.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Phần I : Chúng ta không thể không thuyên giải

Chương I, 1 : Giai đoạn Cửa Vào

Chương I, 2 : Giai đoạn Biến Chế

Chương I, 3 : EROS, THANATOS và ANANKÉ (6)

Chương I, 4 : Mẹ thuyên giải con theo D.W. Winnicott

Chương I, 5 : Thuyên giải là gì ?

Chương I, 6 : Điểm bế tắc

Phần II : Tư duy cấu trúc

Chương II, 1 : Nhân và quả giao thoa chằng chịt, qua lại

Chương II, 2 : Khả năng định hướng cuộc đời

Chương II, 3 : Chia sẻ, đồng hành : Một con đường tất yếu Anankè

Chương II, 4 : Mở đường cho vô thức đi ra vùng ánh sáng

Chương II, 5 : Lắng nghe, học hỏi, nhìn nhận để "Tái sinh nhau, nhờ nhau".

Phần III : Những vấn đề của chúng ta

Chương III, 1 : Ngôn ngữ của giấc mơ cần lắng nghe và phát hiện

Chương III, 2 : Khám phá ba loại vấn đề trong mỗi câu chuyện trao đổi hay là trong mỗi giấc mơ

Chương III, 3 : Hóa giải

Phần kết luận : Giấc Mơ của người Việt Nam

Sách Tham Khảo

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Khung trời mở rộng bằng con đường thuyên giải
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
CHƯƠNG II, 5 : LẮNG NGHE, HỌC HỎI, NHÌN NHẬN ĐỂ "TÁI SINH NHAU, NHỜ NHAU".

 Bộ môn thứ năm của Tư duy Cấu trúc mang tên là "Learning organization " . Mỗi khi biết chia sẻ, đồng hành, tự khắc chúng ta họp thành một nhóm, một tập thể, một tổ chức hay là một cộng đồng học hỏi với nhau, nhờ nhau. Từng ngày chúng ta bổ túc, kiện toàn cho nhau, thay vì khai trừ, loại thải nhau.

Nói khác đi, từng người trong chúng ta có quyền khác biệt ; nghĩa là :

- có quyền phát biểu quan điểm,

- có quyền được lắng nghe, trân trọng,

- có quyền được hiểu biết, đồng cảm,

- có quyền được nhìn nhận và cư xử như một con người có giá trị độc đáo,

- có quyền đóng góp phần mình, khi một vấn đề xảy ra trong lòng quê hương hoặc nhân loại.

Để chuyển biến bộ môn "học hỏi cộng đồng" này thành những động tác cụ thể, những cách "biết làm" hằng ngày, theo lối trình bày của ba tác giả D. Stone, B. Patton và S. Heen, thuộc Đại học Harward, Mỹ, chúng ta hãy tập nhìn với con mắt thứ ba, lắng nghe với lỗ tai thứ ba, kể ra những câu chuyện với tư cách là một con người thứ ba .

Trong lối nói thời trang ngày nay, con người thứ ba là con người toàn đồ. Họ vừa có khả năng diễn tả và trình bày chính mình. Nhưng đồng thời, họ cũng có khả năng cưu mang, ấp ủ câu chuyện, tâm sự của mọi người cùng hiện diện. Trong mỗi thành phần, có Đại thể. Và trong Đaị thể, có mỗi thành phần. Đó là ý nghĩa của toàn đồ ; được gọi là Hologram trong tiếng  Anh.

5.1.- Nhìn với con mắt nghị nguyên

Rải rác trong những điều tôi trình bày trên đây, tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng :

Bao nhiêu vấn đề tràn lan giữa người với người, đều xuất phát từ lối nhìn nhị nguyên : Tao đúng mày sai. Tao tốt mày xấu. Tao có lý mày vô lý.

Người bị tôi cư xử như vậy sẽ có phản ứng tấn công, trả đũa hay tự vệ.

Trong chiều hướng tư duy và hành động như thế, cuộc sống của con người là một cuộc đấu tranh liên lỉ, ngụp lặn trong bạo động và hận thù, kỳ thị và chiến tranh.

Thay vì làm người, chúng ta làm muông sói đối với nhau.

