Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 172, Chúa Nhật 03.06.2012


MỤC LỤC 

Lời Mở Ðầu của Sắc Lệnh Về Ðào Tạo Linh Mục                                                           Vatican 2

MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI                                                Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

HIỆP SỐNG TIN MỪNG: MẦU NHIỆM TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA BA NGÔI    Lm. ĐAN VINH

THIÊN CHÚA LÀ CHA                                                                                Hồng-y L. J. Suenens

CHẤP NHẬN HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH?                                        Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD 

CHIẾC CỔNG                                                                                                      Br. Huynhquảng

Hành-trình vô-thần của Karl Marx khi còn thanh-niên ...(tiếp theo)            Gs. Trần Văn Toàn

Gía trị việc làm của Con Người trong Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội (4)     Tiến sĩ Ng~ Học Tập

Bốn cấp độ của cầu nguyện                                                               Lm. Minh Anh chuyển ngữ

Một mô hình linh mục cho ngày hôm nay (tiếp theo)   Lm. Micae Phaolô Trần Minh Huy, pss.

BỆNH CỦA ĐỘNG MẠCH VÀNH                                                                   Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

CHUYỆN CHUỘT -                                                                             Chuyện phiếm của Gã Siêu


Lời Mở Ðầu Sắc Lệnh Về Ðào Tạo Linh Mục

 

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

Sắc Lệnh Về Ðào Tạo Linh Mục

Optatam Totius

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Lời Mở Ðầu

 

Mọi người mong ước canh tân toàn thể Giáo Hội, Thánh Công Ðồng ý thức rõ ràng như thế, và công cuộc canh tân này phần lớn tùy thuộc việc thi hành chức vụ Linh Mục 1 đã được Thần Linh Chúa Kitô thúc đẩy 3*, do đó Thánh Công Ðồng tuyên bố việc Ðào Tạo Linh Mục là việc vô cùng quan trọng và nêu ra một vài nguyên tắc căn bản: các nguyên tắc này xác quyết những qui luật đã được kinh nghiệm ngàn năm 4* chấp nhận và thêm vào đó những nguyên tắc mới cho hợp với các Hiến chế và Sắc lệnh của Thánh Công Ðồng này cũng như với những biến chuyển của thời đại. Vì tính cách duy nhất của chức Linh Mục Công Giáo, nên việc đào tạo Linh Mục là cần thiết cho tất cả các Linh Mục dòng cũng như triều, thuộc bất cứ lễ chế nào. Do đó, những chỉ thị sau đây, tùy trực tiếp nhằm cho hàng Giáo sĩ triều, nhưng cũng phải tùy nghi thích ứng cho tất cả.

 

I. Phương Thức Ðào Tạo Linh Mục

Áp Dụng Cho Từng Dân Tộc

 

1. Việc đào tạo phải phù hợp với địa phương. Vì có quá nhiều dân tộc và địa phương khác nhau, nên chỉ có thể nêu ra những qui luật tổng quát. Do đó, mỗi dân tộc hay mỗi lễ chế phải áp dụng một "Phương thức đào tạo Linh Mục" riêng, được Hội Ðồng Giám Mục ấn định 2, kiểm nghiệm sau một thời gian và được Tông Tòa phê chuẩn 5*. Nhờ vậy những quy luật phổ quát sẽ được thích nghi với những hoàn cảnh riêng của địa phương và thời đại, để việc đào tạo Linh Mục luôn luôn đáp ứng những nhu cầu mục vụ địa phương, nơi mà các Linh Mục phải thi hành chức vụ.

 

II. Ân Cần Cổ Võ Ơn Thiên Triệu Linh Mục

 

2. Trách nhiệm của toàn dân Thiên Chúa. Toàn thể cộng đoàn Kitô hữu có bổn phận cổ võ các ơn thiên triệu 3, mà trước hết phải tiến hành nghĩa vụ ấy bằng một đời sống Kitô hữu trọn vẹn; các gia đình sống tinh thần đức tin, đức mến và đạo hạnh trở nên như chủng viện sơ khởi 6*, còn những giáo xứ là nơi các thanh niên tham dự vào đời sống phong phú của mình. Các giáo chức và tất cả những ai, bằng bất cứ cách nào, lo việc giáo dục thiếu nhi và thanh niên, nhất là những Hội Ðoàn công giáo phải chú tâm đào luyện các thanh thiếu niên được ủy thác cho mình để họ có thể nhận ra ơn thiên triệu và sẵn lòng bước theo. Mọi Linh Mục phải hết sức nêu cao lòng nhiệt thành tông đồ để khích lệ các ơn thiên triệu và lôi cuốn tâm hồn các thanh thiếu niên đến chức Linh Mục, bằng chính đời sống cá nhân khiêm nhượng, cần mẫn, vui tươi, cũng như bằng tình tương thân tương ái và cộng tác huynh đệ giữa các Linh Mục 7*.

Các Giám Mục có nhiệm vụ thúc đẩy đoàn chiên mình cổ võ ơn thiên triệu 8*, và phải lo phối hợp chặt chẽ mọi năng lực cũng như mọi cố gắng. Thực vậy, các ngài phải lấy tình cha con, không quản ngại hy sinh để giúp đỡ những người chính các ngài xét là được gọi làm sản nghiệp Chúa.

Như thế, việc toàn dân Thiên Chúa hăng say hiệp lực cổ võ các ơn thiên triệu sẽ đáp ứng hành động của Chúa Quan Phòng 9*. Chính Ngài ban những ơn thích hợp cho những ai được Ngài tuyển chọn để tham dự chức Linh Mục phẩm trật của Chúa Kitô và Ngài giúp đỡ họ bằng ân sủng, đồng thời còn ủy nhiệm cho các thừa tác viên hợp pháp của Giáo Hội quyền được gọi những ứng sinh mà các ngài nhận thấy có đủ khả năng, đã được thử thách, có ý ngay lành và hoàn toàn tự do xin thi hành chức vụ cao cả này; các ngài còn được quyền thánh hiến họ bằng ấn tích Chúa Thánh Thần để họ phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ Giáo Hội 4.

Thánh Công Ðồng trước tiên đề nghị những phương thế hỗ trợ theo truyền thống, thí dụ: thiết tha cầu nguyện, sám hối theo tinh thần Kitô giáo, kể cả việc cung ứng cho các Kitô hữu một kiến thức mỗi ngày mỗi thêm sâu rộng hoặc bằng giảng thuyết và giáo lý, hoặc bằng những phương tiện truyền thống xã hội, để làm sáng tỏ mức khẩn thiết, bản chất và sự cao qúy của ơn thiên triệu Linh Mục 10*. Hơn nữa, Công Ðồng yêu cầu các Hội Cổ Võ ơn thiên triệu đã có hoặc sẽ phải thành lập trong mỗi giáo phận, mỗi miền hoặc mỗi quốc gia theo như các văn kiện của các Ðức Giáo Hoàng, phải tổ chức có phương pháp và hệ thống, lại phải vừa thận trọng vừa hăng say đẩy mạnh toàn thể hoạt động mục vụ nhằm cổ võ ơn thiên triệu, đồng thời đừng bỏ qua những trợ lực hữu ích và thích hợp do khoa tâm lý và xã hội học hiện đại cung cấp 5.

Nhưng công cuộc cổ võ ơn thiên triệu phải rộng rãi vượt khỏi ranh giới của từng giáo phận, quốc gia, dòng tu hoặc lễ chế và lưu tâm đến nhu cầu của toàn thể Giáo Hội 11* để nhất thiết trợ giúp những miền đang khẩn cấp cần đến những thợ làm vườn nho Chúa.

 

3. Huấn luyện đức dục và trí dục trong các tiểu chủng viện. Trong các Tiểu Chủng Viện 12* được thiết lập để vun trồng những mầm non ơn thiên triệu 13*, các chủng sinh phải được chuẩn bị bước theo Chúa Kitô Cứu Chuộc 14* với tinh thần quảng đại và tâm hồn trong trắng, nhờ một nền giáo dục tôn giáo đặc biệt, nhất là 15* sự linh hướng thích hợp. Với sự dìu dắt đầy tình phụ tử của các Bề Trên và với sự cộng tác thuận lợi của các phụ huynh, chủng sinh phải sống một đời xứng hợp với lứa tuổi, với tinh thần mà mức độ phát triển của con người thiếu niên và hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn tâm lý lành mạnh 16*, cũng đừng để họ thiếu kinh nghiệm trường đời và thiếu liên lạc với 17* gia đình họ 6. Ngoài ra, các tiêu chuẩn sau đây được quy định cho các Ðại Chủng Viện cũng được thích nghi cho các Tiểu Chủng Viện, còn về học vấn chủng sinh phải theo đuổi, nên tổ chức thế nào để họ có thể tiếp tục dễ dàng ở nơi khác nếu họ chọn một bậc sống khác 18*.

Cũng phải tùy hoàn cảnh địa phương để ân cần cổ võ các mần non ơn thiên triệu nơi thanh thiếu niên trong các Cơ Sở giáo dục 19* cùng theo đuổi một mục đích như các Tiểu Chủng Viện, và cả nơi những kẻ đang thụ huấn trong các trường khác hoặc đang theo đuổi những phương thức giáo dục khác, ước gì mọi người lưu tâm cổ võ những Cơ Sở giáo dục và các tổ chức tương tự khả dĩ giúp những người lớn tuổi 20* bước theo ơn thiên triệu.

 

________

 

Chú thích

1* Ðược gọi là "Sắc Lệnh" khi bản văn đề cập tới việc tổ chức thực tế các chủng viện và những phương thế huấn luyện. Có 47 Nghị Phụ đã yêu cầu gọi bản văn này là "Hiến Chế" vì nó nặng về giáo thuyết. Nhưng Công Ðồng đã giữ lại danh hiệu Sắc Lệnh.

2* "Ðào tạo", La ngữ là "Institutio", được sử dụng từ tháng 11-1963, bao gồm ý nghĩa đào tạo và dạy dỗ như trong bản văn Sedes Sapientiae (31-5-1965) của Ðức Piô XII về việc đào tạo các tu sĩ. Công Ðồng Triđen, đã dùng hai động từ: dạy dỗ (đào tạo luân lý) trong sắc lệnh về các Chủng Viện (x. CÐ Triđen, khóa XXIII, De Reformatione, ch. 18).

1 Chính Chúa Kitô đã muốn cho công việc phát triển toàn Dân Chúa tùy thuộc rất nhiều vào việc thi hành chức vụ Linh Mục. Ðiều này thấy rõ trong lời Chúa phán khi đặt các Tông Ðồ như những kẻ kế vị và cộng tác với Người làm người rao giảng Phúc Âm, làm thủ lãnh dân tộc mới đã được tuyển chọn, và làm quản lý phân phát các mầu nhiệm Thiên Chúa; hơn nữa những ngôn từ của các Giáo Phụ, các Thánh, và những tài liệu được nhắc đi nhắc lại nhiều lần của các Ðức Giáo Hoàng đều xác quyết như thế. - Xem, nhất là: T. Piô X. Huấn dụ cho giáo sĩ  Hoerent animo, 4-8-1908: S. Pii X Acta IV, trg 237-264; Piô XI, Tđ Ad catholici Sacerdotii, 20-12-1935: AAS 28 (1936) nhất là trg 37-52; Piô XII, Tông huấn Menti nostrae, 23-9-1950: AAS 42 (1950), trg 657-702; Gioan XXIII, Tđ Sacerdotii Nostri primodia, 1-8-1959: AAS 51 (1959), trg 545-579; Phaolô VI, Tông thư Summi Dei Verbum, 4-11-1963: AAS 55 (1963), trg 979-995.

3* Những chữ này được thêm vào do lời yêu cầu của các Nghị Phụ khi thấy phần vào đề quá pháp lý và khô khan: không phải việc gì cũng canh tân được Giáo Hội, nhưng chỉ có công việc bắt nguồn từ chức Linh Mục đích thực của Chúa Kitô. Ghi chú 1 còn mang một lý do thần học giá trị nữa, Ðể tra cứu ta có thể thêm những tài liệu của Công Ðồng Vat II trong: GH 28 và LM 7.

4* Giáo Hội qua mọi thời không thiếu lo lắng đối với các vấn đề sôi động này. Cũng vậy, vì muốn cởi mở với thế giới hiện tại. Sắc Lệnh đã tìm vào nguồn phong phú trong kho tàng giáo huấn quá khứ. Cho rằng việc đào tạo linh mục ngày nay như là một công việc hoàn toàn mới mẽ và theo những nguyên tắc thuần xã hội là tước bỏ sự khôn ngoan hai ngàn năm qua của Giáo Hội. Ta còn cần ghi chú rằng phần lớn những tra cứu về Giáo Huấn trong Sắc Lệnh này đều do những bản văn thuộc thế kỷ này: 106 trên 108 ghi chú thuộc thời gian từ 1893-1965. Ðức Piô XII được trích dẫn nhiều nhất (44 lần), chứng tỏ Công Ðồng kính trọng rõ rệt sự sáng suốt và lòng nhiệt thành của ngài đối với các Linh Mục. Mười lăm trích dẫn ở các văn kiện khác của Công Ðồng Vat. II bảo đảm sự hiệp nhất trong giáo thuyết của tài liệu này đối với Công Ðồng.

2 Tất cả việc đào tạo Linh Mục, nghĩa là việc tổ chức chủng viện, huấn luyện đời sống thiêng liêng, phương thức học hành, đời sống chung và kỷ luật của chủng sinh, thực tập mục vụ, đều phải thích nghi với hoàn cảnh khác nhau của địa phương. Những điểm chính yếu trong việc thích nghi này phải được làm theo những quy tắc chung: do Hội Ðồng Giám Mục, để áp dụng cho giáo sĩ triều, và tùy lý do thích hợp, áp dụng cho giáo sĩ dòng do các vị Bề Trên có thẩm quyền (Xem Thánh Bộ Dòng Tu, Tông hiến Sedes Sapientae và bản đính phụ Statula Generalia tiết mục 19, x.b. lần 2, Roma (1957), trg 38 tt.

5* Ðể giúp đỡ những cố gắng của các Hội Ðồng Giám Mục trong việc thiết lập một phương thức đào tạo Linh Mục riêng, Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo đã ban hành ngày 6-1-1970 một "Lý thuyết căn bản đào tạo Linh Mục".

3 Một trong những mối lo âu chính yếu của Giáo Hội ngày nay là hầu như khắp nơi đều thấy số ơn thiên triệu giảm sút quá nhiều. - Xem Piô XII, Tông huấn Menti Nostrae: "... Ở các miền Công giáo cũng như nơi các xứ truyền giáo, con số Linh Mục hầu như luôn không đủ để đáp ứng những nhu cầu càng ngày càng tăng": AAS 42 (1950), trg 682. - Gioan XXIII: "Vấn đề ơn thiên triệu giáo sĩ và tu sĩ là mối lo âu hằng ngày của Giáo Hoàng... đó là tiếng khẩn cầu của Giáo Hoàng trong khi cầu nguyện, là ước vọng mãnh liệt trong tâm hồn Giáo Hoàng". (Trích Huấn từ cho Ðại Hội Quốc Tế 1 về ơn gọi tiến tới Bậc Trọn Lành, 16-12-1961: AAS 54 (1962), trg 33).

6* Ðáng ca tụng thay lòng quí trọng của các gia đình Việt Nam đối với ơn kêu gọi làm Linh Mục, sự nâng đỡ của các giáo xứ đối với những người đang hướng về chức Linh Mục và lòng nhiệt thành của bao Linh Mục nhằm bảo đảm cho có người nối tiếp.

7* Lược đồ F chỉ nói về "mẫu gương" linh mục; 20 Nghị Phụ đã đưa ra đề nghị tu chỉnh về "chứng tích của linh mục là nguồn ơn kêu gọi" và lược đồ G đã chỉ rõ 5 đặc tính: bác ái, vui tươi, hòa hợp, khiêm nhường và làm việc. Trước kia, chính Ðức Piô XII đã nói rằng: "Mỗi linh mục phải tìm thấy và chuẩn bị nơi mình một người kế vị". (Menti Nostrae, số 75) Sắc Lệnh LM đề cập lại ở số 11a.

8* Ðức Hồng Y Garrone đưa ra những đề nghị thực tiển vơí các Giám Mục trong tạp chí Vocation số 238 (4/1967), trg 167-173.

9* Ủy Ban đã xác quyết rằng Công Ðồng không có ý định giải quyết vấn đề về bản chất ơn kêu gọi đã được bàn cãi vào thời kinh sĩ Lahitton, cha Branchereau v.v... khoảng năm 1910. Ở đây Công Ðồng chỉ thống nhất và định rõ vai trò: trước hết là Chúa kêu gọi cách nhưng không và ban ơn hộ giúp, thứ đến Giáo Hội, qua những vị có trách nhiệm hợp pháp, xét đoán về sự xứng hợp và gọi đến lãnh Bí Tích Truyền Chức. Những người được kêu gọi phải đáp lại cách quảng đại, với ý hướng ngay thẳng và tự do hoàn toàn. Những yếu tố đó cần thiết cho tất cả những ơn kêu gọi đúng nghĩa.

4 Piô XII, Tông hiến Sedes Sapientiae, 31-5-1956: AAS 48 (1956), trg 357. - Phaolo VI, Tông thư Summi Dei erbum, 4-11-1963: AAS 55 (1963), trg 984 tt.

10* Lý Thuyết Căn Bản (LTCB) lập lại ý nghĩa và sự quan trọng của "Ngày thế giới cầu cho ơn thiên triệu". "Ngày" này được thiết lập ngày 23-1-1964 và được ấn định cử hành vào Chúa Nhật thứ Ba mùa Phục Sinh. Thật là một việc thức thời tuyệt hảo nhằm tăng triển các ơn kêu gọi.

5 Xem nhất là, Piô XII. Tự sắc Cum Nobis "Về việc thành lập Giáo Hoàng Hiệp Hội Cổ võ Ơn Thiên Triệu Linh mục tại Thánh bộ chủng viện và đại học", ngày 4-11-1941: AAS 33 (1941), trg 479, với các Ðiều Lệ và Nội Quy cũng do Thánh bộ này phổ biến ngày 8-9-1943. tự sắc Cum Supremae "Về Giáo Hoàng Tổng Hội cổ võ ơn Thiên Triệu tu dòng", ngày 11-2-1955: AAS 47 (1955), trg 266, với các Ðiều Lệ� và Nội Quy do Thánh bộ Tu dòng phổ biến (n.t. trg 298-301). - CÐ Vat. II, Sắc lệnh về việc canh tân thích nghi đời sống Dòng tu Perfectae Caritatis, số 24; Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội Christus Dominus, số 15.

11* Sắc lệnh về Hoạt Ðộng Truyền Giáo (số 16a) nhắc lại rằng ơn kêu gọi làm linh mục trong những miền truyền giáo là một dấu hiệu chắc chắn và hứa hẹn nhiều cho sự thành lập Giáo Hội giữa các dân tộc này.

12* tại Công Ðồng trước tình trạng sa ngã của một số linh mục nhiều Nghị Phụ tán dương việc bắt buộc thiết lập chủng viện cho tuổi trẻ như Giáo Luật số 1354, 2 đòi hỏi: 68 vị khác lại khẩn thiết yêu cầu đừng bắt buộc như thế. Cuối cùng, ý thức về những hoàn cảnh khác biệt giữa các quốc gia, Thánh Công Ðồng đã không đòi hỏi điều đó. Tuy nhiên Giáo Hội cũng không thể quên tất cả những gì mà Giáo Hội đã được hưởng nhờ qua những thể chế đã có từ Công Ðồng Triđen. Giáo Hội cũng nhắc lại ở đây là những nơi còn giữ lại các thể chế ấy phải theo chiều hướng và dùng các phương thế sao cho thích hợp hơn với thời đại tân tiến này.

13* Như thế là Giáo Hội ý thức về thực tại của ơn gọi nơi trẻ em. LTCB nói rõ về điểm thường ít được biết tới là: ơn kêu gọi này biểu hiệu bằng nhiều cách với những lứa tuổi khác nhau trong đời sống con người, nơi các thiếu niên, nơi những người lớn tuổi hơn; và như kinh nghiệm vững chắc của Giáo Hội chứng nhận, ơn kêu gọi nơi các trẻ em là như một hột giống. Ơn kêu gọi thường liên kết chặt chẽ với nếp sống đạo đức, với tính mến nồng nhiệt đối với Thiên Chúa và tha nhân, với tấm lòng hướng về việc tông đồ (LTCB số 7).

Ở việt Nam, Giáo Hội viết rõ tất cả những gì phải làm cho các chủng viện của tuổi trẻ; ước muốn Giáo Hội là không ngừng cải thiện (xem Lý Thuyết Quốc Gia về việc đào tạo linh mục số 1-18, ấn bản La ngữ, tháng 7 năm 1971).

14* Bản văn nói "Chúa Kitô Cứu Chuộc" chứ không nói "Chúa Giêsu Linh Mục" như khi nói về các đại chủng sinh. Một câu trả lời minh nhiên của Ủy Ban nhấn mạnh điều đó: "Một sự đào tạo thiêng liêng căn bản, đặt trên tính cách thiêng liêng của phép Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể sẽ liên kết với Chúa Kitô Cứu Chộc những người trẻ muốn hiến mình cho công cuộc cứu rỗi thế giới với một lòng quảng đại, trong sạch, nhiệt tâm yêu mến Chúa Kitô. Công Ðồng đã chấp nhận đề nghị tu chỉnh về sự trong sạch tâm hồn, trong khi bày tỏ nhu cầu cho các thiếu niên sống giữa thế giới đầy lôi kéo về thú vui giác quan, phải biết vững mạnh bảo vệ sự tinh khiết cho Chúa và cho những người cần được cứu vớt.

15* Bản văn nói: "Nhất là..." chính là nhắc lại vai trò quan trọng của một sự hướng dẫn thiêng liêng thật sự trong sự xét định, triển nở và chín mùi của ơn thiên triệu (xem LTCB số 14).

16* Sự đào tạo thích ứng và phù hợp hơn với tâm lý các thiếu niên thúc giục việc xét lại nhiều cách sử dụng hay những luật lệ có khuynh hướng muốn làm cho các thiếu niên thành những "giáo sĩ trẻ", những thầy dòng quá sớm, khiến sự tự nhiên và sức sống dồi dào của họ không được tôn trọng, với mối nguy hiểm đưa tới thoái hóa tâm lý hay mặc cảm tiếm đoạt sẽ biểu lộ ra sau này bằng sự phẫn nộ, bất mãn và chống đối.

17* Hơn nữa những liên lạc gia đình (những ngày nghỉ, thăm viếng, thư tín...) cần thiết để tình thương được cân bằng. Kinh nghiệm trường đời sẽ được thâu lượm dần dần trong những giao tiếp với xã hội và Giáo Hội địa phương: những cuộc thăm viếng các xưởng máy và trường chuyên nghiệp, những buổi thuyết trình về các vấn đề xã hội và tôn giáo, những phim ảnh được chọn lựa cẩn thận và được thảo luận dưới sự hướng dẫn của giáo sư có khả năng, một thư viện với đầy đủ các sách hữu ích về nhiều đề tài khác nhau, sự sử dụng hợp lý máy thâu thanh, truyền hình, báo chí, tranh ảnh, tranh giải thể thao... (xem LTCB số 12).

6 Xem Piô XII, Tông huấn Menti Nostrae, 23-9-1950: AAS 42 (1950), trg 685.

18* Ở đây Giáo Hội tỏ ra rất thực tế: có nhiều thiếu niên giữa đường thú nhận là không thích hợp, nhiều người khác do dự hoặc muốn tự do chọn một hướng đi khác. Tất cả những người đó sẽ không bị một dày vò nào khi họ từ giã chủng viện, nơi mà người ta học các môn theo chương trình của quốc gia. Ðiều đó còn làm cho những ai kiên trì hướng về chức linh mục có được trình độ học vấn của các thiếu niên cùng tuổi với họ và được thích nghi vơí nền văn hóa quốc gia của thời đại họ (LTCB số 13). LTCB còn nhắc thêm rằng: cần thêm vào chương trình những môn học thích hợp, trực tiếp hướng về chức Linh Mục: Nhập môn Tân Ước, Giáo Sử, La Ngữ (số 13).

19* Ở đây có lẽ Sắc Lệnh muốn nhắc về những công trình tương tự như: những trường tông đồ, đệ tử viện, trường thử: Sắc Lệnh cũng như muốn báo hiệu xa hơn nữa về những môi trường giáo dục: trung học, văn đàn, học viện, nơi mà những thiếu niên có ước vọng hướng tới chức linh mục có thể tiếp xúc và đáng được chăm sóc đặc biệt.

20* Sự nhắc nhở về "những ơn gọi lớn tuổi" (kiểu nói "tu muộn" cần phải đổi, nhất là ở nước ta, vì phần lớn các ơn gọi đó chưa qua khỏi tuổi 20) chứng tỏ thái độ của Giáo Hội muốn nâng đỡ tất cả những ai Chúa có thể gọi. LTCB số 19 cũng đòi phải thiết lập những học viện để nâng đỡ họ. Số 3 này chưa hoàn toàn thỏa mãn ước nguyện của một số đông Giám Mục ao ước có được những hướng dẫn đầy đủ hơn cho vấn đề quan trọng đó. LTCB đề cập lại với nhiều cho tiết hơn trong các số 11-19.

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC
MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI

 

Hỏi : xin cha giải thích rỏ về Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi mà Giáo Hội mừng kính trong Chúa Nhật này.

Trả lời:

Cách  đây hơn  bốn năm, sau khi Bản Nghi Thức Thánh Lễ mới được Hội Đồng Giám Mục Viêt Nam công bố cho thi hành trên toàn quốc, nhiều ý kiến khác nhau đã được bày tỏ liên quan đến nội dung dịch thụât và một số từ ngữ thần học và phụng vụ được sử dụng trong Bản Nghi Thức mới này.

Trước hết là phần mở đầu Thánh Lễ , Chủ tế làm dấu thánh giá với công thức :

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần

Công thức này đã được dùng lại từ Bản Nghi Thức cũ xuất bản năm 1969 nhưng  khác với  công thức của Bản thứ 2  ban hành năm 1992 như sau:

Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần

Lý do thay đổi được đưa ra  là để tránh sự  lầm lẫn về “Ba Chúa” (Trithéisme) có thể gây ra trong công thức của Bản 1992 tức là muốn nhấn mạnh đến  sự kiện  chỉ có Một Thiên Chúa với Ba Ngôi Vị  “đồng một bản thể (consubstantialis) và uy quyền như nhau ” đúng như  Giáo Hội tuyên xưng trong Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicene (325 A.D).

Chi tiết quan trọng này rất thích hợp để chúng ta suy niệm về Mầu Nhiêm Chúa Ba Ngôi (The Holy Trinity) mà Giáo Hội cử hành Chúa Nhật tuần này.

Có thể nói : Chúa Ba Ngôi là một Mầu  Nhiệm  lớn nhất của Đạo Công Giáo được  Chúa Kitô thiết lập trên nền tảng các Thánh Tông Đồ cách nay trên 2000 năm.

Xưa kia, các Thánh Giáo Phụ (Church Fathers) , đặc biệt Thánh Augustinô (354-430), đã suy niệm rất  nhiều về Mầu Nhiệm này nhưng  các  ngài đã không thể tìm ra được lời giải đáp thuần lý nào ngoài xác tín đó là Mầu Nhiệm phải tin mà thôi.

