“Khi chúng tôi nói cho anh em nghe lời Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng... như lời Thiên Chúa. ” (1Tx 2,13)
Nhưng trước hết, thế nào là một bài giảng? Các nhóm thảo luận của chúng tôi đã vật lộn rất nhiều với câu hỏi này, và tôi nhận ra mình đã dần dần có một cái nhìn rất khác về bài giảng. Cho đến nay điều này đã có một ảnh hưởng thật lớn lao đối với tôi.
Trước đây, tôi quan niệm nhà giảng thuyết như một anh đầu bếp nhìn xem trong tủ lạnh và trong tủ thức ăn có những thứ gì (= các bài đọc), anh suy nghĩ và quyết định một thực đơn (= ý tưởng chủ đạo của bài giảng), rồi anh tiến hành nấu nướng theo thực đơn đó và dọn ra bàn ăn (= bài giảng).
Điều tôi đã trở nên ý thức nhiều hơn trong những năm qua, đó là người giảng thuyết bước vào bếp vốn đã ngào ngạt hương vị của món gì đó đã được nấu sẵn, và chính Chúa đang tiến hành công việc nấu nướng này. Phụng vụ là bữa ăn của Chúa từ đầu tới cuối: chọn thực đơn, nấu món ăn, dọn ra bàn. Chúng ta là những người phụ giúp vào tiến trình ấy.
Thật vậy, công việc của các thừa tác viên trong phụng vụ, kể cả người giảng thuyết, là giúp một tay vào công việc Chúa Kitô đang làm, vì Chúa Kitô chính là người dẫn dắt mọi kinh nguyện phụng vụ. Việc trước hết chúng ta phải làm khi chuẩn bị một bài giảng (hay khi lên kế hoạch một cử hành phụng vụ), đó là khiêm tốn đứng trước mặt Chúa.
Người Giảng Thuyết Đảm Nhận Một Công Tác Ba Mặt
Vai trò của người giảng thuyết bao gồm ba mặt: (1) nhận định điều Chúa đang làm / đang nói xuyên qua khung cảnh cụ thể này, (2) giúp soi sáng cho cộng đoàn thấy rõ điều ấy, và (3) làm tất cả công việc này nhân danh Giáo Hội.
1. Nhận Định Điều Chúa Đang Làm / Đang Nói Xuyên Qua Khung Cảnh Cụ Thể Này
Lời Thiên Chúa không sống trong một quyển sách. Lời đó trở nên sống động trong cái khung cảnh toàn thể là giao điểm của:
những bản văn Thánh Kinh cụ thể này (vào các ngày Chủ Nhật, có 4 bản văn: gồm 3 bài đọc và bài Thánh Vịnh đáp ca)
bối cảnh phụng vụ cụ thể này (mùa phụng vụ gì? lễ gì? dịp gì?)
thời gian và nơi chốn lịch sử cụ thể này (tất cả những gì đang diễn ra trong thế giới và trong Giáo Hội lúc này)
những con người cụ thể này (các hoàn cảnh sống thực của những con người đang nghe chúng ta giảng đây)
Ở đây có liên quan đến việc chú giải. Nhưng chú giải không phải là tất cả công việc phải làm. Chúng ta cố gắng nhận định xem bản văn này thi hành chức năng thế nào ở đây và bây giờ. Lần nọ có người nêu nhận xét với tôi rằng các nhà giảng thuyết dường như quá thường giảng về một “Đức Giêsu lịch sử”; nghĩa là các vị chỉ loay hoay giải thích Đức Giêsu của “ngày xưa” ấy. Nhưng Đức Giêsu đâu có thuộc về ngày xưa. Đức Giêsu đang sống hoạt thực sự hôm nay, chứ không phải sống như người đã về hưu. Ngài đang tác động trên chúng ta ở đây và bây giờ, cách riêng trong phụng vụ. Một cái gì đó đang “đốt cháy” khi phối hợp những bản văn Thánh Kinh này với khung cảnh thực tế này, và chúng ta, những người giảng thuyết, phải khám phá nó và khai mở nó ra cho dân Thiên Chúa.
