Tài Liệu Năm Thánh của TGP Saigon
(gồm Lời Chủ Chăn 6.11.2009 và 6 phần hướng dẫn)
LỜI CHỦ CHĂN 6.11.2009
Kính gởi anh em linh mục,
anh chị em tu sĩ và giáo dân trong gia đình giáo phận
Thưa anh chị em,
Trong Lời Chủ Chăn 18.10.2009, theo Thư Công bố Năm Thánh 2010 của HĐGM.VN, tôi đã ghi lại những điều cần làm trong việc chuẩn bị (Tuần Cửu Nhật) cũng như trong việc cử hành đức tin, tuyên xưng đức tin, và sống đức tin trong Năm Thánh 2010. Trong Lời Chủ Chăn tháng này, tôi đề nghị (1) cử hành Tuần Cửu Nhật chuẩn bị Năm Thánh ; (2) thể thức cùng ý nghĩa mục đích cử hành Lễ Khai Mạc Năm Thánh 2010 tại giáo phận cũng như tại các giáo hạt và giáo xứ, (3) và những việc cần làm trong Năm Thánh 2010.
1. Tuần Cửu Nhật
Theo chỉ dẫn của HĐGM VN, gia đình giáo phận cần thực hiện Tuần Cửu Nhật nhằm giúp cho mọi người ý thức và sốt sắng cử hành Năm Thánh để mang lại nhiều lợi ích thiêng liêng. (x. Thể Thức cử hành Tuần Cửu Nhật)
2. Cử hành Lễ Khai Mạc Năm Thánh
Các cộng đoàn tín hữu có thể cử hành lễ khai mạc theo thể thức sau đây :
2.1 Công bố Năm Thánh cùng ý nghĩa và mục đích (x. Lời Chủ Chăn 1.10.2009)
2.2 Rước kiệu hoặc cử hành nghi thức tôn vinh các tiền nhân và các chứng nhân đức tin, các Thánh Tử Đạo VN, đặc biệt 8 vị sinh trưởng trong địa phận Tây Đàng Trong-Saigon (x. Tổng Giáo phận Sàigòn qua dòng lịch sử)
2.3 Cử hành nghi thức Sám Hối về những thiếu sót, trong quá khứ cũng như trong hiện tại, đối với Chúa, đối với nhau, cũng như mọi người anh em đồng bào và đồng loại.
2.4 Thánh Lễ kết thúc bằng Kinh Năm Thánh và phép lành ban ơn Toàn Xá Năm Thánh.
Ghi chú:
a- Cần có lời dẫn giải, thánh ca, có thể có hình ảnh minh hoạ, khơi dậy tâm tình cảm mến tạ ơn và cầu khẩn.
b- Giáo phận cử hành lễ khai mạc vào chiều Thứ Sáu 27.11.2009, tại Trung Tâm Mục Vụ theo phụng vụ Các Thánh Tử Đạo VN.
c- Giáo hạt có thể cử hành lễ khai mạc cho giáo hạt tại nhà thờ đã được chỉ định cho mọi người trong giáo hạt hành hương, vào ngày Thứ Bảy 28.11.2009. Nếu vào buổi sáng, theo phụng vụ Các Thánh Tử Đạo VN. Nếu vào buổi chiều, theo phụng vụ lễ Chúa Kitô Vua.
d- Giáo xứ, theo thể thức đơn giản, cử hành lễ khai mạc tại nhà thờ giáo xứ vào Chúa nhật 29.11.2009, cho mọi người trong giáo xứ hưởng nhận ơn Toàn Xá.
3. Hành hương
Mỗi giáo hạt cùng các giáo xứ trong hạt cần phối hợp với nhau lên lịch tổ chức cho các đoàn trong các giáo xứ hành hương đến nhà thờ chánh toà, hoặc đến nhà thờ được chỉ định cho mỗi hạt. Còn cá nhân và gia đình thì tự do đi hành hương nơi và lúc thuận tiện cho mình.
Ngoài nhà thờ Chánh Toa và Nhà nguyện Đại Chủng viện, mỗi hạt có một nhà thờ được chỉ định cho mọi người hành hương và hưởng nhận ơn Toàn Xá :
1. Hạt Bình An: nhà thờ Giáo xứ Bình An
2. Hạt Chí Hoà: nhà thờ Chí Hoà
3. Hạt Chợ Quán: nhà thờ Chợ Quán
4. Hạt Gia Định: nhà thờ Gia Định
5. Hạt Gò Vấp: nhà thờ Hạnh Thông Tây
6. Hạt Hóc Môn: nhà thờ Bùi Môn
7. Hạt Phú Nhuận: nhà thờ Đa Minh
8. Hạt Phú Thọ: nhà thờ Đồng Tiến
9. Hạt Saigon: nhà thờ Chợ Đũi
10.Hạt Tân Định: nhà thờ Tân Định
11. Hạt Tân Sơn Nhì: nhà thờ Tân Phú
12. Hạt Thủ Đức: nhà thờ Thủ Đức
13. Hạt Thủ Thiêm: nhà thờ Tân Lập
14. Hạt Xóm Chiếu: nhà thờ Xóm Chiếu
15. Hạt Xóm Mới: nhà thờ Hà Nội
4. Tuyên xưng đức tin
Giáo hạt, giáo xứ, liên đới tổ chức học hỏi tài liệu "Xây dựng Giáo Hội-Mầu Nhiệm-Hiệp Thông-Sứ Vụ". Mục đích học hỏi là tạo ý thức cho mọi người quyết tâm sống ba mối tương quan với Chúa, với nhau, và với mọi người, sống mỗi mối tương quan trong ánh sáng chân lý cứu độ của Chúa Kitô và với động lực của tình yêu cứu độ của Ngài, nhằm góp phần vào sự phát triển toàn diện con người cùng gia đình, Giáo Hội cùng xã hội.
Nội dung và chương trình sẽ được Ban Tổ Chức Năm Thánh của giáo phận kịp thời gởi đến các giáo hạt và giáo xứ, các giới và đoàn thể. (x. Đề cương học hỏi Năm Thánh)
5. Những việc cần làm để sống đức tin trong thời gian tới
Lịch sử Giáo Hội tại VN 350 năm, hay trong 50 năm trở lại đây, xác minh sự thật này :
- (1) Trong gian truân, người kitô hữu sống kiên nhẫn và chuyên cần cầu nguyện (x. Rom 12,12);
- (2) Nhờ đó, không có ai, không có gì, cả gian truân, khổ đau, hiểm nguy, bách hại, có thể tách người kitô hữu ra khỏi tình yêu cứu độ của Chúa Kitô (x. Rom 8, 35-39);
- (3) Nhờ sống trong chân lý và tình yêu cứu độ của Chúa Kitô, người kitô hữu được lớn lên về mọi phương diện, Giáo Hội cùng xã hội được phát triển và dần dần vươn đến Chúa Kitô là Đầu, là Chân Lý và là Tình Yêu cứu độ của Cha trên trời (x. Eph 4,15).
Dưới ánh sáng chân lý cứu độ đó, chúng tôi đề nghị với mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn, mỗi đoàn thể, mỗi giới, sống và xây dựng tương quan với Chúa, với nhau, và với mọi người, qua những việc làm cụ thể như sau :
- duy trì và cải tiến giờ kinh tối trong gia đình ;
- củng cố tình huynh đệ liên đới với nhau trong các cộng đoàn tín hữu bằng những việc làm cụ thể ;
- phát huy tình thân thiện với gia đình không công giáo, phục vụ người nghèo khổ, bị bỏ rơi.
Xin Chúa chúc lành và ban ơn trợ giúp cho mọi thành viên trong gia đình giáo phận góp phần xây dựng và phát triển Giáo Hội cùng xã hội theo như lòng Chúa mong muốn.
Gioan B. Phạm Minh Mẫn Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Giám mục của anh chị em
Ghi chú: Xin vui lòng tham khảo những tài liệu dưới đây:
1. Tổng Giáo phận Sàigòn qua dòng lịch sử,
2. 30 năm Phúc Âm hoá trong môi trường xã hội VN,
3. Lời Chủ Chăn 1.10.2009 : mục đích, ý nghĩa Năm Thánh
4. Thể thức cử hành Tuần Cửu Nhật chuẩn bị Năm Thánh,
Một: TỔNG GIÁO PHẬN SÀIGÒN QUA DÒNG LỊCH SỬ
350 năm thiết lập hai Giáo phận Tông Toà tại Việt Nam
165 năm Giáo phận Tây Đàng Trong
50 năm Tổng Giáo phận Sàigòn
TỔNG GIÁO PHẬN SÀIGÒN QUA DÒNG LỊCH SỬ
NỘI DUNG
Lời mở
I. Tin Mừng tại Đàng Trong trước 1659
II. Thời Giáo phận Tông Tòa Đàng Trong 1659
III. Giáo phận Tây Đàng Trong (Sàigòn) 1844-1960
IV. Năm mươi năm Tổng Giáo phận Sàigòn 1960 - 2010
Bảng đối chiếu những số liệu
9.9.2009
Kỷ niệm 350 năm ngày thiết lập Giáo hội tại Việt Nam
Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám mục
Lời mở
Mừng 50 năm hàng giáo phẩm Việt Nam, cũng là mừng 50 năm của Tổng Giáo phận Sàigòn, hiện nay là Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhưng tuổi của Giáo phận đã là 165 NĂM, tính từ thời điểm thành lập Giáo phận Tây Đàng Trong năm 1844, rồi được đổi tên là Giáo phận Sàigòn ngày 03.12.1924.
Xa hơn nữa, vùng đất này còn thuộc về Giáo phận Đàng Trong, mà năm nay Giáo hội Việt Nam mừng kỷ niệm 350 năm thành lập (1659-2009).
Vào thời điểm được thiết lập, địa bàn của Giáo phận Tây Đàng Trong hầu như bao gồm tất cả 10 giáo phận hiện nay thuộc Giáo tỉnh Sàigòn. Từ giáo phận này, lần lượt từng giáo phận được tách ra.
Tài liệu ngắn này chỉ cố gắng ghi lại cách khái quát một số chứng tích QUA DÒNG LỊCH SỬ hình thành và phát triển gia đình giáo phận trên quê hương Việt Nam, nhằm ôn lại những bài học lịch sử và những tấm gương quảng đại hy sinh.
Hy vọng góp phần khơi lên tâm tình tạ ơn Cha trên trời đã gieo nhiều hạt giống Tin Mừng cùng hồng ân cứu độ trên đất nước chúng ta, đồng thời biểu lộ lòng biết ơn đối với các bậc tiền bối cũng như các chứng nhân đức tin đã dày công khai hoang, chăm sóc cùng xả thân vun tưới cho cánh đồng giáo phận phát triển xanh tươi, hứa hẹn một mùa gặt bội thu.
Tâm tình tạ ơn Chúa cùng lòng biết ơn các tiền nhân sẽ là động lực thúc đẩy mọi thành phần dân Chúa tích cực tham gia vào công cuộc phát triển Giáo Hội cùng con người và đất nước, mở đường cho mọi người sống dồi dào trong chân lý và tình yêu, trong an bình và thịnh vượng, theo như lòng Chúa mong muốn.
I. TIN MỪNG TẠI ĐÀNG TRONG TRƯỚC 1659
Nếu ở Đàng Ngoài (từ sông Gianh trở ra phía Bắc) lịch sử ghi nhận thừa sai Inêkhu đã có mặt tại Bùi Chu năm 1533, thì những thừa sai đầu tiên có mặt tại vùng Chân Lạp là một vài linh mục dòng Đaminh đến từ Malacca, khởi đầu là cha Juan de la Cruz có mặt tại Hà Tiên năm 1550. Năm 1585, linh mục dòng Phanxicô có mặt trên đất Saigon, cụ thể là ở Chợ Quán. Đến thế kỷ sau, vào những năm 1641-1645, khi chúa Nguyễn cấm đạo, một số Kitô hữu từ miền Trung di tản vào Nam để làm ăn sinh sống, họ hợp thành những cộng đoàn tín hữu đầu tiên, tập trung tại Chợ Quán, Gia Định, Lái Thiêu, Bến Gỗ, và Long Thành …
Từ 1615, các cha Dòng Tên bắt đầu đến truyền giáo tại Hội An thuộc Đàng Trong. Trong khoảng 50 năm, các vị đã hoàn thành một công trình đáng kể, góp phần đặt nền móng cho Giáo hội tại Việt Nam. Trong giai đoạn này, ta ghi nhận hai chân dung sứ giả và chứng nhân Tin Mừng nổi bật :
- Thừa sai Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) đến Đàng Trong năm 1624. Cha có những nỗ lực đặc biệt trong việc hội nhập văn hoá. Năm 1651, cha đã xuất bản cuốn Giáo Lý đầu tiên "Phép Giảng Tám Ngày", và Tự điển Việt-Bồ-La, góp phần quan trọng trong việc hình thành chữ quốc ngữ, và thành lập Hội Thầy Giảng, tạo cơ hội cho các tín hữu nhiệt thành thể hiện vai trò làm muối men và chứng nhân Tin Mừng trong xã hội Việt Nam xưa cũng như nay.
- Trong số những tín hữu tiên khởi, sáng ngời lên chân dung một thầy giảng 19 tuổi, chân phước Anrê Phú Yên, ngày 26.07.1644 đã dùng máu đào vun tưới cho hạt giống Tin Mừng trên cánh đồng đức tin này, đã sẵn sàng “lấy tình yêu để đáp lại tình yêu, lấy mạng sống đáp lại mạng sống"
Trong bản báo cáo cuối năm 1632, gởi cho bề trên ở Macao, khi tường thuật lại kết quả truyền giáo tại Việt Nam, cha Gaspar d’Amaral đã ghi nhận rằng : “Lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạo yêu nhau”.
II. THỜI GIÁO PHẬN TÔNG TÒA ĐÀNG TRONG 1659
Trong hướng đi của Bộ Truyền Giáo và nhờ sự vận động của cha Đắc Lộ, ngày 09.09.1659, Đức Alexandre VII thiết lập hai giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong, đồng thời bổ nhiệm : đức cha Phanxicô Pallu làm Đại diện Tông Tòa Đàng Ngoài ; đức cha Phêrô Lambert de la Motte làm Đại diện Tông Tòa Đàng Trong. Các ngài là tổ phụ của Hội Thừa Sai Hải ngoại Paris, là đơn vị chính đảm nhiệm việc tổ chức Giáo hội tại vùng truyền giáo Việt Nam suốt 300 năm thời Tông Tòa (1659-1960).
Trước khi phân chia giáo phận năm 1844, Giáo phận Đàng Trong đã trải qua 185 năm, với 10 giám mục Đại diện Tông Tòa, cùng với 8 giám mục phó, theo danh sách sau :
1. Pierre Lambert de la Motte (1658-1679)
- Louis Laneau, Giám quản (1679-1682)
2. Guillaume Mahot Mão (1680-1684)
- Pierre Joseph Duchesne, phó (1684-1684)
3. Francisco Pérez (1691-1728)
- Charles Marin Labbé, phó (1700-1723)
4. Alexandro di Alexandris, Barnabit (1727-1738)
- Valère Rist, Ofm, phó (1735-1737)
5. Armand Lefèbvre (1743-1760)
- Edmond Bennetat, phó (1748-1761)
6. Guillaume Piguel (1764-1771)
7. Pierre Pigneaux de Béhaine (1771-1799)
8. Jean Labartette (phó kế vị) (1784-1823)
- Pierre Marie Le Labousse, phó (1801-1801)
- Jean Doussain, phó (1808-1809)
- Jean Joseph Audemar, phó (1817-1821)
9. Jean Louis Taberd Từ (1827-1840)
10. Etienne Cuenot Thể, phó kế vị (1835-1844)
Vào thời Sàigòn được thành lập năm 1698, có thêm một số di dân công giáo theo các cha dòng Tên vào Nam. Sang thế kỷ XVIII, dòng Phanxicô đã hiện diện tại đây, kể từ lúc cha José Garcia được cử vào giúp di dân tại Chợ Quán năm 1722. Dòng đã mở thêm nhiều họ đạo mới từ Saigon, đến Lái Thiêu, Mỹ Tho và Hà Tiên. Đức cha Guillaume Piguel thường xuyên lui tới các vùng Chợ Quán, Đồng Nai để ban bí tích Thêm Sức. Trong giai đoạn này, Giáo hội phát triển cùng với việc mở mang đất nước về Phương Nam.
