.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Chương I : Lắng nghe và yêu thương

Chương II: Làm sao chứng minh cho người đang nói là họ được lắng nghe

Chương III : Giá trị "Thanh tẩy" của lắng nghe

Chương IV : Những cạm bẫy khi lắng nghe

Lời cuối : Một lời xin lỗi và một lời cám ơn

Trắc nghiệm "Biết mình"

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Lắng Nghe, Một Quà Tặng Vô Giá !
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
CHƯƠNG II: LÀM SAO CHỨNG MINH CHO NGƯỜI ĐANG NÓI LÀ HỌ ĐƯỢC LẮNG NGHE

 Chương một đã bàn về thái độ và tác phong lắng nghe. Hẳn thực, đây là một  kỹ năng khoa học kỹ thuật cần được thực tập và tôi luyện thường xuyên, để trở thành một cách làm tự nhiên, dễ dàng, khéo léo. Tuy nhiên kỹ năng thuần đơn, máy móc chưa phải là "điều kiện đủ". Cái "tài" bên ngoài phải xuất phát từ một tư cách, một chất lượng làm người. Tôi lắng nghe kẻ khác vì tôi là người và tôi đãi ngộ người ấy với tư cách là người. Tôi giúp người ấy thành người.

Thiếu tinh thần nầy, lắng nghe chỉ là một kỹ thuật nhằm lèo lái, thuyết phục, gây ảnh hưởng. Tôi lắng nghe, lúc bấy giờ, chỉ vì đó là một nghề làm ăn sinh sống. Nhưng tôi sẽ chẳng bao giờ là một tay nghề thành thạo vì thiếu ý thức "làm người". Và người "thân chủ" không cảm thấy mình được thăng tiến về mặt làm người.

Vấn đề cần giải quyết trong chương hai nầy là phải làm gì cụ thể, để chứng minh cho người đang nói là họ được lắng nghe thật sự. Nhờ đó, tôi lại gần. Tiếp cận. Và hiểu biết họ.

Thứ nhất: bằng cách sử dụng ngôn ngữ "không lời", tôi thiết lập những quan hệ gần gũi, tương đồng với người đối diện.

Thứ hai: Tôi "phản ảnh", làm tiếng vọng" để giúp cho người đang phát biểu ý thức về mình.

Thứ ba: Tôi đặt câu hỏi nhằm giúp người nói mở rộng và đào sâu câu chuyện tâm sự về mình.

 

2.1- Xây dựng quan hệ tương đồng

Người xưa đã dạy chúng ta:

"Đồng thanh tương ứng

Đồng khí tương cầu".

"Ứng" là đối đáp qua lại, trao đổi, chia sẽ, thích hợp với nhau.

"Cầu" là xin nhau và cho nhau, nghĩa là cần nhau, tìm cách lại gần, gặp gỡ nhau.

Khí là yếu tố khách quan bên ngoài, thuộc cơ thể hoặc thân xác . Chúng ta có thể khám phá và ghi nhận bằng các giác quan bên ngoài: Cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, nụ cười, liếc nhìn, hơi thở, y phục... Thanh là những gì được phát biểu, diễn tả qua lời nói tiếp xúc, trao đổi.

Cầu ứng, trái lại là những nhu cầu, tâm trạng và thái độ bên trong tâm hồn.

Trên đây trong chương một, khi giải thích về "khung qui chiếu là gì", tôi đã liệt kê và mô tả những yếu tố căn bản lập thành cơ cấu và tình trạng của nội tâm. Cơ cấu là lối nhìn, kiến giải, kiến thức hoặc tư duy. Tình trạng nội tâm trái lại bao gồm những tình cảm và xúc động, tích cực cũng như tiêu cực, làm nên những động cơ thúc đẩy  chúng ta đi tới, hoạt động thực hiện. Tâm trạng cũng có thể là những trở ngại, án ngữ, bẻ gãy hay là làm tê liệt sức sống vươn lên. Thông thường, đó là những  tình huống lo buồn và khổ đau.

Để có thể tìm hiểu và thay đổi nội tâm, trên bình diện lối nhìn hay là động cơ hoạt động, chúng ta không có phương tiện tác động nào khác, ngoài khả năng thích ứng và điều chỉnh khí và thanh. Khí là ngôn ngữ "không lời". Thanh là ngôn ngữ "có lời".

Kỹ năng "đồng khí" được đề cập trong phần một nầy.

Kỹ năng "đồng thanh", sẽ là đề tài được bàn khảo trong hai phần sau.

