.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Mục vụ gia đình 2 : Tông huấn Gia Ðình 2

MVGĐ 3 : Tông huấn Gia Ðình 3

MVGĐ 4 : Thành lập lớp chuẩn bị hôn nhân 1995

MVGĐ 5 : Sinh hoạt lớp chuẩn bị hôn nhân

MVGĐ 6 : Khánh nhật kỷ niệm hôn nhân 1996

MVGĐ 7 : Nhóm Gia Ðình Trẻ - Ngày gia đình 2001

MVGĐ 8 : Khánh nhật thượng thọ 1999

Kết quả mục vụ hôn nhân gia đình

Tổng kết về Mục Vụ Xã Hội

Tạm kết loạt bài « Giáo Xứ Việt Nam Paris 60 năm Hồng Ân »

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Mục Vụ Hôn Nhân Gia Đình Giáo Xứ Việt Nam Paris
Tác giả: Gs. Trần Văn Cảnh
KẾT QUẢ MỤC VỤ HÔN NHÂN GIA ĐÌNH

 Áp dụng Tông Huấn Gia Ðình một cách triệt để, Ban Mục Vụ Hôn nhân Gia đình đã xác định cho mình hai chiều hướng hành động : « Đối với tất cả mọi gia đình ấy, Hội Thánh sẽ là một lời nói của sự thật, của nhân hậu, của cảm thông, của hy vọng, của sự chia sẻ sâu xa với những khó khăn lắm khi bi đát của họ ; Hội Thánh muốn cống hiến cho tất cả mọi gia đình một sự giúp đỡ vô vị lợi để họ có thể đến gần với mẫu gia đình mà Đấng Tạo Hoá đã muốn ngay từ "khởi đầu" và Đức Ki-tô đã canh tân bằng ân sủng cứu chuộc của Người [[1]]”.

Ngay tứ buổi họp thành lập, Ban Giám Ðốc đã đưa ra một thể thức, một nội dung và mời một nhóm người cộng tác thực hiện. Nhóm người này đã thông cảm với nhau về vai trò của mình và quyết định với nhau về những nguyên tắc tổ chức sinh hoạt. Lời nói của họ trong các khoá học như vậy đã được hướng dẫn. Sau khoá thứ nhất, họ đã cùng với các khoá sinh và cùng nhau « kiểm thảo » và bổ túc công việc đã làm về nội dung, về tổ chức và về phương pháp sư phạm. Các việc làm ấy được liên tiếp thực hiện, dẫu có sự lập lại, nhưng vẫn có sự đổi mới liên tục. Sau 24 khoá, trong 12 năm, từ 1995 đến 2007, thật là chính đáng nêu ra câu hỏi : « Công việc của Ban Mục Vụ Hôn nhân Gia đình đã đạt được kết quả nào trong lời nói cảm thông và trong việc làm giúp đỡ vô vị lợi giúp các gia đình đến gần hơn với mẫu gia đình kitô ? » 

1. Số người tham dự

Sau 12 năm sinh hoạt, trong những kết quả mà Ban Mục Vụ Hôn nhân Gia Ðình đã đạt được có những kết quả số lượng, mà ai cũng có thể nhìn thấy. Ðó là những con số. 

Trong khoá Chuẩn Bị Hôn Nhân

Tính đến ngày 30.06.2007, theo bà Tạ Thanh Minh Khánh[[2]], 24 khoá đã được tổ chức, cho 490 học viên. Khoá đông nhất qui tụ 34 học viên, khoá ít nhất qui tụ 9 học viên. Trung bình mỗi khoá có hơn 16 người tham dự. Phân tích các thành phần học viên đã đến tham dự 9 khoá đầu, từ Giáng sinh 1995 đến hết Giáng Sinh 1999, phó tế Phạm Bá Nha [[3]] nêu ra bốn loại người đã đến tham dụ những khoá Chuẩn bị Hôn Nhân. Ông viết :

« Một số ít anh chị đã từng lập gia đình, đã làm đầy đủ lễ cưới đời và đạo và đã có con khôn lớn, trên 20 tuổi, 15 tuổi, 10 tuổi, 5, 6 tuổi hay 1, 2 tuổi. Với những anh chị này, theo học là để tìm hiểu thêm về giáo dục và tâm lý. Chính những cặp đàn anh, đàn chị trưởng thành này đã là những chứng tá và đã trao truyền những kinh nghiệm cho lớp đàn em và đôi khi làm sáng tỏ cho bài học trong lớp. Những ý kiến trao đổi trong ngày tổng kết của những anh chị kinh nghiệm này làm lớp trẻ thêm can đảm lãnh trách nhiệm, dấn thân vào đời sống hôn nhân.

