Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 180, Chúa Nhật 23.09.2012


MỤC LỤC 

Các Môi Trường Hoạt Ðộng Tông Ðồ (Sắc Lệnh Về Tông Ðồ Giáo Dân)                      Vatican 2

KHIÊM NHƯỜNG PHỤC VỤ NOI GƯƠNG ĐỨC GIÊ-SU                                        Lm. ĐAN VINH

LỜI CHÚA VÀ CUỘC NHẬP THỂ 
Chuyển ngữ: Thérèse Trần Thiết + Fr. Marie Bảo Tịnh O.Cist

THÁNH TRUYỀN LÀ GÌ ?                                                                         Lm. PX. Ngô Tôn Huấn

KHOẺ NHƯ NÚI ĐỒI                                                                               Lm. VĨNH SANG, DCCT

THỰC SỰ TIN ? TRULY BELIEVE? (song ngữ Việt Anh)                    Lm. Joseph Viet, O.Carm.

CHÚ PHA TRÀ                                                                                                    Br. Huynhquảng

Phẩm giá CON NGƯỜI trong Huấn Dụ Xã hội của Giáo Hội (3)            Tiến Sĩ Nguyễn Học Tập

Lời cầu nguyện của lão già keo kiệt                                                  Lm. Minh Anh chuyển ngữ

Thánh Gioan Maria Vianney, mẫu gương của linh đạo linh mục giáo phận 
Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.

CHÂN KHÔNG CHỊU NGHỈ                                                                        Bác Sĩ Nguyễn Ý- Đức

Thực hiện Nước Trời thuộc về những người nghèo                                  Gs. Nguyễn Đăng Trúc


Các Môi Trường Hoạt Ðộng Tông Ðồ (Sắc Lệnh Về Tông Ðồ Giáo Dân)

 

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II 

Sắc Lệnh Về Tông Ðồ Giáo Dân

Apostolicam Actuositatem 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Chương III

Các Môi Trường Hoạt Ðộng Tông Ðồ 8*

 

9. Nhập đề. Giáo dân thi hành việc tông đồ muôn mặt của mình trong Giáo Hội cũng như giữa đời. Trong cả hai lãnh vực này, nhiều môi trường hoạt động tông đồ khác nhau được khai mở. Ở đây chúng tôi muốn nhắc tới những môi trường chính yếu hơn cả là: các cộng đoàn Giáo Hội, gia đình, giới trẻ, môi trường xã hội, các lãnh vực quốc gia và quốc tế. Ngày nay phụ nữ càng ngày càng góp phần tích cực vào tất cả đời sống xã hội, cho nên điều quan trọng là làm sao cho họ tham gia nhiều hơn vào cả những lãnh vực tông đồ của Giáo Hội.

 

10. Các cộng đoàn trong Giáo Hội. Giáo dân góp phần tích cực vào đời sống và hoạt động của Giáo Hội, nhờ được tham dự vào chức vụ của Chúa Kitô là tư tế, ngôn sứ và là vua. Trong những cộng đoàn của Giáo Hội, hoạt động của họ cần thiết đến nỗi nếu không có hoạt động đó, chính hoạt động tông đồ của các vị chủ chăn thường không thể đạt được đầy đủ kết quả. Cũng như giáo dân nam nữ đã giúp Thánh Phaolô trong việc rao giảng Phúc Âm (x. CvTđ 18,18-26; Rm 16,3), những người giáo dân có tinh thần tông đồ đích thực cũng đang trợ giúp những anh em thiếu thốn và nâng đỡ tinh thần các vị chủ chăn và các tín hữu khác (x. 1Cor 16,17-18). Vì được nuôi dưỡng nhờ tham dự cách tích cực vào đời sống phụng vụ của cộng đoàn, chính họ nhiệt thành góp phần vào những công cuộc tông đồ của chính cộng đoàn đó: họ đem những người có lẽ đang xa lạc trở về với Giáo Hội. Họ cộng tác đắc lực vào việc rao truyền lời Chúa nhất là bằng việc dạy giáo lý. Họ đem khả năng của mình làm cho việc coi sóc các linh hồn và cả việc quản trị tài sản của Giáo Hội sinh hiệu quả hơn.

Giáo xứ là một hình thức tông đồ cộng đồng kiểu mẫu, vì đó là nơi qui tụ mọi hạng người thành một cộng đoàn và đem họ vào tinh thần đại đồng của Giáo Hội 1. Giáo dân nên tập thói quen cộng tác chặt chẽ với các linh mục của mình để hoạt động trong giáo xứ 2. Họ cũng nên có thói quen trình bày với cộng đoàn Giáo Hội những vấn đề riêng của mình hay của cả thế giới hoặc những vấn đề liên quan tới phần rỗi mọi người để cùng nhau góp ý kiến, nghiên cứu và giải quyết. Họ cũng phải tùy sức mà cố gắng đóng góp vào mọi công cuộc tông đồ và truyền giáo của gia đình Giáo Hội địa phương.

Giáo dân phải luôn luôn nuôi dưỡng ý thức về giáo phận vì giáo xứ như một tế bào của giáo phận. Họ phải luôn mau mắn đáp lại tiếng gọi của Chủ Chăn và tùy sức tham gia những sáng kiến chung của giáo phận. Hơn nữa, để đáp ứng những nhu cầu nơi thành thị cũng như ở thôn quê 3, họ không chỉ hạn hẹp sự cộng tác của mình trong giới hạn giáo xứ hay giáo phận nhưng họ cố gắng mở rộng phạm vi tới cả các lãnh vực liên xứ, liên giáo phận, quốc gia hay quốc tế. Hơn nữa, việc di dân mỗi ngày một nhiều, những mối tương giao gia tăng, và việc giao thông dễ dàng đã không để một thành phần xã hội nào sống đóng kín cho riêng mình. Vì thế người giáo dân phải quan tâm đến những nhu cầu của dân Thiên Chúa ở rải rác trên khắp địa cầu. Nhất là họ phải coi những công cuộc truyền giáo như việc của chính mình, bằng cách đóng góp về vật chất hay về cả nhân sự. Vì chưng nhiệm vụ và vinh dự của người Kitô hữu là trả lại cho Thiên Chúa phần của họ đã nhận nơi Ngài.

 

11. Gia đình trong việc tông đồ. Vì Ðấng Tạo Hóa đã đặt cộng đoàn hôn nhân làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội loài người và dùng ơn thánh Ngài nâng lên hàng bí tích cao cả trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội (x. Eph 5,32) cho nên việc tông đồ của vợ chồng và của các gia đình có tầm quan trọng đặc biệt, đối với Giáo Hội cũng như đối với xã hội dân sự.

Những đôi vợ chồng Kitô giáo là những người cộng tác với ơn thánh và chứng nhân của đức tin đối với nhau, cũng như đối với con cái và những phần tử khác trong gia đình họ. Chính họ là những người đầu tiên phải rao truyền và giáo dục đức tin cho con cái họ. Bằng lời nói và gương sáng họ huấn luyện con cái sống đời Kitô giáo và làm việc tông đồ. Họ thận trọng giúp đỡ con cái trong việc lựa chọn ơn kêu gọi, và nếu thấy chúng có ơn thiên triệu, họ tận tình nuôi dưỡng ơn kêu gọi đó.

Tất cả những việc ngày xưa vốn là bổn phận vợ chồng, ngày nay còn phải được coi là phần quan trọng nhất của việc tông đồ. Ðó là phải biểu lộ và chứng minh bằng đời sống tính cách bất khả phân ly và sự thánh thiện của dây hôn phối. Phải mạnh mẽ nói lên rằng quyền lợi và nhiệm vụ đã được trao ban cho bậc cha mẹ và những người bảo trợ là giáo dục con cái theo Kitô giáo. Phải bảo vệ phẩm giá và quyền tự trị hợp pháp của gia đình. Vì vậy chính họ và những tín hữu khác phải cộng tác với mọi người thiện chí để những quyền trên đây được dân luật bảo vệ hoàn toàn, nghĩa là trong việc cai trị, chính phủ phải quan tâm tới những nhu cầu của gia đình liên quan tới nơi cư ngụ, việc giáo dục trẻ em, điều kiện làm việc, an ninh xã hội và thuế khóa. Khi phải tổ chức di dân, đời sống chung của gia đình phải được hoàn toàn bảo đảm 4.

Chính gia đình đã lãnh nhận từ Thiên Chúa sứ mệnh trở nên tế bào đầu tiên và sống động của xã hội. Gia đình sẽ chu toàn được sứ mệnh đó nếu gia đình tỏ ra như một đền thờ của Giáo Hội trong nhà mình nhờ yêu thương nhau và cùng nhau dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, nếu toàn thể gia đình cùng tham dự vào việc phụng vụ của Giáo Hội, sau cùng nếu gia đình tỏ ra hiếu khách và cổ võ đức công bằng cũng như những việc thiện khác giúp các anh em đang túng thiếu. Trong các việc tông đồ của gia đình cần phải kể đến những việc như: nhận làm con những đứa trẻ bị bỏ rơi, ân cần tiếp đón những khách lạ, cộng tác với học đường, khuyên bảo và giúp đỡ thanh thiếu niên, giúp những người đã đính hôn chuẩn bị cho việc hôn nhân của họ được tốt đẹp, giúp dạy giáo lý, nâng đỡ những đôi vợ chồng cũng như những gia đình khi họ gặp khó khăn về vật chất hay tinh thần, lo cho người già cả không những có những điều cần thiết, mà còn cung cấp cho họ những tiện nghi chính đáng của tiến bộ kinh tế.

Ở mọi nơi và mọi lúc, nhất là trong những miền mà hạt giống Phúc Âm vừa được gieo vãi, hoặc trong những nơi Giáo Hội mới được thành lập hay trong những nơi Giáo Hội đang gặp những trở ngại lớn lao, những gia đình Kitô giáo vẫn là chứng nhân quí giá nhất của Chúa Kitô đối với thế gian bằng tất cả đời sống gắn liền với Phúc Âm và tỏ ra là gia đình Kitô giáo gương mẫu 5.

Ðể dễ dàng đạt tới những mục đích tông đồ này các gia đình nên qui tụ thành những nhóm 6.

 

12. Giới trẻ hoạt động tông đồ. Trong xã hội ngày nay, giới trẻ làm thành một sức mạnh rất quan trọng 7. Những hoàn cảnh sống của họ, những nếp sống tinh thần và cả những tương quan của họ với gia đình đã thay đổi rất nhiều. Thường thường họ chuyển quá nhanh sang một hoàn cảnh xã hội và kinh tế mới. Hơn nữa, vai trò xã hội cũng như chính trị của họ mỗi ngày một thêm quan trọng, nhưng họ không được chuẩn bị đầy đủ để đảm nhận những trọng trách mới này cách xứng hợp.

Trọng trách của họ trong xã hội gia tăng, đòi hỏi họ gia tăng hoạt động tông đồ. Vả lại, chính bản tính tự nhiên của họ vốn hướng về hoạt động đó. Nhờ trưởng thành trong ý thức về nhân vị và được thúc đẩy do sức sống hăng say và tính ham mê hoạt động, họ nhận lãnh trách nhiệm của mình và ước muốn góp phần vào đời sống xã hội và văn hóa. Nếu lòng nhiệt thành này được thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô và được thúc đẩy do sự tuân phục và yêu mến các vị chủ chăn của Giáo Hội thì có thể hy vọng nơi họ những thành quả phong phú. người trẻ phải trở nên những tông đồ đầu tiên và trực tiếp của giới trẻ trong khi chính họ hoạt động tông đồ giữa người trẻ và nhờ người trẻ tùy theo môi trường xã hội họ đang sống 8.

Người lớn cần quan tâm để tạo cuộc đối thoại thân hữu với giới trẻ, vì cuộc đối thoại cho phép cả hai giới vượt qua sự ngăn cách về tuổi tác, hiểu biết lẫn nhau và thông cho nhau sự phong phú riêng của mỗi giới. Người lớn hãy thúc đẩy giới trẻ làm tông đồ trước hết bằng gương sáng và tùy dịp bằng ý kiến khôn ngoan và giúp đỡ thiết thực. Còn giới trẻ cũng phải nuôi dưỡng lòng trọng kính và tín nhiệm đối với người lớn, dầu theo tính tự nhiên họ ham thích những điều mới lạ, tuy nhiên họ cũng phải tôn trọng những truyền thống đáng quí trọng.

Trẻ em cũng có hoạt động tông đồ riêng của chúng. Tùy khả năng, chúng co thể thực sự là những chứng nhân sống động của Chúa Kitô giữa các bạn hữu.

 

13. Môi trường xã hội. Làm tông đồ trong môi trường xã hội là cố gắng đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần não trạng, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đoàn nơi họ sống: đó là bổn phận và trách nhiệm của người giáo dân mà không ai có thể làm thay họ cách đầy đủ. Trong lãnh vực này, người giáo dân có thể làm tông đồ cho người đồng cảnh ngộ với mình. Ở đó lấy lời nói bổ túc cho bằng chứng của đời sống 9. Cũng ở đó, họ dễ dàng giúp đỡ anh em trong môi trường làm việc hay nghề nghiệp, môi trường học vấn, cư ngụ, giải trí cũng như trong sinh hoạt địa phương.

Người giáo dân chu toàn sứ mệnh này của Giáo Hội nơi trần gian: trước tiên bằng đời sống hòa hợp với đức tin, để nhờ đó họ trở thành ánh sáng thế gian; bằng đời sống lương thiện trong bất cứ công ăn việc làm nào để làm cho mọi người yêu mến sự thật, sự thiện và cuối cùng đưa họ tới Chúa Kitô và Giáo Hội; bằng đời sống bác ái huynh đệ qua việc họ thực sự chia sẻ với anh em trong hoàn cảnh sống, trong đau khổ cũng như trong mọi ước vọng, và như thế họ âm thầm chuẩn bị cho ơn cứu rỗi hoạt động trong tâm hồn mọi người; bằng cuộc sống ý thức đầy đủ về vai trò của mình trong việc xây dựng xã hội, họ cố gắng chu toàn hoạt động nơi gia đình, ngoài xã hội, trong nghề nghiệp với lòng quảng đại của Kitô giáo; như thế phương thức hành động của họ dần dần thấm nhập vào môi trường sống và cả môi trường làm việc.

Việc tông đồ này phải nhắm tới hết mọi người trong môi trường hoạt động và không được loại bỏ bất cứ lợi ích thiêng liêng hay vật chất nào có thể làm cho họ. Nhưng người tông đồ đích thực không chỉ hài lòng với hoạt động này, họ còn phải quan tâm đến việc rao giảng Chúa Kitô cho anh em bằng cả lời nói nữa. Bởi vì nhiều người chỉ có thể nghe Phúc Âm và nhận biết Chúa Kitô nhờ những người giáo dân sống gần họ.

 

14. Trên bình diện quốc gia và quốc tế. Môi trường hoạt động tông đồ mở rộng bao la trên bình diện quốc gia và quốc tế, trong đó, hơn ai hết, giáo dân là những người nắm giữ và phân phát sự khôn ngoan Kitô giáo. Tận tâm đối với quốc gia và trung thành chu toàn những nhiệm vụ công dân, người công giáo cảm thấy bó buộc phải cổ võ cho công ích thực sự, và họ phải làm sao cho ý kiến của họ ảnh hưởng tới chính quyền để quyền hành được thực thi chính đáng và để luật lệ đáp ứng được những đòi hỏi của luân lý và công ích. Những người công giáo có khả năng làm chính trị và đã được huấn luyện đầy đủ về đức tin và giáo lý đừng từ chối tham gia việc nước, bởi vì nhờ thi hành nhiệm vụ cách tốt đẹp, họ có thể đóng góp vào công ích và đồng thời mở đường cho Phúc Âm.

Người công giáo phải tìm cách cộng tác với tất cả mọi người thiện chí để cổ động cho bất cứ những gì là chân thật, công bằng, thánh thiện và đáng yêu quí (x. Ph 4,8). Người công giáo hãy đối thoại với họ, hãy đến với họ cách khôn ngoan và tế nhị, hãy tìm cách kiện toàn những định chế xã hội và quốc gia theo tinh thần Phúc Âm.

Trong các dấu chỉ của thời đại chúng ta, phải đặc biệt chú ý tới ý nghĩa ngày một gia tăng và không thể tránh né về sự liên đới giữa các dân tộc mà nhiệm vụ của hoạt động tông đồ giáo dân là phải lo lắng cổ động và biến nó thành một khát vọng chân thành và thiết thực về tình huynh đệ. Hơn nữa giáo dân còn phải ý thức về lãnh vực quốc tế và ý thức về những vấn nạn cũng như những giải pháp trên lý thuyết hay trong thực hành đang được đề ra, nhất là về những vấn đề liên quan tới các dân tộc đang nỗ lực phát triển 10.

Tất cả những ai làm việc ở các nước khác hay đang trợ giúp những nước ấy phải nhớ rằng những mối bang giao giữa các dân tộc phải là cuộc trao đổi huynh đệ đích thực, trong đó, cả hai bên cùng cho và cùng nhận. Còn những ai xuất ngoại để lo công chuyện hay để giải trí phải nhớ rằng dù họ ở đâu họ cũng vẫn là sứ giả lưu động của Chúa Kitô và họ phải sống đúng danh hiệu đó.

 


Chú Thích:

8* Ở đây Sắc Lệnh nói đến tinh thần hoạt động phổ quát của việc tông đồ giáo dân. Chính tinh thần này đã đem lại nhiều cảm hứng cho Hiến Chế về Giáo Hội. Tầm hoạt động tông đồ sẽ không giới hạn ở giáo xứ, trong giáo phận hay nơi quốc gia nào.

Tính cách phổ quát này của việc tông đồ giáo dân có nền tảng ở sự ý thức hơn về Giáo Hội như Nhiệm Thể mà Kitô hữu là những chi thể sống động, cũng như ý thức về sự thích ứng cần thiết của Giáo Hội đối với những hoàn cảnh hiện tại của thế giới ngày nay (x. số 10).

1 Xem Piô X. Tông thư Creationis duarum novarum paroeciarum, 1-6-1905: AAS 38 (1905), trg 65-67. - Piô XII, Huấn từ ad fides paroeciae S. Saba, 11-1-1953: Discorsi e Radiomessaggi di diocesi suburbicaria Albanesi, ad Arcem Gandulfi habita: 26-8-1962: AAS 54 (1962), trg 656-660.

2 Xem Leô XIII, Huấn từ 28-1-1894: Acia 14 (1894), trg 424-425.

3 Xem Piô XII, Huấn từ Ad parochos, etc... 6-2-1951: Discorsi e Radiomessaggi di S.S. Piô XII, 12 (1950-1951), trg 437-443; 8-3-1952: n.v.t. 14, (1952-1953), trg 5-10; 27-3-1953: n.v.t. 15 (1953-1954), trg 27-35; 28-2-1954: n.v.t. trg 585-590.

4 Xem Piô XI, Tđ Casti Connubii: AAS 22 (1930), trg 554, - Piô XII, Nuntius Radiophonicus, 1-1-1941: AAS 33 (1941), trg 203. - n.t. Delegatis ad conventum unionis internaltionalis sodalitatum ad iura familiar tuenda, 20-9-1949: AAS 41 (1949), trg 552. - n.t. Ad patresfamilias e Galia Romanperegrinantes, 18-9-1951: AAS 43 (1951), trg 731. n.t. Nuntius radiophonicus in Natali Domini 1952: AAS 45 (1953), trg 41. - Gioan XXIII, Tđ Mater et Magistra, 15-5-1961: AAS 53 (1961), trg 429, 439.

5 Xem Piô XII, Tđ Evangelii Praecones, 2-6-1951: AAS 43 (1951), trg 514.

6 Xem Piô XII, Delegatis ad Conventum Unionis internationalis sodatiatum ad iura familiae tuenda, 20-9-1949: AAS 41 (1949), trg 552.

