Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 191, Chúa Nhật 24.02.2013


MỤC LỤC 

CỰU ƯỚC  (Dei Verbum)                                  Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin HĐGMVN

ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI TỪ NHIỆM: TÂM TÌNH CỦA DÂN CHÚA TẠI VIỆT NAM Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

TRÁNH CƯỚP GIỰT                                                                            Lm Jos.Tuấn Việt,O.Carm

LECTIO DIVINA hay ĐỌC LỜI CHÚA TRONG TÂM TÌNH CẦU NGUYỆN
Chuyển ngữ: Thérèse Trần Thiết & Fr. Marie Bảo Tịnh O.Cist

ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI THOÁI VỊ. VÌ SAO?                                                 Lê Thiên 

ĐỐI THỌAI NĂM ĐỨC TIN: NHỮNG VẤN ĐỀ KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN (Vấn đề 2)
Lm. Đan Vinh

THẾ NÀO LÀ PHẠM TỘI TRONG TƯ TƯỞNG ?                                         Lm PX. Ngô Tôn Huấn

CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II: MỘT CUỘC CÁCH MẠNG HAY MỘT CUỘC CẢI CÁCH?
(TÌM HIỂU CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II – BÀI 1)                                 Phaolô Phạm Xuân Khôi

 Đi buộc lạc đà lại!                                                                              Lm. Minh Anh chuyển ngữ

Tương quan với các tu sĩ nam nữ                                   Lm. Micae Phaolô Trần Minh Huy, pss.

CHĂM SÓC MÁI TÓC                                                                                  Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Bệnh sống vô trách nhiệm                                                            ĐHY. PX. Nguyễn Văn Thuận


CHƯƠNG IV: CỰU ƯỚC

 

KHOÁ VIII ngày 18 tháng 11 năm 1965

HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ MẠC KHẢI THIÊN CHÚA (tiếp theo)

(Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, HĐGMVN)

CHƯƠNG IV: CỰU ƯỚC

14. Lịch sử cứu độ trong các sách Cựu Ước

Thiên Chúa chí ái, vì ân cần dự định và chuẩn bị việc cứu độ toàn thể nhân loại, nên do một kế hoạch đặc biệt, đã tuyển chọn cho mình một dân tộc để trao gửi các lời hứa. Thật vậy, sau khi đã ký kết giao ước với Abraham (x. St 15,18) và với dân Israel qua trung gian Môsê (x. Xh 24,8), Ngài đã dùng lời nói và hành động mà mạc khải chính mình là Thiên Chúa độc nhất, chân thật và hằng sống cho dân Ngài đã thủ đắc riêng, nhờ đó Israel nghiệm thấy đâu là những đường lối Thiên Chúa đối xử với loài người, và nhờ chính Ngài phán dạy qua miệng các ngôn sứ, họ ngày càng thấu hiểu các đường lối ấy cách sâu xa rõ ràng hơn, và đem phổ biến rộng rãi hơn nơi các dân tộc (x. Tv 21,28-29; 95,1-3; Is 2,1-4; Gr 3,17). Nhiệm cuộc cứu độ mà các thánh sử đã tiên báo, thuật lại và giải thích, còn tồn tại trong các sách Cựu Ước với tính cách là lời thật sự của Thiên Chúa. Vì vậy, các sách đã được Thiên Chúa linh hứng này vẫn giữ một giá trị trường cửu: “Quả thế, mọi lời xưa đã chép trong Thánh Kinh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó
chúng ta vững lòng trông cậy” (Rm 15,4). 34*

15. Tầm quan trọng của Cựu Ước đối với các Kitô hữu

Nhiệm cuộc Cựu Ước được bố trí với mục đích chính yếu là để chuẩn bị và loan báo theo cách ngôn sứ (x. Lc 24,44; Ga 5,39; 1 Pr 1,10) và để chỉ ra bằng những hình bóng khác nhau (1 Cr 10,11) ngày quang lâm của Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ muôn loài và của Vương Quốc của Đấng Mêsia. Tùy theo hoàn cảnh nhân loại trước thời Chúa Kitô thiết lập công cuộc cứu độ, các sách Cựu Ước bày tỏ cho mọi người biết Thiên Chúa và con người ta, cùng những cách thế mà Thiên Chúa công bình và nhân từ đối xử với loài người. Tuy có nhiều bất toàn và tạm bợ, các sách ấy chứng tỏ khoa sư phạm đích thật của Thiên Chúa 1. Do đó, các Kitô hữu phải thành kính đón nhận các sách này: chúng diễn tả một cảm thức sâu sắc về Thiên Chúa, tàng trữ những lời giáo huấn cao siêu về Ngài, một khoa khôn ngoan hữu ích về đời sống con người, và những kho tàng kinh nguyện tuyệt diệu; sau cùng trong đó ẩn chứa mầu nhiệm ơn cứu độ chúng ta. 35*

16. Tính duy nhất giữa Cựu và Tân Ước

Vậy Thiên Chúa, Đấng linh hứng và tác giả các sách Cựu và Tân Ước, đã khôn ngoan xếp đặt cho Tân Ước được tiềm ẩn trong Cựu Ước và Cựu Ước được tỏ hiện trong Tân Ước 2. Thật vậy, tuy Chúa Kitô đã thiết lập Giao Ước mới trong máu Ngài (x. Lc 22,20; 1 Cr 11,25), nhưng các sách Cựu Ước, đã được thâu dụng trọn vẹn trong lời rao giảng Phúc Âm 3, thì đạt được và giãi bày đầy đủ ý nghĩa của mình trong Tân Ước (x. Mt 5,17; Lc 24,27; Rm 16,25-26; 2 Cr 3,14-16), và ngược lại, làm sáng tỏ và giải
nghĩa Tân Ước. 36*


---------------

chú thích

35*– Số này bàn về việc Kitô hữu đọc Cựu Ước. Ba ý tưởng: tương quan giữa Cựu và Tân Ước, bản tính các sách Cựu Ước, giá trị của Cựu Ước đối với các Kitô hữu. Chúa Kitô là ý nghĩa của Cựu Ước: của cả các biến cố cũng như các sách. Tất cả những gì xảy ra trước Chúa Kitô đều có mục đích chuẩn bị. Việc tuyển chọn dân Do-thái, lịch sử, văn hoá của dân này v.v… đều chuẩn bị chính con người, ngôn ngữ và tôn giáo của Chúa Kitô v.v… Bản văn nói đến những “khuôn mẫu”: không nên hiểu theo nghĩa kỹ thuật, nhưng theo ý là những biến cố quá khứ trở thành những “mẫu”, những “hình” của một biến cố tương lai nhờ đó những biến cố kia được trọn nghĩa. Việc liệt kê giá trị của Cựu Ước hơi lộn xộn. Bản văn nhắc đến tính cách tạm thời của Cựu Ước để đề phòng chống lại nền luân lý tiền Kitô giáo của dân Do -thái. Người ta nói đến “kho tàng kinh nguyện” để bênh vực các thánh vịnh, chống lại những người muốn loại bỏ thánh vịnh ra khỏi phụng vụ.

34*– Số này bàn về lịch sử cứu độ trong Cựu Ước, xét như là cuốn sách và kế hoạch cứu dộ. Thiên Chúa đã phán qua các biến cố trong lịch sử dân Do-thái và qua các Ngôn sứ (nghĩa rộng): đã có Lời Chúa trước khi có sách, nhưng bây giờ Lời Chúa được tồn trữ trong sách. Nên lưu ý tới ý hướng của việc tuyển chọn dân Do-thái: phổ quát tính của ơn cứu độ. Cựu Ước gồm nhiều giai đoạn: giai đoạn các Tổ Phụ đánh dấu bằng lời hứa, giai đoạn Môsê thiết lập dân Chúa trong Giao Ước, giai đoạn Ngôn sứ trong đó Mạc khải được khai triển.

36*– Sự duy nhất của Cựu Ước và Tân Ước. Đoạn này bàn cách lẫn lộn về các sách vừa Tân Ước vừa Cựu Ước. Tân Ước đã thu gồm toàn thể Cựu Ước, ngoại trừ tính cách bất toàn và tạm thời. Như thế nghĩa là các sách Cựu Ước được sát nhập vào lời rao giảng Phúc Âm như thành phần của một Mạc khải duy nhất. Do đó, chúng hiện ở trong một ngữ cảnh mới, chúng đã được biến đổi vì đã đạt được ý nghĩa tối hậu. Nên lưu ý rằng không những Tân Ước soi sáng Cựu Ước, mà Cựu Ước còn giúp giải nghĩa Tân Ước, chẳng hạn phải hiểu II Isaia dưới ánh sáng của thánh Phaolô và ngược lại.

(còn tiếp)

VỀ MỤC LỤC
ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI TỪ NHIỆM: TÂM TÌNH CỦA DÂN CHÚA TẠI VIỆT NAM

 

Ngày 11-02-2013 vừa qua, trong cuộc gặp gỡ với một số hồng y, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã công bố một quyết định gây chấn động trên toàn thế giới. Ngài nói: “Sau khi liên lỉ xét mình trước nhan Thiên Chúa, tôi chắc chắn rằng sức khỏe của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp với việc thi hành sứ vụ thánh Phêrô… sứ vụ đòi hỏi sức khỏe cả tinh thần lẫn thể xác, và trong ít tháng qua, tôi thấy sức khỏe sa sút đến mức không thể chu toàn sứ vụ được trao phó cho tôi cách cân xứng. Vì lý do đó, với ý thức rất rõ về tính nghiêm trọng của quyếtđịnh này, cùng với tất cả tự do, tôi từ nhiệm sứ vụ Giám mục Rôma, Người kế vịthánh Phêrô, sứ vụ mà các hồng y đã trao cho tôi từ ngày 19 tháng 4 năm 2005. Do đó, kể từ 20g00 ngày 28 tháng 2 năm 2013, Tòa Rôma, Tòa thánh Phêrô, sẽ trống, và Mật tuyển viện sẽ được triệu tập do các vị có thẩm quyền.”

Ngỡ ngàng, tiếc nuối, cùng với khâm phục và ca ngợi sự can đảm, khiêm tốn của Đức Thánh Cha. Có thể tóm kết như thế về phản ứng của các nhà lãnh đạo xã hội cũng nhưtôn giáo trên toàn thế giới trước quyết định này.

Tại Mật tuyển viện năm 2005, Đức hồng y Joseph Ratzinger đã nói với các hồng y hiện diện rằng:“Chúa gọi chúng ta là bạn hữu, Người làm cho chúng ta nên bạn hữu của Người, và trao cho ta tình bạn của Người. Dù chúng ta yếu kém về tâm trí cũng như hànhđộng, Chúa đã trao cho chúng ta chân lý của Người – mầu nhiệm Thiên Chúa là Cha, Con, và Thánh Thần, mầu nhiệm Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi hiến ban Con Một mình”. Rồi hồng y Ratzinger đặt câu hỏi: “Chúng ta phải đáp lại nhưthế nào?” Sau đó, khi các hồng y bầu ngài làm giáo hoàng và hồng y niên trưởng hỏi ngài có chấp nhận hay không, hồng y Ratzinger đã đáp lại lời mời gọi của Chúa bằng tiếng “Xin vâng” của Đức Trinh Nữ Maria.

Cách đặt câu hỏi của hồng y Ratzinger cho thấy ngài tha thiết với Đức Kitô như thế nào, chỉmong mọi người nhận biết và yêu mến Đức Kitô, và ngài đã nỗ lực biến ước mongđó thành hiện thực. Lãnh nhận sứ vụ thánh Phêrô khi đã bước vào tuổi 78, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI vẫn đáp lại tiếng gọi của Chúa bằng tất cả nhiệt tình và sức lực, thể hiện vai trò người đại diện của Đức Kitô trên trần gian. Những chuyến viếng thăm mục vụ tại nhiều quốc gia trên nhiều châu lục. Những cuộc gặp gỡ quan trọng với các nhà lãnh đạo xã hội cũng như tôn giáo trên thế giới. Những buổi triều yết của các thành phần Dân Chúa đến từ khắp mọi miền trên thếgiới. Những quyết định quan trọng liên quan đến đời sống của Dân Chúa trên nhiều miền đất của thế giới. Ai cũng biết công việc của vị giáo hoàng nặng nề đến thế nào. Dù tuổi cao sức yếu, Đức Bênêđictô XVI vẫn cố gắng thi hành trọn vẹn sứ vụ của mình.

Là vị mục tửnhiệt thành và tận tụy, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI còn làm nổi bật vai trò giáo huấn của Đấng kế vị thánh Phêrô. Không chỉ người Công giáo nhưng cả người ngoài Công giáo cũng nhìn nhận ngài là nhà tư tưởng lỗi lạc của thời đại, với tầm nhìn sâu rộng về nhiều lãnh vực, những lập luận sắc bén và được trình bày cách rõ ràng, đầy sức thuyết phục. Ít có vị giáo hoàng nào, dù bận rộn đến thế,vẫn dành thời giờ viết những tác phẩm đồ sộ và có giá trị nghiên cứu cao như bộsách Đức Giêsu Nazareth của Đức Bênêđictô XVI. Ngoài ra, những thông điệp và bài giảng của ngài luôn thu hút người đọc và người nghe vì sự phong phú của nội dung, chiều sâu của suy tư đức tin đồng hành với chiều rộng của đời sống.

Với cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam, trong những năm qua, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đẩy mạnh quan hệ ngoại giao với Chính phủ Việt Nam, đem đến kết quả là sự hiện diện của vị đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam, tuy vẫn còn giới hạn ở mức độ không thường trú. Qua vị đại diện, ngài bày tỏ tình yêu chăm sóc của vị mục tử đối với đoàn chiên ở xa ngài về không gian nhưng luôn gần gũi trong tâm tưởng. Cũng chính Đức Bênêđictô XVI vạch ra cho cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam một hướng sống đức tin, để trở thành người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, đồng thời là người công dân tốt, góp phần xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ, xứng với phẩm giá con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa.

Năm 2005, khi hồng y Joseph Ratzinger được bầu làm giáo hoàng, nhiều người đã vẽ ra chân dung của một giáo hoàng sắt thép. Năm 2013, khi ngài tuyên bố từ nhiệm, cả thế giới nhìn nhận ngài là vị mục tử hiền lành và khiêm nhường theo gương Thầy chí thánh. Chúng ta tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội vị mục tử như lòng Chúa ước mong và Dân Chúa trông chờ. Chúng ta cảm tạ Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI vì công trình lớn lao ngài làm cho Giáo hội và gương sống thánh thiện ngài nêu cao.

Đồng thời, chúng ta cầu nguyện cho Giáo hội, cách riêng trong những ngày sắp tới. Sau ngày 28 tháng 2, Đức Bênêđictô XVI sẽ lui về Castel Gandolfo để nghỉ ngơi và cầu nguyện ít ngày, rồi ngài sẽ về lại Vatican, ở trong một tu viện nhỏ.Đức hồng y Giovanni Battista Re, niên trưởng hồng y đoàn, sẽ triệu tập Mật tuyển viện để bầu chọn vị giáo hoàng kế tiếp. Xin Chúa ban cho Hội Thánh vị mục tử như lòng Chúa ước mong, theo gương các vị tiền nhiệm đáng kính trong những thập niên qua, để Hội Thánh tiếp tục công cuộc Tân Phúc âm hóa và thông truyềnđức tin Kitô giáo trong thời đại đầy biến động ngày nay.

13-02-2013

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Văn phòng Thư ký HĐGMVN

Nguồn: WHĐ

VỀ MỤC LỤC
TRÁNH CƯỚP GIỰT
 

CN 1 Mùa Chay (Lc 4:1-13)

Ăn cướp thì có nhiều dạng, nhưng càng tinh vi thì càng nguy hiểm, nguy hiểm nhất là kiểu ăn cướp trong đó người bị cướp không biết mình đang bị cướp.

Tin Mừng hôm nay kể cho ta về dạng ăn cướp như vậy của Satan. Satan thử không phải một lần mà đến ba lần. Kiểu ăn cướp xảo quyệt này có một cái tên nghe chẳng có gì giật gân cả: tách một lời nói hay sự việc ra khỏi ngữ cảnh của nó.

