.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Mục vụ gia đình 2 : Tông huấn Gia Ðình 2

MVGĐ 3 : Tông huấn Gia Ðình 3

MVGĐ 4 : Thành lập lớp chuẩn bị hôn nhân 1995

MVGĐ 5 : Sinh hoạt lớp chuẩn bị hôn nhân

MVGĐ 6 : Khánh nhật kỷ niệm hôn nhân 1996

MVGĐ 7 : Nhóm Gia Ðình Trẻ - Ngày gia đình 2001

MVGĐ 8 : Khánh nhật thượng thọ 1999

Kết quả mục vụ hôn nhân gia đình

Tổng kết về Mục Vụ Xã Hội

Tạm kết loạt bài « Giáo Xứ Việt Nam Paris 60 năm Hồng Ân »

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Mục Vụ Hôn Nhân Gia Đình Giáo Xứ Việt Nam Paris
Tác giả: Gs. Trần Văn Cảnh
TỔNG KẾT VỀ MỤC VỤ XÃ HỘI

Loạt bài Mục Vụ Xã Hội mà chúng ta vừa xem qua, gồm 18 bài. Bốn bài giới thiệu mục vụ xã hội theo ý nghĩa thông thường và cổ điển là từ thiện, bác ái, tương trợ. Năm bài kế tiếp trình bày một tìm kiếm mới trong sinh hoạt mục vụ xã hội theo nghĩa mới, đi vào chiều hướng kinh tế nghề nghiệp, được gọi chung là liên đới nghề nghiệp. Chín bài tường trình mục vụ xã hội qua những sinh hoạt hướng về đơn vị xã hội căn bản là gia đình.

Không kể 3 bài tóm tắt và phân tích Tông Huấn Gia Ðình, tất cả 15 bài còn lại đều mô tả thực tế sinh hoạt mục vụ xã hội ở Giáo Xứ Việt Nam Paris. Ðể kết thúc loạt bài về mục vụ xã hội này, có lẽ nên làm một tổng kết hầu rút tỉa ra những nguyên tắc căn bản và quan trọng để hướng dẫn những hoạt động tương lai. Cái tổng kết này đòi hỏi sự tổng hợp so sánh những việc làm thực tế ở giáo xứ với những chỉ dậy nguyên tắc của Giáo hội. Nói như vậy, năm câu hỏi sau đây sẽ hướng dẫn chúng ta tìm một kết luận tổng hợp cho mục vụ xã hội :

·        Mục vụ xã hội nhắm mục đích gì ?

·        Mục vụ xã hội gồm những lãnh vực quan trọng nào ?

·        Mục vụ xã hội phải được thực hiện trong môi trường nào ?

·        Mục vụ xã hội phải áp dụng những phương thức nào ?

·        Mục vụ xã hội phải được thực hiện trong tinh thần nào ? 

1. Mục tiêu của Mục vụ xã hội : Loan báo tin mừng hay Sứ vụ với chức năng thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ cho Tin Mừng và sự sống con người

Ðược Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam ủy nhiệm lo vệc tổ chức « Công Nghị Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vào năm 2010 » để kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã đưa ra một Dự thảo, ngày 15/10/2007, phổ biến trên http://vietcatholic.net/news/. Trong tài liệu này,  ÐHY chia mục vụ ra làm 4 lãnh vực, theo đó, Mục vụ Bác Ái Xã hội được xếp vào lãnh vực Loan báo tin mừng. Ngài viết :    

1. Lãnh vực NGÔN SỨ :

- Mục vụ Thánh Kinh (dịch thuật, phổ biến, học và hành…)
- Mục vụ Giáo lý và giáo dục đức tin…, Thần học, Giáo luật…
- Mục vụ Lời Chúa….

2. Lãnh vực TƯ TẾ :

- Mục vụ Phụng tự, Nghệ thuật thánh, Thánh nhạc, Hội nhập văn hoá…
- Mục vụ lòng đạo bình dân, Kinh sách, Thờ Ông Bà…

3. Lãnh vực MỤC TỬ:

- Mục vụ Quản Trị giáo phận, giáo xứ…
- Giám mục, linh mục, dòng tu, tu hội…
- Giáo dân, các đoàn thể tông dồ giáo dân, Giới Trẻ, Gia Đình, Bệnh nhân, Di Dân (qua các thời kỳ thử thách, phân tán, và năm 1954, 1975…)
- Đào tạo, huấn luyện nhân sự…

4. Lãnh vực LOAN TIN MỪNG :
- Mục vụ Truyền giáo, các Hội Thừa Sai xưa và nay, với những chứng nhân đức tin,
- Mục vụ Văn hoá, giáo dục, trường học, dạy nghề…
- Mục vụ Truyền thông, chữ quốc ngữ, sách báo xưa và nay, hội nhập văn hoá…
- Mục vụ Bác Ái Xã hội, chăm sóc sức khoẻ bệnh nhân, người già, cô nhi, khuyết tật…
- Ngoài những hoạt động mục vụ trên, còn có thể làm gì để yêu thương và phục vụ đặc biệt người nghèo khổ, bất hạnh, bị bỏ rơi, trong cộng đồng dân tộc ngày nay ?

Ngày 30/11/2007, Dự thảo trên đã được ÐHY chuyển thành Ðề Án, chi tiết hơn. Ðề án này cũng đã được phổ biến trên http://vietcatholic.net/news/. Trong tài liệu này, theo tiêu chuẩn chức năng, ÐHY phân chia mục vụ làm ba loại, theo đó, Mục vụ Bác Ái Xã hội được xếp vào Lãnh vực Giáo Hội Sứ Vụ với chức năng thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ cho Tin Mừng và sự sống con người. Ngài viết :  

1. Lãnh vực Giáo Hội mầu nhiệm:

1.1 với chức năng NGÔN SỨ:

- Mục vụ Thánh Kinh (dịch thuật, phổ biến, học và hành…)

- Mục vụ Giáo lý và giáo dục đức tin…, Thần học, Giáo luật…

- Mục vụ Lời Chúa….

