.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Mục vụ gia đình 2 : Tông huấn Gia Ðình 2

MVGĐ 3 : Tông huấn Gia Ðình 3

MVGĐ 4 : Thành lập lớp chuẩn bị hôn nhân 1995

MVGĐ 5 : Sinh hoạt lớp chuẩn bị hôn nhân

MVGĐ 6 : Khánh nhật kỷ niệm hôn nhân 1996

MVGĐ 7 : Nhóm Gia Ðình Trẻ - Ngày gia đình 2001

MVGĐ 8 : Khánh nhật thượng thọ 1999

Kết quả mục vụ hôn nhân gia đình

Tổng kết về Mục Vụ Xã Hội

Tạm kết loạt bài « Giáo Xứ Việt Nam Paris 60 năm Hồng Ân »

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Mục Vụ Hôn Nhân Gia Đình Giáo Xứ Việt Nam Paris
Tác giả: Gs. Trần Văn Cảnh
MVGĐ 7 : NHÓM GIA ÐÌNH TRẺ - NGÀY GIA ĐÌNH 2001

 Trong thư chung mục vụ năm 2002 về « Thánh Hoá Gia đình », Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam khuyên các giáo xứ nên tổ chức những lớp học hỏi về hôn nhân và gia đình, những lễ kỷ niệm thành hôn và những buổi gia lưu cho các gia đình. Hội Ðồng Giám Mục viết :

Các Giáo xứ nên tổ chức các lớp học hỏi về hôn nhân và gia đình, dựa trên Tông huấn "Ðời sống gia đình" của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Ðể các lớp học hỏi về hôn nhân và gia đình được có kết quả tốt đẹp, cần soạn thảo một chương trình giáo lý hôn nhân, đào tạo một đội ngũ giáo lý viên vững vàng, kêu gọi sự cộng tác của giáo dân có khả năng chuyên môn và có kinh nghiệm trong các lãnh vực: tâm lý, xã hội, pháp luật, quản trị, y khoa...

Ban Mục vụ giáo xứ có một bộ phận chuyên trách về gia đình với sự cộng tác của các Hội đoàn quan tâm đến tình trạng các gia đình trong khu xóm, đặc biệt các gia đình nghèo khổ, bất hoà bất thuận và các gia đình di dân, để kịp thời giúp đỡ.

Những ngày lễ gia đình, ngày kỷ niệm thành hôn, những buổi giao lưu giữa các gia đình sẽ rất ích lợi nếu được chuẩn bị chu đáo với tinh thần cầu nguyện và học hỏi. 

Giáo xứ Việt Nam tại Paris đã nghe theo lời chỉ dậy của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam và đã tổ chức cả ba sinh hoạt này : mở khoá chuẩn bị hôn nhân vào năm 1995, lễ kỷ niệm thành hôn từ năm 1996 và các buổi hội họp giao lưu cho các gia đình từ 1992. Trong thời gian trước và sau khi Ban Mục Vụ Gia Ðình ra đời vào năm 1995, hai sinh hoạt khác đã được thực hiện trong giáo xứ, do và cho các gia đình trẻ. Cả hai đều là những sinh hoạt mục vụ gia đình sau lễ cưới và có thể liệt vào nhóm hội họp giao lưu cho các gia đình. Ðó là sinh hoạt của Nhóm Gia Ðình Trẻ, lập vào năm 1992 và Ngày Gia Ðình, bắt đầu từ năm 2002. Sau đây xin trích lời kể của một người tham dự.

1. Nhóm gia đình trẻ, lập vào năm 1992 

Nhóm ‘gia đình trẻ’, như quí vị đã nhận thấy gồm hai chữ GIA ĐÌNH và TRẺ qui tụ những anh chị đã thành hôn từ 0 đến 5 năm. Có nghĩa là những anh chị mới chập chững bước vào đời sống vợ chồng, những anh chị mới bắt đầu nếm mùi quí giá của mái ấm gia đình.

‘Xin hiệp nhất chúng con, nên một trong tình yêu Chúa’

Câu hát này hãy còn vang vọng trước ánh nến lung linh khi các anh chị trao nhẫn cho nhau, lời cam kết ân tình, phúc lành của Thiên Chúa qua nhiệm tích Hôn Nhân như vẫn còn in trong tâm trí, sau giây phút tưng bừng của bữa tiệc cưới là một đời sống thực.

