.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

1. Một “thái độ”

2. Bài giảng là gì?

3. Không phải là bài giảng

4. Phần mở đầu bài giảng

5. Phần kết bài giảng

6. Chuẩn bị bài giảng: Vài ý tưởng sơ khởi

7. Chuẩn bị bài giảng: Các bài đọc Thánh Kinh

8. Chuẩn bị bài giảng: Chỉ một hạt ngọc... nhưng đắt giá!

9. Chuẩn bị bài giảng: Viết ra

10. Chuẩn bị bài giảng: Sửa chữa

11. Chuẩn bị bài giảng: Nắm vững tư tưởng của mình

12. Chiều sâu

13. Nối kết với đời sống thực tế

14. Những câu chuyện

15. Nên giảng dài hay ngắn?

16. Thông tin bên lề

17. Dùng từ

18. Bài giảng của tôi! Nhưng không qui về “tôi”!

19. Trân trọng các đánh giá phản hồi

20. Rút kinh nghiệm từ những bài giảng lễ ngày thường

21. Dùng các vật minh hoạ

22. Đừng quá ôm đồm, đừng nói hết những gì phải nói trong bài giảng

23. Sự tham dự của cộng đoàn vào bài giảng

24. Bài giảng đem lại niềm an ủi

25. Giảng về tội

26. Mười con quỉ

27. Một bài giảng cho các nhà giảng thuyết

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Để Giảng Lễ Tốt Hơn
Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)
8. CHUẨN BỊ BÀI GIẢNG: CHỈ MỘT HẠT NGỌC... NHƯNG ĐẮT GIÁ!

        Nói thêm sẽ thật vô ích nếu điều đó có nghĩa rằng người ta sẽ ngừng lắng nghe.

 

“Quá nhiều ý!” Đó là lời phàn nàn thường nghe nhất về các bài giảng. Chúng ta cần đề cập về chuyện này.

Những người giảng thuyết đôi khi được dạy rằng một bài giảng lễ nên có 3 điểm. Tôi không nghĩ đây là một mẫu mực, nhưng sẽ chẳng có vấn đề gì nếu 3 điểm ấy được triển khai từ một ý nòng cốt. Chỉ trở thành vấn đề khi thay vì có một ý nòng cốt với 3 điểm, thì bài giảng trở thành một luận đề cồng kềnh với 3 ý tưởng khác nhau.

Khi bạn nhìn qua một lượt các ghi chú rải rác của mình, hãy suy nghĩ, cầu nguyện và rồi tập trung vào một ý nòng cốt. Bạn dừng lại với ý tưởng ấy. Tôi gọi ý tưởng nòng cốt này là một “hạt ngọc.” Nó có chiều sâu, có giá trị và cần được trân trọng gìn giữ.

 

Một Hạt Ngọc

 

Hình ảnh một hạt ngọc quí cho thấy bản chất của một bài giảng khác hẳn với một bài dạy ở lớp học. Các bài giảng liên hệ đến những mầu nhiệm phong phú của đức tin chúng ta, và hình ảnh “hạt ngọc” diễn tả điều này.

Một hạt ngọc là một cái gì đáng được dành quan tâm, đáng được “lắng nghe.” Bài giảng không cần phải giật gân hay màu mè bay bướm – những thứ màu mè thường hời hợt, không sâu sắc. Một hạt ngọc không cần phải chứa đựng cái gì mới mẻ hay phi thường; nó chỉ chứa đựng một sự thực thâm sâu bằng một cách thế mà tất cả chúng ta nhận ra nó với sự sáng sủa chưa từng có trước đây.

Hạt ngọc cũng mang đặc tính cô đọng, chặt chẽ, duy nhất. Chúng ta không đang nói về một xâu chuỗi ngọc; chúng ta đang nói về chỉ một hạt ngọc thôi. Ý tưởng chính, đàng khác, hàm ý về một cái gì đó rất rộng và khái quát, chẳng hạn chủ đề của một bài diễn thuyết dài.

