.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

1. Một “thái độ”

2. Bài giảng là gì?

3. Không phải là bài giảng

4. Phần mở đầu bài giảng

5. Phần kết bài giảng

6. Chuẩn bị bài giảng: Vài ý tưởng sơ khởi

7. Chuẩn bị bài giảng: Các bài đọc Thánh Kinh

8. Chuẩn bị bài giảng: Chỉ một hạt ngọc... nhưng đắt giá!

9. Chuẩn bị bài giảng: Viết ra

10. Chuẩn bị bài giảng: Sửa chữa

11. Chuẩn bị bài giảng: Nắm vững tư tưởng của mình

12. Chiều sâu

13. Nối kết với đời sống thực tế

14. Những câu chuyện

15. Nên giảng dài hay ngắn?

16. Thông tin bên lề

17. Dùng từ

18. Bài giảng của tôi! Nhưng không qui về “tôi”!

19. Trân trọng các đánh giá phản hồi

20. Rút kinh nghiệm từ những bài giảng lễ ngày thường

21. Dùng các vật minh hoạ

22. Đừng quá ôm đồm, đừng nói hết những gì phải nói trong bài giảng

23. Sự tham dự của cộng đoàn vào bài giảng

24. Bài giảng đem lại niềm an ủi

25. Giảng về tội

26. Mười con quỉ

27. Một bài giảng cho các nhà giảng thuyết

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Để Giảng Lễ Tốt Hơn
Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)
19. TRÂN TRỌNG CÁC ĐÁNH GIÁ PHẢN HỒI

Họ nhớ ... và sự ghi nhớ của họ đem lại ích lợi. 

Thật không dễ có được sự phản hồi đáng tin cậy về một bài giảng cụ thể nào đó. Chúng ta không có những nhà phê bình chuyên nghiệp như trong kịch nghệ, âm nhạc và văn chương. Chúng ta nhận được những phản ứng tức thời, chẳng hạn, “bài giảng của Cha thật hay” - song đó rất có thể người ta chỉ muốn nói là: “chúc Cha một ngày tốt lành.”

Khi tôi dạy môn giảng thuyết tại Đại Chủng Viện Thánh Gioan, các sinh viên thực hành giảng lễ ngày thường tại các giáo xứ gần đó. Người ta nhận được một bảng đánh giá với 14 tiêu chuẩn, và họ sẽ cho điểm A, B, C, hoặc D. Một số các tiêu chuẩn là:

 

-         bài giảng nêu một điểm và bám vào điểm ấy.

-         ngôn ngữ đơn sơ và cụ thể.

-         chiều dài bài giảng tương đối phù hợp.

-         giọng nói rõ ràng và diễn cảm.

 

Câu hỏi cuối cùng là: “Nói chung, bạn cho điểm bài giảng thế nào?” Rất thường, họ cho điểm cao ở các mục chuyên biệt và trả lời cho câu hỏi cuối cùng là “D”.

Tôi khám phá rằng việc đánh giá bài giảng là một việc đầy cạm bẫy.

 

 

Những Phản Hồi Tức Khắc

 

Những phản hồi tích cực tức thời thường có nghĩa rằng bài giảng hôm ấy thú vị, sống động, vui và rõ ràng. Chúng ta vẫn không biết nó có thực sự đánh động được quả tim và đời sống của con người hay không.[1]

Phản hồi sau Thánh Lễ thì thường không hữu ích và nói chung không nên lấy làm quan trọng. Nó thường pha trộn trong những thứ khác:

 

-         Lịch sự: Người ta muốn tỏ ra thân thiện, vì thế trên đường ra về, họ khen chúng ta về bài giảng. Đó không phải là không chân thành, nhưng nó giống như ta thấy ai đó mặc đồ mới và ta khen một câu. Đó là một việc tốt nên làm, nhưng đó không phải là một sự phê bình nghiêm cẩn.

-         Tình cảm: Cũng rất giống như trên. Họ thích chúng ta và những công việc chúng ta làm trong sứ vụ. Cám ơn về bài giảng của chúng ta là một cách để họ xác nhận lòng trân trọng đối với tất cả sứ vụ của chúng ta nói chung.

-         Thích thú: Họ cám ơn vì bài giảng làm họ thích thú, thậm chí khuây khoả. Họ đã cười nhiều trong khi nghe giảng. Những phản ứng như thế là chân thành nhưng không nói lên được thực sự chúng ta có đã chuyển trao cho họ Lời Chúa hay không.[2]

 

Những Phản Hồi Muộn Hơn

 

Những phản hồi tốt nhất là loại xảy ra sau nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng. Những bài giảng thực tốt không luôn luôn có vẻ hấp dẫn ngay tại chỗ. Chúng không gây xúc động kiểu giựt gân. Chúng quá gần sát cuộc sống thực.

