.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời Giới Thiệu

Đôi Dòng Về Tác Giả

1. Kinh nghiệm góp nhặt trên đường đời tôi

2. Ánh sáng chói loà của Thánh Kinh

3. Nhận hiểu ý nghĩa và mục đích sâu xa hơn của ơn gọi Linh Mục

4. Chức Linh Mục trong buổi ban đầu

5. Khuôn mặt người Linh Mục qua giòng lịch sử

6. Chức Linh Mục và đời sống chủng viện theo mẫu thức TRIĐENTINÔ

7. Những vấn nạn xung quanh vấn đề độc thân

8. Khuôn mặt Linh Mục thời công đồng và sau công đồng

9. Dự đoán tương lai của ơn gọi Linh Mục

10. Những con vật trên tàu NÔ-E hôm nay

11. Này tôi là nữ tì của Đức Chúa!

lời nguyện đúc kết

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
GIÁO HỘI CẦN LOẠI LINH MỤC NÀO?

       Lm Giuse Lê Công Đức chuyển ngữ từ bản tiếng Anh:

PRIESTHOOD IMPERILED,

A Critical Examination Of The Ministry In The Catholic Church

Của: BERNARD HARING, C.SS.R.

 

Lời Tựa

Cả đời linh mục của mình, tôi đã suy tư, giảng dạy và viết về câu hỏi: Giáo Hội cần đến loại luân lý và loại thần học luân lý nào? Quan điểm của tôi về vấn đề luân lý đã luôn luôn nhận ảnh hưởng từ – và luôn luôn được hiểu trong – bối cảnh rộng lớn hơn của một câu hỏi căn bản khác: Thế giới của chúng ta hiện tại và tương lai cần đến loại Giáo Hội nào? Gắn không rời hai câu hỏi nền tảng ấy là một câu hỏi thứ ba: Giáo Hội và thế giới của chúng ta cần đến loại sứ vụ nào?

Bởi vì tôi đã làm linh mục một cách vui vẻ và tận tình trong 56[1] năm qua và bởi vì trong phần lớn thời gian ấy, tôi đã đảm nhận công việc giảng dạy cho các linh mục và các chủng sinh, nên tôi được thúc đẩy – như một bổn phận – phải suy tư về loại linh mục mà tôi tin rằng Đức Giêsu đã mường tượng cho Giáo Hội trong sứ mạng thể hiện và loan báo sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới chúng ta.

Trong thực tế và một cách cốt yếu, tôi đã phải đương đầu và trải qua những thay đổi rất quan trọng trong việc đào tạo linh mục qua ngần ấy tháng năm – đồng thời tôi cũng đã giúp bao người khác đương đầu và trải qua như vậy. Trong tiến trình đó, tôi không thể không suy nghĩ lại hình ảnh của chức linh mục cho thời đại chúng ta. Vì thế, khi tuổi đời mình đã xế chiều, có lẽ là thích hợp việc tôi cố gắng – qua tập sách nhỏ này – đưa ra lời chứng và chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các anh em linh mục hôm nay và tương lai, cũng như cho tất cả các Kitôhữu là những người thi hành sứ vụ của mình trong Giáo Hội và trong thế giới.

Hơn nữa, tôi vuốt ve hy vọng rằng các Kitôhữu trưởng thành dấn thân trong sứ mạng và trong các sứ vụ của Giáo Hội - và tất cả những ai quan tâm sâu sắc đến chức linh mục - cũng sẽ đọc tập sách này. Tôi nói lên điều đó vì hai lý do. Thứ nhất, tập sách này sẽ tập chú vào ơn gọi linh mục chủ yếu từ nhãn quan ơn gọi căn bản của mọi Kitôhữu đã lãnh nhận Phép Rửa. Thứ hai, người linh mục không thể thực sự nhận hiểu ơn gọi chuyên biệt của mình nếu không có một nhận thức đúng mức và một lòng kính trọng sâu sắc đối với ơn gọi vừa cao cả vừa đầy thách đố của mọi Kitôhữu; cũng vậy, một điều rõ ràng không kém là tất cả các Kitôhữu dấn thân đích thực cần phải nhận hiểu sâu hơn, toàn triệt hơn về ý nghĩa của sứ vụ – để họ có thể sống triệt để và trân trọng đúng mức ơn gọi vừa phổ quát vừa độc đáo của họ.