Hạt ngọc cũng có tính biểu tượng nữa. Nó khơi lên một cái gì đó trong trái tim người ta. Ý tưởng chính thì nghiêng về lý luận; nó liên quan đến cái đầu. Nếu chúng ta hỏi một người giảng thuyết: “Ý tưởng chính của anh là  gì?” - hầu chắc chúng ta sẽ nhận được một câu trả lời rất duy trí. Còn nếu hỏi: “Hạt ngọc của anh là gì?” – chúng ta sẽ nhận được một câu trả lời khác hẳn.[1]

 

Sự Khác Biệt Giữa Một Hạt Ngọc Và Một Chủ Đề

 

Khi nói chuyện với ai đó về bài giảng, tôi thường hỏi: “Đâu là hạt ngọc của bạn?” Có hai khả năng trả lời cho câu hỏi này: (1) phải chăng người giảng thuyết ấy có một ý tưởng hàm súc và sâu sắc (nghĩa là một hạt ngọc), và (2) phải chăng anh ta có chỉ một ý tưởng chứ không phải là một chuỗi những câu nói rỗng tuếch.

Có một khác biệt giữa một chủ đề và một ý tưởng nòng cốt (hay hạt ngọc): Nếu một bài giảng được hợp nhất duy chỉ bởi một chủ đề chung, nó thường di chuyển theo chiều ngang và mở rộng từ ý tưởng này đến ý tưởng khác, mà kết quả là người ta có rất nhiều ý tưởng nhưng không có chiều sâu; còn nếu một bài giảng xoay quanh một hạt ngọc, nó sẽ đi theo chiều thẳng đứng và khám phá chiều sâu của một ý tưởng.[2]

Nếu được hỏi đâu là ý tưởng nòng cốt, người giảng với nhiều ý tưởng sẽ trả lời bằng cách đưa ra một chủ đề. Còn người giảng với một ý tưởng độc sáng sẽ đưa ra cho ta hạt ngọc đó. Ta lấy ví dụ đoạn Tin Mừng này: “Anh em là ánh sáng thế gian... Aùnh sáng của anh em phải chiếu soi trước mặt thiên hạ, để họ nhìn thấy các việc tốt lành anh em làm và ngợi khen Cha anh em trên trời.”

Nếu được hỏi sẽ giảng về điều gì, nhà giảng thuyết có khuynh hướng giảng về một chủ đề sẽ nói đại loại như sau:

 

Tôi sẽ nói rằng chúng ta được gọi để làm chứng cho đức tin của mình. Chúng ta cần bênh vực đức tin, dù ở nhà, ở nơi làm việc, ở trường học hay khi ở giữa bạn bè. Phêrô và Phaolô đã hăng hái làm điều đó – cả hai đều đã chết vì đạo – và rất nhiều người dọc theo các thế kỷ cũng đã làm chứng như vậy. Ngày nay chúng ta cũng có các vị tử đạo. Rất thường, chúng ta không trân trọng đức tin của mình và không nhận ra rằng mình không đồng hành với thế giới chung quanh. Chúng ta cần trao chứng tá về đức tin của mình. [Ghi nhận: Giảng với một chủ điểm rộng như thế có thể làm cho bài giảng không có tiêu điểm, và sa vào chỗ lặp đi lặp lại những gì mà người ta đã nghe hàng ngàn lần.]

 

            Đàng khác, một nhà giảng thuyết có hạt ngọc cho bài giảng của mình sẽ trả lời như sau:

 

Tôi sẽ dùng hình ảnh đèn xi nhan của ô tô. Mục đích của đèn xi nhan là giúp cho người khác nhìn thấy xe chứ không ngược lại. Người ta ai cũng có “đèn xi nhan,” từ lúc thức dậy rời khỏi giường vào ban sáng. Người chung quanh nhìn thấy “đèn xi nhan” của chúng ta, dù chúng ta có muốn hay không. Chúng ta cần liệu sao để “đèn xi nhan” của mình trao cho họ một ấn tượng đẹp. [Ghi nhận: Đây là một ý tưởng có tiềm năng phong phú để khai triển.]