Ta với mình như hai mà một... sau ngày thành hôn, qua một vài kinh nghiệm trong đời sống gia đình đã minh chứng; có lẽ hơn một lần : Ta với mình tuy một mà hai... Bao nhiêu vấn đề ‘xuất hiện’ nào là: Tương quan đối thoại vợ chồng - Tâm sinh lý vợ chồng - Điều hòa sinh sản - Giáo dục con cái - Luật pháp trong đời sống vợ chồng tại Pháp... Mà có lẽ, vấn đề quan trọng và ‘nặng nề’ hơn hết, bao bọc tất cả mọi vấn đề nêu trên là ý nguyện gây dựng một gia đình kitô giáo của các anh chị với cái kinh nghiệm nhỏ nhoi của đời sống hôn nhân. 

Một giai đoạn nối tiếp giai đoạn ‘Chuẩn bị hôn nhân’, tham vọng của ‘Nhóm Gia đình trẻ’ không phải là chiếc đủa thần đánh tan trong vài giờ họp mặt những bất an, khủng hoảng... của đời sống vợ chồng. ‘Gia đình trẻ’ chỉ là nơi để dừng chân, chia sẻ, để cùng ý thức với nhau rằng bí tích Hôn Phối không chỉ là một nghi lễ trong nhà thờ, trước cộng đoàn một giờ, một lúc; mà chính là hồng ân Thiên Chúa dõi bước cùng ta suốt quãng đời tiếp nối.

Giữa môi trường xã hội nhiều đổi thay, thiếu chung thủy, hạnh phúc có phải được tạo thành từ những tiếng xin vâng nhỏ, từng ngày lập lại trong cuộc sống với ‘người mình yêu’, hay cũng như tiếng ‘Amen’ (Ước gì được như vậy) mà cả hai cùng đọc lên để chấm dứt lời kinh chiều???

Nhóm ‘GIA ĐÌNH TRẺ’ thuộc ‘NHÓM GIỚI TRẺ’ của Giáo Xứ Việt Nam Paris thành hình năm 1992 dưới sự hướng dẫn của cha Mai Đức Vinh, sau đó được cha Trần Anh Dũng làm tuyên úy và hiện nay là sinh hoạt của Ban Mục Vụ Hôn Nhân với các bạn trẻ, gồm từ 10 đến 17 đôi vợ chồng. Ngày gặp mặt, họ trao đổi với nhau về  những đề tài liên hệ đến đời sống hôn nhân. Từ năm 2002, Nhóm Gia Ðình Trẻ sinh hoạt dưới hình thức « Ngày Gia Ðình »

2. Ngày gia đình, lập từ năm 2002

Nối tiếp sinh hoạt của « Nhóm gia đình trẻ » là sinh hoạt của « Ngày gia đình », bắt đầu từ ngày 22.12.2002, với  khoảng 80 người đến tham dự. Nhìn chung thành phần tham dự là người trẻ nên bầu khí vui và hào hứng từ ca hát đến hội thảo. Phần tiếp đón do hai chị Bích Thủy và Quỳnh Anh. Năm nay có ‘nhà trẻ’ do ba chị Ngọc Hải, Thu Cúc, Xuân Phương đón nhận các em nhỏ, nơi phòng sách. Nhờ vậy các bà mẹ trẻ rảnh rang hội họp. 

Dại hội bắt đầu từ 14 giờ. Giáo sư Trần Văn Cảnh điều hành đại hội. Hai anh Giang Minh Đức và Bành Đình Hùng hoạt náo viên. Thầy Nguyễn Văn Thạch chia sẻ Lời Chúa (Lc 1, 26-33) và đặt vấn đề : “Tôi có đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, đóng góp vào chương trình cứu độ không ?”

