.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Mục vụ gia đình 2 : Tông huấn Gia Ðình 2

MVGĐ 3 : Tông huấn Gia Ðình 3

MVGĐ 4 : Thành lập lớp chuẩn bị hôn nhân 1995

MVGĐ 5 : Sinh hoạt lớp chuẩn bị hôn nhân

MVGĐ 6 : Khánh nhật kỷ niệm hôn nhân 1996

MVGĐ 7 : Nhóm Gia Ðình Trẻ - Ngày gia đình 2001

MVGĐ 8 : Khánh nhật thượng thọ 1999

Kết quả mục vụ hôn nhân gia đình

Tổng kết về Mục Vụ Xã Hội

Tạm kết loạt bài « Giáo Xứ Việt Nam Paris 60 năm Hồng Ân »

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Mục Vụ Hôn Nhân Gia Đình Giáo Xứ Việt Nam Paris
Tác giả: Gs. Trần Văn Cảnh
MVGĐ 4 : THÀNH LẬP LỚP CHUẨN BỊ HÔN NHÂN 1995

 Mục vụ gia đình đã được Tông huấn Gia Đình định nghĩa như là “Bận tâm mục vụ của Hội Thánh không phải chỉ giới hạn vào các gia đình Ki-tô hữu gần nhất, nhưng bằng cách mở rộng chân trời theo tầm trái tim của Đức Ki-tô, Hội Thánh sẽ tỏ ra còn tích cực hơn đối với toàn thể các gia đình nói chung và cách riêng là các gia đình đang sống trong những tình cảnh khó khăn và ngoại lệ. Đối với tất cả mọi gia đình ấy, Hội Thánh sẽ là một lời nói của sự thật, của nhân hậu, của cảm thông, của hy vọng, của sự chia sẻ sâu xa với những khó khăn lắm khi bi đát của họ: Hội Thánh muốn cống hiến cho tất cả mọi gia đình một sự giúp đỡ vô vị lợi để họ có thể đến gần với mẫu gia đình mà Đấng Tạo Hoá đã muốn ngay từ "khởi đầu" và Đức Ki-tô đã canh tân bằng ân sủng cứu chuộc của Người[1]”.

Mục vụ gia đình được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau. Trong Tông Huấn Gia Đình[2], Đức Gioan Phao lô đã liệt kê những hình thức chính sau đây : 1- mục vụ chuẩn bị hôn nhân (chuẩn bị xa, gần và liền trước bí tích hôn nhân), 2- mục vụ cử hành hôn phối,  3- mục vụ sau lễ cưới, 4- mục vụ gia đình trong những hoàn cảnh đặc thù và trái qui tắc(hôn nhân hỗn hợp, hôn nhân thử, chung sống không hôn nhân, công giáo kết hôn mà chỉ có hôn phối dân sự, ly thân và ly dị không tái hôn, ly dị tái hôn), 5- mục vụ gia đình cho những người không gia đình.

Tất cả những hình thức này đều đã được thực hiện trong Giáo Xứ Việt Nam Paris với sự đóng góp của nhiều đoàn nhóm khác nhau, từ Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, nhóm trẻ, Ca đoàn, qua các hội Đạo Binh Đức Mẹ, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, phong trào Cursillo, phong trào Liên Đới Nghề Nghiệp, đến Nhóm Mục Vụ Hôn Nhân.

Nhóm Mục Vụ Hôn Nhân đặc biệt đóng góp vào ba việc, là mở lớp chuẩn bị hôn nhân, chỉ dẫn về hôn phối đời và hôn phối đạo và giúp đỡ mục vụ sau lễ cưới. Bốn nhóm công tác đã được thực hiên :

·        Lớp chuẩn bị hôn nhân

·        Khánh nhật hôn nhân

·        Gia đình trẻ và ngày gia đình

·        Khánh nhật thượng thọ cho các (cặp) bô lão 

Lớp chuẩn bị hôn nhân, đặc biệt hướng vào các bạn trẻ đang muốn tiến vào hôn nhân, đã được thành lập từ 1995. Cụ thể lớp đã được tổ chức theo thể thức nào ? Với nội dung gì và theo lịch trình thực hiện nào ? Do những ai hướng dẫn? Xử dụng phương pháp sư phạm nào ? Sinh hoạt ra sao ? Kết quả thế nào ?