- Vụ cướp thử thứ nhất: Bấy giờ, quỷ nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!" Tất nhiên Giêsu là Con Thiên Chúa. Đây là sự thật hiển nhiên. Giêsu có toàn quyền và khả năng làm điều ấy không có gì khó khăn. Satan cũng biết rõ điều ấy, nhưng hắn đang dùng một kĩ thuật để lợi dụng sự thật này.

- Vụ cướp thử thứ hai: Quỷ lại nói với Người: "Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông". Một lần nữa, Satan đang cố đưa Giêsu ra khỏi ngữ cảnh. Ngữ cảnh nào? Ngữ cảnh sau đây: Tất cả mọi quyền năng và vinh quang thuộc về Thiên Chúa và chỉ có Thiên Chúa mới xứng đáng được thờ lạy.

- Vụ cướp thử thứ ba: nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, để luôn luôn gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá". Satan đang cám dỗ Đức Giêsu rời khỏi ngữ cảnh nhân tính của Người và thử thách Thiên Chúa thay vì sống niềm tin.

Ai cũng biết ba cơn cám dỗ này của Satan nhắm thẳng vào các nhu cầu phổ biến nhất của con người. Ta có thể mổ xẻ nhiều điều về nội dung của những cám dỗ này. Nhưng ở đây, ta chỉ ưu tiên tập trung vào ‘kĩ thuật cám dỗ’. Satan nổi tiếng là một kẻ chuyên “ném đá giấu tay” nên nó thường xuyên ẩn núp đàng sau cuộc sống của con người và áp dụng các kĩ thuật cám dỗ tinh vi xảo quyệt nhất để cướp giựt đi của họ sự bình an hòa hợp. Ta cùng lấy vài ví dụ trong đời thường như sau:

Có những trường hợp hiểu sai, sống sai ý nghĩa của Lời Kinh Thánh vì người ta tách Lời ấy ra khỏi ngữ cảnh lịch sử, văn hóa, thần học cụ thể của bản văn.

Lý do của những lục đục, chán ngán, cãi vã, ích kỉ, bội tín,… xảy ra ở nhiều cặp vợ chồng nằm ở chỗ họ bị cám dỗ quên mất rằng cuộc sống hôn nhân hiện tại với những thách đố là ngữ cảnh cụ thể rất tốt để thực hiện lời thề hứa họ đã trao hôm nào. Nhiều vụ ghen tuông vô lý cũng bắt nguồn từ việc kết luận vội vàng cẩu thả về người bạn đời mà không bình tĩnh tìm hiểu cho kĩ càng.

Nhiều người ngày nay cảm thấy dễ nhàm chán, buồn nản vì họ quên mất một ngữ cảnh thực tế của cuộc sống này là: cuộc sống luôn cần có một lý tưởng tích cực để tròn đầy.

Việc quá sợ hãi lắng lo cũng thường có nguồn gốc ở việc ta đang để mình bị tách ra khỏi ngữ cảnh của chân lý rằng Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng kì diệu và Ngài biết rõ mọi sự.

Nếu ta thấy mình hay giận hay hờn như mưa như nắng thì đó là dấu hiệu ta đang bị cám dỗ tách mình ra khỏi ngữ cảnh thật của tình yêu: Tình yêu không phải là cảm xúc thất thường. Không, tình yêu trưởng thành là lựa chọn dấn thân đến cùng, cho dù không cảm thấy nồng nàn và sẵn sàng đón nhận hy sinh, như chính Thiên Chúa Tình Yêu đã minh chứng trên thập giá.

Việc làm tổn hại sự sống của chúng ta là một biểu hiện rằng ta đang bị Satan cám dỗ quên đi ngữ cảnh quan trọng này: sự sống thuộc trọn về quyền của Đấng Ban Sự Sống là Thiên Chúa chứ không phải sở hữu riêng mình.

Thái độ dễ lên án người khác nhiều khi bắt nguồn từ việc bị cám dỗ làm ngơ đi ngữ cảnh: Mọi con người đều mang thân phận mỏng giòn yếu đuối như chính mình.

Có những người đến hôm nay vẫn còn sốc hoặc hoang mang bởi biến cố Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 từ nhiệm vì họ quên đi ngữ cảnh lịch sử Giáo Hội, một lịch sử được diễn tiến trong sự bảo đảm của ơn Chúa qua mọi thời đại.

Còn rất nhiều ví dụ khác ta có thể thấy Tên Lừa Đảo Satan áp dụng kĩ thuật này.

Làm sao để hóa giải trò nham hiểm này của Satan? Ta chỉ cần làm theo cách của Thầy Giêsu. Nó muốn tách Thầy ra khỏi ngữ cảnh thì Thầy đẩy nó vào lại trong ngữ cảnh. Ta cũng sẽ chiến thắng và giải gỡ được rất nhiều khó khăn, vấn nạn đáng tiếc trong cuộc sống khi biết tỉnh táo áp dụng phương pháp này. Áp dụng phương pháp này cũng đơn giản thôi:

1/ Luôn ghi nhớ: một lời nói, hành động, sự việc gì cũng đều có ngữ cảnh riêng với nhiều yếu tố liên quan khác.

2/ Tránh tối đa việc phản ứng vội vàng, cẩu thả.

3/ Thong thả xem xét suy gẫm trong cầu nguyện để được ơn Chúa soi sáng.

Ngữ cảnh của Thầy Giêsu có thể là nguyên lý phổ quát soi sáng cho các ngữ cảnh của ta. Ngữ cảnh ấy là: Thiên Chúa là Đấng quan phòng mọi sự trong yêu thương, tôn trọng, nhân hậu và rộng lượng; con người được Thiên Chúa đối xử như thế nên cũng cần đối xử với nhau giống như vậy.

Giuse Việt, O.Carm.

[14A+V0213]

Tiếng Anh: http://only3minutes.wordpress.com/english/avoid-being-robbed/

Tiếng Ý: http://only3minutes.wordpress.com/evitare-di-essere-derubato/

VỀ MỤC LỤC
LECTIO DIVINA hay ĐỌC LỜI CHÚA TRONG TÂM TÌNH CẦU NGUYỆN

 

Lời Mời gọi của HĐGMVN:

Giáo Hội tại Việt Nam phải “phát động chương trình mỗi gia đình một cuốn Kinh Thánh được đặt nơi xứng hợp, cổ võ đọc và cầu nguyện với Lời Chúa”, khuyến khích học thuộc lòng những đoạn Kinh Thánh cốt yếu. Mọi thành phần Dân Chúa, giáo dân, chủng sinh, tu sĩ và các mục tử, cần tập thói quen đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày, đặc biệt theo phương thức Lectio divina. (Thư Chung của HĐGMVN, ngày 1.5.2011, số 11)

Xin giới thiệu cho nhiều người thân tham gia Gia Đình Lectio Divina Lecdiv@gmail.comđể có thể hiệp thông với nhau trong đời sống cầu nguyện và cùng giúp nhau thực hành "điều cần thiết nhất trong mọi điều cần thiết". Đan viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca, Nha Trang, sẽ cầu nguyện lâu dài cho tất cả những ai trung thành thực hành và cố võ việc thực hành Lectio divina.

Mọi thắc mắc về Lectio divina, xin gởi email cho cha Bảo Tịnh, O.Cist fr.baotinh@yahoo.fr

*****

 

Tác Phẩm: MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI!

Thiên Chúa tỏ mình cho con người thế nào?

Chuyển ngữ:

Thérèse Trần Thiết

Fr. Marie Bảo Tịnh O.Cist

Nguyên tác:

Michel HUBAUT

UN DIEU QUI PARLE!

Comment Dieu se révèle-t-il à l’homme?

Chương 12: LECTIO DIVINA hay ĐỌC LỜI CHÚA TRONG TÂM TÌNH CẦU NGUYỆN

 

“Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con” (Tv 40, 7)

 

Những giai đoạn của Lectio divina

Hiến chế Mạc Khải của Công Đồng Va-ti-ca-nô II khuyến khích tất cả các ki-tô hữu: “Thánh Công Ðồng cũng tha thiết và đặc biệt khuyến khích mọi ki-tô hữu, cách riêng các tu sĩ hay năng đọc Thánh Kinh để học biết "khoa học siêu việt của Chúa Giê-su Ki-tô" (Ph 3,8)[1]. Các Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II và Biển Đức XVI đã khích lệ việc thực hành điều mà truyền thống gọi là “Lectio divina”. Lectio divina là gì? Đã từ rất lâu Lectio divina hay đọc    Sách Thánh trong tâm tình suy niệm, nghiền ngẫm, cầu nguyện được dành riêng cho giới đan sĩ, càng ngày càng lan rộng nơi các ki-tô hữu ao ước tìm nguồn sống củng cố đức tin của mình.

Việc tập thực hành lắng nghe Lời Chúa không có gì phức tạp, nhưng đòi hỏi phải kiên trì. Lời này có thể thâm nhập và sinh hoa kết trái trong lòng chúng ta. Việc đàm thoại này đòi hỏi phải siêng năng cần mẫn – nhưng người ta bỏ ra quá nhiều giờ cho những việc không đâu! Bởi vì chính Thánh Thần là Đấng đã “linh hứng” Lời mà các tác giả Kinh Thánh, hoặc các tác giả ki-tô giáo viết, nên khi bắt đầu đọc Kinh Thánh để cầu nguyện cần phải cầu xin Chúa Thánh Thần mở tâm lòng và trí tuệ chúng ta để giúp chúng ta có thể nghe được điều Chúa muốn nói với chúng ta qua bản văn.

Truyền thống ki-tô giáo khi trình bày cho chúng ta diễn tiến cuộc đàm thoại với Chúa, phân biệt bốn giai đoạn: Đọc (lectio), suy niệm (meditatio), cầu nguyện (oratio) và chiêm ngắm (contemplatio). Bốn giai đoạn này phù hợp với bốn ý nghĩa của Kinh Thánh, đã được hiểu từ trong Do-thái giáo và được đón nhận trong Ki-tô giáo: ý nghĩa văn tự (ý nghĩa của chữ đen trong bối cảnh lịch sử), ý nghĩa ẩn dụ (nhấn mạnh đến sự liên hệ giữa các biến cố của Giao Ước Thứ Nhất và của Giao Ước Mới), ý nghĩa luân lý (ràng buộc cuộc sống đời thường của chúng ta) và ý nghĩa thần bí (trải nghiệm nội tâm đưa chúng ta vào thông hiệp với Thiên Chúa).

Do vậy luôn phải bắt đầu bằng việc đọc. Ngày lại ngày, tôi đọc một trong các sách Kinh Thánh – thuộc Giao Ước Thứ Nhất (Cựu Ước) hay Tân Ước - đọc liên tục để tránh việc chọn lựa theo chủ quan. Đôi khi chỉ cần chậm rãi đọc vài câu, đọc nhiều lần, và nếu được thì cũng nên đọc lớn tiếng. Người ta cũng có thể ghi chép lại những câu đó, nhất là những câu quá quen thuộc mà chúng ta có khuynh hướng đọc lướt qua. Việc đọc lần đầu này nhằm mục đích hiểu đúng và khách quan về bản văn. Bản văn muốn nói gì? Cầm bút chì trên tay, tôi có thể gạch dưới những động từ, những chữ, những câu dường như là cốt yếu của bản văn, những nhân vật, những cử điệu, nơi chốn…

Giai đoạn thứ hai là suy niệm. Tôi đào sâu ý nghĩa của lần đọc thứ nhất qua suy tư và tìm hiểu. Đó là thời gian “đào bới” bản văn bằng cách dùng tất cả những khí cụ cần thiết (ghi chú ở cuối trang, sách chú giải, tài liệu học hỏi Kinh Thánh) để có thể hiểu thấu đáo bản văn, ý nghĩa của những chữ, bối cảnh lịch sử và văn hóa của tác giả. Tác giả muốn nói gì? Đức tin được trình bày trong đó thế nào? Tác giả nói gì về Thiên Chúa và về con người? Chứng từ đức tin của tác giả giúp gì cho chính đức tin của tôi hôm nay? Chúa muốn nói với tôi điều gì qua bản văn này? Suy niệm là thời gian Kinh Thánh trở thành Lời “nói với tôi”.

Từ việc suy niệm này nảy sinh ra cầu nguyện. – đó chính là việc tôi đáp lời, lời mà tôi thân thưa với Chúa là Đấng đã nói với tôi điều gì đó qua bản văn này. Đây không còn là lúc tra cứu sách đối chiếu hay tự điển. Tôi ở trong tư thái nội tâm hoàn toàn sẵn sàng tiếp nhận, tin tưởng Lời Chúa có sức mạnh nội tại có thể biến cải người lắng nghe Lời. Một lời nguyện không có tính cách giảng, nói hay về Chúa nhưng là nghiền ngẫm “nhâm nhi” Lời, để cho Lời tác động trong tôi, tiến triển trong tôi, đi vào trong cái cụ thể của cuộc sống của tôi. Nhờ có Lời, lời cầu nguyện của tôi không còn là một cuộc độc thoại hay chỉ quy về mình. Nó trở thành cuộc đàm thoại, cuộc đối thoại với Chúa, nó trở thành lời đáp đối với Lời Chúa mời gọi tôi.

Chính trong giai đoạn này, được Lời Chúa đụng chạm tới, đôi khi tôi có thể đi vào trong chiêm ngắm, một sự thông hiệp mật thiết hơn với sự hiện diện của Chúa. Sự thông hiệp thinh lặng giúp tôi có cái nhìn mới về bản thân tôi, về các người khác và về các biến cố xảy đến.

“Việc đọc chạm tới vỏ. Suy niệm đi sâu vào trong chữ. Cầu nguyện diễn tả ước muốn. Và Chiêm ngắm tận hưởng sự ngọt ngào được cảm nhận” (Guigues II, le Chartreux).

Những ai hằng ngày chăm chú thực hành việc đọc này – dù chỉ 15 phút mỗi ngày – đều khám phá ra Lời Chúa hoạt động trong ta và biến cải ta như thế nào.

Dĩ nhiên là không thiếu những cản trở: Có nhiều sinh hoạt phải giải quyết ngay, những âu lo về gia đình hay nghề nghiệp, bức xúc về việc đổi mới. Hơn nữa, sự thiếu hiểu biết của tín hữu về đức tin thường làm cho việc suy niệm Lời là nguồn liên hệ cá nhân mình với Chúa trở nên khó khăn.

Tuy nhiên tất cả chỉ là vấn đề xác tín và lệ thuộc vào điều mà ta coi là ưu tiên. Nếu tôi xác tín rằng sự phong phú thực tế của cuộc sống của tôi được bắt nguồn từ Lời Sự Sống, tôi sẽ có thể thu xếp dành được một chỗ trong việc tổ chức ngày sống của mình. Chúng ta luôn tìm được giờ để làm điều chúng ta cho là quan trọng. Đó quả thực là vấn đề chọn lựa cá nhân.

Xin nhớ rằng Lectio divina có thể được thực hành chung với nhiều người, hoặc để chuẩn bị phụng vụ Chúa Nhật, hoặc trong giờ Kinh Đêm áp một Lễ Trọng. Những ai đã thực hành kiểu Lectio divina cộng đoàn này đều có thể chứng thực rằng nhiều đoạn văn Kinh Thánh chúng ta không thể hiểu khi đọc một mình, đôi khi được soi sáng nhờ các anh chị em mình.

 

 Không là duy thiêng liêng cũng không phải là theo chủ nghĩa cơ yếu

Những giai đoạn của việc cầu nguyện với Lời Chúa mà chúng tôi vừa phác thảo trên đây cũng có thể giúp chúng ta tránh được hai sai lệch thường gặp phải: chủ nghĩa duy thiêng liêng là thứ chủ nghĩa tìm trong Kinh Thánh một xúc cảm đơn thuần. Người ta có nguy cơ gán ghép vào trong Lời Kinh Thánh những tình cảm riêng tư, ưu tiên chọn những trích đoạn thích hợp với những “ý tưởng” của mình về Chúa và thu hẹp Kinh Thánh vào chiều kích tâm lý. Đôi khi chúng ta phải chấp nhận sự kỳ dị của bản văn và không mong hiểu được tức thời.

