.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời mở đường - « Tôi nhìn tôi trên vách »

Chương 1 - Nguồn Gốc Rồng Tiên

Chương 2 - Khi Mặt Hồ nổi sóng, Thần Kim Qui xuất hiện

Chương 3 - Thánh Gióng và con đường « đi lên » của con Rồng cháu Tiên

Chương 4 - Sơn Tinh và Thủy Tinh : Hai con Đường, Một Nước Non

Chương 5 - "Tấm và Cám" trong nội tâm của Chúng ta

Chương 6 - « Thằng Bờm » trong cõi lòng của Người Việt Nam

Chương 7 - Đối Thoại : Bắc lại Nhịp Cầu Hiểu Biết và Tình Thương

Chương 8 - Con Đường Luyện Vàng

Chương 9 - Xây dựng Quan Hệ và Quan Hệ Xây Dựng

Chương 10 - Hạnh Phúc và Khổ Đau Trong lòng Cuộc đời

Chương 11 - Khi nào một cơ cấu tổ chức trở nên bệnh hoạn ?

Chương 12 - Chuyển hóa thực trạng ngày hôm nay ?

Thay lời Kết Luận - Chiếc Bè để qua sông

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Huyền Sử Việt Nam
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
CHƯƠNG 1 - NGUỒN GỐC RỒNG TIÊN

Con thân thương, hỡi con cháu Lạc Hồng,

Làn da con màu vàng đồng lúa chín,

Mái tóc con nhắc lại những dòng sông :

Sông Hồng, Sông Hương, Cửu Long cuồn cuộn,

Mang phù sa nuôi sống những mầm non,

Chuyên chở nước tưới mát những cánh đồng.

                         ***

Quên sao được : Bàn tay con huyền nhiệm,

Tay Bà Trưng, Bà Triệu cứu Non Sông,

Tay sáng tạo bao chiến công xán lạn,

Tay Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Quang Trung…

Tay oanh liệt của cháu chắt Vua Hùng,

Mang dòng máu Rồng Tiên trong huyết quản.

                        ***

Con thân thương, hỡi con cháu Lạc Hồng,

Hãy đứng thẳng, cho lòng người cường tráng,

Giữa dòng đời, ôm mãi vững niềm tin,

Đường con đi, hy vọng ở đáy lòng.

 

Trong đêm tối, ánh mắt tràn ánh sáng,

Người phản bội, mở rộng lòng tha thứ,

Dù té ngã, vẫn bước trọn con đường,

Giờ truân chiên, nở nụ cười tỏa rạng.

 

                                  ***

Con trọng đại, vì con là tất cả :

Là mảnh đất mầu mỡ của Quê Hương,

Một khu vườn ươm lại giống Tình Thương,

Xây Non Sông, làm tươi đẹp khóm phường.

 

Con bồi đắp cho ngày mai, tuổi trẻ,

Trồng rừng xanh phủ hết đất tang thương,

Cưu mang Trời, chiếu rạng vùng tăm tối,

Hạt Tình Người gieo vãi khắp mười phương.

 

                                   ***

 

Mục đích của chương nầy khai sáng một số vấn đề cụ thể như sau :

 

Xuyên qua những câu chuyện huyền sử về “nguồn gốc Rồng Tiên” của người Việt Nam, Tổ Tiên muốn nhắn lại cho chúng ta và con cháu sau này những điều gì quan trọng ? Sứ điệp của các vị bao gồm những nội dung như thế nào ? Giá trị của các sứ điệp ấy, trong những điều kiện sinh sống của chúng ta ngày hôm nay, còn mang tính hiện thực và thời sự nữa hay không ? Hay đó chỉ là những chiếc áo đã lỗi thời, cũ kỹ, không còn thích hợp với con nguời có tinh thần khoa học, thuộc thời đại Nghìn Năm Thứ Ba

Để tháo mở một phần nào bao nhiêu vấn nạn ấy, chúng ta sẽ lần lượt khảo sát hai loại trọng điểm sau đây :

Trong phần Một, với kỹ thuật “Sáu chiếc Mũ” của tác giả Ed. De Bono, chúng ta sẽ khám phá sáu tầng lớp ý nghĩa khác nhau của mỗi câu chuyện huyền sử.