Trên địa bàn sau này là giáo phận Tây Đàng Trong, năm 1747, tổng số giáo dân mới có khoảng 5.500 người. Hội thừa sai Paris phụ trách trấn Thuận Thành (vùng Phan Thiết), trấn Đồng Nai và dòng Phanxicô coi sóc trấn Sàigòn. Đến cuối thế kỷ 18, số tín hữu miền nam đã là 87.297 sinh sống trong 1024 làng có người công giáo.
Đặc biệt thời này chúng ta ghi nhớ ba nhân vật :
1. Đức Cha Lambert, Đại diện Tông Toà Đàng Trong tiên khởi, kiêm giám quản Giáo phận Đàng Ngoài, đã thực hiện những chọn lựa căn bản để xây dựng nên tòa nhà Giáo hội Việt Nam :
+ Tiến hành các công đồng Juthia 1664, Phố Hiến 1670 và Hải Phố 1672. Đề ra đường hướng mục vụ lâu dài, đặc biệt là việc đào tạo linh mục, tổ chức Nhà Đức Chúa Trời và sự cộng tác của các quý chức họ đạo
+ Thiết lập hàng giáo sĩ địa phương, gồm : lập chủng viện thánh Giuse tại Ayutthaya, cho miền Đông Á. Chủng viện tồn tại gần 300 năm (1665-1945) ; phong chức cho nhiều linh mục Việt Nam khởi từ bốn vị tiên khởi năm 1668.
+ Thành lập một dòng tu bản xứ là dòng Mến Thánh Giá : Đàng Ngoài năm 1670, Đàng Trong năm 1671. [1] Các nữ tu đã có vai trò đặc biệt suốt mấy trăm năm lịch sử Giáo Hội Việt Nam, nhất là trong những thời bách hại.
2. Đức Cha Bá Đa Lộc (1771-1799), biên soạn tự điển Việt-La, được đánh giá là khá hoàn chỉnh về mặt từ ngữ và văn phạm ; và cuốn "Thánh Giáo Yếu Lý", được sử dụng cho đến giữa thế kỷ XX [2]. Thời của ngài, tòa giám mục được đặt ở Thị Nghè, Sàigòn (1789). Ngài là giám đốc chủng viện ở Hòn Đất (1765-69), và tái lập chủng viện Lái Thiêu (1787).
3. Linh mục Philipphê Phan Văn Minh (1815-1853). Khi còn là chủng sinh, thầy Philipphê đã cộng tác với đức cha Taberd Từ trong việc biên soạn "Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị" (1838). Cha quy tụ giới nho gia, mở hội thơ ca tụng Thiên Chúa. Nhiều bài thơ còn lưu giữ trong : “Phi-Năng thi tập”, “Hội Thơ Vịnh Ê-Vang”, và Nước Trời Ca”
Ba cơ sở cộng đoàn công giáo được hình thành trên đất Sàigòn vẫn còn tồn tại đến nay là :
- Họ đạo Chợ Quán (1610, 1727)
- Họ đạo Chí Hòa (1771)
- Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm (1840).
III. GIÁO PHẬN TÂY ĐÀNG TRONG (SÀIGÒN) 1844-1960
Ngày 17.05.1844, Đức Gregoriô XVI phân chia giáo phận Đàng Trong thành hai giáo phận Đông Đàng Trong (Quy Nhơn) và Tây Đàng Trong (Sài Gòn). Ngài bổ nhiệm đức cha Dominique Lefèbvre Ngãi (1844-1864) làm Đại diện Tông toà đầu tiên của Giáo phận Tây Đàng Trong. Ngôi nhà Đức Cha Lefèbvre sử dụng làm Toà Giám mục, nay trở thành ngôi nhà cổ trên 200 tuổi, toạ lạc trong khuôn viên Toà Giám mục, được sử dụng làm nhà nguyện.
Giáo phận Tây Đàng Trong khi thành lập bao gồm Lục Tỉnh Nam kỳ và Campuchia, với 19 linh mục (16 Việt, 3 Pháp), chăm lo mục vụ cho 23.000 giáo dân.
Sau khi phần đất nay là địa bàn giáo phận Cần Thơ và Long Xuyên, cùng tách ra theo Giáo phận Nam Vang năm 1850, Giáo phận Tây Đàng Trong chỉ còn bốn tỉnh : Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và Vĩnh Long. Vào thời điểm năm 1890, giáo phận Tây Đàng Trong có 50 họ chánh có linh mục và 105 họ lẻ không có linh mục.
Chăm lo mục vụ cho Giáo phận Tây Đàng Trong tức Giáo phận Sàigòn từ năm 1844 đến năm 1960, có tất cả 8 Giám mục Hội Thừa sai và một giám mục Việt Nam.
1- GM Dominique Lefèbvre Ngãi (1844-1864)
2- GM Jean Claude Miche Mịch (1864-1873)
3- GM Fr. Joseph Colombert Mỹ (1873-1894)
4- GM Joan Marie Dépierre Đễ (1895-1898)
5- GM Lucien E. Mossard Mão (1899-1920)
6- GM Victor Charles Quinton Tôn (1920-1924)
7- GM Marie J. Dumortier Đượm (1926-1941)
8- GM Jean Cassaigne Sanh (1941-1955)
9- GM Simon-Hoà NguyễnVăn Hiền (1955-1960)
Trong khoảng giữa thế kỷ 19, Giáo phận Tây Đàng Trong được vun tưới bằng máu đào của hàng trăm chứng nhân đức tin. Trong số 117 vị được tôn phong Hiển Thánh ngày 19.06.1988 tại Roma, có tám vị sinh trưởng trong giáo phận :
1. Thương gia Máthêu Lê Văn Gẫm (Gò Công, 11.05.1847),
2. Lm. Philipphê Phan Văn Minh (Cái Mơn, 03.07.1853),
3. Ô.Trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu (Cái Nhum, 02.05.1854)
4. Lm. Phaolô Lê Văn Lộc (An Nhơn, 13.02.1859),
5. Ông Phaolô Trần Văn Hạnh (Tân Triều + Chợ Quán, 28.05.1859),
6. Lm Phêrô Đoàn Công Quý (Búng, 31.07.1859),
7. Ông Câu Emmanuel Lê Văn Phụng (Cù Lao Giêng, 31.07.1859),
8. Lm. Phêrô Nguyễn Văn Lựu (Gò Vấp, 07.04.1861).
Chúng ta cần ghi nhận công lao của các vị tiền bối về nhiều cơ sở và cộng đoàn vẫn tồn tại cho đến nay :
- Đức cha Lefèbvre Ngãi thiết lập : Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán (1852) ;
Ngài mời Dòng thánh Phaolô (1860) ; Đan viện Cát Minh đến Sàigòn (1861) ;
năm 1861 dời Chủng viện Thánh Giuse về vị trí hiện nay (cha giám đốc tiên khởi Wibaux Vị xây dựng cơ sở). Tính đến nay chủng viện này đã đào tạo trên 1.250 linh mục.
Năm 1863, ngài thành lập họ đạo Sàigòn.
- Đức cha Miche Mịch đã mời Dòng các sư huynh Lasan tới mở trường công giáo.
- Đức cha Colombert Mỹ xây dựng Nhà thờ Chánh toà Sàigòn năm 1877.
- Đức cha Mossard Mão đã xây dựng Toà Giám mục (1900), và nhà hưu Chí Hoà (1910). Năm 1905, ngài đón nhận hai tỉnh Phan Thiết và Đà Lạt, cắt ra từ giáo phận Đông Đàng Trong vào giáo phận Tây Đàng Trong.
- Dưới thời đức cha Dumortier Đượm, giáo phận Vĩnh Long được tách ra từ SàiGòn năm 1938.
- Thời đức cha Cassaigne Sanh, năm 1954, giáo phận đã tiếp đón đông đảo đồng bào di cư từ miền Bắc, giúp định cư nhiều xứ đạo. Ngài rất thiết tha với việc loan báo tin mừng cho anh em Dân tộc thiểu số, công việc ngài đã nhận từ khi còn là linh mục (1927), và tên của ngài gắn liền với trại phong Di Linh mà ngài sáng lập (1929), cũng là nơi ngài hưu dưỡng và an nghỉ trong Chúa.
- Dưới thời đức cha Simon Hoà Hiền, rất nhiều giáo xứ cho dân định cư được thành lập tại các vùng Biên Hòa, Hố Nai, Gia Kiệm, Bảo Lộc, và Sàigòn… Đức cha cũng thiết lập một số cơ sở như viện Đại học Đà Lạt, Giáo hoàng Học viện Piô X, Biệt thự Thánh Tâm. Ngài đã tổ chức Đại hội Thánh Mẫu Toàn quốc tại Sàigòn năm 1959 (kỷ niệm 300 năm Giáo phận tông tòa tại Việt Nam và 100 năm Đức Mẹ Lộ Đức) ; và chủ sự nghi lễ nâng nhà thờ Chính Toà lên hàng Vương Cung Thánh Đường ngày 09.12.1959.
Ngoài ra, Trung Tâm Công Giáo số 72/12 Trần Quốc Toản do Đức cha Phạm Ngọc Chi mua năm 1957, hiện là trụ sở II của Hội đồng Giám Mục Việt Nam , với các văn phòng : Bác Ái Xã Hội, Truyền thông, Công giáo tiến hành …
Theo báo cáo của các Cha sở năm 1910, còn lưu lại trong văn khố Toà Tổng Giám Mục, giáo phận Sàigòn hiện có 23 họ đạo tính đến năm 2010 được trên 100 năm hình thành. Một số được hình thành nhiều năm trước khi xây nhà thờ.
Chợ Quán (1610,1727) |
Tân Định (1861) |
Chợ Cầu (1869) |
Chí Hoà (1771) |
Khánh Hội-Vĩnh Hội (1861) |
Thủ Đức (1879) |
An Nhơn (1780, 1856) |
Hạnh Thông Tây (1861-1910) |
Tân Quy (1880) |
Thánh Gẫm (1848) |
Sàigòn, Chánh Toà (1863,1877) |
Tắc Rỗi (1880) |
Xóm Chiếu (1856) |
Cầu Kho (1863) |
Bình Chánh (1884) |
Gò Vấp (1857) |
Bà Điểm (1863) |
Thị Nghè (1888) |
Chợ Đũi (1859) |
Phanxicô (1865) |
Long Đại (1900) |
Thủ Thiêm (1859) |
Gia Định (1867) |
|
Sau đó ngày càng có nhiều họ đạo mới được thành lập. Thời đức cha Dumortier Đượm (1926-41) : 2 họ đạo ; thời đức cha Cassaigne Sanh (1941-55) : 20 họ đạo ; và thời đức cha Simon-Hoà Hiền (1955-1960) : 54 họ đạo.
Sau năm 1954, chủ yếu do làn sóng di dân, Giáo phận phát triển cách đột biến về nhân sự cũng như cơ sở. Cụ thể là vào thời điểm :
- 1938, sau khi giáo phận Vĩnh Long được tách ra, giáo phận Sàigòn có 210 họ chánh và lẻ, 82.375 giáo dân, 119 linh mục (80 triều, 12 dòng, 27 thừa sai)
- 1959, 481 họ chánh và lẻ 569.415 giáo dân 448 linh mục triều và dòng.
Các dòng tu hiện diện tại Sàigòn ngày càng đa dạng :
- Mến Thánh Giá Thủ Thiêm (1840), Mến Thánh Giá Chợ Quán (1852),
- Phaolô (1860), Cát Minh (1861)
- Vinh Sơn Phaolô (1928), Chúa Cứu Thế (1933),
- Dòng Đức Bà (1935), Phanxicô (1949),
- Đaminh, - Don Bosco, - Gioan Trợ Thế (1954),
- Dòng Tên (1957).
Sau năm 1954, nhiều nữ tu Mến Thánh Giá và Đaminh gốc Bắc cũng được quy tụ và thành lập hội dòng mới. Bình thường bên cạnh các cơ sở dòng tu cũng như các họ đạo, chúng ta thấy xuất hiện các trường học, cơ sở y tế và từ thiện.
Trong giai đoạn này, về lãnh vực văn hóa, bên cạnh những nhà in lớn như nhà in Tân Định và báo Nam Kỳ Địa Phận, phải kể đến một số nhân sĩ công giáo được nhiều người biết đến, như Petrus Trương Vĩnh Ký sáng lập tờ Gia Định Báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên ; Paulus Của, Nguyễn Trọng Quản, Trần Chánh Chiếu, Lê Văn Đệ …
IV. NĂM MƯƠI NĂM TỔNG GIÁO PHẬN SÀIGÒN 1960 - 2010
Ngày 24.11.1960, Đức Giáo Hoàng chân phước Gioan XXIII, với Tông sắc Venerabilium Nostrorum, đã thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam với ba giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sàigòn, đồng thời cũng thiết lập 2 giáo phận Đà Lạt, Mỹ Tho (tách ra từ Giáo phận Sàigòn).
Từ nay giáo phận Sàigòn trở thành Tổng Giáo phận Sàigòn. Năm 1976, được đổi tên là Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau năm 1960, đã có ba giáo phận được thiết lập tách ra từ Tổng giáo phận Sàigòn đó là : Gp Phú Cường và Gp Xuân Lộc (1965), Gp Phan Thiết (1975) [3].
Tổng Giáo phận Sàigòn từ 1960 đến nay được sự chăm sóc mục vụ của 2 Tổng Giám mục, 1 Tổng Giám mục phó, và 5 Giám mục phụ tá, trong đó có một vị được đặt làm Giám Quản.
Năm 2003, Toà Tổng Giám mục Sàigòn được đặt làm Toà Hồng Y đầu tiên ở miền Nam, và là Toà Hồng Y thứ nhì trên đất nước Việt Nam.
1. Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, (1960-1995)
- Đức cha Px. Trần Thanh Khâm, phụ tá (1966-1976)
- Đức cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi, phụ tá (1974-1975)
- Hồng y Px Nguyễn Văn Thuận, TGM phó (1975-1998)
- Đức cha Aloisiô Phạm Văn Nẫm, phụ tá (1978-2000)
2. Đức cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi, Giám quản (1993-1998)
3. Tổng giám mục Gioan B. Phạm Minh
Mẫn, (1998...)
được Giáo Hội chọn làm Hồng Y. (2003)
- Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, phụ tá (2001-2009)
- Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, phụ tá (2008...)
Trong 50 năm (1960 – 2010), đã có thêm 101 họ đạo mới thành lập :
- 88 họ đạo thời đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình,
- 5 ho đạo thời Giám quản Nicôla Huỳnh Văn Nghi,
- 8 họ đạo thời đức TGM Gioan B. Phạm Minh Mẫn.
- Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình đã tổ chức Nhà Truyền Thống ; xây dựng mới cơ sở Đại và Tiểu Chủng viện thánh Giuse Sàigòn nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Chủng viện thánh Giuse (1863-1963), xây dựng Nhà Hưu dưỡng cho các linh mục, Văn phòng và Nhà khách tòa Tổng Giám Mục.
Với luồng gió mới của Công đồng Vatican II, Tổng Giáo phận có những hoạt động mục vụ ngày càng phong phú hơn, nhằm từng bước xây dựng giáo phận thành cộng đoàn đức tin và hiệp thông huynh đệ, làm muối, men và ánh sáng Tin Mừng cho đồng bào trong Thành phố Sàigòn.
Vào năm 1974, gia đình Tổng Giáo phận gồm có :
- 152 họ đạo trong 11 hạt, 516.000 giáo dân
với 23 đoàn thể tông đồ giáo dân,
- Hội Đồng Linh Mục, Hội Đồng Tư vấn,
Ban Tương Trợ Linh Mục, Toà án Hôn phối,
- 6 Ban Mục vụ giáo phận : Phụng Vụ, Caritas, Giáo Lý, Giáo Dục,
Truyền Bá Phúc Âm, Truyền Thông Xã Hội
- 414 linh mục giáo phận và 37 linh mục du học ;
706 Tiểu chủng sinh, 80 Đại chủng sinh.
- 22 dòng tu và tu hội nam với 185 linh mục, 1.300 tu sĩ;
32 dòng tu và tu hội nữ, với 2060 nữ tu,
- 275 cơ sở giáo dục, 36 cơ sở y tế, 66 cơ sở từ thiện.
Đến năm 1975, đất nước bước vào một trang sử mới với nhiều thay đổi, Giáo phận cũng đổi tên theo địa danh là Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn này, hầu hết cơ sở giáo dục, y tế và từ thiện tôn giáo bị đóng cửa hoặc bàn giao cho chính quyền quản lý.
Chủng viện thánh Giuse bị tạm ngưng từ năm 1982, đến năm 1986 mới mở cửa lại, đã trở thành Đại Chủng Viện liên giáo phận. Trong thời gian gần đây số tân linh mục ra trường tương đối gia tăng, nhưng vẫn chưa đủ để bù đắp số linh mục nghỉ hưu, bệnh, qua đời [4].
- Đức TGM Gioan B. Phạm Minh Mẫn đã nâng cấp Nhà Truyền Thống Văn hoá và Đức Tin (2003), sau được đổi tên là Trung Tâm Văn Hoá Công Giáo.
- Năm 2004, sau khi nhận lại khu Tiểu chủng viện, đã thiết lập Trung Tâm Mục vụ, trong đó có Học viện Mục vụ, nhằm thắp sáng niềm tin cho mọi thành phần dân Chúa, linh mục, tu sĩ, giáo dân.
Dần dần trong tình hình đất nước đổi mới, giáo phận đã có những hoạt động tích cực trong lãnh vực giáo dục và y tế. Cho đến nay giáo phận có 190 cơ sở xã hội, nhà trẻ, lớp tình thương, dạy nghề, phòng khám sức khoẻ, từ thiện... Hy vọng góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước, đồng thời khắc phục những hậu quả tiêu cực của phát triển xã hội.
Trong vài thập niên gần đây, Tp. Hồ Chí Minh đang phát triển kinh tế xã hội với nhiều khu công nghiệp, các khu dân cư và đô thị mới. Dân số tăng từ 5 triệu lên 7 triệu. Trong số 2 triệu dân nhập cư từ mọi miền đất nước, có trên 100.000 người công giáo không ghi danh nơi các giáo xứ.
Nhằm đáp ứng nhu cầu mục vụ phát sinh từ tình hình mới về kinh tế, xã hội, tôn giáo, Tổng Giáo phận đã từng bước phục hồi hoặc hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức nhân sự theo quy định của luật lệ trong Giáo Hội.
Vào thời điểm giữa năm 2009, các cộng sự cùng chung sức phục vụ, xây dựng, mở mang gia đình Tổng Giáo phận, gồm có :
- Ba vị Tổng Đại diện, cùng với Tổng Giám mục lo việc mục vụ, huấn luyện, thường huấn nhân sự trong giáo phận, cùng quản trị tài sản của cải nhà đất của giáo phận.
- Hội Đồng Linh mục, Hội đồng Tư vấn,
Hội Đồng Mục vụ (gồm 15 Hạt trưởng, 12 Trưởng Ban Mục vụ, một số Đại diện Tu sĩ và Giáo dân) ;
Hội Đồng Quản trị Tài sản Kinh tế, Ban Tương trợ Linh mục,
Toà án Hôn phối.
- 12 Ban Mục vụ góp sức cùng nhau xây dựng :
Giáo Hội Mầu Nhiệm : Phụng tự, Thánh Nhạc, Giáo lý, Ơn Gọi
Giáo Hội Hiệp Thông : Thiếu Nhi, Giới Trẻ, Gia Đình, Di Dân
Giáo Hội Sứ Vụ : Truyền Giáo, Giáo Dục Công Giáo, Truyền Thông,
Bác Ái Xã hội – Caritas, chăm sóc bệnh nhân
- Ba Trung Tâm đào tạo, huấn luyện :
Đại Chủng viện, Trung Tâm Văn Hoá công giáo, Trung Tâm Mục vụ.
- 318 linh mục triều, 327 linh mục dòng,
5.289 thành viên HĐGX, 6.254 Giáo lý viên, trên 900 ca đoàn,
chung sức chăm lo mục vụ cho 203 giáo xứ và giáo điểm
- Hiện trong Tổng Giáo phận có 85 Hội dòng, Tu đoàn và Tu hội, với 5.047 tu sĩ phục vụ trong nhiều giáo phận, và nhiều trăm thành viên đi truyền giáo tại 46 quốc gia thuộc năm châu.
- 25 Đoàn thể, Hiệp hội tông đồ giáo dân, với tổng số thành viên hiện nay là khoảng 90.000
CÁC ĐOÀN THỂ - CÁC GIỚI
1. Bà Mẹ Công giáo |
10. Người cao tuổi |
19. Legio Mariae |
2. Gia Đình Phạt tạ |
11. Giáo chức Công giáo |
20. Con Đức Mẹ |
3. Gia đình cùng theo Chúa |
12. Y, Bác sĩ Công giáo |
21. Hiệp Hội Thánh Mẫu |
4. Gia đình Khôi Bình |
13. Doanh nhân Công giáo |
22. Hiệp Hội Bác Ái Vinh Sơn |
5. Gia đình Chúa |
14. Nghệ sĩ Công giáo |
23. HĐ giáo dân Đa Minh |
6. Gia đình Phúc Âm |
15. Thanh Sinh Công |
24. HĐ Phan sinh tại thế |
7. Thăng tiến HN + GĐ |
16. Hướng đạo Công giáo |
25. Dòng Ba Cát Minh |
8. Thiếu nhi |
17. Lòng Thương Xót Chúa |
|
9. Giới trẻ |
18. Học hội Kitô giáo |
|
Đồng hành cùng dân tộc trên con đường lịch sử của đất nước, Tổng Giáo phận trải qua những bước thăng trầm và đổi thay, đồng thời đối diện với những những thách đố mới cùng cơ hội mới trong công cuộc xây dựng gia đình giáo phận thành muối, men và ánh sáng Tin Mừng Chúa Kitô.
Theo lời khuyên của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI, trong hoàn cảnh xã hội luôn chuyển biến, gia đình Giáo phận cần phát huy tình liên đới huynh đệ giữa các thành phần, tạo điều kiện cho các gia đình Công giáo, các cộng đoàn giáo xứ và dòng tu, các tổ chức mục vụ các cấp, các tổ chức tông đồ giáo dân, sống trong chân lý và tình yêu của Chúa Kitô, nhằm cùng nhau góp phần vào sự phát triển toàn vẹn và vững bền của Giáo hội cùng con người và đất nước hôm nay.
Bảng đối chiếu những số liệu dưới đây nói lên
những thăng trầm và thách đố
trong quá trình phát triển giáo phận trải dài 50 năm qua (1959 - 2009)
Năm |
Giáo xứ, giáo điểm, giáo họ |
Số giáo dân |
Số linh mục giáo phận |
Số linh mục dòng |
Số tu sĩ nam, nữ |
Ghi chú |
1959 |
481 |
569.415 |
448 Gp+dòng |
|
|
Cơ sở và nhân sự tăng chủ yếu do làn sóng di dân 1954 |
|
|
|
|
|
|
1960, chia 2 giáo phận Đà Lạt và Mỹ Tho |
1963 |
263+284 |
567.455 |
583 |
25 |
2.439 |
Có 56 Trung học, 338 Tiểu học, 28 cơ sở y tế, 100 từ thiện |
|
|
|
|
|
|
1965, chia 2 giáo phận Phú Cường và Xuân Lộc |
1974 |
152 |
516.000 |
414 |
185 |
3.360 |
Có 275 cơ sở giáo dục, 36 cơ sở y tế, 66 cơ sở từ thiện |
1976 |
186 |
387.184 |
226 |
89 |
|
Số giáo xứ tăng, số LM, TS, GD giảm Số cơ sở giáo duc, y tế, từ thiện không còn |
1998 |
191+2 |
524.281 |
244 |
169 |
2.655 |
|
2009 |
200+4 trên tổng số 2.135
|
662.148 trên tổng số 6.200.000 |
255+53 nghỉ hưu, nghỉ bệnh + 10 du học trên tổng số 3.000 |
327 Trên tổng số 770 |
4.754 trên tổng số 15.752 |
Có 190 cơ sở xã hội, nhà trẻ, lớp dạy nghề, lớp tình thương, từ thiện, phòng khám sức khoẻ, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước, đồng thời khắc phục những hậu quả tiêu cực của phát triển xã hội |
Hai: 30 NĂM PHÚC ÂM HOÁ TRONG MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI VIỆT NAM
1. Giáo Hội sống Mầu Nhiệm Vượt Qua trong môi trường xã hội Việt Nam sau năm 1975
Năm 1975 là thời điểm thay đổi chế độ chính trị tại Việt Nam. Sự thay đổi đó làm tan rã khung nếp văn hoá xã hội kinh tế chính trị cũ, lôi kéo theo nhiều mất mát và giới hạn cho Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam. Cộng thêm hơn 10 năm đất nước đóng cửa, mối liên hệ với thế giới và mối hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu hầu như bị cắt đứt.
Riêng Tổng Giáo phận Sàigòn đổi tên là Tổng Giáo phận Thành phố HCM, với nhiều mất mát :
(1) về nhân sự : số linh mục từ 414 còn 226, số giáo dân từ 516.000 còn 387.184,
(2) về cơ sở giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo : mất đi gần 400 cơ sở. Do đó không còn trường công giáo là nơi dạy giáo lý, giáo dục đức tin cho giới trẻ. Không còn bệnh viện công giáo, không còn những trung tâm từ thiện nhân đạo. Không còn những tổ chức hoạt động bác ái xã hội, chỉ còn cơ sở phụng tự.
Tuy nhiên, nhờ đó công việc mục vụ trong giáo phận tập trung vào trung tâm và đỉnh cao của đời sống đạo là Chúa Giêsu Thánh Thể và Lời Chúa, xây dựng cộng đoàn giáo xứ thành gia đình Chúa, nơi đó có Chúa là Cha, mọi người có chung một Cha và là anh em một nhà, chung một phép Rửa, một lòng tin cậy mến.
Và cũng nhờ đó mà các gia đình, các cộng đoàn tín hữu dành nhiều thời giờ hơn cho đời sống cầu nguyện hiệp thông với Chúa và bác ái liên đới huynh đệ với nhau trong gia đình cũng như trong cộng đoàn tín hữu, giáo xứ, dòng tu. Mọi người có nhiều cơ hội hơn để sống và lớn lên trong chân lý và tình yêu cứu độ của Chúa Kitô, và cộng đoàn giáo phận cũng như giáo xứ ngày càng trở nên muối men và ánh sáng Tin Mừng trong môi trường mới. Hình ảnh khiêm tốn làm chứng nhân Tin Mừng đã dần dần đổi thay lối nhìn của nhiều người trong xã hội về Giáo Hội : từ một tổ chức bị coi là ngoại lai, thù nghịch, trở thành một tổ chức có tiềm năng góp phần phục vụ dân tộc và phát triển đất nước.
2. Ân huệ Chúa thương ban cho Giáo Hội sống trong môi trường Việt Nam hôm nay
Chúa thương đồng hành với dân Chúa như Người gieo nhiều hạt giống hồng ân cứu độ, hạt giống đức tin, hạt giống ơn gọi linh mục, tu sĩ.
năm |
số họ đạo |
số giáo dân |
số linh mục |
LM dòng |
số tu sĩ nam nữ |
1974 |
152 |
516.000 |
414 |
185 |
3.360 |
1976 |
186 |
387.184 |
226 |
89 |
? |
2009 |
200 |
662.148 |
318 |
327 |
4.754 |
- Hiện nay, giáo phận có 200 giáo xứ, 5.289 thành viên Hội đồng giáo xứ, 6.254 giáo lý viên thiện nguyện, 900 ca đoàn, 25 đoàn thể tông đồ giáo dân với số thành viên là trên 90.000. 90% số giáo dân đi lễ Chúa nhật ; 100% trẻ đi học từ giáo lý Khai Tâm đến sau Thêm Sức.
- ĐCV có 180 đại chủng sinh của 3 giáo phận. Giáo phận có lớp Dự Bị với sỉ số 20, và 300 dự tu chờ vào ĐCV.
- 85 dòng tu, tu đoàn, tu hội, với 300 cộng đoàn và số thành viên là 5.047, nhiều trăm thành viên đi tu học tại nhiều nước, với nhiều trăm thành viên đi truyền giáo tại 46 quốc gia thuộc 5 châu.
- Ngoài ra có 50 dòng tu và một số giáo phận từ châu Âu, Mỹ, Á, Úc, đến tìm ơn gọi trẻ trong giáo phận.
- Đến nay, trong giáo phận, đã từng bước mở 190 cơ sở mới, nhà trẻ, lớp tình thương, dạy nghề, bác ái từ thiện nhân đạo, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, đồng thời khắc phục những hậu quả tiêu cực của phát triển xã hội.
3. Dân Chúa chăm sóc và vun tưới cho những hạt giống hồng ân cứu độ đơm bông kết trái
Chúa thương ban ơn cho các gia đình công giáo, các cộng đoàn tín hữu trở nên thửa đất màu mỡ, nhờ được chăm sóc và được vun tưới bằng nguồn nước trong lành là đời sống cầu nguyện và phụng vụ bí tích của các tín hữu, và nguồn phân bón là đời sống bác ái hy sinh và gian khổ của mọi người. Nhờ đó các hạt giống hồng ân cứu độ phát triển xanh tươi và đơm bông kết trái.
Nay, theo lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha, gia đình giáo phận cần tiếp tục chăm sóc những hạt giống đó với những nỗ lực như sau :
- góp phần xây dựng Trung Tâm Mục Vụ và Trung Tâm Văn Hoá công giáo thành nơi mở rộng và nâng cao kiến thức đức tin,
- liên đới với nhau để giúp các gia đình công giáo, 200 cộng đoàn giáo xứ, 300 cộng đoàn tu sĩ, 12 Ban Mục vụ giáo phận, 25 đoàn thể tông đồ giáo dân, trở thành những ngôi trường giáo dục đức tin, thành trì bảo vệ đức tin, chứng nhân lưu truyền đức tin,
- liên đới với nhau để tạo điều kiện cho mọi người ý thức sống trong chân lý và tình yêu cứu độ của Chúa Kitô, nhằm góp phần vào sự phát triển Giáo Hội cùng con người và đất nước Việt Nam cách toàn diện và vững bền.