Sự sai lạc thứ hai có thể có khi đọc Kinh Thánh đó là chủ thuyết cơ yếu. Bởi vì Kinh Thánh là Lời của Chúa, người ta tưởng rằng đọc Kinh Thánh, đó là trực tiếp gặp được Chúa và gặp Người tức thời. Nhưng muốn thấu đạt được sứ điệp chất chứa trong Lời mà không cần đối mặt với vỏ ngoài của lời nhân loại, thì quên rằng các tác giả Kinh Thánh sống trong một lịch sử và một nền văn hóa riêng mà Thiên Chúa tôn trọng bước tiến của con người. Và chính các bản văn của Tân Ước cũng đã là một giải thích về cuộc đời và sứ điệp của Thầy Giê-su; chính Thầy Giê-su đã không viết gì và mầu nhiệm của Người luôn vượt trên những gì đã được viết ra.

Việc đọc Kinh Thánh theo chủ nghĩa cơ yếu, nô lệ “mặt chữ” của Kinh Thánh, đặc biệt nói lên sự thiếu hiểu biết về vai trò của Chúa Thánh Thần là Đấng giúp phân định sứ điệp được mạc khải, vượt qua vỏ bọc của ngôn ngữ, liên quan tới một nền văn hóa và một thời đại. Người cũng giúp chúng ta hiện thực hóa Lời trong cuộc sống hôm nay của chúng ta. Đọc Kinh Thánh theo chủ nghĩa cơ yếu cũng không nhận ra việc con người cần phải tìm hiểu để tiếp nhận Lời, qua ngôn từ nhân loại thiếu sót của mình, cũng như các tông đồ đã phải phân định, cách tiệm tiến, căn tính Thiên Chúa của Ngôi Lời Thiên Chúa, qua nhân tính của Thầy Giê-su.

Lời của Chúa tuân theo sự nghịch lý của việc Chúa Ki-tô nhập thể là điều tạo cho mầu nhiệm của Thiên Chúa có một khuôn mặt, đồng thời vẫn che khuất nguồn gốc Thiên Chúa của mình. Thiên Chúa mạo hiểm “nói” Lời vĩnh cửu của mình trong những ngôn từ của nhân loại thường có thể bị hiểu sai và đôi khi bị làm cho méo mó. Nhưng Thần Khí cho phép vượt qua những cản trở gặp phải trong việc Lời nhập thể. Cuối cùng, điều khó khăn nhất chắc hẳn là tin rằng Lời của Chúa, được chứa đựng trong Kinh Thánh, luôn là hiện thực, sống động và đang nói với tôi là người đang lắng nghe, hôm nay.

Hai bàn tiệc đức tin

Từ chương 6 trong Tin Mừng Gio-an, Truyền Thống công giáo quả quyết rằng có hai bàn tiệc: “Bàn tiệc Lời” và “bàn tiệc Thánh Thể”, mà thực tế cả hai chỉ là một bàn tiệc. Chúng ta đã thấy trong trình thuật về hai môn đệ Em-mau, Chúa Ki-tô phục sinh, trong một bước tiến thiêng liêng rất kiên nhẫn, đã tỏ mình ra đồng thời qua việc đọc lại Kinh Thánh và việc bẻ bánh như thế nào. Như hai môn đệ này, chúng ta cần gặp Đức Ki-tô sống động trong Lời được tuyên xưng trước khi nhận ra Người qua bánh được chia sẻ. Lời còn quá thường bị hiểu như là một cách dẫn vào cử hành bí tích Thánh Thể. Người ta nghe đọc mà không ý thức được rằng Lời đã đưa chúng ta vào trong Giao Ước sẽ được Thánh Thể xác nhận. Vậy Chúa Ki-tô hiện diện trong Lời cũng như trong việc bẻ bánh. Người ban tặng cuộc sống của Người khi tuyên bố Lời, khi giải thích Kinh Thánh và khi chia sẻ bánh.

Tổ chức cầu nguyện với Lời Chúa theo nhóm như thế nào 

+ Mỗi người nên có cùng một bản văn Lời Chúa.

+ Thần Khí đã linh hứng bản văn này và còn linh hứng mỗi tín hữu hiểu và sống bản văn. Do vậy cần phải bắt đầu bằng việc cầu xin Chúa Thánh Thần qua một lời kinh hay một bài hát.

+ Mỗi nhóm nên chọn một linh hoạt viên để điều động sự tham gia của các thành viên, giờ giấc quy định và diễn tiến các giai đoạn. 

Buổi cầu nguyện được chia thành ba thời gian: 

1. Thời gian quan sát. Bản văn nói gì?

- Một người đọc lớn tiếng bản văn đã chọn.

- Tiếp đến, trong khoảng 5 đến 7 phút thinh lặng, mỗi người quan sát những yếu tố tạo nên bản văn (những chữ thường lặp lại nhiều lần, những động từ được dùng, các nhân vật, địa danh, cử động). Cũng khuyên nên có bút chì trong tay để gạch dưới những chữ, những câu xét là quan trọng.

- Cuối cùng, luân phiên mỗi người nói cho nhóm một câu hoặc tối đa hai câu mình nhận thấy là quan trọng.

2. Thời gian suy niệm. Chúa nói với tôi điều gì qua Lời này.

- Một người khác đọc lại bản văn.

- Trong 5 đến 7 phút, mỗi người theo sát bản văn cố gắng phân định đức tin được diễn tả trong đó và đức tin này nuôi dưỡng hoặc đặt vấn đề đối với đức tin của mình như thế nào.

- Chia sẻ lần thứ hai. Qua một hai câu ngắn gọn, mỗi người tóm tắt điều mà bản văn dạy mình, và điều đó có ảnh hưởng gì đối với đức tin của riêng mình. 

3. Thời gian cầu nguyện

- Người thứ ba đọc lớn và chậm cùng một bản văn trên.

- Trong khoảng 5 đến 7 phút, mỗi người âm thầm cầu nguyện dựa theo điều đã quan sát và suy niệm, và cũng từ những điều nghe người khác chia sẻ.

- Chia sẻ lần cuối. Mỗi người ngắn gọn nói lên một hay hai ý nguyện.

- Kết thúc bằng kinh Lạy Cha hoặc một lời kinh chung nào khác. 

Dĩ nhiên, mỗi khi trao đổi chia sẻ, mỗi người đón nghe người khác nói mà không phán đoán, phê bình hay giải thích. Mục đích của buổi cầu nguyện chung này không để học hỏi bản văn mà cũng không tranh luận với nhau về bản văn, nhưng đơn thuần chỉ để cùng nhau cầu nguyện với bản văn Kinh Thánh và chia sẻ với nhau.


[1]               (MK 25).

VỀ MỤC LỤC
ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI THOÁI VỊ. VÌ SAO?
 

Sáng thứ Hai 11/2/2013, giữa Công nghị Hồng y được triệu tập về Thủ đô Vatican của Giáo Hội Hoàn vũ, Đức Thánh Cha Biển đức XVI chính thức tuyên bố thoái vị với lời mở đầu như sau: “Các Hiền Huynh thân mến, Tôi đã triệu tập các Hiền Huynh đến Công Nghị này, không chỉ để bàn về ba án phong Thánh nhưng còn là để trao đổi với các Hiền Huynh một quyết định rất quan trọng đối với đời sống của Giáo Hội. Sau nhiều lần tự vấn lương tâm trước mặt Chúa, tôi đã đi đến sự xác tín rằng năng lực của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp để cáng đáng đầy đủ sứ vụ Giáo Hoàng.”

Lý do thoái vị được chính Đức Thánh Cha xác định: “Trước một thế giới với quá nhiều những thay đổi nhanh chóng và đang rúng động bởi những vấn nạn liên quan sâu sắc đến đời sống đức tin; để có thể lèo lái con thuyền của Thánh Phêrô và rao giảng Tin Mừng, cả năng lực của trí óc lẫn thể xác đều là cần thiết. Năng lực của tôi trong vài tháng qua, đã xấu đi đến mức mà tôi phải thừa nhận sự bất lực của tôi không thể đáp ứng đầy đủ sứ vụ được giao phó cho mình. Vì lý do này, và cũng nhận thức được mức độ nghiêm trọng của hành động này, với hoàn toàn tự do, tôi tuyên bố thoái vị khỏi sứ vụ của Giám Mục Roma, Người kế vị Thánh Phêrô, đã được giao phó cho tôi bởi các Hồng Y ngày 19 Tháng Tư năm 2005”.

Rồi ĐTC cho biết, ngày 28/02/2013 sẽ là ngày ngài chính thức rời khỏi chức vụ. “Ngai Tòa Thánh Phêrô sẽ được bỏ trống và một Mật Nghị Hồng Y sẽ được triệu tập để bầu vị Giáo Hoàng bởi những vị có thẩm quyền”.

Việc Đức Thánh Cha Biển đức XVI tự mình quyết định rời ngai Giáo Hoàng không khỏi gây sửng sốt cho nhiều người vì lẽ từ 600 năm qua, chưa hề có tiền lệ một vị Giáo Hoàng từ nhiệm (từ chức, thoái vị). Tuy nhiên, trong Giáo Hội, chỉ có luật Chúa là bất di bất dịch. Luật Hội Thánh còn phải trải qua nhiều đổi thay huống hồ là một thông lệ. Thông lệ không có nghĩa là không cho phép. Không phải luật cấm hay luật buộc. Cho nên, chúng ta có thể ngạc nhiên hay thậm chí bàng hoàng (sốc) và thoáng một chút đau buồn khi nhận được tin ĐTC thoái vị, nhưng không vì đó mà chúng ta dễ dàng nghe theo những suy đoán hàm hồ hay bi quan, nhất là những lời đồn đại thi phi về nguyên cớ của sự thoái vị bất thường mà lại quên đi sự hoạt động liên lỉ của Chúa Thánh Thần trong lòng Giáo Hội Chúa Kitô ở trần thế này hầu đưa Giáo Hôi vượt qua bao cơn sóng dữ suốt hơn 20 thế kỷ thăng trầm.

Tuổi già ám ảnh

Chúng ta hãy cùng nhau đọc lại quyển “Ánh Sáng Thế Gian” ghi lại cuộc trao đổi giữa Đức Thánh Cha Biển đức XVI với nhà báo Peter Seewald năm 2010 (người viết sử dụng bản dịch tiếng Việt từ Đức ngữ của Phạm Hồng Lam, ấn bản 2011) để biết rõ nỗi ưu tư của vị Giáo chủ khi ngài đối diện với trách nhiệm cầm đầu Hội Thánh Chúa ở trần gian vào tuổi 78.

Trong Lời tựa quyển sách, nhà báo Peter Seewald thổ lộ: “Chưa bao giờ trong lịch sử giáo hội có chuyện một giáo chủ để cho người ngoài phỏng vấn và sẵn sàng trả lời trực tiếp.” Seewald ghi nhận: “Riêng chuyện này đã là một dấu ấn mới cho triều đại giáo chủ này.” (trang 7-8). Rồi lại khi từ trong phòng bước ra phòng khách, Đức Giáo Hoàng Biển đức XVI đưa tay cho Peter Seewald bắt, “nhỏ nhẹ chào” Seewald, “và nói như một lời xin lỗi”: “Sức hơi kém lắm rồi.” (trang 10).

Mở đầu cuộc phỏng vấn, nhà báo Peter Seewald nêu thẳng câu hỏi: “Thưa Đức Thánh Cha, ngày 16.04.2005, dịp sinh nhật 78 tuổi, ngài đã thông báo với các nhân viên cộng tác với mình về niềm vui sẽ được nghỉ hưu. Nhưng ba ngày sau đó, ngài trở thành vị đứng đầu một Giáo hội hoàn vũ với 1,2 tỷ tín hữu. Một nhiệm vụ chẳng thích hợp gì với một người lớn tuổi.”

Đức Thánh Cha đáp: “Quả thật tôi đang chờ được nghỉ ngơi và an thân. Nhưng, đùng một cái, nhiệm vụ to lớn lừng lững trước mắt. Như mọi người đều bết, đó là một cú sốc đối với tôi. Trách nhiệm quả lớn kinh khủng.”

Seewald lại hỏi: “Về sau ngài thổ lộ, giây phút đó mình tưởng như ‘lưỡi đao’ đang rơi xuống cổ?”

ĐTC Biển Đức trả lời ngay: “Đúng, tôi đã nghĩ tới hình ảnh máy chém: Này là lúc lưỡi đao rơi xuống và nó rơi đúng vào đầu mày.” Đến nỗi sau mấy giây bị ám ảnh bởi “máy chém” và “lưỡi đao”, ngài còn nói thêm: “Chúa sẽ cho tôi an thân và nghỉ ngơi sau những tháng năm căng thẳng” tuy rằng ngài tin “Chúa sẽ ở cùng tôi” (trang 17).

Qua những tâm sự trên đây của ĐTC, rõ ràng chiếc bóng tuổi già, sức yếu bám chặt lấy ngài. Và ai cũng thấy ngài già đi nhiều, yếu đi nhiều. Tuổi già và sức yếu ngày càng hiện rõ mỗi lần vị giáo chủ xuất hiện. Xin nhắc lại lời Đức Thánh Cha (như đã trích dẫn trên): “Năng lực của tôi trong vài tháng qua, đã xấu đi đến mức mà tôi phải thừa nhận sự bất lực của tôi không thể đáp ứng đầy đủ sứ vụ được giao phó cho mình.”

Vả lại, trong quá khứ, theo bản tin ngày 12/2/2013 của hãng thông tấn AP (Associated Press), thì “trong một cách thức nào đó, tin ĐGH Biển đức thoái vị chẳng phải là điều đáng ngạc nhiên. Chính Đức Biển đức năm 2010 đã từng nêu lên việc ngài có thể từ chức khi mà ngài đã quá già hay yếu bệnh liên tục.”

Bản tin của AP còn trích dẫn lời phát biểu của chính ĐTC trong cuốn Ánh Sáng Thế Gian: “Khi một giáo chủ hiểu rõ, mình không còn năng lực về thể lý, tâm lý hay tinh thần để cáng đáng nhiệm vụ được giao phó nữa, thì vị đó có quyền, và trong một số hoàn cảnh, tự vị đó có nhiệm vụ phải từ chức.” (sđd, tr. 49). Trong khi xác định “Người ta có thể từ chức trong thời điểm yên hàn hoặc thấy mình không còn kham nổi nữa…”, ĐTC không quên nhấn mạnh rằng “việc từ chức không được phép là một lựa chọn để trốn tránh một trọng trách nào đó… Trong cơn nguy biến, không được chạy trốn.” (sđd, tr.49).

Như vậy, việc Đức Thánh Cha Biển đức từ nhiệm là một hành động có ý thức, có trách nhiệm, vì ngài tự “thấy mình không còn kham nổi nữa”.

Những Giáo hoàng đã thoái vị.

Trong quá khứ, mặc dù các giáo hoàng được phép thoái vị, sự thật lịch sử Giáo Hội cho thấy gần đây nhất đã 6-7 trăm năm chỉ xảy ra có hai trường hợp giáo hoàng thoái vị. Đó là Giáo hoàng Grêgôriô XII thoái vị năm 1415; và trước đó là Giáo hoàng Celestine V thoái vị năm 1294.

ĐGH Celestine V vốn là một tu sĩ-ẩn tu chiêm niệm thánh thiện thuộc hệ phái chiêm niệm Dòng Phanxicô được bầu chọn làm giáo hoàng để “thanh tẩy” Hội Thánh lúc bấy giờ đang điêu đứng vì rơi vào trào lưu tục hóa nghiêm trọng. Nhưng khi được bầu, Đức Celestine V đã 85 tuổi, được xưng tụng là Papa AngelicusĐTC Thiên thần. Tuy nhiên ngài bất lực trong việc giải quyết các vấn đề chính trị và tài chánh vô cùng phức tạp lúc bấy giờ, nên chỉ sau 6 tháng, ngài thoái vị.

