.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời mở đường - « Tôi nhìn tôi trên vách »

Chương 1 - Nguồn Gốc Rồng Tiên

Chương 2 - Khi Mặt Hồ nổi sóng, Thần Kim Qui xuất hiện

Chương 3 - Thánh Gióng và con đường « đi lên » của con Rồng cháu Tiên

Chương 4 - Sơn Tinh và Thủy Tinh : Hai con Đường, Một Nước Non

Chương 5 - "Tấm và Cám" trong nội tâm của Chúng ta

Chương 6 - « Thằng Bờm » trong cõi lòng của Người Việt Nam

Chương 7 - Đối Thoại : Bắc lại Nhịp Cầu Hiểu Biết và Tình Thương

Chương 8 - Con Đường Luyện Vàng

Chương 9 - Xây dựng Quan Hệ và Quan Hệ Xây Dựng

Chương 10 - Hạnh Phúc và Khổ Đau Trong lòng Cuộc đời

Chương 11 - Khi nào một cơ cấu tổ chức trở nên bệnh hoạn ?

Chương 12 - Chuyển hóa thực trạng ngày hôm nay ?

Thay lời Kết Luận - Chiếc Bè để qua sông

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Huyền Sử Việt Nam
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
CHƯƠNG 6 - « THẰNG BỜM » TRONG CÕI LÒNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

Thằng Bờm có cái quạt mo,

Phú Ông xin đổi ba bò chín trâu,

Bờm rằng : Bờm chẳng lấy trâu.

Phú Ông xin đổi một xâu cá mè,

Bờm rằng : Bờm chẳng lấy mè.

Phú Ông xin đổi ba bè gỗ lim,

Bờm rằng : Bờm chẳng lấy lim.

Phú Ông xin đổi đôi chim đồi mồi,

Bờm rằng : Bờm chẳng lấy mồi.

Phú Ông xin đổi vắt xôi, Bờm cười.

 

***

 

Để lãnh hội thể thức Tổ tiên và Cha ông chúng ta, qua bài ca dao « Thằng Bờm », đã am tường thế nào về bản sắc và lòng tự tin của con người Việt Nam, trong chương nầy, tôi xin phác họa một vài nhận xét thô thiển về tâm lý của nhân vật lạ lùng và kỳ diệu nầy.     

 

Thứ nhất, tên cậu bé là gì ? Bài ca dao không nói tới. Và theo tôi, có lẽ trong những quan hệ tiếp xúc hằng ngày, không mấy người tìm cách gọi tên cậu cho đúng đắn làm gì.

Xuyên qua nhãn hiệu « Thằng Bờm », ai ai cũng có thể nhận ra : đó là một đứa con trai, còn mang trên đầu cái bờm tóc, giống như ngàn vạn trẻ em Việt Nam khác. Ngoài phái tính của mình, được mọi người qua lại nhìn thấy, vì chưa được che giấu một cách kỹ càng, theo những kỹ cương của xã hội, cậu con trai nầy chắc hẳn còn ở trong một vị trí « vô danh tiểu tốt ». Cậu chưa thể có một chức vị, hay giá trị xã hội nào, khả dĩ đòi hỏi mọi người trong khóm phường phải cất mủ cúi chào, hay là xưng hô theo đúng lễ nghĩa thưa, dạ, xin vâng...

Xuyên qua những tục lệ ăn nói, xưng hô của người Việt Nam, một cách đặc biệt vào những cơ hội chính thức như kỵ giỗ, đám đình, liên hoan... gọi ai là « thằng » có nghĩa là khinh thị, coi thường người ấy. Thằng ấy là « đồ » ăn trộm, ăn cướp, mất dạy, vô lương tâm.

Tuy nhiên, theo thiển ý của tôi, trong ngữ cảnh hoặc mạch văn của bài ca dao nầy, « Thằng Bờm » chưa làm gì tai tiếng về mặt luân thường đạo lý, để bị khinh chê và đánh giá một cách tồi tệ như vậy. « Thằng » ở đây chỉ muốn xác định rằng : hắn chỉ là thằng con trai, trên dưới chừng mười tuổi, chưa có kiến thức gì bao nhiêu, đang ngày ngày chạy chơi loanh quanh đầu làng, xó chợ. Có nhiều khi, hắn còn ở thể trạng « trống không, trần truồng », nhất là vào những ngày nắng nóng. Trong những lúc như vậy, hắn chỉ có vỏn vẹn một chiếc mũ trên đầu, để che nắng, tránh cảm cúm. Đương khi đó, đáng lý, nó cần có những mảnh vải khác, để che đậy những « chỗ » cần che đậy một cách kín đáo hơn.

