Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 53, Chúa Nhật 04.11.2007


 CÁC SỐ BÁO ĐÃ PHÁT HÀNH                MỤC LỤC 

Một Vài Bổn Phận Cấp Bách Của Kitô Hữu Ðối Với Văn Hóa                    Gaudium Et Spes

CHIA SẺ SỰ CÔ ĐỘC CỦA CHÚA KITÔ                                            Đình Chẩn chuyển ngữ

Tác phẩm Cầu Nguyện Cá Nhân                                     Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy

Vĩnh biệt Nhà thơ Cao Hồng Ngự                                                              Bosco Thiện-Ban

SỐNG TRỌN VẸN                                                                           Hương Vĩnh chuyển ngữ

TỪ TỪ HUẤN LUYỆN                                                                              Lm. Lê Văn Quảng

CÔNG CHÍNH VÀ TỘI LỖI                                                                   Pm. Cao Huy Hoàng

NGƯỜI THU GOM XÁC CHẾT TRONG THỜI BÌNH                                        Anmai, C.Ss.R.

Con Đặt Đâu Cha Mẹ Ngồi Đó                                                                     Nguyễn Duy-An

Chứng Ợ Chua                                                                                    Bác sỹ Nguyễn Ý-Đức

THÂN PHẬN ĐỜN ÔNG                                                              Chuyện phiếm của Gã Siêu


Một Vài Bổn Phận Cấp Bách Của Kitô Hữu Ðối Với Văn Hóa

 

Chương II

Cổ Võ Việc Phát triển Văn Hóa

 

Ðoạn 3: Một Vài Bổn Phận Cấp Bách Của Kitô Hữu Ðối Với Văn Hóa

60. Phải nhìn nhận và thực thi quyền thụ hưởng văn hóa của mọi người. Vì ngày nay, con người có đủ khả năng giải thoát một phần lớn nhân loại khỏi nạn ngu dốt, nên bổn phận thích đáng nhất của thời đại này, nhất là đối với các Kitô hữu, trong lãnh vực kinh tế cũng như chính trị, trong phạm vi quốc gia cũng như quốc tế, là đem hết nỗ lực để khẳng định những nguyên tắc căn bản bắt buộc mọi người phải thừa nhận và thực thi quyền hưởng thụ văn hóa của mọi người trên thế giới, vì đó là quyền phù hợp với phẩm giá con người, không phân biệt chủng tộc, nam nữ, quốc gia, tôn giáo và giai cấp xã hội. Do đó, phải làm sao cho mỗi người có được một số vốn liếng văn hóa đầy đủ, nhâᴠlà văn hóa căn bản, để một số lớn nhân loại không còn mù chữ hay thiếu sáng kiến trách nhiệm mà không thể cộng tác vào lợi ích chung đúng với danh nghĩa con người.

Bởi thế, phải gắng sức làm cho những người có khả năng được theo học các bậc cao đẳng; và nếu có thể được, liệu cho họ đạt được những chức vụ và giữ những vai trò mà họ có thể phục vụ trong xã hội tùy theo sở trường và năng khiếu họ đã thâu thập được 11. Như thế, mọi người và mọi tầng lớp xã hội thuộc mọi dân tộc đều có thể phát triển trọn vẹn đời sống văn hóa phù hợp với tài năng và truyền thống của mình.

Hơn nữa, cũng cần cổ động cho mọi người ý thức về quyền thụ hưởng văn hóa cùng bổn phận trau luyện bản thân và hỗ trợ người khác. Dĩ nhiên, đôi khi vốn còn có những hoàn cảnh sinh sống và làm việc cản trở các cố gắng phát huy văn hóa và làm cùn nhụt nghị lực của con người; nhưng đặc biệt, đối với nông dân và thợ thuyền, cần phải đem lại cho họ những điều kiện thực hành công việc của họ, để khuyến khích họ hơn là ngăn cản họ trao đổi văn hóa. Nữ giới đã tham gia vào hầu hết mọi ngành sinh hoạt, nên cũng phải liệu cho họ đảm trách toàn vẹn những chức vụ phù hợp với khả năng riêng của họ. Bổn phận của tất cả mọi người là thừa nhận và cổ võ sự tham gia đặc biệt và cần thiết của nữ giới trong sinh hoạt văn hóa 72*.

61. Giáo dục văn hóa toàn diện cho con người. Ngày nay, tổng hợp được các kiến thức thuộc mọi môn, mọi ngành là một việc khó hơn bao giờ hết. Thực thế, càng ngày các yếu tố cấu tạo văn hóa càng gia tăng và khác biệt, trong khi đó, nơi mỗi người, khả năng thâu nhận và tổng hợp các yếu tố ấy lại suy giảm, đến nỗi hình ảnh "con người bách khoa" mờ dần. Tuy nhiên, mỗi người đều còn có bổn phận bảo tồn nhân vị toàn diện của mình, với những giá trị trổi vượt của trí tuệ, ý chí, lương tri và tình huynh đệ. Tất cả những giá trị này đều do Thiên Chúa tạo dựng, được sửa trị và nâng cao một cách kỳ diệu trong Chúa Kitô 73*.

Trước tiên, gia đình như một người mẹ và người vú của nền giáo dục này, bởi vì trong gia đình, con cái được tình yêu ấp ủ sẽ khám phá ra các bậc thang giá trị một cách dễ dàng hơn, đồng thời càng lớn, những người trẻ càng như tự nhiên thấm nhuần những khuôn mẫu văn hóa khác biệt sẵn có.

Xã hội ngày nay cũng có những phương tiện thích hợp cho công cuộc giáo dục này. Nhất là nhờ việc phổ biến sách báo càng ngày càng lan rộng và những phương tiện truyền thông văn hóa xã hội mà văn hóa được phổ biến dễ dàng. Thực thế, nhờ giảm bớt phần nào thời giờ làm việc, nhiều người sẽ có dịp để trau giồi văn hóa. Do đó, phải biết dùng thời giờ nhàn rỗi để bổ dưỡng tâm trí và thể xác, như giải trí lành mạnh, học hỏi; du lịch những miền xa lạ sẽ giúp cho trí óc mở mang, và nhờ hiểu biết lẫn nhau con người được thêm phong phú; thể dục và các hoạt động thể thao giúp chúng ta giữ được quân bình trong tâm hồn của mỗi cá nhân cũng như của xã hội, và giúp chúng ta thiết lập được các mối bang giao huynh đệ giữa mọi người không phân biệt giai cấp, quốc gia hay chủng tộc. Vì thế, các Kitô hữu phải cộng tác vào việc đem tinh thần nhân bản và Kitô giáo thấm nhuần các sinh hoạt văn hóa tập thể, là những sinh hoạt đặc biệt của thời đại chúng ta.

Tuy nhiên, những phương tiện trên sẽ không đem lại một nền giáo dục văn hóa toàn diện cho con người nếu đồng thời con người không tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của văn hóa và khoa học đối với con người.

62. Phối hợp văn hóa nhân loại với Kitô giáo. Mặc dù Giáo Hội đã đóng góp nhiều vào sự phát triển văn hóa, tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy, vì những lý do nhất thời mà sự phối hợp giữa văn hóa và Kitô giáo không phải lúc nào cũng diễn tiến mà không gặp trở ngại.

Những trở ngại này không nhất thiết làm tổn thương đời sống đức tin, trái lại, còn có thể thúc đẩy lý trí tìm hiểu đức tin một cách chính xác và sâu rộng hơn. Thực thế, những cuộc nghiên cứu và những phát sinh gần đây của khoa học cũng như của sử học và triết học khơi lên những vấn đề mới liên hệ đến chính cuộc sống. Chúng đòi hỏi các nhà thần học vẫn phải tìm tòi những nghiên cứu mới nữa. Do đó, khi trung thành với những phương pháp và đòi hỏi riêng biệt của khoa thần học, các nhà thần học được mời gọi luôn tìm kiếm một phương thức thích ứng hơn để truyền thông giáo lý cho người đương thời: vì một đàng là kho tàng đức tin các chân lý, một đàng là phương thức diễn đạt kho tàng đó miễn sao giữ vững đúng ý nghĩa và nội dung 12. Trong phạm vi mục vụ, phải thấu triệt và áp dụng không những các nguyên tắc thần học, nhưng cả những phát minh của các khoa học "đời", nhất là khoa tâm lý và xã hội học. Như thế, các tín hữu cũng sẽ nuôi dưỡng được một đời sống đức tin tinh ròng và trưởng thành hơn.

Văn chương và nghệ thuật cũng theo thể cách riêng mà giữ một vai trò quan trọng trong đời sống Giáo Hội. Thực thế, văn chương và nghệ thuật tìm cách diễn tả đặc tính riêng của con người cũng như các vấn đề và kinh nghiệm của con người trong nỗ lực nhận biết và hoàn thiện chính mình cũng như cả thế giới; văn chương và nghệ thuật cũng cố gắng khám phá vị trí của con người trong lịch sử và vũ trụ, phơi bày những đau khổ và vui mừng, những nhu cầu và nghị lực của con người, lại cố gắng phác họa một vận hội khả quan hơn cho con người. Như thế, văn chương và nghệ thuật có thể nâng cao đời sống nhân loại, được diễn tả dưới nhiều hình thức, tùy từng thời và từng miền khác nhau.

Vậy nên, cần phải làm sao để các văn nghệ sĩ cảm thấy rằng Giáo Hội đang lưu tâm đến hoạt động của họ và một khi được hưởng tự do đúng mức, họ có thể trao đổi với cộng đoàn Kitô hữu dễ dàng hơn. Giáo Hội cũng phải công nhận những hình thức nghệ thuật mới, thích hợp với thời đại chúng ta, tùy theo bản chất của từng dân tộc, từng địa phương. Cũng nên đem vào nơi phượng tự những hình thức mới này, một khi với lối diễn tả thích nghi và phù hợp với phụng vụ, chúng giúp con người nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa 13.

Như thế, danh Chúa được biểu dương, việc rao giảng Phúc Âm trở thành dễ hiểu hơn, và như hàm chứa sẵn trong cảnh sống của con người.

Bởi vậy, các tín hữu phải sống liên kết hết sức chặt chẽ với những người đương thời và để tâm tìm hiểu tường tận lối suy tư và cảm nghĩ đã được diễn tả qua những tinh hoa văn hóa riêng của họ. Các tín hữu phải phối hợp những kiến thức khoa học và học thuyết mới cũng như những phát minh mới mẻ với nền luân lý và giáo lý Kitô giáo. Nhờ đó, đời sống đạo và tâm hồn chính trực của họ lớn lên song hành với kiến thức khoa học và kỹ thuật mỗi ngày một tiến bộ. Như vậy, họ có thể nhận định và giải thích mọi sự với lối cảm nghĩ hoàn toàn Kitô giáo.

Những vị chuyên khoa thần học trong các Chủng Viện và Ðại Học nên cố gắng đem năng lực và quan điểm cộng tác với những người am tường các khoa học khác. Ðồng thời, công cuộc nghiên cứu thần học nhằm đào sâu chân lý mạc khải không được khinh thường mối liên hệ của thần học đối với thời đại của mình. Có vậy, các nhà thần học mới có thể giúp những nhà chuyên môn trong các bộ môn khác hiểu biết đức tin đầy đủ hơn. Những công cuộc hợp tác này sẽ giúp ích nhiều cho việc đào tạo các thừa tác viên có chức vụ thánh. Họ có thể dẫn giải giáo lý về Thiên Chúa, về con người và thế giới một cách thích hợp với thời đại chúng ta hơn; nhờ đó, lời họ giảng cũng được đón nhận dễ dàng hơn 14. Mong cho có nhiều giáo dân được huấn luyện thích đáng về các khoa học thánh, và ước sao một số chuyên tâm học hỏi và đào sâu những môn học này. Tuy nhiên, để họ có thể làm tròn bổn phận của mình, cần phải thừa nhận cho tín hữu hoặc giáo sĩ hoặc giáo dân một sự tự do đầy đủ để nghiên cứu, suy tư, cũng như để khiêm tốn và can đảm trình bày quan điểm trong lãnh vực chuyên môn của họ 15. 74*

 


Chú Thích:

(lưu ý: những số ghi chú nhỏ hơn đã được đăng vào những số báo trước)

72* Với chế độ dân chủ, nữ giới bắt đầu đòi bình quyền với nam giới. Phong trào thoát ly hoàn toàn của nữ giới: về phương diện sinh vật học (không làm nô lệ cho hôn nhân và việc sinh nở), về kinh tế (có toàn quyền bất chấp ý kiến của người chồng), về xã hội (hình thức đàn bà nội trợ phải biến đi). Phong trào này một khi có tính cách tuyệt đối đến nỗi bỏ quên sự khác biệt giữa hai giới nam và nữ không những về sinh vật lý mà còn về tâm lý, lúc ấy nó trái ngược với chính phẩm giá của phụ nữ và làm hại cho gia đình, xã hội. Công đồng đã nhấn mạnh sự bình đẳng về nhân quyền căn bản (số 29b) và ở đây không những chấp nhận sự thoát ly xã hội (về việc làm thích hợp với tài năng của họ) mà còn dạy mọi người phải cộng tác để phụ nữ góp phần riêng và cần thiết trong lãnh vực văn hóa. Lãnh vực văn hóa cũng bao gồm hoạt động chính trị! Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã nhắc lại rằng ơn thiên triệu chính của đàn bà cốt tại việc làm mẹ (cũng có thể mang ý nghĩa thiêng liêng). Công việc ở ngoài gia đình có thể ngăn cản họ trong việc nuôi nấng, giáo dục con cái và sống đầm ấm với chồng. Ðàng khác hoạt động xã hội của phụ nữ nhiều khi cần thiết vì ích chung (ví dụ để bảo vệ hay cổ võ ích lợi của gia đình) và phẩm giá của giới phụ nữ cũng đòi hỏi họ góp phần vào ích lợi chung. Ðặc biệt những phụ nữ không chồng không con, có thể dấn thân để thực hành nhiều công việc xã hội và chính trị nữa (15-8-1945: AAS 37, 288 và 21-10-1945: AAS 37).

73* Ngày nay sự sai biệt giữa người học thức và kẻ dốt nát ở trong một dân tộc nào đó thật đáng sợ, nhưng sự sai biệt nơi một cá nhân giữa sự học biết thật cao trong một lãnh vực và sự dốt nát hoàn toàn về phương diện khác của văn hóa, điều đó lại càng đáng sợ hơn nữa! Nếu trong lãnh vực lý học, toán học, y học, v.v... thực có uy thế, nhưng đồng thời lại chẳng hiểu gì về văn chương... hay về tôn giáo, thì như vậy con người đã không phát triển các điều hòa. Phải phát triển các khả năng: trí tuệ, ý chí, ký ức, sức tưởng tượng tình cảm, lương tri... một cách quân bình.

74* Trong số này Công Ðồng diễn tả lại thái độ của Giáo Hội (thái độ Giáo Hội muốn có, hơn là thái độ đã có qua lịch sử) đối với tất cả các biểu hiện của văn hóa (Công Ðồng nhắc lại thần học, văn chương và mỹ thuật như là ví dụ). Ðó là thái độ thiện cảm biết khám phá những giá trị tích cực hơn là chỉ để ý đến những khó khăn và mối nguy hại; thái độ muốn dự phần và thấu hiểu để nhận thấy những khía cạnh văn hóa thích hợp với giáo lý thế nào; thái độ đối thoại trong bầu không khí tự do, loại bỏ lòng nghi ngờ đối với những ai chuyên môn về nghiên cứu (đặc biệt trong lãnh vực thần học).

 

VỀ MỤC LỤC
Tác phẩm Tâm Thư Gởi Các Linh Mục (tiếp theo)

 

Nguyên tác: ”Lettres d’amour aux prêtres” –  “Thư tình gửi các Linh mục”

của Catherine DE HUECK DOHERTY

Người chuyển ngữ, Đình Chẩn.

 

CHƯƠNG II

CHIA SẺ SỰ CÔ ĐỘC CỦA CHÚA KITÔ

Giờ đây con muốn nói với các cha về thảm kịch khủng khiếp mà các cha để lại khi rời bỏ sứ vụ của mình. Ôi, con chẳng muốn can dự vào việc của người khác làm gì dù là việc của ai đi nữa, ngay cả khi con có dịp, vì con dám chắc rằng, mỗi người đều đưa ra quyết định riêng cho mình trước Thánh thể và trước ánh sáng của Thánh Thần. Nhưng, thưa các cha kính yêu, xin các cha hãy coi con chỉ là một người bình thường sống và làm việc giữa những người dân bình thường. Con muốn làm chứng cho các cha về những giọt nước mắt mà họ đã rơi khi nghe nói :”Người đã ra đi “, về những lời cầu nguyện mà họ dâng lên Thiên Chúa; về sự cô đơn ghê gớm bất ngờ đổ ập xuống các giáo xứ khi cha xứ họ ra đi. 

Con còn nhớ ngày mà chẳng còn Linh mục nào ở Petrograd. Ngay lúc đầu của cuộc cách mạng khi mà mọi thứ còn quá bấp bênh, người ta truy lùng các Linh mục và rất nhiều người khác. Những thủ lĩnh Do thái Giáo, các Mục sư các Linh mục chính Thống, tất cả đều bị xử bắn hoặc mất tích.

Duy chỉ còn một xứ đạo công giáo vẫn còn tồn tại và những người trong số chúng con chứng kiến cảnh đó đã được tham dự một Thánh lễ vào lúc nửa đêm, một Thánh Lễ thật ngắn nhưng cũng là một Thánh Lễ. Một hôm, cha xứ vừa truyền phép Thánh Thể xong và đang đặt trên bàn thờ, cửa nhà thờ vẫn mở, một khẩu súng bất ngờ chĩa vào cha, Chén Thánh bị đổ, còn cha thì ngã vật xuống, tức thì Mình Thánh lăn từ trên bàn thờ xuống nền nhà. Sau đó, hai tên lính tiến lại gần dẫm đạp lên Mình Thánh rồi quay lại hỏi chúng con:” Chúa các ngươi ở đâu?  Dước chân chúng tao đây này!”

Một cụ già thưa: Lạy Chúa, xin tha cho chúng, ngay cả khi chúng biết việc chúng đang làm”. Không biết vì ngượng hay vì sợ mà hai tên lính bỏ ra khỏi nhà thờ. Cụ già cho chúng con rước lễ phần còn lại. Cụ lấy nước phép rửa chỗ bị ô uế và sau đó chúng con mai táng cha xứ. 

Thế là chẳng còn một ai! Không còn một ai để nghe chúng con xưng tội. Không còn ai ban cho chúng con Thánh Thể và bí tích cuối cùng cho kẻ liệt. Ai đã trải qua thảm kịch như thế biết rằng không có Linh mục sẽ khổ đến chừng nào. Con đã không muốn sống để chứng kiến ngày mà các nhà Thờ bị đóng cửa, ngày mà các tu viện phải bán đi vì thiếu ơn gọi và vì sự ra đi của các tu sỹ.

Ôi các cha kính mến, con không hề có một chút gì gọi là chỉ trích hay là lên án nào. Không, không hề có cái đó. Tất cả những gì con có thể làm là cầu nguyện và khóc. Người dân Nga tin vào sức mạnh của nước mắt hơn là ơn ngôn ngữ, dù thế nào họ cũng chấp nhận điều đó, vì chúng con nói rằng nước mắt thanh tẩy bao điều trong con người chúng con, trong người khác và thế giới. Lời cầu nguyện của con bền bỉ không ngừng. Con không ngại nói công khai rằng đó là lời cầu nguyện của niềm tin. Con cầu xin để Chúa  mau ban những Linh mục thay thế những người đã ra đi. Con cầu xin cho những người đã ra đi mau tìm được bình an hoặc quay trở về nếu có thể.