***

Đồng khí là kỹ thuật thiết lập hoặc xây dựng một mảnh đất chung, một vùng tương đồng giữa người và ta (5).

Trong giai đoạn một, chúng ta quan sát kỹ lưỡng những yếu tố khác nhau được người đối diện sử dụng, trong lãnh vực ngôn ngữ không lời của họ:

- Nhịp thở của họ thế nào,

- Họ ngồi hay đứng,

- Họ hướng lối nhìn đến chỗ nào,

- Hai tay họ đặt ở đâu,

- Thân hình dựa lui, nghiêng tới hay là giữ thẳng,

- Hai chân đụng đất hay là chân nầy tréo lên chân kia...

Sau khi người đối diện đã tương đối ổn định những tư thế, điệu bộ, cử chỉ, chúng ta bước vào giai đoan hai:

- Chọn một hoặc hai yếu tố tùy ý thích và tình trạng đứng ngồi lúc ấy của chúng ta.

- Chúng ta khuôn đúc lại yếu tố ấy trên cơ thể của chúng ta.

- Khuôn đúc không có nghĩa là bắt chước y nguyên và lộ liễu.

- Một cách kín đáo, tế nhị chúng ta lặp lại toàn bộ hay là chỉ một phần nhỏ của yếu tố được chọn lựa.

- Ví dụ: Chúng ta thở cùng một nhịp đìệu, chúng ta để tay ngang qua bụng, khi người nói đang tréo chân trên đầu gối.

- Chúng ta tránh tối đa những cử chỉ điệu bộ hoàn toàn tương phản như họ đứng ta ngồi; họ nhìn xuống, ta nhìn lên; họ có nét mặt u sầu, mặt mày chúng ta rạng rỡ.

Sau vài ba phút, chúng ta đi qua giai đoạn ba, bằng cách nhẹ nhàng thay đổi yếu tố đã được chọn lựa trên chính thân thể của chúng ta. Nếu có hiện tượng phản ảnh, nghĩa là người đồi diện cũng thay đổi tư thế của mình, đó là dấu hiệu khách quan chứng minh rằng: quan hệ tương đồng đang xuất hiện giữa người và ta.

Và suốt buổi tiếp xúc, chúng ta không dừng lại, vẫn lưu tâm thường xuyên đến quan hệ tương đồng nầy.

Ý nghĩa của kỹ thuật nầy là chúng ta đặt trọng tâm vào người đối dìện, cố gắng phản ảnh một phần nào ngôn ngữ không lời của họ. Một cách đơn phương chúng ta tìm mảnh đất chung để cùng đứng với họ, bằng cách chọn lựa chính mảnh đất của họ. Chúng ta đến với họ, thay vì chờ họ đến với chúng ta. Chúng ta tiếp cận, vì một mục đích duy nhất: tìm hiểu họ.

Kỹ thuật nầy được sử dụng một cách đặc biệt với những trẻ em chưa biết nói, trước hai tuổi, và với những trẻ em khuyết tật tâm thần loại nặng. Bốn bác sĩ tâm thần có tầm cỡ quốc tế là D. Winnicott, D. Stern, T. B. Brazelton B. Cramer đã sử dụng kỹ thuật nầy  một cách nhuần nhuyễn, mỗi lần họ khám nghiệm trẻ em (6).

Theo D. Winnicott, vì không đứng trên "mảnh đất chung" nầy với đứa con, các bà mẹ đã có những tác phong lệch lạc khi nuôi dạy con:

Một, các bà trả lời hoăc thỏa mãn con quá sớm. Cho nên, lớn lên trẻ em thiếu khả năng tự chế, chờ đợi, suy tư, sáng tạo và tự lập

Hai, các bà trả lời quá chậm. Cho nên lớn lên, trẻ em thiếu tự tin.

Ba, các bà trả lời bên lề, không thích ứng với nhu cầu của trẻ em. Cho nên lớn lên, trẻ em thiếu khả năng đồng cảm, nghĩa là đọc được nhu cầu, tình cảm của kẻ khác trên khuôn mặt của họ.

Bốn, các bà trả lời một cách tư tiện, ngày hôm nay cách nầy, ngày mai cách khác. Cho nên lớn lên trẻ em không có khả năng hiểu biết những điều bình thường, đơn giản. Nếu mẹ đã khó hiểu, toàn thể cuộc đời đều khó hiểu.