7 Xem Piô X, Huấn từ ad Catholicam Associationem Iuventutis Gallicae de pietate, scientia et actione, 25-9-1904: AAS 37 (1904-1905), trg 296-300.

8 Xem Piô XII, Thư Dans quelques semaines, gởi Ðức Tổng Giám Mục Montréal: de conventibus a iuvenibus operaiis christianis Canadiensibus indictis, 24-5-1947: AAS 39 (1947), trg 257. - Và sứ điệp truyền thanh Ad J.O.C. Bruxelles, 2-9-1950: AAS 42 (1950), trg 640-641.

9 Xem Piô XI, Tđ Quadragesimo anno, 15-5-1931: AAS 23 (1931), trg 225-226.

10 Xem Gioan XXIII, Tđ Mater et Magistra, 15-5-1961: AAS 53 (1961), trg 448-450.

 
VỀ MỤC LỤC
KHIÊM NHƯỜNG PHỤC VỤ NOI GƯƠNG ĐỨC GIÊ-SU
 

 

HIỆP SỐNG TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN B

Kn 2,12.17-20 ; Gc 3,16-4,3 ; Mc 9,30-37

 

I.  HỌC LỜI CHÚA 

1. TIN MỪNG : Mc 9,30-37

(30) Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn có ai biết, (31) vì Người đang dạy các môn đệ rằng : “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời. Họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại”.(32) Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. (33) Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông : “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?” (34) Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. (35) Rồi Đức Giê-su ngồi xuống gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. (36) Kế đó, Người đem một em nhỏ, đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói : (37) “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy. Và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”.

2. Ý CHÍNH :

Tin Mừng hôm nay tóm trong 3 điểm chính như sau: Một là Đức Giê-su tiên báo lần thứ hai về cuộc khổ nạn và phục sinh mà Người sắp trải qua, nhưng các môn đệ do sợ bị quở trách hay vì sợ đối diện sự thật không như ý, nên đã không dám hỏi Người. Hai là các ông tưởng Thầy sắp lên làm vua, nên tranh luận nhau xem ai sẽ nắm giữ chức vụ cao trọng hơn. Đức Giê-su đã dạy các ông bài học về sự khiêm nhường phục vụ của người môn đệ. Ba là Người đòi các ông phải quan tâm đến những người nghèo khổ bé nhỏ, tượng trưng bằng một đứa trẻ được Người đặt giữa các ông. Người còn tự đồng hóa mình với những kẻ bé nhỏ này.

3. CHÚ THÍCH :

- C 30-32 : + Con Người : Nhấn mạnh về nhân tính của Đức Giê-su. Như người Tôi Trung của Đức Chúa, Đức Giê-su sẵn sàng chịu đau khổ để đền tội thay cho dân hầu làm cho các tội nhân được nên công chính (x. Is 53,2-12). +Sẽ bị nộp vào tay người đời: “Rơi vào tay người đời” là một số phận hẩm hiu, trái ngược với “Rơi vào tay Đức Chúa” (2 Sm 24,14). Thánh Phao-lô viết: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32). +Bị giết chết và sẽ sống lạ i: Người sẽ bị giết do tay người đời nhưng sẽ sống lại nhờ quyền năng Thiên Chúa (x. Cv 13,27-30). +Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người : Vì chưa có ý niệm gì về mầu nhiệm thập giá nên các môn đệ cảm thấy rất buồn khi nghe Thầy loan báo điều này (x. Mt 17,23). Họ không dám hỏi lại có lẽ vì sợ bị quở trách như ông Phê-rô trước đó (x. Mc 8,33), mà cũng vì sợ phải đối diện với sự thật không như ý mình muốn !

- C 33-34 : + “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?” : Đặt câu hỏi này với các môn đệ, Đức Giê-su cho thấy Người luôn quan sát từng lời nói và cử chỉ hành động của các ông để giáo huấn. + Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả : Qua thái độ làm thinh, các môn đệ đã nhận ra khuyết điểm của các ông là ham muốn địa vị quyền hành, trái với tinh thần khiêm nhượng phục vụ mà Đức Giê-su luôn nêu gương và chỉ dạy.

- C 35-37 : + Đức Giê-su ngồi xuống gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói : Trong tư thế ngồi của một ông thầy (ráp-bi), Đức Giê-su gọi Nhóm Mười Hai môn đệ lại gần mà giáo huấn. + Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người” : Đức Giê-su nhấn mạnh đến tinh thần khiêm tốn phục vụ mà môn đệ của Người phải có là tự hạ, trở thành người tôi tớ hầu hạ mọi người. Ở đây có sự đối nghịch giữa “người đứng đầu” với “người rốt hết”. Đối với Đức Giê-su, giá trị của người lãnh đạo phải dựa trên nền sự khiêm hạ, sẵn sàng phục vụ tha nhân vô điều kiện. + “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” : Em nhỏ trong câu này không tượng trưng cho sự ngây thơ vô tội, nhưng là biểu tượng cho người nghèo khó tầm thường, những kẻ vô danh tiểu tốt, tàn tật, yếu đuối và bị bỏ rơi... + “Là tiếp đón chính Thầy... tiếp đón Đấng đã sai Thầy” : Đức Giê-su đề cao sự khiêm nhường phục vụ những người nghèo, có giá trị thiêng liêng cao quý như hành động phục vụ Người và phục vụ chính Chúa Cha  Đấng đã sai Người (x. Mt 10,40).

4. CÂU HỎI : 1) Khi tự xưng là Con Người, Đức Giê-su muốn nhấn mạnh điều gì ? 2) Đức Giê-su đã loan báo về sứ mệnh Thiên Sai như thế nào ? 3) Tại sao các môn đệ dù chưa hiểu rõ lại không dám hỏi Thầy về điều các ông vừa nghe ? 4) Dọc đường, các môn đệ tranh luận với nhau điều gì ? Tại sao các ông làm thinh không trả lời câu Thầy hỏi ? 5) Đức Giê-su đòi các mục tử trong Nước Trời phải có cách ăn ở thế nào ? 6) Khi đưa một em nhỏ đặt giữa các ông, Đức Giê-su muốn dạy bài học gì ? 7) Người dạy các ông phải khiêm nhường phục vụ những ai ?

 

II. SỐNG LỜI CHÚA :

1. LỜI CHÚA : Rồi Đức Giê-su ngồi xuống gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người(Mc 9,35).

2. CÂU CHUYỆN : VỊ BÁC SĨ GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN ĐÁNH GIÀY

Cùng với cha và người em, bác sĩ SA-RI MÊ-Ô (Charies Mayo) đã xây dựng bệnh viện Mê-ô nổi tiếng tại thành phố Rô-sét-tơ (Rochester) Hoa kỳ.

Lần kia, một phái đoàn y khoa được cử đến thăm bệnh viện. Theo truyền thống của bệnh viện, quí khách sẽ để giày trước cửa phòng riêng của mình, và bệnh viện sẽ bố trí nhân viên đến đánh bóng các đôi giày ấy. Tối hôm đó, bác sĩ May-ô làm việc trễ và là người về phòng sau cùng. Ông thấy các đôi giày ở trước các phòng của khách vẫn chưa được nhân viên phụ trách đánh bóng ! Có thể họ đã quên làm việc này chăng ? Ông liền đi kiếm xi và bản chải, rồi lần lượt đến trước mỗi phòng đánh bóng các đôi giày của khách. Khi nhân viên phụ trách đánh giày hôm đó làm nhiệm vụ lúc nửa đêm, anh rất ngạc nhiên khi thấy vị bác sĩ giám đốc bệnh viện vẫn đang loay hoay đánh những chiếc giày cuối cùng cho các khách quí.

Câu chuyện bác sĩ giám đốc đánh giày này đã trở thành huyền thoại ! Bác sĩ May-ô được ca tụng không những vì có tài chữa bệnh, vì những công trình y khoa to lớn đem lại nhiều lợi ích, mà còn vì đời sống khiêm nhường bình dị của ông. Ông không nề hà làm bất cứ việc gì phục vụ tha nhân, dù việc ấy không xứng với địa vị của ông.

3. SUY NIỆM :

 1) Lãnh đạo là khiêm nhường phục vụ : Đức Giê-su đề cao nhân đức khiêm nhường của các nhà lãnh đạo Hội Thánh mà Người sắp thiết lập. Do các môn đệ tưởng Thầy sắp lên làm vua nên dọc đường đã tranh cãi nhau xem ai giữ chức vụ lớn hơn ! Đức Giê-su hiểu rõ tâm trạng của các ông, nên khi Thầy trò về đến nhà trọ tại thành Ca-phác-na-um, Người đã dạy các ông bài học về sự khiêm nhường phục vụ mà các ông phải thực hiện.

 2) Thế nào là khiêm nhường thực sự ? : Dĩ nhiên, trong bất cứ tổ chức nào cũng cần có người lãnh đạo. Tuy nhiên trong xã hội đời thường, người lãnh đạo thường quan liêu, muốn được “ăn trên ngồi trước”. Còn lãnh đạo trong Nước Trời do Đức Giê-su thiết lập thì không được như vậy. Họ phải trở nên mục tử tốt lành chăm sóc đòan chiên, phục vụ con chiên theo gương mẫu và lời dạy của Mục Tử tối cao là Đức Giê-su : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ phục vụ mọi người” (Mc 9,35). Trong Giáo Hội cũng như trong bất cứ một tập thể  nào, lòng kiêu ngạo muốn làm đầu người khác, và lòng ganh tị không muốn thấy ai giỏi hơn hoặc thành công hơn mình… là những thói xấu cản trở cho việc nên thánh cần được loại bỏ.

 3) Noi gương Đức Giê-su : Muốn lọai bỏ lòng kiêu ngạo và ganh tị, chúng ta cần học nơi Đức Giê-su đức khiêm nhường và phục vụ tha nhân (x Mt 11,29), “đến để phục vụ, chứ không để được phục vụ” (Mc 10,45). Ai làm lớn thì càng phải khiêm tốn phục vụ người dưới. Thánh Phao-lô dạy phải noi gương khiêm nhường của Đức Giê-su : "Vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hòan tòan trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (Pl 2,5b-8). Tin mừng Gioan cũng cho thấy Đức Giê-su đã nêu gương rửa chân cho các môn đệ trước khi dạy các ông bài học khiêm nhường phục vụ anh em (Ga 13,12-15).

4) Ích lợi của đức khiêm nhường : Khiêm nhường giúp chúng ta luôn cố gắng học tập để ngày một thăng tiến. Cần khiêm tốn học tập bất kỳ ai, ở bất cứ nơi nào, vào bất cứ lúc nào. Chính đức khiêm nhường sẽ mang lại sức mạnh và tâm hồn được nghỉ ngơi bồi dưỡng (x Mt 11,29).

5) Cần phục vụ theo tinh thần Tin Mừng : Phục vụ theo lời Chúa dạy không phải chỉ đòi người dưới phục vụ người trên, nhưng đòi người lãnh đạo, đặc biệt là các mục tử phải chăm sóc phục vụ đòan chiên Hội Thánh (x Lc 22,26) như lời Chúa dạy : Ai làm đầu phải hầu thiên hạ và trở thành tôi tớ phục vụ mọi người (x Mc 10,44).

6) "Hãy đi và làm như vậy" (Lc 10,37) : Để có đức khiêm nhường, chúng ta cần phải làm những việc như sau :

- Cần xin ơn Chúa giúp : Hãy năng dâng lời nguyện tắt xin Đức Giê-su đổ ơn Thánh Thần giúp ta khiêm hạ và chân thành phục vụ anh em, nhất là những người tàn tật bất hạnh và bị bỏ rơi.

- Cần xét mình mỗi ngày : Để thực tập khiêm nhường phục vụ, mỗi người chúng ta cần tập thành thói quen xét mình mỗi buổi tối trước khi nghỉ đêm : Hôm nay tôi có phục vụ cho ai kèm theo lời nguyện tắt hay không ? Tôi làm các việc tốt để làm cho Chúa vui hay làm vì tiếng khen nơi người đời (x Mt 6,1). Tôi có sẵn lòng làm những việc nhỏ bé và ít người muốn làm hay không (x Mt 6,2) ? Có sẵn sàng làm những việc phục vụ trong âm thầm không ai hay biết không (x Mt 6,3-4) ?

- Cần phục vụ với tình yêu thương : Những ai đứng đầu một cộng đòan không nên nại vào lý do mình phục vụ cho tập thể nên cũng muốn người khác phải biết ơn và phục vụ lại cho mình. Cần phải tránh thái độ quan liêu, độc đòan và vô trách nhiệm, nói chung là thiếu đức bác ái mục tử như những kẻ chăn thuê đã bị Đức Giê-su quở trách (x Ga 10,11-13)..

4. THẢO LUẬN:

1) Bạn sẽ phục vụ tha nhân, nhất là những người nghèo khó bệnh tật cách nào để nên môn đệ đích thực của Đức Giê-su (x Ga 13,35)?

2) Là người đứng đầu một tập thể nhỏ là gia đình, đội nhóm, lớp học… và có chút quyền hành, chúng ta sẽ làm gì để noi gương Mục Tử Giê-su chăm sóc phục vụ đòan chiên, “đến cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA Giê-su. Xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin để nhận ra Chúa nơi những người đau khổ do đói cơm bánh vật chất cũng như thiếu bánh ăn tinh thần là Lời Chúa. Xin cho chúng con biết nhìn thấy Chúa đang bị bỏ rơi trong những người đau khổ, Xin cho chúng con biết mở rộng lòng để đón nhận tha nhân, mở rộng trái tim để cảm thông, mở rộng đôi tay để hết lòng phục vụ như phục vụ chính Chúa. Ước gì con luôn kết hiệp với Chúa phục vụ trong âm thầm nhỏ bé, để xứng đáng được Chúa ban ơn tha tội và hạnh phúc Nước Trời đời đời cho chúng con sau này.

X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH

www.hiephoithanhmau.com

VỀ MỤC LỤC
LỜI CHÚA VÀ CUỘC NHẬP THỂ

 

Lời Mời gọi của HĐGMVN:

Giáo Hội tại Việt Nam phải “phát động chương trình mỗi gia đình một cuốn Kinh Thánh được đặt nơi xứng hợp, cổ võ đọc và cầu nguyện với Lời Chúa”, khuyến khích học thuộc lòng những đoạn Kinh Thánh cốt yếu. Mọi thành phần Dân Chúa, giáo dân, chủng sinh, tu sĩ và các mục tử, cần tập thói quen đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày, đặc biệt theo phương thức Lectio divina. (Thư Chung của HĐGMVN, ngày 1.5.2011, số 11)

Xin giới thiệu cho nhiều người thân tham gia Gia Đình Lectio Divina Lecdiv@gmail.com  để có thể hiệp thông với nhau trong đời sống cầu nguyện và cùng giúp nhau thực hành "điều cần thiết nhất trong mọi điều cần thiết". Đan viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca, Nha Trang, sẽ cầu nguyện lâu dài cho tất cả những ai trung thành thực hành và cố võ việc thực hành Lectio divina.

Mọi thắc mắc về Lectio divina, xin gởi email cho cha Bảo Tịnh, O.Cist  fr.baotinh@yahoo.fr   

*****

 

Tác Phẩm: MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI!

Thiên Chúa tỏ mình cho con người thế nào?

Chuyển ngữ:

Thérèse Trần Thiết

Fr. Marie Bảo Tịnh O.Cist

 

Nguyên tác: 

Michel HUBAUT

UN DIEU QUI PARLE!

Comment Dieu se révèle-t-il à l’homme?  

 

Chương 6 : LỜI CHÚA VÀ CUỘC NHẬP THỂ 

“Con đã ban tặng Lời Cha cho họ” (Ga, 17, 14)

 

Hai lần nhập thể của Lời Chúa

Các thánh Giáo Phụ phân biệt hai lần “nhập thể” hay “tỏ hiện” của Lời Chúa, của Ngôi Lời Thiên Chúa. Lần nhập thể thứ nhất, Lời Chúa được biểu lộ trong công trình Tạo Dựng và trong Sách Thánh. Trong công cuộc Sáng Tạo, Thiên Chúa phán, và tự tỏ mình qua vẻ đẹp khác nhau của vũ trụ. Trong Kinh Thánh, Lời Chúa nhập thể bằng cách tự vạch ra một con đường trong ngôn ngữ nhân loại, ngôn ngữ của những người được Thần Khí linh hứng, như Áp-ra-ham, Mô-sê và các ngôn sứ. Lời đã đồng thời là một lời của con người và cũng là Lời của Thiên Chúa.

Lần nhập thể thứ hai, Lời của Chúa là chính Đức Giê-su Ki-tô. Nơi Người “Ngôi Lời đã mặc xác phàm ở giữa chúng ta”. Ta cũng có thể thêm lần nhập thể thứ ba: nơi các thánh, nơi mọi ki-tô hữu, nơi tất cả mọi người, hôm qua, hôm nay mà Thiên Chúa đã nói về mầu nhiệm của Người cũng như mầu nhiệm của con người qua trung gian họ.

Nhưng hiển nhiên là, đối với ki-tô hữu chúng ta, trọng tâm của mầu nhiệm nhập thể là biến cố Giê-su Ki-tô. Mầu nhiệm của Lời Chúa được hội tụ nơi Con Người của Thầy Giê-su. Mọi ơn gọi, từ Kinh Thánh Cựu-Tân-Ước cho tới các hình thức ơn gọi trong Giáo Hội ngày nay, đều khởi xuất và qui tụ nơi Thầy, Người Con Duy Nhất của Cha. Mặc dù biết rằng mình nhận lãnh sứ vụ từ Cha, nhưng Thầy Giê-su không bao giờ nói là đã “được Cha gọi”. Đây chính là điểm khác biệt căn bản với mọi hình thức ơn gọi khác từ xưa đến nay. Thật thế, các sách Tin Mừng, khi nói về sứ vụ của Thầy, đã không bao giờ dùng hai từ “ơn gọi”, có thể vì muốn chứng tỏ ơn gọi của Thầy là độc nhất. Vì không phải bởi một lời “gọi”, làm thay đổi cuộc sống con người mà Thầy được “sai đi” như các ơn gọi khác. Sứ vụ của Thầy Giê-su là do chính bản thể Con của Cha mà ra. Thầy biết mình từ đâu đến và sẽ đi đâu.

Trong các sách Tin Mừng, không bao giờ ta đọc thấy kiểu nói: Lời Chúa phán bảo Giê-su! như ta thường gặp đối với các ngôn sứ. Và chính Thầy cũng chẳng bao giờ mở đầu bài giảng huấn của mình bằng câu “Sấm ngôn của Chúa”, hay “Thiên Chúa phán bảo thế”.

Nhưng Thầy khẳng định: “Còn Ta, Ta bảo anh em (Mt 5, 22.28). Thầy còn không ngần ngại tuyên bố:

“Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi. Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống”… “Vì nếu các ông tin ông Môsê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi. Nhưng nếu các ông không tin các điều ông ấy viết, thì làm sao tin được lời tôi nói” (Ga 5, 39-40; 46-47)?

Đức Tin của chúng ta không dựa trên một giáo thuyết, một triết thuyết nhưng trên một người, một biến cố lịch sử. Ngôi Lời nhập thể, làm người ở ngay trong lòng lịch sử nhân loại. Lời đã trở thành một Người. Chúng ta đã thấy trong Tin Mừng của thánh Lu-ca, các mục đồng đã nói với nhau trong đêm Chúa Giáng Sinh: “Nào, chúng ta hãy đến Be-lem để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ ra cho ta biết (Lc 2, 15).

