.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Chương I : Đào sâu và thực hành đặc sủng và linh đạo dòng

Chương II : Củng cố những bước đầu phân định và sống ơn gọi

Chương II : (tiếp)

Chương III : Con đường sống thánh

Chương III : (tiếp)

Chương IV : Đời sống cầu nguyện và đời sống nội tâm

Chương V : Sống triển nở đời sống cộng đoàn, yếu tố sống còn của tu sĩ

Chương V : (tiếp)

Chương VI : Sống tốt đời sống độc thân thánh hiến trong bối cảnh hôm nay

Chương VI : (tiếp)

Chương VII : Sống viên mãn ba lời khấn dòng

Chương VII : (tiếp)

Chương VIII : Những thời khắc quyết định

Phụ lục I

Phụ Lục II

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Người Nữ Tu Sống Tu Đức Toàn Diện
Tác giả: Lm. Trần Minh Huy, pss
CHƯƠNG VI : SỐNG TỐT ĐỜI SỐNG ĐỘC THÂN THÁNH HIẾN TRONG BỐI CẢNH HÔM NAY

            Điều khẳng định căn để là bản chất đời độc thân thánh hiến vẫn không hề thay đổi trong Giáo Hội. Nhưng trong bối cảnh hôm nay, nó phải được hiểu, được sống và được bảo vệ một cách tế nhị, cương quyết, khôn ngoan dù khó khăn hơn.

 

       A. VÀI Ý NIỆM VỀ ĐỘC THÂN THÁNH HIẾN

 

            I. CÁI NHÌN TIÊU CỰC

                VỀ ĐỘC THÂN THÁNH HIẾN 

            Người thời nay không tin là người ta có thể sống độc thân khiết tịnh được, và chúng ta cũng phải khiêm tốn nhìn nhận là lắm khi phải chiến đấu cam go, cần nhiều ơn Chúa và khôn ngoan tỉnh thức. 

Độc thân thánh hiến không phải chỉ là một mình, vì có nhiều người độc thân không sống một mình, nhưng sống với những người khác. Vì thế ở một mình không phải là một định nghĩa tốt về độc thân thánh hiến. 

Độc thân thánh hiến không phải là không kết hôn, vì độc thân thánh hiến chẳng những có nghĩa là không kết hôn mà còn là kiêng tính dục sinh dục. Do đó ‘không kết hôn’ không phải là một định nghĩa tốt của độc thân thánh hiến.  

Độc thân thánh hiến cấm linh mục và tu sĩ không được kết hôn. Nhưng đây không phải là một định nghĩa tốt của độc thân thánh hiến, vì độc thân thánh hiến và kết hôn loại trừ nhau nhưng không đối lập nhau.  

Độc thân thánh hiến không phải là đơn lẻ, vì một người đơn lẻ hay đơn chiếc thì sẵn sàng để kết hôn. Nhưng một người độc thân thánh hiến thì không sẵn sàng để kết hôn. Do đó, độc thân thánh hiến không thể được định nghĩa là sự thoát khỏi người khác phái, con cái, gia đình v.v… 

Như thế chúng ta không thể định nghĩa độc thân thánh hiến là đơn lẻ, đơn chiếc, ở một mình, không kết hôn, kiêng cữ thân mật nhục dục v.v… Đó là những cách nhìn tiêu cực về độc thân thánh hiến.

 

            II. CÁI NHÌN ĐÚNG ĐẮN

                VỀ ĐỘC THÂN THÁNH HIẾN

 

Chúng ta phải nhìn độc thân thánh hiến một cách tích cực hơn: không phải theo cái gì nó không là, nhưng chỉ theo cái gì nó là mà thôi. 

Độc thân thánh hiến là một lựa chọn đời sống tích cực vì Nước Thiên Chúa.  

Như thế, độc thân thánh hiến như một món quà đặc biệt Thiên Chúa ban và được nhận vì Nước Trời.  

Đọan Tin Mừng đã trở thành nền tảng cho độc thân thánh hiến là Mt 19,12: “Vì có nhiều lý do khác nhau tại sao người ta trở nên yêm hoạn và không thể kết hôn:

-          một số người được sinh ra như thế;

-          những người khác, vì người ta làm cho họ như vậy;

-          và những người khác không kết hôn vì Nước Trời” 

Độc thân khiết tịnh vì Nước Trời (Mt 19,12) mà các tu sĩ tuyên khấn, phải là một món quà ân sủng đặc biệt được quí chuộng.  

Nó giải thoát trái tim con người (1Cr 7,32-35), để người ấy trở nên sốt sắng hơn trong lòng kính mến Chúa và yêu thương mọi người. 

Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người, cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng chồng” (1 Cr 7,32-34) 

            Vì lý do này, độc thân thánh hiến là biểu tượng cho lợi ích trên trời, và đối với tu sĩ thì nó là phương tiện hữu hiệu nhất để hết lòng hiến dâng mình cho việc phụng sự Chúa và các công cuộc tông đồ (x. Perfectae Caritatis 12)  

            Độc thân thánh hiến là hồng ân đặc biệt Thiên Chúa ban cho để mưu ích cho cộng đoàn. Do hồng ân này, linh mục và tu sĩ có thể gần gũi hơn với Chúa Giêsu với một trái tim không phân chia, và có thể cống hiến đời mình một cách tròn đầy hơn cho Nước Thiên Chúa (x. Pastores Dabo Vobis 29).(Hát TRÔNG CẬY CHÚA)

Vậy, lý do quan trọng để chọn độc thân khiết tịnh là “vì Nước Trời.” Độc thân khiết tịnh được một cá nhân đảm nhận là vì cá nhân ấy bị Nước Trời hấp dẫn mãnh liệt. Việc Nước Trời thu hút cá nhân ấy mạnh đến đỗi cá nhân ấy vui lòng hy sinh mọi sự, kể cả đời sống và tình yêu gia đình, để sở hữu Nước ấy.  

Việc nói ‘không’ với đời sống và tình yêu gia đình tìm được ý nghĩa của nó trong bối cảnh thưa ‘vâng’ với Nước Thiên Chúa.  

Người ta nên nói ‘không’ với  sự vật và con người, khi những sự vật và con người gây trở ngại cho việc cam kết với Chúa Giêsu. Nói ‘Không’ như vậy là vì Chúa Giêsu, vì Nước Trời, vì Phúc âm, vì các linh hồn.  

            Các dụ ngôn về Nước Trời thật hấp dẫn:

-    Kho tàng giấu trong ruộng (Mt 13,44)

-    Dụ ngôn Viên ngọc quí (Mt 13,45)

-    Phêrô và Anrê theo Chúa (Mt 4,18-20)

-    Giacôbê và Gioan theo Chúa (Mt 4, 21-22) 

            Như thế một người trở thành độc thân thánh hiến là vì người ấy bị Nước Trời làm cho say đắm lắm, người ấy sẵn sàng từ bỏ bất cứ cái gì, ngay cả niềm vui có gia đình, để sở hữu Nước Trời. Việc từ bỏ mọi sự này không phải bị cưỡng bách mà chỉ là tự nguyện.