Tác giả D. Goleman đã ghi lại nhận xét sau đây về hai cách thức xử sự của một bà mẹ về hai đứa con sinh đôi của mình. Sau hai năm, hai đứa con lớn lên với hai nhân cách hoàn toàn mâu thuẫn (7).

Bà Sara 25 tuổi có hai đứa con sinh đôi. Mark giống Mẹ. Fred giống Ba. Lối nhìn "giống ba, giống mẹ" nầy là nguyên nhân phát sinh hai lối cư xử khác nhau. Lúc lên 3 tháng, mỗi lần Fred ngoảnh mặt nhìn nơi khác, bà Sara thường đưa hai tay ép mặt con trở về hướng nhìn mẹ. Bà càng ép, Fred càng nhìn nơi khác. Fred càng nhìn nơi khác, bà càng bực tức ép con. Mark trái lại, nhìn đâu thì nhìn. Chỉ cần được mẹ gọi, Mark quay về nhìn mẹ lập tức.

Một năm sau, Mark là một đứa bé vui tươi, hồn nhiên. Fred thì sợ sệt, không tiếp xúc dễ dàng với người lạ mặt. Trước người khác,  Fred có tác phong thiếu tự lập, khép kín...

Cưỡng ép thay vì đồng hành, chia sẽ, cùng nhau tìm ra mảnh đất đứng chung phải chăng là nguyên nhân phát sinh những vấn đề có mặt giữa lòng nhân loại? Giữa người với người, cưỡng ép, khống chế là mầm mống sinh ra bạo động.

2.2- Kỹ thuật phản ảnh, làm tiếng vọng.

Lắng nghe và im lặng thường được đồng hóa với nhau. Tuy nhiên, im lặng ở đây không có nghĩa là im hơi lặng tiếng, không nói gì cả. Chúng ta im lặng nghĩa là chế ngự những vọng động đang thúc đẩy chúng ta cắt ngang lời nói của kẻ khác. Chúng ta thường có sức ép vô thức - còn gọi là xung năng - thúc buộc chúng ta can thiệp, đưa ra lề lối giải quyết. Chính vì sức ép nầy quá mãnh liệt, thay vì lắng nghe, tìm hiểu, đồng cảm, chia sẽ, chúng ta dựng lên những hàng rào án ngự, cấm cản người phát biểu bộc lộ hay là mặc khải chính mình. Thomas Gordon đã liệt kê 12 hàng rào án ngự sau đây (8) :

Một : sai khiến, dạy bảo, ra lệnh,

Hai  : đe dọa, đặt điều kiện,

Ba    : trình bày nguyên tắc luân lý,

Bốn  : đề nghị cách giải quyết,

Năm : thuyết phục, suy lý,

Sáu   : phê bình, chỉ trích, trách móc,

Bảy   : khen thưởng, tán đồng một cách tùy tiện,

Tám  : chê cười, mạ lị, gắn nhãn hiệu,

Chín  : giải thích, định bệnh,

Mười : an ủi, nâng đỡ, khuyến khích,

Mười một : điều tra, hạch hỏi,

Mười hai  : pha trò, tránh né, chuyển hướng.

Thông thường 12 hàng rào nầy được trình bày với sứ điệp ngôi thứ hai: mầy thế nầy thế nọ, mầy phải, mầy không được...Đó là 12 chủ đề chúng ta cần tuyệt đối im lặng, chế ngự, khi lắng nghe kẻ khác.

Ngược lại chúng ta phản ảnh, làm tiếng vọng để nhấn mạnh điều người đối diện vừa nói ra và chứng minh cho họ "họ đang được lắng nghe". Và điều họ nói có một tầm độ quan trọng đối với chúng ta.

Phản ảnh loại thứ nhất  là vọng lại một cách trung tín lời nói vừa được phát biểu:

"Nếu tôi không nghe lầm,...

"Theo như bạn nói,...

bạn...".

Thông thường trong câu nói "vọng lại" ấy chúng ta nhắc lại ý kiến vừa được phát biểu và trình bày, với những ngôn từ chính yếu đã được sử dụng.

Ví dụ:

Lời phát biểu: "Năm 1954, cha mẹ tôi di cư vào Nam. Trong khi nhà cửa, nghề nghiệp chưa ổn định, mẹ tôi đã sanh tôi ra trong nhà một người cô ở vùng Bà-rịa"

Lời vọng lại có thể có nhiều hình thức khác nhau:

2.2.1- "Bạn sanh ra ở Bà-rịa"

2.2.2- "Bạn sanh ra năm 1954"

2.2.3- "Bạn ra đời, khi cha mẹ bạn chưa ổn định nhà cửa, việc làm"

2.2.4- "Bạn đã sanh ra trong nhà bà cô".

