.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Phần I : Chúng ta không thể không thuyên giải

Chương I, 1 : Giai đoạn Cửa Vào

Chương I, 2 : Giai đoạn Biến Chế

Chương I, 3 : EROS, THANATOS và ANANKÉ (6)

Chương I, 4 : Mẹ thuyên giải con theo D.W. Winnicott

Chương I, 5 : Thuyên giải là gì ?

Chương I, 6 : Điểm bế tắc

Phần II : Tư duy cấu trúc

Chương II, 1 : Nhân và quả giao thoa chằng chịt, qua lại

Chương II, 2 : Khả năng định hướng cuộc đời

Chương II, 3 : Chia sẻ, đồng hành : Một con đường tất yếu Anankè

Chương II, 4 : Mở đường cho vô thức đi ra vùng ánh sáng

Chương II, 5 : Lắng nghe, học hỏi, nhìn nhận để "Tái sinh nhau, nhờ nhau".

Phần III : Những vấn đề của chúng ta

Chương III, 1 : Ngôn ngữ của giấc mơ cần lắng nghe và phát hiện

Chương III, 2 : Khám phá ba loại vấn đề trong mỗi câu chuyện trao đổi hay là trong mỗi giấc mơ

Chương III, 3 : Hóa giải

Phần kết luận : Giấc Mơ của người Việt Nam

Sách Tham Khảo

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Khung trời mở rộng bằng con đường thuyên giải
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
CHƯƠNG I, 5 : THUYÊN GIẢI LÀ GÌ ?

 Những điều vừa được trình bày trên đây cho chúng ta thấy rõ :

- Bà mẹ là con đường tất yếu cho đứa con. Nhờ    sự có mặt tích cực của bà, đứa con thừa hưởng những điều kiện thuận lợi, để từ từ chuyển biến thành người, nhất là trong giai đoạn ba năm đầu tiên của cuộc sống.

- Nhờ có mặt liên tục với con suốt ngày, bà có khả năng thuyên giải từng cử chỉ, từng tiếng khóc, từng hơi thở, từng phát âm bập bẹ, líu lo của đứa con. Sau này khi khôn lớn đứa con sẽ ôn lại bài học ấy, để thuyên giải người anh chị em đồng bào, đồng loại.

Thế nhưng, nhiều bà mẹ đã không thành tựu công tác giáo dục và giáo hóa ấy. Số lượng thanh thiếu niên cao bồi, du đảng, hút xách, nghiện ngập, phạm pháp càng lúc càng gia tăng trong lòng nhân loại.

Điểm bế tắc của xã hội chúng ta đang sống, nằm ở đâu ? đó là trọng tâm của vấn đề tôi muốn giới thiệu, gây chú ý và tìm cách mở ra một vài chân trời suy tư. Thể theo lối nhìn của Freud, tôi gọi đó là một vấn đề văn hóa có tầm cở và ảnh hưởng hệ trọng hơn tất cả mọi vấn đề đã xảy ra cho con người từ trước tới nay. Hai cuộc thế chiến đã vượt ra ngoài biên giới của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, nhiều đại lục địa, tuy chịu ảnh hưởng, vẫn ở ngoài vòng cương tỏa nóng sốt của chiến tranh.

Trái lại, bạo động của giới trẻ đang ngày ngày lan tràn ở trên mỗi thành phố lớn, trong mỗi xứ sở ...

Và khi một vấn đề xảy ra trên đường phố, chúng ta phải giải quyết nó, khi còn phôi thai trong đời sống gia đình.

Khi một vấn đề có mặt vào lứa tuổi 14 - 16, chúng ta cần giải quyết, nó đã manh nha trong thiếu thời, trước ba bốn tuổi.

Khi một vấn đề xuất phát giữa bạn bè, trong vấn đề tiếp xúc, chúng ta hãy trở lui tìm ra gốc rễ trong quan hệ Mẹ Con.

Và khi một người mẹ gặp khó khăn, chúng ta hãy đào bới khai quật những bế tắc, những ngõ cụt, những ung nhọt của văn hóa, văn minh hay là cơ cấu xã hội ... để tức khắc mang tới cho bà một bầu khí quyển trong lành, không còn ô nhiễm.