                 Vậy Đời Sống Độc Thân Thánh Hiến được nêu bật:

-    như là một ân huệ và quà tặng đặc biệt của Thiên Chúa,

-    như là lựa chọn tự nguyện và tự do của chính đương sự cho một tình yêu không chia sẻ và mạnh mẽ hơn, vì Chúa Kitô và vì Nước Thiên Chúa.

-    Đời sống độc thân thánh hiến cần được trình bày rõ ràng, không hàm hồ và theo cách tích cực là một kỷ luật của Giáo Hội được tự nguyện chấp nhận,

-    Các ứng sinh cần đạt mức trưởng thành:

                        . về tính dục và tâm lý

     . một cuộc sống cầu nguyện siêng năng và đích  thực, dưới sự hướng dẫn của vị linh hướng.                

            Tóm lại:

            Độc thân thánh hiến phải được hiểu theo những liên hệ tình yêu của con người.

            Độc thân thánh hiến là một liên hệ đặc sủng của tu sĩ:

                        - với Thiên Chúa,

                        - với chính mình,

                        - với các phần tử của cộng đoàn,

                        - với mọi người trong thừa tác vụ

                        - và với cả thiên nhiên.

 

            Độc thân thánh hiến là một đặc sủng của Chúa Thánh Thần ban qua Giáo Hội để làm cho liên hệ tình yêu đích thực giữa tu sĩ và các người mình thi hành sứ vụ cho được dễ dàng.

    

Độc thân thánh hiến là một lời kêu gọi làm chứng cho những đòi hỏi nội tâm đích thực của tất cả tình yêu con người.

 

Cái sẽ chiếu tỏa ra qua đời sống độc thân thánh hiến không phải là sự tự chủ của chúng ta, hay sự chúng ta siêu thoát khỏi những đường lối thế trần, nhưng là khả năng yêu thương của chúng ta.

 

Những mối liên hệ nhân loại lành mạnh không có hại cho việc sống độc thân thánh hiến; nhưng đúng hơn nó có lợi cho việc sống độc thân thánh hiến.

 

Độc thân thánh hiến không phải là chướng ngại vật đối với việc liên hệ của chúng ta.        Độc thân thánh hiến không phải là phủ nhận liên hệ con người và tình cảm con người. Độc thân thánh hiến không rút lui khỏi những liên hệ, nhưng thăng tiến các mối liên hệ.

 

Độc thân thánh hiến không chối bỏ thân xác, cảm xúc, tình dục v.v…         Độc thân thánh hiến không phải là cái gì làm cho chính bản thân mình thành vô nhân đạo.

 

Đúng hơn độc thân thánh hiến giải thoát, để giúp chúng ta yêu tốt hơn, quảng đại hơn, vì độc thân thánh hiến là một lời mời gọi yêu thương mọi người. Lời mời gọi sống đời độc thân thánh hiến là lời mời gọi tới liên hệ thánh thiện.

 

            Như thế, độc thân thánh hiến là:

-    liên hệ “tình yêu bao gồm” (inclusive love) hơn là liên hệ “tình yêu loại trừ” (exclusive love);

-    lời mời gọi yêu người mà không có quyền sở hữu;

-    liên hệ tình yêu và săn sóc người khác;

-    liên hệ trong đó một người tập trung vào nhiều người hơn là vào một người;

-    liên hệ mà trong đó chúng ta yêu người một cách thâm thúy, chân tình, sâu lắng, nồng ấm và vui tươi mà không đi vào nhục dục.

(Hát TÔI XIN CHỌN NGƯỜI)

 

 

 

 

 

B. VÀI NÉT VỀ TÍNH THÂN MẬT             

     CỦA NGƯỜI ĐỘC THÂN THÁNH HIẾN

 

I. VÀI NÉT VỀ TÍNH DỤC VÀ KHOÁI CẢM

           

            Tính dục là hồng ân của Thiên Chúa ban như một chiều kích tích cực và lành mạnh của nhân cách. Tính dục có thể là tính dục tình ý hay tính dục sinh dục (tình dục).

 

1. Tính dỤc tình ý

 

Tính dục tình ý là phần tình cảm của nhân cách. Nó là khía cạnh liên hệ nhân bản và bao gồm tính nhạy cảm, sự hiểu biết, sự đón nhận, sự nồng ấm, sự cảm kích, lòng trắc ẩn, sự nâng đỡ, sự săn sóc v.v…

 

Tính dục tình ý biểu lộ cảm giác yêu mến, gồm những đặc tính tinh thần, xã hội, dễ xúc động và tâm lý riêng cho nam và nữ”

 

2. Tính dỤc sinh dỤc

 

            Tính dục sinh dục hay tình dục ám chỉ những gì liên quan đến kích thích hay sử dụng bộ phận sinh dục của thân thể con người (tự mình hay bởi người khác và cho người khác).

 

            Tính dục Sinh dục gồm hai khía cạnh/mức độ:

                        - Tình yêu sinh dục

                        - và Ứng xử sinh dục

 

a. Tình yêu sinh dỤc

            Tình yêu sinh dục là có những ham muốn sinh dục, cảm giác sinh dục, tư tưởng sinh dục, tưởng tượng sinh dục… nhưng không được thực hiện thành ứng xử.

Cảm nghiệm tình yêu sinh dục là điều bình thường vì tất cả chúng ta đều là những con người. Tình yêu sinh dục có thể xảy ra, được hoạt hóa tự nhiên hoặc thăng tiến một cách tự phát hay chủ ý.

 

Cuộc sống hiên ngang đầy can đảm,                           

Mưu thần chước quỷ biết phòng xa,             

Khổ đau không để chồn chân bước,              

Nẻo chính hằng theo bỏ lối tà.

 

Không ngừng bảo vệ luôn gìn giữ,                    

Thể xác tâm linh mãi vẹn toàn,                     

Đốt lửa cháy bừng tin cậy mến,                        

Tiểu trừ tà ý khỏi tâm can.

 

Đoan trang đức hạnh ngay từ sớm,                    

Tựa buổi ban mai dệt nắng hồng,                     

Lửa nóng tin yêu thành chính ngọ,                  

Tâm thần sẽ thoát cảnh hoàng hôn.

Thánh Thi Kinh Sáng Thứ Hai Tuần I

 

Cách xỬ lý tình yêu sinh dỤc

 

LÀM HÀI LÒNG:

            Con người có thể làm hài lòng những cảm giác sinh dục của mình qua ứng xử sinh dục. Nhưng làm hài lòng những cảm giác sinh dục không có chỗ trong đời sống người độc thân thánh hiến: "Về điểm này, đừng ai làm tổn thương hay lừa dối người anh chị em mình, vì Chúa là Đấng trừng phạt tất cả những cái đó, như chúng tôi đã từng báo trước và cảnh cáo anh em. Thật vậy, Thiên Chúa đã không kêu gọi chúng ta sống ô uế, nhưng sống thánh thiện" (1 Th 4: 6-7)

 

 

            ÖÙC CHEÁ:

            Ức chế là cách thức xô ngã những  cảm giác sinh dục vào vô thức. Nó là phương pháp loại trừ khỏi ý thức những thúc đẩy, cảm nghiệm, cảm giác làm xáo trộn tâm lý. Đây là sự cố tình khơng chú ý tới, quên lãng đi, hay hướng qua một cái gì khác.