4. Kinh nghiệm về đời sống cầu nguyện và yêu thương phục vụ
Phaolô đón nhận Chúa Thánh Thần cùng tình yêu từ Chúa Kitô. Và nhờ gắn bó cùng bước theo Chúa Kitô yêu thương và phục vụ, Phaolô đã cống hiến cuộc đời và mạng sống mình cho sứ vụ Phúc Âm hoá và xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô.
4.1 Đời sống cầu nguyện :"Trong gian truân, hãy kiên nhẫn và chuyên cần cầu nguyện". (x. Rom 12,12)
Lời khuyên của ĐHY Glemp, giáo chủ Balan đã trải qua 3 chế độ: "hãy kiên nhẫn và cầu nguyện".
Cầu nguyện như Chúa dạy là nguồn nước tưới cho các hạt giống hồng ân cứu độ phát triển.
4.2 "Sống trong chân lý và tình yêu, mọi người sẽ được lớn lên về mọi phương diện, vươn đến Chúa Kitô, là Đầu". (Eph 4,15)
Tình yêu dưới ánh sáng của lý trí trong văn hoá : 4 biển anh em một nhà.
Tình yêu dưới ánh sáng của đức tin vào Chúa Kitô : mọi người là con một Cha, anh em một nhà.
Trong lịch sử truyền giáo, có 2 loại nhà truyền giáo :
- loại tôn trọng văn hoá bản địa, như Mattêô Ricci ;
- loại áp đặt văn hoá ngoại lai...
Trong thực tế gia đình và xã hội có 2 loại tình yêu :
- tình yêu tôn trọng
- tình yêu áp đặt.
Yêu nước ngày nay là gì ? (x. Caritas in Veritate)
4.3 Tình yêu phục vụ đòi hỏi hội nhập, đối thoại và hợp tác
Truyền thống đối đầu quen thuộc từ xa xưa, ăn sâu vào tâm khảm, vào nếp nghĩ và lối sống con người, kể cả người Kitô hữu.
Công Đồng Vatican II mở ra hướng đi mới : đối thoại trong tinh thần bác ái nhằm tìm kiếm sự thật.
Tuy nhiên hướng đi này xem ra vẫn còn mới mẻ và xa lạ với nhiều người. Nhiều người vẫn quan niệm chân lý là điều gì phù hợp với ích lợi riêng của mình, đem lại lợi nhuận cho bản thân và phe nhóm của mình.
Do đó, việc đối thoại và hợp tác rất khó khăn và kết quả có giới hạn, ngay trong lãnh vực phục vụ người nghèo nhất, người bị bỏ rơi, cũng như trong phát triển đất nước.
[1] Đến nay công trình nầy phát triển thành 24 Hội dòng Mến Thánh Giá trong ba giáo tỉnh, với số thành viên gần 10.000 nữ tu, lo công tác tông đồ, giáo dục, y tế, từ thiện, đặc biệt cho đồng bào nghèo.
[2] Đức cha Simon Hoà Hiền phổ biến cuốn "Giáo lý sơ bộ" (1957), Đức cha Phaolô Bình phổ biến cuốn "Giáo Lý Tân Định" (1967)
[3] Không kể ba giáo phận được tách từ giáo phận con : Gp Cần Thơ, 1955 từ Gp Nam Vang, Gp Long Xuyên, 1960 từ Gp Cần Thơ, và Gp Bà Rịa, 2005 từ Gp Xuân Lộc.
Vậy giáo tỉnh Sàigòn-Thành phố HCM nay gồm có 10 giáo phận:
1. TGP Sàigòn-Thành phố HCM
2. Vĩnh Long (1938) 5. Mỹ Tho (1960) 8. Xuân Lộc (1965)
3. Cần Thơ (1955) 6. Long Xuyên (1960) 9. Phan Thiết (1975)
4. Đà Lạt (1960) 7. Phú Cường (1965) 10. Bà Rịa (2005)
[4] Chủng viện đào tạo 444 linh mục cho 6 giáo phận Sài Gòn, Mỹ Tho, Phú Cường, Phan Thiết, Đà Lạt, Xuân Lộc-Bà Rịa, trong đó có 144 của Tổng Giáo phận.
Ba: Lời Chủ Chăn 1.10.2009 : mục đích, ý nghĩa Năm Thánh
NĂM THÁNH 2010 VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI CÙNG GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI
1. Ý nghĩa mục đích của Năm Thánh 2010
Năm 2010 đánh dấu kỷ niệm 350 năm thiết lập Giáo Hội tại Việt Nam, kỷ niệm 50 thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam cùng 3 giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Saigon. Mục đích của việc cử hành Năm Thánh 2010 là tạo cơ hội cho mỗi người kitô hữu Việt Nam nhìn lại hồng ân cứu độ mà Cha trên trời đã thương ban cho Giáo Hội tại VN để dâng lên Ba Ngôi Thiên Chúa lòng hiếu thảo cảm mến tạ ơn, cùng bày tỏ lòng thành kính biết ơn đối với các bậc tiền nhân và chứng nhân đức tin đã dày công vun đắp nên gia đình Giáo Hội ngày nay. Đồng thời cũng nhìn tới sự tồn tại và phát triển của Giáo Hội ở ngày mai, mọi người trong cộng đồng Dân Chúa Việt Nam, với tấm lòng hiếu thảo và biết ơn đó, hiệp ý cùng nhau khẩn cầu Ba Ngôi Thiên Chúa, nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria và các thánh, thương ban ơn giúp sức cho mỗi người ý thức và quyết tâm chủ động xây dựng và phát triển bản thân cùng Giáo Hội và xã hội theo như lòng Chúa mong muốn.
2. Định hướng căn bản của sự phát triển
Ơn bí tích Thánh Tẩy là ơn Cha trên trời yêu thương mời gọi người kitô hữu sống đạo làm con Cha trên trời cũng như đạo làm anh em của mọi người là con một Cha và là anh em một nhà. Đó cũng là lời mời gọi người kitô hữu bước theo con đường Đức Giêsu làm Con Thiên Chúa, thể hiện Chân Lý và Tình Thương của Chúa Cha. Đó cũng là con đường phát triển và dẫn đưa loài người đi đến sự sống dồi dào. Do đó, trách nhiệm kitô hữu là tạo điều kiện và cơ hội cho bản thân mình cũng như cho người khác đáp lại lời Chúa mời gọi sống trong chân lý và tình thương của Đức Giêsu, nhờ đó con người được lớn lên về mọi phương diện, Giáo Hội cùng xã hội được phát triển và vươn đến tầm vóc thành toàn của Đức Giêsu là Đầu, là Trưởng Tử mọi loài thọ sinh.
3. Bước theo con đường Chúa Giêsu đã mở ra cho con người cùng nhân loại phát triển
Con đường Chúa Giêsu đã mở ra là giảng truyền Lời Chúa, là sống đời sống cầu nguyện và bí tích, là dấn thân yêu thương đến cùng và khiêm tốn phục vụ cho sự sống cùng sự phát triển của loài người.
3.1 Học hỏi và thi hành Lời Chúa dạy. Là Ngôi Lời và là Thầy dạy Lời Chúa, Chúa Giêsu giảng truyền Lời Chúa như ánh sáng chân lý soi dẫn đường đời cho các môn đệ, như Lời Hứa thắp sáng niềm hy vọng kitô giáo nơi các ông, như Lời yêu thương cảm hoá và đổi mới các ông ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Người trong tâm tư cùng lối sống yêu thương và phục vụ. Lời Chúa được ghi lại trong Sách Thánh, được triển khai trong giáo huấn của Giáo Hội, được làm chứng trong đời sống của dân Chúa, được gieo trồng trong truyền thống văn hoá lành mạnh của các dân tộc. Khi được con người tin nhận và mang ra thực hành, Lời Chúa sẽ trở thành nền tảng cùng định hướng và động lực cho sự sống cùng sự phát triển của họ.
Các cử hành, các lớp giáo lý, các sinh hoạt của các giới, các đoàn thể, các khoá huấn luyện phải tiến hành như thế nào nhằm giúp mọi người tin nhận và thực hành Lời chân lý và Lời yêu thương mà Chúa đã dạy?
3.2 Đời sống cầu nguyện và việc tôn thờ Thánh Thể. Qua tấm gương đời sống cầu nguyện, Chúa Giêsu dạy các môn đệ sống kết hợp và hiệp thông với Chúa Cha cùng Chúa Thánh Thần là cội nguồn sự sống, là mạch suối tình yêu, và là nền tảng của tình huynh đệ cùng sự hiệp nhất trong gia đình, trong cộng đoàn cũng như trong xã hội. Do đó, cầu nguyện là con đường tin nhận từ Thiên Chúa ánh sáng và sức mạnh cho việc xây dựng tình liên đới cùng sự hiệp nhất trong một gia đình nhằm cùng nhau phục vụ cho sự sống cùng sự phát triển của cộng đồng dân Chúa cũng như của cộng đồng nhân loại.
Các linh mục có quan tâm hướng dẫn giáo dân biết cầu nguyện theo thể thức và định hướng cầu nguyện của Chúa Giêsu là nhằm tìm và thi hành ý Cha trên trời, phát triển Nước Cha là một cộng đồng nhân loại mới sống trong Chân Lý và Tình Yêu của Chúa Giêsu? Theo lời Đức Gioan Phaolô II dạy, đặc biệt trong tháng kính Đức Mẹ Mân Côi, cầu nguyện còn là cùng với Mẹ Maria chiêm ngắm tình yêu nơi sâu thẳm của Thánh Tâm Chúa Giêsu, để tìm động lực cho việc thi hành ý Cha cùng xây dựng Nước Cha nơi thế trần. Đồng thời cũng cần lưu ý nhiều người tránh chạy theo tính hiếu kỳ và tình cảm hẹp hòi, là những nguyên nhân dễ đưa đến bất đồng, chia rẽ, xáo trộn trong cộng đoàn.
3.3 Sống Mầu nhiệm Vượt Qua và Mầu nhiệm Thánh Thể. Qua thái độ tự nguyện bước đi trên con đường thập giá dẫn đến Phục Sinh cũng như qua hành vi tự hiến tế cùng tự hạ làm tấm bánh bẻ ra vì sự sống cùng sự phát triển của nhân loại, Chúa Giêsu mời gọi các tín hữu bước đi trên con đường tình yêu cứu độ của Ngài, để cùng Ngài và nhờ Thánh Thần của Ngài vượt qua tình trạng tội lỗi cùng lối sống theo văn hoá sự chết, đồng thời tiến đến phát huy nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương, tiến đến sự phát triển toàn vẹn và sự sống dồi dào.
Mỗi cử hành Thánh lễ có nhằm xây dựng cộng đoàn tín hữu thành gia đình Chúa, có cùng một lòng tin một lòng mến đối với Chúa Giêsu Thánh Thể, có giúp người tham dự sống và lớn lên trong chân lý và trong tình thương của Chúa Giêsu Thánh Thể không?
3.4 Thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ.
Qua tấm gương dấn thân yêu thương đến cùng và khiêm tốn phục vụ, Chúa Giêsu Thánh Thể mời gọi các môn đệ mặc lấy tâm tình và tư tưởng, thái độ và hành vi yêu thương của Ngài, và bước đi trong đường lối yêu thương đến cùng của Ngài.
Những người có trách nhiệm đồng hành với người trẻ, có theo con đường Chúa Giêsu đồng hành, con đường đồng cảm, quảng đại, bao dung đối với người trẻ, đem lại bình an cho họ, yêu thương và phục vụ cho sự phát triển toàn vẹn cùng sự sống dồi dào của họ? Mục đích là nhằm củng cố niềm tin của người trẻ, giúp họ cảm thấy Chúa thực sự yêu thương họ và yêu thương tới cùng. Nhờ tình yêu của Chúa Giêsu cảm hoá, người trẻ dần dần tìm gặp lẽ sống trong sứ vụ yêu thương đến cùng và khiêm tốn phục vụ cho sự phát triển cùng sự sống của mọi người trong cộng đồng dân Chúa cũng như cộng đồng dân tộc. Giáo dục người trẻ lớn lên trong chân lý và trong tình yêu của Chúa Giêsu là xây đắp nền móng vững chắc cho sự phát triển toàn vẹn và vững bền của Giáo Hội cũng như của xã hội loài người hôm nay.
Những người có trách nhiệm đồng hành với các đoàn thể giáo dân, ngoài việc tổ chức thánh lễ và cầu nguyện chung với nhau, có tạo cơ hội cho họ tổ chức những nhóm nhỏ học hỏi Lời Chúa cùng giáo huấn của Giáo Hội về xã hội, chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống đức tin và giáo dục đức tin cho con em, nhắc bảo nhau thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ cho sự phát triển cùng sự sống của mọi người quanh cận, đặc biệt người nghèo khổ? Cũng cần lưu ý họ khi tụ họp thì biết tránh chỉ chú tâm đến thời sự và phê phán thiếu tính mở đường và xây dựng.
4. Cùng nhau vượt qua những chướng ngại trên đường phát triển vẹn toàn.
4.1 Giáo dục đức tin theo định hướng "Sống trong Chân Lý và trong Tình Thương của Chúa Kitô" là tạo điều kiện cho người kitô hữu trở nên người công giáo tốt đồng thời cũng là công dân tốt. Vì lẽ công cuộc phát triển đích thực và vững bền con người và đất nước hôm nay cần đến những người không những có kiến thức khoa học kỹ thuật, song còn có tấm lòng đầy ánh sáng chân lý cùng tình bác ái của Chúa Kitô.
4.2 Giáo dục con người sống bác ái trong chân lý của Chúa Kitô là tạo cơ hội cho mọi người vượt qua tư thế đối đầu cố hữu trải dài trong lịch sử, để tiến bước trên con đường đối thoại trong tình liên đới huynh đệ và hợp tác xây dựng cùng phát triển một cộng đồng nhân loại mới sống trong chân lý và tình thương, trong công lý và hoà bình. Nhờ đó, vượt qua tình trạng phân rẽ giữa hai khuynh hướng đối dầu và đối thoại trong cộng đồng, một sự phân rẽ cản trở sự phát triển của Giáo Hội cũng như của đất nước hôm nay.
4.3 Việc đất nước mở cửa cho nền kinh tế thị trường cùng khuynh hướng toàn cầu hoá, đồng nghĩa với việc du nhập vào đất nước mình những giá trị mới, như chủ nghĩa thực dụng cùng chủ nghĩa cá nhân hưởng thụ duy vật chất. Trong đời sống xã hội hôm nay, những giá trị mới đó đang dần dần thay thế những giá trị Tin Mừng cùng truyền thống văn hoá lành mạnh của dân tộc, đồng thời đe doạ tàn phá mùa màng các hạt giống ơn thánh, hạt giống ơn đức tin, ơn gọi linh mục, tu sĩ.