Thời kỳ từ năm 1394 tới 1417, xảy ra cuộc phân ly trong Giáo Hội. Tại Rôma (Ý) có giáo hoàng Grêgôriô XII (1406-1415) trong khi tại Avignon (Pháp) có giáo hoàng Biển đức XIII. Năm 1409, Công đồng Pisa hạ bệ hai vị trên và cử ra một tân giáo hoàng là Alexander V (1409-1410). Nhưng cả Biển đức XIII lẫn Grêgôriô XII đều không chịu thoái vị, thành thử Giáo Hội có tới 3 Giáo hoàng cùng một lúc. Thế nên Công đồng Constance được triệu tập, cách chức hai vị, và đồng ý cho Grêgôriô XII thoái vị năm 1415, chấm dứt cuộc phân ly Avignon và Rôma.

Sức khỏe suy sụp.

Trở lại trường hợp của Đức Thánh Cha Biển đức XVI, một bản tin khác của hãng thông tấn AP từ Luân Đôn ngày 12/02/2013 cho biết, “khi lên ngôi Giáo hoàng ở tuổi 78, Đức Biển đức XVI cũng đã là vị giáo hoàng già nhất từ gần 300 năm nay. Bây giờ ngài đang ở tuổi 85, và trong những năm gần đây sức khỏe của ngài đã suy sụp đáng kể, khiến ngài phải hủy nhiều chuyến tông du hải ngoại và hạn chế các cuộc triều yết.”

AP còn cho biết “khi di chuyển đến Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, ĐGH đã phải sử dụng chiếc bệ có bánh xe lăn trên một lộ trình khoảng trăm mét. Rồi có lúc ngài phải chống gậy.” 

Cũng theo nhận xét của hãng tin AP, “năm ngoái khi công chúng đợi chờ ĐTC xuất hiện để ngỏ lời với họ, thì họ thấy ngài bước ra với vẻ yếu mệt, không nói gì được bao nhiêu với họ.” Bản tin cũng nhắc tới chuyện “năm 2009, ĐTC đã bị té ngã và bị thương nhẹ ở khuỷu tay trong dịp nghỉ hè ở vùng núi Alps.”

Theo Đức Ông Georg Ratzinger, bào huynh của ĐTC Biển Đức XVI, bác sĩ riêng của ĐTC đã yêu cầu ngài chấm dứt các chuyến tông du xuyên Đại Tây Dương, trong khi đó chỉ có một chuyến tông du ra ngoại quốc duy nhất được dự trù trong năm nay là chuyến đi Ba Tây (Brazil, Nam Mỹ) để chủ sự Đại Hội Giới Trẻ Công Giáo Toàn Cầu vào Tháng Bảy 2013 tới đây. (Dĩ nhiên, cùng với quyết định từ chức của ngài, chuyến tông du dự trù ấy nay cũng hết hiệu lực).

Bên cạnh những lời bàn ra tán vào về chuyện ĐTC Biển đức thoái vị, người ta còn đồn đại những điều sẽ xảy ra theo “lời tiên tri” của nhà tiên tri này hay nhà tiên tri khác. Rồi hàng loạt tên tuổi các Đức Hồng y danh tiếng, từ Âu sang Á, từ Phi châu tới Nam Mỹ, Bắc Mỹ… được “tiên đoán” sẽ lên ngôi Giáo hoàng kế vị Đức Biển đức XVI!

Người ta quên đi vai trò thiết yếu của Chúa Thánh Thần sẽ tác động tới Mật nghị Hồng Y vào Tháng Ba tới đây.

Chúng ta bỏ ngoài tai mọi lời đồn đoán và gia tăng cầu nguyện cho Hội Thánh, cho Mật nghị Hồng y sớm tuyển chọn một vị Giáo hoàng đạo đức và đầy năng lực lên kế nhiệm lèo lái con thuyền Hội Thánh thoát khỏi cơn phong ba của trào lưu tục hóa và vô thần khắp thế giới, đặc biệt trên quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Lê Thiên, ngày 14/02/2013

VỀ MỤC LỤC

THẾ NÀO LÀ PHẠM TỘI TRONG TƯ TƯỞNG ?

 

Hỏi : Xin cha giải thích phạm tội trong tư tưởng là gì? Một người “ngoại tình” nhưng không làm chuyện “vợ chồng” với nhau thì có tội không ?

Trả lời :

Con người khác với mọi sinh vật ở chỗ có lý trí, ý chí và tình cảm. lý trí để suy nghĩ và hướng dẫn mọi hành động bên ngoài cũng như tự do chọn làm theo ý muốn riêng của mình. Vì thế chỉ có con người mới có đời sống luân lý và chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa về mọi việc mình làm bao lâu còn sống trên đời này.

Là người tín hữu Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi và mong đợi sống đời sống luân lý cách thích đáng theo hướng dẫn của lương tâm và giáo lý của Giáo Hội để được chúc phúc và nhất là được cứu độ nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, “ Đấng đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình.( 2 Cor 5: 15)

Nói đến đời sống luân lý thì phải nói đến sự có mặt của tội lỗi và sự dữ ( evils) trong đời sống cá nhân, xã hội và cộng đồng nhân loại nói chung.Cụ thể, gian dâm, gian ác, giết người, trộm cắp, bóc lột, đàn áp, gây chiến tranh giết hại dân lành và chiếm đoạt tài nguyên của nước khác v.v là những điều trái ngược với luân lý phổ quát , với đạo đức làm người theo theo tiếng nói của lương tâm lành mạnh và giáo lý vững chắc của Giáo Hội.

Thật vậy, như đã nói ở trên, vì con người có tự do, nên vấn đề tội lỗi chỉ đặt ra cho con người có lý trí và ý muốn tự do ( free will) chứ không đặt ra cho bất cứ sinh vật hay động vật nào. Do đó, muốn sống đẹp lòng Chúa trong trần thế này, người có niềm tin Chúa phải hết sức xa tránh mọi tội lỗi và mọi nguy cơ đưa đến phạm tội vì chỉ có tội mới làm ngăn cách con người với Thiên Chúa, hay đẩy con người ra khỏi thân tình với Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành, rất yêu thương con cái loài người nhưng lại gớm ghét mọi tội lỗi vì tội lỗi và mọi sự dữ đều xúc phạm nặng nề đến bản chất yêu thương , thánh thiện và công chính của Người.

Thánh Gioan Tông Đồ đã quả quyết như sau về nguy hại của tội lỗi :

“ Ai phạm tội thì là người của ma quỉ

Vì ma quỷ phạm tội từ lúc khởi đầu

Sở dĩ Con Thiên Chúa xuất hiện

Là để phá công việc của ma quỷ. ( 1 Ga 3 : 8)

Con người phạm tội vì bản chất yếu đuối , vì gương xấu của xã hội và nhất là vì ma quỉ cám dỗ. Người ta cũng phạm tội vì tự do muốn làm những việc mà lương tâm lành mạnh không cho phép. Là người có lý trí , có lương tâm và ý muốn tự do ( free will) , nên người ta phải có dự mưu trước khi muốn làm việc gì. Do đó, mọi tội con người có thể vấp phạm đều xuất phát từ trong lòng thầm kín trước khi thể hiện ra bên ngoài bằng hành động.

Chúa Giêsu đã nói rõ điều này khi Người trả lời cho Phêrô về việc bọn Biệt phái bắt lỗi những người ăn mà không rửa tay :

…Còn những cái gì từ miệng xuất ra là phải xuất từ lòng. Chính những cái ấy mới mới làm cho con người ra ô uế., vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống…Đó mới là những cái làm cho con người ra ô uế.; còn ăn mà không rửa tay thì không làm cho con người ra ô uế.” ( Mt 15: 18-20)

Nói khác đi, mọi tội lớn nhỏ đều xuát phát từ trong nội tâm mỗi người. Cụ thể kẻ trộm, kẻ cướp là những kẻ thấy của cải, tiền bạc của người khác mà sinh lòng ham mê, nên đã bắt chấp lương tâm để mưu chiếm đoạt của cải của người khác. Cũng vậy, vì nuôi oán thù trong lòng nên mới thể hiện bằng hành động mưu hại người khác.

Liên can đến tội nghích điều răn thứ Sáu và thứ Chín ngăn cấm con người không được ước muốn và làm những việc dâm ô như : ngoại tình ( adultery) thông dâm ( fornication), ấu dâm,( child prostitution) thủ dâm ( masturbation) hiếp dâm (rape) ước muốn vợ/ chồng hay tài sản của người khác, ,xem phim ảnh, sách báo khiêu dâm ( pornography).. Chúa Giêsu cũng dạy rõ như sau:

Anh em đã nghe Luật dạy rằng: chớ ngoại tình, còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi..” ( Mt 5: 27-28)

Như thế có nghĩa là dù chỉ thèm muốn trong lòng vợ hay chồng của người khác, muốn chiếm đoạt tiền của hay tài sản của ai, giân ghét và muốn giết hại ai ... thì đã phạm các tội ngoại tình, trộm cắp và giết người trong tư tưởng rồi, vì trong lòng đã nuôi dưỡng những tư tưởng hay ước muốn sai trái đó, cho dù chưa thực hiện được trong thực tế.

Đây là điểm khác biệt giữa con người và mọi thú vật là loài không có lý trí, chỉ sống theo bản năng, nên không con vật nào như chó, mèo, voi, hổ, báo sư tử…lại có âm mưu hại người hay con vật khác. Chúng tấn công người để tự vệ hay giết lẫn nhau để tìm của ăn theo nhu cầu sinh tồn của chúng mà thôi.

Ngược lại, chỉ có con người mới “ bề ngoài nói nói cười cười,” mà trong lòng có thể đang âm mưu sát hại người khác bằng nhiều thủ đoạn gian manh như ta thấy trong thực tế ở mọi lãnh vực sống của người đời, nhất là trong phạm vi chính trị đầy sảo trá, gian manh, phản bội.

Liên quan đến câu hỏi được đặt ra, và dựa vào lời dạy của Chúa trên đây, thì nguyên một ý muốn “ ngoại tình” với người khác đã là điều trái với luân lý, đạo đức nghĩa là có tội rồi, vì từ ước muốn này sẽ dẫn đến hành động phản bội tình nghĩa vợ chồng của đương sự.Do đó không thể lý luận rằng chưa làm việc “ vợ chồng” thì không phải là ngoại tình.

Khi nói đến “ngoại tình” ( adultery) là nói đến tình cảm và tương giao bất chính giữa một người đã có gia đình với người khác phái không phải là vợ hay chồng của mình.

Nếu chỉ là giao thiệp trong sáng giữa hai người khác phái thì không thể nói là “ ngoại tình” được. Thực tế, người vợ hay chồng có thể có bạn khác phái vì cùng làm chung một nơi hay hoạt động chung trong một môi trường như Giáo xứ, Công đoàn, nhưng chỉ là bạn hay người quen biết đúng nghĩa thì đâu có lỗi gì ?.

Ngược lại, chỉ khi nào vượt qua danh giới vơ chồng để chạy theo người khác phái trong mục đích san sẻ tình yêu hay dục vọng với người ấy thì đó mới chính là tội “ngoại tình” trong tư tưởng dù chưa có hành động trong thực tế, căn cứ theo lời Chúa Giêsu đã dạy trên đây là dù chỉ “ nhìn người phụ nữ và thèm muốn, thì đã phạm tội ngoài tình trong lòng với người ấy rồi” không cần phải làm chuyện “vợ chồng” mới đủ thành tội ngoại tình..

Nói rõ hơn, người vợ hay chồng chỉ cần có “tà ý” muốn vượt qua ranh giới vợ chồng để đi vào “thân tình” riêng tư với người khác không phải là vợ hay chồng của mình thì đã bước chân vào ngưỡng của ái tình vụng trộm –hay là ngoại tình , cho dù chưa làm việc “ vợ chồng “ với nhau.

Tóm lại, mọi tội con người có thể phạm đều xuất phát từ trong nội tâm mỗi người như Chúa đã dạy trên đây.Do đó, muốn tránh tội thì phải có quyết tâm từ bỏ tội ngay trong lòng và nương nhờ ơn Chúa giúp sức thì người ta mới có thể đứng vững trong đường ngay chính để sống chung thủy trong hôn nhân, và để thăng tiến trên đường trỏ nên thánh thiện với tư cách là tín hữn như Chúa mong muốn cho mỗi người chúng ta.

Nếu không có cố gắng nội tâm để xa tránh tội lỗi mà cứ đi hàng hai, nửa nóng nửa lạnh thì không vợ chồng nào có thể sống trọn vẹn với nhau trong ơn gọi hôn nhân được; cũng như không ai có thể được cứu rỗi nếu không quyết tâm sống theo đường lối của Chúa và cộng tác với ơn Chúa để được thắng tiến trong đời sống thiêng liêng, xa tránh tội lỗi và mọi quyến rũ của ma quỉ và thế gian. Nếu không có quyết tâm này, thì Chúa sẽ không thể cứu ai được vì con người còn có tự do để chọn sống theo Chúa hay sống theo xác thịt, theo thế gian và ma quỉ, là kẻ luôn cám dỗ để lôi kéo ta ra khỏi tình thương của Chúa.

Ước mong giải đáp này thỏa mãn câu hỏi đặt ra.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

VỀ MỤC LỤC
ĐỐI THỌAI NĂM ĐỨC TIN: NHỮNG VẤN ĐỀ KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN (Vấn đề 2)
  

VẤN ĐỀ 2:

Trong quá khứ, tôn giáo đã từng gây trở ngại rất nhiều cho khoa học như trong vụ án Ga-li-leo Ga-li-lei (1611-1741). Các nhà bác học vì sợ bị tôn giáo pháp đình kết án thiêu sinh, nên không dám đưa ra những lời giải đáp chân chính về nguồn gốc vũ trụ và con người khác với lời dạy bảo sai lạc của tôn giáo.

I. LỜI ĐÁP :

1. Thực tế có sự xung đột: Vụ Galileo Galilei.

Chúng ta công nhận rằng: trong thời trung cổ, đã từng có sự xung dột giữa tôn giáo và khoa học, do lỗi của một số nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó gây ra. Câu chuyện của nhà bác học Galileo Galilei là một bằng chứng:

Galileo là một nhà vật lý và thiên văn học ngưới Ý danh tiếng (1564 – 1642). Ông đã dùng thiên lý kính khám phá ra chân lý về vũ trụ như sau: Ngoài thái dương hệ ta đang sống, còn có hằng hà sa số những thái dương hệ khác nữa trong không gian mênh mông vô tận. Quả đất là nơi con người trú ẩn không phải là trung tâm của vũ trụ, mà cũng chỉ là một hành tinh bé nhỏ tầm thường xoay vần theo quỹ đạo của mặt trời. Chân lý ấy xem ra mâu thuẫn với quan niệm của người xưa cho rằng mặt trời xoay quanh trái đất, mà tác giả sách Sáng Thế Ký đã ghi lại và cho tới thời Trung cổ vẫn còn được mọi người chấp nhận. Do đó, ý kiến của Galileo đã gây ra một sự xáo trộn, hoài nghi về tôn giáo. Trong khi chờ đợi thêm những bằng chứng xác thực và cũng vì muốn bảo vệ trật tự kỷ luật trong Giáo hội, nên tòa án tôn giáo (Le Saint Office), một cơ quan có tính cách hành chánh của Giáo hội thời đó đã vội vàng lên án Galileo cách bất công.

Thực ra, các nhà thần học và các viên chức Giáo hội vào thế kỷ 17, khi kết án Galileo, đã dựa trên những lời tường thuật trong Kinh Thánh được hiểu theo nghĩa đen, để cho rằng trái đất là trung tâm cố định và mặt trời xoay quanh trái đất. Đang khi tác giả Kinh thánh khi trình bày việc sáng tạo của Thiên Chúa, không nhằm dạy khoa học về sự hình thành của vũ trụ, mà chỉ dạy chân lý đức tin như sau: “Trời đất này không phải tự nhiên mà có, nhưng đã do Thiên Chúa tạo thành từ hư không”. Nhưng vì nói trực tiếp với người đương thời, nên tác giả Kinh thánh đã diễn tả công việc sáng tạo của Thiên Chúa dựa trên những gì mắt thấy tai nghe phù hợp với quan niệm thô sơ của người xưa về vũ trụ, để giúp họ mở lòng đón nhận đức tin. Ngay trong thời đại văn minh khoa học hiện đại, thế mà trong câu chuyện thường ngày, chúng ta vẫn thường nói: “Mặt trời mọc, Mặt trời lặn, bầu trời…”, thì chúng ta cũng dễ dàng hiểu được các kiểu trình bày của tác giả Kinh thánh ngày xưa.