« Ða số các anh chị khác, sau thời gian tìm hiểu đi đếnquyết định lấy nhau và đang chuẩn bị sống chung, đến với khoá học để chuẩn bị gần và kỹ hơn cho thủ tục ngoài toà thị chính và trong nhà thờ. Sau khoá học, thiệp hồng được gởi đi, và một ngày đẹp trời, họ hành hai bên chứng giám con mình bước vào đời với đầy đủ hành trang cả tinh thần lẫn vật chất. Ngày này, phụ huynh cũng như người phụ trách giáo dục, vui mừng khi con em mình đang bay lượn tung tăng trong dòng đời mà không sợ vấp ngã….

« Rất ít anh hay chị ghi tên theo học một mình ; nhưng đã có ý trung nhân ở ngoại quốc hay bên Việt Nam. Theo học ở đây là anh hay chị ấy ý thức trách nhiệm về hôn nhân công giáo là quan trọng và nền tảng của đức tin. Chẳng bao lâu nữa, giáo xứ sẽ có thêm một nhân danh trong sổ cộng đoàn.

« Quí nhất và đáng phục nhất là có học viên theo bạn đến học mà không phải là công giáo. Sau khóa học, người ấy phát biểu : Tôi chiều theo bạn tôi đến học. Học xong tôi mới khám phá ra rằng hôn nhân công giáo có giá trị lâu bền và bảo đảm hạnh phúc lâu dài. Tôi sẽ tìm hiểu và học đạo. Hôn nhân công giáo có nhiều ràng buộc hơn mà các hôn nhân khác không có (học viên khoá 3). Nghe câu phát biểu chân tình ấy, chúng tôi quan sát thấy « người tình » bên cạnh nhoẻn cười và chui vào vai « người mình yêu ». Thiết tưởng lúc ấy hai trái tim đập một nhịp thật mạnh hơn lúc nào hết ».

Trong những sinh hoạt mục vụ gia đình khác : Gia đình trẻ - Ngày gia đình, Khánh nhật kỷ niệm hôn nhân, Khánh nhật thượng thọ.  

Gần với Khoá Chuẩn Bị Hôn Nhân là ngày gặp mặt và hội học của Nhóm Gia Ðình Trẻ. Ðược thành lập vào năm 1992, dưới sụ hướng dẫn tuyên úy của cha Mai Ðức Vinh, rồi cha Trần Anh Dũng. Nhóm qui tụ trung bình khoảng từ 10 đến 17 cặp vợ chồng trẻ. Họ họp nhau trung bình từ 2 đến 3 lần trong năm phụng vụ, để trao đổi và học hỏi với nhau về những vấn đề và kinh nghiệm của cuộc sống lứa đôi và cuộc sống gia đình.. 

Manh nha từ năm 1998 với cuộc họp chung ngày 17.04.1998 qui tụ khoảng 80 cựu học viên của 6 khoá Dự Bị Hôn nhân, Ngày gia đình đã chính thức được thành lập và sinh hoạt lần đầu tiên vào hai ngày 28 và 29.10.2001, Từ ngày ấy, hằng năm, mỗi năm một lần, Ngày Gia Ðình lại được một nhóm gia đình trẻ nòng cốt tổ chức. Trung bình số người tham dự di dịch từ 40 đến 80 người.  

Thêm vào với những sinh hoạt mục vụ gia đình dành cho những người sắp và vừa bước vào đời sống gia đình vừa nói trên, còn có một sinh hoạt mục vụ gia đình khác dành cho toàn thể cộng đoàn, mà người chủ chốt hoạt náo là những cặp hôn nhân trưởng thành, đã lập gia đình được 10, 15, 20, 25, 30, 35, 40, 45, 50, 55, 60,.. năm. Ðó là khánh nhật kỷ niệm hôn nhân, khởi đầu từ lễ Thánh Gia 29.12.1996. Khánh nhật hôn  nhân đã được tổ chức liên tục 8 lần, vào các lễ Thánh Gia 1996, 1997, 1998, 1999, 2000, 2001, 2002 và 2003. Tất cả có 143 cặp vợ chồng đã ghi tên tham dự ngày khánh nhật hôn nhân này. Năm nhiều nhất có 40 cặp, năm ít nhất có 10 cặp. Trung bình mỗi lần có gần 18 cặp tham dự. Trong những lễ khánh nhật này, số người tham dự thánh lễ lên tới cả 1000. Từ 2004, khánh nhật kỷ niệm hôn nhân tạm ngưng tổ chức hàng năm, vì số người ghi tên tham dự quá ít.  

