Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 147, Chúa Nhật 19.06.2011


MỤC LỤC 

Ðời Sống Kinh Tế Xã Hội                                                                                        Vatican 2

CHÚA THÁNH THẦN ĐANG LÊN TIẾNG                                                 PM. Cao Huy Hoàng

Hội đồng Tòa Thánh về các Văn bản luật ra Tuyên bố về những vụ tấn phong giám mục
bất hợp pháp                                                                                                                 WHĐ

Tác Phẩm: NĂM CHIẾC BÁNH VÀ HAI CON CÁ                        HY. PX. Nguyễn Văn Thuận

“Nếu bạn muốn xây dựng Hoà Bình, hãy bảo tồn Thiên Nhiên"      Lm. VĨNH SANG, DCCT

NGỤ NGÔN THỜI BẤN LOẠN (KỲ 24)                                      Gioan Lê Quang Vinh, VRNs

CHỦ THỂ TÍNH VÀ NGƯỜI NGHÈO TRONG THÔNG ĐIỆP CENTESIMUS ANNUS     Tiến sĩ Nguyễn Học Tập

Ve Sầu                                                                                                         Br. Huynhquảng 

LINH MỤC GIÁO PHẬN ĐẶT CHÚA KITÔ LÀM TRỌNG TÂM ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ
LINH MỤC CỦA MÌNH                                              Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.

ĐỨC KHÓ NGHÈO TRONG BẬC HÔN NHÂN                                      Lm. Minh Anh biên tập

GIẢI TRÍ TUỔI GIÀ                                                                             Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

LUYỆN CHỒNG                                                                            Chuyện phiếm của Gã Siêu


Ðời Sống Kinh Tế Xã Hội

 

Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay

Gaudium Et Spes

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Phần Thứ Hai

Chương III

Ðời Sống Kinh Tế Xã Hội 75*

 

63. Một vài khía cạnh của đời sống kinh tế. Ngay trong đời sống kinh tế xã hội, phẩm giá cũng như ơn gọi toàn diện của con người và lợi ích của toàn thể xã hội cũng phải được tôn trọng và thăng tiến. Vì con người là tác giả, là tâm điểm và là cứu cánh của tất cả đời sống kinh tế xã hội.

Sau đây là một vài đặc điểm của nền kinh tế hiện đại cũng như của các lãnh vực khác trong đời sống xã hội: con người càng ngày càng chế ngự thiên nhiên nhiều hơn, sự liên lạc và nương tựa lẫn nhau giữa các công dân, đoàn thể, quốc gia càng ngày càng nhiều và rộng lớn hơn, và mỗi ngày sự can thiệp của các chính quyền càng trở thành thường xuyên; đồng thời, với đà tiến bộ của các phương pháp sản xuất và trao đổi sản phẩm cũng như dịch vụ, kinh tế đã trở thành một công cụ thích hợp để thỏa mãn cách khả quan những nhu cầu chồng chất của gia đình nhân loại.

Tuy nhiên, không thiếu những lý do gây nên lo ngại. Nhiều người, nhất là trong những miền có nền kinh tế tiến bộ, như bị đời sống kinh tế chi phối hoàn toàn, đến nỗi trong các quốc gia theo kinh tế tập sản cũng như trong các quốc gia khác, hầu như cả đời sống cá nhân cũng như xã hội của họ đều bị thấm nhiễm một thứ chủ nghĩa duy kinh tế. Trong thời đại mà sự phát triển đời sống kinh tế nếu được điều khiển và phối hiệp cách hợp lý và nhân đạo, có thể giảm thiểu những chênh lệch trong xã hội, thì nhiều khi lại làm cho những chênh lệch ấy trở thành trầm trọng hơn, hoặc ở một vài nơi còn trở thành sự thoái hóa địa vị xã hội của những người yếu thế và miệt thị những kẻ nghèo túng. Ngay trong những vùng kém mở mang, giữa lúc đại đa số vẫn còn thiếu những nhu cầu thiết yếu, thì một thiểu số lại sống dư dật, phung phí. Xa hoa và cùng cực kề cận nhau. Trong khi một thiểu số được quyền định đoạt rất lớn, thì đa số lại hầu như không thể hành động theo sáng kiến riêng và không được thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình, nhiều khi còn phải chịu đựng trong những hoàn cảnh sinh sống và làm việc bất xứng với phẩm giá con người 76*.

Giữa lãnh vực nông nghiệp, kỹ nghệ, mậu dịch và ngay giữa những miền khác nhau của cùng một quốc gia cũng có những chênh lệch tương tự về kinh tế và xã hội. Sự tương phản giữa các cường quốc kinh tế và các quốc gia khác càng ngày càng trở nên trầm trọng và có thể đe dọa cả nền hòa bình thế giới.

Con người thời đại chúng ta càng ngày càng ý thức mãnh liệt về những chênh lệch ấy, vì họ thâm tín rằng những kỹ thuật tân tiến và những năng lực kinh tế của thế giới ngày nay có thể và phải sửa đổi được những tệ trạng kia. Muốn vậy, cần phải cải tổ đời sống kinh tế, xã hội và mọi người phải đổi mới tâm thức và thái độ của mình. Nhằm mục đích ấy, nên qua bao thế hệ, với ánh sáng Phúc Âm, Giáo Hội đã nỗ lực minh dẫn những nguyên tắc về công bình và quân bình trong đời sống cá nhân, xã hội và quốc tế cho hợp với những đòi hỏi của lương tri nhân loại, nhất là trong những ngày gần đây Giáo Hội càng đưa ra những nguyên tắc ấy hơn. Trong khi đặc biệt nhìn vào những đòi hỏi của sự phát triển kinh tế, Thánh Công Ðồng muốn củng cố lại những nguyên tắc đã nêu trên, đồng thời vạch ra một vài hướng đi phù hợp với hoàn cảnh của thời đại này 1.

Ðoạn 1: Phát Triển Kinh Tế

64. Phát triển kinh tế để phục vụ con người. Ngày nay hơn bao giờ hết, để đối phó với sự gia tăng dân số và thỏa mãn những nguyện vọng mỗi lúc một nhiều của nhân loại, người ta được quyền nghĩ đến việc tăng gia sản xuất nông nghiệp, kỹ nghệ, cũng như các dịch vụ cung ứng. Do đó, cần phải cổ võ việc phát triển kỹ thuật, tinh thần canh tân, cố gắng thiết lập và khuếch trương các xí nghiệp; thích nghi các phương pháp sản xuất và những cố gắng không ngừng của các nhà sản xuất, tóm lại, là cổ võ tất cả những yếu tố dự phần vào việc phát triển này. Tuy nhiên, mục đích căn bản của sự sản xuất không chỉ là gia tăng sản lượng, lợi tức hoặc quyền lực, nhưng chính là phục vụ con người, dĩ nhiên là con người toàn diện. Tuy nhiên, phải duy trì đúng cấp bực giá trị của các nhu cầu vật chất cũng như những đòi hỏi của đời sống tinh thần, luân lý, tu đức và tôn giáo. Phải phục vụ tất cả mọi người, mọi đoàn thể, mọi chủng tộc và mọi miền trên thế giới. Bởi thế, hoạt động kinh tế, mặc dù theo phương pháp và luật lệ riêng, nhưng vẫn phải nằm trong giới hạn của trật tự luân lý 2; Có như thế mới hoàn thành được kế hoạch Thiên Chúa đã sắp đặt cho con người 3.

65. Phát triển kinh tế dưới sự kiểm soát của con người. Con người phải kiểm soát lại sự phát triển kinh tế; không được khoán trắng nó cho sự định đoạt của một thiểu số hoặc của những tập thể nắm trong tay quyền lực kinh tế quá lớn, hoặc của một cộng đoàn chính trị hay một số quốc gia giàu mạnh. Ngược lại, trong những dịch vụ quốc tế, mọi quốc gia đều phải tích cực dự phần vào việc phát triển kinh tế, và càng nhiều người thuộc mọi cấp bậc tham gia càng hay. Cũng vậy, phải phối hợp và điều hòa một cách thích đáng và hợp lý những sáng kiến của cá nhân và của các đoàn thể tự do với nỗ lực của chính quyền.

Không thể chỉ bỏ mặc việc phát triển cho sự diễn tiến gần như máy móc của hoạt động kinh tế cá nhân hay cho một mình chính quyền mà thôi. Do đó, phải tố giác những sai lầm của các học thuyết đang nhân danh một thứ tự do ngụy tạo để ngăn cản những cải tổ cần thiết; cũng phải tố giác những học thuyết đòi hy sinh quyền lợi cá nhân và đoàn thể cho tổ chức sản xuất tập thể 4.

Người công dân nên nhớ rằng, bổn phận và quyền lợi của mình là tùy khả năng đóng góp vào việc phát triển thực sự cộng đoàn mình. Chính quyền cũng phải công nhận bổn phận và quyền lợi này. Nhất là những miền còn kém mở mang, càng phải cấp bách tận dụng mọi tài nguyên; do đó, những người để tài sản của mình không sinh lợi, hoặc không trợ giúp cộng đoàn mình những phương tiện vật chất và tinh thần cần thiết là gây nguy hại trầm trọng cho công ích 77*, dĩ nhiên bao giờ cũng phải tôn trọng quyền di cư của mỗi cá nhân.

66. Phải chấm dứt những chênh lệch lớn lao trên bình diện kinh tế xã hội. Ðể thỏa mãn những đòi hỏi của công bằng và lẽ phải mà vẫn tôn trọng quyền lợi cá nhân và đặc tính của mỗi dân tộc, cần phải hăng hái nỗ lực để sớm chấm dứt những chênh lệch kinh tế lớn lao hiện nay và còn gia tăng mai ngày: những chênh lệch này gắn liền với sự phân hóa cá nhân và xã hội. Cũng vậy, trong nhiều vùng, việc sản xuất và bán nông phẩm đang gặp nhiều trở ngại trầm trọng. Do đó, cần phải nâng đỡ nông dân tăng gia và tiêu thụ được sản phẩm, lại phải thực hiện những cuộc cải tổ và canh tân cần thiết hầu thâu được lợi tức tương ứng. Như thế, họ sẽ không mãi ù lì trong thân phận công dân hạ đẳng, như vẫn thường thấy. Còn các nông dân, nhất là những người thuộc lớp trẻ, phải cố gắng kiện toàn khả năng chuyên nghiệp, nếu không nông nghiệp không thể phát triển 5.

Sự di chuyển là điều cần thiết đối với nền kinh tế đang phát triển, tuy nhiên, sự công bằng và quân bình đòi hỏi phải tổ chức sự di chuyển ấy thế nào để đời sống cá nhân cũng như gia đình không bị xáo trộn và bấp bênh. Những công nhân từ một quốc gia hay một miền khác đến, cũng là những người góp công vào việc phát triển kinh tế của một nước hay một miền, nên cần phải cố gắng tránh mọi dị biệt về điều kiện lương bổng và việc làm. Hơn nữa, mọi người, nhất là chính quyền, phải coi họ như những nhân vị, chứ không phải chỉ như những công cụ sản xuất; phải giúp đỡ để họ có thể đưa gia đình đến và có thể kiếm được một nơi nương thân đàng hoàng; cũng phải cho phép họ dễ dàng gia nhập đời sống xã hội của quốc gia hay miền đất nào đón tiếp họ. Tuy nhiên, nếu có thể, nên tạo cho họ có công ăn việc làm ngay tại nguyên quán của họ.

Trong những trạng huống kinh tế đang biến chuyển cũng như trong những hình thái mới mẻ của xã hội kỹ nghệ chẳng hạn hệ thống tự động đang được phát triển, phải liệu sao cho mỗi người có công việc đầy đủ và thích hợp, đồng thời hấp thụ được một sự huấn luyện thích ứng về kỹ thuật và nghề nghiệp. Cũng cần phải bảo đảm sự sống và nhân phẩm, nhất là của những người vì bệnh tật, tuổi tác, phải sống trong những hoàn cảnh thật khó khăn.

 

 ------

Chú thích

 

75* Con người là trung tâm điểm và mục đích của sinh hoạt kinh tế xã hội (số 63a). Hiện nay các sinh hoạt này cũng đang phát triển (b), nhưng không thiếu lý do để lo lắng (c), đặc biệt vì nhiều sự bất bình đẳng giữa các nghề nghiệp, các địa phương và các quốc gia (d), đòi hỏi phải được canh tân (e).

1) Sự phát triển kinh tế.

A) Phải phục dịch con người (số 64).

B) Và được con người điều khiển (số 65): càng nhiều người và càng nhiều quốc gia góp phần để tìm kế hoạch kinh tế thì càng tốt (a). Không thể chấp nhận thái độ chống việc cải cách cũng như chế độ tập trung, vì là xâm phạm đến nhân quyền (b). Tất cả có nhiệm vụ góp phần vào sự phát triển (c).

C) Cần phải loại trừ sự bất bình đẳng, bất công: đặc biệt đối với giới nông dân (a), giới lao động di trú (b), phải giúp mọi người tìm việc làm và huấn luyện họ (c).

2) Một vài nguyên tắc chỉ đạo:

A) Giá trị của việc làm (số 67a, b). Do đó mỗi người có nhiệm vụ và có quyền làm việc với lương bổng xứng đáng (b). Qui tắc kinh tế phải tùng phục con người để phát triển nhân phẩm trong việc làm cũng như trong giờ nghỉ ngơi bắt buộc phải có (c).

B) Sự tham gia vào tổ chức kinh tế trong xí nghiệp cũng như trong quốc gia (số 68a). Quyền lập nghiệp đoàn (b). Làm thế nào để giải quyết sự xung đột về công việc: Công Ðồng không loại trừ việc đình công như phương tiện tối hậu (c).

C) Trong bất cứ chế độ nào về quyền sở hữu, nguyên khởi của tài sản cũng đòi hỏi tài sản phải được phân chia một cách công bằng (69a). Trong các quốc gia kém mở mang hay tân tiến nguyên tắc ấy có thể được thực hiện ra sao (b),

D) Chính sách tiền tệ (số 70).

E) Cổ võ quyền tư hữu: giá trị của quyền tư hữu (số 71abc). Quyền lợi của chính quyền (d). Vai trò xã hội của quyền tư hữu (e). Ðất tư quá rộng và sự cải cách điền địa. (f).

3) Kết luận: Sinh hoạt kinh tế xã hội có thể làm thực hiện đức công bằng và đức thương yêu. Các tín hữu phải làm gương: có thẩm quyền và đem tinh thần Phúc Âm vào sinh hoạt đó (số 72).

76* Trong tình trạng nhà ổ chuột, làm việc thiếu vệ sinh, thiếu nghỉ ngơi... không hiếm ở Việt Nam, đã nói lên mức ảnh hưởng của chiến tranh, nhưng chỉ đúng một phần thôi. Ðã lâu rồi, Ðức Piô XI viết rằng đó là trách nhiệm của "nhiều người chỉ có một tư tưởng là làm sao để gia tăng của cải cho mình" (Quadragesimo Anno, AAS 23 (1931), trg 177-228). Kẻ ấy lơ là trước cảnh huống khốn khổ của tha nhân như thái độ kẻ giàu có trong dụ ngôn của Chúa Giêsu đối với Lazarô là kẻ nghèo nàn (Lc 16, 19-22).

1 Xem Piô XII, sứ điệp ngày 23-3-1952: AAS 44 (1952), trg 273. - Gioan XXIII, Huấn từ cho Lao Công Công Giáo Tiến Hành Ý, A.C.L.I., 1-5-1959: AAS 51 (1959) trg 358.

2 Xem Piô XI, Tđ. Quadragesimo anno: AAS 23 (1931), trg 190tt. - Piô XII, Sứ điệp ngày 23-3-1952: AAS 44 (1952), trg 276tt. - Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magistra: AAS 53 (1961), trg 450. - CÐ Vat. II, Sắc lệnh về các phương tiện Truyền Thông Xã Hội Inter mirifica, ch. I, số 6: AAS 56 (1964), trg 147.

3 Xem Mt 16, 26; Lc 16, 1-31; Col 3, 17.

4 Xem Leô XIII, Tđ. Libertas praestantissimum, 20-6-1888: AAS 20 (1887-1888), trg 597tt. - Piô XI, Tđ. Quadragesimo anno: AAS 23 (1931) trg 191tt.; - n.t., Divini Redemptoris: AAS 39 (1937), trg 65tt. - Piô XII, Sứ điệp Giáng Sinh 1941: AAS 34 (1942), trg 10tt. - Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magistra: AAS 53 (1964), trg 401-464.

77* Công dân phải được giáo dục để ý thức về nhiệm vụ này. Giới bình dân có thể góp phần gì? Dĩ nhiên sẽ có thể làm ít hay nhiều tùy khả năng, địa vị và tài sản. Một người có thể làm ít, nhưng cả nghiệp đoàn (số 68b) sẽ làm được nhiều. Công Ðồng nhắc lại hai điều thiếu sót làm hại cho cộng đoàn quốc gia: một là để tài nguyên vô dụng (ví du tích trử tiền bạc ở nhà; chỉ mua vàng; không đầu tư vào những kế hoạch của cộng đoàn), hai là không cho cộng đoàn hưởng dụng những phương tiện vật chất (ví dụ khi đem tiền gởi ra ngoại quốc) và tinh thần (khi người đi du học không chịu về nước). Công Ðồng nhắc lại quyền di cư của mọi người (quyền lợi này và bổn phận phục vụ quốc gia, bên nào khẩn cấp hơn, mạnh mẽ hơn, thì phải xét theo hoàn cảnh thực tế của từng cá nhân).

5 Về những vấn đề nông nghiệp, đặc biệt xem Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magistra: AAS 53 (1961) trg 341tt.

 
VỀ MỤC LỤC
CHÚA THÁNH THẦN ĐANG LÊN TIẾNG
 

Chúa Giêsu đã về Trời. Công cuộc cứu rỗi nhân loại được chuyển giao cho Hội Thánh của Chúa Giêsu nhờ nguồn trợ lực của Chúa Thánh Thần.

Giờ đây, chính Chúa Thánh Thần khơi dậy trong mỗi chúng ta, trong cộng đoàn, trong Giáo Hội mọi Lời Đức Kitô đã dạy, và làm cho Lời ấy sống động trong mỗi chúng ta và trên toàn thế giới.

Điều ấy đã hiển thị trước mắt chúng ta, trong lịch sử Giáo Hội và cả trong lịch sử nhân loại. Hội Thánh tiếp chỉ những huấn lệnh của Đức Giêsu với lòng nhiệt thành. Và các Tông Đồ đã hăng say loan báo Tin Mừng cho toàn thể nhân loại.

Niềm hăng say phát xuất một phần từ niềm tin của chính các ngài, nhưng phần chính yếu, là vì: họ được Chúa Thánh Thần biến đổi tận căn thành những con người mới:

  • Những con người dũng cảm lên tiếng bênh vực cho người bị áp bức thay cho bản chất nhát hèn im lặng đồng lõa trước kia;

  • Những con người dám công khai đem đuốc thiêng của ánh sáng tình yêu chân lý xông vào nơi cửa đóng then cài;

  • Những con người biết cảm thương cho thân phận đồng loại thay cho óc hưởng thụ ích kỷ xưa kia người bức trị người;

  • Những con người quyết một lòng vì hạnh phúc thật của nhân loại, hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau.

Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục đồng hành và hướng dẫn Giáo Hội của Chúa Giêsu chu toàn sứ mệnh cứu rỗi nhân loại. Quả thật, trải qua bao thế kỷ, tinh thần của Đức Kitô, của Tin Mừng vẫn hiên ngang xâm nhập mọi bối cảnh lịch sử, chính trị, xã hội, không chỉ vì lòng nhiệt thành của Giáo Hội mà còn vì một sức đẩy vĩ đại hơn: sức đẩy của Chúa Thánh Thần, sức đẩy của lòng Thiên Chúa yêu thương con người, không muốn cho con người phải hư mất.

Với mỗi cá nhân, Chúa Thánh Thần đã cấy vào lòng con người những ưu tư khắc khoải về thân phận con người, hạnh phúc thật:

Vì thế, dẫu có sức mạnh nào của thế gian chống lại Thiên Chúa mặc cho con người nào đó một số quyền năng nhất thời, thì con người ấy cũng dễ sớm nhận ra rằng không có gì tồn tại ngoài Thiên Chúa, khi chính mình nhận ra bóng chiều của cuộc tàn tận rất riêng tư đang chờ ở phía trước !

Không có lịch sử nào tồn tại nếu không có sự can thiệp của Thiên Chúa. Không có chân lý nào đáng tôn thờ, nếu không phải là chân lý tôn thờ Thiên Chúa. Có những con người cao ngạo lầm tưởng rằng mình có thể làm nên một lịch sử mà không cần đến Thiên Chúa, nhưng họ đã thất bại, vì chính lịch sử của cuộc đời họ đã chấm dứt trước khi họ hoàn thành những ảo vọng điên rồ. Cũng thế, sự xuất hiện của bao thần thánh mà con người tự tạo cho mình trong các giai đoạn lịch sử nhân loại đều đã bị đại bại trước ngọn cuồng phong Chân  Lý của Chúa Thánh Thần, để chỉ còn duy nhất một Đấng Thánh đáng tôn thờ là Thiên Chúa.

Với mỗi cá nhân các tín hữu, Chúa Thánh Thần đang tác động nơi mọi ý nghĩ, lời nói việc làm, để tín hữu ấy hiển thị chính đời sống Đức Kitô trước mắt mọi người:

  • Bằng cách nầy hay cách khác, công khai hay không công khai, mỗi tín hữu đang làm chứng cho sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa cách riêng trong cuộc đời họ và cách chung trong toàn thể nhân loại.

  • Đời sống các tín hữu càng liên kết với nguồn trợ lực của Chúa Thánh Thần, càng múc lấy được muôn vàn ơn thánh sung mãn để không chỉ hoàn thành cuộc hành trình về Nhà Thiên Chúa, mà còn chu toàn sứ mạng ngôn sứ của mình là làm cho nhiều người cùng được cứu sống.

  • Trong cùng một Thánh Thần, các tín hữu có một tiếng nói chung: tiếng nói của tình hiệp nhất, bác ái, tiếng nói của công bằng, sự thật, tiếng nói của hòa bình tự do đích thực của con cái Thiên Chúa.