Do tình thế đã đổi thay và tạo ra những thách đố mới, nếp sống đạo và truyền thống đạo đức xưa nay, dù vẫn rất cần thiết, xem ra không còn đủ sức phát huy đời sống đức tin cùng bảo vệ sự phát triển toàn vẹn của nhiều người trẻ. Tình hình này đòi hỏi mọi thành phần dân Chúa hãy cùng nhau thực hành lời Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI nhắn nhủ dân Chúa tại Việt Nam : cùng nhau phát huy tình liên đới giữa mọi người cùng mọi gia đình, giữa các cộng đoàn tín hữu cùng các thành phần dân Chúa, vì đó là sức mạnh giúp mỗi người xác tín và quyết tâm sống trong chân lý và trong tình bác ái của Chúa Kitô, để được lớn lên về mọi phương diện, cùng phát triển và vươn đến sự thành toàn của Chúa Kitô là Đầu. Đồng thời đó cũng là sức mạnh bảo vệ sự phát triển toàn vẹn của cộng đồng dân Chúa cũng như cộng đồng xã hội.
Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Giám mục của anh chị em
TRƯỚC NGÀY KHAI MẠC NĂM THÁNH 2010
Từ 15/ 11/2009 – 23/ 11/ 2009
Thưa anh chị em,
Trong Lời Chủ Chăn ngày 18.10.2009, theo thư công bố Năm Thánh 2010 của HĐGM.VN, tôi đã ghi lại những điều cần làm trong việc chuẩn bị cũng như trong việc cử hành đức tin, tuyên xưng đức tin và sống đức tin trong Năm Thánh 2010.
Việc làm đầu tiên mà tôi mong muốn tất cả gia đình giáo phận chúng ta sốt sắng thực hiện là :
Làm Tuần Cửu Nhật cầu cho mọi thành phần dân Chúa cùng tham gia việc cử hành đức tin, tuyên xưng đức tin và sống đức tin trong Năm Thánh.
Để cho việc cầu nguyện trong tuần Cửu Nhật chuẩn bị bước vào Năm Thánh được tiến hành đồng bộ, hiệp nhất và hiệu quả, tôi đề nghị với quý cha, các giáo xứ và các gia đình mẫu thức cầu nguyện chung này.
Ước mong tất cả mọi thành phần trong giáo phận nhà cùng chung lời cầu nguyện, cùng chung lời ngợi ca, cùng chung tâm tình cảm tạ, sám hối, canh tân và dấn thân vì Hồng Ân Năm Thánh 2010 mà Thiên Chúa giàu lòng thương xót đã ban cho Giáo Hội tại Việt Nam.
Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
Giám mục của anh chị em
HƯỚNG DẪN CÁCH TỔ CHỨC TUẦN CỬU NHẬT
Tại Giáo xứ và giờ Kinh Tối tại các gia đình
Tuần Cửu Nhật, từ ngày 15 đến ngày 23 tháng Mười Một năm 2009, nhằm giúp các tín hữu Công giáo Việt Nam (trong nước cũng như ngoài nước) vừa ý thức thời điểm đặc biệt trong lịch sử đón nhận đức tin và sống đức tin của Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam, vừa chuẩn bị tâm hồn và đời sống mình trong Năm Hồng Ân này với bầu khí cầu nguyện và hân hoan.
Trong những ngày này, Cẩm nang hướng dẫn cầu nguyện cho Tuần Cửu Nhật mong muốn đề nghị một mẫu cầu nguyện chung (thời lượng chừng 7-8 phút) để các giáo xứ, các cộng đoàn và các gia đình cùng nhau hiệp nhất trong lời cầu nguyện và suy niệm về Năm Thánh 2010 :
- Hiểu biết ý nghĩa Năm Thánh 2010.
- Nhìn lại lịch sử để tạ ơn Chúa;
- Tri ân các tiền nhân, ân nhân và chứng nhân;
- Nhìn nhận những thiếu sót trong đời sống cá nhân và cộng đoàn Giáo Hội;
- Canh tân đời sống và noi gương các chứng nhân Tin Mừng, đề ra những việc cần làm để sống đức tin và chia sẻ đức tin.
Mỗi ngày, tại giáo xứ hay trong giờ Kinh Tối ở mỗi gia đình, mọi người cùng nhau cầu nguyện theo thứ tự : đọc Lời Chúa, suy niệm (nhìn về quá khứ, nhận định hiện tại và hướng đến tương lai), đọc Kinh Năm Thánh và lời nguyện kết thúc.
Về các bài hát: có thể sử dụng các bài ca chính thức của Năm Thánh, hoặc bài ca thích hợp mà cộng đoàn giáo xứ hay gia đình quen thuộc, nhưng nên chọn những bài ngắn gọn để mọi người có thể tham gia một cách tích cực, hiệu quả.
Nhóm Biên soạn
CHƯƠNG TRÌNH CHUNG CHO MỖI NGÀY
A. TRONG THÁNH LỄ:
I. Dẫn ý vào Thánh lễ : Linh mục chủ sự thánh lễ hướng ý cầu nguyện cho Ngày Khai Mạc Năm Thánh và cho Năm Thánh 2010 (theo ý cầu nguyện mỗi ngày, nếu trước đó không có giờ cầu nguyện chuẩn bị).
II. Bài hát kết lễ: Bài ca chính thức của Năm Thánh hoặc một bài thánh ca khác phù hợp.
B. CẦU NGUYỆN CHUNG :
I. TRƯỚC LỄ SÁNG
hoặc TRƯỚC LỄ CHIỀU tại Nhà Thờ:
1. Xướng Ý cầu nguyện : Người hướng dẫn.
2. Lời Chúa : Tác viên Lời Chúa.
(Thinh lặng giây lát để nhớ lại lời Chúa.)
3. Suy niệm : Người hướng dẫn.
4. Lời nguyện kết thúc : Linh mục hay Tác viên Lời Chúa.
* Sau đó là thánh lễ.
* Kinh Năm Thánh có thể đọc sau khi hát bài ca Hiệp Lễ.
II. GIỜ KINH TỐI tại GIA ĐÌNH :
Dùng lại nội dung trong mẫu cầu nguyện đã làm ở nhà thờ giáo xứ, và có thể thêm các kinh đọc hoặc bài hát tùy theo thời lượng mỗi gia đình có thể thực hiện được. Chẳng hạn : Trước khi xướng Ý cầu nguyện thì có thể hát Kinh Chúa Thánh Thần ; sau khi suy niệm, đọc kinh Năm Thánh; và sau Lời nguyện kết thúc, hát một bài quen thuộc hoặc đọc Kinh Trông Cậy.
NGÀY THỨ NHẤT 15-11-2009
Ý cầu nguyện: Năm Thánh, Năm Hồng An :
Cầu nguyện cho mọi tín hữu Việt Nam ý thức và sốt sắng chuẩn bị tâm hồn và đời sống để sống Năm Thánh như ý Chúa muốn
1. Xướng Ý cầu nguyện : Người hướng dẫn.
Kính thưa cộng đoàn,
Hôm nay, chúng ta bắt đầu tuần cửu nhật cầu nguyện cho Giáo hội tại Việt Nam trước khi khai mạc Năm Thánh mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Chúng ta cầu nguyện trong tâm tình khai mạc Năm Thánh, sống Năm Thánh và kéo dài tinh thần Năm Thánh trong tương lai. Với ý hướng đó, chúng ta được mời gọi dâng kinh nguyện, hy sinh, bác ái để cầu cho Hồng Ân Năm Thánh được đong đầy và triển nở trong tâm hồn và đời sống của mỗi người chúng ta.
2. Lời Chúa (4, 18-19) : Tác viên Lời Chúa.
Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Luca
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”
3. Suy niệm : Người hướng dẫn :
Năm Thánh 2010 là thời gian đặc biệt, vì đây là thời điểm kỷ niệm 50 năm thành lập hàng Giáo phẩm Việt Nam; là thời gian hồng ân, thời gian hát vang điệp khúc “Hãy cảm tạ Thiên Chúa vì Chúa nhân từ; muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (Tv 136).”
Chúng ta lại khai mạc Năm Thánh vào ngày lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam như mời gọi chúng ta tạ ơn Chúa về hồng ân đức tin đã lãnh nhận, tri ân các bậc tiền nhân, các ân nhân và chứng nhân đã gieo vãi và vun trồng hạt giống đức tin trên quê hương đất nước này, đồng thời ý thức giá trị cao quý của hồng ân đức tin để sống và làm chứng cho Tin Mừng, tích cực xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô trong môi trường Chúa sai chúng ta đến. (x. HĐGMVN, Thư Công Bố Năm Thánh 2010).
4. Lời nguyện kết thúc: Linh mục hay Tác viên Lời Chúa.
Chúng ta dâng lời cầu nguyện,
Lạy Cha là Chúa cả trời đất, vì lòng từ ái xót thương, Cha đã tạo thành và cứu độ muôn loài. Cha đã sai Con Một xuống thế làm người, chia sẻ thân phận yếu hèn của chúng con, xả thân loan báo Tin Mừng cứu độ và phục vụ sự sống con người. Người đã chịu khổ hình, chịu chết và sống lại để những ai tin nhận Người, đều được quy tụ trong Nước Cha là Nước sự thật và sự sống, yêu thương và an bình. Cha đã sai Thánh Thần xuống liên kết các tín hữu thành cộng đồng nhân loại mới nên muối men và ánh sáng giữa lòng thế giới hôm nay. Xin Cha cho chúng con luôn cảm nghiệm được tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.Amen.
(trích Kinh Năm Thánh)
Sau đó bắt đầu Thánh lễ với Bài Ca Nhập Lễ
Lưu ý: Nếu thực hiện tuần Cửu Nhật ở gia đình, sau lời nguyện kết thúc thì hát 1 bài thích hợp và đọc kinh Cám ơn Trông cậy, v..v..
NGÀY THỨ HAI 16-11-2009
Ý cầu nguyện : Năm Thánh, Năm Hồng Ân :
Trong tâm tình tri ân các vị thừa sai Chúng ta cùng tạ ơn Chúa
vì đã thương gửi các nhà truyền giáo đến Việt Nam
1. Xướng Ý cầu nguyện : Người hướng dẫn.
2. Lời Chúa (Rm 10, 14-15.18b) : Tác viên Lời Chúa.
Lời Chúa trong thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi ? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng! Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu, và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.
3. Suy niệm : Người hướng dẫn
“Cùng với Giáo Hội toàn cầu luôn cảm tạ Thiên Chúa đã ban ơn cứu độ chan hòa khắp thế giới, Giáo Hội tại Việt Nam tạ ơn vì tin rằng sự hiện hữu của mình trên đất nước này đến từ ý định ngàn đời đầy yêu thương của Thiên Chúa muốn cứu rỗi mọi người. Chính Đức Kitô chứ không ai khác đã sai các sứ giả của Ngài đến vùng đất thân yêu này để loan truyền Tin Mừng cứu độ.” (trích Đề Cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm- Hiệp thông- sứ vụ, số 1).
Các sứ giả của Đức Kitô chính là các vị Thừa sai từ các nước xa xôi, rời bỏ quê hương để đến với miền đất xa lạ là Việt Nam. Các Ngài đã gieo những bước chân loan báo Tin Mừng cho cha ông, tổ tiên chúng ta. Những giọt mồ hôi lao nhọc của các ngài đã “nên như hạt giống trổ sinh các Kitô hữu.”
Nhớ đến công ơn của các ngài, chúng ta cùng cảm tạ Chúa vì lòng xót thương đã quan phòng cho có các vị thừa sai. Nhờ có các ngài loan báo mà chúng được nghe Tin Mừng; nhờ được nghe Tin Mừng mà chúng ta mới được lãnh nhận hồng ân đức tin; và nhờ hồng ân đức tin mà chúng ta được gọi là con Chúa.
4. Lời nguyện kết thúc : Linh mục hay Tác viên Lời Chúa.
Lạy Cha, chúng con tạ ơn Cha đã thương gửi các nhà truyền giáo đến gieo hạt giống Tin Mừng và chăm sóc cho hạt giống ấy phát triển xanh tươi trên đất nước Việt Nam của chúng con. Xin Cha ban cho chúng con ơn thảo hiếu để luôn biết “ăn quả nhớ người trồng cây” hầu sống xứng đáng ơn gọi làm kitô hữu. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
NGÀY THỨ BA 17-11-2009
Ý cầu nguyện: Năm Thánh, Năm Hồng An :
Chiêm ngắm các thánh Tử đạo Việt Nam, những bậc tiền nhân
đã trở nên chứng nhân đức tin anh dũng của Giáo hội
1. Xướng Ý cầu nguyện: Người hướng dẫn.
2. Lời Chúa (Gioan 12, 24-25) : Tác viên Lời Chúa.
Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Gioan
Khi ấy Chúa Giêsu phán rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, thì nó mới sinh nhiều hạt khác. Ai yêu qúy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.
3. Suy niệm: Người hướng dẫn
“Từ năm 1533, hạt giống đức tin đã được gieo trồng trên cánh đồng truyền giáo Việt Nam. Và khi đã nẩy mầm trên mảnh đất tâm hồn tự do của đoàn tín hữu, hạt giống cứ âm thầm mọc lên, bất kể ngày đêm, và cả trong gió mưa giông bão (trích Đề Cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm- Hiệp thông- Sứ vụ, số 1).
Gần 5 thế kỷ qua, hạt giống Tin Mừng đã mọc lên, đã đơm bông kết trái từ Bắc chí Nam của quê hương Việt Nam chúng ta. Hơn một trăm ngàn (100.000) anh hùng tử đạo; trong số đó đã có 117 Vị tử đạo được Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị tuyên phong hiển thánh vào ngày 19-6-1988 tại Rôma, và một chân phước là thánh Anrê Phú Yên. Trong số 117 vị, có tám vị sinh trưởng trong giáo phận nhà :
1- Thương gia Mátthêu Lê Văn Gẫm
2- Linh mục Philipphê Phan Văn Minh
3- Ông Trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu
4- Linh mục Phaolô Lê Văn Lộc
5- Ong Phaolô Trần Văn Hạnh
6- Linh mục Phêrô Đoàn Công Quý
7- Ông Câu Emmanuel Lê Văn Phụng
8- Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu.
Chúa yêu thương dân tộc Việt Nam đến cùng; Chúa ban ơn đức tin cho nhiều người Việt Nam qua lời loan báo Tin Mừng của những vị thừa sai; Chúa cho Giáo Hội Việt Nam vươn tới sự trưởng thành với hàng Giáo Phẩm được thành lập năm 1960. Đó là những lý do để chúng ta cùng tạ ơn Thiên Chúa. (trích Đề Cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm- Hiệp thông- Sứ vụ, số 1 và “Tổng Giáo Phận Saigon qua dòng lịch sử”, do ĐHY GBt Phạm Minh Mẫn biên soạn, tr.8).
4. Lời nguyện kết thúc : Linh mục hay Tác viên Lời Chúa.
Lạy Cha, chúng con tạ ơn Cha đã thương ban cho chúng con nhiều chứng nhân đức tin anh dũng sẵn sàng chết để bảo vệ đức tin, và những bậc tiền nhân luôn hy sinh quảng đại, dày công vun tưới cho hạt giống Tin Mừng sinh hoa kết quả dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Nhờ các thánh Tử đạo Việt Nam chuyển cầu, xin Cha cho chúng con biết đem lòng bác ái mà dấn thân phục vụ Chúa và anh chị em. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
NGÀY THỨ TƯ 18-11-2009
Ý cầu nguyện: Năm Thánh, Năm Hồng An :
Cầu nguyện cho mỗi người chúng ta biết nhìn nhận những lỗi lầm
và thiếu sót và xin Chúa thương tha thứ
1. Xướng Ý cầu nguyện : Người hướng dẫn.
2. Lời Chúa (Is 1,16-18) : Tác viên Lời Chúa.
Lời Chúa trong sách tiên tri Isaia,
Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình. Hãy nâng đỡ người bị áp bức, bênh vực che chở cô nhi quả phụ. Chúa phán : “Hãy đến đây ta cùng nhau dàn xếp! Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng nên trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng nên trắng như bông.
