“Con sẽ làm thông dịch bằng dấu hiệu cho người điếc hôm nay. Xin đừng quên con khi Cha đứng trên bục giảng nhé.”
Những từ trừu tượng, những từ hay bị lạm dụng, và những từ quá chuyên biệt trong Giáo Hội ... cũng tạo thành vấn đề trong các bài giảng. Chúng ta quá biết rằng không nên dùng các thuật ngữ như cánh chung luận, cứu độ luận, cứu cánh luận,vv. Đó không phải là vấn đề.
Vấn đề chủ yếu ở chỗ chúng ta không biết dùng ngôn ngữ hình tượng, tức những từ đụng đến giác quan, những từ mà hầu như ai cũng có thể nhìn thấy, cảm thấy, ngửi, nghe hay nếm được. Ta nghĩ rằng mình có quan tâm về điều này, nhưng thường thì không. Và ta thường dùng những từ ngữ hay kiểu nói quá nhàm đến trở thành sáo ngữ.
Tại một buổi làm việc nhóm, tôi đã đọc qua các bản văn bài giảng và đánh dấu bằng mực xanh tất cả những từ không hình tượng, và gạch màu đỏ tất cả những từ thuộc ngôn ngữ hình tượng. Kết quả thật bất ngờ. Trước mặt tôi hiện ra một biển mênh mông màu xanh, với chỉ bốn hay năm chấm đỏ.
Những Từ Trừu Tượng
Ngay trước Thánh Lễ, một phụ nữ đến gặp tôi và nói: “Con sẽ làm thông dịch bằng dấu hiệu cho người điếc hôm nay. Xin đừng quên con khi Đức Cha đứng trên bục giảng nhé.” Nếu tôi giả thiết rằng chị ấy làm công việc này cho mọi bài giảng, ngôn ngữ của tôi chắc hẳn sẽ cụ thể hơn rất nhiều. Tôi sẽ nhớ rằng khi dịch chữ hỗ tương, chị ấy luôn gặp khó khăn hơn là khi dịch chữ làm việc với nhau.
Đây là một nhận định về một trong các bài giảng của nhóm chúng tôi:
Một trong những điều bạn cần đặc biệt chú ý, đó là tránh các từ ngữ trừu tượng. Đấy không nhất thiết là những từ đao to búa lớn, hay những thuật ngữ, hay thậm chí những từ mà người ta không hiểu ý nghĩa. Đấy là những từ không có đặc tính cụ thể của câu chuyện ‘trong nhà ngoài phố’ hằng ngày. Đó không phải là những từ mà Shakespeare hay Steinbeck dùng. Các ví dụ từ bài giảng của bạn, như: hữu hình, tương tác, khả năng tiếp cận...
Đó là một vấn đề thường gặp trong các bài giảng, và người giảng thuyết thường không ý thức về nó.
Mặt khác, đây là hai đoạn trích từ những bài giảng nối kết thẳng với đời sống thực:
- Hoán cải là thay đổi cách cư xử của chúng ta. Chẳng hạn, tôi đã lười như trăn đất trong suốt 10 năm qua, thật là tệ. Tôi sẽ chỗi dậy, dùng những năng khiếu Chúa ban cho mình để làm gì đó ích lợi cho đời.”
- Trong đời tôi, tôi biết nhiều người có khả năng làm im lặng sóng gió. Họ luôn luôn có mặt ở đó đúng lúc. Bố tôi là một người như vậy. Ông sẽ bật đèn lên nếu bạn đang sợ bóng tối. Nếu bạn thất vọng vì thua cuộc trong một trò chơi, ông sẽ nhắc bạn rằng còn có nhiều trò chơi khác nữa. Nếu bạn lỡ làm vỡ một món đồ gì đó, ông sẽ giúp sửa chữa, hoặc ông sẽ nói với bạn rằng món đồ đó có thể được thay thế.
Sau đây là một số ví dụ (lấy từ các bài giảng thực) về những từ hay nhóm từ thường được dùng và có thể xếp vào loại “trừu tượng” trong khung cảnh giáo xứ:
tinh thần đức tin / quan hệ nhân bản / hỗ tương / có vấn đề / thực tại / thuộc linh / có thể tiếp cận / hội nhập văn hoá / hữu thể / bản thể / cái nhiên / biểu kiến / lĩnh hội / tương tác/ nhân sinh quan / thế giới quan / ý niệm ...