Ngược lại, người không yêu chuộng sự hiệp nhất, bác ái, thì không hiểu được tiếng nài van khẩn khoản của Chúa Thánh Thần đang kêu gọi một thế giới đại đồng; người đang sống trong sự giả dối lố bịch và bất công ngu muội, thì không nhận ra tiếng mời gọi sống trong tinh thần tôn trọng sự thật và công bằng, lẽ phải và công ích. Chỉ khi nào bàn tay Chúa Thánh Thần chạm vào tư tưởng, vào cõi lòng họ thì họ mới được đổi mới. Các tín hữu vẫn tha thiết nài xin Chúa Thần đến trong tâm hồn mình và mọi người để Chúa Thánh Thần thức tỉnh lương tâm nhân loại và canh tân bộ mặt trái đất.

Đáp lại lời nguyện xin ân ban nguồn trợ lực, Chúa Thánh Thần đang lên tiếng khắp nơi, và khi nhận ra tiếng Ngài thì chúng ta cũng nhận ra được dấu lạ của Ngài: Từ tấm lòng mỗi tín hữu đến gia đình, làng xóm, xứ đạo, đến địa phương, đất nước, đâu đâu cũng đổi mới theo chiều hướng thăng hoa vươn tới những giá trị tuyệt đối, giá trị siêu nhiên.

Chúa Thánh Thần đổi mới mặt địa cầu. Nhưng Ngài không là nhà cách mạng theo kiểu của thế gian, nhưng là nhà cách mạng theo cách của Thiên Chúa, của chính Ngài.

Còn có quá nhiều chuyện trên thế gian nầy chưa thực sự hoàn thiện, đồng nghĩa với việc còn cần đến sức mạnh và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Nơi đây, nơi kia, đang sống ngược lại với tinh thần của Tin Mừng. Một số chính phủ đang thao túng quyền lực của mình trên chính trường quốc tế. Một số khác đang dùng quyền lực của mình để dày vò lương tâm của những con người yêu nước chân chính.

Thiết tưởng, nếu theo cách của thế gian, chắc chắn mặt ngoài phải là xuống đường, đã đảo, mặt trong phải là xách động âm mưu cấu kết rồi công khai lật đổ chính quyền tham nhũng thối nát… để dựng lên một chính phủ mới.

Nhưng theo cách của Thánh Thần thì không phải như vậy. Cách của Chúa Thánh Thần là càng phải khẩn khoản nài xin Thiên Chúa tha thiết hơn, liên lỉ hơn.., càng phải sống tinh thần Thương Khó của Chúa Giêsu tích cực hơn, là càng phải công khai nói với Chúa những nguyện vọng chính đáng của bần dân cơ cực, bị áp bức, để người gian ác nhận biết Thiên Chúa và cánh tay uy lực của Ngài.

Quả thật, Chúa Thánh Thần đang lên tiếng nơi những con người bênh vực cho công lý, nơi những người dám nhân danh sự thật, nhân danh nền hòa bình cộng đồng và nhiều quyền lợi chính đáng khác của nhiều người, mà thuyết phục kẻ gian ác bỏ ngay những toan tính thủ đoạn trục lợi, bỏ ngay con đường gian ác.

Những ngày này của năm 2011, không chỉ tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn mà là khắp nơi trong nước, trên thế giới, đang khẩn khoản nài xin Chúa Thánh Thần ban bình an cho đất nước Việt Nam, trong đó, chắc chắn có ý nguyện cho người Việt Nam biết cách và cương quyết bảo toàn lãnh thổ trước những mưu ma kế quỷ đang toa rập nhau thực hiện điều bất chính tội lỗi tày trời: xâm chiếm hay mua đứt bán đoạn một phần lãnh thổ đất nước.

Mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trong những ngày mà mọi người Việt Nam đang mong tìm cho ra nguyên lý bảo tồn toàn vẹn lãnh thổ đất nước, thì mỗi người con của Chúa, con của tổ quốc Việt Nam thân yêu chắc chắn không ai dám giơ tay xin tránh trút trách nhiệm, hoặc đứng ngoài cuộc lắng lo chung khi vận nước lâm nguy.

Nhưng, mỗi người ít là một lời nguyện hiệp thông, để Chúa Thánh Thần khẩn trương tác động nơi những con người mang trọng trách Đất Nước giao phó và xin cho họ biết lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần mà dừng lại cuộc chơi phiêu lưu tán gia bại sản.

Lạy Chúa, xin đừng phạt thế gian cách nhãn tiền, nhưng xin lấy lòng từ ái của Thánh Thần Thiên Chúa, mà đẩy chúng vào ánh sáng chân lý, để chúng cũng được cứu rối nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô. Amen.                                                                  

PM. Cao Huy Hoàng

VỀ MỤC LỤC
Hội đồng Tòa Thánh về các Văn bản luật ra Tuyên bố về những vụ tấn phong giám mục bất hợp pháp
 

WHĐ (12.06.2011) – Vài thập niên gần đây, tại một số quốc gia, có những trường hợp tấn phong giám mục không được Đức giáo hoàng bổ nhiệm, nghĩa là bất hợp pháp.

Về vấn đề nêu trên, ngày 11-06-2011, Hội đồng Tòa Thánh về các Văn bản luật ra Tuyên bố nhắc lại những chuẩn tắc được quy định trong Bộ Giáo luật.

Nhằm làm rõ những quy định trong Bộ Giáo luật, bản Tuyên bố nhắc lại hình phạt bị vạ tuyệt thông tức khắc dành cho giám mục hoặc các giám mục tấn phong mà không được Tòa thánh ủy nhiệm hoặc thụ phong bất hợp pháp. Bản Tuyên bố nhắc lại, các tín hữu của giáo phận liên quan được phép không vâng phục giám mục bất hợp pháp. Bản Tuyên bố cũng lưu ý các trường hợp giảm nhẹ đã được Giáo luật tiên liệu, cụ thể là những người phạm lỗi do quá sợ hãi, bị ép buộc hoặc rất cực lòng như bị bạo lực về thể lý. Những tình tiết giảm nhẹ này luôn phải được xác minh từng trường hợp một. Dù sao đi nữa, khi đã xảy ra gương xấu, thì cũng gây chia rẽ và hoang mang nơi các tín hữu, các giám mục liên lụy có bổn phận phải tái lập thẩm quyền của mình qua việc bày tỏ sự hiệp thông và thống hối công khai, nếu không làm như vậy, thì Dân Chúa khó có thể nhận ra thẩm quyền cai quản của họ là biểu hiện cho sự hiện diện sống động của Chúa Kitô trong Hội Thánh của Người.

Một cách rõ ràng, bản Tuyên bố nhấn mạnh tính chất nghiêm trọng của việc tấn phong giám mục không được sự ủy nhiệm của Đức giáo hoàng. Việc phạm lỗi này gây thương tích nặng nề cho sự hiệp thông trong Giáo Hội, vì vậy cần phải bị nghiêm trị.

Bản Tuyên bố công nhận có một số tình huống cá nhân có thể tạo thành tình tiết giảm nhẹ nhưng cần phải được xác minh, và trong mọi trường hợp, hậu quả của hành vi phạm luật này cần phải có những hành động chứng tỏ việc nối lại sự hiệp thông với Giáo Hội và bày tỏ lòng thống hối.

Những người bị vạ tuyệt thông và những người có chủ ý thì không được tham dự Thánh lễ, cử hành các bí tích và thực hiện các hành vi cai quản.

Cuối cùng, nếu hoàn cảnh đòi hỏi và nhằm khắc phục gương xấu, đồng thời tái lập sự hiệp thông, Tòa Thánh có thể áp đặt những biện pháp chế tài hoặc trừng phạt. Áp dụng những biện pháp như vậy là nhằm khuyến khích người vi phạm ăn năn hối cải và làm hòa với Giáo Hội. Vạ tuyệt thông sẽ được gỡ bỏ khi những người phạm lỗi chân thành ăn năn hối cải. Đối với những trường hợp tấn phong giám mục bất hợp pháp, chỉ Tòa Thánh mới có quyền tha vạ mà thôi.

Theo Radio Vatican (bản Pháp ngữ)

 

VỀ MỤC LỤC
Tác Phẩm: NĂM CHIẾC BÁNH VÀ HAI CON CÁ

 

Tác Phẩm: NĂM CHIẾC BÁNH VÀ HAI CON CÁ

Đức Hồng Y: Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận 

Ấn hành lần thứ ba tại Reichstett, France

Cộng Đoàn Đức Mẹ La-Vang

Năm 1999 
 

Lời mở đầu 

Các bạn trẻ thân mến,

Đứng giữa quang cảnh tuyệt vời, đồi lúa chín vàng, biển rộng mênh mông một màu xanh da trời, với những làn sóng bạc, tôi nghĩ ngay đến Chúa Giêsu đang nói chuyện với dân chúng.  Nhìn khuôn mặt các bạn với đôi mắt Chúa Giêsu, từ đáy lòng tôi muốn kêu lên: “Các bạn trẻ thân mến, tôi yêu các bạn!  Yêu các bạn rất nhiều!”

Tôi rút cảm hứng từ Phúc âm Thánh Gioan chương 6, để nói chuyện với các bạn.  Hãy đứng dậy, mời các bạn nghe lời Chúa. 

Phúc âm Chúa Giêsu theo thánh Gioan: 

Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình.  Người hỏi ông Phi-líp rằng : “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Người nói thế là để thử ông, chứ Người biết mình sắp làm gì rồi.  Ông Phi-líp đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm bạc bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút”.  Một trong các môn đệ là ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng ngần ấy thì thấm vào đâu!”  Đức Giêsu nói: “Anh em cứ bảo người ta nằm ngả xuống đi”.  Chỗ ấy có nhiều cỏ.  Người ta nằm ngả xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó.  Cá nhỏ Người cũng phân phát như  vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý (Ga 6, 5-11). 

*   *   * 

Trên đường tiến đến Năm Thánh 2000, chúng ta tìm hiểu:

- Chúa Giêsu là ai?

- Tại sao ta yêu mến Ngài?

Làm thế nào phó thác mình cho tình yêu của Chúa, cho đến mức độ chọn lựa Ngài một cách tuyệt đối, không ngại tiến bước trên đường xa thẳm, không ngại nhọc nhằn lê bước dưới trời nắng oi ả, chẳng kiếm đâu ra một chút tiện nghi?

Trong Sứ điệp gửi các bạn trẻ nhân ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ XII, năm 1997 tại Paris, Đức Thánh Cha viết:

Hiệp thông với toàn thể dân Chúa đang tiến đến năm Đại Toàn Xá 2000, tôi kêu mời các bạn nhìn kỹ vào Chúa Giêsu.  Ngài là Thầy và là Chúa của đời ta.  Hãy suy niệm lời Phúc âm Thánh Gioan (Ga 1, 38-39) : 

- Thưa Thầy, Thầy ở đâu?

- Hãy đến rồi sẽ thấy. 

Bản thân tôi đã từng là một thanh niên như  các bạn, rồi làm Linh mục, Giám mục.  Tôi đã đi qua một quãng đường, hân hoan có, lao khổ có, tự do có, lao tù có, nhưng luôn luôn tràn trào hy vọng.

Tôi thật lúng túng mỗi khi người ta yêu cầu tôi thuật lại kinh nghiệm bản thân, đã chọn Chúa Giêsu và bước theo Ngài thế nào.  Nói về mình không hay tí nào.  Nhưng tôi đã đọc cuốn:  “Những bất ngờ của Thiên Chúa” (tiếng Pháp là “Les imprévus de Dieu”).  Tác giả là Đức Hồng Y Leo Suenens (Bỉ).  Một hôm ngài hỏi bà Veronica:  “Tại sao bây giờ bà chấp nhận cho tôi viết về cuộc đời của bà, mà trước đây bà lại không cho?” - “Vì bây giờ con hiểu rằng đời con không thuộc về con mà thuộc về Chúa hoàn toàn.  Chúa muốn xếp đặt thế nào có lợi ích cho các linh hồn thì mặc ý Chúa”.  Đức Gioan Phaolô II đã cô đọng tư  tưởng ấy trong cuốn tự thuật, đề là “Hồng ân và mầu nhiệm - Dono e mistero”, cũng như  Đức Mẹ đã nói lên trong kinh Magnificat.

Các bạn trẻ yêu mến,

Chính vì thế mà tôi làm như  Chúa Giêsu trong bài Phúc âm, Ngài đã lấy năm chiếc bánh và hai con cá mà cho, nào có thấm vào đâu với mấy nghìn người, nhưng đó là tất cả, Chúa Giêsu đã làm tất cả, đó là “hồng ân và mầu nhiệm”.  Cũng như  cậu bé trong Phúc âm, tôi tóm tắt kinh nghiệm sống của tôi trong bảy điểm:  Năm chiếc bánh và hai con cá.  Không đáng gì nhưng là tất cả những gì tôi có.  Phần còn lại, Chúa Giêsu sẽ liệu.

Nhiều lúc tôi cảm thấy khó chịu trong lòng vì người ta phỏng vấn, muốn thúc giục tôi nói những chuyện giật gân, trong thời gian lao tù, v.v...  Đó không phải mục đích của tôi.  Nguyện vọng lớn nhất của tôi là trao lại cho các bạn trẻ một sứ điệp của tình thương và sự thật, của công lý và hòa bình, của tha thứ và hòa giải, để xây dựng.

Tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ, làm thế nào gặp Chúa Giêsu:

- Trong mỗi giây phút của cuộc đời,

- Trong sự phân biệt giữa Chúa và việc của Chúa,

- Trong lúc cầu nguyện và sống lời Chúa,

- Trong phép Thánh Thể,

- Trong những người anh chị em khắp nơi,

- Trong Mẹ Maria.

Dưới ánh sáng của 24 ngôi sao chiếu soi dẫn đường tôi đi, cùng với các bạn trẻ, tôi muốn la vang lên :

“Hãy sống theo chúc thư  Chúa Giêsu!  Hãy tiến lên, bước qua ngưỡng cửa Hy Vọng!”

  

Rôma, ngày 2 tháng 2 năm 1997

Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh.

(còn tiếp nhiều kỳ)

 
VỀ MỤC LỤC
“NẾU BẠN MUỐN XÂY DỰNG HÒA BÌNH, HÃY BẢO TỒN THIÊN NHIÊN”
 

“Nếu bạn muốn xây dựng hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên”.

Trên đây là lời ngỏ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI với toàn thể thế giới nhân ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 43 ( 1 tháng 1 năm 2010 ).

Hòa bình đang là một khát khao của mọi người cách riêng người Việt Nam chúng ta. Năm 1975, Việt Nam chấm dứt chiến tranh, trên nguyên tắc không còn tiếng súng trên quê hương đất nước đau khổ nhiều vết thương bom đạn, nhưng thực tế không như vậy, tiếng súng vẫn tiếp tục nổ trên chiến trường Tây Nam, nhiều lớp thanh niên đã gục ngã trong và ngoài phía biên giới tổ quốc này, tiếng súng tiếp tục nổ trên chiến trường Bắc Tây Bắc, vẫn còn đó những con người kiên cường hy sinh mạng sống cho đất mẹ thân yêu.

Nếu hòa bình được xem là một cuộc sống con người được bảo vệ khỏi những nguy cơ đe dọa an sinh và ngoài tầm của những bất ổn tinh thần cũng như thể xác, hòa bình là một cuộc sống an vui hạnh phúc, trong đó con người được tôn trọng phẩm giá xứng đáng là con người, thì hòa bình vẫn còn là một khát vọng sâu xa, chính đáng, còn rất diệu vợi đối với người Việt Nam hôm nay. Những nguy cơ rình rập ở bất cứ nơi đâu, bất cứ ngóc ngách nào trên đất nước này mà không ai trong chúng ta có thể ngờ.

“Nếu bạn muốn xây dựng hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên”.

Sau ngày chiếc du truyền của nhà hàng Dín Ký bị lật nhào giữa cơn phong ba ở một khúc sông Sàigòn làm chết 16 mạng người, có một bài báo trên trên mạng Yahoo ký tên một vị với chức danh bác sĩ, tác giả bài báo đề cập đến ý thức của người tham gia các phương tiện thụ hưởng, ông chia sẻ rằng: người sử dụng các phương tiện thụ hưởng phải tự ý thức không tham gia các phương tiện không an toàn, cần phải thẳng thắn kiểm tra sự an toàn trước khi tham gia.

Tôi hiểu thiện ý của ông bác sĩ, tôi hiểu ông muốn chia sẻ với mọi người quyền của người tham gia các phương tiện, nhưng theo một người bạn cũng chia sẻ, nói như ông thì chúng ta không nên ra ngoài đường, vì đường phố ở ta không an toàn chút nào cả ! Đi sai đương nhiên chết mà có khi đi đúng cũng vẫn chết. Không làm gì, ngồi chơi trước cửa nhà, hoặc đang ngủ ngon lành trong nhà cũng có thể chết ! Báo chí hàng ngày cho ta những thông tin đó, nhiều đến nỗi đọc tin tai nạn có người chết, nhiều người vô cảm như không có gì xảy ra !

Hòa bình vẫn còn là một khát vọng chính đáng nhưng xa vời vợi với những con người đang lo sợ hàng giờ bởi những đe dọa bất ổn, những người lăn lộn bên thân xác của người thân chết oan uổng từng ngày, của những người đang khổ đau vì những mất mát vô lý không sao ngăn cản nổi ( tai nạn giao thông, vướng cáp dọc đường, lọt hố tử thần, điện rò rỉ giật chết người, …), của những người ngày ngày lê thân đi tìm công lý, công bằng, công chính.

“Nếu bạn muốn xây dựng hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên”.

Thiên nhiên đang bị tàn phá nặng nề, những năm gần đây, mạng thông tin toàn cầu cho ta biết những đổ vỡ khủng khiếp giữa con người và thiên nhiên, trong đó, người ta đã chỉ ra rằng chính chúng ta là thủ phạm của những đổ vỡ đó, để rồi chính chúng ta lại là những nạn nhân của đổ vỡ gây ra. Người ta có thể thống kê những thiệt hại, từ mạng người đến hàng hóa, vật chất, hệ điều hành… Người ta có thể dự đoán những thiệt hại và lên dự báo về hiểm họa thay đổi khí hậu toàn cầu, nhưng chúng ta không thể hình dung và thống kê ra được những tổn thương về tinh thần, về gía trị con người, về giá trị của tình thương… khủng khiếp như thế nào.

Vấn đề bảo tồn nhiên nhiên là vấn đề của toàn cầu, vấn đề lớn của những nhà lãnh đạo các cường quốc trên thế giới, giới doanh nhân tư bản... Họ cãi nhau mãi vẫn không xong, lượng khí thải không hề thuyên giảm, mỗi ngày lại phát sinh thêm những loại độc hại mới, những nguy cơ mới. Trong một quốc gia, bảo tồn là vấn đề của chính phủ, chính phủ có trách nhiệm quy hoạch, thực hiện các dự án và hỗ trợ các dự án, các biện pháp bảo tồn…

Đủ thứ văn bản, đủ thứ pháp lệnh, thế nhưng rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá, sông suối cạn kiệt, ô nhiễm khắp nơi, khai thác khoáng sản bừa bãi, Hà Nội và Sàigòn không tìm được con sông nào không bị ô nhiễm. Những con sông một thời oanh liệt, gắn liền với bao chiến công lẫy lừng của dân tộc, những con sông một thời lưu chuyển dòng nước mát nuôi sống toàn bộ dân Việt, nay phải cõng trên mình hơn 600 đập thủy điện và sẽ tiếp tục cõng thêm cái qui hoạch quái quỷ mệnh danh là “tầm nhìn 2020” với hơn 1.000 đập thủy điện khác nữa.

“Nếu bạn muốn xây dựng hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên”.

Nhưng vấn đề bảo tồn thiên nhiên lại là vấn đề của mỗi người chúng ta, thay vì ngồi đó gào thét hoặc chê trách, cằn nhằn số phận, chúng ta phải mau chóng ý thức, truyền bá ý thức và hành động để cứu chính chúng ta. Hãy bắt tay vào những việc nhỏ nhưng không nhỏ chút nào, xét về ý nghĩa và về cả hiệu năng của nó, xin hãy làm ngay không chậm trễ những gì có thể làm được, nó sẽ cho chúng ta hiệu quả ngay tức khắc và người ưu tiên được thụ hưởng đó là chính chúng ta, xin mạo muội với một vài đề nghị, ít là:

-     Chống hút thuốc lá. Không đốt vàng mã, không đốt pháo, …

-     Nói không với bao nylon, hộp mốp, ly xốp.

-     Thu gom và phân loại rác.

-     Vệ sinh đường phố, không đổ nước ra đường, nuôi thả chó, phóng uế bừa bãi...

-     Không chặt cây xanh, săn bắn chim, không nuôi hay phóng sinh rùa tai đỏ, không nuôi đỉa…

-     Không ăn thịt thú rừng.

-     Tiết kiện điện, nước...

-     Không chạy xe máy khi không cần, chuyển dần sang dùng xe đạp.

-     Tắt máy xe khi gặp đèn đỏ từ 30 giây trở lên.

-     Không chạy máy điều hòa không khí khi không cần thiết.

-     Không tiêu thụ các sản phẩm làm hại môi trường.

-     Giảm tiếng ồn tối đa, không lạm dụng máy móc, còi xe…

“Nếu bạn muốn xây dựng hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên”.

Tích cực hơn, chúng ta hãy...

-     Tìm mọi cách phủ xanh thành phố ( trồng cây xanh, trồng phủ dây leo trên các ban công nhà nhất là hướng Tây Nam, làm vườn treo trên sân thượng tăng gia sản xuất rau mầm… ). Hãy tưởng tượng cả thành phố tràn ngập dây leo sẽ xanh mát chừng nào, giảm được tiếng ồn và giảm được cả khói bụi.

-     Thu giữ nước mưa bằng các bồn nước để bổ xung nước sinh hoạt, giảm lượng nước thải khi có mưa tránh hoặc giảm ngập lụt. mở thêm các thảm cỏ, cây trồng nếu có đất, để giảm bớt diện tích mặt bê tông tăng diện tích thẩm thấu nước mưa bổ xung mực nước ngầm và giảm ngập lụt.