Về việc THÀNH LẬP LỚP CHUẨN BỊ HÔN NHÂN, hai tài liệu sau đây, là thơ mời họp và biên bản buổi họp thành lập lớp chuẩn bị hôn nhân, tự chúng đã dư đủ để trả lời cho những câu hỏi liên quan đến thể thức, nội dung, hướng dẫn và tổ chức. Tôi xin trích đăng hai tài liệu lịch sử này. 

1. Đầu tháng 10 năm 1995, tôi nhận được thư mời[3] sau đây : 

 

Mission Catholique Vietnamienne

15, rue Boissonade Paris 14è

Tél.. : 43 35 20 72

THƠ MỜI

Kính Giáo Sư,

 Trong mục đích làm tốt hơn  về “Mục vụ chuẩn bị hôn nhân”, cho giới trẻ sắp bước vào đời sống gia đình, Ban Giám Đốc chúng tôi muốn đưa ra một thể thức mới và xin Giáo Sư vui lòng cộng tác với chúng tôi.

A. THỂ THỨC

1.      Từ nay, các đôi bạn trẻ sắp lập gia đình sẽ không “chuẩn bị“ riêng với từng linh mục như bấy lâu nay nữa. Nhưng bó buộc đăng ký dự một khoá chuẩn bị hôn nhân với nhiều đôi bạn trẻ và với nhiều người hướng dẫn khác nhau.

2.      Mỗi năm có hai khoá chuẩn bị hôn nhân : Khoá Giáng Sinh và Khoá Phục Sinh. Mỗi khoá gồm 5 tối thứ sáu liên tiếp, từ 20 – 22 giờ.

3.      Sau mỗi khoá, tham dự viên sẽ nhận được một “chứng chỉ “ và sẽ nộp chứng chỉ này cho linh mục được mời chủ lễ hôn phối.

4.      Niên khoá 95/96 : Khoá Giáng Sinh sẽ gồm các tối thứ sáu 08, 15, 22/12/95 và 12,19/01/96. Khoá Phục Sinh sẽ gồm các tối thứ sáu 19, 26/04/96 và 3, 10, 17/05/96, từ 20-22 giờ.

B. NỘI DUNG VÀ NHỮNG NGƯỜI HƯỚNG DẪN

 1.      Mục đích và đặc tính của Bí Tích Hôn Phối (LM Mai Đức Vinh)

2.      Gia đình với dân luật của Pháp (Ls Lê Đình Thông)

3.      Đời sống sinh lý vợ chồng (Bs Nguyễn Văn Ái)

4.      Đời sống đạo đức của gia đình (Gs Nguyễn Văn Thạch)

5.      Giáo dục con cái (Gs Trần Văn Cảnh)

6.      Phương pháp dưỡng thai và dưỡng nhi (Bs Tạ Thanh Minh)

7.      Vấn đề tài chánh trong gia đình (Gs Phạm Bá Nha)

8.      Người chồng tốt (Bs Nguyễn Ngọc Đỉnh)

9.      Người vợ tốt (Bà Gs Tạ Thanh Minh)

10.  Phụng vụ hôn nhân (Lm Đinh Đồng Thượng Sách)

Tin tưởng rằng Giáo Sư sẵn sàng cộng tác với chúng tôi trong công tác mục vụ quan trọng này. Thay mặt cho tất cả, xin chân thành cám ơn giáo sư thật nhiều.

Và để tiến hành công việc, kính mời Giáo Sư tới dự buổi hội ý vào tối thứ sáu 27.10.95 tại Giáo Xứ, từ 20 giờ.

Thân ái

Lm Mai Đức Vinh

05.10.95

Theo thư mời này, những người được mời đã đến tham dự buổi họp thành lập Ban Mục Vụ Chuẩn Bị Hôn Nhân.