Vâng, con không ngừng cầu xin Chúa nhanh ban các Linh mục thay thế những người đã ra đi.Nhưng thưa cha, còn bao điều khác nữa mà con muốn nói với cha: Con muốn chia sẻ sự cô đơn của các cha. Con muốn chia sẻ sự cô đơn của các cha, bởi đó là một trong những lý do mà các cha thiếu lòng tin, chống lại bao điều, và chừng nào các cha tiến sâu trong Thiên chức Linh mục, các cha càng cảm thấy rõ sự cô đơn. Trước đây, con có sáng tác một bài thơ nói về sự cô đơn bởi con cũng cô đơn. Tất nhiên, con không chia sẻ cuộc sống nơi nhà xứ của các cha, hay ở những nơi khác mà các cha sống, dẫu sao con cũng  cảm nhận được sự cô đơn của các cha. Con muốn tặng cha bài thơ này. Có thể nó sẽ mang đến cho cha một chút an ủi hoặc có thể không. Nhưng qua đó, con muốn nói với cha rằng con chia sẻ sự cô đơn của các cha.

 

Tối như đêm đen,

Là nỗi đau của Chúa.

Tối như đêm đen,

Và cô độc như đêm.

 

Lạnh lùng như đêm đen,

Và cô quạnh như đêm đen,

Chúa Kitô thầm lặng.

 

Đằng đẵng như đêm đen,

Và vô tận như đêm,

Nỗi đau Người gánh chịu.

 

Ngày còn đang xa cách,

Lẩn tránh và sợ sệt.

Bởi hôm đó là ngày:

U ám như màn đêm,

Bởi màn đêm chứa đựng:

Nỗi đau  Chúa Giêsu.

 

Đau thương và nước mắt,

Hoà nhập cùng niềm vui,

Nên chẳng muốn xa rời,

Đài hoa đêm đen ơi!

Bạn có muốn ngỏ lời,

Với trái tim yêu thương,

Qua cái nhìn vương lệ,

Qua tiếng vọng thở dài,

Và một nỗi đau hoài,

Để Người có thể:

Lau khô nước mắt,

Chia sớt buồn đau,

Và lấy lại hơi thở,

Như điệp khúc không ngừng?

 

Nhưng màn đêm bất động,

Trầm lặng,

Ôm tất cả trong mình,

Và thực tình không muốn:

Tiết lộ ra bí mật

Của Đức Vua muôn vua.

 

Chỉ còn một con đường,

Cho trái tim yêu thương,

Là bước vào đêm trường,

Khóc như người đã khóc,

Cùng than thở với Người,

Và một nỗi đau hoài.

Màn đêm đen ơi!

Bạn có muốn mở lòng:

Đón trái tim yêu thương?

Và cửa lòng đã mở:

Đón trái tim yêu thương,

Vào đêm trường cô vắng.

Rồi ôm Người thật chặt,

Nhưng tự do khắp nơi,

Đêm dài vô tận ơi!

Ôm nỗi đau của Người.

 

Đêm nay thâu tóm hết,

Mọi đêm của muôn đời.

Đêm nay-đêm chờ đợi,

Đêm nay –đêm chứng kiến,

Vườn Giet si ma ni.

 

Đêm ơi bạn có muốn:

Đỡ trái tim yêu thương,

Và đón nhận vào lòng?

Đêm ơi đêm có muốn:

Cho tim nơi ẩn náu,

Khỏi cái nhìn người đời.

Nhưng che làm sao nổi,

Bởi vì Người bị treo!

Trần truồng và cô độc,

Trên thân cây Thập tự.

Một vị Vua như thế,

 “Trễm trệ” trên ngai vàng,

Giữa trưa chiều trời sáng,

Chỉ còn có bóng đêm,

Che cho Người bớt thẹn.

 

Ôi trái tim yêu thương!

Ôm lấy chân Thập tự,

Giữa ban trưa nóng bức,

Mà đêm tối bủa vây.

Người chẳng còn nhìn thấy,

Nhưng Người biết máu rơi.

Máu tươi giội xuống đất,

Một vài giọt rơi sượt,

Làm cho Người ngất ngây,

Và đêm đen cũng vậy.

 

Mãnh liệt như đêm đen,

Và cô quạnh như đêm,

Là nỗi đau của Chúa.

Sao không thể là khác?

Vì màn đêm chứa đựng:

Nỗi đau đớn của Người. 

Vâng, các cha kính mến, cha cũng sẽ như vậy. Đôi khi cha đi trong đêm tối vì cha bước đi trong đêm tối cũng như giữa ban ngày , trong đau thương và trong niềm vui. 

“Tối như đêm đen là nỗi đau của Chúa Kitô. Nỗi đau của cha cũng vậy. Cũng tối như đêm đen và cô độc như đêm. Cha cũng vậy. Lạnh lùng như đêm đen và cô quạnh như đêm đen, Chúa âm thầm chịu đựng. Và cha cũng phải cảm nhận cách đặc biệt sự im lặng đến lạnh lùng của Chúa, vì chính lúc các cha tín thác, lúc các cha cần đến Người thì Người lại có vẻ như vắng mặt.

“Dài như đêm đen là sự đau đớn của Đức Kitô, cũng dài như đêm đen và vô tận như đêm !” Đối với cha điều đó cũng tương tự. Sự cô đơn  sẽ còn mãi với thời gian qua các thế kỷ, các thế hệ Linh mục còn cảm nhận được điều đó. 

Có một lần con mơ thấy mình bị lạc vào trong một tu viện dòng Trappiste, lúc đó đêm đã về khuya, con đi qua chỗ các thầy dòng đang ngủ. Các ngài không biết rằng con ở đó, giấc mơ của con chỉ có vậy. Nhưng khi con đến mỗi phòng riêng con đã biết được : Chỗ thì thầy này đang khóc, nước mắt còn ướt trên khuân mặt. Chỗ thì thầy kia đang dằn vặt trong cơn ác mộng và đang phải chống lại cả ngàn lẻ một cơn cám dỗ của Satan. Con đã đi từ phòng này sang phòng khác nhưng không vào trong phòng nào cả; và từ mỗi căn phòng của các thầy toát ra sự cô độc đến ghê sợ mà con đang nói đến. Kể từ ngày đó con không ngừng cầu nguyện cho các tu sỹ Trappiste cũng như cho hết mọi người ở dòng tu khác. Đó là một giấc mơ lạ lùng; thực vậy, ít lâu sau đó, các tu sĩ dòng này đã tự thoát khỏi sự thinh lặng, bắt đầu ăn thịt và con tưởng tượng sự cô độc của họ còn ghê gớm hơn khi rời bỏ Trappiste và chịu gục ngã vì sự cô độc ấy.

Nhưng sự cô độc không chỉ có ở dòng Trappiste không mà thôi. Nó liên quan đến tất cả các tu viện, các Linh mục triều và tất cả mọi người. Con không lấy làm lạ khi các cha nói nhiều đến sự độc thân, nghĩ nhiều đến sự tham gia một cộng đoàn, tìm kiếm cảnh này hay cảnh khác để loại bỏ sự cô độc, sự cô độc của Chúa Kitô. 

“ Cũng dài như đêm đen, là những đau khổ của Đức Kitô- cũng dài và cũng vô tận”. Ai muốn đi vào đêm tối của Đức Kitô? Ai muốn mở lòng mình ra đón nhận những đau khổ vô tận này- một sự đòi hỏi lạ lùng mà Chúa muốn chúng ta, nhất là các Linh mục thi hành? Chúa Kitô yêu mến các Linh mục. Điều đó cũng cho thấy không thể hiểu được Chúa yêu các ngài ở điểm nào? Người yêu thương các Linh mục như những người anh em. Nhưng còn hơn thế nữa, Chúa yêu các Linh mục như  yêu chính Người. Bởi vì các cha thấy đấy Linh mục là Chúa Kitô  và Chúa Cha yêu thương các Linh mục bởi Người yêu thương Người Con của mình, và Người Con ấy luôn ở trong trái tim từng Linh mục. Chính vì vậy, Chúa Cha luôn ghé mắt nhân từ trên từng con tim với một tình yêu vượt trên tất cả, và Thánh Thần- Ngọn lửa yêu mến luôn hướng dẫn cha. Đối với các cha, mỗi ngày là một Đại Lễ Hiện Xuống. Thật là khó hiểu điều này nếu các cha nhìn mình theo nhãn quan của loài người. Giá như các cha có thể nhìn mình như Chúa Cha, Chúa Thánh Thần nhìn các cha.Vâng, cha đang chịu sự cô độc, nhưng thưa cha, cha có hiểu rằng cha đang chia sẻ sự cô độc với Chúa Kitô , với Ba Ngôi Đấng Thánh không? Trong vườn Giệtsimani các tông đồ đã ngủ hết nhưng Chúa Giêsu không ngủ. Ngài luôn ở bên cạnh các cha và Ngài chia sẻ sự cô độc của các cha. 

Cha kính mến, đã bao giờ cha nghĩ rằng cha cũng chia sẻ niềm vui của Người miễn là cha tìm niềm vui ấy không? Đôi khi người ta cố gắng chiếm niềm vui của người khác như một đứa trẻ cướp trái bóng của một đứa khác. Điều đó không thể được đối với các cha. Điều đó không thể được ở nơi các cha, bởi bàn tay của cha dựng nên không phải để làm những chuyện đó. Bàn tay cha để chúc phúc, để an ủi , để trao ban, để nắm lấy tay bệnh nhân giúp họ vững tin. Bàn tay của cha đã được xức Dầu Thánh! Dù cha có rửa tay hằng ngày hay mỗi ngày bao nhiêu lần đi chăng nữa, Dầu Thánh đã in dấu thiêng liêng không thể phai mờ đi được. Xin cha đừng nhìn theo trái bóng. Nhưng hãy nhìn theo Chúa Kitô: Chúa Kitô hài đồng , Chúa Kitô người trẻ, Chúa Kitô người trưởng thành, Chúa Kitô của chúng ta, Chúa Kitô- Đấng ngự trong các cha.

Thật là ngạc nhiên, thưa cha, dù con chỉ là một con chiên bình thường, nhưng khi được cha vào nhà con, hoặc con đến nhà cha, con cảm nhận được một niềm vui trọn vẹn như thể con đang ở bên cạnh Chúa Kitô hằng sống. Cha có nghĩ rằng con nói quá lời chăng? Ồ không, thưa cha, không quá lời chút nào! Theo cách hiểu nào đó, cha là  Chúa Kitô hằng sống. Người đã lên trời, nhưng Người yêu mến chúng ta - Thân thể mầu nhiệm của Người - còn Người là Đầu, Người không thể bỏ chúng ta được. Người cũng ở lại trong các cha. Cha có hiểu điều đó không? 

 Vâng, Người còn ở lại trong các cha, Người còn ở lại trong Hình Bánh và Hình Rượu, Người ở lại trong Thánh Thể. Người còn ở lại trong  các ảnh tượng Thánh và trong nhiều cách khác, nhưng nhất là trong Thánh Thể và trong các Linh mục. Chỉ có các cha mới có thể trao ban Thánh Thể. Không có Linh mục, không có Thánh Thể, xin cha đừng quên điều đó! Ở nhiều nơi trên thế giới, và ở nhiều thời con người sống không có Thánh Thể. Nhưng những ai là Kitô hữu thì luôn khao khát Thánh Thể. Một hôm, ở một giáo xứ kia không có lễ chủ nhật vì cha xứ bị bệnh không thể dâng lễ được nữa và cũng không thể tìm được một Linh mục khác để giúp cha. Ngài phải chứng kiến nỗi buồn trên khuôn mặt của con chiên trong xứ. Họ cầu nguyện cho ngài và xin Chúa mau sai Đấng khác đến. Thưa cha, cha có hiểu nỗi khổ khi lâu ngày không được rước Mình Máu Thánh như thế nào không? Điều đó nghĩa là người ta phải đi qua một sa mạc nhưng với những tia nắng chiếu rọi ngày đêm trên đầu cha.Vâng, nỗi khổ là thế đấy và còn hơn thế nữa. 

Xin cha đừng bị cuốn hút theo  “trái bóng” thuộc về ai đó. Nhưng hãy quy hướng về Thánh Tâm Chúa Giêsu- Là của cha khi cha cầu xin, là của cha khi cha cầu nguyện, là của cha khi cha khiêu vũ! Chúa Giêsu là người Do Thái. Người Do thái luôn luôn nhảy múa trong những nghi lễ truyền thống hoặc tôn giáo ( Gần đây khi con đến đất Thánh con đã thấy họ nhảy múa ở gần đền thờ) Cha hãy  hoà vào điệu nhảy của Chúa Giêsu. Hãy vào trong niềm vui của Người! Người sẽ vui sướng giang tay đón các cha. 

Có lẽ sự cô độc sẽ mãi đồng hành với cha nhưng khúc ca của Ba Đấng Thánh sẽ vang lên trong tâm hồn cha và cha có thể nhảy múa theo nhịp bài hát  đó. Một niềm vui khôn tả sẽ chiến thắng  sự cô độc. 

Sự cô độc được chia sẻ với Chúa Kitô, khi nó được thấu hiểu, được biến đổi thành niềm vui. Nhưng đó là niềm vui luôn ở tận đáy lòng Linh mục. Niềm vui ấy giống như một dòng suối nhỏ mát lành tưới lên những sa mạc trong tâm hồn con người và nhất là trong trái tim các Linh mục.

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC

 

Tháng 8, 2004, Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể đã được Dòng Đồng Công mời tham dự Đại Hội Thánh Mẫu tổ chức tại Carthage, Missouri. Trong dịp đó, Đức TGM Huế cũng được mời đến thăm Giáo phận Spokane (tiểu bang Washington State) do Đức Cha William Skylstad (lúc đó là Phó Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ) lãnh đạo. Nhưng chúng tôi không thể sắp xếp chương trình được nên đã lỡ một dịp may vì đã hẹn trước với Đức Hồng Y tại Maryland và Đức TGM Chaput tại Denver...

Thế rồi, một dịp may khác lại đến: Đức TGM Huế được Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ mời tham dự lễ khánh thành nguyện đường Đức Mẹ La Vang (một nhà nguyện nhỏ ở bên trong Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Thủ đô Washington) vào ngày 21 tháng 10 năm 2006.

Dịp đó, chúng tôi đã đề nghị một cuộc gặp gỡ giữa hai vị Tổng Giám Mục Huế và Đức Cha Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tại Spokane vào tuần đầu tháng 11, 2006 (lúc bấy giờ Đức Cha William Skylstad vừa được bầu làm Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ hơn một năm).

Có thể nói rằng, ngoài Tòa Thánh Vatican ra, không có một Hội Đồng Giám Mục của bất cứ một Giáo Hội địa phương (quốc gia) nào trên thế giới đóng một vai trò quan trọng vừa đối với Giáo Hội Công Giáo vừa đối với quốc gia và quốc tế như Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Với trách nhiệm Chủ Chăn, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã có nhiều khuyến cáo gởi cho Quốc Hội và Chính Phủ góp ý về nhiều lãnh vực thuộc văn hóa, xã hội, luân lý, đạo đức và tôn giáo...(cũng có thể nói bao gồm luôn cả lãnh vực kinh tế chính trị nữa).

Tiếng nói của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ rất có ảnh hưởng đối với Hành Pháp và Quốc Hội. Một trong những vị Giám Mục Hoa Kỳ đã được Tổng Thống Bush mời làm Chủ Tịch Ủy Ban theo dõi các vi phạm nhân quyền và vi phạm tự do tôn giáo trên thế giới là Đức TGM Chaput tại Denver (Colorado).  Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cũng rất quan tâm đến Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, nhất là thường xuyên an ủi giúp đỡ người Công Giáo Việt Nam trong những hoàn cảnh khó khăn trong quá khứ trước 1975 cũng như hiện nay.

Chương trình viện trợ của Công Giáo Hoa Kỳ giúp hơn một triệu người Việt Nam di cư từ miền Bắc vô Nam sau 1954 và cơ quan USCC đã giúp người Việt tỵ nạn sau 30/4/1975 cụ thể như thế nào thì mọi người đều biết. Đức Hồng Y Bernard Law là người đã rất tích cực vận động Chính Phủ và Quốc Hội thông qua dự luật cho phép người tỵ nạn CSVN được định cư tại Hoa Kỳ. Mỗi người chúng ta được giúp đỡ tiền máy bay và một số tiền cần thiết để chi tiêu khi mới đến Hoa Kỳ... 

Tiền đó là của USCC (Công Giáo Hoa Kỳ). Sự giúp đỡ đó dành cho tất cả những người tỵ nạn, không phân biệt tôn giáo. Những người làm việc cho chương trình nầy mà chúng ta biết (như ông Nam Lộc, ông Trần Đông Phong, v.v...) không bắt buộc là người tín hữu Công Giáo. Từ 1975 đến nay, nhiều phái đoàn Hồng Y, Giám Mục Hoa Kỳ đã đến thăm Việt Nam, đã đến Hà Nội, Huế (La Vang), Sài Gòn...gặp gỡ các vị Giám Mục, Linh Mục và giáo dân Việt Nam ...Điều đó nói lên sự quan tâm của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đối với dân tộc Việt Nam nói chung và Giáo Hội Việt Nam nói riêng.   Đặc biệt, Đức Giám Mục William Skylstad là người có một tâm tình rất đặc biệt đối với người Việt Nam chúng ta.    

Ngày 7 tháng 11 năm 2006, khi Đức TGM Huế đến Spokane, ngài đã đọc được trên bản tin của Giáo xứ Saint Anthony:   “We welcome Archbishop Stephen Nguyen Nhu The of Hue archdiocese, Viet Nam, also Mr. Nguyen Ly Tuong, who accompanies him, to St. Anthony Parish and to the Diocese of Spokane. Arbishop The is on his pastoral visit to various Vietnamese Catholic communities from Hue who are now living in the United States. He comes here to meet with Bishop William Skylstad, the President of the US Conference of Catholic Bishop (USCCB), on behalf of the Episcopal Conference of Vietnam, and of course also to “check me out”! The place of the apparition of Our Lady of La Vang is within his archdiocese. The devotion to Our Lady of La Vang, under the title of Protector of the Faithful, has spread throughout the world, and is mentioned many times by Pope John Paul II in some of his talks. Arbishop The is “in town” from Tuesday to Friday morning, then he continues to Seattle and Southern California before returning to Vietnam. Again, welcome him to Spokane and may God bless you and your wonderful works for the Church...”  (Trích bản tin của giáo xứ Saint Anthony ngày 5 October, 2006)  

Chiều 7 tháng 11, 2006, khi Đức TGM Huế mới đến Spokane, liền nhận được thư mời tham dự tiếp tân vào tối hôm đó do Công Giáo Tiến Hành của Giáo phận Spokane tổ chức (Annual Clergy Appreciation Dinner) tại 505 W. St.Thomas More Way. Đức TGM Huế đã tặng Đức Cha Chủ Tịch HĐGM Hoa Kỳ một bức ảnh Đức Mẹ La Vang, khảm xà cừ trên gỗ quý.  

Sáng hôm sau, 8 tháng 11 năm 2006, Đức TGM Huế đến thăm Nhà Thờ Chính Tòa Spokane và gặp gỡ với Đức Cha Chủ Tịch HĐGM Hoa Kỳ tại Văn phòng Tòa Giám Mục. Nhà thờ chính tòa ở đây rất cổ kính, các cửa kiếng được trang trí theo mô thức nghệ thuật của người Đức, nhập cảng từ Âu Châu rất độc đáo. Đức Cha Chủ Tịch chỉ dành một căn lầu trong khu vực nầy để làm văn phòng với cách bài trí rất đơn sơ, khiêm tốn. Đặc biệt chúng tôi thấy rất nhiều quà tặng từ Việt Nam, điều đó đã làm cho chúng tôi vô cùng cảm kích.

Chúng tôi nghĩ rằng: trên thế giới nầy có biết bao nhiêu Giáo Hội Công Giáo địa phương liên lạc với Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cũng như cá nhân Đức Cha Chủ Tịch, tại sao trong văn phòng của ngài lại trưng bày nhiều kỷ vật từ Việt Nam ? Điều đó chứng tỏ rằng, đã có nhiều Giám Mục, Linh Mục cũng như giáo dân Việt Nam từng tiếp xúc, thăm viếng ngài.  