Thần học luân lý thiết yếu phải suy tư về tất cả các nguồn thần học chính yếu, thì cũng vậy, quả là thiết thực việc chúng ta suy tư về chức linh mục Kitô giáo với cùng một cách thế tương tự. Tất nhiên, công việc suy tư này sẽ tùy thuộc vào một nhãn quan về nhân loại học, về những hình ảnh của Thiên Chúa và con người tương hợp cho thời đại chúng ta, về bản chất và sứ mạng của Giáo Hội... Đành rằng các suy tư thần học và cuộc hành trình không ngừng kiếm tìm sự thật của tôi có hàm chứa các kinh nghiệm bản thân mà tôi đã sống trong các bối cảnh khác nhau qua ngần ấy tháng năm, thì kỳ thực chúng vẫn được khơi lên bởi - và được cắm rễ trong - điều mà tôi cho là một khởi điểm tất yếu, đó là nhãn quan của Đức Giêsu như chúng ta khám phá thấy trong Thánh Kinh và trong truyền thống sống động của chúng ta, một truyền thống vừa lâu dài vừa phức tạp. Hai nguồn tri thức và khôn ngoan ấy phục vụ như một xúc tác giúp chúng ta biện phân: 1/ Thiên Chúa đòi hỏi những gì đối với con người linh mục? – và, 2/ Bằng cách nào chúng ta sẽ nhận diện được sự đòi hỏi đó cho hôm nay và tương lai?

Tôi không phủ nhận rằng mình cũng hơi sợ và âu lo khi dám chia sẻ những hy vọng, những cố gắng, những ước mơ và những xác tín riêng của mình với bạn. Thế nhưng, dù lo sợ, tôi vẫn tin rằng mình có lý do chính đáng để chia sẻ. Những giấc mơ của tôi, nếu chỉ được một mình tôi ôm ấp, sẽ vẫn cứ là những giấc mơ suông, nhưng nếu được chia sẻ bởi hàng triệu con người có khả năng hiện thực hóa chúng, thì chúng có thể xác lập một mức đáng kể tương lai của đời sống và sứ vụ linh mục. Thật vậy, các suy tư của tôi - được chia sẻ cho người ta thuộc nhiều ngôn ngữ và văn hóa khác nhau - đã trở thành một phương tiện giúp tôi tinh lọc các tư tưởng của mình, cũng như giúp tôi nhận định rõ và đo lường những chọn lựa dấn thân của mình. Tiến trình đó đã dẫn tôi đến chỗ tin tưởng sâu xa hơn rằng Giáo Hội và thế giới của chúng ta đang khẩn thiết cần biết hy vọng và biết nhìn một cách can đảm. Nói chung, Giáo Hội trong thế giới hôm nay cũng cần một công luận lành mạnh, không bị bưng bít và có sức chữa trị nữa.

Hồi tôi bước vào đời linh mục, mối quan hệ giữa linh mục và giáo dân có thể được đúc kết trong những dấu hỏi như sau: Các linh mục săn sóc dân Thiên Chúa như thế nào? Và bằng cách nào các ngài có thể vận động để các tín hữu hợp tác với các ngài? Tuy nhiên, ngày nay, mẫu thức làm việc là một mẫu thức mang tính hỗ tương và cộng tác, nó khơi lên một câu hỏi khác hẳn: Các linh mục cộng tác như thế nào cả với giám mục của mình lẫn với anh chị em giáo dân? Từ lăng kính này tôi đã mường tượng một chức linh mục cũng rất khác! Tôi thấy tất cả chúng ta cùng tìm kiếm với nhau trong một tinh thần tra vấn nhau để nhận hiểu hơn về quyền năng và ân sủng cứu độ của Thiên Chúa đối với Giáo Hội và thế giới.

Cuối cùng, xin chân thành cám ơn Joyce Gadoua, CSJ, đã tích cực cộng tác trong việc thực hiện bản dịch tiếng Anh của tập sách này.

BERNARD HARING, C.SS.R.



Tác giả: Lm Giuse Lê Công Đức (Nguyên tác : Lm. BERNARD HARING, C.SS.R.)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!