 

Thứ hai, Thằng Bờm đã làm được gì, về mặt làm người ?

Theo bài ca dao, chắc hẳn nó đã có khả năng tiếp cận những phương tiện như dao và kéo. Nó đã được cha mẹ cho phép sử dụng những đồ dùng nguy hiểm nầy.

Tuy nhiên, vì « chơi dao có ngày đứt tay », cho nên Thằng Bờm không chơi dao. Nó biết dùng dao, cắt mo cau làm quạt, vào những ngày hè oi bức, khó chịu. Cụm từ « Thằng Bờm có cái quạt mo » cho chúng ta nhận biết rằng : hắn đã có khả năng làm chủ thể, tuy dù còn rất hạn chế. Chính nó là tác giả đã làm nên chiếc quạt mo. Hẳn thực, nếu ai khác đã làm cho nó, nó không thể hãnh diện và tự hào về sở hữu do mình làm ra như vậy. Của do mình làm ra mới có khả năng xác định giá trị đích thực của Thằng Bờm.

 

Thứ ba, ở giữa môi trường khóm phường và xã hội, Thằng Bờm chưa thể nào đảm nhiệm những vai trò quan trọng.

Thế nhưng, trong quan hệ tiếp xúc và trao đổi, giữa nó với « Phú Ông » :

 

               « Nực cười, châu chấu đá voi,

               « Tưởng rằng chấu ngã, ai dè voi nghiêng ».

 

Hẳn thực, trước mặt của Phú Ông, mọi người lớn bé đều có thái độ cung kính, cất nón cất mũ, để cúi chào. Khi có chuyện cần vay mượn, hỏi han... người bình dân thường phải đến tận nhà, để chờ đợi được tiếp kiến. Thông thường, trong các làng mạc Việt Nam, tuy dù không đảm nhận những chức vụ chính thức, Phú Ông vẫn luôn luôn có chức vị, trong những nơi công cộng, như đình, chùa, lăng, miếu, hoặc trên các con đường cái quan, nơi qua lại của mọi người.

Thế mà ở đây, với Thằng Bờm, Phú Ông đã có thái độ và tác phong « xin đổi ». Quan hệ hàng ngang và quan hệ qua lại hai chiều ấy diễn tả tầm quan trọng và vị trí bề thế của cậu con trai đang làm chủ nhân của cái quạt mo. Không còn bị khinh khi, coi thường, Thằng Bờm đã trở nên một chủ thể trao đổi, một đối nhân có lời ăn, tiếng nói ngang hàng với Phú Ông, trước đôi mắt chứng kiến của mọi người có mặt.

Thứ bốn, trong thể thức trao đổi qua lại hai chiều, Thằng Bờm càng tỏ ra là một « con người » đích thực, đứng đắn. Khi trao đổi, Bờm không còn được gọi là « Thằng ». Nó trở nên một « chủ thể, có nhân cách vững mạnh, với những giá trị tự lập và tự do. Trên bình diện ý thức, nó bày tỏ ra ngoài một cách tự nhiên, những khả năng « biết mình, biết người » : Tôi có thể CHO cái gì. Và ngược lại, tôi muốn NHẬN cái gì. Nói khác đi, trong quan hệ tiếp xúc và thông đạt, Bờm vừa biết lắng nghe Tình. Vừa biết coi trọng Lý.

Ngoài ra, khả năng từ chối, được lặp đi lặp lại bốn lần « Bờm rằng Bờm chẳng... », khẳng định một cách rõ nét, ý chí tự quyết và tư cách « tri túc » của cậu con trai nầy. Trước tài sản, lương thực, nhà cửa và thú vui, được biểu hiện trong bốn hình tượng, là « trâu bò, cá mè, gỗ lim và chim đồi mồi », thái độ kiên định của Bờm là « VÔ TRƯỚC », có nghĩa là không tham lam, ham hố, choáng váng và loạn động, trước những hào nhoáng lòe loẹt bên ngoài của vật chất và giàu sang.