Trong phần Hai, xuyên qua những thành quả được phát hiện, chúng ta sẽ ý thức được rằng : mỗi câu chuyện huyền sử có mục đích đáp ứng và thỏa mãn bốn nhu cầu làm người có mặt trong bản thân của chúng ta. Đồng thời, những kết quả ấy cũng làm nổi bật ba chiều kích trọng yếu có mặt trong bản sắc làm người của chúng ta.

                                  

 

Phần Một
        Sáu tầng lớp ý nghĩa của Huyền sử

 

Để tránh những ngộ nhận và sai lầm, trong cách sửû dụng từ ngữ, tôi xin đưa ra một số phân biệt quan trọng sau đây :

 

-         Thứ nhất, Huyền sử không phải là lịch sử. Khi tôi chép lịch sử của một dân tộc hay xứ sở, tôi ghi lại những sự kiện và biến cố, một cách khách quan và xác thực được chừng nào hay chừng ấy. Những sự kiện và biến cố ấy được chính tôi chứng kiến, mục kích trực tiếp. Hay là tôi đã tham khảo và trích dẫn những tài liệu có giá trị, được các nhà chép sử khác công nhận. Tuy nhiên, với bao nhiêu nỗ lực có tính khoa học ấy, tôi còn phải thú nhận rằng : không bao giờ và không có chi là hoàn toàn khách quan một trăm phần trăm. Khi sao chép, ghi nhận một sự kiện, tôi đã làm công việc chọn lựa, chắt lọc, cân nhắc, nghĩa là tôi đã vận dụng bao nhiêu ý kiến và lập trường chủ quan của tôi. Sau khi ghi nhận những sự kiện, tôi còn phải “thuyên giải”, nghĩa là xếp đặt lại, tìm ra ý nghĩa và xác định phương hướng hành động. Riêng trong hoàn cảnh Việt Nam, công việc chép sử chỉ mới khai sinh ở dưới Triều Lý (1010-1225), được kiện toàn ở dưới Triều Trần (1225-1400), và tương đối hoàn chỉnh ở dưới triều Lê (1418-1527). Tuy nhiên, vì chiến tranh xảy ra liên miên, nhiều tài liệu lịch sử đã bị tiêu hủy, đốt cháy và thất lạc. Từ Triều Lý trở lên về trước, trong vòng gần bốn ngàn năm, lịch sử của đất nước tuyệt đối không được ghi chép thành văn bản. Thay vào đó, chúng ta có những lời truyền tụng, những di tích và những hiện vật như cung tên, khí giới, trống đồng, đồ gốm… Những phương tiện nầy cho phép các sử gia thiết lập một số điểm mốc quan trọng, khả dĩ đánh dấu những giai đoạn phát triển của dân tộc Việt Nam từ thời Hồng Bàng (2879-258 trước công nguyên) cho đến ngày hôm nay.

 

-         Khác với lịch sử, như chúng ta vừa trình bày ý nghĩa, Huyền sử bao gồm nhiều câu chuyện vừa thực vừa mơ, “bàn về” nguồn gốc của Đất Nước và Dân tộc, do tổ tiên và cha ông chúng ta thừa kế từ đời trước và truyền lại cho các đời sau, qua bao nhiêu tầng lớp thế hệ nối đuôi nhau. Tác giả Trần Thế Pháp là người đầu tiên, vào cuối thế kỷ 14, dưới thời Trần Nghệ Tông làm Thượng Hoàng, đã lượm lặt, sưu tầm những câu chuyện ấy và chép lại thành văn bản, với tựa đề “Lĩnh Nam Chích Quái”. Tác phẩm nầy, gần 100 năm sau, vào cuối thế kỷ 15, chung quanh thời điểm là năm 1492, đã được tác giả Vũ Quỳnh sắp xếp lại, thay đổi thứ tự và lập thành một văn bản mới. Phải đợi đến năm 1973, chúng ta mới có được một tác phẩm bằng quốc ngữ, do “Tiếng Đông Phương” xuất bản tại Sài gòn và “Sống Mới” phát hành. Sách dày 665 trang, mang tựa đề là        “Việt Nam Văn Học Toàn Thư, thần thoại, cổ tích”. Tác giả là Hoàng Trọng Miên đã sưu tầm, bổ túc bằng cách thêm vào nhiều câu chuyện của các dân tộc thiểu số.