Trong khi đàm đạo, Đức TGM Huế đã đề cập đến linh địa La Vang và rất mong nhà nước CSVN trả lại đất đai thuộc Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang mà họ đã chiếm đoạt kể từ sau ngày 30/4/1975 đến nay.  “Trong tháng 9/2006 vừa rồi, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam họp tại Huế và đã gởi đến chính quyền Trung Ương CSVN tại Hà Nội một thư yêu cầu trả lại toàn bộ diện tích của La Vang mà họ đã chiếm đoạt từ 31 năm nay để chúng tôi có thể xây dựng một tổng thể xứng đáng với danh nghĩa Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc”....(nguyên văn: “In September 2006, the Episcopal Conference of Vietnam held a conference at Hue and sent a letter asking the Hanoi government to return the property taken from La Vang shrine 31 years earlier so that we may be able to reconstruct the National Pilgrimage Center of Our Lady of La Vang”...)     

Diện tích của khu đất nầy là 23 hec-ta 5588 mét vuông. Năm 1960, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã quyết định chọn nơi nầy làm Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc và ngày 22 tháng 8 năm 1961, Đức Thánh Cha Gioan 23 đã ban Sắc Chỉ nâng nhà thờ La Vang nầy lên bậc Tiểu Vương Cung Thánh Đường để cho mọi người đến kính viếng.  Sau đó, Đức Cha Chủ Tịch đã cùng Đức TGM Huế và chúng tôi đi ăn trưa. Chúng tôi mời ngài ăn cơm Việt Nam, ngài rất thích. Trong khi ăn trưa, hai vị Giám Mục tiếp tục đàm đạo về nhiều vấn đề của thế giới hiện nay, nhất là vấn đề văn hóa, xã hội, luân lý, đạo đức mà Giáo Hội quan tâm.  

Đức Cha Chủ Tịch Skylstad cũng nói về những kinh nghiệm trong hoạt động truyền giáo ở một nước hùng mạnh về kinh tế, tiến bộ khoa học vượt mức như Hoa Kỳ. Đức TGM Huế cũng trình bày những khó khăn mà giáo dân cũng như Giáo Hội VN đang gặp phải, nạn nghèo đói, chậm tiến, bệnh tật, những bất công xã hội, nạn tham nhũng,v.v...Buổi chiều hôm đó, hai Đức Cha dâng Thánh Lễ đồng tế tại nhà thờ Saint Anthony, có một số giáo dân VN tham dự. Sau đó, cộng đoàn Công Giáo Việt Nam nhỏ bé tại Spokane đã mời hai Đức Cha đến nhà hàng ăn cơm Việt Nam và tiếp tục tâm tình cha con...

Đức Cha Chủ Tịch HĐGM/HK rất thương yêu các giáo dân Việt Nam. Ngài có cuộc sống đơn sơ, vui tính. Ngài kể rằng ngài sống tự túc, tự đi chợ, nấu ăn, tự lái xe đi nơi nầy nơi khác, không có ai giúp ngài những việc đó. Tổ tiên ngài từ Na Uy đến, người cha của ngài theo đạo Tin lành, khi làm đám cưới với mẹ ngài (người Mỹ theo đạo Công Giáo) thì cha của ngài vẫn theo Tin Lành. Ngài có đông anh em, khi lớn lên ngài xin vào tu học tại Chủng Viện Hoa Kỳ...chịu chức Linh Mục và có bằng Tiến sĩ Giáo luật tại Roma. Sau khi ngài được chọn làm Giám Mục thì người cha mới xin trở lại đạo Công Giáo và chết trong tuổi già.     

Ngày 9 tháng 11 năm 2006, LM Lê Quang Hiền lái xe đưa Đức TGM Huế và chúng tôi đi thăm danh lam thắng cảnh Spokane...Buổi tối, Đức Cha Chủ Tịch đến nhà mẹ của Cha Hiền ăn cơm tối và tiếp tục trò chuyện. Ngài vào bếp, tự tay làm một món ăn để mời Đức TGM Huế...đó là một cử chỉ đầy thân mật và là một kỷ niệm mà Đức Cha Chủ Tịch đã dành cho Đức TGM Huế và chúng tôi. Thật là một trường hợp hết sức đặc biệt và rất thân tình nói lên tình thương yêu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đối với Giáo Hội Việt Nam mà Đức TGM Huế là đại diện. Đức TGM Huế cũng mời ngài đến thăm Việt Nam và đã có một giáo dân VN sẵn sàng tặng cho ngài vé may bay khứ hồi... 

Dịp thuận tiện sẽ là tháng 8/2008 nhân dịp tổ chức Đại Hội La Vang 3 năm một lần. Đức TGM Huế nói : “ Dù lúc đó, Đức Cha còn giữ chức vụ Chủ Tịch HĐGM/HK hay không thì chúng tôi vẫn tha thiết mời cá nhân Đức Cha đến thăm Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang và thăm dân tộc và Giáo Hội VN chúng tôi”. Ngài đã nhận lời.    

Ngày 10 tháng 11/2006, chúng tôi từ giã Đức Cha Chủ Tịch và lên đường đi Seattle...biết bao quyến luyến sau ba ngày được sống gần gũi ngài. Mới đây, chúng tôi được tin Nhà nước CSVN đã trả lại cho Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang phần đất đã chiếm từ 1975, mặc dù không được 100% như ý nguyện của Đức TGM Huế và Hội Đồng Giám Mục VN, nhưng đây cũng là một bước đầu chứng tỏ thiện chí của chính quyền CSVN.

GS Nguyễn Lý-Tưởng

 
VỀ MỤC LỤC
Tác phẩm Cầu Nguyện Cá Nhân

Tác giả Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy

Cầu Nguyện Cá Nhân Bí quyết tình yêu và vui sống 

Lời nói đầu

Nhiều người chia sẻ kinh nghiệm sống rằng nhờ lời cầu nguyện cá nhân, tức đời sống tương giao thường xuyên và thân mật với Chúa, họ được nâng đỡ đứng vững trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong thử thách và đau khổ, những thử thách và đau khổ gây nên bởi cả những người đáng ra phải hiểu, phải bênh vực và nâng đỡ mình.

Vây bạn hãy cố gắng giữ sự hài hòa giữa đời sống cầu nguyện chung, đời sống cầu nguyện cá nhân và cuộc sống thường nhật với bổn phận và công việc riêng của mỗi người. Có những người rất đạo đức và vững vàng khi còn ở chung trong môi trường đào tạo, nhưng khi va chạm thực tế và sống một mình giữa đời, hay không còn chịu sự kiểm soát của những người đào tạo có quyền cho tiến hay bắt phải lùi thì lại rất khác. 

Vậy, dù đang sống cộng đoàn, bạn cũng hãy tự ra kỹ luật cho mình: Phải có một nếp sống đạo đức cá nhân tự nguyện và bền vững. Có ai hay không có ai, mặc! Bạn vẫn giữ liên lạc và đời sống cầu nguyện cá nhân với Chúa. Được hiểu hay không được hiểu, được ủng hộ hay bị chống đối, vui hay buồn, sướng hay khổ, thành công hay thất bại, mặc! Vẫn liên lạc với Chúa bằng đời sống cầu nguyện cá nhân,bạn sẽ nhận được một sức mạnh nâng đỡ lạ lùng, bạn không thể hiểu khi nhìn lại, sức mạnh mà Thánh Phaolô xác quyết là ‘’chính Chúa Kitô sống trong tôi’’. 

Bạn hãy luôn kiên trì làm việc bổn phận và cầu nguyện cá nhân. Nhiều người phải ra đi hay sống một đời tu không hạnh phúc, vì thiếu sót nhiều trong hai bổn phận tiên quyết nầy. Phải, bạn đừng bao giờ bỏ việc bổn phận, cũng như đừng bao giờ viện dẫn bất cứ lý do gì để bỏ cầu nguyện, nhất là cầu nguyện cá nhân, vì không có ai khác có thể làm thay cho bạn được. Trong cuộc đời con người, có những cái phải tựa vào nhau mà sống, nhưng có những cái cũng phải cố ‘’làm cây thông đứng giữa trời mà reo’’. Việc bổn phận và đời sống kết hiệp với Chúa sẽ giúp bạn tìm được sức mạnh nâng đỡ nơi chính Chúa. Ngài biết tất cả, nghe tất cả, thấy tất cả, hiểu tất cả. Ân sũng và tình yêu của Ngài mạnh hơn tất cả, mạnh hơn tình yêu và sự chết của bạn. Lòng của Ngài lớn hơn lòng bạn, lớn hơn thử thách và đau khổ của bạn, lớn hơn cả tội lỗi của bạn và Ngài sẽ không hề bỏ bạn. 

Nếu bạn không tương giao với Chúa bằng đời sống cầu nguyện cá nhân và kiên bền chu toàn bổn phận, bạn làm sao nhận được tất cả những thứ cần thiết đó để trụ vững trước phong ba bảo táp, trước những chống đối kịch liệt mà Chúa Giêsu đã khuyến cáo rằng những kẻ làm cho bạn như thế tưởng là làm vinh danh Chúa, với tinh thần tin yêu và lạc quan?

Đó là kinh nghiệm và cũng là lý do tôi gởi đến bạn tập sách nhỏ ‘’Cầu Nguyện Cá Nhân, Bí quyết tình yêu và vui sống’’ nầy, viết theo cuốn ‘’Ta prière, un secret d’amour’’ của Cha Jean-Marc Bot, do nhà xuất bản Le Sarment. Ước mong những trang sách nầy góp phần vào quyết tâm không bao giờ thay đổi của bạn: ‘’Luôn liên kết với Chúa bằng đời sống bổn phận và cầu nguyện cá nhân.’’ 

Tuy nhiên, cuộc sống nào cũng có những bước thăng trầm của nó, đó là thân phận con người hèn yếu mà thánh Phaolô đã diễn tả: “có những điều tốt tôi muốn làm, tôi lại không làm được; lại có những điều xấu tôi không muốn làm thì tôi lại làm.” Bạn hãy trao vào lòng nhân lành của Chúa tất cả và cứ tin tưởng bắt đầu lại mỗi ngày: càng sống đời linh mục, bạn sẽ trở thành linh mục hơn; càng sống đời tu sĩ, bạn sẽ trở thành tu sĩ hơn; càng sống đời tông đồ, bạn sẽ trở thành tông đồ hơn; càng sống đời kitô hữu, bạn sẽ trở thành kitô hữu hơn. 
 

Linh Mục Micae-Phaolô Trần Minh Huy 

 

VÀO  ĐỀ

Trưa nào cũng thế, một ông già đáng thương đi vào nhà thờ, rồi ít phút sau lại trở ra.

Một hôm, ông từ đem lòng khả nghi chận hỏi ông già, xem ông vào nhà thờ làm gì, vì trong nhà thờ có nhiều đồ gỗ quí. Ông già thản nhiên đáp:

- Tôi đến cầu nguyện.

- Tôi không hiểu ông cầu nguyện sao mà nhanh thế!

- Ồ, ông biết, tôi không có khả năng đọc một kinh dài. Nhưng cứ mỗi buổi trưa, tôi đến trong nhà thờ nầy và tôi chỉ nói: ‘’Lạy Chúa Giêsu, con là lão già Tương Lai đây.’’ Một phút sau, tôi ra về. Đây chỉ là một lời cầu nguyện nhỏ bé ngắn ngủi, nhưng tôi tin chắc Ngài nghe tôi.

Ít hôm sau, vì một tai nạn, ông già Tương Lai được đưa vào bệnh viện, ở chung phòng với nhiều người. Ông già đã gây được một ảnh hưởng lạ lùng lên những người chung quanh: các bệnh nhân hay cau cáu nay lại trở nên vui vẻ, và lắm khi cười vang khắp cả phòng. 

Một hôm, lấy làm kinh ngạc, Xơ y tá hỏi ông già:

- Nầy ông Tương Lai, các bệnh nhân đánh giá ông là người đã tạo nên thay đổi bất ngờ ở trong phòng nầy. Họ bảo rằng lúc nào ông cũng vui vẻ.

- Đúng vậy, thưa xơ. Tôi không thể nào cầm mình không vui được. Xơ biết, đó là nhờ người khách đến thăm tôi mỗi ngày. Người đến thăm làm cho tôi rất hạnh phúc.

Xơ y tá sửng sốt:

- Tôi có thấy người khách nào đến thăm ông mỗi ngày đâu!

Nói thế, vì xơ thấy rằng chiếc ghế cạnh giường ông Tương Lai luôn luôn bỏ trống, và ông là một ông già cô độc, chẳng có ai thân thích cả. Và xơ hỏi ông:

- Khi nào thì vị khách của ông đến thăm ông?

Đôi mắt sáng lên, ông đáp:

-    Mỗi ngày. Vâng, mỗi buổi trưa thì Người lại đến. Người đứng ở đầu giường tôi. Tôi thấy Người và Người cười nói với tôi: ‘’Ông Tương Lai ơi, Ta là Giêsu đây.’’ 

Câu chuyện trên cho ta thấy rằng: Lời cầu nguyện là một cuộc gặp gỡ thân mật mỗi ngày với Chúa Giêsu. Ngài tỏ mình ra cho người Ngài thương, bằng cách cho họ cảm nhận được sự hiện diện của Ngài. Sự hiện diện nầy đem lại hạnh phúc sâu xa. Và hạnh phúc nầy có tính cách truyền lây.

Còn bạn?  Như ông già Tương Lai kia, bạn có ước ao làm cho lời cầu nguyện của bạn thành một bí quyết tình yêu, một suối nguồn của niềm vui, một tỏa lan của tự do không?  Tôi đặc biệt nói với bạn, vì bạn còn trẻ, mặc dầu sự trẻ trung của con tim không tính bằng số năm tháng tuổi đời. Hẳn bạn đã khám phá được rằng Chúa Giêsu mời gọi bạn theo Ngài cho đến cùng.

Dọc theo những trang sách nầy, tôi muốn gặp gỡ bạn, nói chuyện trao đổi với bạn, hỏi ý kiến bạn, đón nhận những chứng từ và phản ứng của bạn. Tôi  cũng đã làm được như thế với nhiều người, trong nhiều trường hợp và hoàn cảnh khác nhau, suốt dòng đời linh mục của tôi. Như vậy, cuốn sách nhỏ nầy cũng là phản ánh kinh nghiệm sống-cầu-nguyện của nhiều con cái Chúa.

Bạn được mời gọi mỗi ngày dành ra một thời gian cho cuộc đối thoại thân mật với Chúa, mà người ta quen gọi là Cầu Nguyện. Những bài học về nguyện gẫm chỉ như một người hướng dẫn, một bản đồ chỉ đường, nhằm giúp bạn khỏi lạc đường và mất thời giờ. Chính việc bạn tiến bước trên đường mới thực là quan trọng: bạn vừa đi, vừa học, lại vừa thực hành. Càng sống đời cầu nguyện, bạn càng trở nên con người cầu nguyện. ‘’Con người cầu nguyện’’, đó là nhận xét của tất cả những người thân cận Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II: Mỗi ngày,Ngài cầu nguyện đến bảy giờ và lắm lần người ta bắt gặp Ngài nằm sấp trước Nhà Tạm ban đêm.   

 Chúa Giêsu đang chờ đợi bạn. Chúc bạn lên đường may mắn và thành công.

VỀ MỤC LỤC
Vĩnh biệt Nhà thơ Cao Hồng Ngự

 

Kính gửi quí anh chị khắp nơi,

Trong email tôi gửi ra tuần trước ngày 16 tháng 10 vừa qua, tôi đã  xin các anh chị cầu nguyện cho người bạn chí thân của tôi là nhà thơ Cao Hồng Ngự, một tu sĩ Phật giáo,  đang ở thời kỳ cuối của bệnh ung thư gan.   Hôm nay tôi xin chia xẽ với các anh chị những giờ cuối cùng của anh và để cảm tạ Chúa đã cứu phần hồn anh như thế nào.

Hôm 16 tháng 10, khoảng nữa tiếng sau khi tôi gửi email ra, thì một số anh chị  ở trong phong trào Cursillo, và đặc biệt cha MT ở VN đã gửi email qua thăm hỏi, an ủi và cầu nguyện cho anh mặc dù anh  là một tu sĩ Phật giáo.  Sau giờ làm việc (5PM), tôi rất phấn khởi tới thăm anh để đọc cho anh nghe những email rất chân tình của cha MT và các anh chị  khác. 

Khi bước vào nhà, không thấy anh ở phòng khách như mọi khi, nhưng thấy vài ba bài thơ có lẽ anh đã sáng tác tối qua.  Tôi mở cửa phòng ngủ và gọi anh dậy để báo cho anh một vài tin vui nhưng không thấy anh trả lời như mọi khi.  Anh phát ra những tiếng ú ớ

rất lớn như thầm bảo em: “Anh sắp đi”.  Tôi vội vàng cầm tay anh để xem mạch thì máu vẫn lưu chuyển bình thường, trán, tay chân vẩn nóng.  Tôi hỏi anh: “nếu anh nghe và hiểu được điều em nói thì anh bóp tay em”, và anh bóp nhẹ tay tôi.  Có nghĩa là anh tuy không nói được nhưng tai và đầu óc anh vẫn tỉnh táo.  Tôi  đọc Email của cha MT cho anh nghe.  Anh xem  ra cảm động và nhấp nháy môi. 

Anh đã nhiều lần tâm sự với tôi là anh biết ngày giờ ra đi và sẽ chết bình yên.  Anh chỉ sợ một điều là nghe nói bệnh ung thư gan chết rất đau đớn.  Điều đó sẽ làm anh phân tâm và ảnh hưởng đến việc chuẩn bị để tâm hồn bình thản ra đi.  Anh ao ước có tôi bên cạnh phút cuối để giúp anh ra đi bình an.  Tôi đã hứa với anh điều đó.  Và hôm ấy tôi rất lấy làm vui để làm tròn lời hứa đó.  Tôi đã cầu xin Chúa Thánh Linh giúp và bắt đầu tâm sự với anh như sau:

“Không nói thì anh cũng biết là em quí mến anh chừng nào.  Chúng ta có duyên được gặp nhau và trở thành anh em với nhau.  Trong những năm vừa qua, bất cứ khi nào anh cần em, là em đến.  Hôm nay em muốn tiễn anh một đoạn đường qua bên kia thế giới, nhưng em không có khả năng vượt qua biên gìới đó.  Nhưng em  đã nhờ một người bạn, người đó sẽ bảo vệ anh, và giúp anh vượt biên bình an.  Người đó tên là Giêsu.  Anh hãy nhớ cho kỹ.  Khi anh sợ hãi, anh hãy gọi tên người đó.  Khi anh kêu tên người đó thì quỉ thần run sợ, chạy xa.  Ngài sẽ đến hoặc sai thiên thần đến bảo vệ anh.

“Em biết anh là một người sống và tu theo đạo Phật.  Ngoài tình bạn thông thường, chúng ta còn là bạn đạo, nên em rất hiểu anh và quí mến đạo Phật của anh.

Em không bao giờ có ý dụ dỗ anh trở lại đạo Công giáo cả.  Em biết ước nguyện lớn nhất của anh là tu để được giải thoát (Ghi chú: giải thoát đây có nghĩa là vào cõi niết bàn và không còn bị luân hồi nữa.  Đa số những người theo đạo Phật là để hưởng phước đời sau, rất ít người mong được giải thoát).   Nhưng để được giải thoát theo đạo Phật rất là khó. Chính anh vẫn thường nói với em điều đó. Vì theo luật nhân quả, anh phải trả nợ lấy một mình.  Tại sao anh không nhờ Chúa Giêsu, đấng đã chịu chết vì tội chúng ta giúp anh một tay.   Nếu anh tin Thiên Chúa là đấng tạo dựng nên trời đất muôn loài.  Đấng đã sai Đức Kitô là Chúa Giêsu xuống thế gian này chịu chết để chuộc tội chúng ta, anh hãy bóp tay em và em sẽ nhân danh giáo hội Công giáo rửa tội cho anh.  Khi rửa tội, anh sẽ được Chúa Thánh linh đóng ấn và anh trở thành con cái của thiên Chúa.  Và nếu hôm nay anh mất,  ngài sẽ đến hoặc sai thiên thần tới đón anh về trời.” 