Trong bộ phim Amadeus, người ta ban đầu thích nhạc của Salieri hơn của Mozart. Nhưng nhạc của ai đã khẳng định? Nhiều năm sau, Salieri nói rằng “nhạc của tôi càng ngày càng mờ nhạt... Tôi là thánh bổn mạng của những kẻ xoàng xĩnh.”

Tôi đã kết luận rằng có hai tiêu chuẩn tối hậu cho một bài giảng: (1) Người ta ghi nhớ nó, và (2) sự ghi nhớ ấy phát sinh hiệu quả.

Sẽ là một dấu hiệu tốt nếu, sau nhiều tháng, người ta vẫn còn nhớ một cái gì đó từ bài giảng của chúng ta. Nhưng còn tiêu chuẩn thứ hai nữa: Sự ghi nhớ ấy hữu ích cho họ. Người ta có thể ghi nhớ một điều gì đó vì nó hài hước, kỳ lạ, quyến rũ, thú vị, hay được sắp đặt khéo léo. Nhưng như vậy có thể không ích lợi gì cho cuộc sống trên mặt đất này. Đàng khác, nếu sự ghi nhớ đem lại ích lợi thực sự, thì có nghĩa rằng bài giảng ấy đã là một cái gì đó “cho chúng tôi và cho ơn cứu độ của chúng tôi.”

Nếu bài giảng của chúng ta tốt, chúng ta sẽ nhận được những phản hồi chậm chạp về sau. Người ta sẽ nói với chúng ta đại khái rằng “Cha biết đó, các bài giảng của cha rất có ý nghĩa với con. Con được trao cho chất liệu để ngẫm nghĩ và sống qua một tuần.”

Chìa khoá không đơn thuần nằm ở chỗ người ta thích bài giảng của chúng ta, thấy nó thú vị, ngưỡng mộ sự khéo léo của nó – tất cả những điều này đều tốt – nhưng chìa khoá thực nằm ở chỗ bài giảng của chúng ta ảnh hưởng thế nào đến đời sống của họ. Có một sự khác biệt giữa việc ngưỡng mộ một bức tranh, một bài thơ hay một ca khúc và việc được chúng tác động.

Những bài giảng tốt nhất mở ra tiến trình suy tư về phía người nghe, một tiến trình tiếp tục nhiều ngày, nhiều tuần lễ. Về điều này, có người đã viết cho tôi như sau:

 

Con thích nghe một vị giảng thuyết lành nghề, không phải vì tư tưởng này hay tư tưởng khác, nhưng vì về lâu về dài, các bài giảng của vị ấy mở ra chân trời suy tư rất thiết thực cho bản thân con. Khi một bài giảng không tốt, con có khuynh hướng nghĩ rằng điều mình nghĩ thì hay hơn, và con dừng lại với mình. Một nhà giảng thuyết tốt sẽ có khả năng đem lại cho con những suy nghĩ mới, kéo dài trong thời gian. Đó là cách mà sự hoán cải đích thực diễn ra.

 

Cũng cần phải xem xét những phản hồi của chính chúng ta. Chúng ta có thực sự nhớ các bài giảng của mình không? Và sự ghi nhớ ấy có đem lại hiệu quả không? Đây không phải là chuyện có khả năng lặp lại các điểm chính của những gì chúng ta đã nói: loại ghi nhớ ấy có thể có nơi chúng ta mà không cần làm cho chúng ta nghiền ngẫm thêm, như kiểu điệp khúc của một bài hát. Nếu bài giảng vẫn ở lại với chúng ta, làm ta suy nghĩ, thúc đẩy ta đổi mới, và đôi khi ám ảnh ta, thì đấy là một dấu chỉ rằng ta đang đúng hướng.

 

--------------------------------

 

Còn về những người cám ơn chúng ta vì đã nói một điều gì đó mà chúng ta đã không hề nói (một hiện tượng mà tất cả chúng ta đều từng kinh nghiệm)? Điều này đơn giản có nghĩa rằng chúng ta đã nói một điều gì đó có sức gợi lên một điều gì khác nơi họ, hoặc giả họ đang nghĩ đến những gì đó khác khi nghe chúng ta giảng, hoặc giả Thiên Chúa đã chuẩn bị một cái gì đó khác trong tâm trí họ và Ngài dùng lời của chúng ta để gợi cái đó lên. Như vậy sự kiện này không cho biết gì về chất lượng của bài giảng chúng ta. Chúng ta không nên qua đó mà ảo tưởng rằng dù mình nói gì cũng không quan trọng, bởi vì Thiên Chúa sẽ chuyển nó thành điều tốt đẹp.