 

-         Thông thường, khi nói đến nguồn gốc “Rồng-Tiên” của người Việt Nam, rất nhiều tác giả chỉ đề cập đến câu chuyện “Lạc Long Quân thuộc giống Rồng kết hôn với Bà Âu Cơ thuộc giống Tiên. Từ liên hệ vợ chồng nầy, một trăm đứa con được sinh ra cùng một lúc, trong cùng một bọc trứng. Cho nên bây giờ, chúng ta gọi nhau là ĐỒNG BÀO, có nghĩa là anh chị em cùng chia sẻ với nhau một bào thai”. Vì vô tình hay hữu ý, khi quá nhấn mạnh câu chuyện nầy, các tác giả ấy đã bỏ quên vai trò và ý nghĩa của nhiều câu chuyện khác không kém phần quan trọng, như :

o       Ba công trình vĩ đại của Lạc Long Quân là diệt tan Ngư tinh, Mộc tinh và Hồ tinh,

o       Thánh Gióng đi đánh giặc Ân, lúc lên ba tuổi,

o       Bánh dày và bánh chưng của Lang Liệu,

o       Cuộc tranh chấp sống mái giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh,

o       Thần Kim Qui giúp Vua An Dương Vương xây dựng Thành Cổ Loa,

o       Trọng Thủy lấy Mỵ Châu làm vợ và cướp mất chiếc nỏ thần bảo quốc đem về Tàu.

 

-         Cũng vì lý do thiếu khả năng phân biệt một cách rõ ràng giữa lịch sử và huyền sử, nhiều cuộc trao đổi giữa chúng ta, chung quanh vấn đề Huyền sử, đã dễ dàng thoái hóa thành những vụ tranh chấp, xung đột, mang đầy tính chất bạo động và nhị nguyên như :

o       Tôi đúng-kẻ khác sai,

o       Tôi có lý-kẻ khác vô lý,

o       Tôi hơn-kẻ khác thua,

o       Tôi có óc khoa học-kẻ khác vô học.

Và khi tinh thần nhị nguyên đã khống chế tâm tư và cuộc đời, với những nhu cầu phân biệt trắng-đen rõ rệt, bạn-thù quang minh, chúng ta trở nên mù quáng. Vô minh tràn ngập mọi hang cùng ngõ hẻm của tâm hồn. Đôi mắt chúng ta không còn có đầy đủ ánh sáng, để nhận ra khuôn mặt thân thương của người anh chị em. Dòng máu luân chuyển trong cơ thể của họ, phải chăng cũng là dòng máu Rồng Tiên đang đập nhịp trong quả tim của chúng ta .

Thế mà trong lịch sử của nước nhà, cứ mỗi lần một triều đại mới lên nắm chính quyền, lại xảy ra quang cảnh thanh trừng, đổ máu, thịt nát, xương rơi, nồi da xáo thịt. Đã một thời, Trần Thủ Độ, vị công thần khai nguyên Nhà Trần,  đào hầm, gài bẫy, chôn sống nhiều con cháu của Nhà Lý. Vào cuối đời Trần, Hồ Quí Ly lại tìm cách tận diệt những viên chức trung tín với Nhà Trần. Nhà Nguyễn, sau khi đánh thắng Tây Sơn, đã đào mồ, quật mã, mạ lị hài cốt của tổ tiên họ. Vào những năm 1940, nhiều người cũng đã bị thủ tiêu, khi chưa có án lệnh rõ rệt..

Cho đến bao giờ, người Việt Nam, trong cũng như ngoài Nước, mới có khả năng lắng nghe sứ điệp của Tổ Tiên và Cha Ông ? Qua các câu chuyện huyền sử, phải chăng các vị hôm nay vẫn đang còn nhắn nhủ chúng ta rằng : hai người Việt Nam có thể khác nhau như Trời và Biển, như Rồng và Tiên. Vâng, chúng ta đang bộc lộ những sắc thái khác nhau, trên nhiều phương diện. Nhưng khác mà không khai trừ, loại thải nhau. Khác, mới có thể bổ túc, kiện toàn cho nhau, cùng nhau làm nên những kỳ công trọng đại cho quê hương và anh chị em đồng bào, giống như Lạc Long Quân đã làm, cách đây hơn bốn ngàn năm về trước.

