Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 179, Chúa Nhật 09.09.2012


MỤC LỤC 

Mục Tiêu Phải Ðạt Tới (Sắc Lệnh Tông Đồ Về Giáo Dân)                                             Vatican 2

BỆNH CÂM ĐIẾC NGAY TRONG NHÀ MÌNH                                             PM. CAO HUY HOÀNG

LỜI CHÚA ĐƯỢC NHÂN CÁCH HOÁ CÁCH TIỆM TIẾN 
Chuyển ngữ: Thérèse Trần Thiết + Fr. Marie Bảo Tịnh O.Cist

Bật Gốc                                                                                                   Gm Giuse Vũ Văn Thiên

PHẢI HIỂU THẾ NÀO VỂ SỰ THƯỞNG PHẠT CỦA THIÊN CHÚA ?          Lm. PX. Ngô Tôn Huấn

THIÊN CHỨC LÀM CHA MẸ (4)                                                           Lm Lê Văn Quảng Psy.D.

Thuyết biến hóa, tiến hóa và vận mệnh con người (tiếp theo)                    Gs. Trần Văn Toàn

Phẩm giá CON NGƯỜI trong Huấn dụ Xã Hội của Giáo Hội (2)            Tiến sĩ Nguyễn Học Tập

Không chỗ nào thánh thiêng hơn                                                      Lm. Minh Anh chuyển ngữ

Linh mục giáo phận sống sứ vụ Hoà giải                       Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.

DINH DƯỠNG VỚI VIÊM XƯƠNG KHỚP                                                    Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Mối phúc dành cho kitô hữu                                                                     Gs. Nguyễn Đăng Trúc


Mục Tiêu Phải Ðạt Tới

 

 

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II 

Sắc Lệnh Về Tông Ðồ Giáo Dân

Apostolicam Actuositatem 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Chương II: Mục Tiêu Phải Ðạt Tới 5*

 

5. Nhập đề. Công trình cứu chuộc của Chúa Kitô cốt yếu nhằm việc cứu rỗi nhân loại, nhưng cũng bao hàm việc canh tân tất cả trật tự trần thế. Do đó sứ mệnh của Giáo Hội không những là đem Phúc Âm của Chúa Kitô và ân sủng của Người cho nhân loại, mà còn đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần và hoàn thiện những thực tại trần thế. Bởi vậy, trong khi thi hành sứ mệnh này của Giáo Hội, người giáo dân làm việc tông đồ trong Giáo Hội cũng như giữa đời, trong phạm vi thiêng liêng cũng như trong phạm vi trần thế. Hai phạm vi tuy khác biệt, nhưng trong ý định duy nhất của Thiên Chúa, chúng được liên kết với nhau đến nỗi chính Thiên Chúa muốn thâu tóm vũ trụ lại trong Chúa Kitô thành một tạo vật mới, khởi sự ở trần gian và hoàn tất trong ngày sau hết. Trong cả hai phạm vi, người giáo dân, vừa là tín hữu vừa là công dân, phải được hướng dẫn liên tục bằng một lương tâm Kitô giáo duy nhất.

6. Việc Tông đồ nhằm rao giảng Phúc Âm và thánh hóa. Sứ mệnh của Giáo Hội nhằm cứu độ con người, sự cứu độ thành đạt được nhờ đức tin vào Chúa Kitô và nhờ ân sủng Người. Vậy việc tông đồ của Giáo Hội và của tất cả các chi thể trong Giáo Hội trước hết nhằm loan báo sứ điệp của Chúa Kitô bằng lời nói, việc làm và nhằm chuyển thông ân sủng của Người cho trần gian. Công việc này được thực hiện chính là do tác vụ giảng lời Chúa và ban các bí tích, đặc biệt được trao phó cho hàng giáo sĩ, trong tác vụ đó, cả giáo dân cũng phải hoàn tất phần quan trọng của mình để trở nên "những kẻ hợp tác với chân lý" (3 Gio 8). Nhất là trong lãnh vực này, việc tông đồ giáo dân và tác vụ chủ chăn bổ túc cho nhau.

Người giáo dân có rất nhiều cơ hội làm việc tông đồ: rao giảng Phúc Âm và thánh hóa. Chính chứng tá của đời sống Kitô và những việc lành được làm với tinh thần siêu nhiên có sức lôi kéo người ta đến đức tin và đến với Thiên Chúa, vì Chúa phán: "Sự sáng các con phải soi trước mắt người ta, như vậy để họ xem thấy việc lành các con mà ngợi khen Cha các con ở trên trời" (Mt 5,16).

Tuy nhiên việc tông đồ này không chỉ ở tại việc làm chứng bằng đời sống. Người tông đồ đích thực còn tìm dịp loan truyền Chúa Kitô bằng lời nói hoặc cho người chưa tin để đưa họ đến đức tin, hoặc cho tín hữu để giáo huấn họ, củng cố và thúc đẩy họ sống sốt sắng hơn "vì tình yêu Chúa Kitô thôi thúc chúng ta" (2 Cor 5,14) và trong lòng mọi người phải âm vang lời Thánh Tông Ðồ: "Thật khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm" (1Cor 9,16) 1.

Ở thời đại chúng ta phát sinh nhiều vấn đề mới và nhiều sai lầm trầm trọng đang hoành hành nhằm khuynh đảo tận gốc tôn giáo, trật tự luân lý và chính xã hội nhân loại, nên Thánh Công Ðồng này hết lòng khuyên nhủ giáo dân mỗi người tùy tài năng và vốn liếng giáo lý, phải theo tinh thần của Giáo Hội mà ân cần chu toàn phận vụ của mình trong việc làm sáng tỏ, bảo vệ các nguyên tắc Kitô giáo và áp dụng đúng đắn những nguyên tắc đó vào những vấn đề của thời đại này.

7. Canh tân trật tự trần thế theo tinh thần Kitô giáo. Hẳn thật ý định Thiên Chúa về thế giới là loài người đồng tâm canh tân và liên tục làm cho trật tự trần thế thêm tốt đẹp.

Tất cả những gì tạo nên trật tự trần thế như giá trị của cuộc sống và của gia đình, văn hóa, kinh tế, nghệ thuật và nghề nghiệp, tổ chức cộng đồng chính trị, bang giao quốc tế, và những thực tại tương tự khác, cũng như sự biến chuyển và tiến bộ của chúng, tất cả những thực tại đó, hoặc xét ngay trong chính bản tính của chúng, hoặc xét chúng như thành phần của toàn thể trật tự trần thế, chẳng những chúng là phương thế giúp con người đạt tới mục đích tối hậu, mà chúng còn có giá trị riêng do Thiên Chúa phú bẩm: "Vì Thiên Chúa nhìn thấy vạn vật Ngài đã tạo thành thảy đều rất tốt đẹp" (Stk 1,31). Sự thiện hảo tự nhiên ấy của vạn vật còn có thêm một giá trị đặc biệt do sự liên lạc của chúng với con người, vì chúng được tạo dưng để phục vụ con người. Sau cùng, Thiên Chúa đã vui lòng qui tụ mọi loài, tự nhiên cũng như siêu nhiên, nên một trong Chúa Giêsu Kitô "để Người được nắm quyền tối cao trên hết thảy" (Col 1,18). Nhưng sự đặt định này chẳng những không làm cho trật tự trần thế mất sự tự lập, mất cứu cánh riêng cũng như các định luật và những phương tiện riêng, hay mất tầm quan trọng đối với ích lợi của con người, mà trái lại còn làm cho sức mạnh và giá trị riêng của trật tự đó thêm hoàn hảo, đồng thời nâng cao cho hợp với thiên chức toàn vẹn của con người trên trái đất.

Qua dòng lịch sử, việc sử dụng những sự vật trần thế mắc phải những sai lạc trầm trọng, bởi vì loài người đã bị nhiễm tội nguyên tổ, thường sa vào nhiều lầm lẫn về Thiên Chúa đích thực, về bản tính con người và về những nguyên tắc của luật luân lý: do đó, phong hóa và những định chế của loài người bị hư hỏng, và chính nhân vị đôi khi cũng bị chà đạp. Ngày nay cũng vậy, nhiều người vì quá tin tưởng vào tiến bộ khoa học và kỹ thuật, nên dường như muốn tôn thờ sự vật trần thế, đến nỗi trở thành nô lệ sự vật hơn là làm chủ chúng.

Công cuộc hoạt động của toàn thể Giáo Hội là phải làm cho con người có khả năng xây dựng đúng đắn toàn thể trật tự sự vật trần thế và qui hướng chúng về Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô. Các vị chủ chăn có nhiệm vụ trình bày rõ ràng các nguyên tắc về mục đích việc tạo dựng và việc xử dụng sự vật trần thế được canh tân trong Chúa Kitô. 6*

Còn giáo dân phải đảm nhận việc canh tân trật tự trần thế như là nhiệm vụ riêng, và trong nhiệm vụ đó, nhờ được ánh sáng Phúc Âm soi chiếu tinh thần của Giáo Hội hướng dẫn, và bác ái Kitô giáo thúc đẩy, họ phải trực tiếp và cương quyết hành động. Với tư cách là công dân, họ phải đem khả năng chuyên môn cùng tinh thần trách nhiệm để cộng tác với các công dân khác. Họ phải tìm sự công chính nước Thiên Chúa ở mọi nơi và trong mọi sự. Phải canh tân trật tự trần thế cách nào để vẫn tôn trọng toàn vẹn các định luật riêng của nó mà vẫn làm cho trật tự đó phù hợp với các nguyên tắc cao cả của đời sống Kitô giáo, cùng thích nghi với các hoàn cảnh khác nhau của các địa phương, các thời đại và các dân tộc. Trong những công cuộc của việc tông đồ này nổi bật hơn cả là hoạt động xã hội của người Kitô hữu. Thánh Công Ðồng ước ao hoạt động đó lan đến mọi lãnh vực trần thế kể cả lãnh vực văn hóa 2.

8. Công cuộc bác ái dấu hiệu của việc tông đồ. Mọi hoạt động tông đồ phải bắt nguồn và lấy sức mạnh từ đức ái 7*. Nhưng một vài công việc tự bản chất của chúng có thể biểu lộ tình yêu cách sống động. Chúa Kitô đã muốn những việc đó là dấu chỉ của sứ mệnh cứu độ (x. Mt 11,4-5).

Giới răn quan trọng nhất trong lề luật là yêu mến Thiên Chúa hết tâm hồn và yêu tha nhân như chính mình (x. Mt 22,37-40). Thật vậy, Chúa Kitô đã làm cho giới răn bác ái đối với tha nhân thành một giới răn riêng của Người và mặc cho nó một ý nghĩa mới phong phú hơn, khi Người muốn đồng hóa mình với anh em như chính đối tượng của bác ái, Người nói: "Bao nhiêu lần các ngươi làm những việc đó cho một trong những người hèn mọn là anh em Ta đây, tức là các ngươi làm cho Ta vậy" (Mt 25,40). Bởi vì khi nhận lấy bản tính nhân loại chính Người đã nối kết toàn thể nhân loại với Người thành một gia đình bằng một tình liên đới siêu nhiên, và Người đã dùng đức ái làm dấu chỉ của các môn đệ Người, khi Người nói: "Nếu các con yêu thương nhau, thiên hạ cứ dấu ấy mà nhận biết các con là môn đệ Thầy" (Gio 13,35).

Trong thời sơ khai, Giáo Hội thánh đặt bữa ăn thân tình "agapê" đi liền với bữa tiệc Thánh Thể để biểu lộ sự hiệp nhất hoàn toàn trong tình yêu thương chung quanh Chúa Kitô. Như vậy, bất cứ thời đại nào, người ta cũng nhận ra Giáo Hội nhờ dấu chỉ tình yêu này, và Giáo Hội đã tự đảm nhận những công cuộc bác ái như là nhiệm vụ và quyền lợi bất khả di nhượng của mình, dấu Giáo Hội vẫn hân hoan trước những sáng kiến của người khác. Vì thế, Giáo Hội đặc biệt đề cao lòng xót thương đối với người nghèo đói, bệnh tật, cũng như những công cuộc mệnh danh là từ thiện và tương trợ để xoa dịu mọi nỗi thống khổ của nhân loại 3.

Thời nay nhờ những phương tiện giao thông dễ dàng và nhanh chóng hơn, khoảng cách giữa loài người hầu như không còn nữa, và dân chúng trên hoàn cầu được coi như những người cùng sống trong một gia đình, nên những hoạt động và những công cuộc bác ái càng trở nên khẩn thiết và cần được tổ chức rộng lớn hơn. Ngày nay, hoạt động bác ái có thể và phải nhắm tới tất cả mọi người và mọi nhu cầu. Ở đâu có người thiếu ăn, thiếu uống, thiếu mặc, thiếu nhà ở, thiếu thuốc men, thiếu việc làm, thiếu giáo dục, thiếu những phương tiện cần thiết để sống xứng danh con người, ở đâu có người bị đau khổ vì nghịch cảnh, ốm yếu, chịu cảnh lưu đày, tù ngục, thì ở đó bác ái Kitô giáo phải tìm gặp, ân cần săn sóc, ủi an và xoa dịu họ bằng những trợ giúp thích đáng. Thi hành bổn phận này trước hết là bổn phận của những người giàu và các dân tộc giàu 4.

Ðể thực thi bác ái mà không bị chỉ trích và để tỏ ra là bác ái đích thực, cần phải nhìn nhận nơi tha nhân hình ảnh Thiên Chúa vì họ đã được dựng nên giống hình ảnh Ngài và nhìn nhận nơi họ chính Chúa Kitô, bởi vì bất cứ sự gì được tặng cho người nghèo là đã thực sự được dâng cho Người. Phải hết sức tế nhị tôn trọng tự do và nhân phẩm của người được trợ giúp. Ðừng làm hoen ố ý hướng ngay lành vì mưu cầu tư lợi hay vì một tham vọng thống trị nào 5. Phải thỏa mãn những đòi hỏi công bình trước đã kẻo những tặng phẩm đem cho tưởng là vì bác ái, mà thực ra phải đền trả vì đức công bằng. Phải tổ chức giúp đỡ sao cho những người được trợ giúp dần dần thoát khỏi sự lệ thuộc người khác và có thể tự túc.

Vậy người giáo dân phải quí trọng và tùy sức giúp vào các việc từ thiện và những sáng kiến nhằm cứu trợ xã hội của tư nhân cũng như của quốc gia, kể cả quốc tế. Nhờ những công cuộc đó, người ta mới trợ giúp hữu hiệu cho mỗi người và mỗi dân tộc đang lâm cảnh khốn cùng. Trong việc này, giáo dân cần cộng tác với mọi người thiện chí 6.


Chú Thích:

5* Công đồng nêu lên nguyên tắc hướng dẫn tổng quát cho việc tông đồ này: trật tự siêu nhiên và tự nhiên, tuy vẫn phân biệt nhau, nhưng cùng hợp nhất trong một ý định của Thiên Chúa, là Ngài muốn qui tụ toàn thế giới trong Chúa Kitô, và chính do ý định này mà hoạt động tông đồ giáo dân cần thiết có mặt trong lãnh vực trần tục.

Ðức Phaolô VI, vào ngày 3 tháng Giêng năm 1964, đã nói với những người tốt nghiệp khóa "Công Giáo Tiến Hành": "Chúng con phải ý thức về hai xã hội khác biệt nhau này, chúng luôn đi đôi với nhau và liên hệ với nhau. Và chính khi chúng con nhìn nhận cả hai quyền hành này, quyền của Giáo Hội và quyền của trần gian, mà chức vụ của chúng con được phát triển... chúng con trở nên chứng nhân Kitô giáo trong lãnh vực nghề nghiệp của chúng con và là công dân gương mẫu trong đời sống công giáo".

1 Xem Piô XI. Tđ Ubi arcano, 23-12-1922: AAS 14 (1922) trg 659. - Piô XII, Tđ Summi pontificatus, 20-10-1939: AAS 31 (1939), trg 442-443.

6* Ðể bảo đảm giá trị ơn gọi trần thế của người giáo dân, Công Ðồng đã nhắc lại những nguyên tắc nền tảng của giá trị trần thế. Ðã từ lâu, nhiều Kitô hữu và trường phái tu đức tỏ ra coi thường những giá trị nhân bản, và thường họ chỉ đánh giá của cải vật chất như những phương tiện giúp cho việc cứu rỗi cũng như cho mục đích siêu nhiên của người Kitô hữu.

Công Ðồng xác định rằng những tài sản của đời sống và gia đình, nền văn hóa, kinh tế, chánh trị, hay những liên lạc quốc tế v.v... đều có những giá trị riêng của chúng do ý muốn của chính Thiên Chúa (x. MV 36).

Nhưng bậc thang giá trị đúng đắn đòi hỏi rằng những tài sản vật chất ấy, thay vì trở nên thần tượng hay những ông chủ độc tài của con người, phải tùy phục vài lý trí con người cũng như vào những nguyên tắc của đời sống luân lý. Vì chưng, do sự liên lạc mật thiết với nhân phẩm con người mà những tài sản vật chất ấy giữ giá trị của chúng.

2 Xem Leô XIII. Tđ Rerum Novarum: AAS 23 (1890-91), trg 647. - Piô XI, Tđ Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), trg 190. - Piô XII, Nuntius radiophonicus, 1-6-1941: AAS 33 (1941), trg 207.

7* Hoạt động bác ái nằm trong lãnh vực siêu nhiên và trần thế, vì thế tự nó, hoạt động tông đồ giáo dân luôn bao hàm hoạt động bác ái. Tuy nhiên hoạt động bác ái này vẫn luôn có đặc tính thúc đẩy tự nhiên trong mọi lãnh vực, và điều này chứng tỏ cách đặc biệt tinh thần của Chúa Kitô.

3 Xem Gioan XXIII, Tđ Mater et Magistra: AAS 53 (1961), trg 402.

4 Xem n.v.t. trg 440-441.

5 Xem n.v.t. trg 442-443.

6 Xem Piô XII, Huấn từ ad Pax Romana MIIC, 25-4-1957: AAS 49 (1957), trg 298-299. Và nhất là Gioan XXIII, ad Conventum Consilii "Food and Agriculture Organisation" (F.A.O.), 10-11-1959: AAS 51 (1959), trg 856,866.

VỀ MỤC LỤC
BỆNH CÂM ĐIẾC NGAY TRONG NHÀ MÌNH

  

Suy niệm Lời Chúa CN 23 TN B

Con cái là niềm vui tuyệt vời của cha mẹ. Sinh được một người con là hồng ân lớn lao cho cha mẹ, gia đình, dòng tộc.

Nhưng sinh một đứa con kém may mắn, không hoàn hảo, tật nguyền, dị dạng, thiểu năng bẩm sinh, câm điếc chẳng hạn, không chỉ là nỗi buồn mà còn là thử thách lớn lao cho cha mẹ: thử thách tình yêu và thử thách niềm tin. Thật là cao cả, đáng quí, đáng ca ngợi biết bao những cha mẹ phải chịu đựng hy sinh cả đời trong tin yêu phó thác mà không một lời than vãn kêu ca. Tất cả tình thương và những gì tốt đẹp nhất được dành hết cho đứa con tật nguyền, bệnh hoạn. Tôi vẫn nghĩ, họ đang mặc lấy trái tim yêu thương nhân hậu của Chúa mới có thể đối xử với con mình cách đáng trân trọng như thế. Bằng không, thật là tồi tệ.

Sinh được một đứa con hoàn hảo, xinh đẹp, niềm vui ấy còn tuyệt vời hơn. Con khôn ăn chóng lớn, nói chắc, đi vững, là phần thưởng cho những hy sinh của cha mẹ. Rồi con ngoan ngoãn, nghe tốt, vâng kỹ, học giỏi, thành người có ích cho gia đình, cho xã hội, thì cha mẹ hãnh diện biết bao.

Nhưng đối với những cha mẹ Công Giáo, thì thiết tưởng nên chọn niềm vui thiêng liêng cao quí nhất là thấy con khôn ngoan biết thờ phượng Chúa, siêng năng kinh hạt, sốt sắng Thánh Lễ, viếng Chúa, đọc học Lời Chúa và nên người con của Chúa cách xứng đáng: biết mến Chúa yêu người trong gia đình và ngoài xã hội.

Nếu trong nhà bạn, trong nhà tôi có những đứa con hình dáng xinh đẹp, trí khôn thông minh, học hành giỏi giang, kinh tế vững vàng… mà không thuộc kinh nào, hoặc là hồi nhỏ đọc kinh với cha mẹ thuộc làu làu, lớn lên bỏ đọc dần rồi quên hẳn, thì chẳng phải là con mình đang bị câm đó sao ?

Hồi nhỏ nghe lời cha mẹ, nghe Lời Chúa, lớn lên rồi có được ít chữ, ít kinh nghiệm, ít tiền rủng rỉnh trong túi, thì coi cha mẹ là tụt hậu, là “đồ cổ”, và không buồn nghe cha mẹ bảo ban nhắc nhở nữa, cũng không nghe Lời Chúa, không giữ luật Chúa nữa… thì chẳng phải là con mình bị điếc đó sao ?

          Con không nói được một lời cảm ơn, một lời xin lỗi, huống chi nói được một lời ủi an cha mẹ trong lúc tuổi già, huống chi nói được một lời yêu thương, tri ân hay hiếu kính, chẳng phải là nó đã bị bệnh câm rồi đó sao ?

Con không nghe được tiếng lòng của cha, không nghe được nỗi đau của mẹ thì làm gì nghe được nỗi xót xa của tha nhân, chẳng phải nó bị điếc rồi đó sao ?

Thật bi đát ! Bệnh câm điếc của con, đã đành, lại thêm bệnh câm điếc của vợ, của chồng, của cha mẹ.

Ông B buồn uống rượu cả ngày chỉ vì bà B chưa bao giờ chịu nhún nhường xin lỗi ông B trong suốt 40 năm làm vợ. Bà X cả ngày không nói gì nếu ông X không hỏi. Bà A chưa bao giờ hỏi ông A câu “Ông có khỏe không ?” Có vợ chồng chưa bao giờ đọc kinh chung với nhau kể từ sau ngày cưới ! Đến ngày cưới vợ cho con, mướn một tay MC đọc kinh luôn, hoành tráng hơn, bài bản hơn ! Vợ chồng chẳng ai chịu nghe ai, chẳng ai hiểu ai, trong khi hai người đều nói tiếng Việt ! Chẳng phải là bệnh câm điếc đang hoành hành ngay trong nhà mình đó sao ?

Nếu vợ chồng, con cái trong gia đình mà không nói nhau nghe, không nghe nhau nói, thì còn gì là một tổ ấm yêu thương ? Cả nhà chúng ta cùng câm điếc mãi vậy được sao ? Ra đường, đến Nhà Thờ, làm công tác tông đồ, làm ông kia bà nọ, nói và nghe khá lắm, mà về nhà thì lại câm và điếc với nhau. Thật vô lý ! Đã thế, lại không có ước muốn chữa lành bệnh câm điếc trong nhà mình !

Sống với nhau bằng xương bằng thịt hữu hình, sờ tận tay, thấy tận mắt mà còn câm điếc thì nói gì đến việc sống với Thiên Chúa, Đấng Vô Hình ? Khi đã mang bệnh câm điếc trong gia đình như thế thì rõ ràng là không có dấu chỉ nào cho thấy sự trưởng thành cần có về Đức Tin và đời sống nội tâm với Thiên Chúa.

Từ gia đình ruột thịt, đến gia đình thiêng liêng, gia đình Hội Thánh, bệnh câm điếc cũng tràn lan:

- Cấp trên cấp dưới trong Hội Thánh chưa thực sự trân trọng việc nói và nghe nhau. Có khi lại còn xu nịnh phường gian ác, nạt nộ kẻ lòng ngay. Tiếng nói của con chiên vẫn luôn là thấp bé, kém giá trị, nhất là những con chiên nghèo, con chiên tội lỗi, con chiên bị áp bức, con chiên ít học lại hay nói thật mất lòng, con chiên bị kết án chống đối. Con chiên bị phân biệt đối xử đúng như khuyến cáo của Thánh Giacôbê trong bài đọc 2 hôm nay ( x. Gc 2, 1 – 5 ). Câm điếc thật nguy hại !