 

Mấy Điều Nên Nhớ

 

1. Mức độ “cựa quậy” có thể được coi như sự phản hồi tại chỗ rất hữu ích

Các bài giảng thường bắt đầu với zêrô độ cựa quậy nơi cử toạ. Một bài giảng tốt sẽ giữ nguyên mức độ này từ đầu đến cuối.[3]

Nếu mức độ cựa quậy bắt đầu vọt lên trên zêrô, ngay cả dù nó không vượt quá mức trung bình, chúng ta cũng có thể chắc rằng có vấn đề gì đó với bài giảng: quá dài, quá trừu tượng, quá nhiều ý tưởng, không nối kết với cuộc sống, không có chiều sâu, vv. Một kỳ vọng hợp lý, đó là mọi bài giảng nên giữ được độ cựa quậy nơi người nghe ở mức zêrô từ đầu tới cuối. Nếu lúc này lúc khác chúng ta không giữ được sự yên tĩnh ấy, thì cũng không sao – nhưng nếu điều này thường xảy ra, chúng ta cần nghiêm túc coi lại cách giảng của mình.

 

2. Thỉnh thoảng chúng ta nên ghi âm bài giảng của mình, chờ ba hay bốn ngày sau sẽ nghe lại

Đây là cách để nhận phản hồi tốt từ chính chúng ta. Một trong những điều hữu ích nhất của chương trình Saginaw là việc chúng tôi lắng nghe các băng ghi âm bài giảng của chính mình. Phần đông trong chúng ta hiếm khi làm thế.

Khi tôi nghe lại một bài giảng nào đó của mình mà tôi vốn nghĩ là rất tốt, nó thường hoá ra chẳng tốt như tôi tưởng. Mọi sự dường như thật sáng sủa với tôi khi tôi giảng, bởi vì tôi biết chính xác mình muốn nói gì. Nhưng sau vài ngày, mọi sự không còn tươi nguyên trong trí nữa, tôi nghe bài giảng ấy như thể một người khác đang nghe. Tôi khám phá rằng cách mình khai triển còn nhiều chỗ phải được điều chỉnh. Đó có thể là một bài giảng tốt, nhưng không tốt như tôi vẫn nghĩ. Tôi đã học được rất nhiều từ việc lắng nghe các bài giảng của chính mình, và nhận ra rằng đôi khi chúng thật đáng thất vọng.

Cũng rất hữu ích nếu thỉnh thoảng ta viết bài giảng của mình ra theo băng ghi âm. Bản văn phải phản ảnh trung thực mọi từ ngữ được dùng, với những câu nói nửa chừng và những cụm từ treo khơi khơi. Khi đọc lại, chúng ta sẽ nhận ra những ‘tật’ của mình mà mình không ý thức; chúng ta sẽ muốn thay đổi, và ta có thể thay đổi.

 

----------------------------------------------- 

Quả thật, những phản hồi tốt là cái gì vô giá ... và không dễ có được. 
 


[1]  Điều này cũng đúng đối với toàn bộ cuộc cử hành phụng vụ. Có lần tôi nghe ai đó nói rất hay rằng nếu chúng ta muốn sự phản hồi ngay lập tức thì có nghĩa rằng chúng ta không muốn phụng vụ. Phụng vụ tác động về lâu về dài. Nó chạm đến chỗ thâm sâu trong hữu thể chúng ta. Một phản hồi ngay lập tức không luôn luôn nói lên được điều gì.

[2] Điều này thường đúng đối với các chuyên viên giảng thuyết với một sứ điệp ‘đóng hộp’ sẵn. Các vị này có thể rất gây ấn tượng, kể những câu chuyện đông tây kim cổ, thôi miên người ta bằng đủ mọi thứ hấp dẫn, và mọi người bị lôi cuốn vào bài giảng. Nhưng ngay cả dù người ta ghi nhớ, sự ghi nhớ ấy có ích lợi thiết thực cho họ hay không là một chuyện khác.

 

[3] Tôi không bao gồm ở đây những tiếng kêu hay tiếng khóc của trẻ con: Đây không phải là chỗ để bàn về vấn đề này, nhưng quả đó là một vấn đề. Những giáo dân mà tôi gửi các băng ghi âm bài giảng của nhóm chúng tôi đã ghi nhận rằng những âm thanh như vậy thường cản trở bài giảng và làm cho việc lắng nghe trở thành khó khăn. Càng nghiêm trọng hơn khi nó cản trở cộng đoàn đón nhận các Bài Đọc, Kinh Nguyện Thánh Thể, hay những khoảnh khắc thinh lặng quí báu trong Thánh Lễ. Tôi không muốn nói đến những tiếng kêu khóc bất chợt, thi thoảng mới xảy ra, của một em bé nào đó. Chỉ trở thành vấn đề khi sự việc cứ tiếp tục diễn ra. Loại vấn đề này được phát hiện trong 25 phần trăm các băng ghi âm. Cần phải nghiêm túc đặt vấn đề này ra, nhưng dĩ nhiên không phải là đặt ra ở đây.

Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!