giữ đạo cho từ 1444 đến 1888 giáo dân việt nam, có trách nhiệm lo truyền đạo cho 4666 đến 5222 lương dân việt nam. Công tác mục này sẽ rất hạn hẹp, nếu các cha, các thầy sáu và các chị nữ tu không được giáo dân cộng tác.

Một cách nào đó, dù muốn dù không, BGD cần đến giáo dân. Và giáo dân, vói tính cách là thành phần dân Chúa, với ơn gọi làm tông đồ giáo dân[1] có bổn phận giữ đạo và truyền đạo cũng cần phải liên lạc với hàng giáo phẩm và sự giúp đỡ của các linh mục và tu sĩ[2]. Từ nhu cầu hỗ tương trên, Ban giám đốc đã cổ động và mời gọi các giáo dân cộng tác để tích cực và trực tiếp tham dự vào công tác mục vụ. Giáo dân đã nghe tiếng gọi của các giáo sĩ và đã gia nhập các hội đoàn công giáo tiến hành có sẵn, hoặc lập ra những nhóm, phong trào, hội đoàn mới. Tư vấn là công tác mục vụ chuyên biệt của các vị cố vấn : Ðịnh hướng, phối hợp, kiệm tra tổng kết là hành động mục vụ độc đáo của ban thường vụ ; trực tiếp tham gia mục vụ dể giữ đạo và truyền đạo là ơn gọi và sứ mệnh của toàn giáo dân. Rất nhiều giáo dân đã tham gia vào các công tác mục vụ trực tiếp này bằng cách hoặc tham gia vào Ban Ðại Diện các đon vị mục vu địa phương, hoặc tham gia vào các đoàn thể công giáo tiến hành địa phương và trung ương Paris. Mỗi người chọn lấy sinh hoạt và đơn vị, tùy theo khả năng, thời giờ, sức khoẻ. Dẫu là công tác tình nguyện, nhưng vì tự do chọn lựa, đa số các giáo dân sinh hoạt với tinh thần trách nhiệm và với những kết quả đáng kính phục.

Cho đến năm 1980, theo những nghiên cứu được ghi lại trong « Kỷ yếu 50 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam tại Paris 1947-1997 », giáo xứ có 2 điạ điểm mục vụ là Paris (1947) và Sarcelles (1977) và 6 hội đoàn, ban nhóm mục vụ : Hội Sinh viên công giáo (1946), Hội Ðạo binh Ðức Mẹ (1970), Hội Các bà mẹ công giáo (1971), Giới trẻ (1977), Ca đoàn (1978) và Nhóm Xã hội (1978).

Hôm nay, 22.03.2007, nếu nhìn vào các báo cáo mục vụ hàng năm của BGÐ và BTV, giáo xứ hiện có tất cả 7 địa điểm mục vụ :

1.      Paris (1947)

2.      Sarcelles (1977)

3.      Villiers-Le-Bel (1979)

4.      Marnes-La-Vallée (1981)

5.      Cergy-Pontoise (1993)

6.      Ermont-Montigny-Franconville (1993) và

7.      Antony (2006)

Còn như các hội đoàn và phong trào, ban, nhóm công giáo tiến hành, thi hiện nay tại Giáo Xứ Việt Nam, địa điểm trung ương Paris, có 36 đơn vị chính :