Một sinh hoạt mục vụ gia đình cho toàn cộng đoàn khác là khánh nhật chúc mừng thượng thọ, mà cộng đoàn đã, dựa vào lòng tôn kính các bậc trưởng lão của văn hoá Việt Nam, tổ chức cho toàn cộng đoàn. Lần thứ nhất vào ngày 31.12.1999 với hơn 150 vị cao niên đến tham dự, lần thứ hai vào ngày 31.12.2006 với khoảng 200 vị cao niên, từ 70 tuổi trở lên, đã đáp lời mời của Ban Giám Ðốc Giáo Xứ, đến dự lễ. Cũng như những lễ khánh nhật kỷ niệm hôn nhân, lễ khánh nhật chúc mừng thượng thọ được rất đông đảo giáo dân tham dự.  

2. Ðề tài học hỏi - trao đổi và Tài liệu phát hành 

Nhìn vào nội dung các sinh hoạt trên, dễ dàng chúng ta nhận thấy bàn chất thứ nhất của các sinh hoạt mục vụ gia đình đã được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói đến trong tông huấn Gia đình. Ðó là  « một lời nói của sự thật, của nhân hậu, của cảm thông, của hy vọng, của sự chia sẻ sâu xa với những khó khăn lắm khi bi đát của họ (các gia đình) ». Lời nói này đã được biểu lộ qua những cuộc học hỏi – trao đổi và đôi khi đã được ghi lại trong những tài liệu đã được phát hành. 

Lời nói này, trong khoá chuẩn bị hôn nhân, xoay quanh 10 đề tài nặng tính chất nguyên tắc và chỉ hướng của khoá trình :

1.      Mục đích và đặc tính của Bí Tích Hôn Phối (LM Mai Đức Vinh)

2.      Gia đình với dân luật của Pháp (Ls Lê Đình Thông)

3.      Đời sống sinh lý vợ chồng (Bs Nguyễn Văn Ái)

4.      Đời sống đạo đức của gia đình (Gs Nguyễn Văn Thạch)

5.      Giáo dục con cái (Gs Trần Văn Cảnh)

6.      Phương pháp dưỡng thai và dưỡng nhi (Bs Tạ Thanh Minh)

7.      Vấn đề tài chánh trong gia đình (Gs Phạm Bá Nha)

8.      Người chồng tốt (Bs Nguyễn Ngọc Đỉnh)

9.      Người vợ tốt (Bà Gs Tạ Thanh Minh Khanh)

10.  Phụng vụ hôn nhân (Lm Đinh Đồng Thượng Sách) 

Trong những cuộc gặp mặt và hội học của Nhóm Gia Ðình Trẻ  và của Ngày Gia Ðình, lời nói này thiên về kinh nghiệm và thực tế hằng ngày, xoay quanh những vấn đề như :

11.  Điều hòa sinh sản

12.  Luật pháp trong đời sống vợ chồng tại Pháp...

13.  Tâm sinh lý vợ chồng

14.  Niềm vui và nỗi buồn của vợ chồng,

15.  Sóng ngầm lứa đôi.      

16.  Khác biệt cá tính giữa vợ và chồng.

17.  Giáo dục con trẻ (mẫu giáo - tiểu học),

18.  Trao truyền văn hóa VN và đức tin công giáo.

19.  Hạnh phúc vợ chồng (tiền bạc - sức khỏe - sinh lý - nghề nghiệp - đam mê cá nhân - tôn giáo).

20.  Đối thoại vợ chồng (về các vấn đề tài chánh, giáo dục con cái, hạnh phúc vợ chồng và mối liên hệ đến gia đình thân tộc hai họ, đồng nghiệp, láng giềng, bạn bè).

21.  Giáo dục con cái : tiểu học và trung học, vai trò cha mẹ trong việc trao truyền niềm tin và văn hóa, học hành, xử dụng phương tiện truyền thông. 