 

            ĐÀN ÁP:

            Đàn áp là hành vi ý thức kiểm soát và kiềm chế một ý nghĩ, một cảm giác và không chấp nhận nó. Người ta ý thức và cố ý gạt bỏ những cảm giác sinh dục, không cho chúng biểu hiện, dựa trên lý trí và có cân nhắc, nghĩa là khi đàn áp những cảm giác sinh dục, chúng ta quyết định không tác động chúng.

 

Đàn áp những cảm giác sinh dục đôi khi là tốt, nhưng nó cũng có thể gây phiền phức. Trong việc đàn áp những cảm giác sinh dục, nghị lực tâm linh cũng tác động bên trong cơ thể chúng ta.

 

“Đường anh anh đi, đường em em đi,
 tình nghĩa đôi ta có thế thôi,  
đã quyết không mong sum họp nữa,                                                 bận lòng chi nữa lúc chia phôi”                                                                                      (Nữa chừng xuân).

 

            THĂNG HOA:

            Thăng hoa là tiến trình của nghị lực tâm linh chuyển những cảm giác không chấp nhận được sang hành động và cách ứng xử được xã hội chấp nhận, tán thành: (xem Hồn Bướm Mơ Tiên: “Yêu nhau trong tinh thần, trong lý tưởng…”). 

Thăng hoa có lẽ là cơ chế hiệu quả nhất trong việc xử lý những cảm xúc sinh dục. Chúng ta có thể thăng hoa những cảm giác sinh dục bằng cách tái hướng nghị lực đến hành động thăng tiến đời sống tu trì đích thực (“bắt đầu và lại bắt đầu”) 

            “Chúa đã gọi anh,

             Chúa đã gọi em.

            Chúa đã gọi sao cịn một tiếng gọi?!

             Lòng như lòng can đảm dẹp mến thương,

             Vâng tiếng Chúa,

             Quyết giúp nhau sống cho tròn sứ mệnh”    

 

(Hát XIN GIỮ CON)

 

b. ỨNG XỬ SINH DỤC 

            Chính con người mới có tình yêu sinh dục. Nhưng để là con người thì không nhất thiết phải ứng xử theo tình dục. Một người trưởng thành có thể không tự cho phép mình ứng xử theo tình dục, huống chi là một người sống đời thánh hiến trưởng thành.  

Ứng xử sinh dục đòi sự cam kết hôn nhân, nên chỉ hôn nhân mới được đòi liên hệ ứng xử sinh dục. Như thế, ứng xử sinh dục không có chỗ trong đời sống người độc thân thánh hiến và trong tình bạn độc thân thánh hiến, vì tình bạn của người độc thân thánh hiến luôn luôn là không có ứng xử sinh dục. Ứng xử sinh dục đối với một người độc thân thánh hiến là không trong sạch. 

 

       3. Khoái cẢm

(Slideshow CHÚA ĐÃ CHIẾM ĐOẠT CON RỒI) 

Biết loại khoái cảm mà chúng ta cảm nghiệm trong mình và tìm cách tốt nhất để xử lý chúng là điều tốt.

 

1) KHOÁI CẢM TINH THẦN

            Khoái cảm này nổi lên từ sự vận hành của trí tuệ con người, nghĩa là trí năng và ý chí. Không nên lẫn lộn khoái cảm tinh thần với khoái cảm sinh dục.

 

2) KHOÁI CẢM GIÁC QUAN

            Khoái cảm này đi theo sự vận hành của các giác quan như thị giác, xúc giác, thính giác, vị giác và khứu giác. Có hai loại khoái cảm giác quan:

-    Khoái cảm giác quan đơn thuần

-    Khoái cảm giác quan liên quan đến sinh dục (tình dục)

           

a. Khoái cảm giác quan đơn thuần:

            Nổi lên từ hoạt động của các giác quan và thường không liên kết với khoái cảm sinh dục, không nên lẫn lộn khoái cảm giác quan đơn thuần với khoái cảm sinh dục.

 

b. Khoái cảm giác quan liên quan đến tình dục:

            Nổi lên từ sự vận hành của các giác quan và dẫn đến khoái cảm sinh dục.

            “Lạy Cha cực thánh, nguyện hồng ân vô hạn,                                                                       Chặn đứng ngay những khoái cảm bên ngoài,                                                                     Lẻn vào hồn xúi dục tình náo loạn,                                              Ép tinh thần sa chước độc trần ai”

            (Thánh Thi Kinh Sáng thứ Ba tuần IV)           

 

Này ngôn ngữ, xin dằn cho êm lại,                                                      Nỗi bất bình, thu xếp gọn một bên,                                                        Còn đôi mắt, ngăn đừng cho cuồng dại,                                                                Thu bóng hình những ảo ảnh phù vân.

 

Cho tấc dạ trinh bạch như tuyết trắng,                                                 Mãi can trường trong thử thách đau thương,                                                             Khi tiết độ, khi cầu kinh nguyện ngắm,                                                               Vững tâm theo đường đạo lý luân thường.

     (Thánh thi kinh Sáng Thứ Nam tuần IV)

 

3) KHOÁI CẢM SINH DỤC

  

Khoái cảm sinh dục nổi lên là kết quả của sự kích thích cơ quan sinh dục. Sự vận hành của các giác quan cũng có thể kích thích khoái cảm sinh dục nơi một người. Hai loại khoái cảm sinh dục:

            - Khoái cảm sinh dục được muốn trực tiếp

            - Khoái cảm sinh dục được muốn gián tiếp

 

a. Khoái cảm sinh dục được muốn trực tiếp:              

            Nếu mục đích chính của một hành động là để có khoái cảm sinh dục thì đó là khoái cảm sinh dục được muốn trực tiếp (ứng xử tình dục). Độc thân thánh hiến loại trừ khoái cảm sinh dục được muốn trực tiếp.

 

 Xin thương bảo vệ hương thanh khiết,                     

Sợ lúc đêm về giữa cô đơn,                                      

Lợi dụng tối tăm thần quỷ quyệt,                          

Phóng tên ác độc giết tâm hồn.

 

Xin che chở trí lòng luôn thoát khỏi,                              Dục tình cường bạo cứ đuổi theo,                           

Và muôn cảm nghĩ đầy tội lỗi,                           

Cho mảnh hồn thiêng mãi yêu kiều

            (Thánh thi Kinh Chiều thứ Ba tuần IV)

 

b. Khoái cảm sinh dục được muốn gián tiếp:   

            Nếu khoái cảm sinh dục nổi lên như một phó phẩm của một hành động không được trực tiếp muốn, thì đó là khoái cảm sinh dục được muốn gián tiếp (không phải ứng xử tình dục). Ở đây mục đích chính của hành động là cái gì khác, chứ không phải để tìm khoái cảm sinh dục. Thí dụ: vào dịp sinh nhật của một người bạn, bạn săn sóc và diễn tả tình cảm của bạn với người bạn ấy, bạn có thể cảm nghiệm khoái cảm sinh dục nơi bạn, vì bạn là một con người. Nhưng khoái cảm bạn đang cảm nghiệm chỉ là phó phẩm của việc bạn bày tỏ tình thương mến.