Để hóa giải tình trạng này, lối nhìn « với con mắt thứ ba » đáng được chúng ta lưu tâm và khảo sát.

5.2.- Nhìn với con mắt thứ ba

Chấp nhận người khác có quyền khác biệt đối với chúng ta : đó là lối nhìn " bất nhị " hoàn toàn mâu thuẫn với lối nhìn nhị nguyên. Khả năng thấy được điều ấy là hoa trái của một công trình tôi luyện, học hỏi suốt cuộc đời.

Đó cũng là một tiến trình bắt đầu từ bên trong nội tâm và cuộc đời của chính mình. Hẳn thực, bao lâu lối nhìn về tôi chưa được tôi chuyển hóa tận gốc rễ, tôi sẽ không thể nào đổi mới mọi quan hệ tiếp xúc và trao đổi giữa tôi với người khác.

Nói khác đi, để có thể nhìn người khác với con mắt thứ ba, tôi bắt đầu nhìn tôi với con mắt thứ ba.

5.2.1.- Nhìn mình với con mắt thứ ba

Lối nhìn này bao gồm một số động tác cụ thể sau đây :

- Động tác một : Tôi là một giá trị nội tại.

Không khởi phát từ nền tảng đầu tiên này, tất cả những điều còn lại đều là láo khoét, bịa đặt !

Làm sao phát triển, dạy dỗ một em bé khuyết tật tâm thần, nếu chính chúng ta "khuyết tật" về giá trị làm người.

Không "biết mình" là ai, mang trong mình chất liệu nào, làm sao chúng ta có thể biết các em ấy.

"Khuyết tật tâm thần" chỉ là một nhản hiệu. Đằng sau bảng tên ấy, chúng ta cần nhận ra một con người có quyền sống. Có quyền lớn lên. Có quyền làm một em bé đi học, như mọi trẻ em khác. Mặc dù các em khuyết tật đến độ nào ... Không có thái độ nhìn nhận này tất cả công việc dạy dỗ của chúng ta sẽ trở thành vô hiệu.

"Khuyết tật" chỉ là một vết thương của cuộc sống, không đánh mất giá trị và tư cách làm người của một ai cả. Nói khác đi, đó không phải là một bản án chung thân, có hiệu lực truất phế tước vị làm người.

Nói đến "giá trị nội tại", tôi không muốn triết lý dài dòng, xa vời. Trong một cuốn sách Tâm lý, tôi chỉ muốn giữ lại một định nghĩa đơn sơ, dễ dàng : đó là quyền được kẻ khác yêu và yêu kẻ khác. Khi yêu như vậy, tôi vừa cho vừa nhận.

Khi dạy một trẻ em khuyết tật, nếu người giáo viên không thấy được rằng : Em ấy đang cho tôi rất nhiều, em ấy đang yêu tôi ... người giáo viên ấy cần dừng lại với câu hỏi từ bản thân mình : Tôi đang cho gì đây ?

Sở dĩ tôi không thấy giá trị nơi người khác, là vì tôi không thấy mình là một giá trị. Tôi đánh đập kẻ khác, vì tôi đang xử tệ với bản thân mình, coi mình là đồ vật, là nạn nhân.

Cũng vì những quan hệ hai chiều qua lại như vậy, con người có ý thức về giá trị tự tại ; tự nhiên toát ra ngoài lòng vị tha. Họ thấy mình trong người. Và thấy người cũng có mặt trong mình. Giữa chúng ta và người khác -- bất kỳ người khác ấy là ai -- có những ràng buộc chặt chẽ mang tên là liên đới, tương tức.

- Động tác hai : Tôi tin vào tôi.

Một khi tôi thấy mình là một giá trị tự tại, không gì có thể lay chuyển bản thân và cuộc đời tôi. Tư cách này, như tôi đã nói tới trước đây, mang tên là "vô úy". Tôi không sợ. Tôi tin vào nội lực đang có sẵn trong tôi.

Điều nào tôi đã biết, tôi kiện toàn, bổ túc.

Điều nào tôi chưa biết, tôi lắng nghe, học hỏi, đón nhận.