1.2 với chức năng TƯ TẾ:

- Mục vụ Phụng tự, Nghệ thuật thánh, Thánh nhạc, Hội nhập văn hoá…

- Mục vụ lòng đạo bình dân, Kinh sách, Thờ Ông Bà…

2. Lãnh vực Giáo Hội hiệp thông với chức năng MỤC TỬ:

- Mục vụ Quản Trị giáo phận, giáo xứ…

- Giám mục, linh mục, dòng tu, tu hội…

- Giáo dân, các đoàn thể tông dồ giáo dân, Giới Trẻ, Gia Đình, Bệnh nhân,Di Dân (qua các thời kỳ thử thách, phân tán, và năm 1954, 1975…)

- Đào tạo, huấn luyện nhân sự…


3. Lãnh vực Giáo Hội sứ vụ với chức năng thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ cho Tin Mừng và sự sống con người:

- Mục vụ Truyền giáo, các Hội Thừa Sai xưa và nay, với những chứng nhân đức tin……

- Mục vụ Văn hoá, giáo dục, trường học, dạy nghề…

- Mục vụ Truyền thông, chữ quốc ngữ, sách báo xưa và nay, hội nhập văn hoá…

- Mục vụ Bác Ai Xã hội, chăm sóc sức khoẻ bệnh nhân, người già, cô nhi, khuyết tật…

Tất cả những sinh moạt mục vụ xã hội được thực hiện từ 60 năm nay tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, dẫu hướng về giáo dân hay lương dân ; dẫu hướng về người việt nam ở Việt Nam hay người việt nam ở Pháp, ở hải ngoại ; dẫu hướng về người nguồn gốc việt nam hay người có nguồn gốc khác,… ; dẫu bằng hành động giúp đỡ vật chất, tiền bạc hay bằng hành động cầu nguyện, dậy bảo khuyên nhủ, … ; dẫu dành cho người trẻ, hay người già, người trong gia đình, trong giáo xứ, trong địa phận hay người ngoài,.., tất cả, dẫu có khi không tinh ròng, không ý thức, nhưng ít nhiều đều nhằm mục tiêu « Loan báo Tin Mừng, hay Sứ vụ với chức năng thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ cho Tin Mừng và sự sống con người ». Ðúng như lời chỉ dậy của Công Ðồng trong « Sắc lệnh Tông đồ giáo dân » rằng : Mục đích của việc tông đồ giáo dân là phải nhằm  rao giảng phúc âm và thánh hoá, mà không quên canh tân trật tự trần thế theo tinh thần Kitô giáo[1].

2. Ba lãnh vực của Mục vụ xã hội : bác ái, liên đới nghề nghiệp và thăng tiến hôn nhân gia đình

Trong HIẾN CHẾ MỤC VỤ VỀ GIÁO HỘI TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY (GAUDIUM ET SPES) của Công Ðồng Vatican II, các Nghị phụ đã nêu ra 3 thí dụ hoạt động của « Sự trợ giúp mà Giáo Hội cố gắng mang đến cho xã hội nhân loại » là : công cuộc từ thiện, sự liên đới trong sinh hoạt nghề nghiệp xã hội, và sự góp công thăng tiến hôn nhân gia đình. Công Ðồng viết :

Sứ mệnh riêng biệt mà Chúa Kitô đã ủy thác cho Giáo Hội Người không thuộc phạm vi chính trị, kinh tế hay xã hội: mục đích Người đã ấn định cho Giáo Hội thuộc phạm vi tôn giáo. Nhưng, bởi chính sứ mệnh tôn giáo ấy, phát sinh bổn phận, ánh sáng và những sức mạnh có thể giúp thiết lập và củng cố cộng đoàn nhân loại theo Luật Lệ của Thiên Chúa; cũng thế, khi có nơi nào cần, chính Giáo Hội có thể và hơn nữa, phải phát động, tùy theo hoàn cảnh thời gian và nơi chốn, những công cuộc nhằm phục vụ mọi người, nhất là những người cùng khốn, thí dụ như các công cuộc từ thiện hoặc những tổ chức khác tương tự[2].

Giáo Hội còn nhìn nhận tất cả những gì tốt đẹp trong năng động xã hội hiện tại: nhất là sự tiến tới hiệp nhất, tiến trình xã hội hóa lành mạnh và sự liên đới trong phạm vi công quyền và kinh tế…. Vậy, không được đem sinh hoạt nghề nghiệp và xã hội mà đối nghịch cách giả tạo với đời sống tôn giáo. Ðối với người Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với người lân cận và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa. Theo gương Chúa Giêsu đã sống như một người thợ, các Kitô hữu hãy vui mừng vì có thể thi hành mọi hoạt động trần thế mà đồng thời có thể liên kết trong một tổng hợp sống động duy nhất, các cố gắng nhân loại, gia đình, nghề nghiệp, khoa học hay kỹ thuật với các giá trị tôn giáo. Dưới sự điều hướng tối cao của các giá trị tôn giáo này, mọi sự được qui hướng về vinh danh Thiên Chúa[3]….