Như vậy, có thể nói rằng: việc lên án ông Galileo chỉ là một biện pháp hành chánh kỷ luật sai lầm nhất thời của một số viên chức tòa án Giáo Hội thời đó. Điều này không đồng nghĩa với sự khẳng định đức tin của Giáo Hội. Vì thế không thể dựa vào vụ án này để cho rằng Giáo Hội Công Giáo chống lại khoa học được. Ngay cả ông Galileo mặc dù bị kết án bất công, vẫn trung thành với đức tin và không thấy điều gì mâu thuẫn giữa đức tin và khoa học cả. (Hiến chế Gaudium et Spes số 37).

2. Khoa học và đức tin chân chính thực sự không mâu thuẫn mà còn bổ túc lẫn cho nhau:

Trong quá khứ, có lẽ đây là trường hợp duy nhất kết án sai lầm của tòa án Giáo hội. Ngày nay hầu như mọi người đều ý thức rằng: Khoa học và đức tin cùng có mục đích tìm kiếm chân lý nhưng ở hai bình diện riêng, nên không những không xung dột mà còn bổ túc cho nhau nữa:

+Không xung đột mâu thuẫn nhau: Đức Tin nhằm tìm ra ý nghĩa của mọi hiện tượng thiên nhiên để đạt tới nguyên nhân cuối cùng là Thiên Chúa, đang khi khoa học chỉ nhằm giải thích các hiện tượng thiên nhiên bằng những nguyên nhân kế cận mà thôi. Chẳng hạn: cũng một hiện tượng trời mưa, nhưng sẽ được trình bày cách khác nhau tùy theo đứng trên lập trường khoa học hay đức tin. Nhà bác học sẽ giải thích: mưa là một hiện tượng thiên nhiên, do những hạt bụi nước rất nhỏ trong không khí, khi gặp nhiệt độ thấp, sẽ kết tụ lại thành giọt nước lớn hơn rồi rơi xuống đất liên tục… Đang khi nhà thần học sẽ giải thích: mưa là một hiện tượng thiên nhiên nằm trong trật tự của vũ trụ, do Thiên Chúa đã an bài, để hễ cứ hội đủ điều kiện là có hiện tượng mưa.

Cả hai cách giải thích đều đúng, vì mỗi bên đứng trên một bình diện, nhìn theo lăng kính khác biệt. Nếu ở hai lãnh vực khác nhau, thì không thể có sự mâu thuẫn hay xung đột nhau. Công việc của các nhà bác học là tìm hiểu vật chất qua 3 giai đoạn : quan sát sự kiện để xây dựng giả thuyết, kiểm chứng giả thuyết bằng cách thí nghiệm nhiều lần, chấp nhận giả thuyết và thiết lập định luật cơ bản để giải thích những trường hợp tương tự. Đang khi người có đức tin tiếp cận chân lý mà không phải vất vả nhiều. Hơn nữa chân lý đức tin phát xuất từ mặc khải của Thiên Chúa lại hoàn hảo, chắc chắn và vĩnh cửu, khác hẳn với kiến thức khoa học không mấy chắc chắn, dễ dàng sụp đổ với thời gian khi một phát minh mới hợp lý hơn xuất hiện. (x Hiến chế Gaudium et Spes số 57).

+Trái lại còn bổ túc lẫn cho nhau: Một nhà bác học có đức tin sẽ ít bị phân tâm về những vấn nạn liên can đến tinh thân con người, đang khi theo đuổi công việc khảo cứu khoa học của mình. Chẳng hạn: vũ trụ với những trật tự lạ lùng bởi đâu mà có? Tại sao con người lại xuất hiện trên trái đất? Chết có phải là hết? .v.v… Ngược lại, một tín hữu có sự hiểu biết khoa học thì đức tin của họ sẽ sáng suốt hơn, tránh được những mê tín, và chắc chắn sẽ làm vinh danh cho Thiên Chúa nhiều hơn.

TÓM LẠI: Người ta không được lạm dụng danh nghĩa đức tin để đàn áp khoa học và các nhà bác học cũng không thể dựa vào khoa học để phủ nhận đức tin chân chính của các tín hữu. Vì mỗi bên nhìn vấn đề một cách khác nhau. Khoa học và đức tin không những không mâu thuẫn mà còn bổ túc cho nhau.

Tuy vậy, vụ án Galileo Galilei 400 năm trước đến nay vẫn có giá trị như một lời cảnh báo về việc: các nhà bác học không nên dạy bảo Giáo hội về đức tin, và Giáo hội, khi tiếp xúc với những khám phá của khoa học, cũng phải rất mực cẩn trọng. Đó là lời tuyên bố của vị bộ trưởng Văn khố Mật Tòa thánh Vatican, Đức giám mục Sergio Pagano.

II. NGUYỆN CẦU:

- LỜI CHÚA: “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7).

- LỜI CẦU:

Lạy Chúa. Xin cho mọi người chúng con dù đứng trên cương vị nào cũng biết tôn trọng đức tin của người khác và sống hòa hợp với mọi người dù khác biệt đức tin với mình. Xin cho chúng con biết thực hành lời Chúa trong thư Cô-rin-thô để sẵn sàng tha thứ lầm lỗi cho nhau, tin tưởng và chịu đựng lẫn nhau. Nhờ đó mọi người sẽ sống trong hòa bình và hạnh phúc theo thánh ý Chúa. AMEN.

LM ĐAN VINH

www.hiephoithanhmau.com

VỀ MỤC LỤC
CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II: MỘT CUỘC CÁCH MẠNG HAY MỘT CUỘC CẢI CÁCH? (TÌM HIỂU CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II – BÀI 1)

 

Năm nay Hội Thánh long trọng kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Vaticanô II. Công Đồng đã được khai mạc đã tròn nửa thế kỷ, nhưng cuộc bút chiến về Công Đồng vẫn còn tiếp diễn đến ngày nay. Có người cho rằng Công Đồng đã thất bại vì sau Công Đồng, nếp sống đạo bị sa xút, số người bỏ đạo tăng gấp bội, số linh mục và tu sĩ giảm bớt rất nhiều, thêm vào đó là nạn lạm dụng tính dục trẻ em của các linh mục. Có người lại cho là Công Đồng thành công lớn vì số giáo dân tích cự tham gia các sinh hoạt giáo xứ càng ngày càng gia tăng, vai trò của giáo dân trong Hội Thánh càng rõ ràng và tích cực hơn. Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ cố gắng viết ngắn gọn nhưng đầy đủ về Công Đồng dựa trên các văn kiện của Công Đồng cũng như giáo huấn của Huấn Quyền thời hậu Công Đồng để chúng ta hiểu rõ và sống những gì Mẹ Hội Thánh mong đợi nơi chúng ta .

Câu hỏi được đặt ra là Công Đồng Vaticanô II là một cuộc cách mạng hay chỉ là một cuộc cải cách hoặc canh tân?

Thật khó mà tưởng tượng được một Hội Thánh hiện đại mà trong đó các tín hữu vẫn tiếp tục giữ đạo như họ đang sống trong thời đại hậu Công Đồng Trentô. Từ Công Đồng Trentô đến Công Đồng Vaticanô II, xã hội đã thay đổi quá nhiều, nhưng cách truyền đạo và sống đạo trong Hội Thánh không mấy thay đổi. Trong lúc nhân loại đang dùng máy bay thì phương tiện mà Hội Thánh sử dụng trước Công Đồng Vaticanô II có lẽ vẩn là xe ngựa hay xe bò. Như thế thay đổi để thích hợp với thời đại mới không những là điều chính đáng mà còn cần thiết đối với Hội Thánh. Và những thay đổi ấy ảnh hưởng đến đời sống đạo ra sao phần lớn tùy thuộc vào cách người ta giải thích Công Đồng Vaticanô II và các văn kiện của Công Đồng.

Trong phạm vi bài này chúng tôi cố gắng tóm tắt những gì xảy ra trước, trong và sau Công Đồng xem công đồng thực sự là một cuộc cách mạng hay chỉ là một cuộc cải cách hay canh tân Hội Thánh.

Sự khác biệt giữa cách mạng và cải cách.

Người Việt chúng ta ai cũng nghe biết từ “cách mạng” như cuộc cách mạng Pháp 1789, Cách mạng Tháng Tám, Cách mạng lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào năm 1961…. Có những cuộc cách mạng đổ máu và có những cuộc cách mạng không đổ máu, nhưng cuộc cách mạng nào cũng có ý lật đổ “chế độ cũ” và thiết lập một chế độ mới, hầu hết là theo một đường lối hoàn toàn trái ngược với chế độ cũ. Tất cả những tàn tích của chế độ cũ phải được loại bỏ. Ngay cả tư tưởng cũ cũng bị thanh lọc. Những người theo chế độ cũ mà không thay đổi tư tưởng sẽ bị thanh trừng, tẩy não bằng cách học tập cải tạo. Còn cải cách hay canh tân có nghĩa là sửa lại những sai lầm hay sửa chữa những gì đã lỗi thời cho phù hợp với thời đại.

Nếu chúng ta tham dự những buổi học tập để chuẩn bị mừng 50 năm khai mạc Công Đồng Vatcanô II, hay đọc các bài vở hoặc coi những video và trang web đã được đưa ra để giúp các tín hữu hiểu thêm về tinh thần Công Đồng, chúng ta sẽ thấy rõ ràng là có hai trường phái với hai quan niệm hoàn toàn khác nhau về Công Đồng Vaticanô II. Một trường phái cho rằng Công Đồng Vaticanô II là một cuộc cách mạng, còn một trường phái kia cho rằng Công Đồng là một chỉ cuộc cải tổ cách làm việc của Hội Thánh chứ không phải là một cuộc cách mạng. Và cuối cùng chúng ta không biết phải theo trường phái nào.

 

1. Công Đồng Vaticanô II là một cuộc cách mạng?

Có hai nhóm chính coi Công Đồng Vaticanô II là một cuộc cách mạng.

Nhóm thứ nhất là những người theo phe bảo thủ. Họ cho rằng Công Đồng là một cuộc cách mạng vì họ giải thích rẳng nhiều giáo huấn trong Công Đồng trái ngược với giáo huấn của Huấn Quyền trước Công Đồng. Theo họ thì Hội Thánh trước Công Đồng là một Hội Thánh đang thời vàng son vì số linh mục và tuy sĩ rất đông, số giáo dân tham dự Thánh Lể và các sinh hoạt của Hội Thánh rất sốt sắng, và như thế tại sao lại cần thay đổi. Họ thấy mình có lý khi chứng kiến cảnh xuống dốc của Hội Thánh ở Âu Mỹ trong thời hậu Công Đồng: hàng ngàn linh mục và tu sĩ hồi tục, các trường Công Giáo lần lượt bị đóng cửa, số linh mục và chủng sinh càng ngày càng giảm đi, và số giáo dân bỏ đạo và li dị càng ngày càng gia tăng. Họ càng thấy mình có lý hơn khi nạn xách nhiễu tính dục trẻ em bùng nổ. Họ quy hết tối lỗi vào Công Đồng Vaticanô II và các Giáo Hoàng thời hậu Công Đồng. Họ kết án Công Đồng Vaticanô II là Công Đồng lạc giáo và các Đức Giáo Hoàng hậu Công Đồng là ngụy giáo hoàng vì đã đưa ra nhiều giáo huấn mới xem ra trái ngược với những giáo huấn của Huấn Quyền trước Công Đồng.

Nhóm thứ nhì là những người theo phe cấp tiến. Nhóm này cũng đồng ý với nhóm trên rằng Công Đồng là một cuộc cách mạng chứ không phải là một cuộc cải cách. Theo nhóm này sở dĩ các văn kiện của Công Đồng xem ra có quá nhiều nhượng bộ vì Đức Giáo Hoàng Phaolô VI là một người thiếu lập trường vững chắc nên đã bắt các nghị phụ phải dung hòa với nhóm bảo thủ khi viết các văn kiện Công Đồng. Cho nên trong các văn kiện ấy có những điều cũ không thích hợp với cái mà họ gọi là “Tinh Thần Vaticanô II”. Vì thế, họ chủ trương giải thích “những dấu chỉ” của thời đại theo tinh thần cách mạng của Công Đồng Vaticanô II, chứ không theo những gì được viết trong các văn kiện Công Đồng. Đối vời họ, cuộc cải cách của Công Đồng chỉ là bước đầu của một cuộc cách mạng và giải phóng toàn diện trong Hội Thánh ngõ hầu Hội Thánh có thể theo kịp những tiến bộ của nền văn minh dân chủ hiện đại. Để hoàn tất cuộc cách mạng này, Hội Thánh cần phải đi xa hơn nữa như chấp nhận ly dị, ngừa thai, phá thai, truyền chức linh mục cho phụ nữ và kết hôn đồng tính…. Họ đã kết án Chân Phước Giáo Hoàng Goan Phaolô II và Đức Đương Kim Giáo Hoàng Bênêđictô XVI là quá bảo thủ và đã phản bội “Tinh Thần Viaticanô II” của họ.

 

2. Công Đồng Vaticanô II là một cuộc cải cách?

Thực ra cả hai nhóm trên đều cắt nghĩa sai mục đích và tinh thần của Công Đồng. Mục đích của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII khi triệu tập Công Đồng không phải là đoạn để làm một cuộc cách mạng, nhưng để canh tân Hội Thánh. Ngài không chủ trương đoạn tuyệt với những giáo huấn của Hội Thánh trong quá khứ, nhưng tìm cách bảo vệ và trình bày chúng cho thích hợp với thời đại. Trong diễn từ tuyên bố triệu tập Công Đồng vào ngày 10 năm 1962, Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXII tuyên bố: “Quan tâm chính của Công Đồng Chung là điều này: gia sản thánh của Chân Lý Kitô giáo được bảo toàn và giải thích một cách rõ ràng hơn.” ĐTC nói thêm rằng Công Đồng “mong muốn truyền lại giáo lý tinh tuyền và trọn vẹn, không bị giảm bớt hay bóp méo…. Nhưng những giáo huấn chắc chắn và bất dịch này … cần phải được nghiên cứu sâu xa và trình bày cách nào cho thích hợp với nhu cầu của thời đại chúng ta.”

ĐTC đề cập đến cách mà Hội Thánh sẽ đối xử với những sai lầm trong diễn từ rằng: “Hội Thánh luôn luôn chống lại những sai lầm, và thường lên án chúng một cách rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, ngày nay Hiền Thê của Đức Kitô muốn dùng thuốc thương xót thay vì dùng cánh tay mạnh mẽ.”

Như thế mục đích của Công Đồng Vaticanô II không phải là đoạn tuyệt với quá khứ như cả hai nhóm bảo thủ và cấp tiến lầm tưởng. Nhưng mục đích của Công Đồng là tìm một phương thức mới để trình bày những chân lý cố hữu của Đức Tin cho thích hợp với thời đại, tìm một phương thức mới để đưa đạo vào đời, không phải để cho đạo bị những sai lầm của thế tục làm cho mình thay đổi, nhưng để thay đổi thế gian và đưa nó trở về cùng Thiên Chúa.

 

3. Công Đồng Vaticanô II là một Công Đồng Tiên Tri

Mặc dù Công Đồng Vaticanô là sáng kiến của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII chỉ sau khi lên ngôi ba tháng, nhưng những tư tưởng cải cách Hội Thánh đã bắt nguồn cả hơn một trăm năm trước đó. Trước Công Đồng Vaticanô II, Hội Thánh tuy rất phồn thịnh, nhưng đang bị tấn công từ những thế lực bên ngoài cũng như bên trong. Không rõ là Chân Phước Gioan XXIII có nhìn rõ những gì hiện đang xảy ra trong thế giới mà chúng ta đang sống hay không, nhưng rõ ràng là Chúa Thánh Thần đã linh hứng cho Ngài trong việc triệu tập Công Đồng. Khác với 20 Công Đồng chung trước đó, Công Đồng Vaticanô II không nhằm giải quyết những vấn đề mà Hội Thánh đang gặp phải như chống lại lạc giáo hoặc bàn thảo về tín điều, nhưng nhằm đương đầu với trào lưu thế tục bắt đầu lan tràn và sẽ là điều mà Hội Thánh phải đối diện trong tương lai. Công Đồng cũng nhìn thấy rõ những tiến triển khoa học và những trào lưu tư tưởng trong tương lai và đưa ra những hướng đi cho Hội Thánh.