- Gương xấu câm điếc trịch thượng ấy cũng lây lan sang cho kẻ lớn người nhỏ trong các Giáo Xứ, các Hội Đoàn chẳng ai muốn nghe ai. Câm điếc thật đáng sợ !

Thế nhưng, được mấy người biết mình đang câm điếc ? Được mấy người biết sợ bệnh câm điếc ? Được mấy người “xao xuyến”, quan tâm đến chuyện nạn câm điếc đang hoành hành nơi chính mình, trong nhà, ngoài cửa, trong Hội Thánh và ngoài xã hội ? Và được mấy người có ước muốn chữa lành bệnh câm điếc cho bản thân và cho mọi người trong thời đại hôm nay ?

Trong khi có quá nhiều người không biết mình đang mắc bệnh câm điếc thì Lời Chúa hôm nay mời gọi mọi người hãy biết “xao xuyến”, biết sợ bệnh, có ước muốn được điều trị bệnh và tin tưởng xin Chúa đặt tay chữa lành.

Có “biết mình đang mắc bệnh” rồi xao xuyến, và sợ bệnh thì mới cảm được lòng lo của Thiên Chúa qua lời mời gọi của Ngôn Sứ Isaia: “Hãy nói với những tâm hồn xao xuyến: Can đảm lên, đừng sợ ! … Tai người điếc sẽ mở ra và người câm sẽ nói được" ( x. Is 35, 4 – 7a ).

Có ước muốn chữa bệnh và tin tưởng khẩn xin Thiên Chúa chữa cho thì mới được chữa khỏi. Tin Mừng kể rõ: “Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy”. Người câm điếc ấy hẳn có đủ các yếu tố: biết bệnh, sợ bệnh, muốn được chữa khỏi và bằng lòng xin Chúa Giêsu đặt tay chữa bệnh… ( x. Mc 7, 31 – 37 ).

Lạy Chúa Giêsu, mỗi chúng con đều ít nhiều đang bị bệnh câm điếc trong nhà ngoài cửa, trong Hội Thánh và ngoài xã hội. Xin cho chúng con biết sợ bệnh, biết ước muốn lành bệnh và tin tưởng xin Chúa đặt tay để mở tai chúng con nghe Lời Chân Lý, nghe được tiếng than khóc của tha nhân, mở miệng chúng con để ca tụng Tình Yêu Chúa, bênh vực kẻ bị áp bức, nói lời nhân ái trong gia đình và giữa cuộc đời. Amen.

PM. CAO HUY HOÀNG, 6.9.2012

VỀ MỤC LỤC
LỜI CHÚA ĐƯỢC NHÂN CÁCH HOÁ CÁCH TIỆM TIẾN 

 

Lời Mời gọi của HĐGMVN:

Giáo Hội tại Việt Nam phải “phát động chương trình mỗi gia đình một cuốn Kinh Thánh được đặt nơi xứng hợp, cổ võ đọc và cầu nguyện với Lời Chúa”, khuyến khích học thuộc lòng những đoạn Kinh Thánh cốt yếu. Mọi thành phần Dân Chúa, giáo dân, chủng sinh, tu sĩ và các mục tử, cần tập thói quen đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày, đặc biệt theo phương thức Lectio divina. (Thư Chung của HĐGMVN, ngày 1.5.2011, số 11)

Xin giới thiệu cho nhiều người thân tham gia Gia Đình Lectio Divina Lecdiv@gmail.com  để có thể hiệp thông với nhau trong đời sống cầu nguyện và cùng giúp nhau thực hành "điều cần thiết nhất trong mọi điều cần thiết". Đan viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca, Nha Trang, sẽ cầu nguyện lâu dài cho tất cả những ai trung thành thực hành và cố võ việc thực hành Lectio divina.

Mọi thắc mắc về Lectio divina, xin gởi email cho cha Bảo Tịnh, O.Cist  fr.baotinh@yahoo.fr   

*****

 

Tác Phẩm: MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI!

Thiên Chúa tỏ mình cho con người thế nào?

Chuyển ngữ:

Thérèse Trần Thiết

Fr. Marie Bảo Tịnh O.Cist

 

Nguyên tác: 

Michel HUBAUT

UN DIEU QUI PARLE!

Comment Dieu se révèle-t-il à l’homme?  

 

Chương 5: LỜI CHÚA ĐƯỢC NHÂN CÁCH HOÁ CÁCH TIỆM TIẾN 

 

Mầu nhiệm Lời Chúa được mạc khải dần dần

Chúng ta đã thấy rằng “lịch sử tính” của Lời Chúa, cùng với việc linh hứng, là một khái niệm then chốt để hiểu việc mạc khải dần dần của Chúa, Người dùng tất cả thời gian cần thiết của mình để tinh luyện lương tâm con người. Vì vậy mà trải qua bao thế kỷ, người ta đã có những biểu tượng khá thất vọng về Thiên Chúa, từ một Thiên Chúa “thiện chiến”, bảo vệ chi tộc, rồi đến một ý niệm thiêng liêng hơn.

  Thí dụ hiển nhiên nhất là việc biến đổi chậm chạp của các tác giả được linh hứng, qua dòng thời gian, họ càng ngày càng “nhân cách hoá” Lời, được mô tả như một “sứ giả sống động”, như kẻ vén mở và chấp hành những chỉ thị của Thiên Chúa.

“Người tống đạt lệnh truyền xuống đất,
lời phán ra hỏa tốc chạy đi”
(Tv 147, 15).

  Một sứ giả lao mình từ không gian thiêng thánh đến với con người:

   “Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Người đã rời bỏ ngôi báu...” (Kn 18, 14-15).

Một sứ giả có quyền năng chữa trị cho con người:

“Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng Chúa,
Người ra tay cứu họ thoát ngàn nỗi gian truân.

Sai lời Người đến, chữa cho lành mạnh,
cứu họ khỏi sa vào hố sâu”
(Tv 107, 19-20).

  Và trong một vài bản văn, Lời còn được diễn tả như một ngôi vị khác với Thiên Chúa, dấn thân vào trong lịch sử, mang một sứ vụ và đã hoàn tất sứ vụ đó cách hiệu quả. Phải chăng Thần Khí đã chuẩn bị tâm hồn con người như thế cho mầu nhiệm nhập thể của Đức Ki-tô?

 “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55, 10-11).

 

Lời Chúa được đồng nhất hoá với sự Khôn Ngoan

Còn về loại văn chương khôn ngoan, nó cũng từ từ đi đến việc đồng nhất hóa Lời và sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Và càng ngày nó cũng càng được mô tả như một ngôi vị riêng, khác biệt với Thiên Chúa. Sự Khôn Ngoan này, vì cùng có những thuộc tính như Lời, nên được biểu hiện như kẻ thừa tự của Lời, Khôn Ngoan chứng giám sự tạo thành vũ trụ, kêu gọi con người, thực thi những kế hoạch của Thiên Chúa, Khôn Ngoan soi sáng trí thông minh và tư cách của người khôn, để họ yêu thích và đón nhận lời chỉ giáo:        

 “Hỏi rằng Ðức Khôn Ngoan đã không mời gọi, và Hiểu Biết đã chẳng lên tiếng đó sao? Trên đỉnh cao bên đường phố, tại các giao lộ, Ðức Khôn Ngoan đứng đó; bên cổng dẫn vào thành, nơi lối đi tới cửa thành, Ðức Khôn Ngoan kêu to: "Phàm nhân hỡi, ta mời gọi các ngươi đó, ta ngỏ lời với các ngươi, hỡi con cái loài người. Hỡi những kẻ ngây thơ, hãy học cho biết điều khôn khéo; hỡi những người ngu xuẩn, hãy học cho biết lẽ phải chăng. Nghe đây, ta sẽ công bố những lời cao quý, môi ta sẽ thốt lên những điều ngay thẳng. Miệng ta nói sự thật, môi ta ghê tởm chuyện gian tà. Mọi lời ta nói ra đều ngay chính, không có chi sai lạc, chẳng có gì quanh co...” (Cn 8, 1-11).

Một cách lạ lùng hơn nữa, Khôn Ngoan còn mở tiệc mời con người đến dự để cùng đồng bàn với họ:

 “Ðức Khôn Ngoan đã xây cất nhà mình... hạ thú vật, pha chế rượu, dọn bàn ăn ... Ðức Khôn Ngoan còn kêu gọi: "Hỡi người ngây thơ, hãy lại đây!...Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế!... (Cn 9, 1-6).

Đối với tác giả Kinh Thánh, Khôn Ngoan như là một “ngôi vị”[1] của Thiên Chúa. Đó là một điều không thể tưởng được, đối với một tôn giáo triệt để độc thần của dân Do Thái. Nhưng dù sao thì sự Khôn Ngoan cũng đã hiện hữu bên cạnh Thiên Chúa, ngay cả trước khi tạo thành vũ trụ:

 “Ðức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất. Ta đã được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt đất. Khi chưa có các vực thẳm, ta đã được sinh ra... Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả” (Cn 8, 22-30).

Sự Khôn Ngoan này cũng được Thần Khí ngự trị và biểu lộ những sắc thái càng ngày càng thánh thiêng hơn:

 “Quả vậy, nơi Ðức Khôn Ngoan, có một thần khí tinh tường và thánh thiện, duy nhất và đa năng, tinh tế và mau lẹ, minh mẫn và tinh tuyền, trong sáng và thản nhiên, lanh lợi và chuộng điều lành... bất khuất, từ bi và nhân ái, cương quyết, vững vàng và điềm tĩnh, làm được mọi sự và quan tâm đến mọi điều... Ðức Khôn Ngoan toả ra từ quyền năng Thiên Chúa và rực lên trong ngần từ vinh hiển Ðấng Toàn Năng... Ðức Khôn Ngoan phản chiếu ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương trong phản ánh hoạt động của Thiên Chúa, là hình ảnh lòng nhân hậu của Người... Ðức Khôn Ngoan đổi mới muôn loài. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, Ðức Khôn Ngoan ngự vào những tâm hồn thánh thiện, biến họ nên bạn hữu của Thiên Chúa, nên ngôn sứ của Người” (Kn 7, 22-27).

 “Nguồn gốc cao sang của mình, Ðức Khôn Ngoan làm rạng ngời vinh hiển, bởi Ðức Khôn Ngoan luôn sống cùng Thiên Chúa... hỏi có ai hơn được Ðức Khôn Ngoan là tay thợ đã làm nên tất cả?” (Kn 8, 3.6).

Sự Khôn Ngoan còn được đồng nhất hoá, vừa với Lời Tác Tạo, vừa với Thần Khí của Thiên Chúa:

 “Lạy Thượng Ðế của bậc tổ tiên, lạy Ðức Chúa từ bi lân tuất, Chúa dùng lời Chúa mà tác thành vạn vật, dùng sự khôn ngoan Chúa mà cấu tạo con người, để con người làm chủ mọi loài Chúa dựng nên, và sống sao cho thánh thiện công chính mà chỉ huy cả vũ trụ này, ... Xin rộng ban cho con Ðức Khôn Ngoan hằng ngự bên toà Chúa. Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Người chẳng ban Ðức Khôn Ngoan, chẳng gửi thần khí thánh” (Kn 9, 1-4.17)?

  Sự Khôn Ngoan có khi cũng đồng nhất hoá với tinh hoa của Lời Chúa như: Lề Luật, Sách Giao Ước:

  “Ðức Khôn Ngoan tự biểu dương và hãnh diện ở giữa dân mình. Khôn ngoan lên tiếng trong đại hội của Ðấng Tối Cao và hãnh diện trước quyền uy của Người. Ta phát xuất từ miệng Ðấng Tối Cao và như mây mù[2], Ta bao phủ cõi đất. Người đã dựng nên Ta trước muôn đời, từ khởi thuỷ, và Ta sẽ tồn tại mãi đến muôn đời” (Hc 24 , 1-3.9).

  Ta thấy rõ một xu hướng kỳ diệu nghiêng hẳn về sự tương đương hoàn toàn giữa Lời Chúa, sự Khôn Ngoan và Thần Khí. Chúng ta đang đứng trước mầu nhiệm linh hứng, nhờ đó mà Thần Khí Chúa chuẩn bị cho đỉnh điểm của Mạc Khải, để được kiện toàn bởi việc nhập thể của Đức Giê-su Ki-tô, Lời và Khôn Ngoan. Chính Thầy Giê-su khẳng định rằng toàn thể Kinh Thánh nói về Thầy.

  Làm sao có thể không nghĩ đến những đoạn văn ghi lại lời Thầy Giê-su nói: “Ta là đường”, con Đường dẫn đến Thiên Chúa, Lề Luật mới. Lời tiên báo được linh hứng về mầu nhiệm Ba Ngôi Cực Thánh mà Đức Ki-tô sẽ vén mở  cho chúng ta. Trong những bản văn ấy đã hé mở cho ta thấy tác động của Ngôi Lời Thiên Chúa trong tạo vật và trong lòng người.

  Với sự giao thoa giữa văn hoá Kinh Thánh với văn hoá cổ Hy-lạp (Sách Khôn Ngoan được viết bằng tiếng Hy-lạp), chúng ta được chứng kiến một sự đồng hoá dần dần của “Lời” davar theo tiếng Do-thái và logos của Hy-lạp. Sau này, nhờ ánh sáng Đức Ki-tô, thánh Gio-an đã dám gọi Ngôi Lời của Thiên Chúa là Logos.


[1]   1. Hypostase có nghĩa: “một người, ngôi vị riêng biệt”. Theo mạc khải Ki-tô giáo, có trong Thiên Chúa, ba ngôi vị: Cha, Con và Thánh Thần. Một bản tính Thiên Chúa trong ba ngôi vị khác biệt

[2]   2. Tác giả nghĩ tới sự hiện diện của Thần Khí, trong trình thuật sáng thế, bay lượn trên mặt nước.


VỀ MỤC LỤC
BẬT GỐC

Nguồn: http://hdgmvietnam.org/bat-goc/4181.95.5.aspx

Gần đây, một loạt liên tiếp những vụ việc xảy ra, được nhận định như những “thiên tai” và “nhân tai” trong xã hội Việt Nam. Những sự kiện ấy khiến chúng ta suy nghĩ về đời sống con người, với hy vọng mỗi người sẽ đóng góp phần mình để làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Xin trích dẫn một vài trường hợp:

“Chiều nay 17-8-2012, khi cơn giông kèm theo gió lớn xảy ra do ảnh hưởng của cơn bão số 5, một vụ việc thương tâm đã xảy ra trên phố Lò Đúc (Hà Nội), một cây lớn bật rễ đã đè bẹp một chiếc xe taxi đậu trước số nhà 95F, phố Lò Đúc, làm tài xế tử vong ngay say đó” (Trang điện tử “Tin Mới”, 17-8-2012)

“Lúc gần 10g sáng ngày 22-8-2012, cây xà cừ cổ thụ trên đường Trần Nhân Tông, gần cổng chính của Công viên Thống Nhất (Hà Nội), có đường kính thân hai người ôm đã bật gốc, dù thời tiết bình thường, trời nắng ráo, gió nhẹ” (Vietnamnet 22-8-2012).

 “Một vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 7g30 phút sáng ngày 19-8-2012 khiến đoạn đường Lê Văn Lương kéo dài, đoạn qua khu đô thị Dương Nội bị xẻ đôi, xuất hiện hố tử thần giữa đường” (Vietnamnet 19-8-2012).

“Cơ quan CSĐT công an huyện Bình Chánh đang phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ công an TP.HCM truy bắt hung thủ gây ra vụ cướp tiệm vàng táo tợn giữa ban ngày tại tiệm vàng Minh Mẫn đóng tại xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TPHCM ngày 4-8-2012” (Trang điện tử “Pháp Luật” ngày 7-8-2012).

“Nguồn tin riêng của Dân trí từ Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội cho biết: Công an Hà Nội đã có Quyết định truy nã đặc biệt đối với Nguyễn Tuấn Minh sinh năm 1973 tại Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đào tạo Mua bán trực tuyến (Muaban24)” (Dân trí 29-8-2012).

Nếu trích dẫn tiếp thì những thông tin sẽ còn rất dài, tưởng như vô tận.

Để trả lời cho câu hỏi tại sao cây bật gốc, người ta đưa ra câu trả lời vừa nhanh vừa đơn giản: “Tại bão”. Nhưng: “Tại sao không có bão mà một cây cổ thụ lớn đến hai người ôm vẫn đổ?” Không có câu trả lời. Thật là khôi hài khi cây cổ thụ trăm tuổi “bỗng dưng muốn nằm” vào lúc thời tiết rất đẹp. Người ta không thể đổ cho trời, vì trời hoàn toàn “vô tội” trong vụ này.

Để trả lời cho câu hỏi tại sao đường sụt lún gây nên “hố tử thần”, vị Chánh thanh tra giao thông vận tải Hà Nội lý luận là do tác động của ngoại cảnh (!?). Sau đó, vị Chánh thanh tra này lại khẳng định: “Đường lún là do các rãnh cao su bong tróc, đứt gãy, kết hợp với mưa to làm nước lún sâu vào nền đường” (Trang tin điện tử “Dân trí”, ngày 19-8-2012). Thế là “thủ phạm” vụ này đã rõ: đó là mấy cái rãnh cao su. Mà mấy cái rãnh cao su lợi hại thật, đến nỗi làm cho đường há ra, nuốt gọn cả cái cổng chào kiên cố được dựng nhân sự kiện ngàn năm Thăng Long – Hà Nội!

Để trả lời cho câu hỏi tại sao bây giờ xảy ra nhiều vụ lừa đảo và cướp bóc giết người như vậy, người ta đổ cho cái nghèo. Vì nghèo mà làm bậy. Nhưng trong thực tế, khá nhiều thủ phạm gây tội ác không phải xuất thân từ những gia đình nghèo. Họ là con nhà giàu, được gọi bằng những danh xưng rất truyền thống và cũng rất hiện đại: “con quan”, “thiếu gia”, “cậu ấm, cô chiêu”… Họ thường ỷ thế bố mẹ, cậy có ô dù bảo vệ, liều lĩnh đâm chém, gây rối mà vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, thách thức công luận, coi thường đạo lý.

Quy tội và đổ trách nhiệm cho người khác, đó là một nết xấu thường có nơi con người. Ngay từ ban đầu lịch sử, trong vườn Địa đàng, vừa khi nghe tiếng Chúa hỏi về việc ăn trái cây giữa vườn, ông Ađam đã trả lời tỉnh queo: “Người đàn bà Chúa cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây ấy và con đã ăn” (St 3,12). Ađam đã đổ lỗi cho người đàn bà, đồng thời đổ lỗi cho Chúa, vì khi nói “người đàn bà Chúa cho làm bạn với con”, ông ngụ ý rằng Chúa cho ông điều không tốt, Chúa là nguyên nhân dẫn đến việc ông phạm tội, vậy thì trách nhiệm phần nào cũng thuộc về Chúa. Ađam vô tư thản nhiên khi đưa ra cách lập luận như vậy.

Vậy là, theo lý luận của những người có trách nhiệm, cây đổ là do bão, bão là do trời; đường lún là do mưa, mưa là hiện tượng thiên nhiên, chỉ có ông Trời mới làm được. Những người thi công đường bộ và những người quản lý cây xanh đô thị chẳng có lỗi gì.

Thực ra, có một lý do chính thường bị người ta lảng tránh, đó là lương tâm con người đã bị bật gốc. Trời đang nắng và gió nhẹ, bỗng cây đổ, là do con người chặt hết rễ cây để xây nhà và làm đường. Trời vừa mưa, mọi tuyến phố ngập là do con người lấp hết ao hồ và hệ thống tiêu nước. Đường sụt lún, là do con người làm ẩu, thất thoát vật liệu xây dựng và rút ruột công trình. Tất cả những lỗi ấy đều do con người gây nên. Lòng tham của con người là nguyên nhân dẫn tới bao tai hại. Con người phải lãnh trách nhiệm về mình. Gần đây, một vài tác giả nói về một loại hình văn hóa mới, đó là “văn hóa nhận lỗi”. Đây là phương thuốc căn bản, tối ưu để chữa căn bệnh tạm gọi là “bệnh bật gốc” này. Thật là hài hước khi nhìn những hình ảnh đăng trên internet cho thấy một cây rất cao rất lớn mà rễ chỉ còn chút xíu. Những cụm rễ như chòm râu lởm chởm, bên cạnh vết nứt toác, nom như nụ cười nham nhở giễu cợt sự vô tâm của con người.

Từ sự kiện cây bị bật gốc, đường bị xẻ ngang, chúng ta liên tưởng đến những vấn đề nhân cách và đạo đức trong xã hội: tham nhũng hối lộ, cướp bóc giết người, thi cử gian lận, thực phẩm nhiễm độc, sa đọa luân lý, tan vỡ gia đình… Trước những sự việc xảy ra, người ta thường đổ lỗi cho môi trường xã hội. Nhưng xã hội là một khái niệm rất rộng và rất mơ hồ. Xã hội là tất cả mọi người và xã hội cũng chẳng là ai cả. Đổ thừa cho xã hội là đổ thừa cho hết mọi người. Quy hết trách nhiệm cho xã hội chẳng khác gì đánh bùn sang ao. Ai cũng có trách nhiệm cả mà cuối cùng chẳng ai có trách nhiệm.

Muốn giải quyết được những vấn đề gây nhức nhối trong thời đại chúng ta, thiết tưởng phải chữa căn bệnh này từ gốc. Sức sống của cây nằm ở chỗ mà nó không hiển lộ ra cho mọi người có thể thấy được. Nó ở tại bộ rễ sâu dưới mặt đất. Nếu không chăm sóc cho những rễ này thì hoa và lá sẽ tàn lụi và cây sẽ mất dần sự sống, đến chỗ khô héo và chết.

Cây bật gốc là vì mất hết rễ, con người gian ác vì vô giáo dục. Đây là cái giá phải trả cho những quan niệm lệch lạc một thời về giáo dục, khi người ta chú trọng đến tuyên truyền “lập trường giai cấp” hơn là huấn luyện đạo đức con người. Phương châm giáo dục từ xa xưa “tiên học lễ hậu học văn” có thời đã bị quên lãng, nhường chỗ cho một thứ giáo dục bát nháo, thi đua bằng cấp, ồn ào về số lượng. Truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam “tôn sư trọng đạo” đã bị thay thế bằng bạo lực học đường, dẫn tới tình trạng học sinh đâm chém thày cô giáo. Điều kỳ lạ là trong lúc người ta lo ngại và thất vọng về kết quả học tập của học sinh, thì kỳ thi tốt nghiệp năm 2012 này, tỷ lệ tốt nghiệp lại cao ngất ngưởng, tạo ra những “con số đẹp như mơ”. Trang tin điện tử Giadinh.net ngày 18-6-2012 đăng thông tin từ ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. Theo ông, tỷ lệ tốt nghiệp của thành phố năm nay đạt 98,18% . Hà Nội, một trong những địa phương có số lượng thí sinh dự thi cao nhất nước, năm nay có tỉ lệ đỗ 98,24% ở bậc Trung học phổ thông. Tại Hải Phòng, năm nay toàn thành phố chỉ có 55 học sinh trượt tốt nghiệp, học sinh các trường Trung học phổ thông đỗ tốt nghiệp đạt 99,82%. Cứ dựa vào những thông tin này, thì chúng ta phải ăn mừng, vì con cháu chúng ta càng ngày càng giỏi. Chả thế mà cuối năm 2011 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã “ra chỉ tiêu” đến năm học 2019-2020, nước ta sẽ có 29.000 tiến sĩ dạy đại học (x.Trang tin điện tử trường Trung học Phổ thông Amsterdam Hà Nội, 4-1-2012). Nhưng hỡi ôi, số các vụ trộm cắp, lừa đảo, giết người mà thủ phạm ở tuổi học sinh cũng tăng tỷ lệ thuận với tỷ lệ thi tốt nghiệp. Phải chăng phần “rễ” của xã hội quá mỏng không đủ sức nâng đỡ và giữ vững con người trước cơn lốc hưởng thụ hôm nay? Cũng giống như người ta cắt rễ cây để xây cao ốc, hiện nay phần rễ đạo đức của xã hội cũng bị cắt hết để chạy theo phần nổi hào nhoáng của một cuộc sống đua chen hằng ngày.