Anh đã bóp tay tôi và tôi bắt đầu rửa tội cho anh.  Tôi trở ra phòng khách, và vô cùng ngạc nhiên khi thấy trên bàn anh một bài thơ  “ÂN ĐỨC ” mừng Noel tới (Trọn bài đăng ở cuối bài viết này).  Linh cảm cho tôi biết  là anh biết ngày giờ anh ra đi, nên anh mới sáng tác bài thơ ÂN ĐỨC để tôi đăng báo vào dịp Noel này.  Điều vui mầng và ngạc nhiên hơn, là anh ta đã trở thành con của Chúa trước khi tôi rửa tội cho anh, và thiên đàng đã mở cửa đón chào anh.  Mời bạn đọc 2 câu thơ sau đây để xem tôi nghĩ như vậy có đúng không:

             “Thiên đàng mở cửa người tin Chúa

               Đức tin chắc thật hưởng an bình”

Anh Cao Hồng Ngự đã ra đi bình an lúc 2 giờ sáng ngày 17 tháng 10 (cùng ngày sanh của anh).  Trước khi chết anh nằm nghiêng, 2 chân co lại.  Nhưng khi chết thì anh nằm ngữa, chân ruỗi thẳng thắn, 2 tay bắt chéo trên ngực, miệng như mỉn cười.  Ai nhìn qua cũng khen ngợi.  Anh không có đám tang vì anh không muốn, nhưng bạn bè đã tổ chhức một buổi tưởng niệm (10/20/07) để cầu ngyện, cầu cho vong hồn anh, và để bạn bè thân hữi tới để nghe di chúc,  thơ, nhạc của anh. 

Anh ra đi vào mùa Thu như tôi đã tiên đoán và anh mong ước.  Anh vẫn tâm sự nếu anh chết thì anh mong được chết vào mùa thu, vì có lá vàng rơi, và những giòng nhạc Thu đưa tiễn.  Biết thế, nên ngay sau khi nghe tin bác sĩ cho biết là anh chỉ còn vài ba tuần nữa là mất, tôi đã vội vàng, gửi bản nhạc “Vạch lá tìm trăng Thu”, thơ của anh mà tôi đã phổ nhạc, về VN và nhờ một người bạn linh mục giúp thâu gấp và gửi qua cho kịp.  Cám ơn Trời, ca khúc này đã được ca sĩ Xuân Trường hát và gửi qua kịp thời.  Anh rất thích và anh đã mời bạn bè tới nghe với anh. 

Xin mời các bạn yêu nhạc vào website (Mục “Nhạc Tình Yêu & Quê Hương) sau đây để thưởng thức những giòng thơ lãng mạn “VẠCH LÁ TÌM TRĂNG THU” của anh. 

Cám ơn quí anh chị đã giúp lời cầu nguyện cho tôi trong sứ mạng đem tình yêu của Chúa

cho những anh em chưa biết Chúa.

Nếu anh chi nào có tâm tình gì về câu cuyện này xin email về thienban@yahoo.com

Chào thân ái

Bosco Thiện-Ban

 

Ân Đức 

Chúa chọn trần gian Chúa giáng sinh

Từ tâm rộng mở chứa chan tình

Cứu rỗi chúng sinh đang khổ não

Ban phước muôn loài tỏ huyền linh

Đạo quang bác ái soi thế giới

Lời răn huyền diệu sáng Thánh Kinh

Thiên đàng mở cửa người tin Chúa

Đức tin chắc thật hưởng an bình

Cao Hồng Ngự (Oct. 16, 2007)

VỀ MỤC LỤC
SỐNG TRỌN VẸN

 

Nguyên Tác IN STEP WITH GOD  LM Vincent Travers, OP

 HƯƠNG VĨNH chuyển ngữ

SỐNG TRỌN VẸN

 

Chúa Giêsu còn nói với các môn đệ rằng: ‘Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh nầy đã phung phí của cải nhà ông. Ông mời gọi anh ta đến mà bảo: Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!

Người quản gia liền nghĩ bụng: Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ! 

Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất: Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: Một trăm thùng dầu ô-liu. Anh ta bảo: Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi. Rồi anh ta hỏi người khác: Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: Một ngàn dạ lúa. Anh ta bảo: Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi. 

Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời nầy khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại. Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết:

 Hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Ai trung tín trong việc rất nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em? Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ nầy mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ nầy mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.’” (Lc 16, 1-13) 

***

Người quản gia trong đoạn Phúc Âm nầy không đạo đức chút nào. Anh là một kẻ lừa đảo chuyên nghiệp. Anh lừa đảo chủ mình bằng cách “bôi sửa sổ sách kế toán”. Chủ của anh bất đắc dĩ phải ca tụng mánh khóe của anh. Thật ra, chủ của anh muốn ám chỉ anh là một tên đạo tặc tài ba. Và rồi ông chủ đã cho anh nghỉ việc. 

Thoạt mới xem qua, hình như Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh người quản gia ám muội, như là mẫu mực để noi theo. Nếu xem xét kỹ hơn, rõ ràng Chúa Giêsu không ca tụng, cũng không đưa anh quản gia đó ra làm mẫu mực để noi theo. Đúng hơn, Ngài làm nổi bật tính khôn ranh của anh ta trong việc dự phòng cho tương lai.

Lo xa 

Viên quản gia đây thật là một người lịch lãm. Người ta có thể học hỏi nơi anh. Chúa Giêsu đã so sánh sự lo xa của viên quản gia, đang dự phòng cho tương lai như anh đã tiên kiến, đối với sự thiếu lo xa của chúng ta là con cái Chúa, trong việc dự phòng cho tương lai đời đời của chúng ta.  

Chúa Giêsu không cho chúng ta sự lựa chọn nầy hay sự lựa chọn khác: người ta yêu thích hoặc những việc trên trời, hoặc những việc dưới đất, như thể trời và đất nhất thiết phải đối nghịch nhau. Và Chúa Giêsu cũng đã không nói chúng ta nên sống cách nào để đầu óc chúng ta chỉ nghĩ tới những việc trên trời và không quan tâm đến những việc trần thế.  

Thánh Tôma Aquinô đề ra một linh đạo lớn lao khi ngài nói: “Ân sủng không hủy hoại bản tính con người nhưng làm hoàn thiện hơn lên.” Vấn đề thực tế ở đây là “quân bình”. Đúng ra, đó là sự quân bình giữa đất và trời.  

Tiền bạc

Tôi xin trích dẫn một đoạn ngắn từ cuốn sách nổi tiếng của Alan Paton, nhan dề là “Cry The Beloved Country(“Khóc Cho Quê Hương Thân Yêu”). Đoạn đó minh họa chính xác đoạn Phúc Âm trên đây. Paton viết: “Tiền bạc không phải là điều làm cho người ta điên dại, cũng không phải là điều làm cho người ta huyênh hoang. Tiền bạc dùng để mua thức ăn, để sống hạnh phúc, để nuôi sống con cái. Tiền bạc để được an sinh và vun trồng những điều ước mơ, để hy vọng và đạt tới mục đích. Tiền bạc để mua hoa quả của đất đai, nơi bạn sinh trưởng. tiền bạc không được lạm dụng đối với con người, cũng như con người không được lạm dụng đối với tiền bạc.” Tiền bạc chỉ là phương tiện đưa đến cứu cánh và không phải là chính cứu cánh. 

Chúa Giêsu nói: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ” (Lc 16, 13). “Làm tôi hai chủ” là điều không ổn. Nếu đó là điều chúng ta cố ý làm thì sẽ không bao giờ quân bình được, một sự quân bình ở giữa cái gì thường hằng cùng tồn tại mãi mãi và cái gì tạm thời, sẽ qua đi.  

Trong phim truyện của James Thurber, nhan đề là “The Secret Life Of Walter Mitty” (“Cuộc Sống Bí Ẩn của Walter Mitty”), nhân vật nổi tiếng là Walter Mitty không thể phân biệt giữa cái thực tế và cái tưởng tượng. Chàng luôn lẫn lộn giữa hai cái đó.  

Trong mỗi người chúng ta đều có nhân vật Walter Mitty nên chúng ta thường lẫn lộn giữa thực và mộng. Chúng ta luôn không phân biệt được giữa gỗ từ thân cây. Chúng ta quên một cách dễ dàng mình là ai và tại sao ở nơi đây. Chúng ta quên chỗ đứng của mình và thường lông bông, chẳng khác nào người té ngựa, bị quay vòng vòng. 

Hiểu cách đúng đắn 

Vào tháng ba năm 2001, có một cuộc du ngoạn được tổ chức cho một nhóm hướng đạo sinh Ái-nhĩ-lan. Ở phi trường Dublin, họ tỏ ra náo nức. Họ được dừng lại ở nước Ý để nghỉ đêm và gặp gỡ các hướng đạo sinh địa phương để rồi cùng bay tới Ấn Độ.  

Khi đến nơi và ra khỏi máy bay, đầu tiên hơi nóng vã vào mặt họ, rồi mùi thối xông lên và tiếng ồn ào inh tai điếc óc. Nhưng khi đi xe buýt vào thành phố thì một cảnh tượng hoàn toàn khác biệt. Khi họ vào Bombay, tiếng hát của họ đã ngừng bặt và rồi nước mắt họ bắt đầu chảy xuống. Những ngày nghỉ hè của họ, ngoài việc da thịt bị nắng cháy, họ đã đến Ấn Độ để giúp đỡ và học hỏi.

Nhiều thiếu niên người Ái-nhĩ-lan, sau hai tuần lễ trở về, vừa nắng cháy vừa vui thích. Đồng thời họ đã tìm kiếm một điều gì có ý nghĩa hơn trong kỳ nghỉ hè. Tôi cũng quan sát điều đó ở Vancouver: những học sinh trẻ tuổi thuộc trường Đức Bà đã dùng thời gian nghỉ hè để đi Tijuana, Mexico, trong một chương trình cứu trợ giúp xây dựng nhà cửa cho người nghèo. 

Ngoài ra còn có những giáo viên đi Phi châu vài tuần lễ để giúp xây dựng những nhà trường tồi tàn lụp xụp. Còn có những y tá đi các xứ nghèo giúp đỡ những người hấp hối trong các khu ổ chuột.

Có một chị trẻ tuổi đi Bulgaria ba tuần lễ để giúp đỡ những trẻ mồ côi trong dịp nghỉ hè. Khi sắp sửa trở về, chị đã cho hết áo quần của mình. Chị nói: “Thật đau buồn khi trở về nhà. Tôi cảm thấy buồn vì đã xài nhiều tiền mua sắm quần áo. Tôi cảm thấy đắc tội, khi nghĩ tới những gì tôi có và những gì các trẻ em mồ côi thiếu thốn.” 

Người quản gia trong đoạn Phúc Âm nầy rất tinh khôn, nhưng anh ta là một người tinh khôn khù khờ, bởi vì khi một bậc hiền nhân chỉ cho thấy mặt trăng thì tất cả những tên khờ dại chỉ thấy ngón tay của ngài mà thôi!!! Còn Chúa đã che chở chúng ta khỏi sự khờ dại như thế. 

Linh Mục Vincent Travers, OP

Hương Vĩnh chuyển ngữ

VỀ MỤC LỤC
TỪ TỪ HUẤN LUYỆN
 

Thời đại hôm nay là thời đại của “fast food”, của mì ăn liền, của cà phê “to go”. Đâu đâu người ta cũng nhìn thấy hình ảnh McDonald hiện diện, vì nó thích hợp với thời đại. Con người hôm nay khác với ngày xưa, ngày nay người ta không còn đủ kiên nhẫn để ngồi chờ lâu trong các quán ăn nữa. Tuy nhiên, trong vấn đề giáo dục lại khác hẳn, người ta không thể nóng nảy, vội vàng vì càng vội vàng, nóng nảy càng hư sự. Giáo dục đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, chịu đựng. Vì thế, những người nóng nảy, vội vàng không thích họp với ngành nghề giáo dục, vì giáo dục đòi hỏi một sự từ từ huấn luyện.

Con trẻ cần sự huấn luyện rõ ràng cho nhiều công việc phải làm trong cuộc sống. Dĩ nhiên, trẻ con cần thu thập kiến thức qua sự quan sát. Nhưng chúng ta không thể tùy thuộc vào sự học hỏi của đứa trẻ theo phương cách nầy. Nó cần học cách măïc quần áo, học cột giây giày, học ăn, học tắm rửa, học đi ngang qua đường…

Rồi, khi nó lớn lên, học cách hoàn thành những bổn phận trong gia đình. Những điều nầy không thể học được bỡi những xếp đặt tình cờ, cũng không do sự quở mắng hoặc đe dọa trừng phạt để những công việc nầy cần phải được thực hiện. Thời gian huấn luyện cần phải được sắp xếp rõ ràng và là một phần của cuộc sống hàng ngày.

Mỗi sáng, bé Xuân Mai, 4 tuổi, ngồi chờ cách nhạt nhẽo cho tới khi bà mẹ mặc quần áo cho nó. Nhiều nút trên áo làm nó lúng túng, phía trước phía sau làm nó lẫn lộn, mang giày cột giày cũng chưa được rành. Mỗi sáng bà mẹ thường hay la rầy khi giúp nó mặc quần áo và rồi đưa nó đi ra ngoài với bà. 

Bé Xuân Mai đã khám phá ra sự hữu ích của việc vô dụng. Tại sao nó phải làm khi mẹ nó vẫn phục vụ cho nó. Bà mẹ quên mất rằng bà cần xếp đặt thời giờ huấn luyện cho nó biết cách tự mặc quần áo. Nếu chúng ta không chịu bỏ ít thời giờ ra huấn luyện, chúng ta sẽ phải mất một thời gian nhiều hơn để chỉnh đốn lại một đứa trẻ không được huấn luyện. Những sửa sai tức khắc là một giáo dục thất bại vì sửa sai là phê bình và như thế làm thất đảm và làm con trẻ bực tức. Như một kết quả của sự xung đột, con trẻ trở nên cứng đầu, bướng bỉnh, không chịu học. Hơn nữa, cái được gọi là sửa sai thường không mang lại kết quả đáng mơ ước vì con trẻ xem những sửa sai đó như một phương cách để chiếm lấy sự chú ý đặc biệt nên cần phải được lập đi lập lại nhiều lần và lâu dài. 

Trẻ con bình thường tỏ ra thích làm nhiều điều. Bố mẹ nên nhận thấy những cố gắng đó và khuyến khích chúng. Tuy nhiên, có những thời giờ nhất định nên được đặt ra cho những học hỏi kinh nghiệm như thế. Thời giờ gấp rút ban sáng thường không nên là giờ để dạy con trẻ làm sao cột giây giày. Sự gấp rút của thời gian chỉ làm cho bà mẹ thiếu nhẫn nại và làm cho đứa con sinh bất mãn. Giờ chơi vào buổi chiều là thời gian lý tưởng để dạy một vấn đề gì. Có vô số những vật dụng cần thiết giúp vào việc huấn luyện trẻ em, có thể được tìm thấy trong những quầy hàng trò chơi con trẻ. Bà mẹ có thể sáng chế ra cách thế của mình như dùng một hàng nút lớn và những khuy nút của một chiếc áo cũ để dạy cho con mình biết cách cài nút áo. Những lỗ lớn được đục vào một miếng giấy cứng mà ở đó một chiếc giày được vẽ lên có thể được dùng để dạy con trẻ biết cách xỏ giây giày và cột giây giày. Nếu trẻ con tham dự vào sự sáng tạo những vật dụng như thế, chúng cảm thấy thích thú gấp bội phần. Chúng luôn luôn thích thú khi nhìn thấy người mẹ làm một cái gì để chơi với nó và càng thích hơn khi nó giúp mẹ nó làm điều đó. Bà mẹ cũng có thể khêu gợi sự thông minh sáng tạo của đứa trẻ và nuôi dưỡng sự sáng tạo của nó.

Cung cách nơi bàn ăn cũng cần được giáo dục. Những lời giới thiệu và cách chào khách có thể là một phần của bữa tiệc nơi bàn ăn. Khi lên xe lửa, xe buýt, hay xe hơi cũng cần phải được chỉ giáo để chúng biết cách xử sự khi phải lên xuống xe.

Giáo dục về vấn đề gì cần phải được lập đi lập lại cho đến khi con trẻ nhuần nhuyễn như một thói quen. Mỗi vấn đề nên được giáo dục cách riêng biệt.  Hãy tỏ ra kiên nhẫn và tự tin vào khả năng của đứa trẻ, nên khuyến khích chúng bằng những câu như: cố gắng lên, làm lại lần nữa, tốt lắm tốt lắm…sẽ làm cho con trẻ thêm phấn khởi và cố gắng học hỏi. 

Thật là khôn ngoan và thông minh nếu cha mẹ biết chuẩn bị trước và dạy cho chúng hiểu trước về những biến cố tương lai sẽ xảy ra mà không có gì thích thú.

Hai bé sinh đôi Mỹ Linh và Mỹ Lan đã được xếp chương trình để đi lấy cái bướu ở phía dưới lưỡi của chúng. Bà mẹ cảm thấy rằng một ít hiểu biết về vấn đề mổ xẻ có thể xem ra là hữu ích. Nhiều ngày trước khi đi cắt cái bướu đó, bà mẹ đã sáng chế ra một trò chơi: chúng ta hãy tưởng tượng rằng những con búp bê nầy đang đi tới nhà thương để được lấy cái bướu ra. Bây giờ ta cần làm cái gì trước nhất? Cô bé Mỹ Lan nhanh miệng trả lời: “ Một cái va li”. Và nó lập tức mang lại cái va li nhỏ. Bà mẹ lại hỏi: “Cái gì sẽ được bỏ vào trong đó?” Hai đứa trẻ chọn những đồ cần thiết và xếp vào trong va li đó. Những con búp bê được mặc quần áo chỉnh tề. Cu Tuấn đóng vai trò của người cha lái xe đi. Sự tiếp đón bỡi nhân viên, y tá và tiến trình thâu nhận vào nhà thương được diễn tả với những lời đối thoại rất thích hợp. Bấy giờ bà mẹ đóng vai bác sĩ nói với những con búp bê. Dùng cái xe đẩy, bà cắt nghĩa, đây là một chiếc giường di chuyển bệnh nhân. Đoạn dùng một xe đẩy sữa nước được phủ bằøng một miếng vải trắng, bà giả vờ cho đó là một người được gây hôn mê, bà vừa đi vừa cắt nghĩa với con búp bê. “Bây giờ mới thật buồn cười, cô bé ơi (nói với con búp bê). Bé phải lấy một cái hít thở thật dài. Chỉ một chút sau đó là bé ngủ mê. Trong trò chơi, bà mẹ tránh tiến trình mổ xẻ vì con trẻ không ý thức về cái gì tiếp tục sau đó. Trong lúc bé ngủ mê, bác sĩ sẽ lấy những bướu đó ra và sau đó đặt bé trở lại vào giường di chuyển. Khi nói điều nầy, bà mẹ lấy mặt nạ ra khỏi mặt con búp bê, gói gọn nó lại trong tấm ra, và đặt nó lại trong chiếc xe đẩy. Bây giờ, cô bé được chuyển về lại phòng cũ. Khi nó thức dậy, nó có thể có kem để ăn”. Cô bé Mỹ Linh hỏi: “Khi lấy cục bướu ra có làm nó đau không?” “Nó không đau chút nào, bà mẹ trả lời, vừa tiếp tục đóng vai trò bác sĩ của bà. Con thấy đó: Nó ngủ ngon lành” “Nhưng nó có đau không sau khi thức giấc? Đau một chút ơ cổ họng, nhưng nó có thể chịu đựng được. Nó không kéo dài lâu”. Đoạn bà mẹ hỏi: “Ai muốn đóng vai bác sĩ cho con búp bê sắp tới?” Cô bé Mỹ Lan làm tất cả và lập lại như trước.

Ngày hôm sau hai đứa trẻ đóng lại trò chơi đó và thay nhau làm bệnh nhân. Bà mẹ cung cấp nhiều dụng cụ cần thiết hơn.