3. Suy niệm: Người hướng dẫn
Năm Thánh là thời gian thuận tiện, là thời điểm mà lời mời gọi nên thánh vang lên rõ ràng và thúc bách hơn bao giờ hết. Thiên Chúa muốn chúng ta sống thánh thiện (x. 1 Tx 4,7; 3,12; 1 Pr 2,15).
Bởi vì không thể sống trong Năm thánh mà con người chúng ta lại không mặc lấy sự thánh thiện của Đức Kitô. Vì thế tâm tình và thái độ trước tiên để chuẩn bị bước vào Năm Thánh phải là tâm tình và thái độ thống hối. Thống hối về những lỗi lầm và thiếu sót trong cuộc sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn của chúng ta.
Từ sự thống hối chân thành và khiêm hạ này, chúng ta sẽ được ơn Chúa thứ tha và nâng đỡ, nhờ đó chúng ta sẽ bước đi bằng một đời sống thánh đức để làm chứng cho sự thánh thiện của Thiên Chúa.
4. Lời nguyện kết thúc: Linh mục hay Tác viên Lời Chúa.
Lạy Cha, chúng con nài xin Cha thứ tha mọi lỗi lầm thiếu sót đối với Cha và mọi người, trong quá khứ cũng như hiện tại. Xin Cha thương giúp chúng con biết tránh xa tội lỗi và chung sức xây dựng cuộc sống gia đình, xã hội và đất nước ngày càng tốt đẹp hơn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
NGÀY THỨ NĂM 19-11-2009
Ý cầu nguyện: Năm Thánh, Năm Hồng Ân :
Cầu nguyện cho mọi tín hữu Việt Nam Sống tinh thần hoán cải,
đổi mới triệt để đời sống theo Tin Mừng
1. Xướng Ý cầu nguyện : Người hướng dẫn.
2. Lời Chúa (Mt 5,13a.14.16) : Tác viên Lời Chúa.
Chính anh em là muối cho đời. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.
3. Suy niệm : Người hướng dẫn
Đề cương Giáo Hội tại Việt Nam viết : “Ngay từ hôm nay, chúng ta hướng về Năm Thánh 2010 trong niềm hân hoan phấn khởi vì biết rằng đây là thời điểm của ân sủng, là thời gian qua đó Thiên Chúa muốn làm bừng dậy cuộc canh tân Giáo Hội của Ngài tại Việt Nam. Thời điểm này mở ra cho các tín hữu Việt Nam một cơ hội thuận tiện để củng cố niềm tin của mình vào Thiên Chúa Tình yêu, để từ đó có thể cống hiến cho anh chị em của mình “kho tàng duy nhất và lớn lao của mình là Đức Giêsu Kitô”. Đây chính là thời điểm để Giáo Hội tại Việt Nam làm tỏa sáng hình ảnh Nước Trời như kho tàng vô giá chất chứa mầu nhiệm cao vời của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.”
Như thế, đổi mới triệt để là sống trọn vẹn ơn gọi đích thực của người môn đệ Chúa Kitô là muối, là ánh sáng cho trần gian, trước khi giới thiệu và nói về Thiên Chúa cho người khác ; nghĩa là trước khi cống hiến cho anh chị em của mình “kho tàng duy nhất và lớn lao của mình là Đức Giêsu Kitô”.
4. Lời nguyện kết thúc : Linh mục hay Tác viên Lời Chúa.
Xin cha dùng ơn Thánh Thần soi sáng dẫn dắt chúng con bước theo Chúa Giêsu, loan báo Tin Mừng cứu độ, tận tình phục vụ sự sống của đồng bào và đồng loại. Xin dạy chúng con biết san sẻ của cải vật chất và tinh thần cho mọi người, nhất là những người nghèo khổ. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
NGÀY THỨ SÁU 20-11-2009
Ý cầu nguyện: Năm Thánh, Năm Hồng Ân :
Cầu nguyện cho mọi tín hữu Việt Nam biết canh tân đời sống
bằng thái độ tích cực xây dựng một cộng đoàn hiệp thông
1. Xướng Ý cầu nguyện : Người hướng dẫn.
2. Lời Chúa (1 Pr, 2,4-5.9) : Tác viên Lời Chúa.
Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Phêrô tông đồ.
Anh em hãy tiến lại gần Đức Kitô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng,.. Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người.
3. Suy niệm : Người hướng dẫn
“Ngày nay hơn bao giờ hết, các Vị mục tử trong Giáo Hội luôn nhấn mạnh đến mô hình một Giáo Hội hiệp thông và tham gia. trong đó: (1) mọi người tín hữu đều bình đẳng và không ai là công dân hạng hai, vì cùng một ơn gọi, vì nhận được cùng một Thần Khí, và đón nhận nhau như anh chị em; (2) mỗi phần tử đều được trân trọng chứ không phải là một kẻ vô danh; (3) tất cả đều đồng trách nhiệm, vì đã cùng nhận lệnh loan báo Tin Mừng; (4) mọi người, kể cả phụ nữ đều phải được tham gia và có trách nhiệm đối với những quyết định chung, liên quan đến đời sống Giáo Hội.” (trích Đề Cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm- Hiệp thông- Sứ vụ, số 22)
Hiểu được như thế, mỗi người chúng ta sẽ hết sức nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, trở nên những viên đá sống động, những phần tử tích cực tham gia và góp phần xây dựng cộng đoàn giáo xứ, giáo phận thành một gia đình yêu thương. Đồng thời mỗi người luôn tự hỏi: “Tôi đã làm gì cho Chúa và Giáo Hội, chứ không chất vấn Giáo Hội đã làm gì cho tôi?”
4. Lời nguyện kết thúc : Linh mục hay Tác viên Lời Chúa.
Lạy Cha, xin thắp sáng ngọn lửa tin cậy mến trong lòng chúng con, để chúng con noi gương các vị chứng nhân đức tin biết củng cố và lưu truyền gia sản đức tin cho các thế hệ tương lai bằng sự tham gia sống động với tinh thần trách nhiệm trong việc xây dựng cộng đoàn giáo xứ. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
NGÀY THỨ BẢY 21-11-2009
Ý cầu nguyện: Năm Thánh, Năm Hồng Ân :
Cầu nguyện cho mọi tín hữu Việt Nam ý thức và góp phần
vào sứ vụ duy nhất là loan báo Tin Mừng cho muôn dân
1. Xướng Ý cầu nguyện : Người hướng dẫn.
2. Lời Chúa (Mc 16, 15-16.19-20) : Tác viên Lời Chúa.
Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Máccô.
Khi ấy Chúa Giêsu nói với các môn đệ : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.” Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
3. Suy niệm : Người hướng dẫn
Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo, vì thế Giáo Hội không thể không loan báo Tin Mừng và đó cũng là lý do hiện hữu, là lẽ sống của Giáo Hội. Thật vậy, ơn gọi Kitô hữu tự bản chất là ơn gọi tông đồ. Mỗi người tín hữu đều phải rao giảng Tin Mừng vì nhờ phép Thánh Tẩy, họ đã được tháp nhập vào Giáo Hội vốn mang đặc tính truyền giáo tự bản chất. Cũng thế Giáo Hội tại Việt Nam loan báo Tin Mừng vì đã nhận lệnh từ Chúa Giêsu và được Ngài sai đi và cũng bởi tin chắc rằng chính qua việc rao giảng Tin Mừng mà Giáo Hội trở thành ánh sáng, thành muối men làm cho đất nước này được thực sự biến đổi và được cứu độ.(trích Đề Cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm- Hiệp thông- Sứ vụ, số 23).
Chúng ta nghĩ gì về con số 7% người công giáo ở Việt Nam, nghĩa là cứ 100 người Việt Nam, mới chỉ có 7 người là Kitô hữu công giáo?
4. Lời nguyện kết thúc : Linh mục hay Tác viên Lời Chúa.
Lạy Cha, Cha đã sai Con Một Cha đến trần gian để loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Xin Cha cho chúng con biết mau mắn lãnh nhận và tiếp tục sứ mạng loan báo Tin Mừng của Con Cha, ngõ hầu mọi người nhận biết Cha là Thiên Chúa giàu lòng yêu thương và tất cả đều là anh em trong một gia đình tràn đầy sự thật và sự sống. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
NGÀY THỨ TÁM 22-11-2009
Ý cầu nguyện: Năm Thánh, Năm Hồng Ân:
Cầu nguyện cho mọi tín hữu Việt Nam quyết tâm xây dựng Giáo Hội
thành dấu chỉ yêu thương của Chúa giữa lòng thế giới
1. Xướng Ý cầu nguyện : Người hướng dẫn.
2. Lời Chúa (Cv 2, 42.46) : Tác viên Lời Chúa.
Lời Chúa trong sách Tông đồ Công vụ.
Khi ấy, các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.
3. Suy niệm : Người hướng dẫn
Ngay từ những ngày đầu tiên lãnh nhận và sống Tin Mừng Chúa Giêsu ở Việt Nam, các Kitô hữu đã hình thành một cộng đồng hiệp nhất và yêu thương, khiến cho các anh em khác không biết gọi tên của cộng đồng tôn giáo mới này là gì, nên họ đã gọi đạo của cộng đồng mới này là “đạo của những người yêu thương nhau.”
Do đó, khi nhìn lại bình minh của Giáo Hội tại Việt Nam, các giám mục đã kêu gọi: “Cần thiết phải xây dựng Giáo Hội như một gia đình của những con cái Thiên Chúa hơn là như một phẩm trật được phú ban với những cơ cấu và luật lệ nghiêm minh. Giáo Hội như một gia đình sẽ hòa nhập tốt hơn vào xã hội Việt Nam.” Lời kêu gọi này luôn được liên tục nhắc lại trong các lá thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, mong muốn mọi phần tử trong Giáo Hội, phải thật sự canh tân, đổi mới cách nghĩ để cùng dựng xây một Giáo Hội như lòng Chúa mong muốn.
4. Lời nguyện kết thúc : Linh mục hay Tác viên Lời Chúa.
Lạy Cha, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Thánh cả Giuse và các thánh Tử Đạo Việt Nam, xin Cha ban ơn trợ giúp chúng con biết quyết tâm xây dựng Giáo Hội Việt Nam thành một gia đình: là con một Cha, anh em một nhà cùng nhau tiếp nối sứ vụ của Chúa Kitô là yêu thương đến cùng và khiêm tốn phục vụ để mọi người trên đất nước chúng con, và cả thế giới mau đón nhận Tình yêu cứu độ của Cha. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
NGÀY THỨ CHÍN 23-11-2009
Ý cầu nguyện : Năm Thánh, Năm Hồng Ân :
Cầu nguyện cho Hàng Giáo phẩm Việt Nam
1. Xướng Ý cầu nguyện : Người hướng dẫn.
2. Lời Chúa (Dt 13,7-9a) : Tác viên
Lời Chúa.
Lời Chúa trong thư Do Thái.
Anh em hãy nhớ đến những người lãnh đạo đã giảng Lời Chúa cho anh em. Hãy nhìn xem cuộc đời họ kết thúc thế nào mà noi theo lòng tin của họ. Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời. Đừng để cho đủ thứ học thuyết xa lạ mê hoặc anh em.
3. Suy niệm : Người hướng dẫn
Ngày 24 tháng 11 năm 1960, Đức Giáo Hoàng chân phước Gioan XXIII, với Tông sắc Venerabilium Nostrorum, đã thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam với ba giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sàigòn, đồng thời cũng thiết lập 2 giáo phận Đà Lạt, Mỹ Tho (tách ra từ giáo phận Sàigòn).
Giáo tỉnh Hà Nội có 10 giáo phận; giáo tỉnh Huế có 6 giáo phận; và giáo tỉnh Sàigòn-Tp. Hồ Chí Minh có 10 giáo phận.
Mỗi giáo phận đều có một giám mục chính tòa với nhiệm vụ cai quản và chăn dắt cộng đồng dân Chúa trong giáo phận. Các giám mục hợp thành Hàng Giáo Phẩm, mà chúng ta quen gọi là Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
Các giám mục là những người lãnh đạo đã giảng Lời Chúa cho chúng ta và hy sinh cả cuộc đời để lo cho chúng ta được sống và sống dồi dào trong ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta biết ơn các ngài bằng lời cầu nguyện mỗi ngày, bằng sự tuân phục chân thành trong những gì liên hệ đến đức tin và luân lý, sẵn sàng cộng tác với các ngài để xây dựng giáo xứ, giáo phận, và nhất là ra sức sống đức tin bằng thực hành truyền giáo, bác ái xã hội, mến Chúa yêu người.
4. Lời nguyện kết thúc : Linh mục hay Tác viên Lời Chúa.
Lạy Chúa, Chúa đã trao phó cho các Đức giám mục trong Hàng Giáo phẩm Việt Nam nhiệm vụ săn sóc các giáo phận và Giáo Hội trên khắp cả nước Việt Nam. Xin cho các ngài được lòng tin mạnh mẽ, lòng cậy vững vàng, lòng mến yêu tha thiết. Và xin cho chúng con luôn biết vâng phục và cộng tác với các ngài trong việc làm chứng cho tình yêu thương trong chân lý. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Năm: CÁC CHỦ ĐỀ CỬ HÀNH THÁNH LỄ
TUẦN CỬU NHẬT CHUẨN BỊ MỪNG NĂM THÁNH 2010
NGÀY THỨ NHẤT 15-11-2009
CHÚA NHẬT KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Lễ phục đỏ
Bản văn phụng vụ : Sách lễ Rôma 1992, trang 736
Bài đọc Lời Chúa :
Bài I : Kn 3,1-9 (Sách bài đọc ngoại lịch trang 41)
Bài II : Gc 1, 2-4.12 (Sách bài đọc ngoại lịch trang 49)
Tin Mừng : Ga 12, 24-26 (Sách bài đọc ngoại lịch trang 53)
Gợi ý sám hối đầu lễ
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chết và sống lại để ban cho chúng con sự sống viên mãn của Thiên Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.
Lạy Chúa Kitô, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam biết bao anh hùng tử đạo làm chứng cho Chúa. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã tuyển chọn chúng con để tiếp tục sứ mạng cứu độ của Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.
Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội, và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
Lời nguyện chung
Anh chị em thân mến
Hôm nay chúng ta bắt đầu tuần cửu nhật để chuẩn bị tâm hồn mừng Năm Thánh hồng ân 2010. Cùng với các thánh tử đạo Việt Nam mừng kính trọng thể hôm nay chúng ta cất lời ca ngợi và tôn vinh tình thương Thiên Chúa :
Đáp chung : Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Người
Xướng 1 : Chúa cho chúng ta cảm nhận tình thương của Chúa qua các thánh tử đạo Việt Nam. Chúng ta cầu xin cho Hội Thánh Việt Nam luôn trở nên chứng nhân tình yêu của Chúa cho xã hội hôm nay.
Xướng 2 : Các thánh tử đạo Việt Nam đã đổ máu mình ra làm chứng cho Chúa Kitô. Chúng ta cầu xin cho mọi kitô hữu biết sống các giá trị Tin Mừng trong đời sống thường ngày.