-     Bày tỏ quan điểm và thái độ ủng hộ các chương trình bảo vệ môi trường, thực phẩm sạch. Tích cực vận động việc bảo vệ môi trường, thực phẩm sạch. Giáo dục các thanh thiếu niên qua các bài Giáo Lý về môi trường, phổ biến sâu và rộng Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt về chương Môi Trường.

-     Vận động và xây dựng các nhà vệ sinh công cộng, trước tiên mỗi Nhà Thờ, mỗi Giáo Xứ có nhà vệ sinh công cộng ngay trong khuôn viên Nhà Thờ.

-     Sáng kiến các hàng tiêu dùng xanh, kiến trúc xanh, đem thiên nhiên vào nội thất. Mỗi sân Nhà Thờ là một khu vực xanh, thân thiện với thiên nhiên, mát mẻ và hiếu khách, …

Trước khi kết thúc một vài suy nghĩ nhân ngày Mội Trường Thế Giới ( 5 tháng 6 ), xin được nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân ngày Hoà Bình Thế Giới 2010:

“Nếu bạn muốn xây dựng hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên”.

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 5.6.2011 (Ephata 462)

VỀ MỤC LỤC
NGỤ NGÔN THỜI BẤN LOẠN (KỲ 24)
 

Ngụ ngôn 74

Nai đi bán hàng ở phương xa về, mang theo một gói vàng bạc. Đi vừa đến bìa rừng, một sợi dây trong rừng thấy gói vàng bạc động lòng tham nên vươn ra giật lấy rồi cuốn mất hút vô rừng.

Nai đứng ngẩn ngơ tiếc của hồi lâu. Thỏ đi ngang qua thấy vậy bèn hiến kế:

- Ông Nai nè, trong ba mươi sáu kể của Tôn Tử có kế bứt dây động rừng. Bây giờ ông bứt đại sợi dây nào đi. Khi rừng động, các loài sẽ ùa ra hỏi chuyện gì. Ông cứ kể thật tình rồi thì cái sợi dây ăn cướp kia sẽ phải mang trả vàng bạc lại cho ông.

Nai buồn bã lắc đầu:

- Kế ấy xưa rồi Diễm ơi. Tôi đã thử bứt dây nhưng rừng không có động. Chúng nó chia vàng bạc ăn đầy mồm rồi nên giữ cho rừng yên lặng để bênh đỡ cho nhau. Mà dù rừng có động thì chúng cũng vẫn câm cả thôi!

           

Ngụ ngôn 75

Đức vua vi hành xem xét thần dân trong nước sống ra sao. Khi xa giá (xe vua) đang đi thản nhiên, chẳng hiểu sao cứ bị giật giật rồi đứng hẳn. Có khi xa giá đang lướt  nhanh bỗng xoay chiều, hoặc bị bật sang bên kia đường.

Các quan cận thần cùng vệ binh tìm nguyên nhân nhưng chẳng tài nào tìm ra nổi. Đức vua kiên nhẫn lắm nhưng cũng phải khó chịu vì chuyến vi hành không hoàn tất được. Chợt một vị quan văn vốn chuyên về động vật học phát hiện có một đám những con vật loài bò sát cứ bám theo bánh xe và làm xe chao đảo.

Vị quan ấy nghiên cứu một lúc thì la to: “Hoá ra là mấy con cắc ké. Loài cắc ké nhỏ bé thế mà dám phá đám.” Nghe vậy, cọp và sư tử khấu đầu xin lỗi nhà vua vì không cai trị được bọn cắc ké để chúng giỡn mặt. Đức vua nhân từ cười hiền và bỏ qua.

Khi xa giá đi qua một lúc lâu, cọp và sư tử mắng đám cắc ké:

- Chúng mày vô dụng. Tụi tao chi tiền cho chúng mày làm việc, một việc đơn giản vậy mà làm cũng không xong, để bị phát hiện. May mà tụi tao nhanh trí chứ không là xấu hổ và chết cả lũ.

 

Ngụ ngôn 76

Ngày xưa khi một con thú rừng phạm lỗi thì cả rừng sẽ xử nó. Xử theo luật của rừng nhưng cũng xử đàng hoàng. Rồi dần dà một số khu rừng theo lối sống bạo lực, mạnh được yếu thua, luật rừng phát triển thành loại luật chỉ một số loài thú có quyền quyết định sinh sát. Những con thú khác phải im lặng lắng nghe. Tại sao thế?

Câu trả lời đơn giản: Xưa có những loại cây cối có khả năng gửi thông tin vào gió cho cả rừng biết mỗi khi có chuyện bất trắc xảy ra. Bây giờ các cây ấy đã bị đốn sạch làm củi hết rồi!              

Gioan Lê Quang Vinh, VRNs

VỀ MỤC LỤC
CHỦ THỂ TÍNH VÀ NGƯỜI NGHÈO TRONG THÔNG ĐIỆP CENTESIMUS ANNUS

  

Tiến sĩ NGUYỄN HỌC TẬP 

LTS. Để giúp cho Quí Đôc giả có thể cảm nhận hết những thâm thuý sâu xa của bài viết, BBT xin ghi chú trước một vài chi tiết:

1) Bài viết đã được tác giả thực hiện từ năm 1998, đến nay tuy đã qua 13 năm nhưng vẫn còn chất chứa đầy đủ giá trị một cách thuyết phục, vì tác giả đã dựa vào học thuyết và giáo huấn của Hội Thánh Công giáo, chứ không phải chỉ là lý luận suy tư cá nhân.

2. Centesimus Annus: có nghĩa là Năm Thứ Một Trăm ( tức là Thông Điệp được viết ra năm 1991 nhân dịp giáp 100 năm Thông Điệp Rerum Novarum  (1891) của ĐTC Leo XIII ban hành, về Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội)  

3 ) Mức lạm phát hàng năm được viết bằng 2 hay bằng 3 số không, có nghĩa là 00 hay 000, tức là bằng 100 hay 1000 phần trăm, bởi đó Fidel Castro mới định bỏ hệ thống tiền tệ.

5 ) Tên gọi "Kinh Tế Tư Bản" (Capitalism), phát xuất từ danh từ La Tinh "Caput " có nghĩa là cái đầu và nơi con người, "Cái đầu" không phải chỉ là vốn liếng, mà còn là " đầu óc, trí nảo" . Do đó, trong kinh tế "Tư Bản", vấn đề then chốt là phải có: đầu nảo, trí óc, kiến thức... 

6) "Số Vốn Nhân Thức " (Human Capital ), tức là " Số vốn kiến thức của Con Người"   

 

 CHỦ THỂ TÍNH VÀ NGƯỜI NGHÈO TRONG THÔNG ĐIỆP CENTESIMUS ANNUS

I - Nhật, Hồng Kông, Nam Hàn và Đài Loan là những quốc gia nhỏ bé tính theo diện tích; đông đúc dân cư nhìn trên  dân số; thiếu thốn nguyên liệu về phương diện tài nguyên và cũng bị chiến tranh tàn phá trong Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945) và cả những năm sau đó.

Vậy mà Nhật hiện nay là một trong  những cường quốc kinh tế nhứt nhì trên thế giới. Hồng Kông theo thống kê năm 1993, có lợi tức đầu người hàng năm khoảng 8.000 Mỹ Kim. 

"...lợi tức đầu người hàng năm của Đài Loan năm 1945 ( năm của Đệ Nhị Thế Chiến vừa chấm dứt) chỉ mới có 70 Mỹ Kim. Năm 1980 đã vượt qúa 2.280 Mỹ Kim. Tổng Sản Lượng Quốc Gia ( GNP, Gross National Product ) của Đài Loan cừ mỗi 7 năm tăng lên gấp 2 lần và năm 1981 đã tăng lên 1100% so với Tổng Sản Lượng của năm 1952.

...Nam Hàn cũng bị Thế Chiến Thứ  II  tàn phá  nặng nề và sự tàn phá còn trầm trọng hơn nữa trong cuộc Chiến Tranh Nam Bắc (1949-1953). Nhưng Nam Hàn đã biến lợi tức đầu người 87 Mỹ Kim của năm 1962 thành 1600 Mỹ Kim trong năm 1982. Cũng trong thời gian nầy mức lương bổng của Nam Hàn tăng thêm 7% " ( Michael Novak, Will it Liberate? Question about Liberation Theology, Mahwah, Paulist Press, 1986,90). 

Trong khi đó sau trên 70 năm ở Liên Bang Sô Viết, các nước Đông Âu, Bắc Hàn , Trung Cộng, Cuba và Việt nam do Cộng Sản cai trị, tư tưởng trổi vượt Xã Hội Chủ Nghĩa của Karl Marx đã biến trên nửa tỷ người của các nước " Xã Hội Chủ Nghĩa Anh em Vĩ Đại " phải: 

" Sắp hàng dài thườn thượt dưới nền trời xám tuyết rơi, kiên nhẫn trong tủi nhục và nãn chí để mua được vài ổ bánh mì hay một vài lít xăng.Thực tế  thê thảm trên  màn ảnh truyền hình đã lật tẩy cho cả thế giới chứng kiến , sau  những gì đã xảy ra năm 1989 " ( Cf." Yếu Tố Phát Triển Trong Kinh Tế Tư Bản ", Đinh Hướng 3 (10.11.12 - 1993), 3).

Và ông Michael Gorbachov, vị Tổng Thống cuối cùng của Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết, một quốc gia với diện tích gần như vô tận, với tài nguyên phong phú, kể cả dầu hoả, khí đốt, vàng và kim cương, với dân số đông gấp 8 lần dân số Ý , nhưng đã phải đến và cầu cứu dân Ý giúp đở: 

" Không có sự giúp đở  của các bạn, chúng tôi không biết làm sao qua khỏi mùa đông nầy "  (Nhật báo Corriera della Sera, 25.11.91, 2). 

Cuba, với tài lãnh đạo "khôn ngoan, đỉnh cao trí tuệ " của Fidel Castro trong mấy chục năm đã biến kinh tế của quốc gia trở thành nền kinh tế bán khai. Mức lạm phát hàng năm được viết bằng 2, đôi khi cũng bằng 3 con số không. Tiền tệ của Cuba bị phá giá đến đỗi, cách đây hai năm (1995) Fidel Castro phải đưa ra dự án bải bỏ hệ thống tiền tệ để trở lại cách trao đổi bằng  "hiện vật" ( baratto). Và rồi viễn ảnh trao đổi bằng hiện vật cũng không có gì sáng sủa, mấy tháng vừa qua ( năm 1997 khi chúng tôi viết cho quý độc giả những dòng nầy) , Fidel Castro bị dồn vào ngỏ bí, phải xếp lại thủ bản của Karl Marx, "hiên ngang" đến viếng thăm Toà Thánh Vatican , như là dấu hiệu bước đầu cho sự "cởi mở", "đổi mới", sau mấy chục năm biệt tích với thế giới "Tư Bản, Thực Dân, Bốc Lột giới Vô Sản", nay bắt đầu liên lạc lại.

Và hơn 20 năm được gọi là "thống nhất đất nước", Việt Nam do Đảng và Nhà Nước "sáng suốt, đỉnh cao trí tuệ " lãnh đạo, lợi tức đầu người hàng năm chưa được 200 Mỹ Kim ( theo thống kê của  Ngân Hàng Thế Giới năm 1996).

Con số lợi tức đầu người hàng năm 200 Mỹ Kim là số tiền mà ngưòi dân có được để sống và chi phí cho tất cả các nhu cầu

- từ y tế,

- may mặc,

- giáo dục,

- giao thông,

- quốc phòng,

- hưu dưởng...

Một con số thật nhỏ nhoi nói lên mức sống cùng cực của đồng bào dưới chế độ XHCN, không hơn gì mức sống bán khai của một vài bộ lạc trên sa mạc Sahara.

Để có một ý niệm rỏ rệt hơn, chúng ta thử đặt câu hỏi: Với con số lợi tức đầu người 200 Mỹ Kim vừa kể , mỗi người sẽ bỏ ra bao nhiêu cho vấn đề giáo dục?

10% chăng? 10% là con số trung bình của mức chi tiêu công qũy quốc gia cho giáo dục. 10% của 200 Mỹ Kim là 20 Mỹ Kim để mua sắm sách vở, bút mực, tổ chức trường sở và trả lương bổng cho giáo chức.

Nêu ra con số đó, chúng ta có thể mường tượng được trình độ trí thức của con em chúng ta tại Việt Nam dưới chế độ XHCN hiện tại. Hy vọng rằng trong phần chiết tính trên chúng tôi đã sai lầm và trình độ trí thức của con em chúng ta ở Việt Nam sáng sủa hơn. Nếu chẳng may những nhm tính vừa rồi là một thực tại, thì tương lai quê hương chúng ta thật đen tối vậy. 

Trong thị trường kinh tế, việc mở thêm hãng xưởng cũng như việc nhiều cơ sở thương mãi, kỹ nghệ bị thua lỗ là những tiến trình tự nhiên , lúc nào cũng có thể xảy ra do luật cung cầu và giá cả của thị trường đào thải hay kích thích.

Nói theo ngôn ngữ của Adam Smith "Luật cung cầu và giá cả là bàn tay nhiệm mầu xếp đặt đúng chổ (allocation) các yếu tố sản xuất nhằm đạt đến hiệu năng tối đa" (Adam Smith, The Wealth of Nations ).

Nhưng việc tất cả các hảng xưởng, các cửa hàng của một thành phố hay của cả nước đồng loạt phá sản, đóng cửa là một hiện tượng quái lạ, có một cái gì bất ổn.

- Hơn 70 năm XHCN ở Liên Bang Sô Viết và các quốc gia Đông Âu đã làm cho dân chúng các quốc gia nầy " hàng ngày phải sắp hàng dài thườn thượt dưới nền trời xám tuyết rơi , kiên nhẫn chờ đợi trong tủi  nhục và nãn chí  để mua được một vài ổ bánh mì hay một vài lít xăng ", là một hiện tưởng bất ổn quái lạ.

 - Cuba hơn 20 năm XHCN của Fidel Castro cũng đã phá sản, định bãi bỏ hệ thống tiền tệ để trở lại phương thức trao đổi bằng hiện vật của nền kinh tế bán khai, là một hiện tượng bất ổn quái lạ.

- Việc Đảng Cộng Sản Việt Nam cai trị đất đai trù phú và nhiều tài nguyên với tính  cần cù của dân chúng Việt Nam, vậy mà đã trên 20 năm cai trị ( tính đến năm 1996), lợi tức đầu người hàng năm chưa vượt khỏi 200 Mỹ Kim, là một hiện tượng bất ổn quái lạ !

Nói tóm lại, ở đâu có ý thức hệ XHCN hiên diện là ở đó có hiện tượng bất ổn quái lạ về kinh tế.  Kinh tế của các nước XHCN anh em vĩ đại bất cứ ở đâu cũng ở trong tình trạng mạt rệp, lạc hậu, hiện tượng bất ổn quái lạ.

Điều đó nói lên một sự kiện: việc bất ổn quái lạ và lạc hậu mạt rệp  của nền kinh tế chỉ huy các quốc gia XHCN Anh Em không phải là hiện tượng ngu nhiên, mà là kết qủa của một nguyên cớ chung nào đó.

Nguyên cớ hay mẫu số chung của nền kinh tế phá sản mạc rệp đó của các nước XHCN là câu hỏi mà chúng ta cùng nhau đi tìm giải đáp dưới đây.  

II - 

A -  XHCN, THIẾU SÓT CỦA MỘT ĐỊNH NGHĨA. 

Đối với Karl Marx, tác giả của tư tưởng ý thức hệ XHCN về kinh tế, thì thị trường tự do hay kinh tế tư bản là hệ thống kinh tế dựa trên ba yếu tố:

 - Tư hữu các phương tiện sản xuất,

 - Thị trường trao đổi tự do cạnh tranh,

- Chen lấn để tìm lợi nhuận (Michael Novak, " Come Costruire la Prosperità nel Terzo Mondo", Studi Sociali, 11/91, Bologna, Dehoniana,8).

Karl Marx đã liệt kê một cách chính xác những yếu tố quan trọng trong hệ thống kinh tế tư bản, nhưng Marx đã sai lầm khi đọc thoáng qua không để ý đến yếu tố căn bản quyết định, hàm chứa ngay trong danh từ của hệ thống.

Và chính do sự  thiếu sót  hay sai lầm đó, Marx  đã làm cho bại hoại đau khổ, lầm than và chết chóc không biết bao nhiêu triệu người trong thời gian trên 70 XHCN cai trị ở Liên Bang Sô Viết, ở Đông Âu, ở Trung Cộng,  ở Bắc Hàn, ở Việt Nam và ở Cuba.

Hệ thống kinh tế tự do trao đổi , thật ra lúc sơ khai dựa vào hiện vật hay bằng cách đếm đầu (capita) súc vật để trao đổi. Tôi đổi cho anh 4 con heo ( 4 capita: 4 đầu heo) để lấy một con bò (1 caput) . Tôi đổi cho anh 2 con gà để lấy một gịa lúa... Dần dần  tư tưởng được biến đổi : ai có nhiều súc vật (capita) là người có nhiều "vốn" ( capital), là người giàu có.

Và rồi vốn liếng cũng  được gán cho quyền sở hữu trên các vật dụng khác: đất đai, cơ sở, máy móc, nguyên liệu, tiền bạc...

Có lẽ đối với "vốn liếng" ( capital) , Marx chỉ có tầm hiểu  biết đến trình độ đó, mà quên đi sự việc " 4 con heo : 4 capita) tự nó không đi đổi lấy một con bò (1 caput) , mà chính " Tôi ", mới là ngưòi đứng ra trao đổi với anh, trong câu nói: "Tôi đổi cho anh 4 con heo để lấy một con bò ". Chính   " Tôi " mới là chủ thể đứng ra quyết định cho sự trao đổi. Hay nói theo ngôn từ kinh tế học, chính tôi mới là chủ thể định đoạt trả lời cho các câu hỏi của kinh tế học:

Sản xuất những gì?

Sản xuất cho ai?

Sản xuất bao nhiêu?

Sản xuất bằng cách nào?

Bao giờ sản xuất?

Nói cách khác, trong kinh tế tư bản "vốn liếng" hay "tư hữu các phương tiện sản xuất ", nói theo ngôn ngữ của Marx, tức là đất đai, cơ sở, máy móc, nguyên liệu, tiền bạc... tự chúng chưa tạo ra được nền kinh tế hay chưa làm cho kinh tế phát triển được. Chính con người là  "chủ thể" điều khiển sản xuất, chuyên chở , phân phối, tiêu thụ và thực hiện bằng cách nào.

Do đó từ ngữ "Kinh Tế Tư Bản " (Capitalism) , phát xuất từ danh từ La Tinh "Caput ": cái đầu. Và khi nói đến con người, "chủ thể " trong kinh tế, nói đến đầu là nói đến đầu óc, trí nảo, nói đến kiến thức , biết nhìn xa thấy rộng, biết tiên liệu, biết tổ chức. Chúng ta tạm gọi sự hiểu biết hay kiến thức đó là "SỐ VỐN NHÂN THỨC " (Human Capital).

 - Liên Bang Sô Viết với đất đai dường như vô tận và tài nguyên phong phú, trên 70 năm XHCN cai trị cũng chưa làm cho dân chúng thoát khỏi cảnh "sắp hàng dài thườn thượt dưới nền trời xám tuyết rơi, chờ đợi tủi  nhục và nản chí để mua được một vài ổ bánh mì hay một vài lít xăng..." .

 - Nhật, Hồng Kông ,Nam Hàn, Đài Loan với đất đai chật chội, dân cư đông đúc, tài nguyên nghèo nàn vậy mà trong mấy chục năm ngắn ngủi đã đưa mức lợi tức của dân chúng đến những con số mà chúng tôi ghi lại ở đầu bài.

 - Ở Hồng Kông chỉ cần 16 ngày làm thủ tục và 50 Mỹ Kim là có thể mở được một cơ sở thương mại hay tiểu công nghệ. Do đó Hồng Kông chỉ có mấy chục cây số vuông, mà có đến 28.000 cơ sở.( Michael Novak, ult.op.cit, 12).

 - Ở Liên Bang Sô Viết cũng như các nước theo XHCN với nền kinh tế tập trung do Đảng và Nhà Nước chỉ đạo, lãnh đạo và quản lý, con ngưòi chỉ biết tuân lệnh "cấp trên ", như một bánh xe trong guồng máy khổng lồ vận chuyển. Con người trở thành một tế bào trong cơ cấu xã hội, là một con số không hơn không kém, mất hết chủ thể tính năng động của mình.

Nói cách khác XHCN đã làm tê liệt " Số Vốn Nhận Thức", kiến thức và khả năng sáng tạo của con người, động lực chính để điều khiển và làm cho kinh tế vận chuyển.

Đức Giao Phaolồ  II đã nêu lên sự sai lầm vừa nói  trong Thông Điệp Centesimus Annus của Ngài, viết ra để kỷ niệm 100 ngày ban hành Thông Điệp  Rerum  Novarum (1891) , Thông Điệp đầu tiên về các Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo.  Đức Giao Phaolồ  II nêu lên như sau: 

" ... sự sai lầm căn bản của XHCN là sự sai lầm mang tính cách nhân bản học  (antropologico). Chủ thuyết trên, trên thực tế, quan niệm con người chỉ là một yếu tố, một tế bào trong cơ chế xã hội. Và từ đó hạnh phúc cá nhân tuỳ thuộc vào cơ chế hoạt động kinh tế, xã hội..." ( Centesimus Annus ,CA, 13). 

Quan niệm sai lầm trên  của Karl Marx cũng đưọc vi Tổng Thống cuối cùng của Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết xác nhận : 

«  Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết đang trải qua một cơn khủng hoảng trầm trọng. Chúng tôi là một trong những người cuối cùng, trong thời đại truyền thông kỹ thuật, hiểu được của cải quý giá nhứt là sự hiểu biết của con người, trí óc tưởng tượng và sáng tạo của cá nhân. Sự đánh giá sai lạc nầy, chúng tôi còn phải trả đắc giá trong nhiều năm tới nữa» ( Michael Gorbachov, Freedom anh High Teach Revolution, cit. George Gilder, Imprimis, vol.19, n.111, Nov.1990, 1). 