Khi cả hai đứa bé nầy đến nhà thương, chúng tỏ ra tự tin và rất cộng tác. Khi bà mẹ đã gợi ý là: con búp bê có thể chịu đựng được đau một ít ở cổ họng, bà thành thật nhận rằng sẽ có đau, nhưng bà tỏ ra tin tưởng vào khả năng chịu đựng của các trẻ. Bà cũng tỏ cho thấy có cái gì đáng lạc quan về cái đau đó: nó không kéo dài lâu. 

Việc huấn luyện cho con trẻ tự mình giải quyết những vấn đề đơn sơ thì rất cần thiết. Trong một vài trường hợp, bà mẹ phải dùng cách không dấn thân vào mà phải để cho chúng tự giải quyết lấy. Không kể con số bao nhiêu lần, đứng trước những vấn đề, bố mẹ nên lùi bước ra sau và để con trẻ tự giải quyết những vấn đề của chúng để con trẻ có thể học hỏi bằng chính những kinh nghiệm chúng gặp phải. 

Bé Hoa, 2 tuổi rưỡi, thét lên một cách giận dữ và thất vọng vì chiếc xe kéo bị kẹt không chạy được. Bà mẹ hỏi: “Cái gì vậy con?” Bà vừa nói vừa chạy đến để xem xét. Bé Hoa đứng giậm chân và tiếp tục hét. Bà mẹ ngồi xuống và chờ đợi. Cô bé dùng sức kéo mạnh chiếc xe. Chiếc xe vẫn mắc kẹt. “Ngoài việc kéo như vậy con có thể làm gì khác nữa không?” Cô bé kéo hướng khác. Xe vẫn mắc kẹt. “Cái gì sẽ xảy ra nếu con thử kéo phía sau của chiếc xe?” Cô bé cố gắng thử. Chiếc xe chạy ngon lành. Cô bé vui vẻ, thích thú kéo theo chiếc xe chạy sau nó. “Có phải chính con đã làm được chuyện đó phải không?” bà mẹ có lời khích lệ. 

Bố mẹ cần thời gian cho việc huấn luyện, có thể kéo dài nhiều năm, bằng cách tỏ cho con trẻ thấy rằng có nhiều cách thế để đối ứng với một vấn đề. Bà mẹ không kéo chiếc xe cho đứa con nhưng dùng hoàn cảnh đó để dạy cho cô bé biết rằng nó có thể tự giải quyết được chuyện đó. 

Bà mẹ đặt đứa bé trai mới được 10 tháng tuổi lên đống cát và ngồi xuống gần bên để quan sát nó. Cậu bé thọc hai bàn tay vào trong cát, hốt cát, nhìn mẹ, và đưa trọn tay cát vào miệng. Bà mẹ nhảy lên và chạy vội về phía cậu bé nói: “Không, không được con ơi!” Bà chụp nó và móc cát ra khỏi miệng nó, và lại đặt nó lên đống cát nữa. Sự thực hành nầy được lập đi lập lại nhiều lần trong suốt thời gian một tiếng đồng hồ. 

Cậu bé đã khám phá ra một trò chơi thích thú là làm bà mẹ phải bận rộn với nó. Bà mẹ phải chú ý luôn, không dám lơ đãng khi cậu bé được mang ra chơi ở ngoài trời. Bà phải trông coi nó cách cẩn thận.

Bà mẹ cần có thời gian để huấn luyện cậu bé không được bỏ mọi thứ vào miệng. Mọi đứa bé đều làm như vậy. Đó là một cách thức khám phá ra thế giới chung quanh nó. Nó cảm thấy thế nào? Nó nếm thấy thế nào? Đây chỉ là một động tác tự nhiên, và không có lý do gì không huấn luyện cho nó trong việc kiềm chế chính mình. Bà mẹ có thể đem đứa bé ra khỏi cát và đặt nó vào trong chiếc xe của nó mỗi lần nó bỏ cát vào trong miệng nó. Điều đó cho thấy vì cậu bé không biết hành động xứng hợp nên cậu bé phải được đem đi. Cậu bé có thể la hét, khóc để phản đối. Bà mẹ đọc được ý của nó nên cứ để nó khóc. Bà mẹ kính trọng sự biểu lộ của nó. Khi cậu bé yên lặng không khóc nữa, bà mới cho nó chơi tiếp. Nếu nó còn bỏ cát vào miệng nó, bà mẹ nhấc nó lên và bỏ vào trong xe. Không bao lâu nó sẽ học được điều mẹ nó muốn dạy nó. Mỗi khi cát vào miệng, nó được đưa vào bỏ trong xe. Không cần nói gì cả. Cậu bé không hiểu những lời nói nhưng hiểu được những hành động. 

Khi gia đình có nhiều con, việc huấn luyện do những đứa trẻ với nhau có thể bị quên lãng. Những đứa lớn hơn có thể dạy cho những đứa nhỏ hơn những gì chúng cần phải làm cho chính mình. Điều đó cũng cần phải coi chừng vì đứa lớn có thể dùng cơ hội để đặt cái uy quyền trên đứa nhỏ. Mỗi đứa trẻ cần có giai đoạn huấn luyện để nó có được sự thành thạo và sự khéo léo cần thiết cho cuộc sống của chính nó. 

Sự huấn luyện không nên có khi có khách hiện diện hoặc khi đi ra ngoài. Trong những trường hợp như thế, đứa trẻ sẽ hành động như nó quen hành động. Nếu cha mẹ muốn con mình hành động nơi công cộng, họ phải huấn luyện nó ở nhà. Nếu hành vi của nó không thích hợp với hoàn cảnh, cách giải quyết tốt nhất là đưa nó đi khỏi đó một cách im lặng.

 lm.levanquang. tiến sĩ tâm lý

VỀ MỤC LỤC
CÔNG CHÍNH VÀ TỘI LỖI
 

Chúa Giêsu nói với những người tự phụ cho mình là công chính bằng dụ ngôn người phariseu và người thu thuế.  Ở đâu và thời nào, cả hai tính cách của hai con người ấy vẫn còn hiển hiện. Và còn hơn thế nữa, có thể cùng lúc hiển hiện trong một con người, trong chính tôi, trong chính bạn. Điều ấy có thật, vì với bản chất trí trá lừa dối trong tôi, trong bạn, ta có thể cùng một lúc đóng đủ cả hai vai trong cuộc đời: người công chính, người tội lỗi. Thế nhưng, Lời Chúa hôm nay thức tỉnh chúng ta và đưa ra cho chúng ta một cách sống đạo chân thành. 

Bài học từ người Pharisieu 

Danh xưng Pharisieu tự nó như một “thương hiệu” uy tín của những con người đàng hoàng, “đạo-đức-công-cộng”-cách sống đạo thể hiện bên ngoài ai cũng thấy được: cầu nguyện công khai nơi tập thể,  hiểu luật và luôn nói về luật, yêu cầu người khác sống đúng luật…. Bản chất của thương hiệu ấy thể hiện qua cách đứng thẳng, chổ đứng gần, và lời tự phụ thưa với Thiên Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam bất chính ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18,11-12). Chúa không trách những việc lành người Pharisieu đã làm, nhưng Chúa trách ông  vì lòng tự phụ và vì cái nhìn khinh bỉ đối với người thu thuế- vẫn thường được cho là hạng người tội lỗi.

Bản chất của người Pharisieu vẫn còn đây trong chúng ta: tự phụ và khinh bỉ. Có thể tôi và bạn đều phải giơ tay lên và hô rằng “thưa, con, Pharisieu, có mặt”.

“Con ăn chay mỗi tuần hai lần” mà Chúa không biết sao? “Con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” mà Chúa không biết sao? Con lễ sáng, lễ chiều, chầu chung, chầu riêng… mà Chúa không biết sao? Con tham gia Bà Mẹ Công giáo, Ca đoàn, Giáo lý viên, con đóng góp bao nhiêu tài vật lực cho mỗi dịp lễ lớn, con vất vả lắm vì việc chung, vì việc Chúa , mà Chúa không biết sao? Lời cầu nguyện có vẻ dư thừa và kém lòng tin. Phải hiểu là Thiên Chúa Thượng Trí Ngài biết rõ những gì ta đã làm, kể cả những điều ta ước muốn. Không nhất thiết phải trình bày, hay đúng hơn, người Pharisieu trình bày với mục đích khoe khoang công trạng. Đã không ít người trong chúng ta có chút công trạng, có chút đóng góp cho nhà chung, cho việc giáo xứ lại lên án những người khác là chống Cha, chống Chúa, là kẻ phá hoại. Cụm từ “phá hoại Giáo hội” vẫn còn thường được dùng nơi cửa miệng của nhiều người, kể cả những người đáng lý ra phải là nhân bản nhất. Có Cha sở lại dõng dạc tuyên bố câu Lời Chúa  “Ai nghe các con là nghe Ta”, hoặc “Điều gì các con ràng buộc dưới đất, trên trời cũng ràng buộc” để trấn áp thành phần bị cho là phá hoại vì đã góp ý chân thành, thẳng thắn. Tĩnh ra rồi mới biết, dù là Giám Mục quyền cao, Linh Mục chức trọng hay giáo dân hèn hạ tầm thường, người phá hoại giáo hội vẫn là người không sống đúng ơn gọi nên công chính trong đấng bậc của mình. Mỗi người đều có bổn phận trở nên công chính, vì đã được ơn công chính hóa nhờ công nghiệp Chúa Giêsu. Dứt khoát không “trở nên công chính vì danh xưng, địa vị, hay chức quyền” và vì tự sức mình. Vì thế, không thể tự nhận mình công chính hơn ai, và cũng không thể ngộ nhận ai công chính hơn ai. Chúa biết tất cả nội tâm ta trước khi ta biết ta. Chúa không muốn chúng ta tự phong cho mình là công chính, và đánh giá kẻ khác tội lỗi, là satan, là phá hoại. Cách sống đạo đức kiểu ấy không đúng với tinh thần khiêm hạ của Chúa Giêsu. Và Thiên Chúa đứng về phía người bị chúng ta khinh bỉ, áp bức “Chúa là Đấng xét xử, Người chẳng thiên vị ai. Người không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn, nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức” (Hc 35,12-13.

Cũng vậy, việc lành không làm cho chúng ta nên công chính, nếu việc lành ý được thực hiện cho mình. Quả thật, chúng ta đã nhận quá nhiều ơn lành của Chúa cách nhưng không, nhưng cho đi , nhưng khi làm việc lành thì không nhưng không một chút nào-  khi cho đi cũng là lúc đòi lại cho mình chút chút. Một cách nào đó, ta bỗng trở thành người “ăn cắp quyền làm chủ”  các ơn của Chúa, khi ban phát cho người khác để được tặng cho mình huân chương công chính, đạo đức. Đồng tiền bác ái bỗng trở thành chiếc gậy của uy quyền, khiến người nhận phải thực hiện theo ý người cho. Người nhận không làm theo ý người cho, thì bị khinh bỉ, nguyền rủa.

Bố tôi kể: những ngày đầu làm Linh Mục, nhận bài sai về làm Cha phó Giáo Xứ PH, có một ông Tư Lầm hay đến nhà xứ than vãn chuyện nhà đói khổ. Cha giúp cho ông mấy chục đồng.  Đến trưa, Cha ghé đến thăm nhà ông, thấy vợ chồng con cái ăn cả hai ký thịt heo luộc, cuốn bánh tráng, chấm mắm nêm, ngon lành. Ông Tư Lầm xấu hổ: “Thưa Cha, lâu rồi, thèm quá, Cha thông cảm”. Từ đó, Cha có ý nghĩ, người nầy không biết tiết kiệm, không biết làm ăn, và Cha không giúp đỡ gì nữa. Mười lăm năm sau, năm 1975, Cha đi cải tạo. Năm 1988, Cha ra trại cải tạo. Gia đình cô em ở nhà mừng quá đãi Cha một bữa cơm thịnh soạn, có cả món thịt heo luộc cuốn bánh tráng chấm mắm nêm. Cha ăn ngon lành. Cha bỗng nhớ ông Tư Lầm 28 năm về trước….. Kể đến đó, Cha quay sang Cha hỏi tôi: “Ông Tư Lầm bây giờ ở đâu con”. Tôi trả lời: “Nghèo quá. Bà Tư bịnh, không thuốc chữa, đã chết khi Cha vừa đổi xứ. Ông Tư buồn, thất nghiệp, hai đứa con thất học. Ông và một đứa con trai chết cả chục năm nay rồi vì ngộ độc cá nóc. Con bé gái, nghe nói, bán vé số ở Sài Gòn”.  

Bài học từ người thu thuế 

Ngược lại với cung cách tự phụ và khinh bỉ của người Phariseu là tâm tình khiêm cung nhận mình hèn hạ, tội lỗi, bất xứng của người thu thuế đứng ở cuối nhà thờ. Ông không dám ngước mắt lên vì sợ ánh mắt công thẳng của Thiên Chúa, nhưng ông biết đấm ngực mình  và thưa lời : “Lạy Thiên Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Dù không nhìn thấy được ánh mắt nhân từ khoan dung của Chúa, nhưng ông còn niềm tin  và lời thưa của ông đã xác minh điều đó. Ông đấm ngực mình, không đấm ngực ai. Một lần , tôi hỏi thăm một Linh mục, cùng lớp hồi tiểu chủng viện, nhận xứ mới được vài tháng, về tình hình Giáo xứ, Ngài nói: “Ở đây mọi việc đều tốt, chỉ tiếc một điều là người ta có thói quen xưng tội người khác nhiều hơn là xưng tội của mình”. Vâng, người thu thuế đấm ngực mình, vì ông ta đang cần tình thương và sự tha thứ, khác với người Phariseu đang cần một lời khen , một sự tuyên dương đánh đổi bằng sự lên án người thu thuế. Tôi không bênh vực cho người thu thuế, nhưng thiết nghĩ, ông nhận mình là tội lỗi theo cách nhìn của người đương thời hơn là chính ông đang có tội. Ông thực sự bị bỏ rơi, bị tẩy chay hơn là bị tội lỗi dày vò. Thiên Chúa hiểu rõ tâm can của từng con người, và dù con người ấy sống trong cảnh cùng khốn nào đi nữa, Thiên Chúa cũng để mắt nhìn tới. Cảnh cùng khốn của người thu thuế chưa hẳn là tội lỗi đối với Thiên Chúa, nhưng lại là tội lỗi đối với cái nhìn của nhân loại. Chính con người xét xử, kết án, và đẩy nhau vào chỗ bi đát .

Tôi còn nhớ, những người “tự cho mình là công chính” trước năm 1975 đã nhìn khinh bỉ các cô các bà làm sở Mỹ lầm lỡ. Có cô bị tẩy chay ra khỏi giáo xứ, bị cấm xưng tội rước lễ và các ơn ích bí tích khác. Có biết bao tâm địa miệng mồm  độc ác còn lời ra tiếng vào nặng nề đến nỗi nhiều người phải lẳng lặng ẳm con bỏ xứ mà ra đi trong nước mắt. Không ai cho chút thương cảm. Thế rồi, sau 1975, những người bị cho là tội lỗi ấy, những đứa con bị nguyền rủa của họ ấy, đã được Chúa sắp xếp định cư nơi xa để đền bù cho những nỗi đau không kể thấu. Chỉ có Thiên Chúa mới hiểu rõ hoàn cảnh của họ, hiểu cả sức chiến đấu của họ trước mảnh lực của đồng tiền, trước vây khủng của nghèo đói, và Ngài trả lại cho họ niềm vui bình an. Rõ ràng là Thiên Chúa không bỏ rơi những con người bị con người bỏ rơi, Thiên Chúa lau sạch nước mắt tủi nhục của họ, và họ cũng được quyền xứng đáng trở nên người công chính của Chúa, nhờ ơn Chúa. Đã biết bao người âm thầm chấp nhận một đoạn đời bi đát ấy, và bây giờ, trở thành những người Tạ ơn Chúa “Đấng xét xử công bình”, trở thành những cánh tay nối dài cho tình thương của Chúa. Trong những công trình của giáo hội quê nhà, không có những đóng góp của những con người bị cho là tội lỗi một thời đấy sao?

Đừng tự nhận mình công chính. Đừng ngộ nhận ai công chính hơn ai. Hãy trả lại quyền xét xử cho Thiên Chúa. Hãy chu toàn bổn phận nên công chính của mình. 

Một thực tế đáng ngại

Qua những dòng suy niệm trên đây, tôi có thêm chút suy tư về một thực tế đáng ngại:  “vừa công chính vừa tội lỗi” trong cùng một con người. Con người có khả năng đóng đủ các vai trong cuộc đời. Con người phariseu thời nay: biết rõ thế nào là sống theo lời Chúa dạy, và sống theo lời Chúa dạy để chứng tỏ mình biết sống công chính. Họ không tự nhận mình là công chính, nhưng làm đủ mọi cách để người khác công nhận mình là công chính, trong đó có việc họ công khai tự nhận mình là tội lỗi. Họ có thể khóc lóc đau đớn vì tội lỗi, khóc công khai trước mặt mọi người như một diễn viên ưu tú, không phải vì lòng sám hối chân thành, không phải vì lòng yêu mến Thiên Chúa, nhưng để được công nhận mình là người đạo đức. Họ cũng biết phải cúi đầu, phải đấm ngực, nhưng là để tìm cho mình một danh xưng trong cộng đồng. Trong các diễn viên ưu tú ấy, có thể, có cả bạn và tôi, những người đang bị cuốn vào quỉ kế kiêu ngạo của satan để trí trá, lừa dối. Nhưng, có thể qua mắt được con người trần gian, không thể qua mắt được Thiên Chúa.

Đời sống công chính phải phát xuất từ thăm thẳm của cõi lòng yêu mến Thiên Chúa và ước muốn hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa; không dành lại chút gì cho mình nhưng tất cả cho Thiên Chúa.  Chính sự kết hiệp viên mãn ấy làm cho ta nên công chính. Và, vì thế, không thể có sự công chính khi chưa đạt đến sự kết hiệp viên mãn với Thiên Chúa. 

Lạy Chúa, xin cho chúng con lòng khiêm tốn, để tin cậy và yêu mến Chúa, để hoàn toàn thuộc về Chúa. Xin cho mỗi ước muốn, mỗi suy nghĩ, mỗi việc chúng con làm, mỗi lời chúng con nói… tất cả đều để tạ ơn Chúa. A men. 

Pm. Cao Huy Hoàng

VỀ MỤC LỤC
NGƯỜI THU GOM XÁC CHẾT TRONG THỜI BÌNH
 

Lạ nhỉ ! Chiến tranh chấm dứt hơn ba mươi năm rồi mà còn xác chết sao ? Vô lý ! Đáng tiếc thay là chuyện vô lý ấy cứ diễn ra ngày một ngày hai trong cuộc đời này. Chỉ có trong chiến tranh mới có bom đạn và có xác chết để mà thu gom nhưng tại sao thời bình vậy mà vẫn còn những xác chết mà là những xác chết vô tội, chưa kịp cất tiếng khóc chào đời.

Mỗi ngày, trời vừa chập tối khi ánh đèn lấp lánh sáng choang của đô thị bật lên cũng là lúc có một con người, có một cô bé dáng người nhỏ nhoi với cặp kính cận dễ thương lặng lẽ đến một góc nhỏ trên hành lang của Trung Tâm Mục Vụ lấy về những xác chết bi thương ấy. Lặng lẽ, âm thầm ngày mỗi ngày làm cái chuyện cao cả mà dường như ít ai biết đến giữa cái xã hội đầy ồn ào, náo nhiệt và hưởng thụ. Trong cô có một nội lực rất lớn để cô vượt qua những gì là sợ hãi, những gì là vất vả để làm một chút gì đó cho các em chưa kịp cất tiếng khóc chào đời.