Lời Thiên Chúa trong phụng vụ luôn luôn sống động, không bao giờ là thứ lời cũ được nhắc lại. Khi Thánh Kinh được công bố, chúng ta không đang nghe điều gì đó Thiên Chúa đã nói. Chúng ta đang nghe Thiên Chúa nói trực tiếp với chúng ta bây giờ. Đây là giáo lý Công Giáo, nhưng tôi e rằng chúng ta không nghiêm chỉnh nhìn nhận điều này.
Đặc tính sống động của Lời Thiên Chúa không chỉ có nghĩa rằng Thiên Chúa đang nói với chúng ta, mà còn có nghĩa rằng Lời Thiên Chúa đang kích hoạt. Đó là Lời ân phúc, có một năng lực tác động. Lời này không chỉ là một lời chân thực và chỉ cho chúng ta đường hướng đúng đắn. Lời này là một “dấu chỉ hữu hiệu” đem lại sự cứu độ vốn là đích nhắm của nó. Lời này định hình các cá nhân và định hình Giáo Hội.
Khi Đức Giêsu nói “chính Thần Khí mới làm cho sống,” Ngài cũng liền nói về những lời của Ngài: “Những lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là sự sống” (Ga 6,63). Vài câu sau đó, Phêrô thưa: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đến với ai? Chính Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời.”
Thánh Phaolô nói: “Tôi không xấu hổ vì Tin Mừng. Đó là quyền năng cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người tin.” (Rm 1,16)
Sự tuôn chảy của Lời ân phúc và sống hoạt này là cái mà chúng ta, những người giảng thuyết, phải cố gắng nhận ra.
2. Giúp Soi Sáng Cho Cộng Đoàn
Sau khi đã cố gắng nhận ra điều Thiên Chúa nói với chúng ta xuyên qua khung cảnh cụ thể này, công việc thứ hai của người giảng thuyết là giúp soi sáng để cộng đoàn cũng nhận ra điều đó.
Là người giảng thuyết, chúng ta cần nhớ rằng rất nhiều điều đã xảy ra trước bài giảng lễ. Các bài thánh ca, các biểu tượng, các lời nguyện, và Lời Chúa đã tuôn chảy trên tất cả cộng đoàn. Công việc của chúng ta là giúp cho dòng chảy vốn đang diễn ra ấy. Chúng ta không đang làm cho nó xảy ra; đúng hơn chúng ta phụ giúp tiến trình của nó.
Như mưa tuyết từ trời rơi xuống
và không quay trở lại
cho tới khi đã thấm đẫm vào đất,
làm cho đất phì nhiêu và sản sinh hoa quả...
Lời của Ta cũng thế;
sau khi rời khỏi miệng Ta,
Lời sẽ không trở lại mà không sinh hoa kết quả,
nhưng sẽ thi hành ý muốn của Ta,
sẽ đạt được điều mà Ta nhắm đến. (Is 55,10-11)
Chúng ta trao những ân huệ không phải của chính chúng ta, những ân huệ này có sức tác động lớn lao hơn khiếu hùng biện của ta rất nhiều.
3. Làm Tất Cả Những Việc Này Nhân Danh Giáo Hội
Khi giảng lễ, chúng ta hành động nhân danh Giáo Hội. Chúng ta không phải là những người nhận được các mạc khải tư, cũng không phải do tự ý mình mà chúng ta làm phát ngôn viên của Thiên Chúa.
Chúng ta tham dự vào trong ân huệ Thánh Thần được trao ban cho Giáo Hội. Chúng ta đang chia sẻ không chỉ đức tin của chúng ta, nhưng là đức tin của toàn thể Giáo Hội. Vì thế, giảng một bài giảng thì khác với trao một chứng từ cá nhân. Có những nơi và lúc khác cho việc đó, nhưng một bài giảng thì phải có kích thước rộng hơn một chứng từ cá nhân.
Người giảng thuyết phải gắn bó với đức tin của toàn Giáo Hội khi nhận định đâu là điều Chúa đang nói trong khung cảnh thực tế này. Chúng ta phải trình bày điều ấy bằng một cách thức của riêng mình (nghiã là từ tâm hồn mình), nhưng không phải bằng một cách thế nắn ép sứ điệp của Thiên Chúa đến chỉ còn là kinh nghiệm riêng của chúng ta.