Trước những vấn đề nóng bỏng của gia đình và xã hội, nhiều người thốt lên: “xã hội này mất gốc rồi!”. Thật vậy, chúng ta đang đánh mất truyền thống tốt đẹp của người Việt được in đậm nét trong những câu ca dao thuở nào “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Chúng ta cũng đang đánh mất truyền thống “nhất tự vi sư bán tự vi sư” nơi nhà trường, đánh mất lòng hiếu thảo, thủy chung trong gia đình. Những nét đẹp này của nền văn hóa Việt, xem ra ngày càng hiếm thấy giữa một xã hội đầy bon chen và đậm mùi bạo lực hôm nay. Một khi “mất gốc” thì tội ác sẽ lên ngôi và thống trị xã hội.

Làm thế nào để chữa được căn bệnh này? Tương lai dân tộc sẽ đi về đâu? Nhiều người đã đặt ra câu hỏi. Để giải bài toán hóc búa này, muộn còn hơn không, chúng ta phải xây dựng một nền giáo dục dựa trên lương tâm và đạo đức của con người. Đó là cái “gốc” cho cây Việt Nam được vững vàng. Những người lãnh đạo cũng cần nhận ra giá trị đạo đức và vai trò quan trọng của các tôn giáo. Khi không còn tin vào những giá trị siêu nhiên, con người sẽ bị chệch hướng cuộc đời. Chối bỏ Thượng Đế là nguyên nhân của bạo lực. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhiều lần quả quyết như thế. “Sự chối bỏ Thiên Chúa làm băng hoại con người, khiến con người không còn mẫu mực nữa, và dẫn họ đến bạo lực” (Diễn từ tại Assisi, nhân ngày các đại diện tôn giáo cùng cầu nguyện cho hòa bình 27-11-2011). Công bằng là một yếu tố không thể thiếu để có một xã hội văn minh và phát triển, vì “một Nhà nước, nếu không được tổ chức theo sự công bằng sẽ chỉ là một băng đảng trộm cướp” (Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, số 28).

Nhận định về vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng một xã hội dân chủ và bền vững, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng, thuộc Viện Nghiên cứu Tôn giáo đã viết: “Sự khủng hoảng đạo đức Việt Nam hiện nay do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc truyền bá chủ nghĩa duy vật và vô thần, hạ thấp vai trò của tôn giáo, nhất là thời kỳ trước Đổi mới. Việc phủ nhận các giá trị tôn giáo, đề cao chủ nghĩa duy vật vô thần tới mức cực đoan vô hình trung cổ vũ cho cái “văn hóa” tiêu dùng phàm tục”. Rồi tác giả kết luận: “Khủng hoảng đạo đức xã hội ở Việt Nam đã tới mức báo động và có thể còn kéo dài, đòi hỏi nỗ lực của các cấp chính quyền, các tổ chức tôn giáo và từng người dân để khắc phục” (x. Nguyệt san Công giáo và Dân tộc, số 211, tr. 29 và 33). Hy vọng ước mong của một trí thức ngoài công giáo được nhiều người để ý quan tâm.

Một căn nhà vững chắc là nhờ mọi bộ phận của căn nhà ấy đều được gắn kết chặt chẽ với nhau. Một gia đình hạnh phúc được thể hiện qua tình yêu thương của mọi thành viên trong gia đình ấy. Căn nhà Việt Nam, muốn được vững chắc, cần có sự chung sức chung lòng của mọi người, nơi đó, các tôn giáo được phát huy chức năng của mình, nhằm cộng tác xây dựng một cuộc sống an bình và phát triển. 

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

 
VỀ MỤC LỤC
PHẢI HIỂU THẾ NÀO VỂ SỰ THƯỞNG PHẠT CỦA THIÊN CHÚA ?

 

Hỏi : Chúa là tình thương  sao lại có thể đánh phạt con người ?

Trả lời : Đúng,  Chúa là tình thương như Thánh Gioan đã quả quyết. ( cf 1 Ga 4:8).Yêu thương là bản tính của Thiên Chúa và không một định nghĩa nào chí lý hơn định nghĩa Thiên Chúa là Tinh thương. Chính vì tình thương vô vị lợi này mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người và mong muốn cho hết thảy mọi người “được cứu độ và nhận biết chân lý” ( 1 Tm 2: 4) để sống hạnh phúc đời đời với Chúa trên Nước Trời mai sau.

Thiên Chúa tuyệt đối không có lợi gì mà phải tạo dựng con người và mong muốn cho con người sống tốt  lành để được hạnh phúc .Ngài tạo dựng và mong muốn như vậy chỉ vì lợi ich của chính con người  và vì muốn chia sẻ đời sống  và hạnh phúc vĩnh cửu của Ngài cho con cái loài người mà thôi.Chúng ta phải tin chắc như vậy để không bao giờ  lầm tưởng rằng Thiên Chúa được lợi lộc gì  mà phải tạo dựng cũng như mong muốn cho con người sống theo đường lối của Người.

Nhưng vì Thiên Chúa chỉ ban riêng cho con người hai quà tăng quí giá là lý trí và ý muốn tự do ( Free will) nên vấn đề thưởng phạt chỉ đặt ra cho con người mà thôi.Nghĩa là Thiên Chúa không phán đoán một tạo vật nào khác mà chỉ phán đoán riêng con người , vì con người có trí hiểu để nhận biết sự lành, sự  dữ, sự xấu, và nhất là có tự do để chọn lựa giữa sự lành, sự thiện hảo hay sự dữ, điều gian ác khi sống trên trần thế này. Thiên Chúa hoàn toàn tôn trọng tự do của con người.  Nghĩa là Ngài không áp đặt và bắt buộc con người phải sống theo ý Ngài . Vì thế,  mới  có  vấn đề thưởng  phạt  con người  về những việc mình làm khi sống trên đời này ..Và đó  cũng là lý do tại sao Chúa Kitô đã đến trong trần gian để đền tội cho nhân loại qua khổ hình thập giá, vì Thiên Chúa còn yêu thương con người, mặc dù con người đã phạm tội , tự tách mình ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Tuy nhiên , đôi khi  Thiên Chúa đã bất đắc dĩ  phải  sửa phạt  con cái loài người như ta thấy trong suốt lịch sử sáng tạo và cứu độ.

Thật vậy, nếu con người không được  tự do chọn  lựa khi hành động thì Thiên Chúa đã không nói với dân Do Thái xưa kia  qua miệng ông Mô-sê như sau :

“Hãy xem, hôm nay tôi đưa ra cho anh  em chọn : hoặc được chúc phúc hoặc bị nguyền rủa. Anh  em sẽ được chúc phúc nếu vâng nghe những mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh  em, mà tôi truyền cho anh  em hôm nay.Anh  em sẽ bị nguyền rủa nếu không vâng nghe những mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA,Thiên Chúa của anh  em…” ( Đnl 12: 26-28)

Mệnh lệnh của Thiên Chúa truyền cho dân Do Thái trước tiên phải tuân giữ là Mười Điều Răn mà ông Mô- sê đã lãnh nhận từ  Thiên Chúa trên núi Si Nại đem xuống cho dân thi hành, sau khi họ  được giải phóng khỏi ách nô lệ trên đất Ai Cập và được ông Mô-Sê dẫn về  quê hương  an toàn . Nhưng họ chưa được vào ngay Đất Hứa, “tràn đầy sữa và mật ong” mà còn phải tạm trú trong hoang địa suốt 40 năm để được thử thách về  lòng tin và lòng yêu mến, trung thành của họ đối với Thiên Chúa đã thương giải phóng họ qua tay ông Mô-sê.

Nhưng  trong thời gian họ sống nơi hoang địa thiếu thốn mọi sự, từ đồ ăn cho đến  nước uống, họ đã kêu trách  Chúa và trách cả ông Mô-sê đã dẫn đưa họ đến nơi thiếu thốn này. Dầu vậy, vì lòng xót thương,  Thiên Chúa vẫn nuôi sống họ với thần lương là bánh “ man-na” rơi từ trời xuống mỗi ngày cho họ ăn và truyền cho ông Mô-sê lấy gậy đập vào tảng đá để có nước chảy ra cho dân uống. ( x.Xh 16 &17).

Vậy mà họ vẫn không biết ơn và còn tiếp tục than phiền  kêu trách ông Mô – sê và trách Chúa.

Tệ hại hơn nữa, họ đã dùng tự do để đi trệch con đường Chúa muốn họ đi, việc tốt Chúa  muốn họ làm, sự dữ Chúa muốn họ xa tránh, khi họ xin ông A-ha-ron đúc cho họ con bê bằng  vàng để họ thờ  lậy thay vì  thờ lậy một mình Thiên Chúa mà thôi. ( x.Xh  32: 1-6) Do đó,  ngay từ khi họ còn ở trong sa mạc, chưa được vào Đất Hứa, Thiên  Chúa đã nổi giận với dân tại Ca-đê và thề rằng :

 “không một người nào thuộc thế hệ gian ác này sẽ được thấy miền đất tốt tươi Ta đã thề sẽ ban cho cha ông các ngươi, ngoại trừ Ca-lếp con của Giơ-phun-ne : nó sẽ được thấy đất ấy và đất nó đã giẫm lên. Ta sẽ ban cho nó và các con nó, vì nó đã một lòng theo ĐỨC CHÚA..” ( Đnl  1: 35-36)

Thiên Chúa không những nổi giận với dân mà cả với ông Mô-sê là người lãnh đạo dân, nên cũng nói với ông là Cả ngươi nữa, ngươi cũng sẽ không được vào đó.”( Sđd : 1: 37)

Như thế, đủ cho thấy là nếu con người dùng tự do của mình để quay lưng lại với Thiên Chúa, làm những sự dữ như giết người, trộm cướp , gian ác, bất công, dâm ô, thở ngẫu tượng ( Idolatry) và của cải vật chất,  thay vì tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất là Đấng đã tạo dựng muôn loài muôn vật –trong đó đặc biệt có con người được tạo dựng “ theo hình ảnh Thiên Chúa” ( St 1 : 27) thì Thiên Chúa sẽ không dung tha cho những sự dữ con người làm  với tự do chọn lựa khi sống trên trần gian này.

Lịch sử Cứu Độ đã cho thấy nhiều lần Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ và đánh phạt dân chỉ vì họ  cố tình sống xa lìa đường lối của Người, làm những điều gian ác mà không hề biết sám hối, ăn năn để xin tha thứ.

Chúa là Đấng nhân từ “ Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương thương suốt cả đời.” ( Tv 30 (29) : 6).

Tuy nhiên, dù yêu thương con người đến đâu thì Thiên Chúa cũng không thể chấp nhận, hay làm ngơ trước  những sự dữ , sự gian ác  và ô uế   mà con người đã và đang làm ở khắp  nơi trên thế giới từ xưa đến nay.

Trước hết với  những người  mà Thiên Chúa  đã tạo dựng trong thời Cựu Ước, Ngài  đã đánh phạt họ vì những tội lớn lao họ đã phạm , sự dữ họ đã làm mà không biết ăn năn sám hối  để xin tha thứ, nên trước hết Thiên Chúa đã hủy diệt toàn bộ loài  người trên mặt đất với  hình phạt “ Đại Hồng Thủy” trừ gia đình ông Nô-E và những sinh vật ông đem lên tầu trước khi mưa tuôn đổ xuống, cuốn  đi mọi loài mọi vật bên ngoài con tầu của ông  vào lòng đại dương. ( x St 6 & 7)

Tiếp theo là hình phạt Thiên Chúa giáng xuống hai thành Xô-đôm và Gô-mô-ra, vì ông Ap-ra-ham đã không tìm được một người lành nào trong các thành đó để xin Thiên Chúa nguôn cơn thinh nộ tha trừng phạt dân tội lỗi sống trong hai thành này..Cho nên,   cuối cùngThiên  Chúa đã cho lửa và diêm sinh từ trời xuống thiêu rụi tất cà người và mọi sinh vật sống trong hai thành đó,  trừ gia đình ông Lót,  cháu ông Ap-ra ham,   đã ra khỏi thành . Riêng vợ  ông Lot đã biến thành cột  muối vì đã “ ngoái cổ lại đằng sau” (  cf St. 19).

Thiên Chúa giáng tai họa Hồng  thủy và lửa thiêu đốt hai thành Xô-đôm và Gô-mô-ra  vì tội lỗi  lớn lao của con người  sống trên  trần gian và riêng trong các thành đó.

Nhưng nếu con người  làm sự dữ, sự tội mà biết ăn năn thống  hối , xin Chúa tha thứ,  thì Người lại thứ tha như trường hợp dân thành Ni-ni-vê đã bị Thiên Chúa toan hủy diệt vì tội lỗi của họ. ,Nhưng vì họ đã  nghe lời Chúa cảnh cáo họ qua ngôn sứ Giô-na, nên Chúa đã tha không trừng phạt.

Thật vậy, ngôn  sứ Giô-na đã rao giảng sự thống hối cho họ , nên  Vua thành Ni-ni vê đã ra lệnh cho mọi  người  từ các quan lớn nhỏ trong Triều cho đến thường dân kể cả trẻ con phảiăn chay và mắc áo vải thô”  và hết sức kêu cầu Thiên Chúa thứ tha tội lỗi của họ. Thấy lòng ăn năn sám hối của dân, Thiên Chúa đã “ hối tiếc về tai họa Người đã tuyên bố sẽ giáng xuống trên họ. Người đã không giáng xuống nữa.” ( Giona  3: 10)

Như thế đủ cho thấy là Thiên Chúa nhân từ và đầy lòng thương xót . Nhưng nếu con người ngoan cố, cứ bỏ ngoài tai tiếng nói của lương tâm phản ảnh tiếng nói của Thiên Chúa  trong tâm hồn của mỗi người  để ngày một lún  sâu vào con đường tội lỗi, gian ác , ô uế, thì  chắc chắn Chũa sẽ không thể dung tha được. Và hình phạt là hậu quả tất nhiên của tội lỗi  như Thiên Chúa đã phán bảo con rắn  sau khi  nó đã quyến rũ  bà Eva ăn trái cấm :

“Mi  đã làm điều đó,

Nên mi đáng bị nguyền  rủa nhất

Trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú

Mi phải bò bằng bụng , phải ăn bụi đất  mọi ngày trong đời mi.” ( St 3: 14)

Chúa Giêsu cũng đã nói rõ là nếu kẻ làm sự dữ không sám hối thì sẽ chết  như những người Gali-lê bị Tổng Trấn Phi-la-tô giết  chết lấy máu hòa lẫn với máu tế vật xưa kia :

Các ông tưởng mấy người Galilê tội lỗi hơn hết mọi người Galilê khác bởi  lẽ họ bị đau khổ như vậy sao ? Tôi  nói cho các ông biết : không phải  thế  đâu;  nhưng nếu các ông không sám hối thì các ông cũng sẽ chết như vậy. “ Lc 13 : 2-3)            

Đặc biệt , Chúa Giê su cũng lên án dân thành Giêrusalem về tội đã giết các ngôn sứ như sau :

“ Giêrusalem, Giê ru salem !

Ngươi đã giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ  được sai đến cùng ngươi

Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh mà các ngươi  không chịu.

Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi.  Ta nói cho các ngươi hay : các ngươi sẽ

Không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói : Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa.”

( Lc  13: 34-35)

Là Thiên Chúa cực tốt  cực lành, nhưng  Người không thể  dung tha được  những sự dữ  và ô uế như  giết người, và dâm ô. Sự dữ lớn lao nhất là sự thâm độc, gian ác để có thể giết người không gớm tay như ta thấy xẩy ra hàng ngày ở khắp nơi trên thế giới hiện  nay.

Riêng ở Việt Nam, những kẻ  tham tiền và phản bội, tay sai của quan Thầy ngoại bang,  đã sát hại cách vô cùng dã man anh  em T.T NĐD mà sử sách đã ghi chép và phơi bày ra ánh sáng từ mấy thập niên qua. Đặc biệt  thâm độc và tàn ác hơn nữa là bọn vô thần, vô đạo đã sát  hại hàng bao triệu người từ bắc chí nam trong suốt 60 năm qua. Đây là những bằng chứng hùng hồn tố cáo sự gian ác , độc dữ của con người Viêt Nam với  chính đồng bào ruột thịt của mình, chỉ vì ngu xuẩn vâng lệnh quan thầy đế quốc đã bỏ tiền ra thuê mướn, hay vì  chủ nghĩa  phi nhân, vô luân, vô đạo  mà họ đang cố bám lấy để cai trị bằng bạo lực tàn nhẫn  nhưng lại ngụy trang dưới lớp vỏ  “ cánh chung luận” hảo huyền về một thiên đường hạ giới; nhưng thực chất chỉ là địa ngục trần gian với muôn vàn tội ác, bất công, gian manh, phi nhân phi nghĩa.   Phải nói đó là sự dữ lớn  lao nhất vì nó đi ngược hoàn toàn với  bản chất yêu thương, thiện hảo  của Thiên Chúa là Đấng chê ghét mọi tội lỗi, mọi sự dữ , thâm độc  gian ác, của con người.

Mặt khác, sự ô uế vì thú vui dâm dục, khiến phụ nữ và trẻ em trở thành những nạn nhân rất đáng thương của những kẻ đã đánh mất hết  lương tri,  đi  tìm thú vui cực kỳ tội  lỗi và khốn nạn này.Tội dâm ô không những súc phạm nặng nề bản chất thánh thiện của Thiên Chúa mà còn  hạ giá con người xuống hàng thú vật , vô lương tri, vô luân, vô đạo  khi hành hạ thân xác của các trẻ em bị bán làm trò vui “ấu dâm” vô cùng khốn nạn  này.

Như thể thử hỏi: một Thiên Chúa đầy lòng yêu thương và thánh thiện, có thể  nào chấp nhận thực trạng tội ác , nhơ uế  rất ghê  tởm  nói trên  được không ?

Chắc chắn là KHÔNG

Thánh Phaolô đã cảnh cáo như sau về mọi nguy cơ của tội lỗi đưa đến hư mất đời đời:

“ Những việc do tính xác thịt gây ra  thì ai cũng rõ, đó là dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, chè chén và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo cho mà biêt , như tôi đã từng bảo: những kẻ làm những điều ấy sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.” (  Gl  5: 19-21)

Nơi khác, Thánh Phaolô cũng nói đến hậu quả của tội lỗi như sau:

Anh  em không biết sao ? khi đem thân làm nô lệ  để vâng phục ai, thì anh  em là nô lệ của người anh  em vâng phục.: hoặc làm nô lệ tội lỗi thì sẽ chết; hoặc làm nô lệ phục vụ Thiên Chúa thì sẽ được nên công chính.” ( Rm 6 :16)

Được nên công chính ( justified) có nghĩa là được cứu độ để vào Nước Trời nơi dành riêng cho những ai thực tâm yêu mến Chúa và quyết tâm sống theo đường lối của Người  để xa tránh mọi sự dữ, sự tội  trong suốt cuộc  sống trên trần thế này. Thiên Chúa đầy yêu thương và rộng lòng tha thứ, nhưng con người phải tỏ thiện chí muốn sống ngay lành, muốn thi hành ý muốn của Cha trên Trời  là xa tránh mọi  tội lỗi và sự dữ , sự ô uế, bất công vô nhân đạo mà những kẻ không có niềm tin vào Thiên Chúa đang làm ở khắp mọi nơi trên thế giới ngày nay.

Đó là tất cả ý nghĩa lời  Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa như sau :

“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : Lậy Chúa, lậy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu, mà chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là  Đấng ngự trên Trời mới được vào mà thôi.” ( Mt 7: 21)

Như thế,  đừng lấy cớ  Chúa nhân từ , hay thương xót  và tha thứ để cứ sống buông thả theo tính hư nết xấu của xác thịt con người và chiều theo những quyến rũ của thế gian,  của xã hội vô luân vô đạo, đầy rẫy tội ác,  bất  công và bóc lột,  là bộ  mặt thật của “văn hóa sự chết”  đang phơi  bầy  ở khắp nơi  trên thế giới ngày nay.

Đáng buồn thay, nhiều  người  hiểu biết và có trách nhiệm dạy dỗ  và bảo vệ chân lý,  luân thường đạo  đức  lại không có can đảm chống lại những bất công , tha hóa của xã hội để cầu an cho mình hay trục lợi cá nhân, khi  tự bịt mắt và  giả câm  giả điếc  trước mọi sự dữ , sự gian ác và tha hóa của xã hội.

 Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, yêu thương con  cái loài người  đến mức đã hy sinh chính Con Một Người là Chúa Giêsu-Kitô cho nhân loại  được cứu chuộc và có hy vọng được sống hạnh phúc đời đời với Chúa trên Nước Trời mai sau. Phải nói là có hy vọng thôi chứ chưa chắc chắn  từ bây giờ  là sẽ được cứu rỗi  để hưởng phúc Thiên Đàng, vì  lẽ con người còn có  tự do để chọn lựa sống theo Chúa và cho Chúa, hay khước từ Chúa để sống theo bản năng tội lỗi và thỏa hiệp với thế gian, tay sai đắc lực của ma quỉ để làm những sự dữ , sự lội trái nghich với sự thiên hảo và thánh thiên của Thiên Chúa.

Bao lâu còn sống trên trần gian và  trong  thân xác có ngày phải chết này, con người còn phải chiến đấu giữa sự thiện và sự dữ, giữa sự trong sạch và ô uế, giữa lương thiện và gian ác  quỷ quyệt.

Do đó, sự thưởng phạt của Thiên Chúa cho con người phải được hiểu là hậu quả tất nhiên của tự do chọn lựa mà Thiên chúa luôn tôn trọng cho con người sử dụng khi sống trên đời này. Nó cũng nói lên sự công bằng của Thiên Chúa dành cho những ai quyết tâm sống theo đường lối của Người, đối  nghich với những kẻ lợi dụng lòng thương xót của Chúa để làm tay sai cho ma quỷ  là  cha của mọi gian dối  và độc ác  luôn chống lai Thiên Chúa là Cha của sự thật , sự thiện , sự công chính  và yêu thương.

Tóm lại, phải có sự thưởng phạt vì con người có tự do để làm điều thiện hay gian ác. Thiên Chúa yêu thương nhưng không thể  dung thứ cho  sự dữ , sự ô uế mà con người đã và đang làm ở khắp nơi trên thế gian nay. Vì thế, phải có  sự  thưởng phạt của Thiên Chúa và điều này không hề mâu thuẫn với tình thương  tha thứ của Người,  vì nếu kẻ có tội không chịu nhìn nhận  tội  lỗi của mình và ăn năn sám hối , xin Chúa thứ tha thì làm sao Chúa có thể  tha thứ được ?

Đó là sự thật chúng ta cần nắm vững bao lâu còn sống trên trần thế , đương đầu với  với bao dịp tội và nhất là  với  bao  cám dỗ của ma quỷ ví như “ sư tử gầm thét rao quanh tìm mồi cắc xé.” ( 1 Pr  5: 8) để lôi kéo chúng tar a khỏi tình thương của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã dạy các Tông Đồ xưa: “ Vậy  anh  em hãy tỉnh thức  và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều  sắp  xẩy  đến và đứng vững trước mặt  Con Người.” Lc  21: 36)

Vậy chúng ta, những người có niềm tin nơi Chúa, phải làm gì để chứng tỏ quyết tâm yêu Chúa và xa lánh mọi sự dữ , tội ác và ô uế ?  Đó là câu hỏi mà mỗi người chúng ta hãy tự trả lời.