1.      Hội các bà mẹ công giáo

2.      Hội Đạo binh Đức Mẹ (15 tiểu đội)

3.      Hội yểm trợ ơn gọi

4.      Phong trào Thiếu nhi thánh thể : 269 ấu, thiếu, sĩ

5.      Phong trào Cursillo

6.      Liên đới nghề nghiệp Nha Y Dược

7.      Liên đới nghề nghiệp Kỹ nghệ, kỹ thuật

8.      Liên đới nghề nghiệp Lu ật qu ản tr ị, nhân v ăn

9.      Liên đới nghề nghiệp Taxi,

10.  Liên đới nghề nghiệp Doanh thương,

11.  Liên đới nghề nghiệp Dịch vụ,

12.  Liên đới nghề nghiệp Xây dựng

13.  Ca đoàn Giáo xứ

14.  Ca đoàn Trinh vương

15.  Ca đoàn Triều dâng

16.  Ca đoàn Thiếu nhi Thánh thể

17.  Ca đoàn Lê bảo Tịnh

18.  Nhóm nhạc dân tộc

19.  Nhóm trẻ và Sinh viên khoảng 300 người

20.  Nhóm Gia đình trẻ

21.  Nhóm Sống đạo

22.  Nhóm Tìm hiểu ơn gọi

23.  Nhóm Thánh kinh

24.  Nhóm Giáo lý tân tòng

25.  Nhóm bữa cơm chủ nhật

26.  Nhóm Thư viện

27.  Nhóm trẻ

28.  Lớp Giáo lý cho 269 trẻ em

29.  Lớp Pháp văn : 8 lớp ban ngày cho 168 học viên

30.  Lớp tiếng việt cho 269 trẻ em

31.  Lớp đàn tranh

32.  lớp nghệ thuật ca kịch

33.  Ban giúp lễ

34.  Ban báo giao xứ và tu thư

35.  Ban Mục vụ hôn nhân

36.  Ban Tiền giúp Giáo Hội

Tất cả những địa điểm và hội đoàn mục vụ trên đây của Giáo Xứ đều đã được trình bày tóm lược trong sơ đồ tổ chức sau đây, đơn sơ và trong sáng, cho thấy những sinh hoạt nội bộ của Giáo Xứ, được cha Mai Đức Vinh và giáo sư Trần văn Cảnh phác họa vào năm 1997[3].

LỜI KẾT 

Ngày 22.08.2006 vừa qua, tại Toà Giám Mục Thanh Hoá, Ủy Ban Giáo Dân thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt nam đã tổ chức một cuộc Hội Nghị để bàn về chương trình hoạt động cho năm 2007 với sự chủ toạ của Ðức Cha Chủ tịch Giuse Nguyễn Chí Linh. Trong bản đúc kết, Hội Nghị viết « Để cụ thể hóa cho hoạt động của Ủy ban, Hội nghị đã đề ra đường hướng sinh hoạt cho Năm Sống Đạo 2007 do HĐGM đề xướng, chủ yếu nhằm vào 3 đối tượng ưu tiên : Hội Đồng Giáo Xứ (HĐGX), Đoàn thể, Gia đình[4]». Ngày 08.09.2006, Hội Ðồng Giám mục Việt Nam đã gởi một THƯ MỤC VỤ năm 2006, « Chọn chủ đề sống đạo hôm nay để mời gọi mỗi người sống niềm tin bằng những hành động cụ thể, như thánh Giacôbê Tông đồ viết : “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Quả thực, đời sống đạo vừa cần gắn bó với Thiên Chúa, vừa phải đi đến với anh em, như Chúa Giêsu, Ngôi lời nhập thể và nhập thế đã nêu gương cho chúng ta[5] ». Dõi theo hai tài liệu căn bản và hiện đại này, chúng ta có thể bảo rằng Giáo dân của Giáo Xứ Việt Nam Paris đang lắng nghe và sống thư mục vụ của các vị chủ chăn là Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, đang sinh hoạt theo đối tượng ưu tiên của Ủy Ban Giáo Dân thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt nam qua việc thực hiện ba sứ mệnh của Hội Ðồng Mục Vụ mà họ đã thành lập từ 1983 và hằng luôn cải tiến. Ba sứ mệnh đó là : 

·        Tư vấn các linh mục và tu sĩ trong Ban Giám Ðốc Giáo xứ về những quyết định mục vụ,

·        Cộng tác với các linh mục và tu sĩ trong Ban Giám Ðốc Giáo Xứ để soạn thảo chương trình và kế hoạch hoạt động mục vụ,

·        Cộng tác với các linh mục và tu sĩ trong Ban Giám Ðốc Giáo Xứ để thực hiện công tác mục vụ trong khắp các phạm vi tôn giáo, văn hoá, xã hội và tài chính.

Paris, ngày 22.03.2007

Trần Văn Cảnh


[1] Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân, chương 1 ; 2-4

[2] Ibd., chương 5 ; 24-25

[3] Xin xem sơ đồ ơ chương 5

[4] http://www.thanhlinh.net/tailieu/HoiNghiUyBanGiaoDanHDGMVN2006.htm

[5] http://www.thanhlinh.net/tailieu/ThuMucVuHDGiamMucVN2006.htm

1 : TIẾN TRÌNH THÀNH LẬP HỘI ÐỒNG MỤC VỤ
 

Tác giả Gs. Trần Văn Cảnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!