 

Ý Kiến Phản Hồi Từ Dân Chúng

 

Việc nhà giảng thuyết không xoáy vào một ý tưởng là điều gây phàn nàn thường xuyên nhất. Chúng ta hãy nghe từ dân chúng. (Thường người ta nói nhiều cách khác nhau, nhưng tựu trung họ muốn rằng: Bạn hãy bám vào một ý mà thôi.)

  • “Hãy trình bày một điểm thôi, và hãy giúp chúng tôi suy nghĩ về điểm ấy.”
  • “Ngài thường bắt đầu giảng nghe được lắm; nhưng rồi ngài nói huyên thuyên đủ thứ chuyện.”
  • “Đừng quên rằng còn có những Chủ Nhật khác nữa. Ngài còn cơ hội để nói mà.”
  • “Sau khi đã uống uých-ki Scot, người ta không dùng gin, rồi tiếp theo là khui chai bourbon. Mỗi thứ đều tuyệt vời, nhưng dùng chung trong một bữa thì chúng phá hỏng cái vị ngon của nhau.”
  • “Cha sở đi lang thang từ ý này đến ý khác – chẳng có một ý trọng tâm nào để chúng tôi ghi nhớ cả.”
  • “Ngài đưa ra một ý, rồi ngài lặp đi lặp lại – và đưa vào đủ thứ chuyện trên đời.”
  • “Sau khi lắng nghe các băng ghi âm bài giảng trong vài năm, điều phàn nàn chính của tôi là: các vị giảng thuyết nói lan man quá. Hãy bám chặt một ý thôi.”

 

Một Bài Học Thực Tiễn

 

Tôi không bao giờ quên một bài học thú vị mà tôi học được từ một nhà báo kỳ cựu. Chỉ mất có 2 phút thôi. Ông ta nhặt lên một tờ tạp chí Time và mở ra một mẩu quảng cáo 2 trang; ông hỏi tôi: “Ngài có biết mẩu quảng cáo này giá bao nhiêu tiền không?” Tôi không biết. Ông nói khoảng 50.000 đô la Mỹ (và đó là lâu rồi đấy!).

“Này, nếu ngài sắp bỏ ra ngần ấy tiền cho 2 trang quảng cáo, ngài sẽ cố gắng đưa vào đó càng nhiều thông tin càng tốt, phải không? Vậy thì, xin ngài nhìn mẩu quảng cáo này.”

Đó là một mẩu quảng cáo của hãng Ford - (nay tôi vẫn còn giữ). Bill Cosby đang đấu các múi dây cho một ổ cắm trong hệ thống mạch điện. Phía trên là chữ “SNAP!” in cỡ lớn. Và phía dưới bức hình là:

 

Khi bạn sở hữu một chiếc Ford, hay Mercury, hay Lincoln với các mạch nối SNAP, bạn không còn phải lo về hệ thống dẫn điện nữa. 

 

Thật đơn giản. Ford muốn trở thành hãng xe hơi mà bạn chọn lựa.

 

Có vậy thôi. Chiếm trọn hai trang báo.

Giữ mẩu quảng cáo trước mặt tôi, ông nhà báo giải thích: “Nếu hội đồng quản trị viết mẩu quảng cáo này, chắc hẳn họ đã tận dụng phần giấy trắng còn dư để giới thiệu 15 tính năng ưu việt khác nữa của Ford. Nhưng chuyên viên phụ trách quảng cáo sẽ không để họ làm thế. Tại sao vậy? Thật đơn giản; nếu ngài lấp đầy hai trang giấy bằng chi chít những chữ, sẽ chẳng có ai đọc đâu. Vì thế, mỗi lần người ta quảng cáo một tính năng thôi. Tuần khác sẽ giới thiệu tính năng khác. Các vị giảng thuyết cũng nên lấy đó làm bài học. Nói thêm sẽ vô ích nếu điều đó có nghĩa rằng người ta sẽ ngừng lắng nghe.”