Cũng lạ là không còn chiến tranh vậy mà Việt Nam trung bình mỗi năm có đến hơn 3 triệu con người bị giết một cách oan uổng. Người ta viện đủ mọi lý do nào là kinh tế, nào là danh dự, nào là trách nhiệm, nào là bổn phận để can tâm giết những con người yếu ớt. Giá như mà giết một người có đủ sức chống cự đi thì không cóvấn đề vì trong trận chiến ấy mạnh được yếu thua, đàng này họ đi giết những con người chưa có sức tự vệ, những con người ngây thơ đang còn nằm trong dạ mẹ.

Nội cái Sài Thành này với 24 phường quận thôi thì không biết bao nhiêu mà kể. Chỉ với 3 trung tâm y tế thôi mà mỗi ngày thu gom trên hai trăm con người. Cả Thành phố Hồ Chí Minh có hơn hai chục trung tâm y tế và nhiều bệnh viện phụ sản to nhỏ thì ta làm bài toán nhân ta sẽ có kết quả thật kinh khủng. Không còn chiến tranh, không còn bom đạn nhưng bình quân chỉ tại thành phố Hồ Chí Minh thôi thì có hơn hai ngàn trẻ con vô tội bị giết.

Với sự may mắn thì một nhóm bạn trẻ có, trung niên có đã lăn xả, đã đương đầu vào 3 trung tâm thôi mà số người chết đã như thế rồi. Có lần các bạn đã tâm sự với tôi rằng đi vào nhận xác chết ấy không phải là chuyện đơn giản, phải thu dọn sạch sẽ người ta mới cho vào lấy còn không thì người ta cứ dội nước cho xuống cống là xong chuyện !!!

Nếu như vậy thì tất cả những trung tâm y tế khác không có người thu gom xác chết thì sẽ làm gì ? Chỉ có một cách là cho vào dòng chảy của kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè, Tham Lương hay những ống cống nào đó của thành phố mà thôi.

Kinh khủng quá ! Chắc ít người biết được cái mặt trái của một thành phố đang phát triển đến tột bậc, nền kinh tế đang mở ra một hướng mới. Đáng tiếc rằng đàng sau những cái hào nhoáng thành quả ấy lại là một bãi chiến trường khổng lồ nằm rải rác trong các trung tâm y tế, bệnh viện phụ sản, trung tâm hút điều hoà kinh nguyệt, sinh đẻ có kế hoạch ! Bên cạnh những thành tựu kinh tế, khoa học kỳ thuật thì thành phố Hồ Chí Minh cũng đạt được huân chương cao nhất về chuyện phá thai.

Cuộc sống vẫn dần trôi, ngày này qua ngày khác người ta vẫn sống, vẫn làm việc, vẫn yêu nhưng rồi cũng vẫn mang trong mình cái ích kỷ của bản thân để giết đi những mầm sống đang được tượng hình trong lòng mình.

Cái nghịch lý của cuộc sống vẫn diễn ra :

Tưởng chừng cuộc sống đã thanh bình nhưng đàng sau sự thanh bình ấy vẫn còn một khoảng trời đầy giết chóc, sát hại con người.

Tưởng chừng con người có quyền trên sự sống, muốn sát hại là sát hại nhưng khi cần có một mầm sống thì lại không thể nào có được vì đã nhiều lần nạo phá thai. Một thực tế đó là trong các bệnh viện ngày nào cũng một hàng dài chờ đợi để phá thai thì cạnh bên cũng có một hàng dài để cầu mong bác sĩ can thiệp cho mình một mầm sống.

Tưởng chừng cuộc sống đầy đủ, sung túc sẽ tạo điều kiện cho con người ta gần gũi nhau hơn, yêu thương nhau hơn nhưng rồi lại chém giết, sát hại anh chị em đồng loại bằng những phương cách tinh tế hơn.

Bên cạnh những ngịch lý đau lòng ấy vẫn còn những nghịch lý của những tấm lòng ngày đêm âm thầm cộng tác vào công việc bảo vệ sự sống, cộng tác vào công việc lo hậu sự cho những sinh linh bé bỏng.

Hình ảnh cô bé cứ chiều chiều tối tối thu gom xác chết, hình ảnh của những người bảo vệ sự sống đã lăn xả vào các trung tâm y tế để gom xác chết, hình ảnh của những bảo vệ sự sống đi khuyên chị em đừng vất bỏ thai, hình ảnh của những người ngày đêm cầu nguyện vẫn còn đó để hầu mong xoa dịu phần nào nỗi đau của chiến tranh khốc liệt thời bình.

Cảm ơn Chúa vì giữa đời thường ấy, giữa cảnh thanh bình của cuộc sống vẫn còn một cô bé âm thầm giải quyết hậu quả không phải của chiến tranh mà là của hưởng thụ, của ích kỷ trong thời đại ngày hôm nay.

Anmai, C.Ss.R.

VỀ MỤC LỤC
Con Đặt Đâu Cha Mẹ Ngồi Đó


Lời Giới Thiệu:

 Tác giả Nguyễn Duy-An là cư dân Virginia, hiện là Vice President, phụ trách Information Technology của NATIONAL GEOGRAPHIC. Lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ, ông gửi một tự truyện và một truyện tình, đều bắt đầu từ Bình Giả, một địa danh quen thuộc của Việt Nam thời chiến. Chưa đầy 3 tuần sau khi bài lên Việt Báo online, đã có hơn 3,600 người đọc “truyện tình cờ”, hơn 3,000 người đọc tự truyện của chàng trai Bình Giả. Cả hai bài hiện dẫn đầu trong số 10 bài có nhiều người đọc nhất. Sau đây là bài viết thứ tư của ông, một truyện về quan hệ cha mẹ con cái tại Hoa Kỳ. 

Một buổi chiều Chúa Nhật, vợ chồng tôi chở các con đi tham dự buổi đấu bóng rổ chung kết giữa các trường Công Giáo ở Hoa Thịnh Đốn và vùng phụ cận về; vừa bước chân vô cửa đã nghe tiếng chuông điện thoại reo inh ỏi. Vợ tôi nhấc điện thoại, nói chuyện trong giây lát rồi quay sang bảo tôi:

- Anh Dũng muốn nói chuyện với anh. Bà cụ Thanh đang hấp hối ở bệnh viện George Washington.

Tôi vội vàng đến cầm điện thoại:

- Hello anh Dũng. Cụ bị sao vậy anh?

- Bà cụ nhà tôi bị mệt vài tuần nay, đã nhập viện được mấy hôm rồi. Sợ không qua khỏi. Anh chị sắp xếp lên một tí được không? Bà cụ muốn gặp vợ chồng anh. Các em tôi cũng tề tựu đây cả.

- Vâng. Chúng em lên ngay.

Vừa lái xe từ nhà lên Washington, DC tôi vừa tưởng nhớ lại kỷ niệm quen biết bà cụ Thanh từ mấy tháng nay...

* * *

Tôi đến phi trường Chicago – Illinois vào một buổi tối mùa đông. Ngoài trời gió thổi vù vù, và tuyết vẫn tiếp tục rơi... Hôm đó chuyến máy bay của tôi đến trễ hơn một tiếng đồng hồ vì bão tuyết. Tôi biết mình đã lỡ chuyến bay chuyển tiếp để trở về Washington D.C. nên chạy vội vàng tìm văn phòng lo thủ tục đổi vé. Khi biết tôi là người Việt Nam vì mang họ Nguyễn, cô nhân viên của hãng Delta đã nhờ tôi làm thông dịch viên để nói chuyện với một bà cụ khoảng 80 tuổi đang ngồi ủ rũ bên quầy bán vé. Bà cụ Thanh cũng bị lỡ chuyến bay về Maryland, nhưng vì không nói được tiếng Anh nên cụ không biết phải làm sao, cứ ngồi lim dim, lặng lẽ đọc kinh lần chuỗi...

Lo xong thủ tục giấy tờ cho hai người, tôi quay sang:

- Để con dẫn cụ đi nhận phòng ngủ rồi kiếm gì ăn tối. Sáng mai mới có máy bay cụ ạ.

- Cám ơn cậu. Cậu gì nhỉ?

- Dạ con tên Huy. Cụ để con xách hành lý cho. Con dẫn cụ lên phòng cụ trước, rồi con tìm phòng con sau. Sắp xếp xong con sẽ qua dẫn cụ đi ăn tối.

- Cậu cho tôi ở chung với được không? Tôi không biết tiếng Mỹ, làm sao ở một mình trong nhà trọ được.

Tôi dở khóc dở cười trước đề nghị của bà cụ; nhưng đã nhận lời vì nghĩ tới mẹ tôi. Cụ Thanh làm tôi nhớ mẹ thật nhiều với những lần đưa mẹ đi đây, đi đó thăm anh em bà con lúc mẹ tôi qua Mỹ du lịch... Tôi dẫn bà cụ về phòng trọ. Cũng may trong phòng có sẵn hai chiếc giường đôi. Tôi gọi điện thoại về nhà báo tin cho vợ con biết hôm sau mới về được vì bị bão tuyết. Sau khi nói chuyện với vợ con xong, tôi quay sang hỏi cụ Thanh:

- Cụ có mang theo số điện thoại của các anh chị không? Con giúp cụ gọi điện thoại về báo tin máy bay bị trễ tới mai, kẻo các anh chị ấy lại lo lắng.

Cụ Thanh mở "ruột tượng", lần mãi mới lấy ra một xấp tiền và mấy tờ giấy cuộn tròn trao cho tôi:

- Cậu Huy coi rồi giúp dùm tôi nhé. Tôi có biết số nào ra số nào đâu.

Tôi mở xấp giấy ra xem, có cả một tờ giấy ghi sẵn bằng tiếng Anh phòng khi gặp trở ngại thì trao cho nhân viên ở phi trường để xin giúp đỡ... Tìm ra tờ giấy đánh máy số điện thoại của nhiều người, tôi hỏi cụ:

- Con nên gọi cho ai bây giờ?

- Nhờ cậu gọi về Texas cho con Lành dùm tôi. Vợ chồng nó thương tôi nhất, chỉ tội nghèo. Đi đâu tôi cũng nói chuyện với nó, rồi nó nói lại với mấy đứa khác, nhất là với vợ chồng thằng Dũng ở Thủ Đô vì hôm nay tôi về trên đó.

- Nếu thế con gọi thẳng về Maryland cho anh chị Dũng luôn cũng được.

- Tuỳ cậu.

Tôi để lại lời nhắn trong máy cho anh chị Dũng, và hẹn hôm sau sẽ gọi lại cho biết chuyến bay và giờ giấc bà cụ về tới phi trường BWI (Baltimore Washington Internation Airport) để họ ra đón. Phần tôi sẽ bay về phi trường National Airport nên không đi chung chuyến bay với cụ được. Sau khi tắm rửa, tôi mời cụ đi ăn, nhưng cụ từ chối vì trong xắc tay đã có sẵn vài nắm cơm vắt với muối mè và giò lụa. Thay vì ra ngoài kiếm gì ăn, tôi đã nhận lời ngồi lại ăn cơm nắm, muối mè và giò lụa với bà cụ Thanh...

Tối hôm đó, tôi đã thức trắng đêm nghe bà cụ tâm sự.

“Tôi mới qua Mỹ được gần 2 năm nay thôi cậu Huy à... nhưng tôi cứ phải đi lung tung nhiều chỗ vì con cháu mỗi đứa một nơi, và chúng nó cứ đẩy qua đẩy lại làm tôi chóng cả mặt. Tôi buồn lắm, chỉ muốn về Việt Nam, nhưng không biết phải làm sao. Hơn 70 tuổi đầu tôi mới học được điều này là con cháu sang Mỹ khác xưa nhiều lắm. Trước đây ở Việt Nam, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, còn bây giờ qua Mỹ thì... ngược lại: Con đặt đâu cha mẹ ngồi đó! Cậu nghĩ tôi nói có đúng không?”

Tôi đang nằm mơ mơ màng màng nhớ mẹ, chưa kịp lên tiếng trả lời, bà cụ Thanh lại tiếp tục:

“Vợ chồng tôi có 5 người con; cứ đứa trai rồi đứa gái cách nhau 3 tuổi. Nhờ trời thương, gia đình làm ăn cũng khấm khá nên đứa lớn được ông nhà tôi gởi đi du học bên Mỹ từ năm 70, rồi lấy vợ và ở lại luôn bên này. Năm 75, vợ chồng đứa con gái kế đưa thêm được thằng út nhà tôi đi, bây giờ đang ở bên Ca-li. Thằng thứ ba đi lính ngoài Trung, lấy cô vợ người Huế, rồi làm mai cho ông anh vợ lấy con em gái kế nó. Hai thằng đi cải tạo về rồi cũng sang Mỹ theo diện H.O. và định cư ở Texas. Vợ chồng tôi có giấy tờ bảo lãnh từ lâu, nhưng ông nhà tôi nhất định không đi; và tôi cũng chẳng ham muốn gì chuyện đi Mỹ, chỉ mong thỉnh thoảng chúng nó đưa các cháu về thăm là mãn nguyện lắm rồi. Nhưng hơn 4 năm trước, Chúa đã gọi ông nhà tôi về với ông bà. Chúng nó cứ thúc ép mãi, nhưng tôi cũng không đi. Ngày giỗ mãn tang ông nhà tôi, vợ chồng thằng lớn về thăm quê hương, và tìm đủ lý lẽ thuyết phục tôi đi Mỹ vì “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” nên tôi đành “nhắm mắt đưa chân”.

Ngày đặt chân đến Mỹ phải nói là ngày hạnh phúc nhất trong đời tôi, cậu Huy ạ. Con cháu dâu rể tề tựu đông đủ hết, cả cô bồ của thằng út Đức cũng bay sang mừng ngày đoàn tụ của gia đình tôi. Nếu như chúng nó chỉ khóc chứ đừng nói gì như lúc gặp nhau ở phi trường thì chắc tôi còn vui nhiều nữa. Đằng này, vừa gặp tôi, thằng Đức đã xì lồ xì lào có một câu ‘hi mom’ rồi lo quấn quýt với con bồ người Mỹ của nó. Tôi thấy chướng mắt quá, chỉ muốn chửi cho nó một trận, nhưng con Hoa đã phân trần cho em: ‘Con xin mẹ đừng giận cậu út... Nó sang Mỹ từ nhỏ, chúng con lại bận rộn công ăn việc làm nên không có thì giờ dạy cho em nó hiểu phong tục tập quán của mình. Mẹ thấy đó, từ cách đi đứng, nói năng, cử chỉ của em Đức đều đúng y chang là một thanh niên người Mỹ, chỉ khác có màu da. Mẹ đừng buồn.’

Cậu Huy nghĩ coi làm sao mà tôi không buồn cho được. Tôi thương thằng Đức nhất nhà vì nó là út đã đành, nhưng vì nó phải xa tôi từ lúc mới 6 tuổi đầu. Hơn 20 năm trời mới gặp mẹ mà có cứ lo xà nẹo với con bồ Mỹ trước mặt tôi và các anh chị nó... và nhất là các cháu nhỏ. Coi chướng mắt hết sức! Tôi thất vọng quá cậu Huy à. Nhưng đó chỉ là bước đầu... Suốt một tuần liền chúng nó lôi tôi đi chụp hình khắp thủ đô, rồi mạnh đứa nào bay về chỗ đứa đó, giam tôi một mình trong căn nhà rộng thênh thang của thằng Dũng. Vợ chồng nó đi làm suốt ngày. Hai đứa con cũng đi học và ở luôn trong trường, mà nếu bọn nhỏ có ở nhà cũng chẳng nên cơm cháo gì vì chúng nó chỉ nói toàn tiếng Mỹ! Tôi ngồi một mình suốt ngày nhìn ra đường, lúc nào cũng "vắng như chùa bà đanh" nên tôi cứ nghĩ mình đang bị tù cậu Huy ạ. Riết rồi tôi chịu không thấu nên ngã bệnh. Vợ chồng thằng Dũng đưa tôi đi khám bác sĩ, lấy thuốc uống... Rồi không biết vợ chồng nó bàn nhau sao đó, tự động mua vé máy bay đẩy tôi sang Ca-li ở với vợ chồng con Hoa.

Lúc ở bên nhà, tôi cũng nghe nói Ca-li có nhiều người Việt, có khu chợ Việt Nam rất sầm uất, không khác chi Sàigòn nên tôi cũng mừng trong bụng. Thêm vào đó, tôi cũng muốn được ở gần thằng út để hướng dẫn nó được tí nào hay tí đó. Gần 30 tuổi đầu rồi mà cứ lang thang, không chịu cưới vợ gì cả... Nhưng vợ chồng con Hoa lại ở đâu miệt phía bắc, nghe nói phải lái xe cả ngày mới tới vùng Quận Cam nên tôi lại buồn hơn vì vợ chồng thằng Dũng đi làm công sở, khoảng 6 giờ chiều đã về nhà. Đàng này vợ chồng con Hoa mở cái tiệm gì đó, tối nào cũng nửa đêm mới về. Con cái thì mạnh đứa nào đứa đó lo, đi học về là chui ngay vào phòng riêng. Tôi muốn vào nói chuyện với các cháu thì tụi nó không cho, lại còn nói tiếng Mỹ với nhau tỏ vẻ nhạo báng bà ngoại cổ hủ, lỗi thời, không tôn trọng "xi xi" gì đó (privacy).

Tôi tủi thân chỉ biết ngồi khóc một mình. Tôi sang đó cả tuần cũng không gặp được thằng út. Mãi sau này tôi mới biết là nó thuê "pạc-măng" (apartment) ở riêng với con bồ Mỹ chứ chẳng cưới xin gì hết. Chúa Nhật cũng không thấy đi lễ đi lạy gì cả. Tôi khổ tâm lắm, bắt con Hoa gọi nó về, chửi cho một trận. Nhưng tôi nói gì mặc tôi, nó cứ ngồi trợn mắt ngó lên trần nhà chứ có hiểu tôi nói gì đâu!

Quá thật vọng với mấy đứa con và các cháu ở Ca-li, tôi nói với cái Lành mua vé máy bay cho tôi về Texas ở với chúng nó và vợ chồng thằng Hiền. Cậu biết đó, chúng nó mới sang sau này theo diện H.O. nên còn nghèo lắm; được cái là hai anh em lấy hai chị em nên chúng nó hòa thuận thương yêu nhau. Hai gia đình chung nhau mua một cái nhà khá lớn vì cả hai đều đông con.

Thằng Hiền và thằng Khanh đi làm cho một hãng cuốn chả giò vì không có nghề nghiệp chuyên môn. Hai con vợ nhận hàng về nhà may tối ngày sáng đêm. Nhà đông người, lại chất đầy vải vóc, kim chỉ... Thôi thì bụi bậm, rác rưởi không thua gì mấy khu vực lao động bên Sàigòn. Tôi bảo chúng nó là thằng Dũng và con Hoa đều giàu có, sao không kêu anh chị giúp vốn cho mà làm ăn buôn bán cho đỡ vất vả... Tôi nói mặc tôi, chúng nó không đứa nào trả lời trả vốn gì hết.

Tôi chờ tới hôm thằng Dũng và con Hoa gọi điện thoại hỏi thăm mới la cho một trận là tại sao không giúp đỡ các em. Cả hai đứa đều nại đủ lý do phải chi tiêu khoản này khoản nọ, không có khả năng để cưu mang cho ai. Con Hoa lại còn kể công đã nuôi thằng Đức bao nhiêu năm từ ngày thằng út mới đi học lớp một! Tôi mở hết hầu bao, có vài ngàn bạc để dành từ Việt Nam, tôi giao hết cho con Lành, nói nó dùng làm vốn mở tiệm gì đó buôn bán cho đỡ cực hơn làm nghề may khoán. Lúc đó tôi mới biết là số tiền vài ngàn bạc ở Mỹ này chẳng làm được gì hết!

Ở chung với vợ chồng con Lành và thằng Hiền được mấy tháng thì bệnh suyễn của tôi tái phát. Bác sĩ bắt tôi phải đi ở chỗ thoáng mát, tránh bụi bậm ô nhiễm... Thằng Dũng đã không biết thương em thì chớ, lại chửi chúng nó là không biết lo cho mẹ, tự động mua vé máy bay bắt con Lành đưa tôi trở về.