2. Sau buổi họp một biên bản[4] đã được thảo trình như sau : 

Giáo Xứ Việt Nam Paris

Ban Mục Vụ Chuẩn Bị Hôn Nhân

Biên bản số 01-27/10/95 

BIÊN BẢN 

Buổi hội của Ban Mục Vụ Hôn Nhân (BMVHN), ngày 27.10.1995, 20 – 22g30, với sự hiện diện của lm Mai Đức Vinh, Ls Lê Đình Thông, Bs Nguyễn Văn Ái, Gs Nguyễn Văn Thạch, Gs Trần Văn Cảnh, Gs Phạm Bá Nha, Bs Tạ Thanh Minh, Bà Gs Tạ Thanh Minh, Bs Nguyễn Ngọc Đỉnh (lm Đinh Đồng Thượng Sách vắng mặt)

Hai vấn đề chính đã được đề cập đến : 1- Vai trò của giáo dân trong việc mục vụ chuẩn bị hôn nhân, 2- Việc tổ chức sinh hoạt của BMVHN.

A.. VAI TRÒ GIÁO DÂN

1.      Sau khi đã mở đầu bằng kinh “Xin Chúa sáng soi “, cha Vinh đã trình bày lý do khiến Ban Giám Đốc đưa ra thể thức mời giáo dân cộng tác vào việc mục vụ chuẩn bị hôn phối cho các bạn trẻ. Đại cương, theo ngài, có ba lý do:

¨      Giáo xứ muốn áp dụng đường hướng mục vụ mới của Giáo Hội, càng ngày càng được thực hiện khắp nơi. Đó là sự cộng tác của giáo dân vào các sinh hoạt mục vụ (Sắc lệnh về Tông Đồ Giáo Dân Apostolicam Actuositatem).

¨      Hôn nhân là một ván đề mục vụ càng ngày càng đa diện. Việc chuẩn bị cho các bạn trẻ sắp bước vào đời sống gia đình càng ngày càng phức tạp. Một mình linh mục không thể đáp ứng hết được, mà cần có sự cộng tác của những người có kinh nghiệm (Tông huấn gia đình Familiaris consortio).

¨      Giáo dân việt nam có lòng quí trọng các linh mục, do đó hay có thái độ “cha nói sao, con nghe vậy “. Thực sự không biết họ tiếp nhận như thế nào. Do đó cần một phương pháp sư phạm rộng mở hơn, thực tế hơn.

2.      Sao lời trình bày của cha Vinh, các tham dự viên lần lượt trình bày sự dè dặt, nỗi e ngại trách nhiệm và ý muốn cộng tác.

¨      Một ý kiến nhấn mạnh đến khía cạnh tích cực của sự cộng tác của giáo dân. Đó là sự phong phú trong đồng nhất. Một dịp gây tinh thần trách nhiệm và cộng tác của giáo dân. Một bước tiến trong việc đưa đạo vào đời và dẫn đời vào đạo. Một sư phạm rộng mở và thực tế.

¨      Một số ý kiến nhấn mạnh đến sự dè dặt và cẩn trọng. Khi nhận giúp vào BMVHN là nhận láy sự dấn thân, nhận lấy trách nhiệm nặng nề. Mỗi người một kinh nghiệm khác nhau, chuyên môn khác nhau, không có uy quyền giáo lý của một linh mục. Dẫu sao, đây là một dấn thân tông đồ, đem thiện chí đóng góp kinh nghiệm và muốn đồnh hành với nhau và với những bạn trẻ bước vào đời.

¨      Nhưng sau khi phát biểu cảm tưởng, tất cả đều vui vẻ chấp nhận cộng tác.

B. TỔ CHỨC SINH HOẠT

1.      Sang đề tài hai, liên hệ đến việc sinh hoạt và tổ chức của BMVHN, để trả lời cho câu hỏi của Bs Ái và Ls Thông về cách tổ chức đã được thực hiện từ xưa tới nay, cha Vinh cho biết :

¨      Mỗi đôi bạn đều tự do đến xin một linh mục trong giáo xứ giúp chuẩn bị hôn phối.

¨      Mỗi linh mục giúp cho từng đôi bạn, theo giờ thuận tiện của đôi bên và thường là 4 lần gặp, mỗi lần một giờ.