Theo lối nhìn của Tư duy Cấu trúc, khi tôi tự tin, tôi vun trồng, tưới tẩm hai tư cách làm người sau đây : tôi biết chờ đợi, không nôn nóng. Thêm vào đó, tôi chuyển biến những khó khăn, trắc trở thành cơ may để thăng tiến bản thân và cuộc đời. Mỗi vấn đề được tiếp cận như một thách đố thuận lợi.

- Động tác ba : Khi tôi nhìn và thuyên giải thực tại bên ngoài ; một đàng, tôi suy luận cách rõ ràng, trong sáng. Tôi kiểm chứng kết luận với những sự kiện khách quan, cụ thể. Đàng khác, tôi ý thức một cách sáng suốt rằng : điều tôi nhìn thấy chỉ là một phương diện của thực tại. Cho nên, tôi không nuôi ảo tưởng và tham vọng chiếm độc quyền về sự thật. Quan điểm của người khác cũng chuyển tải một phần sự thật.

- Động tác bốn : Tôi học tập thường xuyên để hiểu rõ những đường đi nẻo về  của đời sống xúc động, bằng những thái độ sau đây :

 

· Thái độ thứ nhất là trân trọng lắng nghe.

Lắng nghe xúc động cũng là lắng nghe chính mình.

Cẩn trọng xúc động cũng là tôn trọng chính mình.

Thêm vào đó, những nhu cầu xúc động của tôi cũng có giá trị ngang bằng nhu cầu của kẻ khác. Cho nên tôi thức tỉnh: không khinh bên này, không trọng bên kia, để đánh mất cán cân thăng bằng nội tâm.

 

· Thái độ thứ hai là thương lượng với xúc động.

Giữa hai giai tầng của nội tâm, một bên là lối nhìn, cách thuyên giải thực tại, bên kia là những phản ứng thuộc đời sống xúc động, có những quan hệ nhân quả hai chiều qua lại. Cho nên, mỗi lần một xúc động xuất hiện, điều tôi cần khám phá và phát hiện là : Tôi đang thấy gì ? Tôi đang nghe gì ? Tôi đang tiếp xúc với ai ? Ngoài ra xúc động của tôi đang bắt nguồn từ một định kiến nào đã có sẵn ? Sau hết, xúc động hiện tại này đang đánh thức hoặc phục hồi một kinh nghiệm đau thương nào đó trong quá khứ xa xưa ?

Khi rút giây như vậy, tôi có thể đụng đến cả một khu rừng rộng lớn. Trong tinh thần và ý nghĩa này, thương lượng với xúc động là khám phá những ràng buộc mật thiết và sâu xa :

- giữa xúc động này với nhiều xúc động khác,

- giữa một xúc động và một quan điểm,

- giữa xúc động và lòng tự tin,

- giữa xúc động và quan hệ tình cảm của tôi với một người khác,

- giữa xúc động và những tác phong như phê phán, qui chụp hay là kết án, đổ lỗi ...

 

· Thái độ thứ ba là diễn tả, chia sẻ, với sứ điệp ngôi thứ nhất, để nhấn mạnh một điều có tầm mức quan trọng trong bản thân và cuộc đời.

Khi hành động như vậy, tôi yêu cầu kẻ khác lắng nghe và nhìn nhận chủ quyền cũng như giá trị của tôi.

"Mỗi lần bạn hẹn mà không giữ lời hẹn, tôi cảm thấy trong mình khó chịu, bực bội, xao xuyến. Khi lo, tôi dễ tưởng tượng những tai nạn xảy ra cho bạn. Điều quan trọng nhất, là tôi không muốn làm một người bị bỏ rơi, không được coi trọng ..."

Thiếu điểm thứ ba này, chúng ta không thể hóa giải xúc động một cách tốt đẹp và thích ứng với nhu cầu cơ bản của chúng ta. Hẳn thực, khi tôi khẳng quyết về mình như vậy, tôi nhìn nhận tôi là người có giá trị và có chủ quyền.

 

5.2.2- Nhìn người khác với con mắt thứ ba

Khi đã tôi luyện khả năng nhìn mình, như vừa được quảng khai, chúng ta sẽ dễ dàng kêu mời, khuyến khích và cho phép kẻ khác cũng nói về mình như vậy.