 

II. CÁC LOẠI THÂN MẬT

     CỦA NGƯỜI SỐNG ĐỘC THÂN THÁNH HIẾN

 

1. THÂN MẬT KHÔNG DÀNH RIÊNG

 

            Thân mật dành riêng là tình bạn được tập trung vào một người duy nhất; có khả năng dẫn đến ứng xử sinh dục.

 

Sự thân mật người độc thân thánh hiến phải luôn luôn là không dành riêng, bởi vì tình yêu người độc thân thánh hiến không chỉ hướng tới một người duy nhất, nhưng luôn luôn phải mở ra đối với mọi người.

 

Sự thân mật dành riêng là kẻ thù đối với sự thân mật của người độc thân thánh hiến.

 

2. THÂN MẬT KHÔNG SỞ HỮU

           

Người đang yêu muốn được sở hữu đối tượng. Ghen tương là khuynh hướng sở hữu trong thân mật.

 

Ghen tuơng nổi lên là kết quả của so sánh. So sánh dẫn đến những mặc cảm tự ti. Không có so sánh thì không có ghen tương. Không có ghen tương có nghĩa là không có sở hữu.

 

Timothy Radcliffe chỉ ra rằng tình bạn mời gọi những người độc thân thánh hiến giúp đỡ người khác mà không tìm cách sở hữu. Chấp nhận bạn như bạn là, và chấp nhận người bạn yêu như người ấy là, lòng bạn sẽ bình an và đời sống thiêng liêng của bạn sẽ tiến bộ.

 

3. THÂN MẬT CÓ CHỌN LỰA

    

Chúng ta được kêu gọi để yêu thương mọi người, nam cũng như nữ.

 

Một người cố gắng sống thân mật với mọi người thì không cảm nghiệm thân mật với riêng một ai cả. Do đó sự thân mật của chúng ta có tính cách chọn lựa. Song chọn lựa ở đây không có nghĩa là chỉ có một người.

 

Nếu chỉ một người mà thôi, thì đó là tình bạn dành riêng. Nhưng thân mật dành riêng không có chỗ trong đời sống người độc thân thánh hiến.

 

4. KHOẢNG CÁCH VÀ SỰ RIÊNG TƯ

    

Trong sự thân mật của người độc thân thánh hiến, người ta phải giữ khoảng cách trong một số liên hệ, để duy trì tình bạn với những người khác.

 

Cũng như cuộc sống cá nhân đòi hỏi sự riêng tư thì tình bạn cũng cần sự riêng tư. Bạn bè có quyền có sự riêng tư và tín cẩn gần như tòa trong vậy.

 

 

 

 

5. ĐỘC LẬP TRONG THÂN MẬT

    

Dấu hiệu của sự trưởng thành trong liên hệ tình bạn là tính cách độc lập.

 

Bạn bè phải có sự độc lập của mình. Quá tùy thuộc trong thân mật cũng là dấu hiệu của sự thiếu trưởng thành, vì nó dẫn đến thái độ bất cập hoặc thái quá.

 

6. ĐỤNG CHẠM VÀ THÂN MẬT 

Liên hệ đụng chạm không sinh dục là điều có thể được trong thân mật của người độc thân thánh hiến. Nhưng nên nhớ rằng đụng chạm cũng có thể dẫn tới ứng xử sinh dục.  

Khả năng đụng chạm là một hồng ân Chúa ban, và việc đụng chạm của chúng ta có thể thật đằm thắm, nên dùng nó với đúng người và vào đúng lúc.      Sự thân mật người độc thân thánh hiến không đòi đụng chạm thể lý, nhưng nó cũng không loại trừ hay ngăn ngừa.

 

7. ĐỐI ĐẦU TRONG THÂN MẬT    

Đối đầu là một cố gắng chủ ý để giúp người kia khảo sát những hậu quả của một ứng xử nào đó của mình. Do đó đối đầu là một lời mời gọi xét mình.  

Mục tiêu của đối đầu là một cách diễn tả tình yêu và sự quan tâm của ta đối với người kia. Nó cũng là một cách tăng cường mối tương quan với người ấy. Và vì vậy, chúng ta không mong an ủi được người bạn, nếu chúng ta không cố ý tăng cường tình bạn của chúng ta với nguời ấy. 

Phê bình, chỉ trích, trách mắng, thi hành kỷ luật v.v… sẽ không mang lại sự thay đổi nơi người kia, vì thay đổi là sự đối đầu cộng với tình yêu và ơn Chúa.  

Cần lưu ý rằng rất thường chúng ta thấy đối đầu với người mà chúng ta không thích thì dễ, còn đối đầu với những người chúng ta yêu mến thật khó. Do dó, đối đầu trong thân mật người độc thân thánh hiến rất quan trọng để lớn lên trong tình bạn.

 

8. CỞI MỞ TRONG THÂN MẬT

    

Cần phải cởi mở về sự thân mật đối với Chúa, cha giải tội, vị linh hướng, bề trên và bạn thân.

 

Có thể có những thời gian chúng ta phải đối mặt với những vấn đề, khó khăn, nghi ngờ trong tương quan tình bạn. Trong những thời gian này, chúng ta nên chia sẻ những khó khăn của chúng ta với một người tín cẩn nào đó để có được sự giúp đỡ của họ.

 

9. TRUNG THÀNH VỚI ƠN GỌI

    

Người độc thân thánh hiến phải bén rễ sâu trong ơn gọi độc thân thánh hiến của mình với Chúa Giêsu, với Giáo hội, với Hội Dòng, và với thừa tác vụ của mình.  

Khi lớn lên trong thân mật thì ta cũng phải lớn lên trong sự mộ mến độc thân thánh hiến. Tình bạn độc thân thánh hiến cho ta nghị lực tâm lý và thiêng liêng để làm thừa tác vụ của mình tốt hơn và sống xứng ơn gọi của mình. 

Để sống tốt đời độc thân thánh hiến, chúng ta phải thực hành cầu nguyện, suy niệm và khổ chế cá nhân dựa trên các nhân đức được sống trong đời sống hằng ngày.

Đời sống độc thân thánh hiến vì Nước Trời phải được trình bày như một chọn lựa rất thuận lợi cho việc hân hoan loan báo Chúa Kitô Phục Sinh. Ở tình trạng này, chúng ta dễ dàng ở gần Chúa Kitô hơn, với một trái tim không chia sẻ, và được tự do hơn trong việc trao hiến chính mình phục vụ Chúa và Dân Chúa với lòng quảng đại. 

Nhờ đời sống cầu nguyện, hiệp nhất với Chúa Kitô và tình huynh đệ chân thành, ta có thể giữ gìn cách hân hoan và trọn vẹn đời sống độc thân thánh hiến của mình.  

Cùng với Hội Thánh, ta phải khiêm tốn và kiên định cầu nguyện cho ơn trung thành và sử dụng mọi sự trợ giúp siêu nhiên cũng như tự nhiên, đặc biệt là lối thực hành khổ chế đã được kinh nghiệm trong Hội Thánh.

 

(Hát NIỀM XÁC TÍN CỦA CON)

 

 

C. TÌNH BẠN KHÁC PHÁI

      CỦA NGƯỜI ĐỘC THÂN THÁNH HIẾN

 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

 

Người sống đời độc thân thánh hiến có thể có tình bạn khác giới không? 

