Ai cũng thích nghe chuyện.
Người ta sẽ chú ý lắng nghe hầu như bất cứ câu chuyện nào chúng ta kể. Nhưng trong các bài giảng, không phải mọi câu chuyện đều giống nhau. Một câu chuyện nào đó nghe thú vị – thì duy điều đó không có nghĩa rằng câu chuyện ấy có thể chuyển tải Lời Chúa cách hiệu quả.
Có 3 loại câu chuyện, và sẽ rất hữu ích việc nhận ra sự khác biệt giữa chúng.
1. Loại câu chuyện chủ yếu để giải trí, giúp người ta thư giãn và lôi cuốn sự chú ý của họ
Những câu chuyện loại này được nối kết một cách nhân tạo với trọng tâm của bài giảng. Nếu chúng ta loại bỏ câu chuyện đi thì cũng chẳng sứt mẻ gì đối với ý tưởng của mình.
Một ngày Chủ Nhật nọ tôi nghe một vị giảng thuyết bắt đầu bài giảng như sau:
Tôi xin kể câu chuyện về một người kia được bổ nhiệm phụ trách chương trình trực tiếp vận động quyên góp cho giáo xứ. Tên anh ta là Pat, và vì muốn chứng tỏ năng lực cừ khôi của mình, anh xin cha sở cho biết ai là người khó vận động nhất từ trước đến nay. Cha sở kể chuyện về ông Mike, kẻ đã chưa bao giờ đóng góp bất cứ gì.
Thế là Pat đánh xe tới nhà Mike và gõ cửa. Mike mở cửa. Pat nói lý do mình đến đây để đề nghị Mike đóng góp cho giáo xứ, đồng thời nêu ra ba hay bốn lý do mà Mike cần hưởng ứng cuộc quyên góp này.
Mike trả lời: “Anh yêu cầu tôi đóng góp à? Anh thấy đấy: mẹ tôi bị tàn tật đã 23 năm. Anh trai tôi bị tai nạn cách đây 10 năm và cần phải có người săn sóc thường xuyên. Vợ tôi bị liệt vì chứng viêm khớp. Con gái tôi thì đang cần ghép thận.”
Pat bỗng lúng túng và cố nghĩ ra cách để rút lui lịch sự. Trong khi đó, Mike nói thêm: “Tôi không cho tiền bất cứ ai trong họ, vậy cớ gì tôi phải cho tiền anh chứ?” [cả cộng đoàn cười ồ]
Vâng, tôi chắc rằng giáo xứ chúng ta không có loại vấn đề ấy. Và tôi muốn mời anh chị em nghĩ đến một số lý do tại sao tất cả chúng ta cần ủng hộ đợt vận động quyên góp này. Anh chị em thấy đó ...
Một câu chuyện dí dỏm, để giải trí. Nhưng giải trí không phải là mục đích của một bài giảng. Và vì nhằm thu hút sự chú ý của người nghe, vị giảng thuyết đã đặt câu chuyện này vào ngay chỗ bắt đầu bài giảng.
Những câu chuyện như thế nghe có vẻ hay hay, nhưng chúng không thuộc về bài giảng. Đặt ở đầu, chúng ‘xỏ lá’ vào dòng chảy của phụng vụ Lời Chúa và ‘tiêu thụ’ hết sự chú ý cao độ của người nghe mà đáng ra nên dành cho một điều gì có tính căn cơ hơn. Đặt ở bất cứ đâu khác, chúng có tính giải trí nhiều hơn là giúp soi sáng.
2. Loại câu chuyện để minh hoạ sứ điệp
Những câu chuyện này làm sáng rõ ý nòng cốt của chúng ta, đắp máu thịt lên nó, và nối kết nó với đời sống thực. Nếu ta gạt bỏ câu chuyện, sứ điệp sẽ mất phần nào sự sáng tỏ và sức mạnh.
Tại một lễ cưới, người giảng thuyết lấy ra một tờ nhật báo, lật tới trang thể thao, và nói:
Có một số điều thú vị ở đây. Hôm qua, Fred Couples ghi được 78 điểm, thắng 7 điểm vượt mức. Bạn tưởng tượng đi. Fred Couples vượt mức được 7 điểm! Bạn có biết điểm số trung bình của vận động viên đang dẫn đầu Liên Đoàn Bóng Chày Mỹ là bao nhiêu không? 348. Nghĩa là anh ta đã đánh hụt bóng trong 65% thời gian lận đó.