     

LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

 

VỀ MỤC LỤC
THIÊN CHỨC LÀM CHA MẸ (4)
 

HIỂU ĐỨA TRẺ

Để cảm thông được đứa trẻ, người ta cần biết đầy đủ những điều kiện cho sự phát triển của nó. Có những đặc nét đáng chú ý như đứa trẻ cố gắng để có một chỗ đứng trong gia đình hoặc tìm cách mang lại nhận thức và chứng tỏ là có hiệu quả trong bối cảnh đặc biệt của môi trường. Nếu không có khích lệ và hướng dẫn, đứa trẻ mất thời giờ trong việc tìm những phương cách được xã hội chấp nhận để đối đầu với những người khác. Thái độ sai lầm và gặp nhiều rắc rối là một kết quả đương nhiên.

Bốn đối tượng chính có thể được xem như động lực thúc đẩy đứa trẻ đến hành động sai lầm. Chúng ta phải hiểu những mục đích nầy trước khi chúng ta hy vọng có thể thay đổi nhân cách của đứa trẻ.

Rất thường là đứa trẻ muốn lôi kéo sự chú ý. Ước muốn đặc biệt nầy rất phổ thông nơi những đứa con nít. Trong hoàn cảnh các gia đình hôm nay, trẻ con có ít cơ hội để trở thành hữu ích, để có được nhận thức về xã hội bằng cách đóng góp vào mục đích chung. Vì thế, chúng tin vào sự quan trọng của việc nhận những món quà, tình cảm, và ít nhất là sự chú ý. Cái đồ chơi mà ông bố mang về nhà thì ít được thích thú như là đồ chơi cho bằng nó là dấu chỉ của tình yêu ông bố. Không có sự chú ý, đứa bé cảm thấy bị quên lãng. Nếu nó không thể chiếm được sự chú ý một cách thõa mãn, nó sẽ quay sang cách bất đồng và cố ý gây nên sự rầy rà và hình phạt. Làm như thế ít ra là có sự chú ý còn hơn là không được chú ý tới. Không bị phạt là từ khước hoàn toàn, tệ hại nhất là không được biết tới. Trẻ con cố gắng cho sự chú ý nên cần phải được dạy rằng chúng có thể nên hữu dụng, rằng sự nhận thức xã hội không có nghĩa là nhận nhưng đóng góp.

Đối tượng thứ hai của bất cứ rối loạn nào là: tỏ uy quyền và thế thượng phong. Trẻ con đã từng bị bạo lực thích học cách phản kháng. Người ta càng đòi hỏi chúng, chúng càng ít có hành động phù hợp. Trẻ con rất có nhiều sáng kiến trong việc âm mưu làm bố mẹ thất vọng và chiến thắng cách dễ dàng trong khi đối thủ của chúng thì lúng túng và khờ khạo.

Sự hận thù nầy cuối cùng dẫn đến đối tượng thứ ba gọi là hình phạt. Được thuyết phục rằng không ai thích nó, đứa trẻ bỏ mọi cố gắng làm vui lòng. Sự đền bù cho sự nhục nhã của nó là làm tổn thương người khác như nó bị làm tổn thương. Một khi không còn cảm giác trách nhiệm về xã hội người ta không còn muốn cho mình bất cứ điều gì xem ra là thỏa mãn. Hành vi hung hăng nầy biểu lộ một sự thất vọng hoàn toàn về mặt xã hội.

Đối tượng thứ tư được cho thấy trong sự thụ động của đứa trẻ. Nó diễn tả một niềm tin vào sự bất khả năng cá nhân. Đó là một cố gắng làm vô dụng những tình cảnh mà ở đó sự thiếu khả năng cá nhân được cho thấy một cách rõ ràng.

Để hiểu những chức năng sai lầm, chúng ta phải biết cái nào trong bốn cái nầy nằm đàng sau chúng. Nhiều người tin rằng họ có thể hiểu được cách hành xử chắc chắn nào đó nếu họ tìm thấy một lời thích hợp để diễn tả điều đó. Nhưng lời nói không cắt nghĩa phẩm giá mà chỉ diễn tả. Chẳng hạn danh từ lười biếng không cắt nghĩa được tư cách xác định vì theo tâm lý mẫu lười biếng nầy thì khác biệt với những cái khác. Đứa trẻ nầy lười để được chú ý, bà mẹ phải ngồi gần để nhắc nhở và giúp đỡ, nếu không, bài tập sẽ không được hoàn thành. Nhưng sự lười có thể có nghĩa là quyền hành và vị thế của cấp chỉ huy. Chống lại tất cả mọi đe dọa và hình phạt của bố mẹ và thầy cô, đứa trẻ bình thản chối từ làm bài. Đôi khi sự lười biếng là một sự trả thù tệ hại nhất của đứa trẻ muốn chống lại sự tham vọng quá đáng của bố mẹ cũng như hình phạt của bố mẹ. Trong nhiều trường hợp có nghĩa là thái độ chán nản của sự đầu hàng. Cố gắng để làm gì nếu người ta không hy vọng được thăng tiến một cách nào đó?

Bố mẹ phải học để hiểu những khuynh hướng như thế. Họ phải biết tại sao đứa trẻ hành động như nó đang hành động. Nó hướng sự tấn công hoặc khiếm khuyết của nó để chống lại ai hoặc chống cái gì? Bố mẹ nên biết nhiều hơn dầu họ ít khi biết. Cha mẹ nên thâu thập tin tức về những tư tưởng và ước muốn của đứa trẻ, về quan niệm của nó về cuộc đời cũng như về chính nó, về những cố gắng thực hiện và những kết luận mà nó rút ra từ những kinh nghiệm của nó.

 

LỐI SỐNG

Dưới ảnh hưởng của những kinh nghiệm của nó, đứa trẻ phát triển sớm – trong 4 tới 6 năm đầu của đời nó – một ý tưởng rõ ràng về chính nó và chỗ đứng của nó trong cuộc đời. Theo sự cắt nghĩa về những quan sát và sự hiểu biết của nó về cuộc sống xã hội, nó phát triển những phương cách ứng phó đối với những vấn đề trục trặc của cuộc đời, nhờ những học hỏi từ sự quan sát những thành công cũng như thất bại của bố mẹ và anh chị em nó. Mỗi cá nhân phát triển những cách ứng phó có nét đặc thù khác nhau tạo nên nền tảng của cá tính độc đáo của nó. Nó có thể thay đổi kỷ thuật theo tình thế mà nó đối phó, nhưng ý tưởng căn bản về chính mình vẫn như thế. Nếu đứa trẻ đi đến kết luận rằng nó luôn cần đến người khác để dựa vào, bấy giờ nó sẽ hành động cách khác khi nó tìm được sự nâng đỡ. Trong lúc đầu, nó có thể rất cộng tác và rõ ràng là thích nghi rất tốt đẹp, nhưng nó sẽ bỏ hoặc rút lui nếu nó tìm được nguồn nâng đỡ và muốn phó mặc. Lý do đằng sau hai mẫu hành vi trái ngược nầy thì giống nhau.

Đứa trẻ không ý thức về những quan niệm riêng của nó nhưng đáp trả lại sự mạc khải của những quan niệm đó. Nếu chúng không được làm sáng tỏ đối với nó, nó mang những quan niệm sai lầm vào cuộc đời và chỉ có thể thay đổi chúng để có một hướng đi tốt đẹp hơn nhờ tâm lý trị liệu. Bố mẹ được huấn luyện để nhận ra ý tưởng căn bản của đứa trẻ sẽ giúp rất nhiều để ngăn ngừa sự tạo thành một quan niệm sai lầm, là cái có thể đưa đến sự thiếu thích nghi xã hội, thất bại, và bất hạnh.

 

Lm Lê Văn Quảng Psy.D.

 

VỀ MỤC LỤC
Thuyết biến hóa, tiến hóa và vận mệnh con người (tiếp theo)

 

Gs. Trần Văn Toàn

Bài đăng ở tập san Định Hướng

2 – Vị trí thuyết biến hóa trong các vũ trụ quan khác nhau   

Ta thấy thuyết biến hóa làm cho ta có thể mô tả vũ trụ trong viễn tượng toàn thể như là một hệ thống biến chuyển trong thời gian, từ những điện tử, những nguyên tử đơn sơ, dần dần kết cấu lại với nhau thành những những vật có tổ chức càng ngày càng phức tạp, qua những vật vô cơ thể, đến  những vật có cơ thể, như cây cỏ, động vật,  rồi đến con người. Nhưng con người, có ý thức nội tâm, có tự do quyết định và định hướng cho đời mình và cho đời sống xã hội, cho nên vượt ra ngoài giới hạn của sự kiện khoa học thiên nhiên. Thực vậy, trong khuôn khổ thuyết biến hóa thì ta coi biến hóa như là một sự kiện. Nhưng sự kiện (người Pháp gọi là “fait”) là những sự việc đã làm xong rồi (cũng gọi là “fait”) và có làm xong rồi thì mới quan sát được. Cho nên nếu khoa học căn cứ vào sự kiện thì không thể nói về những việc chưa có, những dự định chưa thực hiện, cũng như về những vũ trụ quan tổng quát.

Về việc mô tả theo phương pháp khoa học như thế thì dù có bất đồng ý kiến về vũ trụ quan triết học hay tôn giáo, mọi người đều có thể đồng ý được. Cái nhìn nhận căn bản chung đó,  mỗi người đem đặt nó vào trong khuôn khổ vũ trụ quan riêng của mình, làm cho nó có một ý nghĩa đặc biệt.

Sau khi phân biệt hai bình diện, khoa học và vũ trụ quan, ta thấy là thuyết biến hóa chỉ trực tiếp mâu thuẫn với chủ trương là không có biến hóa, chứ tự nó chưa hẳn đã mâu thuẫn với quan niệm cho rằng có hay là không có vị Chúa tể tạo thiên lập địa. Nó chỉ mâu thuẫn, khi người chủ trương vũ trụ quan này lại lẫn lộn các bình diện, mà cho rằng triết học hay tôn giáo của mình đã có sẵn những tri thức khoa học xác đáng và chắc chắn[13].  

Trong hệ thống triết học của Hegel, ta thấy ông quan niệm lịch sử thiên nhiên như là một chặng đường phát triển đưa tới tinh thần tuyệt đối. Oâng gọi thiên nhiên là tinh thần lúc còn ở trạng thái chưa có tự do. Thế rồi dần dần qua các sinh vật, qua các loại sinh vật, và cuối cùng thì qua con người, tinh thần phát triển đến chỗ càng ngày càng tự lập, tự do, cho đến cao điểm là tinh thần tuyệt đối.

Trong sách Thiên nhiên biện chứng (Dialektik der Natur, viết xong năm 1883, xuất bản tại Nga năm 1925), người bạn đồng hành của Karl Marx là Friedrich Engels đã lấy lại ý kiến đó, nhưng ông đã chuyển theo quan niệm duy vật, vì ông nghĩ rằng Hegel chủ trương duy tâm. Thực ra Hegel có quan niệm biện chứng tế nhị hơn, không duy tâm mà cũng chẳng duy vật : ông tổng hợp tất cả thực tại mà ông gọi chung là tinh thần.  Tinh thần – hiểu theo nghĩa đặc biệt như thế của Hegel – đã đi qua nhiều chặng đường, từ chỗ còn là vật chất, vô linh, vô tình và vô thức, vận chuyển một cách cố định theo các luật nhân quả, đi qua chặng sinh vật, cho đến con người và xã hội có tổ chức lao động, kinh tế, chính trị, nghệ thuật, tôn giáo và triết học, càng lên cao thì càng tự do và càng ý thức cao. Và chỗ cao điểm là chỗ mà tinh thần thành ra tuyệt đối, vừa đạt được tự do, vừa  ý thức được tất cả lịch sử của mình, với tất cả các sản phẩm văn hóa mình đã tác tạo nên. Còn Engels thì chỉ quan niệm duy vật một cách thô sơ, không biện chứng, cho rằng “vật” sinh ra “tâm”, vật chất vô tri vô giác tự nó biến hóa mà sinh ra tinh thần vô thể chất .Và thay vì đưa ra phương pháp khoa học để giải thích và kiểm chứng cái biến hóa vượt bực như thế thì ông chỉ nói gọn rằng cái nhảy vượt bực đó chính là “biện chứng” ! Nhưng cái từ ngữ triết học khó hiểu đó của Hegel, làm sao có thể thay được chứng lý khoa học ?

Về điểm này cũng nên nhắc lại là Marx và Engels tuy là đồng chí, đồng hành, trong phong trào cộng sản, nhưng không phải là đồng môn, cho nên tư tưởng có nhiều chỗ khác nhau. Marx đã họïc đại học, lấy bằng tiến sĩ triết học, và hiểu rõ thế nào là « biện chứng » : đã nhiều lần Marx phê bình gắt gao chủ trương « duy vật thô sơ », không biện chứng, của các triết gia Pháp trong thế kỷ XVIII chủ trương vật sinh ra tâm, tâm do vật định hình. Cho nên chắc rằng Marx không thể nào viết về « thiên nhiên biện chứng » như Engels đã làm. Còn Engels thì tuy rằng có thông minh thật, nhưng chỉ học hết trung học, chứ không theo học triết học, cũng không học khoa học ở cấp đại học, cho nên nếu có thiếu căn bản về triết học, hiểu trệch Hegel, có thiếu phê bình về các giả thuyết khoa học, thì cũng thật là dễ hiểu.  Có điều là về sau này thì Stalin lấy lại quan niệm của Engels và cho đó là duy vật biện chứng. Riêng Marx thì có chủ trương nhấn mạnh vào vai trò chủ động của của con người có lao động sáng tạo. 

Cũng trong thế kỷ XIX, Spencer đi từ quan điểm sinh vật học, đã nới rộng quan niệm của Darwin và chủ trương thuyết biến hóa trong toàn thể thế giới sinh vật.

Có lẽ quan niệm tổng quát hơn cả và gần với quan niệm triết học của Hegel hơn cả, là quan niệm của linh mục công giáo Pierre Teihard de Chardin, nhà cổ vật học người Pháp. Hệ thống của ông này không những bao trùm lý thuyết khoa học về vạn vật ở hai chặng đường đã nói trên, là vật chất (có trước sinh vật, ông gọi là « prévie ») và sinh vật (« vie », trong đó con người đóng vai trò chủ yếu), mà còn có đề nghị thêm vào cái nhìn khoa học, gợi ý rằng sau chặng đường biến hóa của sinh vật tùy theo các nguyên nhân ngoại lai, thì còn chặng biến hóa thứ ba mà con người, linh ư vạn vật, có thể tự mình hướng tới. Oâng gọi chặng này là « survie », là sự sống cấp trên.

Đại khái quan niệm này cũng tương tự như Engels, nhưng khác Engels ở một điểm rất quan trọng. Một đàng thì Engels cho rằng vật chất vô tri đã phát triển và vượt bực thành ra tinh thần có ý thức, có ý chí, nhưng ông không giải thích những biến đổi về lượng làm thế nào mà lại vượt bực thành ra biến đổi về phẩm[14]. Một đàng thì Teilhard đưa ra vũ trụ quan căn  cứ vào giả thuyết tiên đề rằng : tất cả thựïc tại, kể từ nguyên tố đơn sơ như nguyên tử, điện tử, cho đến các sinh vật và con người, đều có hai mặt đối chiếu với nhau, mặt ngoài và mặt trong. Mặt ngoài là đối tượng của khoa học, đó là cái có thể đo lường được, còn mặt trong thuộc về phạm vi tâm lý của nội tâm, ta tự biết là có ở nơi ta và ở nơi người khác, nhưng ta không thể giơ ra cho người bên ngoài xem hay là đo lường được. Teilhard cho rằng khi mặt ngoài còn đơn sơ, thì mặt trong cũng đơn sơ. Khi mặt ngoài phát triển thành ra phiền tạp, thì mặt trong cũng trở thành phiền tạp. Đối chiếu với thân thể và bộ óc của con người vô cùng phức tạp thì thế giới bên trong của con người, có tam tư thất tình, cũng rất phiền tạp. Ta nhận ra là người khác có đời sống nội tâm, tuy ta không biết tường tận mọi chi tiết ; nhưng ta không nhận ra cái mặt trong của hòn đá hay nguyên tử, vì chúng còn quá đơn sơ đối với con mắt và cái nhìn của ta.

Nếu về triết học cũng như về khoa học, người ta đã cố ý tìm ra một hệ thống tổng quát về sự biến hóa, thì thiết tưởng là vì, tuy quan sát đã nhiều về vạn vật thay đổi và phát triển, nhưng vẫn thấy là chưa đủ, đồng thời người ta cũng không đành lòng quan niệm vạn vật trong vũ trụ như một mớ những sự kiện hoàn toàn vô thường, rời rạc với nhau và thay đổi một cách ngẫu nhiên, vì như thế thì chẳng những không hiểu biết được gì cả, mà rồi cũng không làm sao sống được. Thực vậy, sống được là vì hành động mà ta trù tính đều căn cứ vào niềm tin thực tại có trật tự, biến hóa có qui củ, phía sau thì có luật nhân quả thúc đẩy, phía trước thì đi theo một phương hướng nào đó mà mình tự do chọn.

Vì chủ trương căn cứ vào sự kiện đã có đó, cho nên các nhà khoa học, khó mà đồng ý được với nhau về phương hướng của cuộc biến hóa : vì cái đó thuộc về tương lai, mà tương lai thì một phần là căn cứ vào dự định của vai chủ động. Dự định trong thiên nhiên thì không ai biết được là có hay không, vì thiên nhiên không phải là do con người ta tác tạo ra ; mà dự định tự do của muôn người, của muôn dân, thì ai cũng biết là có thật, nhưng nó thật là bấp bênh, ta chỉ phỏng đoán mà thôi. Cho nên khoa học chỉ dùng nguyên lý nhân quả, chứ không dùng nguyên lý cứu cánh hay nguyên lý mục đích (finalité). Tuy vậy ta không có lý do gì để khẳng định là trong vũ trụ này tuyệt nhiên không có dự định nào của ai cả.  Và khi nói về lịch sử, xã hội con người, ta lại càng không thể không nói đến cứu cánh và mục đích. 

Về điểm này người ta đưa ra nhiều lập trường[15]. P.-P. Grassé chủ trương vạn vật biến hóa là có theo một chương trình, một dự định nào đóù, vì chẳng lẽ cứ nối tiếp vô số những sự kiện ngẫu nhiên mà phát hiện ra con người : một chuỗi những cái ngẫu nhiên kế tiếp nhau theo một thứ tự nhất định như thế, phải chăng chỉ là ngẫu nhiên mà thôi ? Câu hỏi đó không phải là vô lý, nhưng nó nằm ở bên ngoài phạm vi khoa học, cho nên khoa học không có phương thế để trả lời là có hay không. Trái lại,  Jacques Monod (1910-1976)[16] và  François Jacob thì khẳng định rằng vạn vật có trật tự trong vũ trụ này là do ngẫu nhiên mà ra. Nói như thế cũng rất là hàm hồ, vì thường thường khi nào người ta không tìm ra nguyên nhân của các hiện tượng, không tìm ra cách thức hoạt động của nguyên nhân, cách thức giao thoa của nhiều nguyên nhân, không trù tính hay đoán trước được hiệu quả, thì lúc đó thay vì nói thẳng ra là mình không biết, thì người ta lại quen nói rằng đó là do ngẫu nhiên. Người nghe như thế có thể lầm tưởng rằng cái “ngẫu nhiên” lại chính là nguyên do hay nguyên nhân sinh ra vạn vật có tổ chức, có trật tự .  Tóm lại, khi nói đến ngẫu nhiên thì phải hiểu là có nguyên nhân, có nhiều nguyên nhân, nhưng ta không biết hay là chưa biết đích xác được tất cả, cho nên không đoán trước được hiệu quả.

Khi nói chung chung về sự biến hóa thì ta mặc nhiên chấp nhận giả thuyết rằng vũ trụ biến hóa theo một phương hướng. Có như thế cái nhìn của ta về vũ trụ mới có tính cách nhất quán,  có mạch lạc.

Ngoài ra, thì bên ngoài phạm vi khoa học, người ta cũng còn có thể đưa ra một vũ trụ quan duy tâm hay duy thức, cho rằng tất cả những biến chuyển, biến hóa như thế chỉ là vô thường, chỉ là ảo ảnh, do cái tâm hay cái bản ngã của ta phóng ra bên ngoài, ấy là chưa nói thêm rằng cái tâm hay bản ngã cũng có thể chỉ là ảo ảnh nốt. Nếu như thế thì thật cũng khó mà bàn luận, vì không ai biết đâu là có, đâu là không.

 

3 – Biến hóa và vận mệnh của con người 

Thiết tưởng cần phải nói thêm cho rõ là trên đây Teilhard không nói gì nguồn gốc vũ trụ. Oâng bắt đầu từ sự biến hóa, đưa ra giả thuyết để giải thích. Oâng nhận định rằng vũ trụ đã đi từ các yếu tố rời rạc, dần dần kết tụ lại thành những đơn vị, những con vật có tổ chức, có thống nhất, rồi những con vật con người họp lại với nhau thành những xã hội càng ngày càng rọâng. Tiếp theo đó ông nghĩ rằng nếu cứ nối tiếp cái đà tiến hóa theo hướng thống nhất như thế thì có thể là sẽ tiến tới một nếp sống trên nữa. Tuy vậy, tiến hóa không phải là tất nhiên : vũ trụ có thể có thể thối lui, vì từ nay các thay đổi trong đời người không còn do tự nhiên thúc đẩy, nhưng là do ý định của con người có muốn hay không, và nếu muốn thì phải có một lý do khả quan. Như thế là sau khi trình bầy kết quả của khoa học, thì ông đặt vấn đề vận mệnh con người.

 

3.1 – Đặt vấn đề vận  mệnh con người

Nếu quả thực con người không có cảm giác hay tâm tình, không có ý thức, không có ước muốn, không có dự định gì cả, mà chỉ hoàn toàn biến chuyển như sự vật, thay đổi theo như  nguyên lý nhân quả của vật lý học thúc đẩy, thì dĩ nhiên là không có đặt vấn đề vận mệnh gì cả.

Nhưng vì đã quá quen với nguyên lý nhân quả trong cuộc vận hành của thế giới sự vật, cho nên khi nói về con người, ta cũng thường nghĩ rằng con người cũng như vạn vật là đồng nhất thể, và vì thế xét khách quan thì mọi sự đều là tất định như nhau.

Các từ ngữ mà người Việt chúng ta dùng để nói về vận mệnh tương lai của con người, như : vận số, số phận, số mệnh, số kiếp, v.v., cũng thường ngả về ý nghĩa là định mệnh, không những ở trong đời này, mà còn lan cả sang kiếp sau nữa. Vận mệnh đã định sẵn, hoặc do sách trời đã ghi, hoặc là do căn mệnh của mình đã gây ra, cho nên không có thể thay đổi được, như  cụ Nguyễn Du đã kết luận truyện Kiều :

                        Ngẫm hay muôn sự tại trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân,

                        Bắt phong trần phải phong trần,

Cho thanh cao mới được phần thanh cao, ....

                        Đã mang lấy nghiệp vào thân,

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.[17]

Nếu coi định mệnh khách quan như thế là lẽ đương nhiên, thì không có vấn đề gì cả. Có chăng thì là vì về mặt chủ quan người ta thấy nó làm sao ấy. Nhưng nếu lại cho cái quan điểm của người trong cuộc chỉ là ảo ảnh không có thực chất, thì là hết, không còn vấn đề gì nữa.