Đa số những từ có đuôi “hoá” cũng là ứng viên của nhóm trừu tượng. Một số ví dụ:
cụ thể hoá / hiện thực hoá / nội tâm hoá / siêu nhiên hoá / kitô hoá / thế tục hoá / toàn cầu hoá / kế hoạch hoá / hiện tại hoá / cơ chế hoá ...
Các dụ ngôn trong Tin Mừng không trừu tượng như vậy. Ở đó ta thấy đầy những từ cụ thể, mô tả sát đời sống thực. Đây là hai ví dụ:
- Trong dụ ngôn về người gieo giống:
... chim chóc đến ăn mất ... rơi trên sỏi đá ... mọc lên ngay ... khi nắng lên, nó liền bị cháy và vì thiếu rễ nên bị chết khô ... có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả. (Mc 4,3tt.)
- Trong dụ ngôn về người chủ vườn nho sai đầy tớ và cuối cùng sai con mình đến thu hoa lợi:
... trồng một vườn nho, rào giậu xung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh ... họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không ... họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục ... kẻ thì họ đánh, người thì họ giết. (Mc 12,1tt.)
Những Từ Quá Bị Lạm Dụng
Một số từ nên được cân nhắc kỹ khi dùng chỉ vì chúng quá thường bị lạm dụng. Trong các ví dụ sau đây (lấy từ các bài giảng thực), nhiều từ cũng đồng thời là những từ trừu tượng:
phần hồn phần xác / đời này đời sau / làm lành lánh dữ / thói hư tật xấu / thân thương / minh nhiên / mặc nhiên / cá thể / thể lý / tốt (trạng từ) / quan điểm / văn minh tình thương / văn hoá sự sống...
Một số kiểu nói hay bị lạm dụng:
chúng ta cần phải ... / chúng ta hãy ... / chúng ta không được ... / thế mà chúng ta đã không ... / ai cũng... / bao giờ cũng ... / có thể nói...
Đành rằng đây không phải là một nguyên tắc cứng ngắt. Nhưng nếu chúng ta thấy mình dùng những từ đó, thì nên cài sẵn lá cờ đỏ để cảnh báo mình cân nhắc thêm.
Điều đang nói đây không chỉ là nhược điểm của các nhà giảng thuyết. Sau đây là vài ví dụ lấy từ các tài liệu được phân phát tại các cuộc hội thảo Công Giáo:
Chúng ta phải hình dung Đức Kitô đầy sáng tạo trong tư cách một nhà hoà giải, Ngài khôn ngoan trong việc lắng nghe nhiều thứ và thu thập chúng lại, tổng hợp chúng, Ngài linh động, nói sự thực, xây dựng cộng đoàn.
Các cơ cấu – xã hội, kinh tế, Giáo Hội và nhiều thứ khác – luôn có nguy cơ loại trừ người ta, nhưng những người bị loại trừ có rất nhiều điều để cống hiến. Khoá hội thảo này sẽ đề cập bằng cách nào những người bị loại trừ có thể tồn tại, và trong khi họ tồn tại thì bằng cách nào họ có thể có chiến lược thay đổi các cơ cấu và làm cho chúng trở thành nhân bản hơn, có trách nhiệm hơn, có tính sáng tạo hơn, và có sức hỗ trợ đời sống hơn.
Một niềm thích thú và sự nhất quán mới trong công việc chung của chúng tôi đã đến từ việc sử dụng các chất liệu và các phương pháp nhờ ở mối quan hệ toàn diện của việc tìm hiểu về tình cảm và về trí thức nội tại trong phương thức này.
Còn đây là một bản văn lấy từ bên ngoài cảnh vực nhà thờ. Một câu chuyện của Hãng AP kể về phụ huynh của một học sinh trung học nhận thông cáo sau đây từ vị hiệu trưởng. Thông cáo nói về một cuộc họp đặc biệt để thảo luận một chương trình được đề xuất:
Chương trình học tập được cá thể hoá, có tính đa sắc tộc và hỗn hợp các lớp của chúng tôi được phác hoạ để làm nổi bật ý niệm về một chương trình học tập mở rộng với sự nhấn mạnh đặt trên một tính liên tục của việc học tập trong môi trường đa sắc tộc và được làm phong phú về mặt học thuật – sử dụng đứa trẻ được phát hiện có năng khiếu tri thức như tác nhân hay nhà dẫn dắt việc học của chính mình.