Nếu Chúa Kitô, trong nhân tính của Ngài, đã làm bạn với phụ nữ để lôi kéo họ tới Thiên tính của Ngài, thì tình bạn người độc thân thánh hiến giữa nam và nữ đã được Thiên Chúa phê chuẩn. Và Chúa Giêsu trở thành mẫu gương hoàn hảo của tình bạn khác giới của người sống đời độc thân thánh hiến.  

Mẫu gương sống động về tình bạn của Chúa Giêsu với phụ nữ có căn bản Thánh kinh cho loại liên hệ này trong cuộc đời con người. Cha Felix M. Padimatham nói rằng Chúa Giêsu trở thành mẫu gương hoàn hảo của tình bạn khác tính luyến ái. Ngài cũng chỉ ra nhiều mẫu gương các Thánh và Chân Phước đã có loại tình bạn này trong cuộc đời các ngài, như:

-          thánh Hiêrônimô và bà quả phụ Paula,

-          thánh Gioan Kim Khẩu và nữ trợ tế Olympias,

-          thánh Phanxicô Assisi và thánh nữ Clara,

-          thánh nữ Catarina Siena và Chân Phước Raymon Capua,

-          thánh nữ Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá, v.v…

Và mẫu gương của Chúa Giêsu vẫn còn có giá trị cho những người theo Ngài, trong tất cả mọi chiều kích nhân bản và thiêng liêng của đời sống ơn gọi và sứ vụ.  

Rõ ràng, sự yếu đuối và những nguy hiểm đã không đe dọa Chúa Giêsu, nhưng có thể đe dọa những người nam và người nữ sống đời thánh hiến trong những liên hệ như vậy. Do đó, chúng ta phải biết cân nhắc các giới hạn cần thiết.  

            Chị em đừng bao giờ quên rằng mọi thân xác đều mang giới tính và bất cứ tương quan nam nữ nào cũng có yếu tố phái tính (“trai khôn không ở với mạ, má khôn không ở với trưa”).  

Vì thế, quà tặng độc thân thánh hiến có thể bị nguy hiểm, nhất là trong quan hệ độc hữu, khi mà một người nữ đơn độc ở với một ngơời nam đơn độc lâu giờ trong một nơi kín đáo cửa khóa chặt, mà không có bất cứ khoảng cách nào, cùng với những biên giới cần thiết về thể lý, tâm lý và thiêng liêng.

 

Người độc thân thánh hiến không có sự quân bình tự nhiên của người sống đời đôi bạn, nên phải thiết lập cho được và sống thế quân bình siêu nhiên bằng đời sống cầu nguyện, mật thiết với Chúa, đời sống huynh đệ, tận tụy với sứ vụ, cảnh giác toàn bộ cách ứng xử và cảm xúc của mình, ý thức rằng mình “gìn giữ kho tàng ấy trong những chiếc bình sành” dễ vỡ (2 Cr 4,7).  

Sự thiếu quân bình trong đời sống và sứ vụ cộng với những khó khăn, thử thách đau khổ, yếu đuối nhân loại bên trong và cám dỗ lôi cuốn từ bên ngoài, người ta có khi đi tìm lại sự quân bình tự nhiên kia mà vấp ngã.  

Kinh nghiệm cho thấy những người tu sĩ bỏ đời sống cầu nguyện, thiếu tình huynh đệ cộng đoàn và bỏ bê bổn phận sớm muộn gì cũng sẽ sa ngã, bỏ cuộc. Vì thế, tu sĩ được thúc đẩy thiết lập mối tương quan trưởng thành, lành mạnh, hài hòa và quân bình giữa cả hai phái. Người ta nên tốt hay không đều do các mối tương quan của họ.

 

TÌNH HUYNH ĐỆ

 

Tình chị em sẽ là:

  • một sự đoàn kết bên nhau để cùng tiến bước,
  • một cuộc đối thoại thường xuyên trong cuộc sống đa nguyên đa diện,
  • một cuộc gặp gỡ cởi mở hơn cho cuộc hành trình đầy gian khó và nguy hiểm,
  • một sự có mặt khích lệ hay một nâng đỡ hỗ trợ tinh thần,
  • một lời vui, một tiếng cười thanh thỏa cùng chia sẻ tình thương dâng lên vời vợi,
  • một cái nhìn cảm thông khi vướng trở ngại, hay khi bị thất bại chua cay,
  • một “tôi khác” để có dịp phản tỉnh nhìn lại bộ mặt của mình, có khi đã hoen ố bụi đời,
  • một bạn đồng hành để con đường thập giá bớt nỗi đơn côi,
  • một Simong vác đỡ hay một Vêrônica lau mặt,
  • một cái gì khỏa lấp chỗ trống vắng tình thương sau tình yêu Thầy Chí Thánh,
  • một hiện diện và hiện thân của Thiên Chúa cao xa vô hình.

 

Mỗi người chúng ta trước hết hãy là người bạn như thế cho kẻ khác.

(slideshow TÌNH BẠN)

 

 

II. NỮ TU VỚI LINH MỤC, NAM TU SĨ 

Chị em hãy giữ trong trí óc và tâm hồn sự lệ thuộc của chính mình, cũng như sự lệ thuộc của linh mục/nam tu sĩ đối với Chúa, và luôn ý thức phải “trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa” (x. Mc 12,17): Cho rồi, không lấy lại mà cho người khác! 

Do lý tưởng hiến dâng và môi trường mục vụ chung, nữ tu và linh mục/nam tu sĩ có thể có mối tương quan thân mật, bằng sự cởi mở tâm sự cho nhau, bằng sự hiểu nhau và chia sẻ sứ vụ, những thành công cũng như những khó khăn thất bại, tin tưởng nhau, cảm thông nhau, dịu dàng và ân cần chăm sóc nhau. 

Cũng trong tinh thần này, chúng ta cũng phải kể đến những người nam cùng làm việc tông đồ với chị em trong các đoàn hội, hay ân nhân, bảo trợ, mạnh thường quân, (kể cả cha bảo trợ, cha bố): “Em ngồi em kể công ơn, bạc vàng nặng ít nghĩa nhơn nặng nhiều.” Không ai cho cái gì mà cho không cả, và nhiều khi ÂN đòi được trả bằng TÌNH !

 

Chính từ sự thân mật này, một cảm nhận “yêu thương” có thể dễ dàng phát sinh và phát triển, rồi tình trạng có thể trở nên nguy hiểm hơn, với những hình thức được bộc lộ ra theo tiến trình:

            - muốn chiếm hữu,

            - ghen tuông,

            - và muốn độc quyền.

 

            Chị em đừng quên lời khuyên của Chúa Giêsu (x. Mt 26,41; Mc 14,38): là những con người thánh hiến, nhưng chúng ta vẫn không thôi là những con người với những yếu đuối nhân loại. Thánh Phaolô chia sẻ: “Có ai trong anh chị em yếu đuối mà tôi không cảm thấy yếu đuối, có ai trong anh chị em sa ngã mà tôi không cảm thấy như thiêu như đốt?” 

            Chị em cũng phải ý thức rằng sự thân mật là nhu cầu của con người, nhưng sự thân mật trong đời sống độc thân thánh hiến không cần (và không được) biểu lộ có tính cách thể lý phái tính, cùng với hoạt động truyền sinh. 