Những câu hỏi chúng ta đưa ra nhằm tạo điều kiện cho người ấy nhìn mình và ý thức về mình càng lúc càng rõ ràng hơn.

Và trong khi kẻ khác nói về mình, thái độ của chúng ta là lắng nghe, cẩn trọng, nhìn nhận họ với những giá trị và chủ quyền mà tôi đã liệt kê trên đây.

Thậm chí, khi họ sử dụng lời lẽ phê phán, tố cáo, đổ lỗi, chúng ta cũng phát hiện và nhìn nhận nhu cầu tình cảm đang bị che lấp ở bên dưới. Giữa lúc này, thái độ của "con mắt thứ ba" là làm chủ bản thân mình và NHÌN NHẬN, thay vì bị động, hay là có những phản ứng tự vệ và tấn công trả lại.

"Qua lời bạn phát biểu, bạn đang thấy trong vụ này, lỗi hoàn toàn thuộc về tôi.

Nghe bạn nói những điều ấy, tôi cảm thấy bạn đang bực tức, bất mãn và buồn phiền. Bạn có thể chia sẻ thêm về bao nhiêu nỗi lòng ấy. Tôi muốn lắng nghe bạn, trước khi trình bày hoàn cảnh và ý kiến của tôi."

Khi "nhìn nhận" như vậy, chúng ta không làm cho bầu khí bị ô nhiễm, giữa chúng ta và người đối diện.

Thay vì đi qua giai đoạn nhìn nhận này, nhiều người đã muốn nhận lỗi về phía mình ; để tránh phiền hà, xung đột. Số người khác lại có xu thế làm thinh. Cả hai thái độ này đều không thích ứng với hoàn cảnh. Xúc động chỉ bắt đầu được hóa giải, chừng nào được Nhìn nhận.

 

5.3.- Thảo luận và Đối thoại

Xuyên qua tất cả những nhận định về "phương pháp nhìn với con mắt thứ ba", mỗi lần chúng ta cùng ngồi lại với nhau, chúng ta đã học và dạy. Nhận và cho. Lắng nghe, đồng hành, trao đổi, cẩn trọng và nhìn nhận nhau. Chúng ta đóng góp cho nhau rất nhiều trên bình diện "học làm người" ; nghĩa là sống những quan hệ hài hòa, tốt đẹp và hạnh phúc với nhau.

Ở đây một lần nữa, tôi xin nhắc lại và nhấn mạnh rằng điều cơ bản đầu tiên và cuối cùng cản trở chúng ta học như vậy là tư tưởng hay là não trạng nhị nguyên : chúng ta không chấp nhận và nhìn nhân quyền khác biệt của kẻ khác .

Nhân cơ hội này, tôi nói thêm một vài điều về cách giải quyết vấn đề với con mắt thứ ba. Một cách đặc biệt, tôi sẽ trình bày "phương pháp diễn kịch tâm lý" thường được sử dụng trong những buổi thảo luận hay là khóa tu nghiệp.

*****

Trong cách giải quyết vấn đề "với con mắt thứ ba", không có kẻ thắng người thua. Ai ai cũng học làm người. Ai ai cũng thắng. Nói khác đi, giải quyết vấn đề chỉ là động tác thứ năm, trên một tiến trình đã khởi đầu trong nội tâm và đang chi phối thể thức quan hệ giao tiếp giữa những người cùng ngồi lại, cùng học với nhau. Trên đây, trong số 5.2.1, tôi đã nói tới bốn động tác ấy.

Trong lăng kính này, bao lâu chưa "Nhìn nhận" nhau, chúng ta không thể cùng nhau giải quyết vấn đề theo chiều hướng chia sẻ và đồng hành, trao đổi và đối thoại.

Trái lại, với bầu khí "nhìn nhận nhau", những  thành viên có mặt sẽ buông xả những thái độ nghi kỵ, tự vệ. Họ sẵn sàng bộc lộ mình, trở thành trong sáng trước "con mắt thứ ba" của mọi người. Nét khác biệt của từng người sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, không ai loại trừ ai. Không ai áp đặt ý kiến và lập trường của mình cho người khác. Không ai lên mặt dạy đời. Tôi chỉ đóng góp phần mình, từ vị trí của tôi. Đó là vị trị của một bộ phận, có quan hệ gắn bó với toàn cơ thể.