Sự lành mạnh của con người cũng như xã hội nhân loại và Kitô giáo liên kết chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của cộng đoàn hôn nhân và gia đình. Do đó, cùng với tất cả những ai tán dương các cộng đoàn hôn nhân và gia đình, người Kitô hữu thành thực vui mừng trước những trợ lực khác nhau giúp con người ngày nay tiến tới trong việc cổ võ cộng đoàn yêu thương ấy cũng như trong sự tôn trọng đời sống; những trợ lực ấy còn giúp đỡ các đôi vợ chồng và các bậc làm cha mẹ trong sứ mệnh cao cả của họ. Người Kitô hữu còn mong đợi và nỗ lực thực hiện những thành quả tốt đẹp hơn[4]….  Như thế, gia đình trở thành nền tảng của xã hội vì là nơi mà nhiều thế hệ gặp gỡ và giúp nhau nên khôn ngoan đầy đủ hơn cũng như giúp nhau hòa hợp những quyền lợi cá nhân với những đòi hỏi khác của cuộc sống xã hội. Bởi đó, tất cả những ai có ảnh hưởng trên các cộng đoàn và tập thể xã hội phải góp công hữu hiệu thăng tiến hôn nhân và gia đình. Chính quyền phải nhìn nhận, bênh vực và phát huy tính chất đích thực của hôn nhân và gia đình, phải bảo vệ nền luân lý chung và giúp cho gia đình được sung túc, vì đó là những bổn phận mà chính quyền phải coi như một sứ mệnh thiêng liêng phải chu toàn. Lại phải bảo đảm cho cha mẹ quyền sinh sản và giáo dục con cái trong khung cảnh gia đình. Phải soạn thảo được những bộ luật biết tiên liệu và đề ra được nhiều sáng kiến để bảo vệ và nâng đỡ cả những người vì rủi ro mà không có gia đình[5]. 

Công việc mục vụ xã hội ở Giáo xứ, qua ba giai đoạn lịch sử là Liên đoàn Công giáo Việt nam tại Pháp (1947-1952), Tổ chức truyền giáo Việt nam tại Pháp (1952-1977), và Giáo xứ Việt nam tại Paris (1977-hôm nay), đã rất lâu và rất nhiều hướng về các hoạt động có tính cách từ thiện, bác ái, tương thân tương trợ.

Mục vụ xã hội trong giai đoạn đầu tiên thành lập giáo xứ, thời kỳ Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, 1947-1952, đã được xây dựng trên nền tảng “Bác ái công giáo“. Hướng đi thứ nhất bao gồm một loạt những công việc mà mục tiêu là “giúp đỡ những đồng bào thiếu thốn ở Việt Nam”.  Hướng đi thứ hai sáng kiến ra những sinh hoạt tại Pháp, mà mục tiêu là tương thân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, trong những ngày viễn xứ cầu học. Những sinh hoạt này rất đa dạng : nghỉ hè trong những gia đình Bỉ, Pháp; trại nghỉ hè chung với nhau cả lương lẫn giáo; giúp kiếm chỗ ở, tìm việc làm; cho đỗ trọ lúc qua đường; giúp kiếm học bổng; thăm các trại công nhân; giúp hợp thức hoá các đôi bạn sống chung ngoài hôn phối; giúp dậy tiếng việt cho trẻ em; mở quán cơm xã hội cho người việt tại trung ương; thăm giúp người đau yếu; lo ma chay mai táng cho anh em,...

Về sinh hoạt mục vụ xã hội trong thời gian Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp 1952-1977, chúng ta có thể bảo rằng, trong thời gian đầu, từ 1952 đến 1971, các sinh hoạt mục vụ tiếp tục chương trình đã được thực hiện thời Liên đoàn, và đặc biệt lưu tâm đến chiều hướng thứ hai, tức là việc tương thân tương trợ giữa người đồng hương Việt Nam với nhau tại Pháp. Trong thời gian kế tiếp, từ 1971 đến 1977, tức là thời cha Nguyễn Quang Toán, mục vụ xã hội phát triển mạnh mẽ và về nhiều hướng khác nhau. Phát triển mạnh mẽ, vì một văn phòng xã hội đã được thiết kế, tổ chức và sinh hoạt thực sự. Phát triển về nhiều hướng khác nhau, vì ít nhất, những sinh hoạt của Phòng Xã Hội nhắm vào ba hướng :

·        Ðối với người việt nam đang ở Pháp, Phòng Xã Hội giúp họ tìm nhà ở, việc làm, tổ chức giải trí cho trẻ em, tổ chức du lịch, hành hương cho người lớn.

·        Ðối với người việt nam đang ở Việt Nam, Phòng Xã Hội đã tổ chức những cuộc lạc quyên để lấy tiền gởi về giúp đỡ những nạn nhân chiến cuộc, những trại mồ côi,… Ðặc biệt cho những người muốn có giấy bảo lãnh để sang Pháp, Văn Phòng Xã Hội đã lo giúp đỡ.

·        Ðối với những người việt nam tỵ nạn vừa vào Pháp, Phòng Xã Hội tổ chức thăm viếng, giúp đỡ về quần áo, về nhà cửa, về việc làm, về học tiếng pháp, về nghỉ hè, về thủ tục hành chánh,… 

Tọng tâm mục vụ xã hội của 20 năm đầu thời Giáo Xứ, từ năm 1977 đến năm 1997 là tiếp nối và phát triển mạnh chương trình mục vụ xã hội “Tiếp đón người tỵ nạn việt nam và á châu” đã được khởi đầu từ những năm cuối 70, thời Tổ Chức Truyền Giáo. Giáo xứ tấp nập với những sinh hoạt hằng ngày rất bận rộn xoay quanh những công việc như : tiếp đón, tiếp tế nhu yếu phẩm thức ăn, quần áo và thuốc men, chi dẫn thủ tục hành chánh và lo giùm các giấy tờ, giúp tìm nhà ở và công ăn việc làm, tổ chức những nhóm xã hội, thanh niên thiện chí đi thăm viếng kiều bào trong các trại tiếp cư, đưa đón đi thăm Paris, đưa đón đến Giáo xứ tham dự các lễ nghi, phát quà cho các em trong những dịp Giáng sinh, tết nhất, gởi đi nghỉ hè với các gia đình pháp, tổ chức trại hè chung cho kiều bào mới đến, tổ chức các lớp học tiếng pháp và văn minh văn hoá pháp, giúp kiếm người pháp đỡ đầu,...