Bờm không đuổi bắt những nhu cầu giả tạo. Thái độ vô trước cho phép Bờm có khả năng buông xả hoàn toàn, chỉ bám trụ vào chính giây phút hiện tại « ở đây và bây giờ » mà thôi.

Chọn lựa cơ bản của Bờm là đời sống Hạnh Phúc và An Lạc, được diễn tả trong Nụ Cười của Bồ Tát Di Lạc. Không một ai, không điều gì, không một trở ngại nào... có thể làm khô héo đóa hoa nụ cười tươi mát ấy.

Để trao đổi chiếc quạt mo của mình, Bờm chỉ chọn lựa một vắt xôi mà thôi.

Nhưng vắt xôi có một sức nặng như thế nào, so với ba bò chín trâu, một lực lượng sản xuất rất to lớn ?

Một xâu cá mè có thể nuôi sống, hằng tuần hằng tháng, một khẩu phần ở thôn quê.

Một bè gỗ lim có giá trị tương đương với một căn nhà khang trang, kiên cố.

Đôi chim đồi mồi có thể tạo nên những thú vui, trong địa hạt săn bắn, tiêu khiển.

Về mặt vật chất và tiện nghi xã hội, vắt xôi không có giá trị ngang bằng bốn tư liệu trên đây. Thế nhưng, những sản phẩm ấy có thể mang đến được cho Bờm, một vài phút giây làm Bồ Tát Di Lạc không ?

Trên bình diện khôn ngoan thông thường hay là trong địa hạt hoàn toàn duy lý, thái độ chọn lựa của Bờm có lẽ sẽ bị rất nhiều người trong chúng ta chê cười, phê phán, đánh giá là ngu dại, ngây ngô, « ăn chưa no lo chưa tới ».

Tuy nhiên, trong địa hạt quan hệ giữa người với người, bài học của Bờm đáng được tất cả chúng ta lưu tâm và ghi nhận một cách đứng đắn. Quan hệ chỉ thành tựu một cách hài hòa, tốt đẹp và lâu bền, khi hai đối nhân trao đổi không tìm cách thủ lợi, kéo phần thắng về mình, mặc dù hoàn cảnh bên ngoài có thể cung ứng những điều kiện thuận lợi, cho phép thực hiện những ý đồ ấy.    

Trước sau như một, trong suốt tiến trình trao đổi, tiếp xúc qua lại, Bờm không chơi trò KHÔN DẠI. Bờm không lợi dụng và lạm dụng kẽ hở, chỗ sơ ý của đối phương, hay là thể thức đánh giá sai lầm của họ, vì bất cứ lý do gì. Một cách đơn phương, Bờm tôn trọng cán cân thăng bằng, giữa cho và nhận, trong lề lối xử thế và trao đổi. Một cách sáng suốt và với lập trường kiên định, Bờm đã biết chọn lựa đối tượng khả dĩ thỏa mãn nhu cầu cơ bản của mình. Duy vắt xôi mới có giá trị tương đương cân bằng với cái quạt mo, do chính tay Bờm làm ra.   

Trong cách chọn lựa và quyết định của Bờm, nếu chúng ta không đua đòi phương thức duy lý cực đoan, do Descartes chủ trương và khởi xướng, chúng ta sẽ mở mắt bừng sáng, nhận ra sức mạnh nội tâm của một con người khôn ngoan, vừa có tình, vừa có lý. Có tình, vì Bờm đã toát ra chất người đích thực, trong cách cư xử, đãi ngộ và tiếp xúc với một con người, có « chất người » giống như mình. Có lý, vì Bờm đã có thái độ rõ ràng, sáng suốt về nhu cầu và nguyện vọng của mình. Trong quan hệ với Phú Ông, nguyện vọng ấy được ghi nhận, lắng nghe, đáp ứng và thỏa mãn.

Kết quả cuối cùng là Phú Ông vẫn tiếp tục làm phú ông. Vẫn giàu có và được tôn trọng, trong phường khóm. Không một ai, không vì một lý do gì, có thể gọi Phú Ông là thằng. Khi tiếp xúc với Bờm, Phú Ông không thua cuộc, trong một ván cờ rủi may được và mất, hơn và thua.