Trước hết, Mầu Nhiệm này đã không được mặc khải trong Kinh Thánh Cựu Ước có lẽ để tránh bối rối cho Dân Do Thái vốn quen với não  trạng   “độc thần = monotheism” theo đó họ chỉ biết tôn thờ một Thiên Chúa Yaweb là Cha của các Tổ Phụ Abraham , Isaac và Jacob và  cũng là Thiên Chúa đã giải phóng họ, qua bàn  tay ông Môisen ,  khỏi ách thống khổ bên AiCập, được an toàn  trở về quê hương. Nghĩa là họ không biết gì về Chúa Kitô, Đấng đã xuống trần gian làm Con Người để cứu chuộc cho nhân loại khỏi chết vì tôi. Cũng như không biết Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý, là Đấng ban sự sống, đã khai sinh Chúa Giêsu trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria và đã phục sinh Chúa Giêsu-Kitô từ cõi chết sau ba ngày nằm trong mồ đá.

 Vì thế  sau khi đưa dân  Do Thái an toàn vượt qua Biển đỏ và tiến vào hoang địa để ở đó trong 40 năm chờ ngày vào chiếm hữu vùng Đất Hứa, ông Môisen, trong thời gian này,  đã nhắc lại cho Dân ghi nhớ và suy niệm  rằng “  trên trời cao cũng như dưới đất thấp , chính CHÚA là Thiên Chúa chứ không có thần nào khác nữa. Anh  em hãy giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người mà hôm nay tôi truyền cho anh  em , như vậy anh  em và con cháu anh  em sau này sẽ được hạnh phúc , được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA , Thiên Chúa của anh  em vĩnh viễn ban cho anh  em.(Đnl 4, 39-40). Đó là Thiên Chúa mà dân Do Thái tôn thờ từ thời Cựu Ước cho đến nay.

Ngược lại,  trong Kinh Thánh Tân Ước mà anh  em Do Thái không nhìn nhận và đọc chung với chúng ta, thì  Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi đã được mặc khải rõ ràng cho nhân loại lần đầu tiên qua trình thuật Chúa Giêsu nhận phép rửa của Thánh Gioan Tẩy  Giả trong sông Jordan (x Mt 3,13-17; Mc 1,9-11;Lc 3,21-22), nơi đây “Chúa Thánh Thần  ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu” và  tiếng nói của Chúa Cha lần đầu được nghe  từ trời  cao phán ra :“ Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Lc 3:22).

Tiếng Chúa Cha lại được nghe thêm một lần nữa khi Chúa Giêsu  Biến Hình trên núi Tabor trước mắt ba Tông Đồ Phêrô, Gioan và Gia Cô Bê : Đây là Con Ta yêu dấu hằng đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. (Mt 17: 5) Đặc biệt trong Tin Mừng Thánh Matthêu , Chúa Giêsu đã minh nhiên nói đến Ba Ngôi Thiên Chúa khi Người  truyền cho các Tông Đồ đi rao giảng Tin Mừng Cưú Độ và rửa tội cho muôn dân  “nhân danh Cha , và Con  và Thánh Thần,”. Những lời này của Chúa Giêsu đã vén mở cho chúng ta biết về Ba Ngôi Thiên Chúa đồng bản thể trong Một Thiên Chúa duy nhất mà Giáo Hội long trọng mừng Lễ hôm nay.

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi thực không thể giải thích cách thuần lý nào cho con người  hiểu được. Nhưng, là tín hữu Công Giáo, chúng ta phải tuyên xưng và sống với mọi chiều kích của Mầu Nhiệm này để không bị rối đạo (heretical). Tuy nhiên, để giúp cho các em nhỏ  và người lớn học giáo lý hiểu về Mầu Nhiệm này, ta có thể dùng hình ảnh một ngọn đèn điện hay đèn dầu. Mọi  đèn này đều có 3 yếu tố không thể tách rời nhau được : Một  là hình dáng (shape) của đèn như dài ngắn, tròn hay vuông, to hay nhỏ... Yếu tố thứ hai là ánh sáng (light) phát ra khi đèn được bật hay đốt lên. Yếu tố thứ ba là sức nóng  (heat) sẽ phát ra từ đèn sau một thời gian ngắn được thắp sáng lên. Thiếu một trong 3 yếu tố trên thì không thể có đèn điện hay đèn dầu được, vì không có đèn nào mà lại không phát ra  ánh sáng, sức nóng trong một hình dáng cụ thể mà người ta trông thấy được.

Cũng vậy, tuy với Ba Ngôi Vị  là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,  nhưng cùng Một Thiên Chúa duy nhất thánh thiện, uy quyền và đầy yêu thương. Chính tình yêu này của Ba Ngôi Thiên Chúa đã đưa đến kết quả  “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa..” (St 1,27) và “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tim 2,4).

Mặt khác, Mầu Nhiệm BA trong MỘT cũng diễn  tả cách siêu hình cho chúng ta biết về bản chất của Giáo Hội là tuy có nhiều trong thành phần nhưng  chỉ qui kết về  một đích điểm : đó là cùng  một Đức Tin, một Phép Rửa , một Thiên  Chúa duy nhất  là Đấng  đã dựng lên và cứu chuộc con người chỉ vì yêu thương và tha thứ… Do đó, tuyên xưng và sống  Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi cũng mạnh mẽ đòi hỏi  chúng ta phải san bằng mọi dị biệt, mọi bất đồng và mọi trở ngaị để trở nên MỘT trong cùng một niềm tin, trong yêu thương, bác ái và an hoà với nhau như Ba Ngôi trong Một THIÊN CHÚA của Tình Thương, Công minh, An bình và Hiệp nhất.

Ước mong giải đáp này thỏa mãn phần nào câu hỏi được đặt ra. 

LM. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

VỀ MỤC LỤC
HIỆP SỐNG TIN MỪNG: MẦU NHIỆM TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA BA NGÔI

 

CHÚA NHẬT IX TN- LỄ CHÚA BA NGÔI

Đnl 4,32-34.39-40 ; Rm 8,14-17 ; Mt 28,16-20.

 

I. HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Mt 28,16-20.

(16) Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. (17) Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. (18) Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. (19) Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. (20) Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.

2. Ý CHÍNH:

Trong bài Tin mừng của thánh Mát-thêu hôm nay, Đức Giê-su Phục Sinh hẹn các Tông đồ đến một ngọn núi tại miền Ga-li-lê. Ở đó sau khi tuyên bố đã được Chúa Cha cho toàn quyền trên trời dưới đất, Người sai các ông đi khắp nơi thâu nạp môn đồ cho Người, làm phép rửa cho họ “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Người cũng hứa sẽ ở cùng các ông mọi ngày cho đến tận thế.

3. CHÚ THÍCH:

-C 16-17: + Mười một môn đệ: Đây là Nhóm Mười Hai, nhưng thiếu Giu-đa, kẻ phản bội, và Mát-thi-a chưa được bổ sung vào danh sách thế chỗ cho Giu-đa (x. Cv 1,15-26). Nhóm này là Tông Đồ Đoàn được trao quyền lãnh đạo Hội Thánh. Còn về Giu-đa Ít-ca-ri-ốt: khi thấy Thầy Giêsu sắp bị kết án tử hình, Giu-đa đã bị hối hận. Hắn liền đem ba mươi quan tiền trả lại cho các đầu mục Do thái nhưng đã bị họ từ chối. Giu-đa thất vọng nên đã ném tiền vào cung thánh Đền thờ rồi đi thắt cổ tự tử (x. Mt 27,3-5). + Đi tới miền Ga-li-lê: Tức là đến miền đất dân ngoại theo chỉ thị của Chúa Phục Sinh qua bà Ma-ri-a Mác-đa-la (x. Mt 28,10), và cũng để noi gương Đức Giêsu đã bắt đầu rao giảng Tin Mừng Nước Trời tại xứ Ga-li-lê (x. Mt 4,12-17), + Đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến: Ngày nay người ta không thể xác định đây là núi nào. Nhưng có lẽ Mát-thêu chỉ muốn nói đến quả núi với ý nghĩa tượng trưng: Núi là nơi Thiên Chúa gặp gỡ và mặc khải cho loài người. Chẳng hạn : Đức Chúa đã trao Thập Giới cho Mô-sê trên núi Khô-rép (x. Xh 24,13.15.18). Đức Giêsu cũng đã công bố Hiến Chương Nước Trời hay Tám Mối Phúc Thật trên núi, nên còn gọi là “Bài Giảng Trên Núi” (x. Mt 5,1-7,27). +Thấy Người, các ông bái lạy: Sau nhiều lần hiện ra để củng cố niềm tin cho môn đệ, trước khi về trời Chúa Phục Sinh đã hiện ra để trao sứ mệnh loan Tin mừng phổ quát cho các ông. Cử chỉ bái lạy nói lên các ông đã tin Chúa Giêsu là “Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa”. + Nhưng có mấy ông lại hoài nghi: Câu này xem ra mâu thuẫn với thái độ bái lạy vừa nói. Thực ra, hoài nghi là thái độ phải xảy ra nơi các môn đệ trước khi các ông đạt tới đức tin hoàn hảo. Chắc là Mát-thêu muốn nói đến sự hoài nghi đã xảy ra trước đó mà ngài chưa lần nào đề cập đến. Như vậy đây chỉ là một sự trục trặc về lối hành văn, chứ không mâu thuẫn về mặt tư tưởng. Ngoài ra cũng có người cho rằng: Vì đây là cuộc hiện ra để “trao sứ mệnh” cho Nhóm Mười Một đại diện Hội Thánh, nên sự hoài nghi ở đây chính là sự hòai nghi nói chung của Hội Thánh xưa nay: Mầu nhiệm Phục Sinh tuy là một sự thật hiển nhiên, nhưng bao giờ cũng vẫn có người còn hoài nghi.

-C 18-19: +Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất: Lúc khởi đầu sứ mệnh, cũng trên núi cao, Đức Giê-su đã từ chối quyền hành trên các nước thế gian do Xa-tan hứa ban (x. Mt 4,8-10). Nhưng giờ đây Người tuyên bố: Người đã được Thiên Chúa trao toàn quyền trên trời dưới đất, ứng nghiệm lời tuyên sấm của Ngôn sứ Đa-ni-en về sứ mệnh của Con Người như sau: “Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; Muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; Vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong, khác hẳn với mọi vương quốc. Nó sẽ ăn hết toàn cõi đất, sẽ dẫm nát và nghiền tan” (Đn 7,14). + Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ: Hội Thánh phải dùng quyền Đức Giê-su ban để nhân danh Người mà làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người. Trước hết là dân Do Thái (x. Mt 10,5-6), rồi đến mọi dân nước trên thế giới (x. Mt 8,11). +Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần:  Để người ta trở nên môn đệ Đức Giê-su, các Tông đồ phải làm phép rửa tái sinh họ bằng nước và Thần Khí (x. Ga 3,3.5). Phép rửa được cử hành nhân danh Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (x. Mt 28,19).

-C 28,20: +Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em: Sứ mệnh các Tông đồ gồm cả quyền dạy dỗ các tín hữu cho tới khi Hội Thánh đạt tới tình trạng viên mãn (x. Ep 1,23).+Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế: Chúa Phục Sinh hứa sẽ luôn ở trong Hội Thánh cho đến tận thế nhờ Thánh Thần và qua các mục tử, để giúp Hội Thánh chu toàn sứ mệnh “được sai đi”. Như vậy Đức Giê-su chính là “Đấng Em-ma-nu-en: Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23).

4.CÂU HỎI:

1)Tại sao chỉ có mười một Tông đồ hiện diện lúc Chúa lên trời?

2)Số phận của Giu-đa Ít-ca-ri-ốt thế nào sau khi phản nộp Thầy?

3)Tại sao Chúa Phục Sinh  truyền cho các Tông đồ trở về Ga-li-lê?

4)Ngọn núi Chúa truyền cho các Tông đồ đến là núi nào?

5)Mấy kẻ còn hoài nghi gồm những ai và hoài nghi về điều gì?

6) Đức Giê-su đã từ chối quyền hành trên các nước thế gian, do Xa-tan hứa ban khi nào?

7) Đức Giê-su đã được ai trao toàn quyền trên trời dưới đất, hầu ứng nghiệm với sấm ngôn của vị Ngôn sứ nào? Lời tuyên sấm ấy nội dung ra sao?

8)Chúa truyền cho Hội Thánh phải làm cho những ai trở thành môn đệ của Người?

9)Sau khi thâu nạp môn đệ, Hội Thánh cần tiếp tục làm gì cho họ?

10)Câu nào trong đọan Tin mừng trên chứng minh Chúa Giêsu mặc khải mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi?

 

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

2. CÂU CHUYỆN: CHÀNG SINH VIÊN VÀ ÔNG GIÀ.

Trên chuyến xe lửa từ Ly-ông đi Pa-ri (Lyon-Paris), một thanh niên ăn mặc sang trọng, ngồi bên một ông già có dáng vẻ hơi nhà quê. Bấy giờ ông cụ tay cầm cỗ tràng hạt, mắt nhắm lại và miệng đang lẩm bẩm đọc kinh. Chờ cho ông cụ đọc kinh xong, chàng thanh niên liền gợi chuyện: “Cháu có thắc mắc là không biết tại sao đến giờ này mà ông vẫn còn tin vào những điều huyền hoặc của tôn giáo như thời Trung cổ? Chắc ông cũng tin mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Đức Mẹ sinh con mà còn đồng trinh và những chuyện đại loại như thế mà mấy ông cha sở vẫn nhai đi nhai lại trong nhà thờ chứ gì?” Ông già trả lời: “Đúng vậy! Thế còn cậu thì sao?” Chàng trai liền cười rộ lên và nói: “Cháu mà lại tin vào những điều nhảm nhí đó sao? Cháu đã khám phá ra sự thật khi học đại học. Thiết tưởng ông cũng nên bắt đầu bỏ xâu chuỗi kia đi là vừa, để dành thời giờ đọc các sách báo khoa học tiến bộ!” Ông lão liền nói: “Tôi cũng muốn được như vậy, nhưng lại không biết tìm đâu ra các sách báo khoa học đó!” Chàng thanh niên đáp: “Được rồi, cháu sẽ gửi biếu ông một số sách báo khoa học. Thế ông có biết đọc không?”. Ông cụ trả lời: “Cám ơn cậu, tôi biết đọc”. Chàng thanh niên nói: “Thế thì tốt. Nhưng xin ông cho cháu biết địa chỉ để cháu sẽ gửi sách đến cho ông”. Bấy giờ ông già liền rút từ trong túi áo ra một tấm danh thiếp trao cho chàng thanh niên. Cậu ta ngạc nhiên trố mắt lên nhìn vào mấy hàng chữ trên tấm danh thiếp: “Lu-y Pát-tơ (Louis Pasteur) - Viện nghiên cứu khoa học Pa-ri (Paris)”. Thì ra ông cụ mà chàng thanh niên kia đánh giá là kẻ mê tín hủ lậu, không ai khác hơn, lại chính là nhà bác học lừng danh Lu-y Pát-tơ, người đã có nhiều bằng sáng chế khoa học và đã viết nhiều đầu sách nghiên cứu khoa học, mà anh ta rất say mê đọc với lòng khâm phục!

3. SUY NIỆM:

1)Đạo Công Giáo có nhiều chân lý mầu nhiệm, là những điều mặc khải của Thiên Chúa, đã được Đức Giê-su cho biết, được Hội Thánh giảng dạy. Các chân lý đức tin ấy tóm lại trong kinh Tin Kính. Trong số các mầu nhiệm đức tin thì Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm quan trọng nhất và là nền tảng của các mầu nhiệm khác. Đã là mầu nhiệm thì đương nhiên người ta khó lòng thấu hiểu được. Tuy nhiên nếu biết khiêm tốn xin ơn Thánh Thần soi sáng, và cố gắng tìm tòi học hỏi thì người ta cũng có thể lãnh hội được phần nào ý nghĩa, và sẽ không thấy có gì đối nghịch giữa khoa học và đức tin tôn giáo, như câu chuyện về nhà bác học Lu-y Pát-tơ nói trên đã cho thấy.

2)Cũng có nhiều chân lý đức tin mà những người vô tín khó lòng chấp nhận. Chẳng hạn khi nghe Đức Giê-su giảng về bí tích Thánh Thể, thì một số môn đệ đã chê trách: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”… Và “từ lúc đó có nhiều môn đệ đã rút lui, không còn đi với Người nữa” (Ga 6,54-66). Cũng có một số chân lý đức tin khác được Đức Giê-su dạy như mầu nhiệm tử nạn và phục sinh… mà do thiếu đức tin nên các môn đệ không hiểu ngay được. Phải đợi đến khi được Chúa Phục Sinh nhiều lần hiện ra dạy dỗ cho các ông am hiểu Kinh thánh và nhờ tham dự nghi thức Bẻ Bánh, các môn đệ mới tin vào mầu nhiệm này (x Lc 24,13-35). Ngòai ra còn nhiều mầu nhiệm khác, trong đó có mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, khi nghe Đức Giêsu rao giảng, các môn đệ chưa thể hiểu ngay, phải đợi đến khi Thần Khí của Chúa Phục Sinh tác động vào lễ Ngũ Tuần, các ông mới lãnh hội được sự thật tòan vẹn, đúng như lời Đức Giêsu dạy như sau: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không còn sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,12-13).

3)Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: Dựa vào lời Chúa Giêsu mặc khải trong Tân Ước Hội Thánh đã rút ra chân lý mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi như sau:

Chỉ có Một Thiên Chúa và “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,7), nhưng Người lại có Ba Ngôi: Ngôi thứ Nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con, Ngôi thứ Ba là Thánh Thần (x Mt 3,16-17; Mt 28,19). Vì Ba Ngôi cùng chung một bản tính và cùng một quyền năng, nên trong Ba Ngôi, không Ngôi nào lớn hơn (x Ga 14,10). Vai trò của mỗi Ngôi như sau:

  -Chúa Cha sáng tạo nên ta: Khi sáng tạo vũ trụ vạn vật và loài người. Thiên Chúa xuất hiện là Ngôi thứ Nhất như một người Cha. Người dùng Lời quyền năng (Ngôi Hai) làm cho vạn vật từ không xuất hiện (x. St 1,3), và tiếp tục quan phòng gìn giữ để các tạo vật ấy tồn tại, phát triển và tiến hóa ngày một hòan thiện hơn. Người cứu độ loài người bằng việc sai Con Một (Ngôi II) nhập thể cứu chuộc và ban Thánh Thần (Ngôi III) tiếp tục chương trình cứu độ lòai người qua Hội Thánh.

-Chúa Con cứu chuộc ta: Khi tới Giờ đã định, Chúa Cha (Ngôi I) sai Con Một là Chúa Con (Ngôi II) xuống thế làm người là Đức Giê-su Ki-tô (x. Ga 3,16). Người thi hành sứ mệnh Thiên Sai bằng việc đi khắp nơi công bố Tin mừng Nước Trời, làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế, và cuối cùng tình nguyện chịu chết trên thập giá để đền tội thay cho loài người và sống lại để ban ơn cứu độ loài người. Đức Giê-su chính là “Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa hằng sống” (x. Mt 16,16), là “Con rất yêu dấu luôn làm hài lòng Cha” (Mc 1,11). Người là phản ảnh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa (x. Dt 1,3). Ai thấy Người là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). Người luôn hiệp nhất với Chúa Cha (x. Ga 17,22).

-Chúa Thánh Thần thánh hóa ta: Thánh Thần tuôn đổ thần khí ân sủng xuống trên các Tông đồ và các môn đệ trong lễ Ngũ tuần, ban ơn soi sáng giúp lương dân gia nhập Nước Trời là Hội thánh, tiếp tục trợ giúp Hội thánh chu toàn ba sứ mệnh của Chúa Giêsu: Một là làm ngôn sứ rao giảng Tin mừng; Hai là làm tư tế thánh hóa loài người nhờ các phép bí tích do Chúa Giêsu thiết lập; Ba là làm vương đế phục vụ đoàn chiên được trao phó…Đấng ấy là Chúa Ngôi Ba, là Thánh Thần, Thánh Linh hay Thần Khí.

4)Sống tình yêu thương noi gương Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa: Thánh Gioan trong thư thứ nhất đã viết: “Thiên Chúa là Tình Yêu. Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16b). “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối: Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Dây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình”(1Ga 4,20-21)..

4.THẢO LUẬN:

1)Trong những ngày này, tôi sẽ làm gì để đào sâu về giáo lý đức tin công giáo?

2) Để sống mầu nhiệm tình yêu của Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa, tôi sẽ thể hiện tình thương thế nào đối với những người tôi không ưa hoặc có ác cảm?          

5. CẦU NGUYỆN:

LẠY CHÚA. Thánh Phao-lô dạy: “Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7). Xin Chúa giúp chúng con năng đến thăm những người nghèo khổ bệnh tật…như Mẹ Ma-ri-a đã mang thai nhi Giêsu đến thăm gia đình Gia-ca-ri-a khi xưa. Xin cho con biết vui vẻ chào hỏi người khác noi gương Mẹ Ma-ri-a đã lên tiếng chào hỏi bà Ê-li-sa-bét trước để chia sẻ miềm vui ơn cứu độ cho thai nhi Gio-an trong lòng mẹ. Trong những ngày này, xin Chúa giúp chúng con biết sống hiệp thông với mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi qua thái độ khiêm nhường phục vụ tha nhân noi gương Chúa đã sai Con Một nhập thể làm người để ở cùng chúng con và nêu gương yêu thương phục vụ lòai người chúng con.

X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.

Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH

www.hiephoithanhmau.com

VỀ MỤC LỤC
THIÊN CHÚA LÀ CHA

   

+ Hồng-y L. J. Suenens

Người dịch   Nguyễn đăng Trúc

 

Thiên Chúa luôn luôn chuẩn bị những việc lớn lao trong khung cảnh tranh sáng tranh tối của đức tin (Hồng-y Danneels)

  

1- Chúa là Cha của tôi và là Cha của anh, chị, em 

Muốn thấu hiểu nội dung bao la của mầu nhiệm về Chúa Kitô, nên nhìn từ đỉnh cao như lên đỉnh núi để nhìn cảnh trí rõ ràng hơn. Ai muốn đi vào tâm hồn Ngài, trước hết cần nhận ra tương quan làm người Con đối với Cha Ngài: tương quan nầy chiếm đoạt và điều hành toàn bộ đời sống của Ngài. Tương quan của người Con đối với Cha, được sống ngay trong Chúa Ba Ngôi: Ngôi Lời của Chúa đã chuyển tương quan đó đến nơi thân phận làm người của Ngài và diễn tả trong suốt cuộc sống của Ngài nơi không gian và thời gian. Sự liên kết với Cha Ngài là sự sống và là hơi thở của Ngài.

Ngày nọ, tông đồ Philipphê nói với ChúaGiêsu: “Thưa Thầy xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”. Vàta đọc được câu trả lời ngay cho Philipphê: “Thầy ở vời anh em bấy lâu, thế mà anh Philipphê ơi, anh chưa biết Thầy hay sao? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”? (Gioan 14, 8-9).

Câu nói ấy như ánh sáng trong đêm: nó chiếu dọi cả bầu trời.

Nếu cần nhắc lại, tôi dám cả quyết là chúng ta không bao giờ có quyền tách biệt Chúa Con ra khỏi Chúa Cha, không bao giờ có quyền quên đi mối tương quan trong sáng nầy. Không có tương quan đó, Ngài không còn là chính Ngài. Sức sống của Ngài là hướng về Chúa Cha. Ngài gói trọn việc rao giảng của Ngài trong việc mạc khải Cha Ngài và Nước của Người Cha đó. Ngài đã đến để kể cho chúng ta về Cha Ngài, cho chúng ta biết sức mạnh và sự thắm thiết của tình yêu mà Cha Ngài dành cho thế giới và mỗi người trong chúng ta: một tình yêu ân cần đi vào mỗi chi tiết nhỏ nhất của cuộc đời chúng ta. Chúa Giêsu đến giúp chúng ta nhận ra những chân trời không còn thể nghi ngờ về tình yêu của Cha Ngài và lòng lân ái, khoan dung vô tận của Ngài.

Ở phần ba nầy, tôi muốn để chính Chúa Giêsu chia sẻ tình cảm của Ngài đối với Cha Ngài, khi nêu lên lại lời tâm sự phát xuất tận đáy lòng Ngài mà Thánh Luca đã ghi lại: 

“Ngày giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng mà nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã dấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều nầy, nhưng Cha lại mặc khải cho những người bé mọn.  Vâng, lạy Cha vì đó là điều đẹp ý Cha”.  Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết Người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ Người Con, và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho.

Rồi Đức Giêsu quay lại với các môn đệ và bảo riêng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! Quả vậy, Thầy báo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua Chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (Lc. 10, 22-24). 

Những lời tâm sự tận đáy lòng của Chúa Giêsu nhiều lần được ghi lại trong các bản Phúc-âm.  Và vào lúc sắp từ trần, thì chúng càng gây xúc động. Bữa tiệc ly trong ngày thứ năm Tuần-thánh chấm dứt, Chúa Giêsu nói vời các tông đồ: “giờ Ngài đã đến”, giờ vĩnh biệt đã điểm rồi: 

Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy. Nào đứng dậy!  Ta đi khỏi nơi đây! 

Để hướng dẫn chúng ta tìm lại mối tương quan với Chúa Cha, các giám mục Bỉ đã dành những trang nầy, giúp chúng ta suy gẫm :

“Trước khi nhìn nhận Chúa “toàn năng”, nên khám phá ra Ngài là Cha. Trước hết Chúa là Cha nơi chính Ngài, vì trong Chúa Ba Ngôi, trước hết mọi sự Ngài sinh Con của Ngài.  Chúa là tình yêu vì tình yêu vốn là sự gắn bó làm một trong Chúa Ba Ngôi, bắt nguồn nơi Chúa Cha. Tiếp đó, Ngài cũng là Cha chúng ta vì Ngài đã tạo dựng ra chúng ta và yêu chúng ta đến nỗi nhận chúng ta làm con Ngài.Ai làm người cũng được ghi khắc tự nơi chiều sâu cuộc đời mình mối tương quan với cha và mẹ mình: không có được một mối tương quan giúp mình phát triển và giải phóng, thì đứa trẻ gặp nhiều khó khăn để trưởng thành. Sự kiện đó đúng cho đời sống mỗi người và có giá trị đến với lịch sử toàn nhân loại. Vì quá nhiều thương tổn trong các mối tương quan cha-con trên bình diện con người, nên mối tương quan của chúng ta đối với Chúa - là Cha- có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.

 Nhiều hình ảnh sai lệch về Chúa, hình ảnh của một người cha hoặc một người mẹ kềm kẹp hoặc khắc nghiệt, hình ảnh người cha áp bức hoặc nhu nhược, đã dấy lên nơi tâm hồn chúng ta khắc khoải hoặc phản kháng. Nhiều người đương thời chúng ta sống thảm kịch nầy, họ tuyên bố “hoặc là Chúa hoặc là ta”.  Người ta nghĩ là phải triệt hạ Chúa ra khỏi tư duy, văn hóa, xã hội là đạt đến mức trưởng thành. Ngược lại, phải chăng vì thiếu vắng Thượng-đế mà xã hội chúng ta đang bệnh hoạn? Ở đâu không có vết tích của Chúa, ở đấy nhiều người giá rét vì thiếu Cha..