Từ năm 2000, trong mục vụ của Giáo Xứ, xuất hiện hai sinh hoạt khác, mà theo chúng tôi, tự bản tính, chúng là đối tượng mục vụ xã hội : ‘Liên Đới Nghề Nghiệp’ và ‘Tham gia vào các tổ chức xã hội và từ thiện quốc tế’. Đại Hội Giáo Xứ ngày 01.05.2000, qua sự hiện diện của khoảng gần 200 người, đã lấy một quyết định lớn là thành lập 5 nhóm Liên Đới Nghề Nghiệp : Xây Dựng, Doanh thương, Dịch Vụ, Thân hữu Taxi và Chuyên gia. Mục tiêu của Liên đới Nghề nghiệp là thực hiện lời Đức Hồng Y Cardjin, người Bỉ, một trong những người đã đem Công Giáo Tiến hành vào thế giới thợ thuyền. Ngài nói : «Trong thế giới lao động có nhiều ngành nghề, mỗi người kitô hữu làm cùng một nghề nên ngồi lại với nhau để chia sẻ cho nhau kinh nghiệm và vui buồn trong nghề, cùng nhau cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa hầu có thêm nghị lực sống đạo trong việc làm mỗi ngày, cùng nhau tìm ra những sinh hoạt tông đồ và truyền giáo thích hợp với nghề nghiệp riêng của mình. Lời Chúa đến với thế giới qua họ, Giáo Hội hiện diện được trong mọi môi trường nhân loại nhờ họ. Đó chính là những mục tiêu mà Liên đới nghề nghiệp nhằm tới»[6].

Một sinh hoạt mục vụ xã hội thứ ba cũng đã được Giáo Xứ thực hiện từ đầu, nhưng chỉ thành tổ chức qui củ từ năm 1995. Ðó là mục vụ gia đình, mà mục tiêu là thăng tiến hôn nhân gia đình theo phương pháp của Tông Huấn Gia Ðình của Ðức Gioan Phaolô II. Mục vụ gia đình được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau. Trong Tông Huấn Gia Đình[7], Đức Gioan Phao lô đã liệt kê những hình thức chính sau đây : 1- mục vụ chuẩn bị hôn nhân (chuẩn bị xa, gần và liền trước bí tích hôn nhân), 2- mục vụ cử hành hôn phối,  3- mục vụ sau lễ cưới, 4- mục vụ gia đình trong những hoàn cảnh đặc thù và trái qui tắc(hôn nhân hỗn hợp, hôn nhân thử, chung sống không hôn nhân, công giáo kết hôn mà chỉ có hôn phối dân sự, ly thân và ly dị không tái hôn, ly dị tái hôn), 5- mục vụ gia đình cho những người không gia đình. Tất cả những hình thức này đều đã được thực hiện trong Giáo Xứ Việt Nam Paris với sự đóng góp của nhiều đoàn nhóm khác nhau, từ Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, nhóm trẻ, Ca đoàn, qua các hội Đạo Binh Đức Mẹ, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, phong trào Cursillo, phong trào Liên Đới Nghề Nghiệp, đến Nhóm Mục Vụ Hôn Nhân.

Nhóm Mục Vụ Hôn Nhân đặc biệt đóng góp vào ba việc, là mở lớp chuẩn bị hôn nhân, chỉ dẫn về hôn phối đời và hôn phối đạo và giúp đỡ mục vụ sau lễ cưới. Bốn nhóm công tác đã được thực hiên : Lớp chuẩn bị hôn nhân, Khánh nhật hôn nhân, Gia đình trẻ và ngày gia đình, Khánh nhật thượng thọ cho các (cặp) bô lão 

Sau khi đã nhìn qua lại những sinh hoạt mục vụ xã hội đã được thực hiện trong 60 năm qua tại Giáo Xứ Việt Nam (1947-2007) như vậy, một điều hiển nhiên mà ai cũng thấy ; đó là rõ rệt các sinh hoạt này đã không được thực hiện đồng đều, nhưng chúng không đi ra ngoài những lãnh vực mà mà các tài liệu quan trọng của Giáo Hội đã chỉ dậy trong lãnh vực mục vụ xã hội, như « Sắc Lệnh Tông đồ giáo dân[8] », như « Tông huấn Tín hữu giáo dân Ðức Kitô[9] », và đặc biệt trong « Hiến Chế Vui mừng và Hy vọng » ở phần I chương IV, nói về « Sứ mệnh của Giáo hội trong thế giới ngày nay[10] ». Những hoạt động mục vụ xã hội của giáo xứ gồm : 1- mục vụ từ thiện, bác ái, tương trợ ; 2- mục vụ liên đới nghề nghiệp ; 3- và mục vụ hôn nhân gia đình.

3. Môi trường quan trọng của Mục vụ xã hội : giáo xứ và xã hội

Có nhiều môi trường để mục vụ xã hội được thực hiện. Ở Giáo Xứ Việt Nam, những hoạt động mục vụ xã hội đã chính yếu được thực hiện trong hai môi trường quan trọng là môi trường giáo xứ và môi trường xã hội. Ðúng như những chỉ dậy của Công Ðồng.  