Vị phụ huynh đã viết thư hồi âm như sau:
Tôi đã tốt nghiệp đại học, nói được hai ngoại ngữ chính và bốn thổ ngữ Aán Độ, tôi cũng đã từng tham dự nhiều cuộc hội chợ quận và 3 cuộc thi trói dê, nhưng tôi không hiểu chút xíu nào về cái quái quỉ gì đó mà ông muốn nói.
Những Kiểu Nói Thiếu Tự Nhiên Khi Đăng Đàn
Đây là một loại nhược điểm khác nữa. Vì một lý do nào đó, khi chúng ta nói trước công chúng, một số từ ngữ nào đó rất không tự nhiên nhưng lại tự nhiên vọt ra từ miệng lưỡi chúng ta. Hầu như ai cũng vậy, giảng lễ hay không phải giảng lễ, đều có những lời nói ‘nhân tạo’ này.
Tại sao chúng ta nói những câu như vậy? Tại sao chúng ta nói ôn lại trong tâm trí thay vì nói rằng nhớ lại, tại sao nói mối tương quan huynh đệ thay vì nói tình anh chị em? Một điều gì đó xảy ra khi chúng ta nói trước công chúng: Chúng ta mang lấy một phong cách nào đó, giả định một kiểu nào đó, và chúng ta dùng những kiểu nói không tự nhiên như thể là mình cần phải nói thế. Một cách vô thức, chúng ta bắt chước những người mà mình đã lắng nghe, và cứ thế truyền lại từ đời này qua đời khác.
Nói cho cùng đây không phải là chuyện lớn, nhưng nó có thể làm cho bài giảng của chúng ta có một âm giọng rất nhân tạo.
Ý Kiến Phản Hồi Từ Dân Chúng
- “Nên giảng sao cho thực tiễn, đừng chỉ triết lý.”
- “Hãy nói một cách sát mặt đất.”
- “Đừng nói cao quá, chúng tôi không hiểu; hãy nói vừa tầm chúng tôi.”
- “Hãy nói ở mức sao cho ngay cả trẻ em cũng có thể hiểu... nhưng người lớn không nghĩ rằng họ bị cư xử như trẻ em.”
- “Quá nặng thần học.”
- “Hãy nói cách gần gũi; hãy liên hệ tới cuộc sống.”
- “Hãy dùng thứ ngôn ngữ mà bạn dùng tại bàn ăn.”
Mấy Điều Nên Nhớ
1. Thỉnh thoảng hãy viết bài giảng ra trên giấy, và đọc qua nó để đánh dấu: dùng một màu cho những từ hình tượng, dùng màu khác cho những từ không hình tượng
Chỉ đến khi tôi xem bản văn ghi lại các bài giảng của mình tôi mới tin rằng mình đã dùng rất nhiều từ không cụ thể lắm và một cách không cần thiết lắm.
2. Hãy đọc các tác giả nổi tiếng, và lưu ý cách họ dùng từ
Ở đây tôi muốn nói đến các tiểu thuyết, tiểu sử và lịch sử hơn là các văn liệu về thần học và mục vụ. Những ai trong chúng ta trong sứ vụ viết và nói thì lúc nào cũng nên đọc một quyển sách hay nào đó. Các nhà văn nổi tiếng nhất luôn đọc sách của nhau.
3. Thực hành luôn luôn
Chúng ta thường xuyên viết, không chỉ là viết bài giảng. Hãy chú ý đến cách mình viết, ngay cả khi viết một E-mail, để dùng đúng từ đúng chỗ. “Ngôn ngữ bàn ăn” không hề có nghĩa là từ vựng giới hạn của đa số các cuộc chuyện; nó muốn nói đến những từ mà bạn có thể dùng trong một cuộc chuyện bên tách cà phê, những từ mà ai cũng hiểu được song ít khi cố gắng dùng. Đây không phải là những từ lạ hay những từ đặc biệt. Đây là những từ có tính tươi mát tự nơi chúng.
---------------------------------------------
Một số khía cạnh của việc viết lách (chẳng hạn, cú pháp, diễn đạt) thật không dễ thay đổi, nhưng việc chọn từ thì có thể thay đổi được. Chỉ cần ta biết quan tâm. Bạn hãy thử xem.