Lời nói này qua miệng những cặp hôn nhân trưởng thành kỷ niệm khánh nhật hôn nhân nghiêng hẳn về tâm tình Tạ Ơn Chúa và lòng hảo tâm chia sẻ kinh nghiệm sống mẫu gia đình kitô. Ngày lễ khánh nhật hôn nhân 29.12.1996, mười cặp hôn nhân trưởng thành đã chia sẻ với những ý tưởng chính như sau :

22.  ÔB. Ngô Đồng Châu : 65 năm hôn phối. Nhờ cầu nguyện hằng ngày, sống trung thành với hồng ân Thiên Chúa, hy sinh, nhẫn nại, tha thứ mọi lỗi lầm cho nhau.

23.  ÔB Phan Quang : 62 năm hôn phối (Chủ tịch tiên nhiệm Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Việt nam Paris 1983). Sống theo nguyên tắc luân lý và Giáo Hội : trung tín với Đạo Chúa, chung thủy trong tình vợ chồng “mọi sự như đã định”.

24.  ÔB Nguyễn Văn Thập : 60 năm hôn phối. Trải qua chiến tranh Nhật, thời Việt Minh, thành hôn lúc loạn ly gian khổ, giao thông gián đoạn, từng sống bên Lào, nhờ giữ vững đức tin và siêng năng cầu nguyện.

25.  ÔB. Emile Hiếu-Bích Thuận : 46 năm hôn phối. Có đức tin và sống lời Chúa để tu thân, tề gia, vợ chồng hạnh phúc.

26.  ÔB Nguyễn Xuân Cần (40 năm) : Nhớ công ơn song thân hai bên sinh thành, giáo dục.

27.  ÔB. Trần Xuân Lâm (30 năm) : Cảm tạ Chúa, cám ơn vợ vì đảm đang và giữ cho chồng con sống đời đạo đức, vượt khỏi gian nan.

28.  ÔB Nguyễn Văn Sâm (30 năm) : Cám ơn vì đã giúp nhau đi một quảng đường, vượt “ba chìm” là nhờ đức tin.

29.  ÔB. Nguyễn Quốc Hoa : 25 năm lập gia đình thì 9 năm ly cách vợ và con ở Việt Nam, đoàn tụ năm 1989. Cuộc sống cũng có gợn sóng khấy động, có nắng sớm mưa chiều. . . nhưng nhờ nhìn Chúa và Đức Mẹ Lộ Đức, biết nhường nhịn, yêu thương, tạo hạnh phúc cho nhau, cầu mong tiếp tục đường hôn nhân còn dài.

30.  ÔB Phạm Bá Nha (25 năm) : Đức tin hướng dẫn soi lối vượt thắng những trở ngại trong đời.

31.   ÔB Vũ Ngọc Hiên (25 năm) : Có những năm dài xa cách và khắc nhau nhưng vẫn “chung thủy, yêu thương nhau”.

Cũng một chiều hướng như những lời chia sẻ của các bậc phụ huynh trưởng thành, những lời của các bậc trưởng lão mang nặng tâm tình biết ơn và tâm tình khiêm nhu chia sẻ. Trong lễ mừng kính thượng thọ ngày 31.12.2006, bốn vị cao niên đã chia sẻ kinh nghiệm và tâm tình cùng Cộng Ðoàn như sau :  

32.  Bà Vũ Nathalie,72 tuổi, Ban Ðại Diện Các Bà Mẹ Công Giáo, chia sẻ rằng : « Ðiều cảm nghiệm đầu tiên của con nhân ngày lễ hôm nay là Hồng ân sự sống mà Chúa nhân từ đã yêu thương ban tặng cho con trong suốt hơn 72 năm qua »

33.  Ông Nguyễn văn Tài, 83 tuổi, Ban Biên Tập Báo Giáo Xứ vắn tắt chia sẻ với cộng đoàn : « Tôi xin cám ơn Chúa và Mẹ Maria ».

34.  Bà Nguyễn Văn Sâm, ngoại thất tuần, Hội trưởng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, chia sẻ : «  « Nhờ vào đức tin vững mạnh, nhờ vào lời cầu nguyện thường xuyên, Hồng Ân cao cả của Chúa đã ban cho gia đình được đoàn tụ, sanh xôi nảy nở, an vui ổn định, như ngày hôm nay ».

35.  Ông Jean Ðào, 67 tuổi, phó Curia Maria Vữ Vương nước Việt Nam, chia sẻ : «  Nếu không có bàn tay Thiên Chúa thì tình yêu hạnh phúc làm gì có được như tới hôm nay. Chúng con tạ ơn Chúa đã ban tình yêu hạnh phúc cho chúng con, vì Chúa là Tình Yêu ». 