 

Các cộng đoàn trong Giáo Hội. Giáo dân góp phần tích cực vào đời sống và hoạt động của Giáo Hội, nhờ được tham dự vào chức vụ của Chúa Kitô là tư tế, ngôn sứ và là vua. Trong những cộng đoàn của Giáo Hội, hoạt động của họ cần thiết đến nỗi nếu không có hoạt động đó, chính hoạt động tông đồ của các vị chủ chăn thường không thể đạt được đầy đủ kết quả. Cũng như giáo dân nam nữ đã giúp Thánh Phaolô trong việc rao giảng Phúc Âm (x. CvTđ 18,18-26; Rm 16,3, những người giáo dân có tinh thần tông đồ đích thực cũng đang trợ giúp những anh em thiếu thốn và nâng đỡ tinh thần các vị chủ chăn và các tín hữu khác (x. 1Cor 16,17-18). Vì được nuôi dưỡng nhờ tham dự cách tích cực vào đời sống phụng vụ của cộng đoàn, chính họ nhiệt thành góp phần vào những công cuộc tông đồ của chính cộng đoàn đó: họ đem những người có lẽ đang xa lạc trở về với Giáo Hội. Họ cộng tác đắc lực vào việc rao truyền lời Chúa nhất là bằng việc dạy giáo lý. Họ đem khả năng của mình làm cho việc coi sóc các linh hồn và cả việc quản trị tài sản của Giáo Hội sinh hiệu quả hơn.

Giáo xứ là một hình thức tông đồ cộng đồng kiểu mẫu, vì đó là nơi qui tụ mọi hạng người thành một cộng đoàn và đem họ vào tinh thần đại đồng của Giáo Hội. Giáo dân nên tập thói quen cộng tác chặt chẽ với các linh mục của mình để hoạt động trong giáo xứ. Họ cũng nên có thói quen trình bày với cộng đoàn Giáo Hội những vấn đề riêng của mình hay của cả thế giới hoặc những vấn đề liên quan tới phần rỗi mọi người để cùng nhau góp ý kiến, nghiên cứu và giải quyết. Họ cũng phải tùy sức mà cố gắng đóng góp vào mọi công cuộc tông đồ và truyền giáo của gia đình Giáo Hội địa phương.

Giáo dân phải luôn luôn nuôi dưỡng ý thức về giáo phận vì giáo xứ như một tế bào của giáo phận. Họ phải luôn mau mắn đáp lại tiếng gọi của Chủ Chăn và tùy sức tham gia những sáng kiến chung của giáo phận. Hơn nữa, để đáp ứng những nhu cầu nơi thành thị cũng như ở thôn quê, họ không chỉ hạn hẹp sự cộng tác của mình trong giới hạn giáo xứ hay giáo phận nhưng họ cố gắng mở rộng phạm vi tới cả các lãnh vực liên xứ, liên giáo phận, quốc gia hay quốc tế. Hơn nữa, việc di dân mỗi ngày một nhiều, những mối tương giao gia tăng, và việc giao thông dễ dàng đã không để một thành phần xã hội nào sống đóng kín cho riêng mình. Vì thế người giáo dân phải quan tâm đến những nhu cầu của dân Thiên Chúa ở rải rác trên khắp địa cầu. Nhất là họ phải coi những công cuộc truyền giáo như việc của chính mình, bằng cách đóng góp về vật chất hay về cả nhân sự. Vì chưng nhiệm vụ và vinh dự của người Kitô hữu là trả lại cho Thiên Chúa phần của họ đã nhận nơi Ngài[11].

Môi trường xã hội. Làm tông đồ trong môi trường xã hội là cố gắng đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần não trạng, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đoàn nơi họ sống: đó là bổn phận và trách nhiệm của người giáo dân mà không ai có thể làm thay họ cách đầy đủ. Trong lãnh vực này, người giáo dân có thể làm tông đồ cho người đồng cảnh ngộ với mình. Ở đó lấy lời nói bổ túc cho bằng chứng của đời sống. Cũng ở đó, họ dễ dàng giúp đỡ anh em trong môi trường làm việc hay nghề nghiệp, môi trường học vấn, cư ngụ, giải trí cũng như trong sinh hoạt địa phương.

Người giáo dân chu toàn sứ mệnh này của Giáo Hội nơi trần gian: trước tiên bằng đời sống hòa hợp với đức tin, để nhờ đó họ trở thành ánh sáng thế gian; bằng đời sống lương thiện trong bất cứ công ăn việc làm nào để làm cho mọi người yêu mến sự thật, sự thiện và cuối cùng đưa họ tới Chúa Kitô và Giáo Hội; bằng đời sống bác ái huynh đệ qua việc họ thực sự chia sẻ với anh em trong hoàn cảnh sống, trong đau khổ cũng như trong mọi ước vọng, và như thế họ âm thầm chuẩn bị cho ơn cứu rỗi hoạt động trong tâm hồn mọi người; bằng cuộc sống ý thức đầy đủ về vai trò của mình trong việc xây dựng xã hội, họ cố gắng chu toàn hoạt động nơi gia đình, ngoài xã hội, trong nghề nghiệp với lòng quảng đại của Kitô giáo; như thế phương thức hành động của họ dần dần thấm nhập vào môi trường sống và cả môi trường làm việc.

Việc tông đồ này phải nhắm tới hết mọi người trong môi trường hoạt động và không được loại bỏ bất cứ lợi ích thiêng liêng hay vật chất nào có thể làm cho họ. Nhưng người tông đồ đích thực không chỉ hài lòng với hoạt động này, họ còn phải quan tâm đến việc rao giảng Chúa Kitô cho anh em bằng cả lời nói nữa. Bởi vì nhiều người chỉ có thể nghe Phúc Âm và nhận biết Chúa Kitô nhờ những người giáo dân sống gần họ[12]. 

