.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

1. Một “thái độ”

2. Bài giảng là gì?

3. Không phải là bài giảng

4. Phần mở đầu bài giảng

5. Phần kết bài giảng

6. Chuẩn bị bài giảng: Vài ý tưởng sơ khởi

7. Chuẩn bị bài giảng: Các bài đọc Thánh Kinh

8. Chuẩn bị bài giảng: Chỉ một hạt ngọc... nhưng đắt giá!

9. Chuẩn bị bài giảng: Viết ra

10. Chuẩn bị bài giảng: Sửa chữa

11. Chuẩn bị bài giảng: Nắm vững tư tưởng của mình

12. Chiều sâu

13. Nối kết với đời sống thực tế

14. Những câu chuyện

15. Nên giảng dài hay ngắn?

16. Thông tin bên lề

17. Dùng từ

18. Bài giảng của tôi! Nhưng không qui về “tôi”!

19. Trân trọng các đánh giá phản hồi

20. Rút kinh nghiệm từ những bài giảng lễ ngày thường

21. Dùng các vật minh hoạ

22. Đừng quá ôm đồm, đừng nói hết những gì phải nói trong bài giảng

23. Sự tham dự của cộng đoàn vào bài giảng

24. Bài giảng đem lại niềm an ủi

25. Giảng về tội

26. Mười con quỉ

27. Một bài giảng cho các nhà giảng thuyết

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Để Giảng Lễ Tốt Hơn
Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)
6. CHUẨN BỊ BÀI GIẢNG: VÀI Ý TƯỞNG SƠ KHỞI

          Đóng một chiếc tàu trong một cái chai thì khó hơn xây một cái nhà để xe.

 

Thật không dễ nêu ý kiến về việc chuẩn bị bài giảng. Vì hai lý do: Một là, mỗi người có cách của mình. Hai là, khi ta chuẩn bị bài giảng, thường chẳng có ai ở đó cả. Tuy nhiên, trong chương này và năm chương kế tiếp, ta có thể nêu một số nguyên tắc có tính quyết định sự thành công.

 

Ý Kiến Phản Hồi Từ Dân Chúng

 

Các ý kiến từ những người nghe giảng cho thấy rằng khi nghe một bài giảng, người ta thường nhận ra là bài giảng ấy đã được hay không được chuẩn bị cách chu đáo.

 

  • “Tôi thích những bài giảng được soạn trước kỹ, nhưng vẫn giữ được nét sống động, tự nhiên.”
  • “Tôi thích những bài giảng được đầu tư nghiêm túc, nhưng cũng đừng trao cho chúng tôi mọi thứ mà các ngài nghĩ ra được.”
  • “Tôi thích bài giảng mạch lạc, rõ ràng.”
  • “Ồ, ước gì các vị giảng thuyết đừng đi lòng vòng.”
  • “Khi các ngài nói ‘cương’ là chúng tôi biết ngay, và chúng tôi cũng biết rằng mình phải chịu đựng.”
  • “Tôi nhận thấy nhiều bài giảng chẳng được soạn trước đàng hoàng và do đó chẳng có mạch lạc gì  cả.’
  • “Cha sở tôi giảng lễ rất gọn gàng. Ngài không bao giờ nói rườm rà.”

 

Một Phương Pháp?

 

Vậy đâu là cách tốt nhất để chuẩn bị một bài giảng? Rất nhiều sách vở đã đưa ra những đề nghị tuyệt vời; và ở đây tôi không có ý làm một thống kê, cũng không có ý tổng hợp chúng thành một bài bản nào. Có rất nhiều cách soạn bài giảng, và mỗi chúng ta phải tìm cho mình cách phù hợp. Tất cả các nghệ sĩ lớn đều có phương pháp làm việc của mình.

Kinh nghiệm cho thấy rằng dù theo phương pháp nào thì cũng phải bao hàm 5 bước sau đây (ta sẽ bàn đến mỗi bước trong một chương riêng):

 

1)      Tìm hiểu các bản văn Thánh Kinh (tìm hiểu đàng hoàng chứ không chỉ là đọc phớt qua).

2)      Xác định một ý tưởng nòng cốt cho bài giảng.

3)      Dành thời giờ để viết ra.

4)      Đọc lại và sửa chữa.

5)      Nắm thật vững bài giảng đã soạn xong của mình.

 

Mấy Điều Cần Nhớ

 

1. Tốt nhất là bắt đầu chuẩn bị bài giảng ngay từ đầu tuần

Như vậy sẽ có hai cái lợi: Một là, ta có điều kiện để ngấm các ý tưởng của mình trong suốt tuần lễ; hai là, nếu ta bắt đầu sớm, phần lớn bài giảng sẽ hiện lộ ra dần trong tuần lễ.

Chúng ta nhìn đời sống với bài giảng trong tâm trí mình. Mọi sự ta làm, nhất là trong sứ vụ, đều là một xúc tác đem lại cho ta những ánh sáng và những ý tưởng mới. Những chất liệu tuyệt vời vốn bao trùm đầy quanh ta.