Dưới một hình thức khác, Engel Loebl, giám đốc một hãng kỹ nghệ quan trọng ở Canada và Stephan Roman, nguyên Bộ Trưởng Ngoại Giao Tiệp Khắc , tỵ nạn tại Hoa Kỳ đã diển tả cái nhìn sai lạc của Karl Marx trong kinh tế như sau:

"Nhân thức" là nguồn mạch nguyên thủy của sự sung mãn nhân loại. "Nhân thức" là số vốn nguyên thủy của con người. Dầu hỏa đã có từ mấy ngàn năm nay, nhưng vẫn nằm yên dưới lớp cát ở các xứ Ả Rập, cho đến khi  "nhân thức " khám phá ra cách xử dụng nó. Có hằng hà sa số sự vật mà Thiên Chúa đã dựng nên , trải qua không biết bao nhiêu ngàn năm vẫn không dùng được vào việc gì, cho đến khi con ngưòi khám phá ra giá trị của chúng. Bao nhiêu vật mà hôm nay chúng ta cho là tài nguyên , một trăm năm trước đây không ai gán cho chúng giá trị hiện tại. Và bao nhiêu vật khác mai đây sẽ có giá trị, nhưng hôm nay chúng ta chưa biết xữ dụng nó. Chiếc cầu đưa đến sự phú quý, chính là trí khôn của con người vậy" (Michael Novak, The Spirit of Democratic Capitalism, New York, Simon and Schuster Inc., 1982, 127 - 128). 

Tư tưởng của hai nhà kỹ nghệ và chính trị gia trên cũng đã được Đức Gioan Phaolồ II xác nhận:

"Nguồn tài nguyên chính yếu của con người, cùng chung với đất đai, là chính con người. Chính nhờ trí khôn ngoan mà con ngưòi biết khám phá ra khả năng sản xuất của đất đai và thiên hình vạn trạng hình thức có thể thoả mãn các nhu cầu của con người" ( CA, 32).

Ở một đoạn khác Đức Gioan Phaolồ II diễn tả " nguồn tài nguyên chính yếu của con người " hay " số vốn  nhân thức" như một thực thể phát sinh từ bản tính của con ngườì và con người thực hiện khả năng "Thiên phú " đó như chính sứ mạng mà con người phải chu toàn trong cuộc sống trần thế:

"Con ngưòi khám phá ra khả năng biến chế và, nói theo một ý nghĩa nào đó, khả năng sáng tạo thế giới bằng chính việc làm của mình... (con người) thực hiện vai trò của mình cộng tác với Thiên Chúa trong việc sáng tạo thế giới " ( CA, 37).   

Con người được Thiên Chúa phú cho "nguồn tài nguyên chính yếu" hay "số vốn nhân thức"

Để khám phá, sáng tạo, tổ chức. Khả năng đó phát sinh từ chính địa vị cao cả của con người ngay từ lúc Thiên Chúa dựng nên:

" Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài,

   Giống hình ảnh Ngài, Thiên Chúa tạo dựng nên

   Ngài dựng nên người nam và ngưòi nữ " ( Gn 1,27): 

Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, tức là ban cho con người trí khôn , biết suy tư, biết khám phá, hiểu biết,  biết sáng tạo phản ảnh trí khôn ngoan của Ngài.

Thiên Chúa ban cho con người tất cả những điều đó cùng với sự  tự do suy tư và hành động để cộng tác với Ngài sáng tạo mặt đất:

" ?... và Thiên Chúa đặt con người trong vườn điạ đàng để trồng trọt và trông coi" ( Gn 2, 15). 

Do địa vị cao cả là "hình ảnh của Thiên Chúa", được " thiên phú " trí khôn ngoan và có nhiệm vụ phải chu toàn là dùng trí khôn ngoan của mình để cộng tác với Thiên Chúa , tiếp tục công việc sáng tạo thế giói của Ngài, mà:

" ... con người chỉ có thể phát triển thành đạt chính mình thật sự bằng trí khôn, tự do của mình, và qua hành động đó, con người chiếm lấy của cải vật chất làm như của riêng  mình và như dụng cụ để thực hiện. Phương cách hành động như vừa kể là nền tảng của quyền tự do sáng kiến cá nhân và quyền tư hữu " ( CA,43). 

Chính trí khôn hay "số vốn nhân thức " mới là " vốn liếng ", là yếu tố chính , là động lực cho sự phát triển kinh tế:

" Trong thời đại chúng ta , một cách đặc biệt , còn có một hình thức tư hữu  khác chiếm vai trò quan trọng không kém gì đất đai: đó là tư hữu của sự hiểu biết  kỹ thuật và kiến thức. Sự phú cường của các quốc gia kỹ nghệ hoá đặt nền tảng trên tư hữu nầy hơn là trên tài nguyên thiên nhiên" ( CA,32) 

Do chính địa vị  con người  được" Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài " hay nói cách khác  " được Thiên  Chúa ban cho trí khôn ngoan để suy tư, hiểu biết sáng tạo và hành động một cách tự do và có trách nhiệm", như chính cách hành động của Thiên Chúa, mà mấy năm trước đó, năm 1987, với Thông Điệp Sollecitudo Rei Socialis, Đức Gioan Phaolồ II còn đi xa hơn nữa:

" ...quyền có sáng kiến cá nhân trong kinh tế là một quyền bất khả nhượng, chỉ chiếm địa vị thứ hai sau quyền tự do tôn giáo mà thôi" ( Sollecitudo Rei Socialis, 33).

Cũng trong cùng một Thông Điệp, Đức Gioan Phaolồ II đã vạch rỏ sự sai lầm của nền kinh tế chỉ huy, sự sụp đổ của hệ thống kinh tế và chính trị XHCN hai năm sau đó, năm 1989:

" ... các cơ cấu chính trị không nên làm giảm thiểu hay hủy diệt " sáng kiến cá nhân", chủ thể tính sáng tạo của người dân" ( id., 15). 

Bởi vì "làm giảm thiểu hay hủy diệt chủ thể tính sáng tạo của người dân", yếu tố chính yếu của phát triển kinh tế, nền kinh tế được tổ chức như vừa kể có viễn ảnh phá sản ngay trong trứng nước:

" Nếu trong qúa khứ, yếu tố quyết định để sản xuất là đất đai, cũng như thời gian kế đến là vốn liếng, được hiểu như máy móc và dụng cụ, hiện nay yếu tố càng ngày càng trở nên quyết định chính là con người, qua kiến thức khoa học, khả năng hiểu biết của con người được đặt trên vị thế nổi bật, khả năng tổ chức để hợp tác với nhau, khả năng tiên đoán để  thỏa mãn được nhu cầu cần thiết của người khác" ( CA,32). 

Trong 70 năm kinh tế chỉ huy,  các nước XHCN với chính sách  "cản trở, giảm thiểu hay hủy diệt  chủ thể tính sáng tạo" của con người đã đi đến con đường cùn mơ ước không tưởng của họ. Điều mà Đức Leo XIII đã tiên đoán gần 100 năm trước đó trong Thông Điệp Rerum Novarum ( R.N. 3-4). 

B - TRỢ GIÚP NGƯỜI NGHÈO VÀ TRỢ GIÚP CÁC QUỐC GIA NGHÈO 

a) Trợ giúp ngưòi nghèo.

Đức Gioan Phaolồ II đề cập đến người nghèo và các quốc gia nghèo trong Thông Điệp Centesimus Annus của Ngài ở đoạn 33 như sau:

" Các nước kỹ nghệ hóa cũng như giới có của cần nỗ lực giúp cho các xứ chậm tiến cũng như người nghèo khổ có cơ hội nhập cuộc vào tiến trình sản sản xuất trong kinh tế tư bản ..." (CA,33)

Nhiều đảng xã hội, nhứt là các đảng tả phái sau khi vừa đọc Thông Điệp liền la ó lên là họ có lý, là "ô nhục", " ích kỷ" các nước tư bản tân tiến, giúp cho người nghèo quá ít, nên Đức Thánh Cha mới lên tiếng. Cần nới rộng hồ bao ra thêm nữa.

Có thật tiểu đoạn 33 của Centesimus Annus nêu lên lời kêu gọi của Đức Thánh Cha theo chiều hướng vừa kể không? " Nới rộng hầu bao hơn nữa cho người nghèo và các nước nghèo được nhờ " ?

Để có cái nhìn xác thực hơn, chúng ta thử đọc lại và đặt  văn mạch của tiểu đoạn 33 vào chiều hướng Huấn D Xã Hội của Giáo Hội.

Chiều hướng Huấn D Xã Hội của Giáo Hội, chúng ta có thể tìm thấy ngay trong Hiến Chế Gaudium et Spes như sau:

" Ở những nước kinh tế tiến bộ, hệ thống cơ cấu xã hội về hưu dưỡng và an sinh xã hội một phần có thể đem ra thực hiện ý nghĩa "dụng đích chung" ( destination comune) về của cải. Đàng khác cần phát triển hơn nữa những cơ cấu để phục vụ gia đình và những nhu cầu xã hội , nhứt là những tổ chức chuyên lo về văn hóa và giáo dục. Nhưng trong  khi tổ chức những cơ cấu nầy, cần phải thận trọng, đừng để người dân có thái độ thụ động với xã hội hay có thái độ vô trách nhiệm trong bổn phận phải chu toàn hoặc từ chối bổn phận phục vụ" ( Gaudium et Spes, 69). 

Năm 1964, Tổng  Thống Lyndon Johnson đưa ra chính sách " chống nạn nghèo đói «  trên đất Hoa Kỳ. Hai mươi năm sau đó, năm 1984 một nhóm chuyên viên của viện đại học AEI ( American Entreprise Institute for Public Policy Research) được đề cử nghiên cứu kết quả. Và sau đây là bản tưòng trình của Ủy Ban:

" ... trong thời gian 20 năm,vấn đề cứu tế người già đã thực hiện một bước khả quan về phẩm chất. Việc trợ cấp y tế cùng với việc trợ cấp tài chánh đã thăng tiến một cách khả quan mức sống của người già... nhưng đối với giới trẻ, tình trạng đã trở nên tệ hại hơn, nhứt là đối với trẻ em và gia đình chỉ một mình cha hoặc mẹ: số trẻ em sinh ra ngoại hôn và số gia đình chỉ có một mình cha hoặc mẹ gia tăng. Giữa những người nghèo ở thành phố tình trạng phạm pháp, giết người, lưu manh trở nên lan tràn. Trong khi đó, thì nền luân lý gia đình đang đi vào khủng hoảng... Số ngưòi nghiện ma túy cũng gia tăng " ( M.Novak, " Working Seminar on Family and American Welfare State", in The New Consensus on Family and Welfare, Washinton DC , American Entreprise Institute for Public Policy Research, 1987). 

Qua hai tài liệu đạo, đời vừa trích dẫn, chắc hẵn chúng ta có một nhãn quan khá đầy đủ để hiểu đoạn 33 của Thông Điệp Centesimus Annus, so sánh với  lối nhìn  một chiều của các chính đảng la ó vừa kể.

" Nhưng trong khi tổ chức những cơ cấu nầy, cần thận trọng đừng để người dân có thái độ thụ động, vô trách nhiệm trong bổn phận... , từ chối bổn phận phục vụ " ( Gaudium et Spes, 69). 

" số trẻ em sinh ra ngoại hôn và số gia đình chỉ có một mình cha hay mẹ gia tăng..., tình trạng phạm pháp, giết người, lưu  manh lan tràn..., số người nghiện ma túy cũng gia tăng" ( M. Novak, cit. id.). 

Chắc chắn khi viết đoạn 33 của Thông Điệp Centesimus Annus, Đức Thánh Cha không lạ gì đối với lời khuyên bảo của Công Đồng Vatican II , cũng như đối với bản tường trình của Ủy  Ban Chuyên Môn đại học AEI.

Mặt khác ở một đoạn trích dn khác của Thông Điệp Centesimus Annus, mà chúng ta đã đọc qua ở những trang trên của bài nầy, chúng ta thấy quan niệm "Chủ Thể Tính" của Đức Gioan Phaolồ II là quan niệm " Chủ Thể Tính Năng Động" và " Tích Cực": đứng ra nhận lấy phần chủ động, có sáng kiến và nhận lãnh trách  nhiệm trong kinh tế, chớ con người không phải chỉ là "một bánh xe vô danh" hay " một tế bào vô cá tính" trong guồng máy tổ chức xã hội, nhứt là XHCN.

Con người trong quan niệm nhân bản Ki Tô giáo là

"con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, mang hình ảnh Ngài",

được Ngài ban cho trí khôn ngoan và sự tự do của Ngài, để "hành động cộng tác với Ngài trong việc sáng tạo mặt đất" , chớ không phải là một đơn vị vô danh tánh, thụ động, không xương sống, bất động nằm chờ được "trợ cấp",  "cứu tế ", " ủy lạo".

Hiểu được văn mạch như vậy, chúng ta sẽ thấy rằng lời kêu gọi của Đức Gioan Phaolồ II :

" ... số đông không được những yếu tố khả dĩ cho phép họ tham dự một cách thiết thực và xứng đáng với địa vị con người vào hệ thống xí nghiệp..., họ không có phương tiện để thu thập  được các kiến thức căn bản khiến cho họ có thể diễn tả được khả năng sáng tạo và làm triển nở tiềm năng của họ. Họ không thể nhập cuộc vào môi trường của kiến thức và truyền thông quốc tế để tài năng của họ được ngưỡng mộ  " ( CA, 33), là lời kêu gọi sự giúp đở để con người có phương tiện phát triển khả năng và thăng tiến , cộng tác tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế đem lại lợi ích cho chính  mình và cho cộng đồng nhân loại, chớ không phải là lời van xin bố thí để cho người nghèo khó ngồi không lãnh phụ cấp, có thời giờ rãnh rỗi đi đâm chém, cướp giựt, cờ bạc, nghiện ngập ma túy, làm tình xả láng, sinh con ngoại hôn.

Dĩ nhiên trong xã hội lúc nào cũng có người già cả , tật nguyền, bệnh tật, người không đủ khả năng học hành đậu đạt để có thể hội nhập vào kinh tế thị trường, cần được các tổ chức xã hội giúp đỡ.

Nhưng nếu không thận trọng, Welfare State , lối tổ chức xã hội của chúng ta thay vì cứu trợ và kích thích con người thăng tiến để trở thành lợi ích cho chính bản thân  và cho cộng đồng xã hội, Welfare State có thể đưa con người đến chỗ tự hủy diệt như tình trạng bản báo cáo của AEI và làm băng hoại luôn cả xã hội, mà đáng lý ra mình phải góp phần để thăng tiến.

Một trong những khía cạnh khác mà phương thức tổ chức Welfare State của chúng ta nên để ý là nguyên tắc "phụ túc bảo trợ " (subsidiariété) : một cơ chế ở cấp bậc cao hơn đừng nên chen vào nội bộ của cơ chế ở cấp bậc thấp hơn làm cho  cơ  chế thuộc hạ mất đi  thẩm quyền của mình. Trái lại cơ chế  ở cấp bậc cao , trong trường hợp cần thiết, phải giúp đ cơ chế thuộc hạ để họ thể tự mình phối hợp các hoạt động của mình với các thành phần xã hội khác,  đem lại lợi ích chung cho đoàn thể ( CA, 48, rif. Quadragesimo Anno I, 146-148).

Nêu lên nguyên tắc trên chúng tôi có ý lưu tâm đến thể thức tổ chức các cơ quan xã hội nói riêng và tổ chức các cơ quan Quốc Gia nói chung.

Nói một cách đơn sơ: những gì ở cấp địa phương , làng, xã, thôn, ấp hay quận lỵ có thể thực hiện được, thì tổ chức cấp trung ương đừng ôm đồm, thâu tóm tất cả về trung ương, để rồi từ đó mới phân phát xuống vùng, tỉnh quận, làng.... Làm như vậy, trước hết trung ương phải tạo nên những cơ sở đồ sộ với bộ máy hành chánh  khổng lồ, tốn kém để quản trị bao nhiêu sổ sách, danh tánh, kế toán, nhân viên và cần bao nhiêu thủ tục và thời gian điều hành mới thực hiện được. Điều mà đáng lý ra ở cấp làng xã, thôn xóm với số lượng  nhỏ bé của địa phương có thể giải quyết một cách mau lẹ, biết rõ chính xác nhu cầu, để đáp ứng kịp thời..

Để cho địa phương trực tiếp giải quyết , bởi vì những gì tại địa phương, chỉ có người địa phương gần gủi nhau mới hiểu nhau và biết đưọc những nhu cầu thiết thực của nhau.

Đối với vấn đề cứu tế xã hội, người được trợ cấp không phải chỉ là một con số được ghi trên tấm thẻ bằng plastic để cho vào máy điện toán của cơ quan trung ương, mà là một con người có nhân vị, có tình cảm, cần được trợ giúp tài chánh, thuốc men, nhưng cũng cần sự thông cảm sâu xa bằng cảm  tình láng diềng và tình người để người yếu thế, tật nguyền, già nua khỏi tủi thân vì có mặc cảm thấp kém, thua thiệt, bị bỏ rơi...

Mối " tình người" như vừa kể chỉ có những ai gần gủi , những tổ chức địa phương mới thực hiện được. (CA, 48). 

b) Trợ giúp các quốc gia chậm tiến.

Những tương quan chúng ta bàn đến giữa người nghèo và người giàu trong một quốc gia về phương diện tổ chức xã hội, Welfare State, một phần chúng ta cũng có thể ứng dụng cho sự liên đới giữa quốc gia tiến bộ và các nước chậm tiến.

Nói cách  khác các quốc gia kỹ nghệ cần giúp cho các quốc nghèo để họ:

" ... có được những yếu tố khả dĩ cho phép họ hội nhập một cách thiết thực và xứng đáng với địa vị con người vào hệ thống sản xuất của xí nghiệp, vào thị trường tự do.

"... có phương tiện thâu thập được các kiến thức căn bản làm cho họ có thể diễn tả khả năng sáng tạo và tiềm năng của họ  " ( CA, 33 ). 

Về phía các quốc gia chậm tiến, họ phải biết lợi dụng cơ hội được giúp đỡ,

" phải cố gắng hy sinh cần kiệm cũng như tạo được hòa khí ổn định chính trị và kinh tế, viễn ảnh hòa bình vững chắc trong tay, bảo đảm cho việc phát triển  kinh tế  bằng chính việc làm của họ, bằng cách đào tạo những doanh thương đầy đủ hiệu năng và ý thức trọng trách của mình đảm nhận " ( CA, 35). 

Một rong những vần đề chính yếu  của các nước chậm tiến không phải là thiếu viện trợ cho bằng " thiếu doanh thương hiệu năng và trách nhiệm" , biết sử dụng số tiền viện trợ một cách hữu hiệu theo định luật đầu tư kinh tế.

Nhiều chuyên viên của Qũy Tiền Tệ Quốc Tế ( IMF), sau những lần viện trợ và viếng thăm các nước được trợ giúp đã phải buông tay " kêu trời":

" Trên thực tế, những chương trình viện trợ không đến tay người nghèo mà chúng ta thấy hình chụp trong các bích chương hay các chương trình quảng cáo, tuyên truyền xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Ngược lại, viện trợ đến thẳng tay chính quyền. Nói cách khác, là đến tay những người làm chính trị, mà chính chương trình cai trị xứ sở của họ là nguyên nhân cho sự bần cùng của dân chúng. Ngay cả ở những trường hợp không cấp thiết, các chương trình viện trợ quốc tế đều đến tay những người cầm quyền , mà phương thức quản trị công quỹ của họ được quyết định tùy theo lợi ích riêng tư. Việc trợ giúp và bảo đảm cho người nghèo chỉ là  thứ yếu " ( Lord B.T. Bauer, Realty and Rhetoric: Studies in the Economics of Development, Cambridge, MA, Harvard University Press, 1984,50 . 

Chúng tôi không muốn dài dòng thêm, chỉ ghi  lại một vài sự kiện và những con số sau đây để chúng ta tự suy đoán lấy.

Mỗi người trong chúng ta ai cũng nghe nói đến số nợ chồng chất của các nước Châu Mỹ La tinh, chồng chất đến nỗi hàng giáo phẩm phải lên tiếng kêu gọi lòng nhân đạo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế ( IMF) và Ngân Hàng Thế Giới (W.B.) rằng số nợ trên đã làm cho "ngột ngạt " đời sống vốn đã bần cùng của dân chúng. Người dân các nước trên có làm quần quật suốt năm riêng chỉ tiền lời thôi cũng không trả nổi , chớ đừng nói gì đến vốn.

Chính Đức Gioan Phaolồ II trong Centesimus Annus cũng đã kêu gọi đến các giới chức hữu trách  làm cách nào để giảm bớt số tiền lời, hoặc triển hạn các định kỳ phải trả theo thoả ước và nếu có thể cũng cho khỏi phải trả số nợ nặng nề trên ( CA, 35).

Tình trạng thê thảm đó bắt nguồn từ nhà cầm quyền hành xử quyền thế một cách vô trách nhiệm hoặc không có khả năng , như Lord B.T. Bauer đề cập ở trên.

Và sau dây là những con số cho tư tưởng vừa kể:

Theo bản tường trình Liên Hiệp Quốc thì sau đây là kết quả tỷ lệ giữa ngân sách cho chi phí xã hội và quân sự năm 1987-1989: " Bản tổng kết và đồ thị cho thấy tỷ lệ giữa ngân sách xã hội và quân sự của:

                                 - Irak              1/500 ( Irak đang có những cuộc đụng độ lớn với Iran)

                                 - Somalie       1/500,

                                 - Nicaragua    1/300,...

                                 - Bolivia         1/50  ( Bolivia  đưọc xếp hang thứ 9 trong danh sách).

( Luigi Paganetti, " Fame nel mondo" ( Nạn đói trên thế giới), nhật báo Corriera della Sera, 21.04.92, 2).

Và nếu tiền viện trợ hay vay mượn với lãi suất thấp và dài hạn không được dùng vào súng đạn thì cũng:

" Phân nửa hoặc hơn phân  nửa số nợ ngoại quốc của các nước Mỹ Châu La tinh được tái đầu tư vào các ngân hàng Thụy sĩ, Hoa kỳ hay các nước kỹ nghệ khác" ( Morgan Guaranty Trust Company,1989). 

Cũng theo bản tường trình vừa kể, thì số vốn đầu tư vào các nước Mỹ Châu La Tinh như sau:                          

                                 -  Brasil ( Ba Tây)                         31 tỷ

                                 -  Mexico ( Mể Tây Cơ)                84 tỷ

                                 -  Venezuela                                 58 tỷ

                                 -  Argentina ( Á Căn Đình)           64 tỷ.