Trọng tâm của câu nói là "biến cố sanh ra". Còn bao nhiêu ý kiến về môi trường và điều kiện sanh ra có thể thay đổi.

Chủ yếu của lời phản ảnh không phải là lặp lại nguyên văn câu nói từ đầu chí cuối. Bạn chỉ muốn chứng minh rằng bạn đã lắng nghe thực sự và yếu tố sanh ra đã được ghi nhận.

Phản ảnh loại thứ hai là vọng lại tâm tình của người phát biểu:

"Việc bạn sanh ra trong một hoàn cảnh bấp bênh đang là mối bận tâm của bạn!".

Trong lời phản ảnh nầy, chủ đề là "mối bận tâm". Mối bận tâm nầy không có mặt trong ngôn từ. Qua những tin tức, tôi đọc được tâm tình ấy và tôi chưa thể đặt tên, và gọi tên một cách chính xác. Tôi chờ đợi những lời phát biểu, để bổ túc lối nhìn của tôi. Tuy nhiên lối nhìn nầy không hoàn toàn chủ quan. Nó phát xuất từ ba tin tức khách quan: ngày sanh, nơi sanh và hoàn cảnh.

Tiếp nối câu nói phản ảnh của tôi, nếu người phát biểu đồng ý:

"Vâng, tôi thương cha mẹ tôi..."

Lúc bấy giờ tôi sẽ có thêm một dữ kiện bổ túc, kiện toàn.

Phản ảnh loại thứ ba là vọng lại lối nhìn hay là kiến giải của người phát biểu về chính mình, về người khác và về cuộc sống.

- "Dựa vào sự kiện..., bạn kết luận rằng: người ta ghét bạn..."

- "Theo lời bạn nói, ý kiến của bạn là..."

Trong các ví dụ trên đây, nhằm phản ảnh theo loại thứ ba nầy, tôi bắt đầu dựa vào những điều mà người kia đã nói ra.

Nói cách chung, khi chưa có dữ kiện rõ ràng, tôi hạn chế mình vào loại phản ảnh thứ nhất là vọng lại lời nói.

Khi có dữ kiện chính xác và đầy đủ loại phản ảnh lý tưởng luôn luôn kết hợp loại thứ nhất với loại thứ hai hoặc loại thứ ba.Thông thường, loại phản ảnh thứ hai, nếu chính xác và đứng đắn, sẽ mang lại nhiều lợi ích giải tỏa và trị liệu cho người phát biểu và chia sẽ: dần dần học sẽ ý thức "họ là ai?"

2.3- Đặt câu hỏi mở rộng

Sau khi đã thiết lập, cũng cố những quan hệ tương đồng, chúng ta sử dụng ba loại phản ảnh khác nhau, để người nói có thể nghe lại câu nói của mình đã phát ra. Từ đó dần dần họ ý thức về bao nhiêu tình cảm và xúc động đang có mặt trong nội tâm. Những tâm trạng hay cảm trạng nầy có liên hệ mật thiết với lối nhìn và kiến giải. Lối kiến giải nầy đang còn là những tin tưởng chủ quan, không đặt cơ sở trên những sự kiện khách quan đã được kiểm chứng một cách nghiêm túc và khoa học? Hay đó là những kết luận vững vàng, họ rút tỉa từ một tư duy cởi mở lắng nghe và học tập? Ngược lại, những tin tưởng của họ phải chăng là những thành kiến cũ kỹ, không bao giờ được cập nhật hóa hay kiểm soát lại một cách kỹ càng?

Phần đặt câu hỏi mở rộng nhằm phân định một cách rất minh bạch:

Một: Yếu tố nào là sự kiện khách quan có thể kiểm chứng? Phải chăng người phát biểu có thể trả lời dễ dàng và khúc chiết: Cái gì? Ở đâu? Ai? Khi nào? Tại sao? thế nào? Bao nhiêu? Bao lâu...

Hai: Yếu tố nào là tình cảm xúc động? Nó xuất hiện như thế nào? Nó mang danh xưng hoặc nhãn hiệu gì? Chức năng hoặc phần vụ tích cực của nó có thể phát hiện không? Người phát biểu có khả năng tác động và biến chuyển nó như thế nào?