Cha Đinh Đồng Thượng Sách mở lời khai mạc, đưa ra 4 sự kiện 1) Tại Việt Nam 11.10.02, Hội Đồng Giám Mục đã ra thư chung ‘thánh hóa gia đình’. 2) Tại Roma 18.11.02, Hội Đồng Giáo Hội về Gia Đình ra văn thư về mục vụ gia đình. 3) Hội Đồng Giám Mục Pháp, họp tại Lourdes, từ 3-9.11.02, 1 trong 5 hồ sơ bản thảo là chuẩn bị cho các đôi tân hôn lập gia đình. 4) Năm 2003, tại Phi Luật Tân sẽ có đại hội thế giới về Gia Đình. Do đó, Ngày Gia Đình lần thứ hai, tại giáo xứ là dịp tốt để suy nghĩ tìm hướng đi cho gia đình. Như Đức Giáo Hoàng ao ước thiên kỷ thứ 3 là của gia đình.

Kế đến, giáo sư Tạ Thanh Minh Khánh đưa ra 4 ý nghĩa của Ngày Gia Đình: 1) Dịp để tái khám phá tình yêu thương vẫn âm thầm hiện hữu mà có khi vì cuộc sống quá bận rộn, quá quen thuộc nên lơ là quên lãng. 2) Gợi nhắc lại ý nghĩa mục đích của hôn nhân công giáo. Đôi khi đã chọn nhau để xây dựng hạnh phúc thừa kế bất khả phân ly, nhất quyết cùng nhau đi trọn đường trần trước Thiên Chúa và họ hàng nội ngoại. 3) Thể hiện ước muốn của Giáo Hội, tiếp tục đồng hành với gia đình qua những giai đoạn cuộc đời. Làm vợ, làm chồng, làm cha mẹ cũng ví như một ‘nghề’, mà là nghề khó. 4) Vì thế, ngày Gia Đình tạo dịp trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau giữ vững niềm tin, chấp nhận thân phận bất toàn của mỗi người. Từ đó, bà dẫn nhập vào đề tài thảo luận: ‘Khác biệt tính tình trong đời sống lứa đôi’. 

Phần thảo luận được chia làm 4 nhóm, theo tiết mục và hướng dẫn của các anh chị trẻ.

Nhóm 1: Anh Bành Đình Hùng và chị Bích Tiên: khác biệt về xừ dụng tài chánh.

Nhóm 2:  Anh Bành Đình Dũng và chị Hài Anh: khác biệt về đường lối giáo dục con cái.

Nhóm 3: Anh Giang Minh Đức và chị Mai Anh Tuấn: khác biệt về thói quen, tính tình.

Nhóm 4: Anh Nguyễn Thanh Phong và anh Bùi Công Tính: khác biệt về giao tiếp với: gia đình, bạn bè, láng giềng, thân hữu... 

Sau 45 phút thảo luận, các nhóm đã đưa ra kết quả:

Nhóm 1 về tài chánh : Nếu hai vợ chồng cùng đi làm, nên mở nhiều comptes: 1 comptes professionnel, 1 hay nhiều comptes cho vợ chồng hoặc con cái. Nếu 1 trong 2 người đi làm: mở 1 compte chung, 1 hay 2 comptes riêng. Thận trọng là không nên ‘mua trả góp’ nhiều (crédit). Chi tiêu tùy theo khả năng và cách sống mỗi người.

Nhóm 2 về giáo dục con cái : Phải biết dung hòa giữa cha mẹ, văn hóa Pháp Việt. Nương theo và áp dụng khi nghiêm khắc khi cởi mở. Cần lắng nghe để hiểu biết con hơn.

Nhóm 3 về sự khác biệt tính tình : Vợ sống chi tiết. Chồng lo những việc lớn. Hai bên cần bỏ ‘cái tôi’. Biết nhìn vào những ưu điểm của người khác. Một nhịn chín lành. Đặt cuộc sống trên nền tảng đức tin.

Nhóm 4 về giao tiếp gia đình nội ngoại : Gia đình bên vợ hay chồng là mộ. Giảm bớt bạn bè để ưu tiên cho gia đình. Bỏ vui thú riêng tư. Lý tưởng nhất vẫn là cha mẹ con cái chung vui. Quan tâm đến liên hệ sở làm. Vì đó là ‘nồi cơm của gia đình’. 