Ki-tô giáo không phải là một tôn giáo của Sách Vở, nhưng là một tôn giáo của Lời. Đàng khác, khi các tông đồ công bố Lời Chúa, Tin Mừng, đó không phải là một cuốn sách – chưa có vào thời đó – nhưng là chính Đức Ki-tô Giê-su. Trọn cuộc đời của Thầy – từ khi sinh ra, lớn lên, mọi mối tương quan, mọi lời giảng huấn, cho đến cái chết và sự kiện Thầy sống lại – đều là Lời. Cái chết của Thầy trên thập giá cũng là một “lời mạc khải” lạ lùng về mầu nhiệm Thiên Chúa. Thầy đã nói tất cả khi im lặng chết vì yêu thương chúng ta. Trên thập giá, Đức Ki-tô đã tỏ lộ chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa, cũng như độ sâu của tội lỗi con người,      có khả năng giết chết Đấng là nguồn mạch sự sống, và    đồng thời, một cách hết sức mâu thuẫn, Thầy cũng tỏ lộ sự cao cả của con người, vì nó đã được cứu chuộc bằng một giá như thế!

Những lần chữa lành và trừ quỉ của Thầy Giê-su đều chứng tỏ rằng Lời được mạc khải nơi Thầy không phải là một bài thuyết giáo, nhưng là một sức mạnh của sự sống, nó chữa lành, soi sáng, cứu độ, giải thóat, để con người được trỗi dậy. Lời-Giê-su còn tự định nghĩa mình là “Ánh Sáng”, không phải bất cứ một tia sáng nào khác, mà là Ánh Sáng tỏ lộ mầu nhiệm Thiên Chúa: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8, 12).

Lời của Thầy Giê-su là suối nguồn của đời sống vĩnh cửu: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Ðấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống” (Ga 5, 24).

Thầy khen lòng tin của viên đội trưởng La-mã vì ông đã dám nói: “Xin Người chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (Mt 8, 5-13). Giê-su chính là Lời Sáng Tạo, tha thứ cho tội nhân, tác tạo nên con người mới: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!” (Mt 9, 1-7). Thầy xác tín rằng lời nói của Thầy sẽ không bao giờ qua đi: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Mt 24, 35).

Giê-su-Lời còn hơn là một ngôn sứ hay một luật sĩ, Thầy nói với tất cả quyền năng: “và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sabát, Ðức Giê-su vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Ðấng có thẩm quyền[1], chứ không như các kinh sư” (Mc 1, 21-27).

 Nơi Thầy Giê-su chính là Lời sáng tạo của Thiên Chúa tác động, thực hiện ơn cứu độ trên thế gian. Thánh Mát-thêu trình bầy như một sự kiện toàn mọi Lề Luật và các Ngôn Sứ. Những mối Phúc của bài giảng trên núi đối với ông và cộng đoàn Do-thái-ki-tô-hữu, là một tuyên ngôn bản Luật Mới.

Thầy Giê-su còn tự cho mình là nhà diễn giải và chú giải Sách Thánh hết sức linh động: “Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 27).

Thầy cho ta thấy được phần nào căn tính khôn dò của Thầy: Lời Thầy nói chỉ là tiếng vọng của Lời Cha: “Ðấng đã sai tôi là Ðấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói"... Họ không hiểu là Ðức Giê-su nói với họ về Chúa Cha. Người bảo họ: "Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu... Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy” (Ga 8, 26-28).

Giê-su là sự vén mở, là người biểu lộ Cha. Từ chối Lời Thầy là từ chối chính Cha!

“Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan tòa xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Ðấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi” (Ga 12, 48-50).

 

Ngôi Lời của Thiên Chúa được sai xuống thế gian

Trong các sách Phúc Âm, Giê-su chủ yếu là Đấng được Cha “sai đi”, là Vị “thừa sai” tuyệt hảo, là Chứng Nhân cho Cha và Vương Quốc của Cha. Điều này rất đúng trong Tin Mừng của Gioan, ta nhận thấy động từ “sai đi” được dùng hơn 40 lần:

“Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 17).

“Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Ðấng đã sai Thầy, và hòan tất công trình của Người” (Ga 4, 34);

“Vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Ðấng đã sai tôi” (Ga 6,38).

“Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Ðấng đã sai tôi là Ðấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói” (Ga 8, 26).

“Chúng ta phải làm những việc của Ðấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được” (Ga 9, 4).

“Thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: 'Ông nói phạm thượng!' vì tôi đã nói: 'Tôi là Con Thiên Chúa'? (Ga 10, 36).

Giê-su đúng là Apostolos, là vị Thừa Sai (Tông Đồ) mà đam mê duy nhất là kiện toàn kế hoạch yêu thương của Cha. Có sự hợp nhất tuyệt vời giữa sứ vụ của Thầy Giê-su và Thiên Chúa Cha, Đấng sai Thầy: “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Ðấng đã sai tôi; ai thấy tôi là thấy Ðấng đã sai tôi” (Ga 12, 44-45).

Thế nên, niềm tin cốt yếu là tin vào Giê-su, chính là Thiên Chúa Giao Ước lên tiếng, mời gọi và chất vấn con người. Giê-su là Lời của Thiên Chúa, là Giao Ước của Chúa mặc xác phàm, mang diện mạo con người. Giê-su là cao điểm của cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người. Giê-su là Lời Chúa mà các ngôn sứ đã không ngừng mời gọi dân Người lắng nghe: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ” (Hr 1,1).

Nhưng nếu Thầy Giê-su luôn cắm rễ sứ vụ của mình vào sâu trong dòng lịch sử của cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, từ Áp-ra-ham và Mô-sê, thì Thầy cũng trải rộng lời mời gọi kia đến vô biên, bao quát mọi dân tộc, cũng như những lời hứa của Giao Ước đến tận chân trời bất định của Thiên Quốc. Thầy là Lời thiêng của Chúa được gửi đến cho toàn thể nhân loại: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1 Ga 4, 9 tt).

Mỗi trang Tin Mừng đều vén mở cho chúng ta tầm quan trọng của sứ vụ, và bằng trăm ngàn cách, mô tả nội dung sứ vụ đó của Thầy:

 “Tôi đã đến... không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn Lề Luật” (Mt 5, 17). Sứ vụ của Giê-su là kiện toàn mọi lời hứa và niềm hy vọng của dân Chúa.

“Tôi đã đến... ném lửa vào mặt đất” (Lc 12, 49). Sứ vụ của Thầy là thắp sáng lên, giữa lòng thế giới, ngọn lửa tình yêu, để tinh luyện, soi sáng giúp trái đất chúng ta cho nhiều hoa màu.

“Tôi đã đến... không phải để đem bình an, nhưng       để đem gươm giáo” (Mt 10, 34). Sứ vụ của Thầy là mở rộng  thời gian cho những chọn lựa mang tính cách quyết định của con người.

“Tôi đã đến... không phải để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2, 17) hoặc "tìm kiếm và cứu vớt điều đã mất" (Lc 19, 10). Sứ vụ của Người là cả một ý chí muốn hòa giải con người với Thiên Chúa.

“Tôi đã đến... là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45). Sứ vụ của Thầy là một quà tặng.

“Tôi đã đến... để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10).Và trước hết, Thầy Giê-su đến để trao ban sự sống cho chúng ta.

 

(chương này còn tiếp kỳ sau)

 

[1]   1. Từ hy-lạp exousia thường được dịch là “thẩm quyền” hoặc “quyền năng” không hề mang ý nghĩa quyền bính gì thuộc nhân loại, nhưng là sức mạnh của cuộc sống nội tâm. Chúa Giê-su không lặp lại, như các kinh sư, những bài học thuộc trường lớp của một ông thầy nào đó chuyên về Kinh Thánh, nhưng Người rút ra từ chính thâm tâm mình những lời Người nói. Chính “Lời sự sống” này, sự đảm bảo nội tại này Người đã thông truyền cho các môn đồ của Người sau Phục Sinh: “Thầy đã được trao toàn quyền (exousia) trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 18-19).


VỀ MỤC LỤC
THÁNH TRUYỀN LÀ GÌ ?
 

Hỏi : xin cha giải thích điều gọi là Thánh Truyền trong niềm tin của Giáo Hội.

Trả Lời : Theo giáo huấn của Giáo Hội thì Kinh Thánh ( Sacred Scripture) Thánh Truyền ( Sacred Tradition) hay còn gọi là Truyền Thống Tông Đồ ( Apostolic Tradition) và Mặc Khải ( Divine Revelation) là những nguồn suối đức tin  cho ta biết có Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo dựng muôn loài muôn vật, có Chúa Con là Đấng Cứu Chuộc nhân loại đã đến trần gian rao giảng Tin Mừng Cứu Độ  và Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý và là Đấng ban sự sống.

Đây là Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi mà chỉ những ai có niềm tin  Thiên Chúa và vâng phục giáo lý của Giáo Hội mới có thể tin và chấp nhận được.

Theo Giáo Hội dạy thì Thánh Truyền là “ mang lời của Thiên Chúa đã được Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần ủy thác cho các Tông Đồ và truyền đạt lời Chúa cách nguyên vẹn cho những người kế vị các Tông Đồ để các vị này gìn giữ, trình bày và truyền bá lời  đó cách trung thành khi giảng dạy.” ( x. SGLGHCG số 81)

Từ định nghĩa trên, chúng ta hiểu rằng lời  Chúa là chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, mà các Tông Đồ đã được nghe trong suốt 3 năm theo Chúa đi rao giảng, dạy dỗ và chứng kiến Người làm nhiều phép lạ.Tuy nhiên, trong những năm cuối của thể kỷ thứ nhất, sau khi Chúa Kitô đã hoàn tất công trình Cứu Chuộc nhân loại qua khổ hình thập giá, chết, sống lại và lên Trời, Kinh Thánh Tân Ước chưa có, nên các Tông Đồ chỉ dạy truyền khẩu cho các tín hữu thời sơ  khai đó những gì các ngài đã nghe được từ chính Chúa Giêsu là Nguồn Chân Lý  đức tin và giáo lý tinh tuyền. Các ngài đã giảng dạy, gìn giữ kho tàng thiêng liêng đó nguyên vẹn  để trao lại cho các vị kế tục sứ mạng Tông Đồ trong Giáo Hội  như Thánh Phaolô  đã nói với môn đệ ngài là Ti-mô-thê như sau về di sản thiêng liêng  này :

Anh Ti-mô-thê, hãy bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho anh, tránh những chuyện nhảm nhí, trống rỗng, và những vấn đề trí thức giả hiệu. Có những kẻ , vì chủ trương cái trí thức đó, nên đã lạc mất đức tin. Chúc anh  em được ân sủng.” ( 1 Tm 6 : 20-21)

Ngoài ra, trong thứ thứ hai gửi cho Ti-mô-thê, Thánh Phaolô cũng nói thêm với  môn đệ này như sau :

Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Đức Kitô Giêsu, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy. Giáo Lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo  toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta. ( 2 Tm 1 : 12-14)

Như thế có nghĩa là- trước khi có Kinh Thánh Tân Ước làm tài liệu học hỏi và giảng dạy,  các Thánh Tông Đồ  chỉ  dạy truyền khẩu  những gì các ngài đã nghe  từ chính Chúa Giêsu và truyền lại  cho các vị kế nghiệp các ngài  trong Giáo Hội để tiếp tục dạy dỗ  không sai lầm những giáo thuyết mà Chúa Kitô đã giảng dạy  cùng những việc Chúa đã làm như chữa lành cho biết bao bệnh nhân, trừ quỉ , làm phép lạ hóa bánh và cá  ra nhiều cho hàng ngàn người ăn no đủ, cũng như cho người chết sống lại. Các Tông Đồ đã ghi nhớ những việc Chúa làm và lời Người giảng dạy,  nên sau này hai  Tông Đồ  Matthêu và Gioan đã cùng với Maccô và Luca ( môn đệ của Phaolô)  đã viết thành 4  Phúc Âm cộng thêm những Thư mục vụ quan trọng  ( Epistles) của các Thánh Phaolô, Phê rô, Gioan, Gia-cô-bê, Giuđa ghi lại những lời giảng dạy và những việc Chúa Giêsu  đã làm để Giáo hội có thêm nguồn chân lý  đức tin là Kinh Thánh Tân Ước để dạy cho dân Chúa, như chúng ta thấy ngày nay.

Nhưng như đã nói ở trên, trước khi có Kinh Thánh Tân Ứớc  được viết ra với  ơn linh ứng ( inspired)  của Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ chỉ rao giảng và dạy truyền khẩu, nhưng chính xác các giáo lý mà  Chúa Giêsu  đã  giảng dạy  và truyền lại cho những người kế vị để dạy  cho Giáo Hội  trong buổi ban đầu đó. Những di sản thiêng liêng này được  bảo tồn  nguyên vẹn để truyền lại  cho các thế hệ sau trong Giáo Hội tiếp tục sứ mạng Tông Đồ mà Chúa Kitô đã trao phó trước khi Chúa về trời ,là “ anh  em hãy đi khắp nơi , loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo..” ( Mk 16: 15)

Thánh Tông Đồ Giuđa cũng nói thêm về Truyền Thống Tông Đồ  như sau :

     “ anh em thân mến , tôi vẫn ước mong viết thư cho anh  em về ơn cứu độ chung của chúng ta , thì nay lại bó buộc phải viết cho anh  em, để khuyên nhủ anh  em chiến đấu cho đức tin đã được truyền lại cho các thánh  chỉ một lần là đủ. ( Gđa 3)

Nghĩa là chính các  Thánh Tông Đồ đã  một lần truyền lại giáo lý tinh tuyền, lành mạnh, đức tin vững chắc mà các ngài đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu cho các vị kế nghiệp các ngài là các Giám mục trong Giáo Hội từ đầu cho đến ngày nay.Qua các Thư mục vụ có ơn linh ứng, chúng ta đọc được những lời  các Thánh Tông Đồ khuyên nhủ các tín hữu ban đầu phải giữ gìn các truyền thống  và giáo lý  đã được các ngài dạy dỗ và truyền lại cách chính xác  như Thánh Phaolô đã nói với các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca như sau :

Vậy thưa anh  em, anh  em hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh  em bằng lời nói hay bằng thư từ.” (2 Th 2: 15)

Không những các Tông Đồ truyền lai những giáo huấn của Chúa Kitô  mà còn truyền lại cả những chỉ thị  hay tiêu chuẩn để chọn người thay thế các ngài như Thánh Phaolô đã căn dặn  môn đệ ngài là Titô như sau :

Tôi đã để anh ở  lại đảo  Kêta chính là để anh hoàn thành công việc tổ chức và đặt những kỳ mục ( Giám mục) trong mỗi thành như tôi đã truyền cho anh….Thật vậy , Giám quản , với tư cách là quản  lý của Thiên Chúa,  phải là người không chê trách được, không ngạo mạn, không nóng tính, không nghiện rượu, không hiếu chiến và không tìm  lợi lộc  thấp hèn….” ( Tt 1: 2-7)

Những lời căn dặn trên đây của Thánh Phaolô cho thấy các Tông Đồ của Chúa Kitô  đã rất thận trọng trong việc chọn người kế vị các ngài để cai trị, dạy dỗ  và thánh hóa dân Chúa trong Giáo Hội.

Ước mong sao các vị kế nghiệp các Thánh Tông Đồ ngày nay  tuân giữ những chỉ thị trên khi chọn người thay thế mình trong sứ mạng Tông Đồ để không chọn lầm những người không xứng đáng vào vai trò lãnh đạo trong các Giáo Hội địa phương.( Giáo phận).

Qua dòng thời gian Thánh Truyền vẫn sống động và tiến triển nhờ Chúa Thánh Thần hỗ trợ và gìn giữ để kho tàng linh thánh tiếp tục hướng dẫn Giáo Hội trong sứ mạng dạy dỗ, thánh hóa và cai trị dân Chúa thay mặt Chúa Kitô trên trần gian này.

Như thế, Thánh Truyền cũng là những lời giảng dạy đức tin vững chắc , giáo lý tinh tuyền cũng như chỉ thị về việc cắt đặt người cai quản, lên thay thế  các ngài trong Giáo Hội từ  khởi thủy  cho đến ngày nay. Dựa vào Truyền Thống này ,Giáo Hội tiếp tục  học hỏi cắt nghĩa  và giảng dạy Lời Chúa  được mặc khải qua Kinh Thánh và Thánh truyền  để dạy đỗ không sai lầm những chân lý đức tin và nền tảng luân lý cho mọi tín hữu  trong Giáo Hội Công Giáo, được Chúa Kitô thiết lập trên nền tảng các Tông Đồ để chuyên chở  ơn cứu Độ của Chúa đến  hết mọi dân , mọi nước cho đến ngày mãn thời gian.

 Sau hết, các Tông Đồ không những chỉ dạy dỗ các tín hữu thời sơ khai với giáo lý vững chắc và lành mạnh mà còn  khuyên nhủ tín hứu phải chiến đấu để bảo vệ giáo lý đức tin đó, vì ngay trong buổi ban đầu đã có những người đã len lỏi vào, những người  từ lâu  đã bị ghi trước vào danh sách những kẻ bị lên án. Những kẻ vô luân này đã biến ân sủng của Thiên Chúa chúng ta thành lý do biện minh cho lối sống dâm ô, họ chối bỏ Chúa chúng ta là Đức Giêsu-Kitô, vị Chúa Tể duy nhất.” ( Gđa 4).

Giáo Hội dạy những giáo lý, tín lý , luân lý  và lời Chúa  với quyền Giáo Huấn ( Magisterium), một  công cụ Chúa Thánh Thần dùng để giúp Giáo Hội dạy dỗ không sai lầm những chân lý đức tin và nền tảng luân lý được các Thánh Tông Đồ truyền lại cho các vị  kế tục là các Giám mục trong Giáo Hội. Do đó ai nghe Giáo Hội là nghe các Thánh Tông Đồ và nghe các ngài  là nghe  chính Chúa Kitô đã gọi và sai họ đi rao giảng như Chúa đã nói rõ trong Tin Mừng Thánh Luca  sau đây:

“ Ai nghe anh  em là nghe Thầy, và ai khước từ anh  em là khước từ Thầy;

Mà  khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.” ( Lc  10: 16)

Thánh Truyền  có liên hệ mật thiết với Thánh Kinh vì cả hai đều xuất phát từ một Nguồn mạch là Thiên Chúa.Thánh Kinh là Lời Chúa đã  được ghi chép lại bằng ngôn ngữ loài người dưới  sự linh ứng  của Chúa Thánh Thần. Do đó, sách nào không  được coi là có ơn linh ứng thì không được công nhận là Sách thánh. Như vậy chỉ có 45 Sách Cựu Ước và 27 Sách Tân Ước ( 4 Phúc Âm, Sách Tông Đồ công vụ  và các thư Mục Vụ) được công nhân là có ơn Linh ứng  mà thôi.Và đây là toàn bộ Kinh Thánh mà Giáo Hội Công Giáo đọc và giải thích Lời Chúa.

Thánh Kinh và Thánh truyền đều có chung một mục đích là loan truyền lời Chúa bằng văn tự hay truyền lại bằng lời nói những gì các Tông Đồ đã nghe từ  Chúa Kitô trong suốt ba năm Người dạy dỗ họ  và dân chúng, cũng như chứng kiến những việc Chúa làm để lưu truyền cho hậu thế.