Và khi một xã hội càng ngày càng vô luân, vô đạo, chúng ta hãy khám phá mầm móng hay là chủng tử của vô luân, vô đạo ở ngay trong quả tim của những ai đang đại diện tôn giáo, hay là đang làm công tác tôn giáo ! Điều họ tuyên xưng là Đạo, không còn là Đạo. Đức tin không còn là động lực thúc đẩy, điều hướng, nhưng đang che đậy một cái gì cơ bản hơn không phải là Đức Tin. Chúng ta hãy có gan lật tẩy kịp thời một cái gì vừa kín vừa hở, đang bị ngụy trang.

Theo Freud, can đảm và sáng suốt nhận diện và đối diện những tất yếu ấy, là chứng tích của văn hóa, của con đường Ánh Sáng. Của con đường thức tỉnh, không mê muội, không mù quáng.

*****

Trở lại với quan hệ Mẹ Con, trong ba năm đầu của một đứa bé, chúng ta hãy lắng nghe lời thuyên giải của bác sĩ B. Cramer chuyên trách về những vấn đề có mặt rất sớm giữa mẹ và con, trong môi trường bệnh viện, ở Genève, Thụy Sĩ. Bài học, "Đối tượng" hay là của ăn, do người mẹ chuẩn bị, sửa soạn kho nấu và mang đến cho con ít nhất, theo tác giả này, phải mang đầy đủ sáu chất lượng sau đây :

 

· Chất lượng thứ nhất là hòa ứng, hòa điệu với đứa con.

Người mẹ có quan hệ tiếp xúc hòa ứng, khi người mẹ có khả năng nhận ra những chu kỳ và vận tốc đóng và mở của đứa con. Khi nó cần tiếp xúc, nó kêu mời, hoa tay múa cánh hay là bập bẹ, líu lo. Khi nó mệt, nó rút lui, quay mặt nhìn chỗ khác ...

Hiểu được ý nghĩa của loại ngôn ngữ "không lời" ấy, nghĩa là người mẹ biết thuyên giải đứa con của mình, bà sẽ biết cách trả lời một cách thích ứng với nhu cầu và thực tế hiện tại của đứa con. Trong phần thứ II, chúng ta sẽ thấy : nhu cầu và thực tế ấy được gọi là cấu trúc, nghĩa là thể thức tổ chức hiện tại của đứa con. Nhờ lắng nghe, đặt trọng tâm vào con, bà mẹ mới khám phá được cơ cấu ấy.

Khi người mẹ biết hòa ứng và hòa điệu như vậy, đứa con dần dần ý thức được rằng : Mẹ hiểu mình. Cuộc đời đáng sống. Về phía bà mẹ, nhận thấy cách trả lời của mình có hiệu quả, bà càng ngày càng thấy mình có khả năng nuôi con; mình hữu ích, hữu dụng, mình có giá trị. Lòng tự tin càng lúc càng vững mạnh trong bà.

 

· Chất lượng thứ hai là tương tác, tương đồng, tương tức và tương sinh.

"Tương" có nghĩa là luân phiên, qua lại hai chiều. Mẹ sinh ra con, nuôi dưỡng con. Nhưng đứa con làm cho mẹ hạnh phúc. Đóng góp cho mẹ.

Quan hệ Mẹ con được so sánh như một vũ khúc do hai nghệ sĩ tài tình thực hiện. Khi thì bên này chủ động, bên kia đồng hành. Khi thì bên kia hướng dẫn, bên này bước theo.

Không có ảnh hưởng thường xuyên qua lại, sẽ không có tiếp xúc trao đổi.

Một cách cụ thể, như trên đây trong chương "Giai đoạn cửa vào" tôi đã lưu tâm đến hai loại ngưỡng độ kích thích. Bà Mẹ biết tương sinh, tương tác, chính khi bà mẹ chọn lựa khoảng kích thích ở giữa, để cho đứa con chủ động, đóng góp phần mình. Bà tạo cho con một không gian cụ thể, có giới hạn rõ rệt. Trong đó đứa con đã sáng tạo, đã làm chủ thể, đã có chủ quyền. Đã biết cho, sau khi nhận. Đã có tiếng nói. Đã làm "Nhân". Nhân có hai nghĩa : làm nguyên nhân và làm người.

 

· Chất lượng thứ ba là tiếp cận, xích lại gần một cách linh động và mềm dẽo.

Thực tại bất kỳ thuộc thể loại nào - trong đó có thực tại của một đứa bé mới sinh ra - luôn luôn có tính đa phức vì chuyển động không ngừng. Tự bản chất, cuộc sống nào cũng đa phức, muôn màu, muôn vẻ như vậy.