Để hiểu điều này, chúng ta phải xác tín rằng Hội Thánh của chúng ta luôn luôn là một Hội Thánh Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền. Đã là một Hội Thánh Duy Nhất thì không có bảo thủ hay cấp tiến. Đã là một Hội Thánh Thánh Thiện thì không bao giờ chấp nhận hay dung túng sự dữ dưới bất cứ hình thức nào. Đã là một Hội Thánh Công Giáo thì giáo huấn cũng như phụng vụ của Hội Thánh phải được thống nhất khắp nơi. Đã là một Hội Thánh Tông Truyền thì Thánh Truyền luôn luôn được tôn trọng và bảo vệ. Chính vì thế mà Chân Phước Gioan XXIII đã nói trong cùng bài Huấn Từ rằng: “Hội Thánh tin rằng cách tốt nhất để phục vụ những nhu cầu hiện đại là giải thích đầy đủ hơn về mục đích của các giáo lý của mình hơn là đưa ra những lời kết án.” Ngài còn giải thích thêm rằng làm như thế “không có nghĩa là nhu cầu phải chống lại và đề phòng những giáo huấn sai lạc và những tư tưởng nguy hiểm hơn trước đây đã giảm bớt.” Ngài nhấn mạnh như lời của một ngôn sứ rằng: “Tất cả những giáo huấn sai lạc như thế quá rõ ràng là trái ngược với sự công chính, sự tốt lành và đưa đến những hậu quả tàn khốc, … đặc biệt là những cách sống chối bỏ Thiên Chúa và Luật của Ngài, cũng như cách sống đặt quá nhiều tin tưởng vào tiến bộ kỹ thuật và sự thịnh vượng hoàn toàn vật chất….”

 

Kết Luận

Sở dĩ có những bóp méo sự thật về Công Đồng là vì trong số các nghị phụ của Công Đồng thực sự có hai nhóm, tuy nhỏ nhưng ồn ào, là nhóm bảo thủ và cấp tiến. Đặc biệt là những tư tưởng của nhóm cấp tiến được các phương tiện truyền thông đại chúng ủng hộ và quảng bá rầm rộ. Còn đa số các nghị phụ theo nhóm thầm lặng, lắng nghe, cầu nguyện, suy nghĩ, làm việc, bàn thảo và biểu quyết, nhưng không rầm rộ quảng bá ý kiến của mình cho thế giới bên ngoài như hai nhóm trên. Ngoài trên 2.500 nghị phụ còn có rất nhiều thần học gia làm cố vấn cho các ngài, được gọi là periti, tại Công Đồng. Có thể nói rằng các thần học gia này là khối óc của Công Đồng. Tuy họ không có quyền bỏ phiếu nhưng đã ảnh hưởng rất lớn đến các quyết định và văn kiện của Công Đồng vì họ là cố vấn tư cho các Nghị Phụ. Trong số đó, nổi danh nhất là các cha Karl Rahner, Edward Schillebeeckx, Henri de Lubac, Hans Kung, và một thần học gia trẻ người Đức là Cha Joseph Ratzinger. Ngay sau Công Đồng, nhóm linh mục này đã phát hành một tạp chí quốc tế tên là “Concilium” nhằm mục đích tiếp tục cổ võ tinh thần và những canh tân của Công Đồng. Hội đồng quản trị của “Concilium” gồm các cha Rahner, Kung, Schillebeeckx, de Lubac, Congar, Hans Urs von Balthasar, Ratzinger và nhiều thần học gia khác. Nhưng chỉ sau vài năm, các thần học gia de Lubac, Balthasar và Ratzinger đã rời Concilium để lập ra một tạp chí mới là “Communio”. Các thần học gia theo nhóm “Concilium” cho rằng mình là là một Huấn Quyền khác ngang hàng với Huấn Quyền Hội Thánh và kêu gọi mở Công Đồng Vaticanô III để đẩy mạnh cuộc cách mạng mà Công Đồng Vaticanô II không làm được vì đã phải nhượng bộ phe bảo thủ quá nhiều. Còn nhóm thần học gia thuộc “Communio” thì tiếp tục tư tưởng “trở về nguồn” để thích nghi những Truyền Thống phong phú của Hội Thánh vào thời đại mới và và coi đây là những tiến bộ thật sự.

Tiếc rằng ảnh hưởng của nhóm “Concilio” đã lan rộng nhanh chóng trong giới trí thức Công Giáo và trong các đại học Công Giáo trong 50 năm qua. Có thể nói rằng những tư tưởng nhóm này đã làm ô nhiễm Hội Thánh, đặc biệt là Hội Thánh ở Hoa Kỳ và Âu Châu. Những tư tưởng này đã gây ra những chống đối Huấn Quyền, đặc biệt là Huấn Quyền của các Giám Mục Hoa Kỳ về luân lý và tín lý trong giới thần học gia, nữ tu, và trong các Đại Học Công Giáo, mà dẫn đầu lại là những vị lãnh đạo Hội Thần Học Gia Công Giáo Hoa Kỳ và một số giáo sư của Đại Học Công Giáo thời danh như Georgetown và Notre Dame.

Chính vì thế mà đọc những sách vở về Công Đống, ngay cả những bài vở được viết bởi những thần học gia nổi danh, vẫn có thể gây ra hiểu lầm và sai lạc. Cách duy nhất để hiểu và áp dụng đúng đắn “Tinh Thần Vaticanô II” là đọc chính văn kiện của Công Đồng và giải thích chúng như tiếp tục những Giáo Huấn và Truyền Thống cố hữu của Hội Thánh nhưng diễn tả bằng ngôn ngữ và phương tiện thích hợp với thời đại. Đó là những điều mà chúng tôi sẽ bàn đến trong những bài sau.

Có thể nói rằng tín hữu trong Hội Thánh cũng giống như những người con trong một gia đình. Chúng ta lớn lên theo năm tháng và trải qua những giai đoạn từ trẻ nhỏ đến trưởng thành. Ở thời tiền Vaticanô II chúng ta là những đứa trẻ nên cần phải được dạy dỗ bằng “roi vọt”. Giờ đây Hội Thánh coi chúng ta như những người con đã trưởng thành. Mặc dù Giáo Huấn của Chúa không thay đổi, nhưng cách Hội Thánh đối xử với chúng ta thay đổi vì không còn coi chúng ta là trẻ em nữa. Những điều chúng ta thấy xảy ra trong Hội Thánh trong 50 năm qua có thể nói là tương tự như những gì chúng ta thấy ở những thiếu niên đang trong tuổi vị thành niên mà thôi. Nhiệm vụ của chúng ta là học hỏi các văn kiện Công Đồng theo Huấn Quyền Hội Thánh để có thể sống như những tín hữu trưởng thành.

Phaolô Phạm Xuân Khôi

VỀ MỤC LỤC
Đi buộc lạc đà lại!

 

Nguyên tác: Taking Flight - Bay Lên Đi

Tác giả: Anthony de Mello, S.J.

Chuyển ngữ: Lm. Minh Anh (Gp. Huế)

 

Chỉ dẫn:

Tốt nhất, các câu chuyện sẽ được đọc theo thứ tự như đã sắp xếp. Mỗi lần đọc không quá một hoặc hai mẩu chuyện nếu bạn ước ao có được một cái gì đó hơn là chỉ giải trí.

 

Lưu ý:

Các chuyện kể trong tập sách này đến từ nhiều đất nước, nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác nhau; chúng thuộc về những di sản thiêng liêng, những câu chuyện hài hước được ưa chuộng của dòng đời nhân loại.

 

Những gì tác giả làm là xâu kết chúng lại với nhau theo một ý hướng đặc thù. Công việc của tác giả là công việc của người thợ dệt và thợ nhuộm, tác giả chẳng có công trạng gì về những tấm vải và những sợi chỉ.

 

LTS. Chỉ dẫn và lưu ý trên đây là của tác giả. Tuy nhiên, vì Đặc San GSVN chỉ phát hành 2 tuần một lần nên mỗi số báo BBT xin giới thiệu trung bình từ 5 đến 7 mẫu chuyện. Bạn đọc có thể lưu lại để nghiền ngẫm suy tư.

 

Chủ đề : Ân Sủng

 

121. Đi buộc lạc đà lại!

Một môn đệ cỡi lạc đà đến lều của Thầy Đồng. Anh leo xuống, bước thẳng vào lều, cúi xuống và thưa, “Con tín thác vào Chúa hoàn toàn nên Thầy coi, con dám để lạc đà của con bên ngoài vì đoan chắc Chúa sẽ bảo vệ của cải cho những ai mến yêu Ngài”.

“Đồ ngốc, hãy đi buộc lạc đà lại!”, Thầy bảo. “Chúa không thể bị phiền hà để làm cho anh những gì anh hoàn toàn có thể làm cho mình”.

ڰ

122. Một mình Chúa chăm sóc nó

Goldberg có khu vườn đẹp nhất thành và mỗi lần vị đạo sĩ đi ngang, ông gọi chủ nhà và nói, “Khu vườn của anh là một biểu tượng của vẻ đẹp. Chúa và anh cùng làm!”.

“Cám ơn đạo sĩ”, Goldberg cúi đầu thưa.

Điều này diễn ra hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng. Ít nhất hai lần một ngày, trên đường ra vào hội đường, Đạo sĩ sẽ hô lên, “Chúa và anh cùng làm!” cho đến khi Goldberg cảm thấy phiền toái trước những lời khen của đạo sĩ.

Vì thế, lần tiếp theo khi đạo sĩ bảo, “Chúa và anh cùng làm”, Goldberg đáp lại, “Điều đó có thể đúng. Nhưng lẽ ra, ngài đã thấy khu vườn này khi một mình Chúa chăm sóc nó!”.

ڰ

123. Trông áo

Trong tác phẩm Truyện các Thánh, Attar kể chuyện Ông Đồng Habib Ajami, ngày kia đi tắm ở một con sông, giấu áo choàng trên bờ. Bấy giờ Hasan Basra tình cờ đi ngang qua, thấy chiếc áo, nghĩ rằng ai đó bất cẩn để quên nên quyết định đứng trông chừng nó cho đến khi chủ nhân của nó xuất hiện.

Khi Habib đi tìm chiếc áo, Hasan bảo “Ngài giao chiếc áo này cho ai khi đi tắm? Có lẽ người ta đã cuỗm nó!”.

Habib đáp lại, “Tôi giao nó cho sự trông nom của Đấng giao cho anh nhiệm vụ trông chừng nó!”.

ڰ

124. Chúa không giúp

Một người đàn ông lạc trong sa mạc. Về sau, khi mô tả thử thách này cho một người bạn, anh kể mình đã vô vọng quỳ xuống van xin Thiên Chúa cứu giúp thế nào.

“Và Chúa có đáp lại lời van xin của anh không?”, người kia hỏi.

“Ồ, không! Trước khi Ngài có thể làm một cái gì đó thì một nhà thám hiểm xuất hiện và chỉ đường cho tôi”.

ڰ

125. Tôi đến trước

Một nhóm đàn ông sắp làm bố ngồi lo lắng trong phòng đợi. Cô y tá vẫy gọi một người trong họ và nói, “Xin chúc mừng, anh có một bé trai”.

Một người đàn ông khác đánh rơi tạp chí, nhảy lên và la, “Ê, cái gì? Tôi đến đây trước anh ta hai giờ!”.

Có những chuyện ngoài dự tính.

ڰ

126. Thông điệp

Chủ tịch của một tập đoàn ngân hàng lớn nhất thế giới nằm bệnh viện. Một trong những phó chủ tịch đến thăm với thông điệp: “Tôi mang đến cho ngài những lời chúc tốt đẹp của Ban Giám Đốc, mong ngài sớm bình phục và sống thọ trăm tuổi. Đó là quyết định chính thức được thông qua với tỉ lệ mười lăm trên sáu và hai phiếu trắng”.

Có bao giờ chúng ta ngừng vận dụng sức lực mà đốt lửa, tưới cho nước ướt và tô màu cho hoa hồng?

ڰ

(còn tiếp nhiều kỳ)

VỀ MỤC LỤC
Tương quan với các tu sĩ nam nữ

Lm. Micae-Phaolo Trần Minh Huy, pss.

 

BẢN THẢO

ỨNG SINH LINH MỤC HỌC & SỐNG LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN

GIÁO TRÌNH TU ĐỨC LỚP THẦN II & III

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE HÀ NỘI

2011-2012

 

CHƯƠNG HAI

ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN

HỌC VƯỢT LÊN KHỦNG HOẢNG VÀ TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ ƠN GỌI LINH MỤC

PHẦN PHỤ LỤC: 

A. LINH MỤC GIÁO PHẬN SỐNG SỨ VỤ TRONG CÁC MỐI TƯƠNG QUAN MỤC VỤ (tiếp theo)

5. Tương quan với các tu sĩ nam nữ

5.a Những gì nên cư xử, nói và làm

·        Các nam nữ tu sĩ là những người có cùng một lý tưởng hiến dâng cuộc đời để phục vụ Chúa và các linh hồn như ta. Họ khấn giữ ba lời khuyên Phúc âm để bước theo sát Chúa Kitô hơn, theo Hiến pháp, đặc sủng và linh đạo của Đấng sáng lập, nhằm gia tăng sự thánh thiện trong Hội thánh. Vì thế ta phải kính trọng họ và tôn trọng những tài sản thiêng liêng đó của họ.

·        Luôn yêu thương, quan tâm giúp đỡ tu sĩ nói chung, nhất là những người đang cộng tác với mình trong xứ. Cởi mở đón nhận họ như anh chị em; cho họ biết đường hướng mục vụ giáo xứ; đồng hành với họ trong công việc mục vụ; bàn hỏi và trao đổi trước mỗi công việc và tin tưởng họ khi trao công việc. Rút ưu khuyết điểm sau mỗi công việc lớn; khích lệ đời sống thiêng liêng và tông đồ; quảng đại, bác ái và làm gương sáng.

·        Lý tưởng chung giữa linh mục và tu sĩ nam nữ đều là dâng hiến trọn vẹn cho Chúa và Dân của Ngài. Biết rằng đi tu nhưng vẫn không thôi là con người, nên phải luôn giữ mối liên hệ thánh thiện để thăng tiến và thánh hóa “tiếng gọi nhân loại” ngõ hầu giúp nhau sống sứ vụ tốt hơn (x. Tv 132, 1).

·        Tôn trọng, yêu thương chân thành, vui vẻ, cộng tác và thăng tiến những đặc sủng của họ. Sống trong sự bổ túc, hài hoà và liên đới, quan tâm các cộng đoàn Tu sĩ về tinh thần lẫn vật chất khi có thể, cung cấp cho họ giáo lý và tu đức, giúp đỡ và khích lệ họ sống trung thành với ơn gọi theo đường lối riêng của mỗi Hội Dòng.

·        Cầu nguyện cho nhau để cùng bước trên đường trọn lành, vì cầu nguyện là hơi thở, là nguồn sống cho đời sống tu trì của mỗi chúng ta.

·        Cần phải biết lắng nghe nhau, góp ý cho nhau, giúp đỡ sửa lỗi và tha thứ cho nhau để xây dựng cho nhau có một đời sống dâng hiến cho Chúa và các linh hồn mỗi ngày mỗi tốt hơn.

·        Phải coi các tu sĩ như là những cộng tác viên chứ không phải là những người cấp dưới hay người giúp việc, nhất là đối với các nữ tu. Phải có tinh thần cởi mở và tạo điều kiện tốt nhất để họ làm việc, và đối xử với họ theo đức công bằng.