Làm sao chúng ta tất cả là anh em, chị em với nhau được, nếu chúng ta không có cùng một Cha chung? Nếu không có Cha thì chẳng có anh, chẳng có chị. Đức tin Kitô giáo cho hay, Chúa luôn luôn là Đấng ân cần yêu thương chúng ta. Chúa Giêsu nói Chúa Cha tốt lành, nghĩa là có Ngài thì chúng ta hạnh phúc.

Chúa là “Cha chúng ta” vì, trong sự tốt lành của Ngài, Ngài đã muốn là Cha của chúng ta. Hình ảnh một Chúa nghiêm khắc và đàn áp đã làm cho người ta hoài nghi về Ngài. Kỳ thực, Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi cho chúng ta Con Ngài để chúng ta hiểu rằng Ngài muốn là Cha của chúng ta.

 “Xin Thiên Chúa toàn năng là Cha, Con và Thánh Thần chúc lành cho anh chị em”. Mỗi thánh lễ đều kết thúc như vậy. Đấng đã tạo dựng mọi sự, đã tạo ra con người để sống đời đời, vì Đấng ấy không bao giờ lấy lại tình yêu thương từng đã làm cho chúng ta được sống. Cũng trong tình yêu thương ấy, Chúa Giêsu làm cho chúng ta nên anh em của Ngài, và Chúa Cha nhìn chúng ta là con Ngài và để chúng ta gọi Ngài là Cha. Bí quyết của giao ước giữa Thiên Chúa và con người là sự nhìn nhận giữa đôi bên. 

Chúng ta thường nghe người ta nói: “Tại sao Chúa không làm điều nầy? Tại sao Ngài không ngăn cản tai ương như thế? Ngài có đáp ứng lời cầu khẩn của chúng ta hay không? Quyền năng Ngài ở đâu? Và dùng quyền năng ấy để làm gì?

Chúa toàn năng vì Chúa đã tạo dựng mọi sự.  Ngài đã làm nên vũ trụ theo ý Ngài như thế, và sức mạnh yêu thương của Ngài thể hiện trong tất cả những gì hiện hữu chứ không phải nơi những gì chúng ta tưởng tượng Ngài có thể làm ra. Không phải lúc nào Ngài cũng ngăn cản con người khổ đau trước những đảo lộn trong thiên nhiên hay trong lịch sử.

Con người nam, nữ có được lòng yêu thương và trí thông minh, và Chúa gọi họ để điều hành vũ trụ thế giới với Ngài. Nên con người nỗ lực phát triển các ngành khoa học, nghệ thuật và tình liên đới huynh đệ. Con người đóng góp vào việc cai quản thế giới với Đấng Tạo-hóa. Chúng ta biết Chúa muốn điều thiện hảo cho mọi tạo vật của Ngài. Sức mạnh yêu thương của Ngài vượt lên trên tất cả những gì ta nghĩ ra, và sức mạnh ấy, Ngày chia sẻ cho chúng ta. Chúa hành động trong lịch sử con người và trong cuộc sống của mỗi người nhưng tình yêu vô song của Ngài không cưỡng bức tự do của chúng ta: Ngài tôn trọng tự do và chờ đợi chúng ta hợp tác. Chúa không muốn có những bầy tôi, nhưng muốn có những con cái.

Vũ trụ đang tiến hóa không ngừng. Con người sống cuộc tiến hóa ấy trong niềm an vui của sự phát triển, nhưng cũng sống trong khổ đau của con người ngày ngày cảm nhận có sự chết hiện diện, kinh nghiệm cuộc sống thăng trầm nay còn mai mất nơi thân phận mình. Con người là tạo vật, và với thân phận thọ tạo, con người có những giới hạn và dòn mỏng. Người có lòng tin tạ ơn Chúa về tất cả những gì Ngài đã làm vì yêu thương. Nhưng là con người, ai cũng bị đau khổ dằn vặt để bứt rứt về thân phận làm người của mình. Vì thế Thánh Phaolô nói rằng: “ Cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết quằn quại như sắp sanh nở” (Rom. 8, 22).

 Kitô-hữu sống khổ đau trong niềm tin vào Chúa Kitô, Đấng giải thoát con người và đưa mọi thọ tạo đến mức thành toàn. Cùng với Chúa Kitô, Kitô-hữu chiến đãu chống lại sự ác và tội lỗi đang tạo hỗn loạn trong con người mình và trong thế giới. Người ấy kinh nghiệm quyền năng của Thiên Chúa như là một cử chỉ yêu thương của Ngài đang chiến thắng sự ác, và dẫn lối cho mọi tạo vật bước đến một thế giới mới”. 

“Năm Chúa Cha”, được nêu lên như chủ đề của năm 1999, là dịp cho chúng ta đào sâu tình phụ tử nơi Thiên Chúa, thúc giục Kitô-hữu cảm nghiệm thật sự chữ Cha mà hằng ngày họ vẫn đọc nhưng không chú tâm, không thấm nhập ý nghĩa phong phú và sự dấn thân đi kèm với tình nghĩa Cha-con nầy. Vào thời kỳ đầu của Kitô giáo, kinh nầy ít được phổ biến rộng rải cho người dự tòng. Nhưng kinh ấy đã được sốngù: Kinh Lạy Cha (Pater) ưu tiên không phải là một kinh để “đọc” nhưng là lời mời gọi đi vào cuộc sống Kitô giáo, mời gọi sống can đảm trong đức tin, ngay cả tử đạo [1]

 

2.  Tình yêu ân cần của Chúa Cha 

 Chúng ta nhận biết Chúa là Cha chúng ta ngay từ chữ đầu của “Kinh Lạy Cha”. 

Nhưng chúng ta có xác tín thật sự Chúa là Cha, không ai là cha như Ngài và mọi tình phụ tử đều phát sinh và tùy thuộc vào tình phụ tử của Ngài hay không?

Ta có thấy được toàn bộ ý nghĩa, cảm được sự ấm áp yêu thương, hiểu được các chiều kích tràn đầy nơi chữ ấy hay không?

Trong tập san Prier, một nữ độc giả từng hỏi về ý nghĩa tình phụ tử của Thiên Chúa, vì bà mãi bứt rứt. Bà viết thế nầy: 

“Tôi có những thắc mắc về Thiên Chúa là Cha. Tôi luôn ám ảnh bởi hình ảnh một Thiên Chúa nghiêm khắc hay xét đoán, có lẽ vì tôi từng có những quan hệ khó khăn với chính cha tôi. Làm sao khám phá được tình yêu thương của Chúa Cha tốt lành và nhân hậu ấy?” 

Kỳ thực, thắc mắc nầy cũng là vấn đề của chúng ta. Trước khi nêu lên một lối trả lời, chúng ta cần khiêm tốn lưu ý lời cảnh giác của Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng chỉ có Thánh Thần mới thấu suốt được những điều sâu kín của Chúa.  Xin Ngài soi sáng chúng ta và dẫn đưa chúng ta vào chốn kỳ diệu của tình yêu Chúa Cha, Đấng thương yêu tất cả chúng ta bằng một mối tình âu yếm ân cần như chỉ có một mình chúng ta trên đời, và ấp ủ chúng ta bằng cả lòng yêu thương vô tận, uy dũng vô song, không mệt mỏi. Ước gì năm Chúa Cha, 1999 giúp mỗi người khám phá được chiều sâu kín của tình phụ tử nầy!

Thiên Chúa chúng ta yêu từng người một.  Cần ý thức về tình yêu ấp ủ và trực tiếp của Chúa. Đừng làm như một kẻ vô danh trước mặt Chúa: những mối thân quen giữa Cha và các con mình là những sự quen biết thân mật, yêu thương qua lại. Chúa biết từng người một. Chúa không lẫn lộn ta với bất kỳ ai. Ngài biết tên, họ của ta; biết cuộc đời ta từng giờ, từng ngày...Ngài biết lịch sử ta từng dòng một, biết cả những gì chưa lộ ra, cả những gì mờ mờ đằng sau ý thức của ta. 

Ngài rảo bước theo ta từ bên nôi đến miệng huyệt; không có gì trong đời ta, nơi người ta mà Ngài không âu yếm, không nhìn đến. Khôngù một sợi tóc nào từ đầu chúng ta rơi xuống mà không có phép của Ngài; không phải như lá cây tự tách khỏi nhánh cây đâu.

Thành-vịnh 139   diễn tả quan phòng của Chúa một cách tuyệt vời:

  

“Lạy Giavê, Ngài thấu hiểu và biết con,

Ngài biết lúc con ngồi hay lúc chỗi dậy,

Từ xa, Ngài khám phá điều con suy nghĩ

Ngài nhìn con khi con cất bước hoặc nằm nghỉ

Ngài quen thuộc mọi nẻo đường của con đi.

 

Con chưa mở miệng nói,

Thì Gia-vê, Ngài đã biết hết rồi.

Ngài đặt tay trên con,

Ôm ẵm,dỗ dành con trước mặt và cả sau lưng!

Hiểu biết của Ngài quá kỳ diệu

Qúa cao siêu làm sao con với tới đây!

 

            Con đi đâu xa khỏi thần trí Ngài

            Trốn ở đâu thoát khỏi nhan thánh? 

Nếu con leo đến trời xanh, Ngài đã có đãy;

Nếu con vào lửa mặt trời, Ngài lại ở đây!

Nếu con từ hừng đông cất cánh,

Và cư ngụ tận góc biển khơi,

Thì bàn tay Ngài vẫn dẫn lối con đi

Và tay phải Ngài luôn che chở.

 

Và con lên tiếng: Tối tăm che lấp con mất,

Bóng đêm xóa bóng con mất!

Thế nhưng, trong đêm tối Chúa luôn nhìn rõ

Với Ngài, đêm đen vẫn sáng như ngày

Và tối sáng có khác gì nhau!

 

Chính Ngài đã tạo nên hình hài con,

            Và đã kết dệt nên con ngay trong bụng mẹ,

            Khi con chỉ là một mầm non chưa định hình,

            Thì mắt Ngài đã thấy con,

 Và ngày tháng dành cho con để sống,

            Tất cả đều ghi nơi sổ sách của Ngài

            Trước khi chúng con xuất hiện.

 

Lạy Thiên Chúa, ý tưởng của Chúa tuyệt vời,

Và biết bao nhiêu là ý tưởng!

Nếu con muốn đếm,

Hẳn chúng còn hơn,

trăm vạn lần hơn cát biển đông;

Con tỉnh dậy, và con còn ở với Chúa”! 

Chúa yêu chúng ta và Ngài biết hết mọi sự, Ngài thông hiểu chúng ta. Chúa thông cảm chúng ta trong cái nhìn tốt lành nhất, thật là hạnh phúc!  Và được ai thông cảm, thật hiếm hoi! Bloy viết rằng “Phải sống với tôi thật gần để có thể gọi là bạn tôi”. Chúa hết sức gần gũi chúng ta, bên cạnh chúng ta, trong cuộc sống chúng ta. Chúa luôn nhìn khía cạnh tốt của ta. Ngài tha thứ ngay khi ta tỏ ra có một chút thiện chí, dù thiện chí đó cũng là ơn của Ngài.

Chúa yêu chúng ta, và Ngài gìn giữ chúng ta trên mọi nẻo đường ta đi. Thánh-kinh cho chúng ta hay Ngài đã ủy thác cho thiên thần coi sóc chúng ta, và còn nói thêm rằng Chúa đã đếm tất cả những đốt xương của chúng ta.

Thánh-kinh cũng mặc khải rằng đôi khi Ngài đến gần chúng ta từ từ và hết sức tế nhị. Khi Maria Malađêna thấy Thầy gần mộ, trong Vườn Cây-dầu vào sáng Phục sinh, bà tưởng đó là người làm vườn.

Khi các tông đồ thấy Ngài hiện ra trên làn sóng giữa hồ, họ ngỡ là ma. Khi các môn đệ trên đường Êmau đi cạnh Ngài, họ nghĩ là một người đi đường, không biết đến gì nổi lo âu của họ.

  

3.  Nhân loại thiếu vắng Cha

Để hiểu rõ hơn niềm tin vào Thiên Chúa là Cha mọi người thật sự là một hồng ân và nguồn sống, tôi xin trích ra đây cảm tưởng của Jean Rostand, một tác giả nổi tiếng với nhiều tác phẫm bàn về vị thế của sinh-học trong nền văn hóa hiện đại, một thành viên Hàn-lâm-viện Pháp, và cũng là một người không tin; ta sẽ nhận ra lời nhân chứng qua nét tương phản của đoạn văn: 

“Con người, vâng, con người chỉ là một nguyên tử bấp bênh, trôi dạt trong vũ trụ vô hồn và bất tận; con người ấy biết rằng sinh hoạt bung xung của mình chỉ là một hiện tượng nhỏ nhoi, giới hạn, không nghĩa lý gì mà cũng không đạt được mục tiêu gì. Nó biết rằng các giá trị của nó cũng chỉ quan hệ đến nó mà thôi; kỳ thực nhìn từ không gian thời gian của các tinh tú, thì một vương quốc có sụp đổ, hoặc ngay cả một lý tưởng bị phôi phai, có gì đáng kể hơn là tổ kiến bên đường bị bàn chân người qua lại dẫm nát. 

Vì thế, con người chỉ còn biết tìm cách quên đi cảnh bao la ghê rợn đang nghiền nát mình một cách dửng dưng. Nó cố đẩy lui cơn lốc khô cằn gây choáng váng, bịt tai để không còn cảm được sự thinh lặng kinh hoàng của vô tận không gian: con người muốn mình thoát khỏi vướng mắc của vũ trụ cũng như vũ trụ kia vốn vô tình đối với mình. Co rúm vào trong thế giới riêng của mình, con người cần cù, khốn khổ thực hiện những dự tính nhỏ nhen, giả vờ làm như đang đứng đắn nhìn về mục tiêu vĩnh cửu”. 

Tôi thêm vào đoạn văn trên, một lời báo tang trên một tờ nhật báo, lời báo tang cũng đáng làm ta suy nghĩ:

“Chúng tôi báo tin ông X...đã đi vào cõi hư vô... xin miễn thăm viếng, miễn phân ưu.  Cuộc sống vẫn tiếp tục”.

 

4- Tình Phụ-tử và Mẫu-tử  nơi Thiên Chúa 

Cha có tên là âu yếm

Cha có tên là tươi xanh

Cha có tên là yêu mến

Cha có tên là Cha

Cha có tên là Mẹ

Cha có tên là đỡ đần [2] 

Khi gọi Chúa là “Cha” chúng ta không hạn hẹp nội dung chữ cha vào âm hưởng đàn ông: những qui chiếu về phái tính lại không nằm trong phạm vi yêu thương của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là “Cha chúng con”: Các môn đệ của Thầy dĩ nhiên trung thành với ngữ vựng nầy, nhưng cũng trung thành với nội dung ấy. Và Thánh-kinh nêu lên nhiều hình ảnh về phái nữ để nói lên tình yêu của Chúa Cha. Thánh-kinh ghi rằng: 

“Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của

mình...Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ”

(Is. 49, 15). 

Trong Cựu-ước, ta cũng thấy một hình ảnh người Cha được trình bày dưới những nét của bà mẹ: 

“Vì Sion từng nói:

Giavê đã bỏ tôi, Chúa đã quên tôi!

Có phụ nữ nào quên được con mình nuôi dưỡng,

Không thương con mình đã mang nặng đẻ đau?  Cho dù có người quên được con mình như thếá!

Thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ”.

Đây,Ta đã ghi khắc ngươi trên lòng bàn tay Ta"û

(Is.49,14-16)

  

Và một nơi khác: 

“Như mẹ hiền an ủi con thơ,

Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy"õ

 (Is. 66, 13) 

Chúng ta không vẽ bày thêm thắt tình yêu Chúa Cha, vì tình yêu nầy kỳ thực ôm trọn tất cả sự phong phú, đa dạng của tình yêu nhân loại dưới mọi hình thức: lứa đôi, con cái, anh em, bằng hữu.  Để mặc khải cho chúng ta khuôn mặt người Mẹ nơi tình yêu của Ngài, Chúa đã không thúc đẩy tạo ra một lối xưng hô phái nữ, nhưng Ngài đã ban cho chúng ta một bà mẹ nhân trần: Mẹ Maria, Mẹ được Chúa đổ đầy ơn phúc, cho Mẹ và cho chúng ta, là dụng cụ tuyệt vời của chính lòng mến yêu của Ngài.

Chúa Giêsu không để lại cho chúng ta các sách thông thái làm gia sản. Ngài đã chọn một phương thế khác để con cái Ngài nhìn ra lòng yêu thương sâu thẳm của Cha Ngài: Ngài kể một câu truyên (có thể là chuyện cảm động nhất trong Phúc-âm ) về đứa con trai hoang đàng. Ở đây hình ảnh nổi bật không phải là người con, nhưng là hình ảnh người cha không ngừng chờ đón đứa con hoang trở về. Khi thoáng thấy con mình từ xa, trái tim Cha đã đến đón tiếp. Niềm vui của Cha tóm lại trong một câu: -”Con của Cha”-. Con ta đã chết và nay đã trở về cuộc sống; nó đã mất và nay ta đã tìm lại được”. Cha yêu thương và quên hết, không để cho con còn có giờ để diễn tả lòng hối tiếc


[1] Năm Chúa Cha có thể là dịp xem kỹ lại lời cầu xin thứ sáu của Kinh Lạy Cha : "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ". Lời cầu xin nầy có thể làm cho người ta nghĩ rằng Chúa thử thách chúng ta, điều nầy trái ngược lại với Thánh Kinh ( xem chương 1 Thư của Thánh Giacôbê). Trong lúc tôi đang viết những dòng nầy, tôi được báo chí cho biết các giám mục Úc đang xin Tòa Thánh nêu lên một lối diễn tả tránh được sự trái nghĩa nầy. Củng cần xem thêm: La Revue théologique de l'Université de Louvain, 1995, tập số 3, tr. 306, trình bày rõ về chi tiết liên hệ. 

[2] Trích sách "Francois" của Auguste Valentin S.J. 

 
VỀ MỤC LỤC
CHẤP NHẬN HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH?
 

 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD 

Môt ngày đẹp trời nào đó, đứa con của bạn về nói với bạn: “Bố/Mẹ ơi, con gay/lesbian thì bạn nghĩ sao? Chắc bạn sẽ chết đứng giữa trận? Hãy bình tĩnh, đâu vẫn còn đó. Ở đây, chúng tôi không đi sâu vào vào vấn đề sinh lý và tâm lý của người đồng tính luyến ái, nhưng chỉ bàn vắn gọn về vấn đề thực tế của hôn nhân bình thường với những truyền thống của con người, của xã hội và tôn giáo từ xa xưa ngàn đời về trước.

Những ngày gần đây khi mà TT Obama chính thức lên tiếng đồng ý và chấp nhận hôn nhân đồng tính, rất nhiều người tỏ vẻ bực mình và phấn nộ vì hôn nhân đồng tính đi ngược lại lẽ tự nhiên của trời đất. Là người dân, đặc biệt người Công Giáo, Kitô hữu, là cha mẹ, chúng ta phải có thái độ thế nào? Dĩ nhiên chúng ta không thể chấp nhận một việc trái với lẽ trời đất như vậy.

Nhân đây chúng tôi dựa vào bản tuyên bố với công chúng của Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (HĐGM-HK) và Giáo Huấn của Giáo Hội để bày tỏ lập trường vể vấn đề này.

 

PHÁT BIỂU CỦA HỒNG Y CHỦ TỊCH HĐGM-HK

TT Obama tuyên bố chấp nhận hôn nhân đồng phái tức là ông đổi lại định nghĩa của hôn nhân. Điều đó quả là táo bạo, đi ngược lại truyền thống hôn nhân từ ngàn đời trên khắp mặt địa cầu. Như Đức Hồng Y đã công khai viết thư cho TT vào ngày 20-9-2011 là các giám mục Công Giáo sẵn sàng đứng lên yểm trợ TT và chính phủ trong mọi nỗ lực bảo vệ hôn nhân và hạnh phúc gia đình. Nhưng chúng tôi không thể yên lặng làm thinh trước những tuyên bố và hành động có phương hại và phá đổ truyền thống của hôn nhân, một cơ chế căn bản của xã hội loài người của chúng ta. Nhân dân Hoa Kỳ, đặc biệt các trẻ em cần có được những ảnh hưởng tốt đẹp hơn. Nhưng buồn thay, những lời tuyên bố của T.T. đã không làm ai ngạc nhiên, vì nó phù hợp với những việc làm của chính phủ của ông đang làm soi mòn hoặc như cố tình không cần để ý đến ý nghĩa duy nhất và đích thực của hôn nhân. Tôi cầu nguyện cho TT hàng ngày, và vẫn sẽ cầu nguyện để TT và chính phủ của TT hành sử đúng cách để duy trì và bảo vệ nguyên tắc của hôn nhân là sự phối hợp giữa hai người nam và nữ. Chớ gì tất cả chúng ta đều hành động để cổ động và bào tồn loại hôn nhân ấy. Được như vậy là chúng ta đã phục vụ thiện ích thực sự cho tất cà mọi người.

Để tránh phán đoán sai lầm về chính trị, chúng ta cần phải nhắc lại những tuyên bố của nhân viên chính phủ Hoa Kỳ vào thời kỳ tiền tranh cử TT này và cả những tuyên bố cùng luật lệ do chính phủ Canada đã ban hành trước đây, là thực sự xúc phạm rất sâu sa đến những vấn đề luân lý rất nhậy cảm và tôn giáo của một số lớn các công dân của cả Canada lẫn Hoa Kỳ, Công giáo và không Công giáo. Sự thực, rất nhiều Kitô hữu và các tín đồ của các tôn giáo truyền thống khác đều nhận thấy hai người cùng phái ăn ở với nhau như vợ chồng là không thể chấp nhận được về mặt luân lý, ngay cả chính họ khi tự mình kìm hãm không dám phán xét về chính mình.

 

GIÁO HUẤN VỀ HÔN NHÂN CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Giáo huấn về hôn nhân của Giáo Hội thì rất rõ ràng và cố định ai cũng biết, đã được các Giám mục Canada nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Giáo lý Giáo Hội Công Giáo và Công Đồng Vatican II đã xác định như sau: “Ơn gọi lập gia đình / hôn nhân đã được in dấu trong chính bản tính của người nam và người nữ….Lợi ích của từng cá nhân mỗi người và của cả xã hội loài người và xã hội Kitô giáo đều được gắn bó chặt chẽ với sự phồn vinh của cộng đoàn hôn nhân và gia đình’” ( Số 1603, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay, Gaudium et Spes, No 47).

Các giám mục Canada và Hoa Kỳ đã xác định một cách chắc chắn và rõ ràng sự phối hợp giữa một người nam và một người nữ là trọng điểm của hôn nhân, vì vậy không thể chấp nhận một định nghĩa dân sự về hôn nhân như là sự kết hợp giữa bất cứ hai người nào. Vi phạm này đã được chia sẻ và đồng ý bởi nhiều người Hoa Kỳ và Canada từ mọi truyền thống tôn giáo khác nhau cũng như những người không tin vào tôn giáo nào cả.

Chúng ta cần phải hành động tích cực nhiều hơn nữa bằng cách khuyến khích tình liên đới nam nữ làm căn bản, nền móng cho tất cả mọi loại văn minh loài người, chứng tỏ cho con trẻ biết là chúng ta yểm trợ và khuyến khích quyền lợi và nhu cầu của chúng. Người Việt Nam chúng ta và tất cả mọi người, Hoa Kỳ cũng như Canada cần phải phản ảnh một cách cẩn thận về hậu qủa xã hội liên quan đến việc tái định nghĩa hai chữ hôn nhân, xem xét thật chi tiết tất cả mọi phương diện nếu xã hội không còn giữ được vị thế đặc quyền và giá trị nền tảng lâu dài của hôn nhân giữa người nam và người nữ. Là nền móng mấu chốt của xã hội, gia đình chính là môi trường thuận lợi nhất để đón chào con trẻ. Đồng thời, vấn đề tự do lương tâm và tự do tôn giáo cần phải được bảo đảm, trong khi đó nhân phẩm của tất cả mọi người cũng vẫn phải được kính trọng, bất kể khuynh hướng dục tính của họ thế nào.

Chúng ta cũng đừng bao giờ quên rằng trong xã hội vẫn còn có những cách phối kết  tình yêu khác nhau để phụ thuộc nhau, thề hứa với nhau và cùng nhau chia sẻ trách nhiệm. Những việc đó có thể là tốt, có thể được luật pháp chấp nhận. Nhưng nó không phải là loại hôn nhân bình thường. Nó là một cái gì kỳ quặc và khác lạ. Không thể do sự nới rộng hoặc du di của danh xưng vì lý do pháp luật mà có thể thay đổi được những nhận thức và quan sát thực tế mà chỉ có những cặp hôn nhân giữa người nam và người nữ có thể cho ta thấy, không phải do cách nối kết hay lệ thuộc nhau giữa hai người lớn, nhưng phải là khả năng truyền giống, sinh con đẻ cái giữa hai người nam và nữ.

 

HAI THÁCH ĐỐ CẦN ĐỂ Ý

Cũng cần phải để ý đến hai thách đố khác biệt được đề cập đến khi tranh luận về vấn đề trọng đại này: 

1-  Giáo dân là những Thừa Tác Viên Hôn Phối. Họ là những người thừa hưởng di sản của hôn nhân. Là người Công Giáo, mỗi người chúng ta phải chứng tỏ giá trị của bí tích hôn phối là quan trọng và thánh thiêng. Mọi người đều được khuyến khích phải chu toàn tất cả. Chàng hoặc nàng cần khuyến khích và yểm trợ những chương trình chuẩn bị hôn nhân trong cộng đồng giáo xứ. Các xứ đạo và các địa phận cần phải có những chương trình ơn gọi cho giới trẻ. Những giáo xứ, những địa phận và những phong trào nào mà không có những kế hoạch mục vụ sáng tạo và những chương trình ơn gọi cho giới trẻ thì đã mở ngỏ cửa cho những sai lầm to lớn về luân lý và những hiểu lầm, trống rỗng vì thiếu thông tin cùng những bất cập đáng trách khác.

2- Là Kitô hữu, chúng ta phải từ bỏ, xua đuổi khỏi tâm trí, khỏi cộng đồng chúng ta và ngôn ngữ của chúng ta tất cả những khuynh hướng hiện có như ghét bỏ, chửi bới và tiêu diệt những người đồng tính luyến ái, bởi vì rất nhiều trường hợp họ không còn lựa chọn cái khuynh hướng dục tính ấy. Đối với nhiều người đồng tính luyến ái, như vậy không có gì khác ngoài chuyện để được hạnh phúc.

Những con người như vậy có thể là con trai hay con gái của chúng ta, là anh hay chị em, là đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng với chúng ta, là đồng chí, nhân viên y tế, giáo sĩ/tu sĩ và bạn bè của chúng ta. Tất cả họ đều là Con của Thiên Chúa, được Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh của Ngài. Những ngôn từ có tính khinh khi ghét bỏ được dán nhãn hiệu cho những người đồng tính luyến ái như “Giệt cho hết, quét cho sạch những tên đồng tính luyến ái ra khỏi xã hội và gia đình”  không chỉ sai lầm mà còn chống lại, đi ngược cả với Kitô giáo.