Sampras bị loại khỏi giải Mỹ Mở Rộng ngay từ đầu vòng một. Tôi tin rằng những đấu thủ giỏi nhất cũng có nhiều lúc phải cay đắng nếm mùi thất bại.
Đây là những vận động viên giỏi nhất thế giới. Nhưng những cú đánh bóng của họ không hoàn hảo. Chìa khoá thành công của họ là ở chỗ họ đã tìm ra cách để làm cho động tác không hoàn hảo của mình trở thành kiến hiệu trên đường dài.
Phêrô [Bài Đọc Tin Mừng nói về việc Đức Giêsu hỏi Phêrô 3 lần “Anh có yêu mến Thầy không?”] đã học biết rằng tình yêu của mình không hoàn hảo. Nhưng với ơn Chúa nâng đỡ, ông cũng đã học cách làm cho tình yêu không hoàn hảo ấy phát huy được kiến hiệu trong những năm tháng còn lại của đời ông, ngay cả đến mức đổ máu ra để làm chứng.
Tình yêu của bất cứ đôi bạn nào, dù chân thực đến mấy, cũng không hoàn hảo. Điều mà các bạn nói lên trong Bí Tích Hôn Phối là: “Nhờ ơn Chúa giúp, chúng tôi sẽ tìm cách làm cho tình yêu không hoàn hảo của chúng tôi phát huy được kiến hiệu trong suốt cả đời.”
Câu chuyện này đã minh hoạ sứ điệp.
Câu hỏi chủ chốt bao giờ cũng là: Cái gì trong sứ điệp sẽ vuột mất nếu câu chuyện bị loại bỏ? Đó là sự khác biệt giữa loại chuyện này và loại chuyện trong ví dụ thứ nhất trên kia.
3. Loại câu chuyện tự nó là sứ điệp
Trong trường hợp này, câu chuyện không chỉ minh hoạ sứ điệp; mà chính bản thân câu chuyện là sứ điệp và do đó không cần phải khai triển gì thêm. Những ví dụ tốt nhất là các dụ ngôn của Đức Giêsu, chẳng hạn, dụ ngôn về người Samaritanô nhân hậu. Khi Đức Giêsu kết thúc câu chuyện, Ngài không nói thêm gì ngoại trừ: “Hãy đi và làm y như vậy.”
Viết được những câu chuyện này thật không dễ; cần phải có năng khiếu. Song nếu viết được thì sẽ rất hiệu quả.
Đây là một ví dụ đặc biệt về một “câu chuyện sống” vốn tự nó là một bài giảng.
Đó là ngày tưởng nhớ các liệt sĩ – và tôi dâng lễ chiều Chủ Nhật tại nhà thờ Chính Toà. Đoạn Tin Mừng bao gồm lời Đức Giêsu cầu nguyện “xin cho họ nên một.”
Tôi đã chuẩn bị một bài giảng trong đó nêu ý rằng Đức Giêsu giống như một người cha hay mẹ già đang cầu nguyện cho gia đình được hoà thuận và hiệp nhất. Tôi đang dự định nói về tâm trạng của Thiên Chúa khi thấy con người chúng ta sa vào chiến tranh và giết chóc.
Tôi bắt đầu bằng cách hỏi xem có ai đang hiện diện đã từng mất người thân trong chiến tranh. Một phụ nữ giơ tay lên và nói chị đã mất một người anh trong Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai. Tôi hỏi anh ấy đã chết ở đâu, chị nói ở Pháp, trong cuộc tiến công chống lại quân Đức. Rồi một phụ nữ khác ở phía đối diện cũng giơ tay và cho biết chị cũng mất một người anh trai trong Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai. Tôi hỏi ở đâu. Chị đáp, với giọng đớt: “Anh ấy ở trong quân đội Đức.” Cả nhà thờ lặng phắt. Hai người phụ nữ cao niên nhìn nhau; bàn thờ ở giữa họ.
Việc tôi làm, dĩ nhiên, là dẫn vào bài giảng của mình - và tôi chỉ nói: “Tất cả chúng ta hãy dành vài phút thinh lặng và nghĩ về chiến tranh, cả ‘những cuộc chiến tranh trong đời sống của chúng ta.’”