Đại hội kết thúc vào lúc 17 giờ bằng thánh lễ và phát chứng chỉ khóa Chuẩn Bị Hôn Nhân cho những anh chị vừa tham dự khoá này. Đại hội đem lại kết quả thật tốt đẹp. Và để lại âm vang rộng lớn là nhờ nhóm ‘Gia Đình Trẻ’. Cộng đoàn đặt kỳ vọng to lớn nơi các bạn, để ‘Tình yêu luôn đậm đà và Anh Em yêu nhau dài lâu’. Ngày gia đình năm 2003 đã được tổ chức với đề tài ‘Những khó khăn trong cuộc sống lứa đôi », năm 2004 với đề tài « Giáo dục con cái »,  năm 2005 với đề tài « Hạnh phúc vợ chồng », năm 2006 với đề tài « Ðối thoại vợ chồng » và năm 2007 với đề tài « Giáo Dục con cái ở bậc tiểu và trung học ».

 

Lời kết 

Lời kết thực tế nhất về sinh hoạt của Nhóm Gia Ðình Trẻ và Ngày Gia Ðình có lẽ là nêu ra lời đúc kết chung của buổi trao đổi mới nhất của Ngày Gia Ðình, tổ chức tại Marne-La-Vallée vào ngày 06 tháng 05 năm 2007 vừa qua, về « Giáo Dục Con cái ở bậc tiểu học và trung học ». Lời đúc kết ấy như sau :

Sau 1giờ 30 phút trao đổi và thảo luận nhóm, Bs Ðỉnh mời hai nhóm về làm tổng kết chung. Cả hai nhóm còn rất nhiều trao đổi, nhưng các trưởng nhóm đã can đảm xin các phụ huynh nhín lại, về họp chung với nhóm khác để biết họ đã nói những gì. Về phòng họp chung, thơ ký của hai nhóm, chị Kim Phượng và chị Giao Phương cho nhóm A và anh Trần Thiện Hải cho nhóm B đã làm phúc trình tổng hợp của nhóm mình. Dựa vào hai bài phúc trình này, Gs Trần Văn Cảnh đã làm tổng kết về những ý kiến liên hệ đến việc giáo dục con cái ở bậc tiểu học và bậc trung học đã được các hội thảo viên trao đổi như sau :

Về giáo dục gia đình, nhóm A tiểu học đã đưa ra những nguyên tắc căn bản giáo dục là : giáo dục bằng đối thoại, qua những sinh hoạt chung của gia đình, mà cha mẹ phải có đường hướng thống nhất. Hai hoạt động giáo dục nền tảng phải chú ý là giáo dục cho con thành người tốt và cho con biết nói tiếng việt và thấm nhuần văn hoá hiếu thảo việt nam. Nhóm B đi theo đường hướng căn bản của nhóm A, đặc biệt chú trọng đến những nét độc đáo của tuổi 12-18 của bậc trung hợc : lắng nghe và chia sẻ với con, giúp con mạnh bạo phát biểu ý kiến của nó ; Không đánh đập, nhưng theo dõi, hướng dẫn và thuyết phục con làm việc tốt và đúng ; Cho con xử dụng Internet, nhưng có kiểm soát, canh chừng và theo dõi.

Về việc chọn trường công tư, nhóm A tiểu học và nhóm B trung học hầu như đếu có những ý kiến giống nhau. Cả hai nhóm đều cho rắng việc chọn trường công hay tư là tùy theo khu mình ở, tùy theo các trẻ chung quanh cùng học và tùy theo khả năng tài chánh cũng như thời giờ đưa đón của gia đình. Tổng quát thì trường công hoc sinh có nhiều tự do hơn, không phải đóng tiền, ít có chọn lựa hơn vì tùy thuộc vào chỗ ở ; trường tư thì học sinh có kỷ luật hơn, đắt tiền hơn, có nhiều tự do chọn lựa hơn.

Về giáo dục tâm linh, nhóm A tiểu học đặc biệt chú trọng đến việc cha mẹ phải lãnh lấy trách nhiệm giáo dục đức tin cho con cái, nên cho rửa tội từ nhỏ và nên đưa đi lễ ở nhà thờ việt nam. Nhóm B trung học chưa kịp bàn đến việc này, nhưng hoàn toàn đồng ý với nhóm A.  

Paris, ngày 15 tháng 11 năm 2007

Tác giả Gs. Trần Văn Cảnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!