4. Phương thức hoạt động : tập thể công giáo tiến hành 

 

Từ dăm mười năm nay, một số giáo dân đã xướng xuất những hoạt động xã hội. Họ lấy tư cách cá nhân để qui tụ những người thiện chí làm những công việc từ thiện hướng về Việt Nam, cho những trẻ em tàn tật, cho những người bệnh hoạn, cho những thiếu nữ lỡ bước, cho những người gặp thiên tai, đại hoạ,…. Nhưng đa số các giáo dân đã chọn hai phương thức tập thể và công giáo tiến hành để dấn thân làm công tác mục vụ xã hội. Làm như vậy, họ không làm gì khác hơn là thực hiện lời chỉ dậy của Công Ðồng. 

 

Tầm quan trọng của việc tông đồ tập thể. Với tư cách cá nhân, người Kitô hữu được mời gọi hoạt động tông đồ trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống. Tuy nhiên họ nên nhớ rằng con người, tự bản chất đã có xã hội tính., và Thiên Chúa đã vui lòng tập hợp, những người tin vào Chúa Kitô thành dân Thiên Chúa (x. 1P 2,5-10) và kết hợp họ thành một thân thể (x. 1Cor 12,12). Vậy hoạt động tông đồ tập thể rất phù hợp với đòi hỏi của các tín hữu dưới khía cạnh con người cũng như dưới khía cạnh Kitô hữu. Ðồng thời nó cũng biểu lộ được dấu chỉ hiệp thông và hiệp nhất của Giáo Hội trong Chúa Kitô, Ðấng đã phán: "Vì đâu có hai, ba người nhân danh Thầy hội họp lại, Thầy sẽ ở giữa họ" (Mt 18,20).

Vì thế người Kitô hữu phải hiệp nhất cùng nhau để làm tông đồ. Họ phải làm tông đồ trong cộng đoàn gia đình cũng như trong giáo xứ và giáo phận là những cộng đoàn nói lên tính cách cộng đồng của hoạt động tông đồ. Hơn nữa họ phải làm tông đồ trong những đoàn thể tự do mà họ đã tự ý gia nhập.

Hoạt động tông đồ tập thể rất quan trọng vì trong các cộng đoàn Giáo Hội, cũng như trong các môi trường khác nhau, hoạt động tông đồ thường đòi hỏi phải được chu toàn do một hoạt động chung. Bởi vì các Hội Ðoàn được thành lập nhằm hoạt động tông đồ tập thể, nâng đỡ và huấn luyện các hội viên làm tông đồ, phối hợp và hướng dẫn hoạt động tông đồ của họ để có thể hy vọng nơi họ những kết quả phong phú hơn là nếu từng người hoạt động riêng rẽ.

Vậy trong những hoàn cảnh hiện tại, nơi nào có giáo dân hoạt động thì hoạt động tông đồ nhất thiết phải được củng cố dưới hình thức tập thể và có tổ chức. Vì chỉ có việc liên kết chặt chẽ các nỗ lực mới mong đạt được đầy đủ mọi mục tiêu của hoạt động tông đồ ngày nay và bảo vệ hữu hiệu những kết quả của việc tông đồ đó. Do đó điều quan trọng đặc biệt là làm sao cho hoạt động tông đồ tác động vào não trạng quần chúng và những hoàn cảnh xã hội của những người mà hoạt động tông đồ nhằm tới. Nếu không, họ thường sẽ không đủ sức chống lại áp lực của dư luận quần chúng hay của các định chế[13]. 

Công giáo tiến hành. Từ vài chục năm nay, trong nhiều quốc gia, giáo dân càng ngày càng dấn thân vào hoạt động tông đồ. Họ qui tụ lại với nhau dưới nhiều hình thức hoạt động cũng như lập thành các hội đoàn. Những tổ chức này đã và đang theo đuổi những mục đích thuần túy tông đồ mà vẫn liên kết chặt chẽ với Hàng Giáo Phẩm. Trong số những tổ chức ấy cũng như cả các tổ chức tương tự đã có từ trước, đặc biệt phải nhắc đến những tổ chức dầu theo những tiêu chuẩn hoạt động khác nhau nhưng đã đem lại nhiều kết quả phong phú cho nước Chúa Kitô. Các Ðức Giáo Hoàng và một số đông các Giám Mục đã có lý khi tín nhiệm và cổ võ những tổ chức này và đặt cho danh hiệu Công Giáo Tiến Hành. Do đó những hoạt động ấy thường được diễn tả như một sự cộng tác của giáo dân vào việc tông đồ của Hàng Giáo Phẩm.

Những hình thức tông đồ này, dù mang danh hiệu Công Giáo Tiến Hành hay một danh hiệu nào khác, vẫn đang thực hiện một việc tông đồ quí giá ở thời đại chúng ta. Những tổ chức ấy phải hội đủ những yếu tố sau đây:

a) Mục đích trực tiếp của tổ chức này phải là mục đích tông đồ của Giáo Hội, nghĩa là rao truyền Phúc Âm và thánh hóa nhân loại, và đào tạo cho con người một lương tâm Kitô giáo đích thực để họ có thể đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập vào mọi cộng đoàn cũng như mọi lãnh vực của đời sống.

b) Trong khi cộng tác với Hàng Giáo Phẩm theo thể thức riêng của mình, người giáo dân đảm nhận trách nhiệm và đem kinh nghiệm riêng để điều hành các tổ chức này, tìm những điều kiện thích hợp cho hoạt động mục vụ của Giáo Hội cũng như để soạn thảo và theo đuổi một chương trình hành động.

c) Người giáo dân hoạt động liên kết với nhau như các cơ quan trong thân thể, điều đó dễ nói lên ý nghĩa cộng đoàn của Giáo Hội và làm cho việc tông đồ được hữu hiệu hơn.

d) Người giáo dân hoạt động dưới sự điều khiển của chính Hàng Giáo Phẩm, dù họ tự nguyện dấn thân, hoặc được mời hoạt động và cộng tác trực tiếp vào việc tông đồ của Hàng Giáo Phẩm. Hàng Giáo Phẩm có thể thừa nhận sự cộng tác này bằng sự "ủy nhiệm" minh nhiên.