5.b Những gì không nên cư xử, nói và làm

·        Không làm gương mù gương xấu, bè phái và phân biệt Dòng nọ Dòng kia, nhất là khi có nhiều dòng tu cùng hoạt động và cộng tác để làm cho giáo xứ tốt hơn. Không can thiệp vào việc nội bộ của các Hội Dòng.

·        Không kết án hay xét đoán vội vàng, hoặc nói hành nói xấu, làm mất danh dự, tiếng tốt của họ. Không làm hay nói lời tiêu cực phương hại đến sự hiệp nhất.

·        Không tìm ảnh hưởng hay uy tín cho cá nhân mình. Không đi sâu vào đời sống cá nhân, nhất là đối với nữ tu, nhưng phải tôn trọng và thăng tiến, cộng tác và nâng đỡ khi họ cần giúp đỡ về tinh thần.

·        Không cục bộ và cá nhân chủ nghĩa: Việc mình mình làm, việc người người làm.

·        Không coi thường họ như những người giúp việc hay thuộc hạ, mà phải nhìn nhận và biết ơn họ là những cộng tác viên rất đắc lực cho hàng giáo sĩ trong các hoạt động mục vụ như giáo lý, ca hát, đàn nhạc…

 

6. Tương quan với nữ tu lớn tuổi và có trách nhiệm

6.a Những gì nên cư xử, nói và làm

·        Kính trọng các nữ tu lớn tuổi và có trách nhiệm vì họ vừa là những người lớn tuổi, vừa là người lão luyện trong đời sống tu trì. Coi trọng họ như người chị, người mẹ.

·        Trao cho họ những công việc phù hợp. Đáp ứng các nhu cầu của họ, khi có khả năng. Nên gặp gỡ, chia sẻ, giúp đỡ, động viên và khích lệ họ, về đời sống tinh thần cũng như vật chất, cầu nguyện cho họ và xin họ cầu nguyện cho ta.

·        Sống thành thật, khiêm nhường, cởi mở, tin tưởng, cảm thông và ân cần giúp đỡ họ trong lúc thi hành sứ vụ cũng như trong đời sống tu trì. Trong đời sống mục vụ, mời gọi họ cộng tác, biết lắng nghe và đón nhận những lời góp ý.

·        Đối với những người có trách nhiệm cùng phục vụ giáo xứ, hãy kính trọng và giúp đỡ họ thực thi trọng trách của họ.

·        Nếu họ ốm đau bệnh tật và khó khăn vật chất, tinh thần giảm sút, ý chí bị suy nhược, cần thăm viếng động viên và cầu nguyện cho họ.

·        Nâng đỡ phần hồn phần xác những người đã có công xây dựng giáo xứ, Giáo hội địa phương đến nay phải nghỉ hưu. Giúp đỡ tinh thần và vật chất; làm tốt và nói tốt để yên ủi họ trong tuổi già.

6.b Những gì không nên cư xử, nói và làm

·        Không chen vào nội bộ Nhà Dòng. Không kiếm cách ảnh hưởng lên Bề trên trị bề dưới, hoặc theo phe bề dưới chống Bề trên. Hãy đổ dầu bác ái vào các bánh xe, nhưng đừng đả động đến bộ máy.

·        Không làm ra vẻ kẻ có quyền để hống hách, vội chấp nhất, vội khiển trách, sửa sai họ trước công chúng hay bề dưới của họ.

·        Không nói tâng bốc, khen không đúng sự thực; cũng không nói hành nói tỏi, hay nói sai sự thật, làm mất mặt họ trước công chúng. Tuyệt đối không đưa họ lên tòa giảng.

·        Tránh những lời nói dễ bị hiểu lầm khiến họ có cảm giác bị xúc phạm, bị hắt hủi, bị bỏ rơi. Trái lại, phải tỏ ra tôn trọng các nữ tu lớn tuổi và bênh vực họ khi họ gặp khó khăn trong công việc cũng như trong cuộc sống, vì người lớn tuổi thường hay tự ti vì tuổi tác và sự đào thải của tuổi già.

·        Tránh nói năng, cư xử thiếu lịch sự, tế nhị, tỏ thái độ khinh thường, không tôn trọng, nói xấu, nói hành làm thiệt hại cho họ và quyền bính của họ.

·        Không vượt quyền, hay làm việc thẳng với cấp dưới của họ, nhưng phải trao đổi thông qua họ.

 

7. Tương quan với nữ tu bằng tuổi và có trách nhiệm

7.a Những gì nên cư xử, nói và làm

·        Tôn trọng họ và đời sống tu trì của họ. Phải khôn ngoan và tỉnh thức trong tiếp xúc, gặp gỡ và làm việc chung với họ. Phải nhớ mình là linh mục và họ là nữ tu đều thuộc về Chúa và là của Chúa. Luôn giữ khoảng cách cần thiết và dè dặt trong mọi lãnh vực, nhất là về đời sống khiết tịnh.

·        Đừng quên lời khuyên “tỉnh thức và cầu nguyện” của Chúa Giêsu trong Tin mừng:[441] là những con người thánh hiến, nhưng chúng ta vẫn không thôi là những con người với những yếu đuối nhân loại.

·                 Dùng đúng người đúng việc, nói rõ mục đích hướng tới. Có kế hoạch, chương trình làm việc cụ thể. Tin tưởng trao công việc. Tôn trọng người cộng tác. Khích lệ đời sống thiêng liêng tông đồ.

·        Cổ vũ, khen thưởng khi cần. Sống đức công bằng qua việc động viên khích lệ và thù lao cho họ khi họ đã cộng tác với mình trong công việc.

·        Làm và nói tốt cho nhau, đúng sự thật. Quảng đại và không chấp vặt việc nhỏ. Không keo kiệt, cần cởi mở, vui vẻ.

·        Phải biết tôn trọng các nữ tu vì họ là những cộng tác viên, chứ không phải là thuộc hạ hay người giúp việc; luôn sống trong sự bổ túc hài hòa và liên đới. Biết lắng nghe những lời góp ý, sửa lỗi của họ. Và cũng hãy chân thành làm như vậy cho họ.

·        Phải luôn nhớ nhu cầu cầu nguyện và khổ chế. Thánh Phaolô dạy rằng chúng ta gìn giữ kho tàng ấy trong những chiếc bình sành dễ vỡ,[442] bởi vì mọi người đều mang bản tính nhân loại và có phái tính. Khi có công việc phải trao đổi với họ, hãy tiếp chuyện ở chỗ trống trải hay phòng khách.

·        Chia sẻ kinh nghiệm, đối thoại, hiểu biết, cảm thông, giúp đỡ họ khi có những khó khăn trong cộng đoàn. Nên chỉ dẫn thêm, khích lệ, hỗ trợ để họ hoàn thành công việc được giao. Cần tôn trọng tuổi tác và trọng trách của họ.

·        Giúp nhau sống và chu toàn những điều đã cam kết trong ơn gọi và sứ vụ của mỗi người, vì ơn gọi chung là dâng hiến trọn đời cho Chúa.

7.b Những gì không nên cư xử, nói và làm

·        Không can thiệp sâu vào đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn của họ, và cũng không cho họ can thiệp sâu vào công việc của mình và việc của giáo xứ.

·                 Không nên có những lời nói, cử chỉ hay thái độ thiếu lành mạnh, trong sáng để bảo toàn đức thanh sạch cho họ và cho mình. Luôn nhớ họ là một nữ tu thánh hiến cho Chúa và Giáo Hội cũng như cho các linh hồn. Không để tình cảm của mình lấn lướt và để những yếu đuối, đam mê của mình sai khiến và cám dỗ mình.

·        Không để họ sai khiến mình, điều khiển mình, lèo lái mình trong bất cứ công việc gì. Vì thực tế đàn ông thường yếu mềm trước những cử chỉ khôn khéo của phụ nữ, và hay thể hiện tính cao thượng trước những khó khăn họ mắc phải.

·        Tránh những cuộc gặp gỡ riêng tư lâu giờ vì dễ dẫn đến nguy hiểm cho đời sống độc thân thanh khiết. Không nên thân thiện quá mức, thiếu tế nhị, hoặc nói những câu bông đùa quá trớn, một lời hai ý, dễ dẫn đến hiểu lầm.

·        Không nên cho họ biết tất cả những gì mình muốn làm khi công việc đó không liên quan tới họ. Không nên đi sâu vào đời tư của họ, hoặc tâm sự đời tư của mình cho họ.

·        Không coi thường đức khôn ngoan và cảnh tỉnh khi tiếp xúc với họ. Thánh Augustinô “chỉ đến dòng nữ khi cần và đem người đi theo, để giữ gìn thanh danh của mình và để cho các tâm hồn đã tự hiến cho một mình Chúa chỉ yêu một mình Chúa.”

·        Không khen người này trách người kia trước mặt ai, nhất là giáo dân. Không bạ đâu nói đấy, kể cả trong việc giao công tác. Không làm hay nói gì không cần thiết, nhất là trong khi phải khiển trách.

·        Không được đối xử thiếu tế nhị, chẳng quan tâm để ý nâng đỡ các nhu cầu tinh thần cũng như vật chất của họ khi họ cùng làm việc với mình.

·        Không can thiệp vào vấn đề kỷ luật và tổ chức nội bộ của họ.

 

8. Tương quan với các nữ tu trẻ

8.a Những gì nên cư xử, nói và làm

·        Trong bất cứ tiếp xúc nam nữ nào cũng tiềm ẩn tính cách phái tính. Do đó, cần thận trọng trong các mối quan hệ với nữ tu trẻ; dè dặt trong các lần tiếp xúc, bởi vì cùng cảnh ngộ dễ đồng cảm…

·        Phải ý thức rằng sự thân mật là nhu cầu của con người, nhưng sự thân mật trong đời sống độc thân không cần và không được biểu lộ bằng thể lý. Do đó, phải đứng đắn, nghiêm túc khi giao tiếp. Sự thân mật độc thân có mức độ thích hợp của nó và sẽ cung ứng đủ tự do để yêu thương mọi người và không vượt quá các giới hạn.

·        Có thể khuôn đúc mối tương quan nam nữ theo gương mẫu đời sống của Chúa Ba Ngôi và kêu xin Chúa ban ơn can đảm để thăng tiến, vượt thắng và thánh hoá “tiếng gọi nhân loại” ngõ hầu giúp nhau sống và chu toàn những gì đã cam kết trong ơn gọi và sứ vụ của mỗi người.

·        Linh mục phải giao tiếp với mọi người, nên phải thiết lập một mối tương quan trưởng thành, lành mạnh, hài hòa và quân bình giữa hai phái.

·        Phải biết tôn trọng nơi chốn, thời gian, khoảng cách và giới hạn cần thiết, về thể lý cũng như tâm lý, của các cuộc gặp gỡ; luôn giữ sự kính trọng chứ không lạm dụng và suồng sã; ý thức sự hiện diện vô hình của Chúa.

·        Phải rõ ràng và thành thật với chính mình, với người khác và với Thiên Chúa, bởi vì sự “hẹn hò” yêu thương thường được che giấu dưới những lý do hợp pháp và chính đáng của các công tác và hoạt động mục vụ, nhưng “thực tế đó là những nghiêng chiều nguy hiểm của con tim.”

·        Phải học thái độ Chúa Giêsu đối với các phụ nữ trong Phúc Âm, xác định rằng tình yêu của Thiên Chúa là trên hết, và chỉ Thiên Chúa mới làm thỏa mãn được con tim chúng ta, Ngài đang hiện diện trong cuộc đời chúng ta, đồng hành bên cạnh chúng ta để nâng đỡ và bảo vệ chúng ta.

·        Chúa Giêsu để các phụ nữ cộng tác trong kế hoạch cứu độ bằng cách cho họ tháp tùng trong hành trình truyền giáo và dùng họ loan báo Tin Mừng Phục sinh cho các Tông đồ.

·        Mời họ cộng tác làm việc trong giáo xứ, trao công việc cụ thể và cho họ biết nguyên tắc làm việc. Cần có những buổi học hỏi thêm kỹ năng làm việc; bồi dưỡng thêm đạo đức, kiến thức và nhân bản.

·        Cần phân công công việc cho mỗi người rõ ràng. Khi trao việc cũng cần quan tâm tin tưởng và tế nhị trả tiền chi phí cho các công việc mà ta nhờ họ làm như mua hoa, nến, giấy hát, bài vở, lộ phí…

·        Làm gương sáng trong đời sống cầu nguyện và việc tông đồ. Sống vui vẻ cởi mở và quảng đại, nhiệt tình sáng tạo.

·        Tôn trọng họ là những cộng tác viên, không phải là thuộc hạ hay người giúp việc, sống hài hòa và liên đới. Sống hòa thuận để làm gương cho giáo dân.

·                 Giúp đỡ họ về tinh thần cũng như vật chất cần thiết cho công việc tông đồ. Mời họ cộng tác trong việc từ thiện bác ái, dạy giáo lý.

·        Cần giữ trong đầu và tâm hồn sự lệ thuộc của họ và của mình đối với Chúa. Cầu nguyện cho họ và cho chính mình.

·        Tương quan cởi mở, hiểu nhau, chia sẻ sứ vụ, khó khăn, tin tưởng, cảm thông, chăm sóc, giúp đỡ nhau chu toàn sứ vụ và cam kết ơn gọi của mỗi người.

·        Cần định hướng cho họ để họ vững vàng trong đời tận hiến. Thái độ, cử chỉ, lời nói phải rõ ràng khi giao tiếp với họ. Thận trọng trong mọi vấn đề; những gì họ nói, cần phải suy xét, chớ vội tin.

·                 Nên nhắc nhở khi thấy họ đi quá trớn hoặc làm những việc không hợp với đời tu hay ảnh hưởng tới ơn gọi của họ, chẳng hạn những cử chỉ bất nhã, thiếu lịch sự, kiểu “quen quá hoá nhờn”.

·        Cần nêu gương sáng về đời sống cầu nguyện và đời sống thánh thiện cho họ. Phải có tâm hồn bao dung, quảng đại sẵn sàng chỉ dẫn cho họ cách thức phục vụ nơi giáo xứ. Quan tâm tới đời sống tinh thần và vật chất của họ nữa, theo lẽ công bằng.

8.b Những gì không nên cư xử, nói và làm

·        Không đùa dỡn và chiều chuộng quá mức cần thiết. Không liên hệ quá thân mật với các nữ tu và tiếp họ quá lâu trong nơi kín đáo hoặc phòng riêng, nhất là các nữ tu trẻ, khiến người ta hiểu lầm, và cũng dễ dẫn đến nguy hiểm cho đời độc thân linh mục. Không nên bỏ qua dư luận.

·        Không nên trao đổi hay bồi dưỡng riêng, tránh sự hiểu lầm. Tránh gặp gỡ lâu giờ, nói chuyện to nhỏ. Không nên đi sâu vào đời tư của họ, hoặc tâm sự đời tư của mình cho họ, vì họ dễ động lòng. Không nói cho họ biết những gì họ không có trách nhiệm.

·        Không thân mật quá mức, bộc lộ khuynh hướng muốn chiếm hữu, ghen tuông, muốn độc quyền. Phải có những giới hạn cần thiết. Và cũng không để họ biểu hiện như thế đối với mình.

·        Không ép buộc họ phải làm công việc ngoài khả năng. Tránh trao nhiều công việc một lúc, hay trao rồi lại rút lại, thay đổi như chong chóng.

·        Không nên có cái nhìn lệch lạc, coi các nữ tu là thiếu trình độ và hiểu biết, vì ngày nay nhiều nữ tu cũng học rộng tài cao không kém hàng linh mục.

·        Nhưng cũng không nên quá coi trọng đến độ để họ sai khiến mình mà không biết. Không để các nữ tu tham dự sâu vào công việc điều hành Giáo xứ. Tránh thiên vị coi người này hơn người kia, quí các nữ tu trẻ mà coi thường các nữ tu già.

·        Không can thiệp vào chuyện riêng tư của nhà Dòng trong việc họ đổi đi hay ở lại xứ. Không nên coi thường hay gây khó khăn. Không nên nói xấu họ trước mặt người khác.

(còn tiếp)

_______

Chú thích

[441] Mt 26,41 và Mc 14,38.

[442] x. 2 Cor 4,7.