Cho nên không bao giờ có sẵn ý nghĩa  lù lù nằm ở đó, trắng ra trắng, đen ra đen một cách tách bạch rõ ràng. Tuy nhiên, ý nghĩa cũng không hoàn toàn do tôi bịa đặt, tưởng tượng. Đành rằng thuyên giải là sáng tạo. Nhưng con người không sáng tạo trong cô đơn. Không sáng tạo từ hư vô.

Trái lại, sáng tạo trong địa hạt văn hóa là sáng tạo với một người khác, và sáng tạo từ thực tại khách quan bên ngoài.

Cũng vậy khi người Mẹ thuyên giải, bà thuyên giải thực tại là tác phong của đứa con : nó khóc la, nó líu lo, nó quay mặt không nhìn mình. Nhưng khi bà mẹ trả lời, bà không thể trả lời một cách tùy tiện, đơn phương. Bà không thể áp đặt một cách độc tài từ trên, từ ngoài. Bà dựa vào cách thức hồi tố của đứa con, để thường xuyên xét lại, kiểm chứng cách thuyên giải của mình.

Nói tóm lại, nhằm tiếp cận, tôi trình bày ý kiến, lối nhìn của tôi về thực tại. Nhưng tôi còn lắng nghe, tìm hiểu quan điểm của người khác, đón nhận phần đóng góp của họ, để kiện toàn và bổ túc cho tôi.

Khi tiếp cận như vậy, bà Mẹ mở mắt để nhìn. Mở tai để nghe. Bà Mẹ chấp nhận đứa con làm thầy và mình phải học với nó, để hiểu nó.

Vừa rồi đây, đầu năm 2000, trong một tác phẩm, tác giả J.L. Maisonneuve đã trình bày và biện minh một giả thuyết là Hội Thánh (Kitô giáo) đã bịa đặt ra biến cố Đức Kitô Sống Lại (10). Trong giới hạn của cuốn sách Tâm lý này, tôi không có ý định, khảo sát giả thuyết động trời ấy. Tôi chỉ muốn lưu tâm tác giả một điều : Tôi có thể nói láo, bịa đặt nhiều lần. Nhưng mỗi lần, một vấn đề khác. Nếu qua lần thứ hai, cùng một người ấy nghe tôi lặp lại y nguyên, họ bắt đầu không tin.

Tôi cũng có thể nói láo cho nhiều người, một lần mà thôi. Qua lần thứ hai, cả một tập thể ấy không thể cho phép tôi bịa đặt thêm. Cho nên tôi không tin : Cả một tập  thể đông đảo có thể đón nhận một điều bịa đặt, từ đời này qua đời khác, trong vòng 2000 năm !

Một đứa bé mới sinh đã biết phản đối, khóc la inh ỏi hay là trầm mình trong bệnh hoạn, khi người mẹ thuyên giải quá xa vời, không sát gần với thực tại của nó ! Huống hồ cả một cộng đồng làm sao thinh lặng hèn nhát, để kẻ khác "bịa đặt Đức tin" cho mình !

 

· Chất lượng thứ bốn là điều hướng.

Khi người mẹ tiếp xúc, có mặt với con một cách tích cực, bà "không gặp chăng hay chớ". Bà không chờ đợi quả sung từ trời rơi vào đúng miệng của đứa con. Trái lại, bà điều hướng nghĩa là dẫn dắt con đi từng bước một, trên con đường thành người. Bà có chủ đích rõ rệt. Trước đây, bà đã cưu mang con trong cung dạ, suốt chín tháng trời. Hôm nay, bà cưu mang con trong tâm tưởng. Bà sẵn sàng. Bà nghe ngóng. Bà nắm bắt mọi thời cơ. Bà đi theo con, Pacing. Từ đó, bà chia sẻ cho con những gì là ý nghĩa làm người. Bà nắm tay, dẫn con đi từng bước một, nhất là trên con đường văn hóa :"học ăn, học nói, học gói, học đùm". Một cách đặc biệt, ngôn ngữ, tiếng mẹ đẻ là chứng tích hiển nhiên nhất của con đường văn hóa. Bà mẹ Việt Nam đã hò ru con bằng lời ca dao, tục ngữ :

- Mẹ già như chuối ba hương...

- Công cha như núi Thái Sơn ...

- Bầu ơi thương lấy Bí cùng ...

- Ta về ta tắm ao ta ...