Sự thân mật độc thân thánh hiến có mức độ thích hợp của nó. Chính mức độ riêng biệt này cung ứng cho chúng ta đủ tự do để yêu thương mọi người và không vượt qua các giới hạn. 

Chúng ta khuôn đúc mối tương quan nam nữ của mình theo gương mẫu đời sống của Chúa Ba Ngôi và kêu xin ơn can đảm để thăng tiến, vượt thắng và thánh hoá “tiếng gọi nhân loại” này, ngõ hầu giúp nhau sống và chu toàn những gì đã cam kết trong ơn gọi và sứ vụ của mỗi người.

Quả thế, tình yêu không có tuổi và giờ hẹn:

Chúa đã gọi thầy,

Chúa đã gọi em.

Chúa đã gọi, sao còn một tiếng gọi?

Trong trường hợp ấy, chúng ta phải biết tôn trọng:

                        - nơi chốn,

                        - thời gian,

                        - thời lượng,

     - khoảng cách và giới hạn cần thiết, về thể lý cũng như tâm lý, của các cuộc gặp gỡ.

           

Có thế mới mong

            “Lòng như lòng can đảm dẹp mến thương,

Vâng tiếng Chúa,

Quyết giúp nhau sống cho tròn sứ mệnh”

 

Chúng ta phải rõ ràng và thành thật với chính mình, với người khác và với Chúa, bởi vì sự “hẹn hò yêu thương ấy” thường được che giấu dưới những cớ hợp pháp và chính đáng của các công tác và hoạt động mục vụ, nhưng “thực tế đó là những nghiêng chiều nguy hiểm của con tim.” Và chớ gì đừng vì thế mà dại dột nhờ «người ta» can thiệp giữ lại hay cản trở việc thuyên chuyển chính đáng của Nhà Dòng. 

“Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: "Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con không nghĩ đến việc của Thiên Chúa, mà chỉ nghĩ đến việc của loài người” (Mt 16,23). Mỗi người chúng ta hãy nhớ rằng mình không thôi là con người: Chúng ta có thể làm cớ cho người khác vấp phạm, và người khác cũng có thể làm cớ cho chúng ta vấp phạm: “Tại cả anh, tại cả ả, tại cả và hai!” 

 

Trong hoàn cảnh tế nhị này, sự hiện diện yêu thương và đời sống huynh đệ cộng đoàn sẽ mang lại sự trợ giúp cần thiết. Nhờ tình bạn dâng hiến và nhiệt tình, mỗi người có thể là sự trợ giúp lớn lao cho người khác, trong việc soi sáng và khích lệ lẫn nhau, khi phải chịu đựng những hoàn cảnh nguy hại khác nhau, cũng như sự lây nhiễm một thứ tinh thần thế tục nào đó. 

 

 

            III. NỮ TU VỚI NGƯỜI NAM Ở ĐỜI

 

            Do hoàn cảnh cuộc sống, nhất là học hành từ nhiều thập niên qua trong các trường đời, vì trường đạo không được phép tồn tại, bên cạnh các bạn đồng giới, chị em có nhiều bạn là con trai từ nhà trẻ, mẫu giáo, lên bậc tiểu học, rồi trung học, cao đẳng, đại học, cũng như trong các sinh hoạt xã hội và ngành nghề; thậm chí có một số chị em, không chỉ có bạn là con trai, mà là « bạn trai » nữa.  

Xin phân biệt hai trường hợp bạn là con trai và bạn trai Công giáo và không công giáo. Nếu những lưu ý về nơi chốn, thời gian, thời lượng, khoảng cách và giới hạn cần thiết, về thể lý cũng như tâm lý, của các cuộc gặp gỡ đã được nhắc đến trên kia với giới nhà tu vì những yếu đuối của con người, thì ở đây càng được nhấn mạnh hơn nữa, nhất là đừng bao giờ nhận lời đi riêng với họ đến khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ vì bất cứ lý do gì. Nhất là chị em cần cẩn trọng hơn nữa với những người đã có gia đình và quá sành sỏi trong quan hệ nam nữ: họ biết đụng chạm tới những chỗ nhạy cảm nhất trên cơ thể chị em và chị em sẽ không chịu nổi đâu đấy! Nhiều trường hợp đã gặp phải những hậu quả thê thảm, hỏng mất lý tưởng và cả đời người. Nhớ bài « Lý Con Quạ » Nam Bộ:

« Quạ kêu, cái mạ quạ kêu, nam đáo bất đáo nữ phong, người dưng khác họ, chẳng nọ thời kia, ban ngày mắc cỡ, tối ở quên về, chừng ra í a ra về, tình tình mà nhớ thương, chừng ra í a ra về, tình tình mà nhớ thương. »

 

1.      NỮ TU VỚI NGƯỜI NAM CÔNG GIÁO

 

Đối với các bạn là con trai hay bạn trai Công giáo thì dù gì cũng có một mẫu số chung là đức tin, luân lý và giáo lý công giáo. Chính mẫu số chung đó với quan niệm và lập trường về nhân đức hay tội lỗi tạo nên một môi trường tăng trưởng lành mạnh, những giới hạn được bảo vệ hữu hiệu.  

Tâm thức sợ tội và yêu mến sự thánh thiện được coi trọng, đề cao và chăm sóc gìn giữ bởi các thẩm quyền hữu trách trong Giáo hội, trong Dòng Tu, trong gia đình, trong cộng đồng giáo xứ và đoàn thể. Nếu người nào « xem ra có cái gì đó » thì sẽ có những can thiệp kịp thời và thích đáng. 

Thậm chí nếu ai thực sự « có vấn đề » thì cũng có mẫu số chung của Đạo để giải quyết. Tuy nhiên, “đừng đùa với lửa”, nhiều lúc trong tình trạng xem ra an toàn lại gặp phải nguy hiểm nhất. Chị em cũng đừng quên giữ luật giao tiếp của Nhà Dòng: Ai giữ luật thì sẽ được luật gìn giữ cho.

 

2.      NỮ TU VỚI NGƯỜI NAM KHÔNG CÔNG GIÁO

 

Trái lại, nếu chị em có những bạn là con trai hay bạn trai không công giáo thì vấn đề sẽ khác hẳn. Việc không có được mẫu số chung về đức tin và luân lý, về nhân đức và tội lỗi, về các qui tắc của Giáo Hội và Dòng tu… sẽ làm cho các mối tương quan trở nên phức tạp vì sự khác biệt căn bản về Đạo, mà sự thua thiệt chắc chắn sẽ về phía chị em. 

Đời có quá nhiều mánh lới và cạm bẩy mình không thể lường trước được, nhiều người đã « chết vì không biết đủ ». Dĩ nhiên đời cũng có rất nhiều người tốt, nhưng cũng có những cái tốt tự nhiên tự nó lại không phù hợp cho người sống đời thánh hiến, mà còn trở nên xấu và tác hại đời tu, chỉ vì cách nhìn, cách hiểu, cách suy nghĩ không chung hướng đạo đức. Hơn nữa, chúng ta cũng không dám tự phụ quên đi cái nghịch lý mà thánh Phaolô đã trăn trở: « có những điều tốt tôi muốn làm thì tôi lại không làm được, và có những điều xấu tôi không muốn làm thì tôi lại làm !»  