Thánh Truyền, tức Truyền Thống Tông Đồ,  khác với các truyền thống trong Giáo Hội như : truyền thống thần học , kỷ luật, phụng vụ hoặc sùng đạo đã nảy sinh nơi các giáo hội địa phương qua dòng thời gian.Nhứng truyền thống này là những hình thức riêng biệt để đón nhận Truyền Thống  ( Thánh Truyền) của Giáo Hội tại những địa phương khác nhau và ở những thời đại khác nhau.Dưới ánh sáng của Truyền Thống chung này, các truyền thống riêng biệt đã được duy trì , sửa đổi hoặc bị bãi bỏ dưới sự dẫn dắt của Huấn Quyền Giáo Hội.”  ( x SGLGHCG số 83)

Thí dụ cụ thể : trong nhiều giáo hội địa phương ở Viêt Nam và Phi luật Tân ( các giáo phận) có truyền thống tưởng niệm Tuần Thánh với những nghi thức đóng đanh Chúa, (ở Phi luật Tân và Mễ Tây Cơ, có nơi đã đóng đanh thật một người đóng vai Chúa ! Nhưng  việc này đã bị Giáo quyền địa phương ngăn cấm gần đây) hạ xác Chúa và viếng xác Chúa trong ngày Thứ sáu Tuần Thánh. Đây là truyền thống địa phương chứ không phải là Thánh  Truyền.

Thánh Truyền chỉ truyền lại sự kiện Chúa bị kết án, bị hành hạ và bị đóng đanh đề đền  tội cho cả và loài người. Nhưng do lòng đạo đức, các thừa sai đã dạy cho  các tín hữu ở nhiều địa phương làm sống lại các sự kiện trên với những nghi thức dân gian đặc  biệt và trở thành truyền thống cử hành mỗi năm vào Mùa Chay và Tuần Thánh ở một số địa phương chứ không ở khắp nơi trong Giáo Hội.

Lại nữa và quan trọng hơn, Thánh Truyền tôn trọng nguyên tắc chỉ chọn người nam ( nam giới)  vào các chức vu giám quản( giám mục) và phụ tá ( linh mục ) như Chúa Giêsu đã chọn các ngài.( Chúa không chọn phụ nữ nào làm Tông Đồ) Và cũng theo Thánh Truyền thì không có việc rửa chân cho phụ nữ, mà chỉ cho nam giới như Giáo Hội cử hành hàng năm tại Rôma trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh.( Chúa Giêsu cũng không rửa chân cho phụ nữ nào kể cả cho Đức Maria là Mẹ của Người).

Vậy , đòi cho phụ nữ làm linh mục hay rửa chân cho nữ giới là sai Truyền Thống Tông Đồ.

Tóm lại, Thánh truyền là di sản thiêng liêng được các Tông Đồ lưu trữ và truyền lại cho các vị kế tục trong Giáo hội để dạy dỗ chính xác  các giáo lý đức tin mà Chúa Giêsu đã giảng dạy và làm gương sáng cho mọi  thế hệ  học hỏi và noi theo.

Chúng ta chân quý Thánh Truyền hay Truyền Thống Tông Đồ vì nhờ đó chúng ta được thêm vững tin trong chân lý của Đạo Thánh mà Chúa Kitô đã mang xuống từ Trời cho chúng ta tin và thực hành để được cứu độ như lòng Chúa mong muốn. ( cf 1 Tm 2 : 4).

Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

VỀ MỤC LỤC
KHOẺ NHƯ NÚI ĐỒI
 

Tôi tham dự cuộc Hành Hương Đức Mẹ, ăn phục vụ nhưng ai cũng phải bỏ tiền ra mua, không có phần ăn riêng cho một ai kể cả hai vị Giám Mục của Giáo Phận. Từng nhóm người quây Măng Đen vào ngày 15 tháng 9, cuộc Hành Hương gây trong tôi rất nhiều ấn tượng, ấn tượng bởi sự hùng vĩ của núi đồi, ấn tượng vì khách Hành Hương đa phần là những người anh em dân tộc, ấn tượng vì cách tổ chức Hành Hương “kỳ lạ” và ấn tượng cả về vị Giám Mục của Giáo Phận Tây Nguyên.

 

Cũng nhiều xe, nhiều người, nhưng cái dòng người, dòng xe nối đuôi nhau ngoằn ngoèo trên những triền dốc sườn đèo cho ta một cám giác khó tả. Đứng lại ở một vài điểm cao tình cờ, tầm nhìn cho ta những bức tranh đắt giá về một dòng người Hành Hương. Cũng lễ, cũng diễn nguyện, nhưng cuộc lễ chỉ có hai vị Giám Mục trên lễ đài còn tất cả Linh Mục Tu Sĩ ở bên dưới cùng với mọi người, như mọi người, khi mưa không một chiếc dù nào được sử dụng kể cả dù che cho vị Giám Mục chủ tế, đã có một vài tiếng suỵt nhẹ khi một vài chiếc dù được giăng lên.

 

Lễ chấm dứt vào buổi trưa nên cũng phải ăn trưa, cũng có quán quần với nhau trên những cạnh đường, những vạt cỏ, chia nhau những phần cơm thanh đạm, xuất hiện đó đây những thanh cơm lam ( cơm nấu trong ống tre ) ăn với thịt gà “leo đồi” nướng chấm lá é ( một thứ đồ chấm của người dân tộc ).

 

Quan sát kỹ và thăm hỏi Ban Tổ Chức chúng tôi được biết, có một số mạnh thường quân là các “đại gia” đến từ nhiều nơi giúp tài trợ từng phần cho việc tổ chức Hành Hương, họ sắn tay áo vào phục vụ, khiêng những kiện hàng, những thùng nước, những vật dụng Phụng Vụ… nói chung là lăn lộn với công việc chứ không áo quần súng sính, đi lại xênh xang, ngồi hàng ghế nhất như nhiều nơi khác.

 

Và ấn tượng nhất là sau khi kết thúc Hành Hương, chính Đức Cha Micae, Giám Mục Giáo Phận đã đi vòng quanh thăm hỏi mọi người, đồng thời nhặt rác cũng như nhắc nhở mọi người phải nhặt rác để làm sạch khu vực Hành Hương.

 

Cũng còn những cái đặc biệt mà bất ngờ khách Hành Hương được chứng kiến. Chân tượng Đức Mẹ là nơi tập họp có biểu ngữ của anh em dân tộc cùi làng Kon Thục, biểu ngữ nói lên nỗi đớn đau khi bị áp bức phải thu dỡ Nhà Nguyện, phải phá bỏ tháp chuông, bây giờ giăng tấm bạt ở nhà một Yao Phu để làm Lễ cũng đang bị áp lực tháo bỏ. Đức Cha Micae đã dành cho những con người đau khổ này lời chào đặc biệt và kêu gọi mọi người cầu nguyện cho Kon Thục – Châu Khê. Đức Cha cũng đã thẳng thắn nói lên sự tôn trọng tối thiểu cần phải có của những người đang cầm quyền đối với quyền tôn giáo của con người, ngài kêu gọi nhà cầm quyền sớm cho phục hồi lại tượng đài Đức Mẹ Đức Cơ và tượng đài Đức Mẹ Buôn Hồ. Đó là nguyện vọng của mọi người dân Công Giáo thuộc Giáo Phận Kon Tum.

 

Pho tượng Đức Mẹ ở Măng Đen mộc mạc như chính những con cái của Mẹ giản đơn và mộc mạc, tiếc rằng Ban Tổ Chức đã cho sơn tượng lại một màu trắng mới, đánh mất đi sự “lọ lem” của Mẹ khi đoàn con cái vây quanh Mẹ mặt mũi “lọ lem”. Không gian dành cho việc Hành Hương nhỏ bé quá so với hơn 30.000 người đến với Mẹ trong ngày Hành Hương, một vị trong Ban Tổ Chức nói với chúng tôi: “Xe hơi chúng con đếm đến chiếc thứ 1.000 rồi không thể đếm được nữa, xe máy khoảng hơn 10.000 cái”. Năm sau chắc sẽ hơn, bài toán về trật tự, bài toán về môi trường, bài toán về giao thông là những bài toán rất khó giải nhưng vẫn phải được đặt ra.

 

Đi Hành Hương Măng Đen, chúng tôi hưởng một bữa tiệc no nê ơn phước, một bữa tiệc thoả thích với núi rừng, từng vạt rừng không lớn lắm nhưng cây rừng xanh tươi, từng cung đường nhỏ hẹp quanh co bám vào núi đồi. Chúng tôi, những cư dân thành phố tận hưởng những giờ phút quý hiếm ngắn ngủi được thảnh thơi “bắt buộc”, thảnh thơi bắt buộc vì hơn hai tiếng đồng hồ xe chở chúng tôi mới ra khỏi khu vực đậu xe để đón chúng tôi, chúng tôi có hơn hai tiếng thảnh thơi “bắt buộc” để rong chơi bên những bìa rừng, bắt buộc vì khi đó không có gì để làm, không còn công việc bề bộn gì quấy nhiễu.

 

Tiện dịp tôi ghé thăm anh em tôi đang phục vụ tại Pleiku, lần này tôi chọn vùng Mang Yang để viếng thăm. Tuyệt vời quá, sáng Chúa Nhật, tôi được dâng lễ giữa những mảng trong xanh của núi đồi, ngôi Nhà Thờ không vách nằm chênh vênh trên sườn dốc, cái mái bằng tôn diềm mái không đủ để che khuất tầm mắt khi đứng trên “Cung Thánh” nhìn xuống.

 

Anh chị em tín hữu đến từ các bản làng chung quanh, nơi xa nhất 18 cây số, họ dâng Thánh Lễ Chúa Nhật với những con mắt trong veo không vẩn đục, bàn tay sần sùi vì mưa nắng, vì gian khổ nhưng rất êm ái nhịp nhàng trong tiếng cồng tiếng chiêng ngất ngây lòng du khách, cả cộng đoàn soan ( múa ) hát những bài Thánh Ca những câu đối đáp trong Thánh Lễ.

 

Tôi đã khựng lại, những người bạn cùng đi với tôi nói: “Con đã nhìn thấy giọt nước mắt chực lăn trên má cha rồi”, khi một cặp vợ chồng cho tôi một bịch măng rừng còn nóng hổi, chị ấy “trọ trẹ” tiếng Kinh: “Nghe cha xứ nói có cha đến thăm, hôm qua chúng con đi rừng hái cái này cho cha, con luộc nó rồi”. Được biết năm nào anh chị em cũng bị ba tháng đói, anh chị em rất nghèo nhưng anh chị em đã rất giầu, cái bịch măng tươi là món quà vô giá.

 

Cái hình ảnh bịch măng tươi vừa luộc xong còn nóng hổi cứ theo tôi mãi, những đôi tay thô ráp tôi được cầm lấy nâng niu trân trọng tôi biết cũng sẽ mãi đeo đuổi đời tôi. Đời sống của họ gian khổ là thế, đời sống tôn giáo, chỗ dựa duy nhất còn lại cũng chẳng yên hàn gì cho cuộc đời của họ, nay bị hạch sách điều này, mai bị mời làm việc điều kia, người dân tộc tin theo Chúa vẫn cứ hồn nhiên vui sống, anh Yao Phu nói với tôi: “Ớ ! Con tin theo Chúa là có Chúa, có Chúa là vui rồi, không sợ gì hết”.

 

Vừa qua nghe một câu chuyện ở làng Kon Thục, công an xã đến bắt Yao Phu Ơ Bơi vì tội truyền đạo, tụ tập ở nhà đọc kinh bất hợp pháp, khi bắt đi Giáo Dân chạy ra ôm chặt lấy Ơ Bơi không cho bắt đi, công an định dùng vũ lực, mấy người dân tộc bị bệnh cùi chỉ cần đưa tay ra như định ôm lấy công an, công an bỏ chạy hết !

 

Anh chị em dân tộc yêu Chúa, theo Chúa một cách rất giản dị, mộc mạc nhưng cũng rất mạnh mẽ và kiên cường, Đức Tin của anh chị em khỏe mạnh như những âm thanh phong phú phát ra không chỉ từ vòm họng nhưng từ… trái tim ngây ngất ân sủng.

 

Tôi muốn viết vài lời ca tụng những điều kỳ diệu Chúa đã làm cho chúng ta…

 

Lm. VĨNH SANG, DCCT, Pleiku, 16.9.2012 (Ephata 527)

 

VỀ MỤC LỤC
THỰC SỰ TIN ? TRULY BELIEVE?

 

CN thường niên 24B

Anh đã quan sát và tự rút ra kết luận cho riêng mình rằng: Khi con người không đặt Thượng Đế vào vị trí trung tâm của cuộc sống, họ sẽ dễ xô xát, cãi vã, ghen tị, đấu đá, thủ đoạn, lợi dụng, thù hận, hãm hại nhau… Nói cách khác, nhiều đổ vỡ bắt nguồn từ việc không có hoặc thiếu vắng niềm tin. Người ta không thể sống trọn vẹn, hài hòa nếu họ không có niềm tin. Ý thức điều ấy, anh giữ cho mình một sự nghiêm túc và quý trọng đối với vấn đề niềm tin. Anh tự hào về niềm tin tôn giáo của mình.

Một ngày kia, có người bạn học đặt một câu hỏi khiến anh bức xúc: “Cậu có thực sự tin Chúa không?

Anh tròn xoe mắt ngạc nhiên rồi tỏ ra khó chịu. Một câu hỏi dư thừa và chạm tự ái đối với anh. Tuy là người có tính nóng nảy, lúc ấy không hiểu sao anh lại không phản ứng mạnh như bình thường. Cứ sự thường thì anh phải hỏi ngược lại người bạn ấy: “Tại sao cậu lại hỏi một câu xóc óc như vậy? Chẳng lẽ cậu không thấy tớ dành rất nhiều thời gian cho việc đạo đức?...” Nhưng lúc ấy, anh chỉ cười trừ mặc dù quê quê. Rồi từ đó anh bắt đầu suy nghĩ. Tại sao người bạn này lại hỏi như thế nhỉ?

Một Chúa Nhật nọ, anh đi tham dự Thánh Lễ. Đang băn khoăn về câu hỏi hôm nào của người bạn, anh chợt giật mình khi nghe các bài đọc Lời Chúa hôm ấy. Chúng dường như đang nói cho riêng anh vậy. Bài Tin Mừng kể lại việc Thầy Giêsu hỏi các học trò của mình: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các môn sinh đưa ra các câu trả lời khác nhau. Thầy hỏi tiếp: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Nghe đến đây, anh được đánh động và được mời gọi nhìn lại mối tương quan của anh với Thầy. Không ai có thể trả lời thay anh. Có khi nào câu hỏi của người bạn học liên quan đến câu hỏi của Thầy Giêsu không ta? Anh bắt đầu xét mình.

Xét mình là một việc làm thú vị và hữu ích bởi nó giúp anh nhận ra những “phản chứng” của mình, như sau: Anh thường xuyên đi Lễ nhưng lại ít quan tâm đến những người xung quanh. Anh có thể thao thao bất tuyệt về những lời hay ý đẹp nhưng lại thiếu nhạy cảm đối với cảm xúc của tha nhân. Anh tự hào là người có niềm tin nhưng lại dễ chao đảo khi khó khăn xuất hiện. Anh cúi đầu cảm tạ Trời Cao về bao nhiêu ơn lành nhưng lại dễ sinh lòng ganh tị khi có ai may mắn hơn anh. Anh xúc động mỗi lần được Chúa tha thứ nhưng vẫn còn nhỏ nhen cố chấp khi có ai mắc lỗi với anh. Anh kể rằng anh luôn có Chúa đồng hành nhưng anh lại dễ hốt hoảng chạy tìm những cứu cánh của bùa chú mê tín mỗi khi đối diện với sóng gió. Anh ghi nhận lòng nhân hậu Chúa dành cho anh nhưng lại có những phản ứng chứa đầy bạo lực. Anh quý trọng tình yêu vô điều kiện của Chúa dành cho anh nhưng tình yêu của anh đối với tha nhân lại rất có điều kiện, nhiều đòi hỏi hơn là dấn thân. Anh tham gia vào các hoạt động phục vụ này nọ đến nỗi có nhiều người thần tượng anh, nhưng hình như việc phục vụ ấy đôi khi lại xuất phát từ nhu cầu có tiếng tăm để tạo sự an ổn tâm lý. Anh bảo rằng tự do là món quà cao quý Chúa ban cho con người để con người có khả năng sống yêu thương nhưng anh lại hay muốn kiểm soát cuộc đời người khác. Anh bảo rằng anh tin tưởng sự quan phòng yêu thương của Chúa nhưng anh lại thường hay than vãn oán trách về nhiều thứ. Anh tin rằng Chúa luôn đầy lòng khoan dung với tất cả, vậy mà anh lại khắc nghiệt với tha nhân và bản thân. Đức tin của anh dạy rằng anh được tạo dựng nên một cách cao quý theo hình ảnh Thiên Chúa, thế nhưng anh vẫn còn đánh giá thấp bản thân mình… Và còn những điều khác nữa.

Cậu có thực sự tin Chúa không?” là câu hỏi của người bạn đã làm anh khó chịu và bắt đầu suy nghĩ. “Con bảo Thầy là ai?” là câu hỏi của Thầy giúp anh đi vào cốt lõi của vấn đề và tìm ra câu trả lời. Bây giờ anh hiểu tại sao người bạn hỏi như thế. Anh hiểu được rằng hành động cần phải tương hợp với tinh thần đức tin, đức tin cần phải được sáng tỏ bằng hành động. Bây giờ anh thấy nhận định của một môn đệ của Thầy tên là Gia-cô-bê thiệt hợp lý: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết….Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin.” (Gc 2: 17-18) Nhưng quan trọng nhất, bây giờ anh đã hiểu rõ hơn mối tương quan của anh với Thầy và đã biết cần phải làm gì để lần sau người khác khi nhìn vào đời sống của anh sẽ nói: “Tôi biết cậu rất tin Chúa.”

Chiêm ngắm cuộc đời Thầy – một cuộc đời đã sống chết trọn vẹn cho và chỉ cho tình yêu vô điều kiện – anh hạ quyết tâm sẽ thực hành tốt hơn lệnh truyền của Thầy: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Cứ dấu này mà người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy, là: các con yêu thương nhau.” (Gioan 13:34-35)

Giuse Việt, O.Carm.

[12A+V0912]

Đọc trong blog cá nhân:

Tiếng Việt: http://only3minutes.wordpress.com/tieng-viet/thuc-su-tin/

English: http://only3minutes.wordpress.com/english/truly-believe/    

 

Truly believe?

Aha has observed and drawn a conclusion: When people don’t place God in the center of their lives, they will easily get into conflicts, quarrels, jealousy, fighting, abuse, hatred, etc. In other words, brokenness derives quite a bit from the lack of faith. People cannot live fully without faith. Aware of this fact, he has held the matter of faith seriously and with much appreciation. He is proud of his religious belief.

Some time ago, a classmate of his asked him a question that disturbed him a great deal: “Do you truly believe in God?

Aha was surprised, then upset. Such an unnecessary and insulting question to his pious religious practice! Though he was a hot tempered person, for some reason he did not react as usual. Usually he would throw the question back to his friend, saying: “Why are you asking me such an insulting question? Don’t you see I spend a lot of time in religious activities?...” But at that moment he smiled, unnaturally because of being embarrassed. From then on, he began to reflect on why this friend of his asked such a question.

Then on a Sunday, Aha went to Mass. While contemplating this question, he was startled by the readings [of the Word of God] that day. It was as if they were speaking specifically to him. The Gospel reported the story in which Jesus asked his disciples: “Who do people say that I am?” They gave him different answers. He then asked them: “But who do you say that I am?” Upon hearing this question, Aha was struck and felt invited to examine his relationship with The Teacher, Jesus. No one could do this for him. Would the question of his friend have anything to do with that of The Teacher? He began to examine his conscience.