Trái lại trong văn hóa Aâu châu, người ta phân biệt ra hai từ ngữ. Để nói về cái “định mệnh” không thay đổi được, thì người Pháp dùng từ “destin” hay “fatalité” (do tiếng la-tinh là “fatum”), người Đức dùng từ “Schicksal”. Nhưng ngoài ra họ còn có quan niệm rằng con người ta có một mục đích phải tới, vì như thế là hoàn toàn thực hiện được bản thân ; phải tới, nhưng lại không bó buộc phải tới, vì nó tùy thuộc một phần vào hoàn cảnh, điều kiện và nhất là vào lựa chọn và quyết định tự do của mỗi người. Người Pháp gọi nó là “destinée” hay “destination”, người Đức thì gọi là “Bestimmung”. Ta tạm gọi là “vận mệnh”. Vì có tự do, cho nên người ta có thể tùy ý muốn hay không muốn tới cái vận mệnh đó. Dù sao, vận mệnh của con người có được đặt ra thành vấn đề thì là vì ý thức được rằng cái định mệnh từ ngoài vào, nó đi ngược lại cái ước vọng từ trong đi ra. Sau đây ta sẽ nói về định mệnh và về vận mệnh.

 

3.2 – Ý thức về định mệnh 

Người ta có được ý thức về định mệnh là vì nhiều lý do. Một là quan niệm nhân quả trong thế giới sự vật, đưa đến quan niệm tất định (déterminisme). Hai là vì cho rằng con người cũng hoàn toàn ở trong vòng tất định, không khác gì các sự vật tự nhiên. Ba là người ta thấy mình quả là bé nhỏ yếu ớt trong cái vũ trụ bao la với các mãnh lực vô tâm vô tình. Lại còn có lý do thứ bốn, là : người ta quan niệm rằng thời gian của vũ trụ đi vòng tròn, “chung nhi phục thủy”, đi đến hết thì lại trở về khởi điểm, như  ta thấy cây cỏ cứ tuần hoàn đi theo bốn mùa. Cho nên dù bây giờ con người có tổ chức được xã hội, phát triển được văn minh, nhưng rốt cục đến khi đã đi hết chu kỳ vòng tròn, thì tất cả vũ trụ sẽ bị hủy diệt, để rồi lại bắt đầu đi nữa. Người Hi-lạp gọi đó là cuộc xuống dốc “katastrophê”. Dĩ nhiên là người ta lúc bình sinh nào có ai thấy được hay là tưởng tượng được ra như thế, cho nên để tránh các vấn nạn, người ta bảo rằng cái chu kỳ của vũ trụ nó phải lâu dài lắm lắm, và phải có các thần linh thượng trí hở ra cho mới biết được. Người Aán-độ (trong đó có cả người theo Phật giáo) rất giầu tưởng tượng đã tính ra những kiếp (kiếp-ba, kalpa) lâu dài đến hàng vạn, hàng triệu năm[18].

Một khi đã coi thời gian của vũ trụ là đi theo vòng tròn, hoàn toàn theo luật nhân quả, và nếu lại thấy rằng tất cả đời người chỉ là khổ, thì thật là bế tắc. Ở trong cảnh huống đó người ta nghĩ ra nhiều lối thoát.

Lối thứ nhất là đứng trước định mệnh khắt khe, rất khó chịu, thì chủ trương là đành phải chịu khó vậy : đó là lập trường của các triết gia Hi-lạp thuộc học phái khắc kỷ (Stoa, stoicisme). Họ lập luận rằng con người ta chỉ là một cái bánh xe nhỏ bé trong guồng máy lớn lao của toàn thể vũ trụ, cho nên phải theo cái lẽ đương nhiên như thế.

Lối thứ hai là coi cái thân phận mỏng manh của con người không phải là do lẽ đương nhiên, nhưng là do các thần linh gây nên. Cóù nhiều nhà văn Hi-lạp thời Thượng cổ đã sáng tác ra một số thảm kịch (tragédie) thời danh, nói lên cái mâu thuẫn nan giải, giữa một bên là các thần linh vô tình hay hữu ý đùa bỡn với vận mệnh của con người, và một bên là cái bất đắc chí của người trong cuộc. Trong các thảm kịch đó, tuy biết là không làm chi được trời, nhưng – trái lại lời khuyên của cụ Nguyễn Du – họ vẫn không đành chịu như thế, và cứ tự do lên tiếng thánh thức các thần linh vô tâm, vô tình, bất công, hay là oán thán “ông trời không có mắt”.

Lối thoát khác là tìm cách đi hẳn ra bên ngoài cái vũ trụ mà mình không thay đổi được hay là không muốn thay đổi, bằng một lập luận duy tâm hay duy thức, như trong văn hóa Aán độ. Không đổi được thực tại bên ngoài thì người ta tự gán cho mình cái “tự lực” bên trong, gán cho cái chủ thể – đại ngã hay tiểu ngã cũng vậy – cái quyền lực vô hạn, cái phép thần thông, là tác tạo ra cái ảo ảnh bên ngoài, tức là tất cả cái vũ trụ đang có trước mắt[19]. Coi lập luận đó là chân lý tuyệt đối, rồi tìm phương thế tu luyện tập tành để coi cái vũ trụ đau khổ đang đập vào giác quan của mình như là không có thực chất, nhưng chỉ là ảo ảnh, và như thế chỉ còn cái ý thức chủ quan của mình là có thực. Đi thêm một bước nữa, người ta lại chủ trương rằng chính cái ý thức, cái bản ngã của con người lại cũng là ảo ảnh nốt, có cũng như không, không cũng như có. Nếu nhận định rằng tất cả chỉ là ảo ảnh, thì có đau khổ cũng như không có đau khổ, vì có còn ai đâu nữa mà khổ, và rồi cũng không còn có ai đặt vấn đề gì nữa hết. Cái đó thực dễ hiểu : trong hai yếu tố mâu thuẫn nhau – thế giới bên ngoài và bản ngã bên trong – nếu một hay là cả hai yếu tố là không có thực chất, thì hết không còn vấn đề gì nữa.

Giải pháp tinh thần đó có vẻ rất là thần tình, nhưng cũng rất là khó hiểu và khó thực hiện, vì đại đa số quần chúng đang bận rộn chạy cơm áo, không có thì giờ rảnh rỗi để ngồi cả ngày mà suy nghĩ, nhập định, thì không có lập luận như các nhà tư tưởng duy tâm hay duy thức, đối với họ thì cái đau khổ trong đời ngườøi là có thực chứ không phải là ảo ảnh. Và vì định mệnh cay nghiệt quá, tự sức mình không làm gì được – vì cái “tự lực”duy tâm đã nói trên đây tựu chung cũng chỉ là ảo ảnh mà thôi – cho nên họ thấy chỉ còn một giải pháp là nhờ vào quyền lực ngoại lai – nhờ vào “tha lực” – là ước mong rằng có Thần Tiên Trời Phật nào đó cứu cho khỏi hết mọi tai ương. Ngày nay ở Việt Nam người ta còn thâu lượm được khá nhiều câu thần chú mà thiên hạ ta tin rằng do Thần Phật dạy cho, và cứ việc đọc lên cho đủ số là có công hiệu, là linh nghiệm ngay.

Các giải pháp trên đây rất khác nhau, không dung hòa được với nhau, không có lý thuyết hay tôn giáo nào làm tổng hợp được cả. Có điều là người ta thường hay thay đổi tùy cơ hội, tiền hậu bất nhất, cho nên lúc thì nói theo thuyết này, lúc thì đi theo thuyết khác. Thành ra ta thấy có những người, lúc thì chủ trương một vũ trụ quan rất là thoát tục, lúc thì dấn thân vào cõi thế tục này, và xông xáo chạy theo những ý thức hệ của thời đại, nhưng rồi rốt cục trong lúc thực hành vẫn chạy theo đòi hỏi của người phàm và cũng làm theo lễ bái kỳ đảo thông thường của tôn giáo dân gian. Thiết tưởng như  thế là người ta tùy cơ hội mà thay đổi, chứ không phải là tôn giáo có khả năng thích nghi ra thiên hình vạn trạng. 

 

3.2 – Ý thức về vận mệnh 

Những lối thoát ra bên ngoài định mệnh kể ra trên đây chứng tỏ rằng người ta không muốn chấp nhận định mệnh.  Chính vì người ta có cái tự do phủ nhận định mệnh, cho nên mới có cái ước vọng là thay đổi vận mệnh, nghĩa là “cách mệnh” [20].

Tuy vậy chính trong khi đặt vấn đề vận mệnh, thì lúc đầu người ta cũng chỉ mới quan niệm rằng cái định mệnh không đến nỗi quá ư  tất định : nói thế khác, cái vận hay là cái số của ta có lúc đỏ, có lúc đen, phải chịu khó chờ thời, rồi bĩ cực thái lai, vì máy trời làm cho có lúc dương thịnh âm suy, có lúc dương suy âm thịnh. Rồi xem bói toán để biết trước ít lâu và tùy tiện xoay xở. Quan niệm này không đến nỗi bi quan về vụ trụ, vì có cả vui lẫn buồn, không phải tất cả đều là khổ cả. Nhưng như thế tức là vẫn còn  ở trong quan niệm rằng thời gian và vũ trụ đi theo vòng tròn, và như thế vẫn không có lối thoát ra ngoài.

Đến đây ta thấy trong tư tưởng Do-thái có quan niệm làm cho con người ta có thể thoát ra ngoài cái vòng tròn bế tắc : theo quan niệm đó thì thời gian của con người đi một mạch theo đường thẳng, từ khởi điểm cho đến cứu cách tối hậu. Đó là một quan niệm tôn giáo, tin rằng có vị Thiên Chúa, siêu việt, ở ngoài vòng không gian và thời gian của vũ trụ, đã đề nghị cho loài người một cứu cánh, một vận mệnh, là đi tới tình thân với Ngài là cha, và với các người khác là anh em. Nhưng cái cứu cánh ấy không phải là định mệnh mà con người tất nhiên phải tới, vì đồng thời quan niệm ấy lại nhận rằng con người có tự do, có thể chấp nhận hay là từ chối. Như thế là con người có vận mệnh, nhưng tới hay không tới cái vận mệnh đó, thì một phần là tùy vào tự lực và tự do của mình, một phần là do tha lïực phù trợ. Quan niệm ấy được truyền sang đạo Giê-su Ki-tô.

Khi người Aâu châu, từ thời Phục Hưng, đã dần dần tục hóa quan niệm đó, thì người ta không muốn nói đến Thiên Chúa nữa, cũng không tin vào cái cứu cánh đề nghị trên đây, nhưng chỉ còn giữ có một ý kiến, là lịch sửù của con người và của xã hội thì đi theo đường thẳng, đã đi rồi thì không trở lại nữa : đó là ý thức hệ « tiến bộ ». Dĩ nhiên là người ta vẫn đồng thời theo đuổi cái lý tưởng đại đồng « tứ hải giai huynh đệ »[21].

Sau những chiến tranh huynh đệ tương tàn trong thế kỷ XX, có hàng chục triệu người bị giam cầm, bị tra tấn, bị tàn sát, một cách vô nhân đạo, không chút thương tâm, thì người ta bắt đầu nghi nan cả về ý thức hệ « tiến bộ » lẫn về lý tưởng « tứ hải giai huynh đệ ». Có người nhân đó mà chủ trương rằng không có thần linh hay Thiên Chúa nào cả. Nhưng như thế thì loài người phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về cái thế giới vô nhân đạo đó.

Thiết tưởng có lẽ là vì hai lý do sau đây. Một là : nếu không có tiêu chuẩn để định hướng rõ rệt, thì ai biết được đâu là phải, đâu là trái, đâu là tiến, đâu là thoái. Thực vậy chúng ta tự nhiên thường « tiến bộ », nghĩa là bước đi về phía trước, có điều là ta quay mặt về phía nào thì phía đó là phía trước, thành ra cái gì cũng có thể là phía trước cả, như thế chẳng lẽ đi bất cứ theo hướng nào thì cũng là « tiến bộ » cả ? Chẳng lẽ hai chữ « tiến bộ » cũng lại không có nội dung gì cả ? Hai là : nếu không có chung một cha, có chung một mẹ, thì lấy gì làm tiêu chuẩn để nói đến anh em trong bốn bể ?

Để giải quyết vấn đề, lại có người chủ trương rằng người ta muốn làm điều phải, muốn tiến bộ, thì cứ việc đi theo hướng đi của lịch sử. Nhưng lịch sử đi theo hướng nào ? Phải chăng là hướng do thiên nhiên vô tình đi tới một cách tất định ? Hay là do vua chúa phong kiến ngày xưa, do các nhà độc tài ngày nay tùy tiện quyết định cho toàn dân phải theo ? Nếu bảo rằng ngày nay chúng ta đã trưởng thành, tự  lập, và tự mình định ra hướng đi cho mình và cho xã hội, thì hướng đi của lịch sử là do ta chủ ý quyết định : ta làm ra lịch sử, cho nên ta định đi đâu thì đó là hướng đi của lịch sử. Nói thế khác, cái gọi là hướng đi của lịch sử không phải là tiêu chuẩn khách quan của hành động, vì nó là do ta quyết định. Nó rất là bấp bênh, vì người ta khó mà đồng ý để cùng đi về một hướng.

 

Kết luận tạm thời 

Thuyết biến hóa là một cái nhìn khoa học về vũ trụ thiên nhiên. Nó có tính cách tổng quát, nhưng cũng là tạm thời. Một đàng thì người ta dùng luật nhân quả để giải thích nó như thể là một tiến trình tất định, nhưng đàng khác thì vì thấy rằng mình không biết và không trù tính được hết, cho nên lại cho rằng tất cả chỉ là ngẫu nhiên  mà thôi. Vì thế đứùng trong quan điểm khoa học ta hiểu vì sao nhà khoa học Jacques Monod (1910-1976), có giải thưởng Nobel, đã đề tên sách của ông như sau : Ngẫu nhiên và Tất định. Thử lý luận triết học về thiên nhiên theo quan điểm sinh vật học  (1964). Oâng kết luận cuốn sách rằng : « Rốt cục thì con người biết rằng mình là cô độc trong cái vụ trụ bao la và vô tình, mà từ đó mình đã ngẫu nhiên ngóc đầu lên được. Không có đâu viết sẵn định mệnh hay nghĩa vụ của con người. Cho nên có tới được cõi trời sáng hay phải vào cõi tối tăm, thì hoàn toàn là do mình lựa chọn »[22].

Như thế cũng đủ thấy là trong phạm vi khoa học, thuyết biến hóa không thể nói gì về vận mệnh con người. Monod cho rằng người ta hoàn toàn tự do sáng tạo ra vận mệnh của mình. Nhưng thiết tưởng nói như thế là nói quá, vì thực ra con người thật là nhỏ bé, không tự tạo ra mình, cũng không tạo ra môi trường sinh hoạt. Dù sao, dù có vận mệnh nào, thì chắc một điều là con người có tự do, có thể lựa chọn, đồng tình hay không, cho nên không hoàn toàn để cho định mệnh chi phối.

Tuy vậy, trừ phi chọn lấy lập trường duy tâm chủ quan, tự gán cho mình cái « tự lực » vô hạn và coi vũ trụ như chỉ là ảo ảnh, thì không ai có thể một mình giải quyết vấn đề vận mệnh của mình, mà phải tựa vào « tha lực », là sức của ai đó.

Nhưng có « ai đó » không ? và « ai đó » là ai ? Dĩ nhiên không thể là thế giới thiên nhiên vô tình và tất định. Cho nên nếu có « ai đó », thì chắc chắn là « ai đó » có tự do, cho nên không thể là một dụng cụ cho ta. Có người thì cho rằng « tha lực » đó là  Thần, Tiên, Trời, Phật, hay là Thiên Chúa. Có người thì không chịu như thế, lại cho rằng đó là nhân loại, như ông tổ học thuyết vô thần là Feuerbach đã chủ trương, vì ông cho rằng Thiên Chúa cũng chính là nhân loại này vậy.

Như vậy còn khá nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Ví dụ như : làm thế nào kéo được « tha lực » vào giúp cho vận mệnh của ta. Phải cầu đảo, cầu khấn ? Phải dùng pháp thuật, dùng thần chú ? Phải dùng võ lực, hay là thảo luận, dàn xếp ? Thêm vào đó lại còn vấn đề then chốt : con người ta có thể « duy ngã độc tôn », hay là còn có nghĩa vụ đối với ai khác nữa, ví dụ như : gia đình, quốc gia hay nhân loại ? Bao lâu những vấn đề đó chưa giải quyết xong, thì cũng khó mà bàn về vận mệnh cá nhân hay xã hội cho ổn thỏa.

Về những vấn đề này, xin tạm trưng dẫn ra đây một câu nhận xét đáng suy nghĩ của triết gia người Nga là N. Berdiaev (1874-1948) : « Nếu không có Thiên Chúa thì con người hoàn toàn tùy thuộc vào thiên nhiên và vào xã hội, vào vũ trụ và vào nhà nước. Nếu có Thiên Chúa thì con người là một vật độc lập về mặt tinh thần, và rồi đối với chính Thiên Chúa con người cũng có lối cư xử tự do, chứ  không phải là tùy thuộc »[23]


[13]  Trên đây bỉ nhân đã nói lên mối nghi ngờ đối với những ai cho rằng tôn giáo hay vũ trụ quan của mình có những tri thức khoa học, và nói lên được những điều  « có thực ».  Nói cho đúng ra, thì những cái « có thực » có thể nằm ở nhiều bình diện khác nhau, như bình diện cảm xúc của giác quan, bình diện quan niệm của trí tuệ, bình diện tín ngưỡng của tôn giáo. Có người cho rằng các hiện tượng trong thế giới này là có thực, ở bình diện cảm xúc,  nhưng xét ở bình diện cao hơn thì cũng chỉ là ảo ảnh, hay là phản ảnh của một thực tại  lý tưởng vốn nằm trong lý giới.   Cho nên khó mà nói cái nào « có thực » hơn cái nào, vì không còn theo một tiêu chuẩn chung nữa.

[14]  Có người dùng ví dụ sau đây để giải thích : cũng là một ít nước là chất mềm và chảy, nhưng nếu ta đun sôi, làm cho nó tăng nhiệt độ, tăng nhiệt lượng ca-lô-ri, thì tới độ 100  nó đổi phẩm và biến thành chất hơi ; và nếu ta rút bỏ nhiệt lượng của nó đi thì  khi đến độ không, nó sẽ đổi phẩm và biến thành chất cứng như chất đá, gọi là nước đá. Nhưng nói như thế là lẫn lộn hai quan điểm : quan điểm của giác quan làm cho ta nhận ra chấât hơi, chất cứng và chất chảy, nhưng đối với quan điểm của nhà khoa hoc, hóa học, thì cả ba chất đó cũng đều là một chất H2O mà thôi. Aáy là không nói đến sự dị biệt vượt bực giữa vật chất vô tri vô giác và ý thức năng giác và có tự do.

[15]  Xem  trong sách tập thể Le darwinisme aujourd’hui, Paris, Seuil, Collection Points, Série Sciences, S 18.

[16]  Le hasard et la nécessité, Paris, Seuil, 1970.

[17]  Xin xem bài về nhân quả, dẫn trong ghi chú số 12 trên đây. Cũng nên chú ý là cụ Nguyễn Du cho rằng dù định mệnh khách quan có khắt khe, nhưng cái giá trị của con người là ở chỗ khác. Cụ viết thêm :

                                “Thiện căn ở tại lòng ta,

                Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

[18]  Xem : chữ “ Kalpa” trong : A dictionary of  chinese Mythology của E.T.C. Werner, New York, 1961, trang 213. Muốn xem các chi tiết tỉ mỉ, thì xem mục “Cosmologie bouddhique” trong : Dictionnaire encyclopédique du Bouđdhisme  của Philippe Cornu, Paris, Seuil,  2001, trang 145-149.

[19]  Có điều khó hiểu là vì  sao cái đại ngã hay tiểu ngã, lại tác tạo a một vũ trụ đau khổ khó chịu, thay vì phóng ra bên ngoài một thế giới sung sướng, như thế có phải là dễ chịu hơn không ?

[20] Trong phạm vi chính trị, người Trung Quốc và người Việt Nam  dùng chữ « cách mệnh » để dịch chữ « révolution » của Tây phương, thì có ý nghĩa hay hơn là chữ gốc bội phần.

[21]  Xem khẩu hiệu của chế độ cộng hòa Pháp : Tự-do, Bình-đẳng, Huynh-đệ.

[22]  Le hasard et la nécessité. Essai sur la philosophie naturelle de la biologie moderne, Paris, Ed. du Seuil, Coll. Points-Sciences, N° 43, 1970, trang 224-225.

[23]  Essai d’Autobiographie Spirituelle, Paris, Buchet-Chastel, 1958, trang 222.

 

VỀ MỤC LỤC
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (2).

 

NGUYỄN HỌC TẬP

 

Lịch sử của phẩm giá con người. 

ĐTC Gioan XXIII cho biết rõ rằng con người và tổ chức sống trong xã hội luôn luôn liên hệ với nhau và các mối tương quan con người được hướng dẫn bằng một mạng lưới rất phức tạp ( Mater et magistra ( MM) n. 63-64).

Từ đó chúng ta có thể suy diễn ra rằng tự do con người càng bị lệ thuộc và giới hạn nhiều hơn bởi các tổ chức xã hội.

Tiến trình tổ chức xã hội phức tạp có nguy cơ làm mất đi tin tưởng đối với khả năng con người có thể đảm nhận trách nhiệm đối với cuộc sống mình.

Tiến trình phức tạp xã hội đó

   - đặt thành vấn đề cho địa vị thượng đẳng của con người,

   - có khuynh hướng đòi buộc con người phải phục tùng cơ chế tổ chức xã hội, chưa hẵn luôn luôn là những cơ chế chính đáng, chính danh và vô tư phục vụ con người ( MM n. 65-68).

Trong bối cảnh đó Thông Điệp Mater et magistra ( MM )  đề nghị giá trị căn bản của phẩm giá con người như là " nền tảng, nguyên cớ và cùng đích " của mọi định chế ( doctrina) và cơ chế ( institutions)  tổ chức xã hội.

ĐTC lưu ý rõ rệt rắng phẩm giá con người chỉ có thể hiện hữu trong bối cảnh được xác tín rằng con người trong xã hội có liên hệ và liên đới với nhau. Trong nhãn quang đó, để có thể tránh việc lạm dụng uy quyền của tổ chức cơ chế làm băng hoại con người, đó là kiến tạo các cấu trúc làm cho con người liên hệ tùy thuộc nhau, phải có khả năng kiểm soát tiến trình thành lập và hoạt động các cơ chế đó ( MM n. 69-72).

Trong ý nghĩa những gì vừa được đề cập, nhằm đáp ứng lại cho việc phẩm giá con người phải được tôn trọng, đó là mục đích trên có liên hệ rõ ràng với việc bảo vệ công ích cho tất cả mọi người ( MM n. 60 )

Và Thông Điệp diễn tả đặc tính cấu trúc của công ích vừa đề cập: công ích

   - " không phải là tổng số các lợi ích cá nhân, mà là một chuổi các điều kiện xã hội cho phép cá nhân thực hiện được lợi ích cá nhân của mình " ( MM n.65). 

Các điều kiện đó là những thực thể văn hoá và tổ chức cuộc sống xã hội.

Như vậy ĐTC hướng về định nghĩa phẩm giá con người, hàm chứa những điều kiện cấu trúc xã hội.

Dựa vào đó chúng ta có thể rút ra được những yếu tố:

   1) phẩm giá con người luôn luôn được nâng đỡ và bảo vệ bởi các phương thức cuộc sống xã hội, trong đó con người hiện diện;

   2) các suy luận về nền tảng luân lý cần đặc tâm lưu ý đến bối cảnh xã hội trong đó phẩm giá con người đang hiện diện;

   3) đáp ứng lại các quyền của con người sẽ luôn luôn bị lệ thuộc vào định chế và nhứt là vào cấu trúc cơ chế xã hội.  