Ba: Qua lời phát biểu, người đối diện trình bày kiến giải hay lối nhìn của mình như thế nào? Và trong lối nhìn của họ, yếu tố nào là thành kiến? Yếu tố nào chỉ là giả thuyết? Yếu tố nào là một kết luận vững vàng có cơ sở khách quan? Yếu tố nào chỉ là một phán quyết chủ quan, hay là một lời tố cáo vu vơ xuất phát từ một tâm trạng khổ đau, buồn chán?

Trong cuốn sách "Phát huy Nhân Lực" tôi đã liệt kê những câu hỏi đào sâu mở rộng ấy, để khám phá cơ cấu chiều sâu của ngôn ngữ (9). Nhờ vậy, người phát biểu sẽ có cơ may tìm lại nhiều tin tức bị cắt xén, bỏ sót... .

***

Hôm ấy một võ sư Xa-mu-rai đến tham vấn một Thiền sư với một thái độ khát khao học hỏi (10):

- "Tôi nghe Thiền sư có những đạo lý thâm sâu. Tôi muốn xin Thiền sư giải thích một cách ngắn gọn: Thiên đàng là gì? Hỏa ngục là gì?

Thiền sư trả lời:

- "Ta đâu có thì giờ để chuyện trò với những người vô đạo như nhà ngươi!".

Võ sư tức tối rút gươm ra:

- "Ta sẽ chém đầu mầy!"

Lập tức, Thiền sư đưa ngón tay chỉ mặt võ sư:

- "Đó là hỏa ngục hiện hình".

Võ sư thấm thía câu trả lời, trở lại bình tĩnh, xỏ gươm vào vỏ và thinh lặng sụp lạy Thiền sư.

Thiền sư cũng quì xuống, đỡ võ sư đứng dậy  và thì thầm:

- "Võ sư đang bước vào lãnh địa của Thiên đàng!".

Câu chuyện nầy minh họa một phần nào "Thể thức gây ý thức". Đó là nội dung cốt yếu của chương sách nầy. Hẳn thực trong quan hệ giữa người với người chỉ có hai loại ý thức tích cựctiêu cực.

Thứ nhất: Ý thức còn Tiêu cực khi có người  bị cư xử là nạn nhân. Sỡ dĩ tôi bắt bớ, hành hạ cưỡng bức,phê phán, mạ lị họ, bởi vì một lần trong cuộc đời, tôi đã bị kẻ khác khinh thường, xử tệ bằng cách nầy hay cách khác. Tai hại hơn tất cả là mặc cảm làm nạn nhân ấy xuất đầu lộ diện khi tôi cảm thấy mình "có bổn phận" làm vui lòng, nâng đỡ, cứu vãn...hay là "bị ép buộc" làm việc thiện. Nói tóm lại, bao lâu tôi không có tự do chọn lựa, để hành động một cách vui thích, hứng thú và hạnh phúc, lối nhìn của tôi về cuộc sống vẫn còn cưu mang nhiều hạn chế, ứ đọng. Tôi giả vờ làm việc thiện ở đây . Nhưng tôi gieo mầm ác ở nơi khác. Tôi đóng tuồng "cứu vãn". Nhưng thực sự ra tôi phê phán, tố cáo.

Thứ hai, cuộc sống chỉ thực sự tích cực, năng động, khi nào tôi sung sướng và hạnh phúc được trao ban và hiến tặng khả năng, của cải và mạng sống của chính mình. Trong tinh thần và ý hướng nầy,  chonhận không tách rời khỏi nhau. Đó là hai hơi thở ra vào của một thực tế duy nhất là cuộc sống làm người! Nói cách khác, những ai có khả năng nhận và cho, người ấy đang làm người. Họ là những con người hạnh phúc và tự do thực sự. Trái lại khi cho mà không nhận hay là khi nhận mà không cho, đó là tiếng còi báo động: Tôi cần đổi mới cuộc đời.

Để kết thúc, tôi trở lại với câu hỏi được đặt ra trong tựa đề của chương nầy: dựa vào chuẩn mực nào, người phát biểu được tôi lắng nghe thực sự?

 - Khi nào nhờ được tôi lắng nghe, họ trở thành con người tự do và hạnh phúc.

Khi nào tôi có khả năng lắng nghe thực sự?

- Khi tôi lắng nghe với tâm hồn tương đối tự do và hạnh phúc!

Mấy ai trong chúng ta đã lắng nghe và được lắng nghe như vậy trong thế giới vọng động, vội vã và rộn ràng ngày hôm nay ? 

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!