Hy vọng nói ít mà chị em sẽ hiểu được nhiều. Và nếu được phép khuyên thì xin khuyên rằng ai chưa có những liên hệ như thế đừng nên thiết lập, và ai đã có thì cố gắng cởi bỏ dần dần đi, nhớ câu thơ của Xuân Diệu “Đường êm quá ta đi mà quên ngó, đến khi hay thì gai nhọn đã vào thấu xương!” Mong chị em sẽ biết ứng xử thích đáng, sống và giữ đúng cương vị nữ tu của mình, đừng làm cho « họ » hiểu sai và đánh giá sai về người tu và đời tu Công giáo. Nhưng đồng thời cũng không quên sứ mệnh và nỗ lực truyền giáo, làm cho Chúa Kitô được nhận biết và yêu mến, mà vẫn không quên ‘nỗi lo sợ bị hư mất » của thánh Phaolô. 

Chúa Giêsu tha thiết cầu nguyện với Chúa Cha cho chúng ta: “Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ còn ở trong thế gian... Con không xin cất họ ra khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hóa họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,11,15-19)

 

            Mặc trần thế ngày ngày giăng cạm bẫy

            Đây một lòng xin tuân phục ý Cha

            Đã tốn công gieo rắc chẳng nề hà

            Hương ngào ngạt Chúa Kitô khắp cõi.

 

            Bắt thân xác phải hy sinh đền tội

            Lấy lời kinh mà nuôi dưỡng tâm thần

            Những coi thường các lợi lộc phù vân

            Tìm ân thưởng phúc trường sinh chân thật.

                        Thánh Thi Kinh Sáng Lễ Chung  Thánh Nữ

 

            Cho tấc dạ trinh bạch như tuyết trắng

Mãi can trường trong thử thách đau thương

Khi tiết độ, khi cầu kinh nguyện ngắm

Vững tâm theo đường đạo lý luân thường

Thánh Thi Kinh Sáng Thứ Tư Tuần IV

 

Bảo ngọc giấu trong bình mỏng mảnh

            Thường tình nhi nữ Chúa đổi ra

            Những trang liệt phụ từng chiến thắng

            Tiết hạnh gương trong thật chói lòa.

            Liễu yếu đào tơ rất tầm thường

            Ai ngờ lại được Chúa tuyên dương

            Huân công xứng đáng Ngài ân thưởng

            Thành những công dân Nước Thiên đàng.

                        Thánh Thi Kinh Chiều Lễ Chung  Thánh Nữ

 

IV. KẾT LUẬN

 

Tóm lại, trong các mối tương quan của tình bạn khác phái, dù với người tu hay ở giữa thế gian, người sống đời độc thân thánh hiến chúng ta phải luôn qui hướng về Chúa Kitô, khiêm tốn nhìn nhận những điều kiện con người yếu đuối của mình, lắng nghe sự khôn ngoan và kinh nghiệm của kẻ khác, đừng bao giờ dám tự phụ cho mình là mạnh, trái lại nhớ luôn rằng « con chim nhát là con chim sống » hay « tam thập lục kế, vi tẩu thượng sách ». 

Ngoài ra, phải phát huy tình huynh đệ cộng đoàn. Khi mà chị em thực sự yêu thương nhau, ai cũng thỏa mãn được nhu cầu tâm lý căn bản yêu và được yêu của con người, thì chẳng ai thèm đi tìm bù trừ hay đón nhận một tình cảm nào khác bên ngoài.  

Thế nhưng trong bất cứ cuộc chiến đấu nào cũng có chiến thắng và chiến bại. Nếu gặp phải trường hợp chiến bại, hãy cư xử theo lòng nhân hậu của Chúa Kitô, giúp chuyển bại thành thắng, chỗi dậy đứng lên tiếp tục hành trình với bài học kinh nghiệm và tâm hồn đổi mới. 

Tâm lý chung của những người cầu toàn khi phát hiện một lầm lỗi là muốn làm om sòm lên. Nhưng liệu sự om sòm ấy có làm thay đổi được tình hình hay nó lại càng "vạch áo cho người xem lưng“ về một cộng đoàn thiếu yêu thương của mình.  

Trước hết nên bình tĩnh, nhìn lại chính mình, nhìn lại cuộc sống mà mình đang có để tìm ra nguyên nhân. Sự nín nhịn “đóng cửa dạy nhau” để xây dựng cộng đoàn yêu thương là điều rất nên làm.  

Ai cũng có thể bị « vi-rút » tình cảm và tình dục tấn công. Vấn đề là cần có sức đề kháng tốt để tránh được bệnh. Sức đề kháng đó nằm ở chính tình thương nhau của chị em trong cộng đoàn, là nhân tố làm thỏa mãn nhu cầu yêu và được yêu trong bối cảnh của đời sống ơn gọi, được đặt trọng tâm nơi Chúa Giêsu « là đối tượng duy nhất của lòng trí » chị em..  

Việc tạo nên những cung bậc trong tình huynh đệ cộng đoàn cũng không cần quá cầu kỳ, thậm chí nó chỉ là những việc đơn giản nhất như những cuộc nói chuyện tâm sự về sức khoẻ, học hành, gia đình, những nỗi ưu tư tình cảm, những lời hỏi han, quan tâm chia sẻ đúng lúc.  

Những điều xem ra nhỏ nhoi ấy đôi khi lại có sức mạnh rất lớn trong việc gìn giữ bảo vệ nhau khỏi những điều sai lỗi. Hãy coi lầm lỗi như một lúc con tàu bị trật bánh ra khỏi đường ray. Nếu khéo léo điều chỉnh, bánh xe sẽ lại trở về đúng vị trí để con tàu tiếp tục vận hành. 

Người lầm lỗi được chân thành thương yêu, quảng đại tha thứ và nhân từ nâng đỡ sẽ đủ nghị lực kiên trì biến đổi nên tốt, với sự trợ giúp của ơn thánh Chúa.

 

Cô đơn chớ để một ai,                                             

Thử thách dồn dập nhạt phai dần dần.

Nhưng cô đơn của tu sĩ không phải là sự trống rỗng, hay thực sự cô độc vì Đấng Cứu Thế luôn ở với mình:

            “Tại sao người nói rằng buồn?

            Chúa hằng có mặt ở luôn bên người! »  

 

Quả thế, Chúa Giêsu cùng sẻ chia với chị em, vì “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”: trong những giờ phút bi thảm nhất của cuộc thương khó, Ngài cũng đã cảm nhận cô đơn và bị bỏ rơi, vì Ngài luôn liên lụy với tội nhân, đồng hóa thân phận mình với thân phận của họ, và phải cam đành sự công thẳng của Chúa Cha. 

Như thế, có vấn đề hay khủng hoảng không nhất thiết là một dấu hiệu tiêu cực, nhưng đúng hơn, nó phải được coi là một thách đố để tái định hướng đời sống và sứ vụ tu sĩ. Nó mời gọi một đời sống thiêng liêng cá nhân sâu xa hơn, can đảm đối mặt và chấp nhận các thực tại của bản thân, dù có khi đau đớn và xấu hổ (vì yếu đuối, vì lầm lỡ).  