Một Vài Hệ Quả
Nếu tác vụ Lời Chúa thực sự được làm theo cách mà chúng ta mô tả trên kia, thì có một số hệ quả cần ghi nhận.
+ Quá trình chuẩn bị có thể rất thú vị
Ta sẽ có một cảm thức tự do. Đó không còn là một công tác hàng tuần trong đó ta phải hoàn toàn tự mình làm một bài “diễn thuyết.” Đúng hơn, chúng ta tham dự vào và phụ giúp một điều gì đó rất tốt đang diễn ra. Các bản văn Thánh Kinh được công bố đang tuôn chảy, và chúng ta đang cố gắng giúp khai thông dòng chảy này. Việc nhận định điều gì đang tuôn chảy sẽ đòi sự nghiên cứu, cầu nguyện, diễn dịch; việc trình bày nó sẽ đòi một khả năng sáng tạo mức nào đó. Nhưng không có gì nhiều phụ thuộc vào tôi.
+ Chúng ta không bao giờ phải lo lắng về sự cạn kiệt
Những câu chuyện và những kho tư liệu của riêng chúng ta thì giống như trữ lượng dầu với khối lượng nhất định, nhưng Thánh Kinh là mạch nước hằng sống không bao giờ khô cạn, và đời sống của cộng đoàn thì không bao giờ tĩnh tại. Khi Lời hằng sống chảy vào đời sống thì những kho tàng vô tận sẽ không ngừng mở ra.
+ Chúng ta không phải cố tìm ra một đề tài mới cho mỗi Chủ Nhật
Chúng ta có thể cảm thấy thoải mái để giảng cùng một ý tưởng nòng cốt trong vài ba tuần liên tiếp; chẳng hạn, trong Mùa Phục Sinh, sự nhấn mạnh dành cho Chúa Thánh Thần, một chủ đề thường ít được lưu tâm đúng mức trong các bài giảng của chúng ta. (Chúng ta có xu hướng nhấn mạnh sứ vụ tại thế của Chúa Giêsu.) Nếu chúng ta đã giảng về Chúa Thánh Thần vào Chủ Nhật trước, thì Chủ Nhật này chúng ta thường nghĩ: “Chúa Thánh Thần ư? Mình đã giảng tuần trước rồi. Tuần này phải giảng về một chủ đề khác vậy.” Như vậy không đúng đâu. Tôi có thể nói về cùng một chủ đề và thậm chí lặp đi lặp lại cùng một chân lý căn bản, nhưng mỗi lần vẫn bằng một cách mới mẻ. Các bài giảng của các Chủ Nhật liên tiếp không phải là những bài nói chuyện tách rời nhau; chúng là những sự soi rọi từ các bản văn Thánh Kinh sống động diễn ra mỗi Chủ Nhật.
+ Những bài giảng tuyệt vời nằm trong khả năng của những người giảng thuyết vốn không phải là những diễn giả trứ danh
Sự chú ý ít được đặt trên người giảng, mà đặt trên Lời Chúa nhiều hơn. Tình yêu và sự tôn kính của chúng ta đối với Lời Chúa sẽ được người ta nhận thấy và sẽ phát huy hiệu quả. Tiêu điểm sẽ đặt trên sự soi sáng mà Thiên Chúa ban cho hơn là trên bài giảng hay người giảng. Điều quan trọng không phải là chuyện dân chúng có ấn tượng với bài giảng hay người giảng. Dân chúng có ấn tượng hay không với điều Chúa đang nói với họ, đấy mới là điều quan trọng hơn. Một bài giảng tốt sẽ đòi phải có những kỹ năng diễn thuyết căn bản, nhưng đây không phải là điều quá khó với nhiều người. Chúng ta không cần phải là những người có biệt tài kể chuyện hay những nhà hùng biện lỗi lạc.