Những đoàn thể nào mà giáo quyền xét thấy hội đủ những yếu tố vừa kể đều được coi là Công Giáo Tiến Hành, mặc dù những tổ chức đó mang những hình thức và danh hiệu khác nhau tùy theo đòi hỏi của từng địa phương và của mỗi dân tộc.

Thánh Công Ðồng ân cần giới thiệu những định chế này vì chắc chắn chúng đáp ứng đúng những đòi hỏi của việc tông đồ của Giáo Hội trong nhiều quốc gia. Thánh Công Ðồng cũng kêu mời các linh mục hoặc giáo dân đang tham gia các hoạt động trên hãy thể hiện những tiêu chuẩn vừa kể mỗi ngày một hơn, và hãy luôn luôn lấy tình huynh đệ mà cộng tác với các hình thức tông đồ khác trong Giáo Hội[14].

 5. Tinh thần hành động : hiệp thông và cộng tác giáo sĩ giáo dân 

Tinh thần nào đã hướng dẫn hoạt động mục vụ xã hội ? Tinh thần hiệp thông và đoàn thể, tránh tình trạng lộn xộn hay vô trật tự, mà thực hiện và hành động có tổ chức nhắm tới ích chung. Về phía hàng Giáo Phẩm, các ngài nên có khuynh hướng tôn trọng sáng kiến giáo dân, nhất là trong những lãnh vực chuyên biệt của họ, làm sao cho tất cả mọi người đều tha thiết và lo lắng cho thành quả của việc tông đồ trong tinh thần hiệp thông và phục vụ. Về phía giáo dân, họ nên liên lạc với hàng Giáo Phẩm để được hướng dẫn. 

Liên lạc với hàng Giáo phẩm. Bổn phận của Hàng Giáo Phẩm là phải hỗ trợ cho hoạt động tông đồ của giáo dân: đề ra những nguyên tắc và giúp các phương tiện thiêng liêng. Phải phối hợp việc tông đồ của họ để sinh ích chung cho cả Giáo Hội. Hàng Giáo Phẩm cũng phải lo cho giáo thuyết và những chỉ thị của Giáo Hội được tuân hành.

Có nhiều thể thức liên lạc giữa việc tông đồ giáo dân với Hàng Giáo Phẩm tùy theo hình thức và mục tiêu của mỗi hoạt động tông đồ.

Trong Giáo Hội quả thực có nhiều công cuộc tông đồ do giáo dân có sáng kiến thành lập và khôn khéo điều hành. Nhờ những tổ chức tông đồ như thế, trong nhiều hoàn cảnh, Giáo Hội có thể chu toàn sứ mệnh của mình cách tốt đẹp, và do đó Hàng Giáo Phẩm thường ca ngợi và cổ võ các tổ chức đó 2. Nhưng không một sáng kiến nào được lấy danh nghĩa công giáo nếu không có sự ưng thuận của giáo quyền hợp pháp.

Có một số tổ chức tông đồ giáo dân, dưới hình thức này hay hình thức khác, đã được giáo quyền công khai chấp nhận.

Ngoài ra vì nhu cầu ích chung của Giáo Hội, giáo quyền có thể lựa chọn và cổ võ cách đặc biệt một vài tổ chức trong số những tổ chức hay hiệp hội tông đồ có sẵn, trực tiếp nhằm mục đích thiêng liêng và giáo quyền cũng nhận trách nhiệm đốivới những tổ chức đó. Như thế, khi tổ chức công việc tông đồ tùy theo cách thức khác cho hợp với hoàn cảnh, Hàng Giáo Phẩm liên kết chặt chẽ hơn một hình thức tông đồ giáo dân nào đó với phận vụ tông đồ của mình, tuy nhiên vẫn giữ nguyên vẹn bản chất và sự khác biệt giữa hai bên. Giáo dân do đấy vẫn còn khả năng cần thiết để được tự do hành động theo sáng kiến riêng của họ. Trong nhiều văn kiện của Giáo Hội hành động trên đây của Hàng Giáo Phẩm được gọi là ủy nhiệm.

Sau hết, Hàng Giáo Phẩm còn trao phó cho giáo dân một vài phận vụ liên quan mật thiết hơn với nhiệm vụ của chủ chăn như việc dạy giáo lý, thi hành một vài động tác phụng vụ, hay việc chăm sóc các linh hồn. Chính do việc ủy nhiệm này, người giáo dân, khi thi hành nhiệm vụ, phải hoàn toàn tuân phục sự điều khiển của cấp trên trong Giáo Hội.

Về những vấn đề liên hệ tới những công cuộc và những định chế thuộc lãnh vực trần thế, Hàng Giáo Phẩm có nhiệm vụ phải chính thức giảng dạy và giải thích những nguyên tắc luân lý phải theo trong địa hạt này. Một khi đã cân nhắc kỹ lưỡng và bàn hỏi với các nhà chuyên môn, Hàng Giáo Phẩm có quyền thẩm định công cuộc này hay định chế kia là phù hợp hay không phù hợp với các nguyên tắc luân lý và phán quyết những gì phải làm để bảo vệ và cổ võ những lợi ích thuộc lãnh vực siêu nhiên[15].