Nói được, mỗi khi gần con, bà mẹ trùng tuyên cho con cả kho tàng văn hóa do cha ông, tổ tiên truyền lại từ ngày Lạc Long Quân kết duyên với bà Âu Cơ.

Một bà mẹ Việt Nam đơn sơ, mộc mạc ở một làng quê hẻo lánh đã có khả năng làm công tác văn hóa. Bà đã ý thức mình đại diện một Thực Thể Bao La và Trọng Đại. Trong từng lời ca, giọng hát của Bà, có Trời, có Đất, có từng từng lớp lớp những người đi trước ... Đồng thời, bà đã chuẩn bị những thế hệ Trưng Trắc, Trưng Nhị, Nguyễn Trải, Trần Hưng Đạo cho hôm nay và ngày mai.

Chừng ấy nhận xét cho chúng ta thấu hiểu trong xương da máu thịt của mình tại sao Freud gọi bà mẹ là Siêu Ngã của Đứa Con, tại sao bà là vị sứ giả đại diện của nền văn hóa. Nhờ bà làm Siêu Ngã để sáng soi, hướng dẫn, bày tỏ con đường Tất Yếu Anankè ; đứa con mới có khả năng trở thành người, trở thành bản ngã. Nó mới hãnh diện tự khẳng định mình là "Tôi", chứ không "ném đá giấu tay", không "treo đầu heo, bán thịt chó".

 

· Chất lượng thứ năm là phản ảnh

Nếu bà mẹ có phận vụ làm siêu ngã, như tôi vừa mới trình bày và quảng diễn, siêu ngã ấy không áp đặt từ trên một cách độc tài. Siêu ngã ấy không "chỉ tay năm ngón", nghĩa là lèo lái từ ngoài. Mẹ đồng hành và chia sẻ. Mẹ là tấm gương soi, trong đó đứa con thấy mình có giá trị. Nó thấy mình dễ thương vì được thương và coi trọng. Nó ý thức mình làm được nhiều điều, có khả năng sáng tạo, biết làm : làm gì, làm cách nào, làm ở đâu, làm khi nào.

Rốt cuộc, con đường tất yếu Anankè không nằm bên ngoài như một gánh nặng, một gông cùm làm tổn thương.

Con đường ấy là văn hóa, được hội nhập và nội nhập, trở thành xương da, máu thịt của tôi. Cái biết trở thành một khả năng hài hòa, tự nhiên, thoáng thoát. Tiếng mẹ nói hằng ngày trở thành tiếng mẹ đẻ của tôi, đến độ, khi mơ tôi cũng mơ bằng tiếng mẹ đẻ.

Theo nhận xét của các nhà tâm lý nghiên cứu về trẻ em, như M. Mahler, chung quanh tuổi đời một năm, đứa bé bắt đầu có khả năng hình dung mẹ trong nội tâm, khi mẹ vắng mặt. Nói cách khác, nó giữ hình ảnh của mẹ trong tâm tưởng. Nó nhớ lời mẹ tiên báo cho nó mẹ đi đâu, khi nào mẹ trở về. Nhờ đó, nó yên tâm, để mẹ ra đi mà không hoảng sợ mẹ sẽ biến mất.

Tuy nhiên, phải đợi đến bốn tuổi, đứa bé mới có khả năng có hình ảnh nhất thống về mẹ. Trước đó, theo cách nó nhận thức, mẹ có nhiều phần kết ráp vào nhau một cách lộn xộn : mẹ hiền, mẹ dữ, mẹ thương ba, mẹ thương mình, mẹ tóc ngắn, mẹ tóc dài ... Bây giờ, mẹ là mẹ của mình. Ngoài tư cách "Mẹ", những yếu tố khác không quan trọng, không trở thành vấn đề.

Cũng nhờ đó, từ bốn tuổi, một đứa bé có thể học chăm sóc một trẻ khác nhỏ hơn. Trong trò chơi với búp-bê, nó đã học "làm mẹ" cho kẻ khác.

 

· Chất lượng thứ sáu là đi vào con đường tự lập, sáng tạo.

Sở dĩ vào lúc bốn tuổi, đứa bé có thể tách rời khỏi mẹ một cách yên ổn vững vàng, không khóc la phản đối ... là nhờ bà mẹ đã dạy cho con sống tự lập, từ tuổi hai tháng. Tự lập lúc hai tháng chỉ kéo dài mấy phút. Lúc bốn tuổi, người mẹ có thể xa con suốt ngày.