Tôi ở nhà vợ chồng đứa con trai trưởng mà cứ nghĩ như mình bị đưa đi tù vậy đó, cậu Huy à. Nó giam tôi từ mùa thu cho tới mùa Xuân, cứ ngồi trong cửa sổ nhìn lá vàng rồi lá rụng, tuyết xuống phủ đầy sân rồi tuyết tan... Tôi cứ thui thủi một mình lần chuỗi suốt ngày, ngoại trừ Chúa Nhật nó chở tôi đi lễ ở nhà thờ Mỹ gần nhà. Tới mùa hè, vợ chồng nó bàn nhau đi "cu" đi "cụ" gì đó (cruise) 3 tuần trên biển, nên gọi cho con Hoa nói sẽ gởi tôi về bên đó vài tháng. Tôi quá thất vọng với con cháu bên Mỹ nên cũng chẳng thèm nói năng gì, mặc kệ chúng nó. Tôi lại lạch cạch khăn gói về Ca-li. Mới ở được vài tháng chúng nó lại "tống" cổ tôi về Houston vì "không có thì giờ để hầu mẹ"!

Tôi chỉ muốn chết đi cho xong, nhưng mình là người Công Giáo đâu dám nghĩ chuyện làm bậy. Không biết vợ chồng hai đứa "nghèo" bàn nhau làm sao mà tôi mới về ở được vài tuần, chúng nó nói sẽ đi mướn một một chỗ riêng cho tôi ở để bệnh suyễn của tôi không phát lại vì bụi bậm trong nhà nó. Tôi thương các con, các cháu còn nghèo nên đòi về lại "nhà tù" của thằng Dũng chịu khổ một mình hơn là gây thêm gánh nặng cho mấy đứa nhà nghèo. Cực chẳng đã, chúng nó đã phải mua vé máy bay cho tôi trở về với thằng Dũng giữa mùa đông như thế này. Cũng may mà gặp được cậu...”

Bà cụ Thanh bật khóc nức nở. Tôi không biết phải làm gì nên cứ để cụ khóc một lúc cho nguôi ngoai... Và chợt nhớ tới khu "nhà già" của các cụ cao niên ở gần nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nên nhỏ nhẹ nói với cụ:

- Để mai về bên đó con liên lạc với anh Dũng xem có thể sắp xếp gởi cụ tới ở chung với các cụ trong Hội Cao Niên bên giáo xứ chúng con cho vui. Vừa có bạn bè người Việt, vừa có các bạn trẻ tới chở đi lễ nhà thờ Việt Nam...

- Được thế thì còn gì bằng. Mà ở đó có gần nhà cậu Huy không?

- Cũng gần cụ ạ. Và cũng không xa chỗ anh Dũng lắm đâu, tuy là 2 tiểu bang khác nhau nhưng chỉ cách con sông Potomac...

- Thế cậu Huy giúp dùm tôi nhé. Tôi chẳng trông mong gì nơi vợ chồng thằng Dũng cả.

- Vâng. Đàng nào con cũng đã ghi số điện thoại anh Dũng đây rồi, cuối tuần con sẽ nói chuyện và nếu tiện con sẽ chở vợ con sang thăm cụ cho vui; và thỉnh thoảng chúng con xin phép đón cụ sang bên này đi lễ Việt Nam cho biết.

- Giêsu Lạy Chúa tôi. Được thế thì có chết tôi cũng mãn nguyện. Tôi đi nhà thờ Mỹ cứ như vịt nghe sấm chứ có hiểu gì đâu. Tôi nói vợ chồng nó chở đi nhà thờ Việt Nam nhưng chúng nó bảo giờ giấc không thuận tiện nên chưa bao giờ đưa tôi đi cả cậu ơi!

- Cũng gần sáng rồi, cụ nghỉ một lát cho đỡ mệt rồi còn sửa soạn ra phi trường.

- Cậu nghỉ đi, tôi già cả rồi có cần gì ngủ nghỉ. Tôi làm khổ cậu thức suốt đêm. Xin Chúa Mẹ thay tôi báo đáp công ơn cho cậu.

Sau khi trở về Virginia, tôi đã liên lạc với vợ chồng anh Dũng. Anh chị ấy đã mời chúng tôi qua chơi ngay cuối tuần đó để cám ơn tôi giúp đỡ bà cụ hôm bị lỡ máy bay ở phi trường Chicago. Tôi nói sơ qua về việc gởi cụ vào "nhà già" bên Virginia cho có bạn, có bè... nhưng anh đã kịch liệt phản đối vì sợ các em trách là "vợ chồng anh đẩy mẹ vô viện dưỡng lão"! Tôi giải thích mãi là mình chỉ muốn sắp xếp làm sao cho cụ vui lúc tuổi già, nhưng anh chị ấy cũng không nghe theo. Cuối cùng tôi chỉ xin phép đón cụ sang nhà tôi chơi với mấy đứa nhỏ vài lần vào dịp cuối tuần, và chở cụ đi nhà thờ Việt Nam. Ôi thôi, cụ mừng như đứa trẻ mới lớn, lần đầu được mẹ cho đi chợ sắm quần áo mới và sách vở đi học lớp vỡ lòng! Lần nào tôi chở về lại nhà anh Dũng cụ cũng rươm rướm nước mắt, nhưng chúng tôi cũng không biết phải làm sao hơn được. Vợ chồng tôi bàn nhau, nếu mùa hè này mẹ tôi qua Mỹ du lịch lần nữa, chúng tôi sẽ xin phép anh Dũng để cho hai bà đi chơi với nhau một thời gian cho cụ đỡ buồn... Nhưng mùa hè chưa tới! 

* * *

Vợ chồng tôi vừa bước vào khu vực ICU (Intensive Care Unit, khu chăm sóc đặc biệt) ở nhà thương George Washington đã gặp vợ chồng anh Dũng và mấy người nữa đang ngồi nơi hành lang phòng chờ đợi (waiting room). Anh Dũng chạy tới bắt tay tôi: “Cha tuyên uý đang làm các phép cho bà cụ nhà tôi. Chắc cũng sắp xong rồi. Tôi sẽ dẫn anh vào ngay cho cụ gởi gắm ít lời. Cụ nhắc anh mãi. Họ chỉ cho vào mỗi lần 2 người thôi. Bác sĩ nói chắc bà cụ nhà tôi không qua khỏi đêm nay. Cụ đang nuối anh đó, anh Huy à. Tôi là con mà không lo được cho cụ như vợ chồng anh.” Nói rồi anh Dũng giới thiệu vợ chồng tôi với gia đình các em của anh. Chúng tôi ngồi chờ mấy phút thì cha tuyên uý đi ra. Ngài nói vài lời an ủi gia đình rồi lại vội vàng đi xức dầu cho một bệnh nhân ở lầu dưới. Anh Dũng kéo tôi đi vào gặp bà cụ... Đôi mắt cụ sáng hẳn lên khi nhìn thấy tôi và anh Dũng bước tới bên giường. Cụ thều thào:

- Dũng con. Mẹ chỉ còn một ước muốn cuối cùng, và mẹ muốn con hứa với mẹ truớc mặt cậu Huy là con sẽ...

- Vâng, con sẽ nghe lời mẹ. Con xin mẹ tha thứ cho chúng con đã làm mẹ buồn lòng.

- Mẹ không buồn giận các con. Hai năm nay mẹ đã đi đông, về tây theo sự sắp xếp của các con... Các con đặt đâu mẹ ngồi đó! Nhưng sau khi Chúa cất mẹ về, mẹ xin con một điều... con cho mẹ được về nằm bên cạnh mộ cha con bên Việt Nam... Cậu Huy, tôi mang ơn vợ chồng cậu nhiều lắm... đã cho tôi được hưởng sự ấm cúng của một gia đình bên Mỹ. Xin Chúa Mẹ trả công cho... gia... đình...

Tôi đang thầm thì kêu Tên Cực Trọng: "Giêsu, Maria, Giuse... Xin Ba Đấng gìn giữ và đón tiếp linh hồn Anna" thì nghe anh Dũng òa lên khóc nức nở. Tôi nhìn qua thấy bà cụ Thanh miệng vẫn như mỉm cười nhưng hơi thở đã tắt!

 Nguyễn Duy-An

Nguồn: Thư Viện Toàn Cầu

VỀ MỤC LỤC
Chứng Ợ Chua

 

Ợ chua hoặc Ợ nóng là bệnh khá phổ biến, nhiều người mắc phải.

Thống kê cho hay, có tới 60% dân chúng bị ợ chua ít nhất một lần trong tháng và thường thấy ở người trưởng thành nhiều hơn là trẻ em.

 Bệnh khó chịu đến nỗi có thể gây ra nhiều trở ngại cho sinh hoạt hàng ngày, cho giấc ngủ hoặc cả trong khi đang mê ly ái ân.

Đây là một cảm giác rất đau, như lửa đốt ở sau xương ức, chỗ nối tiếp giữa bao tử và thực quản.

Mặc dù cảm giác nóng này thấy ở trước ngực và tiếng Anh có chữ heart (heartburn), bệnh không liên can gì tới trái tim, mà là một rối loạn về tiêu hóa.

Ợ chua khác với cơn suy tim (heart attack) trong đó cơn đau như dao đâm xuất phát từ tim, lan lên cổ và ra cánh tay.  

Nguyên nhân

Trong bao tử có một dung dịch acid nhẹ để giúp sự tiêu hóa thức ăn cũng như để tiêu diệt một số vi khuẩn lẫn lộn trong thực phẩm. Acid này không làm tổn thương bao tử nhờ lớp màng bao che mặt trong bao tử. Nếu acid đó cứ nằm trong dạ dầy thì cũng chẳng sao. Nhưng đôi khi nó dội ngược lên thực quản, tạo ra khó khăn cho con người.

Khi ăn uống, thực phẩm di chuyển từ miệng xuống dạ dày qua một cái ống gọi là thực quản dài khoảng 23 cm.

Bình thường, thức ăn cũng như acid được giữ trong bao tử không dội ngược là nhờ chiếc cơ vòng (sphincter) nằm ở cuối thực quản. Cơ mở rộng để thực phẩm xuống dạ dày rổi mau lẹ khép lại, không cho thực phẩm và dịch vị trào ngược lên trên. Nhiều lúc cơ vòng mở hơi lâu khi ta nuốt thức ăn, các chất trong bao tử lợi dụng cơ hội cửa mở, trào ngược lên thực quản. Do đó ta có cảm giác nóng đốt sau ngực và vị chua trong miệng. Nếu tình trạng kéo dài lâu ngày sẽ đưa tới bệnh dội ngược bao tử-thực quản (Gastroesophageal Reflux Disease-GERD).

Sau đây là một số yếu tố có thể đưa tới ợ chua:

a- Nhiều người bị ợ chua sau khi ăn quá no, sức ép trong bao tử lên cao, đẩy mở van giữa bao tử và thực quản, chất chua dội ngược lên họng.

b- Có người bị ợ chua vì ăn xong là lên giường nằm nghỉ ngay, vị thế bao tử -thực quản nằm ngang, chất chua lan qua cuống thực quản.

c- Ăn uống khi ngồi mà mặc quần quá chật, ép vào bao tử làm áp suất lên cao, có thể đẩy thực phẩm dội ngược lên.

đ- Có ý kiến cho là đời sống nhiều căng thẳng cũng bị ợ chua vì stress làm cho cơ vòng thực quản-bao tử thư giãn không khép kín.

e- Ợ chua cũng thường thấy ở người mập phì, phụ nữ mang thai vì tăng sức ép trong bụng.

g- Một vài thực phẩm như chocolate, tỏi, hành, rượu, cà phê gây ợ chua, bằng cách kích thích cơ thể tiết ra hóa chất khiến cơ vòng thực quản mở rộng.

h- Ợ chua thường xẩy ra ở quý vị cao niên, có lẽ là vì ở tuổi này, các cụ đều tăng kí và cũng hay uống nhiều loại thuốc có thể tăng đô chua trong dạ dày.

i- Hút nhiều thuốc lá cũng là rủi ro đưa tới ợ chua. Hóa chất trong thuốc lá làm yếu cơ vòng, cơ không khép kín và chất chua dội ngược.

k- Thoát vị khe (Hiatal Hernia) trong đó một phần hoặc toàn bộ dạ dày nhô lên xoang ngực qua khe dành cho thực quản ở hoành cách mô (diaphragm) đôi khi cũng gây ra ợ chua. 

Triệu chứng

Triệu chứng chính của ợ chua là cảm giác đau như đốt ở phần trên của bụng, ngay dưới xương ức, rồi lan lên họng. Đôi khi cả cuống họng cũng như cháy rát. Ngoài nóng cháy ở ngực, người bị ợ chua còn buồn nôn, muốn ói, nhai và nuốt bị trở ngại, khó ngủ ban đêm, thở khò khè, đôi khi nghẹt thở.

Các dấu hiệu vừa kể trầm trọng hơn sau khi ăn, khi nằm hoặc cúi mình xuống. Bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn khi ngồi dậy hoặc đứng lên.

Chẩn đoán bệnh

Thường thường bác sĩ xác định bệnh qua các dấu hiệu triệu chứng mà bệnh nhân kể. Ngoài ra, các phương thức sau đây cũng được áp dụng:

- Nội soi thực quản và dạ dày với một ống mềm dễ uốn cong để quan sát niêm mạc và nếu cần để lấy một chút tế bào cho thử nghiệm.

- Chụp X-quang dạ dày-thực quản sau khi uống một dung dịch cản quang.

- Đo sức mạnh của thực quản và của cơ vòng với máy đo đặc biệt.

- Đo mức độ chất chua dội ngược lên thực quản trong thời gian 24 giờ. 

Biến chứng

Bình thường, ợ chua không nguy hiểm. Tuy nhiên nếu xảy ra quá thường xuyên và không được điểu trị, ợ chua có thể giới hạn các hoạt động hàng ngày của người bệnh và đưa tới một số biến chứng trầm trọng của dạ dày như viêm loét, xuất huyết, co thắt đôi khi ung thư thực quản.

Dịch bao tử cũng có thể tràn vào cuống phổi, nhất là khi người bệnh nằm, và đưa tới khó thở, viêm phế quản và phổi. 

Mẹo vặt làm bớt ợ chua

Có một vài mẹo vặt ta có thể áp dụng để tránh ợ chua mà không tốn tiền như là:

a- Đừng đi nằm ngay sau ăn no, hãy chờ độ vài tiếng đồng hồ. Nếu cần ngủ trưa, ngủ ngả mình trên ghế.

b- Đầu giường nằm được kê hơi cao để nâng cao nửa phần trên của cơ thể. Gối đầu cao chỉ bớt được một phần nào mà thôi.

c- Khi ngủ, nằm nghiêng sang phía trái mình để đẩy thức ăn trong dạ dày ra xa chỗ tiếp giáp thực quản và bao tử. Nằm như vậy giảm được sự hồi lưu của thực phẩm rất nhiều so sánh với nằm sấp, nằm ngửa hoặc nghiêng bên mặt.

đ- Vì ợ chua thường xẩy ra sau bữa ăn nên tránh ăn quá no một lần mà ăn làm nhiều bữa nhẹ.

e- Bớt ăn nhiều mỡ béo vì chất béo chậm tiêu sẽ nằm trong bao tử lâu hơn đồng thời chất béo cũng làm tăng áp suất trong dạ dầy.

g- Giới hạn súc cù là, nước uống có hơi, thực phẩm nhiều chất chua như chanh, cam, nước cà chua, ketchup, mù tạc, dấm, gia vị có nhiều bạc hà.

h- Bớt thuốc lá, rượu, cà phê vì những thứ này làm giảm chức năng chặn thực phẩm của cơ vòng thực quản.

i- Giới hạn dược phẩm chống đau nhức, như aspirin vì nhiều loại thuốc tăng chất chua trong dạ dày. Thuốc acetaminophen không tăng acid.

k- Vận động cơ thể đều đặn.

l- Tránh mập phì để giảm áp lực trong bụng.         

Điều trị bằng dược phẩm

Ợ chua có thể điều trị với thuốc chống acid hoặc các dược phẩm khác, do bác sĩ chỉ định.

1- Trên thị trường có nhiều thuốc bán tự do không cần toa bác sĩ để trung hòa acid, giảm ợ chua. Đó là Alka-Seltzer, Maalox, Mylanta, Rolaids, Tums.

Hoạt chất chính của các thuốc này là aluminum, calcium, magnesium, sodium, nên thuốc trung hòa acid nhanh chóng. Mặc dù giá tiền thuốc vừa phải nhưng rất công hiệu, tác dụng mau, uống vào vài phút sau thấy bớt đau liền nhưng tác dụng chỉ kéo dài vài giờ là hết cho nên ít được dùng khi bị ợ chua thường xuyên.

Nên dùng thuốc sau khi ăn, vì nếu uống trước bữa ăn, thuốc sẽ bị thải khỏi bao tử rất mau.

Dùng trong một thời gian lâu, các thuốc trên có thể gây táo bón hay tiêu chẩy.

2- Loại thuốc ngăn chặn sự tiết chất acid trong bao tử như Tagamet, Zantac, Axid, Pepcid. Các thuốc này có tác dụng lâu hơn, độ 3-4 tiếng đồng hồ, rất công hiệu làm bớt acid và trị ợ chua.

Thuốc bắt đầu có tác dụng độ nửa giờ sau khi uống. Nên uống độ một giờ trước khi ăn. Các loại thuốc này đắt tiền hơn thuốc trung hòa acid.

Thường thường người bị bệnh ợ chua do hồi lưu acid ở cuống thực quản phải uống thuốc mỗi ngày và suốt đời.

Giải phẫu

Uống thuốc suốt đời rất bất tiện, cho nên gần đây một số bệnh nhân có thể được giải phẫu. Trong phẫu thuật này, phần trên của bao tử được nâng lên, bao quanh cuống thực quản đủ bó chặt để có thể ngăn sự dội ngược thực phẩm và dịch vị bao tử.

 

Kết luận

Ợ chua là chuyện thường xảy ra và thường thường không nguy hại lắm.

Tuy nhiên, khi bị chứng dội ngược acid kinh niên hai ba lần một tuần hoặc khi:

- Có khó khăn đau đớn khi nuốt thực phẩm, nước miếng

- Ói ra máu

- Phẩn có máu đỏ hoặc đen

- Khó thở

- Chóng mặt quay cuồng

- Đau lan từ ngực lên cổ, ra vai

- Đổ mồ hôi khi đau ngực

thì xin bà con tham khảo ý kiến bác sĩ ngay, vì ợ chua mỗi ngày, kéo dài nhiều năm có thể là dấu hiệu của vài bệnh khác trầm trọng hơn, chẳng hạn heart attack.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

Texas-Hoa Kỳ

VỀ MỤC LỤC
THÂN PHẬN ĐỜN ÔNG  Chuyện phiếm của Gã Siêu.
 

Việt Nam vừa mới trải qua cơn đại dịch cúm gà. Không phải chỉ có gà mà thôi đâu nhé, nhưng còn có cả những loại gia cầm khác, như vịt, ngan, ngỗng…Hơn thế nữa, không phải chỉ có gia cầm mà thôi đâu nhé, nhưng còn có cả những loại chim chóc sống trên rừng cũng như sống trong lồng. Ở đâu dịch bệnh xuất hiện, thì ở đó lập tức mọi gà vịt…đều bị thu gom đem chôn hay đem đốt trong đường bán kính ba cây số.

Thiệt hại do dịch bệnh này gây nên lên tới hàng mấy chục triệu đô la, ấy là chưa kể tới gần hai chục mạng người phiêu diêu miền cực lạc vì bị lây nhiễm.

Ngoài ra, dịch bệnh này còn tạo nên những tình huống giở khóc giở cười, giở mếu máo, gã xin ghi lại để nhỡ lần sau gặp phải thì còn biết đường che chắn, chứ đừng kín trước, hở sau.

Thứ nhất, thật tội nghiệp cho những gia đình nghèo. Vợ chồng và con cái làm lụng quần quật, chắt chiu bao nhiêu năm tháng mới gầy được một đàn vịt đẻ. Vào một buổi sáng đẹp trời, đàn vịt đẻ đang tung tăng bơi lội dưới ao, thì bỗng cán bộ thú y đến và  phán :

- Vùng này mắc…dịch.