Và theo Mark Falcon, chuyên viên kinh tế của chương trình bảo trợ tài chánh của công ty trên, thì nếu số ngoại tệ vừa kể được hoàn toàn đầu tư vào nội địa các nước vừa kể ( số tiền được đề cập đến chỉ là số ngoại tệ của năm 1989 mà họ nhận được), thì số nợ "chồng chất ngột ngạt " có thể không đến nổi " ngột ngạt " như chúng ta thường nghe kể.

Và đây là những con số phần trăm sẽ giảm đi , nếu họ biết đầu tư vào nội địa:

" Brasil với 31 tỷ Mỹ Kim vừa kể , số nợ sẽ giảm đi từ 30-40%; Mexico với 84 tỷ, giảm đi 60%; Argentina và Venezuela sẽ san bằng 100% ".( Nicolas Eberstadt, Foreign Aid and American Purpose, Washington DC, AEI Press, 1989).   

Hàng giao phẩm các xứ Châu Mỹ La Tinh cũng như Đức Giáo Hoàng có lý khi các ngài đứng về phiá người nghèo, thông cảm tình trạng khốn cùng của họ, lên tiếng kêu gọi lòng rộng lượng, nhân đạo của các xứ giàu, kỹ nghệ hoá, triển hạn, giảm bớt hoặc tha các món nợ "chồng chất, ngột ngạt", làm cho đời sống bần cùng trở nên thê thảm của hàng tỷ người ở các xứ chậm tiến.

Nhưng chúng tôi nghĩ rằng, các Ngài cũng đừng quên khiển trách, mạnh dạn "xách lổ tai "  (tirare l'orecchio) , nói theo ngôn từ của người Ý, cảnh cáo những người hành quyền có trách nhiệm đối với đời sống dân chúng ở các xứ chậm tiến, do lối dùng công qũy cho tư lợi, vô trách nhiệm và thiếu khả năng quản trị của họ, nguyên nhân đưa dân chúng đến lầm than.

Bởi lẽ , nếu các Ngài không vạch mặt chỉ trán "nói thẳng và nói thật" cho dân chúng thấp cổ bé họng, thì còn ai có thể bênh vực được cho những người yếu thế.

Chúa Giêsu nhân lành , nhưng vì lợi ích của những người yếu thế đã không ngần ngại nói tạt mặt:

"Khốn cho các người, kẻ thông thái  luật cùng nhóm Pharisêu giả hình, giống như mã tô vôi bên ngoài... ( Mt 23,27).   

Đứng ở một vị thế khác, thay vì nhìn tiền viện trợ, tiền vay mượn với lãi suất thấp từ phía các quốc gia vay nợ, chúng ta thử đt mình vào địa vị của những quốc gia đứng ra tài trợ, Ngân Hàng Thế Giới hoặc Qũy Tiền Tệ Quốc Tế cho các nước kém mở mang vay mượn.

Chúng ta sẽ nghĩ gì khi thấy tiền bạc chúng ta đưa ra bao nhiêu cũng sạch, không có hy vọng nào để thu góp lại, ít ra là không bị mất vốn. Chúng ta nghĩ gì khi thấy tiến bạc của chúng ta phải đổ mồ hôi , sôi nước mắt và hy sinh mới có được mà bị tiêu xài một cách phung phí, vô trách nhiệm, bởi những kẻ không có khả năng quản trị, đã vậy còn tiêu lòn, xén bớt cho tư lợi của họ?

Chúng ta mất tiền, dân chúng các xứ chậm tiến vẫn tiếp tục khốn cùng, chỉ có trương mục của những người vô trách nhiệm, bất tài và bất lương ở các ngân hàng Thụy Sĩ càng ngày càng kếch xù.

Có lẽ khi kêu cứu Qũy Tiền Tệ Quốc Tế , Ngân hàng Thế Giới hay các xứ kỹ nghệ hoá giúp đở, nhóm lãnh đạo vô trách nhiệm và bất tài quản trị khúm núm .lễ phép, xin xỏ rằng tiền viện trợ để dùng vào " Phát Triển Nông Nghiệp", tài trợ "Thủ Công Nghệ ", "Canh Tân Hoá Ngư Nghiệp"...Nhưng số tiền sẽ đến Chính Phủ, rồi qua các Nha, Sở, Bộ, Ty...Đó là chưa kể đến số tiền để "Phát triển Nông Nghiệp", bị Nhà Nước dành "ưu tiên một ", truất đi cho việc mua súng đạn để trang bị cho "quân dân ta sang trấn giữ Cam Bốt ".

Bản tường trình LHQ của GS Luigi Paganetti trên là một bằng chứng.

Do đó 1.000 Mỹ Kim cho "Phát Triển Nông Nghiệp", nhưng trên thực tế ngành nông nghiệp " thấp cổ bé họng" và "quê mùa" có nhận được đến 600 không. Và với mức đầu tư 600 Mỹ Kim vào nông nghiệp, " tới mùa khô " chưa chắc có vị thánh nào làm phép lạ  giúp cho chú nông nghiệp đáng thương đủ khả năng để trang trải số nợ 1000 mỹ Kim cộng thêm 5% lãi suất. Bước sang năm thứ 2, tình trạng bắt đầu đen tối hơn, chú nông nghiệp èo uột sẽ phải gánh thêm lãi suất 5% của số vốn 1.050 Mỹ Kim.

Và tình trạng ngột ngạt của các xứ chậm tiến bắt đầu từ đó.

Muốn tránh khỏi tình trạng "ngột ngạt" nợ của các xứ chậm tiến, các nhà lãnh đạo của chúng ta nên nhét vào đầu họ những tư tưởng cố định rằng tiền viện trợ để "Phát Triển Nông Nghiệp"  không phải là tiền để mua vũ khí, cũng không phải là tiền để họ bỏ túi đem qua cho các ngân hàng Thụy Sĩ.

Kế đến, muốn "Phát triển Nông Nghiệp", "Thủ Công Nghệ", "Ngư nghiệp", "Lâm Sản".. hay xí nghiệp, chúng ta cần có chương trình và chuyên viên với những dự án thiệt thực khả thi hay " những nhà doanh thương có khả năng và trách nhiệm" ( CA, 35; cf. Laborem Exercens, 21), nói như  Đức Giaon Phaolồ II, dự án khả dĩ đem lại lợi nhuận cho phép chúng ta trang trải nợ nần cũng như bước đầu cho phát triển.

Với những con số và tư tưởng đã được đề cập, chúng ta hiểu tại sao nhiêu quốc gia kỹ nghệ hiện nay đang duyệt xét lại chương trình tài trợ của họ cho các quốc gia kém mở mang.

Hối lộ, tham nhũng, thối nát, " thụt két" của nhũng ngưòi lãnh đạo tại nhiều nước chậm tiến là hiện tượng không sao kiểm soát được.

Nhiều nước đồng ý viện trợ, nhưng là viện trợ trực tiếp đến tay dân chúng hay cho nhân viên của họ trực tiếp đến tận nơi điều hành các dự án thỏa thuận, thay vì giao tiền cho chính quyền sở tại, như "gởi trứng cho ác".

Cũng trong tài liệu trên Lord B.T. Bauer cho biết là năm 1989 " trong số 197 thoả ước vay mượn giữa Ngân Hàng Thế Giới và Brasil, chỉ có 2 thỏa ước được ký kết giữa Ngân Hàng và tư nhân" ( Lord B.T. Bauer, op. cit., id.).

Đáng lý ra các thỏa ước viện trợ nên làm thế nào cho số tiền trợ giúp đến tận tay người dân nghèo như việc tài trợ huấn nghệ, hoặc giúp họ thăng tiến khả năng học vấn của mình, giúp họ những số vốn nho nhỏ để họ có thể bắt đầu được các hoạt động thương mãi, tiểu công nghệ đều khắp trong dân chúng.

Ở phần đầu khi chúng tôi đề cập đến việc các nước XHCN đồng loạt bị phá sản về kinh tế, một số độc giả sẽ nêu lên vấn nạn: một số đông các quốc gia đệ III thế giới vẫn ở trong tình trạng lạc hậu nghèo khổ, nhưng họ đâu có theo CS. Vậy thì các nước tự do hay theo kinh tế tự do chưa chắc sẽ là những nước tân tiến.

Điều nhận xét trên rất chính xác.

Trong phần đầu của bài nầy, chúng tôi có ý xác nhận rằng "Các nước CS là những nước lạc hậu" , nhưng chúng tôi không có ý quả quyết phần đảo ngữ của câu quả quyết trên cũng hoàn toàn đúng.

Điều đó nói lên hai hậu ý quan trọng, có lẽ người Việt không CS chúng ta không để ý.

1 - Hậu ý đầu tiên: Nếu CS làm cho quốc gia chúng ta lạc hậu, thì việc thay đổi chế độ CS không mà thôi, chưa chắc sẽ làm cho chúng ta có được đất nước thịnh vượng, tiến bộ. CS là một cản trở, là một trong những vấn đề của đất nước, chớ không phải là vấn đề. Bởi đó, thay đổi chế độ, chưa chắc chúng ta làm cho đất nước được hưng thịnh, nếu người Việt Quốc Gia  không có những chương trình chính trị, kinh tế cũng như "doanh thương và những nhà lãnh đạo có hiệu năng và trách nhiệm" ( CA, 35).

Nói cách khác, việc xây dựng và phát triển đất nước không phải là việc ngẩu nhiên, bất thần, mà là những đồ án được học hỏi  nghiên cứu công phu bởi nhiều bộ óc có khả năng suy tư , trao đổi và đúc kết, cũng như được đưa ra thực hiện bởi những người lãnh đạo có tài năng và đạo đức ,  có " hiệu năng và trách nhiệm" hướng dẫn. 

2 - Hậu ý thứ hai: Sở dĩ nhiều quốc gia nghèo nàn của thế giới đệ III , mặc dầu không thuộc CS, họ vẫn ở trong tình trạng lạc hậu.

Có lẽ vì họ thiếu  tài nguyên vật chất, có lẽ nhưng không chắc chắn. Điều chắc chắn là họ thiếu " phương tiện để thu thập kiến thức căn bản làm cho họ có thể din tả được khả năng sáng tạo và làm triển nở tiền năng của họ..., cho họ tham dự một cách thiết thực và xứng đáng địa vị con người vào hệ thống xí nghiệp..." ( CA, 33). 

Có lẽ một trong những lý do mà nhiều quan sát viên từ các nước tân tiến không để ý đến , khi nhìn vào thực trạng các quốc gia nghèo, nhưng dân chúng sở tại cảm thấy như những chiếc gông đè nặng lên người họ, mặc dầu trên lý thuyết họ được hoàn toàn tự do kinh tế, nhưng trên thực tế thì không có cách gì ngóc đầu lên được.

Đó là tình hình quả đầu chế ( oligarchia) trong kinh tế. Hay tình trạng độc quyền  (monopolio)  kinh tế ở các nước chậm tiến. Nói cách đơn sơ, nền kinh tế , thương mãi nằm trong tay một nhóm thiểu số, cấu kết với giới cầm quyền quốc gia, giữ bá chủ, bóp nghẹt tất cả các sáng kiến cá nhân.

Ai sống duới thời Pháp Thuộc, thời đệ I và đệ II Cộng Hoà ở Miền Nam , nhứt là vùng Sàigòn vẫn còn nhớ thế nào là tổ chúc độc quyền của các "chú ba Tàu" trong Chợ Lớn.

Tại Mỹ Châu La Tinh cũng không hơn gì.

" Không những phần lớn dân chúng bị loại ra khỏi thị trường làm việc, mà cũng không có cách gì hội nhập vào thế giới tiểu công thương..., 43% số căn nhà dân chúng  ở Péru do những tổ chức bất lương xây cất..., 93% các phương tiện chuyên chở công cộng do tổ chức lưu manh, cướp giựt kiểm soát" ( Hermando de Soto, What's Wrong with Latin American Economies?, " Reason", n.10.1989,13).

Còn nữa: " Tại Péru, 48% dân số ở  tuổi làm việc và 62,2% số giờ làm việc đều làm lậu.Mức lợi tức của việc làm lậu đạt đến 38,9% Tổng Sản Lượng Quốc Gia, theo bản thống kê của Chính Phủ  " ( Hermando de Soto, id., 12).

Và " chỉ có 35% số nhà cửa của dân chúng ở Péru là có văn kiện chứng minh sở hữu chủ. Vì thế không lạ gì việc dân chúng Péru không thể "hội nhập" vào con đường kỹ nghệ hoá được.

" Thật vậy, dù có văn kiện minh chứng sở  hữu chủ, quyền sở hữu trên không có cách nào hoán chuyển thành bảo chứng tín dụng được.Và không có tín dụng thì không thể bắt đầu hoạt động kỹ nghệ thương mãi được" (Hermando de Soto, id., 40).

Nói tóm lại,

   - vốn đầu tư, "doanh thương và thành phần lãnh đạo hiệu dụng và có tinh thần trách nhiệm",

  - cũng như loại bỏ được thành phần thiểu số gian manh cầu kết với quyền lực quốc gia để chiếm giữ độc quyền kinh tế,

   - viện trợ trực tiếp đến tay dân chúng để giúp họ thăng tiến khả năng " chủ thể tính năng động" hầu phát triển kinh tế đều khắp là những tư tưởng mấu chốt cần cho những ai có trách nhiệm và hoài bão cho các nước chậm tiến và cho quê hương chúng ta lưu ý , để hướng dẫn Việt Nam trên con đường văn minh tiến bộ. 

Ý thức về "chủ thể tính năng động " trong kinh tế  và xã hội của Thông Điệp Centesimus Annus cho chúng ta một cái nhìn tích cực về người nghèo khổ.

Người nghèo không phải chỉ là người rách rưới lang thang, bẩn thỉu, hôi hám mà chúng ta phải bố thí để cứu đói.

Họ không phải chỉ là gánh nặng cho xã hội. Họ không phải chỉ là  "bộ máy tiêu hóa" ( tube digestif ) chỉ biết tiêu thụ, mà là những nhà sản xuất tiềm năng (producteurs potentiels) trong tương lai, có khả năng tạo ra sản phẩm và phục vụ cho chính mình và cho cộng đồng xã hội, nếu họ được giúp đở để phát triển khả năng thiên phú và có được những điều kiện thuận lợi để bộc phát được khả năng sáng tạo của họ.

Bởi vì họ cũng là những người được Trời ban cho " Số Vốn Nhân Thức " hay được

" Thiên chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài,

   Giống hình ảnh Ngài, Thiên Chúa dựng nên.

   Người nam và người nữ, Thiên chúa dựng nên" ( Gn 1, 26-27). 


VỀ MỤC LỤC
VE SẦU
 

Bạn thân mến, quan sát đời sống vạn vật tự nhiên, chúng ta cúi đầu khâm phục và rút ra những bài học quí giá cho cuộc sống loài người chúng ta. Trong chủ đề Kiên nhẫn – Kiên cường hôm nay, Mục Sống Sao Cho Đẹp xin chia sẻ sự diệu kỳ trong quá trình sinh ra và trưởng thành của chú ve sầu. Hay nói cách khác, qua đời sống của một con ve, phần nào giúp ta học thêm bài học về sự kiên nhẫn, để nhờ đó, ta thêm kiên nhẫn chấp nhận để cho quy luật tự nhiên uốn nắn ta trở nên những con người hoàn hảo hơn.

* * *

Con ve thuộc loại côn trùng bộ cánh. Cuộc sống của nó biến thái qua nhiều giai đoạn. Từ trứng, nó được nở ra ấu trùng và từ trên cây, nó rơi xuống đất. Từ đó, nó tự đào hang và tìm các rễ cây để hút nhựa sống. Cuộc sống của một ấu trùng cứ âm thầm lặng lẽ sống trong lòng đất có thể từ 2 đến 5 năm, có loại sống tới 15 năm dưới lòng đất. Sau thời gian sống âm thầm dưới lòng đất, con ấu trùng từ từ lột xác, vươn vai trưởng thành và trở thành con ve. Dầu đã phải trải qua thời gian chuẩn bị rất lâu dài như vậy, nhưng vận mạng của mỗi chú ve chỉ vỏn vẹn chừng một tháng. Trong vòng một tháng vào thời gian mùa hè, con đực cất tiếng kêu ve ve như để gáy lên thời vàng son của chúng; con cái thực hiện việc sinh sản. Sau thời gian trưởng thành ngắn ngủi này, chúng chết đi trả lại sự yên lặng êm ả cho con người. Khi mùa hè kết thúc, học trò cắp sách đến trường, cũng là lúc các chú ve chết đi, các ấu trùng vẫn âm thầm vào lò luyện để chờ cho đến ngày chào đời cất tiếng kêu ve ve.

* * *

Thiên nhiên cho chúng ta thấy những mẫu mực tuyệt hảo về sự kiên nhẫn âm thầm lạ thường trong đời sống của các loài sinh vật. Thực vậy, có những loài hoa phải trải qua thời gian rất lâu mới nở được, thế nhưng, cánh hoa tươi sinh ấy chỉ “sớm nở, chiều tàn.” Có những loài hoa, như Hoa Quỳnh, phải rất mất nhiều thời gian và công sức để trồng nó, nhưng rất hiếm khi thấy Hoa Quỳnh nở. Vậy mà nếu như nó nở, thì nó lại nở vào đêm khuya và chỉ vỏn vẹn một tiếng đồng hồ. Qui luật thiên nhiên là như thế đó. Chuẩn bị thật lâu, nhưng xuất hiện thật vắn vỏi. Nhưng khi chấp nhận sống theo quy luật tự nhiên, mỗi loài tìm được cho mình chỗ đứng riêng và ưu việt, không gì có thể thay thế được. Nếu chúng ta hỏi rằng, cuộc sống của con ve mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị mà chỉ sống được một tháng thì nó làm được ích gì?! Nếu một cánh hoa mà chỉ có nở vào một tiếng đồng hồ vào giữa đêm khuya thì có giá trị gì?! Thưa, dù chỉ một tháng hay chỉ một giờ xuất hiện trong thế giới này, thì giá trị của chúng cũng đã hoàn thành mỹ mãn. Giá trị của chúng nằm ở chỗ, dù thời gian chuẩn bị có lâu đến bao nhiêu đi chăng nữa, nhưng khi sứ mạng của chúng được hoàn thành, đời chúng nên giá trị. Chúng được dựng nên cho cho một tháng ấy, và một giờ ấy mà thôi!

Không dừng ở đó, giá trị của chúng là bài học kiên nhẫn mà chúng ta học được hôm nay. Đồng hành và uốn mình với quy luật tự nhiên, ta phần nào nhận ra rằng, những ưu tư làm người của ta, những thách bại của ta, những bất toàn của ta, chẳng qua cũng chỉ là thời gian chuẩn bị cho một giá trị gì đó cao hơn, tốt hơn, và hoàn mỹ hơn. Không có chúng, ta không tốt hơn được. Nói cách khác, không có những đổ vỡ, rách nát, thất bại mà chúng ta đã kinh nghiệm trong cuộc đời, thì chưa chắc chúng ta đã có ngày hôm nay. Không phí đâu, nếu một chú ve mất vài ba năm chôn kín mình dưới lòng đất để chỉ chuẩn bị cho vài tiếng gáy trong một tháng, thì cuộc đời vất vả đào luyện của chúng ta sẽ tạo ra những tiếng “gáy” vang xa và bay cao hơn tiếng ve nhiều. Không phí đâu, nếu một cánh hoa nở vào đêm khuya không ai hay biết mà chỉ để chu toàn sứ mạng của nó, thì đời ta dù trải qua những tháng năm thầm lặng tầm thường, thì vẫn có đó nguyên giá trị của ta khi ta kiên nhẫn sống từng ngày với tất cả ý thức làm người của mình. Giá trị ta tìm được trong sự thầm lặng ấy là tìm được chính mình, gặp được chính mình, và đụng chạm được chính mình.

Để kết thúc, xin mượn khổ thơ trong bài thơ I Am[1] (Tôi là) của Thomas Merton để diễn tả giá trị đời người. Giá trị một con người dù có sống trong âm thầm nhỏ bé đến đâu, nhưng sứ mạng làm người vẫn cao cả khi họ thấu chạm được chính họ.  

Để nên thánh, tôi phải là tôi.

Tôi là gì?

Có phải tôi là mặt nạ và ảo giác của tôi?

Có phải tôi là công việc của tôi?

Có phải tôi là bạn?

Không, tôi là tôi.

Br. Huynhquảng 


[1] “To be a saint I must be myself. What am I? Am I my masks and illusions? Am I my work? Am I you? No, I am me.”

VỀ MỤC LỤC
LINH MỤC GIÁO PHẬN ĐẶT CHÚA KITÔ LÀM TRỌNG TÂM ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC CỦA MÌNH    
 

Mời thăm Blog của Lm. Trần Minh Huy http://www.chivilongchuathuongtoi.tk/

Tác phẩm: ĐÀO TẠO ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

 

CHƯƠNG NĂM 

ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN HỌC SỐNG CĂN TÍNH VÀ SỨ VỤ LINH MỤC

 

B. LINH MỤC GIÁO PHẬN ĐẶT CHÚA KITÔ LÀM TRỌNG TÂM ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC CỦA MÌNH                                           

 

“Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.”[1]

Chúng ta sẽ trình bày Đời sống và sứ vụ linh mục lần lượt theo các mẫu tự làm nên danh hiệu Chúa Kitô: C H R I S T[2] 

B.1. C Thập Giá (CROSS).   

Chức linh mục cắm rễ sâu nơi Thập Giá. Chúa Giêsu đã minh định rất rõ rằng chỉ có một con đường duy nhất để đi theo Ngài. Đó là con đường Thập Giá: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta.”[3]

Không có con đường nào khác để bước theo Thầy. Tất cả những cái gọi là con đường tắt cuối cùng đều sẽ chẳng dẫn đến đâu cả, bởi vì người môn đệ đích thực phải là người bước đi trên con đường Thập Giá và theo Thầy cho đến đồi Canvê. Thập Giá gắn kết không rời với Chúa Giêsu, ngay cả sau khi Ngài sống lại vinh quang thì các dấu đinh từ cuộc khổ nạn của Ngài vẫn không bị xóa nhòa. 