+ Các bài giảng của chúng ta phải có thể được mở rộng
Khi chúng ta dùng bản văn Thánh Kinh như một ‘cái cớ’ cho điều gì đó chúng ta muốn nói, hay cho điều gì đó đánh động chúng ta trong cầu nguyện, thì mỗi người giảng thuyết – tuỳ vào tính khí, sở thích của mình – có khuynh hướng thiên về những đề tài mà mình tự nhiên thích: các mối tương quan liên vị, vấn đề công bằng xã hội, các giáo huấn giáo thuyết.
Đàng khác, nếu chúng ta khiêm tốn đứng trước bản văn và lắng nghe những gì Thiên Chúa nói với chúng ta xuyên qua khung cảnh này, chúng ta sẽ ít chọn những bài giảng mà sự giống nhau của chúng trong chủ đề là do xu hướng riêng của mình. Có những lúc, Chúa sẽ dẫn chúng ta đi đến những nơi mà chúng ta không muốn đi. (cf. Ga 21,19)
+ Chúng ta sẽ giảng trực tiếp hơn về Thiên Chúa, về Chúa Kitô, về Chúa Thánh Thần
Tôi thấy người ta thường nghĩ rằng trong các bài giảng, chúng ta tập chú tới Giáo Hội hơn là tập chú vào Chúa Giêsu Kitô và vào giáo huấn của Ngài. Chẳng hạn, hãy nhớ lại rằng rất thường người ta đặt câu hỏi kiểu như “Giáo Hội dạy về điều này điều nọ thế nào?” Ít khi người ta nói “Chúa dạy gì về điều này điều nọ?”
+ Chúng ta sẽ giảng các chân lý căn bản của đức tin chúng ta
Thánh Kinh sẽ là người hướng dẫn của chúng ta (chứ không phải là một bàn đạp cho các ý tưởng riêng của mình). Thánh Kinh sẽ đưa ta vào những chiều sâu của các chân lý mạc khải, và tới những đáy sâu của đời sống con người. Nếu cứ để mặc ta chọn đề tài bài giảng theo ý riêng mình, thì một số chân lý nền tảng sẽ bị phớt lờ, hoặc bởi vì chúng quá rõ ràng hoặc bởi vì chúng quá khó.
Tôi tin rằng điều nói trên vẫn diễn ra đó đây và lúc này lúc khác. Chúng ta không giảng các chân lý nền tảng như về Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần, ơn cứu chuộc, ơn sủng. Cách đây không lâu, tôi yêu cầu một nhóm học sinh tiểu học kể cho tôi nghe về Đức Giêsu. Các cô cậu ấy kể về sự kiện Giáng Sinh, về các phép lạ của Đức Giêsu, và về việc Ngài giúp đỡ người ta. Khi tôi thúc giục các em trả lời phải chăng Đức Giêsu là Thiên Chúa, tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy đa số các em lắc đầu và nói “Không!” Phản ứng đầu tiên của chúng ta về chuyện này có lẽ là phiền trách các chương trình giáo lý. Nhưng còn việc giảng lễ của chúng ta thì không đáng bị phiền trách sao?
Một trong những vấn đề của Giáo Hội ngày nay, đó là chúng ta quá bận rộn tranh cãi về chuyện cho các em gái làm lễ sinh, chuyện sử dụng thứ ngôn ngữ bao hàm (bình đẳng giới), chuyện ai được gọi là một thừa tác viên mục vụ... trong khi đó chúng ta lại quên lãng các chân lý cốt yếu mà tất cả chúng ta đều nhất trí. (Đây là một lỗi mà các nhà giảng thuyết thuộc khuynh hướng quá khích – ‘fundamentalists’ – đã không mắc phải.)
+ Những bài giảng như thế thường sẽ đem lại hiệu quả về lâu về dài
Nói chung, những bài giảng loại này sẽ không gây ‘giật gân,’ khiến người ta phải trầm trồ. Chúng sẽ không nghe có vẻ thật độc đáo hay thật lưu loát. Hiệu quả của chúng sẽ đến từ từ, nhưng rất nền tảng, và nó đến từ việc không ngừng cởi mở đón nhận Lời Thiên Chúa - cũng khá giống với việc chuyên cần cầu nguyện bằng Thánh Kinh trong lectio divina. Và hiệu quả ấy sẽ rất mạnh mẽ, vì Lời Thiên Chúa đầy sức mạnh. Người ta sẽ bắt đầu lắng nghe các bài đọc một cách ân cần hơn. Người ta sẽ bớt bị cuốn vào bài giảng, thay vào đó họ bị cuốn nhiều hơn vào những tia sáng chiếu soi sâu xa trong linh hồn họ. Sự trân trọng của họ (đối với bài giảng) sẽ thường bộc lộ cách nhẹ nhàng nhưng bền lâu chứ không theo kiểu cuồng nhiệt nhất thời.