 

ĐÔI LỜI KẾT

Vấn đề mà chúng ta phải đối diện là: Chúng ta có muốn vứt bỏ cái định nghĩa phổ quát của danh từ hôn nhân hiện có hay không? Nó biểu hiệu đặc tính của vấn đề, một ý nghĩa thông thường và hợp lý của con người, của truyền thống Do-Thái-Kitô-Giáo và của sự khôn ngoan của các tôn giáo lớn. Sự hợp tác hôn phối giữa hai người nam và nữ đã tạo thành thiện ích độc nhất cho xã hội, cung ứng một môi trường vững chắc và tích cực cho con trẻ, từ đó cho những thế hệ tương lai. Một chọn lựa cần phải làm có thể mang lại những hậu quả cay đắng khó khăn về tôn giáo, văn hóa, xã hội và dân số không lường trước được. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những nhà cầm quyền, những vị lãnh đạo chính trị để yên không thay đổi quan niệm hiện có về hôn nhân trong khi xem xét bàn thảo những nhu cầu chính đáng của những người nằm trong diện có liên đới phụ thuộc vào nhau ấy.

Kết hợp với nhau vì cùng là dân của Chúa, chúng ta hãy tiếp tục giúp đỡ nhau vác Thánh Giá mà Chúa đã trao cho mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy tự thề hứa quyết tâm xây dựng mái ấm gia đình nhân loại, củng cố và tin yêu hôn nhân, chúc phúc và nuôi nấng dạy dỗ con cái, biến mái ấm gia đình chúng ta, cộng đồng xứ đạo chúng ta thành thánh thiêng, chào đón mọi môi trường nam nữ thuộc mọi ngôn ngữ, giòng giống, khuynh hướng, văn hóa và cách sống. 

Fleming Island, Florida

May 23, 2012

NTC

VỀ MỤC LỤC
CHIẾC CỔNG
 

Trong một vương quốc nọ, có một hoàng tử tài năng lập nhiều chiến công, chàng hết sức hãnh diện về mình và tự nghĩ rằng, với tài năng và vị trí của chàng, chàng sẽ lập gia đình với bất cứ ai mà chàng muốn.

Từ ấy trở đi, vua cha ra thông báo đến với mọi người trong vương quốc về ý định tìm công chúa của hoàng tử. Ngày từng ngày, nhiều cô gái xinh đẹp được tuyển chọn nhằm giới thiệu cho hoàng tử, nhưng xem chừng như hoàng tử vẫn chưa gặp được người mình mong ước. Cuối cùng, một quan cận thần cho hoàng tử biết, tại một khu rừng hoang vắng, có một cô gái rất xinh đẹp, cô có giọng hát ngọt ngào, dầu vậy cô không chấp nhận đến trình diện với hoàng tử. Cô cho biết, nếu hoàng tử thật lòng yêu cô, hoàng tử hãy đến tìm cô.

Nghe tin như thế, hoàng tử tỏ vẻ bực tức giận dữ; dầu vậy, chàng cũng đành lòng đi gặp cô gái. Với một đoàn rước oai vệ, nhiều xe cộ lộng lẫy, hoàng tử tin là chàng sẽ chinh phục được cô gái. Tới nơi, chàng hoàng tử thấy một toà lâu đài nhỏ gọn, xinh xắn nằm trên một ngọn đồi với tường rào xung quanh. Ngạc nhiên thay, toà lâu đài và bức tường rào trông rất đẹp, gọn gàng, nhưng chiếc cổng thì rất tồi tệ, cũ kỹ, và rất nhỏ thấp.

Hoàng tử xuống xe ngựa, bước đến trước cổng tòa lâu đài và cất tiếng gọi. “Hãy mở cổng đón rước ta!” Một giọng nói ngọt ngào trong trẻo đáp lại, “ngươi là ai?” “Ta là hoàng tử. Ta lập nhiều chiến công; ta sẽ là làm chủ vương quốc này trong nay mai; ta sẽ cho nàng làm hoàng hậu.” Giọng nói ngọt ngào đáp trả, “Xin lỗi, trong toà nhà này chỉ có một phòng, hôm nay không thể đón ngài được!” Tức thì, mọi người đều thấy chiếc cổng tự hạ thấp xuống sát đất mà không ai có thể chui qua được. Hoàng tử tỏ vẻ giận giữ bỏ đi. Dẫu vậy, vài tháng sau, giọng nói ngọt ngào ấy đã thôi thúc chàng trở lại. Nhưng lần này, chàng phi ngựa cùng với vài người bạn. Đến bên cổng, chàng cất tiếng, “Tôi là dũng sĩ, xin đón rước tôi.” “Chàng là dũng sĩ ư! Xin lỗi, hôm nay cũng chỉ có một phòng, không thể đòn chàng được.” Lạ thay, chiếc cổng được nâng lên một chút, dẫu vậy nó cũng chưa cao đủ để cho người ta bước vào. Hoàng tử nổi giận bỏ đi.

Chàng tự hỏi, tại sao chiếc cổng ấy lần trước nó lại hạ thấp xuống sát đất, lần này nó lại nâng lên một chút! Sau một thời gian, chàng quyết định một mình quay lại toà lâu đài để gặp cô gái. Lần này, chàng làm một người nông dân, đi chân đất; đứng trước cổng hồi lâu, chàng cất tiếng gọi, “Tại hạ là hoàng tử, nhưng trước tiên, tại hạ là con người nông dân nghèo như bao ngươi nông dân khác; tại hạ là dũng sĩ, nhưng trước tiên tại hạ cũng là một anh lính nhỏ như bao người lính khác; tại hạ sẽ làm vua, nhưng trước tiên tại hạ cũng là con người biết yêu và muốn được yêu.” Một giọng nói ngọt ngào cất lên, “xin mời chàng”; tức thì chiếc cổng tự nâng cao lên, rộng mở ra và nhiều hoa lá kết xung quanh cổng. Hoàng tử bước vào cung điện gặp cô gái; họ yêu nhau, và kết hôn với nhau.

* * *

Vương niệm, huy chương thắng trận không chinh phục được quả tim vàng của cô gái, nhưng chính là lòng khiêm tốn nhận ra căn tính thật con người của hoàng tử. Điều này quả rất đúng đối với con người chúng ta. Những “ấn tượng” ban đầu của đôi bạn trẻ khi mới đến với nhau không kéo dài mãi được; chúng không trở thành nền tảng cho tình yêu và gia đình mà họ muốn xây dựng. Sau một thời gian yêu nhau vì những ấn tượng ấy, họ cần phải đến với nhau bằng bản chất thật trong con người của họ. Tình yêu bền vững không phải vì những ấn tượng ta dành cho nhau lúc ban đầu, nhưng chính là đón nhận bản chất thật của nhau. Bản chất thật ấy nó có thể “thấp, nhỏ, bất toàn,” nhưng khi đón nhận nhau với bản chất thật, tình yêu sẽ đơm nở - nó bền chặt, vững chắc.

Tình yêu thật là chỗ đó; tình yêu không có giới hạn là chỗ đó. Con người chúng ta có khuynh hướng tự nhiên đi tìm vẻ đẹp bên ngoài, chức cao, quyền trọng; chúng ta thích được tán dương, thích được biết đến. Chúng ta nghĩ rằng, những điều “cao quí” ấy  là điểm chuẩn cho sự thành công của chúng ta trong đường đời, trong mối quan hệ. Càng danh tiếng bao nhiêu, tôi càng hạnh phúc bấy nhiêu. Tuy nhiên, thực tế thì lại khác. Những tán dương ca tụng là điều tốt đẹp; những thành công, giải thưởng là điều cần thiết. Nhưng nếu chúng ta chỉ dựa vào những yếu tố đó để đối xử với nhau trong mối quan hệ thì nó rất nguy hiểm. Cái nguy hiểm chính là chúng ta đề cao những những thành quả mà mình đạt được để rồi coi thường giá trị thật nơi những con người mà mình đang sống chung trong một mái nhà. Cái nguy hiểm chính là những thành công ấy trở thành tâm điểm cho cuộc đời chúng ta mà quên đi những nhân vị khác đang sống chung quanh chúng ta.

Hôm nay, mục Sống Sao Cho Đẹp mời bạn học hỏi thêm về đức tính khiêm tốn. Chiếc cổng trong câu truyện đóng lại khi chàng hoàng tử thể hiện sự phô trương tự đắc, và nó đã mở rộng để đón chàng khi chàng biết hạ mình xuống nhận ra căn tính thật của mình. Câu chuyện Chiếc Cổng cũng nhắc nhở chúng ta rằng, cách cư xử hằng ngày của chúng ta với nhau có thể sẽ làm cho “chiếc cổng” đóng lại hay mở ra. Đã rõ, thái độ tự cao, cổng lòng đóng lại; thái độ khiêm tốn, cổng lòng mở ra. Bạn muốn cổng lòng người đóng hay mở để đón tiếp bạn ?

Br. Huynhquảng

 

VỀ MỤC LỤC
Hành-trình vô-thần của Karl Marx khi còn thanh-niên ...(tiếp theo)

 

Gs. Trần Văn Toàn

Bài đăng ở tập san Định Hướng

 

2. Marx đọc sách các triết-gia thời Cận-đại

Đạo Thiên-Chúa từ Tiểu-Á truyền vào đế-quốc Rôma vào lúc mà các triết-gia trong mấy thế-kỷ đã phê-bình và phi-bác tôn-giáo của quần-chúng, và cũng vào lúc mà hoàng-đế Rôma cho mình là thần-linh  . Như đã nói trên đây, Marx đã tìm thấy trong sách vở các triết-gia đó nhiều chứng-lý biện-hộ cho lập-trường vô-thần, phủ nhận các thần-linh của hệ-thống đa thần.

Nhưng vấn-đề là đạo Do-thái và đạo Thiên-Chúa cũng chống lại tôn-giáo cổ-truyền ở mấy điểm quan-trọng : trước hết, các sự-vật và các mãnh-lực trong thiên-nhiên đều không phải là thần-thiêng, sau đó thì các vua chúa cũng không phải là thần-linh, không phải là thiên-tử, và sau cùng thì các sinh-lực phồn-thực cũng không phải là thần-linh. Cho nên quan-niệm về Đức Chúa của hai tôn-giáo đó khác hẳn quan-niệm thông-thường về thần-linh.

Marx đã thâu lượm được một ít tài-liệu tiêu-cực về tôn-giáo, ghi trong Những cặp vở viết tại Berlin, 1840-1841 (MEGA IV / 1 / 1, tr 155-288 và IV / 1 / 2,  tr 733-818, và  Những cặp vở viết tại Bonn, 1842 (MEGA IV / 1 / 1, tr 289-376 và IV / 1 / 2, 825-863). Nhưng rồi bỏ đấy, không khai thác nữa, và cũng không tìm tòi thêm nữa. Vì sao thế ? Chắc là vì phải viết cho xong luận-văn tiến-sĩ và sau đó lại phải vội đi tìm nghề làm ăn. Dù sao, tôi dám chắc rằng lý-do chính, là vì đang lúc ông còn chưa rõ lập-trường, thì Feuerbach đã cho xuất-bản sách Bản-chất đạo Thiên-Chúa (1841), với một lập-luận và một kết-luận thật là rõ-ràng và lý-sự, đáp-ứng lại quá mức ước-vọng của Marx. Cho nên nói rằng chủ-trương vô-thần của Marx là do Feuerbach mà ra, thì cũng đúng một phần lớn.

Muốn hiểu lộ-trình của Marx về tôn-giáo, cần phải xem ông đã ghi chú những gì trong những cặp vở viết tại Berlin và Bonn.

Những đoạn văn ghi chú trong Những cặp vở viết tại Berlin là những tài-liệu thâu-lượm trước khi Marx biết có sách của Feuerbach. Nội-dung là những đoạn văn chép của các triết-gia thời Cận-đại chung quanh vấn-đề đức-tin và lý-trí. Đó là vấn-đề mà hai đạo Do-thái và Thiên-Chúa đã chú tâm giải-quyết ngay từ khi tiếp-xúc với tư-tưởng duy-lý của người Hi-lạp, nghĩa là từ ba thế-kỷ trước Tây-lịch kỷ-nguyên, chứ không phảì là mãi đến thời Cận-đại mới làm. Còn Những cặp vở viết tại Bonn, thì viết sau khi Feuerbach xuất-bản sách Bản-chất đạo Thiên-Chúa, và thường là chép lại từ các sách viết về lịnh-sử nghệ-thuật và lịnh-sử các tôn-giáo, và đây là những điểm mà Feuerbach không để ý đến.

Có thể nói là Marx đọc sách thời Cận-đại theo hai lối đề-cập vấn-đề tôn-giáo : lối triết-học và lối dân-tộc-học .

 

2.1 - Đề-cập vấn-đề tôn-giáo theo phương-pháp triết-học : Đức tin và lý-trí, Vấn-đề Thiên-Chúa 

Đề-cập tôn-giáo theo lối triết-học, đó là đặc-điểm của Những cặp vở viết tại Berlin (1840-1841). Ta sẽ xem qua nội-dung những cặp vở này, rồi sau đó sẽ trình bày tỉ-mỉ về các tác-giả mà Marx tham-khảo.

 

2.1.1 - Nội-dung những cặp vở viết tại Berlin 

Có tất cả tám cặp vở viết tại Berlin. Vở 1 và 2  là những đoạn văn ghi chép từ năm 1840 cho đến đầu năm 1841, trích ra từ sách De anima (Peri psychês, Luận về hồn) của Aristotêlês (384-322 trước TLKN). Vở 3, 4, 5, viết năm 1841, thì dành hẳn cho tác-phẩm Tractatus theologico-politicus (Luận-văn về thần-học và chính-trị) và một số thư từ của triết-gia người Hòa-lan là Spinoza (1632-1677). Vở  6 (1841) chép sách của triết-gia người Đức là Leibniz (1646-1716). Vở 7 (1841) chép nhiều đoạn văn trong sách Treatise on human nature (Luận-văn về bản-tính con người) của triết-gia người Anh, miền Scottland, là Hume (1711-1775). Sau cùng thì vở 8 (1841) được dành cho cuốn sách Lịch-sử triết-học của Kant mà Karl Rosenkranz vừa xuất bản năm 1840.        

 Chúng ta có thể bỏ không xét đến những ghi-chú về Aristotêlês và Rosenkranz, vì không thuộc về loại sách vở mà Marx đọc về tôn-giáo. Như thế còn lại 5 cặp vở để ghi-chú về Spinoza, Leibniz và Hume. Về Spinoza thì Marx chép tới 3 cặp vở. Còn về Leibniz và Hume thì Marx trích ra từ 14 tác-phẩm khác nhau, nhưng không có tác-phẩm nào quan-trọng, lại chỉ chép lại những đoạn văn đi theo một hướng như Spinoza. Riêng về sách của Hume thì Marx chỉ lấy mấy đoạn văn từ phần III và IV mà thôi.

Ngần ấy cũng đủ biết là Marx đã tự giới-hạn số sách ông định tham-khảo, một là vì không thể có thì-giờ đọc tất cả các triết-gia thời Cận-đại, hai là vì ông chỉ chọn những tư-tưởng chống tôn-giáo mà thôi. Cho nên ta không thấy trích-dẫn từ tác-phẩm của chính Spinoza những ý-kiến tích-cực về đạo Thiên-Chúa, càng không thấy chép lại đoạn văn nào của những triết-gia duy-lý nhưng biết nhận rằng cái lý của con người ta có giới-hạn, như Descartes, Pascal, Kant, v.v.  

Cho nên ta thấy rõ là đối với Marx, Spinoza mới thực là nhà tư-tưởng quan-trọng. Marx đã đọc thật kỹ Luận-văn về thần-học và chính-trị, sách chia ra làm 20 đoạn, thì đoạn nào cũng được Marx trích-dẫn, lại thêm vào đó nhiều đoạn văn lấy từ các thư-từ của tác-giả. Marx để ý đến Leibniz và Hume và trích ra những đoạn văn về vấn-đề  kiến-thức của người ta về Thiên-Chúa.

 

2.1.2 - Marx đọc sách của Spinoza 

2.1.2.1 - ‘’Luận-văn về thần-học và chính-trị

Có điều làm cho người ta ngạc-nhiên, là Marx không chép đoạn văn nào từ tác-phẩm chính về siêu-hình-học mang cái tên hơi lạ tai, là Ethica (Đạo-đức-học), trong đó Spinoza trình-bày tất cả hệ-thống tư-tưởng của ông. Chắc cũng không phải là không có lý-do, vì Marx không muốn để ý đến tất cả hệ-thống, nhưng chỉ chú tâm vào vấn-đề liên-quan giữa thần-học và triết-học, giữa đức tin và lý-trí. Điểm quan-trọng ở đây đối với Marx, là trong cuốn Luận-văn nói trên, Spinoza đã muốn dùng lý-trí để phê-bình Thánh-kinh, là sách căn-bản của đạo Do-thái và đạo Thiên-Chúa. Nên nhắc lại là Spinoza chính gốc là người Do-thái, gia-đình đã bị trục-xuất từ Y-pha-nho tới Hòa-lan lập nghiệp. Cho nên vì cuốn sách đó mà ông bị người Do-thái công-kích kịch-liệt : họ gọi đó là sách ‘’do một người Do-thái bội-phản, cộng-tác với quỉ-sứ dưới địa ngục mà làm nên’’, và sau cùng thì họ trục-xuất Spinoza ra khỏi cộng-đoàn Do-thái. Đối với một người như Marx, đã tìm tài-liệu để thanh-toán vấn-đề các thần-linh của người thời thượng-cổ, mà nay muốn thanh-toán nốt vấn-đề Thiên-Chúa của đạo Do-thái và đạo Thiên-Chúa, thì không có sách nào hay hơn Luận-văn của Spinoza, vì đây là cuốn sách đầu tiên dám đem Thánh-kinh ra phê-bình.

Đầu đề sách Luận-văn về thần-học và chính-trị còn có thêm một câu sau đây : ‘’gồm mấy bài luận để minh-chứng rằng có thể để cho người ta tự-do triết-lý, mà không có hại gì đến đạo-đức và hòa-bình trong nước, và hơn nữa nếu tiêu-diệt cái tự-do đó, thì cũng là tiêu-diệt đạo-đức và hòa-bình trong nước’’. Như thế có nghĩa là Spinoza đòi rằng phải có tự-do tư-tưởng trong một nước biết trọng tự-do và không bị quyền-lực của tôn-giáo chi-phối. Đứng vào lập-trường đó tức là Spinoza đã nhận-định rằng nếu không được pháp-luật và nhà nước Hòa-lan thời đó bảo-vệ thì, với tư-tưởng tự-do như thế, chắc ông không sao thoát khỏi những cái rầy-rà, nếu không hại đến tính-mệnh thì có sống cũng không yên.

Marx đã đọc luận-văn đó bằng tiếng la-tinh, trong tập I của tác-phẩm Spinoza in tại Jena năm 1802. Những đoạn văn mà ông chép lại - dĩ nhiên là bằng tiếng la-tinh - không theo như thứ-tự các phần đoạn trong cuốn sách. Có lẽ Marx đã xếp các đoạn sách lại với nhau theo thứ-tự các đề-tàì quan trọng như sau : a) Vấn-đề  phép lạ (đoạn thứ 6) ; b) Đức tin và lý-tri (đoạn 14 và 15) ; c) Liên quan giữa nhà nước và tôn-giáo (đoạn 20, 19, 18, 17 và 16) ; d) Phê-bình Thánh-kinh (đoạn 7, 8, 9 và 10) ; đ) Thiên-Chúa mặc-khải cho người ta những gì ?

Sau đây là nội-dung các đề-tài , theo như thứ-tự của Marx :

 

a)      Vấn-đề phép lạ . 

Thường thường dân chúng căn cứ vào các phép lạ để làm điểm tựa cho lòng sùng bái của mình : vị nào càng thiêng thì càng phải thờ.

Spinoza nhận-xét ngay ở đầu đoạn 6 :’’Môn học nào vượt quá tầm hiểu biết của người ta thì được gọi là thần-thiêng ; cũng thế, những công-trình mà người bình-dân không biết được nguyên-nhân, thì người ta cũng quen gọi là công-trình của thần-linh, của Thiên-Chúa’’ . Trong đoạn đó thì Marx đã chép lại câu này : ‘’(người bình-dân) cho rằng không có chứng-lý nào rõ-rệt hơn để minh-chứng có Thiên-Chúa cho bằng khi thấy như có cái gì xảy ra không theo thứ-tự trong trời đất. Nói thế khác, người  ta cho rằng bao lâu thiên-nhiên vận-chuyển theo như thứ-tự đã quen, thì Thiên-Chúa không hoạt-động ; và ngược lại, khi các mãnh-lực và các nguyên-nhân tự-nhiên không có hiệu-quả, thì khi đó Thiên-Chúa mới hoạt-động. (...) Người bình-dân gọi những cái lạ-lùng trong thiên-nhiên là phép lạ, là việc của Thiên-Chúa làm’’  .

Lập-luận của Spinoza là như sau :

Một là : không có gì xảy ra bên ngoài cái thứ-tự muôn đời bất-biến của thiên-nhiên. Vì lẽ rằng : Thiên-Chúa quan-niệm như thế nào thì muốn làm đúng như thế. Đàng khác, các định-luật tổng-quát trong thiên-nhiên đều chỉ là những sắc-lệnh của Thiên-Chúa, do bản-tính tất-yếu và hoàn-hảo của Thiên-Chúa mà ra. Cho nên tất cả những gì xảy ra, đều là do ý-định muôn đời của Thiên-Chúa.

Hai là : không phải là vì có phép lạ, nhưng là vì thiên-nhiên vận-chuyển theo thứ-tự bất-biến, mà người ta nhận biết là có Thiên-Chúa, biết bản-tính của ngài và biết ngài săn-sóc cho tạo-vật. Thực thế, nếu có gì đi trái ngược lại thiên-nhiên, thì thật là vô-lý : cái gọi là phép lạ, đi ngược lại trật-tự thiên-nhiên, có chăng chỉ làm cho người ta hoài-nghi, không dám chắc là có Thiên-Chúa. Thế nghĩa là chỉ có những công-trình thiên-nhiên mới làm cho ta có được một kiến-thức cao-siêu về Thiên-Chúa. Còn cái mà Thánh-kinh gọi là phép lạ, thì chỉ là những công-trình thiên-nhiên vượt quá mức hiểu-biết của ta. Và sau cùng ta còn có một phản-chứng sau đây : Thánh-kinh cho biết là cả những ngôn-sứ giả hiệu cũng làm được phép lạ ! Cho nên phép lạ không làm cho ta biết đích-xác về Thiên-Chúa.

Ba là : những sắc-lệnh, những điều Thiên-Chúa truyền-dạy, thực ra chỉ là cái thứ-tự trong thiên-nhiên mà thôi. Vì, theo như quan-niệm của Spinoza, thì Thánh-kinh không có mục-đích là để làm cho ta biết các sự-vật theo như các nguyên-nhân tự-nhiên, nhưng chỉ là để cho ta biết những điều có thể đánh mạnh vào trí tưởng-tượng, với mục-đích là gợi ra lòng thán-phục và kích-động lòng sùng bái trong tâm-hồn của người bình-dân. Spinoza viết tiếp :’’Nếu ta minh-chứng được rằng có sự-kiện nào (trong Thánh-kinh) đi ngược lại các định-luật thiên-nhiên, hay là không do thiên-nhiên mà ra, thì ta phải tin chắc rằng đó là điều mà những người phạm thượng đã viết thêm vào các sách thánh. Thực thế, những cái gì đi ngược lại Thiên-nhiên, thì cũng đi ngược lại Lý-trí ; và cái đi ngược lại Lý-trí cũng là cái vô-lý, cho nên phải vứt bỏ đi’’ (tr 128). Cái lập-trường này của Spinoza thì Marx không chép lại, nhưng ông đã đọc được rõ-ràng.

Bốn là  phải kết-luận rằng : phép lạ mà không được giải-thích hẳn-hoi thì có thể làm cho người ta lầm tưởng rằng có đôi điều trong Thánh-kinh có thể đi ngược lại ánh sáng tự-nhiên của lý-trí, nghĩa là chỉ vì còn thiếu kiến-thức mà người ta coi phép lạ là một cái gì mới lạ, và Thánh-kinh, tuy xem ra có vẻ là nói đến phép lạ, nhưng thực ra chỉ nói đến những cái hết sức là tự-nhiên (xem tr 128-133).

 

b)      Đức tin và Lý-trí 

Đức tin và Lý-trí, Thần-học và Triết-học, đó là những vấn-đề mà từ bao nhiêu thế-kỷ những người có văn-hóa duy-lý, triết-lý hay khoa-học, đều đặt ra mỗi khi họ đụng chạm tới tôn-giáo được mặc-khải. Spinoza dành ra cho vấn-đề đó hai đoạn 14 và 15 trong sách của ông. Đối với ông thì cần phải phân-biệt đức tin và triết-học, để ai nấy có thể tư-tưởng một cách tự-do về vấn-đề đức tin.

Về đức tin : theo như ông nghĩ thì đức tin không thuộc về phạm-vi tri-thức, nhưng thuộc về phạm-vi hành-động, nó không đòi lý-trí phải nhận những tín-điều mình cho là đúng, nhưng nó đòi phải nhận những nguyên-tắc làm cho người ta có lòng sùng-bái và biết vâng theo lời Đức Chúa hay là Thiên Chúa dạy. Nói thế khác, tin có nghĩa là tín-cẩn, chứ không phải là nhận biết chân-lý nọ hay chân-lý kia (xem trang 241-243). Quan-niệm đó của Spinoza thì Marx đã ghi lấy trong cặp vở của ông (MEGA IV / 1 / 1, tr 235). Vì thế, Thánh-kinh chỉ có một mục-đích là làm cho người ta biết vâng lời Đức Chúa, biết thi-hành điều ngài truyền dạy, là thương yêu người ta. Thi-hành được công-bình và bác-ái, tức là sùng-bái và vâng lời Đức Chúa.

Marx đã đọc đoạn văn khá dài của Spinoza, và ông ghi lại câu tóm tắt sau đây :’’Còn về vấn-đề tìm biết bản-tính của Thiên-Chúa là gì, có phải là mẫu-mực đích-thực cho đời sống, có phải là lửa, là tinh-thần, là ánh sánh, là tư-ttưởng v.v. hay không, những điều đó không liên-quan gì đến đức tin cả’’ (tr 245).

Về vị-trí của triết-học thì Marx ghi lại câu kết-luận hết sức rõ-ràng của Spinoza :’’Bây giờ còn phải minh-chứng rằng giữa đức tin hay thần-học và triết-học thì không có liên-quan dây mơ rễ má gì cả ; đó là điều ai cũng biết, một khi đã nhận ra rằng mục-đích và nền-tảng của hai khoa đó hoàn-toàn khác nhau. Mục-đích của triết-học chỉ là chân-lý mà thôi, còn mục-đích của đức tin thì chỉ là lòng sùng-đạo và thái-độ vâng lời, như ta đã nói trên đây nhiều lần. Nền-tảng của triết-học là những khái-niệm tổng-quát mà ta lấy ra từ thế-giới tự-nhiên, còn nền-tảng của đức tin thì là lịch-sử và ngôn-ngữ-học, và ta phải lấy ra từ Thánh-kinh do Thiên Chúa mặc-khải mà thôi’’ (tr 246).