Do đó, linh mục không tránh né Thập Giá, cũng không được tìm cách che chắn Thập Giá: “Nếu Đức Kitô mà chúng ta mường tượng không phải là ‘Đức Kitô Khổ Nạn’, thì đấy là chúng ta đang mường tượng một ai đó khác, chứ không phải là Đức Kitô thực”[4]

Thập Giá có nghĩa là bỏ mình và trần trụi, Thập Giá gắn liền với hy sinh và giũ bỏ ý riêng, Thập Giá đòi phải chấp nhận Thánh Ý Chúa Cha dù phải trả bằng giá nào đi nữa, Thập Giá đòi phải sẵn sàng uống cạn chén đắng đến giọt cuối cùng, Thập Giá có nghĩa là vâng phục cho đến chết. Người linh mục không thể đi con đường nào khác hơn là con đường của Chúa Kitô, Đấng đã vâng phục cho đến chết trên Thập Giá. 

Chúng ta dễ có nguy cơ nuôi dưỡng một ‘tinh thần hảo ngọt’ mà kết quả là tìm kiếm chính mình nơi Thiên Chúa, chứ không phải tìm kiếm Thiên Chúa nơi chính mình! Không được xem Thập Giá như một gánh nặng phải vác trong cuộc hành trình, mà đúng hơn phải xem đó là “một chiếc gậy giúp mình bước đi dễ dàng hơn và nhẹ nhàng hơn bội phần.”[5] Có những lúc Thập Giá như phủ trùm bóng tối trên chúng ta thì phải hiểu rằng đó là bóng bàn tay Chúa Giêsu ân cần đưa ra che chở chúng ta. 

Cám dỗ thường xuyên của con người là kiếm tìm một Chúa Giêsu không Thập Giá, là muốn một ‘thứ Kitô giáo’ dễ dãi nào đó, là khát khao một ‘thứ Tin Mừng’ không nhuốm nước mắt và đau khổ. Cũng giống như Phêrô, chúng ta muốn kéo Chúa Giêsu ra ngoài và can ngăn về chuyện Ngài tuyên bố quá rõ ràng về Thập Giá, về chuyện Ngài lên đường đi Giêrusalem. Và có lẽ chúng ta cũng đáng bị những lời quở trách “Satan, hãy xéo đi!” bởi vì chúng ta không ủng hộ ý muốn của Thiên Chúa mà đang ủng hộ ý muốn của loài người.[6]

Tin Mừng của Chúa Giêsu là một thứ Tin Mừng khổ lụy, không những phải được rao giảng mà còn phải được thực thi. Nếu chúng ta cố tìm một Chúa Giêsu không có Thập Giá, chúng ta sẽ gặp thập giá mà không có Chúa Giêsu! Thập Giá là một trong những nghịch lý lạ lùng của Kitô giáo. Sự khôn ngoan và sức mạnh của Thập Giá chỉ được hiểu một khi ta đảm nhận nó và trực tiếp kinh nghiệm nó: Liều đánh mất mạng sống chính là để đạt được sự sống, đành chịu bất lực chính là để trở nên mạnh mẽ. Thập Giá không phải là kết điểm của con đường, mà là cánh cổng dẫn vào sự sống: thất bại chuyển hóa thành chiến thắng, chính chỗ sự sống bị tước đoạt lại trở thành nơi sự sống được phục hồi. 

Giáo Hội không bao giờ che giấu Thập Giá, trái lại biểu dương và suy tôn Thập Giá: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, nó sẽ trổ sinh nhiều bông hạt.”[7] Đời sống linh mục càng cắm rễ sâu trong Thập Giá càng trổ sinh hoa trái nhiều hơn. Chính khi đi đến cùng con đường tự hủy, trút bỏ đến trở thành trống không, là lúc mà công cuộc của Chúa Giêsu đạt đến mức tuyệt đỉnh: cứu vớt chúng ta khỏi tội lỗi và giải hòa chúng ta với Thiên Chúa. 

Đời linh mục được sắc nét khi tựa vào Thập Giá, bởi vì chức linh mục thừa tác là chức phận của hy tế của Đấng “đã tự thể hiện mình là tư tế, là bàn thờ, và là con chiên bị sát tế” và nhờ “việc chấp nhận chết, Ngài đã tiêu diệt sự chết nơi chúng ta, và nhờ sống lại, Ngài đã phục hồi sự sống cho chúng ta.”[8]

Hằng ngày linh mục nhân danh Chúa Kitô cử hành Lễ Tạ Ơn là chính trung tâm cuộc sống và sứ vụ của mình, và trở thành chính điều mà mình cử hành, như nghi thức truyền chức căn dặn: “Con hãy nhận lấy lễ phẩm của dân thánh, hiểu biết những điều con làm… và hãy làm cho cuộc sống con nên tương hợp với mầu nhiệm Thập Giá của Chúa.”  

Việc cử hành Thánh Thể là một sự lặp lại hy tế Canvê, thể hiện và đào sâu sự đồng hóa linh mục với Chúa Kitô trong hy tế Thập Giá, qua đó linh mục được thách đố trao ban chính thân thể mình, chính máu thịt mình. 

Nhiều người trong chúng ta cũng đã, hay sẽ trèo lên con đường dốc đứng đó, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Con đường thập giá của Giáo Hội và của chúng ta vẫn kéo dài mãi. Những người bách hại còn đó hay đã qua đi, hoặc đã thay đổi, nhưng thập giá vẫn không thay đổi và vẫn còn đè nặng trên vai chúng ta. 

Ngày xưa ông Simon đã giúp Chúa Giêsu vác thập giá, thì ngày nay chính Chúa Giêsu chịu đóng đinh và sống lại đang giúp chúng ta vác thập giá của chúng ta. Đau khổ của chúng ta là đau khổ của Ngài, hy tế của chúng ta là hy tế của Ngài. Chúa Giêsu thấu hiểu những yếu đuối của chúng ta, những thất bại của chúng ta, những cảm giác ngã lòng, những lo sợ và cô đơn của chúng ta, vì chính Ngài cũng đã trải nghiệm những khó khăn này. 

Đường thập giá là trường dạy chúng ta sống. Chúa Giêsu ngã xuống rồi lại chỗi dậy. Ngài chịu đựng nỗi cô đơn. Ngài chịu hành hạ và lăng nhục, nhưng Ngài luôn tha thứ. 

Đường thập giá là trường dạy sống thánh theo gương Mẹ Maria. Mẹ bước đi theo Con Mẹ trong thinh lặng. Cái nhìn của hai Mẹ Con bắt gặp nhau; hai Mẹ Con nhìn nhau tận trong sâu thẳm tâm hồn. Mẹ và Con kết hiệp với nhau bởi tình yêu bao la, sâu thẳm và trong trắng. Tình yêu này sẽ làm thế giới thay đổi. 

Chúng ta trèo lên con đường thập giá đến tận đỉnh đồi Golgotha, đến tận một Chúa Kitô toàn thể, vừa với thập giá và mão gai trên đồi Golgotha, vừa với vinh quang trên núi Tabôrê và chiến thắng phục sinh vinh hiển. Sứ mạng linh mục của chúng ta là hướng dẫn những con người phải đau khổ vì đối nghịch và hận thù để họ không quay lưng lại với nhau, nhưng nhìn vào mắt nhau trong sự cảm thông tương hổ. 

Mẹ Maria đã theo Chúa Giêsu trên đường núi Sọ, xin Mẹ luôn đồng hành với chúng ta. Một người mẹ đã nói với con mình rằng: “Dù con lớn bao nhiêu tuổi, con vẫn là con của Mẹ; dù con có đi tới cùng trời cuối đất, thì lòng Mẹ vẫn hằng theo con.” Chớ gì chúng ta luôn cảm nhận sâu sắc Mẹ Maria luôn đồng hành với chúng ta, luôn đứng bên thập giá của chúng ta và che chở chúng ta. 

B.2. H Nhân Ái (HUMANITY)

Khi đọc và suy gẫm Tin Mừng, chúng ta dễ có ấn tượng sâu đậm về lòng nhân ái của Chúa Giêsu. Ngài bồng ẵm các em bé vào lòng, chúc lành cho chúng, nhắc nhớ rằng Nuớc Thiên Chúa thuộc về những người giống như chúng.[9] Ngài có các bạn hữu ở Bêtania mà Ngài yêu mến và năng ghé thăm, Ngài có một tương giao thân tình nồng nhiệt với họ. Ngài đã cảm thương bạn hữu mình đến độ sa nước mắt, như điều đã xảy ra bên mồ Ladarô.[10] Ngài cũng nếm cảm nỗi đói, khát, cô đơn và buồn sầu. Ngài là Thiên Chúa và là con người trọn vẹn, và thần tính của Ngài không hề làm nhân tính Ngài bị sút giảm đi chút nào. Lòng nhân ái của Chúa Kitô được nhìn thấy rõ rệt nhất nơi tấm lòng trắc ẩn của Ngài. 

“Trắc ẩn” không chỉ có nghĩa là thương hại người ta, mà đúng hơn, trắc ẩn là cảm nếm nỗi đau khổ nơi người ta, cùng chịu đau khổ với người ta. Chúa Giêsu đã cảm nhận cơn đói mệt của đám đông đi theo Ngài trong hoang địa.[11] Trái tim trắc ẩn của Ngài đã hoàn toàn đồng cảm với và mang lấy gánh buồn đau của người góa phụ đang khóc thuơng vì mất đứa con trai duy nhất của mình.[12] Người góa phụ này đã không xin Chúa Giêsu làm phép lạ. Chính Ngài quyết định làm thế. Phải chăng Ngài nhìn thấy trước nơi người góa phụ ấy hình ảnh chính Mẹ yêu dấu của Ngài, khi Mẹ sẽ đón nhận vào vòng tay mình tấm thi thể tan nát của chính Ngài sau này? Ngài cảm nhận được lòng thống hối của người đàn bà tội lỗi đang sa nước mắt rửa chân Ngài và lấy tóc nàng mà lau chân Ngài, như dấu chứng của một trái tim chứa chan lòng mến. Lòng trắc ẩn của Ngài đã thúc đẩy Ngài đi đến gặp gỡ và ngay cả đụng chạm đến những người phung hủi mà xã hội liệt vào hạng ô uế và không thể đụng chạm đến được.[13]

Lòng nhân ái của Chúa Giêsu đã làm cho Ngài có thể đi vào trong mối quan hệ cá nhân với tất cả mọi người: những người đau ốm và những người khốn khổ, những người nghèo hèn và những người bị áp bức, những người tội lỗi và những người thánh thiện. 

Mặc dù Ngài tiếp xúc với đám đông quần chúng, Ngài vẫn không bao giờ quên các cá nhân và nhu cầu của họ. Ngài dừng lại với anh chàng ăn xin mù Bartimê.[14] Cả một đám đông chen lấn xô đẩy Ngài, nhưng Ngài vẫn cảm nhận được đức tin của người phụ nữ đang cố kín đáo chạm đến mép áo Ngài để được chữa lành chứng bệnh băng huyết của chị.[15] Ngài đã cảm kích bởi lòng quảng đại của bà góa nghèo dâng cúng hai đồng bạc, tức trọn số tiền mà bà đang có để sống, vào hòm tiền của Đền Thờ.[16]

Để nên giống Chúa Kitô, linh mục phải có lòng nhân ái và trắc ẩn như Ngài, phải biết cảm xúc với người ta, vì người ta, và trong người ta, nhất là những người đau khổ trong thân xác cũng như trong tâm hồn, phải cảm nhận “những vui mừng và hy vọng, những ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là những người nghèo và những người đau khổ…”[17]

Linh mục không thể vô cảm, vô can, hay lãnh đạm đối với bao nỗi đau buồn và bao nỗ lực đấu tranh của những người mà mình có bổn phận phục vụ. Niềm vui và nỗi khổ của họ phải có một âm vang trong cõi lòng linh mục. Linh mục được gọi nên giống Chúa Kitô để trở thành người Samaritanô Nhân Hậu, bởi vì “dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu thuộc về Tin Mừng khổ lụy. Quả thật, dụ ngôn này vạch cho chúng ta thấy mối tương quan giữa chúng ta và những anh chị em đau khổ xung quanh đời mình phải như thế nào”[18]

Nhờ cuộc sống độc thân, linh mục hoàn toàn có tự do để yêu thương, quan tâm và chăm sóc mọi người. Linh mục là của mọi người, bởi vì mọi người có quyền đòi hỏi linh mục không thuộc về riêng một ai cả: “Linh mục được mời gọi bắt chước gương Chúa Kitô và mang trọn tấm lòng đồng cảm của Ngài đến cho những người ốm đau tật nguyền… Linh mục không giống với Chúa Kitô ở chỗ linh mục không có quyền năng để chữa trị các anh chị em đau yếu, tuy nhiên, linh mục có thể đem lại cho họ sự an ủi về mặt luân lý và tâm linh, nâng đỡ họ trong cơn thử thách và ngay cả có thể giúp họ mau chóng bình phục hơn”[19]

Có thể linh mục không xóa tan được nỗi thống khổ của người ta, nhưng chính sự hiện diện của linh mục trong nỗi thống khổ của họ sẽ đem lại cho họ niềm hy vọng và sự chữa trị.

Linh mục không chỉ thực thi sứ vụ phục vụ những người bệnh tật và đau khổ, mà ngược lại linh mục đồng thời cũng nhận được sự nâng đỡ lớn lao từ nơi họ; linh mục không chỉ hướng dẫn và chăm sóc họ mà còn được họ chăm sóc và hướng dẫn: Sự hy sinh và kiên nhẫn chịu đựng của họ là một nguồn nghị lực nâng đỡ linh mục; sứ vụ đối với những người bệnh tật, đau khổ, nghèo túng… có sức khích lệ tinh thần linh mục và làm cho linh mục giàu tính người hơn và nên giống Chúa Kitô hơn.

B. 3. R Hòa Giải (RECONCILIATION) 

“Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Kitô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa. Cho nên, phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải. Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải”[20]

Chúa Kitô đã đến để giải hòa con người với nhau và với Chúa Cha. Ngài là sự giao hòa và là sự bình an, vì “trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã giao hòa thế gian với chính Ngài…”[21] Ngài đã hàn gắn tất cả những gì đổ vỡ, qui tụ tất cả những gì tản mác, hiệp nhất những gì phân rẽ. Ngài đã chịu chết để thu họp tất cả các con cái Thiên Chúa đang tan tác khắp nơi.[22] Ngài đã mang lấy gánh nặng lỗi lầm của chúng ta và trở thành giống như chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi.[23] Là nhà hòa giải, Chúa Giêsu là Pontifex thượng đẳng, là nhịp cầu nối kết không chỉ các cá nhân đang chia rẽ nhau, mà nhất là hiệp nhất lại những gì đã phân rẽ ở bên trong mỗi con người.

Tin Mừng cho thấy hình ảnh một Chúa Giêsu không ngừng tìm kiếm và cứu vớt những gì lạc mất, đến độ Ngài tự nguyện đến dùng bữa tại nhà Zakêu. Thật vậy, Ngài bị tiếng là thường giao du với những người tội lỗi và những người thu thuế.[24] Ngay cả trong cơn đau quằn quại trên Thập Giá, Ngài cũng đã giao hòa người trộm lành qua việc bảo đảm thiên đàng cho anh ta.[25]

Cái gì gây phân rẽ ở ngay bên trong mỗi người? Cái gì gây phân rẽ ở giữa người với nhau? Đó không phải là gì khác ngoài tội lỗi và sự dữ. Tội lỗi chia cắt và làm con người tan rã. Trong tội lỗi, người ta không chỉ đoạn tuyệt mình khỏi Thiên Chúa, mà còn đoạn tuyệt mình khỏi người khác, và còn đoạn tuyệt mình với chính mình nữa. Sự xung đột giữa người với người chỉ chấm dứt khi mà sự xung đột bên trong bản thân mỗi người chấm dứt. 

Từ kinh nghiệm bản thân, chúng ta biết rằng cõi lòng mình là một bãi chiến trường của những xung đột cam go này. Chúng ta muốn tránh sự dữ, thế nhưng chúng ta lại sa vào làm mồi cho sự dữ. Chúng ta muốn làm điều tốt, nhưng chúng ta lại bị kéo lôi bởi điều xấu. Quả thật chúng ta có thể thốt lên như Thánh Phaolô rằng: “Khốn cho tôi! Ai sẽ kéo tôi ra khỏi tấm thân hay chết này? Xin tạ ơn Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta!”[26]

Linh mục vẫn thường nói về những cơ chế của tội lỗi trên thế giới, những cơ chế của bất công, của sự phân biệt đối xử… Nhưng những cơ chế ấy phát xuất từ đâu? Chúng ta dễ quên những cơ sở hạ tầng của tội lỗi bên trong chính mình. Những cơ chế bên ngoài của tội lỗi sẽ chỉ biến mất nếu những cơ chế tội lỗi đồn trú bên trong bản thân mỗi người bị giải thể. 

Có lẽ tội lớn nhất của thế giới chính là việc con người đánh mất cảm thức về tội lỗi. Đây là căn bệnh mà chúng ta cần được giúp đỡ và chữa trị. Chúa Giêsu cung ứng cho chúng ta sự chữa trị đó khi Ngài giải hòa chúng ta với chính mình, với nhau, và với Thiên Chúa. Linh mục là thừa tác viên và là sứ giả của sự hòa giải này, để nối lại các nhịp cầu và kiến tạo hòa bình. Linh mục cũng cần biết nhìn nhận rằng trong sâu thẳm con người mình, linh mục vẫn mang những mầm mống của tội lỗi và ích kỷ, rằng linh mục cần được hòa giải ngay cả khi linh mục đem lại sự hòa giải cho người khác. 

Mẹ Giáo Hội cung cấp cho chúng ta một phương thế để đón nhận sự hòa giải và niềm bình an ấy: đó là Bí Tích Hòa Giải. Chúng ta phải nhìn nhận tội lỗi và sự dữ ở bên trong chúng ta và đặt mình qui phục lòng thương xót và sự thiện hảo của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Giáo Hội hết sức nhấn mạnh tầm quan trọng của Bí Tích Hòa Giải. Nhờ bí tích này, chúng ta nhận lãnh không chỉ sự thứ tha tội lỗi mà còn nhận lãnh sức mạnh của ơn Chúa để có thể phá tan những cơ chế tội lỗi bên trong chính mình.  

Linh mục không những phải thực thi vai trò thừa tác viên của Bí Tích Hòa Giải, mà còn phải là người ân cần và đều đặn lãnh nhận bí tích này, để chính linh mục trở nên chứng nhân của lòng thương xót mà Thiên Chúa dành cho tội nhân. Vì thế, chúng ta phải thành thật nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình và mở lòng ra đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng luôn sẵn sàng tha thứ. Phải là một hối nhân mẫu mực thì mới có thể làm một cha giải tội mẫu mực được.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong Tông Huấn Hậu Thuợng Hội Đồng “Reconciliatio et Penitentia”, đã trình bày một cách sắc bén như sau: "Đời sống tu đức và mục vụ của linh mục muốn thực sự có chất lượng và sinh động, cần phải là một đời sống lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải thường xuyên và đầy ý thức. Việc cử hành Bí Tích Thánh Thể của linh mục và vai trò của ngài trong các bí tích khác, nhiệt tâm mục vụ của ngài, mối quan hệ của ngài đối với các tín hữu, mối hiệp thông của ngài đối với các anh em linh mục khác, sự cộng tác của ngài với Giám mục, đời sống cầu nguyện của ngài - nói tắt một lời: tất cả cuộc sống linh mục của ngài – sẽ lụn bại thảm khốc, nếu do cẩu thả hay do một lý do nào khác mà ngài không lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải một cách đều đặn với lòng tin và lòng sốt mến chân thành. Nếu một linh mục không còn bước đến tòa giải tội nữa hay không còn xưng thú tội lỗi của mình một cách nghiêm túc nữa, thì con người linh mục và sứ vụ linh mục của ngài chẳng mấy chốc sẽ gánh lấy hậu quả thê thảm, và hậu quả này sẽ tác động rõ ràng trên chính cộng đoàn mà ngài phụ trách.”[27]

B.4. I Đời Sống Nội Tâm (INTERIORITY)

Các trình thuật Tin Mừng khắc họa Chúa Giêsu là con người cầu nguyện. Ngài là con người của đám đông, nhưng cũng là con người ‘lên núi’ nữa. Ngài gắn bó với dân chúng, nhưng cũng trải qua những khoảng thời gian một mình cầu nguyện lâu giờ và hiệp thông với Chúa Cha. Sự gắn bó của Ngài với dân chúng là một cái gì trào ra từ sự hiệp thông của Ngài với Chúa Cha. Và khi Ngài nhận thấy các tông đồ quá bận rộn đến đỗi thậm chí không có thời giờ để ăn, Ngài đã truyền cho các ông tách khỏi đám đông, lên thuyền và ra đi đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.[28]

Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện bằng chính gương mẫu của Ngài. Trông thấy Ngài cầu nguyện, họ xin: “Thưa Thầy, xin Thầy dạy chúng con cầu nguyện.”[29] Ngài cầu nguyện khi Ngài được dân chúng nồng nhiệt ngưỡng mộ, như sau biến cố hóa bánh ra nhiều,[30] và khi Ngài vui mừng đón bảy mươi hai môn đệ trở về,[31] Ngài cầu nguyện khi Ngài buồn sầu và cô đơn ở vườn Giếtsêmani,[32] Ngài cầu nguyện trên Thập Giá tại đồi Canvê,[33] Ngài cầu nguyện cả khi Ngài trút hơi thở cuối cùng, phó thác chính mình trong tay Cha.[34]

Là linh mục triều phải sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, chúng ta phải vun xới đời sống nội tâm, vun xới một cuộc sống cầu nguyện, vun xới một khả năng chiêm niệm trong hành động: yêu mến cầu nguyện, dành ưu tiên cho giờ cầu nguyện hằng ngày, sắp xếp ngày sống sao cho có thể dành cho Chúa một thời gian chất luợng.