¨      Riêng cha Vinh, về nội dung, ngài căn cứ trên tờ “Déclaration d’intentions” in sẵn của Tổng Giáo Phận mà cắt nghĩa cho đôi bạn về 4 đặc tính của tình yêu hôn nhân theo Đức Phaolô VI : 1- Tình yêu thánh thiện, nói về Bí Tích, về đời sống đạo đức, luân lý ,... của vợ chồng và gia đình. 2- Tình yêu nhân bản, nói về đời sống sinh lý vợ chồng,.. 3- Tình yêu thuỷ chung, nói về đặc tính vững bền của hôn nhân, về đa thê, đa phu, về ly dị,..  về cách đối xử giữa vợ chồng, về tiền bạc, tài chánh,.. 4- Tình yêu phong phú, nói về việc sinh con cái, ngừa thai, phá thai, nuôi con, giáo dục con cái, tương quan giữa đôi bạn với gia đình nội ngoại.

2.      Trả lời câu hỏi thứ hai của Ls Thông và Gs Cảnh về các thủ tục mà các bạn trẻ phải làm, cha Vinh cho biết :

¨      Ghi danh muộn nhất là hai tháng trước

¨      Khai lỳ lịch,

¨      Nộp giáy khai sinh, giấy rửa tội (nếu là công giáo), giáy ly dị (nếu đã ly dị), giấy khai tử của người bạn cũ (nếu cần),

¨      Tờ khai “Ý chí muốn lập gia đình theo giáo lý của Giáo Hội “,

¨      Giáy chứng nhận đã làm hôn thú đời.

3.      Tiếp theo, cha Vinh đã giới thiệu các tài liệu. Khoảng 10 cuốn sách đã được chuyền tay để các tham dự viên tham khảo. Ls Thông đề nghị lập một tủ sách cho BMVHN. Cha Vinh và mọi người tán thưởng.

4.      Sang vấn đề đề tài và lịch trình, các đề tài đã được sửa đổi một chút về tựa đề và lịch trình đã được ấn định như sau cho khoá Giáng Sinh 95 :

¨      Thứ sáu, 08.12.95, 20-21 giờ : Lm Mai Đức Vinh : “Mục đích và đặc tính của của Bí Tích Hôn Nhân” ; 21-22 giờ : Ls Lê Đình Thông : “Gia đình với dân luật của Pháp.

¨       Thứ sáu 15.12.95, 20-21 giờ : Gs Trần Văn Cảnh : “Giáo dục gia đình” ; 21-22 giờ : Bs Tạ Thanh Minh : “Phương pgáp dưỡng thai nhi “.

¨      Thứ sáu 22.12.95, 20-21 giờ : Bs Nguyễn Văn Ái :” Đời sống sinh lý vợ chồng” ; 21-22 giờ : Gs Nguyễn Văn Thạch : “Sống Đạo trong gia đình”

¨      Thứ sáu 12.01.96, 20-21 giờ : Gs Phạm Bá Nha : “Vấn đề tài chánh trong gia đình” ; 21-22 giờ : Bs Nguyễn Ngọc Đỉnh : “Vai trò người chồng”.

¨      Thứ sáu 19.12.96, 20-21 giờ : Lm Đinh Đồng Thượng Sách : “Phụng vụ hôn nhân” ; 21-22 giờ : Bà Gs Ta5 Thanh Minh : “Vai trò người vợ “.

5.      Gắn liền với các đề tài là phương pháp sư phạm, đặc biệt là sự trao đổi với các bạn trẻ và chuẩn bị tài liệu trước. Hai ý chính sau đây đã được nêu ra :

¨      Mỗi giảng viên trình bày đề tài theo đường hướng và tinh thần của Giáo Hội. Điều quan trọng là tìm cách giúp các bạn trẻ biết trao đổi và đặt câu hỏi. Đại cương thì trình bày 30 phút, phần còn lại trao đổi.