Bài học của tôi là vậy. Thật là hay. Dĩ nhiên một bài giảng không phải là một mẩu quảng cáo, nhưng một số nguyên tắc có thể vận dụng được.

Tôi xác tín rằng một ý tưởng nòng cốt nếu được khai triển tốt sẽ có hiệu quả hơn là hai hay ba ý tưởng.

 

Mấy Điều Cần Nhớ

 

1. Hãy tránh con đường dễ dãi là ôm đồm cách hời hợt nhiều ý thay vì đi sâu vào chỉ một ý

Tôi cho rằng đây là lý do chính giải thích tại sao chúng ta không giới hạn mình trong chỉ một ý tưởng. Móc qua các ý khác thì dễ hơn nhiều so với việc đào sâu một ý. Cũng như đi ngang thì dễ hơn là đi lên. Giống như điều xảy ra tại các bữa tiệc: người ta cầm ly rượu đi lòng vòng, bắt tay và chuyện trò chút chút với hết kẻ này đến kẻ khác – chẳng có cuộc trò chuyện nào sâu sắc cả.

 

2. Đừng lo rằng bài giảng của mình sẽ quá ngắn vì chỉ có một ý tưởng

Bản tin truyền hình buổi chiều phải lấp đầy 30 phút phát sóng; nhưng một bài giảng thì không. Đôi khi bài giảng của chúng ta ngắn hơn thường lệ, nhưng điều đó không hề có nghĩa là chúng ta đã để lại một khoảng trống nào (như khoảng trống lúc Dan Rather đứng lên và bước ra khỏi phòng quay bản tin buổi chiều của đài CBS).

Khi viết quyển sách này, tôi hơi băn khoăn rằng có những chương quá ngắn – và tôi bị cám dỗ bổ sung tư liệu vào. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng chẳng có gì là không ổn với những chương ngắn. Độc giả ít khi chê về chuyện này.

Thực tế là khi chúng ta đào sâu một ý tưởng, chúng ta thường thấy rằng bài giảng sẽ không quá ngắn như mình lo sợ đâu.

 

3. Đừng ngại cắt bỏ một số ý tưởng hay để giữ cho bài giảng xoáy vào chỉ một tiêu điểm 

Mới đây tôi có dự một Thánh Lễ trong đó vị giảng thuyết – một diễn giả có tài – đã khéo léo khai triển một ý tưởng rút từ các bài đọc Thánh Kinh. Thật tuyệt vời. Nhưng khi ngài làm xong điều đó (mất khoảng 5 hay 6 phút), ngài ngừng một chút và nói: “Bây giờ, có một khía cạnh khác cũng đáng được chú ý.” Thế rồi ngài tiếp tục chuyển sang một ý tưởng tuyệt vời khác cũng rút từ các bài đọc Thánh Kinh.

Khi tôi nhận ra rằng vị giảng thuyết đang bắt đầu ý tưởng thứ hai, tôi để ý cách riêng tác động của nó trên người ta: người ta bắt đầu cựa quậy nhiều hơn, và dần dần mất hết sự chú ý; những đôi mắt bắt đầu sụp xuống. Họ vẫn đang nghĩ về ý thứ nhất trong khi phải cố gắng lắng nghe ý thứ hai – và đó là điều không thể đối với họ.

Giá mà vị giảng thuyết kết thúc bài giảng chỉ với ý tưởng thứ nhất thôi, kết quả sẽ tốt hơn rất nhiều.