Examining his conscience was an interesting and beneficial thing to do since it helped him recognize his own faults and failings as follows:

He went to Mass often but he did not often care about others around him. He could skillfully and endlessly weave his speech with beautiful words and yet he was not sensitive to others’ feelings. He was proud of having faith in God and yet he allowed himself to be shaken when difficulties appeared. He appreciated the blessings he received from God but was jealous of those who were luckier than him. He was moved each time he was forgiven by God but it was hard for him to forgive others. He said that he always had God as his companion but he still had superstitious beliefs. He acknowledged the compassion and mercy of God for himself but his behavior still showed a lack of compassion and mercy for others. He treasured the unconditional love of God for himself but his love for others was quite conditional, more asking than giving. He took part in different activities as service to people so that they were impressed by him, but his service seemed to come from a need for fame that was geared towards creating a sense of security for his own psyche. He held that freedom was a noble gift God gave us humans so that we could love truly and yet he often wanted to control the lives of others. He said that he trusted God’s loving providence but he often complained about things. He believed that God was always compassionate with everyone, and yet he was harsh on others and on himself. His faith taught him that he was nobly created in the image of God, and yet he still held a low self-esteem… There were other things that Aha recognized about himself during his examination of conscience.

 “Do you truly believe in God?” was the question asked by his friend that made him feel upset and made him think. “Who do you say that I am?” is the question asked by The Teacher that helped him focus on the heart of everything and find the answer. Now he has seen the reason why his friend asked him the question. He has understood that action needs to be compatible with the spirit of faith, that faith needs to be clarified by action. He has found the comment of one of Jesus’ disciples – James – logical when he writes: “So you see, faith by itself isn’t enough. Unless it produces good deeds, it is dead and useless. Now someone may argue, “Some people have faith; others have good deeds.” But I say, “How can you show me your faith if you don’t have good deeds? I will show you my faith by my good deeds.” (James 2: 17-18) But most importantly, now he understands more clearly his relationship with The Teacher – Jesus – and knows how to act so that next time, when people witness the way he leads his life, they will say: “I know you truly believe in God!”

Contemplating the life of The Teacher, Jesus, a life spent fully showing unconditional love, Aha is determined to practice better His commandment: “A new command I give you: Love one another. As I have loved you, so you must love one another. By this everyone will know that you are my disciples, if you love one another.” (John 13:34-35)

Joseph Viet, O.Carm.

[12A+V0912]

Personal blog:

Tiếng Việt: http://only3minutes.wordpress.com/tieng-viet/thuc-su-tin/

English: http://only3minutes.wordpress.com/english/truly-believe/    


 

VỀ MỤC LỤC
CHÚ PHA TRÀ

  

Thấy người khác được nể trọng, thấy người khác làm được việc hay,... và tôi bắt chước làm theo để được như thế điều đó chưa hẳn là đúng, dù sự bắt chước ấy có thành công đến bao nhiêu đi chăng nữa. Thực ra ai ai cũng được phú bẩm năng khiếu và tài năng. Tuy nhiên có thể do hoàn cảnh môi trường và chưa được sự nâng đỡ, nên tài năng nhiều lúc không được khám phá và phát triển. Câu chuyện sau đây do người Nhật thuật lại nhằm đề cao đức tính khiêm tốn và khuyến khích chúng ta biết vận dụng tài năng của mình để giúp chính mình và đóng góp cho đời.

* * *

Một võ sĩ đạo rất được nhiều người kính phục vì tài năng và đức độ của ông. Bất cứ nơi nào ông đến, người dân đều vui mừng đón tiếp, các võ sĩ đạo khác đều nể phục tán dương. Bên cận võ sĩ đạo, luôn luôn có một chú pha trà chuyên pha trà cho võ sĩ đạo uống. Chú pha trà rất được võ sĩ đạo quí mến vì không những khả năng pha trà nhưng ngoài ra còn cách thức bày biện cho mỗi bữa tiệc trà. Mỗi lần pha trà, chú ta chuẩn bị rất chu đáo, đúng lễ nghi, và rất tỉ mỉ cẩn thận. Sau bao nhiêu năm hầu hạ và pha trà cho võ sĩ đạo, chú được võ sĩ đạo khâm phục và hết lòng yêu mến.

Tại một ngôi làng nọ, sau khi nghe tin võ sĩ đạo đáng kính sẽ ghé thăm dân làng, người dân đã chuẩn bị chu đáo với nhiều trống kèn và đoàn tuỳ tùng vinh dự để đón tiếp ông. Đúng như vậy, ông đi tới đâu, người người hết thảy đều tung hô và cúi đầu ngưỡng phục võ sĩ đạo rất kính cẩn. Trong khi đó, chú pha trà với đôi gánh trên vai với đầy đủ đồ nghề và chất liệu trà đi sau sau võ sĩ đạo. Càng đi sâu vào ngôi làng, người dân càng hào hứng đón tiếp võ sĩ đạo và chen chúc nhau để tiếp gần lối đi của võ sĩ đạo. Quan sát trước cảnh huống ấy, chú pha trà tự hỏi điều gì làm cho võ sĩ đạo được đón tiếp với nhiều thiện tình quí mến như thế.

Tối đến, sau khi pha trà với lễ nghi như mọi ngày cho võ sĩ đạo uống, chú ta suy nghĩ và tìm cách giả dạng võ sĩ đạo hầu để được tôn vinh và tán thưởng. Sau khi đã nghĩ ra diệu kế, chú đã lấy trộm và mặc trang phục của võ sĩ đạo vào, sau đó chú đi ra phố. Đúng như chú mong đợi, bất cứ nơi nào chú đến, người dân đều thán phục tán dương, và có ngưới đã quì xuống tỏ thái độ tôn kính. Chú pha trà trong lòng mừng vui và hãnh diện khôn xiết. Tuy nhiên chẳng được bao lâu, từ đằng xa chú ta nghe tiếng quát tháo thách thức. “Hởi võ sĩ đạo đáng kính, nếu quả thật ông có tài cao, thì xin mời ông tỉ thí với tôi một trận đấu vào trưa hôm mai tại trung tâm ngôi làng.” Nghe tiếng thách thức của người võ sĩ xa lạ, chú pha trà trong trang phục võ sĩ đạo đã run rẩy khiếp sợ; dầu vậy, chú cố che đậy và gật đầu như tỏ vẻ đồng ý và từ từ rút lui trở về quán trọ. Suốt đêm đó, chú pha trà không thể ngủ được vì lo sợ và không biết phải ăn nói làm sao với võ sĩ đạo, thầy của mình.

Sáng hôm sau, trước tình hình khẩn cấp, chú phải thú nhận lầm lỗi của mình với võ sĩ đạo và hết lời van xin thầy cứu giúp. Võ sĩ đạo sau một hồi suy nghĩ đã bình tĩnh nhìn chú và đáp. “Con  hãy nhớ, ta không thể thi đấu thay cho con được, vì đây là trách nhiệm của con. Những gì con gieo, con phải gặt lấy. Dầu vậy, ta sẽ đi với con. Trưa nay, trước mặt mọi người, con hãy pha trà cho ta uống với tất cả lễ nghi thật sống động, thật đầy đủ như mọi ngày con pha trà cho ta. Con cứ chú tâm làm như ta dặn, còn mọi chuyện khác không bận tâm.”

Đúng như giờ đã hẹn, võ sĩ đạo và chú pha trà có mặt để chuẩn bị cuộc thi đấu với võ sĩ kia. Sau khi hai bên chuẩn bị vào cuộc, võ sĩ đạo ra hiệu chú pha trà bắt đầu thực thi công việc của mình, tức là pha trà cho thầy uống. Đúng như sở thích và tài năng của chú ta. Chú đi vào nghi lễ pha trà với tất cả sự cẩn trọng, chi tiết từ cử chỉ đi, đứng, và ngồi cho đến cách thức đưa tay lấy trà, pha trà, rót trà... nhất cử nhất động đều được làm hết sức cẩn thận và tỏ sự kính trọng đối với võ sĩ đạo. Khi thấy chú pha trà hết sức điệu nghệ và tôn kính, mọi người xung quanh tỏ sự tán dương tài năng của chú và càng tỏ sự kính phục võ sĩ đạo.

Sau một hồi quan sát chú pha trà thực hiện nghi lễ pha trà, người võ sĩ kia tự nhủ trong lòng, “Nếu chỉ là đứa pha trà mà có tài năng như thế, thì tài năng của người võ sĩ đạo sẽ muôn phần trỗi vượt.” Nghĩ như thế, người võ sĩ từ từ tiến đến và xin nhận thua cuộc thi đấu; tiếp theo, ông tiến đến chú pha tra để tỏ lòng ngưỡng mộ nghi lễ pha trà của chú ta.

* * *

Người ta vẫn thường nói, “Chiếc áo không làm nên thầy tu.” Đúng vậy, chiếc áo không có khả năng để quyết định sự hạnh phúc và bình an của đời người, nhưng chính tâm của ta quyết định điều đó. Tâm của chú pha trà bị xáo trộn khi bị thu hút bởi tiếng khen ngợi, và lấy tiếng khen làm một điểm chuẩn mới trong hành trình tìm hạnh phúc của mình. Chú ta nghĩ rằng với chiếc áo của võ sĩ đạo, chú có thể sẽ được tán dương và hạnh phúc. Kết quả chú cũng được tán dương và hạnh phúc, thế nhưng sự vinh dự và niềm hạnh phúc ấy không được bắt nguồn từ gốc rễ của sự thật, nên khi gặp thử thách, niềm vinh dự và hạnh phúc ấy trở thành nỗi lo và đại hoạ cho mình. Thế mới rõ, niềm vinh dự và hạnh phúc của người khác chưa hẳn đã là niềm vinh dự và hạnh phúc của mình. Tưởng rằng với chiếc xe mới sẽ làm mình vinh sự và hạnh phúc như người hàng xóm, nhưng sau khi ta đã sở hữu nó, nó có thể là nỗi lo vì nợ nần. Tưởng rằng chức tước có thể sẽ đem lại cho ta sự thoả mãn, nhưng khi đã lãnh nhận nó, ta mới thấy gánh nặng của trách nhiệm. Hoá ra, cuộc đời đâu hẳn cứ được như người khác là mình hạnh phúc. Lấy hạnh phúc của người khác làm chuẩn cho hạnh phúc của mình là một nỗi bất hạnh của kiếp người.

Bạn thân mến, tự trong mỗi con người chúng ta đều đã được gieo hạt ngọc độc đáo vô nhị. Ta không nhất thiết phải sinh ra trong một gia đình quyền quí, rồi lớn lên, và sống trong xã hội của một vĩ nhân thì ta mới nên người tốt và hạnh phúc như vĩ nhân. Thực tế, trong tất cả các thánh nhân, vĩ nhân trong nhân loại, không một ai trong họ giống nhau về tài năng và năng khiếu, nhưng họ giống nhau về sự khiêm tốn và nhận ra con người thật của chính họ; họ bắt đầu từ việc nhận thức hạt ngọc độc đáo trong con người họ, và làm cho nó lớn lên với hết sức lực bao có thể.

Hôm nay, chúng ta cùng cầu chúc cho nhau thêm khiêm tốn để khám phá chính mình và tìm ra hạt giống ngọc độc đáo được gieo trong chúng ta.

Br. Huynhquảng

VỀ MỤC LỤC
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (3).
 

 NGUYỄN HỌC TẬP. 

Phẩm giá con người là nền tảng của đời sống xã hội. 

Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội  ( HDXHGH) về phẩm giá con người qua nhiều khuôn mẫu suy luận khác nhau, đã tìm cách cho thấy rằng ngay cả trong tư tưởng liên hệ cá biệt với trách nhiệm xã hội đòi buộc những suy tư của chúng ta cũng phải có liên hệ đến những gì là nền tảng nguyên cội của hành động con người, được hiểu một cách tổng quát.

Thông Điệp Veritatis Splendor ( VS) hướng dẫn chúng ta cần phải liên tưởng đến mối tương quan giữa chân lý - tự do là những gì chuẩn bị cho trong mỗi thời điểm cuộc sống con người, dĩ nhiên hàm chứa cả cách sống xã hội ở mọi lãnh vực, tầng lớp, nói lên tầm quan trọng luân lý trong cuộc sống đó:

   - " Như vậy, trong mỗi lãnh vực cuộc sống cá nhân, xã hội và chính trị, luân lý - được đặt nền tảng trên chân lý và chân lý được mở ra cho một nền tự do đích thực - luân lý đem đến một phục vụ nguyên thủy, bất khả thay thế và có giá trị to lớn , không những đối với mỗi cá nhân con người và nhằm tăng trưởng con người trong thiện hảo, mà còn cả cho xã hội và sự phát triển đích thực của xã hội " ( VS n.101).   

Xã hội, trong cách suy tư của Veritas Splendor, được coi như là một trong những yếu tố chính yếu kiến tạo nên tự do và tính cách hữu lý của con người, của bối cảnh trong đó con người được kêu gọi sống và tham dự vào ( VS n. 55).

Cuộc sống xã hội, tức là động tác xã hội của con người, hàm chứa một định chuẩn phán quyết luân lý phải có ( VS n. 101).

Trong lãnh vực hoạt động xã hội - không những chỉ là những hoạt động nhằm bảo vệ mạng sống con người, bảo vệ bầu không khí gia đình và mối liên hệ phái tính, như quan niệm thông thường hay đề cập đến - con người bị đặt dưới một loạt các mệnh lệnh luân lý, bất di dịch và phổ quát ( có gia trị đối với mọi người ) không ai có thể được miễn chuẩn khỏi phán đoán thực tế, ngay cả đối với những ai không có lòng tin tôn giáo cũng vậy.

Đó là những nguyên lý phổ quát mà mọi người chúng ta đều phải dư phần vào, để hướng dẫn các động tác của chúng ta, ví dụ như khi có người nào đó kêu gọi sự giúp đỡ của chúng ta. chúng ta phải quyết định

   - điều gì làm lợi ích cho con người anh ta,

   - và những lời yêu cầu của họ có chính đáng hay không và chính đáng lúc nào,

   - sự trợ giúp nào chúng ta phải đem đến giúp đỡ,

   - ai trong chúng ta phải trợ giúp và với những điều kiẹn nào.

Đó là những nguyên lý để quyết định

   - với nguyên cớ nào dựa vào đó con người có thể chính đáng đòi hỏi và đâu là những bổn phận liên đới hỗ tương phải có, phải chạm trán giải quyết những vấn đề chung cho cuộc sống xã hội  và như thế nào,

   - phải có những đồ án nào để thiết định cơ chế quốc tế,

   - đâu là những mục đích mà các cơ chế đó phải nhằm đạt được,

   - đâu là những ưu tiên mà các cơ chế đó phải quyết định giải quyết ưu tiên,

   - các cơ chế đó gồm những bộ phận nào và phải trả lời với ai đối với các phận vụ mà những cơ chế đó bị quy trách. 

Thiết tưởng chúng ta cũng nên phân biệt vấn đề các nguyên lý phổ quát các nguyên lý tuyệt đối.

Tính cách phổ quát của một nguyên lý là những gì có liên hệ đến trương độ có giá trị của nguyên lý.

Trong khi đó thì đặc tính tuyệt đối là những gì có liên hệ đến tính cách luân lý của nguyên lý.

Nền tảng sát gần nhứt, kề cạnh nhứt của đặc tính tuyệt đối của nguyên lý, theo truyền thống Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội, là phẩm giá con người, bản thể cá biệt của con người, mà tổ chức xã hội có liên hệ đến, không phải như là những gì ngoại vi hay được thêm vào, cho bằng là những gì thiết yếu, cấu trúc liên hệ mật thiết với cuộc sống con người.

Bởi đó nhiều lần Giáo Hội đã lên tiếng khẳng định: 

    " nguyên lý, chủ thể và cùng đích của các cơ chế xã hội là và phải là con người " ( VS n. 97). 

Và đồng thời đó cũng là nền tảng và đặc tính vĩnh viễn của các lề luật có mục đích bảo vệ phẩm giá con người dưới mọi khía cạnh.

Ngoài ra, phát xuất chính từ con người và từ các đặc tính bất khả nhượng của con người, chúng ta có thể nói lên được các đòi buộc có liên hệ một cách cá biệt và trực tiếp để bảo vệ và chăm lo phổ quát đối với mọi con người.

Điều đó không có gì khác hơn là các đòi buộc hiện nay được diễn tả thành các quyền nguyên thủy và bất khả xâm phạm của con người.

Dĩ nhiên trước tình trạng nhân quyền hiện nạy, cần tìm ra được những lề luật luân lý phổ quát và vĩnh viễn thích hợp hơn cho các bối cảnh văn hoá hiện tại, nhứt là đối với dân chúng của những Quốc Gia đang bị biến thành dân oan, bị đánh đập, " trấn nước ", " bịt miệng ", bị biến thành nô lệ và bị buôn bán như súc vật ( cfr. VS n. 53).

Thông Điệp Veritatis Splendor không nói rõ, nhưng đây sẽ là phạn vụ của các cuộc suy tư thần học chuẩn định cho thấy các nhu cầu đòi buộc của con người phải đụng độ với các điều khoản luật phi nhân, cũng như giải thích những đòi hỏi căn bản của con người trước tiến trình thay đổi văn hoá, để có thể tìm đuợc một sự hoà hợp thích đáng bảo vệ con người với phẩm giá thượng đẳng của mình. 

Điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể nhìn nhận một vài nguyên lý như là những nguyên lý tuyệt đối và bất khả nhượng, ví dụ như phẩm giá con người và từ đó tuyệt đối loại trừ các việc bạo hành trên thân xác cũng như dọa nạt trên tinh thần con người ( cfr. Tiền Đề Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ 1776).

. Những điều vừa kể, không có một nền luật pháp nào chính danh được cho phép.

Tuy nhiên cũng có những nguyên lý, không cần phải tuyệt đối, mới được coi là phổ quát.

Các nguyên lý phổ quát không phải tất cả đều có tầm quan trọng như nhau, cũng như các quyền của con người.

Các nguyên lý phổ quát cũng lệ thuộc vào các cuộc tranh chấp trong những hoàn cảnh khác nhau. Những nguyên lý đó, cũng như một số quyền của con người, là những quan niệm thuyết lý và không xác định ở nhiều tầm mức khác nhau. Các nguyên lý phổ quát cũng như quyền đó cần phải được giải thích và thích hợp hoá vào nhiều hoàn cảnh khác nhau và truyền thống khác nhau của các cộng đồng xã hội ( cfr một số quyền căn bản của con người được tương đối hoá trong cuộc sống xã hội, vì lợi ích của mọi người và vì công ích, đã được đề cập ở trên )   

Nếu các nguyên lý phổ quát hay quyền đó phải trở nên thành phần cấu trúc thiết yếu của đời sống cộng đồng, chúng phải được thiết định hoà hợp với các giá trị và truyền thống của cộng đồng.

Bởi đó các nguyên lý hổ quát phải được " trung gian điều giải " ( mediation ) bởi việc cộng đồng tự ý thức về chính mình ( autocomprensioni ) và các bối cảnh khác nhau của cộng đồng, được giải thích và sống bằng nhiều cách khác nhau và tạo nên những phương thức thực hành và cấu trúc khác nhau.

Các nguyên lý phổ quát có giá trị bắt buộc đối với mọi người, mọi xã hội, nhưng ý nghĩa, các mối tương quan nội tại , các phương thức liên hệ nhau và những hình thức thực hiện không phải ở đâu và lúc nào cũng như nhau. 

Các lề luật luân lý bảo vệ phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi người, là những lề luật có ích để tồn giữ chính cấu trúc xã hội con người và phát triển viên mãn xã hội ( VS n. 97).

Điều đó đã khiến cho ĐTC Gioan Phaolồ II đặt các lề luật luân lý trên lãnh vực nhân chủng học và luân lý nền tảng như là những đòi buộc luân lý xã hội, trong khi đó thì cách hành xử của thời đại chúng ta xem lề luật luân lý như chỉ là những đòi hỏi ngoại vi đối với các động tác phải có trong cuộc sống chung.