Xướng 3 : Hội Thánh Việt Nam mừng Năm Thánh hồng ân 2010 để tạ ơn Chúa và canh tân đời sống. Chúng ta cầu xin cho các kitô hữu biết tái khám phá sứ điệp Tin Mừng và hăng say loan báo sứ điệp đó cho mọi người.
Lời nguyện kết :
Lạy Thiên Chúa toàn năng nhân hậu, hôm nay khi mừng lễ các thánh tử đạo Việt Nam, chúng con ca ngợi tình thương Chúa đã thực hiện nơi những con người mỏng giòn, chúng con tuyên xưng Chúa là Đấng cứu độ của nhân loại. Xin cho chúng con biết luôn trung thành với đức tin tiền nhân để lại và hăng hái loan truyền tình thương của Chúa cho mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
NGÀY THỨ HAI 16-11-2009
TẠ ƠN
Lễ phục trắng
Bản văn phụng vụ : Sách lễ Rôma 1992, trang 958 (Mẫu B)
Bài đọc Lời Chúa :
· Bài I : Ep 1, 3-14 (lấy từ bài đọc II, Chúa nhật 15 Thường niên B)
Tin Mừng : Mt 11, 25-30 (lấy từ Tin Mừng Chúa nhật 14 Thường niên A)
Gợi ý sám hối đầu lễ
Lạy Chúa Giêsu, Hội Thánh Việt Nam tri ân biết bao thừa sai đã đem mạng sống để loan báo Tin Mừng trên quê hương đất nước chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.
Lạy Chúa Kitô, các thừa sai đã yêu mến Chúa và chấp nhận mọi hy sinh đau khổ, để chúng con được đón nhận Tin Mừng của Chúa. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, hạt giống đức tin đã trổ sinh hoa trái trên quê hương chúng con nhờ vào mồ hôi, nước mắt và cả mạng sống của các thừa sai. Xin Chúa thương xót chúng con.
Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội, và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
Lời nguyện chung
Anh chị em thân mến
Thiên Chúa đã gửi các vị thừa sai đến rao giảng Tin Mừng cho ông bà tổ tiên chúng ta. Trong ngày kính nhớ và tri ân các vị thừa sai, chúng ta dâng lời tôn vinh chúc tụng Chúa và đồng thanh tung hô :
Đáp chung : Chúng con xin ngợi khen Cha, chúng con xin tạ ơn Người, bây giờ và mãi mãi. Alleluia.
Xướng 1 : Chúa dạy : “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy”. Chúng ta cầu xin cho mọi tín hữu hăng say chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng mà Chúa Kitô trao phó.
Xướng 2 : Chúa nói : “Thày sai các con đi để làm chứng cho Thầy”. Chúng ta cầu xin cho Hội Thánh Việt Nam luôn dấn thân và trở nên dấu chỉ tình yêu Chúa cho xã hội Việt Nam hôm nay.
Xướng 3 : Thánh Phaolô khẳng định : “ Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta”. Chúng ta cầu xin Chúa cho mọi tín hữu biết sống gắn bó với Đức Kitô và loan truyền sứ diệp của Người cho thế giới.
Lời nguyện kết :
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã gửi các thừa sai đến quê hương đất nước chúng con, để qua đời sống hy sinh và máu các ngài đổ ra, chúng con nhận biết và yêu mến Chúa. Xin cho chúng con biết làm triển nở đức tin các ngài để lại và trung thành với Chúa đến cùng. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
NGÀY THỨ BA 17-11-2009
CHÚA THÁNH THẦN
Lễ phục đỏ
Bản văn phụng vụ : Sách lễ Rôma 1992, trang 978-982 (mẫu A, B và C)
Bài đọc Lời Chúa :
Bài I : 1 Cr 12, 3b-7.12-13 (Sách bài đọc ngoại lịch trang 420)
Tin Mừng : Mt 10, 17-22 (Sách bài đọc ngoại lịch trang 51)
Gợi ý sám hối đầu lễ
Lạy Chúa Giêsu, nhờ sức mạnh của Thánh Thần, các thánh tử đạo Việt Nam đã trung kiên đến cùng để làm chứng cho Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.
Lạy Chúa Kitô, Chúa hằng tuôn đổ ơn huệ Thánh Thần để Hội Thánh Việt Nam trở nên nhân chứng của Chúa trong thế giới ngày nay. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa trao ban cho chúng con các ơn huệ Thánh Thần để tiếp tục sứ mạng cứu độ của Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.
Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội, và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
Lời nguyện chung
Anh chị em thân mến
Chúa Thánh Thần là Đấng ban sức mạnh và quy tụ chúng ta trong gia đình Hội Thánh. Trong tâm tình tin tưởng cậy trông chúng ta cùng dâng lời nguyện xin :
Đáp chung : Thánh Thần khấn xin ngự đến, hồn con đang mong chờ Ngài.
Xướng 1 : Nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần, các thánh tử đạo Việt Nam đã can đảm lấy máu mình làm chứng cho Chúa Kitô. Chúng ta cầu xin Chúa ban tràn đầy ơn huệ Thánh Thần, để Hội Thánh Việt Nam chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng của Chúa.
Xướng 2 : Các thánh tử đạo Việt Nam xuất thân từ mọi tầng lớp dân Chúa. Chúng ta cầu xin cho mọi tín hữu Việt Nam biết sống theo gương các thánh tử đạo và biết trở nên nhân chứng Tin Mừng trong đời sống thường ngày.
Xướng 3 : Chúa Kitô được mọi người nhận biết qua sự dấn thân của Hội Thánh. Chúng ta cầu xin cho hạt giống đức tin được các thánh tử đạo gieo vãi trên quê hương Việt Nam được sinh hoa kết quả dồi dào nơi lòng mọi người thiện chí.
Lời nguyện kết
Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã ban sức mạnh Thánh Thần cho các thánh tử đạo Việt Nam để các ngài can đảm làm chứng cho Chúa. Xin cho chúng con biết sống xứng đáng với hồng ân đức tin các ngài để lại và hăng say phục vụ Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
NGÀY THỨ TƯ 18-11-2009
XIN ƠN THA TỘI
Lễ phục tím
Bản văn phụng vụ : Sách lễ Rôma 1992, trang 959
Bài đọc Lời Chúa :
Bài I : Rm 6, 2-4. 12-14 (Sách bài đọc ngoại lịch trang 350)
Tin Mừng : Lc 24, 46-48 (Sách bài đọc ngoại lịch trang 356)
Gợi ý sám hối đầu lễ
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến trần gian để ban ơn tha thứ và mời gọi chúng con hoán cải. Xin Chúa thương xót chúng con.
Lạy Chúa Kitô, Chúa ban ơn tha thứ cho những ai thành tâm sám hối và canh tân đời sống mới. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa tha thứ cho những người tội lỗi biết từ bỏ con đường bất chính và quay trở về với Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.
Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội, và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
Lời nguyện chung
Anh chị em thân mến
Năm Thánh là thời gian thuận tiện để chúng ta thành tâm thống hối về lỗi lầm đã phạm và quyết tâm làm lại đời sống mới. Trong tâm tình tin tưởng cậy trông, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin :
Đáp chung : Con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa đến muôn đời.
Xướng 1 : Chúa Kitô mời gọi chúng ta sống đời thánh thiện. Chúng ta cầu xin Chúa thương thanh tẩy Hội Thánh sạch mọi vết nhơ, để Hội Thánh xứng đáng là Hiền Thê của Chúa.
Xướng 2 : Chúa Kitô đã hiến mình trên thập giá để thanh tẩy và thánh hóa Hội Thánh. Chúng ta cầu xin Chúa thương tha thứ mọi lỗi lầm của con cái Hội Thánh, để họ xứng đáng trở nên môn đệ của Chúa.
Xướng 3 : Chúa Kitô đã đổ máu mình để cứu chuộc nhân loại. Chúng ta cầu xin cho mọi người biết hoán cải đời sống để xứng đáng đón nhận ơn cứu độ của Chúa.
Lời nguyện kết :
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã dùng máu Chúa để ký kết với Hội Thánh một giao ước muôn đời tồn tại. Xin cho chúng con biết không ngừng hoán cải để sống trọn vẹn giao ước tình yêu với Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
NGÀY THỨ NĂM 19-11-2009
CẦU CHO GIÁO DÂN
Lễ phục trắng
Bản văn phụng vụ : Sách lễ Rôma 1992, trang 915
Bài đọc Lời Chúa :
Bài I : Ep 4, 1-6 (lấy từ bài đọc II, Chúa nhật 17 Thường niên B)
Tin Mừng : Mt 5, 1-12a (lấy từ Tin Mừng Chúa nhật 4 Thường niên A)
Gợi ý sám hối đầu lễ
Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời gọi chúng con bước theo Chúa để trở nên những người môn đệ của Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.
Lạy Chúa Kitô, Chúa mời gọi chúng con trở nên muối và ánh sáng trần gian. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa là Chân Lý vĩnh cửu soi sáng cho nhân loại con đường đến với Chúa Cha. Xin Chúa thương xót chúng con.
Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội, và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
Lời nguyện chung
Anh chị em thân mến
Thiên Chúa tuyển chọn chúng ta như những người môn đệ sống với Chúa và làm chứng cho Chúa trong đời sống thường ngày. Với niềm tin tưởng và cậy trông, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin :
Đáp chung : Chúa ơi, Chúa là gia nghiệp đời con.
Xướng 1 : Chúa Kitô đến trần gian mạc khải cho chúng ta Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Chúng ta cầu xin cho mọi người biết mở lòng ra đón nhận sứ điệp cứu độ của Người.
Xướng 2 : Các tín hữu được mời gọi trở nên muối và ánh sáng trần gian. Chúng ta cầu xin cho mọi tín hữu biết trở nên gương mẫu cho những người chung quanh bằng đời sống công bình và bác ái.
Xướng 3 : Người môn đệ của Chúa Kitô luôn sống kết hiệp với Chúa. Chúng ta cầu xin cho mọi tín hữu chăm chỉ đến bàn tiệc Lời Chúa và Mình Máu Thánh để được nuôi dưỡng đời sống đức tin.
Lời nguyện kết :
Lạy Thiên Chúa là Cha nhân ái, Chúa quy tụ chúng con trong gia đình Hội Thánh để làm chứng cho Chúa. Xin cho chúng con biết nhiệt thành phụng sự Chúa và trở nên muối đất và ánh sáng trần gian. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
NGÀY THỨ SÁU 20-11-2009
CẦU CHO VIỆC RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO CÁC DÂN TỘC
Lễ phục trắng
Bản văn phụng vụ : Sách lễ Rôma 1992, trang 922
Bài đọc Lời Chúa :
Bài I : Rm 10, 9-18 (Sách bài đọc ngoại lịch trang 280)
Tin Mừng : Lc 24, 44-53 (Sách bài đọc ngoại lịch trang 153)
Gợi ý sám hối đầu lễ
Lạy Chúa Giêsu, Chúa xây dựng Hội Thánh trên những viên đá sống động là các tín hữu. Xin Chúa thương xót chúng con.
Lạy Chúa Kitô, Chúa tuyển chọn chúng con để chúng con ra đi loan báo tình thương của Chúa cho nhân loại. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa muốn chúng con xây dựng Hội Thánh như dấu chỉ tình yêu của Chúa hiện diện trong thế giới ngày nay. Xin Chúa thương xót chúng con.
Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội, và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
Lời nguyện chung
Anh chị em thân mến
Thiên Chúa nâng cao phẩm giá con người khi cứu chuộc chúng ta bằng Máu của Con Ngài. Với tâm tình hân hoan và tạ ơn, chúng ta tin tưởng cầu xin :
Đáp chung : Nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, chính là Chúa. Alleluia.
Xướng 1 : Mọi người đều bình đẳng trong ơn cứu chuộc của Chúa Kitô. Chúng ta cầu xin cho phẩm giá con người được tôn trọng khắp nơi và cho mọi tín hữu biết làm triển nở ơn gọi mà Chúa trao phó.
Xướng 2 : Các tín hữu là những viên đá sống động xây dựng Hội Thánh. Chúng ta cầu xin cho mọi hoạt động của Hội Thánh được phát triển tốt đẹp qua các dấn thân và nỗ lực của mọi tín hữu.
Xướng 3 : Đời sống giáo xứ biểu lộ hình ảnh Hội Thánh yêu thương. Chúng ta cầu xin cho mọi thành phần trong giáo xứ luôn sống gắn bó, yêu thương và hiệp nhất với nhau.
Lời nguyện kết
Lạy Thiên Chúa là Đấng cứu độ chúng con, tình thương Chúa trải qua muôn thế hệ. Xin ban cho chúng con lòng nhiệt thành xây dựng Hội Thánh, và ra sức loan truyền danh Chúa cho mọi người. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
NGÀY THỨ BẢY 21-11-2009
ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ
Lễ phục trắng
Bản văn phụng vụ : Sách lễ Rôma 1992, trang 734
Bài đọc Lời Chúa :
Bài I : Is 61, 9-11 (Sách bài đọc ngoại lịch trang 22)
Tin Mừng : Ga 2, 1-11 (Sách bài đọc ngoại lịch trang 37)
Gợi ý sám hối đầu lễ
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sinh ra làm con Đức Trinh Nữ Maria và đã làm người để cứu độ chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.
Lạy Chúa Kitô, Chúa đã cho Mẹ Maria cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa sai chúng con ra đi loan báo Tin Mừng để đoàn chiên Chúa được phát triển không ngừng. Xin Chúa thương xót chúng con.
Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội, và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
Lời nguyện chung
Anh chị em thân mến
Thiên Chúa đã cho Mẹ Maria cộng tác trong chương trình cứu độ, để qua Mẹ, nhân loại đón nhận Đấng Cứu Thế. Trong niềm vui cảm tạ tri ân, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin :
Đáp chung : Xin vâng, Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng, hôm nay, tương lai và suốt đời.
Xướng 1 : Chúa đã muốn Mẹ Maria là Mẹ Hội Thánh. Chúng ta nài xin cho mọi tín hữu biết năng chạy đến cùng Mẹ và biết chăm chỉ bắt chước các nhân đức của Mẹ trong đời sống thường ngày.
Xướng 2 : Mẹ Maria đã nêu gương cho Hội Thánh khi đem Chúa đến cho Bà Elisabeth. Chúng ta cầu xin cho mọi tín hữu biết tha thiết đem Chúa đến cho muôn dân, nhờ đó mọi người được nhận biết ơn cứu độ của Chúa.
Xướng 3 : Mẹ Maria hằng hiện diện bên Chúa Kitô trong suốt cuộc đời trần thế. Chúng ta cầu xin cho công cuộc truyền giáo của Hội Thánh luôn được Mẹ bảo trợ và dẫn dắt, nhờ đó Tin Mừng của Chúa sinh hoa kết quả trong lòng mọi người.
Lời nguyện kết
Lạy Chúa Giêsu, Con Đức Trinh Nữ Maria. Chúa đã đến trần gian để loan báo cho nhân loại Tin Mừng Nước Thiên Chúa, và Chúa cũng muốn chúng con tiếp tục sứ mạng loan báo Tin Mừng của Chúa. Xin cho chúng con biết ý thức sứ mạng cao cả của mình, để qua đời sống thường ngày, chúng con giới thiệu và nói về Chúa cho mọi người chung quanh. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
NGÀY THỨ TÁM 22-11-2009
LỄ TRỌNG CHÚA GIÊSU KITÔ VUA
Lễ phục trắng hoặc vàng
Bản văn phụng vụ : Sách lễ Rôma 1992, trang 416
Bài đọc Lời Chúa :
Bài I : Đn 7, 13-14 (lấy từ bài đọc I, Chúa nhật Kitô Vua B)
Bài II : Kh 1, 5-8 ((lấy từ bài đọc II, Chúa nhật Kitô Vua B)
Tin Mừng : Ga 18, 33b-37 ( Tin Mừng, Chúa nhật Kitô Vua B)
Gợi ý sám hối đầu lễ
Lạy Chúa Giêsu, Vua vũ trụ, Đấng thu họp vạn vật trong quyền năng và sức mạnh của Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.