Liên-quan giữa lý-trí và thần-học thì Spinoza đã xét lại và trình-bày trong đoạn thứ 15. Ông viết :’’Thần-học không phải là đầy tớ của lý-trí, mà lý-trí cũng không phải là đầy tớ của thần-học’’ (tr 249). Như thế có nghĩa là nếu ta không chịu tách rời triết-học ra khỏi thần-học, thì ta chỉ làm hỏng cả lý-trí lẫn thần-học. Về điểm này lập-trường của Spinoza rất là thận-trọng :’’Ta phải bỏ hẳn cái ý-kiến rằng tôn-giáo và lòng sùng đạo muốn dùng lý-trí làm đầy tớ của mình, hay ngược lại, rằng lý-trí muốn hạ giá tôn-giáo xuống phận tôi đòi đó ; ta đừng nghĩ rằng hai bên không thể hòa-hảo với nhau và hoạt động trong phạm-vi riêng của mình’’ ( tr 251-252). Có điều thật đáng chú ý, là đoạn văn đó thì Marx không chép, nhưng lại chép đoạn văn khác đề cao lý-trí :’’ Khi họ cố gắng dùng chứng lý toán-học để biện-minh cho chân-lý và uy-tín của thần-học, và làm cho ánh sáng tự-nhiên của lý-trí mất uy-tín đi, thì rõ-ràng là họ buộc thần-học phải nhận chủ-quyền của lý-trí, chứ có làm gì khác đâu ?’’ (tr 257)

 

c)      Liên-quan giữa nhà nước và tôn giáo. 

Mấy đoạn 20,19,18,17 và 16, thì ta không cần đi vào chi-tiết, vì ít liên-quan đến tôn-giáo. Spinoza chỉ có ý nói là trong một nhà nước tự-do thì ai nấy có tự-do tư-tưởng những điều mình muốn và nói ra những điều mình tư-tưởng ; người lãnh-đạo nhà nước thì có quyền dàn xếp việc hành-đạo, sao cho trong nước được hòa-bình, nhưng không có quyền tuyệt-đối. Còn nhà nước lấy thần-quyền làm nền tảng thì Spinoza căn-cứ và lịch-sử Do-thái để minh-chứng vì sao nó không đứng vững được. Riêng trong đoạn 16, thì Spinoza bàn về nền-tảng của nhà nước.

 

d)      Phê-bình Thánh-kinh

Spinoza dành ra bốn đoạn (từ 7 đến 10) để phê-bình Thánh-kinh. Thêm vào đó ông còn để ra tám đoạn khác để bàn về nội-dung của những điều Thiên-Chúa mặc-khải. Đủ biết đối với ông đó là vấn-đề rất quan-trọng. Cho nên khi muốn phê-bình đạo Do-thái và đạo Thiên-Chúa, thì Marx đã chọn đúng ngay vào Spinoza để tham khảo,  

Về vấn-đề giải nghĩa Thánh-kinh (đoạn 7).

Người tín-hữu thường nói rằng những điều Thiên-Chúa mặc-khải đã được ghi lại trong Thánh-kinh. Nhưng ngày nay không phải cứ đọc là tức khắc hiểu ngay được đúng ý-nghĩa, vì trong bộ Thánh-kinh có tới sáu bảy chục cuốn sách, viết rải rắc trong gần một nghìn năm, cho những độc-giả ở trong những hoàn-cảnh lịch-sử, văn-hóa, chính-trị khác nhau, hơn nữa lại có nhiều người giải-nghĩa khác nhau, cho nên khó biết đâu là đúng, đâu là sai. Spinoza dùng lối chơi chữ của người Hòa-lan : geen ketter zonder letter (tr 239), để nói lên rằng : không có ai làm bè phái (rối đạo), mà lại không tựa vào văn-tự. Ông lại nhận-xét thêm rằng ‘’hầu hết người ta thường đem những điều chính mình khám phá ra để đặt thay vào lời của Thiên-Chúa, rồi cố ý dùng uy-tín tôn-giáo để bắt buộc người khác phải tư-tưởng như mình’’ (tr 137). Vì thế cho nên cần phải có một phương-pháp thuyên-thích để làm ‘’con đường vững chãi duy nhất đưa tới ý-nghĩa chính xác của Thánh-kinh’’ (tr 146).

Nói như thế, Spinoza cũng đã thừa hiểu là có một số người vẫn đinh-ninh rằng mình biết ‘’cách giải-thích chính-xác, ví-dụ như người thuộc phái Pha-ri-siêu, hay là những người công-giáo theo tông-phái Rôma huênh-hoang cho rằng mình có một vị giáo-tông không thể sai lầm khi giải-thích Thánh-kinh’’ (tr 146). Nên chú-ý rằng Spinoza viết ra câu này hai thế-kỷ trước khi công-đồng Vaticanô thứ nhất (năm 1870) công bố rằng vị giáo-tông không thể sai lầm khi giảng-dạy về tín-lý. Ông viết tiếp :’’Chúng ta không thể căn-cứ vào đó được, vì không thể biết chắc-chắn về truyền-thống cũng như về uy-tín của vị giáo-tông, vì lẽ rằng cái uy-tín đó thì những người đầu tiên theo đạo Giê-su đã phủ-nhận, còn cái truyền-thống đó thì những  giáo-phái Do-thái cũ nhất cũng không chấp-nhận’’ (tr 146), Như thế đã rõ là đối với Spinoza  ‘’con đường vững chãi duy nhất’’ đó phải đặt nền tảng vào ánh sáng tự-nhiên, tức là lý-trí : đó là phương-pháp phê-bình và lịch-sử.

Phương-pháp thuyên-thích của Spinoza, ngày nay ta cho là lẽ đương-nhiên, nhưng đối với người đương thời với ông thì nó thật là một khám phá mới mẻ. Ông nhận-định rằng nếu trong Thánh-kinh có những đoạn văn không rõ ý, hay là hàm-hồ, thì có thể vì nhiều lý-do : hoặc là vì người ta đọc hay viết lẫn những chữ giống nhau (như ta nói : chữ tác đánh chữ tộ), hoặc là vì có những ngôn-từ có nhiều nghĩa, hay là vì các động-từ không ghi rõ thời-gian ; thêm vào đó lại còn vì người Do-thái chỉ viết phụ-âm mà không viết chính-âm, và thường không chia rõ phần đoạn trong khi viết (tr 148-149). Một điều khó khăn nữa, là người ta không biết rõ những bản văn đó đã do những ai viết ra và viết ra trong những hoàn-cảnh nào (tr 150). Nói tắt một câu :’’Nếu có nhiều cái khó khăn trong việc giải-thích Thánh-kinh, thì đó không phải là vì ánh sáng tự-nhiên (tức là lý-trí) yếu ớt, nhưng chỉ là vì người ta hờ-hững (nếu không phải là ranh mãnh), tuy có thể làm được, nhưng vẫn không chịu thiết-lập một tri-thức có tính-cách lịch-sử và phê-bình’’ (tr 153-154).

Như thế cũng đủ rõ về những nguyên-tắc thuyên-thích : trước hết phải am-tường ngôn-ngữ dùng trong Thánh-kinh ; rồi khi muốn tìm hiểu ý-nghĩa của đoạn văn nào thì phải đặt nó vào trong hoàn-cảnh và môi-trường của nó, lại phải xét xem người ta nói theo nghĩa đen hay nghĩa bóng (tr 141). Thêm vào đó lại còn phải theo phương pháp lịch-sử để tìm biết về ‘’tiểu-sử và nếp sống của tác-giả, xem tác-giả đã viết ra vì mục-đích nào, nhân dịp nào, vào lúc nào, viết cho ai đọc và dùng ngôn-ngữ nào’’ (tr 142). ‘’Khi tìm hiểu như thế lại còn phải xem mỗi cuốn sách đã được tiếp nhận trong buổi đầu như thế nào, những ai đã được cầm cuốn sách trong tay, và khi sao chép thì bản văn đã được thêm bớt ra sao ; sau cùng phải xem ai đã quyết-định coi sách đó là sách thánh, và các sách được coi là sách thánh đã được thu cả vào một bộ Thánh-kinh như thế nào’’ (cũng tr 142).

Nên chú ý là phương-pháp thuyên-thích này sẽ được áp-dụng vào Thánh-kinh của đạo Do-thái và đạo Giê-su Cứu-thế, rồi sau đó còn được áp-dụng trong các trường đại-học văn-khoa vào các bản văn thời xưa để lại, bất luận là có tính cách tôn-giáo hay là thế tục. Tuy vậy vẫn còn có những tôn-giáo không muốn đi theo con đường phê-bình như thế, cứ nhất-định là thần dạy thánh phán như thế, cổ-nhân hay giáo-tổ định như thế, thì phải tin theo y như thế.

Sau đó Spinoza đặt thêm mấy nguyên-tắc về nội-dung của Thánh-kinh :’’Trước hết phải tìm xem cái gì có tính-cách phổ-biến nhất, cái gì là nền tảng của Thánh-kinh, cái gì đã được các ngôn-sứ coi như là giáo-lý muôn đời có ích lợi cho tất cả mọi người. Ví  dụ : phải thờ phượng một Thiên-Chúa duy-nhất, toàn-năng, luôn luôn săn sóc và thương yêu mọi người, nhất là những người biết thờ kính Chúa và thương yêu người khác như mình vậy  (...) Còn về bản-tính của Thiên-Chúa và về cách-thức ngài coi sóc và săn sóc cho vạn vật, và về những điều tương-tự như thế, thì Thánh-kinh không dạy một giáo-lý nào có tính-cách bất-biến muôn đời ; mà trái lại, như tôi đã trình-bày, chính các ngôn-sứ cũng không đồng ý về những điểm đó. Vì thế về những điều đó, không nên coi cái gì là giáo-lý do Thánh-thần của Thiên-Chúa dạy cho ta, cho dù ánh sáng tự-nhiên có thể bàn luận về những điều đó một cách hết sức rõ ràng (...) Về những điểm đó, tất cả những gì  tối tăm và hàm hồ trong sách thánh thì đều phải được giải-thích và xác-định theo như giáo-lý chung cho tất cả bộ Thánh-kinh’’ (tr 143).

Bây giờ ta xem Spinoza áp-dụng phương-pháp đó vào một vài chi-tiết cũng không phải là vô ích. Ví-dụ : để kết-luận đoạn 7, ông viết :’’Vì ai nấy đều có quyền tối cao để giải nghĩa Thánh-kinh, cho nên chỉ có một qui-tắc để giải-nghĩa, đó là Ánh sáng tự-nhiên, của chung của mọi người : không có ánh sáng nào cao hơn bản-tính tự-nhiên, không có uy-tín nào ngoại lai cả’’ (tr 158).   Sau đó chừng một thế-kỷ, tức là vào thế-kỷ khai-minh (Siècle des Lumières) chính vào lúc phong-trào duy-lý phát-triển mạnh ở Âu-châu, triết-gia người Đức là Kant cũng lấy lại ý-kiến như thế trong bài Thế nào là khai-minh (Aufklaerung/Lumières) ?

Riêng về phần Marx, thì khi đọc xong đoạn 7, ông chỉ chép lại có hai câu, và đây là câu quan-trọng hơn :’’Qui-tắc chung cần phải giữ trong khi giải-thích Thánh-kinh, là sau khi nghiên-cứu lịch-sử, có thấy Thánh-kinh dạy rõ-ràng thế nào, thì mới được nóí là dạy thế ấy, chứ không được thêm cái gì khác’’ (tr 140). 

Tính-cách đích-xác (authenticité) của những cuốn sách trong bộ Thánh-kinh.

Trong các đoạn 8, 9, 10, thì Spinoza khảo-sát về tính-cách đích-xác của một số sách trong bộ Thánh-kinh, như bộ ‘’ngũ-kinh‘’ (Pentateuque), sách Esdras, sách Sử biên niên (Chroniques), sách Thánh-vịnh (Psaumes), sách Châm-ngôn (Proverbes, sách Job, sách Đaniel, sách Esther và sách Nơ-khê-mi-a (Néhémie). Phương-pháp khảo-sát phê-bình như thế thì ngày nay trong giáo-hội đạo Giê-su ai cũng coi là lẽ đương-nhiên, nhưng vào thời Spinoza lá người đi tiên-phong, vào thời Marx, và mãi cho đến đầu thế-kỷ XX, người ta sợ-sệt coi nó là phương-pháp phá-hoại, phá-đạo, Trên đây đã  nói là ngày nay vẫn còn khá nhiều người chưa có thái-độ phê-bình như thế đối với kinh-điển của các tôn-giáo.

Marx có chép lại một số chi-tiết trong lập-luận của Spinoza. Sau đây chỉ xin trưng-dẫn ra hai câu biểu-lộ cái dự-định của Marx có ý muốn tìm ra cái gì trong khi tham-khảo.

Câu thứ nhất :’’ (...) tôi phải nhận-định rằng khi người Do-thái giải-thích Thánh-kinh, thì chẳng có thể lập-luận gì được, lại cũng chẳng thấy họ theo qui-tắc nào cả, và muốn uốn nắn ra sao cũng được’’ (đoạn 9, tr 181). Thế nghĩa là gì ? Phải chăng là sau này Voltaire và Feuerbach đã lấy lại ý-kiến đó khi chủ-trương rằng con người ta đã tác tạo ra Thiên-Chúa theo như hình ảnh của mình ?

Câu thứ hai nhằm vào cái lối giải-thích Thánh-kinh của người Do-thái, chủ-trương rằng cả những chi-tiết rất nhỏ trong bản văn cũng đều có ý-nghĩa cả. Spinoza viết :’’Điều mà tôi biết là thế này : tôi chưa hề thấy trong các sách thánh của họ có cái gì là mầu-nhiệm cả ; tôi chỉ thấy trong đó rặt những truyện rắc-rối, trẻ con’’ (tr 182).

Ngần ấy thôi cũng đủ thấy là phê-bình như thế xong thì uy-tín của Thánh-kinh cũng bớt đi nhiều, và rồi ta chỉ còn có lý-trí để soi sáng cho người ta mà thôi. 

           

đ)   Những điều Thiên-Chúa mặc-khải

Marx còn chép một số đoạn văn trích ra từ những đoạn sách 11, 12, 13  và 1, 2, 3, 4, 5. Tôi có ý góp tất cả những đoạn sách đó vào một mối, nhan đề là : những điều Thiên-Chúa mặc-khải. Ở đây lại chia ra làm hai phần : một phần là những điều dạy qua các ngôn-sứ, gồm những đoạn 1, 2, 3, 11, còn phần kia là những lề-luậr Chúa dạy phải giữ, gồm những đoạn 12, 13, 4, 5. Hai phần đó bổ-túc cho nhau : phần trước nói về cách-thức Chúa mặc-khải, còn phần sau thì nói về nội-dung.

 

e)      Cách-thức Thiên-Chúa mặc-khải

Câu đầu tiên của đoạn thứ nhất đã tóm-tắt được lập-trường của Spinoza, Marx đã chép lại như sau :’’Một lời của ngôn-sứ     hay một lời mặc-khải là lời Đức Chúa mở cho người ta biết chắc chắn về một sự việc nào đó. Còn người làm ngôn-sứ, đó là người đem những điều Đức Chúa cho biết, để giải thích lại cho những người tự mình không có khả năng hiểu biết chắc chắn, mà chỉ lĩnh-hội được bằng đức tin mà thôi’’ (tr 131). Marx còn chép thêm nhiều đoạn khác trích ra từ hai đoạn 1 và 2. Đại ý nói lên lập-trường duy-lý của Spinoza.

Trước hết, Spinoza đề cao cái tri-thức tự-nhiên, mà mọi người đều có, và ông phàn-nàn là có nhiều người có tính hiếu-kỳ, chỉ ưa những cái gì lạ-lùng hiếm có, cho nên coi thường cái tri-thức tự-nhiên. Tri thức đó là do lý-trí, là ánh sáng tự-nhiên Đức Chúa soi sáng cho ta biết về ngài. Vì thế ông nghĩ rằng cũng có thể gọi lý-trí là một thứ ngôn-sứ. Marx chép lại ý-kiến đó như sau :’’Tri-thức tự-nhiên là do Thiên-Chúa mà ra, cho nên cũng chắc chắn không kém gì tri-thức do các ngôn-sứ dạy cho ta’’ (tr 32).

Đã thế, tri-thức tự-nhiên còn có phần vững chắc hơn là tri-thức của ngôn-sứ. Vì lẽ rằng các ngôn-sứ được Thiên-Chúa cho biết qua những lời nói, những hình-ảnh hay những dấu hiệu tưởng-tượng (tr 33), lại thường thường cho biết ý-định của ngài trong giấc mộng, nghĩa là trong lúc mà trí tưởng-tượng hoạt-động mạnh. Marx chép lại lập-luận của Spinoza như sau :’’Để làm việc của ngôn-sứ thì không cần phải có óc tư-tưởng hoàn-hảo hơn, nhưng cần phải có trí tưởng-tượng sắc bén hơn’’ (tr 38). Và ông chép tiếp :’’Vì lẽ các ngôn sứ đã nhờ vào trí tưởng-tượng mà thấy được những điều Thiên-Chúa cho biết,  cho nên ta chắc được rằng  họ thấy được nhiều cái ở ngoài phạm-vi của lý-trí’’ (tr 44).

Lập-luận của Spinoza trong vấn-đề này cũng khá dài. Đại-khái có ý nói là dùng lý-trí để nhận-thức thì bao giờ cũng chắc-chắn hơn là dùng trí tưởng-tượng. vì thế cái sở tri của các vị ngôn-sứ thì vừa không vững chắc, vừa hữu hạn, lại nhiều khi trái ngược nhau. Cho nên không sao sánh được với cái hiểu biết căn cứ vào lý-trí của triết-gia.

 

g)      Lề-luật của Thiên-Chúa 

Trên đây đã nói về các ngôn-sứ là cách thức và là môi-giới Thiên-Chúa dùng để giáo-huấn. Nay bàn  tiếp về phần nội-dung, tức là lề-luật của Thiên-Chúa. Đó là đề-tài trong các đoạn 12, 13, 4 và 5 trong sách Spinoza. Tiên vàn, Spinoza đưa ra giải-thích sau đây : ‘’Cái gì dành riêng vào việc tôn-sùng và vào việc tôn-giáo, thì cái đó đáng được gọi là thần-thiêng, và tính-cách thần thiêng đó vẫn còn gắn liền với sự vật đó, bao lâu người ta còn dùng đến nó trong tôn-giáo’’ (đoạn  12, tr 219). Câu định-nghĩa trông-trống ấy chưa nói lên lập-trường của Marx.  Sau đó ông chép thêm một đoạn văn của Spinoza về Thánh-Kinh, mà người ta cho là lời của Thiên-Chúa : ‘’ Thánh-Kinh được gọi là lời của Thiên-Chúa, vì ba lý-do sau đây : một là vì nó dạy cho người ta biết tôn-giáo đích-thực, mà Thiên-Chúa là tác-giả ; hai là, dưới hình-thức kể truyện, nó báo trước cái tương lai mà Thiên-Chúa đã quyết-định ; ba là vì chính những người thực sự đã soạn ra Thánh-Kinh, thường dạy rằng họ viết ra những điều đó, không phải là vì họ được ánh-sáng tự-nhiên, nhưng mà được một thứ ánh sáng đặc-biệt khai-quang cho họ, và họ cho rằng đó là lời của Thiên-Chúa’’ (tr 221-222).

Còn về đối-tượng hay là đề-tài của Thánh-Kinh, thì Spinoza định giới hạn cho nó một cách rất cẩn-thận, để tránh mâu-thuẫn với lý-trí. Ông viết  :’’Đối-tượng của Thánh-Kinh không phải là để dạy khoa-học, và như thế ta có thể kết-luận rằng Thánh-Kinh chỉ đòi người ta     phải nghe theo, chỉ lên án người bất phục, chứ không lên án người thiếu hiểu biết.’’ (đoạn 13, tr 230). Nói  thế khác, Thánh-Kinh thuộc về phạm-vi thực-hành, chứ không phải thuộc về phạm-vi lý-thuyết, vì : ‘’ Tất cả lề-luật của Thiên-Chúa đều tóm lại vào một giới-điều : yêu mến Thiên-Chúa như là chí-thiện vậy’’ (đoạn 4, tr 88).  Nhưng nói như thế, người ta còn muốn ám chỉ rằng tôn-giáo đi đôi với dốt-nát. Marx đã ghi lấy cái ẩn-ý ấy.

Trong đoạn 4, Spinoza đã dành ra vài trang (tr 92-94) để bàn-luận về Chúa Cứu Thế (Christologie).  Theo như ông quan-niệm, thì Thiên-Chúa đã cho người ta biết một vài điều, qua môi-giới của linh-hồn Chúa Cứu-Thế. Những điều đó được trực-tiếp chuyển vào tư-tưởng Chúa Cứu Thế, dưới hình-thức ý-niệm, chứ không qua lời nói hay là qua hình ảnh nào cả, nghĩa là cũng như trong trường-hợp các vị ngôn-sứ. Vì vậy, nếu Chúa Cứu Thế dạy những điều đó như là luật phải giữ, thì là vì dân-chúng còn dốt nát hay là còn cố chấp. Thực ra ngài có ý dạy chân-lý vĩnh-viễn, ‘’giải-phóng cho người ta không còn phải nô-lệ lề-luật nữa’’ (tr 92).

Marx đã chép lại câu nói dứt khoát : ‘’Xét bề ngoài thì Chúa Cứu Thế đã nhân danh Thiên-Chúa mà viết ra các lề-luật, nhưng trái lại, ta phải nghĩ rằng ngài đã thực-sự trực-giác được các điều đó, và đã hoàn-toàn  hiểu biết được cả ; lý do là vì Chúa Cứu Thế không phải là ngôn-sứ, nhưng là miệng lưỡi của Thiên-Chúa (tr 92).   

Không hiểu quan-niệm như thế về Chúa Cứu Thế có làm cho Spinoza thay đổi tư-tưởng chung của ông hay là không, vì xem ra vấn-đề Giêsu quê ở Nazareth có thực sự hay là không đã không làm cho ông quan-tâm là bao nhiêu. Điều làm cho ông quan tâm hơn cả, đó là chỗ đứng của lý-trí. Về điểm này, Spinoza lý-luận tựa theo các sách dạy khôn-ngoan trong bộ Thánh-Kinh. Ông viết như sau : ’’(...) tôi nghĩ đến vua Salomon : trong Thánh-Kinh không có ca-tụng nhà vua là người đạo-đức, cũng không cho rằng nhà vua là ngôn-sứ của Đức Chúa, mà chỉ nói nhà vua là người khôn ngoan mà thôi (...). Nhà vua cho thấy rõ rằng : một là sự khôn ngoan, hay là lý-trí, mới dạy ta biết phải kính sợ Đức Chúa cho phải phép khôn ngoan, nghĩa là phải tôn-sùng Ngài sao cho thật hợp với tôn-giáo ; hai là sự khôn ngoan và sự hiểu biết đều bắt nguồn từ Đức Chúa, và đó là những khả năng Ngài cho chúng ta’’ (đoạn 4, tr 94 + 96).

Như thế có nghĩa là : thay vì công-kích tôn-giáo cổ-truyền và các chân-lý đã được Đức Chúa mặc-khải cho ta biết, thì Spinoza thiết-lập một tôn-giáo mới, căn cứ vào lý-trí, thích hợp hơn cho những ai biết tự mình tư-tưởng lấy cho mình  Đi xa hơn, nhưng không phế bỏ tôn-giáo cũ, đó là con đường mà Hegel sẽ đi, khi ông dùng triết-học để vượt xa hơn tôn-giáo.

 

2.1.2.2 - Trong thư-tín của Spinoza 

Marx đã đọc các thư-từ của Spinoza trao đổi với các học-giả đương-thời, theo như bản in của ông von Paulus, in năm 1802, chứ không theo bản in của Carl Gebhard, phổ-thông hơn. Trong số 84 cái thư thì Marx trưng-dẫn 26 cái, trong số đó thì những thư quan-trọng nhất là những thư viết cho Henri Oldenburg. Đây không phải là những bài trình-diễn có hệ-thống, nhưng là những chi-tiết để góp thêm vào những đề-tài mà Spinoza đã quảng-diễn ở chỗ khác. Marx đã chép lại những đoạn dài - có khi chép lại cả lá thư -, về những đề-tài rất khác nhau, về siêu-hình-học cũng như về vật-lý-học, về những ý-niệm như bản-thể, thuộc-tính, hiện-hữu, bản-tính, thiên-nhiên, bản-tính và ý-chí của Thiên-Chúa, linh-hồn, vân vân, và cả về phương-pháp mài dũa mục-kính (và đây là nghề thủ-công mà triết-gia Spinoza đã làm để mưu sinh).

Sau đây tôi chỉ trưng-dẫn một vài đoạn để giải-thích và bổ-sung cho những điều đã bàn trong cuốn sách vừa nói trên đây. Và khi trưng-dẫn thì tôi dùng bản dịch Pháp-văn của Charles Appuhn, ‘’SPINOZA, Oeuvres (tác-phẩm)’’, tập 4, Nhà xuất-bản Garnier-Flammarion.

 

a)      Về Thiên-Chúa 

‘’Tôi tin rằng Thiên-Chúa, đối với vạn vật, thì là nguyên-nhân nội-tại, như người ta thường nói, chứ không phải là nguyên-nhân ngoại-tại. Tôi đồng ý với ông Bảo-Lộc , và có lẽ với tất cả các triết-gia thời xưa, mà quả-quyết rằng vạn vật đều ở trong Thiên-Chúa và vận-chuyển trong Thiên-Chúa, tuy rằng tôi nói kiểu khác (...) . Tuy vậy, có một số người nghĩ rằng cuốn Luận-văn về thần-học và chính-trị  được xây trên nguyên-tắc rằng Thiên-Chúa và Thiên-nhiên (hiểu theo nghĩa là một khối vật-chất), cũng chỉ là một : nghĩ như thế là lầm to’’ (Thư số 73, gửi cho Henri Oldenburg, trang 335). ‘’Tôi không nghĩ rằng Thiên-Chúa phải theo một định-mệnh nào cả, nhưng tôi quan-niệm rằng vạn vật đều phải theo bản-tính của Thiên-Chúa một cách tất-nhiên (...) . Tính-cách tất-nhiên của vạn vật đó không làm tổn hại gì đến lề-luật của Thiên-Chúa và pháp-luật của loài người ta’’ (Thư số 75, gửi cho H. Oldenburg, tr 338).

 

b)      Về các phép lạ 

‘’Về các phép lạ thì tôi tin chắc rằng có thể minh-chứng những điều Thiên-Chúa mặc-khải là chắc-chắn, vì nội-dung của nó có tính-cách khôn-ngoan, chứ không phải vì nó căn-cứ vào những phép lạ, nghĩa là căn-cứ vào sự thiếu hiểu biết, và đây là chủ-trương mà tôi đã quảng-diễn trong đoạn thứ 6. Tôi còn muốn nói thêm ở đây rằng để so-sánh tôn-giáo với mê-tín, thì tôi quan-niệm rằng mê-tín thì tựa vào sự dốt nát, còn tôn-giáo thì tựa vào sự khôn ngoan (...). Cũng như tất cả các người khác, thì những người đó (tín-hữu đạo Thiên-Chúa) đưa phép lạ ra để chọi lại với đối phương, nghĩa là tựa vào cái thiếu hiểu biết, là nguồn gốc những điều không hay, và như thế là làm cho tín-ngưỡng chân chính của mình biến thành mê-tín’’ (Thư số 73, gửi cho H. Oldenburg, tr 335). Thêm vào đó, ‘’ Tôi chủ trương rằng phép lạ và mê-tín cũng như nhau, vì những ai lấy phép lạ làm nền tảng để minh-chứng có Thiên-Chúa và minh-chứng tôn-giáo, thì tức là họ lấy cái tối tăm hơn để minh-chứng cái tối tăm mà thôi, và như thế tức là họ đưa ra một lối suy-luận mới : thay vì đưa đối phương đến chỗ bế-tắc không thể chấp nhận được, như ta thường nói, thì lại lấy cái dốt nát ra làm tiêu-chuẩn‘’ ( Thư số 75, gửi cho H. Oldenburg, tr 339).