Có người đòi hỏi những sự kiện cụ thể, khách quan trong các câu chuyện huyền sử ? Chúng ta chỉ cần can đảm nhìn mình, nhìn cuộc sống hai bên cạnh, chúng ta sẽ khám phá một cách dễ dàng: những hiện tượng xung đột giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh không phải là những câu chuyện hoang tưởng, bịa đặt. Nhưng đó là những hiện thực hoàn toàn khách quan, đang xảy ra hôm nay, ở đây và bây giờ, trước mắt chứng kiến của chúng ta. Ngay cả trong tâm hồn và cuộc đời của chúng ta.

Câu nói của Thần Kim Qui, trả lời cho Vua An Dương Vương : “Kẻ thù đang ngồi ở sau lưng Nhà Vua” còn mang rất nhiều tính thời sự, trong hoàn cảnh của Đất Nước, ngày hôm nay.

Nói tóm lại, con đường tư duy độc lộ chỉ dẫn đưa chúng ta đến một ngõ cụt : đó là tình trạng bạo động hận thù, kỳ thị chiến tranh, chết chóc và lầm than. Thay vào đó, tác giả Ed. De Bono đề nghị chúng ta học hỏi và tôi luyện một lối nhìn đa năng đa diện, mang tên là “kỹ thuật SÁU CHIẾC MŨ”. Mỗi lần nói về mình, về người khác, hay là cùng nhau khảo sát một vấn đề – chẳng hạn như tìm hiểu ý nghĩa của Nguồn gốc Rồng Tiên – chúng ta hãy lần lượt đội lên đầu sáu chiếc mũ Trắng, Đen, Vàng, Đỏ, Xanh da trời và Xanh lá cây.

Với chiếc mũ màu trắng, chúng ta làm công việc ghi nhận sự kiện cụ thể và khách quan, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Chúng ta nghe làm sao, chúng ta nói lại y nguyên, không thêm không bớt. Chúng ta thấy gì, chúng ta trình bày lại, một cách trung thực, cơ hồ tấm gương soi phản ảnh tất cả những gì đang xảy ra ở đằng trước.

Với chiếc mũ màu đen, chúng ta rút ra một cách có ý thức những sự kiện, mà chúng ta đánh giá là tiêu cực, có những hạn chế rõ rệt. Tuy nhiên, chúng ta phải có can đảm nêu lên những lý do giải thích thể thức đánh giá của chúng ta. Sau đó, chúng ta lắng nghe và cho phép kẻ khác phát biểu, biện hộ, nêu lên những thắc mắc của mình.

Với chiếc mũ màu vàng mặt trời, chúng ta cố gắng phát hiện những khía cạnh tích cực, năng động… – nếu tìm, thế nào cũng có – trong bao nhiêu ý kiến mà chúng ta vừa phê bình và đánh giá.      

Với chiếc mũ màu đỏ, chúng ta diễn tả những xúc động hoàn toàn chủ quan của mình, như buồn, lo, tức giận, sợ hãi. Vì đây là những phản ứng hoàn toàn chủ quan, chúng ta hãy dùng sứ điệp ngôi thứ nhất TÔI, để phát biểu và đảm nhận ý kiến của mình, một cách chân thành và sáng suốt. Không ném đá giấu tay. Không vơ đũa cả nắm. Không giận cá chém thớt. Chúng ta bộc lộ nhu cầu và nguyện vọng của mình. Đồng thời chúng ta cho phép kẻ khác từ chối, không thỏa mãn chúng ta, vì đó cũng là quyền lợi riêng tư của họ.

Với chiếc mũ màu xanh da trời, chúng ta đúc kết, rút ra ý nghĩa từ những sự kiện, mà chúng ta đã thu lượm, với bốn chiếc mũ trước đây. Giai đoạn nầy mang tên là THUYÊN GIẢI, bao gồm ba công việc khác nhau nhưng bổ túc cho nhau. Thứ nhất là tóm lược quá khứ, rút ra những kết luận, sau khi đề xuất và kiểm chứng một cách nghiêm chỉnh những giả thuyết hay là những hướng đi giả định. Công việc thứ hai là xác định những công việc cần thực hiện, trong hiện tại. Thứ ba là dự phóng, tiên liệu hay là chuẩn bị con đường cho tương lai. 

Khi nhiều ý nghĩa được đề xuất cùng một lúc, chúng ta phải xếp đặt thành thứ tự ưu tiên. Và chương trình nào quan trọng nhất, phải được chúng ta giải quyết và thực hiện, truớc tất cả mọi dự phóng khác được đề xuất, nhưng hiện thời, đó chưa phải là những điều cấp thiết và khẩn trương.