Hiệu quả của việc ăn uống đúng bài bản sẽ không được thấy rõ cách ấn tượng ngay sau ngày hay tuần lễ đầu tiên. Chỉ về lâu về dài ta mới cảm nhận được hiệu quả của chế độ ăn uống ấy. Điều tương tự cũng đúng với các bài giảng.
Một Ý Tưởng Cuối Cùng
Không phải khả năng của người giảng thuyết mà chính năng lực của Lời Thiên Chúa mới đem lại sức sống cho Giáo Hội và cho mỗi người tin. Kỹ năng của người giảng thuyết có dự phần, nhưng đó là một kỹ năng được sử dụng để trao Lời Chúa, chứ không phải để trao các ý tưởng của riêng mình.
Các vị hướng dẫn mục vụ mong muốn tác động và thay đổi cộng đoàn sẽ không cố gắng đạt điều đó bằng chính khả năng thuyết phục hay tài khéo của mình, cũng không bằng các chương trình, các qui chế, hay khả năng tổ chức, nhưng là qua việc thi hành cách đích thực tác vụ Lời hằng sống của Thiên Chúa – cho phép “bí tích” này dọi ánh sáng trên cộng đoàn và khơi trào sức sống.
Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu trong các nhà thờ trên khắp thế giới, năng lực tác động của Lời Thiên Chúa được buông lỏng để hành động với hết công suất.
Tại hội đường Capharnaum, Đức Giêsu đương đầu với một thần ô uế đang kêu la, và Ngài ra lệnh cho nó phải rời người kia. Nó rời đi. Dân chúng “hết thảy đều kinh ngạc và nói với nhau: ‘Lời ấy là thế nào?’”
Lời của Đức Giêsu là thế nào? Là tất cả. Đó là một Lời ân phúc có sức hoàn thành vượt trên mọi cố gắng riêng của chúng ta.
Định nghĩa một bài giảng có thể trở nên rất trừu tượng và phức tạp. Tôi thấy có thể hiểu nó cách cụ thể hơn bằng cách hỏi: “Đâu là vai trò của người giảng lễ?”
Những ai phụ trách việc tuyển chọn và cử hành các bài hát trong phụng vụ cũng thuộc số những người cần cẩn trọng lưu tâm đến điều này. Các giáo dân tham gia vào việc chọn lựa thánh nhạc (chẳng hạn, cho lễ cưới, lễ tang) thường cần học hỏi những điều căn bản này trước khi đi sâu vào những vấn đề chuyên môn.
Đặc tính “sống động” của Lời Chúa trong phụng vụ được dạy rõ ràng trong Hiến Chế Phụng Vụ của Vatican II và trong Huấn Thị Tổng Quát về Sách Lễ Rôma: “Đức Kitô hiện diện trong Lời của Ngài, vì chính Ngài lên tiếng khi Thánh Kinh được đọc trong Giáo Hội.” (PV 7)
“Khi Thánh Kinh được đọc trong Giáo Hội, chính Thiên Chúa nói với dân Ngài, và Đức Kitô, hiện diện trong Lời của Ngài, đang công bố Tin Mừng...” (Huấn Thị..., 9)
“Trong các bài đọc... Thiên Chúa đang nói với dân Ngài, mở ra cho họ mầu nhiệm cứu độ, và nuôi dưỡng tinh thần họ; Đức Kitô hiện diện với các tín hữu qua Lời của Ngài.” (Ibid., 33)
Trong phần nói về Bánh Hằng Sống của Tin Mừng Gioan (chương 6), tiêu điểm đặt rất rõ trên Lời, và đó là một lời sống động. Đức Giêsu nói về chính Ngài là bánh “hàng sống” đến từ trời. (Cf. Brown, The Gospel According to John, Anchor Bible, vol. 29 [New York: Doubleday, 1966, tr. 255-304].)