 

c)      Luận về vị Cứu Thế (Christologie) 

Marx chép đoạn sau đây : ‘’Tôi nghĩ rằng để được cứu-độ thì việc biết rõ nhân-tính của vị Cứu Thế, là hoàn-toàn không cần-thiết gì cả. Nhưng trái lại, về việc vị đó vĩnh-viễn là quí-tử của Thiên-Chúa, là sự khôn ngoan muôn đời của Ngài được biểu-lộ trong vạn vật, và nhất là trong linh-hồn con người ta, và đặc-biệt nhất là trong linh-hồn của Đức Giêsu Cứu Thế, thì vấn-đề lại khác hẳn (...). Còn về những điểm mà một vài giáo-hội thêm vào đó, ví dụ như nói rằng : Thiên-Chúa đã nhận lấy bản-tính loài người ta, thì tôi đã nói trước một cách phân minh là tôi không hiểu nói như thế có nghĩa là gì, mà hơn nữa, thành-thực mà nói, thì tôi nghĩ kiểu nói như thế cũng không kém phần phi-lý như khi ta bảo rằng cái hình tròn đã nhận lấy hình-hài của một hình vuông’’ (Thư số 73, gửi cho H. Oldenburg, tr 336).

Ông lại chép thêm lập-trường của Spinoza về thân-thế của vị Cứu Thế (Christ) : ’’Khi nói rằng vị Cứu Thế đã chịu khổ-nạn, đã chết và được mai-táng, thì tôi hiểu theo nghĩa đen, nhưng khi nói rằng vị đó đã sống lại, thì tôi hiểu theo nghĩa bóng. Tôi đồng ý rằng khi kể truyện sống lại, thì các tác-giả sách Phúc-âm đã nói lên những trường-hợp làm cho ta không thể nghi-ngờ, mà còn đoán chắc được rằng chính các tác-giả đó đã tin rằng thân xác của vị Cứu Thế đã từ cõi chết vùng lên, rồi lên trời và ngự bên hữu Thiên-Chúa, và sự-kiện đó cả những người không phải là tín-hữu cũng có thể trông thấy được, nếu họ có mặt ở những nơi mà vị Cứu Thế đã hiện hình ra trước mặt các môn-đồ  . Tuy vậy những người viết sách Phúc-âm cũng rất có thể là đã lầm, như một số các ngôn-sứ khác trước đây, và những cái lầm đó vẫn không làm tổn hại gì đến lời dạy trong Phúc-âm (Tin mừng). Trái lại, ông Bảo-lộc là người được xem vị Cứu Thế hiện ra sau các người khác, thì tự hào rằng mình được biết vị Cứu Thế không phải là về mặt thể xác, nhưng là về mặt tinh-thần’’ (Thư số 75, gửi cho H. Oldenburg, tr 340).

 

d)      Về giáo-hội công-giáo 

Về giáo-hội công-giáo thì Marx chép lại tất cả lá thư số 76, mà Spinoza viết cho Albert Burgh. Ông này là người đã cải-giáo để theo công-giáo và, trong tinh-thần hăng-hái của người mới cải-giáo, ông đã kịch-liệt công-kích Spinoza trong lá thư số 67, viết tại Firenze (Florence) bên nước Ý, ngày 11-11-1675 (tr 317-328). Ông tựa vào bảy chứng-lý sau đây : 1) Chân-lý của đạo Giêsu Cứu Thế được đặt nền tảng trên sự đồng ý của muôn vàn người có kiến-thức và hạnh-kiểm vượt trên Spinoza ; 2)  Từ thủa có trời đất thì giáo-hội vẫn bền vững luôn ; 3) Vị Cứu Thế đã vượt lên trên Cựu-Ước để đi tới đường lối tôn-sùng mới của Tân-Ước, và giáo-hội được truyền-bá vì đã thắng được các nhà hiền-triết và cả hoàng-đế Roma nữa ; 4) Các đặc-điểm của giáo-hội của vị Cứu Thế là : đã có từ lâu, không thay đổi được, không sai lầm được, không phải sửa sai, thống nhất, được truyền-bá rất rộng, sẽ tồn-tại cho đến tận thế, và không có linh-hồn nào tách rời được ra khỏi giáo-hội ; 5) Giáo-hội được quản-trị và hướng dẫn một cách thật là có qui củ ; 6) có vô số người công-giáo có một đời sống lành thánh đáng thán phục và họ đã nhân danh quyền lực của Thiên-Chúa mà làm được nhiều phép lạ ; và, sau cùng thì 7) Có nhiều người rối đạo đã tuyên-xưng đạo công-giáo. Tác-giả bức thư dài 10 trang này có ý thuyết-phục Spinoza bỏ thái-độ kiêu-căng và nhìn nhận chân-lý đạo công-giáo.

Spinoza không trả lời dài dòng (tr 341-345), nhưng trả lời một cách thật là đanh thép. Ông không muốn tranh-luận một cách hạ-cấp, ví-dụ vạch ra cho ông Burgh biết những tật xấu của hàng giáo-sĩ và của nhiều vị giáo-tông (giáo-hoàng), như những người chống đối giáo-hội đã làm. Ông nhìn nhận rằng trong giáo-hội công-giáo Roma đã có những người có văn hóa cao và hạnh-kiểm thật là tốt, có thể là hơn cả các giáo-hội khác (tr 342). Nhưng ông chủ-trương rằng không phải chỉ riêng giáo-hội công-giáo mới có những người sống thánh-thiện mà thôi, vì các giáo-hội khác cũng có nhiều người  có phong-thể, kính Chúa yêu người, công-bình bác-ái (tr 341). Trái lại, cái đặc-điểm của giáo-hội công-giáo thì hoàn-toàn là dư thừa, vì, theo như ý-kiến của ông, nó chỉ căn cứ vào mê-tín mà thôi. Và ông đưa ra mấy quan-niệm người đương-thời ra làm ví-dụ (tr 342).

Spinoza không dám tự hào là mình đã tìm ra một triết-học hay nhất, nhưng ông cho rằng ông biết thứ triết-học nào là đúng. Và ông hỏi Burgh đã biết tất cả các tôn-giáo chưa, mà dám chắc rằng mình đã tìm ra tôn-giáo tốt nhất (tr 343) ? Hơn nữa không phải hễ có nhiều người đồng ý thì tự-nhiên là đúng (tr 343-344).

Về việc quản-trị giáo-hội thì Spinoza viết : ‘’Tôi biết là cái kỷ-luật của giáo-hội Roma, mà ông ca-tụng, thì rất có ích-lợi về mặt chính-trị, và có nhiều người còn tìm ra ích-lợi vật-chất nữa. Cái kỷ-luật đó có lẽ là hay nhất, có thể dùng để đánh lừa ngu dân và thống-trị tâm-hồn người ta, nhưng cái kỷ-luật của giáo-hội đạo Hồi-hồi (Islam) lại còn hay hơn nhiều, vì từ đầu cho đến nay, cái mê-tín đó vẫn còn thống-nhất không có ly-khai’’ (tr 344). Và còn thêm rằng : nếu có những người vừa dốt nát, vừa không có địa-vị, mà đã thuyết-phục được cho thiên hạ theo đạo của mình, thì đó là công-lao của những người tuyên-xưng danh-hiệu của vị Cứu Thế, chứ không phải là công-lao của giáo-hội Roma. Rồi Spinoza kết-luận lá thư : ‘’ Nếu ông chịu khó đọc cho kỹ (những chứng-lý của tôi trong cuốn Luận-văn về thần-học và chính-trị) và xem xét lại lịch-sử giáo-hội - về điểm này thì ông có vẻ thật là không am-tường - để thấy rằng trong sách vở của các vị giáo-tông đã có nhiều điều trái với sự thực, và để xem vị giáo-tông ở Roma, sáu trăm năm sau khi vị Cứu Thế ra đời, đã chiếm được quyền cai-trị giáo-hội, nhờ hồng-vận và nhờ những mánh-khóe như thế nào, nếu ông làm như thế thì tôi chắc rằng ông sẽ nhận ra cái lầm của ông. Tôi thực tâm mong muốn như thế. Thôi xin từ biệt ông’’ (tr 345).

Marx đã đọc của Spinoza nhiều, nhiều hơn các triết-gia khác trong thời Cận-đại, và đọc rất cẩn-thận. Đủ biết tư-tưởng của Spinoza rất quan-trọng trong hành-trình tôn-giáo của ông, vì lập-trường duy-lý và nghi-ngờ đã sẵn có của ông đối với mọi thứ tôn-giáo nay lại được tăng cường lên. Lập-trường chống công-giáo của ông cũng từ đó mà ra, chứ không phải là do ảnh-hưởng của các triết-gia nước Pháp thế-kỷ XVIII, vì lẽ rằng trong những cặp vở ghi-chú của Marx, thì hầu như ta không thấy dấu vết gì của các triết-gia đó cả.   

 

2.1.3 - Marx đọc sách của Leibniz và của Hume 

Những đoạn văn mà Marx chép lại của Leibniz (1646-1716), triết-gia Đức, và của Hume (1711-1776), triết gia gốc Scottland (Anh), đều ở cả trong những cặp vở 6 và 7, và được in ra trong bộ MEGA IV /  1, trong những trang 184-311 và 213-232. Hầu hết các đoạn văn đó có liên-quan đến triết-học tổng-quát, chứ  không liên-quan nhiều đến vấn-đề tôn-giáo. Không phải là vì hai triết-gia đó không nói gì về tôn-giáo, nhưng có lẽ là vì sau khi đã tìm được trong Spinoza những điều hợp với ý-định của mình, thì Marx thấy không cần phải tìm thêm ở đâu nữa.

 

2.1.3.1 - Gottfried Wilhelm Leibniz (1646-1716) 

Về vấn-đề phép lạ thì Marx có chép lại hai câu văn bằng tiếng Pháp trong bài Cuộc tranh-luận giữa Leibniz và Clarke (Controverse entre Leibniz et Clarke). Câu thứ nhất : ‘’Phải tựa vào phép lạ để giải-thích những hiện-tượng tự-nhiên, như thế có nghĩa là đưa giả-thuyết vào ngõ bí (ad absurdum). Vì cái gì cũng đưa phép lạ ra mà giải-thích, thì có gì là khó ‘’ (MEGA  IV / 1, tr 194). Câu thứ hai : ‘’Nếu phép lạ chỉ khác cái tự-nhiên ở vẻ bề ngoài và theo quan-điểm của chúng ta, nghĩa là chúng ta chỉ gọi là phép lạ  những cái gì họa-hiếm lắm mới quan sát được, như thế thì giữa phép lạ và cái tự-nhiên thực ra không có điểm dị-biệt nội-tại nào cả ; và xét cho cùng thì các hiện-tượng đều tự-nhiên như nhau, hay đều là phép lạ như nhau cả’’ (MEGA IV / 1, tr 197).

Cả hai câu đều nằm trong khuôn-khổ tư-tưởng duy-lý của người đương-thời. Còn tác-phẩm căn-bản của Leibniz là Théodicée (Luận về Thiên-Chúa), thì Marx không nhắc gì đến cả.

 

2.1.3.2   -  David Hume (1711-1776) 

Marx đã đọc cuốn sách Luận-văn về bản-tính con người (Treatise on human nature, 1736), theo bản dịch sang tiếng Đức của L. H. Jakob , và ông đã chép một ít đoạn văn trong tập I (Về trí hiểu, Verstand), phần thứ ba và phần thứ tư. Thực ra trong sách đó Hume muốn thử áp-dụng phương-pháp thực-nghiệm vào vấn-đề luân-lý, đạo-đức, chứ không có ý bàn-luận về tôn-giáo. Đàng khác, Hume có viết một số sách vở về vấn-đề tôn-giáo, ví-dụ như : Khảo-luận về mê-tín (superstition) và linh-hứng (enthousiasm), 1741, Đối-thoại về tôn-giáo tự-nhiên (Dialogues concerning Natural Religion, 1751), Lịch-sử tôn-giáo theo quan-điểm tự-nhiên (The Natural History of Religion, 1757), v.v., nhưng Marx lại bỏ qua không nhắc tới. Như vừa nói trên đây, chắc là sau khi đọc Spinoza, Marx thấy quan-niệm của mình được một triết-gia đại-tài làm nền-tảng, cho nên ông dừng lại đây và không muốn tìm thêm ở đâu khác nữa. Vì lý-do đó, những đoạn văn mà Marx chép lại từ sách kể trên đã không đưa thêm ra được quan-niệm căn-bản nào mới; tuy vậy cũng có một vài chi-tiết khả quan.

Ví-dụ trong đoạn thứ 8 của phần thứ 3, nhan-đề là ‘’bản-tính của ý-tưởng hay là tin-tưởng’’, Marx chép đoạn văn sau đây : ‘’Khi ta quả quyết là có Thiên-Chúa, thì ta chỉ làm có một việc, là tạo nên ý-tưởng về một vật theo như hình ảnh người ta trình bày cho ta : còn sự hiện-hữu của vật đó thì không phải là một ý-tưởng riêng biệt khác mà ta có thể tùy tiện thêm vào hay là tách ra khỏi ý tưởng  kia. Đi xa hơn tí nữa, theo như chủ-trương của tôi, khi ta quan-niệm rằng một vật nào đó có thực, thì ta không thêm cho ý-tưởng sự-vật đó một đặc-điểm nào cả, mà hơn nữa, khi ta tin rằng có sự vật nào đó, thì ý-tưởng sự vật đó cũng không được phong-phú hơn. Vì thế khi tôi suy tưởng đến Thiên-Chúa, khi tôi tưởng rằng có Thiên-Chúa, thì quan-niệm của tôi về Thiên Chúa cũng không thêm không bớt đi một nội-dung nào cả’’ (MEGA  IV / 1, tr 217). 

Nếu hữu-thể không phải là một nội-dung làm thành-phần cho ý-niệm về một sự-vật, thì ta phông thể căn-cứ vào ý-niệm đó mà kết-luận rằng có sự-vật đó. Đó là luận-điệu để phi-bác chứng-lý vật-thể-học (argument ontologique) mà thời Trung-cổ thánh Anselme (1033-1109), tổng-giám-mục thành Canterbury (nước Anh) đã dùng, trong chương thứ 2 của sách Proslogion, để minh-chứng có Thiên-Chúa. Đại khái chứng-lý đó như sau : 1) Thiên-Chúa được định-nghĩa như là vật-thể vĩ-đại nhất, không ai có thể tưởng-tượng ra cái gì khác vĩ-đại hơn ; 2) Theo như định-nghĩa đó, thì Thiên-Chúa là một ý-niệm, cho nên có Thiên-Chúa ở trong tư-tưởng người ta ; 3) nhưng nếu Thiên-Chúa chỉ có ở trong tư-tưởng người ta mà thôi, thì sẽ không vĩ-đại bằng vật nào vừa có ở trong tư-tưởng người ta, lại vừa có trong thực-tại  ; vì thế cho nên, theo đúng định-nghĩa, thì Thiên-Chúa vừa phải có ở trong tư-tưởng người ta, vừa phải có  trong thực-tại.

Đoạn văn mà Marx chép ra đây cũng cùng một chủ-trương như chứng-lý ông viết ra trong phần Phụ-lục của luận-văn tiến-sĩ, mà ta đã xem trên đây (MEGA IV / 1 / 1, tr 90-91).

 Ông lại chép thêm câu này nữa : ‘’Căn-cứ vào lý-trí, chúng ta không thể chắc được rằng hễ có một vật nào đó, thì tất-nhiên phải có một vật khác ; vì thế khi thấy có một vật, mà chúng ta nghĩ đến một vật khác, thì đó không phải là vì lý-trí bắt buộc như thế, nhưng là vì ta đã có thói quen, theo như nguyên-lý hội-ý (principe d’association), mà Hume đã trình-bày, để phi-bác nguyên-lý nhân-quả . Đại-khái như sau : nếu đã nhiều lần ta thấy xuất-hiện hai vật A và B đi đôi với nhau, thì về sau hễ ta thấy xuật-hiện một vật mà thôi, thì tự-nhiên ta nghĩ đến vật kia thường đi đôi với nó. 

Cũng trong phần thứ 3 này, Marx chép lại mấy đoạn văn khuyến-khích người ta nên  tìm đến cái gì là tri-thức chắc chắn, và phải hoài-nghi tất cả những tình-cảm, tin-tưởng và tưởng-tượng. Sau đó ông chép lại đoạn văn trong đó Hume nêu lên cái mâu-thuẫn giữa lòng sùng đạo của người công-giáo và cuộc tàn sát tín-đồ Tin-lành trong ngày lễ thánh Barthémémy  (ngày 24 tháng 8 năm    ).

Trong phần thứ 4 của cuốn sách bàn về các hệ-thống triết-học, thì có đoạn thứ 5 nói về vấn-đề ‘’linh-hồn bất-tử’’. Marx trích ra từ đó một đoạn khá dài, đại ý nói là : nếu ta đặt giả-thuyết rằng Thiên-Chúa là nguyên-lý vĩ-đại và hữu-hiệu có thể thay thế cho tất cả các nguyên-nhân trong vũ-trụ, thì ta đi đến chỗ vô-đạo, mâu-thuẫn và thô-tục. ; vì như thế tất nhiên ta phải nhận rằng Thiên-Chúa thực sự là nguyên-nhân của tất cả các hành-động của ta, của hành-động tốt cũng như của hành-động xấu (MEGA IV/ 1, tr 225). Lập-luận mà Hume nêu ra đây là có ý nhắc lại lập-luận do Nicolas Malebranche (1638-1715) theo phái triết-học của Descartes đã đưa ra trước đây.  Ngoài ra, Hume có nhắc tới ‘’người vô-thần thời-danh’’ là Spinoza, nhưng Marx không chép lại đoạn văn đó. 

Đọc lại những đoạn văn mà Marx chép lại của Hume, ta thấy là những đoạn văn đó đã tăng cường cho lập-trường duy-lý của Marx : lấy cái duy-lý có tính-cách thực-nghiệm của Hume chập lại với cái duy-lý có tính-cách triết-học của Spinoza. Như đã nói trên đây, Marx không có ý tìm hiểu thêm về quan-niệm của Hume về tôn-giáo đã trình-bày trong một số sách khác. Vì nếu thực sự có ý như thế, âu là Marx đã có thể nói lên quan-niệm của Hume về tôn-giáo tự-nhiên, về điểm dị-biệt giữa nó với mê-tín, với linh-hứng (enthousiasme), với chủ-trương đa-thần hay nhất-thần, với các tôn-giáo có giáo-chủ sáng-lập, đồng thời nhận ra rằng tôn-giáo tự-nhiên phát sinh ra không phải là vì nhu-cầu suy-luận lý-thuyết, nhưng là vì nhu-cầu thực-tiễn của đời sống.

Nếu Marx không để ý đến những điểm đó, thì chắc là vì ông muốn đề cập đến vấn-đề tôn-giáo theo phương-pháp thực-nghiệm hơn, theo như đường lối thực-nghiệm của giới khoa-học thời đó, và đó cũng là đường lối triết-học của Hegel. Thực vậy, theo phương-pháp Hegel, muốn đề-cập vấn-đề tôn-giáo cho đầy đủ, thì phải theo thứ-tự sau đây : thứ nhất là suy luận về ý-niệm tôn-giáo, thứ hai là xem xét các hình-thức cụ-thể của tôn-giáo, và sau cùng mới biết được tôn-giáo hoàn-toàn được thực-hiện như thế nào. Sau đây ta sẽ xem Marx tìm hiểu tôn-giáo theo phương pháp thực-nghiệm của dân-tộc-học.


VỀ MỤC LỤC
GIÁ TRỊ VIỆC LÀM CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (4)

 

NGUYỄN HỌC TẬP

Làm việc để phục vụ.

Việc làm và đất đai là những yếu tố thiết yếu cho đời sống xã hội.

Mỗi việc làm một cách nào đó được kêu gọi để cung ứng nhu cầu ngoài ra cho chính mình, cả còn cho  người khác:

   - " Làm việc cho người khác " ( CA, n.31).

Điều đó dĩ nhiên cho thấy như là hậu quả cần thiết của đặc tính phổ quát tài nguyên của cải, đi liền với địa vị thống trị trên vạn vật, được Thiên Chúa ban cho con ngưòi, khi Người tạo dựng nên vũ trụ. 

Làm việc cho người khác, phục vụ người khác là hiểu rõ, biết lý giải các nhu cầu và các đòi hỏi khẩn thiết của họ, và đáp ứng lại bằng sáng kiến và tinh thần phục vụ.

Như vậy làm việc như là biểu tượng thống trị trên vạn vật được thể hiện như là làm việc để phục vụ.

Làm việc là phương thức hiểu ý nghĩa thống trị trên thiên nhiên theo tư tưởng của HDXHGH.

Một khi thoả mãn được các nhu cầu để cho mình có đưọc một cuộc sống tốt đẹp, mỗi người chúng ta đều có phận sự trợ giúp người có nhu cầu bằng những gì thặng dư của mình:

   - " Những gì còn dư lại, anh em hãy bố thí " ( RN, n. 19).

Chỉ có địa vị quyền lực cai quản thống trị được nhằm để phục vụ người khác, mới có lý chứng để biện minh được.

Chỉ có việc phục vụ nào  được thể hiện qua việc cai quản thống trị sự vật mới có thể dược coi chính là việc làm.

Các hình thức làm việc đã thay đổi hiển nhiên ai cũng thấy được, từ làm việc để sản xuất các sản phẩm nhằm đáp ứng lại nhu cầu của chính mình, làm việc được biến chuyển nhằm sản xuất để thoả mãn nhu cầu của người khác.

Trong nhãn quang đó, việc biến chế ra tiền tệ có hiệu quả quyết định và lợi ích, để giúp cho chúng ta thấy rõ hơn và trương độ liên đới hỗ tương giữa con người cũng được nới rộng hơn.

Như vậy  định nghĩa việc làm có liên quan đến mục đích nhằm phục vụ con người, bất cứ ai, chớ không phải chỉ để đáp ứng lại nhu cầu của chính mình. 

Nói như vậy không phải chỉ là dẹp bỏ đi khỏi địa vị thống trị trên vạn vật mọi ý chí quyền lực bất tuân luật lệ và giới hạn, mà là càng hiểu biết rõ hơn các nhu cầu của tạo vật và khả năng đáp ứng lại cho chúng bàng động tác thiết thực để thực hiện được:

   - " Việc làm càng sung mãn và có khả năng  sản xuất hơn bao nhiêu, khi con người có khả năng hiểu biết được tìềm năng sản xuất của đất đai và biết đọc được trong thâm sâu các nhu cầu của người khác, mà vì đó việc làm được thực hiện " ( CA, n. 31). 

Việc làm được nhằm để đáp ứng lại các nhu cầu của mỗi con người cho chúng ta định hướng đặc tâm hơn đối với những người có nhu cầu hơn, những kẻ yếu thế, không có khả năng chính mình lo liệu để nâng đỡ lấy mình:

   - " đối với những thành phần " nghèo khổ mới ", bị loại ra bên ngoài vòng phát triển kinh tế - xã hội và không có khả năng hội nhập được vào việc dùng các nguồn nguyên liệu mới " ( CA, n.33).  

HDXHGH vẫn tiếp tục nhắc đến thái độ " đặc tâm lưu ý đến những người nghèo khó " , tức là những hạng người có nhu cầu cá biệt cần được giúp đỡ và nâng đỡ ( CA, n. 11 ), như là thái độ ưu tiên phải có đối với những ai có liên quan đến việc làm, tức là ai nấy trong chúng ta cũng vậy.

Thái độ lưu tâm đến người nghèo khổ đó có mục đích nhằm luôn luôn chuẩn định được các hình thức nghèo khổ mới. mà các biến chuyển xã hội dần dần tạo ra.

Như vậy đức bác ái phát nguyên từ động lực của tinh thần Phúc Âm, được áp dụng thích ứng và luôn luôn đi bên cạnh, sát với công lý và là yếu tố cấu trúc mục đích của việc làm. 

Tuân theo tiếng gọi nguyên thủy thống trị thế giới và cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, chúng ta đã thấy được rằng phận vụ đó chính danh hoá việc làm như là động tác tạo được những gì tốt đẹp cho mọi tạo vật và cho mọi người.

Thống trị và phục vụ là hai thực thể không được tách rời nhau, theo tinh thần của HDXHGH.

Thượng đỉnh của việc sáng tạo và sáng kiến biến chế là những gì phải theo sát dính liền với ý thức chăm chú và hy sinh vì nhu cầu của người khác. Các kết quả thành đạt của khoa học và kỷ thuật càng đáng được khích lệ bao nhiêu, nếu những kết quả đó càng đạt được do đức bác ái và công bình thuyết lý thúc đẩy.

Cuộc hành trình vừa kể được đánh dấu luôn luôn bằng thái độ đặc tâm cá nhân để đáp ứng lại các nhu cầu của những ai nghèo khổ, theo ý nghĩa khoáng đại, chớ không phải chỉ hạn hẹp vào những    " thành phần bần cố nông " hay giai cấp xã hội, tức là đáp ứng lại các nhu cầu con người có được cuộc sống xứng đáng với địa vị con người của mình, mà không vật thể, tài nguyên nào có thể sánh được.

Như vậy làm việc là dấn thân làm việc, trí nảo cũng như sức lực, để đáp ứng lại nhu cầu con người một cách tổng quát và cho những ai có nhu cầu sống còn một cách cá biệt, chúng ta đừng nên quên rằng mục đích tối hậu và thượng đỉnh là đáp ứng lại một cách thết thực các nhu cầu của con người, với phẩm giá là con người:

   - " Anh em biết rằng:  thủ lãnh các dân tộc thì dùng uy thế mà thống trị dân, những người làm lớn, thì lấy quyền mà cai trị dân. Giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải là người phuc vụ anh em. Và ai muốn đứng đầu anh em, thì phải là người đầy tớ anh em " ( Mt 20, 25 - 27).

 

VỀ MỤC LỤC
Bốn cấp độ của cầu nguyện 

 

Nguyên tác: Taking Flight - Bay Lên Đi

Tác giả: Anthony de Mello, S.J.

Chuyển ngữ: Lm. Minh Anh (Gp. Huế)

Chỉ dẫn: 

Tốt nhất, các câu chuyện sẽ được đọc theo thứ tự như đã sắp xếp. Mỗi lần đọc không quá một hoặc hai mẩu chuyện nếu bạn ước ao có được một cái gì đó hơn là chỉ giải trí.

Lưu ý: 

Các chuyện kể trong tập sách này đến từ nhiều đất nước, nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác nhau; chúng thuộc về những di sản thiêng liêng, những câu chuyện hài hước được ưa chuộng của dòng đời nhân loại. 

Những gì tác giả làm là xâu kết chúng lại với nhau theo một ý hướng đặc thù. Công việc của tác giả là công việc của người thợ dệt và thợ nhuộm, tác giả chẳng có công trạng gì về những tấm vải và những sợi chỉ.  