 

4. Đừng bị xúi quẩy bởi ý nghĩ rằng “tôi chỉ gặp họ có một lần mỗi tuần”

Đa số giáo dân không tham gia các hoạt động đoàn thể giáo xứ. Thánh Lễ Chủ Nhật là cơ hội duy nhất để các mục tử chúng ta gặp 90% trong họ, vì thế chúng ta cố gắng nói càng nhiều càng tốt. Nhưng câu chuyện nhà báo kỳ cựu và mẩu quảng cáo của Ford trên kia nhắc chúng ta rằng “Sẽ là vô ích việc nói thêm nếu điều đó có nghĩa rằng người ta sẽ ngừng lắng nghe.”

 

------------------------------------------------

 

Thật không dễ việc giữ chỉ một ý thôi. Tôi hiểu điều đó, và tôi vẫn phải không ngừng chiến đấu với chính mình để giữ một ý. Ngay cả khi tôi có chỉ một ý nòng cốt, tôi vẫn phải chiến đấu để loại trừ những ý tưởng khác mà mình bị cám dỗ chèn vào trong tiến trình. Những cái được chèn vào này, dù nhỏ, có thể làm loãng hay che mờ điểm nhấn của ý nòng cốt.

Giữ một ý cũng khó như khi bạn cắn môi cố nhịn không ngắt lời ai đó đang nói và đang muốn được bạn lắng nghe.

Nói gì thì nói, tôi xác tín rằng: Nếu chúng ta muốn giảng một cách có hiệu quả tại khung cảnh giáo xứ, thì cần nhớ nguyên tắc là chỉ giảng một ý thôi.[3]

 

------------------------------------------------

 

Sau khi đã khảo sát công việc với các bài đọc Thánh Kinh và việc ấn định ý tưởng nòng cốt cho bài giảng, chúng ta đã đi được nửa chặng đường. Giờ đây chúng ta sẽ bắt đầu nghĩ về cách diễn đạt ý tưởng nòng cốt ấy.

Đôi khi chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm vì đã tìm được một hạt ngọc, nhưng lại không lưu tâm đủ đến công việc quan trọng là phác thảo khung diễn ý cho mình. Chúng ta có thể mang ảo tưởng rằng một khi mình đã có ý tưởng thì hẳn mình có thể trình bày nó. Không đúng vậy đâu. Có rất nhiều nhịp cầu ta phải đi qua trong bài trình bày của mình. Để tôn trọng người nghe, chúng ta phải xếp đặt ý tưởng trước khi đến gặp họ, chứ đừng làm điều này cách quờ quạng ngay trước mặt họ.


 

 
[1] Đôi khi, sau một bài giảng, người ta có thể hỏi “Hạt ngọc của ngài là gì?” – và người giảng thuyết sẽ đưa ra một câu trả lời hoàn toàn khác với những gì người ta nghe trong bài giảng. Điều này có thể làm cho người ta ước giá chi mình đã hỏi như vậy trước Thánh Lễ, để người giảng thuyết có thể nhận ra vấn đề.
[2]Sự lẫn lộn giữa một ý nòng cốt và một chủ đề thường xảy ra trong các bài giảng lễ tang. Chủ đề là “đời sống của người ấy,” và bài giảng đầy những câu chuyện không được khai triển và không được nối kết, song tất cả đều khớp với chủ đề này. Không phải là hiếm trường hợp một bài giảng lễ tang chứa 10 ý tưởng. Những câu chuyện như vậy thích hợp cho thời gian canh thức, nhưng chúng không làm thành một bài giảng với một ý nòng cốt.
[3] Có thể có những ngoại lệ: chẳng hạn, tại một cuộc tĩnh tâm hay một khung cảnh tu viện, cộng đoàn có thể sẵn sàng đón nhận một bài giảng với hơn một ý. Và có những cộng đoàn khác nữa cũng sẵn sàng như thế.

Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!