Kế đến tầm quan trọng của Thông Điệp Pacem in terris ( PT) được coi là những đề cập có hệ thống các hậu quả luật luân lý nầy, nhứt trong các xã hội có tầm vóc tổ chức cao độ.

Thông Điệp xác nhận một cách rõ ràng

   - những đòi buộc phải có của phẩm giá con người giữa con người đối với con người;

   - giữa cá nhân đối với quyền lực công cộng trong lòng Quốc Gia;

   - giữa các Quốc Gia trong Cộng đồng Quốc Tế.

Phẩm giá con người chịu ảnh hưởng nội bộ trong mối liên hệ con người với nhau, trong ranh giới Quốc Gia và cả ở bên ngoài các lằn mức đó. 

Vấn đề then chốt đó là mối liên quan giữa phẩm giá con người và các cấu trúc xã hội phức tạp và liên hệ ảnh hưởng đến nhau.: phận vụ bảo vệ phẩm giá con người trong bối cảnh xã hội phải được nói lên bằng một tiến trình ai cũng thấy rõ được. Các văn bản liên hệ trong tương lai được thể hiện bằng bản sắc của một lương tâm tăng trưởng của lịch sử nhân loại.

Trong viễn ảnh vừa kể Công Đồng Vatican II được khai triển, khi Công Đồng cho rằng những đòi buộc của phẩm giá con người bị đặt dưới nhiều điều kiện lịch sử.

Việc hiểu biết mối tương quan giữa giá trị tối thượng của con người và sự thực hiện được trong dòng lịch sử giá trị đó, khiến chúng ta kết luận rằng:

   - những điều liên hệ đầy đủ về phẩm giá con người không thể hiểu được và xác quyết riêng rẽ tách biệt khỏi các hoàn cảnh hiện thực của một thời đại lịch sử.

Nếu con người có một giá trị tối thượng, thì các cấu trúc của tổ chức xã hội phải phải là những cấu trúc đối chiếu với các quyền cần thiết để phục vụ và bảo vệ phẩm giá đó.

Nói cách khác, định chế tổ chức Quốc Gia xã hội, không thể chỉ tuyên bố trên lý thuyết:

   - " Phẩm giá con người bất khả xâm phạm " ( Điều 1, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên bang Đức), mà còn tuyên bố và tiên liệu và quy trách cho cơ chế nào là chủ thể phải đứng ra trực tiếp chịu trách nhiệm, nếu những giá trị về phẩm giá con người bị vi phạm: 

   - " Các quyền căn bản sẽ được kể sau đây là những quyền có giá trị bắt buộc đòi với lập pháp, hành pháp và tư pháp, là những quyền có giá trị bắt buộc trực tiếp " ( id., đoạn 2). 

Dĩ nhiên nội dung  xác thực của các quyền đó chịu ảnh hưởng các điều kiện và hoàn cảnh lịch sử xác định trong việc áp dụng, thi hành.

Như vậy không ai có thể tự nhiên tiên nghiệm ( a priori ) xác định rõ rệt phẩm giá con người là gì..

Mỗi biện chứng dựa vào bản tính con người cần phải lưu ý rằng bản tính đó được cấu tạo  nên và chịu ảnh hưởng của dòng lịch sử.

Tuy nhiên nhìn nhận tính cách lịch sử như là những gì liên quan đến đặc tính thiết yếu của con người , chúng ta có cai nguy là làm tương đối hoá phẩm giá con người  và trói buộc phẩm giá đó vào những gì được nói lên bởi các khuynh hướng văn hoá và ý thức hệ.

Công Đồng Vatican II nhìn nhận mối thử thách của tính cách lịch sử và giải thích giá trị vững chắc của truyền thống, theo đó thì tính cách bắt buộc của luân lý không phải chỉ là những vấn đề khuynh hướng văn hoá hay định kiến.

Sự hiện diện cùng lúc nơi con người tư tưởng

   - bị giới hạn theo dòng lịch sử

   - và khuynh hướng tối thượng của bản thể mình trở thành tâm điểm của nhãn quang luân lý về phẩm giá con người.

Bởi đó cần tránh tuyệt đối hóa một giá trị lịch sử giới hạn hay buông thả mình ẩn náo vào tính cách thuần tối thượng của phẩm giá ( GS nn. 13.44).

Tầm độ căng thẳng vừa được đề cập là động lực tích cực cho sự khéo léo của con người để tổ chức và thực hiện chính trị và như vậy tổ chức xã hội, chính trị phải là kết quả của mức độ khéo léo đó.

Con nguời hiện diện trong lịch sử bị đặt mình trước hai thái cực vừa kể:

   - như vậy phải chuyên cần để trong các giới hạn và các điều kiện bị đặt mà mình gặp phải,

   - nhưng đồng thời tự bản thể của mình, con người luôn hướng về những gì cao cả tối thượng cho phẩm giá của mình.

Phẩm giá con người được xác định trên nền tảng đó.

Tạo vật con ngưòi thấy được nơi mình mối căng thẳng đó là:

   - con người không phải là những mảnh vụn, yếu tố, bù lon, đinh, ốc của một bộ máy xã hội,

   - nhưng con người cũng không phải là những vị thần thánh thuần túy.  

Hiểu được tình trạng cấu trúc của con người như vậy, chúng ta ý thức được các giới hạn, các điều kiện và hoàn cảnh sống lịch sử không phải là kẻ thù của phẩm giá con người.

Cấu trúc để thực hiện phẩm giá con người gồm có hai loai:

   - một loại gồm những mối liên hệ trực tiếp với bản thể nội tại của con người,

   - một loại khác gồm những yếu tố thay đổi theo lịch sử, như là kết quả của những quyết định cá nhân và cộng đồng xã hội ( GS n. 25).

   a) Trong những mối liên hệ thứ nhứt gồm cả gia đình và cộng đồng chính trị. Khước từ quyền đươc quyết  định hay tham gia vào chính trị, một cách nào đó là khước từ tầm mức thiết yếu của con người.

Hình thức chính xác của các quyền nầy trên thực tế là có thể được quyền xác định chính xác, đùng hay sai, chinh đáng hay lạm dụng , bằng cách phân tích  bối cảnh lịch sử các ý thức hệ khuôn mẫu  và cơ chế của cuộc sống xã hội.

Tuyên Ngôn Dignitatis humanae cũng đặc tâm lưu ý đến con người và quyền tự do của con người  trong xã hội như là trọng tâm của ý thức hệ và cơ chế tổ chức phải có để tôn trọng phẩm giá con người.

Quốc Gia không thể thay thế cá nhân con người, các tổ chức xã hội trung gian, mà chỉ có thể thiết định và phối hợp các động tác liên hệ của con người, liên hệ với nhau cũng như liên hệ với tổ chức Quốc Gia vì công ích: nhưng suy nghĩ cho cùng, dầu cho Quốc Gia có ra lệnh, chỉ thị bắt buộc, các lệnh truyền đó của Quốc Gia chỉ có tính cách chính đáng, nếu là lệnh truyền để nhằm bảo vệ tự do của người dân và lợi công ích.

Chỉ có như vậy, chúng ta mới hiểu được nguyên cội các quyền của cá nhân và xã hội, thấy đuợc mối tương quan thiết yếu lẫn nhau giữa họ với nhau.

Tuyên Ngôn Dignitatis humanae nhắc cho chúng ta nhớ rằng không thể nhân danh giáo lý hay thực hành tôn giáo để xoá bỏ hay áp đặt nguyên cội đó của các quyền con người. Nói cách khác,, không có tôn giáo nào có thể xóa bỏ được tự do lương tâm tôn giáo, nếu tôn giáo đó vẫn còn tôn trọng bổn phận phải tìm kiếm chân lý của mỗi người.

Hành động như vậy, một đàng không phân tách được sự khác biệt

   - giữa định chế luật pháp  ( tức là định chế các điều kiện vật chất thích hợp để uốn nắn và tạo được cuộc chung sống giữa các cá nhân con người và chính căn tính tôn giáo của con người)

   - và lãnh vực thiện hảo của tôn giáo -luân lý.

Đó là lãnh vực định chuẩn cá biệt của tự do và chỉ từ tự do đó, với tư cách là phương thức tối thượng và căn bản của hành động con người, chúng ta mới chuẩn định được hành động chính đáng của con người.

Bởi đó Công Đồng Vatican II, trong Tuyên Ngôn vừa đề cập, xắc nhận rằng:

   - " Chân lý phải được tìm ra trong thể thức đáp ứng được phẩm giá và xã hội tính của con người , có nghĩa là bằng một cuộc tìm kiếm tự do ".

Cũng với tầm quan trọng đó nhãn quang lịch sử cũng được đặt liền " bên cạnh " quan niệm truyền thống " khách quan " trong ý nghĩa bản thể phổ quát của con người được Chúa ban cho có phẩm giá, bởi lẽ bản thể đó được thiết định trên trật tự được Chúa dựng nên  hay trên thực tại con người giống hình ảnh chính Thiên Chúa, nguyên cội từ đó thoát xuất ra hình thức hữu lý - cần thiết cho các quyền con người.

Đặt tầm quan trọng đến quyền tự nhiên của con người, không phải chỉ là kết quả của một xác tín được khai triển, có vẽ như để đáp ứng lại nhu cầu phổ quát và truyền thông đối với xã hội ngày nay . Giáo Hội cũng đáp ứng  lại bằng cách dựa lên trên bản tính phổ quát của con người ( có giá trị đối với mọi người và ở mọi thời đại ).

Tuy nhiên phẩm giá và các quyền của con người là những đòi buộc " khách quan, bất khả xâm phạm và bất khả nhượng ", không tùy thuộc vào lượng số nội dung và bối cảnh lịch sử trong đó các quyền của con người được tuyên bố.

Dĩ nhiên các quyền của con người, không phải tất cả đều tuyệt đối. Bởi lẽ ngoài một số quyền bất di dịch và bất khả nhượng, như những gì Tuyên Ngôn Độc Lập 1776 Hoa Kỳ tuyên bố: 

   - " Mọi người được dựng nên bình đẳng như nhau. Trong các quyền nầy, quyền được bảo toàn mạng sống, quyền toàn vẹn thân thể và quyền được tìm kiếm hạnh phúc là những quyền thượng đẳng " ( Tiền Đề Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Ký 1776),  nhiều quyền khác của con người bị " tương đối hoá " trong cuộc sống xã hội với nhau: quyền tự do di chuyển trước ngã tư đèn xanh, đền đỏ chẳng hạn.Quyền tự do di chuyển của người gặp đèn đỏ bị tương đối hoá đối với người có đèn xanh. Một quyền căn bản của ccon người  bị tuơng đối hoá ví lợi ích cho các cá nhân khác, cũng như vì công ích.

Nhưng tương đối hoá, không có nghĩa là bị vi phạm, đàn áp, bị tước bỏ, coi không ra gì.

Và đó là những gì Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức đã xác nhận và tiên liệu, trong phương thức tổ chức xã hội của họ:

   - " Không có bất cứ một trường hợp nào, trong đó một quyền căn bản của con người bị vi phạm đến nội dung thiết yếu của nó " ( Điều 19, đoạn 3 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).  

Nói cách khác, từ ngữ " bản thể con người "  phải được hiểu như là " nguyên lý luật pháp ",một chỉ thị luân lý.

Hiểu như vậy, chúng ta hiểu được từ ngữ " bản thể " ( natura ) không có chỉ định một thực thể cố định, bất di dịch, mà là một sơ đồ luân lý năng động, được ấn dấu bằng một " đinh ý mặc nhiên hàm chứa  " mở rộng cho những gì thiện hảo đối với con người.

Như vậy, quan niệm " bản thể " gồm một yếu tố vĩnh viễn cố định và một yếu tố lịch sử - năng động. Con người được Thiên Chúa dựng nên " giống hình ảnh Người " ( Gen 1, 26-27), nhưng " giống hình ảnh Người " , con nguời không phải chỉ là một bức tranh, một pho tượng bất động chết đứng, mà là có trí khôn ngoan và lòng ước muốn hạnh phúc, phản ảnh lại trí khôn ngoan vô tận và hạnh phúc bất diệt của Thiên Chúa.

Với những gì được Chúa ban cho, con người sống giữa trần thế, giữa dòng lịch sử, cùng chung với anh em, hoạt động để luôn luôn trở nên thiện hảo hơn và làm cho thể giới trở nên tốt đẹp hơn, tiếp tục công trình tạo dựng của Thiên Chúa, như mục đích Chúa muốn, khi Người đặt tổ phụ chúng ta trong vườn địa đàng:

   - "  Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Địa Đàng, để trồng trọt và canh giữ đất đai " ( Gen 2, 15).

 

Phẩm giá con người trong viễn ảnh thần học.

Dưới nhãn quang thần học, ĐTC Gioan Phaolồ II tìm hiểu sâu hơn về phẩm giá con người và đặt câu hỏi Giáo Hội có thể làm gì để " cộng tác vào việc thăng tiến con người tự do trong một xã hội tự do ".

Câu hỏi được đặt ra thoát xuất từ những nền tảng thần học về con người:

   - " Con người là con đường tiên khởi và là con đường nền tảng của Giáo Hội " ( ĐTC Gioan Phaolồ II, Redemptor hominis).

Bơi đó

   - " Cần phải luồn luôn trở lại không ngừng trên con đường nầy và tiếp tục đi theo con đường đó " ( id., Laborem excercens).

Và ĐTC đã đưa ra một câu trả lời bằng cách tặng cho chúng ta một bài suy niệm dài về

   - " tình yêu thương và lòng khoan dung nhân hậu cho phép con người có thể gặp nhau trong giá trị của chính con người, với phẩm giá mà chính con người có " ( Dives in misericordia n.14).

Mầu nhiệm lòng khoan dung nhân hậu của Chúa soi sáng cho chúng ta biết được lòng khoan dung nhân hậu được con người thực hiện và ban tặng cho họ danh nghĩa là những người hạnh phúc " được chúc lành " ( Mt 5, 7):

   - " Phúc cho ai thương xót người, vì họ được Thiên Chúa xót thương " .

Lòng nhân hậu của Thiên Chúa là nền tảng cuối cùng của bình đẳng và tình thân hữu giữa con người với con người.

ĐTC Gioan Phaolồ II đã nói lên tầm quan trọng của những nhu cầu ngoài kinh tế của con người, trong đó Giáo Hội có một vai trò và trách nhiệm đặc biệt.

Nhãn quang chính đáng đối với con người và giá trị độc đáo của mình là nguyên lý định hướng cho Thông Điệp Centesimus annus của ngài, bởi vì con người hiện diện trên mặt đất là

   - "  tạo vật duy nhứt mà Thiên Chúa muốn cho chính mình " ( chính tạo vật con người ) ( CA n.10).

Chính trên chân lý về con người mà hệ thống đẳng cấp các quyền của con người được thiết định và được giẳi thích, Bởi đó cần có được một sự hiểu biết cá biệt tổng thể về nội dung các quyền của con người.

Tất cả các quyền của con người, gộp chung lại với nhau, cần phải được đặt liên hệ với bản thể của phẩm giá con người, kể cả ý nghĩa " con người toàn vẹn hoàn hảo " ( homo integralis), chớ không thể chỉ hạn hẹp vào những mục đích vật chất, cá nhân hay ý thức hệ độc tôn, đảng phái.

VỀ MỤC LỤC
Không chỗ nào thánh thiêng hơn 

Nguyên tác: Taking Flight - Bay Lên Đi

Tác giả: Anthony de Mello, S.J.

Chuyển ngữ: Lm. Minh Anh (Gp. Huế)

Chỉ dẫn: 

Tốt nhất, các câu chuyện sẽ được đọc theo thứ tự như đã sắp xếp. Mỗi lần đọc không quá một hoặc hai mẩu chuyện nếu bạn ước ao có được một cái gì đó hơn là chỉ giải trí.

Lưu ý: 

Các chuyện kể trong tập sách này đến từ nhiều đất nước, nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác nhau; chúng thuộc về những di sản thiêng liêng, những câu chuyện hài hước được ưa chuộng của dòng đời nhân loại. 

Những gì tác giả làm là xâu kết chúng lại với nhau theo một ý hướng đặc thù. Công việc của tác giả là công việc của người thợ dệt và thợ nhuộm, tác giả chẳng có công trạng gì về những tấm vải và những sợi chỉ.  

LTS. Chỉ dẫn và lưu ý trên đây là của tác giả. Tuy nhiên, vì Đặc San GSVN chỉ phát hành 2 tuần một lần nên mỗi số báo BBT xin giới thiệu trung bình từ 5 đến 7 mẫu chuyện. Bạn đọc có thể lưu lại để nghiền ngẫm suy tư.

 

Chủ đề : TÔN GIÁO (tiếp theo)

61. Không chỗ nào thánh thiêng hơn 

Có hai anh em, một độc thân, một lập gia đình, cả hai là chủ một nông trại mà đất đai màu mỡ đem lại bao hoa màu. Phần thu hoạch được chia hai, mỗi người một nữa.  

Lúc đầu mọi sự đều tốt đẹp. Nhưng đôi khi, người anh có gia đình bắt đầu thức giấc về đêm và nghĩ ngợi: “Thật không công bằng. Em ta không lập gia đình, chú ấy ở một mình và chỉ nhận phân nửa hoa màu. Mình có vợ và năm con; vậy là an tâm khi về già. Nhưng ai sẽ chăm sóc cho chú khi chú ấy già cả. Chú ấy cần dành dụm nhiều cho tương lai hơn là cho hiện tại. Cho nên, rõ ràng chú ấy cần nhiều hơn mình”.

Suy nghĩ như thế, người anh chỗi dậy lẽn đến chỗ người em, đổ vào kho của cậu một bao lúa đầy.

Cậu em độc thân cũng bắt đầu có những trăn trở tương tự. Mỗi khi thức giấc, cậu tự nhủ: “Rõ ràng là không công bằng. Anh mình có vợ và năm con vậy mà chỉ nhận một nửa hoa mầu. Còn ta, không phải nuôi ai cả ngoài thân mình. Vậy sẽ công bằng khi ông anh rõ ràng với nhiều nhu cầu hơn mình lại chỉ nhận như mình nhận? Vậy là cậu chỗi dậy mang một bao lúa đầy đổ vào kho của người anh. 

Một đêm kia, cả hai cùng dậy một lúc và đâm sầm vào nhau khi mỗi người vác trên vai một bao lúa.  

Nhiều năm sau, hai anh em qua đời và câu chuyện mới được kể lại. Thế rồi, khi dân làng có ý định xây một nhà thờ, họ chọn ngay điểm mà hai anh em ấy gặp nhau vì họ không thể nghĩ đến một chỗ nào khác thánh thiêng hơn. 

Khác biệt quan trọng của việc giữ đạo không ở chỗ đi nhà thờ hay không đi nhà thờ nhưng ở chỗ yêu thương hay không yêu thương. 

ڰ 

62. Đấng Mêsia

Ngày kia, một người chủ trại giàu có đột ngột về nhà và la lớn với vẻ lo lắng, “Rebecca, chuyện thật kinh khủng cho thị trấn chúng ta. Đấng Mêsia đang ở đây”. 

Vợ ông hỏi, “Có gì mà kinh khủng? Tuyệt vời chứ. Sao ông hoảng hốt đến thế?”.  

Người đàn ông lại la lên, “Tôi hoảng hốt ư? Sau bao năm đổ mồ hôi sôi nước mắt, chúng ta mới có được như ngày hôm nay. Chúng ta có hàng ngàn bê bò, kho lẫm đầy ắp và cây cối trĩu quả. Giờ đây chúng ta phải bỏ hết và đi theo ngài”. 

Bà vợ ôn tồn bảo, “Thôi, bình tĩnh đi. Chúa là Thiên Chúa tốt lành. Ngài biết người Do Thái chúng ta luôn phải chịu đựng. Chúng ta phải đương đầu với Pharaon, Haman, Hitler - nghĩa là luôn luôn với một ai đó. Nhưng Thiên Chúa của chúng ta luôn có cách đối phó với họ, phải không? Ngài cũng có cách đối phó với Đấng Mêsia chứ?”. 

ڰ 

63. Dân Chúa chọn 

Goldstein, chín mươi hai tuổi, người đã trải qua những cuộc tàn sát ở Ba Lan, những trại tập trung ở Đức và hàng chục cuộc bách hại khác chống lại người Do Thái.  

Ông nói, “Ôi lạy Chúa! Liệu chúng con có thật là dân Chúa chọn không?”. 

Có tiếng đáp lại từ trời, “Đúng thế, Goldstein, người Do Thái đúng là dân Ta tuyển chọn”. 

“Vậy thì chưa đến lúc Chúa chọn một ai khác hay sao?”. 

ڰ

64. Buông tay ra! 

Một người vô thần rơi xuống từ một vách đá. Đang khi rơi xuống, ông víu được một cành cây nhỏ. Treo lơ lửng giữa trời và vực thẳm đầy những mỏm đá, ông biết chắc không thể nào níu lâu mãi như thế.  

Rồi một ý tưởng chợt đến, ông kêu lớn tiếng, “Lạy Chúa”. Im ắng! Không tiếng đáp lại. 

Ông lại kêu lên, “Lạy Chúa! Nếu có Chúa thì xin cứu tôi. Tôi hứa sẽ tin Ngài và dạy cho người khác cùng tin”. Vẫn im ắng!  

Thế rồi khi sắp buông tay, ông nghe một tiếng oai nghi vang dội khắp vách núi, “Gặp gian truân, ai ai cũng thốt lên như thế”. 

“Không, lạy Ngài, không”. Ông kêu lên với vẻ hy vọng hơn. “Tôi không như những người khác đâu. Tại sao Ngài không thấy, đó, tôi đã bắt đầu tin. Chính tôi đã nghe tiếng Ngài. Giờ đây, những gì Ngài cần làm là hãy cứu tôi, tôi sẽ loan truyền danh Ngài tới tận cùng trái đất”. 

Tiếng nói đáp lại, “Tốt, Ta sẽ cứu ngươi. Nào! Buông tay ra!”. 

Ông thất vọng kêu lớn, “Buông tay ra!”. Chúa nghĩ tôi điên rồi sao?”. 

Người ta nói, khi Môisen ném gậy xuống Biển Đỏ, phép lạ đã không xảy ra. Chỉ khi người đầu tiên lao mình xuống biển thì sóng mới rút xuống và nước rẽ đôi, tạo nên một lối khô ráo cho người Do Thái đi qua. 

ڰ  

65. Tôi không tin ai cả  

Ngôi nhà của tu sĩ Hồi giáo Nasruddin bốc cháy. Ông vội chạy lên mái để thoát thân. Ở đó, khi đang cheo leo trên mái thì các bạn ông tụ lại bên dưới, căng một chiếc mền cho ông và la lớn, “Nhảy, thầy nhảy xuống đi!”. 

Thầy Nasruddin nói, “Không! Không đâu. Tôi biết các người, nếu tôi nhảy, các người sẽ rút tấm mền và đánh lừa tôi”. 

“Ôi! Thầy ơi! Đừng dại dột thế, không đùa đâu, nghiêm túc đấy. Nhảy đi!”. 

“Không! Tôi không tin ai cả. Cứ trải tấm mền xuống đất, tôi sẽ nhảy”.