Thế là tôi ‘đơn sơ’ trở lại với bài giảng đã soạn sẵn của mình – nghĩ rằng mình đã có chất liệu tốt và chỉ cần cứ vậy mà ăn nói. Cho đến tận hôm nay, tôi vẫn lắc đầu và tự nhủ “Làm sao mà mình có thể ngớ ngẩn đến thế nhỉ!”
Có một số nhà giảng thuyết có đủ óc sáng tạo để viết một câu chuyện tự nó là sứ điệp, và điều này có thể đem lại rất nhiều hiệu quả.
Bất cứ khi nào chúng ta dùng một câu chuyện hay một minh hoạ khá dài trong một bài giảng, chúng ta nên nắm rõ nó thuộc loại nào trong 3 loại kể trên.
Mấy Điều Nên Nhớ
1. Đừng làm cho câu chuyện trở thành dài dòng
Đành rằng chúng ta thích các câu chuyện, nhưng hãy nhớ rằng ai cũng bực bội khi câu chuyện dông dài không cần thiết. Và như vậy chính câu chuyện làm người ta chán.
Những câu chuyện tốt nhất đều ngắn và đều đi thẳng vào trọng tâm (có thể hơi dài hơn một chút nếu chính câu chuyện là bài giảng). Hầu như mọi câu chuyện được dùng trong các bài giảng của các nhóm chúng tôi đều cần biên tập đáng kể – vì chúng chứa quá nhiều chi tiết.
Tôi nhớ nhà giảng thuyết nọ – vào Ngày Của Người Cha – đã mời tất cả chúng tôi nghĩ về những gì giúp nhắc nhớ đến cha mẹ mình. Ngài lôi thùng đồ nghề của thân phụ ngài ra, lấy ra một cái kìm, và nói về những kỷ niệm liên quan tới món đồ đó. Rồi ngài lấy ra một dụng cụ khác và cũng giới thiệu tương tự. Rồi một vật khác. Rồi một vật khác nữa.
Đó là một câu chuyện hay, nhưng người nghe đã nắm bắt điểm cốt yếu ngay từ đầu. Họ đang nghĩ về những kỷ vật nhắc nhớ đến cha mẹ họ, và vì thế họ bỏ ngoài tai phần còn lại của câu chuyện, dù vị giảng thuyết tỏ ra rất hồ hởi. (Một người biên tập hẳn sẽ thấy rõ điều này và sẽ thực hiện những sự cắt bỏ cần thiết.)
Một số dụ ngôn nổi tiếng nhất trong Tin Mừng ngắn đến bất ngờ. Trong các cuộc thảo luận, tôi đã mời người ta thử viết lại dụ ngôn Con Chiên Lạc cách tốt nhất theo trí nhớ. Hầu như tất cả đều viết dài gấp ba lần so với bản văn gốc (chỉ có 72 từ).
2. Hãy cố gắng dùng những câu chuyện đến từ đời sống của người ta
Câu chuyện (hay ví dụ) tốt nhất là câu chuyện mà mọi người có thể thấy gần gũi. Những câu chuyện đặc biệt nào đó không sát với các kinh nghiệm thông thường thì có thể làm cho người ta thích thú, nhưng chúng không đạt được một trong những mục đích chính của bài giảng, đó là làm cho người nghe nhập cuộc.
--------------------------------------------
Người ta nhớ các câu chuyện, vì thế bất cứ khi nào chúng ta dùng một câu chuyện, chúng ta phải tự hỏi phải chăng câu chuyện này là điều mà chúng ta muốn dân chúng ghi nhớ. Chúng ta muốn họ nhớ một cái gì đó có tính hài hước, ấn tượng, hay chúng ta muốn họ nhớ một hạt ngọc sẽ hữu ích trong cuộc sống của họ?
Trong chương về Phần Mở Đầu, tôi đã chỉ ra trong một cước chú rằng có những lúc cộng đoàn dường như ‘chết’ hay đang thiếu tập trung nghiêm trọng, và chúng ta cần làm một cái gì đó để ‘đánh thức’. Có thể cần một câu chuyện nhỏ hoặc vài câu nói nào đó lúc bắt đầu bài giảng, nhưng không phải là loại chuyện ‘dài hơi’. Và nói chung, trường hợp như vậy chỉ là ngoại lệ. Quá dài không nhất thiết có nghĩa là “dài”; nó chỉ có nghĩa là dài hơn cần thiết.