Ta cũng có thể nói chuyện với người ta về một vài ý tưởng của mình. Cho dù bạn không thuộc về một nhóm cùng soạn bài giảng, bạn vẫn có thể trao đổi ý tưởng với người khác ngay cả trong những gặp gỡ tình cờ. Người ta sẽ vui và thậm chí cảm thấy rất vinh dự được đóng góp cho bạn trong chuyện này (hơn là chỉ tán gẫu về thời tiết).

 

2. Phải chấp nhận rằng việc soạn một bài giảng là việc mất khá nhiều thời giờ

Tôi đã nghe nhiều mức thời gian khác nhau mà các nhà giảng thuyết đưa ra nhằm trả lời câu hỏi cần bao lâu để chuẩn bị một bài giảng. Một vài người hơi thổi phồng.[1] Thiết tưởng rằng từ 6 đến 8 tiếng (trải đều trong tuần lễ) là mức thời gian phù hợp. Tuy nhiên, trong nhịp sống bận rộn của đa số chúng ta, việc dành 6 - 8 tiếng mỗi tuần cho một bài giảng là một khoản đầu tư đòi phải có quyết tâm cao mới làm được.

 

3. Phải tập để có một thái độ chuyên nghiệp – thái độ của một học giả, một nhà văn, một nghệ sĩ, và một nhà lãnh đạo tinh thần

Chúng ta thường tự ti bảo rằng “Tôi không dám làm học giả, làm nhà văn, nghệ sĩ hay nhà lãnh đạo tinh thần đâu.” Bạn phải dám chứ. Và bạn phải thể hiện những điều đó qua bài giảng của bạn đấy. Đừng an phận trong sự xoàng xĩnh. Một lúc nào đó trong quá trình trau giồi khả năng giảng thuyết, chúng ta cần tự đặt chỉ tiêu rằng mọi bài giảng của mình phải được xếp loại khá. Có vẻ trong thực tế, ta thường nghĩ làm sao để có các ý tưởng nào đó xếp lại với nhau cho ‘xong món nợ’ là bài giảng! Chúng ta cần suy nghĩ tích cực hơn thế.

 

4. Hãy hình dung bài giảng là một cái gì có kích thước nhỏ thôi

Có hàng ngàn người dù đã hoàn thành học trình tiến sĩ nhưng không bao giờ có thể tra tay vào viết luận án, chỉ bởi vì luận án có tầm cỡ lớn hơn bất cứ gì họ đã từng viết. Chính cái ý nghĩ về ‘sự vĩ đại’ của luận án đã làm tê liệt họ.

Cũng gần tương tự như vậy trong vấn đề bài giảng (nhất là những bài giảng cho các dịp lễ lớn), chúng ta có xu hướng tưởng tượng một cái gì to tát. Các bài giảng lễ thật rất quan trọng, nhưng chúng không to lớn đâu. Chúng là một phần nhỏ của nguyên cả một sự kiện lớn mà chúng ta gọi là phụng vụ.

Tôi thích mô tả một ý tưởng sâu sắc là một hạt ngọc. Hình ảnh hạt ngọc cho thấy một cái gì rất nhỏ nhưng rất có giá trị. Nhìn sự việc như vậy sẽ có một hiệu ứng tâm lý tuyệt vời. Khi soạn bài giảng, chúng ta không đang xây dựng một tượng đài khổng lồ. Chúng ta đang kiếm một viên đá quí để mài giũa nó và đính nó vào bức tranh phụng vụ lớn hơn.

Khi tôi nghĩ về bài giảng như một cái gì nho nhỏ, mọi sự bỗng thay đổi. Tôi không hối hả sục sạo khắp nơi để thu thập tư liệu. Tôi chỉ tìm kiếm hạt ngọc có giá trị thực sự, và khi đã gặp, tôi làm việc với nó. Thật là thoải mái khi làm như vậy, thay vì nói “Ồ, mình mới chỉ tìm được một ý tưởng; mình phải cố gắng tìm thêm nhiều ý tưởng khác nữa.” Không, tôi không làm thế. Tất cả điều tôi phải làm là đào sâu vào hạt ngọc ấy. Chỉ một ý tưởng đáng giá cũng đủ chứa đựng nhiều điều phong phú rồi. Thường thì nó có thể được khai triển trong một bài giảng dài 7 hay 8 phút - (nhưng 3 phút thôi cũng đâu có sao!)

 

------------------------------------------

 

Trên đây là những điểm cơ bản cần ghi nhớ. Giờ đây chúng ta hãy đi vào một số nội dung chuyên biệt.
 


 
[1] Một nhà giảng thuyết nọ được trích dẫn trong một tạp chí Công Giáo có nói rằng ông đã bỏ ra 60 giờ cho mỗi bài giảng! Những chuyện như vậy làm cho số còn lại của chúng ta nghĩ rằng mình không thể trở thành những nhà giảng thuyết có tầm cỡ được.

Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!