Một số những lời “của sự thật, của nhân hậu, của cảm thông, của hy vọng và của chia sẻ với các gia đình ” trên đây đã được ghi lại trong một số tài liệu và đã được Giáo Xứ ấn hành. Tờ báo Giáo Xứ Việt Nam, ấn hành từ 1984 và mạng lưới tin học Giáo xứ Việt nam Paris http://www.giaoxuvnparis.org/ đăng tải hầu hết các đề tài học hỏi, thảo luận và chia sẻ của Ban Mục Vụ Hôn Nhân Gia Ðình. Ðặc biệt trong vấn đề gia đình, xin giới thiệu ba tập sách quan trọng sau đây đã được Ban Mục Vụ Hôn nhân Gia Ðình biên soạn và Giáo Xứ xuất bản :

1.      Đường vào tình yêu (chuẩn bị hôn nhân) ; 2000, 336 trang

2.      Văn hoá và Đức tin ; 2004, 638 trang

3.      Văn hoá gia đình ; 2006, 552 trang

3. Giao lưu với các nhóm mục vụ gia đình ở Việt Nam 

Là một cái duyên hơn là một cái lý, Ban Mục Vụ Hôn Nhân Gia Ðình của Giáo Xứ Việt Nam Paris đã một lần được giao lưu và làm việc chung với phái đoàn Mục Vụ Gia Ðình Thành Phố Hồ Chí Minh. Ðó là ngày 29.10.2000, với 6 đại biểu của 6 đoàn thể sau đây :

1.      Giuse Huỳnh Bá Song : Gia Ðình Phạt Tạ Thánh Tâm

2.      Giuse Ngô Văn Hiền : Nhóm Gia Ðình Chúa

3.      Gioan Phêrô Tạ Ðình Vui : Cộng Ðoàn Gia Ðình cùng theo Chúa

4.      Phêrô Nguyễn Văn Huyền : Hiệp Hội Thánh Mẫu

5.      Vicentê Hoàng Văn Phượng : Phan Sinh tại thế

6.      Giuse Ngô Văn Trương : Cát Minh 

Trên đường đi dự cuộc gặp gỡ toàn cầu lần thứ 3 của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với các gia đình tại Rôma ngày 14 và 15 tháng 10 năm 2000 về, sáu đại biểu trên đã có dịp ghé thăm Giáo Xứ Việt Nam Paris và đặc biệt Ban Mục Vụ Hôn Nhân Gia Ðình của Giáo Xứ. Ðón tiếp, tham dự thánh lễ chung, làm việc và dùng cơm chung với phái đoàn Mục Vụ Gia Ðình TP HCM, về phía Giáo Xứ Paris có 5 vị sau đây :

1.      Cụ Nguyễn Văn Hộ, cựu chủ tịch Hội Ðồng Mục Vụ

2.      Bác sĩ Nguyễn Ngọc Ðỉnh, hiện Chủ Tịch Hội Ðồng Mục Vụ

3.      Luật sư Lê Ðình Thông, giảng viên khoá trình Chuẩn bị Hôn Nhân

4.      Giáo sư Trần Văn Cảnh, thư ký và giảng viên khoá trình Chuẩn bị Hôn Nhân

5.      Bà Ðặng Sự, thành viên Ca đoàn Lê Bảo Tịnh.

Sau thánh lễ 10 giờ, liên tục từ 11 giờ đến 15 giờ, hai phái đoàn đã làm việc chung với nhau (11 đến 13 giờ : trao đổi thảo luận ; 13 đến 15 giờ : trao đổi thảo luận và dùng cơm trưa chung do Giáo Xứ khoản đãi). Trong sổ ghi chú riêng, tôi đọc lại được những ghi chép sau đây :

Nội dung trao đổi :

1.      Các Ðại biệu Paris chào mừng Phái đoàn Việt Nam và giới thiệu tổng quát về giáo xứ, đặc biệt là sinh hoạt mục vụ gia đình.

2.      Sáu đại biểu Việt Nam, mỗi người giới thiệu hội đoàn của mình và tình trạng sinh hoạt của hội đoàn về mục vụ gia đình ở Việt Nam.