Tính cách tuyệt đối và phổ quát của các lề luật tiêu cực, dựa trên nền tảng phẩm giá bất khả xâm phạm của con người , cho phép con người với tổ chức xã hội của mình

   - đặt giới hạn đối với những gì hành xử bất chính

   - và bắt buộc tối đa phải thực hiện đối với tất cả, bằng cách thiết lập nên những điều kiện nền tảng, để cho xã hội có thể phát triển trong chiều hướng hoàn toàn công chính:

   - " Bởi đó, mối liên kết bất khả phân giữa chân lý và tự do - là thể thức diễn tả ra mối liên hệ chính yếu giữa đức khôn ngoan và ý muốn của Chúa - có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng cho đời sống con người trong lãnh vực xã hội - kinh tế và xã hội - chính trị, như là những gì thể hiện lên từ Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội, là môn thuộc về lãnh vực thần học và nhứt là thần học luân lý và từ phương thức trình bày như là những giới luật thiết định, không những liên quan đến cách hành xử tổng quát, mà cả đến thái độ chính xác và xác định thiết thực, trong đời sống xã hội, kinh tế và chính trị " ( VS n.  99).  

Để kết luận, chúng ta có thể nói rằng nền thần học xã hội hay những hiểu biết có chuẩn định về kinh nghiệm xã hội, dưới ánh sáng đức tin, không thể không lưu tâm đến truyền thống giáo hội và như vậy đến những chỉ dẫn của quyền huấn dạy của Giáo Hội trong Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội.

Phận vụ của nền thần học xã hội là phận vụ, trong việc quan sát và chuẩn định những thực tại xã hội, nhắc nhở lại chân lý về con người trong nguyên cội của mình. Đó là sự thật về con người trước mặt Thiên Chúa và dưới đôi mắt của Thiên Chúa, chân lý về con người có được trong cuộc hội ngộ với Thiên Chúa.

Chúng ta đừng quên rằng Ki Tô hữu là người nhờ đức tin, được tham dự vào mầu nhiệm Chúa Ki Tô và trung tâm điểm của mầu nhiệm nầy là mối tương quan sống, trong một đời sống gương mẫu cho mọi đời sống, của cái chết và phục sinh của Chúa Kitô.

VỀ MỤC LỤC
Lời cầu nguyện của lão già keo kiệt  

Nguyên tác: Taking Flight - Bay Lên Đi

Tác giả: Anthony de Mello, S.J.

Chuyển ngữ: Lm. Minh Anh (Gp. Huế)

Chỉ dẫn: 

Tốt nhất, các câu chuyện sẽ được đọc theo thứ tự như đã sắp xếp. Mỗi lần đọc không quá một hoặc hai mẩu chuyện nếu bạn ước ao có được một cái gì đó hơn là chỉ giải trí.

Lưu ý: 

Các chuyện kể trong tập sách này đến từ nhiều đất nước, nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác nhau; chúng thuộc về những di sản thiêng liêng, những câu chuyện hài hước được ưa chuộng của dòng đời nhân loại. 

Những gì tác giả làm là xâu kết chúng lại với nhau theo một ý hướng đặc thù. Công việc của tác giả là công việc của người thợ dệt và thợ nhuộm, tác giả chẳng có công trạng gì về những tấm vải và những sợi chỉ.  

LTS. Chỉ dẫn và lưu ý trên đây là của tác giả. Tuy nhiên, vì Đặc San GSVN chỉ phát hành 2 tuần một lần nên mỗi số báo BBT xin giới thiệu trung bình từ 5 đến 7 mẫu chuyện. Bạn đọc có thể lưu lại để nghiền ngẫm suy tư.

 

Chủ đề : TÔN GIÁO (tiếp theo)

66. Lời cầu nguyện của lão già keo kiệt  

Người ta nghe một lão già keo kiệt cầu nguyện thế này, “Danh Chúa đáng chúc tụng đến muôn đời, nếu Đấng Toàn Năng ban cho con một trăm ngàn đôla, con sẽ cho người nghèo mười ngàn. Con hứa sẽ giữ lời. Chúa đáng được ngợi khen, và nếu Chúa không tin con, Ngài cứ trừ trước mười ngàn và chỉ gửi con chín chục ngàn thôi”. 

ڰ  

67. Hết hy vọng  

Máy bay đang bay, bỗng viên phi công nói với hành khách, “Tôi rất tiếc phải thông báo cho quí vị rõ là chúng ta đang gặp nguy. Chỉ có Chúa mới có thể cứu chúng ta giờ này”. 

Một hành khách quay sang hỏi một linh mục xem viên phi công nói gì, và được câu trả lời, “Ông ấy nói, hết hy vọng!”.

ڰ  

68. Còn ai nữa để Ta tha thứ? 

Hành hương đến thánh địa Mecca, một thầy đồng đạo Hồi sung sướng thấy không có mấy khách hàng hương tại đền thờ khi ông đến đó và như thế ông có thể khấn nguyện thoả thích. 

Sau khi hoàn tất mọi chuyện đạo đức theo luật buộc, ông quỳ gối úp mặt xuống đất và nói, “Lạy Đấng Allah! Con chỉ ao ước một điều trong đời, xin ban cho con được ơn không bao giờ lại lỗi phạm tới Ngài”. 

Nghe thế, Đấng Toàn Năng cười vang mà nói, “Mọi người đều cầu xin như thế. Nhưng nếu Ta ban cho mọi người ơn này, thì nói Ta nghe, còn ai nữa để Ta tha thứ?”. 

Khi người ta hỏi một tội nhân về thói bạo dạn của anh lúc vào đền thờ, anh trả lời, “Không ai mà trời không che, chẳng ai mà đất không chở - và Chúa, Ngài không phải là đất là trời cho mọi người sao?”.

ڰ  

69. Kinh cầu cho bệnh nhân 

Một linh mục yêu cầu vị phó tế của mình chọn lấy mười người để hát kinh cầu cho một bệnh nhân. 

Khi mọi người đến đông đủ, có kẻ nói nhỏ vào tai linh mục, “Có vài tên ăn trộm mà ai cũng biết trong số những người này”. 

Vị linh mục nói, “Càng tốt. Khi Chúa khoá các cửa, thì chính những kẻ thành thạo này mới có khả năng mở chúng”. 

ڰ  

70. Chỉ đường cho tên bất lương 

Ngày kia, một khách bộ hành đang đi đường thì thấy một người cỡi ngựa phóng qua cách vội vã. Mắt y dữ tợn và đôi tay đầy máu. 

Ít phút sau, một đoàn người cỡi ngựa khác tiến tới và hỏi người lữ khách có thấy một người có đôi tay đầy máu đi qua không. Họ nóng lòng đuổi theo y.  

Người lữ khách hỏi, “Hắn là ai thế?”.

Người trưởng nhóm trả lời, “Một tên bất lương”. Người lữ khách hỏi, “Và các ông đuổi theo để bắt y và giao cho quan toà?”. 

Người trưởng nhóm bảo,

“Không, chúng tôi đuổi theo để chỉ đường cho hắn trốn thoát”. 

Chỉ sự hòa giải mới cứu được thế giới chứ không phải công lý; công lý thường có nghĩa là trả thù. 

ڰ 

VỀ MỤC LỤC
Thánh Gioan Maria Vianney, mẫu gương của linh đạo linh mục giáo phận

 

BẢN THẢO

ỨNG SINH LINH MỤC HỌC & SỐNG LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN

GIÁO TRÌNH TU ĐỨC LỚP THẦN II & III

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE HÀ NỘI 

2011-2012

 

CHƯƠNG MỘT:

ỨNG SINH LINH MỤC HỌC & SỐNG LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN

C. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN (tiếp theo)

 

C.13. Thánh Gioan Maria Vianney, mẫu gương của linh đạo linh mục giáo phận

C.13a. Điển hình cho linh đạo linh mục giáo phận

Chúng ta đã chia sẻ với nhau về một số khía cạnh nổi bật của linh đạo linh mục giáo phận. Có nhiều gương mặt linh mục điển hình.[313] Ở đây, xin giới thiệu thánh Gioan Maria Vianney, Cha sở họ Ars, một người thật sự chiêm niệm trong hoạt động và hoạt động trong chiêm niệm, như là một mô hình linh đạo linh mục giáo phận.[314] Hy vọng chúng ta sẽ tìm thấy mình nơi các nhân vật và hoàn cảnh trong đó, về khía cạnh tích cực cũng như khía cạnh tiêu cực, để khẳng định con đường đi tới của mình, không có gì là vô ích, không có gì mà không học được, học với người tốt để làm theo cái tốt của họ, học với người xấu để không làm theo cái xấu của họ, hầu điều chỉnh cuộc đời mình ngày càng được biến đổi tốt hơn: càng sống đời linh mục giáo phận càng trở nên linh mục giáo phận đích thực hơn, theo như lòng Chúa và Giáo Hội mong muốn.

Trong thư công bố Năm Linh Mục, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói: “Vào ngày Lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngày thánh hoá hàng giáo sĩ, tôi quyết định khai mạc một “năm dành cho linh mục” nhân kỷ niệm 150 năm sinh nhật trên trời của Thánh Gioan Maria Vianney, Bổn mạng của tất cả các cha sở, để thúc đẩy các linh mục dấn thân cho việc CANH TÂN NỘI TÂM để làm chứng cách mạnh mẽ và sâu sắc hơn cho Tin Mừng trong thế giới hôm nay.

C.13b. Những ngày thơ ấu

Gioan Maria Vianney sinh ngày 8/5/1786, là người thứ tư trong sáu người con của một gia đình nông dân nghèo tại làng Dardilly, miền Đông Nam nước Pháp, vào thời Cách mạng Pháp bài tôn giáo và chống giáo sĩ. Các linh mục phải trốn tránh, chỉ thỉnh thoảng cử hành Thánh lễ trên những bàn thờ tạm bợ, bằng một cái bàn tầm thường hay một cái thùng úp sấp, cách âm thầm vào ban đêm. Nhưng đức tin vẫn sống động nơi những bậc cha mẹ sùng đạo như gia đình Vianney. Em Vianney được người mẹ đạo đức dạy dỗ cách đặc biệt từ thuở nhỏ và em được rước lễ lần đầu cách bí mật khi được 13 tuổi. Vianney nhờ các chị dạy cho mà biết đọc biết viết.

C.13c. Thách đố trên hành trình ơn gọi linh mục

Vì thiếu căn bản ở bậc tiểu học, cậu Gioan Maria Vianney gặp nhiều khó khăn lớn trong việc học, và gần như không thể học được tiếng Latinh, vốn cần thiết thời ấy để theo các môn triết học và thần học. Nhiều lần cậu bị cám dỗ bỏ cuộc trở về làm ruộng với cha mẹ. Nhưng cha sở thánh thiện Charles Balley nhận thấy cậu có đời sống cầu nguyện sâu xa nên quyết tâm dạy dỗ và dẫn dắt cậu trên hành trình tiến tới chức linh mục, dù rất cam go. Vào tháng 12 năm 1813, do điểm quá thấp, thầy Gioan Maria Vianney bị buộc phải ngưng học làm linh mục và thầy ước ao làm trợ sĩ. Nhưng cha sở thuyết phục thầy đừng bỏ cuộc, mặc dù có nhiều cản trở lớn. Nhờ lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria đã được người mẹ ghi khắc từ thuở nhỏ, sự khích lệ và linh hướng của Cha Balley, thầy Vianney đã kiên trì trong ơn gọi. Nhưng rồi một lần nữa, mặc dù tất cả sự huấn luyện và chỉ dạy tận tình của cha Balley, thầy Gioan Maria Vianney lại bị trượt, vì không thể trả lời bằng tiếng Latinh trong cuộc thi.

Cha Balley thuyết phục được Cha Chính Bochard cho thi lại tại nhà xứ, và Vianney đã trả lời các câu hỏi rất tốt bằng tiếng Pháp là tiếng mẹ đẻ. Nhờ đó, con đường tiến tới chức linh mục lại được mở ra. Cha Bochard hỏi cha Balley là chủng sinh này có lòng đạo đức không, có sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt và có siêng năng lần chuỗi không? Không hề do dự, cha Balley trả lời “Thưa có, thầy là mẫu gương về lòng đạo đức.” Do đó, vào ngày 13/8/1815, tại nhà nguyện chủng viện Grenoble, thầy Gioan Maria Vianney được truyền chức linh mục, lúc ấy 29 tuổi.

Ngay lập tức, cha Vianney đến thăm cha Balley, vị thầy già và là người bảo lãnh cho mình để cám ơn và chúc lành đầu tay cho ngài. Thật là một khoảnh khắc cảm động đối với cả hai vị linh mục. Do Chúa Quan Phòng định liệu, cha Gioan Maria Vianney được về làm phụ tá cho cha Balley. Sống với cha Balley, cha phó trẻ theo gương sáng của cha sở, ngày càng tiến thêm trên đường tu đức. Cha Balley là người sống khổ hạnh, gần như không bao giờ ăn thịt. Cha phó rất thích theo gương cha sở. Cha Vianney sống đơn sơ, tử tế và hay mỉm cười với giáo dân, nhưng luôn giữ một sự dè dặt nào đó. Ngài giảng không hay, nhưng có được một tài năng mà sách vở và trí thông minh không thể mang lại, đó là đức bác ái, lòng mến siêu nhiên đối với Chúa và một sự khao khát khôn nguôi muốn đưa các linh hồn về cho Chúa. Từ lâu trước, Vianney đã nói với mẹ: “Nếu con được làm linh mục, con sẽ đưa thật nhiều linh hồn về cho Chúa.” Chính lòng khao khát lớn lao đó đã thúc đẩy ngài trong suốt 41 năm mục vụ sau này.

Cha Gioan Maria Vianney sau khi chịu chức linh mục vẫn chưa được năng quyền giải tội trong nhiều tháng. Thật lạ lùng vị linh mục thánh thiện sau này ngồi toà suốt từ 12 đến 16 tiếng mỗi ngày lại không được cho là có khả năng thích hợp để giải tội! Ngay khi cha Vianney vừa nhận năng quyền, chính cha Balley là người đầu tiên quỳ xuống xưng tội với cha phó của mình, khiến một nhà viết sử đã chú thích “Một vị thánh dưới chân một vị thánh.” Cha Balley tiếp tục dạy cho cha phó của mình mọi khía cạnh trong thần học luân lý để trang bị cho ngài làm người hướng dẫn các linh hồn tại toà giải tội.

C.13d. Được bổ nhiệm làm cha sở họ Ars

Gần 3 năm sau khi chịu chức, vào đầu tháng 2/1818, cha Vianney được gọi lên văn phòng Cha Chính Courbou và được cho hay: “Có một giáo xứ nhỏ khoảng 120 linh hồn đang cần linh mục. Chúng tôi đã quyết định đưa cha tới đó để thay thế cho một cha trẻ 26 tuổi, vừa mới qua đời vài ngày sau khi nhận bài sai. Cha hãy đến đó, đừng ngần ngại; ở đó có một lâu đài thuộc quyền tuyên uý của Ars, bà chủ trang trại ấy rất đạo đức và bác ái.” Cha Vianney mau mắn vâng lời nhận ngôi làng bị bỏ quên và chỉ có thể đến đó bằng đường cho xe bò đi. Cha Chính nhìn vị linh mục khiêm tốn hoàn toàn đồng ý với tinh thần đức tin trọn vẹn, không hề có một chút phản đối nào, bằng lòng rời khỏi vùng ngoại ô nhộn nhịp và giàu có của Lyon để nhận ngôi làng Ars nhỏ bé nghèo nàn, liền nói thêm: “Làng này không còn mến Chúa lắm. Chính cha sẽ đổ đầy đức mến trong lòng họ.” Đó thật là lời tiên tri được linh hứng!

Thế là sau Thánh lễ ngày 9/2/1818, cha sở mới của Ars lên đường, ngài đi bộ kéo theo một xe kéo đựng quần áo và sách vỡ. Không có ai đón tiếp, ngay cả bà chủ trang trại đạo đức mà Cha Chính đã nói tới cũng chẳng thấy đâu, ngoài một chú chăn cừu chỉ đường và cha Vianney đã nói với chú: “Con đã chỉ cho cha đường vào xứ Ars, cho sẽ chỉ cho con đường lên thiên đàng.” Ngay khi nhận ra là mình đã vào trong vùng đất xứ Ars, cha Vianney quỳ xuống và thành khẩn cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin giúp con hoán cải giáo xứ của con; con sẳn lòng chịu mọi khổ cực Chúa muốn trong suốt đời con.

Nơi đầu tiên mà cha Vianney đến là nhà thờ. Nhà thờ hoang tàn, nhưng điều làm cho tâm hồn cha cảm thấy đau buồn hơn là đèn chầu thì tắt, và Nhà Tạm thì trống không. Nhà xứ cũng không tốt hơn. Nhưng cha không quan tâm chuyện đó. Từ nay trở đi Nhà Chúa sẽ được rộng mở và cha Gioan Maria Vianney trở thành người khách thường xuyên. Cha nghĩ mình phải nêu gương trước, bởi vì linh mục chỉ có thể làm mục vụ tốt hơn nếu dành thời giờ cầu nguyện. Những người hàng xóm thường thấy cha từ rất sớm cầm đèn đi từ nhà xứ băng qua đất thánh vào nhà thờ. Một ông sống gần đó rình xem Cha Vianney làm gì trong nhà thờ từ sớm như vậy. Ông thấy cha luôn quỳ gối cầu nguyện liền nói với mọi người: “Ngài không như chúng ta.

Cha Vianney dành nhiều giờ cầu nguyện, nhưng cha cũng kết hợp cầu nguyện với hoạt động. Bổn đạo của cha đa số là nông dân, nên cha lựa giờ họ ăn mà thăm viếng. Giờ đó dễ cho cha gặp được họ. Vì xuất thân từ nông dân, nên cha dễ dàng bắt chuyện với họ. Cha không bao giờ tỏ ra nóng nảy khi không được tiếp đón tử tế. Cha không bao giờ rời khỏi nhà đó mà không nói với họ về Chúa và năn nỉ họ đưa con cái đi học giáo lý. Dần dà bổn đạo bắt đầu thích cha và ít khi ngày Chúa nhật nào mà người ta không thấy một gương mặt mới xuất hiện trong nhà thờ.

Cha Gioan Maria Vianney dạy dỗ bổn đạo bằng chính đời sống của ngài. Nhờ gương của ngài, họ biết cầu nguyện, thường xuyên viếng Thánh Thể. Cha nói với họ: “Chúng ta biết Chúa Giêsu ngự trong Nhà Tạm. Hãy mở rộng tâm hồn cho Ngài, hãy cảm nếm sự hiện diện thánh thiêng của Ngài”. Và ngài thúc giục họ: “Anh chị em hãy lên rước lễ, hãy đến với Chúa Giêsu… Dĩ nhiên, anh chị em không xứng đáng với Ngài, nhưng anh chị em cần Ngài.” Cách giáo dục tín hữu đến với Bí tích Thánh Thể và rước lễ có hiệu quả nhất khi họ thấy cha Vianney cử hành Thánh lễ: ngài nhìn Mình Thánh Chúa với lòng trìu mến biết bao! Ngài thường nói: “Tất cả công việc chúng ta làm không ngang bằng với Hy tế Thánh Thể, bởi vì chúng chỉ là việc làm của phàm nhân, trong khi Thánh lễ là công trình của Thiên Chúa.” Cha Vianney xác tín rằng lòng nhiệt thành của đời linh mục tùy thuộc hoàn toàn vào Thánh lễ. Ngài nói: “Lý do khiến đời linh mục lỏng lẻo là vì không chú tâm đến Thánh lễ!” Cuộc sống của ngài thật sự tập trung nơi Thánh Thể. Ngài sống nhiều giờ trước Nhà Tạm. Ngài làm cho tín hữu nhiệt thành bắt chước ngài đến viếng Chúa, biết rằng cha sở của mình đang ở đó, sẳn sàng lắng nghe và ban lời tha tội cho mình. Ngài nối kết đời sống cầu nguyện sâu xa với sám hối và khổ chế. Lời cầu nguyện gắn liền với sám hối và hành xác luôn được kèm theo câu: “Lạy Chúa, xin giúp con hoán cải giáo xứ con.”