 

Hàng giáo sĩ phải giúp đỡ việc tông đồ giáo dân. Các Giám Mục, các cha sở, các linh mục dòng triều phải nhớ rằng quyền và bổn phận làm tông đồ là chung cho tất cả mọi tín hữu không phân biệt giáo sĩ hay giáo dân, và trong việc xây dựng Giáo Hội, giáo dân cũng có phần riêng của họ. Vì thế các ngài phải cùng với giáo dân làm việc trong Giáo Hội và cho Giáo Hội với tình huynh đệ, cũng như phải đặc biệt để tâm lo cho giáo dân trong khi họ làm việc tông đồ.

Các linh mục được đề cử giúp đỡ các tổ chức tông đồ đặc biệt của giáo dân phải là người có khả năng và được huấn luyện đầy đủ. Các linh mục này, vì nhận trách nhiệm do Hàng Giáo Phẩm, nên trong lúc hoạt động, các ngài là đại diện của Hàng Giáo Phẩm trong chính hoạt động mục vụ của mình. Luôn luôn trung thành với tinh thần và giáo lý của Giáo Hội, các ngài phải làm cho giữa giáo dân và Hàng Giáo Phẩm có những liên lạc thích đáng. Các ngài phải ra sức nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và tình thần tông đồ nơi các đoàn thể công giáo đã được trao phó cho các ngài. Các ngài phải hiện diện trong hoạt động tông đồ của các đoàn thể đó bằng ý kiến khôn ngoan và cổ võ những sáng kiến của chúng. Qua những tiếp xúc thường xuyên với giáo dân, các ngài phải chú tâm tìm kiếm xem những hình thức nào đem lại kết quả hơn cho hoạt động tông đồ. Các ngài phải cổ võ tinh thần hiệp nhất ngay trong đoàn thể mình phụ trách cũng như giữa đoàn thể này với các đoàn thể bạn.

Sau hết, các tu sĩ nam nữ phải quý trọng các hoạt động tông đồ của giáo dân. Theo tinh thần và nội qui của mỗi dòng tu, họ cũng nên sẵn sàng giúp phát triển các hoạt động tông đồ giáo dân. Họ còn phải ân cần nâng đỡ, trợ lực và bổ túc các công việc của linh mục[16].

 

 

LỜI KẾT 

Ðược các đoàn thể công giáo tiến hành ủy thác, năm 1983, cha Mai Ðức Vinh và tôi đã soạn thảo một Bản Nội Qui, để giúp Giáo Xứ tạo một cơ sở có tổ chức hầu đi đến việc thành lập Hội Ðồng Mục Vụ. Sau nhiều ngày làm việc, bản dự thảo thứ ba đã được chấp thuận vào ngày 30/10/1983. Cũng ngày ấy, một Hội Ðồng Mục Vụ tiên khởi đã được thành lập. Theo bản nội qui vừa được chấp thuận, HÐMV có 3 Phó Chủ Tịch, lo 3 lãnh vực mục vụ : Tôn giáo, Văn hoá Tuổi trẻ và Xã hội. Ngày nay, bản nội qui đã được tu chính 4 lần,  các Ủy Viên đã thay thế các phó chủ tịch. Nhưng ba lãnh vực mục vụ vẫn là ba : 1- Mục vụ Tôn giáo, Thiêng liêng, Phụng tự ; 2- Mục vụ Văn hoá Giáo dục Tuổi trẻ ; và 3- Mục vụ Xã hội, Liên đới, Gia đình.

Lãnh vực Xã hội, Liên đới và Gia đình là một lãnh vực có nhiều khó khăn và thách đố. Khó khăn về hội nhập xã hội, khó khăn về công ăn việc làm, khó khăn về điều kiện sinh sống, khó khăn về đố kỵ kỳ thị, thách đố về tư lợi và công ích, thách đố về tự do bình đẳng, thách đố về tương quan già trẻ, cha mẹ con cái, chủ thợ,  thách đố của kỹ nghệ đô thị, của thông tin truyền thông, thách đố về hấp dẫn của vật chất và yêu cầu tinh thần…Làm sao để giải quyết những khó khăn và trả lời những thách đố ?  Năm điều kết thúc chương V của « Tông huấn Kitô hữu giáo dân[17] » có thể là năm gợi ý để mang lại hoa trái :

·        Phải luôn luôn đạt đến múc trưởng thành « Sinh lực của các cành nho tùy thuộc vào sự nối kết với thân cây »

·        Khám phá và sống ơn gọi của riêng mình, như người Mục Tử tốt "gọi các con chiên của mình bằng chính tên chúng"

·        Ðào luyện toàn diện để sống trong hợp nhất, như « Nhánh nho được ghép vào cây nho là Chúa Kitô »

·        Lời mời gọi của Người chủ vườn nho : « Các người cũng thế, hãy đi đến vườn nho của Ta »

·        Lời cầu khẩn khoản của Chúa Giêsu trong buổi Tiệc ly: "Xin cho họ nên một! "

 

Paris, ngày 06 tháng 12 năm 2007

Trần Văn Cảnh


[1] Tông đồ Giáo Dân, số 6-7

[2] Gaudium et Spes, số 42

[3] Ibidem, số 43

[4] Ibidem, số 47

[5] Ibidem, số 52

[6] Alphonse Borras, Des Laics en responsabilité pastorale ?  Cerf, Paris 1998,tr. 98

[7] ÐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Gia Ðình, 1981, số 65-85

[8] Tông đồ giáo dân, sồ 8-13

[9] ÐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Kitô hữu giáo dân, số 40-43

[10] Gaudium et Spes, số 40-45

[11] Tông đồ giáo dân, số 10

[12] Ibidem, số 13

[13] Ibidem, số 18

[14] Ibidem, số 20

[15] Ibidem, số 24

[16] Ibidem, số 25

[17] Ibidem, số 57-64

Tác giả Gs. Trần Văn Cảnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!