Nói tóm lại, chiếc mũ xanh da trời kêu mời, thúc giục chúng ta đi lên, mở rộng tầm nhìn, đúng như câu thơ của Thi sĩ Trụ Vũ đã diễn tả :

                “ Bởi vì mắt thấy trời xanh,

             “ Cho nên mắt cũng long lanh màu trời.

             “ Bởi vì mắt thấy bể khơi,

             “ Cho nên mắt cũng xa vời đại dương ”.

Sau cùng, với chiếc mũ màu xanh lá cây, chúng ta bắt tay vào việc, “làm nên mùa xuân” trong lòng đất nước, thực hiện những gì đã được đề xuất, thay vì chỉ hô hào, tuyên truyền láo khoét. Hơn ai hết, chính Nguyễn Trãi đã yêu cầu chúng ta, cách đây hơn năm thế kỷ :

                “ Lấy Đại Nghĩa mà thắng hung tàn,

             “ Lấy Chí Nhân mà thay cường bạo ”.

Nếu mỗi người trong chúng ta, ai ai cũng có khả năng sử dụng sáu chiếc mũ, để nhìn lại, ngẫm lại nguồn gốc RỒNG TIÊN của mình và dạy lại cho con cái biết làm như chúng ta, tôi chăéc chắn rằng : bản thân chúng ta ĐÃ và SẼ viết được những trang sử kỳ hùng cho quê hương và anh chị em đồng bào, giống như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hoàng hậu Ỷ Lan, cách đây hơn 10 thế kỷ.

Phần Ha

                                         Bốn NHU CẦU sinh hoạt

                                         và Ba chiều kích làm người của chúng ta

 

Dựa vào kỹ thuật « Sáu chiếc mũ » của Ed. de Bono, mỗi người có thể phát hiện trong những câu chuyện huyền sử, những hướng đi, những ý nghĩa độc đáo cho cuộc sống làm người.  Điều cốt yếu cần ghi nhận trong cách làm nầy, là chúng ta tạo ra những cơ hội, để chia sẻ với người khác những khám phá riêng tư của mình. Và đồng thời, chúng ta lắng nghe kẻ khác một cách cẩn trọng – nhất là những ai thuộc giới trẻ – khuyến khích và kêu mời họ diễn tả ý kiến của mình, cho phép họ nói về bản thân, quê hương và anh chị em đồng bào, một cách chân thành và cởi mở. Trong lòng đất nước, mỗi người trong chúng ta – bất kể là ai, thuộc thành phần nào – đều là một Thánh Gióng, hay là một Phù Đổng Thiên vương. Trước ba tuổi, chúng ta chỉ là một đứa bé khuyết tật, không biết đi, không biết nói. Nhờ bà con họ hàng cho ăn, cho mặc, cho ngựa, cho gươm, Thánh Gióng ba tuổi trở thành một chiến sĩ 30 tuổi, có khả năng lên đường, dẹp tan giặc Ân, đem lại thanh bình cho quê hương và xứ sở. Sau cuộc chiến thắng, Thánh Gióng, 30 tuổi, đã trở thành một thần linh của Đất Nước có tầm cỡ 3.000 tuổi và có khả năng tự mình bay lên trời, trở về với Mẹ Âu Cơ. Câu chuyêïn về Thánh Gióng được trình bày như vậy không phải là hoàn toàn hoang tưởng và bịa đặt. Trái lại, qua cách nói đầy hình tượng ấy, Tổ Tiên muốn gây ý thức rằng :  trong tâm hồn của mỗi người, có một Thánh Gióng nho nhỏ đang còn nằm ngủ, chờ đợi chúng ta đánh thức dậy, cho ăn, cho mặc  – về mặt vật chất cũng như tinh thần – để có thể đứng dậy, lên đường, nghe theo tiếng gọi của quê hương.   