Người ta có thể hỏi “Tại sao cần có một bài giảng nhỉ? Tại sao không duy chỉ công bố Lời Chúa rồi ngồi xuống?” Bởi vì chúng ta tin rằng việc tiếp nhận Lời Chúa là một việc có thể được hỗ trợ. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa hành động qua những người khác, trong trường hợp này thì đó là qua người giảng thuyết. Thừa tác vụ của người giảng thuyết là một phần quan trọng của truyền thống phụng vụ chúng ta.
Bài giảng lễ là một cái gì còn hơn việc ứng dụng mặt ngoài một bản văn cổ vào khung cảnh hiện tại: Nó là một tác vụ trung thành của Lời Chúa nổi lên với ý nghĩa mới “cho chúng ta và cho ơn cứu độ của chúng ta.” Uỷ Ban Thánh Kinh Giáo Hoàng trong văn kiện năm 1993 mang tựa đề Giải Thích Thánh Kinh trong Giáo Hội đã nói về việc hiện tại hoá (nghĩa là khám phá điều mà bản văn nói trong hiện tại này) và hội nhập văn hoá (nghĩa là đặt bản văn vào bên trong một cộng đoàn cụ thể với nền văn hoá của nó).
Về hiện tại hoá: “Thật vậy, Giáo Hội không coi Thánh Kinh duy chỉ như một sưu tập các tài liệu lịch sử đề cập đến các nguồn gốc của mình; Giáo Hội đón nhận Thánh Kinh như Lời Thiên Chúa nói với chính mình và nói với thế giới tại thời điểm hiện tại này.” (số IV) “Việc hiện tại hoá rất cần thiết, bởi vì mặc dù sứ điệp của Thánh Kinh có giá trị trường cửu, các bản văn Thánh Kinh đã được biên soạn theo những hoàn cảnh của quá khứ và bằng loại ngôn ngữ rất hạn định bởi các thời kỳ. Để vén mở ý nghĩa của sứ điệp cho con người hôm nay, cần phải áp dụng sứ điệp ấy vào các hoàn cảnh hiện tại và trình bày nó bằng thứ ngôn ngữ của con người thời nay.” (số IV, A 1)
Về hội nhập văn hoá: “Hội nhập văn hoá không phải là một tiến trình một chiều; nó liên can đến việc ‘làm phong phú lẫn nhau’. Một đàng, các kho tàng chứa đựng trong các nền văn hoá khác nhau cho phép Lời Thiên Chúa sản sinh hoa trái mới, và đàng khác, ánh sáng của Lời Chúa giúp thực hiện một sự lựa lọc nào đó nơi các nền văn hoá: loại bỏ những yếu tố độc hại và thúc đẩy những yếu tố có giá trị.” (số IV B)
Cf. chương 18, về nhu cầu phải có bản sắc riêng cho bài giảng. Nhận xét về các cơ chế Kitô giáo trước thời Cải Cách, Pelikan nêu một ghi nhận mà tất cả các nhà giảng thuyết nên khắc cốt ghi tâm: “Thay vì làm những cửa sổ qua đó người ta có thể nhận được tia sáng nào đó của Vĩnh Cửu, chúng [tức các cơ chế Kitô giáo] đã trở thành mờ đục, và các tín hữu nhìn chúng hơn là nhìn xuyên qua chúng. Các cơ cấu của Giáo Hội được giả thiết phải hành động như những phương tiện thuộc linh – tức phương tiện cả của Thánh Thần Thiên Chúa lẫn của tinh thần con người... Bị kìm hãm trong các cơ chế Giáo Hội vốn không còn phục vụ như những kênh chuyển thông sự sống thần linh và như những phương tiện của ân sủng Thiên Chúa, năng lực thiêng liêng của Tin Mừng Kitô giáo phải được giải toả.” (J. Pelikan, Spirit Versus Structures: Luther and the Institutions of the Church [New York: Harper and Row, 1968, tr. 30])