Nhà xứ là một ngôi nhà nông dân xây bằng đất bùn, mùa đông thì lạnh giá, mùa hè thì nóng ẩm. Ngài ngủ trên ván cứng, với một khúc gỗ làm gối kê đầu. Cha bắt mình chịu kiêng khem nghiêm khắc, ăn rất ít. Ngài áp dụng kỷ luật đánh tội vào mỗi đêm, có khi đến chảy máu, kiệt sức, mới nằm xuống ngủ. Về sau, khi nhắc lại những hình thức sám hối kinh khủng ấy, ngài gọi đó là những “ngu dại của tuổi trẻ.” Nhưng ngài tin rằng giáo xứ được biến đổi là nhờ những đau khổ đó. Một linh mục đến than thở với ngài về thất bại trong công việc mục vụ truyền giáo, ngài nói: “Cha nói là đã làm hết mọi điều cha có thể nghĩ tới để hoán cải giáo xứ của cha, nhưng cha có ăn chay, có chịu khổ chế và có thử ngủ trên sàn chưa?

Thật sự lúc ban đầu cha Vianney mới đến, ở Ars người ta không mến Chúa lắm. Giáo dân rất nguội lạnh. Trong năm mục vụ đầu tiên ở Ars, chỉ có 6 người được rửa tội, hai đám cưới và 3 đám tang. Rất ít người dự lễ Chúa nhật. Ngài phải chiến đấu với sự thờ ơ, thói ham giải trí phù phiếm và thiếu nhiệt tình của giáo dân. Cùng với việc cầu nguyện sâu xa, đền tội và thăm viếng mục vụ, Cha bắt đầu tân trang lại ngôi nhà thờ xứ Ars nhỏ bé và đổ nát. Nhưng một sự phong phú có tính quyết định hơn đang diễn ra trong tâm hồn người dân Ars. Cha bắt đầu Hội lần chuỗi Mân Côi với vài cô gái, và làm sống lại Hội chầu Thánh Thể cho đàn ông và thanh niên. Cha tận dụng các buổi họp để xây dựng đời sống đạo và khả năng lãnh đạo cho các thành viên.

C.13e. Thành công và thử thách của Vianney

Dần dà đức tin của bổn đạo lớn mạnh lên nhờ gương cầu nguyện của cha Vianney. Bà Catherine Lassagne nói về hình ảnh tuyệt vời của vùng truyền giáo này vào khoảng năm 1827, gần 10 năm sau khi cha Vianney đến: “Không thể tưởng tượng các ơn hoán cải mà cha sở đã xin được nhờ cầu nguyện, và trên hết nhờ cử hành Hy tế Thánh lễ. Một cuộc cách mạng thật sự đã diễn ra trong tâm hồn tín hữu. Sức mạnh của ơn sủng đang tuôn tràn. Có thể nói “Ars không còn là Ars nữa.” Quả thật, vùng truyền giáo hẻo lánh bé nhỏ đã đổi thay ngoài sức tưởng tượng. Sự thánh thiện và đời sống chiêm niệm trong hoạt động của cha sở là nguyên nhân làm nên biến đổi này.

Tuy nhiên, công việc không dễ dàng đâu. Ngài gặp phải một vài giáo dân chống đối quyết liệt. Họ gọi ngài là kẻ giả hình và lừa bịp. Họ ném đồ bẩn vào nhà xứ. Thư từ nặc danh gởi lên các cấp thẫm quyền của Giáo Hội vu khống ngài những thói tật xấu xa nhất. Đức Cha phải gởi một linh mục thân tín đi điều tra. Cha sở Ars phải uống chén đắng đến cặn. Ngài còn phải chịu đựng một nỗi thống khổ quá sức ở bên trong, bởi nỗi sợ mình không đủ khả năng chu toàn bổn phận, sợ mình đang làm sai kế hoạch của Chúa, và sau cùng là sợ mình sẽ bị luận phạt. Ngài tiếp tục cầu nguyện lâu giờ và hết sức khẩn thiết.

Vianney còn bị anh em linh mục nghi ngờ ghen ghét: Khi thấy đông người tuôn đến nghe cha Vianney dạy giáo lý, một số linh mục (có lẽ vì ý tốt) lo sợ sự dốt nát của ngài có thể làm cho người ta lạc đạo, nên cùng ký đơn tìm cách vận động Bề trên đổi ngài đi khỏi Ars. Có người đem lá đơn cho cha Vianney. Sau khi xem, ngài từ tốn lấy bút viết “Anh em không thấy hết các điểm yếu của con,” rồi ký tên hẳn hoi. Nhóm anh em nghĩ rằng lần này sẽ chiến thắng, ai ngờ sau khi đọc lá đơn với ghi chú và chữ ký của Vianney, Đức Giám Mục nói “Anh em về đi và cố gắng làm việc cho tốt, Vianney là người đạo đức khiêm tốn, tôi giữ lại, nghĩ là ngài sẽ làm ích nhiều cho các linh hồn.”

Tuy vậy, họ đâu dễ dàng buông tha, nhiều lúc nghĩ không thể vượt qua nổi, Vianney bị cám dỗ bỏ trốn. Ngài muốn rời khỏi Ars, nhốt mình trong một tu viện Xitô nào đó. Nhưng Chúa không muốn và ngài vẫn phải trụ lại. Số là một hôm cực lòng, ngài buột miệng nói với bà bõ “Đêm nay cha sẽ trốn đi, nhưng con phải giữ kín không được nói với ai.” Bà bõ không thể giữ bí mật được liền đi nói với cha phó, rồi cha phó lại đi nói với thầy già. Thầy già nghĩ ra một kế, liền kéo nhau đến gõ cửa phòng cha Vianney trong sự hết sức ngạc nhiên của cha. Thầy thưa: “Chúng con rất hiểu và thương cha, chúng con không dám cản cha, nhưng xin cha cho chúng con được tiễn cha một đỗi đường.” Cha bằng lòng và thầy già cầm đèn dẫn đầu. Cha con đi hết đường này đến đường khác, tưởng chừng đã bỏ xa Ars lắm rồi. Bỗng nghe tiếng ồn ào mỗi lúc một rõ hơn, rồi chuông truyền tin vang lên... hóa ra thầy già dẫn đoàn người đi trốn quay trở lại nhà thờ giáo xứ (Đúng là ‘lão già đa mưu’!). Cha Vianney đành vào nhà thờ cùng bổn đạo chuẩn bị dâng thánh lễ sáng. Ngài được đức tin nâng đỡ. Ngài suy niệm cuộc thương khó của Chúa và nâng lòng trí lên Đấng chịu đóng đinh, và cuối cùng ngài lại được bình an.

Theo gương Chúa Giêsu bị các kẻ thù hành hạ và xỉ nhục, cha Vianney luôn thinh lặng. Ngài cảm thấy thanh thản khi phơi bày những vết thương hoằn sâu trong trái tim cho một mình Chúa, diện đối diện vào những giờ canh thức trước Nhà Tạm. Tuy vậy, điều tệ hại nhất vẫn xảy đến. Mọi sự không kết thúc bằng sự chống đối của con người. Thần dữ bắt đầu tấn công. Khi ma quỷ tấn công các tâm hồn như tâm hồn Cha sở Ars, nó biết trước nó sẽ bị đánh bại và vì vậy nó giận dữ điên cuồng. Trong hơn 30 năm, ma quỷ trút những cơn giận dữ lên Vianney: nó đánh đập ngài, xô đẩy ngài va vào tường rướm máu, đốt cháy cả giường ngài nằm... Cha Vianney không nao núng bởi những tấn công của ma quỷ, ngài đã chiến đấu chống lại nó kịch liệt, không để nó thống trị. Ma quỷ đã thách thức ngài: “Nếu chúng tao tìm được ba thằng như mày thì chúng tao mới chịu thua.” Tiếc là mới chỉ có một Vianney, nên chúng ta còn phải chịu ma quỷ tấn công nhiều lắm.

Dần dà tiếng đồn về sự thánh thiện của ngài lan xa khỏi làng Ars và vùng lân cận. Khách thăm viếng bắt đầu tuôn đến từ những nơi gần lẫn chốn xa. Họ đi hành hương, hy vọng gặp một vị thánh tại toà giải tội. Đã có những phép lạ về ơn hoán cải. Những người dân ở Ars là bằng chứng sống động về điều đó. Có thể họ nghĩ ngài là một người hay làm phép lạ, nhưng trên hết họ thấy ngài là cha giải tội, người hướng dẫn lương tâm, vị linh hướng và người an ủi.

Từ năm 1829 trở đi, Cha Vianney chỉ có thể rời tòa giải tội vài giờ trong một ngày. Nơi ấy đã trở thành ơn gọi của ngài trong phần đời còn lại: nhốt mình trong một hộp gỗ chật hẹp, cứ ngồi giờ này qua giờ khác trên chiếc ghế gỗ xù xì để lắng nghe, lắng nghe và lắng nghe những lời xưng thú mọi tội lỗi, tìm kiếm ơn thứ tha và hoà giải. Khách hành hương ngày một nhiều, từ con số khoảng 400 người lên dần đến 130.000 người mỗi năm chỉ để quỳ dưới chân một cha sở khiêm tốn nơi giáo xứ vùng quê hẻo lánh.

C.13f. Những ngày cuối đời và phần thưởng

Gánh nặng công việc, sự chú tâm đến các linh hồn, trải qua hàng giờ tại toà giải tội, canh thức và ăn chay gây nhiều đau đớn cho Cha sở họ Ars khiêm nhường và thánh thiện. Vào cuối đời năm 1858, Cha Toccanier, cha sở giáo xứ gần đó, hỏi cha Vianney: “Thưa Cha Gioan Maria Vianney, nếu Chúa cho cha chọn về Thiên Đàng ngay bây giờ hay ở lại tiếp tục làm việc hoán cải các linh hồn, cha chọn cái nào?” Câu trả lời là “Thưa cha, con muốn ở lại.” - “Tại sao vậy? Chẳng phải ở trên trời các thánh rất hạnh phúc, không còn khó khăn, không còn cám dỗ hay sao?” Cha Vianney đáp: “Đúng vậy, các thánh đủ hạnh phúc, nhưng không thể đưa các linh hồn về cho Chúa bằng lao công và đau khổ như chúng ta nữa.” Cha Toccanier gặn hỏi tiếp: “Nếu Chúa để cha ở lại dưới này cho đến ngày tận thế, cha sẽ có đủ thời giờ cha cần. Vậy cha còn dậy sớm nữa không?” Cha Vianney trả lời trong nước mắt: “Thưa cha, có chứ. Con sẽ luôn thức dậy lúc nữa đêm. Mệt một chút con không sợ. Con sẽ là linh mục hạnh phúc nhất vì nghĩ rằng con sẽ ra trước toà phán xét của Chúa với tư cách mục tử các linh hồn.

Cha sở thánh thiện của họ Ars lãnh phần thưởng đời đời ngày 4/8/1859. Với vô số phép lạ trước và sau khi ngài chết, Án phong thánh cho cha Gioan Maria Vianney được tiến hành và Đức Giáo hoàng Piô X đã phong ngài lên bậc chân phước năm 1925, và cũng chính Ngài tuyên bố cha Vianney làm bổn mạng các linh mục nước Pháp. Đức Piô XII phong ngài lên hàng hiển thánh và đặt ngài làm Bổn mạng các cha sở, “để thăng tiến ơn ích thiêng liêng cho các cha sở trên khắp thế giới.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nói trong Tông thư công bố Năm Linh mục: “Anh em linh mục thân mến, chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu cho chính chúng ta học biết một phần chương trình mục vụ của Thánh Gioan Maria Vianney. Điều đầu tiên chúng ta cần học là triệt để đồng hóa con người với tác vụ. Nơi Chúa Giêsu, con người và sứ vụ là một: Tất cả hoạt động cứu độ của Chúa Giêsu là cách diễn tả “ý thức làm con” của Ngài, từ đời đời luôn ở trước Chúa Cha với thái độ vâng phục, mến yêu đối với Thánh ý Chúa Cha. Với lòng khiêm nhượng, nhưng quả quyết, mỗi linh mục phải nhắm làm cho mình có được sự đồng hoá như vậy.

Mô hình linh đạo linh mục mà cha Gioan Maria Vianney đã sống đối với chúng ta quả thật là gay go. Chúng ta có thể nói thời đại ngài đã qua rồi. Nhưng một cách nào đó thời đại của chúng ta vẫn không khác mấy so với thời biến loạn của thời đại ngài. Phong trào tục hoá, thuyết tương đối, chủ nghĩa tiêu thụ không kiểm soát, chủ nghĩa hưởng thụ khoái lạc là những yếu tố gây thiệt hại nặng nề cho con người thời nay. Sự thánh thiện của linh mục ăn rễ sâu trong Chúa Kitô luôn hiện diện trong Lời Chúa và các Bí tích, hoàn toàn đồng hoá với Người trong cầu nguyện và hãm mình là những phương tiện hữu hiệu giúp cho giáo dân hoán cải và biến đổi. Thánh Gioan Maria Vianney, với rất ít khả năng tri thức hay hùng biện, đã có thể đạt được những gì ngài đã làm, đơn thuần là nhờ quyền năng của ơn thánh Chúa trong đời sống của ngài. Còn anh em linh mục chúng ta hôm nay thì sao?

________

Chú thích

[313] Bộ Giáo Sĩ, Linh mục thừa tác viên của Lòng Chúa Thương Xót (2011), số 14: ĐGH Gioan-Phaolô II kể đến thánh Gioan Népomucène, thánh Gioan Maria Vianney, thánh Giuse Cafasso, thánh Léopold de Castelnuovo, và ĐGH Biển Đức XVI thêm thánh Pio de Pietrelcina.

[314] Viết theo bài thuyết trình của Giám mục Vianney Fernando tại Hội nghị Đào tạo thiêng liêng cho linh mục tại Thái Lan 14-19/11/2010.

VỀ MỤC LỤC
CHÂN KHÔNG CHỊU NGHỈ

 

Có những buổi chiều, sau một ngày làm việc, về nhà ngồi nghỉ thì nhiều người thấy có một cảm giác khó chịu khác thường ở bắp chuối nó thôi thúc họ phải cử động để hết khó chịu đó.  Hoặc ban đêm khi nằm ngủ thì luôn luôn phải để bắp chân ở ngoài chăn chứ nếu không thì chân cứ bứt rứt làm sao ấy. Họ ở trong một hoàn cảnh gọi là Hội chứng Chân Không Chịu Nghỉ, mà tiếng Anh gọi là Restless Leg Syndrome.

 

Tóm lược

Gọi là hội chứng vì rối loạn gồm có một số dấu hiệu triệu chứng tìm ra do quan sát lâm sàng  chứ không phải là một diễn tiến có căn bản bệnh học.

Hội chứng được giáo sư người Thụy Điển KarlAxel Ekbom diễn tả vào năm 1945 như là một bệnh trong đó bệnh nhân thấy như có kiến bò châm chích ở bắp chuối. Tuy nhiên, cho tới nay hội chứng vẫn chưa hoàn toàn được giải thích tường tận.

Hội chứng xẩy ra ở cả nam lẫn nữ nhưng nữ gấp đôi nam. Tuổi nào cũng có thể mắc bệnh nhưng nhiều hơn là từ tuổi trung niên tới trưởng thành.

Theo  National Institute of  Neurological Disorders and Stroke- National Institutes of Health, 2/3 người trưởng thành tại Hoa Kỳ có thể bị rối loạn này trong đó có khoảng 5 triệu trong tình trạng trầm trọng. Trẻ em ở tuổi đi học cũng có khoảng 1 triệu em bị bệnh. Bệnh nhân nhiều khi không tìm điều trị vì cho là không quan trọng hoặc do stress, mất ngủ, đau  xương khớp hoặc vì tuổi già.

Trên 80% người bị RLS cũng bị chứng dựt chân trong khi ngủ, tiếng Anh gọi là periodic limb movement of sleep (PLMS): cơ dựt từ 5-10 giây, lập đi lập lại suốt đêm khiến cho họ mất ngủ.

 

Dấu hiệu

Đa số bệnh nhân diễn tả dấu hiệu của bệnh như sau:

- Mỗi lần ngồi bất động một thời gian lâu như là trên máy bay, trong xe hơi, coi hát bóng là tôi có cảm giác như có cái gì nó bò trong chân, hơi  buồn buồn, giựt giựt, đau đau, ngứa ngứa rất là khó chịu.

- Điều lạ là khi tôi hơi cử động nhúc nhích chân một chút như là duỗi chân, đứng dậy đi lại thì cảm giác này biến mất.

- Cảm giác khó chịu này hầu như không có hoặc rất ít vào ban ngày nhưng cứ tới ban đêm là tái xuất hiện gây ra phiền phức nhiều hơn.

- Cảm giác thường thấy nằm sâu ở bắp chuối, giữa đầu gối và cổ chân, đôi khi ở đùi, bàn chân hoặc cánh tay. Có thể ở một hoặc hai chân.

- Mỗi khi bực tức, căng thẳng thì triệu chứng bệnh rõ ràng hơn.

- Cơn khó chịu kéo dài cả giờ đôi khi lâu hơn.

- Khi nằm ngủ ban đêm là tôi phải để chân ở ngoài chăn, vì nếu chân nóng là khó chịu lại xuất hiện. Có khi đang ngủ tôi bị rối loạn đánh thức dậy và phải tung chăn ra ngoài.

- Không bao giờ tôi gặp hoàn cảnh như vậy khi tôi đứng lâu hoặc bận rộn làm việc.

Các nhà chuyên môn phân tích các cảm giác bất thường hoặc vừa bất thường vừa khó chịu như là các creeping, crawling, tingling, pulling, twitching, tearing, aching, throbbing, prickling, or grabbing. Vì cảm giác này cho nên nhiều người không đi vào giấc ngủ hoặc không ngủ ngon giấc được.

 

Nguyên nhân gây bnh

Trong đa số các trường hợp, nguyên nhân gây ra RLS chưa được xác định rõ ràng. Sau đây là một số nguyên nhân được nêu ra:

- Nhiều nghiên cứu cho hay RLS có tính cách thừa kế gia đình: nếu cha mẹ bị bệnh thì con cái có tới 50% nguy cơ cũng bị bệnh đặc biệt là khi bệnh xuất hiện ở tuổi thiếu thời.

- Có nghiên cứu cho hay RLS gây ra do sự rối loạn của chất dẫn truyền thần kinh dopamine, đưa tới những cử động không tự chủ của cơ bắp, tương tự như trong trường hợp bệnh liệt rung Parkinson.

- Bệnh nhân tiểu đường, suy thận, rối loạn dây thần kinh ngoại vi cũng hay bị RLS.

- Một số dược phẩm có thể làm cho bệnh trầm trọng hơn, như là thuốc trị bệnh rối loạn tâm trí haldol, trầm cảm, thuốc chống dị ứng…

- Phụ nữ có thai ở giai đoạn cuối, nhưng sau khi sanh thì rối loạn không còn nữa.

- Uống nhiều rượu hoặc thiếu ngủ cũng khiến cho RLS trở nên khó chịu hơn.