ڰ 

(còn tiếp nhiều kỳ)

VỀ MỤC LỤC
Linh mục giáo phận sống sứ vụ Hoà giải

 

BẢN THẢO

ỨNG SINH LINH MỤC HỌC & SỐNG LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN

GIÁO TRÌNH TU ĐỨC LỚP THẦN II & III

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE HÀ NỘI 

2011-2012

 

CHƯƠNG MỘT:

ỨNG SINH LINH MỤC HỌC & SỐNG LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN

C. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN (tiếp theo)

 

C.12. Linh mục giáo phận sống sứ vụ Hoà giải[300] 

C.12a. Tầm quan trọng và nhu cầu cấp bách của Bí tích Hòa Giải

Tin Mừng cho thấy hình ảnh Chúa Giêsu không ngừng tìm kiếm và cứu vớt những gì lạc mất, đến độ Ngài tự nguyện đến dùng bữa tại nhà Lêvi và Zakêu, dù bị tiếng là thường giao du với những người tội lỗi và những người thu thuế.[301] Ngay cả trong cơn đau quằn quại trên Thập Giá, Ngài cũng đã giao hòa người trộm lành qua việc bảo đảm thiên đàng cho anh ta.[302] Chúa Kitô đã đến để giải hòa con người với Chúa Cha và với nhau. Ngài là sự giao hòa và là sự bình an, vì “trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đã giao hòa thế gian với chính Ngài…[303] Ngài đã hàn gắn tất cả những gì đổ vỡ, qui tụ tất cả những gì tản mác, hiệp nhất những gì phân rẽ. Ngài đã chịu chết để thu họp tất cả các con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi.[304] Ngài đã mang lấy gánh nặng lỗi lầm của chúng ta và trở thành giống như chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi.[305] Là nhà hòa giải, Chúa Giêsu là nhịp cầu nối kết không chỉ những ai đang chia rẽ nhau, mà nhất là hiệp nhất lại những gì đã phân rẽ bên trong mỗi người.  

Cái gì gây phân rẽ giữa người với người? Và phân rẽ ngay bên trong mỗi người? Chính là tội lỗi và sự dữ. Tội lỗi chia cắt và làm con người phân rẽ. Tội lỗi không chỉ làm cho người ta đoạn tuyệt mình khỏi Thiên Chúa, mà còn đoạn tuyệt mình khỏi người khác, đoạn tuyệt với chính mình nữa. Sự xung đột giữa người với người chỉ chấm dứt khi sự xung đột bên trong bản thân mỗi người chấm dứt. Kinh nghiệm bản thân cho biết cõi lòng mình là một bãi chiến trường của những xung đột này: chúng ta muốn tránh sự dữ, nhưng lại sa vào làm mồi cho sự dữ; muốn làm điều tốt, nhưng lại bị kéo lôi bởi điều xấu. Quả thật chúng ta có thể thốt lên như Thánh Phaolô: “Khốn cho tôi! Ai sẽ kéo tôi ra khỏi tấm thân hay chết này? Xin tạ ơn Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta![306]  

Chúng ta vẫn thường nói về những cơ chế của tội lỗi, những cơ chế của bất công, của sự phân biệt đối xử trên thế giới, nhưng những cơ chế ấy phát xuất từ đâu? Chúng ta dễ quên những cơ sở hạ tầng của tội lỗi bên trong chính mình. Những cơ chế bên ngoài của tội lỗi sẽ chỉ biến mất nếu những cơ chế tội lỗi đồn trú bên trong bản thân mỗi người bị giải thể. Có lẽ tội lớn nhất của thời đại chính là việc con người đánh mất cảm thức về tội lỗi. Đây là căn bệnh cần được giúp đỡ và chữa trị khẩn cấp. Chúa Giêsu cung ứng cho chúng ta sự chữa trị đó khi Ngài giải hòa chúng ta với chính mình, với nhau, và với Thiên Chúa. Linh mục là thừa tác viên và là sứ giả của sự hòa giải này, nối lại các nhịp cầu và kiến tạo hòa bình. Linh mục cũng cần biết nhìn nhận rằng trong sâu thẳm con người mình, linh mục vẫn mang những mầm mống của tội lỗi và ích kỷ, rằng linh mục cũng cần được hòa giải ngay cả khi linh mục đem lại sự hòa giải cho người khác. 

Mẹ Giáo Hội cung cấp cho chúng ta một phương thế để đón nhận sự hòa giải và niềm bình an ấy: đó là Bí Tích Hòa Giải. Chúng ta phải nhìn nhận tội lỗi và sự dữ ở bên trong chúng ta và đặt mình qui phục lòng thương xót và sự thiện hảo của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Giáo Hội hết sức nhấn mạnh tầm quan trọng của Bí Tích Hòa Giải. Nhờ bí tích này, chúng ta nhận lãnh không chỉ sự thứ tha tội lỗi, mà còn nhận lãnh sức mạnh của ơn Chúa để có thể phá tan những cơ chế tội lỗi bên trong mình.

C.12b. Thừa tác viên và việc cử hành Bí tích Hòa Giải

Linh mục, nhất là linh mục giáo phận không những phải thực thi vai trò thừa tác viên của Bí Tích Hòa Giải, mà còn phải là người ân cần và đều đặn lãnh nhận bí tích này, để chính linh mục trở nên chứng nhân của lòng thương xót mà Thiên Chúa dành cho tội nhân, thành thật nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình và mở lòng ra đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng luôn sẵn sàng tha thứ và cứu độ. Linh mục giáo phận phải là một hối nhân mẫu mực thì mới có thể làm một cha giải tội mẫu mực được.  

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong Tông Huấn Reconciliatio et Paenitentia đã trình bày một cách sắc bén như sau: “Đời sống tu đức và mục vụ của linh mục muốn thực sự có chất lượng và sinh động, cần phải là một đời sống lãnh nhận Bí tích Hòa Giải thường xuyên và đầy ý thức. Việc cử hành Bí tích Thánh Thể của linh mục và vai trò của ngài trong các bí tích khác, nhiệt tâm mục vụ của ngài, mối quan hệ của ngài đối với các tín hữu, mối hiệp thông của ngài đối với các anh em linh mục khác, sự cộng tác của ngài với Giám mục, đời sống cầu nguyện của ngài, nói tắt một lời là tất cả cuộc sống linh mục của ngài sẽ lụn bại thảm khốc, nếu do cẩu thả hay do một lý do nào khác mà ngài không lãnh nhận Bí tích Hòa Giải một cách đều đặn với lòng tin và lòng sốt mến chân thành. Nếu một linh mục không còn bước đến tòa giải tội nữa hay không còn xưng thú tội lỗi của mình một cách nghiêm túc nữa, thì con người linh mục và sứ vụ linh mục của ngài chẳng mấy chốc sẽ gánh lấy hậu quả thê thảm, và hậu quả này sẽ tác động rõ ràng trên chính cộng đoàn mà ngài phụ trách.”[307] 

Việc cử hành Bí tích Hối Sám luôn là một cử hành phụng vụ, ngay cả với hình thức riêng tư của nó. Thực hành bí tích sám hối là một yếu tố trong đời sống cầu nguyện của cả hai người, người xưng thú lẫn người nghe xưng thú. Linh mục là thừa tác viên thường xuyên của Bí tích Giải Tội. Ngài không chỉ đều đặn thực hành bí tích này, mà còn cố gắng hiểu biết tốt hơn và cử hành nghiêm túc, vì bí tích này cũng là một tập luyện tuyệt vời về nhân đức, đền tội…, là trường tu đức không thể thay thế, là một sự trợ giúp thực sự trên con đường đổi mới và thánh hóa.   

Bí tích Hòa giải là một quà tặng, một khí cụ quan trọng để tái định hướng, thánh hoá và tăng trưởng thiêng liêng, đặc biệt nếu nó không chỉ được coi là một nghi thức, một cơ hội không chỉ để xưng tội, song để trao đổi với một cha giải tội và linh hướng có kinh nghiệm từng trải, nhờ đó đạt tới một kinh nghiệm chữa lành và vui sống. Việc linh hướng đều đặn là một bảo đảm khác cho việc tái định hướng, tăng trưởng và phát triển đời sống thiêng liêng trưởng thành.[308]  

Thường chỉ xưng tội mà thôi không đủ, hối nhân cũng cần được trao đổi giải quyết và như thế thấy được các gốc rễ sâu xa hơn của lỗi phạm, cùng là cơ hội mở ra các viễn ảnh tương lai. Lối xưng tội chia sẻ và đối thoại như thế cũng mang lại một sự cởi mở lớn hơn trên cả chiều kích nhân bản và thiêng liêng. Chính vị linh mục cũng được khích lệ rất nhiều trong một kinh nghiệm như thế, nhờ đó ngài có khả năng giúp đỡ những người khác trong cùng một đường lối hoặc tương tự. Bí tích hòa giải là một trong những quà tặng đặc biệt của linh mục cho kẻ khác trong thừa tác vụ bí tích của ngài, nhưng đồng thời nó cũng là khí cụ cho linh mục tăng trưởng trong đời sống thiêng liêng và bác ái mục tử.

C.12c. Giá trị sư phạm của Bí tích Hoà giải

Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 25/3/2011 dành cho 800 tham dự viên khóa học về bí tích giải tội do Tòa Ân Giải Tối Cao tổ chức từ 21/3-11/4/2011, ĐTC Biển Đức XVI nhấn mạnh giá trị sư phạm của Bí tích Giải Tội đối với cha giải tội, cũng như đối với hối nhân:

Đối với Cha Giải Tội, Ngài nói: “Các linh mục thân mến, anh em đừng lơ là trong việc dành thời giờ cho việc ban bí tích giải tội. Chúng ta đừng quên rằng bao nhiêu cuộc hoán cải và bao nhiêu cuộc sống thánh thiện thực sự đã bắt đầu trong một tòa giải tội! Linh mục có thể chứng kiến những phép lạ đích thực về sự hoán cải, cảm nhận và chiêm ngắm lòng từ bi của Thiên Chúa. Việc nhận biết chiều sâu của tâm hồn, kể cả những khía cạnh đen tối, có thể là một thử thách đức tin cho chính linh mục, nhưng cũng có thể nuôi dưỡng nơi linh mục xác tín rằng lời nói cuối cùng trên sự ác của con người và của lịch sử chính là của Thiên Chúa, và lòng từ bi của Ngài có thể đổi mới mọi sự. Cha giải tội có thể học được nơi các hối nhân gương mẫu về đời sống thiêng liêng của họ: sự xét mình nghiêm túc, sự minh bạch trong việc nhận lỗi và ngoan ngoãn đối với giáo huấn của Giáo Hội, cũng như những chỉ dẫn của cha giải tội. Qua việc giải tội, linh mục có thể nhận được những bài học sâu xa về lòng khiêm nhường và đức tin, là lời nhắc nhở mạnh mẽ cho linh mục ý thức căn tính của mình.”  

Đối với hối nhân, ĐTC dạy: “Việc xét mình giúp hối nhân chân thành cứu xét cuộc sống của mình, đối chiếu với chân lý Phúc Âm và đánh giá nó không chỉ theo các tiêu chuẩn con người, mà nhất là theo các tiêu chuẩn của Mạc Khải. Sự đối chiếu cuộc sống với các giới răn, các mối phúc thật và nhất là với giới luật yêu thương chính là một trường học lớn của bí tích giải tội. Trong thời đại ồn ào ngày nay, với sự chia trí và cô đơn, cuộc nói chuyện của hối nhân với cha giải tội cũng có thể là một trong những cơ hội, nếu không muốn nói là cơ hội duy nhất, để được thực sự lắng nghe trong chiều sâu. Sự kiện được lắng nghe và đón nhận là một dấu chỉ về sự đón nhận và lòng từ nhân của Thiên Chúa đối với con cái của Ngài. Sự xưng thú trọn vẹn các tội lỗi cũng dạy hối nhân về sự khiêm tốn, nhìn nhận sự mong manh yếu đuối của mình, và đồng thời ý thức về sự cần ơn tha thứ của Thiên Chúa, xác tín rằng Ơn thánh của Chúa có thể biến cải cuộc sống. Việc lắng nghe những lời nhắn nhủ và khuyên bảo của cha giải tội là điều quan trọng giúp hối nhân phán đoán về hành vi của mình để tiến bước trên đường thiêng liêng và được chữa lành trong nội tâm.”

C.12d. Giá trị của việc xưng tội cá nhân

Trong cuộc tiếp kiến ngày 11/3/2010, ĐTC Biển Đức XVI nhấn mạnh tới sự cần thiết phải mở ra một cuộc “đối thoại cứu độ” cho những ai tìm kiếm ơn tha thứ. Nhắc tới thánh Gioan Maria Vianney, người đã thực thi sứ vụ hòa giải một cách anh hùng và hiệu quả phong phú, Ngài nói rằng các linh mục có thể học “không chỉ một niềm tín thác vô tận nơi bí tích sám hối, mà còn một phương pháp đối thoại cứu độ phải được thực hiện trong khi ngồi tòa.”  

Cuộc đối thoại giữa hối nhân và cha giải tội làm cho việc cử hành bí tích đáp ứng sít sao hơn với từng tình huống cụ thể của hối nhân, với các lý do khác nhau sau đây của hối nhân: 

·  Nhu cầu hòa giải cá nhân và tái nhập vào tình bằng hữu với Chúa nhờ nhận lại được những ơn đã mất do tội đã phạm;

·  Nhu cầu tìm kiếm sự tiến bộ thiêng liêng: “hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu.”[309] 

·  Đôi khi cần một sự biện phân thích đáng hơn về ơn gọi.

·  Trong nhiều trường hợp, không những cần mà còn khao khát thoát khỏi tình trạng hờ hững thiêng liêng và khủng hoảng đời tu, hầu có một lối giải quyết, một lối đi mới trong chính hoàn cảnh cụ thể đang phải sống. 

Trong cuộc đối thoại này phải tránh đề cập trực tiếp đến đệ tam nhân. Phải rất cẩn thận và tế nhị trong các câu hỏi để làm sáng tỏ hầu có biện pháp và lời khuyên thích ứng, giúp hối nhân thay đổi lật sang một trang mới của cuộc đời. Có ba thứ tội tối kỵ đối với linh mục kèm theo vạ tiền kết dành riêng cho Tòa Thánh: Lỗi ấn tòa giải tội, khuyến dâm trong tòa và giải tội cho đồng phạm.

C.12e. Không được xưng tội và giải tội qua điện thoại

Có một số người gọi điện thoại trình bày việc lương tâm rồi hỏi “con có thể xưng tội luôn được không?” Và chắc chắn chúng ta đã làm đúng khi từ chối. Ở bên Mỹ, người ta vừa giới thiệu một ứng dụng mới dành cho iPhone, iPad và iPod Touch:[310] Giải tội, một ứng dụng của Giáo Hội Công giáo Rôma. Chương trình này được Đức cha Kevin Carl Rhoades,[311] ký imprimatur xác nhận tính hợp pháp về giáo luật cho phép ấn hành “dành cho những ai năng chịu phép Bí tích và những ai muốn ăn năn trở lại.”  

Cha Federico Lombardi sj, phát ngôn viên Tòa Thánh nói rõ: “Bí tích Hòa giải đòi phải có cuộc đối thoại cá nhân giữa hối nhân và cha giải tội, đồng thời việc tha tội được thực hiện bởi cha giải tội đang hiện diện và nghe lời xưng tội... Không một ứng dụng công nghệ thông tin nào thay thế được việc xưng tội và giải tội như đã nêu.” Tuy không loại trừ những tiện ích của công nghệ thông tin giúp cho đời sống thiêng liêng “Trong một thế giới đang có nhiều người nhờ đến sự giúp đỡ của công nghệ thông tin trong việc đọc và suy nghĩ (như các bản kinh giúp cầu nguyện), giúp chuẩn bị xưng tội, như ngày xưa đã nhờ các bản xét mình, các câu hỏi viết trên giấy để xét mình trước khi xưng tội, dựa theo danh sách các thứ tội,” nhưng chỉ được “coi iPhone như một cẩm nang mục vụ được thực hiện bằng kỹ thuật số, nhằm đem lại một số lợi ích, mà không thay thế được việc cử hành Bí tích.” Như vậy, mọi đồn thổi về việc Tòa Thánh chấp thuận cho cử hành Bí tích Hòa giải qua các phương tiện thông tin hiện đại đã hoàn toàn bị bác bỏ.[312]

________

Chú thích

[300] Xem tài liệu Bộ Giáo Sĩ vừa xuất bản, là kết quả của Năm Linh Mục, tựa đề là “LINH MỤC, THỪA TÁC VIÊN CỦA LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT: Những yếu tố để giúp các cha giải tội và linh hướng,” đặc biệt phần I nói về Sứ vụ sám hối và hòa giải trong viễn ảnh của sự thánh thiện Kitô giáo.

[301] Mt 11,19.

[302] Lc 23,43.

[303] 2 Cr 5,19.

[304] Ga 11,52.

[305] Dt 4,15.

[306] Rm 7,24.

[307] JP II, Reconciliatio et Paenitentia, số 31.

[308] Xem tài liệu Bộ Giáo Sĩ vừa xuất bản, là kết quả của Năm Linh Mục, tựa đề là “LINH MỤC, THỪA TÁC VIÊN CỦA LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT: Những yếu tố để giúp các cha giải tội và linh hướng,” đặc biệt  phần II nói về Sứ vụ linh hướng.

[309] Kh 2,2-5

[310] do công ty Indiana-based company Little iApps sáng chế: “Confession: A Roman Catholic App.”

[311] Giám mục Giáo phận Fort Wayne-South Bend (bang Indiana, Hoa Kỳ).

 

VỀ MỤC LỤC
DINH DƯỠNG VỚI VIÊM XƯƠNG KHỚP
 

Trong những năm gần đây, nhiều nhà chuyên môn  đã nghĩ ra và đề nghị áp dụng dinh dưỡng trong việc phòng chữa bệnh Viêm Xương Khớp. Lý do là, sự thành hình của bệnh chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố liên quan tới nếp sống như là chế độ dinh dưỡng, sự vận động cơ thể, công việc làm cũng như những thương tích xẩy ra cho xương khớp trong quá khứ.Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào xác định là một chế độ ăn uống hoặc một món thực phẩm nào đó có thể trị được bệnh viêm khớp này.

Có một số ý kiến cho rằng nếu ta ăn vài trăm gram cá mỗi ngày thì có thể giảm cứng khớp mỗi sáng khi thức dậy.

Bác sĩ Joel M.Kremer của Đại Học Y Khoa Nữu Ước cho hay, uống dầu cá viên trong hai tuần lễ có thể làm giảm sưng và đau của viêm khớp. Ta nhớ là cá có loại chất béo Omega-3 fatty acid.

Có người cũng đã thử nghiệm và thấy cà chua, broccoli cũng làm bớt đau viêm khớp.

Nhiều nghiên cứu cho hay nếu bổ sung các chất sau đây có thể giảm thiểu rủi ro gây ra viêm xương khớp cũng như khó khăn đi lại vì đau nhức.

Vitamin C có thể trì hoãn sự phát triển của viêm xưong khớp, tăng cường sức bền bỉ của đĩa sụn cũng như giảm thiểu tác dụng lão hóa của các gốc tự do đối với xương.

Sinh tố C có nhiều trong chanh, cam, dâu, trái kiwi, rau có mầu xanh xậm, cà chua, dứa…

Nam giới có thể dùng thêm 90 mg mỗi ngày, nữ giới 75 mg. Với viêm xương khớp, nhiều nhà chuyên môn đề nghị dùng khoảng 200 mg/ngày.

Vitamin C có trong

mg

 

 

 Red bell pepper, 1 cup

 280

 Guava, 1 medium

 165

 Broccoli, 1 cup

 120

 Orange, 1 medium

 120

 Green bell pepper, 1 cup

 120

 Cauliflower (cooked), 1 cup

 100

 Papaya, 1 medium

 95

 Strawberries, 1 cup

 90

 

Beta-caroten là một chất chống sự oxy hóa có khả năng trì hoãn sự phát triển của viêm xương khớp, giảm đau.

Chất này có nhiều trong rau trái cây có màu đỏ, vàng và cam như pumpkin, cantaloupe, ớt, carrot, rau spinach, rau riếp, cải xoăn kale…

Nhu cầu cho người lớn mỗi ngày là 2200 IU, nhưng các nhà chuyên môn cho hay có thể dùng tới 9000 IU/ngày để có tác dụng tốt đối với các khớp bị viêm đau.

Nguồn cung cấp Beta Caroten

 IU

 Sweet potato (baked), 1 medium

 28,058

 Carrots nấu chín, 1 cup

 26,835

 Spinach nấu chín, 1 cup

 22,916

 Kale chín, 1 cup

 19,116

 Pumpkin pie, 1 slice

 12,431

 Carrot sống, 1 medium

 8,666

 Butternut Squash (boiled), 1 cup

 8,014

 Spinach (raw), 1 cup

 2,813

 Mango, 1 cup sliced

 1,262

 

Vitamin D được mệnh danh là vitamin ánh nắng mặt trời, vì nếu mỗi ngày ta phơi nắng khoảng 15 phút là có được một lượng đáng kể sinh tố này. Tuy nhiên không phải là ai cũng phơi nắng được, cho nên nếu mỗi ngày tiêu thụ các thực phẩm có sinh tố này thì xương cốt sẽ vững chắc hơn, khớp sẽ bớt rủi ro thoái hóa viêm đau.

Vitamin D có nhiều trong trứng, dầu cá sữa tăng cường sinh tố D, các loại hạt ngũ cốc. Một ngày cơ thể cần khoảng 600-800 IU.

Vitamin D có trong

 IU

Cod liver oil, 1 Tbsp

 1,360

Salmon, 3.5 oz

 360

Mackerel, 3.5 oz

 345

Tuna (canned), 3 oz

 200

Sardines (canned), 1.75 oz

 250

Milk, D-fortified, 1 cup

 100

Egg (or egg yolk), 1 medium

 41

Cereals, D-fortified, 1 cup

 40

 

Omega-3 fatty acids có tác dụng giảm viêm  và có nhiều trong các loại cá như salmon, halibut, tuna, sardine, các loại hạt pecans, óc chó walnuts, đậu nành, dầu olive, dầu canola…

 

 Omega-3 trong

 Grams

 Flaxseeds (ground), 2 Tbsp

 3.5

 Walnuts, 1/4 cup

 2.3

 Atlantic salmon, 3.5 oz

 2.0

 Albacore tuna, 3.5 oz

 1.5

 Soybeans (cooked), 1 cup

 1.0

 Halibut, 3.5 oz

 0.5

 Tofu (raw), 4 oz

 0.4

 Olive oil (uncooked), 2 Tbsp

 0.2

 

 Ngoài ra, trên thị trường, có vài sản phẩm được giới thiệu là làm thuyên giảm triệu chứng của viêm khớp. Đó là:

*Chất Glucosamine.

Glucosamine sulfate là chất được lấy ra từ vỏ sò, vỏ cua và được bán dưới dạng thuốc viên. Theo nhà sản xuất, mỗi ngày uống 1500mg chia ra làm ba lần. Thuốc chỉ gây ra một chút khó chịu cho bao tử. Nhiều nghiên cứu cho hay, phải uống cả tháng mới thấy có công hiệu.

Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho hay, Glucosamine có tính chất chống viêm và kích thích sản xuất sụn.

*Chất Chondroitin.

 Đây là chất được lấy ra từ sụn cá mập và bò và có dưới dạng viên hoặc con nhộng. Cũng như Glucosamine, món thuốc này được giới thiệu có khả năng chống viêm và tạo sụn. Một số nghiên cứu khoa học cho hay, chondroitin có tác dụng tốt hơn thuốc vờ placebo và ít gây ra tác dụng phụ.

Mỗi ngày phải uống khoảng 1200 mg, chia ra làm ba lần và phải uống khoảng bốn tuần lễ mới thấy công hiệu.

Hai chất vừa kể đã được Thú Y Sĩ dùng từ nhiều năm để chữa viêm khớp của chó, còn bên Âu châu như là chất bổ sung chữa trị Viêm Xương Khớp. Tại Hoa Kỳ hai chất được xếp vào nhóm thực phẩm bổ sung.

Chưa có nghiên cứu khoa học để xác nhận vai trò trị bệnh của chúng.

*SAMe. Đây là viết tắt của S-Adenosylmethionine, là một hợp chất thiên nhiên trong mọi tế bào còn sống và được sản xuất bằng cách nuôi tế bào các loại men, nấm.