¨      Mỗi diễn giả nên viết bài của mình và đưa cho cha giám đốc trước, ít là cuối tháng 11.95, để in thành một tập nhỏ “Đường vào hôn nhân”

6.      Để cho việc sinh hoạt của BMVHN được tốt đẹp, cần có một tổ chức tối thiểu ;

¨      Cha giám đốc sẽ theo dõi sự hiện diện của các bạn trẻ và tuỳ nghi quyết định.

¨      Các giảng viên sẽ họp chung kết vào cuối khoá Giáng Sinh 95.

¨      Một lễ mãn khoá sẽ được tổ chức cho các học viên với sự tham dự của các giảng viên vào thánh lễ 10 giờ chủ nhật 21.01.96.

¨      Các giảng viên cố gắng khuyến khích các học viên tương trợ và giao thương liên lạc.

¨      Nếu học viên nào có vấn đề riêng cần tiếp xúx với một giảng viên, cha giám đốc tuỳ nghi quyết định.

¨      Gs Thạch nhấn mạnh đến tinh thần đồng hành, chia sẻ những lo âu của các bạn trẻ trên đường vào hôn nhân. Đó cũng là ý kiến của mọi người tham dự.

¨      Ls Thông đề nghị Bs Ái phụ tá cha giám đốc và Gs Cảnh làm thơ ký của BMVHN.

Buổi họp kết thúc vào lúc 22 giờ 30 bằng kinh Sáng Danh.

Paris, ngày 27/10/1995

Trần Văn Cảnh

Thơ ký BMVHN 

 

Từ buổi họp này, Ban Mục Vụ Hôn Nhân đã được thành lập và sinh hoạt đều đặn liên tục từ 1995 đến nay. Tối thứ sáu 28 tháng 09 năm 2007 vừa qua, cũng từ 20 giờ đến 22 giờ 30, Ban Mục Vụ Hôn Nhân đã họp nhau để khai trương niên học 2007/2008 và chuẩn bị lớp chuẩn bị hôn phối thứ XXV sẽ khai giảng vào tối thứ sáu 09.11.2007.

Nhân sự giảng huấn và chương trình có thay đổi đôi chút, nhưng tinh thần tông đồ giáo dân và mục vụ gia đình vẫn bền chí quay quanh hai trục chính là đức tin và văn hoá việt nam, theo sát chỉ dẫn của Tông Huấn Gia Ðình : « Vào thời chúng ta, việc chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào hôn nhân và đời sống gia đình càng cần thiết hơn bao giờ hết. Ở một số nước, các gia đình, theo những tập tục cổ truyền vẫn còn giữ được vai trò truyền đạt cho các bạn trẻ những giá trị liên hệ tới đời sống hôn nhân và gia đình, bằng một hệ thống giáo đục hay khai tâm tiệm tiến. Nhưng những thay đổi dồn dập trong lòng hầu hết các xã hội tân tiến đòi hỏi không những chỉ gia đình mà cả xã hội và Hội Thánh đều phải dấn thân vào nỗ lực chuẩn bị tương xứng, để các bạn trẻ có thể cáng đáng các trách nhiệm trong tương lại. Nhiều hiện tượng tiêu cực trong đời sống gia đình mà ngày nay người ta than phiền, đã xuất phát từ sự kiện, đó là trong những hoàn cảnh mới, các bạn trẻ không còn nhận ra được phẩm trật đúng đắn của các giá trị và vì không còn những tiêu chuẩn chắc chắn để xử thế, họ không còn biết làm sao để đương đầu và giải quyết các khó khăn mới. Kinh nghiệm cho thấy được rằng, các bạn trẻ được chuẩn bị chu đáo cho đời sống gia đình, cách chung sẽ thành công hơn các bạn khác[5] ».. Mừng thay !

Paris, ngày 25 tháng 10 năm 2007

Trần Văn Cảnh


[1] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn gia đình, ngày 22.11.1981, số 65.

[2] Ibidem, phần thứ IV, số 65-85

[3] Mai Đức Vinh, Thơ mời, đánh máy, đề ngày 10.05.1995

[4] Trần Văn Cảnh, Biên bản số 1, Ban Mục Vụ Hôn Nhân, đánh máy, đề ngày 27.10.1995.

[5] Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Sđd, số 66.

Tác giả Gs. Trần Văn Cảnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!