Và thế là a-lê-hấp, tóm cổ toàn bộ đàn vịt đẻ, cho vào bao tải mà đem đi chôn. Mặc cho đàn vịt đẻ giãy giụa kêu la :

- Cạc, cạc, cạc…

Vợ chồng và con cái chỉ còn biết đứng há hốc miệng mà trông theo đến độ ứa cả nước mắt. Không biết ngày mai sẽ ra sao, nếu không còn những đồng tiền bán trứng.

Thứ hai, thật tội nghiệp cho những người nuôi chim kiểng. Khi lệnh đã được ban ra, thì tất cả những loài chim quí hiếm này cũng đều phải chịu chung một số phận như gà với vịt mà thôi.

Báo “Tuổi Trẻ Chủ Nhật” số 1065 ra ngày 08.02.2004 có đăng một mẩu chuyện ngắn mang tựa đề “Tiếng gọi của con chim sáo” của tác giả Bích Ngân, đại khái như thế này :

Sau nhiều năm tháng vừa học vừa làm, hai vợ chồng trẻ dốc toàn bộ vốn liếng mới thành lập được một trại gà nho nhỏ. Khi trại gà vừa mới ra lò thì anh chồng đột ngột qua đời. Trại gà liên tục phát triển vừa đúng một năm thì xảy ra dịch cúm. Thế là toàn bộ số gà nuôi trong trại đều bị cán bộ đến bắt và mang đi chôn, chỉ còn lại một con chim sáo.

Hôm nay, chị vợ tổ chức lễ giỗ đầy năm cho anh chồng và cũng để nhớ tới đàn gà thân thương của mình đã bị…ngỏm củ tỏi. Đang lúc thắp nén nhang tưởng niệm, thì chị vợ bỗng giật mình vì nghe thấy tiếng nói quen thuộc :

- Hằng ơi, anh yêu em lắm.

Đó là tiếng nói của con chim sáo. Tiếng nói ấy khiến chị vợ cảm thấy như  hồn anh chồng đã nhập vào nó. Thế nhưng cùng lúc đó, anh cán bộ thú y xuất hiện và bảo cho chị hay :

- Cả chim sáo cũng phải hủy diệt.

Suốt đêm, chị vợ trằn trọc không tài nào ngủ nổi. Cuối cùng, chị vợ quyết định mở lồng trả tự do cho con chim sáo. Và khi anh cán bộ đến, chị  nói :

- Đêm hôm qua, con chim sáo nhà tôi đã bị mèo vồ mất rồi.

Chị vừa dứt lời, thì một giọng nói vang lên :

- Hằng ơi, anh yêu em lắm.

Thì ra đó vẫn là giọng nói của con chim sáo. Mặc dù được tự do, nhưng con chim sáo không nỡ rời xa chủ, nó bay vào kẹt tủ. Và bây giờ nó lên tiếng nói. Tiếng nói của nó là như một lời tố giác :

- Lạy ông tôi ở bụi này.

Và anh cán bộ thú y chỉ cần thò tay ra, chụp lấy và nhét vào bao. Còn chị vợ đứng nhìn. Những giọt nước mắt nóng hổi rơi trên gò má lúc nào cũng chẳng hay.

Và để an ủi cho những khổ chủ, cũng như bù lỗ phần nào những thiệt hại, nhà nước đã qui định như sau :

- Gia cầm đẻ, mười lăm ngàn đồng một con.

- Gia cầm thịt, năm ngàn đồng một con.

- Trứng, hai trăm đồng một quả.

- Thức ăn gia cầm, ba ngàn đồng một ký.

Có một anh chàng cắm dùi tại Vĩnh Long, chuyên nghề gây gà nòi để mang đi đá. Sau nhiều năm lăn lộn trong nghề, anh ta đã huấn luyện được một chú gà nòi, bách chiến bách thắng. Đá đâu thắng đó. Đá nhớn thắng nhớn, đá nhỏ thắng nhỏ, càng đá càng thắng. Có thể nói được rằng chú gà nòi của anh ta thuộc hàng bất khả chiến bại, nổi tiếng khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Một ông phú hộ ở tận Lâm Đồng, cũng là dân mê đá gà, đã chấp nhận mua chú gà nòi của anh ta với gía hai mươi triệu đồng. Mặc dù tiếc đứt ruột, nhưng anh ta vẫn chấp nhận mang chú gà nòi đi bán, vì gia đình đang gặp phải nhiều khó khăn về tiền bạc.

Sáng hôm ấy, anh ta hí hửng ôm chú gà nòi đem trao cho chủ mới. Thế nhưng, khi xe vừa mới qua khỏi Long An, thì liền bị công an ách lại, tịch thu chú gà nòi vì đã có lệnh cấm di chuyển và mua bán gia cầm. Thế là anh ta phải trở về nhà với hai bàn tay trắng, rồi sau đó phát khùng, phát điên.

Nhìn vào bảng giá bù lỗ, gã bỗng cảm thấy tủi phận bởi vì gia cầm đẻ giá những mười lăm ngàn, còn gia cầm thịt giá có năm ngàn. Như vậy có nghĩa là một chị gà mái giá mười lăm  ngàn, còn  một anh gà trống chỉ có năm ngàn mà thôi. Mái gấp ba lần trống. Từ đó, nhân rộng ra trong xã hội hôm nay, quả thực đờn bà quí giá hơn đờn ông, không phải chỉ gấp ba, mà còn gấp bốn, gấy bảy và gấp…bội lần.

Viết tới đây, gã bèn nhớ tới một câu “ranh ngôn” xác định bậc thang giá trị ở phương tây, vốn thường được quí ông thở dài não nuột mà nhắc tới như để ý thức về thân phận bèo bọt và răn đe cho chính mình :

- Thứ nhất là trẻ nít,

  Thứ hai là đờn bà,

  Thứ ba là chó con,

  Rồi thứ bốn mới tới đờn ông.

Như vậy, phe đờn ông con giai từ xưa vốn đã vỗ ngực tự hào mình là “bậc tu mi nam tử”, thì bây giờ hãy cúi đầu xuống như muông chim, bởi vì mình chỉ nằm vào hàng bét giem, hàng chót hết của bậc thang giá trị mà thôi, thua cả chó con. Đúng như các cụ ta đã cay cú :

- Ba đồng một mớ đờn ông,

  Đem về mà bỏ vào lồng cho kiến nó tha.

  Ba trăm một mụ đờn bà,

  Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi.

Thân phận cánh đờn ông con giai vốn dĩ đã đen như mõm chó. Thế nhưng, để sống cho đúng cái thân phận bẽ bàng của mình lại càng khó hơn, nhất là đối với những anh chàng đã trót dại kéo theo một cái “rờ mọc” là bà xã dấu  yêu, sở dĩ như vậy bởi vì đờn bà con gái mãi mãi vẫn là một mầu nhiệm, mãi mãi vẫn là một nghịch lý, mãi mãi vẫn là một sự ngược đời và tréo cẳng ngỗng. Gã xin đưa ra những trường hợp cụ thể, trong đó những anh chồng  ở vào cái thế việt vị, bất nhóc nhách, tiến thoái lưỡng nan.

Trường hợp thứ nhất, đó là có những anh đờn ông luôn chăm chú việc nhà, làm tất tật mọi sự mà chẳng hề quản ngại, hay nề hà chi cả, từ sửa chiếc ghế gãy đến thổi cơm và may vá, đúng như  tục ngữ  đã nói :

- Làm trai rửa bát quét nhà,

   Vợ gọi thì dạ : bẩm bà…em đây.

Thế nhưng, xem ra các chị đờn bà lại không ưa týp đờn ông mềm nhũn này là mấy, bởi vì phần lớn các chị thường mơ ước người yêu lý tưởng của mình phải là người có quyền có thế, phải là người xốc vác, dám đương đầu với mọi cơn gian nan thử thách, cũng như dám gánh vác những công việc lớn lao ngoài xã hội, trở thành một điểm tựa vững chắc cho mình nương nhờ. Người yêu lý tưởng ấy đã được tục ngữ mô tả :

- Làm trai cho đáng nên trai,

  Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài yên.

- Làm trai quyết chí tang bồng,

  Sao cho tỏ mặt anh hùng mới cam.

Tuy nhiên, quyền thế không phải là một quà tặng từ trời rơi xuống, không phải là một thứ tình cho không biếu không, nhưng là kết quả của biết bao nhiêu phấn đấu, của biết bao nhiêu bon chen, thậm chí của cả biết bao nhiêu luồn lách mới leo lên được ghế nọ ghế kia.

Trong khi phấn đấu, bon chen, luồn lách như vậy, anh đờn ông thường tất bật ngược xuôi, bận rộn với hàng đống công việc, thành thử chẳng còn thời giờ dành cho vợ cho con. Điều này thì chẳng chị đờn bà nào ưa cả, bởi vì anh chồng phải là của riêng mình, trọn vẹn “chăm phần chăm”, không được chia sớt một ly ông cụ nào cả.

Cũng trong chiều hướng đó, các cụ ta ngày xưa thường  bảo :

- Nhàn cư vi bất thiện. Sự nhàn rỗi vốn là nguyên nhân sinh ra những thói hư tật xấu.

Vì nhàn rỗi, nên mấy anh đờn ông mới tụ họp đàn đúm rồi tổ chức ăn nhậu với nhau. Nhậu đến độ ngoắc cả cần câu, nhậu đến độ quên cả đường về. Nhậu đến độ sáng xỉn, chiều say và cả tối lăn cũng quay.

Vì nhàn rỗi, nên mấy anh đờn ông mới tụ họp, gây sòng đỏ đen với nhau. Ngày xưa thì tổ tôm, xóc đĩa. Ngày nay thì xì phé, sập xám, cá độ bóng đá…nhiều khi mất toi cả cơ đồ, sản nghiệp :

- Cờ bạc là bác thằng bần,

  Áo quần bán hết, ngồi trần tô hô.

- Cờ bạc là bác thằng bần,

  Ruộng nương bán hết, chôn chân vào cùm.

Dưới mắt các chị đờn bà thì những anh đờn ông nào quá rảnh rỗi, hay nói đúng hơn, những anh đờn ông nào quá lười biếng, chẳng dám động tay vào bất cứ công việc gì, chỉ thích làm dám đốc, dám xúi mà lại chẳng dám làm, những anh đờn ông nào trói gà không chặt, dài lưng tốn vải ăn no lại nằm….tất cả chỉ là hạng vô tích sự mà thôi.

Các chị thích ngắm nhìn những anh đờn ông bận rộn và say mê với công việc. Tuy nhiên, nếu bận rộn và say mê đến độ quên cả vợ lẫn con, thì các chị lại chẳng thích tí nào. Ngoài ra, còn trở nên một mối nguy hiểm đe dọa sự ổn định và tồn tại của gia đình.

Kinh nghiệm cho thấy : Thượng đế đã dựng nên người đờn bà để yêu và để được yêu. Nơi họ, trái tim nắm giữ địa vị ưu tiên, cũng như chiếm lấy vai trò số một. Họ không thể nào chấp nhận bị quên lãng.

Không ít chị vợ đã hậm hực tức tối khi thấy anh chồng mê bóng đá hơn mê chính mình. Một chị vợ đã tâm sự như sau :

- Vào những ngày nghỉ cuối tuần, mình chỉ mong anh ấy ở nhà để chia sẻ tâm sự và sống riêng với nhau, thế mà anh ấy vẫn cứ đi biệt, mất tăm mất tích. Không lao vào công việc thì cũng ngồi xòe hay ăn nhậu với các chiến hữu, tới tận sáng thứ hai mới vác xác về thì làm sao mà chịu nổi. Mình chỉ mong tìm lấy một bờ vai để tựa đầu mà cũng chẳng có.

Rất nhiều cuốn phim đã mổ xẻ về đề tài này và thường dẫn tới một kết quả không mấy sáng sủa, đó là đổ vỡ tan  tành.

Chẳng hạn anh chồng là một bác sĩ, ban ngày thì miệt mài làm việc trong phòng thí nghiệm, ban tối về tới nhà lại chăm chú đọc sách, hết ngâm kíu này tới ngâm kíu khác. Mặc cho chị vợ đi vào giấc ngủ cô đơn. Và thế là chị vợ bèn tìm cách trả thù bằng cách tìm một anh bồ nhí, để giải khuây và lấp đầy những khoảng trống cho bõ ghét.

Chẳng hạn anh chồng là một cảnh sát tận tụy với nghề nghiệp của mình. Ngày nghỉ có lệnh, cũng đi. Giữa đêm có điện thoại, cũng lập tức lên đường xuất phát. Mặc cho chị vợ luôn sống trong cảnh phập phồng lo sợ. Và cuối cùng chị vợ đành phải ca bản anh đi đường anh, tôi đi đường tôi, tình nghĩa đôi ta chỉ có thế thôi.

Trường hợp thứ hai, đó là có những anh đờn ông vui vẻ chấp nhận chung sống cùng cái nghèo theo kiểu :

- Người quân tử ăn chẳng cầu no, mặc chẳng cầu ấm.

Hình như không bao giờ có được một đồng xu dính túi :

- Việc nhà phó mặc cho bu nó,

  Quắc mắt khinh đời cái bộ anh.

Dưới mắt các chị đờn bà, những anh đờn ông loại này cũng chỉ là hạng vô tích sự, thậm chí còn được phong làm chuyên viên “bám váy vợ”. Các chị thường thích những anh đờn ông giỏi kiếm tiền. Trong những lúc riêng tư, các chị vốn hay chì chiết, đay nghiến và day dứt những anh chồng dốt kiếm tiền như sau :

- Khốn khổ thân tôi lấy phải thằng chồng ngu ơi là ngu. Chồng người ta kiếm tiền như nước đem về nuôi vợ nuôi con. Còn anh thật là vô công rồi nghề. Sản nghiệp này đều do một mình tôi mà có. Rời cái tay tôi ra ấy hả, lập tức cái nhà này tiêu tùng liền.

Kinh nghiệm cũng cho thấy : người ta thường lấy tiền để nhử đờn bà, người ta thường lấy đờn bà để nhử đờn ông và người ta thường lấy đờn ông để nhử…ra tiền. Đúng là một cái vòng lẩn quẩn.

Thế nhưng, tiền nhiều bạc lắm lại nảy sinh ra những hệ lụy mà chẳng chị đờn bà nào muốn. Đúng vậy, khi còn hàn vi, anh đờn ông thường chí thú mần ăn, trung thành với vợ và chăm chỉ với con. Thế nhưng, khi tiền bạc đã rủng rỉnh thì lại thường hay “rửng mỡ”. Và cái thói rửng mỡ này thiên biến vạn hóa đến quỉ thần cũng không lường nổi.

Có anh thì sau một ngày làm việc, thân thể bãi hoải, bèn phải đi tắm hơi một phát hay đi tìm mấy em vừa xoa lại vừa bóp, vừa mát xa lại vừa mát gần, nói một cách văn vẻ là  đi “vật lý trị liệu”.

Có anh khi nhậu thì hay ngứa tay ngứa chân, bèn phải gác nhờ lên bờ vai hay cặp đùi của các em. Thậm chí còn táy máy chỗ này chỗ nọ.

Có anh lại cứ đinh ninh :

- Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay.

Thế nên bèn kết mô đen với một cô bồ nhí theo kiểu chán cơm nhà  thì vác tù và mà đi ăn phở.

Hơn thế nữa, như trên gã đã trình bày : người ta thường lấy tiền để nhử đờn bà. Những anh đờn ông rủnh rỉnh tiền bạc sẽ trở thành như một đốm lửa, khiến cho nhiều bà nhiều cô nhòm ngó và đeo bám, sẵn sàng hóa kiếp thành những con thiêu thân lao mình vào lửa. Chẳng thế mà bây giờ, mấy anh Việt kiều hay mấy ông Đài Loan xếnh xáng bỗng trở nên có giá trên thị trường hôn nhân. Điều này hẳn quí bà quí cô ghét cay ghét đắng ghét vào tận lái tim!!!

Trường hợp thứ ba, đó là có những anh đờn ông thích sống lặng lẽ như một chiếc bóng. Không hào quang. Không tỏa sáng. Sẵn sàng đếm từng bước chân âm thầm của mình trên những sỏi đá cuộc đời.

Dưới mắt các chị đờn bà hạng đờn ông này chỉ là như một thứ cơm nếp nhão, khiến họ ngán đến tận cần cổ. Các chị thích ông xã của mình phải có tiếng có tăm, khiến cả và thiên hạ phải tâm phục khẩu phục và các chị cũng được thơm lây.

Đúng thế, làm đờn bà con gái thế mà sướng. Hôm qua mình chỉ  là cái Tèo, cái Mít. Thậm chí còn mang thân phận “ô-sin”, phải đi ở đợ làm đầy tớ cho thiên hạ…nửa chữ cắn đôi sợ cũng chưa thông, thế mà hôm nay bỗng nghiễm nhiên trở thành bà bác sĩ, bà kỹ sưmà chẳng cần phải chăm chỉ học hành hay vất vả bon chen chi cho mệt.

Thế nhưng, tiếng tăm của anh đờn ông đôi lúc khiến các chị vợ cũng phải thất điên bát đảo, mất ăn mất ngủ, bởi vì một khi được ngưỡng mộ, anh đờn ông sẽ trở nên như một thỏi nam châm thu hút được sự chú ý nhiều người phụ nữ khác, khiến họ mê tít thò lò, hay ít nữa anh ta cũng trở thành người của quần chúng, chứ không còn là riêng của chị vợ nữa. Những điểm này các chị vợ muốn tống khứ đi càng sớm càng tốt.

Và sau cùng, trường hợp thứ tư, đó là có những anh đờn ông cù lần cù lèo, như chàng hai lúa miền quê.

Loại đờn ông này xem ra không đủ sức làm cho các chị vợ nở mày mở mặt cùng bá quan văn võ. Các chị thường ưa thích những anh chồng vừa đẹp trai, lại vừa hào hoa phong nhã. Thế nhưng sự hào hoa phong nhã này lại thường là đầu mối gây nên khổ đau.

Thực vậy, làm sao các chị có thể chịu đựng nổi anh chồng lúc nào cũng mỉm cười mần duyên hay liếc mắt đưa tình với những cô gái khác.

Có lẽ phe đờn ông con giai nên ghi tâm khắc cốt và phải thuộc nằm lòng cái nguyên tắc căn bản này, đó là ở mọi nơi và trong mọi lúc, nếu có ga lăng thì chỉ được phép ga lăng với một mình bà xã mà thôi. Bằng không, thì tẩu hỏa nhập ma, cơn giận bốc lên đùng đùng…lúc đó bà xã sẽ biến thành bà chằng, hay bà chi chi nữa, thì chỉ có trời mới biết.

Tóm lại, thân phận anh đờn ông con giai vốn dĩ đã rẻ như bèo, thế mà sống đúng cái thân phận bèo bọt ấy lại chẳng dễ tí nào, bởi vì :

- Bằng lòng với số phận phó thường dân, trên răng dưới cát tút  cũng chẳng xong, mà có quyền có thế cũng chẳng ổn.

- Hàn vi không một đồng xu dính túi cũng chẳng xong, mà có tiền có bạc cũng chẳng ổn.

- Vô danh tiểu tốt cũng chẳng xong, mà có tiếng có tăm cũng chẳng ổn.

- Cù lần cù lèo theo kiểu hai lúa cũng chẳng xong, mà hào hoa phong nhã cũng chẳng ổn.

Làm đờn ông con giai quả là khó lắm vậy thay. Vì thế, gã bèn thầm thĩ nguyện cầu cho phe ta :

- Kiếp sau xin chớ làm chồng,

  Làm cây thông đứng mà trông….qưới bà!!!

Gã Siêu   gasieu@gmail.com

 

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quí vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Được chọn giữa loài người và cho loài người; GÍAO SĨ: Xuất phát từ gíao dân, hiện diện vì gíao dân và cậy dựa vào gíao dân, để cùng làm VINH DANH THIÊN CHÚA

*************