Chính đời sống cầu nguyện sẽ làm cho linh mục luôn ở lại trong Chúa Giêsu như cành nho ở lại trong thân nho.[35] Sự ở lại này là bí quyết giúp cho linh mục sống một đời sống tâm linh sinh động và phong phú. Hơn nữa, sự ở lại này không bao giờ chấm dứt. Chính nhờ đời sống cầu nguyện này mà linh mục trở nên nhạy cảm hơn đối với Chúa Thánh Thần, trở nên ngoan ngoãn hơn trước những gợi ý và thúc đẩy của Ngài, đồng thời qui phục hoàn toàn con người mình theo Thánh Ý Thiên Chúa.    

Nhiều giáo dân ngày nay rất trông mong linh mục cung cấp cho họ sự hướng dẫn tinh thần, dẫn dắt họ bước đi trên nẻo đường của cầu nguyện và của Thánh Thần. Đây cũng là một nhu cầu mục vụ thiết yếu. Linh mục phải đáp ứng cơn đói khát thiêng liêng này của giáo dân, nếu không muốn họ bị kéo lôi đến một chỗ khác để kiếm tìm sự hướng dẫn: "Chỉ có người mục tử cầu nguyện mới có thể chỉ bảo cho người ta biết cách cầu nguyện, và mới có thể đem ơn Chúa xuống cho những người mà mình chịu trách nhiệm săn sóc mục vụ….. Chỉ có linh mục biết sống hằng ngày kinh nghiệm hoán cải và biết quan hệ thân mật với Chúa Kitô mới có thể thúc đẩy những bước tiến đáng kể trong công cuộc Phúc âm hóa đích thực và mới mẻ.”[36]

“Linh mục không thể lãnh đạo và hướng dẫn người khác nếu chính bản thân linh mục lại xa lạ với những nẻo đường và những cách làm việc của Chúa Thánh Thần. Và nếu bản thân linh mục là người thiếu năng lực biện phân, thì ngài phá hỏng công cuộc của Chúa Thánh Thần nơi những tâm hồn mà linh mục dẫn dắt.”[37]

B.5. S Tinh Thần Phục Vụ (SERVANTHOOD)

Linh mục không thể không khao khát nên giống Thầy mình, Đấng “đã đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.”[38] Ở Á Châu và nhất là tại Việt Nam, linh mục vẫn còn được dân chúng khá trọng vọng và vẫn còn có một số uy lực nào đó. Xã hội cũng thường dành cho linh mục một sự nể nang. Giáo dân nói chung thường cung phụng linh mục. Vì vậy, linh mục cần điều chỉnh và sửa đổi nhãn quan của mình trong khía cạnh này.

Thánh Bộ Giáo Sĩ nhắc nhở: “Linh mục có một uy thế giữa các tín hữu, và tại vài nơi, linh mục còn có những thẩm quyền dân sự nữa. Tuy nhiên, linh mục cần ý thức rằng uy thế đó phải gắn liền với lòng khiêm nhường và phải được sử dụng đúng đắn để thúc đẩy công cuộc cưú rỗi các linh hồn, trong khi không ngừng xác tín rằng chính Đức Kitô mới là thủ lĩnh đích thực của dân Thiên Chúa.”[39]

Giống Chúa Giêsu, linh mục là người chăn chiên tốt lành sẵn sàng thí mạng sống mình vì đàn chiên.[40] Và sau khi đã chu toàn tất cả những gì được kỳ vọng nơi mình, linh mục phải biết tự nhận chính mình như một “tôi tớ vô dụng” chỉ làm những gì có bổn phận phải làm.[41] Linh mục được trao tác vụ không phải cho chính bản thân linh mục, nhưng cho cộng đoàn tín hữu, nhất là linh mục giáo phận. Linh mục được trao tác vụ không phải để làm ông chủ sai khiến cộng đoàn, nhưng là để cống hiến cho cộng đoàn sự phục vụ vô vị lợi: “Tìm gặp Đức Kitô nơi người khác… trong tình yêu ưu tiên đối với ‘người nghèo’, nơi họ, con mắt đức tin của chúng ta khám phá ra Chúa Giêsu và khám phá ra một tình yêu bao dung đối với tội nhân.”[42]

Tinh thần phục vụ của người tôi tớ sẽ làm cho linh mục biết vui tươi chấp nhận và dốc sức chu toàn những công việc bổn phận được trao cho mình, dù đó là những công việc vinh dự hay thấp hèn đến đâu đi nữa, dù đó là những công việc gắn liền với tên tuổi hay chỉ âm thầm trong bóng tối và không được ai biết đến mình. Tinh thần phục vụ của người tôi tớ sẽ cắt xén khỏi linh mục những dấu vết bội phản thuộc căn chứng sùng bái sự nghiệp phổ biến trong giới giáo sĩ trẻ ngày nay, một căn chứng có thể làm lệch lạc và thậm chí phá hỏng sứ vụ của mình: nhiều công trình giá trị của tiền nhân bị phá bỏ để xây dựng cái mới, có khi kém hơn, cả về chất lượng cả về giá trị văn hóa và mỹ thuật, chỉ vì muốn để lại dấu tích sự nghiệp của mình. Thật đáng tiếc! 

Tại một trong những học viện dành cho các sinh viên linh mục ở Rôma, chân dung của các cựu sinh viên đã trở thành Giám mục và Hồng y được treo nhan nhãn dọc các hành lang và cầu thang của tòa nhà. Gần nay, các vị hữu trách đã quyết định tháo gỡ các khung ảnh ấy, bởi vì theo báo cáo cho biết, nhiều linh mục sinh viên mới vào trường đã có cảm nghĩ mãnh liệt rằng mình cũng phải phấn đấu để đạt đến những “tầm cao” ấy! "Các sinh viên phải hiểu rõ rằng tiêu điểm phấn đấu cho cuộc sống mình không phải là đạt quyền cao chức trọng và thu vén danh dự, nhưng là tận hiến chính mình cho Thiên Chúa và cho sứ vụ mục vụ. Các sinh viên phải được đào tạo cách riêng về tinh thần vâng phục của linh mục, về tinh thần khó nghèo và từ bỏ, để họ có thể đảm nhận một cuộc sống theo khuôn mẫu của Đức Kitô Khổ Nạn, để họ có thể sẵn sàng từ bỏ cả những gì mình đáng được hưởng, nhưng tự xét thấy là không phù hợp" 

B. 6.  Thầy Dạy (TEACHER) 

Linh mục là Thầy dạy Lời Chúa, nhân danh Chúa Kitô và nhân danh Giáo Hội. Ngài sẽ không dạy những cao trào hay lý thuyết tạm bợ và chóng qua nào đó. Sứ mạng và sứ điệp là của Chúa Kitô, linh mục chỉ là sứ giả của Ngài. Giáo Hội đặt Lời cứu độ trên môi người rao giảng Tin Mừng, giải thích cho họ sứ điệp mà chính Giáo Hội là cơ quan gìn giữ. Giáo Hội trao cho họ bài sai mà chính Giáo Hội đã nhận lãnh từ Chúa Kitô. Linh mục sẽ không rao giảng về chính mình hay về những ý tưởng riêng của mình, nhưng là rao giảng một Tin Mừng mà cả linh mục lẫn Giáo Hội đều không phải là chủ nhân tuyệt đối và do đó không thể uốn ép Tin Mừng ấy tùy theo ý muốn của mình, và phải chuyển giao Tin Mừng ấy một cách tuyệt đối trung thành.[43]

Thật vậy, việc rao giảng Lời Chúa là bổn phận trọng yếu của linh mục. “Trong tư cách là những cộng tác viên của Giám mục, bổn phận đầu tiên của linh mục là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho mọi người …[để có thể] xây dựng và phát triển Dân Thiên Chúa.”[44] Nhưng muốn cho việc rao giảng này có tác dụng, thì nó phải đặt điểm tựa trên đời sống cầu nguyện, và linh mục tiên vàn phải là con người cầu nguyện trước khi là con người rao giảng: Phải nói với Chúa đã, rồi mới có thể nói về Chúa, vì không ai có thể cho cái mình không có.

Linh mục không phải là chủ nhân, nhưng là tôi tớ của Lời Chúa, không đọc Lời cách máy móc nhưng là lắng nghe Lời. Thật vậy, “tâm nguyện, lắng nghe và đáp trả, là hình thức cao nhất của cuộc tương phùng giữa Lời Chúa và cuộc sống mỗi người.” Không thể phủ nhận sự kiện rằng “có một mối tương quan thiết yếu giữa đời sống cầu nguyện cá nhân và việc rao giảng… Việc rao giảng hữu hiệu là một hoa trái khác của việc cầu nguyện cá nhân.”[45]

Đức Thánh Cha Phaolô VI đã diễn tả một cách sắc bén như sau: “Con người thời nay thích lắng nghe các chứng nhân hơn là nghe những thầy dạy, và nếu họ lắng nghe những thầy dạy thì đấy bởi vì những thầy dạy ấy là các chứng nhân.” Bộ Giáo dục Công giáo cũng khẳng định: “Nhà giáo dục sống đời sống đức tin sống động sẽ dạy bằng chính con người mình nhiều hơn là bằng những gì mình nói.” Quả đúng như Ca dao chúng ta dạy: “Lời nói lung lay, gương lành lôi kéo.”

Tóm lại, một khi đã có bản vẽ, đã có mô hình, đã có mẫu thiết kế, chúng ta sẽ bắt tay vào thực hiện công trình. Cầu mong mỗi người chúng ta đều cố gắng hình thành cho mình một mẫu linh mục thích hợp, và nỗ lực xây dựng đời sống ơn gọi của mình theo cái mẫu đó, trong sự cộng tác tích cực và hữu hiệu giữa được đào tạo và tự đào tạo, theo đường lối của Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Với sức con người lắm khi rất khó, nhưng với Chúa thì mọi sự luôn đều là có thể.


[1] Hb 5,7-9. 

[2] x. Alex Robello trong Linh mục thiên niên kỷ mới.

[3] Mt 16,24.  

[4] Thư Luân Lưu về một số khía cạnh cấp bách của việc huấn luyện tu đức trong chủng viện, II,2. 

[5] Thánh Gioan Thánh Giá, Lên Đỉnh Các-men, quyển II, Ch.7, số 7.

[6] x. Mt 16,23. 

[7] Ga 12,24.

[8] Kinh Nguyện Thánh Thể III.

[9] x. Mc 10,14.

[10] x. Ga 11,35.

[11] x. Mc 6,35.

[12] x. Lc 7,11.

[13] x. Mc 1,41. 

[14] x. Mc 10,46.

[15] x. Mc 5,30.

[16] x. Lc 21,2. 

[17] Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 1. 

[18] JP II, Tông Thư Salvifici Doloris, số 30. 

[19] JP II, Triều yếu ngày 14/8/1990. 

[20] 2 Cr 5,16-19. 

[21] 2 Cr 5,19.

[22] x. Ga 11,52.

[23] x. Dt 4,15.

[24] x. Mt 11,19.

[25] x. Lc 23,43.  

[26] Rm 7,24. 

[27] JP II, Reconciliatio et Penitentia, số 31.

[28] x. Mc 6,11. 

[29] Lc 11,1.

[30] x. Mc 14,23

[31]  x. Lc 10,21

[32] x. Mc 14,32

[33] x. Mt 27,36

[34] x. Lc 23,46. 

[35] x. Ga 1,:5.

[36] Thánh Bộ Giáo Sĩ, Linh Mục và Thiên Niên Kỷ Thứ Ba: Thầy Dạy Lời Chúa, Thừa Tác Viên Bí Tích và Người Lãnh Đạo Cộng Đoàn, Ch.3, số 2.

[37] Thánh Gioan Thánh Giá, Ngọn Lửa Sống của Tình Yêu, đoạn 3, 45. 

[38] Mt 10,28.

[39] Bộ Giáo sĩ, Linh Mục Và Thiên Niên Kỷ Thứ Ba…, ch.4, số 3. 

[40] x. Ga 10,11.

[41] x. Lc 17,10.

[42] x. Mt 25, 40; Pastores Dabo Vobis, số 49. 

[43] x. Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, số 15. 

[44] Optatam totius số 4.

[45] Thánh Bộ Giáo Sĩ, Linh Mục Và Thiên Niên Kỷ Thứ Ba…, Ch.2, số 1.

 

VỀ MỤC LỤC
ĐỨC KHÓ NGHÈO TRONG BẬC HÔN NHÂN

 

Tác phẩm: Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Tác giả: D. WAHRHEIT (Lm. Minh Anh, GP. Huế tổng hợp biên tập)

B5. ĐỨC KHÓ NGHÈO TRONG BẬC HÔN NHÂN

1. Trong số 25 của Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng khi bàn về phẩm giá cao cả của bậc hôn nhân, Công Đồng Vaticanô II đã quả quyết rằng, cần phải có nhân đức anh hùng mới có thể chu toàn được những nghĩa vụ của đời sống vợ chồng trong gia đình.

Các vị thánh được gọi là những bậc anh hùng trong đức tin, anh hùng vì hy sinh mạng sống mình để làm chứng cho đức tin; nhưng cũng anh hùng không kém khi làm chứng cho đức tin bằng cuộc sống âm thầm hy sinh từng ngày. Dĩ nhiên, không phải chỉ có những tu sĩ mới có thể sống được cuộc sống anh hùng như thế, những người sống bậc vợ chồng nếu không có một sự kiên nhẫn đến độ anh hùng thì không thể nào chu toàn được ơn gọi và đứng vững trước những thử thách trong cuộc sống chung.

Đời sống cộng đoàn trong dòng tu đòi buộc các tu sĩ phải giữ ba lời khấn là khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục; đời sống tu trì là một thể hiện cao độ của đức ái. Cả ba lời khấn ấy đều nhằm giúp cho các tu sĩ xây dựng cộng đồng yêu thương và như thế trở thành nhân chứng cho tình yêu của Chúa.

Đời sống hôn nhân và gia đình, như Công Đồng Vaticanô II đã định nghĩa trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, thiết yếu là một cộng đồng tình yêu. Do đó, cũng giống như trong tất cả cộng đồng tu trì nào khác, ba lời khấn cũng cần thiết để xây dựng tình yêu trong gia đình. Tình yêu mà đôi tân hôn trao cho nhau trong bí tích Hôn Phối cũng chính là một hình thức khấn hứa. Hai người hứa giữ khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục đối với nhau.

2. Chúng ta đã bàn đến nhân đức khiết tịnh trong bậc vợ chồng. Giờ đây, chúng tôi xin nói đến đức khó nghèo mà hai vợ chồng Kitô hữu được mời gọi vun trồng để xây dựng cộng đồng tình yêu trong gia đình.

Quyền sở hữu là quyền gắn liền với quyền được sử dụng của cải. Tuy nhiên, quyền sở hữu không phải là một quyền tuyệt đối vì bên cạnh đó, vẫn có những giá trị cao hơn như tình yêu, lòng bác ái; vì thế, con người có thể từ bỏ một phần hoặc hy sinh hoàn toàn. Một trong những nguy cơ lớn nhất mà quyền sở hữu thường đặt con người vào là sự ích kỷ. Bản năng chiếm hữu dễ khiến con người thể hiện quyền làm chủ của mình bằng những phát biểu như: “Cái này là của tôi, tất cả những cái này là của tôi, tôi sử dụng tuỳ ý tôi”, v.v.. Đàng sau những phát biểu như thế có thể ẩn tàng cả một thái độ ích kỷ khước từ Thiên Chúa và chối bỏ tha nhân.

Nhân đức khó nghèo mà những người sống đời tận hiến khấn giữ không hẳn chỉ có nghĩa là khước từ quyền sở hữu hoặc sống một cuộc sống khắc khổ, nhưng chính là chia sẻ cho nhau. Nhân đức khó nghèo sẽ trở thành vô nghĩa nếu nó không nhắm đến đức ái. Tự nó, sự khó nghèo không bao giờ là một nhân đức. Người ta có thể là một con người tham lam ích kỷ ngay cả trong thân phận ngửa tay ăn xin. Khó nghèo chỉ có thể là một nhân đức khi của cải vật chất không được tôn thờ như một cứu cánh và khi con người biết sống chia sẻ cho nhau.

Trong ý nghĩa đó, chúng ta hiểu được lời chúc phúc của Chúa Giêsu: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”. Khi con người biết ra khỏi chính mình để chia sẻ cho tha nhân, đó là lúc họ đang sống tinh thần khó nghèo.

3. Hơn bất cứ nơi nào, cộng đồng tình yêu do hôn nhân thiết lập càng đòi hỏi con người sống nhân đức khó nghèo hơn.

Thời Giáo Hội tiên khởi, khi nhìn vào cuộc sống cộng đồng tín hữu, những người chung quanh phải thốt lên: “Hãy nhìn kìa, họ yêu thương nhau là dường nào!”. Thật thế, người ta ngưỡng mộ các tín hữu sơ khai vì mỗi người bán tất cả tài sản của mình và góp chung lại với nhau. Đức ái đã được thể hiện cao độ bằng sự để chung của cải và chia sẻ cho nhau. Nếu có một xã hội Cộng sản thật sự thì cộng đồng các tín hữu tiên khởi chính là xã hội ấy. Nhưng một xã hội Cộng sản như thế chỉ có thể hiện hữu được vì xây dựng trên tình thương.

Hôn nhân và gia đình là một xã hội mẫu mực và cơ bản của con người. Không có sự chia sẻ đặt nền móng trên tình yêu thương, xã hội ấy không thể đứng vững được. Khi hai người phối ngẫu nên một với nhau họ nên giống cộng đồng tín hữu tiên khởi. Họ sẽ để chung của cải, sẽ không còn những phát biểu         như: “Cái này là của tôi, tôi muốn sử dụng như thế nào tuỳ ý tôi”. Mà chỉ còn chung một ý muốn: “Cái này là của chúng ta, chúng ta quyết định chung với nhau”.

Người ta diễn tả sự để chung, hay đúng hơn, nhân đức khó nghèo ấy bằng kiểu nói “của chồng công vợ”. Người chồng có đầu tắt mặt tối để làm ra tiền của, tiền của ấy cũng không còn là của riêng mình nữa mà là của chung cho cả hai người. Người vợ có buôn bán tảo tần để kiếm ra tiền của, tiền của ấy cũng là của chung cho cả hai người.

4. Nhân đức nào cũng bao hàm sự hy sinh. Tự nó, việc để chung của cải chưa hẳn đã là một nhân đức. Chỉ có nhân đức khi con người biết ra khỏi chính mình, lấy ý muốn của người khác làm của mình. Như vậy, của cải vật chất đã được đặt đúng chỗ của nó, nghĩa là một phương tiện để giúp con người đạt được giá trị cao cả hơn trong cuộc sống. Đó là tình yêu và sự thông hiệp trong vợ chồng.

Nhưng tình yêu và sự thông hiệp ấy không chỉ đóng khung trong quan hệ vợ chồng mà còn được trải dài tới con cái trong gia đình. Khi con cái đã đến tuổi có thể hiểu được giá trị của vật chất của cải thì cha mẹ cũng nên cho chúng dự phần vào việc chia sẻ. Điều này sẽ giúp con cái biết chia sẻ và có tinh thần trách nhiệm chung trong gia đình.

Ngoài ra, sự chia sẻ của cải trong gia đình cũng không được đóng khung giữa vợ chồng và con cái. Tinh thần nghèo khó và chia sẻ đích thực cũng sẽ thôi thúc con người ra khỏi ranh giới của gia đình để hướng đến những người chung quanh, nhất là những người nghèo khổ túng thiếu. Hôn nhân và gia đình là một xã hội mẫu mực. Điều đó có nghĩa là tình yêu thương, sự san sẻ trước tiên phải thực hiện trong gia đình để rồi từ đó trào tràn ra cho cả những người chung quanh.

Việc sử dụng của cải là một chất nổ tiềm tàng trong xã hội. Bao nhiêu bất công và tệ trạng xã hội đều bắt nguồn từ lòng tham không đáy và tính ích kỷ của con người. Trong một quy mô nhỏ hơn, việc quản lý của cải trong gia đình cũng là đá thử vàng của tình nghĩa vợ chồng và tình yêu trong gia đình. Biết bao gia đình tan vỡ, biết bao xáo trộn trong gia đình, tất cả ấy đều phát xuất từ sự ích kỷ của con người.

Nhờ đức tin soi dẫn, người tín hữu Kitô sống bậc vợ chồng và đời sống gia đình sẽ thấy được giá trị chóng qua của tiền bạc, của cải trần thế. Họ nên thánh bằng cách thực thi nhân đức khó nghèo qua việc chia sẻ yêu thương giữa mọi thành phần trong gia đình cũng như với mọi người chung quanh.

 

VỀ MỤC LỤC
GIẢI TRÍ TUỔI GIÀ
 

 

Giải trí là làm những việc nhẹ nhàng nào đó để đầu óc thư giãn, cơ thể bớt mệt mỏi, tinh thần được thêm phần thoải mái, vui vẻ.

 

Đây là một phần trong các hoạt động của đời sống, đặc biệt là với quý vị tuổi cao. Lý do là ở tuổi này các bác đã về hưu, sau một thời gian dài gây dựng gia đình, phục vụ cộng đồng, xã hội, các bác sẽ có nhiều thì giờ rảnh rỗi. Các bác cần tham gia vào một thú tiêu khiển nào đó để khỏi rơi vào cảnh “Ngồi buồn mà trách ông Xanh” hoặc “nhàn cư vi bất thiện” cũng như để duy trì tình trạng sức khỏe tinh thần và thể chất lành mạnh.

 

Con cháu nên đặc biệt lưu tâm tới vấn đề này, vì cha mẹ già thường hay trở lại tâm trạng của một đứa bé, hành động bất thường, vui đấy buồn đấy, đôi khi hơi cứng đầu, không chịu nghe ý kiến người khác. Con cháu cũng nên để ý rằng không phải già là không còn các thú tiêu khiển lành mạnh.

 

Trước đấy các cụ ta vẫn nói về hưu là thời kỳ quy ẩn, vui thú điền viên. Các cụ thư giãn với công việc trồng hoa, nuôi chim, làm cây cảnh hoặc “ngao du sơn thủy” thăm viếng bạn bè, quyến thuộc gần xa. Các cụ gặp nhau đánh cờ giao lưu, trà dư tửu hậu, bàn chuyện năm châu bốn bể.