Chính tinh thần "vô trước" nghĩa là không bám chặt vào những phân biệt hơn thua, trên dưới, sẽ làm cho mỗi người trở thành cởi mở, đón nhận người khác.

 Nói tóm lại, khi đối thoại, tôi trở thành “chân không”, trống rỗng hoàn toàn. Nhờ đó tôi có khả năng lắng nghe, chấp nhận và nhìn nhận mọi người. Học với mọi người. Can đảm từ bỏ cái tôi nhỏ bé để trở thành CHÚNG TA. Hẳn thực, khi đi vào lòng biển cả, hạt nước không đánh mất bản chất, hoặc gốc rễ của mình.  Trái lại, hạt nước chỉ nhận thêm: trở thành biển cả trong từng hơi thở, cử điệu và nhịp tim của mình.

Với phương pháp "diễn kịch tâm lý", mỗi học viên trong một nhóm thảo luận, hay là trong một khóa bồi dưỡng sẽ có khả năng thân chứng hay là cảm nghiệm thế nào là vừa nhận vừa cho, khi chính họ lột bỏ khỏi bản thân mình mọi khí giới tự vệ.

- Trong giai đoạn một, nhóm đưa ra một vấn đề với nhiều điểm bế tắc cần được khai mở.

- Trong giai đoạn hai, mỗi người chia sẻ cho bạn bè : mình đã gặp vấn đề trong hoàn cảnh cụ thể nào ...?

- Trong giai đoạn ba, tùy thời lượng cho phép, từng nhóm nhỏ tình nguyện trình diễn vấn đề ấy, một cách cụ thể, trước mặt toàn nhóm. Từng diễn viên trình bày thể thức đối ứng của mình, một cách bộc trực, tự nhiên ... không có những chuẩn bị và toan tính sắp đặt từ trước.

- Trong giai đoạn cuối cùng, mỗi thành viên trình bày cho toàn nhóm : mình đã học được  gì ; mình rút tỉa được kinh nghiệm quí hóa nào cho đời sống hoặc công việc hằng ngày.

Chính người hướng dẫn sẽ vận dụng kinh nghiệm và khả năng sáng tạo của mình, để đề nghị cho các diễn viên một hoàn cảnh đặc biệt có quan hệ trực tiếp với vấn đề được nêu lên. 

Thông thường, nhiều nhóm sẽ có những cách thức trình bày khác nhau ; có khi rất mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên, sau kinh nghiệm diễn kịch này, nếu mỗi người ý thức được rằng : trước một vấn đề, không bao giờ có một giải đáp duy nhất và tuyệt đối ... kinh nghiệm đã mang lại kết quả mong muốn.  

Nhờ đó, trong cuộc sống bản thân và nghề nghiệp, họ sẽ có khả năng sáng tạo. Và sáng tạo, trong điều kiện và thân phận làm người, có nghĩa là ngày ngày "mở rộng khung trời" để đón nhận người anh chị em và điều chỉnh lề lối thuyên giải cuộc đời, nhờ họ, với họ.

Trong tinh thần và lăng kính ấy, khi hai ba người chấp nhận ngồi lại đối thoại với nhau, họ nhìn nhau với "con mắt thứ ba". Từ đó họ Nhìn nhận nhau. Và khi sống những quan hệ hai chiều ấy, họ sẽ "tương sinh", nghĩa là nuôi dưỡng nhau, sinh thành nhau. Họ biến cuộc đời đầy chông gai, cạm bẫy, thành một con đường bao la và cao cả.

 

"Công việc Em là biến Không thành Có,

"Hóa bóng đêm thành Mặt Trời rạng tỏ,

"Chuyển luân rác nuôi sống những cánh đồng,

"Giữa sa mạc, làm tuôn chảy dòng sông,

"Trong chết chốc, vun trồng hạt mầm sống

"Đường CHÚNG TA : Thứ tha và Hy vọng !"

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!