SAMe đã được bán theo toa bác sĩ ở Âu châu từ năm 1975 để chữa viêm khớp và trầm cảm. Món thuốc này khá đắt và phải dùng từ 400mg tới 1200mg mỗi ngày. Tác dụng phụ là khó chịu tiêu hóa, như là tiêu chẩy.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm nhiều người thì Gừng, khoáng Borom, chất DMSO Dimethyl Sulfoxide từ quả Gỗ Cơm (pulp) cũng có công dụng ngăn ngừa viêm của xương khớp.

Nói chung, dinh dưỡng có thể giảm thiểu rủi ro mắc bệnh viêm xương khớp cũng như trì hoãn sự tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, giảm cân nếu quá mập phì vẫn là điều cần áp dụng, vì sức nặng của cơ thể là một trong những rủi ro chính gây ra bệnh viêm xương khớp.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Texas-Hoa Kỳ

www.bsnguyenyduc.com

 
VỀ MỤC LỤC
Mối phúc dành cho kitô hữu

 

Tác Phẩm: Đạo vào đời

Gs. Nguyễn Đăng Trúc

Định Hướng Tùng Thư -2012

 

Chương II: Mối phúc dành cho kitô hữu [1]  

 

Phúc cho các con nếu người ta sỉ nhục các con,

nếu người ta bắt bớ các con mọi cách vì  Ta.

Các con hãy ở trong sự vui mừng và hoan hỉ,

 vì phần thưởng các con sẽ lớn trên trời.

(Mt 5,11-12)

  

Các con là muối đất...

 (Mt 5,13)

Các con là ánh sáng thế gian.

(Mt 65,14)

Vì thế ánh sáng của các con phải sáng lên trước mặt mọi người, để, khi thấy các việc làm tốt lành của các con, họ tôn vinh Cha các con Đấng ở trên trời.

(Mt 5,16) 

Tác giả Matthieu đã viết thành hai phần riêng về các mối phúc: tám mối phúc đầu dành cho mọi người, ở ngôi thứ ba số nhiều, và mối phúc thứ chín nầy nhằm chỉ riêng cho những kẻ đã biết đến Ngài và đi theo Ngài. 

Tại sao lại phải chia ra hai phần như thế ?

 

1 - Mặc khải về Đức Kitô, Ngài là Nước Trời mà mọi người mong đợi 

Matthieu là một tác giả Do-thái, rao giảng Tin Mừng trực tiếp cho một cộng đoàn hầu hết là gốc Do-thái. Và tâm thức người Do-thái đương thời, khi nói đến Đấng Thiên sai thì luôn nghĩ đến một vị giải phóng ch trị cho dân tộc họ mà thôi. Đó là một trong những yếu tố khách quan thúc đẩy Matthieu nói rõ hơn, nhấn mạnh về Một Đức Kitô cứu độ toàn nhân loại.

Trong ánh sáng của Thánh giá và sự Phục sinh của Chúa Kitô, Matthieu soi dọi lại lời hứa của Thiên Chúa sẽ cứu độ toàn nhân loại được mặc khải trong Cựu ước và trong lịch sử dân Israel, dân được chọn. Thêm vào đó, từ những sự kiện lạ lùng như ba nhà đạo sĩ phương Đông đến thờ lạy Chúa Kitô khi Ngài sinh ra, đến sứ điệp cuối cùng trao cho các môn đệ rao truyền Tin mừng khắp các dân tộc, cũng như việc các thánh đã chết đi vào thành thánh khi Chúa sống lại... Matthieu không những nêu lên ơn cứu độ cho mọi người, mọi dân tộc, mà còn nhấn mạnh đến hiệu năng của ơn cứu độ vượt không gian và thời gian, các khung cảnh, ranh giới bên ngoài theo ước lệ xã hội.

Mặc khải đó thấy rất rõ ở trong chính mối phúc nầy. Chữ Nước Trời, trong tám mối phúc đầu được xác định là Chúa Kitô, và Thiên Chúa là Cha trên trời của mọi người ở mọi thời đại.

Đức Kitô đến để hoàn thành, để thực hiện lời Thiên Chúa hứa, lời đó gieo trong lòng mỗi người từ cổ chí kim, và nói rõ thành dấu chứng lịch sử trong dân Israel.

Thánh Phaolô viết rằng : 

Tất cả tạo vật trông đợi khát khao sự mặc khải làm con Thiên Chúa: nếu nó đã bị mê lầm chế ngự, không phải vì nó đã muốn sự mê lầm, nhưng vì Đấng đã để nó ở trong sự mê lầm, thì nay với niềm hy vọng nó cũng được giải thoát khỏi sự nô thuộc của sự hư nát để đi vào trong sự tự do của vinh quang của các con Thiên Chúa. (Rom 8,20-21)

Sau hết hởi anh em, tất cả những gì là thật, là cao cả, là công chính, là thanh khiết, là đáng mến, là đáng kính, tất cả những gì là tốt lành nơi nhân đức và đạo lý con người, anh em phải lưu tâm. Những gì anh em đã học biết, đã lãnh nhận, đã nghe nơi ta và nhận thấy nơi ta, anh em phải thực thi...(Phil 4,8-9)

Theo danh từ thần học, ta thấy được rằng, toàn nhân loại là chi thể Chúa Kitô, là Giáo hội nhiệm mầu đã được thanh tẩy trong sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Nên mọi nỗ lực, thiện chí của bất cứ ai đều được gọi là tốt trong Con Người Tốt là chính Ngài. Thánh Thần là sự Sống của Chúa Kitô hành động nơi mọi người, dẫu họ không biết đến tên Ngài. Vì thế, những gì tốt đẹp nơi họ, môn đệ của Chúa Kitô, Kitô-hữu, phải chú tâm học hỏi. Đây là nền tảng thần học về đối thoại tôn giáo và nỗ lực hội nhập văn hóa.

Mầu nhiệm Đức Kitô làm người lịch sử trong nhân loại đi đôi với mầu nhiệm của những kẻ được Thiên Chúa chọn để biết và nhận mặc khải lạ lùng nầy. Không ai tự mình có thể hiểu, và cũng không ai tự hào về công lao riêng gì của mình, trong việc mình được ơn đặc biệt làm kitô hữu cả. Nên cũng vì thế trong bài giảng được gọi là “bài giảng về Giáo hội học”, Matthieu nhắc lại lời Chúa Kitô về chỗ đứng của Kitô-hữu giữa lòng nhân loại : 

Bấy giờ các môn đệ đến gần Chúa Giêsu để hỏi Ngài: Ai là người lớn nhất trong Nước Trời? Ngài gọi một trẻ nhỏ, đem nó đến giữa họ và nói: Ta nói thật với các con điều nầy, nếu các con không trở về tình trạng của ấu nhi, các con sẽ không vào được Nước Trời. Ai trở nên bé nhỏ như trẻ nhỏ ấy, đó là người lớn nhất trong Nước Trời. (Mt 18, 1-4) 

Trở về tình trạng ấu thơ, (Lão tử gọi là “hoàn đồng”) là khiêm tốn tiếp nhận chân lý, không tranh dành cao thấp, không định giá mình cao trọng hơn kẻ khác, và đặt niềm tin vào Chúa quan phòng.

Là nơi mặc khải Chúa Cứu độ toàn nhân loại, Kitô-hữu tích cực nhìn nhận có sự tốt lành trong nỗ lực của mọi người, mọi giới, vì tất cả sự tốt lành đó không nằm ngoài ơn Cứu độ của Chúa Kitô. Mặc khải đó không ban cho họ, trên bình diện cá nhân hay cộng đoàn, một đặc quyền nào để ăn trên ngồi trước, cao hơn những kẻ khác trên bình diện xã hội loài người.

 

2 - Phúc của Kitô-hữu và sứ mệnh truyền bá Tin Mừng 

Ơn đặc biệt của Kitô-hữu khi họ nhận biết Nước Trời là Chúa Kitô, nhận biết Thiên Chúa là Cha của mình đi kèm những ân phúc sau đây: 

-         Chịu bắt bớ vì công lý nơi Chúa Kitô.

-         Ở trong sự vui mừng và hoan hỉ.

-         Phần thưởng sẽ lớn trong Nước Trời.

-         Làm chứng chân lý Chúa Kitô bằng cả cuộc sống của mình. 

Chịu bắt bớ vì Chúa kitô 

Những điều ân phúc đó có khác gì với tám ân phúc cho mọi người?

Trước hết, ta xét đến tương quan của chúng qua hình thức hành văn của đoạn nầy:

-  Tám mối phúc đầu là những phương cách biểu lộ của những kẻ “thuộc về Nước Trời”. Mối phúc thứ nhất và mối phúc thứ tám mở ra với “Nước Trời” và kết thúc với “Nước Trời”.

-  Mối phúc thứ chín hầu như lặp lại mối phúc thứ tám: Có thể nói rằng, tác giả thay vì lặp lại từng mối phúc, đã dùng cách hành văn tóm gọn nầy.

- Và ngay ở mối phúc thứ chín, phần cuối nêu lên ý tưởng nầy: “người ta cũng đã ngược đãi các tiên tri, những kẻ đi trước các ngươi.(Mt 5,12) 

Như thế có sự song song: Nước Trời là Chúa Kitô, thì các mối phúc của con người nói chung cũng là các mối phúc của môn đệ Chúa Kitô. Đến đây ta hiểu được rõ ràng hơn nữa, nội dung những câu dẫn nhập của Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”, bản văn nền tảng của Công đồng Vaticanô II định nghĩa vai trò và tương quan giữa Kitô-hữu và cộng đồng con người.

Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ. (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, Lời mở đầu 1) 

Nhưng Nước Trời siêu việt, ẩn kín, cứu cánh mọi người trông chờ và hy vọng, thì nay được mặc khải cho môn đệ Chúa Kitô biết rằng: “Nước Trời là Ta, Đức Giêsu-Kitô đã làm người, chết và được sống lại trong lịch sử nhân loại nầy”. Ta”, chữ Thiên Chúa siêu việt đã mặc khải cho Maisen và nhân loại trong Giao ước cũ: “Ta là Đấng Ta là Ta” (Xuất hành 3,14), nay mang thân xác con người phô bày sự hiện diện của mình, với mình và trước kẻ khác.

 Nhưng tại sao nơi tâm thức mỗi người, nơi các nền văn hóa, chữ Ta lại trở thành vấn đề gai góc (xem Confessions của thánh Augustinô), và cũng là cớ cho mê lầm (nơi tư tưởng nhà Phật). Descartes, Kant, những triết gia nhân bản ngày nay, cũng đã am tường rằng tất cả nỗ lực văn hóa con người cũng khởi đầu từ thắc mắc về chính cái “tôi”. Giải đáp trả lời cho vấn nạn nầy rất là đa biệt, đẩy đưa lịch sử nhân loại phiêu lưu qua nhiều cảnh vực thế giới khác nhau: tôi trong suy tư, tôi trong lao động, tôi trong hưởng thụ vật chất, tôi trong quyền lực... Bên trên những cuộc phiêu lưu đó, vấn đề “cái tôi” như một thắc mắc nguyên sơ vẫn còn đó, gắn bó với nghiệp con người nơi trần thế. 

Chữ “Ta”, khi Chúa Kitô dùng để nói với các môn đệ Ngài, không đơn giản chút nào. Tông đồ Gioan mô tả mầu nhiệm của chữ Ta đó qua cuộc đối thoại của Chúa Kitô và các tông đồ, trước khi Ngài chịu tử nạn. 

Tôma nói với Ngài: Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu. Làm sao chúng con biết đạo (= đường) của Thầy? Chúa nói với ông: Ta là Đạo (=Đường), là sự Thật và là sự Sống. Không ai đến với Cha mà không qua Ta. Nếu các con biết Ta, các con cũng sẽ biết Cha Ta. Ngay từ bây giờ các con biết Ngài và đã thấy Ngài. (Gioan 14, 5-7) 

Nhưng, trước mặc khải ấy, dường như không ai trong các môn đệ hiểu thật sự Chúa Kitô muốn nói gì. Trước đó Chúa Kitô đã không nói về Ngài, đã không làm phép lạ, đã không gọi họ đi theo, và họ đã không theo Ngài hay sao ? Thế mà, ngay sau lời đó, Philiphê lại hỏi ngay: 

Philiphê nói với Ngài: Lạy Thầy, xin Thầy hãy chỉ Cha cho chúng con, và như thế là đủ cho chúng con rồi. Chúa Giêsu nói với ông: Nầy, Ta ở với các con lâu như thế, mà con không biết Ta sao, hởi Philiphê? Ai đã thấy Ta là đã thấy Cha. Làm sao con có thể nói: Xin Thầy chỉ Cha cho chúng con? Con không tin là Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy sao? Các Lời Ta nói cho các con, Ta không tự Ta mà nói ra: Cha là Đấng ở trong Ta hoàn tất mọi việc. Các con hãy tin Ta về những lời ấy! (Gioan 14,8-11) 

Cho đến ngày Chúa Kitô lại đến trong ngày tận thế, sẽ không ai hiểu được đầy đủ chữ “Ta” mà Chúa Kitô dùng. Ngài vẫn luôn nói với các môn đệ Ngài, đứng đối diện với Ngài,“Các con hãy tin!” .

Ta” là  đầu mối để có lời nói, để xưng hô và thiết lập tương quan với anh, chị... . Tương quan đó làm nên cộng đồng con người, vượt lên trên các sinh vật, cỏ cây trong vũ trụ. Các chữ ta, các anh, các chị... con người vẫn dùng, nhưng tại sao con người không những cảm thấy có một cái gì bất ổn, đôi lúc còn vì chữ nầy mà đâm giết nhau (như ta thường nói “bỉ ngã tương tranh” ). Lão Tử, Đức Phật và ngay cả Khổng Tử cũng cảm nhận một cái gì mê lầm, giả tạo nơi lời nói con người. Khổng Tử phải chăng đã dạy con ruột mình phải học Kinh Thi để có được lời nói, Kinh Thi vốn là hứng khởi đến từ bờ bên kia của thế sự. Nhưng bờ ẩn kín bên kia là nơi nào đây? Phật ngại ngùng khi nhắc đến “bỉ-ngã”, tôi và anh, vì tôi đã là giả tạo thì làm sao nhận ra có kẻ khác!

Phải chăng vì lời nói giả tạo nên đành câm nín để đạt chân lý? Văn hóa Hy lạp qua kịch phẩm Oedipe làm vua của Thi hào Sophocle cho hay rằng, Oedipe “sáng mắt”, “nói” nhưng thực ra không thấy sự thật, không biết được chữ “Ta” ông nói về mình là ai. Khi biết mình mê lầm, ông tự đâm mù hai mắt. Nhưng mù mắt hay câm nín thì ông không vì thế mà bước đi trên sự thật, tìm lại được lời nguyên sơ chân thật của mình. Trang Tử, chân nhận có Đạo, nhưng đồng thời chân nhận tình trạng bất lực của lời nói, tương quan giữa người với người trong Đạo: 

Đạo không phải là cuộc đời, nhưng cuộc đời không phải là sự chối bỏ tận gốc về Đạo... Cái nhìn tối thượng của Đạo và mọi vật, lời nói cũng như thinh lặng không chứa nổi. Hãy vượt lên lời nói cũng như sự thinh lặng nó ở bên trên mọi cách diễn tả của con người. [2]

Trong áng sáng đức tin, kitô hữu nhận ra Chân lý, Đạo, Công lý đó là Đức Kitô, Lời Thiên Chúa làm người. Từ Lời nầy, “Ta” chân thật xuất hiện trong thế giới con người. Con người ở ngôi thứ ba số nhiều như bao đồ vật khác trong tầm tay và sự hiểu biết, nay được gọi tên tôi, anh, chị …trọn nghĩa trong Lời nầy. “Bỉ-Ngã”, Tôi-Anh giả tạo của quyền lực muốn thống trị của “ngã chấp”, nay được trả lại sự công chính nguyên sơ của nó trong sự cứu độ của Chúa Kitô.

Phúc cho Kitô-hữu, vì trong đức tin họ biết được “Ta” chân thật đã xuất hiện trong nhân thế. Tuy nhiên “Ta” đó vẫn vượt lên mọi ngôn ngữ của con người, cũng như sự thinh lặng của nó. Cái biết của Kitô-hữu về “Ta” chân thật đó luôn là cái biết trong đức tin: “Các con hãy tin Ta về những lời nầy.

Cuộc vật lộn với Thiên Chúa để biết tên Ngài nơi Giacop, nay là cuộc vật lộn với Chúa Kitô để thấy Thiên Chúa trong Lời Ngài là Đức Kitô. Kitô-hữu bị “bắt bớ” vì “Ta” chân thật nầy, vì “Ta” đó là hiện thân tình yêu thương của Thiên Chúa đối với con người. Tình yêu đó hiến thân mình cho toàn nhân loại được Thiên Chúa yêu. Tình yêu đó là “Ta cứu độ”, tôn trọng kẻ khác trong nhân phẩm chân thực, không tơ vương muốn biến kẻ khác thành dụng cụ của ý muốn và quyền lực của mình. Con người chân thật Kitô không làm một việc gì theo ý mình, nhưng hoàn toàn vâng phục ý Cha Đấng ở trên trời.

Cảnh vực yêu thương, công lý mới nầy, Đức Kitô đã chinh phục bằng Thánh giá của Ngài. Kitô-hữu nay chịu bắt bớ vì công lý, khi tuyên xưng niềm tin về yêu thương của Thiên Chúa nơi Đức Kitô. 

Vui mừng và hoan hỉ 

Nơi đây, Matthieu không nhắc lại lời chúc phúc thứ ba: “Phúc cho những kẻ buồn khổ vì họ sẽ được ủi an.”, nhưng nói rõ thế nầy: Các con hãy ở trong vui mừng và hoan hỉ. Đức Kitô đã sống lại, niềm vui thực sự đã xuất hiện trên trái đất, giữa lịch sử nhân loại. Kitô-hữu làm chứng về Công lý-Tình yêu trong sự thông dự vào sức mạnh của niềm vui nầy.

Nhưng Matthieu còn ghi thêm “vì phần thưởng các con sẽ lớn ở trên trời.” Niềm vui sống lại của Chúa đã xuất hiện trong trần thế, nhưng không phải là niềm vui của trần thế. Làm chứng về sự toàn thắng của Chúa Kitô, không phải là thực hiện sự thống trị trên xã hội theo sự hiểu biết và hứng khởi của quyền lực con người. Khổng tử trong sách Luận ngữ nói: “trên không oán trời, dưới không hận người” để nói lên thái độ kẻ thực thi Đạo Nhân. Ở đây Chúa Kitô nói một cách tích cực về niềm vui của Đạo Nhân đã thực sự hoàn thành nơi Ngài.

Ngay trong đau khổ, chịu tra tấn, sỉ nhục, bỏ rơi bởi bạn bè, Đức Kitô nơi Phúc âm Matthieu không nói lên một lời oán trách. Và trước đó, Ngài đã từng dạy kẻ theo Ngài phải tha thứ bảy mươi bảy lần bảy về những xúc phạm của kẻ khác đã ngược đãi mình (xem Mt 18,22). Luca, nhắc lại lời Chúa Kitô khi chịu đóng đinh trên núi sọ: “Lạy Cha, xin tha cho họ; họ không biết việc họ làm.” (Luca 23,34)

Ơn nhận biết Chúa Kitô là công lý của Thiên Chúa, chính là ơn nhưng không Kitô-hữu nhận được. Họ sẽ làm chứng niềm vui đó một cách nhưng không. Chúa Kitô không oán trách, trả thù, phê phán kẻ bắt bớ, tra tấn, giết hại Ngài. Phản ứng duy nhất của Ngài là xin Chúa Cha tha cho việc làm đó, vì kẻ làm không biết việc họ làm. Kitô-hữu làm chứng về Ngài cũng không thể có thái độ nào khác hơn.

Trong sự chết của Chúa Kitô, xem ra là sự thất bại, nỗi buồn cùng cực theo công lý con người, nhưng nơi sự thất bại bên ngoài đó, Thiên Chúa Cha đã vinh thăng Ngài trong Phục sinh. Kitô-hữu cũng chịu những bước thất bại bên ngoài như Ngài, chứng kiến những ngày tháng lịch sử của mình, của Giáo hội rất tang thương, nhưng chính đó là dấu chứng Thiên Chúa Cha đang phục sinh lại trần thế trong sự cứu độ của Chúa Kitô.

Vui mừng và hoan hỉ vì niềm vui sống lại của Chúa Kitô còn là niềm hy vọng họ sẽ được sống lại như Ngài, để cùng với cộng đồng nhân loại đến gặp Ngài, nơi Ngài đã hẹn, bên cạnh Thiên Chúa Cha.

Sống đạo :  muối đất và ánh sáng thế gian

Muối, là chất làm cho sự sống bình thường của sinh vật ngưng lại. Nó nói lên hình ảnh tiêu cực về tình trạng triệt tiêu sự đổi thay, chóng qua, đồng thời cũng gợi lên sự trường sinh. Muối đất hay ánh sáng cũng là một nội dung với hai cách nói. Cuộc sống Kitô-hữu trong trần thế để làm chứng về Đức Kitô chủ yếu là làm cho sự chóng qua của lịch sử thấm nhập sự sống trường sinh từ sự sống lại của Chúa Kitô. Ánh sáng họ nhận được cũng không phải thứ ánh sáng mê lầm do trí năng tự mãn của con người, nhưng là Chân lý đến từ Thiên Chúa nơi Chúa Kitô.

 Làm chứng, theo Matthieu, không phải chủ yếu nơi việc thuyết giảng suông, nhưng trước hết do chính cuộc sống của mình, nơi việc làm ngay lành của mình. Vì Lời Thiên Chúa nói với nhân loại là Ngôi Hai làm người, hiến thân mình cứu độ.

Không ai làm chứng bằng sự cưỡng bức kẻ khác nhận chân sự thật bao giờ. Làm chứng là để sự thật hiện diện trong lời nói của mình, để người nghe tự do trước Chân lý.

 Cộng đồng Kitô-hữu hay Giáo hội hữu hình cũng làm chứng Tin Mừng như thế. Cộng đồng đó khác với cộng đồng xã hội trần thế, vì không một yếu tố nào của trần thế ràng buộc, chế tài họ, buộc họ phải gia nhập vào thân thể của Chúa Kitô, ngoài sự tự do của mỗi người.

Làm chứng cho chân lý tình yêu là thực thi tình yêu của Chúa Kitô trong hành động của chính mình, thể hiện ra trong xã hội của mình. 

Và như thế, ánh sáng của các con phải sáng lên trước mắt mọi người để, khi thấy việc làm tốt lành của con, họ thấy được vinh quang của Cha các con Đấng ở trên trời. (Mt 5,16) 

Nói cách khác, làm chứng Công lý-Tình yêu không thể không chân nhận tự do của kẻ khác. Làm chứng cho Đấng đem lại tự do toàn vẹn cho con người khởi đầu từ việc tôn trọng tự do của kẻ khác cạnh mình. Vì Nước Trời của Chúa Kitô không có ai là tôi tớ của ai theo nghĩa trần thế, nhưng “Các con là bạn hữu của Ta” (Gioan 14,14)

Tóm lại phúc của Kitô-hữu là bạn Chúa Kitô, chia sẻ sự sống của Ngài, cộng tác với Ngài hoàn thành Nước của Thiên Chúa.Trong cuộc sống làm chứng nhân nầy, hơi thở Thiên Chúa, Thánh Thần là sự sống của Chúa Kitô sẽ chiến thắng yếu hèn của con người họ, để qua chính cuộc sống của họ, mọi người nhận ra phúc làm người trọn vẹn, tức là làm con Thiên Chúa, chia sẽ sự sống thần linh của Con Ngài. Sự sống đó là “yêu Thiên Chúa và yêu con người trong Đức Kitô.


[1] Trích trong cuốn Bài Giảng Trên Núi của tác giả

[2] Tchouang Tseu. L’oeuvre complète XXV, Gallimard Paris, 1980; tr. 293, 294.


VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************