VỀ MỤC LỤC
CHĂM SÓC MÁI TÓC
 

Mái tóc là nguồn cảm hứng của thi nhân, họa sĩ hàng bao thế kỷ. Nó đã làm ngây ngất người trai học sinh mười tám, ngồi sau, nhìn lên mớ tóc thề người yêu bàn trước; đã làm ngẩn ngơ lòng anh nông phu chất phác trước cảnh giữa trưa Hè, chị Lụa hong tóc thoảng hương bồ kết nơi đầu hiên.

Đã thấy trong ca dao có lả lơi, cợt nhả:

Chị kia bới tóc đuôi gà,

Nắm đuôi tóc lại hỏi nhà chị đâu”,

 

hoặc đứng đắn, trang nghiêm:

“Cá tươi thì xem lấy mang.

Người khôn xem lấy hai hàng tóc mai”.

 

Trải qua thời gian, tuổi tác, tóc thay đổi và báo hiệu sự chuyển tiếp từ tuổi ngọc, tuổi trung tráng niên sang tuổi hạc tuổi vàng của con người.

Tóc sẽ khô, nhỏ sợi đi, và có mầu bạc, sẽ rụng nhiều hơn. Đôi khi ngược đời tóc lại mọc nhiều ở những nơi bình thường có ít như lỗ mũi, vành tai, mày ngài.

Những tuyến nhờn dưới chân tóc kém hoạt động, tóc thành khô, cứng, dễ gẫy hoặc chẻ đôi.

Với tuổi cao, sự nuôi dưỡng, nhất là đạm chất, giảm bớt khiến tóc cũng chịu chung số phận thiếu dinh dưỡng. Sợi tóc nhỏ, kém vẻ mầu mỡ tươi tốt. Tóc một lão nhân 70 tuổi sẽ trở về vẻ mảnh mai như khi mới sanh.

 

1- Tóc bạc

Khi tế bào mầu trong tóc giảm, tóc thành không mầu mà ta gọi là tóc bạc. Càng ít mầu, tóc càng bạc hơn. Sự bạc tóc là chuyện bình thường, sớm muộn gì cũng xẩy ra ở con người. Tóc khởi sự bạc ở hai bên thái dương bạc lên.

Khoa học chưa giải thích được tại sao tóc bạc mà chỉ đoán là vì thiếu chất dinh dưỡng, sinh tố B hoặc là do căng thẳng tâm trí, do gene xấu. Ngũ Tử Tư qua một đêm suy nghĩ trầm kha, sáng ra tóc bạc phơ. Anh em cựu tù nhân cải tạo mình thiếu gì người bạc tóc chỉ sau vài tháng, vài năm nhập trại, xa gia đình, vợ con. Và nàng Kiều vất vả nên “ Đầu xanh mấy nỗi pha mầu tóc sương”

Chưa có cách nào để lật ngược hiện tượng bạc tóc. Tuy nhiên vì nhiều người quá quan tâm, âu lo tới nó nên đã làm giầu cho đám con buôn cả tỷ bạc mỗi năm với những mỹ phẩm, thuốc nhuộm. Ta có thể để nó bạc tự nhiên nom cũng hấp dẫn và có uy tín lắm. Hoặc nhuộm với các loại thuốc nặng nhẹ khác nhau, nhưng cứ dăm bẩy tuần lại phải nhuộm lại. Chứ mà để tóc chân trắng mình đen coi cũng hơi kỳ.

Thuốc nhuộm tóc thường có ba loại:

- loại chỉ phủ qua trên sợi tóc rồi hết ngay sau khi gội nước;

- loại hơi ngấm vào tóc và loại ngấm lâu hơn.

- Loại thứ ba là hợp chất Hydrogen peroxide và phẩm mầu đen.

Thuốc nhuộm tóc thường ăn da, nên ta cần cẩn thận, nhất là tránh thuốc dính vào mắt.

 

2-Rụng tóc.

Ngoài cái lo tóc bạc lại đến ưu tư về tóc rụng.

Có nhiều nguyên nhân làm rụng tóc như:

a- Dùng mỹ phẩm nhuộm, uốn tóc không đúng chỉ dẫn, quá nhiều, quá thông thường hoặc nhiều thứ cùng một lúc;

b- Búi kéo tóc quá căng; chải tóc với lược có răng liền nhau, nhất là lại chải mạnh tay;

c- Phụ nữ sau khi sanh, tóc rụng vài tháng nửa năm mới hết;

đ- Một vài dược phẩm chữa cao huyết áp, phong thấp, bệnh tim hoặc thuốc viên ngừa thai;

e- Dinh dưỡng thiếu chất đạm, sắt hoặc uống nhiều sinh tố A;

g- Ảnh hưởng của hóa chất hoặc tia phóng xạ khi trị ung thư;

h- Căng thẳng tâm thần;

i- Trong bệnh rụng tóc Alopecia Areata.

 

3- Hói đầu.

Khi tóc rụng nhiều hơn thường lệ và không được thay thế, ta có thể thành hói đầu, một hiện tượng chung và bình thường cho cả nam (43%) lẫn nữ (8%).

Chẳng ai biết tự nhiên tại sao ta hói.

Xưa kia, người ta bảo hói là vì những chất độc đó đây ảnh hưởng vào tóc. Có một thời kỳ, sinh viên y khoa được giảng dạy là não bộ nở ra do trí thông minh cao khiến tóc rụng nhiều, chứng cớ là đàn bà và người nô lệ ít hói!!!

Có người lại bảo đội mũ nhiều, gội tóc quá thường, đầu nhiều gầu, làm ta hói. Rồi lại cho hói là dấu hiệu của kém khả năng đàn ông.

Ngày nay theo khoa học, bình thường hói là do di truyền. Thành ra cứ nhìn vào tấm hình chụp của tiền nhân ta có thể ước đoán được tương lai, số phận mái tóc của ta.

Hói có nhiều kiểu, nhất là ở đàn ông.

Từ năm 1950, mẫu Hamilton với 8 kiểu hói đã được dùng để phân loại. Mẫu thông thường là hói từ trán lên đỉnh đầu, ra phía sau chừa một vành tóc hình móng ngựa trên gáy. Nữ giới thì tóc rụng từng chỗ trên khắp đầu.

Quan sát cho hay dân Châu Phi rất ít hói, người Á Châu lại càng ít hơn.

Hói đã làm nhiều người lo âu, rầu rĩ. Các bác sĩ cho rằng tâm trạng sợ hói nguy hại hơn chính hiện trạng hói. Vì ngoại trừ khi do các nguyên nhân kể trên gây ra, hói di truyền chẳng có hại gì cho sức khỏe.

Tuy vậy, từ thuở xa xưa, con người đã tìm đủ mọi phương cách để trị hói.

Nữ Hoàng Ai Cập những thế kỷ trước dùng chất sáp chế từ vỏ trái chà là và chân chó. Vài người khuyên muốn khỏi hói thì đàn ông thiến quách nó đi vì họ nghĩ rằng nhiều kích thích tố Testosterone đưa tới hói. Nhiều anh lang băm đã rùm beng quảng cáo đủ loại thuốc mọc tóc, mọc lông và bợ được khối tiền của khách dễ tin.

Hiện nay, trên thị trường có thuốc Rogaine, giúp tóc mọc lại khi thoa lên da đầu. Thuốc khá công hiệu, nhất là ở người trẻ. Nhưng không phải ai cũng có kết quả tốt. Nếu tốt thì cả năm sau mới trông thấy và muốn có tóc mọc dài lâu thì phải dùng liên tục vì ngưng thuốc thì sợi tóc mới mọc sẽ rụng đi. Một tháng tốn cả 100 mỹ kim mà bảo hiểm thường không trả tiền thuốc.

Lại còn thuốc viên Propecia uống mỗi ngày, một tháng cũng tốn đến trên dưới 50 mỹ kim.

Ta cũng có thể cấy tóc.

Khoa cấy tóc, khởi thủy từ bên Nhật vào thập niên 1930, ngày nay rất phổ biến vì hiệu nghiệm.

Bác sĩ sẽ cấy vào da chỗ hói một dúm chừng 10 sợi tóc lấy từ phần sau hay bên cạnh đầu mình. Vài tuần sau thì tóc cấy này rụng nhưng chân tóc đã vững và tóc mới mọc ra. Thường thường ta cần 4 lần cấy cách nhau 4 tháng. Phương pháp này cũng khá tốn kém, mươi ngàn mỹ kim trở lên là ít.

Rẻ tiền hơn có lẽ là chỉ việc phủ lên đầu một mái tóc giả hóa chất hoặc tóc thật của tha nhân, vừa mau chóng, lúc nào cũng có và lại đủ mầu sắc, kiểu cọ rất vui mắt.

Nếu không thì có sao để vậy. Người đẹp đâu có chê đầu hói không gợi tình mà ta phải lo. Mà cũng già đời rồi, đâu còn sợ chế riễu

“ Đầu trọc long lóc bình vôi,

Cậu ngồi cậu ị, cậu bôi lên đầu”

như thuở thò lò mũi xanh, ăn miếng bánh đúc chạy quanh sân trường.

 

4- Gội đầu, nhuộm tóc

Ngày xưa, thiếu nữ quê ta giản dị chỉ gội tóc bằng nước bồ kết, vừa thơm vừa vô hại. Rồi xức dầu thảo mộc cho óng, cho mịn, lại chẳng tốn kém bao nhiêu. Vậy mà gặp phải anh chồng keo kiệt còn bị than phiền rằng “tóc dài thì tốn tiền dầu”.

Chẳng bù với bây giờ, nam nữ tân thời người ta tiêu cả nhiều triệu mỹ kim mỗi năm mua mỹ phẩm cũng như trả công săn sóc để “có mái tóc đẹp, cho người tình khen”.

Có điều ta cũng nên nhớ vài căn bản sinh hóa học về tóc để mỹ phẩm khỏi làm hư tóc:

a- Sợi tóc là tập hợp của những tế bào đã chết nên không nuôi tóc được bằng mỹ phẩm bôi, xức, mà phải bồi dưỡng bằng khẩu phần ăn cân bằng cho cơ thể.

b- Mức độ pH bình thường của tóc là 4.5 - 5.5 nên mỹ phẩm có độ kiềm với pH trên 7 đều làm tóc khô, hư, chẻ và rụng.

c- Tia tử ngoại của nắng là kẻ thù gây tóc khô ở thân tóc và chẻ ở đầu sợi tóc. Sấy tóc cho khô bằng hơi quá nóng không những hư sợi tóc mà còn làm chết chân tóc.

đ- Đa số mỹ phẩm nhuộm tóc, uốn ép tóc, shampoo đều không tốt cho tóc. Shampoo bán ngoài siêu thị thường có hóa chất surfactants để làm sạch và làm đẹp tóc. Ngoài ra những chất pha thêm như lanonin, thảo mộc, trứng, tinh chế dạ con, la de không ích lợi gì cho tóc mà chỉ làm lợi tài chánh cho nhà sản xuất.

Thuốc nhuộm gốc thảo mộc được dùng qua nhiều thế kỷ, ít hại cho tóc vì nó dính vào tóc tùy theo thuốc pha đặc, loãng.

Thuốc nhuộm hóa học có nhiều hợp chất kiềm, không những có hại cho tóc mà còn gây dị ứng cho da, cho nên ta cần cẩn thận. Vì thế cho nên nhiều nhà sản xuất đều nhắn nhủ ta nên bôi thử trên da coi có phản ứng không trước khi nhuộm. Và khi ta không thích mầu nào thì không nên dùng hóa chất khác để rửa mà đợi khi tóc dài ra thì cắt ngọn tóc đó đi.

Cần tránh dùng quá nhiều hóa chất khác nhau trên tóc.

Săn sóc tóc hàng ngày cũng là một nghệ thuật, tốn thì giờ vì tóc nói vậy mà mỏng manh.

- Chải tóc nhẹ từ chân tóc lên để phân tán chất nhờn đều lên thân tóc.

- Dùng lược thưa răng để tránh tổn thương sợi tóc và không nên chải tóc khi còn ướt vì lược sẽ kéo dài tóc ướt còn dính vào nhau. Có thể dùng kẽ ngón tay để gỡ dần tóc ướt còn dính với nhau. Được ngón tay người tình rẽ tóc thì tốt hơn nữa.

- Khi gội đầu, làm tóc ướt với nước ấm, đổ shampoo vào lòng bàn tay, bôi lên tóc. Lấy đầu ngón tay (không phải móng tay) thoa cho đều vào tóc và chân tóc rồi xả nước cho sạch hết shampoo. Bình thường ta có thể gội tóc với cục xà bông tắm là quá đủ để làm sạch bụi bậm, hóa chất trong không khí dính vào tóc.

- Lau khô tóc rất nhẹ nhàng bằng khăn tắm. Tốt hơn cả là hong tóc khô tự nhiên trong không khí. Nếu cần sấy cho khô, nên dùng hơi nóng vừa phải và giữ máy sấy xa da đầu một chút.

Khi búi tóc, chải kiểu, tránh kéo tóc quá căng. Nếu cần cuốn tóc, nên quấn nhẹ vào cuộn rồi để qua đêm, sáng hôm sau gỡ ra.

Con người đã bỏ thì giờ chăm sóc, nghĩ tới và tốn tiền cho mái tóc nhiều hơn là bất cứ bộ phận nào trong cơ thể. Vì cái tóc cùng với cái răng, là cả một góc con người.

 

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

www.bsnguyenyduc.com

 
VỀ MỤC LỤC
Bệnh sống vô trách nhiệm

 

(Ghi lại bài nói chuyện của Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận với giới trẻ Việt Nam tại Strasbourg, Pháp, chiều ngày 12.9.1998)

 

Giới thiệu

Muốn thành công trước hết phải chữa trị tận gốc mười (10) chứng bịnh làm băng hoại xã hội ngày nay.

Cuộc sống cộng đồng và Giáo hội, không những ở Việt Nam mà ngay cả ở hải ngoại, hiện đang có những bất ổn. Không hoặc chưa phát huy được nét tích cực của mình. Do đâu ?

Có rất nhiều căn nguyên. Những căn nguyên này là những chứng bịnh vừa nguy hiểm vừa truyền nhiễm đang hoành hành trong xã hội, và có cơ nguy làm cho cuộc sống xã hội băng rã. Tôi qui chúng lại thành mười bệnh lớn: Thập đại bịnh.

9. Bệnh sống vô trách nhiệm

Triệu chứng: thờ ơ trước những khó khăn của Hội thánh và Quê hương, trước những đau khổ của người khác. Chả thấy mình có trách nhiệm gì cả. Hoá ra những người mắc bệnh này chẳng hiểu gì về phép Rửa, chẳng còn nhớ gì sứ mạng được trao qua phép Rửa đó. Qua phép Rửa, được làm con Chúa, đó là Hồng ân, và phép Thêm sức làm cho ta nên chiến sĩ của Chúa đó là trách nhiệm, mỗi người chúng ta được trao ban cả Nước Trời trong lòng mình, đồng thời cũng được giao phó sứ mạng phải loan báo cho mọi người về Nước Trời mình đang mang. Vì không ý thức và quan tâm nên họ giữ đạo hời hợt, sống đạo một cách vô trách nhiệm.

Ngày xưa cha Hậu (cố Olivier) ở Sàigòn thường nói với bổn đạo: Anh chị em phải biết, mình quả thật sung sướng vì được Chúa cho cả Nước Trời trong lòng. Anh chị em cũng giống như một người mang trong mình vé số độc đắc đã trúng mà chưa lãnh. Và bổn phận của anh chị em là chia sẻ ân huệ và niềm vui đó cho người khác.

Mỗi người trong xã hội đều có trách nhiệm riêng. Chứ không phải giáo dân thì cứ đổ cho cha xứ, linh mục thì đổ cho giám mục, giám mục lại chỉ tay về Giáo hoàng. Như thế Giáo hoàng lại đổ cho Chúa à ! Thái độ phủi tay không giải quyết được gì. Mà mỗi người, tùy vị trí và hoàn cảnh riêng, trước hết phải xắn tay nắm lấy mà giải quyết nhiệm vụ của mình.

Đức Hồng Y Phanxcô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************