Thay vì đồng hóa với Thánh Gióng, chúng ta có thể đội chiếc mũ ĐEN lên đầu, để thấy mình mang da thịt và tâm hồn của Mỵ Châu. Trong một phút giây điên dại và mất tỉnh thức, chúng ta đã tạo ra cơ hội, để cho ngoaiï bang phương Bắc đánh cắp chiếc nỏ thần bảo quốc mà Tổ Tiên đã trối trăng lại, từ bao nhiêu đời. Câu chuyện « Sơn Tinh và Thủy Tinh » cũng có một ý nghĩa tương tự : chính chúng ta đã tạo nên những tai ương hoạn nạn cho đất nước của chúng ta. Chúng ta làm «  gà một nhà bôi mặt đá nhau ». Ngược lại, nếu Sơn và Thủy biết chấp nhận và nhìn nhận  nhau, họ có dư thừa mọi tài năng, khả dĩ làm cho Nước Non vui hưởng thanh bình và Núi Sông trở nên thịnh vượng.

Trong khuôn khổ của phần nầy, thay vì trình bày quá nhiều chi tiết, tôi chỉ mạo muội khảo sát hai vấùn đề thiết yếu được nêu ra trong câu chuyện huyền sử về nguồn gốc Rồng Tiên của người Việt Nam.

Thứ nhất, đâu là vấn đề muôn thuở, người Việt Nam phải đương đầu, nhận diện qua các thời đại khác nhau ?

Thứ hai, Tổ Tiên đề nghị cho chúng ta những phương hướng hóa giải như thế nào ?

Tất cả cốt lõi của vấn đề và phương cách giải quyết được thu tóm trong câu nói trao đổi giữa Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ như sau : 

« Ta thuộc giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khác nhau, người thích ở cạn, người ưa ở nước, tính tình đôi bên khác nhau… không cùng ở chung với nhau một nơi lâu được. Bây giờ một nửa các con theo tôi về Thủy phủ, còn một nửa thì ở lại với mẹ. Tuy đôi bên, kẻ ở rừng, người ở biển, song đến khi có việc gì, thì tin cho nhau, không được bỏ nhau ».

 

***

Sứ điệp nầy chuyển tải ở bên trong rất nhiều hình tượng, cô động lại với nhau và chồng chéo lên nhau, thậm chí mang nhiều chi tiết mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên, khi dùng kỹ thuật « Sáu chiếc mũ », để nghiên cứu, khảo sát và nghiền ngẫm sứ điệp ấy, chúng ta có thể khám phá ít nhất ba tầng lớp ý nghĩa sau đây :

Tầng thứ nhất, KHÁC BIỆT là nét đặc trưng nổi bật nhất của người Việt Nam. Hẳn thực, khi người Việt Nam có dịp chung sống với một người khác, điều đầu tiên được họ khẳng định một cách nhanh chóng và quyết liệt, trong mọi quan hệ tiếp xúc và trao đổi, là : Tôi khác bạn, bạn khác tôi. Chính nhờ tư cách đặc biệt nầy, người Việt Nam đã có khả năng xua đuổi quân Hán, quân Tống, quân Nguyên, quân Minh và quân Thanh ra khỏi đất nước của mình. Thêm vào đó, sau một ngàn năm bị ngoại bang đô hộ, chúng ta vẫn duy trì tiếng nói, y phục, phong tục và văn hóa độc đáo của mình. Khi khẳng định nét khác biệt như vậy, người Việt Nam khẳng định chính bản sắc hay là chân tướng của mình.

Tầng thứ hai, chính nét KHÁC BIỆT ấy cũng là đầu dây mối nhợ phát sinh mọi xung đột và hận thù, chia rẽ và chiến tranh, trong lòng quê hương đất nước. Chính vì nét khác biệt ấy, đã bao nhiêu lần, chúng ta không chấp nhận ngồi lại với nhau. Thay vào đó, chúng ta đã tạo nên những con sông Gianh, những vĩ tuyến chia cắt, trong quả tim của chúng ta.    

Tầng thứ ba, khi nào người Việt Nam thấy được nét KHÁC BIỆT ấy là một THÁCH ĐỐ kỳ hùng, một TÀI NGUYÊN  phong phú và một CƠ MAY diệu vợi, họ có thể thực hiện những kỳ công trọng đại cho đất nước và anh chị em đồng bào. Lúc bấy giờ, họ sẽ trở nên như Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi… có khả năng « biến không thành có, chuyển luân Rác nuôi sống những cánh đồng, giữa sa mạc làm tuôn chảy dòng sông, trong chết chóc vun trồng hạt mầm sống ». Nói khác đi, NHỜ khác biệt, chúng ta có thể bổ túc, kiện toàn cho nhau. Làm phong phú cho nhau. Sinh thành nhau. Chúng ta trở thành « NHẤT TÂM », theo lối nói của Nguyễn Trãi, nghĩa là mang trong mình một quả tim có khả năng tác động cơ hồ trăm quả tim. Và một trăm quả tim kết hợp nhau lại làm nên một quả tim duy nhất. 