Bài học dạy con sống tự lập như vậy bao gồm nhiều yếu tố.

- Yếu tố thứ nhất, người mẹ nhận thức rằng cuống rốn nối kết mẹ con, khi bào thai còn sống trong dạ mẹ, đã được cắt lìa, ngày nó sinh ra. Từ đó, đứa con đã được bà cư xử đối đãi như một chủ thể độc lập. Đứa con không phải là chi thể của bà.

- Yếu tố thứ hai, thay vào cuống rốn, người mẹ đã có mặt thường xuyên, liên tục và tích cực với đứa con. Bà đã thiết lập những quan hệ gắn bó. Bà đã đổ đầy cho con năng lực tình yêu, để cho nó sống ; cũng như bà đã cho con ăn đầy đủ sinh tố.

- Yếu tố thứ ba, bà mẹ đã tôn trọng hai cử động của đứa con mở ra để đón nhận và đóng lại khi cần nghỉ ngơi. Nói cách khác, bà là vòng tay ôm, khi đứa con cần hơi ấm. Nhưng khi đứa con muốn vùng vẫy, vận động, bà vẫn cho phép con tạo khoảng cách, xa lìa khỏi mình. Tuy nhiên, cả trong lúc đứa con đi ra, bà vẫn có mặt tích cực, tạo an toàn ; để đứa con tha hồ mạo hiểm, học tập mà không gặp nguy cơ lửa đốt, nước sôi, thuốc rầy ngộ độc hay là té ngã, gãy tay, gãy chân.

Nói cách khác, bà linh động. Nhờ đó đứa con không ngột ngạt, lệ thuộc, theo sát mẹ như bóng và hình. Đồng thời, bà có mặt tạo mọi an toàn cần thiết cho đứa con xuôi ngược, vùng vẫy.

Sự có mặt của bà cho phép đứa con học bài học tự lập, làm chủ thể hay là làm người.

Trong ngôn ngữ của M. Mahler, bà mẹ là bàn đạp để cho đứa con đi ra (11) . Đồng thời, bà là trạm dừng chân, để cho đứa con lấy lại sức lực, đổ đầy "xăng nhớt tâm linh". Nhờ đó, nó sẽ hăng hái tiếp tục lên đường ngày mai.

Theo lối nói ngày nay, bà là một cơ cấu, một cấu trúc cho phép đứa con tổ chức cuộc đời một cách dễ dàng và thoáng thoát. Cấu trúc được mô tả như hai bờ sông tả ngạn và hữu ngạn hướng dẫn dòng nước đi tìm lòng Đại Dương.

Trong tinh thần và ý nghĩa có mặt trong cách xử thế của bà mẹ biết dạy con, tôi rút ra định nghĩa cho công việc thuyên giải như sau :

1.- Thuyên giải có nghĩa là tìm ra một ý nghĩa để sống hay là hành động, khi tôi đứng trước một thực tại mênh mông, phức tạp, năng động.

2.- Khi thuyên giải như vậy, tôi không bịa đặt hoàn toàn. Tôi dựa vào những sự kiện cụ thể, những biến cố khách quan. Tuy nhiên, tôi chủ động chọn lựa, tìm ra một ý nghĩa cho tôi, trong nhiều ý nghĩa khác nhau.

3.- Khi ý nghĩa ấy có liên hệ đến người khác ; sau khi tôi chủ động, tôi tôn trọng quyền chủ động của họ, bằng cách lắng nghe, ghi nhận, hiểu biết ý kiến đóng góp của họ.

4.- Hai ý kiến của họ và của tôi phải tương tức và tương sinh nghĩa là bổ túc, kiện toàn cho nhau. Ý kiến cuối cùng không còn là của tôi, của họ. Nhưng là của « CHÚNG TA ».

5.- Công cuộc thuyên giải  không chấm dứt ở đó. Nhờ kết quả cụ thể, họ và tôi cần thường xuyên ngồi lại kiểm chứng, đổi mới. Bởi vì thực tại chuyển biến thường xuyên, ý nghĩa cần được thuyên giải một cách liên tục, từ ngày này qua ngày khác.

6.- Thuyên giải như vậy là chứng tích của con người có văn hóa, biết tự trọng và tôn trọng kẻ khác cùng đồng hành và chia sẻ với mình. Thêm vào đó, con người có văn hóa tin vào mình và tin vào người.

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!