Cái thay đổi lớn lao và kỳ vĩ đã xảy ra trong con người của Bờm : đó là thái độ « Bờm cười ». Hạnh phúc là gia tài và gia sản trên con đường tìm kiếm của Bờm. Gia sản nầy còn quan trọng và quí hóa gấp bội lần, so với tình trạng giàu sang, phú quí vật chất.

Thêm vào đó, sau lần tiếp xúc và trao đổi với Phú Ông, Bờm có một căn cước mới. Bờm trở thành một tên tuổi bất diệt, trong nền văn hóa của dân tộc Việt Nam. Từ một ông già, bà lão đến một em bé vừa tròm trèm, thỏ thẻ học nói tiếng Mẹ Đẻ, ai ai cũng ghi lòng tạc dạ về bài Ca Dao bất diệt và bất hủ nầy. Chính Bờm đã trở nên một người anh em rất thân thương và bất tử, trong lòng Đất Nước Việt Nam, từ Ải Nam Quan cho đến Mũi Cà Mau. 

 

***

Ai là tác giả của bài ca dao « Thằng Bờm » nầy ?

 

Chúng ta không thể và không cần biết tên tuổi. Tác giả là Tổ Tiên, Cha Ông chúng ta, từ đời Lý, đời Trần. Có khi còn sớm hơn.

Tổ Tiên, Cha Ông, qua bài ca dao vắn gọn, với mười câu thơ lục bát, đã trối trăng lại một hình tượng « Người Việt Nam », cho con cái, cháu chắt và hâïu thế, từ đời nầy qua đời khác. « Thằng Bờm » đã mặc khải và thể hiện mình như một con người, có ý thức rất tinh vi, bén nhạy và sáng suốt về bản thân mình cũng như về người anh chị em đồng bào, trong lòng Đất Nước và Quê Hương.

Căn cước đích thực của BỜM bao gồm những điểm chính yếu sau đây :

 

1- « Thằng Bờm » có khả năng từ chối, nói « Không », để khẳng quyết bản sắc khác biệt của mình : Tôi khác và tôi có quyền khác, đối với những người đang tiếp xúc với tôi.

 

2- « Thằng Bờm » không một lần chơi trò làm con kỳ nhông, uốn mình và luồn cúi, theo màu sắc của người đối diện, mặc dù người ấy là Phú Ông, có tiền tài, địa vị và chức tước. Và nhất là khi Phú Ông tỏ ra đại lượng, muốn bao che, ban phát, viện trợ và cứu vãn, với những chiêu bài « bổn phận quốc tế, tình anh em bốn biển một nhà, nhân nghĩa đại đồng vô biên cương ». Trước sức quyến rũ của Phú Ông, mặc dù rất chân thành, « Thằng Bờm » không đánh mất bản sắc của mình. Bờm biết từ chối. Bờm cóù nội lực, để nói Không. Bờm có khả năng đánh giá và chọn lựa, tùy vào những chuẩn mực thích ứng với thực tế của Quê Hương và anh chị em đồng bào.

 

3-  « Thằng Bờm » có ý thức rõ ràng và trong sáng về thực chất và thực hữu của mình. Khi tiếp xúc, Bờm có khả năng trả lời cho người đối diện : Tôi là ai ? Tôi biết làm gì ? Tôi có thể cho gì ? Tôi muốn nhận lại điều nào ? Giới hạn mà người khác không thể vượt qua, bao gồm những tiêu chuẩn cụ thể và khách quan nào, khi trao đổi với tôi ?

 

4-  Mặc dù bị gọi là « thằng », mang tên là « Bờm », « Thằng Bờm » vẫn an nhiên, tự tại. Không quan trọng hóa. Không cường điệu một vài chi tiết nhỏ nhặt, trong lời nói của đối nhân. Đàng khác, Bờm không bị kích thích như một đối vật, hoàn toàn chịu ảnh hưởng của ngoại cảnh. Một vài từ ngữ, nhãn hiệu, cho dù có vẻ khiêu khích, thách thức... không làm cho Bờm động tâm, nổi sóng gió, bị ngụp lặn trong những xúc động tức tối, giận hờn.  

 

5- « Thằng Bờm » không đuổi bắt, một cách vô vọng, những gì thoát khỏi khả lực hiện thực của mình. Trái lại, Bờm hãnh diện và bằng lòng về kết quả, do chính bàn tay mình tạo nên. « Tri túc » như vậy có nghĩa là biết mình cần gì, thấy mình giàu có ở những địa hạt nào, có khả năng dừng lại ở một biên giới nào...