LTS. Chỉ dẫn và lưu ý trên đây là của tác giả. Tuy nhiên, vì Đặc San GSVN chỉ phát hành 2 tuần một lần nên mỗi số báo BBT xin giới thiệu trung bình từ 5 đến 7 mẫu chuyện. Bạn đọc có thể lưu lại để nghiền ngẫm suy tư.

 

Chủ đề: CẦU NGUYỆN (tiếp theo)

21. Bốn cấp độ của cầu nguyện 

Một cụ già có thói quen ngồi bất động hàng giờ cuối nhà thờ. Ngày kia, cha sở đến hỏi xem Chúa nói gì với ông. Ông già trả lời: 

“Chúa không nói gì cả, Ngài chỉ nghe”.

“Vậy thì ông nói gì với Chúa?”.

“Con cũng chẳng nói gì cả, con cũng chỉ nghe”.

 

Bốn cấp độ của cầu nguyện:

 

Tôi nói, Chúa nghe.

Chúa nói, tôi nghe.

Không ai nói, cả hai đều nghe.

Không ai nói, chẳng ai nghe: Thinh lặng. 

ڰ 

22. Tiến bộ của cầu nguyện 

Thầy Bayazid Bistami mô tả sự tiến bộ của mình trong việc cầu nguyện thế này: “Lần đầu tiên viếng thăm toà Kaaba tại đền Mecca, tôi đã thấy Kaaba. Lần thứ hai, tôi đã thấy Thần của Kaaba. Lần thứ ba, tôi không thấy Kaaba, cũng chẳng thấy Thần của Kaaba”. 

ڰ

23. Ý nghĩa của việc cầu nguyện 

Ngày kia, hoàng đế Moghul, Akbar, đi săn trong rừng. Khi đến giờ cầu nguyện ban chiều, ông xuống ngựa, trải thảm trên mặt đất và quỳ gối cầu nguyện theo cách thức những người Hồi Giáo đạo đức khắp nơi thường làm. 

Đúng lúc ấy, một cô thôn nữ hốt hoảng vì chồng chị đi từ sáng sớm mà nay vẫn chưa về. Cô vội vã chạy chỗ này chỗ kia lo lắng tìm chồng. Đang mải bận tâm, cô không hề để ý là hoàng đế đang cúi mặt quỳ đó, cô té trượt vào ông; vội vã đứng lên không một lời xin lỗi, cô chạy vào rừng. 

Hoàng đế Akbar khó chịu vì sự gián đoạn đó, nhưng là một tín đồ Hồi Giáo ngoan đạo, ông cũng giữ luật không nói với bất kỳ ai trong giờ cầu nguyện. 

Ngay khi ông cầu nguyện xong, cô thôn nữ trở lại, hớn hở sánh vai với người chồng vừa tìm được. Cô ngạc nhiên và khiếp sợ khi thấy Hoàng đế cùng đoàn tuỳ tùng. Hoàng đế Akbar đùng đùng nổi giận và gào lên với cô, “Giải thích thái độ vô lễ của ngươi, bằng không, sẽ bị phạt”.  

Cô gái bỗng dưng hết sợ, nhìn vào mắt Hoàng đế và nói, “Thưa Đức Vua, con chỉ nghĩ đến nhà con đến nỗi con không thấy Đức Vua ở đây, cả khi con dẫm lên Đức Vua. Bởi lẽ lúc đó Đức Vua đang cầu nguyện, Đức Vua chỉ nghĩ đến một Đấng vốn vô cùng quý báu hơn cả chồng con. Vậy làm sao mà Ngài nhận ra con được?”. 

Hoàng đế xấu hổ lặng thinh. Về sau, ông tâm sự với một người bạn rằng, một cô thôn nữ chẳng học hành gì cũng chẳng là giáo trưởng Hồi Giáo đã dạy cho ông ý nghĩa của việc cầu nguyện. 

ڰ

24. Kinh gì cũng được  

Ngày kia, vị Thầy đang cầu nguyện. Các môn đệ đến bên và hỏi: “Thưa thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”. Và đây là những gì ông đã dạy cho các đồ đệ:

Có hai người cùng đi qua một cánh đồng, họ thấy một con bò đực hung hãn. Lập tức họ đâm đầu chạy về bờ rào gần nhất và con bò vẫn bám sát. Cả hai người đều thấy rõ ràng là họ không thể thoát nổi, nên một người mới vội kêu lên với người kia, “Nó kìa! Vô phương rồi. Cầu nguyện đi! Nhanh lên!”. 

Người kia la lớn, “Cả đời tôi không bao giờ cầu nguyện, giờ cầu làm sao đây?”. 

“Không quan trọng. Bò sắp chộp mình rồi. Kinh gì cũng được”. 

“Thôi, tôi đọc cái kinh cha tôi thường đọc trước bữa ăn, “Lạy Chúa, xin cho chúng con biết cám ơn Chúa thật lòng về những gì Chúa sắp ban cho chúng con …”. 

Không ai nên thánh hơn những người học biết chấp nhận những gì mình có.  

Cuộc đời mỗi người như một ván bài, những gì bạn được trao tặng là những quân bài đầu tiên để bạn khởi sự tốt nhất với hết khả năng. 

Ai không chấp nhận những gì được trao, và cứ nằng nặc đòi những gì không thuộc về mình, sẽ thất bại. 

Chúng ta không có quyền chọn lựa sống hay không sống cuộc đời này. Chỉ có một chọn lựa: phải sống làm sao. 

ڰ 

25. Cầu nguyện là sống giây phút hiện tại 

Ngày kia, vị Thầy hỏi một đồ đệ điều gì đang làm anh phiền muộn. 

“Con nghèo quá”, đồ đệ trả lời. “Quá khốn cùng đến nỗi con không thể học hành và cầu nguyện”. 

Vị Thầy mới nói, “Chính lúc này đây, điều con phải học và cầu nguyện chính là chấp nhận cuộc sống như con đang có”.

ڰ 

26. Nhìn xem, hiểu biết và thinh lặng 

Vào một ngày giá lạnh, vị Thầy và các đồ đệ của ông xúm quanh một bếp lửa. 

Một trong các đồ đệ nhắc lại lời dạy của Thầy, “Vào một ngày giá buốt như thế này, tôi biết rõ tôi phải làm gì?”. 

Những người khác hỏi, “Anh sẽ làm gì?”

“Giữ mình cho ấm!. Và nếu không thể được thì tôi vẫn biết phải làm gì?”. 

“Làm gì nữa?”.

“Đông cứng lại”. 

Không thể thật sự chối bỏ hay chấp nhận thực tại. Chạy trốn thực tại, chẳng khác nào chạy trốn đôi chân bạn. Chấp nhận thực tại, chẳng khác nào hôn lên đôi môi mình. Tất cả những gì bạn phải làm là nhìn xem, hiểu biết và thinh lặng. 

ڰ

 27. Làm bạn với nó 

Có người đàn ông đến với một bác sĩ tâm lý và nói rằng, đêm nào ông cũng nhìn thấy một con rồng mười hai chân, ba đầu. Ông suy nhược và không thể chợp mắt, ông sắp suy sụp hoàn toàn, thậm chí nghĩ đến việc tự tử. 

“Tôi nghĩ là tôi có thể giúp ông” bác sĩ nói, “nhưng tôi nói cho ông biết là phải mất một hoặc hai năm và ông phải trả tới ba ngàn đôla”. 

“Ba ngàn đôla!”. Người kia la lên, “Thôi, quên đi! Tôi sẽ về và làm bạn với nó!”. 

ڰ 

VỀ MỤC LỤC
MỘT MÔ HÌNH LINH MỤC CHO NGÀY HÔM NAY (tiếp theo)

 

Mời thăm Blog của Lm. Trần Minh Huy http://chivilongchuathuongtoi.blogspot.com/

 

BẢN THẢO

ỨNG SINH LINH MỤC HỌC & SỐNG LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN

GIÁO TRÌNH TU ĐỨC LỚP THẦN II & III

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE HÀ NỘI 

2011-2012

 

CHƯƠNG MỘT:

ỨNG SINH LINH MỤC HỌC & SỐNG LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN

 

A. MỘT MÔ HÌNH LINH MỤC CHO NGÀY HÔM NAY (tiếp theo)

A.8. Linh mục là người của truyền thông xã hội

Công đồng Vaticanô II ngày 4/12/1963 đã ban hành Sắc lệnh Inter Mirifica (Giữa Những Khám Phá Kỳ Diệu) về các phương tiện truyền thông: “Giữa những khám phá kỹ thuật kỳ diệu mà con người, với ơn Chúa giúp đỡ, đã khai thác được từ các tạo vật nhờ tài năng của mình, Giáo Hội đón nhận và theo dõi với lòng ưu ái của người mẹ, những gì có liên hệ trực tiếp đến khả năng thiêng liêng của con người và cung cấp cho con người  những phương thế khả dĩ mở rộng để truyền thông dễ dàng các tin tức đủ loại, các ý kiến và định hướng.”[59] Ngày nay, không ai phủ nhận vai trò quan trọng và ảnh hưởng vạn năng của truyền thông đại chúng, với những lợi ích và những tác hại của nó, trong đời sống của con người, “đặc biệt cuộc sống của thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên trong một thế giới bị điều kiện bởi truyền thông đại chúng,[60] mà đa số là thiếu tư duy, vì tư duy cần đến thinh lặng và những kỹ năng về lý luận và phương pháp.

Quả thế, “các phương tiện truyền thông xã hội là một quyền lực thực sự trong thế giới hôm nay. Chúng tạo ra dư luận, chi phối dư luận, kiểm soát cuộc chuyện trò trao đổi công cộng. Điều đó cũng có nghĩa là một cách nào đó chúng cũng chi phối cách suy nghĩ, chọn lựa và hành động của mỗi người chúng ta. Chúng ta bị “thống trị”một cách êm ái dễ chịu vì chúng biết sử dụng những kỹ thuật khéo léo đến nỗi chúng ta không còn ý thức về điều đó nữa. Chúng là “một thứ chủ nghĩa đế quốc mềm” (soft imperialism). Chính “vì thế mà người công giáo cần phải biết tin tức được loan đi như thế nào và ai làm việc đàng sau hậu trường.[61]

Do đó, linh mục trong thời đại chúng ta phải học cách sử dụng hợp pháp các phương tiện truyền thông, tuy không thành thạo như các chuyên gia nghề nghiệp thuộc lãnh vực này, ngõ hầu sử dụng và hướng dẫn kẻ khác, nhất là giới trẻ, làm sao sử dụng cách đúng đắn các phương tiện truyền thông trong cuộc sống hằng ngày, nghĩa là dạy cho biết cách làm chủ đối với truyền thông, biết cách nhìn thấy cái gì đằng sau khúc phim hay tấm hình, biết cách đọc được ý nghĩa của các dòng chữ: người truyền thông tin phải chân thật, đúng sự kiện, đúng ý nghĩa và mục đích, công bằng và bác ái; người nhận thông tin phải biện phân đúng sai, thật giả với sự hoài nghi trí thức “sao lại thế? có thể như thế thật ư?...” và tìm cách kiểm chứng chính xác rồi mới thông tin lại cho người khác. Về vấn đề này, Federico Lombardi, Tổng giám đốc Đài phát thanh Vatican, trích dẫn một loạt các tài liệu rò rỉ gần đây từ Vatican, thật hay giả, đã khuấy động sự quan tâm của báo chí Ý và thu hút phần nào sự chú ý của các phương tiện truyền thông quốc tế, để nhắc lại người làm truyền thông phải có tinh thần yêu mến và ý thức nghĩa vụ đối với sự thật: “Tất cả chúng ta đều phải biết chống lại, không rơi vào tâm trạng hoang mang do những người thiếu thiện ý gây ra, hơn nữa phải luôn biết dùng khả năng mà suy luận cho đúng đắn.[62] 

Hơn ai hết, linh mục ngày nay phải biết sử dụng các phương tiện tân tiến của Truyền thông xã hội, như những dụng cụ hữu hiệu để sống mối hiệp thông con tim và khối óc của toàn thể Giáo Hội, để cập nhật các hiểu biết về thần học và mục vụ, cũng như những giáo huấn về xã hội và luân lý của Giáo Hội, để truyền thông sứ điệp Phúc Âm, và để thăng tiến đời sống thiêng liêng của mình. Chính vì thế mà ĐGH Gioan Phaolô II khuyên rằng giáo dục truyền thông cần phải là một phần không ngừng gia tăng trong công cuộc đào tạo linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giáo lý viên, giáo dân chuyên nghiệp, sinh viên… theo những chỉ dẫn mục vụ của Aetatis Novae,[63] với sự lưu tâm thích hợp tới những hoàn cảnh hiện hành ở Á Châu và Việt Nam.[64] Quả thế, Công Đồng Vatican II kêu gọi mọi thành phần của Giáo Hội đều phải góp sức, thiện ý và lòng nhiệt thành để biến các phương tiện truyền thông thành những dụng cụ hữu hiệu phục vụ cho sứ mạng tông đồ.[65]

 ĐTC Biển Đức XVI, trong Sứ Điệp Ngày Hoà Bình Thế Giới 2011, dạy: “Trong xã hội ngày nay, truyền thông đại chúng giữ một vai trò đặc biệt: không chỉ thông tin mà còn định hình tinh thần cho người tiếp nhận, vì thế còn có thể đóng góp đáng kể vào việc giáo dục người trẻ. Điều quan trọng là đừng bao giờ quên giữa giáo dục và truyền thông có mối liên hệ rất chặt chẽ. Quả thật, giáo dục diễn ra qua các phương tiện truyền thông, truyền thông có ảnh hưởng, tích cực hoặc tiêu cực, đến sự đào luyện con người.[66]

 

A.9. Linh mục là người nhạy bén với các thay đổi xã hội

Mọi sự đang thay đổi và tiếp tục thay đổi đến chóng mặt. Linh mục phải là những người bắt nhịp hài hòa với tình hình hiện nay của một thế giới đang thay đổi; phải luôn sẵn sàng và bén nhạy để đọc được các thời triệu, chấp nhận các mới mẻ của những đổi thay, và can đảm thích nghi chính mình cách khôn ngoan sáng suốt với những bước chân của Chúa Thánh Thần, Đấng hằng làm cho mọi sự nên mới.[67]   

Sự nhạy cảm này giúp chúng ta hiểu rõ hơn các nhu cầu của dân chúng, nhận thức được những vấn nạn không lời của họ, đáp ứng các thỉnh nguyện, chia sẻ những hy vọng, những trông đợi, những niềm vui và những gánh nặng của họ.[68] Trong bài diễn văn bế mạc Công Đồng (tháng 12 năm 1965), Đức Phaolô VI tuyên bố: “Có lẽ chưa bao giờ như tại Công đồng Vatican II này, Giáo Hội đã cảm thấy nhu cầu phải hiểu biết, đến gần, thông cảm, thấm nhập, phụng sự và Phúc Âm hóa xã hội bao quanh mình. Giáo Hội đã không chỉ lo lắng suy nghĩ về chính mình, nhưng Giáo Hội cũng quan tâm nhiều tới con người... Một làn sóng mến yêu dâng lên ngập Công đồng, lan tràn trên thế giới của con người hiện đại. Các giá trị của nó không những được nhìn nhận mà còn được quý mến, các nỗ lực của nó được thanh lọc và được chúc lành.”

Tông huấn Lời Chúa[69] nhắc nhở rằng việc mục vụ của Giáo Hội phải cho thấy rõ Thiên Chúa lắng nghe những nhu cầu và tiếng kêu của con người như thế nào để mang lại cho con người hạnh phúc vĩnh cửu trọn vẹn.[70] ĐTC Biển Đức XVI kêu gọi tình liên đới của mọi người trước những thiên tai xảy ra dồn dập trên khắp thế giới: “Tâm trí Cha đặc biệt hướng về những dân tộc lúc nầy đang chịu những thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng, gây ra những thương vong về người, và thiệt hại về tài sản, khiến nhiều người trở thành vô gia cư. Cha cầu xin Chúa cho các nạn nhân và Cha bày tỏ sự gần gũi tinh thần với tất cả những ai đang chịu những tình huống khốn khó nầy. Cha cầu xin Thiên Chúa an ủi họ trong những đau khổ và nâng đỡ họ trong những cơn khốn khó.[71]

Hơn ai hết, linh mục phải nhạy cảm để suy nghĩ với đầu óc của Chúa Giêsu, nhìn sự việc với con mắt Chúa Giêsu, hành động với sức mạnh của Chúa Giêsu, phán đoán với sự khôn ngoan của Chúa Giêsu, sử dụng biện pháp với lòng nhân hậu của Chúa Giêsu, yêu thương với con tim của Chúa Giêsu, đào tạo với sư phạm của Chúa Giêsu, nhẫn nại với sự nhẫn nại của Chúa Giêsu, tha thứ với lòng thương xót của Chúa Giêsu. Tắt một lời là làm sao để giáo dân phải luôn nhận ra được nơi linh mục “tiếng nói của Chúa Chiên Nhân Lành.[72] Có thế thì linh mục mới sống trọn vẹn và thành công trong đời sống và sứ vụ linh mục của mình, như lòng Chúa và Giáo Hội mong muốn. Thánh Phaolô đã nói rõ đường lối đó: “Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó.”[73]

Vì vậy, Công Đồng Vaticanô II thúc bách không ngừng hoàn thiện các hiểu biết về những sự của Thiên Chúa và những sự của con người, ngõ hầu đi vào đối thoại cách thích đáng với những người đương thời. Sự nhạy bén này sẽ gợi ý và hướng dẫn những đổi thay trí não và con tim hướng tới cuộc trở lại liên lỉ với Chúa và với tha nhân, nhất là khi gặp phải những thương tổn bất công, bằng việc “để cho qua đi và để cho Chúa liệu” vì Ngài thay đổi công việc chứ không thay đổi ý định. Đặt Chúa vào giữa thì mọi sự sẽ đến cùng nhau, với cái nhìn tích cực (thấy khía cạnh tốt của những gì xảy đến), với lòng cảm thông (Chúa có kế hoạch của Ngài, có lẽ tha nhân không muốn thế, nhưng Chúa bắt phải làm thế) và biết ơn Chúa và tha nhân (nhờ đó mà ta được biến đổi và lớn lên). Luật của sự sống và sinh trưởng là thay đổi, và mỗi chặng đường sinh trưởng của con người đều được ghi dấu bằng những thay đổi quyết định, từ lúc được sinh ra cho đến lúc chết đi, trải qua tích cực cũng như tiêu cực: “Mai nam, trưa nắng, chiều nồm; trời còn luân chuyển huống mồm thế gian.”

Chúa luôn đổi mới lời mời gọi của Ngài, xuyên qua Phúc Âm, các dấu chỉ thời đại, các biến cố thăng trầm của cuộc sống mỗi ngày, thì chúng ta, là những người theo Chúa Giêsu, cũng phải đổi mới sự đáp trả của mình cho tương xứng. Mọi việc Chúa Kitô làm đều mang dấu ấn của thay đổi, thay đổi từ cũ sang mới, từ điều được trông đợi đến điều bất ngờ: Ngài ngồi ăn với người tội lỗi, nói chuyện với người Samaria, vượt quá luật ngày Sabát, yêu thương kẻ thù, và Ngài hy sinh mạng sống vì người khác. Mọi hành động ấy đều là những thay đổi. Qua những thay đổi ấy, Hội Thánh được sinh ra, và hôm nay, cũng qua những thay đổi như thế mà Hội Thánh còn tồn tại và tiếp tục sống động. Trong chiều hướng này, linh mục được mời gọi trở thành những con người phục vụ khiêm tốn trong bất cứ cái gì, bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, và bất cứ thế nào, mà dân chúng cần đến.

 

A.10. Linh mục là người của sứ vụ tiên tri

Với chức linh mục thừa tác, linh mục bị thúc bách sống sứ vụ tiên tri, một trong ba chức năng của Chúa Kitô (tư tế, tiên tri và vương đế).

Để thực hiện sứ vụ tiên tri của mình, Chúa Giêsu đã nói đến Bát Phúc, người con hoang đàng, người Samaritanô tốt bụng… Ngài đã đến với người tội lỗi, gái điếm, ngoại tình, bị bỏ rơi, nghèo hèn, ở bên lề và bị loại trừ, dù Ngài bị chỉ trích là điên khùng, phản động, phạm thượng, đi lại và ăn uống với phường thu thuế và tội lỗi. Linh mục phải thực thi sứ vụ tiên tri của mình, với tất cả con tim, với tất cả linh hồn, và với tất cả sức mạnh của mình, trong hai khía cạnh:

·        Loan báo và sống tình yêu nồng cháy của Chúa Giêsu đối với Thiên Chúa, Nước Chúa, và đối với dân chúng.

·        Tố cáo thói giả hình, bất công, áp bức,… dù phải trả với giá đắt của thập giá và cái chết: Giám mục Oscar Romero[74] và Mục sư Martin Luther King[75] là những chứng tá hùng hồn hiện đại cho sứ vụ tiên tri này.[76]

           

Linh mục luôn có cơ hội để tuyên bố và trình bày cho thế giới và Dân Chúa sứ điệp yêu thương của Chúa, tại đây và lúc này. Đồng thời linh mục cũng phải nhắc nhở dân chúng về mối liên hệ giao ước của họ với Thiên Chúa.

Tuy sứ vụ tiên tri là một nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm, nhưng vì “kiến nghĩa bất vi bất nghĩa,” linh mục phải đóng vai trò chỉnh sửa ở trong Giáo Hội cũng như ở ngoài Xã Hội, khi có quá nhiều áp bức bất công xã hội, chính trị, kinh tế và tôn giáo cực đoan, ý thức rằng chân lý không luôn luôn thuộc về số đông và kẻ có quyền. ĐHY Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám Mục, nhắc nhở các Giám mục phải mạnh dạn giảng dạy giáo huấn của Giáo Hội, không được im lặng trong tính toán cân nhắc các phản ứng... và còn phải gắn bó sâu xa với giáo huấn đó, mới có sức mạnh của sự xác tín.”[77]

Điều đó cũng áp dụng cho cả linh mục. Và trong mọi tình huống, chúng ta phải theo nguyên tắc của Phêrô: “Các ông nghĩ thế nào cho phải lẽ trước mặt Chúa, vâng lời các ông hay là vâng lời Chúa hơn... chúng tôi vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời con người.”[78] Dĩ nhiên chỉ khi nào linh mục sống được cái đức dũng này “Phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất,” (giàu sang không ham, bần hèn không thay đổi lòng, và bạo lực không khuất phục được), vì đã có Chúa làm gia nghiệp.    

___________

Chú thích

[59] Inter Mirifica số 1.

[60] Ecclesia in Asia số 48.

[63] Huấn thị Thời Đại Mới (Aetatis Novae) về Truyền thông xã hội do Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền thông xã hội ban hành ngày 22/2/1992, kỷ niệm 20 năm Huấn thị Mục vụ Hiệp thông và Tiến bộ (Communio et Progressio); sau Sắc lệnh Giữa những khám phá kỳ diệu (Inter Mirifica) của CĐ. Vaticano II.

[64] Ecclesia in Asia số 48.

[65] x. Inter Mirifica số 13.

[66] ĐTC Biển Đức XVI, Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 2012, ban hành tại Rôma ngày 8/12/2011.

[67] x. Kh 21,5

[68] x. Vui Mừng và Hy Vọng số 1: “Vui mừng và hy vọng, buồn khổ và lo âu của người thời đại cũng là vui mừng và hy vọng, buồn khổ và lo âu của người môn đệ Chúa Kitô… không có gì thực sự là của con người mà không có âm hưởng trong lòng của người môn đệ.”

[69] Tông huấn Lời Chúa (Verbum Domini) của ĐTC Biển Đức XVI ký ngày 30/9/2010 và công bố chính thức ngày 11/11/2010, là kết quả của THĐGMTG lần thứ XII năm 2008.

[70] x. Verbum Domini số 22-23.

[71] Zenit 16/8/2010.

[72] Trích lời ĐTC Biển Đức XVI trong Vatican ity, 14 /4/ 2010 (VIS).

[73] 2 Cr 1,3-4.

[74] Oscar Romero sinh 15/8/1917 trong gia đình 8 người con; thụ phong linh mục này 4/4/1942 tại Roma; đang học tiến sĩ thần học thì được gọi về nước vì thiếu linh mục và El Salvador bị nội chiến. Một biến cố quan trọng và quyết định thay đổi lập trường và cũng đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của ngài là việc cha Rutilio Grande sj,  linh mục đầu tiên được ngài truyền chức và là một người can đảm đấu tranh cho những người nghèo – bị sát hại vào ngày 12/03/1977. Ðức cha Romero đã hoàn toàn đứng về phía người nghèo, những người bị đàn áp. Ngài đã lên tiếng tố cáo những tội ác, bất công do giới cầm quyền gây nên. Mọi người đều kinh ngạc vì từ trước tới giờ chưa một giám mục nào ở đây dám công khai tố cáo giới cầm quyền như vậy. Ngài mở cửa chủng viện để đón tiếp bất cứ nạn nhân nào của các vụ bạo động. Hàng trăm người vô gia cư, đói rách và bị hành hung đã đến chủng viện. Ngài cho ngưng xây nhà thờ Chính tòa San Salvador: “Khi nào chiến tranh chấm dứt, những người đói khổ được ăn uống đầy đủ và trẻ con được giáo dục, lúc đó chúng ta sẽ tiếp tục xây cất Nhà thờ Chính tòa”. Ngài luôn bị đe dọa, luôn phải đối diện với nguy hiểm, nhưng  ngài vẫn không im lặng, hay tìm một nơi khác an toàn: “một mục tử chân chính khi thấy nguy hiểm không thể bỏ đoàn chiên để cứu lấy mạng sống mình. Tôi sẽ ở lại với dân tôi”. Ngài đã bị bắn chết chiều 24/3/1980 đang khi dâng thánh lễ cho mẹ của một người ban tại nguyện đường bệnh viện. Tổng thống Mauricio Funes của El Salvador đã tạ lỗi về cái chết của ngài: “Việc ám sát Đức Tổng Giám Mục Romero chẳng may đã diễn với sự bao che, cộng tác hoặc tham gia của một số nhân viên đặc vụ an ninh quốc gia. Một số những phe nhóm vũ trang bất hợp pháp đã khủng bố các thường dân suốt trong những năm tháng đen tối này, và để lại hàng mấy chục ngàn nạn nhân” (CWN/VietCatholicNews 25/3/2010).

[75] Mục sư Baptist Martin Luther King là nhà hoạt động dân quyền Mỹ gốc Phi, chủ trương bất bạo động, được giải Nobel Hòa Bình năm 1964 vì những nỗ lực chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc, ngày 4/4/1968 bị ám sát tại Memphis, thế giới ngưỡng mộ như một anh hùng, nhà kiến tạo hoà bình và thánh tử đạo.

[76] Trong một kỳ họp quốc tế, Đức Cố TGM Philipphê Nguyễn Kim Điềm đã nói một câu mà mọi người rất cảm kích: “Đã từng có nhiều Giám mục trả giá tù đày và cả mạng sống vì đức tin, nhưng chưa mấy người đã trả cái giá đó cho công lý và công bằng xã hôi.”

[77] CatholicNews ngày 20/8/2010.

[78] Cv 4,19; 5,29.