Để thu gặt những thành quả ấy, điều kiện tiên quyết là chúng ta phải hội nhập một cách nhuần nhuyễn ba bài học trên đây, trong bốn sinh hoạt khác nhau của đời sống tâm lý :

-         Sinh hoạt thứ nhất là Hành Động thực tiển : chấp nhận sự khác biệt giữa ta và người là một thực thể tất yếu. Từ đó, chúng ta cho phép kẻ khác có quyền khác chúng ta, thay vì đàn áp, thanh trừng, loại thải… thậm chí kẻ khác đó đang là một trẻ em hay là con cái của chúng ta.

-         Sinh hoạt thứ hai là phát huy một lối nhìn tích cực về người anh chị em đồng hương, đồng bào. Dù với bất cứ nét khác biệt nào, trong lãnh vực chính trị cũng như tôn giáo, họ có quyền được chúng ta lắng nghe, tìm hiểu và tôn trọng. Vì một lý do nào đó, họ có thể sai lầm, vi phạm những hành vi bán nước hại dân. Nhưng chúng ta không có quyền truất phế phẩm giá làm người của họ. Nói theo ngôn ngữ của tổ tiên và cha ông chúng ta, họ vẫn « mang dòng máu RỒNG TIÊN trong huyết quản ».

-         Sinh hoạt thứ ba là tìm mọi cách sẵn có trong tầm tay, để hóa giải và chuyển biến những xúc động đau buồn và tiêu cực, đang thúc ép, cưỡng chế chúng ta  dấn bước vào con đường bạo động, hận thù, chia rẽ và chiến tranh.

-         Sinh hoạt thứ tư là học tập, tôi luyện những quan hệ hài hòa, lúc tiếp xúc và trao đổi. Chúng ta chọn lựa con đường giáo dục và đối thoại, thay vì thanh trừng, đe dọa, đàn áp, thủ tiêu và ám sát, khi có người không đồng ý với chúng ta. Con đường giáo dục và đối thoại nầy phải bắt đầu được sử dụng trong khuôn khổ gia đình, giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái, mới có thể trở nên một phương thức hành động hữu hiệu trong địa hạt xã hội, chính trị và phục vụ đất nước. Nói tóm lại, trong lòng đất nước và quê hương, không có kẻ thắng người thua. Không có chủ ông và người nô lệ. Chúng ta là anh chị em. Khi hai người Việt Nam hợp tác với nhau, họ có khả năngï làm nên Đại dương bao la và Bầu Trời cao cả.

Đó là bốn con đường thể hiện bản sắc « Làm con Rồng cháu Tiên » của chúng ta. Không làm và sống như vậy, chúng ta chỉ là con nộm đa ngôn, hay là con vẹt lặp lại lời nói của người khác, mà không biết mình đang nói gì, không ý thức mình là ai.

 

***

Xuyên qua tất cả những phân tích và nhận định trên đây, khi chúng ta nhắc lại hay nhớ lại nguồn gốc Rồng Tiên của chúng ta, chúng ta không chỉ làm công việc hồi tưởng một quá khứ xa xưa mà thôi. Chúng ta còn có bổn phận trở về với chính mình, bằng cách chuyển biến sứ điệp của Tổ Tiên thành hiện thực hay là thực tế « ở đây và bây giờ », trong chính con người xương máu của chúng ta

Nói theo ngôn ngữ của tác giả E. Berne, chúng ta đang thể hiện ba chiều kích kết tạo nên bản sắc của con người chúng ta

Thứ nhất là chiều dọc : Mỗi người trong chúng ta vừa là đứa con đang thừa kế từ Tổ Tiên một gia tài phong phú. Đó là một giang sơn gấm vóc chạy dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Đồng thời, chúng ta cũng là người cha mẹ, có bổn phận trối trăng lại cho các thế hệ sau này, một quê hương toàn vẹn và một nền văn hóa đặt nền móng trên Tình Thương, Thứ Tha và Lòng Bao dung. Không nhớ kẻ trồng cây, lúc ăn quả, và không tiếp tục mở mang những vườn cây mới, liệu chúng ta còn là những người có tinh thần trách nhiệm không ? 