3.      Sáu đại biểu Việt Nam chia sẻ về hai ngày gặp gỡ toàn cầu các gia đình tại Rôma, 14 và 15/10/2000.

4.       Trao đổi chung về « Gia đình công giáo ở Việt Nam ». 

Về đề tài « Gia đình công giáo ở Việt Nam hôm nay (2000) », những điểm sau đây đã được ghi lại :

Những khó khăn chung về xã hội kinh tế

·        Cái nhìn duy vật về con người với những giá trị quá nặng về chức quyền và tiền bạc

·        Sự thật thường xuyên vắng mặt

·        Vai trò thứ yếu của người nữ

·        Kinh nghiệm quản lý và kỹ thuật còn yếu

·        Cái nghèo (tiền, chữ, đức) vẫn còn hoành hành mạnh, thất nghiệp gia tăng từ 3 năm nay

·        Giáo dục đặt nặng bằng cấp

·        Xì ke, ma tuý, mãi dâm là những tệ nạn trầm trọng

Những khó khăn của gia đình công giáo

·        Sống đạo theo hình thức truyền thống nhiều hơn là do đức tin thực sự

·        Tỷ lệ ly dị và ly thân gia tăng

·        Tỷ lệ phá thai cũng gia tăng

·        Nạn đánh vợ vẫn còn là một thực tại

Nhửng tia sáng thực tại gia đình công giáo

·        Chúa Thánh Thần vân tiếp tục ban ơn, sức sống vẫn vươn lên

·        Có một sự khao khát đọc Lời Chúa và cầu nguyện nơi người trẻ

·        Giới trẻ dễ dàng tụ họp nhau để cầu nguyện

·        Có nhiều dễ dãi hơn về phía chính quyền. 

Trong buổi trao đổi, một số ý kiến và đề nghị đã được nêu lên. Anh Giuse Huỳnh Bá Song đã ghi lại và chuyển cho tôi những ý kiến ấy, trong một lá thư 4 trang. Tôi xin chép lại nguyên văn :

GHI NHẬN Y KIẾN CÁC ÐẠI BIỂU

Trong cuộc trao đổi về Mục Vụ Gia Ðình giữa hai thành phố Paris và TP Hồ Chí Minh 

Anh Cảnh : Vui mừng được đón tiếp phái đoàn Mục Vụ Gia Ðình TP-HCM và được trao đổi kinh nghiệm với các anh chị. Nhất là sẽ được các anh chị kể cho nghe các kinh nghiệm của mình ở Việt Nam và những điều mới nghe và thấy ở Roma.

Anh Thông : Giới thiệu về hoạt động mục vụ hôn nhân gia đình của Giáo Xứ Việt Nam Paris. 5 năm sau khi Ban Mục Vụ Hôn nhân Gia Ðình được thành lập vào năm 1995, một thành quả cụ thể đã được thực hiện. Ðó là việc ấn hành tập sách tài liệu của khoá trình Chuẩn bị Hôn nhân, công trình tập thể của 10 giảng viên. Ðề nghị trong tương lai sẽ hình thành sự trao đổi giữa 2 thành phố ở 2 ban mục vụ đời sống gia đình. Dĩ nhiên cần có sự nhất trí và chuẩn y của 2 Ðức Tổng.

Anh Song : Nắm được những kinh nghiệm thuận lợi về công tác tổ chức ban mục vụ  đời sống gia đình ở Giáo xứ Việt Nam Paris, mà giáo dân cộng tác trực tiếp với giáo sĩ ; và về tài liệu có hệ thống, đầy đủ cho các bước chuẩn bị đời sống gia đình, trước, trong và sau hôn nhân, cả về tinh thần lẫn vật chất ; Xin ban mục vụ gia đình Paris nghiên cứu, thực hiện, qua các đôi gia đình ở Paris thành công ở việc gắn bó học hỏi tài liệu, để TP-HCM có điều kiện trao đổi.

Anh Vui : Qua thông điệp của Ðức Giáo Goàng, cần xác định rõ vai trò của gia đình là nền tảng của xã hội và giáo hội. Cần xây dựng hình ảnh gia đình Nazarét rõ rệt trong lòng mọi người. Sẽ gởi tài liệu về gia đình ở Roma đến ban mục vụ gia đình giáo xứ Paris.

Anh Phượng : Cần chuẩn bị cho thanh niên hiểu rõ về đời sống hôn nhân trước khi lập gia đình. Sau hôn nhân, cần tạo điều kiện để các gia đình mới và cũ có thể chia sẻ kinh nghiệm đời sống gia đình cho nhau. Có thể tổ chức thánh lễ riêng cho các đối tượng mỗi tháng một lần. Cần giảng viên về hôn nhân, cần dành thời gian thăm hỏi, nâng đỡ các gia đình mới, hầu tạo được sự an tâm hơn cho họ.