Cần phải làm mới lại các liên hệ lành mạnh để được nâng đỡ và cảm thông hơn. Cũng không quên nhu cầu cầu nguyện, khổ chế, ăn chay và chiêm niệm: “Người ta không thể đi theo con đường khó nếu không có một thứ khổ chế đặc biệt.” 

Nhưng trên hết, chúng ta phải tin rằng tình yêu của Thiên Chúa lớn hơn tình yêu nhân loại (một tình yêu lớn hơn vượt thắng tình yêu nhỏ hơn và những hấp dẫn của nó); rằng chỉ có Thiên Chúa mới làm thoả mãn được con tim chúng ta và chúng ta thế nào thì Ngài yêu thương chúng ta như thế ấy, và Ngài yêu thương chúng ta cho đến cùng; và rằng chúng ta đã “chọn phần tốt hơn” rồi. 

Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta như là “người canh giữ”, như là “bóng mát” của cột mây ban ngày và cột lửa soi đường ban đêm trong sa mạc, và như là “cánh tay uy quyền” của người bảo vệ.

 

(Hát CHÚNG CON CẦN ĐẾN CHÚA)

 

 

D. VÀI KHÍA CẠNH VỀ TÂM LÝ

 

I. TU SĨ CŨNG LÀ CON NGƯỜI

 

1. NHU CẦU TÌNH YÊU

Nhu cầu là một cái gì cần phải có để làm đầy đủ nhân cách của chúng ta. Nó là một đòi hỏi bên trong cần phải được thỏa mãn một cách phải lẽ, nếu chúng ta muốn có hạnh phúc trong đời sống mình.  

Khi nhu cầu được thỏa mãn thì có sự điều chỉnh thích hợp, còn khi không được thỏa mãn thì có sự điều chỉnh không ăn khớp trong nhân cách của chúng ta.  

Kết quả của việc không thỏa mãn nhu cầu là chúng ta cảm thấy hụt hẫng, căng thẳng, mất quân bình, không ổn định v.v… trong đời sống, ảnh hưởng đời sống thiêng liêng và sứ vụ. 

Mọi con người đều có một ước nguyện nội tâm và nhu cầu tình yêu, một nhu cầu tâm lý cơ bản. Một trong những thúc đẩy sâu xa nhất của bản tính tự nhiên của con người là yêu và được yêu.  

            Yêu một người nào có nghĩa là lắng nghe, hiểu biết, thấu cảm, chấp nhận, tôn trọng, và săn sóc người đó. Được yêu có nghĩa là được người khác chọn làm đối tượng đặc biệt của cảm giác yêu mến và thích thú của họ. Được yêu làm cho người ta hạnh phúc, và càng được yêu, người ta càng trở nên tự do hơn để yêu chính mình và yêu những người khác. 

Khi nhu cầu tâm lý này không được thỏa mãn, bị bỏ bê, bị lờ đi thì một sự trống rỗng sâu xa phát triển nơi một người, và kết quả là người ấy cảm nghiệm những chán nản, khó chịu, thiếu hạnh phúc, tha hóa, vỡ mộng, cô đơn v.v… tác động tiêu cực lên đời sống thiêng liêng và sứ vụ. 

Do không thỏa mãn nhu cầu yêu thương này, người ta đau khổ vì thiếu dinh dưỡng tâm lý và tình yêu; có thể nhiễm chứng căng thẳng thần kinh, cản trở việc tăng trưởng thiêng liêng.

            Con người cố gắng đáp ứng những nhu cầu tâm lý qua cách ứng xử của mình. Và việc thiết lập tình bạn thân mật sẽ thỏa mãn nhu cầu tâm lý căn bản yêu và được yêu của mình. Nhưng sự thỏa mãn đó phải được biểu lộ trong bối cảnh của đời sống ơn gọi thánh hiến.

 

2. NHU CẦU  THÂN MẬT 

 

Thân mật là một tình cảm đặc biệt đối với một người nào đó. Mọi người cần đến loại thân mật này để sống nhân bản lành mạnh. Tuy nhiên cấp độ của sự thân mật này có thể thay đổi từ người này đến người khác.  

Người độc thân cũng ước mong sự liên hệ này, tức là muốn yêu thương một người nào đó và muốn được người ấy yêu thương mình.

       Là người độc thân, chúng ta cũng nên thừa nhận rằng chúng ta cũng có những nhu cầu này trong cuộc sống, và những nhu cầu này phải được đáp ứng bên trong bối cảnh ơn gọi của chúng ta.  

Nếu mỗi thành viên cộng đoàn chân thành yêu thương chị em và cảm nhận được chị em yêu thương thì nhu cầu kia được thỏa mãn và tình cảm con tim được bảo hòa, không cần tìm ở đâu khác hay ở ai khác bên ngoài nữa.  

Chúng ta nên nhớ rằng tất cả chúng ta đều là những con người bất toàn, chứ không phải những con người hoàn hảo. Chúng ta không thể nói rằng chúng ta đã được giải thoát khỏi mọi nhu cầu này, vì chúng ta đã hiến dâng cuộc đời vì Nước Thiên Chúa. Chúng ta không thể nói rằng những nhu cầu này không có ảnh hưởng gì trên cuộc đời chúng ta vì chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi để thi hành sứ mệnh của Người. Hãy nhìn nhận sự kiện chúng ta trước hết là con người, rồi là người độc thân; và những nhu cầu này phải được kiện toàn trong bối cảnh ơn gọi của mình.

 

(video TÌNH YÊU VÀ SỨ MỆNH)

 

Trước Vatican II, sự quen thân và tình bạn thân mật chỉ được chia sẻ với Chúa Kitô, chứ không được chia sẻ với con người nào khác. Nhưng sau Vatican II, người ta hiểu rằng chúng ta không được lơ là thân mật với Chúa, đồng thời được khuyến khích thân mật với con người. 

Quả thế, “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ... Họ phải cảm thấy thực sự liên hệ mật thiết với loài người và lịch sử nhân loại” (Hiến Chế Mục Vụ "Giáo Hội trong Thế Giới ngày nay: VUI MỪNG VÀ HY VỌNG" số 1). 

Đôi khi chúng ta chia ra từng ngăn đời sống bằng cách nói rằng chúng ta, những linh mục và nữ tu, phải kính mến một mình Thiên Chúa thôi, con người không được xen vào; còn những người lập gia đình thì phải mến Chúa yêu người.  

“… Người không kết bạn thì chuyên lo việc Chúa và tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người kết bạn thì lo lắng việc đời và tìm cách làm đẹp lòng bạn mình, thế là bị phân chia.” (1 Cor 7,32) 

Thánh Gioan Tông Đồ nhấn mạnh tính cách quan trọng của lòng kính mến Chúa và yêu thương cận nhân: “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” (1Ga 3, 17)  

“Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo.” (1Ga 4, 12)

 “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.’” (1Ga 4, 20)  

Vậy mệnh đề trái tim không phân chia không làm tương phản liên hệ hay tình yêu của người độc thân thánh hiến và người có gia đình đối với Thiên Chúa và tha nhân, đúng hơn nó biểu thị phẩm tính của mối liên hệ tình yêu nơi người tín hữu và người độc thân thánh hiến: Thiên Chúa là nguyên ủy và là trọng tâm.  

(Slideshow TÌNH YÊU ĐÃ CHỌN)

Tác giả Lm. Trần Minh Huy, pss

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!