Thứ hai là chiều ngang : Chúng ta tất cả đều là anh chị em cùng sinh ra từ một cha và một mẹ, là Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ. Cho nên “Đồng Hành và Chia sẻ” là con đường tất yếu, chúng ta cần xây đắp và can đảm dấn bước mỗi ngày, cùng với anh chị em đồng bào trên khắp mọi nẻo đường của quê hương.  

Thứ ba là chiều sâu của nội tâm : Hai chất liệu kết tạo nên tâm hồn của người Việt Nam, theo truyền thống Rồng Tiên, là Trọng Đại, Cao Cả như Bầu Trời của Bà Âu Cơ, và Bao Dung, Cởi Mở, Đón Nhận mọi người trong lòng Đại Dương bao la giống như Lạc Long Quân. Hơn ai hết, chính Nguyễn Trãi đã nhận thức được chiều sâu nầy, trong lời dạy sau đây:

“ Mở rộng cửa NHÂN, mời khách đến,

  Vun trồng cây ĐỨC, nuôi con ăn ”.

Trong tinh thần và ý nghĩa ấy, chúng ta hãy lắng nghe một cách cẩn trọng và đón nhận làm của mình những lời trăn trối sau đây của Tổ Tiên và Cha Ôâng chúng ta:

Con hãy lấy Hạnh của Đất mà sống : Bị người người khạc nhổ, nhưng vẫn kết sinh hoa lợi, cho người người ấm no.

Con hãy lấy Hạnh của Nước mà sống : Chấp nhận mang vào mình vết nhơ của bao nhiêu bàn tay, để đem về tẩy luyện trong lòng Biển Mặn.

Con hãy lấy Hạnh của Khí mà sống : Đi vào bên trong lòng mỗi người, để mang dưỡng sinh cho từng tế bào, từng hạt máu, không quên sót một ai.

Con hãy lấy Hạnh của Trời mà sống : Ở trên cao thật cao. Nhưng đồng thời, ở dưới thấp thật thấp. Không có Trời, Con không có chi hết. Nhưng Trời cũng không có chi hết. Trống Không.

Con hãy lấy Hạnh của Lửa mà sống : Ai ấm áp cho bằng Lửa ? Nhưng ai khinh thường Lửa, tự khắc người ấy rước họa vào mình. Lửa không phải là Trời. Nhưng Lửa thay thế Trời, khi Con ở trong đêm tối, và trải qua những ngày đông lạnh lẽo.

Con hãy lấy Hạnh của Đêm mà sống : Nhờ Đêm, một ngày mới bắt đầu trở lại, sau khi nhọc lụy được giấc mơ ủi an, ấp ủ và chuyển hóa. Nhờ Đêm, mắt Con mới thấy được rằng : Tên Con đã được viết sẵn, bằng ánh sao lấp lánh, giữa Đại Dương Ngân Hà của Vũ Trụ.

***

Sách tham khảo
 

1.-       Ed. DE BONO – Six thinking hats – Penguin Books, London 1986.

2.-       HOÀNG TRỌNG MIÊN – Việt Nam Văn Học toàn thư : Thần thoại và Cổ tích – Tiếng Đông Phương, Saigon 1973.

3.-       NGUYỄN ĐĂNG TRÚC – Bách Nam là Thủy Tổ của Bách Việt – TT Nguyễn Trường Tộ, 1998.

4.-       TRẦN TRỌNG KIM – Việt Nam sử lược – Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội 1999.

5.-       MỘT NHÓM GÍAO SƯ – Việt Sử – Inst. De l’Asie du Sud-Est Paris, 1983, tome 1 và 2.

6.-       NGUYỄN VĂN THÀNH – Phát Huy Nhân Lực – Tủ Sách Tình Người, Lausanne 1998.

7.-       NGUYỄN VĂN THÀNH – Nguyễn Trãi – Định Hướng 2001.

8.-       E. BERNE – Analyse transactionnelle et Psychothérapie  – PB Payot, Paris 1971.

9.-     NGUYỄN VĂN THÀNH –  Sơn Tinh và Thủy Tinh : Hai con đường, MỘT Nước Non – Tình Người, Lausanne 2003

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!