 

VỀ MỤC LỤC
BỆNH CỦA ĐỘNG MẠCH VÀNH

 

Động mạch vành (Coronary Artery) là những mạch máu chạy quanh trái tim để nuôi cơ quan này.

Sau mỗi nhịp tim đập thì máu được đưa đi nuôi khắp cơ thể qua động mạch chủ. Riêng máu nuôi tim thì được chuyển trực tiếp vào động mạch vành. Các động mạch này gồm hai nhánh bao chung quanh trái tim như một cái vương miện. Nếu một trong những phân nhánh bị nghẹt thì tế bào tim ở vùng đó thiếu dinh dưỡng, thiếu dưỡng khí (oxy). Đó là sự thiếu máu cục bộ cơ tim (myocardial ischemia) và người bệnh sẽ có những cơn đau thắt tim (angina pectoris).

Nếu động mạch bị nghẽn vĩnh viễn thì cơn suy tim sẽ xẩy ra vì Nhồi máu cơ tim ( myocardial infarction) và tế bào tim bị tiêu hủy.

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân đưa tới sự tắc nghẽn động mạch vành.

Trong đa số các trường hợp, có những mảng chất béo dần dần đóng lên thành động mạch. Lòng mạch máu ngày một thu hẹp khiến cho máu lưu thông giảm đi, rồi sau một thời gian sẽ gián đoạn hẳn. Đó là hiện tượng vữa xơ động mạch (atherosclerosis).

Vữa xơ không phải xẩy ra bất thình lình mà từ từ diễn tiến cả chục năm. Đôi khi, sự tác nghẽn bắt đầu ngay từ khi còn trẻ, nhưng chưa đủ trầm trọng để đưa tới bệnh tim ở tuổi trung niên.

Vữa xơ là nguyên nhân chính của cơn suy tim, tai biến động mạch não, hoại thư (gangrene) đầu ngón chân, ngón tay. Các mạch máu dễ bị vữa xơ nhất là động mạch chủ nơi bụng (abdominal aorta), động mạch vành và động mạch não.

Nguyên nhân của Vữa Xơ Động Mạch chưa được xác định rõ,  nhưng theo kết quả nhiều nghiên cứu thì chất béo trong máu và các yếu tố sau đây là những nguy cơ có khả năng gây bệnh:

a- Tuổi tác.

Hơn 50% trường hợp bệnh động mạch vành xẩy ra ở người trên 65 tuổi, cho nên nguy cơ bệnh tim tăng theo tuổi tác.

b- Gii tính.

Theo thống kê thì nam giới trên 45 tuổi thường bị bệnh tim mạch nhiều hơn nữ giới, nhưng sau tuổi mãn kinh của nữ giới thì tỷ lệ mắc bệnh gần như  nhau.

Nam giới thường có lượng cholesterol LDL cao hơn và HDL thấp hơn, một phần do tác dụng của kích thích tố nam Testosterone. Còn nữ giới thì một phần được sự bảo vệ của kích thích tố nữ estrogen, làm giảm cholesterol LDL. Khi mãn kinh, người phụ nữ không còn kích thích tố nữ thì cholesterol LDL nhích lên cao.

c- Di truyền.

 Vữa xơ động mạch đôi khi thấy ở nhiều người trong gia đình, nhất là khi bố mẹ hoặc anh chị em bị bệnh.

d- Chủng tộc.

Người châu Á  ít bị vữa xơ động mạch và cơn suy tim hơn người Âu Mỹ; người Mỹ gốc châu Phi lại hay bị bệnh tim vì họ bị cao huyết áp nhiều hơn.

e- Thuc lá.

Nicotine trong thuốc là làm tăng huyết áp và nhịp tim, làm máu dễ đóng cục, làm giảm HDL, tăng LDL, tất cả đều có thể đưa tới bệnh tim mạch. Nicotine là một trong nhiều yếu tố khởi sự làm hư hao tế bào động mạch, đưa đến vữa xơ mạch máu này. Hít thở khói thuốc lá do người khác thải  cũng có hại. Bỏ hút thuốc lá sẽ làm giảm nguy cơ benh tim mạch một cách đáng kể.

g- Béo phì.

Thống kê cho hay người béo phì hay bị cao huyết áp, bệnh tim, cao cholesterol và do đó thường bị suy tim.

h- Cao huyết áp.

 Huyết áp càng cao thì nguy cơ suy tim và vữa xơ động mạch càng tăng, nhất là khi kèm theo nghiện thuốc lá và béo phì. Áp suất lên cao làm yếu thành mạch máu, đưa tới hư hao,  đóng bựa chất béo và các  chất khác lên thành động mạch.

i- Bệnh tiểu đường.

Người bị bệnh tiểu đường thường có nhiều nguy cơ bị các bệnh tim mạch như cơn suy tim, cao huyết áp, chất béo HDL thấp và triglyceride cao.

k- Ít vận động cơ thể-

Người ít vận động cơ thể có nguy cơ bị bệnh Động Mạch Vành nhiều gấp đôi người năng vận động. Sự vận động làm giảm sự hóa vữa xơ, tăng máu lưu thông tới tim, tăng HDL, giảm béo phì, giảm cao huyết áp.

l- Cao cholesterol.

Vai trò của cholesterol trong bệnh tim mạch đã được nghiên cứu sâu rộng trong những thập niên qua với nhiều dẫn chứng khoa học về vấn đề này.

Mức cholesterol trong máu lên tới 240mg/dl là nguy cơ lớn đưa tới vữa xơ động mạch rồi cơn suy tim và tai biến động mạch não. Nguy cơ càng cao khi cholesterol càng nhiều trong máu.

Ngoài tổng lượng cholesterol, các thành phần của chất béo này cũng quan trọng. Đó là các dạng cholesterol LDL (low density lipoprotein), HDL (hight density lipoprotein), Triglyceride.

Protein là chất vận chuyển lipid và  hỗn hợp đó có tên  là lipoprotein. Tỷ trọng (density) là tỷ lệ protein/lipid. Khi nhiều protein (high density) thì là HDL , ít protein (low density) thì là LDL.

Trong tổng lượng cholesterol thì từ 60-70% là LDL, 20-30% là HDL, 10-15% là VLDL.

Cholesterol ở mức độ dưới 200mg/dl là lý tưởng; 200-239 còn tạm chấp nhận được, chứ lên trên 240 thì là rất cao và có nguy cơ gây bệnh.

LDH thường được coi như không tốt  vì nó là thành phần gây nhiều rắc rối cho hệ tim mạch. Cholesterol này đưa chất béo trong thực phẩm vào các tế bào. Khi tế bào hết chỗ chứa thì chất béo đóng vào lòng động mạch, lâu dần đưa tới vữa xơ, tắc nghẽn.

Mức độ lý tưởng của LDL trong máu là dưới 130mg/dl; 130-159 mg/dl là bắt đầu có vấn đề; và lên cao hơn 160mg/dl là nguy hiểm.

HDL vận chuyển chất béo vào dự trữ trong gan để cho  lượng chất béo trong máu chỉ đủ dùng, không có dư để đóng vào thành động mạch. Lượng  HDL trong máu mà bằng hoặc cao hơn 35mg/dl là tốt, nếu HDL có thể cao hơn 60mg/dl thì thật lý tưởng và an toàn.

Bình thường, cơ thể sản xuất đủ số cholesterol mà ta cần. Cholesterol đo trong máu có tới 85% là do cơ thể tự tạo; còn lại 15% là do thực phẩm cung cấp.

 Vì thế,  cholesterol trong máu có thể lên cao nếu ta tiêu thụ nhiều cholesterol và các chất béo bão hòa. Hậu quả là sự  đóng mảng trong lòng động mạch. Khi nghẹt động mạch vành, ta bị cơn suy tim (Heart attack). Khi một mảng chất béo ở động mạch nào đó chạy lên não thì gây ra tai biến động mạch não (Stroke ).

Kết luận.

Cao cholesterol là rủi ro chính yếu đưa tới bệnh tim mạch.

Kiểm soát cholesterol là việc làm lâu dài, cần kiên nhẫn với các phương pháp được nhiều nhà chuyên môn dinh dưỡng công nhận.

Nên dè dặt với những giới thiệu, quảng cáo chữa khỏi hoàn toàn mà không cần thuốc hoặc một chế độ ăn uống nhiều chất này, bỏ chất kia.

Dinh dưỡng trong bệnh tật cũng như trong sức khỏe cần sự đa dạng, vừa phải, phối hợp của nhiều thực phẩm khác nhau.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Texas- Hoa Kỳ  www.bsnguyenyduc.com

 
VỀ MỤC LỤC
CHUYỆN CHUỘT - Chuyện phiếm của Gã Siêu

  

Chuyện chuột bên Ta. 

Người ta đồn rằng :

Ông Bả Vệ là một bậc thầy trong lãnh vực nói dóc. Có lần trong lúc trà dư tửu hậu, ông ta đã kể cho đám bè bạn của mình  một mẩu chuyện như sau :

- Tớ có một chiếc lưỡi hái sắc ơi là sắc. Các ông có biết nó sắc như thế nào hay không ?

Dường như để gợi sự tò mò của các chiến hữu, ông ta bèn bắn một điếu thuốc lào, thả khói ra bằng hai lỗ mũi, tợp một ngụm trà nóng, rồi mới đủng đỉnh giải thích :

- Các ông biết không, khi mùa màng xong, để bảo quản chiếc lưỡi hái, tớ phết lên nó một lớp mỡ lợn hầu chống han dỉ, rồi đem cất đi. Thế nhưng sáng hôm sau, bên dưới chiếc lưỡi hái, tớ thấy toàn là lưỡi chuột, gom lại được những một đĩa đầy. Té ra đêm hôm ấy, đánh hơi thấy mùi mỡ thơm phưng phức, họ hàng nhà chuột bèn khẩn trương, thi nhau đến, liếm lấy liếm để vào chiếc lưỡi hái. Thế nhưng, vì lưỡi hái quá sẵc, nên chú chuột nào liếm vô, thì lưỡi liền bị đứt ngay lập tức.

Dĩ nhiên đây chỉ là một truyện tưởng tượng chứng tỏ cái tài nói dóc của ông Bả Vệ, để rồi ông ta xứng đáng được mang hàm “sư tổ ăn tục nói phét”.

 

Chuyện chuột bên Tây. 

Người ta kể lại rằng :

Vào một buổi sáng đẹp trời, chú chuột nhắt bỗng dưng xuất hiện trên phần đất của vợ chồng nhà voi tại sở thú Nữu Ước bên nước Mỹ. Nhìn thấy chú chuột nhắt, bỗng chị voi cái hoảng sợ, mặt xám đen như cắt không còn một giọt máu, rồi chạy tới chạy lui. Anh voi đực thấy thế bèn giận thâm cả gan và tím cả ruột. Anh ta trừng mắt nhìn chị voi cái.

Thế nhưng chị voi cái lại càng hoảng sợ hơn nữa khi chú chuột nhắt mon men bò tới gần. Còn anh voi đực thì nộ khí bốc lên bừng bừng vì cho rằng hành động của chị voi cái đã làm mất mặt bầu cua giữa thanh thiên bạch nhật.

Thực vậy, anh voi đực nghĩ rằng :

- Mình đường đường là một loại thú oai phong lẫm liệt, mang cái thân xác to lớn và lực lưỡng vào bậc nhất trong các loài động vật, thế mà lại đi sợ cái thằng nhãi ranh chuột nhắt, thì còn ra cái thể thống quái gì nữa…

Anh voi đực giậm chân giậm cẳng xuống đất, như muốn làm rung chuyển cả cây cối chung quanh. Cặp mắt long lên sòng sọc, bừng bừng ngọn lửa tức giận. Vốn tính vũ phu chi cục mịch, anh voi đực đã dùng cặp ngà của mình cùng với tất cả sức lực, hất tung chị voi cái.

Rầm một phát, chị voi cái đã nằm lọt thỏm dưới cái hố sâu bên cạnh,  trước sự ngơ ngác và xào xạc của bày chim. Chỉ tội nghiệp cho những nhân viên sở thú. Họ phải dùng tới cần cẩu mới trục được chị voi cái lên khỏi cái hố.

Tới lúc này, anh voi đực xem chừng như hối hận, thiếu điều vài giọt lệ khan hiếm muốn tuôn rơi khỏi khóe mắt. Chỉ vì sự nóng giận trong thoáng chốc của mình mà đã gây nên đau đớn dài dài cho người bạn đời thân thương nhất : Chị voi cái chân đi cà nhắc vì bị sụm bà chè sau cú hất tung như trời giáng ấy.

Anh voi đực thấm thía nhận ra một sự thật :

- Thì ra loài người họ vẫn khôn và có lý hơn mình, khi khuyên nhủ lẫn nhau : Già néo thì đứt dây, giận quá thì mất khôn…

Chỉ vì một con chuột nhắt mà gia đình nhà voi đã nên nông nỗi này. Chỉ vì những lý do cỏn con, hay những chuyện  không đâu, mà gây ra những đổ vỡ tang thương.

 

Chuyện chuột bên Tàu. 

Sách viết rằng :

Thầy Tô Đông Pha, một đêm kia đang nằm ngủ, bỗng nghe tiếng chuột rúc rích. Thày đập tay xuống giường ra vẻ ta đây vẫn còn thức, liệu hồn mà im đi. Im được một lát, chú chuột nhắt lại sột soạt như cũ. Thầy bèn sai thằng bé đốt đèn đi kiểm tra xem có chiếc hòm nào rỗng hay không.

Cót ca cót két trong cái hòm. Một chú chuột nhắt đang cố gắng cắn cái hòm, vì nắp hòm đã bị đóng chặt, không thể thoát ra được.

Thằng bé mở nắp hòm ra xem, thoạt tiên không thấy gì cả. Cầm đèn giơ vào soi thì thấy có một chú chuột nhắt nằm yên dường như đã chết. Thằng bé lấy làm lạ bèn nói :

- Rõ ràng nó vừa cắn mà đã chết ngay được sao ? Hay là tiếng cót két của ma ?

Thầy Tô  than rằng :

- Lạ thay cái khôn của con chuột nhắt. Bị nhốt trong hòm. Hòm lại quá cứng, không khoét ra được một lỗ thoát thân, thế nhưng nó vẫn cứ cắn, cốt tạo nên tiếng kêu, khiến người ta phải để ý tới. Không chết mà giả vờ chết để được chạy thoát.

Rồi Thầy tiếp tục lý luận :

- Ta nghe phàm trong các vật sống, không gì khôn hơn con người. Thực vậy, con người bắt được rồng, đánh được thuồng luồng, bẫy được rùa, săn được lân, sai khiến được muôn vật, thế mà không ngờ rốt cuộc lại bị mắc kế lừa gạt của một con chuột nhắt.

Tác giả ghi lại câu chuyện trên, đã thêm vào đó một lời bàn, giống như lời bàn của Kim Thánh Thán trong Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, như sau :

- Con chuột nhắt giả chết, rồi thừa lúc thầy Tô Đông Pha vô ý mà chạy thoát, làm cho thầy phải giật mình để bàn về sự dại và khôn, cũng như về cái lẽ cần thiết phải tập trung tư tưởng. Làm việc gì cũng vậy, không chú ý và không tin tưởng vào việc đó, thì không thể thành công. Ý lực yếu đi, lòng không thành khẩn, thì dễ bị người ngoài sai khiến. Người mạnh là người có được cái đích chắc chắn để noi theo, không gì bên ngoài có thể làm lay chuyển được.

Riêng phần gã, nhiều lần gã cũng đã phải trải qua cái kinh nghiệm trên của thầy Tô Đông Pha.

Gã bực bội đến mất ngủ chỉ vì những tiếng sột soạt của chú chuột nhắt, đang đêm bò tới cắn kệ sách, hay gậm nhấm từng sợi dây điện của dàn vi tính. Chỗi dậy, đập tới đập lui, rồi yên chí chui vào giường ngủ tiếp. Thế nhưng, chỉ được một lát, những tiếng sột soạt ấy lại tiếp tục vang lên giữa đêm hôm khuya khoắt.

Gã khâm phục trước sự khôn ngoan của loài chuột, nhất là những chú chuột nhắt trong nhà. Có lần trong giờ nghỉ trưa, gã đã hé mắt nhìn thấy một chú chuột nhắt mở nắp chiếc hộp và lấy ra được một hạt đậu phộng, hay tha giấy vụn vào những chỗ mà gã không thể ngờ tới, để mà làm tổ.

Tuy nhiên, dù khôn đến đâu thì cũng vẫn thua con người. Chẳng hạn để đánh bắt chuột nhắt trong nhà, gã không cần đến mồi màng chi chả, chỉ cần…”ngâm kiú” đường chuột chạy mà đặt bẫy, thế nào bọn chuột nhắt dễ ghét này cũng bị dính chấu. Có đêm dính tới hai, ba con.

 

Chuyện chuột bên Ta cũng như bên Tây. 

Cũng vì sự khôn mà thiếu ngoan này, mà loài chuột đã để lại những hậu quả tai hại cho dòng họ nhà mình, cũng như cho bàn dân thiên hạ.

Thực vậy, trong khi tìm hiểu về loài chuột, gã bắt gặp câu thành ngữ  sau đây :

- Cột lạc cổ mèo, hay  cột nhạc cổ mèo.

Tác giả Lê Gia, trong cuốn “Về cội nguồn” đã giải thích như sau :

Trước tình hình dân số mỗi ngày một giảm sút, vì bị mèo xơi tái, dòng họ nhà chuột bèn tổ chức một đại hội để tìm mưu tính kế đối phó với mèo.

Các vị đại biểu dòng họ nhà chuột, từ chuột nhà đến đồng, từ chuột bạch đến chuột chù, đều thi nhau phát biểu. Ý kiến của chúng đều được ban thư ký ghi nhận và rồi sẽ…ngâm kíu sau.

Cuối cùng một bác chuột cống thâm niên quân vụ, trụi hết cả lông và giàu kinh nghiệm chiến trường, đã anh dũng leo lên diễn đàn và dõng dạc tuyên bố :

- Chỉ cần cột một cái nhạc (lục lạc) vào cổ mèo, để bất kỳ mèo đi tới đâu, thì chuông sẽ kêu reng reng, chúng ta nghe thấy và tìm đường chạy trốn.

Tất cả hội nghị đều vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Thế nhưng, khi đề cử người đi cột nhạc vào cổ mèo, thì chẳng ai dám liều, dám mạo hiểm. Rốt cuộc đành bó tay chịu thua, để cho mèo mặc sức tung hoành, xông xáo tìm mồi.

Câu truyện trên muốn nói lên rằng : Ý kiến ý cò thì rất hay nhưng khó mà thực hiện và cũng chẳng ai làm được. Vì thế, đó chỉ là một kế hoạch không tưởng, viển vông mà thôi.

Cũng có thể ý kiến ấy rất hay, nhưng chẳng ai muốn giơ ngón tay lay thử,  cho dù họ dư sức qua cầu và có thể làm được một cách dễ dàng. Thế nhưng,  nếu làm thì phải chấp nhận hy sinh và phải gánh chịu những thiệt thòi cho bản thân hay gia đình, nên họ bèn tỏ thái độ lờ lờ thất văn, hay phớt tỉnh Ăng Lê. Họ là những kẻ khôn lỏi và chạy theo chủ nghĩa lợi nhuận. Hễ thấy có lợi thì nhào vô kiếm ăn, còn hễ thấy bị thiệt thòi hay phải hy sinh, thì lập tức thì ca bản :

- Em chả dám đâu.

Họ cũng chủ trương rằng :

- Phàm mọi người vì mình thì đều là điều tốt, chứ mình vì mọi người thì em xin… bó tay chào thua.

Thành thử mãi mãi vẫn chỉ là những dự án treo. Ước mơ rất nhiều, mà rốt cuộc lại chẳng được bao nhiêu.

Tuy nhiên, hồi còn bé, có lần trong một giờ học tiếng Pháp, gã đã phải viết bài chính tả mang tựa đề “Conseil des rats”, tạm dịch là “Hội đồng chuột”. Gã không nhớ tác giả là ai, nhưng mang cùng một nội dung như trên. Vì thế, cho đến bây giờ gã vẫn cứ thắc mắc không hiểu Tây lấy của Ta, hay Ta lấy của Tây ?

Sở dĩ gã rất nhớ cái kỷ niệm thương đau về bài chính tả “Hội đồng chuột” này là vì ông thầy dạy tiếng Pháp đáng kính của gã.

Thực vậy, cho đến bây giờ gã vẫn phải luôn nhớ ơn ông, bởi vì vốn liếng tiếng Pháp mà gã còn lưu giữ được tới ngày hôm nay, đều do sự “day bảo cứng rắn” của ông.

Hồi đó, bọn học trò nghịch ngợm như lũ ngựa chứng trong sân trường, đã đặt cho ông cái biệt danh là thầy…hạ mã. Hạ mã có nghĩa là xuống ngựa, nhưng trong giờ tiếng Pháp của ông, thì nó lại có nghĩa  là … quì xuống.

Sư phạm mà ông áp dụng, đó là…”cưỡng bức học tập”. Mỗi ngày mười tiếng ngữ vựng. Đầu giờ lớp sẽ khảo bài. Tên nào chỉ thuộc được năm tiếng, thì a lê hấp :

- Hạ mã, quì xuống.

Sau khi đã cắt nghĩa xong bài văn phạm, ông liền hỏi cả lớp :

- Hiểu chưa ?

- Dạ hiểu.

Ông nói tiếp :

- Vậy thì lấy vở ra làm bài tập.

Tên nào làm sai, thì cũng a lê hấp :

- Hạ mã, quì xuống.

Những tên trên trung bình thì ngồi vểnh râu cá chốt, còn những  tên dưới trung bình thì hạ mã, cúi gầm mặt xuống. Cùng với đôi chân hạ mã và quì gối như vậy, thì đôi tai phải lắng nghe bài luân lý giáo khoa thư mà ông dõng dạc phán ra.

Bài chính tả hôm ấy, chẳng hiểu chia lòng chia trí thế nào, mà gã chỉ được có bốn điểm rưỡi, và thế là tự động, a lê hấp :

- Hạ mã, quì xuống.

Chính vì bị hạ mã và quì xuống như vậy mà gã nhớ rất kỹ bài chính tả này. Viết tới đây, nỗi théc méc nêu trên không hiểu Tây lấy của Ta, hay Ta lấy của Tây, đã được giải mã, vì gã thầm nghĩ :

- Chuột Tây hay chuột Ta, thì bản chất cũng vẫn chỉ là chuột mà thôi. Vì thế, câu chuyện lỡ có trùng hợp nhau, thì cũng chỉ là chuyện thường ngày ở huyện.

Cũng vì sự khôn mà thiếu ngoan, hơn thế nữa vì tài khéo đục khoét và rút ruột mà lũ chuột nhắt đã để lại những sự rách nát tang thương. Chính vì thế mà trong dân gian, người ta lưu truyền câu thành ngữ  “đầu voi, đuôi chuột”.

Câu thành ngữ này có hai ý nghĩa.

Ý nghĩa thứ nhất ám chỉ hành động ra oai để ức hiếp người khác, thế nhưng khi gặp phải một tay cự phách hơn, thì bèn cúi gập mình  xuống để quị lụy, cũng như để lươn lẹo và luồn lách.

Ý nghĩa thứ hai xuất phát từ một điển tích :

Trình Giảo Kim, sống đời nhà Tùy và nhà Đường, là một tay chơi…búa rất lợi hại. Tuy nhiên, chỉ có ba búa đầu là mạnh mẽ như trời giáng. Vô phúc cho tên nào lãnh đủ ba búa đầu này, thì chỉ có nước lăn đùng ra mà chết không kịp ngáp. Thế nhưng, từ búa thứ tư về sau thì lại yếu xìu và nhẹ hều.

Vì thế, đối phương bèn tìm mọi cách tránh né ba búa đầu, làm thế nào, để Trình Giảo Kim luôn đánh vào không khí. Còn đến búa thứ  tư, lỡ có bị phang trúng, thì  vẫn cứ nhởn nhơ nhe răng cười, vì chẳng mệnh hệ gì cả.

Chính vì thế, mà câu thành ngữ trên muốn nói lên rằng :

- Công việc lúc khởi sự thì thật lớn lao và to tát, như cái đầu con voi, nhưng đến khi kết thúc thì lại tầm thường và nhỏ bé như cái đuôi con chuột.

Sở dĩ như vậy là vì trong lúc thi công, người ta đã ra sức bắt chước lũ chuột, lớn đục khoét theo kiểu lớn, còn bé thì cũng đục khoét theo kiểu bé. Thầy rút ruột theo kiểu thầy, còn thợ thì cũng rút ruột theo kiểu thợ. Người người vui vẻ vơ vét về cho đầy túi tham của mình, nên chi công trình bị teo lại thành cái đuôi con chuột, có lúc còn tóp lại chỉ bằng cái đầu cây tăm mà thôi.

Nhà chưa xây xong, thì đã đổ chổng vó. Đường vừa mới khánh thành, thì đã hư hỏng, không phải chỉ có những ổ chuột ổ gà, mà còn có cả những ổ trâu ổ voi. Thậm chí, ngân sách trên vừa mới rót xuống, công trình chưa kịp thực hiện, thì đã vội vã bay hơi, vì được dưới hồ hởi  chia năm xẻ bảy, để những đồng tiền vô tội vạ chui tọt vào cái túi không đáy của mình.

Đầu năm mà nói những chuyện không vui, chắc là sẽ xui. Vì thế gã xin được chuyển hệ, để cho năm mới thêm phần hoành tráng và tốt đẹp.

Báo Công An Thành Phố số ra ngày 03 tháng 01 năm 2008 đã loan tin như sau :

Các tiệm bán vật kiểng ở thủ đô nước Nga đang săn lùng chuột một cách ráo riết, khi các ông thầy bói ở nước này tiên đoán rằng : năm mới là năm con chuột, tính theo lịch Á Đông và ai có được một con chuột trước ngày bước sang năm mới, sẽ gặp nhiều may mắn. Thế là đủ loại, từ chuột đồng, chuột cống đến chuột nhắt đều được bàn dân thiên hạ chiếu cố mua tuốt.

Còn báo Kiến Thức Ngày nay, số 626 ra ngày 01 tháng 01 năm 2008,  đã đăng tải  một bài ngắn của Tạ Xuân Quan với tựa đề “Hình tượng chú chuột cho năm Mậu Tý” :

Năm 2008 theo Âm lịch là năm Mậu Tý. Vì vậy, tại Trung Quốc hàng loạt vật trang sức, đồ chơi cũng như đồ gia dụng được thiết kế và tạo hình với nguyên mẫu là chuột.

Cùng với bài viết là những hình ảnh minh họa cho thấy : Những chiếc gạt tàn thuốc lá, thú nhồi bông và đồ chơi đều mang vóc dáng chú chuột được sản xuất tại tỉnh Hắc Long Giang.

Ngay cả những vật trang sức bằng đá quí hoặc bằng vàng bạc được sản xuất tại vùng Suzhou, tỉnh Jiangsu, cũng đều mang đậm dấu ấn hình dong chú chuột.

Và như thế, chuột đã mang lại nhiều lợi nhuận cho những nhà sản xuất tại Trung Quốc, cũng như cho những anh chàng chuyên môn đánh bẫy tại nước Nga, vì đây là một cơ hội mần ăn hái ra tiền và hốt ra bạc.

.....

Gã Siêu   gasieu@gmail.com


VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************