 

6- « Thằng Bờm » không dùng dao, để chơi trò bạo động, xung đột, hận thù, chiến tranh. Đó là những trò chơi « có ngày đứt tay », nghĩa là trở lại gây tang tóc cho da thịt, anh chị em đồng bào của mình, sau khi thành đạt « những chiến công oanh liệt, tiêu diệt và uốâng máu quân thù ».

 

Hẳn thực, quen thói chém giết, chúng ta có thể trở nên những tên đồ tể, đào hầm chôn sống người anh chị em, như Trần Thủ Độ đã làm với tôn thất Nhà Họ Lý.

Thay vào đó, « Thằng Bờm » biết dùng dao, để sáng tạo, biến mo cau thành quạt mát cho mình và cho anh chị em hai bên cạnh. Sáng tạo như vậy là « Biến Không thành Có ». Biến bản thân mình còn tầm thường như mo cau, thành dụng cụ tạo khí mát, cho người đồng hương, đồng loại.

Nói khác đi, « Thằng Bờm » là hình tượng của mỗi người Việt Nam, luôn luôn ý thức mình là « con Rồng, cháu Tiên », mang hai dòng máu Trời và Biển, trong quả tim của mình.

Cho nên, động lực thúc đẩy mỗõi người Việt Nam đi tới, vượt qua mọi chướng ngại, là sứ điệp « trở thành Gió » :

 

« Tôi muốn hóa thân thành Gió, thổi ào ạt khắp Non Sông. Dập tắt những ngọn lửa nồng của Chiến Tranh, Hận Thù và Thiên Kiếân.

« Tôi muốn hóa thân thành Gió, mang hơi mát cho mọi anh chị em Đồng Bào. Không phân biệt giàu nghèo. Không kỳ thị tôn giáo. Không chia rẽ Bắc Trung Nam.

« Tôi muốn hóa thân thành Gió, mang an lạc cho lòng người đau khổ. Mang ủi an cho tâm hồn cô quạnh. Mang đường đi cho những ai đang phân vân, rối loạn, trước những ngã ba đường của lịch sử. »

 

Gió đến từ Trời Xanh của Bà Âu Cơ. Gió thổi về, từ lòng Biển Khơi của Lạc Long Quân.   

 

7-  Sau cùng, trong quan hệ với Phú Ông, cho dù đó là người Pháp, người Mỹ, người Nga hay người Trung Quốc... « Thằng Bờm » không sụp lạy, ngửa tay xin trâu bò, súng ống và bom đạn.

 

Đằng khác, khi nguyện vọng của mình bị từ chối, Bờm cũng không gọi họ một cách xấc xược và hỗn láo, là Thằng Tây, Thằng Tàu, Thằng Mỹ hay là Thằng Nga. Chúng ta phát huy và nuôi dưỡng quan hệ hài hòa với mọi người xa cũng như gần, thân cũng như lạ. Khi họ cho, chúng ta nhận. Nhưng sau khi nhận, chúng ta cũng có khả năng cho lại những quà tặng tâm linh độc đáo, những nụ cười an lạc hồn nhiên, những vòng tay thân mật đón tiếp, những điệu nhạc thánh thiêng của một Đất Nước Thanh Bình và Đức Hạnh.

Nói tóm lại, « Thằng Bờm » có mặt trong tâm hồn của mỗi người Việt Nam. Cậu bé đang đưa tay chỉ hướng, để mỗi người anh chị em của mình có khả năng tìm đường bước tới. Với tất cả niềm tự hào và tự tin, chúng ta hãy cùng nhau đi ra vùng Ánh Sáng, làm đẹp Quê Hương, xây dựng cuộc đời. Ngày ngày Đồng Hành với anh chị em, trên cả ba Miền của Đất Nước :   

 

« Từng bước đi, đường Non Sông diệu vợi,

« Quyết ấn mạnh dấu chân con người mới,

« Lo băng bó vết thương còn lở lói,

« Gieo An Lạc vào lòng ai mòn mỏi,

« Ngày ngày cưu mang Biển Trời cao cả,

« Thổi Gió Mát, biến đời thành phép lạ ». 

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!