Lạy Chúa Kitô, Vua tình thương, Đấng đến cứu chữa và cho nhân loại hạnh phúc nhờ vào tình yêu tự hiến của Chúa. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Vua công bình, Đấng vừa là thẩm phán vừa là Đấng cứu độ nhân loại. Xin Chúa thương xót chúng con.
Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội, và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
Lời nguyện chung
Anh chị em thân mến
Chúa Kitô là Vua vũ trụ. Chính nhờ Người mà muôn vật được tạo thành và cứu chuộc. Trong niềm tôn thờ và kính mến, chúng ta cùng hoan hỷ tung hô :
Đáp chung : Chúa là Vua và là Đấng cứu độ chúng con
Xướng 1 : Chúa Kitô là Vua và là Mục Tử hy sinh mạng sống vì đoàn chiên. Chúng ta cầu xin cho mọi người được quy tụ trong đoàn chiên của Chúa và được nuôi dưỡng trong đồng cỏ màu mỡ.
Xướng 2 : Chúa Kitô là Vua và là Hoàng Tử bình an. Chúng ta cầu xin cho Hội Thánh luôn trở nên dấu chỉ yêu thương và bình an, nhờ đó mọi người nhận biết quyền năng và tình thương của Thiên Chúa.
Xướng 3 : Chúa Kitô là Vua và là Chân Lý vĩnh cửu của Thiên Chúa. Chúng ta cầu xin cho chân lý và công bằng ngự trị trong thế giới ngày nay, và cho các tín hữu biết sống các giá trị Tin Mừng trong đời sống.
Lời nguyện kết
Lạy Chúa Kitô là Vua toàn thể vũ trụ, Chúa thực thi vương quyền qua sự chết và sống lại của Chúa. Xin cho chúng con biết sống mầu nhiệm vượt qua của Chúa bằng đời sống đượm tình bác ái yêu thương, nhờ đó mọi người nhận biết Hội Thánh là cộng đoàn hiệp nhất yêu thương. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
NGÀY THỨ CHÍN 23-11-2009
CẦU CHO CÁC GIÁM MỤC
Lễ phục trắng
Bản văn phụng vụ : Sách lễ Rôma 1992, trang 901 (Mẫu B)
Bài đọc Lời Chúa :
Bài I : 1Cr 9, 16-19. 22-23 (Sách bài đọc ngoại lịch trang 65)
Tin Mừng : Ga 10, 11-16 (Sách bài đọc ngoại lịch trang 74)
Gợi ý sám hối đầu lễ
Lạy Chúa Giêsu, Chúa thiết lập Hội Thánh trên nền tảng các tông đồ để tiếp tục sứ mạng cứu độ của Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.
Lạy Chúa Kitô, Chúa ban cho chúng con các giám mục là những chủ chăn hướng dẫn đời sống đức tin dân Chúa. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa quy tụ chúng con trong một đoàn chiên với một mục tử để loan báo tình thương của Chúa cho nhân loại. Xin Chúa thương xót chúng con.
Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội, và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
Lời nguyện chung
Anh chị em thân mến
Hội Thánh Việt Nam được phát triển và thăng tiến nhờ sự dẫn dắt của các vị chủ chăn mà Chúa đã thiết lập để chăm lo đoàn chiên Chúa. Trong tâm tình tin tưởng cậy trông, chúng ta tha thiết dâng lời nguyện xin:
Đáp chung : Chỉ một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha.
Xướng 1 : Chúa đã đặt các giám mục là những vị lãnh đạo Hội Thánh tiếp tục sứ mạng của Chúa. Chúng ta cầu xin cho các ngài luôn trung thành và hăng say phục vụ cộng đoàn như những tôi tớ và thày dạy đức tin chân chính.
Xướng 2 : Chúa ban Thánh Thần để hướng dẫn Hội Thánh. Chúng ta cầu xin Chúa tuôn đổ các ân huệ Thánh Thần xuống trên các giám mục, để các ngài trở nên các mục tử thánh thiện và luôn khôn ngoan sáng suốt trong việc lãnh đạo Hội Thánh.
Xướng 3 : Chúa là Mục Tử hy sinh tính mạng cho đoàn chiên. Chúng ta cầu xin cách riêng cho Hàng giáo phẩm Việt Nam, luôn trở nên chứng nhân của tình yêu dâng hiến vì sự phát triển của Hội Thánh Việt Nam trong thế giới ngày nay.
Lời nguyện kết
Lạy Chúa Giêsu, Mục Tử nhân lành, Chúa đã thương tuyển chọn các giám mục để chăm lo đoàn chiên Chúa. Hôm nay khi chúng con mừng kỷ niệm năm mươi năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, xin Chúa ban ơn lành hồn xác cho các giám mục Việt Nam, để các ngài xứng đáng trở nên những mục tử như lòng Chúa mong ước. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Sáu: ĐỀ CƯƠNG HỌC HỎI TRONG NĂM THÁNH 2010
I. TÀI LIỆU HỌC HỎI
1. Nội dung:
Tài liệu gồm 2 phần phụ (mở & kết)
và 3 phần chính (một: mầu nhiệm; hai: hiệp thông; ba: sứ vụ)
Phần mở: Ý nghĩa, mục đích và tổ chức của Năm Thánh.
Phần một: Trong Năm Thánh, Giáo Hội tại Việt Nam tìm về cội nguồn và hướng tới cùng đích để khám phá lại bản chất và sứ mệnh của mình. Nhờ đó, Giáo Hội nhận thức rõ mình là ai và có mặt tại Việt Nam để làm gì.
Phần hai: Trong Năm Thánh cũng như những năm tiếp theo, Giáo Hội tại Việt Nam muốn trở nên một Giáo Hội Hiệp Thông bằng cách xây dựng cộng đoàn theo mô hình Giáo Hội Tham Gia.
Phần ba: Trong Năm Thánh cũng như những năm tiếp theo, Giáo Hội tại Việt Nam muốn canh tân sứ vụ bằng cách canh tân ý thức, nhiệt tình và phương thức truyền giáo, gặp gỡ và đối thoại với thế giới chung quanh, yêu thương và phục vụ đồng bào.
Phần kết: Cùng với các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Giáo Hội chiêm ngắm và học với Đức Maria để biết sống ơn gọi và chu toàn sứ mạng đã lãnh nhận.
2. Mục đích yêu cầu:
Phần mở khơi lên tâm tình hân hoan tạ ơn và vận động các tín hữu tham gia các hoạt động trong Năm Thánh.
Phần một giúp các tín hữu hiểu hơn về bản chất và sứ mệnh của Giáo Hội; nhờ đó, ý thức được vai trò và nhiệm vụ của mình trong Giáo Hội, tránh những phê phán và đòi hỏi không đúng về giáo hội.
Phần hai giúp các tín hữu hiểu Giáo Hội như là sự hiệp thông cũng như mô hình giáo hội tham gia; nhờ đó, tích cực đối thoại và dấn thân trong giáo hội, tránh chủ nghĩa cục bộ và đạo đức cá nhân.
Phần ba giúp các tín hữu ý thức trách nhiệm hàng đầu của Giáo Hội là truyền giáo, là loan báo Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài; nhờ đó, tích cực truyền giáo bằng cách tham gia cuộc đối thoại tam diện của giáo hội với người nghèo, với nền văn hóa dân tộc và với các tôn giáo, liên đới và phục vụ con người, tránh chủ nghĩa “mắc-kê-nô”.
Phần kết khơi lên tâm tình tạ ơn vì hồng ân Năm Thánh, niềm tin tưởng và phó thác tiến về phía trước.
3. Hình thức trình bầy
Tài liệu được khai triển thành 14 bài; ngoài hai bài mở và kết phục vụ cho việc khai mạc và bế mạc Năm Thánh vào tháng 12/08 và 1/10, còn có mười hai bài phục vụ cho việc tổ chức học hỏi trong mười hai tháng, cách riêng cho Đại hội Dân Chúa vào tháng 11/2010.
Mỗi bài thường có bốn ý tưởng chính, mỗi ý tưởng ứng với mỗi tuần, và được soạn dưới ba hình thức: trình bày, hỏi-đáp và gợi ý thảo luận.
II. CHƯƠNG TRÌNH HỌC HỎI
Phần MỞ : HÂN HOAN & CẢM TẠ
THÁNG 12/2009
0.1 Ý nghĩa – Mục Đích – Tổ Chức của Năm Thánh 2010
0.2 Tìm hiểu Lịch sử Giáo Hội Việt Nam (1)
Hân hoan và cảm tạ khi nhìn lại lịch sử ghvn: giai đoạn hình thành
0.3 Tìm hiểu Lịch sử Giáo Hội Việt Nam (2)
Hân hoan và cảm tạ khi nhìn lại lịch sử ghvn: giai đoạn phát triển
0.4 Tìm hiểu Lịch sử Giáo Hội Việt Nam (3)
Hân hoan và cảm tạ khi nhìn lại lịch sử ghvn: giai đoạn trưởngthành
Phần MỘT : MẦU NHIỆM GIÁO HỘI
THÁNG 1/2010
Đề tài 1: Giáo Hội tìm về cội nguồn để khám phá lại bản chất của mình
1.1 Giáo hội ý thức mình thuộc về Chúa.
1.2 Giáo hội ý thức mình là Dân Thiên Chúa.
1.3 Giáo hội ý thức mình là Thân Mình Chúa Kitô.
1.4 Giáo hội ý thức mình là Đền Thờ Chúa Thánh Thần.
THÁNG 2/2010
Đề tài 2: Giáo Hội tìm về cội nguồn để khám phá lại bản chất của mình
2.1 Giáo hội ý thức mình cũng là tổ chức hữu hình.
2.2 Giáo hội ý thức mình là một với Giáo hội phổ quát
2.3 Giáo hội ý thức mình là một tổ chức theo phẩm trật.
2.4 Giáo hội ý thức mình là thánh nhưng còn phải nên thánh
THÁNG 3/2010
Đề tài 3: GH hướng tới cùng đích để khám phá lại sứ mạng của mình
3.1 GH không sống cho chính mình, nhưng cho Đức Kitô và Nước Trời.
3.2 NTC đang phát triển trong trần gian: có đó nhưng chưa hoàn thành.
3.3 NTC là chính Đức Kitô (ĐKT là hiện thân của Nước Thiên Chúa).
3.4 NTC là thế giới của yêu thương: công lý, bình an và hoan lạc.
THÁNG 4/2010
Đề tài 4: Giáo Hội hướng tới cùng đích để khám phá lại sứ mạng của mình
4.1 GH ý thức mình là GH lữ hành, là dấu chỉ và khí cụ của Nước Trời
4.2 Góp phần xây dựng trần thế, nơi công lý, bình an và ân sủng ngự trị.
4.3 Đối thoại và hợp tác chống lại tục hóa, cục bộ và vô tín.
4.4 Chấp nhận đau khổ và học biết tha thứ.
Phần HAI : GIÁO HỘI HIỆP THÔNG & THAM GIA
THÁNG 5/2010
Đề tài 5: GH tìm một cách thế hiện diện mới: GH như là sự Hiệp Thông
5.1 GHVN muốn trở nên cộng đoàn hiệp thông với Chúa và với nhau.
5.2 Hiệp thông trong kinh nguyện và Thánh Thể.
5.3 Hiệp thông với Giáo huấn Tông đồ.
5.4 Hiệp thông Huynh đệ.
THÁNG 6/2010
Đề tài 6: GH đi tìm một cách thế hiện diện mới: GH như một Gia Đình
6.1 GHVN muốn trở nên một Gia đình hơn một Phẩm trật.
6.2 Vai trò của giáo dân.
6.3 Vai trò của giáo sĩ.
6.4 Tương quan giáo sĩ và giáo dân.
THÁNG 7/2010
Đề tài 7: Giáo Hội đi tìm một cách thế hiện diện mới: Giáo Hội Tham Gia
7.1 Xây dựng hiệp thông theo mô hình GH tham gia
7.2 Cảm thức thuộc về và ý thức tham gia.
7.3 Bình đẳng và đồng trách nhiệm.
7.4 Tạo cơ hội cho giáo dân tham gia và phát huy khả năng.
THÁNG 8/2010
Đề tài 8: Cổ võ và phát huy sự tham gia của mọi thành phần trong GH
8.1 Tham gia vào đời sống cộng đoàn, tham gia hội đoàn hoặc nhóm nhỏ.
8.2 Tham gia vào kinh nguyện và phụng vụ của cộng đoàn.
8.3 Tham gia vào việc dạy và học giáo lý.
8.4 Tham gia vào việc quản trị giáo xứ.
Phần BA : GIÁO HỘI CANH TÂN SỨ VỤ
THÁNG 9/2010
Đề 9: Giáo Hội canh tân ý thức và nhiệt tình truyền giáo
9.1 GHVN muốn canh tân ý thức và nhiệt tình truyền giáo: Ba sứ vụ.
9.2 Sứ vụ tư tế.
9.3 Sứ vụ tiên tri
9.4 Sứ vụ mục tử.
THÁNG 10/2010
Đề 10: GH đi tìm một phương thức mới để LBTM: Đối Thoại & Hợp Tác
10.1 GHVN muốn canh tân phương pháp truyền giáo: ba cuộc đối thoại.
10.2 Đối thoại với người nghèo.
10.3 Đối thoại với nền văn hóa dân tộc.
10.4 Đối thoại với các tôn giáo.
THÁNG 11/2010
Đề 11: Những thách đố và cơ hội trong việc LBTM tại Việt Nam hôm nay
11.1 Giáo Hội tại Việt Nam muốn chọn hướng nhập thể, liên đới
11.2 Thực trạng, cơ hội và thách đố trong lãnh vực xã hội.
11.3 Thực trạng, cơ hội và thách đố trong lãnh vực văn hóa.
11.4 Thực trạng, cơ hội và thách đố trong lãnh vực tôn giáo.
THÁNG 12/2010
Đề 12: Những vấn đề cần quan tâm
12.1 GHVN quan tâm đặc biệt đến giáo dục, gia đình, giới trẻ.
12.2 GHVN quan tâm đặc biệt đến thực thi bác ái và dấn thân xã hội.
12.3 Giáo Hội Việt Nam muốn quan tâm đặc biệt đến truyền thông.
12.4 Giáo Hội Việt Nam muốn quan tâm đặc biệt đến di dân.
Phần KẾT: TIN TƯỞNG & HY VỌNG
THÁNG 1/2010
PHẦN KẾT
Cùng với Các Thánh Tử Đạo Việt Nam,
Giáo Hội chiêm ngắm và học với Đức Maria
những bài học căn bản cho hành trình ơn gọi và sứ mạng:
ngợi khen và cảm tạ, hiểu biết và yêu mến, hiệp thông và tham gia,
quảng đại chia sẻ hồng ân đức tin và nhiệt tâm loan báo Đức Kitô,
tín thác vào quyền năng của Thiên Chúa
và tiến bước trong niềm trông cậy vững vàng hướng về trời cao.