 

Ngày nay lại còn nhiều thú tiêu khiển khác mà quý bác có thể làm, như là:

 

- Tiểu công nghệ tạo ra các sản phẩm nhỏ bé nhờ bàn tay khéo léo kinh nghiệm của các bác, như đồ chơi trẻ em, đồ gốm, vật dụng bằng gỗ… Các đồ chơi này có thể là nguồn lợi tức thêm cho ngân sách gia đình hoặc mang bán để gây quỹ từ thiện, giúp người nghèo khó. Hiện nay, có nhiều lớp hướng dẫn để các bác làm công việc này.

 

- Học vẽ, sử dụng máy vi tính, học chơi một nhạc khí nào đó hoặc tham gia nhóm ca hát tại cơ sở tôn giáo, tổ chức nhân dân. Ở tuổi cao, sử dụng máy vi tính giúp ta tìm đọc nhiều loại sách quý mà không cần tới thư viện, hiểu biết diễn biến nhiều sự việc xảy ra khắp nơi trên thế giới, giúp ta liên lạc với bạn bè qua những lá thư điện tử.

 

- Tập luyện dưỡng sinh với nhiều phương pháp khác nhau, nhưng có chung mục đích là thư giãn tâm hồn, tập trung tư tưởng, giữ tâm thân an lạc, loại bỏ nhiễu ý đồng thời cũng áp dụng các cử động để tăng cường sức mạnh cơ bắp, uyển chuyển trơn tru xương khớp.

 

- Khiêu vũ, múa đôi cũng đang được nhiều bác ưa thích, vừa để thư giãn tâm hồn trong điệu nhạc và cũng dẻo dai đôi chân, uyển chuyển thân hình, giảm béo, hạ huyết áp, đường huyết, cholesterol.

 

- Tham gia các công tác từ thiện giúp đỡ người có nhu cầu, thăm viếng bệnh nhân tại bệnh viện hoặc các vị lão niên khác chẳng may kém sức khỏe đang sống tại nhà người già, viện dưỡng lão.

 

- Tổ chức tham quan di tích lịch sử, phong cảnh quê hương hoặc du lịch xứ lạ để biết thêm phong tục tập quán đất nước quê người.

 

- Tình nguyện tại trường học để truyền đạt kinh nghiệm đời sống, việc làm cho con cháu cũng như kể lại nguồn gốc lịch sử tiền nhân, duy trì văn hóa, truyền thống hào hùng dân tộc.

 

- Làm vườn, trồng cây cảnh, vun tưới mấy luống rau thơm cũng là thú tiêu khiển thanh nhã, thoải mái mà lại tạo thêm phong cảnh đẹp mắt cho ngôi nhà mà đôi vợ chồng già đang ở.

 

- Người có tâm hồn văn học nghệ sĩ thì làm thơ, viết sách, học đàn học hát ca vui ngày tháng với bạn bè, quyến thuộc. Phát minh karaoke vào cuối thế kỷ vừa qua đã giúp con người giao lưu với con người một cách cởi mở, vui nhộn qua việc vô tư “hát cho nhau nghe” dù hay dù dở, miễn là cùng vui.

 

- Rồi lại còn đi câu cá, đánh cờ, chơi domino, ô chữ và nhiều thú vui nhẹ nhàng bổ ích khác.

 

Một giải trí mà ngày nay nhiều lão niên cũng hay tham dự là lui tới các sòng bài, casino.

 

Mấy bác lý luận là tới các sòng bài là có cơ hội gặp gỡ người này người khác hàn huyên cho vui, đồng thời cũng kéo máy tập tay, chơi bài luyện mắt, ăn uống tự do không tốn tiền và coi văn nghệ “chùa”. Đây cũng là giải trí tốt, nếu khách làng chơi giới hạn được thời gian chơi, số tiền sẽ mất, không đam mê cay cú “thua me gỡ bài cào” đến nỗi rơi vào tình trạng  mà cổ nhân thường nhắc nhở là “Cờ bạc là bác thằng Bần”.

 

Tuổi già trí óc thường cũng hay sáo trộn, nhớ trước quên sau, ù lì trì trệ. Nếu không năng dùng tới các chức năng cơ thể thì e rằng sẽ rơi vào tình trạng “thối lui”, cô lập rồi buồn phiền, gắt gỏng, biếng ăn mất ngủ, sức khỏe suy dần. Cho nên, hãy lấp đầy khoảng trống thời gian với các sinh hoạt trò chơi hữu ích để tránh nhàm chán mà lại có lợi cho sức khỏe.

 

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức - Texas-Hoa Kỳ

www.bsnguyenyduc.com

 
VỀ MỤC LỤC
LUYỆN CHỒNG Chuyện phiếm của Gã Siêu

 

Trong một bài viết ngăn ngắn trên báo Phụ Nữ Chủ Nhật, Đoàn Văn Thường đã ghi lại sự nghiệp của các chị vợ, đại khái tác giả viết như thế này:

Vợ là bậc thầy của ta, vì các cụ ngày xưa đã từng bảo “bán tự vi sư”, nửa chữ cũng đã là thầy, huống hồ vợ đã dạy cho ta trọn cả một chữ…nhẫn! Thực vậy, sau khi lấy vợ, ta lập tức quen ngay với sự nhẫn nhục và chịu đựng. Nhiều bố, khi còn là giai tơ, tính tình nóng nảy hung dữ, thế mà vợ vào, bỗng trở nên hiền lành dễ bảo. Chỉ nguyên chuyện này mà thôi, vợ cũng xứng đáng được tôn phong lên hàng “sư mẫu”.

Vợ là nhà xã hội học của ta, vì vợ dạy cho ta biết lao động là vinh quang, cụ thể qua việc nấu ăn, giặt tã, lau nhà, tắm con…

Vợ là nhà đạo đức học của ta, vì vợ dạy cho ta biết yêu thương, đùm bọc, chia sẻ và quan tâm đến người khác, chẳng hạn như bố mẹ vợ, anh chị em vợ và bạn bè của vợ.

Vợ là bác sĩ riêng của ta, vì vợ luôn nhắc nhở ta ăn cơm nhà và tránh phở đường phố, bởi vì phở dù ngon cũng chỉ ngoài da, cơm khê cũng thấm ruột già ruột non; cũng như không được bén mảng tới các quán xá vì thực phẩm ở đó mất vệ sinh, dễ nhiễm khuẩn lây bệnh.Vợ luôn cấm ta nhậu nhẹt, nhằm bảo vệ lá gan của ta khỏi bị u xơ, không nhiễm siêu vi B. Ăn ngủ theo đúng giờ giấc của đồng hồ sinh học, tránh xa xì trét, rất tốt cho sức khoẻ tinh thần lẫn thể xác.

Nếu kể công đức của các chị vợ theo kiểu này, thì có mà đến tận thế cũng chẳng hết. Từ những sự việc trên, gã toan lấy tựa đề cho chuyện phiếm hôm nay là “dạy chồng”. Nhưng xem ra chữ “dạy” hơi bị nặng, làm mất mặt phe ta, vốn là các bậc tu mi nam tử, nên đành phải dùng chữ “luyện”, cho nó nhẹ nhàng, êm dịu hơn, nhưng nội dung cũng vẫn chỉ là một:

- Dạy con từ thuở còn thơ,

  Luyện chồng từ thở bắt bồ làm quen.

Chuyện dạy chồng hay luyện chồng không phải chỉ là chuyện mới, mà còn là chuyện cũ, cũ như trái đất vậy! Đúng thế, để chứng minh cho sự thật này, gã xin đưa ra hai mẩu truyện nho nhỏ, được trích từ sách “Cổ học Tinh hoa”.

Mẩu truyện thứ nhất: Vợ của Hứa Doãn là Nguyễn Thị. Nhan sắc kém lắm. Khi Hứa Doãn mới lấy về, làm lễ cưới xong, trông thấy vợ quá xấu, muốn lập tức bỏ đi thẳng, bèn hỏi Nguyễn Thị rằng:

- Đàn bà có “tứ đức”, vậy nàng được mấy đức?

Nguyễn Thị thưa:

- Thiếp đây chỉ kém có “dung” mà thôi.

Rồi nàng liền hỏi:

- Kẻ sĩ có “bách hạnh”, dám hỏi chàng có mấy hạnh?

Hứa Doãn trả lời:

- Ta có đủ cả bách hạnh.

Nguyễn Thị nói:

- Trong bách hạnh thì đức là đầu. Chàng là người hiếu sắc, không hiếu đức, sao lại bảo là có đủ cả bách hạnh được?

Hứa Doãn nghe nói thế, thì bèn lấy làm xấu hổ và kể từ đó, hai vợ chồng yêu mến, kính trọng nhau suốt cuộc đời.

Và như vậy, chỉ một lời nói nhẹ nhàng, chị vợ đã dạy cho anh chồng một bài học nhớ đời, cũng như đã luyện cho anh chồng chừa bỏ được tính háo sắc, khinh cơm trọng phở mà toan chạy theo bồ nhí.

Truyện thứ hai: Án tử làm tể tướng nước Tề, một hôm đi việc quan, có tên đánh xe theo hầu. Vợ tên đánh xe dòm qua khe cửa, thấy chồng tay cầm cái dù, tay cầm dây cương, mặt vác lên trời, dương dương tự đắc. Lúc chồng về, nàng xin bỏ nhà ra đi. Chồng bèn hỏi:

- Tại làm sao?

Nàng nói:

- Án Tử người gầy thấp, bé nhỏ, làm đến Tướng nước Tề, danh tiếng lừng lấy khắp thiên hạ, thế mà thiếp xem ông vẫn có ý  chín chắn và khiêm nhường, như chưa bằng ai. Còn chàng, cao lớn đẫy đà, chỉ mới làm được một tên đánh xe tầm thường, hèn hạ, thế mà thiếp xem chàng đã ra dáng, lấy làm vinh hạnh, tưởng không ai bằng nữa. Nên thiếp xin từ giã chàng mà đi.

Từ hôm ấy, tên đánh xe bỏ được cái bộ dạng vênh váo, chừa được cái tính nông nổ. Án Tử thấy thế, lấy làm lạ bèn hỏi. Tên đánh xe đem việc nhà kể lại. Án Tử bèn cất cho làm đại phu.

Theo gã nghĩ: cũng chỉ với một vài lời sửa lưng nhẹ nhàng, lấy cái địa vị hèn hạ, cái dáng bộ ngông nghênh của chồng làm xấu hổ, mà sửa được tâm tính chồng và đem lại thanh danh cho chồng. Đúng là:

- Chồng khôn vợ được đi hài,

  Vợ khôn chồng được nhiều bài cậy trông.

- Làm trai lấy được vợ hiền,

  Như cầm đồng tiền mua được của ngon.

Chuyện dạy chồng hay luyện chồng không phải chỉ là chuyện bên Tàu, mà còn là chuyện bên ta, nhưng tuỳ theo từng địa phương, mà cách dạy và luyện ấy được biến đổi, thiên hình vạn trạng, đến quỷ thần cũng không lường nổi.

Có những nơi, các chị vợ luôn dùng tới biện pháp mạnh, khiến cho các anh chồng khiếp bạc cả con mắt:

- Ai về Bình Định mà coi,

  Con gái Bình Định cầm roi dạy chồng.

Một anh bợm nhậu đã kể lại câu chuyện cá biệt của mình một cách công khai trên báo chí về cách dạy và luyện của chị vợ mang tính cách bạo lực: Chuyện xảy ra hơn 10 tháng nay, bỗng một ngày khi tỉnh rượu, tôi thấy mình bị trói, khắp thân người ê ẩm. Tôi kêu lên. Hai đứa con lớn chạy vô bảo:

- Má đi chợ rồi, để con mở trói cho ba.

Qua hai đứa con, tôi mới biết mình bị vợ trói và đánh. Ban trưa cô ấy về, rồi hất hàm mà bảo:

- Ông chừa chưa? Từ nay trở đi, nếu ông còn nhậu và la lối, tôi sẽ xử với ông như vậy đó…(Trần Văn Tiệm, Long An).

Có những nơi, các chị vợ sử dụng biện pháp “cấm vận”, tuy nhẹ nhàng, nhưng cũng đủ làm cho các anh chồng…cạch đến già.

- Chồng bát, chồng đĩa, chồng sứ, chồng sành,

  Chồng ở chẳng lành, chồng ra bờ tre!

Người ta thường bảo: Nhân vô thập toàn. Phàm đã là người, thì ai cũng có những sai lỗi khuyết điểm của mình. Anh chồng cũng như chị vợ. Chẳng ai là một người hoàn toàn trên cõi đời này cả.

Về những sai lỗi khuyết điểm của anh chồng, kể ra thì cũng khá nhiều, nào là đầu óc gia trưởng, chồng chúa vợ tôi, coi vợ chả là cái đinh gì hết. Vợ thì nhất nhất phải tuyệt đối vâng lời chồng, như chủ trương của Khổng Tử:

- Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Ở nhà thì vâng lời cha, đi lập gia đình thì vâng lời chồng, chồng chết thì vâng lời con.

Nào là thói trăng hoa, thích phở hơn cơm, đèo bòng bồ nhí. Nào là tật rượu chè say xỉn, mê nhậu hơn mê vợ.

- Chồng em nó chẳng ra gì,

  Tổ tôm sóc đĩa nó thì chơi hoang.

  Nói ra xấu thiếp, hổ chàng,

  Nó giận, nó phá tan hoang cửa nhà.

Riêng hôm nay, gã muốn đề cập tới một chứng bệnh mà nhiều chị vợ vốn thường hay ca cẩm, than trách về anh chồng của mình, đó là chứng bệnh…lười.

Về chứng bệnh này, ca dao đã diễn tả:

- Chú tôi hay tửu hay tăm,

  Hay nghiện chè tàu, hay nằm ngủ trưa.

  Ngày thì ước những ngày mưa,

  Đêm thì ước những đêm thừa trống canh.

Hay như Tú Xương cũng đã viết:

- Việc nhà phó mặc cho bu nó,

  Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh.

Nếu chịu khó phân tích một chút, gã nhận thấy không hẳn ông trời sinh ra hai loại đàn ông, một loại chăm và một loại lười. Bằng chứng là có những anh chồng, khi còn ở với bu thì chăm, mà lấy vợ rồi thì bỗng dưng lười. Có những anh chồng trong thời gian bồ bịch với nhau thì chăm, nhưng một khi đã rước nàng về dinh thì bỗng dưng cũng lười. Có những anh chồng ở cơ quan với sếp thì chăm, mà về nhà ở với vợ thì cũng lại bỗng dưng lười…Như vậy, phải chăng chị vợ đã góp một phần không nhỏ vào chứng bệnh lười của anh chồng?

Tuy nhiên, để chữa tận căn, theo gã nghĩ có hai việc chị vợ cần phải làm ngay.

 

Việc thứ nhất là phải can đảm xoá bỏ những thành kiến của mình. 

Thực vậy, nhiều chị vợ vốn nghĩ rằng: Việc nhà là lãnh vực riêng tư của phe đờn bà con gái, anh chồng không được xớ rớ tới. Chị vợ rất sợ bị mang tiếng là hư, là đoảng, khi bàn dân thiên hạ nhìn thấy anh chồng của mình thổi cơm, rửa bát, quét nhà…

Hơn thế nữa, nhiều chị vợ còn cho rằng đó là lãnh vực độc quyền và chỉ có mình mới làm được mà thôi. Nếu “bà” không ra tay “cứu khốn phò nguy”, quán xuyến trong ngoài, thì cửa nhà sẽ ngập chìm trong nhơ bẩn, mất trật tự, vô tổ chức và mọi người sẽ bị chết đói.

Mặc dù luôn kêu than rằng mình đầu tắt mặt tối, vất vả từ sáng cho đến tận khuya, mệt đứ đừ không kịp thở. Nhưng nếu anh chồng muốn chia sẻ đỡ đần, thì chị lại không ưng, bởi vì dưới mắt chị anh chồng chỉ là tay “hậu đậu”, trói gà không chặt, đụng đâu hỏng đó. Nếu anh chồng có lau nhà, thì chị sẽ phải lau lại. Nếu anh chồng có rửa bát, thì chị cũng sẽ phải rửa lại. Nếu anh chồng có giặt quần áo, thì chị lại cũng sẽ phải giặt lại.

Những chị vợ này quên rằng các công việc trên bọn đờn ông con giai đều biết làm, thậm chí còn làm một cách xuất sắc. Bằng chứng là những tay đầu bếp giỏi nhất đều là đờn ông, những bác thợ may khéo nhất cũng là đờn ông và những chú thợ uốn tóc đẹp nhất cũng lại là đờn ông tuốt.

Và anh con giai nào đã đi lính, thì đều biết rằng trong suốt thời gian ở quân trường, mình đều phải tự làm mọi việc kể trên mà chẳng cần tới một bàn tay phụ nữ nào giúp đỡ cả. Giày vớ không bóng loáng, áo quần không thẳng ly, giường chiếu không phẳng phiu, thì thế nào cũng bị phạt, một trăm cái hít đất là ít!

Cũng có những chị vợ nghĩ rằng: Nếu mình không chịu khó cưng chiều như thế, thì e rằng anh chồng sẽ đi tìm sự cưng chiều ở một địa chỉ khác ngoài luồng. Những chị ấy quên rằng vào cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, anh chồng đã mê cái bản thân chị, hay mê cái nồi niêu xoong chảo, cái chổi cùn rế rách của chị?

Bây giờ được cưng chiều, anh chồng chỉ cần thêm một tí gia vị, củ hành củ tỏi, là những lời khen ngợi, thế là chị mát lòng mát ruột, sẵn sàng làm tất tật mọi sự, đúng là “khéo mồm miệng, đỡ tay chân”. Rồi cứ thế, cứ thế mà tiến, cho đến lúc chị “ngộ” ra rằng mình bỗng già trước tuổi, tóc tai bù xù, áo quần xốc xếch, chẳng còn hình tượng người ta nữa, trong khi đó anh chồng lại đang tung tăng ngoài vòng phủ sóng, thì e rằng đã quá muộn!

 

Việc thứ hai là phải đưa ra một chương trình “luyện” chồng. 

Trước hết, chị vợ cần phải giúp cho anh chồng xác tín rằng làm việc nhà sẽ đem lại niềm vui và nhất là có lợi cho sức khoẻ. Hoạt động tay chân sẽ làm cho “thùng nước lèo” của anh chồng vơi giảm, nhờ đó mà kéo dài tuổi thọ, bởi vì vòng bụng càng to, thì vòng đời càng ngắn.

Tiếp đến là chị vợ cần phải đưa ra một chương trình cụ thể, mang tính cách tiệm tiến, từng giai đoạn, từ việc dễ tới việc khó, để anh chồng thích thú thực hiện, không nản lòng thất vọng.

Gã xin mượn tạm cái chương trình luyện chồng của chị Thu Nga, được đăng trên Phụ Nữ Chủ Nhật số ra ngày 16.8.2009 như sau:

Chồng chị là con út và cũng là con trai duy nhất trong một gia đình có đến chín cô con gái, nên anh được mọi người hoan hỉ chào đón, và cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa. Thế là chị phải bắt tay vào công cuộc “cải tạo” anh ngay lập tức.

Đầu tiên, những việc dao cưa kìm búa của đờn ông, dứt khoát phải thuộc về anh. Hai đứa ở trọ, căn phòng bé xíu, điện đóm chập chờn, nên lắm thứ hư hỏng…Anh quen thói công tử, nhất nhất việc gì cũng gọi thợ. Chị mặc anh muốn gọi ai thì gọi, nhưng tiền công thì anh phải tự thanh toán. Lương tháng nộp đủ cho chị, nên mấy khoản chi thêm này làm anh héo hon. Đó là chưa kể mỗi lần gọi được ông thợ cũng nhiêu khê. Rốt cuộc, anh đành tự thân vận động, đương nhiên là với sự trợ giúp của chị.

Thắng lợi bước một, chị rón rén tiếp bước hai: Tập cho anh làm việc nhà. Hai vợ chồng son, cơm nước đơn giản, rửa có vài cái chén chứ có gì đâu mà đùn đẩy. Nhưng vì muốn “luyện” anh, nên chị phải giở bài “em mệt” để nhờ vả. Năm lần bảy lượt, anh nhăn nhó, nhưng cũng miễn cưỡng động tay động chân. Anh làm xong, bao giờ chị cũng nhiệt tình cám ơn, như thể anh là đấng phu quân hào hoa nhất trên đời. Cùng với độc chiêu đó, chị dần dà tập cho anh phơi quần áo, lau nhà…

“Ăn hiếp” anh như vậy, chứ chị cũng biết giữ sĩ diện cho anh. Mỗi lần có khách ở quê ra, chị lại đóng vai thục nữ ngoan hiền, chăm lo tất cả, để anh rảnh rang ngồi xem tivi và tiếp chuyện khách. Nhưng anh theo thói quen, vẫn cứ nhào vô phụ giúp vợ.

Có bữa má chồng lên chơi, mắt tròn mắt dẹt nhìn ông con trai cưng hì hụi lau nhà, bà buông lời mát mẻ:

- Mày cưng vợ mày dữ ha!

Chị sợ điếng người, trong khi anh vẫn tỉnh bơ ôm lấy má:

- Nịnh vợ mới có cơm ăn chứ má!

Má cười cho qua chuyện, chứ trong bụng chắc xót xa cho ông con dữ lắm.

So với ngày mới cưới, giờ thì anh đã “lên đai” lắm rồi. Chuyện phụ giúp vợ dọn nhà cửa hay chăm sóc con cái chỉ là chuyện nhỏ. Thỉnh thoảng chị lại trêu:

- Dạy con từ thuở còn thơ,

  Dạy chồng từ thuở bơ vơ mới về.

Anh liền vênh mặt:

- Nam nhi chi chí, sá gì mấy việc vặt của đờn bà. Thương vợ thì giúp, chứ còn khuya mới dạy được thằng này đấy nhé!

Hãy kiên nhẫn trong sự nghiệp luyện chồng, bởi vì mưa dầm thấm đất, lạt mềm buộc chặt. Với chiến thuật này, dù anh chồng có lười biếng, muốn trốn việc nhà, thì cũng khó bề tẩu thoát.

Tới lúc đó, chị vợ thế nào cũng được bàn dân thiên hạ tấm tắc ngợi khen vì đã thành công lớn trong việc “nuôi chồng khoẻ, dạy chồng…ngoan”!

Gã Siêu   gasieu@gmail.com

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************