Anh Huyền : Giới trẻ hiện đại ở Việt Nam có cuộc sống thực dụng, đến và chia tay nhau khá dễ dàng. Cần thiết giáo dục cho thanh niên tiền hôn nhân thật kỹ. Nếu có điều kiện, nên thành lập từng nhóm 5-10 gia đình trẻ ; hằng tháng gặp gỡ, chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn của đời sống gia đình.

Anh Trương : Các đoàn thể, nhất là giới trẻ, cần tham gia hỗ trợ công tác MVGÐ. Công tác mục vụ gia đình tại Việt Nam  chưa được quan tâm đúng mức ở nhiều giáo xứ. Cần củng cố quan điểm và tích cực trao đổi và học hỏi về công tác MVGÐ để phục vụ tốt hơn.

Anh Thông : Xin bổ xung thêm. Ngoài hình thức trao đổi giữa ban MVHNGÐ của hai thành phố về kỹ thuật ; đề nghị tổ chức hội thảo, trao đổi qua tài liệu về MVHNGÐ, có thể 2 năm mỗi lần tổ chức. Nếu cần thiết, hai thành phố có thể cử các đại biểu trực tiếp đến tìm hiểu công tác MVHNGÐ của nhau.

Anh Cảnh : Trước khi mở rộng giao lưu giữa hai thành phố, có lẽ ban mục vụ hôn nhân gia đình ở Paris nên mở rộng sinh hoạt của mình ở Pháp đã, để có cái nhìn tổng quát và toàn diện hơn.

Anh Song : Sẽ trình bày cụ thể và chi tiết các trao đổi hôm nay cho cha phụ trách giáo phận và cha ở toà giám mục. Kết quả cụ thể sẽ gởi thơ báo cáo trực tiếp cho ban MVHNGÐ Giáo Xứ Paris, hoặc E-Mail sang. Anh Vui phụ trách phần E-Mail.

Anh Hiền : Hậu hôn nhân rất quan trọng. Không tiếp tục quan tâm sẽ dễ đưa đến đổ vỡ. Cụ thể, các đôi gia đình trẻ cần được mời tham gia vào các đoàn thể để các đoàn thể chăm sóc họ.

Bs Ðỉnh (Chủ Tịch HÐMV, thay mặt Giáo Xứ) : Thay mặt Hội Ðồng Mục Vụ Giáo Xứ, xin cám ơn và chúc các đại biểu đoàn Mục Vụ Gia Ðình Việt Nam lên đường bình an. Xin chuyển những lời chúc tốt đẹp đến các cộng đoàn của các anh chị ở Việt Nam.

Anh Song (thay mặt đoàn) : Xin cám ơn về sự đón tiếp thân tình, chu đáo của HÐMV GX Paris ; về tình cảm dạt dào của Ca Ðoàn Lê Bảo Tịnh ; về những trao đổi chân tình và các tài liệu quí báu của ban Mục Vụ Hôn nhân Gia Ðình của GXVN Paris ; về bữa cơm việt nam rất ngon trên đất Pháp. Cám ơn cụ Hộ, bác Ðỉnh, Anh Cảnh, Anh Thông, cô Sự. Cám ơn tất cả.

 

LỜI KẾT 

Nhìn qua một vài kết quả số lượng dễ thấy, chắc chắn không ai quên được những khó khăn càng ngày càng nhiều, những thách đố càng ngày càng căng, đang đè nặng trên các gia đình. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao lô II đã chỉ cho ta thấy những bóng tối của gia đình ngày nay : « Một quan niệm sai lầm trên lý thuyết và thực hành về sự độc lập giữa hai vợ chồng, những mập mờ rất trầm trọng về tương quan uy quyền của cha mẹ đối với con cái, những khó khăn cụ thể trong việc lưu truyền các giá trị như nhiều gia đình đã cảm nghiệm, con số các vụ ly dị gia tăng, vết thương về sự phá thai, việc dùng các phương pháp tuyệt sản ngày càng nhiều, việc hình thành một não trạng đích thị là não trạng chống thụ thai [[4]].

Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam cũng đã nêu lên những nguy cơ cho các gia đình hiện nay. Các Ngài viết : Tuy nhiên, hình ảnh đẹp về gia đình Việt Nam hiện nay đang có nguy cơ mờ nhạt dần đi. Nguyên do dễ thấy nhất là tiến trình "công nghiệp hoá, đô thị hoá". Tiến trình này tự nó đem lại nhiều phúc lợi cho xã hội như những tiện nghi vật chất và cuộc sống văn minh, nhưng đồng thời cũng kéo theo những xáo trộn trong sinh hoạt gia đình, làm ảnh hưởng đến nề nếp gia phong như lôi cuốn một số người đến chỗ hưởng thụ ích kỷ, và xa hơn đến lối sống buông thả sa đà, từ đó làm gia tăng những trường hợp ly dị và làm suy giảm ý thức về phẩm giá sự sống.

Cùng với tiến trình này là hiện tượng di dân ồ ạt về các thành phố lớn để tìm việc làm. Hậu quả là một số cha mẹ phải sống xa con cái, nên việc giáo dục cơ bản không được lưu tâm đúng mức; một số người trẻ phải rời gia đình đến làm việc ở nơi xa lạ, nên dễ bị bóc lột sức lao động và mắc phải những tệ nạn xã hội như xì ke, ma tuý hay rơi vào những hoàn cảnh trong đó nhân phẩm bị coi thường; một số trẻ em bị đẩy ra đường phố sống lang thang.

Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng và đa dạng các phương tiện truyền thông xã hội, một mặt cung cấp những thông tin hữu ích giúp thăng tiến con người, nhưng mặt khác lại du nhập những lối sống thiếu lành mạnh, tác hại đến nếp sống đạo đức gia đình như tự do luyến ái, sống chung không cưới xin, dễ dàng sử dụng bạo lực.[5]..

Bên cạnh các sinh hoạt đã được Ban MVHNGÐ tổ chức với số người tham dự khả quan, bên cạnh những đám cưới vẫn được tổ chức đều đặn tại giáo xứ, bên cạnh những lớp học giáo lý và tiếng việt cho trẻ em, những lớp huấn luyện trưởng thiếu và thanh niên,…

Một số dữ kiện vẫn làm những người hữu trách ưu tư : một số ly thân và ly dị nơi các gia đình trẻ, sự sinh hoạt èo ẹt của nhóm các gia đình trẻ, .. 

Ðành rằng có những lý do khách quan xa về xã hội, như « Những trào lưu mới, tự do và bình đẳng thái quá, quan niệm âu tây trọng trẻ, khi già, cách sống vật chất và thú vui hiện tại,.. ». Nhưng có người cũng đã đặt ra câu hỏi : « Những giải quyết ta đưa ra đã mở đủ chưa ? Sự tiếp tục kiên trì thực hiện và cải tiến lời nói trong các khoá học và hội thảo về gia đình có đ ủ  hấp dẫn và lôi cuốn các gia đình trẻ chưa ? Tầm nhìn ngôn hành của ta đã mở rộng đủ chưa, có đa phương, đa tác, đa dụng không ? Các hội đoàn công giáo tiến hành khác, đặc biệt là đạo binh đức mẹ và hội các bà mẹ đã ý thức đủ được chiều hướng và nhu cầu mục vụ gia đình của họ chưa ? Ðặc biệt là chiều hướng mục vụ gia đình cho những gia đình trái qui tắc ? Ta đã có phát triển liên kết giữa lời nói với việc làm mục vụ và liên đới không ? Sự liên kết giữa hai điều mà Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô gọi là « Ngỏ Lời » và « Ðem lại sự nâng đỡ », hay « Một lời nói » và « Một sự nậng đỡ vô vị lợi » ?   

Paris, ngày 29 tháng 11 năm 2007 

Trần Văn Cảnh


[1] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn gia đình, ngày 22.11.1981, số 65.

[2] Tạ Thanh Minh Khánh, Mục Vụ Gia Ðình (tài liệu lưu hành nội bộ), tháng 7, 2007

[3] Phạm Bá Nha, Tổng kết các khoá chuẩn bị hôn nhân, trong Ðường vào Tình Yêu, Paris : Giáo Xứ Việt Nam, tr . 323-329

[4] ÐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Gia Ðình, ngày 21.11.1981, số 6

[5] HÐGMVN ; Thánh Hoá Gia Ðình, thơ mục vụ ngày 11.10.2002, số 3

Tác giả Gs. Trần Văn Cảnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!