 

Định bệnh

Cho tới nay, chưa có xét nghiệm nào để xác định bệnh. Chẩn đoán bệnh căn cứ vào diễn tả của bệnh nhân về các dấu hiệu, thời gian dấu hiệu xuất hiện và bệnh nhân làm gì để giải tỏa nỗi khó chịu. Có 4 tiêu chuẩn để kết luận:

- Rối loạn trầm trọng vào ban đêm trong khi đó ban ngày thì bình yên vô sự;

- Bệnh nhân thấy có một thôi thúc cần phải nhúc nhích chân đó để bớt khó chịu;

- Động lực tạo ra rối loạn là sự nghỉ ngơi, thư giãn hoặc giấc ngủ

- Dấu hiệu biến mất khi nhúc nhích cử động chân.

 

Điều tr

Chưa có điều trị dứt bệnh mà chỉ tìm phương thức giảm bỏ những cảm giác khó chịu của người bệnh chẳng hạn như

- cử động chân mỗi khi dấu hiệu xuất hiện;

- thay đổi nếp sống như giảm tiêu thụ rượu, cà phê, thuốc lá;

- nếu xét nghiệm máu thấy thiếu sắt, magnesium, folic acid thì dùng thêm;

- tìm ra những rủi ro có thể gây bệnh thì chữa như suy thận, viêm dây thần kinh ngoại vi;

- vận động cơ thể, massage chân bị bệnh.

Bác sĩ có thề dùng một số dược phẩm để trị bệnh, như là thuốc thuộc nhóm dopamine trị bệnh Parkinson, thuốc chống trầm cảm, chống kinh phong, thuốc thư giãn giúp ngủ ngon .

 

Tiên lượng

Bệnh sẽ kéo dài có khi suốt đời và hầu như không chữa dứt. Tuy nhiên bệnh không gây ra nguy hiểm tới tính mệnh. Có chăng chỉ là những đêm mất ngủ khiến cho sinh hoạt ban ngày chịu ảnh hưởng đôi khi đưa tới giảm hiệu năng làm việc.

 

Thay đổi nếp sống

Với một nỗi khó chịu dai dẳng làm khó cho mình, đôi khi bệnh nhân cần áp dụng một nếp sống thích nghi hòa hợp với bệnh đồng thời giảm khó chịu do bệnh gây ra.

 

Bệnh nhân có thể:

- Dùng thuốc để giảm cơn đau khó chịu như ibuprofen, Tylenol…;

- Tắm và msassage cơ bắp xương cốt để tránh cơ căng co dựt;

- Thực hành thư giãn tâm thân với thiền, yoga;

- Sắp đặt để có giấc ngủ bình an, tránh mệt mỏi ban ngày.

- Tùy nghi chườm nóng hoặc lạnh nếu thấy giúp giảm đau, khó chịu.

- Vận động cơ thể để cơ thư giản, khớp trơn tru

- Cắt giảm rượu, cà phê, thuốc lá hoặc các chất kìch thích thần kinh.

 

Làm sao để biết tôi bị RLS

Vì hội chứng khá mơ mồ phức tạp, cho nên nhiều người cứ thắc mắc là như vậy làm sao tôi biết có bị chứng Chân Không Chịu Nghì này. Thì các nhà chuyên môn đề nghị quý vị trả lời các câu hỏi sau:

- Khi ta ngồi hoặc nằm, ta có một thôi thúc phải cử động chân không?

- Thôi thúc đó có rất khó  mà cưỡng lại không?

- Thôi thúc đó có thường xuất hiện trong khi nghỉ hoặc ngồi im?

- Cử động chân có làm giảm khó chiụ đó không?

- Rối loạn đó có thường xảy ra vào ban đêm không?

- Ta có làm bạn đồng sàng thức giấc vì các cử động chân của mình?

- Có bao giờ ta có những cử động ở chân không chủ động khi ta thức?

- Ta có mỏi mệt hoặc không tập trung trong công việc vào ban ngày?

- Trong gia đình có ai bị rối loạn này không?

- Có phải sau khi bác sĩ khám bệnh, bs không tìm thấy một nguyên nhân thể chất nào phải không?

Nếu đa số câu trả lời là CÓ thì bạn có thể bị hội chứng Chân Không Kiên nhẫn.

 

Kết luận

Các nhà chuyên môn y học đều có chung ý kiến rằng Hội chứng Chân Không Chịu Nghỉ là một hoàn cảnh có thể kéo dài suốt cuộc đời người bệnh. Tuy nó không đưa tới nguy hiểm tới tính mạng nhưng cũng gây ra khó chịu cho đời sống: giấc ngủ không êm đềm lại quá ngắn, ban ngày mỏi mệt, kém sinh lực, lúc nào cũng có thôi thúc cất bước cử động chân cẳng, rồi buồn bực trầm cảm gắt gỏng mất vui.

Vì vậy Restless Leg Foundation đã đưa ra hướng dẫn như sau để bệnh nhân tùy nghi áp dụng, gọi là làm sao chung sống với bắp chân thường xuyên muốn lao động của mình:

- Chia xẻ khó khăn của mình cho bạn bè thân nhân để họ thông cảm hỗ trợ khi mình phải thường xuyên đi qua đi lại, khi không ngọ nguậy đôi chân;

- Khi thấy cần cử động thì cứ cử động, đừng cưỡng lại: cử động để bớt khó chịu thì mình cứ làm. Hoặc đang đêm thức giấc khó chịu muốn bước vài bước thì  cứ đứng dậy mà đi hoặc làm một công việc nào đó. Hết khó chịu là lại vào giường, ngủ khò.

- Có khi phải nâng cao bàn làm việc để có thể đứng khi đọc hoặc đánh máy;

- Bắt đầu buổi sáng với sthreching và massage nhẹ nhàng cơ thể giúp thư giãn, giảm co căng cơ khớp;

- Tìm kiếm hỗ trợ từ bạn bè, nhóm đồng bệnh tương lân và nhân viên y tế.

Xin hảy áp dụng lời khuyên này, có khi lại có kết quả tốt.

 

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Texas-Hoa Kỳ

www.bsnguyenyduc.com

 
VỀ MỤC LỤC
Thực hiện Nước Trời thuộc về những người nghèo

 

Tác Phẩm: Đạo vào đời

Gs. Nguyễn Đăng Trúc

Định Hướng Tùng Thư -2012

 

Chương III 

Thực hiện Nước Trời thuộc về những người nghèo [1]

 

Tin Mừng cho con người trần thế, Lời của Thiên Chúa nói với nhân loại, là chính Chúa Giêsu-Kitô đã nhập thể làm người, đã chịu khổ nạn và đã được Chúa Cha phục sinh.

Nước Trời là chính Chúa Giêsu-Kitô, Đấng đã thực hiện sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa nơi trần thế.

Mang thân phận con người trần thế như chúng ta, Chúa Giêsu-Kitô loan báo Hạnh phúc của thân phận làm người ù là Kẻ Nghèo người đói khát Thiên Chúa.

 Thánh tông đồ Gioan đã viết: 

Biết rằng mọi sự từ nay đã hoàn tất, Chúa Giêsu nói, để mọi lời Kinh thánh được thực hiện đầy đủ: Ta khát. (Gioan 19,28). 

Con người sống trong lịch sử, trong thời gian, tưởng rằng mọi sự chỉ có « bánh » làm no đầy, chỉ được giải quyết theo sức lực con người theo tiêu chuẩn của « bánh » nầy. Và mỗi cuộc sống con người, cũng như vận mệnh của toàn nhân loại kỳ cùng rồi cũng rơi vào vòng  vi của bánh đó.

Dừng lại nơi thời trần thế, tìm kiếm cứu cánh, ý nghĩa đời mình chỉ với chất liệu, phương tiện trần thế: quyền lực, tài trí, vật chất, tiền của... là đủ lắm rồi, đó là người “giàu”, là tự mãn mù quáng, và kiêu căng.

 Chúa Giêsu-Kitô, Lời Thiên Chúa, đến để nói một chân lý khác: Ngài khát.

Cuộc đời con người, lịch sử nhân loại trong thời gian, là sự thèm muốn một cái gì Tuyệt đối vượt lên trên khung bây giờ và ở đây của trần thế.

Ngài không những chứng thực những khát vọng Tuyệt đối nơi con người từ ngày tạo dựng cho đến ngày tận thế, nhưng còn biểu lộ hạnh phúc của những kẻ nghèo trong thần trí. Ngài còn mặc khải thêm rằng tất cả những khát vọng đó phát xuất từ chính Ngài và sẽ được thỏa mãn do ơn cứu độ của Ngài: Kẻ khát trên thánh giá đã được no thỏa khi được Cha Ngài cho sống lại và vĩnh viễn ở bên Cha Ngài.

Tin Mừng về người nghèo trong trần thế được hoàn thành trong niềm vui sống lại nầy.

Sự sống lại của Chúa Giêsu-Kitô, cứu cánh của kẻ nghèo trong thân phận làm người nơi trần thế, nay là nguồn hy vọng cho mỗi một thành phần của nhân loại.

Khi Ngài sống lại, Ngài nói với các người phụ nữ thăm viếng mộ Ngài rằng : 

Các con đừng sợ, các con hãy loan báo cho anh em Ta rằng họ phải đi về Galilêa và ở đó họ sẽ gặp Ta. (Mt 28,10)

Và các tông đồ đã nghe theo lời nầy : 

Về phần mười một môn đệ, họ đã về Galilêa, nơi miền núi mà Chúa Kitô đã hẹn gặp. (Mt 28,16) 

Giáo hội, cộng đồng Kitô-hữu được Chúa Kitô sống lại hẹn gặp ở núi vùng Galilêa. Matthieu đặt nổi vùng đất Galilêa nầy, trời mới, đất mới của cuộc sống Kitô-hữu: 

-         Galilêa của các dân tộc, nơi ánh sáng mọc lên từ cỏi chết (xem Mt 4,2-10)

-         Galilêa nơi khởi phát Tin Mừng cứu độ: “Các ngươi hãy hoán cải, vì Nước Trời ở gần.(Mt 4,17)

-         Galilêa nơi Thiên Chúa đi tìm con người, gọi họ làm môn đệ, cộng tác với Ngài. (xem Mt 4,19)

-         Galilêa nơi Chúa Kitô loan báo Tin Mừng Nước Trời và chữa lành con người. (xem Mt 23)

-         Galilêa trên núi, nơi Chúa Kitô mặc khải về Ngài là Kẻ Nghèo, là Phúc cho những ai chia sẻ cuộc sống của Ngài. (xem Mt 5,1-16)

-         Galilêa là Giao Ước mới giữa con người và Thiên Chúa, thể hiện nơi Đấng Kitô phục sinh. Galilêa, nơi môn đệ Chúa Kiô phải đến để gặp Đấng đã Phục Sinh ( Mt 28,10); và là nơi các tông đồ, giáo hội « tông truyền » đã đến để gặp Chúa Kitô  (Mt 28,16). 

Nơi Galilêa, ánh sáng mọc lên 

Trong đêm tối, Giacop đã vật lộn không ngơi nghỉ để “Kẻ Giấu Mặt” nói lên tên mình. Vì khao khát tìm Tuyệt-đối hết sức lực mình nên Giacop được đổi tên thành Israel : 

 Người ta sẽ không gọi ngươi là Giacop  nữa, nhưng là Israel. Vì ngươi đã can cường trước Thiên Chúa, và ngươi sẽ thắng mọi người. (St 32, 29) 

Giacop đã vẫn xin :  

Xin Ngài mặc khải cho tôi tên Ngài. (St 32,30) 

Và ở Galilêa, Thiên Chúa đã hoàn thành ước nguyện của toàn nhân loại khao khát tìm Ngài qua hiện thân của Giacop-Israel. Thiên Chúa nay đã đáp trả nỗi mong chờ: Giêsu-Kitô, Kẻ Nghèo là TÊN của Thiên Chúa làm người, để từ ánh sáng nầy mỗi người gọi Thiên Chúa là Cha mình.

Sau khi Chúa Kitô sống lại, Kitô-hữu, cộng đồng dân Thiên Chúa, là cộng đồng những con người lữ hành về núi Galilêa, nơi những con người nghèo được chúc phúc, nơi Kẻ Nghèo của Thiên Chúa là Chúa Kitô hẹn để gặp những người con Thiên Chúa.

Trong cuộc lữ hành đó, Chúa Kitô đi bên cạnh con người, như Ngài đã hứa :

 

Và Ta, Ta ở với các con mãi mãi cho đến ngày tận thế.  (Mt 28,20)

 

Nơi Galilêa, Kẻ Nghèo Giêsu-Kitô mời gọi con cái  Israel thống hối, canh tân 

Giacop nghèo, kẻ suốt đời tìm kiếm Thiên Chúa không còn nhận ra hình ảnh mình nơi con cái “Israel”. “Israel” bấy giờ trở thành một dân tộc tìm vinh quang và quyền lực của mình dựa trên tiêu chuẩn trần thế.

Gioan Tẩy giả đã thức tỉnh họ :  

Các ngươi hãy nảy sinh một quả xứng hợp với sự thống hội và đừng tự nghĩ rằng: Chúng tôi có Abraham là tổ phụ. Vì tôi nói cho các ngươi hay, Thiên Chúa có thể, từ những viên đá nầy đây, làm mọc lên những con cái thuộc về Abraham. (M63,9) 

Thống hối, trở về là vượt qua cuộc sống, công lý của Israel cũ : 

Nếu công lý của các con không vượt lên công lý của người ký lục và biệt phái, các con chắc chắn sẽ không vào được Nước Trời. (Mt 5,20) 

Không những thế, Chúa Kitô còn nêu lên rằng cuộc sống cũ của Israel đó đáng nhận bảy lần, nghĩa là vô số những lời chúc dữ: 

Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phái giả hình, các ngươi đã cản không cho những con người đến với Nước Trời...

Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phái giả hình, các ngươi giống những mả tô vôi... (Mt 23,12; 27) 

Ai là ký lục và biệt phái, nếu đó không phải là Kitô-hữu chúng ta hôm nay? 

Hãy đối chiếu cuộc sống của Chúa Kitô trong trần thế với  nếp sống của ký lục và biệt phái đương thời của Ngài, và hãy đối chiếu cuộc sống mỗi một chúng ta, của nếp sống đạo trong cộng đồng chúng ta với nội dung bài giảng trên núi, chúng ta sẽ thấy ngay cuộc sống chúng ta thực sự đang rập theo khuôn mẫu nào: 

 -   Chúng ta bước đi theo Một Đức Kitô, chết trần truồng trên thánh giá, Đấng đã từng nói về vương quốc của mình: “Những con chồn có hang và chim trời có tổ, Con người lại không chỗ tựa đầu.” (Mt 8,22), Đấng đến để thực hiện lòng thương xót của Chúa Cha, gọi kẻ tội lỗi (xem Mt 9,13), Đấng đến để hầu hạ. (xem Mt 20,18)... 

hay  

đã từ lâu, chúng ta là hình ảnh của những con người cũ mà Chúa Kitô phiền trách : 

Họ buộc những gánh nặng và đặt vào vai người ta, nhưng chính họ, họ không dám đụng đến đầu ngón tay. Trong mọi sự họ làm là để người ta lưu ý. Vì thế họ làm lớn cái hộp đựng Lề Luật buộc trên tay và nối dài tua áo ghi chép Lời Kinh Thánh. Họ thích chiếm chỗ cao trong các bữa tiệc, ngồi ghế đầu trong các nhà hội, sum soe trên các công trường và muốn người ta gọi mình là ‘Rabbi’. (Mt 23,4-7) 

-   Chúng ta sống trong sự sợ hãi của con người cũ  

hay  

chúng ta tin tưởng, an bình, hiên ngang trong ơn sống lại của Chúa Kitô: làm con Thiên Chúa và anh em với mọi người. 

Các con đừng sợ gì những người giết thân xác nhưng không thể giết được linh hồn... Vì thế các con đừng sợ hãi. (Mt 10, 28; 31)

Phần các con, các con đừng để ai gọi mình là thầy; vì các con chỉ có Một Thầy, và tất cả chúng con đều là anh em. (Mt 23,8) 

-  Chúng ta tưởng sống đạo là chỉ xây cất những thánh đường nguy nga, tổ chức những ngày hội hè ngoạn mục, và bất chấp những người khốn khổ, tù đày, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu học, thiếu tình thương vây quanh chúng ta.  

Người nghèo của Thiên Chúa là Đức Kitô sẽ hô to bên tai chúng ta : 

Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phái giả hình, các ngươi xây mộ cho các tiên tri và trang trí các mộ phần của các kẻ công chính, và nói rằng: Nếu chúng tôi được sống trong thời tổ tiên chúng tôi, hẳn chúng tôi sẽ không hùa theo họ mà đổ máu các vị tiên tri. (Mt 23, 29-30) 

Và : 

Ta nói thật với các con điều nầy, khi các con làm việc đó (cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách có áo mặc, thăm viếng kẻ đau yếu, tù đày...) cho một trong những kẻ bé mọn nầy trong anh em Ta, là các con đã làm cho chính Ta. (Mt 25,40) 

-   Chúng ta tưởng đỉnh cao của sống đạo là chiếm cho được một chút quyền nào đó trong Giáo hội theo như mẫu mực trần thế, là hô to lạy Chúa, lạy Chúa suốt ngày ngoài miệng, là làm đủ thủ tục lễ nghi tôn giáo, xem như đi xin một thẻ thông hành để cầu cho phần rỗi riêng cho mình trong tương lai.

Nhưng Kẻ Nghèo từ núi Galilêa cảnh tỉnh cho chúng ta hay rằng : 

Không phải cứ nói với Ta: Lạy Chúa, lạy Chúa mà người ta sẽ vào được Nước Trời, nhưng là làm theo ý Cha Ta Đấng ở trên trời. Nhiều người ngày đó sẽ nói với Ta: Lạy Chúa, lạy Chúa, không phải chúng con đã không nhân danh Thầy mà nói tiên tri sao? Không phải chúng con đã không trừ quỉ nhân danh Thầy sao? Không phải chúng con đã không nhân danh Thầy để làm nhiều phép lạ sao? Bấy giờ Ta sẽ nói thẳng với họ: “Ta chưa bao giờ biết các ngươi, hãy đi xa Ta, các ngươi là những kẻ bất chính. » (Mt 7,21-23) 

Kẻ nghèo, nước Thiên Chúa trong trần thế, Đấng Cứu độ Giêsu-Kitô đã tự hủy thân mình, tước vị Thần thánh của mình, vì yêu thương và thực hiện lòng nhân hậu của Chúa, đã mang hết tội kẻ khác, không tìm gì cho mình hơn là cho và cho đến cả mạng sống mình.

Và khi đã cho hết vì yêu thương, thì Chúa Cha ban cho Ngài sự sống lại.

Chúa Kitô, kẻ nghèo, kẻ yêu thương đến chết cả thân mình, đó chính là Thiên đàng nơi trần thế. Và trong Tình yêu Chúa Kitô, Phaolô đã thấy vinh quang cuộc sống đạo của tông đồ Chúa chính là người anh em mình

Anh em rất yêu mến và lòng tôi ao ước, niềm hân hoan và triều thiên của tôi...(Phil 4,1)

 

Thiên đàng có thể ở đâu ngoài Thiên Chúa và người anh em mà ta thèm khát và yêu thương!

Trên bước đường lữ hành về Galilêa, nơi Chúa Kitô hẹn, mỗi Kitô-hữu cũng như toàn cộng đồng dân Chúa từng bước lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần để canh tân cuộc sống mình và thực hiện Nước Thiên Chúa nơi con người nghèo Giêsu-Kitô khát khao Thiên Chúa và con người: 

Các ngươi hãy hoán cải, vì Nước Chúa ở thật gần. (Mt 4,17)

Phúc cho các người nghèo trong thần trí, vì Nước Trời thuộc về họ. (Mt 5,3)

 

[1] Trích trong cuốn Bài Giảng Trên Núi của tác giả.

 

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************